Sunday, December 18, 2016

Tin Cập Nhật Chủ Nhật 18/12

Tin Thế Giới


1.

Biển Đông: TQ sẽ trả Mỹ thiết bị lặn --- Ông Trump ‘không muốn lấy lại tàu lặn từ Trung Quốc’ --- Vũ khí TQ ở Trường Sa: Hà Nội và Kuala Lumpur phản đối, Manila dè dặt


Bộ Quốc phòng Mỹ nói họ "chốt được tinh thần” là Trung Quốc sẽ trả một thiết bị lặn đại dương thu giữ tại Biển Đông.


Trung Quốc giữ thiết bị này ở vùng biển quốc tế vào hôm thứ Năm. Bắc Kinh chưa giải thích tại sao và cáo buộc Washington "phản ứng quá mức" về sự cố.


Tổng thống đắc cử Donald Trump đã cáo buộc Trung Quốc "đánh cắp".


"Chúng ta nên nói với Trung Quốc rằng chúng ta không muốn thiết bị lặn tự hành mà họ lấy trộm – cứ để cho họ giữ!" ông Trump nhắn trên Twitter.


Đây là một trong những sự cố đối đầu quân sự nghiêm trọng nhất giữa hai cường quốc trong nhiều thập niên.


Lầu Năm Góc cho biết thiết bị lặn tự hành (UUV), đã được sử dụng để tiến hành các nghiên cứu khoa học vào thời điểm bị giữ và yêu cầu Trung Quốc trả lại ngay lập tức. Bộ Quốc phòng Mỹ cảnh báo Trung Quốc không lặp lại hành động này trong tương lai.


Tuy nhiên, một phát ngôn viên phía Mỹ vào hôm thứ Bảy nói rằng đã đạt được một thỏa thuận. 


"Thông qua liên lạc trực tiếp với chính quyền Trung Quốc, chúng tôi đã chốt được tinh thần rằng Trung Quốc sẽ trả lại UUV cho Hoa Kỳ," người phát ngôn Lầu Năm Góc Peter Cook cho biết.


Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết sẽ trả lại UUV theo "cách thích hợp". Hiện chưa rõ khi nào họ sẽ trả.


Hoa Kỳ nói vụ việc xảy ra ở Biển Đông, cách Vịnh Subic, Philippines 80 cây số.


Ben Cardin, Thượng nghị sĩ cao cấp nhất của đảng Dân Chủ trong ủy ban Đối ngoại Thượng viện, gọi vụ việc "vi phạm luật quốc tế trắng trợn".


Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa John McCain nói Hoa Kỳ không nên dung túng "hành vi xúc phạm".


Một tổ chức nghiên cứu Mỹ tuần này tuyên bố hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc lắp đặt vũ khí phòng không dọc bảy đảo nhân tạo mà họ cải tạo trên Biển Đông. - BBC


***

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump tuyên bố "không muốn lấy lại tàu lặn không người lái từ Trung Quốc", sau khi Bắc Kinh tuyên bố trả lại thiết bị này.


Trong một đoạn tweet ngắn trên Twitter hôm 17/12, ông Trump viết: “Chúng ta cần phải nói với phía Trung Quốc rằng chúng ta không muốn lấy lại chiếc tàu lặn mà họ đánh cắp. Hãy để họ giữ nó”.


Sau khi thiết bị này bị giữ hôm 15/12, người sẽ lên thay thế đương kim Tổng thống Obama cũng lên Twitter, cáo buộc Trung Quốc “ăn cắp” tàu lặn.


Ông Trump viết: “Trung Quốc đã ăn cắp thiết bị lặn nghiên cứu của Hải quân Mỹ ở vùng lãnh hải quốc tế, lấy nó mang về Trung Quốc trong một hành động chưa từng có”.


Reuters dẫn lời phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Mỹ tuyên bố rằng tàu lặn bị lấy đi khi đang thu thập dữ liệu về độ mặn, độ trong và nhiệt độ của nước một cách hợp pháp ở khu vực biển Đông, cách Vịnh Subic của Philippines khoảng 50 hải lý về phía tây bắc.


Bộ Quốc phòng Trung Quốc sau đó cho biết đã phát hiện “thiết bị không rõ nguồn gốc” và đã lấy lên để kiểm tra để ngăn ngừa các vấn đề liên quan tới an toàn hàng hải.


