Tin Thế Giới
1.
TQ lắp đặt hệ thống phòng thủ trên đảo nhân tạo --- Philippines không muốn làm hậu đài cho Mỹ tuần tra Biển Đông --- Campuchia ca ngợi quan điểm của Philippines về Mỹ, Trung
Chính phủ Trung Quốc dường như đã xây dựng một số cơ sở phòng thủ quân sự lớn trên các hòn đảo nhân tạo mà nước này xây dựng tại khu vực đang tranh chấp ở Biển Đông.
Các bức ảnh chụp từ vệ tinh, được công bố hôm 14/12 trong một báo cáo của cơ quan Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, cho thấy sự hiện diện loại súng chống chiến đấu cơ loại lớn và có vẻ như là hệ thống phòng thủ tên lửa loại nhỏ trên mỗi tiền đồn của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa.
Cơ quan này đã giám sát qua vệ tinh việc xây dựng cơ sở quân sự từ tháng Sáu. Nhóm cho biết Trung Quốc đã xây dựng các tòa nhà gần giống nhau để chứa các thiết bị quốc phòng trên bốn hòn đảo nhỏ.
Báo cáo cho biết các cơ sở quốc phòng có khả năng làm “tuyến phòng thủ cuối cùng” nhằm chống lại các cuộc tấn công vào các căn cứ không quân sẽ sớm được đưa vào hoạt động trên các hòn đảo. - VOA
***
Philippines một lần nữa chọc giận đồng minh lâu năm Hoa Kỳ, tuyên bố sẽ không làm hậu đài cho máy bay và tàu bè của Mỹ tiến hành các hoạt động thách thức Trung Quốc ở Biển Đông.
Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana tuyên bố Philippines sẽ không cho phép dùng lãnh thổ của mình làm hậu đài cho các cuộc tuần tra của Mỹ. Đây có thể là một hướng mới khác với chính sách hiện nay cho phép tàu, tàu ngầm, máy bay của Mỹ tiếp cận các căn cứ quân sự nhất định của Philippine theo thỏa thuận quốc phòng 2014.
Bộ trưởng Lorenzana cho biết tàu và máy bay của Mỹ có thể sử dụng Guam hay Okinawa ở Nhật trong các sứ mạng trên Biển Đông. Tuy nhiên, vẫn theo lời ông, tàu và máy bay Mỹ vẫn có thể tiếp nhiên liệu và tiếp tế tại Philippines sau các cuộc tuần tra như thế, chứ không phải là trước khi tiến hành tuần tra.
Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Mỹ Elizabeth Trudeau, từ chối bình luận về tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Philippines vì bà chưa được thông tin chính thức, nhưng bà nói thêm rằng: “Cam kết của chúng tôi về quyền tự do hàng hải ai cũng biết. Chúng tôi sẽ đưa máy bay và tàu bè tới bất cứ nơi nào trong vùng biển quốc tế và chúng tôi sẽ tiếp tục công việc đó.”
Chỉ huy Stephen Lanza, người dẫn đầu các cuộc diễn tập quốc tế ở Thái Bình Dương cho hay quân đội Mỹ đang chuẩn bị chuyển các cuộc tập trận chung với Philippines trong năm sau thành các cuộc huấn luyện nhân đạo và cứu trợ thảm họa.
Ông Lanza cho VOA Việt ngữ biết “Nếu chúng tôi thay đổi huấn luyện, có lẽ chúng tôi sẽ tính tới việc điều một lực lượng khác, một khả năng khác tại Philippines khác với kế hoạch thoạt đầu mà chúng tôi đã dự tính.” Ông Lanza muốn nhắc tới trọng tâm ban đầu vào khả năng quốc phòng lãnh thổ của Philippines.
Tổng thống Rodrigo Duterte của Philippines đang tìm cách xoa dịu tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ở Biển Đông. Ông đã tuyên bố ý định giảm các hoạt động giao tiếp quân sự của Philippines với Mỹ, trong đó có kết hoạch tiến hành các cuộc tuần tra chung với hải quân Hoa Kỳ trong các vùng biển có tranh chấp. Các cuộc tuần tra chung này lâu nay bị Trung Quốc phản đối.
Tuy nhiên, Manila vẫn còn phụ thuộc vào Washington. Thứ sáu tuần trước, hải quân Philippines vừa tiếp nhận một tàu khu trục thứ ba từ Lực lượng Tuần duyên Mỹ. - VOA
***
Quan điểm của Tổng thống Philippines, Rodrigo Duterte, chống lại sự ảnh hưởng của Tây phương khiến giới lãnh đạo Campuchia xem ông là một đồng minh, dành cho ông một sự tiếp đón tương đối nồng hậu trong chuyến thăm cấp nhà nước mới đây.
Theo Manila Philstar, bất chấp phương thức tìm cách giải quyết mâu thuẫn ở Biển Đông của hai nước khác nhau, đại sứ Philippines Christopher Montero cho biết Thủ tướng Campuchia thán phục Tổng thống Duterte về việc tránh không để phương Tây ảnh hưởng các vấn đề nội địa.
Ông Duterte đang tiến hành một chính sách ngoại giao ‘độc lập’ gây xáo trộn mối quan hệ với đồng minh lâu năm là Hoa Kỳ.
Tổng thống Philipipnes cũng đang tìm sự hậu thuẫn cho mục tiêu đoàn kết ASEAN trong lúc Manila đảm nhiệm vai trò chủ tịch Hiệp hội 10 nước Đông Nam Á vào năm sau.
Một đặc điểm chính trong chính sách ngoại giao của ông Duterte là quan hệ gần hơn với Bắc Kinh.
Philippines chỉ hy vọng 1 chuyến thăm chính thức nhưng chuyến công du đã được nâng cấp lên thành chuyến thăm cấp nhà nước với lời mời từ Quốc vương Campuchia.
Trước đây trong năm, Campuchia bị chỉ trích là ngăn một tuyên bố mạnh mẽ của ASEAN đối với các hành động gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông. Tuy nhiên, đại sứ Philippines nói vấn đề Biển Đông không định hình mối quan hệ giữa PhnomPenh với Manila, mà còn nhiều lĩnh vực hợp tác khác nữa.
Hai nước đang nỗ lực hướng tới bản ghi nhớ tăng cường trao đổi tình báo giữa đôi bên. - VOA
|
|
2.
Ông Duterte thừa nhận đã giết người
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte thừa nhận bản thân ông đã giết chết một số người bị tình nghi là phạm tội hình sự khi ông còn là thị trưởng Davao.
Đây là lần đầu tiên ông thừa nhận điều này kể từ khi trở thành tổng thống hồi tháng Sáu, nhưng những thông tin tương tự đã được ông nhắc tới từ hồi 2015.
Ông đã điều hành thành phố miền nam nay trong hai thập niên, nổi tiếng vì đã cắt giảm được tình trạng tội phạm, và bị chỉ trích về việc ủng hộ các 'đội tử thần'.
Ông Duterte phát biểu trước các lãnh đạo doanh nghiệp tại dinh tổng thống hôm thứ Hai, trước khi có chuyến công du nước ngoài.
