Tin Thế Giới
1.
Trung Quốc phản đối luật ngân sách quốc phòng Mỹ vì có tên Đài Loan --- Trung Quốc thử nghiệm chiến cơ đấu mới --- Hàng không mẫu hạm Trung Quốc đến Biển Đông giữa lúc căng thẳng
Bắc Kinh cho biết đã chính thức phản đối đạo luật ngân sách quốc phòng Mỹ mà tổng thống Barack Obama vừa ký ban hành cách nay vài hôm. Quốc Hội Mỹ đề nghị Lầu Năm Góc tổ chức những cuộc trao đổi, hợp tác cấp cao giữa Washington và Đài Bắc.
Theo Reuters, trong đạo luật ngân sách quốc phòng 618,7 tỷ đôla, Quốc Hội Mỹ đưa ra ý kiến là bộ Quốc Phòng Mỹ phải mở ra một chương trình hợp tác quân sự cấp cao giữa Hoa Kỳ và Đài Loan.
Trong một bản tuyên bố vào chiều chủ nhật 25/12/2016, bộ Ngoại Giao Trung Quốc cho biết đã bày tỏ « nỗi bất bình » với chính quyền Obama cũng như « lập trường phản đối » mọi đạo luật « xâm phạm » đến chủ quyền của Trung Quốc, mà Đài Loan là một phần lãnh thổ bất khả phân.
Tuy nhận định điều khoản liên quan đến Đài Loan trong luật ngân sách quốc phòng Mỹ không có tính trói buộc, nhưng Bắc Kinh vẫn cho rằng đây là một hành động can thiệp « không thể chấp nhận được » vào nội tình Trung Quốc.
Bằng lời lẽ quen thuộc, bộ Ngoại Giao Trung Quốc yêu cầu Hoa Kỳ « tôn trọng cam kết nguyên tắc một nước Trung Hoa, chấm dứt tiếp xúc quân sự với Đài Loan để tránh gây tác hại cho quan hệ Mỹ-Trung và hoà bình trong khu vực ».
Bắc Kinh cũng đang bất bình vì ban lãnh đạo mới của Mỹ tỏ ra thân thiết với Đài Loan. Tổng thống sắp nhậm chức Donald Trump còn tuyên bố sẵn sàng bỏ qua một bên nguyên tắc một nước Trung Hoa. - RFI
***
FC-31 Gyrfalcon là mẫu chiến đấu cơ mới loại tàng hình vừa được Trung Quốc trình làng hôm thứ Sáu tuần trước tại Thẩm Dương. Theo báo chí chính thức, Trung Quốc có tham vọng chinh phục thị trường máy bay quân sự thế giới qua mô hình cải tiến từ chiếc FC-31 cũ bay thử lần đầu vào năm 2012.
Theo China Daily, so với FC-31, chiến đấu cơ mới của Trung Quốc FC-31 Gyrfalcon có khả năng tàng hình hiệu quả hơn, trang thiết bị điện tử tinh xảo hơn và có trọng tải tốt hơn, với 12 tên lửa.
Theo AFP, những thông tin này được báo chí Trung Quốc phổ biến trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Trung căng thẳng lên sau khi tổng thống Hoa Kỳ sắp nhậm chức tính đến chuyện siết chặt quan hệ với hải đảo Đài Loan.
Trung Quốc cũng loan báo hàng không mẫu hạm Liêu Ninh kéo ra Thái Bình Dương tập trận, đi ngang eo biển giữa Đài Loan và Phillipines.
Một chuyên gia quân sự Trung Quốc còn cho rằng, với trị giá 70 triệu đôla, thấp hơn Rafale của Pháp (100 triệu) hay chỉ bẳng nửa giá chiếc F-35 của Mỹ, máy bay FC-31 Gyrfalcon còn có thêm hai lợi thế là nhẹ và dễ lái, chắc chắn sẽ có một tương lai thương mại khá tốt. - RFI
***
Một nhóm tàu chiến của Trung Quốc do hàng không mẫu hạm đầu tiên của nước này dẫn đầu đã tiến vào khu vực nửa trên của Biển Đông hôm thứ Hai sau khi đi qua phía nam Đài Loan, Bộ Quốc phòng của đảo tự trị cho biết về động thái mới nhất mà Trung Quốc gọi là một cuộc diễn tập thường kỳ.