Sau đó, họ mới biết tàu lặn là của Mỹ. Bộ này cũng cho biết sẽ trả lại, đồng thời “lấy làm tiếc là phía Mỹ đã đơn phương và công khai làm rùm beng” vụ việc.


Sau khi Bắc Kinh tuyên bố sẽ trả lại tàu lặn, trên Twitter, Jason Miller, phát ngôn viên của ông Trump trích đường dẫn tới một bài báo về việc đó, nói rằng ông Trump đã “giải quyết xong” vụ việc.


Trong chiến dịch vận động tranh cử làm tổng thống Mỹ, ông Trump từng nhiều lần tuyên bố sẽ theo đuổi cách tiếp cận cứng rắn để đối phó với các chính sách kinh tế và quân sự của Trung Quốc.


Vụ tàu lặn gây thêm quan ngại về sự hiện diện quân sự cũng như các hành động khẳng định chủ quyền của Trung Quốc ở biển Đông.


Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm 15/12 tuyên bố rằng việc Bắc Kinh triển khai các thiết bị quân sự phòng thủ cần thiết tới quần đảo Trường Sa là điều “hợp pháp và chính đáng”, theo Reuters.


Bình luận của Bộ này được đưa ra một ngày sau khi một tổ chức nghiên cứu về an ninh của Mỹ cho biết rằng Bắc Kinh dường như đã lắp đặt vũ khí gồm các hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không trên toàn bộ bảy đảo nhân tạo mà Trung Quốc mới xây dựng ở biển Đông.


Mới đây, máy bay ném bom có khả năng hạt nhân H-6 của Trung Quốc bay dọc đường đứt khúc 9 đoạn hay còn gọi là đường lưỡi bò ở biển Đông hôm 8/12, ít ngày sau khi ông Trump chỉ trích Bắc Kinh quân sự hóa vùng biển tranh chấp này, cũng như điện đàm với Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn.


Liên quan tới Việt Nam, Bắc Kinh hôm 9/12 kêu gọi Hà Nội ngừng các hoạt động xây dựng trên một bãi cạn tranh chấp ở biển Đông, sau khi xuất hiện tin Việt Nam đã bắt đầu nạo vét Đá Lát.


Khi được hỏi về động thái của quốc gia láng giềng, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng tuyên bố rằng Bắc Kinh “có chủ quyền không thể tranh cãi đối với quần đảo Nam Sa (tức Trường Sa) và bãi cạn Riji (Đá Lát) cũng như các vùng nước lân cận”. - VOA


***

Ngay sau khi vụ Trung Quốc bố trí vũ khí trên các đảo nhân tạo trong tay họ ở quần đảo Trường Sa được tiết lộ, hai nước có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc là Việt Nam và Malaysia đã lên tiếng phản đối, trong lúc nước trước đây rất cứng rắn với Bắc Kinh là Philippines lại tỏ thái độ rất dè dặt.


Về phản ứng của Việt Nam, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Việt Nam Lê Hải Bình ngay từ hôm thứ Sáu 16/12/2016 đã tuyên bố « hết sức quan ngại », và tái khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.


Theo ông Lê Hải Bình, Việt Nam « phản đối mọi hoạt động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, phản đối các hoạt động quân sự hóa, đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông ».


Về phần Malaysia, nước này cũng có phản ứng cứng rắn nhưng thận trọng hơn. Bộ trưởng Quốc Phòng nước này, ông Hishammuddin Hussein, cho biết sẽ gửi thư cho đồng nhiệm Trung Quốc Thường Vạn Toàn để hỏi rõ vấn đề. Theo nhân vật này, nếu quả đúng là Bắc Kinh đang bố trí các hệ thống phòng không trên các đảo nhân tạo ở Trường Sa, « Malaysia sẽ bị buộc phải tìm giải pháp chống lại ».


Việc ông Hishammuddin Hussein yêu cầu Bắc Kinh làm sáng tỏ vấn đề được cho là hoàn toàn thừa thãi, vì chính bộ Quốc Phòng và bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã công khai thừa nhận việc họ đưa vũ khí đến Trường Sa, vì đó là « lãnh thổ Trung Quốc ».


Đáng chú ý nhất là phản ứng của Philippines. Theo ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay, nước ông sẽ không làm bất kỳ điều gì liên quan đến việc Trung Quốc triển khai vũ khí tại Trường Sa vì họ « không thể ngăn chặn Trung Quốc tại thời điểm này ».