Đây là diễn biến mới nhất trong loạt các bình luận gây tranh cãi và đôi khi có nội dung trái ngược nhau mà ông Duterte đưa ra.
"Tại Davao, tôi từng tự mình làm việc đó. Chỉ là chỉ cho họ [cảnh sát] thấy rằng nếu tôi có thể làm được thì tại sao họ lại không làm được," ông nói.
"Và tôi sẽ đi quanh Davao bằng xe máy, với một chiếc xe lớn, và tôi chỉ tuần tra các đường phố, nhìn xem có vấn đề gì ở đâu không. Tôi thực sự tìm kiếm xem có sự chống đối ở đâu không, có là tôi giết."
Điều này gợi lại các bình luận mà ông đưa ra hồi 2015, khi ông thừa nhận đã giết chết ít nhất ba nghi phạm bị cho là phạm tội bắt cóc và hãm hiếp tại Davao.
Nhưng chỉ vài giờ trước khi đưa ra những lời bình luận mới nhất, ông nói rằng "Tôi không phải kẻ sát nhân", khi ông có bài diễn văn ở giải Người Philippines Xuất sắc 2016.
Trước đây ông cũng từng vừa thừa nhận vừa bác bỏ việc có liên quan tới các 'biệt đội tử thần'.
Hồi tháng Chín, một cuộc điều tra của Thượng viện đã nghe lời khai của một cựu thành viên 'biệt đội tử thần' theo đó nói ông Duterte trong thời gian làm thị trưởng Davao đã bắn chết một nhân viên tư pháp bằng một khẩu tiểu liên tự động Uzi.
Gần 6 ngàn người được cho là đã bị cảnh sát và các nhóm nhân viên trị an và lính đánh thuê giết chết kể từ khi ông Duterte ra cuộc chiến chống ma túy sau khi đắc cử tổng thống, hồi tháng Năm.
Ông Duterte lặp đi lặp lại rằng ông không quan tâm tới nhân quyền, và nói các luật sư bảo vệ cho các nghi phạm liên quan tới ma túy có thể sẽ cũng trở thành mục tiêu tấn công trong chiến dịch của ông, phóng viên BBC Jonathan Head nói. - BBC
|
|
3.
Giao tranh ác liệt lại tiếp diễn ở Aleppo --- Syria-Aleppo: Vladimir Putin và Bachar al-Assad thắng lớn
Một thỏa thuận nhằm cho các phiến quân và dân thường sơ tán khỏi đông Aleppo dường như đã không thực hiện được; tin tức nói nơi này đang bị nã pháo dữ dội.
Thỏa thuận ngừng bắn được tuyên bố tại Aleppo hôm thứ Ba và các xe buýt được đưa tới để chở người ra khỏi khu vực bị tàn phá nặng nề.
Nhưng việc giao tranh đã lại tiếp tục hôm thứ Tư. Các nhà hoạt động người Syria nói các cuộc không kích đã được nối lại, nhắm vào vùng do phe phiến quân kiểm soát.
Việc đổ vỡ thỏa thuận vốn do Nga và Thổ Nhĩ Kỳ trung gian đàm phán được cho là do chính phủ Syria đưa ra nhiều đòi hỏi.
Tin tức nói phe phiến quân muốn cho di tản các chiến binh bị thương và dân thường ra các thị trấn lân cận.
Đông Aleppo nằm trong tay phiến quân kể từ 2012. Nhưng phần diện tích họ nắm giữ đã bị thu hẹp dần trong những tháng gần đây, kể từ khi quân chính phủ với sự yểm trợ của không lực Nga đã tiến hành cuộc tiến công lớn.
Theo thỏa thuận sơ tán người, các dân thường và phiến quân từ đông Aleppo được phép đi tới các vùng do phiến quân kiểm soát tại bắc Syria.
Việc sơ tán lẽ ra bắt đầu từ 05:00 (03:00GMT), nhưng đã không diễn ra như kế hoạch. Tin tức nói việc nã pháo được nối lại sau đó ít giờ.
Nga, đồng minh của Syria, nói rằng quân đội Syria đã nối lại việc pháo kích sau khi các phiến quân vi phạm thỏa thuận ngừng bắn. - BBC
***
Hồ sơ chính của hầu hết các báo Pháp ra hôm nay là sự kiện Aleppo, thành trì của quân nổi dậy Syria từ năm 2012 coi như đã thất thủ rơi vào tay quân chính phủ. Vụ việc được hầu hết các báo ghi nhận như là sự bất lực của phương Tây và cộng đồng quốc tế trên tất cả các mặt trận, chính trị, quân sự, ngoại giao và cả nhân đạo.
Như vậy là sau một tháng liên tục hứng chịu làn mưa bom bão đạn của quân chính phủ Bachar al-Assad dưới sự yểm trợ từ các lực lượng đồng minh của Damas, đặc biệt là của không quân Nga, phần lãnh địa nhỏ bé còn lại của lực lượng nổi dậy ở Aleppo đang rơi vào tay của quân Bachar al-Assad.
Bắt đầu với nhật báo Libération. Trang nhất tờ báo để trắng gợi cảm giác như một tấm bia mộ với duy nhất hàng tựa : « Nơi đây mồ chôn Aleppo », bên các trang trong tờ báo minh họa nhiều tấm ảnh lớn ghi lại cảnh thành phố, từng một thời là thủ phủ kinh tế sầm uất của Syria nay chỉ là một đống đổ nát mênh mông.
Xã luận của Libération lấy tiêu đề « Nỗi ô nhục». Theo tờ báo, ô nhục ở chỗ cộng đồng quốc tế đã bất lực chứng kiến trực tiếp, nỗi thống khổ của thường dân Aleppo, bị kẹt giữa cơn mưa bom đạn băm nát thành phố, một bên là quân đội al-Assad cùng các đồng minh của họ và một bên là của quân nổi dậy.
Trong khi đó trang nhất của Le Figaro chạy tựa : « Putin và Assad chiến thắng trên đống đổ nát Aleppo ». Le Monde cũng có chung nhận định trên với bài viết « Putin, người thắng trận lớn ». Tờ báo nhấn mạnh « sự né tránh của người Mỹ và các nước châu Âu đã giúp Nga làm chủ cuộc chơi » ở Syria.
Le Monde khẳng định, « việc chế độ Damas chiếm lại thủ phủ kinh tế này là bước ngoặt lớn trong cuộc xung đột Syria và cũng là một thất bại của các nước phương Tây. Hậu quả của nó có thể sẽ rất nặng nề, trước tiên là cho các nước châu Âu ».Trong những tuần tới đây sẽ lại có làn sóng ồ ạt người tị nạn đổ sang Thổ Nhĩ Kỳ và điểm đến cuối cùng vẫn sẽ là các nước châu Âu. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn đó là « Washington cũng như các cường quốc phương Tây khác trong gần 5 năm qua ra sức ủng hộ cuộc nổi dậy dân chủ, với thất bại này uy tín chiến lược của họ bị đảo lộn ».