Động thái trên diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gần đây khi Tổng thống Đài Loan gọi điện thoại cho Tổng thống mới đắc cử của Mỹ Donald Trump khiến Bắc Kinh giận dữ. Bắc Kinh lâu nay vẫn xem Đài Loan thuộc về Trung Quốc và không đủ tư cách pháp nhân cho mối quan hệ quốc gia với quốc gia.
Chiếc hàng không mẫu hạm Liêu Ninh do Liên Xô xây dựng từng tham gia diễn tập trước đây, trong đó có một số lần ở Biển Đông, nhưng Trung Quốc còn phải mất nhiều năm để hoàn thiện hoạt động hàng không mẫu hạm tương tự như Hoa Kỳ đã làm trong nhiều thập niên.
Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết chiếc hàng không mẫu hạm được hộ tống bởi 5 tàu chiến, đã băng qua phía đông nam của quần đảo Đông Sa, do Đài Loan kiểm soát, và hướng về phía tây nam.
Trước đó, nhóm tàu này đã băng qua khu vực 90 hải lý về phía nam mũi cực nam của Đài Loan thông qua kênh Ba Sĩ, nằm giữa Đài Loan và Philippines.
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Đài Loan Chen Chung-chi từ chối cho biết liệu chiến đấu cơ hay tàu ngầm của Đài Loan đã được triển khai hay không, nhưng nói rằng Bộ Quốc phòng Đài Loan đang tiếp tục “theo dõi và nắm bắt tình hình”.
Nhà lập pháp cao cấp của đảng đối lập Đài Loan Johnny Chiang nói cuộc diễn tập của hàng không mẫu hạm Liêu Ninh là một tín hiệu Trung Quốc gửi tới Hoa Kỳ rằng nước này đã có khả năng xuyên qua “chuỗi đảo thứ nhất”, là khu vực bao gồm quần đảo Ryukyu của Nhật Bản và Đài Loan.
Tại Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói mọi người không nên quá phỏng đoán về kế hoạch của hàng không mẫu hạm bởi vì các hoạt động của nó đều nằm trong khuôn khổ pháp luật.
Tờ báo nhà nước Trung Quốc Hoàn Cầu Thời Báo nói cuộc diễn tập cho thấy hàng không mẫu hạm đã được cải tiến về khả năng chiến đấu và có thể di chuyển xa hơn như thế nào.
Trong bài xã luận, tờ báo viết “Sớm muộn hạm đội của Trung Quốc cũng sẽ đến Đông Thái Bình Dương. Khi hạm đội hàng không mẫu hạm của Trung Quốc xuất hiện ngoài khơi nước Mỹ một ngày nào đó, thì các nguyên tắc hàng hải sẽ được xem lại một cách nghiêm túc”.
Trung Quốc đã rất phẫn nộ vì các cuộc tuần tra hải quân của Mỹ gần các đảo mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông. Trong tháng này, một tàu hải quân Trung Quốc đã bắt giữ một tàu lặn không người lái của Mỹ ở Biển Đông. Trung Quốc đã thả tàu này ra sau đó.
Vào cuối ngày Chủ Nhật, Nhật Bản cho biết đã phát hiện 6 tàu hải quân Trung Quốc, bao gồm hàng không mẫu hạm Liêu Ninh, di chuyển qua khu vực giữa Miyako và Okinawa và vào Thái Bình Dương.
Hôm thứ Hai, Phát ngôn viên hàng đầu của chính phủ Nhật Bản nói hành trình trên cho thấy khả năng tăng cường quân sự của Trung Quốc và Nhật Bản đang giám sát chặt chẽ tình hình. - VOA
|
|
2.