Theo hãng tin Mỹ AP, khi được hỏi là liệu Philippines có ra tuyên bố về vụ việc, hay yêu cầu Bắc Kinh giải thích hay không, ngoại trưởng Philippines khẳng định rằng nước ông sẽ không làm bất kỳ điều gì có thể gây căng thẳng với Trung Quốc, làm tổn hại đến hòa khí giữa hai bên.


Quan điểm chiều lòng Trung Quốc được chính tổng thống Philippines Rodrigo Duterte xác nhận thêm vào hôm qua 17/12,  khi ông cho biết sẽ tạm gác qua một bên phán quyết về Biển Đông của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye, không muốn áp đặt một điều bất lợi cho Trung Quốc. - RFI

|

|


2.

Mỹ khẳng định tiếp tục hợp tác với tổng thống Philippines


Không đầy 24 tiếng đồng hồ sau khi tổng thống Philippines Rodrigo Duterte lớn tiếng hăm dọa hủy bỏ thỏa thuận cho phép quân đội Mỹ đặt chân lên lãnh thổ Philippines, đại sứ quán Mỹ tại Manila đã ra thông cáo khẳng định sẽ « hợp tác chặt chẽ » với chính quyền của tổng thống Duterte để « giải quyết bất cứ mối lo ngại nào ».

Bản thông cáo được đưa ra sau khi tổng thống Philippines Rodrigo Duterte lớn tiếng đả kích Washington về việc một cơ quan viện trợ Mỹ đã dời việc gia hạn một khoản viện trợ lớn cho Manila vì « những quan ngại đáng kể » trong lãnh vực nhân quyền.


Cho dù chính quyền Mỹ chưa có quyết định dứt khoát, ông Duterte đã lập tức nặng lời công kích, đe dọa « ăn miếng trả miếng », cho rằng Hoa Kỳ nên chuẩn bị rời khỏi Philippines, chuẩn bị đón nhận quyết định hủy bỏ Hiệp Ước Thăm Viếng Quân Sự (VFA). Đây là thỏa thuận ký năm 1998 cho phép Mỹ luân chuyển lực lượng qua Philippines để tham gia tập trận chung hay giúp đỡ chống khủng bố.


Nhà Trắng chưa thấy có phản ứng trước tuyên bố của tổng thống Philippines, nhưng phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest từng xác định rằng Mỹ sẽ không phản ứng công khai mỗi lần ông Duterte có tuyên bố thiếu xây dựng. - RFI

|

|


3.

Putin dọa Sarkozy: "Nếu anh còn tiếp tục như vậy, tôi nghiền nát anh đấy"


Bộ phim tài liệu « Sự bí ẩn của Putin » của đài truyền hình France 2 vào tối thứ Năm 15/12/2016 đã giải đáp được một thắc mắc tồn tại từ gần một thập niên qua : Trong cuộc họp báo nhân thượng đỉnh G8 hồi tháng 07/2007, tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đến muộn và có thái độ không bình thường, phải chăng ông say rượu vì trước đó, nguyên thủ Pháp đã gặp tổng thống Nga Vladimir Putin?


Câu trả lời là không. Và thực tế thì phũ phàng hơn. Sarkozy đã choáng váng vì bị Putin làm nhục và thẳng thừng đe dọa theo kiểu "anh chị".


Báo Les Echos, ngày 16/12/2016, thuật lại lời kể của nhà báo Nicolas Hénin, nhân chứng trong bộ phim tài liệu. Theo các nguồn tin của ông, thì bên lề thượng đỉnh nhóm G8 (ngày 06-08/06/2007), tại Heiligendamm, Đức, Nicolas Sarkozy, vừa mới nhậm chức tổng thống Pháp trước đó hai tháng, đã có cuộc gặp với tổng thống Nga Vladimir Putin.


Tổng thống Pháp đến dự cuộc gặp với thái độ tự tin. « Chúng ta sẽ đề cập đến những chủ đề gây khó chịu », như cuộc chiến tranh ở Tchetchenia làm hàng trăm người thiệt mạng, vụ sát hại nữ nhà báo Anna Politkovskaïa, vấn đề nhân quyền, các quyền của cộng đồng đồng tính… Nguyên thủ Pháp khẳng định, « đối với tôi, đó là những vấn đề không thể chấp nhận được".