Le Monde cay đắng nhận thấy : « Từ khi kết thúc chiến tranh lạnh, chưa bao giờ Mỹ và các nước châu Âu lại tỏ ra bất lực trước Matxcơva như bây giờ ». Nhật báo chỉ rõ nguyên nhân « chính những thái độ né tránh của các nước phương Tây lặp đi lặp lại nhiều lần đã cho phép Kremlin trở thành người chủ ván cờ tại Syria từ khi Nga bắt đầu can thiệp ủng hộ chế độ Assad hồi tháng 9/2015 ». Đến giờ phương Tây mới thấy tuyệt vọng.
Tờ báo trích dẫn ông Thomas Gomart, giám đốc Viện Quan hệ Đối ngoại Pháp nhận định : « Vladimir Putin hiểu rõ sự lựa chọn thoái lui của Washington và thiếu quyết tâm của các nước châu Âu … và sẽ là ảo tưởng khi tin rằng ta có thể ngăn những gì người Nga làm tại Syria trước khi chính quyền mới ở Mỹ đi vào hoạt động ».
Vẫn theo Le Monde, thì đây là một bài học cho Washington cũng như Paris và Luân Đôn. Matxcơva từ một năm nay đã làm tất cả để cứu chế độ Damas, đó là điều mà các nước phương Tây đã không làm được đối với phe đối lập ở Syria.
Nga không chỉ huy động không quân mà còn triển khai hệ thống tên lửa tối tân S-300 và S-400 để khóa chặt bầu trời Syria. Rõ ràng như vậy thì mục tiêu không còn chỉ là cuộc chiến chống khủng bố. Cách can thiệp của Nga đã giúp họ làm chủ hoàn toàn cuộc chơi, chặn mọi khả năng hỗ trợ cho lực lượng nổi dậy.
Le Monde khẳng định, điều không thể chối cãi là « Vladimir Putin là người thắng lớn của trận chiến Aleppo. Về mặt quân sự, quân đội Nga đã chứng tỏ khả năng tác chiến ở xa trong chiến dịch đầu tiên ngoài không gian Xô Viết cũ. Về ngoại giao, đó cũng là thành công. Cuộc khủng hoảng Syria đã đưa Matxcơva trở lại thành người đối thoại ưu tiên, thậm chí đặc biệt của Washington, giống như thời chiến tranh lạnh ».
Le Monde khẳng định chiếm lại Aleppo chưa phải là chiến tranh kết thúc hay tình hình Syria đã ổn định. Nhưng giờ đây Nga có thể áp đặt những điều kiện cho các cuộc đàm phán tại Genève. Và ông chủ điện Kremlin đang gặp thiên thời địa lợi nhân hòa, khi mà tổng thống tân cử Mỹ Donald Trump không giấu thiện chí tái lập mối quan hệ tốt đẹp với ông Putin ngay sau khi nhậm chức.
Bachar al-Assad củng cố vị thế trở lại
Thế thượng phong của Nga ở chiến trường Syria còn là một đòn bẩy cho sự tồn vong của chính quyền Bachar al-Assad. Le Figaro nhận định, với chiến thắng Aleppo : Bachar al Assad trở thành trung tâm của ván cờ Syria.
Tờ báo nhận định : « gần sáu năm sau khi cuộc chiến bùng phát, việc Aleppo thất thủ đã cụ thể hóa sự trở lại của Bachar al-Assad trên chính trường quốc tế. Giành chiến thắng Aleppo, tổng thống Syria đã phá tan viễn cảnh thay đổi chính quyền. Chủ trương, « thay đổi chế độ » mà các nước phương Tây mong đợi đã không xảy ra được ở Syria. Aleppo thất thủ có thể sẽ báo trước sự biến mất vĩnh viễn của lực lượng nổi dậy ôn hòa Syria vì khả năng hành động và quân số của họ đang ở mức thấp nhất. Nhiều người trên thế giới sẽ tìm thấy ở đây một lập luận mới bảo vệ cho việc tổng thống Syria ở lại ».
Nhiều chuyên gia cũng có chung nhận định, với sự hậu thuẫn mạnh mẽ của Nga, Bachar al Assad sẽ còn nắm giữ quyền lực lâu dài ở Syria, cho dù đó là một đất nước hoang tàn đổ nát, nhưng ông ta vẫn là người trị vì. - RFI
|
|
Tin Hoa Kỳ
4.
‘Mỹ sẵn sàng đối đầu với Bắc Kinh tại Biển Đông’ --- Mỹ: Chớ dùng chính sách 'một nước Trung Hoa' để mặc cả --- Trung Quốc nói phát biểu của Trump đe dọa 'hòa bình'
Người đứng đầu hạm đội của Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương hôm 14/12 nói rằng Mỹ sẵn sàng đối đầu với Trung Quốc, nếu Bắc Kinh tiếp tục các hành động “hung hăng” để tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.
Trung Quốc khẳng định chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông, nơi có lưu lượng hàng hóa giao thương bằng đường biển khoảng 5 nghìn tỷ đôla mỗi năm.
Các nước láng giềng như Brunei, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền ở khu vực này.
Hoa Kỳ đã kêu gọi Trung Quốc tôn trọng phán quyết hồi tháng Bảy của tòa án trọng tài ở La Haye, theo đó bác tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh ở hải lộ chiến lược này.
Tuy nhiên, trong một bài phát biểu tại Sydney, Đô đốc Harry Harris, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ cho biết rằng Bắc Kinh vẫn tiếp tục hành động một cách “hung hăng” và rằng Hoa Kỳ luôn sẵn sàng đối phó.
Ông Harry nói: "Chúng tôi sẽ không cho phép một khu vực chung bị đơn phương đóng lại dù có bao nhiêu căn cứ được xây trên các đảo nhân tạo đi chăng nữa ở biển Đông. Chúng tôi sẽ hợp tác khi cần hợp tác, nhưng chúng tôi sẵn sàng đối đầu khi cần phải đối đầu."
Khi được hỏi về nhận xét của Đô đốc Harris, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho biết rằng tình hình ở Biển Đông hiện nay ổn định, nhờ sự nỗ lực của Trung Quốc và những nước khác trong khu vực.
Ông Sảng nói tại một cuộc họp báo hàng ngày: “Chúng tôi hy vọng Hoa Kỳ có thể giữ lời hứa của mình và không đứng về phe nào trong tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, tôn trọng những nỗ lực của các nước trong khu vực để duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) và cùng nỗ lực thúc đẩy hòa bình và ổn định trong khu vực.”
Hoa Kỳ ước tính rằng trong ba năm qua, Bắc Kinh đã mở rộng thêm gần 1.300 ha diện tích đất trên 7 đảo ở Biển Đông, cùng với việc xây dựng đường băng sân bay, bến cảng, nơi chứa máy bay và các thiết bị thông tin liên lạc.
Đáp lại, Hoa Kỳ đã tiến hành một loạt các đợt tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông, và đợt mới nhất là vào tháng Mười.