Ấn Độ thử phi đạn hạt nhân có tầm bắn tới mục tiêu ở Trung Quốc
Ấn Độ đã thực hiện thành công vụ thử nghiệm lần thứ tư phi đạn hạt nhân liên lục địa Agni-V, có thể bắn trúng mục tiêu xa hơn 5.000 km, khiến khu vực cực bắc của Trung Quốc cũng rơi vào tầm bắn vũ khí hạt nhân của Ấn Độ.
Phi đạn địa đối địa dài 17,5 mét, nặng 50 tấn đã được bắn thử nghiệm hôm thứ Hai từ đảo Abdul Kalam, ngoài khơi bờ biển bang miền đông Orissa. Phi đạn đã rơi xuống vùng biển gần Úc.
Ông Ajay Lele của Viện Nghiên cứu và Phân tích Quốc phòng New Delhi cho biết vụ thử nghiệm nhằm đảm bảo về các hoạt động của phi đạn Agni-V.
Phi đạn Agni đã được phát triển trong thập niên qua. Các thế hệ trước của nó có khả năng bắn tới bất cứ nơi nào ở Pakistan, láng giềng và là đối thủ của Ấn Độ. Hai nước đã trải qua ba cuộc chiến và căng thẳng đang tiếp tục tăng cao giữa hai nước. Pakistan cũng sở hữu vũ khí hạt nhân.
Các nhà phân tích quốc phòng nói phi đạn tầm xa Agni-V đã được phát triển trong sự dòm chừng Trung Quốc, quốc gia mà New Delhi cũng xem là một mối đe dọa. - VOA
|
|
3.
Thủ tướng Nhật sắp thăm Trân Châu Cảng cùng Tổng thống Obama
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ thăm Trân Châu Cảng cùng với Tổng thống Barack Obama vào thứ Ba để “thể hiện giá trị của sự hòa giải giữa Nhật Bản và Hoa Kỳ”, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết hồi đầu tháng này.
Tòa Bạch Ốc nói chuyến thăm của ông Abe sẽ làm nổi bật liên minh giữa các cựu thù chiến tranh.
Ông Abe sẽ trở thành Thủ tướng đương nhiệm Nhật Bản đầu tiên tới Trân Châu Cảng kể từ lần dừng chân ngắn của cựu lãnh đạo Nhật Bản Shigeru Yoshida ngày 12/9/1951.
Chuyến thăm ngày thứ Ba diễn ra sau cuộc tấn công đã đẩy Hoa Kỳ vào Thế chiến thứ Hai cách đây 75 năm, và chỉ còn chưa đầy bốn tuần trước khi ông Donald Trump trở thành tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ.
Tháng trước, ông Abe là nhà lãnh đạo thế giới đầu tiên đến gặp ông Trump sau cuộc bầu cử. Sau cuộc gặp gỡ được thu xếp vội vã ở New York, ông Abe nói ông Trump là một nhà lãnh đạo “đáng tin cậy”.
Một phát ngôn viên chính phủ Nhật Bản cho biết ông Abe sẽ không xin lỗi về vụ tấn công của Nhật Bản tại Trân Châu Cảng vào ngày 7 tháng 12 năm 1941, giết chết hơn 2.000 quân nhân.
Trong một động thái tương tự, ông Obama cũng đã không xin lỗi về vụ Mỹ tấn công bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki, giết chết hàng trăm ngàn thường dân vào năm 1945. - VOA
|
|
4.
Israel triệu mời đại sứ Mỹ sau nghị quyết tại Hội Đồng Bảo An
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu triệu mời 10 đại sứ của các nước trong Hội Đồng Bảo An trong đó có đại sứ Mỹ Daniel Shapiro, hai ngày sau khi Hội Đồng Bảo An thông qua nghị quyết lên án chính sách xây thêm khu định cư cho người Do Thái trên lãnh thổ của người Palestine.