Trong cuộc gặp giữa hai nguyên thủ, dường như Putin đã để cho Sarkozy nói và khi tổng thống Pháp ngừng lời thì đồng nhiệm Nga im lặng trong vài giây. Theo miêu tả của nhà báo Nicolas Hénin, thì sự im lặng này tạo nên bầu không khí khó xử.


Với vẻ mặt chế nhạo, Putin nói với Sarkozy : « Được rồi, anh đã nói xong chưa ? », rồi lưu ý rằng diện tích nước Pháp nhỏ xíu so với nước Nga. Putin cảnh cáo : « Nếu anh tiếp tục với giọng điệu như vậy, tôi sẽ nghiến nát anh hoặc là anh đừng ăn nói như vậy với tôi, anh mới trở thành tổng thống Pháp và tôi có thể biến anh thành một vị vua ở châu Âu".


Các phát biểu sau đó của Putin thường xuyên đi kèm những lời thóa mạ, mạt sát làm cho ông Sarkozy thực sự bị choáng voáng. Điều này giải thích vì sao nguyên thủ Pháp có thái độ gây ngạc nhiên trong cuộc họp báo. Nhà báo Nicolas Hénin khẳng định, "Putin không uống rượu, Sarkozy cũng không, nhưng Sarkozy bị đo ván, như chết đứng vì bị Putin làm nhục". - RFI

|

|


4.

Căng thẳng tại Seoul sau việc luận tội tổng thống


Căng thẳng đã tăng cao khi những người ủng hộ Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye vừa bị luận tội và những người chống lại bà đã tập trung mít tinh ở Seoul hôm thứ Bảy, 17/12. Số người chống bà Park đông hơn nhiều.


Những người ủng hộ bà Park, bị luận tội hôm 9/12, đã vận động việc phục chức cho bà, trong khi những người phản đối đã tập trung trong tuần thứ tám để nhắc lại yêu cầu của họ là vì lãnh đạo bị luận tội vì bê bối tham nhũng phải rời bỏ quyền lực ngay lập tức.


Mặc dù có sự hiện diện dày đặc của cảnh sát để tách hai nhóm ra, vẫn có tin đã xảy ra một số vụ la hét và xô đẩy giữa những người biểu tình. Không có tin về thương tích.


Những người ủng hộ bà Park lần cuối tổ chức một cuộc mit tính lớn là vào giữa tháng 11. Các nhà tổ chức ước tính có hơn 300.000 người chống bà Park đã có mặt tại cuộc mít tinh.


Bà Park bị cáo buộc thông đồng với người bạn lâu năm của bà là Choi Soon-sil để ép buộc các tập đoàn Hàn Quốc đóng góp gần 65 triệu đôla cho hai quỹ mờ ám. Bà Choi cũng đang bị điều tra về việc tuồn tiền từ các quỹ và từ các hợp đồng phụ béo bở cho chính bà và bạn bè của bà. - VOA

|

|


5.

Đánh bom tự sát làm chết 40 binh sĩ Yemen


Các quan chức quân đội ở Sana'a cho biết một vụ đánh bom tự sát đã giết chết ít nhất 40 binh sĩ hôm Chủ nhật, 18/12, tại thành phố cảng Aden ở miền nam nước này.


Nhà chức trách nói các binh sĩ đã tập trung tại căn cứ quân sự để nhận lương.


Quân đội cho biết ít nhất 50 binh sĩ khác đã bị thương trong vụ đánh bom.


Nhà nước Hồi giáo đã nhận trách nhiệm gây ra vụ tấn công.


Vụ đánh bom xảy ra một tuần sau vụ nổ tương tự ở Aden, do Nhà nước Hồi giáo nhận trách nhiệm, đã giết chết ít nhất 45 binh sĩ và làm hàng chục người khác bị thương. - VOA

|

|


6.

Iran yêu cầu họp khẩn để phản đối Mỹ triển hạn chế tài


Iran đã yêu cầu một cuộc họp khẩn với một ủy ban sáu quốc gia đã đạt đồng thuận trong năm 2015 chấm dứt những chế tài kinh tế vốn gây khốn đốn cho Tehran, để nghe những khiếu nại về việc Mỹ triển hạn một số chế tài dù đã có thỏa thuận này.