Đô đốc Harris nói rằng chính phủ Australia, một đồng minh của Hoa Kỳ, nên đưa ra một quyết định liệu Australia có nên thực hiện việc tuần tra tự do hàng hải hay không, nhưng nói rõ rằng Mỹ sẽ tiếp tục với việc tuần tra này. - VOA
***
Tòa Bạch Ốc ngày 13/12 nhấn mạnh chớ nên dùng chính sách “một nước Trung Hoa” như một lá bài để mặc cả với Bắc Kinh sau khi Tổng thống tân cử Donald Trump tuyên bố Hoa Kỳ không cần thiết bị ràng buộc bởi lập trường lâu nay rằng Đài Loan là một phần của Trung Quốc.
Đưa ra những dấu hiệu thêm cho thấy ông Trump sẽ gặp chống đối tại Washington nếu ông nỗ lực đảo ngược một nguyên tắc đã kéo dài hơn 4 thập niên về mối liên hệ Mỹ-Trung, Thượng nghị sĩ Cộng hòa John McCain nói cá nhân ông ủng hộ “chính sách Trung Quốc” và không ai nên vội vàng kết luận rằng Tổng thống tân cử sẽ bỏ nguyên tắc này.
Ông Trump đã gây bão ngoại giao khi phát biểu trên kênh truyền hình Fox News đại ý rằng cớ gì Mỹ lại bị ràng buộc bởi chính sách “một nước Trung Hoa” mà không có điều kiện, kể cả điều kiện về thương mại. Tuyên bố này được đưa ra tiếp sau một vụ phản đối trước đây của Trung Quốc về việc Tổng thống tân cử điện đàm với Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn vào ngày 2 tháng 12 vừa qua.
Đây là vấn đề rất nhạy cảm đối với Trung Quốc vốn xem Đài Loan như một tỉnh khó trị, và Bắc Kinh đã bày tỏ “quan tâm sâu sắc” đối với bình luận mới đây của ông Trump.
Trung Quốc gọi chính sách “một nước Trung Hoa” là căn bản trong mối quan hệ Mỹ -Trung, và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cảnh báo những động thái làm thiệt hại “những quyền lợi cốt lõi” của Trung Quốc rốt cuộc sẽ là ‘gậy ông đập lưng ông’.
Một số nhà phân tích cảnh báo là ông Trump có thể khiêu khích một cuộc đối đầu quân sự nếu ông đưa vấn đề Đài Loan đi quá xa.
Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Josh Earnest nói Hoa Kỳ cam kết tuân thủ nguyên tắc “một nước Trung Hoa” và sẽ không dùng Đài Loan để chiếm lợi thế trong bất cứ thỏa thuận nào với Bắc Kinh.
Sau cuộc điện đàm của ông Trump với Tổng thống Đài Loan, chính quyền Obama cho hay các cố vấn cao cấp Tòa Bạch Ốc đã nói chuyện với các giới chức Trung Quốc để trấn an họ là chính sách “một nước Trung Hoa” vẫn không thay đổi.
Tân Hoa Xã, hãng tin chính thức của Trung Quốc, trong một bài bình luận ngày 13/12 viết rằng rõ ràng là ông Trump không hiểu chính sách này. - VOA
***
Bắc Kinh nói phát biểu của tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump về chính sách 'Một Trung Quốc;' có thể ảnh hưởng hòa bình với Đài Loan.
Phát ngôn viên nước này cũng nói can thiệp từ Mỹ cũng sẽ ảnh hưởng quan hệ Trung-Mỹ.
Theo chính sách 'Một Trung Quốc', Hoa Kỳ chỉ có quan hệ ngoại giao chính thức với Trung Quốc, chứ không phải với Đài Loan mà nước này coi là một tỉnh của mình.
Mới đây Tổng thống đắc cử Donald Trump nói ông chưa chắc đã tiếp tục tuân thủ chính sách này.
Ông Trump trước đó đã làm Bắc Kinh tức giận vì điện đàm trực tiếp với Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn, và còn lên Twitter nói về chuyện này.
Hôm thứ Hai 12/12, Trung Quốc bày tỏ 'quan ngại nghiêm trọng' về các phát biểu của ông Donald Trump và khuyến cáo tính tế nhị của chủ đề này.
An Phong Sơn, người phát ngôn của Văn phòng Đài Loan chuyên trách chính sách của Trung Quốc qua eo biển, hôm thứ Tư 14/12 đã cảnh báo hậu quả sẽ còn nghiêm trọng hơn.
'Sẵn sàng đối đầu'
Ông An nói: "Nguyên tắc 'Một Trung Quốc' là cơ sở chính trị cho quan hệ Trung-Mỹ đang đà phát triển, cũng như nền tảng cho hòa bình và ổn định ở Eo biển Đài Loan".
"Nếu như nền tảng này bị hư hại thì sẽ không có sự phát triển lành mạnh, ổn định trong quan hệ Trung-Mỹ và hòa bình cũng như ổn định ở Eo biển Đài Loan sẽ bị ảnh hưởng nặng nề."
Cùng lúc đó, Đô đốc Harry Harris, người đứng đầu Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, tuyên bố Hoa Kỳ sẽ tiếp tục thách thức "thái độ lấn lướt, hung hăng của Bắc Kinh ở Biển Đông".
Phát biểu tại Viện nghiên cứu Lowy ở Sydney, Australia, Đô đốc Harris nói: "Chúng tôi sẽ không cho phép các khu vực chung bị một bên ngang nhiên đóng cửa, cho dù nước này có bao nhiêu căn cứ trên các đảo nhân tạo tại Biển Đông".
"Chúng tôi sẽ hợp tác trong các lĩnh vực cần thiết, nhưng chúng tôi cũng sẵn sàng đối đầu ở những nơi nào cần thiết." - BBC
|
|
Tin Việt Nam
5.
Xuất hiện kiến nghị yêu cầu ‘minh bạch’ trong vụ Formosa
Một bản kiến nghị với chữ ký của nhiều tổ chức môi trường, các giáo sư đại học, luật sư quốc tế đang được lan truyền trên mạng, kêu gọi chính phủ Việt Nam và công ty gang thép Formosa ở Hà Tĩnh phải minh bạch các thông tin liên quan đến vụ ô nhiễm môi trường vùng biển miền Trung.
Bản kiến nghị “đề nghị Chính phủ Việt Nam và Công ty Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (Formosa Việt Nam) công bố đầy đủ, chi tiết thỏa thuận bồi thường 500 triệu đôla giữa Chính phủ Việt Nam và Formosa Việt Nam, được thông báo ngày 30/6/2016”.
Đồng thời, kiến nghị cũng “yêu cầu Chính phủ Việt Nam cung cấp chi tiết kế hoạch bồi thường cho hàng chục ngàn nạn nhân và gia đình họ”, cùng với “các biện pháp bảo vệ môi trường khỏi những thiệt hại có thể phát sinh do việc Formosa Việt Nam xả chất thải độc hại ra biển trong tương lai”.