Văn kiện thông qua hôm thứ Sáu 23/12/2016 yêu cầu Israel phải chấm dứt tức khắc và toàn bộ chính sách « không có giá trị pháp lý » này trên vùng đất chiếm đóng và ở Đông Jerusalem.
Trong số 10 đại sứ các thành viên của Hội Đồng Bảo An bị triệu mời vào ngày hôm nay (26/12), chỉ có đại sứ Mỹ gặp thủ tướng Benjamin Netanyahu, nhưng nội dung không được tiết lộ.
Bốn đại sứ còn lại gồm Venezuela, Malaysia, Senegal và New Zealand, không có quan hệ ngọai giao hoặc không có toà đại sứ tại Tel Aviv.
Đây là lần đầu tiên từ năm 1979, Hoa Kỳ không sử dụng quyền phủ quyết để bảo vệ Israel. Đại sứ Mỹ tại Hội Đồng Bảo An Samantha Power giải thích là không thể nào vừa ủng hộ chính sách xây khu định cư, vừa chủ trương hai quốc gia Israel và Palestine chung sống. Hoa Kỳ vắng mặt khi bầu phiếu.
Theo thủ tướng Israel, nghị quyết của Hội Đồng Bảo An lên án Israel là một hành động "hổ thẹn". - RFI
|
|
5.
Bầu Quốc Hội Macedonia: Phe bảo thủ vẫn thắng
Đảng cánh hữu bảo thủ Macedonia duy trì được đa số tương đối tại Quốc Hội. Theo đơn kiện của đảng Dân Chủ Xã Hội, Toà án cho bầu lại ở một đơn vị 714 cử tri hôm chủ nhật 25/12/2016. Kết quả đảng bảo thủ vẫn giữ được đa số tương đối, tổng cộng 51 trên tổng số 120 ghế tại nghị viện.
Bầu cử quốc hội Macedonia, một nước cộng hoà của Nam Tư cũ với hơn 2 triệu dân, được tổ chức ngày 11/12/2016 dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Châu Âu sau một thời gian dài khủng hoảng.
Tuy bị tai tiếng tham ô, nhưng đảng cánh hữu cựu thủ tướng Nikolas Gruevski vẫn về đầu với 51 dân biểu. Đảng đối lập Dân Chủ Xã Hội bám sát nút với 49 dân biểu.
Tiếp theo đơn kiện của phe tả phản đối những hành động « gian lận » ở thành phố Tearce, Toà án hành chính cho bầu lại tại một đơn vị ở thành phố này.
Theo kết quả chưa chính thức đăng trên mạng của Ủy ban bầu cử Macedonia, liên minh bảo thủ vẫn giữ được 51 ghế.
Bình luận về sự kiện phải bầu phiếu lại ở một đơn vị, một viên chức trong đảng cánh hữu lên án « phe tả » vu khống trong mục tiêu làm "thay đổi kết quả bầu cử, đi ngược lại ý nguyện của người dân". - RFI
|
|
6.
Tổng thư ký LHQ Ban Ki Moon bị tố cáo tham nhũng ở Hàn Quốc
Vừa mới để lộ ý muốn ra tranh cử tổng thống Hàn Quốc, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc sắp mãn nhiệm Ban Ki Moon đã lập tức bị tố cáo tham nhũng ở Hàn Quốc. Theo một cuộc điều tra được một tuần báo Hàn Quốc đăng tải, ông Ban Ki Moon dường như đã nhận hối lộ 200.000 đô la năm 2005, lúc ông làm ngoại trưởng Hàn Quốc, rồi 30.000 đô la năm 2007, sau khi ông giữ ghế tổng thư ký Liên Hiệp Quốc.
Những lời tố giác này được đưa ra vài ngày trước khi ông hết nhiệm kỳ ở Liên Hiệp Quốc, trong lúc nhiều người xem ông là ứng viên tốt cho cánh bảo thủ ra tranh chiếc ghế tổng tống Hàn Quốc trong cuộc bầu cử tới đây.