Thông tấn xã chính thức của Iran cho biết Bộ trưởng Ngoại giao Mohammad Javad Zarif đã gửi một yêu cầu thông qua Liên minh Châu Âu để các nước được gọi là P5+1 hội họp. Không có bình luận ngay tức thì của EU hôm thứ Bảy.


Yêu cầu theo sau một thông cáo của Tòa Bạch Ốc hôm thứ Năm nói rằng dự luật cho phép triển hạn một số chế tài nhắm vào Iran thêm 10 năm nữa sẽ trở thành luật mà không có chữ ký của Tổng thống Barack Obama.


Thỏa thuận hạt nhân năm 2015, được năm thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và Đức thương thuyết với Iran, nới lỏng những biện pháp trừng phạt kinh tế trên diện rộng nhắm vào Iran để đổi lấy việc Iran hạn chế chương trình hạt nhân của mình.


Tổng thống Obama đình chỉ những chế tài liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran theo thỏa thuận hạt nhân năm 2015, nhưng việc ông khoan bãi bỏ những chế tài này sẽ cho phép tổng thống mới sử dụng chúng nếu thấy phù hợp.


Tehran nói rằng việc Mỹ triển hạn những chế tài vi phạm thỏa thuận năm 2015, và tuần này Iran đã ra lệnh cho những nhà khoa học của mình bắt đầu phát triển những hệ thống cho tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân. - VOA

|

|


Tin Hoa Kỳ


7.

Ông Trump chọn dân biểu bảo thủ về tài chính làm giám đốc ngân sách


Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump đã chọn Dân biểu Đảng Cộng hòa Mick Mulvaney làm giám đốc ngân sách Tòa Bạch Ốc của ông, một tín hiệu cho thấy ông Trump định sẽ cắt giảm chi tiêu liên bang mặc dù hứa hẹn sẽ tăng chi tiêu quân sự, bảo vệ những chương trình trợ cấp tốn kém và xây dựng lại cơ sở hạ tầng của đất nước.


Ông Mulvaney là người có chủ trương bảo thủ tài chính. Ông thậm chí còn thúc ép những đồng nghiệp Cộng hòa của mình cắt giảm chi tiêu liên bang quyết liệt hơn nữa.


Trong một thông cáo hôm thứ Bảy loan báo quyết định của mình, ông Trump nói: "Ngay bây giờ chúng ta đang mắc nợ 20 ngàn tỉ đôla, nhưng Mick là nhà lãnh đạo đầy nhiệt huyết với những niềm tin sâu sắc về việc làm thế nào để quản lý tài chính của đất nước chúng ta một cách có trách nhiệm và cứu đất nước chúng ta khỏi chìm trong nợ nần."


Nếu ông Mulvaney được Thượng viện chuẩn thuận làm Giám đốc Văn phòng Quản lý và Ngân sách thì việc này có thể xoa dịu những lo ngại trong khối những nhà lập pháp có chủ trương bảo thủ về tài chính. Những người này đã nêu nghi vấn về cách thức mà chính quyền của ông Trump sẽ quản lý ngân sách liên bang.


Ông Trump đã hứa sẽ cắt giảm chi tiêu liên bang trong khi củng cố quân đội và bảo lưu những chương trình trợ cấp xã hội được nhiều người sử dụng, chẳng hạn như Medicare và An sinh Xã hội. Ông Trump cũng đã kêu gọi chi tới 1 ngàn tỉ đôla để sửa chữa cơ sở hạ tầng đang trở nên cũ kỹ của đất nước, một ý tưởng mà lâu nay rất được phe Dân chủ ủng hộ.


Ông Mulvaney thuộc một nhóm những nghị sĩ trẻ có lập trường bảo thủ tài chính, được bầu vào Quốc hội vào năm 2010. Ông nhanh chóng được biết tới như một người kiên quyết thắt chặt chi tiêu trong khi đóng vai trò hàng đầu trong một cuộc đối đầu hồi năm 2011 giữa phe Cộng hòa tại Hạ viện và Tổng thống Barack Obama, dẫn tới việc chấp thuận những giới hạn nghiêm ngặt đối với ngân sách.


Ông Mulvaney là một thành viên sáng lập của Khối Tự do Hạ viện, một nhóm những nhà lập pháp Cộng hòa bảo thủ kiên định tại Hạ viện mà hồi năm 2015 đã lật đổ Chủ tịch Hạ viện khi đó là ông John Boehner. - VOA


No comments:

Post a Comment