Nhóm bảo vệ môi trường Green Trees Việt Nam cũng ký tên trong bản kiến nghị trên. Dược sĩ Nguyễn Anh Tuấn, thành viên của nhóm, nói với VOA rằng minh bạch là vấn đề nổi cộm nhất trong toàn bộ thảm họa môi trường được xem là lớn nhất từ trước tới nay ở Việt Nam.
Với ước muốn bảo vệ cho sức khỏe người dân, dược sĩ từ Hà Nội cho biết anh đã phải tự thân đi lấy mẫu hải sản ở miền Trung để xét nghiệm vì chính phủ quá chậm chạp và thiếu minh bạch trong việc công bố những dữ liệu cơ sở khoa học liên quan đến vụ ô nhiễm.
Anh chia sẻ:
“Bà con miền Trung sau một thời gian dài ăn gạo hỗ trợ thì không còn ăn gạo không được nữa. Họ buộc phải ăn một số loại cá ít ỏi mà họ đánh bắt được. Tuấn thấy quá nguy hiểm nên đi lấy mẫu về để xét nghiệm. Hôm đó là 29/6, khi Tuấn đi lấy mẫu cá nục thì thấy có một con mực rất to chết dạt vào bờ ở biển Quảng Điền, Thừa Thiên-Huế. Mang về xét nghiệm thì mới ngớ người ra là cho đến thời điểm này chính phủ vẫn chưa công bố là biển bị nhiễm độc những chất gì. Bởi vì về mặt nguyên tắc thì phải biết nó nhiễm chất độc gì thì mới dễ dàng trong việc đưa ra quyết định là phải xét nghiệm chất độc nào có trong mẫu thực phẩm đó”.
Vụ hải sản chết hàng loạt ở 4 tỉnh miền Trung bắt đầu diễn ra từ đầu tháng 4, nhưng cho tới nay, vẫn không có thông tin chính thức rõ ràng từ các cơ quan chức năng cho người dân biết cụ thể mức độ an toàn của mỗi khu vực biển địa phương.
Luật sư Trần Vũ Hải, một trong những đại diện pháp lý cho các nạn nhân của vụ ô nhiễm môi trường Formosa, cho rằng việc không công khai những thông tin liên quan trực tiếp đến sức khỏe người dân là một việc làm không có lợi:
“Đề nghị không khuyến khích người dân, thậm chí là hạn chế người dân đánh cá ở vùng gần bờ. Bởi vì làm như thế cũng không có lợi cho việc phát triển thủy sản bền vững. Nhiều khi cũng phải nói thật với người dân. Còn nếu không, cứ để mặc cho người dân đánh cá thì cá cũng không tiêu thụ được. Và chi phí đánh cá, như nhiều người dân nói với tôi, là bằng gấp mấy lần chi phí bán cá”.
Ngoài các dữ liệu khoa học, cơ quan hữu trách của Việt Nam còn bị lên án về việc thiếu minh bạch trong việc công bố các chứng cứ, thông tin liên quan đến Formosa, làm dấy lên nghi ngờ về việc chính quyền “đi đêm” với thủ phạm gây ra ô nhiễm.
Dược sĩ Nguyễn Anh Tuấn nói:
“Tuyên bố về 53 hay 58 sai phạm gì đó của Formosa mà ông Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho là căn cứ để luận tội Formosa và để ép Formosa nhận tội, thì cho đến nay vẫn chưa biết sai phạm đó bao gồm những sai phạm gì”.
Hôm 13/12, báo chí Việt Nam đưa tin Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề nghị 4 tỉnh miền Trung chịu ảnh hưởng bởi vụ ô nhiễm phải tiếp tục quan trắc nước biển và công khai kết quả cho người dân. - VOA
|
|
6.
Trump, TPP, Việt Nam và chủ nghĩa bảo hộ --- ‘Hoa Kỳ thân Nga không có tác động xấu với Việt Nam’ --- Ông Tillerson có thể đương đầu sóng gió biển Đông?
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cảnh báo về sự quay trở lại của chủ nghĩa bảo hộ trong bối cảnh Mỹ sẽ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, TPP, mà Việt Nam đã rất mong chờ.
Trong một hội nghị thượng đỉnh kinh doanh của khối ASEAN diễn ra tại Hà Nội hôm 8/12, thủ tướng Việt Nam được Bloomberg trích lời nói rằng thế giới và ASEAN đang đối mặt với nhiều thách thức trong đó có rủi ro về sự quay trở lại của chủ nghĩa bảo hộ. Trước đó phó thủ tướng Phạm Bình Minh cũng đã lên tiếng tại một hội nghị của APEC tại Hà Nội nêu lên những “quan ngại sâu sắc về sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ.”
Chỉ còn hơn một tháng nữa là Tổng thống đắc cử Donald Trump của Mỹ sẽ nhậm chức và trước đây ông đã tuyên bố sẽ chính thức đưa Mỹ ra khỏi hiệp định gói gọn 40% lượng GDP toàn cầu vào ngày 20/1. Và ông Trump trong chiến dịch tranh cử đã luôn lên tiếng chống lại sự toàn cầu hóa thương mại và đề cao chủ nghĩa bảo hộ.
Theo kinh tế gia Lê Đăng Doanh, xu hướng này hiện nay đang mạnh lên khi Mỹ sẽ ra khỏi TPP và Anh đã rút khỏi Liên minh Châu Âu.
Ông nói thêm:
“Hiện nay có một xu thế là chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa dân túy, và chủ nghĩa bảo hộ trong thương mại quốc tế có tăng lên. Và tôi nghĩ rằng có những lý do nhất định bởi vì người dân ở đấy sợ bị mất chỗ làm việc hoặc bị thiệt hại về quỹ bảo hiểm xã hội của họ v.v. Nếu như chủ nghĩa bảo hộ quay trở lại, có thể ông Trump sẽ có thêm những biện pháp nào đó thì các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ gặp khó khăn”.
Những lời hứa bảo hộ thương mại trong nước của tỷ phú Trump được coi là một yếu tố quan trọng, giúp ông giành chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Nhưng việc chống lại toàn cầu hóa thương mại và nhất là việc rút Mỹ ra khỏi hiệp định thương mại tự do mà chính quyền của Tổng thống Barack Obama đã thương lượng trong 5 năm qua đã gặp phải những chỉ trích ở ngay trong nước.
Thượng nghị sỹ đảng Cộng Hòa John McCain gần đây đã lên tiếng phản đối xu hướng bảo hộ và cho rằng việc rút khỏi TPP sẽ là giảm khả năng cạnh tranh của Mỹ trên thế giới. Trong một bài bình luận viết cho Financial Times hôm 7/12, ông McCain, người từng có thời gian tham chiến ở Việt Nam, cho rằng việc người dân Mỹ mất việc làm không phải vì các hiệp định tự do thương mại mà bởi vì những cải tiến trong công nghệ và xu thế này sẽ vẫn tiếp tục cho dù Mỹ có ký kết TPP hay không.
Ông Sesto Vecchi, một luật sư thương mại người Mỹ có hơn 35 năm hành nghề tại Việt Nam, cũng cho rằng TPP sẽ không phải là lý do để công nhân Mỹ mất việc làm bởi những công việc trong các ngành lao động như may mặc, giày dép và lắp ráp đơn giản đã biến mất từ lâu ở Mỹ.