Thông tín viên RFI tại Seoul, Frédéric Ojardias, phân tích :
« Chuyến trở về nước của ông Ban Ki Moon xem ra không êm thấm. Theo tiết lộ của tờ báo điều tra Sisa, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc dường như đã nhận cách đây 10 năm 230.000 đô la tiền mặt.
Đây là tiền đút lót của ông Park Yeon Cha, lãnh đạo tập đoàn Taekwang, từng là tâm điểm một vụ tai tiếng khác liên lụy đến những người thân cận của cựu tổng thống Hàn Quốc Roh Moo-Hyun.
Người phát ngôn của của ông Ban Ki Moon đã đánh giá ngay đó là những tố cáo « sai lệch và không cơ sở », và đòi tờ báo rút lại thông tin và xin lỗi.
Những lời tố giác này rất nguy hiểm đối với ông Ban Ki Moon, người đã không che giấu ý muốn tranh chiếc ghế tổng thống. Ông rất có uy tín đối với những cử tri cao niên và đảng bảo thủ cầm quyền, do bị tác động của vụ tai tiếng « quân sư Choi » khiến tổng thống Park Geun Hye bị truất phế, nên đang hy vọng thuyết phục ông làm ứng viên tổng thống của họ.
Phần đảng cấp tiến Minjoo thì yêu cầu mở điều tra. Các ứng viên của đảng này đang có nhiều triển vọng trong các cuộc thăm dò và Ban Ki Moon sẽ là đối thủ nguy hiểm nhất đối với họ.
Nếu Tòa Bảo Hiến thông qua việc truất phế tổng thống Park Geun Hye thì cuộc bầu cử tổng thống trước thời hạn sẽ diễn ra trong vòng 60 ngày.»
Bà Choi không trình diện Ủy ban điều tra của Quốc Hội
Bà Choi Soon-Sil, nhân vật trọng tâm của vụ tai tiếng, vào hôm nay, 26/12, đã từ chối không ra khỏi phòng giam để gặp các dân biểu Ủy ban điều tra Quốc Hội đến tận nhà tù để thẩm vấn bà.
Ủy ban này trước đây đã nhiều lần muốn thẩm vấn, nhưng bà Choi đã không chịu đến và họ bị buộc phải đến tận nhà tù.
Theo dự kiến của Ủy ban, cuộc thẩm vấn hôm nay sẽ được truyền hình từ nhà tù, nhưng các dân biểu đã hoài công, bà Choi nhất định không chịu gặp.
Nghị sĩ Jung You-Sub thuộc đảng cầm quyền Saenuri không chấp nhận việc không trình diện này, cho là « không lý do chính đáng » và thái độ này có thể bị phạt đến 5 năm tù. Vấn đề là về mặt pháp lý, không thể ép buộc một nhân chứng ra trình diện trước một ủy ban điều tra của Quốc Hội.
Hôm Chủ Nhật, 25/12, bà Choi đã trả lời thẩm vấn các thẩm phán điều tra vụ tống tiền, lạm quyền mà bà « quân sư » của tổng thống bị tố cáo. - RFI
|
|
Tin Hoa Kỳ
7.
Tổng thống Obama ký luật liên quan nhân quyền
Tổng thống Barack Obama vừa ký luật mở rộng chế tài với các cá nhân vi phạm nhân quyền trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam.
Nhà Trắng cho hay cuối tuần trước ông Obama đã ký thành luật dự luật S. 2943, tức Luật Chuẩn chi Ngân sách Quốc phòng năm 2017 (NDAA 2017).
Trong luật này có điều luật Chịu trách nhiệm về Nhân quyền Toàn cầu Magnitsky (gọi tắt là Magnitsky Act), quy định chế tài với các cá nhân mà Hoa Kỳ cho là vi phạm nhân quyền trên toàn thế giới.