Ông nói tiếp:
“Tôi không đồng ý với quan điểm rằng, hiệp định thương mại, như trường hợp Việt Nam, sẽ lấy đi việc làm của người Mỹ. Ngay cả ở Việt Nam, và đặc biệt là ở Mỹ và Trung Quốc, rất nhiều những công việc như vậy đã biến mất bởi chúng đã được tự động hóa”.
Ông Vecchi cho rằng Mỹ nên theo đuổi một hiệp định TPP song phương với các nước thành viên để tiếp tục duy trì thế mạnh của Mỹ. Trong 1 bài viết cho tờ The Hill có trụ sở ở Washington, ông Vecchi nói rằng Việt Nam là một trường hợp điển hình cho một hiệp định song phương như vậy, bởi tiềm năng phát triển kinh tế của Việt Nam, và điều đó cũng sẽ giúp Mỹ kiềm chế sự bành trướng sức mạnh của Trung Quốc khi nước này đang theo đuổi một hiệp định thương mại tương tự với các nước trong khu vực.
Theo nguyên viện trưởng Viện Kinh tế Trung ương Lê Đăng Doanh, Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và 2 nền kinh tế này bổ sung cho nhau.
Kinh tế gia này nói tiếp:
“Tôi lấy làm hoài nghi liệu ông Trump có thể tạo ra được những chỗ làm việc cho những người lao động Hoa Kỳ để thay thế cho những lượng hàng xuất khẩu của Việt Nam về may mặc da giày hay không? Theo tôi những ngành nghề đó giờ người lao động Hoa Kỳ đã bỏ và không làm việc nữa”.
Chuyên gia kinh tế Doanh cho rằng chủ nghĩa bảo hộ sẽ được thực hiện ở một mức độ nào đó trong một thời gian nào đó, nhưng sau đó sẽ được điều chỉnh vì chính lợi ích của người dân Mỹ. - VOA
***
Ông Rex Tillerson, Tổng giám đốc ExxonMobil, mới được chọn trở thành Ngoại trưởng Hoa Kỳ. Vị doanh nhân 64 tuổi này đã có 41 năm làm việc tại Exxon và chưa có kinh nghiệm chính trị.
Ông Tillerson có quan hệ kinh doanh với nhiều nước, đáng chú ý là Nga. Với nhiều hợp đồng làm ăn khổng lồ ở Nga, Tổng thống Vladimir Putin đã trao tặng Huân chương Hữu nghị của Liên bang Nga cho ông Tillerson năm 2013.
Trong khi có ý kiến quan ngại về sự thân thiết giữa Ngoại trưởng tương lai của Hoa Kỳ với Nga, Tiến sĩ Tạ Văn Tài, nguyên là luật sư đại diện cho công ty dầu khí Mobil tại Việt Nam trước năm 1975, cho rằng sự thân thiết đó không những không có tác động xấu đối với Việt Nam mà có khi còn mang lại những ảnh hưởng tốt hơn và Mỹ sẽ không bao giờ từ bỏ quyền lợi của họ ở Biển Đông.
Ông nói: “Nga mà đi với Mỹ gần hơn thì theo tôi ước đoán, Nga có thể nói với Mỹ giúp đỡ nước Việt Nam, mà có thể ông Putin vẫn coi là người bạn cũ từ thời xa xưa, thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Nước Nga có những lần chứng tỏ có sự thân thiện với Việt Nam khi đối diện với Trung Quốc.”
Để chính thức đảm nhận vị trí Ngoại trưởng, ông Tillerson cần có sự biểu quyết thông qua tại Thượng viện và các mối quan hệ của ông với Nga có thể là một chướng ngại.
Mặc dù những người chỉ trích nói rằng ông Tillerson không có kinh nghiệm chính trị, nhưng dường như ông Trump lại nhắm vào những ưu thế khác cần thiết cho chức vụ Ngoại trưởng của ông Tillerson.
Theo phân tích của kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa ở California (Hoa Kỳ), ông Tillerson là một doanh gia rất thành công và quản lý một công ty có 70 ngàn nhân viên, trong khi Bộ Ngoại giao của Hoa Kỳ cũng là một cơ quan khổng lồ với số lượng nhân viên tương tự, có thể ông Tillerson sẽ cải tổ lại bộ máy làm việc ở đây với hiệu năng giống như của một doanh nghiệp. Ngoài ra, chuyên gia kinh tế này nói tiếp, ông Tillerson có thể sẽ thương thuyết lại những điều kiện hợp tác kinh tế có lợi cho Hoa Kỳ.
Về lý do ông Trump dành vị trí Ngoại trưởng cho ông Tillerson, kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa cho rằng: “Quan trọng nhất đó là ông Trump nhắm về châu Á, với đối tượng mà ông quan tâm nhất bây giờ - về cả kinh tế lẫn an ninh, là Trung Quốc, thì ông ấy cần một doanh gia biết thương thuyết cho có kết quả về cả hai mặt ngoại giao lẫn kinh tế.”
Về quyết định của ông Trump, cựu Ngoại trưởng Condoleeza Rice nói rằng ông Tillerson là “một lựa chọn tuyệt vời”. Nhưng ông Thomas Wright, giám đốc Dự án Trật tự và Chiến lược Quốc tế, nói với VOA News: “Tôi lo ngại rằng ông Rex Tillerson sẽ là người theo chủ nghĩa thực dụng giúp ông Trump thương thảo với các đối thủ của Hoa Kỳ mà phải trả giá bằng chính các đồng minh. Chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ không phải là thương thảo các thỏa thuận. Ông ấy cần cho thấy sự thấu hiểu và hỗ trợ vai trò đặc biệt của Mỹ là lãnh đạo của một trật tự quốc tế tự do.” - VOA
***
Việc Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Donald Trump chọn ông Rex Tillerson cho vị trí ngoại trưởng gây chú ý vì tổng giám đốc Exxon Mobil từng được Tổng thống Nga Putin tặng huân chương.
Tuy nhiên, theo giới quan sát trong nước, việc lựa chọn người nắm vị trí nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ cũng thu hút sự quan tâm của công chúng Việt Nam vì tập đoàn dầu khí của Hoa Kỳ do ông Tillerson lãnh đạo từng có các dự án liên doanh với Hà Nội, khiến Trung Quốc bất bình.
Hồi giữa năm 2008, Bắc Kinh gây áp lực đòi tập đoàn Exxon Mobil phải rút khỏi hoạt động thăm dò dầu khí với Việt Nam ở biển Đông vì cho rằng hoạt động thăm dò của công ty Mỹ với tập đoàn dầu khí PetroVietnam “vi phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc”.
Sáu năm sau đó, tờ Hoàn cầu Thời báo của nhà nước Trung Quốc cáo buộc Việt Nam “thiếu thành thật” khi đàm phán với Exxon Mobil về dự án khí đốt thuộc khu vực mỏ khí Cá Voi Xanh ở vùng biển ngoài khơi miền Trung.
Dù Hà Nội tuyên bố vị trí của mỏ khí nằm trong thềm lục địa của Việt Nam, nhưng Bắc Kinh cho rằng nó nằm trong “đường đứt khúc chín đoạn” hay “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc vạch ra để tuyên bố chủ quyền ở biển Đông.
Sau khi ông Trump chính thức thông báo đề cử tổng giám đốc Exxon Mobil nắm giữ Bộ Ngoại giao Mỹ, Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Trường, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển Quan hệ Quốc tế ở Hà Nội, nói với VOA Việt Ngữ rằng “đây là một sự lựa chọn gây ngạc nhiên và rất thú vị”.
Ông nói thêm:
“Nhiều điều bất ngờ diễn ra với cuộc bầu cử ở Mỹ và những điều bất ngờ diễn ra với việc ông Trump lựa chọn các chức vụ vào các cương vị quan trọng. Người nào mà làm ngoại trưởng thì sẽ có vai trò rất quan trọng trong việc quyết định các chính sách của Mỹ bởi vì ông Trump chỉ quan tâm mức độ nào đó đến các hoạt động, cho nên tôi nghĩ các quyền hành của cố vấn an ninh quốc gia và ngoại trưởng sẽ rất là quan trọng. Và nếu như một người hiểu biết vấn đề biển Đông thì lại càng quan trọng. Về phía Việt Nam, rất hoan nghênh những người nào hiểu biết về những vấn đề của khu vực, và chúng tôi cũng đang lo ngại rằng là khu vực này nó sẽ ít được quan tâm. Nhưng mà, tôi nghĩ là với một nhân vật thông thạo và hiểu biết về vấn đề biển Đông như thế này, hiểu biết về vấn đề châu Á, hiểu biết những vấn đề châu Á, hiểu biết cả vấn đề Trung Quốc thì rất là tốt cho việc nước Mỹ tiếp cận những vấn đề của châu Á”.
Hồi năm 2014, Chủ tịch Việt Nam khi ấy là ông Trương Tấn Sang đã tiếp đoàn các lãnh đạo Exxon Mobil và nghe đại diện tập đoàn Mỹ “thông báo về những kết quả tích cực trong việc hợp tác, triển khai các dự án với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam”.
Ông Sang được VNA trích lời nói “đánh giá cao sự hợp tác của các doanh nghiệp Hoa Kỳ” và rằng “Việt Nam ủng hộ các hoạt động hợp tác của doanh nghiệp Hoa Kỳ với đối tác Việt Nam trong lĩnh vực dầu khí”.
Tờ The Wall Street Journal hôm 14/12 dẫn lời đại diện của Exxon Mobil cho biết rằng tập đoàn này thương thảo với Việt Nam về việc phát triển các mỏ khí tự nhiên mang tính thương mại ở ngoài khơi tại những vùng biển không có tranh chấp.
Cũng theo tờ này, năm 2014, khi Trung Quốc đưa giàn khoan dầu khổng lồ vào vùng Việt Nam tuyên bố là thềm lục địa của mình gần Hoàng Sa, tức nằm ở phía đông các lô dầu khí của Exxon Mobil, ông Tillerson đã bay sang Bắc Kinh để gặp gỡ với các giám đốc điều hành của tập đoàn dầu khí nhà nước Trung Quốc, vốn kiểm soát giàn khoan dầu gây tranh cãi. Tuy nhiên, theo the Wall Street Journal, đôi bên không công bố các chi tiết được mang ra thảo luận.
Tờ báo này cũng đưa tin rằng Exxon Mobil từ chối bình luận về quan điểm cá nhân của ông Tillerson đối với các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc về biển Đông.
Trong một cuộc họp báo thường kỳ mới đây, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết nước này sẵn sàng làm việc với bất kỳ ai ông Trump lựa chọn để làm ngoại trưởng Mỹ. - VOA
|
|
7.
Việt Nam yêu cầu kiểm tra dự án bãi rác Đa Phước
Việt Nam vừa ra quyết định thanh tra dự án khu liên hiệp xử lý chất thải Đa Phước theo tố cáo gây ô nhiễm môi trường từ người dân, theo thông báo của Văn phòng Chính phủ được báo chí Việt Nam đăng tải hôm 14/12.
Theo thông báo, Phó thủ tướng Việt Nam giao cho các cơ quan như thanh tra chính phủ và kiểm toán nhà nước, UBND TP HCM và các bộ kiểm tra từ việc đầu tư cho tới vận hành dự án của công ty TNHH xử lý chất thải rắn Việt Nam và có biện pháp giải quyết và báo cáo trước ngày 1/4/2017.
Hồi cuối tháng 8, công ty Đa Phước đã bị cư dân khu nam TP.HCM tố cáo về việc gây ra tình trạng hôi thối cho khu vực và những nghi vấn tiêu cực liên quan đến công ty này.
Đơn tố cáo của người dân nói rằng dự án bãi rác Đa Phước, sau gần 8 năm hoạt động, đã gây thất thoát ngân sách nhà nước hơn 96 triệu đôla, nhưng dự án này được nhà nước “bao bọc” trong nhiều vấn đề.
Tin cho hay, bãi rác Đa Phước mỗi ngày tiếp nhận khoảng 3.000 tấn rác của TP HCM và số lượng rác chôn lấp sau cùng là khoảng 2.850 tấn/ngày.
Hôm 22/11, báo Đất Việt cho hay, chính quyền TP HCM đã phê duyệt chương trình giảm ô nhiễm môi trường đến năm 2020, trong đó có chi 1.000 tỷ đồng để giảm ô nhiễm từ bãi rác Đa Phước. - VOA
|
|
8.
Vì sao chuyến bay VN 1344 hạ cánh hụt ở Cam Ranh?
Sáng ngày 13/12, chuyến bay VN1344 của Vietnam Airlines (VNA) từ Tân Sơn Nhất đi Cam Ranh đã hạ cánh không thành 2 lần và phải bay trên bầu trời 30 phút trước khi quay về Tân Sơn Nhất.
Theo báo Tuổi Trẻ, ông Lê Văn Thường, trưởng đại diện Cảng vụ hàng không miền Trung tại Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh khẳng định nguyên nhân chuyến bay này không đáp xuống sân bay Cam Ranh là do thời tiết quá xấu và một phần lỗi do tổ bay của Vietnam Airlines.
"Tổ bay chưa qua huấn luyện và đơn vị khai thác chưa đăng ký tổ bay này với Cục hàng không về việc hạ cánh trong thời tiết xấu. Để đảm bảo an toàn cho chuyến bay và hành khách, Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh đã không cho máy bay này hạ cánh trong thời tiết xấu, dày đặc sương mù" - báo này trích lời ông Lê Văn Thường, trưởng đại diện Cảng vụ hàng không miền Trung."
Trả lời BBC Tiếng Việt qua email, đại diện của Vietnam Airlines khẳng định "chuyến bay và tổ bay đủ tiêu chuẩn khai thác theo quy định của nhà chức trách, là những phi công có kinh nghiệm và đã được huấn luyện đúng quy trình với các bài bay phức tạp hay trong điều kiện thời tiết bất thường."