Theo đó, các cá nhân, quan chức ở các nước, kể cả Việt Nam, nếu bị liệt vào dạng vi phạm nhân quyền, sẽ có thể bị Hoa Kỳ hạn chế nhập cảnh hoặc đóng băng tài sản.
Magnitsky Act cũng áp dụng cho các cá nhân bị kết tội tham nhũng, biển thủ và một số tội danh khác.
NDAA 2017 đã được lưỡng viện Quốc hội Hoa Kỳ thông qua hồi đầu tháng.
Văn bản điều luật quy định: "Tổng thống có thể áp dụng chế tài... đối với bất kỳ cá nhân nào mà Tổng thống xác quyết, dựa trên các bằng chứng đáng tin cậy, là phải chịu trách nhiệm về hành vi giết hại bất hợp pháp, tra tấn hoặc các vi phạm nghiêm trọng khác đối với quyền con người được quốc tế công nhận nhằm vào các cá nhân ở bất kỳ quốc gia nào".
Điều luật này có hiệu lực 6 năm nhưng chỉ có Tổng thống Mỹ là có quyền chấm dứt chế tài với một cá nhân nào đó với điều kiện phải báo cáo cho Quốc hội.
Magnitsky Act được Thượng viện Mỹ thông qua 4 năm trước, thoạt tiên là để hạn chế nhập cảnh và đóng băng tài sản của các quan chức Nga liên quan tới cái chết của luật sư Nga Sergei Magnitsky.
Với NDAA 2017 vừa được ký thành luật, nay nó mở rộng phạm vi ra các nước khác trên thế giới.
Điều này được đánh giá là có ý nghĩa lớn vì các cá nhân vi phạm nhân quyền hay tham nhũng, thí dụ ở Việt Nam, nay có thể bị trừng phạt mà không liên quan quan hệ giữa hai chính phủ, điều mà Washington nhiều lần ngần ngại không muốn làm.
Magnitsky là ai?
Ngày 24/11/2008, Sergei Magnitsky, luật sư điều hành của công ty luật Firestone Duncan ở Moscow, đồng thời là cố vấn luật và thuế của Quỹ quản lý Đầu tư Hermitage Capital trụ sở London, bị cơ quan thuế của Bộ Nội vụ Nga bắt giữ. Sau đó ông Magnitsky bị truy tố tội trốn thuế trong vụ án hình sự chống Hermitage Capital.
Ngày 16/11/2009, ông Magnitsky chết trong trại giam Matrosskaya Tishina ở Moscow sau gần một năm bị giam giữ.
Để trừng phạt, điều luật mang tên ông đã được Thượng viện Hoa Kỳ chuẩn y nhằm áp chế tài với các cá nhân quan chức Nga bị cho là phải chịu trách nhiệm về cái chết của ông. - BBC
|
|
8.
Tổng thống Obama mừng Lễ Giáng sinh ở Hawaii
Tổng thống Mỹ Barack Obama và gia đình mừng Lễ Giáng sinh ở bang quê nhà Hawaii của ông, trong khi Tổng thống đắc cử Donald Trump đón Noel tại dinh thự sang trọng Mar-a-Lago trên bãi biển Palm Beach ở bang Florida, nơi ông đã họp với các nhân viên cấp cao, các cố vấn và các giám đốc điều hành doanh nghiệp.
Tổng thống Obama và hai cô con gái, Sasha và Malia, dùng bữa tối với những người bạn ở khách sạn Side Street Inn ở trung tâm thương mại Honolulu. Sau đó, gia đình của tổng thống đã tới khu nghỉ mát Breakout Waikiki nằm gần bãi biển nổi tiếng thế giới Waikiki Beach. Phòng ốc trong khu nghỉ mát Breakout được bố trí theo các câu đố của trò chơi tìm không gian kết nối thích hợp, khiến lữ khách “kẹt bẫy” phải hợp lực với nhau tìm cách thoát.