"Theo đánh giá của nhà chức trách, tổ bay đã thực hiện quy trình bay hoàn toàn bình thường, chính xác và không vi phạm".
Huấn luyện phi công và tổ bay
Đường băng của Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh có 2 đầu cất hạ cánh (CHC) là 02 và 20. Đầu đường CHC 20 có địa hình bằng phẳng và thường được sử dụng trong điều kiện thời tiết tốt.
Đầu 02 được sử dụng trong điều kiện thời tiết xấu. Tuy nhiên, đầu đường này có địa hình phức tạp có núi cao gần sân bay với độ cao lên đến 1.000m.
Báo Tuổi Trẻ dẫn lời ông Lại Xuân Thanh, cục trưởng Cục Hàng không, nói tổ lái có thể dùng một trong hai phương thức hạ cánh sử dụng thiết bị (VOR/DME hoặc ILS). Cả hai phương pháp đều yêu cầu tổ lái phải được huấn luyện theo chương trình riêng và phải được phê chuẩn của Cục Hàng không Việt Nam trước khi thực hiện.
Do tầm nhìn giảm xuống dưới 4.500m, tổ lái không thực hiện được 2 lần hạ cánh theo phương thức VOR/DME. Tổ bay của VNA có chứng chỉ ILS để hạ cánh bằng ILS ở tất cả các sân bay trừ sân bay Cam Ranh nên buộc phải bay về Tân Sơn Nhất.
Báo này cũng dẫn lời ông Thanh cho biết về mặt pháp luật, không bắt buộc các tổ bay đến Cam Ranh phải có chứng chỉ ILS đầu 02 tại đây. Không thể bắt buộc mọi máy bay đến Cam Ranh đều có chứng chỉ ILS tại đầu 02 được vì sân bay này có thể hạ cánh bằng phương thức VOR/DME hoặc ILS ở đầu 20 và hạ cánh bằng mắt ở đầu 02 khi tầm nhìn tốt.
Ông Trần Ngọc Trọng, cựu phi công trưởng ở Mỹ, cho BBC hay các phi công khi được cấp phép bay đều phải được huấn luyện bay trong điều kiện thời tiết xấu và kiểm tra trình độ 6 tháng một lần.
Khi gặp điều kiện thời tiết xấu, phi công sẽ xét điều kiện tối thiểu để có khả năng hạ cánh. Nếu thiếu điều kiện để đáp an toàn, họ có quyền quyết định quay trở lại một phi trường gần đó.
Đại diện của Vietnam Airlines cho BBC Tiếng Việt biết hai phi công trên chuyến bay này là người nước ngoài, trở thành phi công của VNA từ năm 2010.
"Hai phi công đều đã được huấn luyện, đào tạo theo phương thức bay đặc biệt (yêu cầu bổ sung đối với người lái) trên mô hình giả định (Simulator - SIM), trong đó lái phụ đã được phê chuẩn của Cục Hàng không Việt Nam, cơ trưởng đã hoàn thành và đang chờ phê chuẩn phương thức bay đặc biệt này," Vietnam Airlines nói. - BBC
|
|
9.
'Việc bắt lãnh đạo ngân hàng chưa dừng ở ông Trần Phương Bình'
"Theo tôi, việc bắt giữ lãnh đạo ngân hàng chưa dừng lại tại ông Bình mà sẽ còn diễn ra với một số ông khác trong lĩnh vực này," một chuyên gia tài chính từ Hà Nội bình luận với BBC về các vụ bắt người với cùng tội danh 'cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế'.
Cuối tuần qua, cựu Tổng giám đốc ngân hàng Thương mại Cổ phần Đông Á (DongA Bank) Trần Phương Bình cùng bốn đồng sự bị Cảnh sát Điều tra tội phạm kinh tế và tham nhũng (C46) thuộc Bộ Công an bắt giữ.
Hôm 12/12, Cổng thông tin điện tử Bộ Công an xác nhận ông Bình bị khởi tố tội 'Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng' và 'Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng'.
Tháng 3/2016, ông Phạm Quyết Thắng, cựu Tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Dầu khí Toàn cầu (GPBank) cũng bị bắt và khởi tố vì 'cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại cho ngân hàng hàng ngàn tỷ đồng'.
Hôm 14/12, trả lời BBC từ Hà Nội, chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành nói: "Không riêng gì ông Bình và ngân hàng Đông Á mà còn nhiều ngân hàng khác đang trong tình trạng bên bờ vực phá sản vì nợ xấu và không đủ khả năng hoạt động theo luật về tổ chức tín dụng."
"Tuy nhiên, Nhà nước vẫn cố gắng duy trì hoạt động của những ngân hàng đó, cái nào bê bết quá thì tổ chức sáp nhập hoặc mua lại với giá 0 đồng."
Đề cập về tội danh 'Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng', chuyên gia cho hay: "Việc các ngân hàng cho vay mà không nghiên cứu kỹ hồ sơ, rủi ro, cho những công ty sân sau vay thì tràn lan chứ không riêng gì một vài giám đốc ngân hàng bị bắt gần đây."
'Can thiệp'
"Việc một ngân hàng cho vay là vấn đề dân sự nhưng khi họ bất chấp quy định của pháp luật, cố ý gây thất thoát tiền của những chủ tài khoản tại ngân hàng thì công an phải điều tra để làm rõ có tính chất hình sự tới mức nào."
"Trong vấn đề dân sự có yếu tố hình sự là vì vậy."
Ông Thành cũng nói thêm: "Cả hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam đang trong cái nạn quản lý không theo quy định của pháp luật ngay từ những năm thiết lập ban đầu."
"Hiện trong số hơn 30 ngân hàng thương mại tại Việt Nam, một số cái đang không còn vốn điều lệ so với nợ xấu mà họ tạo ra nên không còn đủ an toàn để tiếp tục hoạt động."
"Đáng lý phải cho nhiều ngân hàng phá sản nhưng chính phủ có những lý do này khác để không cho phép điều này xảy ra."
"Thật ra chẳng có cơ sở pháp lý nào để Nhà nước can thiệp vào, để các ngân hàng ấy tiếp tục hoạt động tạo thêm nợ xấu rồi Nhà nước lại đứng ra mua lại."
"Nhưng rồi Nhà nước có lãnh trách nhiệm về nợ xấu mà ngân hàng tạo ra hay không? Đó là cả vấn đề."
"Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, hiện có hơn 500.000 tỷ đồng nợ xấu hiện bán cho công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) 240.000 tỷ đồng, số còn lại thì các ngân hàng tự quản lý lấy nhưng rõ ràng là họ không thể làm được."
Hồi tháng 12/2015, Phó cục trưởng C46 Nguyễn Trọng Long được truyền thông trong nước dẫn lời, theo đó nói số nợ xấu của ba ngân hàng 0 đồng (gồm GPBank, OceanBank và CBBank) và DongA Bank là "khoảng 50-70.000 tỷ đồng". - BBC
No comments:
Post a Comment