Gia đình Tổng thống Obama cùng một số bạn cũng tới thăm Island Snow ở Kailua để ăn kem đá bào, một “đặc sản” tráng miệng của Hawaii làm bằng đá bào với các loại nhân và siro ở bên trên.
Bà Michelle Obama dành ngày thứ Bảy để trả lời điện thoại của các em nhỏ theo dõi hành trình của ông già Noel. Chương trình này cho các em nhỏ trên cả nước biết những địa điểm mà ông già Noel đang tới để tặng quà.
Tổng thống đắc cử Donald Trump và phu nhân Melania đi lễ nửa đêm ở tại nhà thờ Bethesda bên bờ biển Palm Beach, Florida, nơi họ làm lễ kết hôn vào năm 2005.
Ông Trump cho rằng Đạo Công giáo đang bị công kích vì ngày càng có nhiều người sử dụng lời chúc “Happy Holidays,” nghĩa là “mừng lễ vui vẻ” thay vì “Merry Christmas,” nghĩa là “Mừng Giáng sinh.” Ông tuyên bố sẽ giữ lài câu chúc truyền thống “Merry Christmas” khi ông làm tổng thống.
Sớm thứ Bảy, tổng thống đắc cử viết lời chúc mừng lễ Hanukkah trên Twitter – đánh dấu khởi sự mùa lễ của người Do Thái. - VOA
|
|
9.
Mỹ: Súng nổ tại tiệc Giáng sinh, 7 người bị thương
Cảnh sát Hoa Kỳ hôm 25/12 tiếp tục truy lùng hai nghi can nhả đạn vào một bữa tiệc Giáng sinh ở North Carolina, khiến 7 người bị thương, trước khi tẩu thoát trên một chiếc xe do một nghi can thứ ba cầm lái.
Vụ nổ súng xảy ra một hôm trước đó tại một bữa tiệc ở Rockingham, ngoại ô thành phố Madison ở tiểu bang North Carolina, theo Reuters.
Phát ngôn viên của cảnh sát trưởng địa phương cho biết rằng cảnh sát vẫn chưa nhận dạng được các nghi can và chưa ai bị bắt giữ.
Thông cáo cho biết thêm rằng các nhân viên cảnh sát phát hiện hai người bị thương ở hiện trường, trong khi năm người khác thì trước đó đã được đưa đi chữa trị vết thương ở nơi khác.
Tất cả các nạn nhân đều không ai có thương tích có thể gây nguy hiểm tới tính mạng. Khoảng 250 tới 300 người có mặt tại bữa tiệc khi một vụ cãi lộn xảy ra, dẫn tới súng nổ.
Các nhân chứng kể lại rằng hai kẻ nổ súng, đều là nam giới, theo Reuters, cũng tham gia bữa tiệc và đã đeo mặt nạ trước khi nổ súng.
Cả hai bỏ trốn khỏi hiện trường trên một chiếc xe màu bạc do một phụ nữ cầm lái. Cảnh sát cho biết vẫn chưa rõ loại xe mà các nghi phạm dùng để tẩu thoát. - VOA
|
|
Tin Việt Nam
10.
Tổng kết tình hình Việt Nam 2016
Formosa gây ô nhiễm khiến cá biển chết hàng loạt, thay đổi ban lãnh đạo sau những đấu đá quyết liệt ở Đại hội Đảng, Việt Nam tăng cường tiềm lực quân sự ở Biển Đông, Hoa Kỳ bãi bỏ lệnh cấm vận vũ khí Việt Nam, nợ công tăng cao đến mức báo động. Đó là một số trong những sự kiện đáng chú ý của thời sự Việt Nam năm 2016.
Cá biển chết hàng loạt
Có thể nói sự kiện được bàn tán nhiều nhất và gây chấn động nhiều nhất trong năm 2016 là vụ cá biển chết hàng loạt tại các tỉnh miền Trung vào tháng Tư do các chất độc hại do nhà máy của công ty Formosa Hà Tĩnh thải ra biển. Thảm họa môi trường chưa từng có ở Việt Nam đã gây thiệt hại nặng nề cho ngư dân các vùng này, và thu hút sự chú ý của báo chí quốc tế trong nhiều tháng.
Theo thẩm định của chính phủ trong một báo cáo với Quốc Hội vào tháng Bảy, khối lượng cá bị chết tại các vùng bờ biển miền Trung vào tháng Tư vừa qua lên đến 115 tấn, gây tác hại đến việc kiếm sống của hơn 200 ngàn người, trong đó có 41 ngàn ngư dân.
Vào tháng 06/2016, công ty Formosa đã thừa nhận trách nhiệm gây ô nhiễm biển khiến cá chết hàng loạt và đã hứa sẽ bỏ ra tổng cộng 500 triệu đôla để làm sạch nước biển và bồi thường cho những ngư dân bị thiệt hại. Nhưng cho tới nay, nhiều người dân địa phương vẫn chưa nhận được tiền đền bù, nên vẫn tiếp tục biểu tình phản đối Formosa, đòi bồi thường và đòi đóng cửa công ty này. Trong tháng Chín, hàng trăm ngư dân cũng đã tới tòa án Hà Tĩnh nộp đơn kiện Forrmosa, nhưng các hồ sơ kiện của người dân đã bị tòa bác với lý do « không có đủ cơ sở đánh giá mức độ thiệt hại ».
Thảm họa cá biển chết hàng loạt đã gây phẫn nộ dư luận Việt Nam và đã khơi dậy một phong trào mạnh mẽ đòi chính quyền phải chú tâm hơn đến việc bảo vệ môi trường khi cấp phép cho các dự án đầu tư ngoại quốc.
Đối với các chuyên gia quốc tế về môi trường như ông Nguyễn Đức Hiệp tại Sydney trong khi trả lời RFI ngày 04/07/2016, vụ Formosa là một bài học đắt giá cho Việt Nam về việc kiểm soát tác động của các dự án đầu tư ngoại quốc tại Việt Nam đối với môi trường biển.
Nhưng họa vô đơn chí, không chỉ gặp nạn cá biển chết hàng loạt, các tỉnh miền Trung năm nay còn gặp những trận lũ lịch sử. Thêm vào đó, các hồ thủy điện còn đồng loạt xả lũ, khiến nhiều địa phương chìm trong biển nước. Theo số liệu thống kê chính thức thì các trận mưa lũ đã khiến hơn 230 chết và mất tích. Biết bao người dân đời sống vốn đã khó khăn nay càng thêm khốn đốn vì các trận mưa lũ, xã lũ.
Thay đổi lãnh đạo
Chính trường Việt Nam năm 2016 đã có nhiều thay đổi, với việc tại Đại Hội đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 12 họp vào đầu tháng Giêng, Ban Chấp Hành Trung Ương khóa mới đã bầu lại ông Nguyễn Phú Trọng vào chức tổng bí thư Đảng, chấm dứt một tuần họp kín đầy kịch tính với cuộc đấu đá quyết liệt giữa phe của ông Trọng với phe của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Việc ông Trọng giành phần thắng đã kéo theo việc thay đổi ban lãnh đạo chính quyền Việt Nam, với ba nhân vật đã được chọn trước lên thay thế ban lãnh đạo cũ: bộ trưởng Công An Trần Đại Quang lên làm chủ tịch nước, phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lên làm thủ tướng và phó chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân lên làm chủ tịch Quốc Hội.
Ba nhân vật nói trên đã được Quốc Hội mãn nhiệm bầu ngay vào chức vụ mới ngay cả trước khi diễn ra bầu cử Quốc Hội khoá mới vào tháng 05/2016, một sự kiện bất thường, tuy không phải là lần đầu tiên. Và Quốc Hội khóa mới dĩ nhiên là đã bổ nhiệm lại ba người vào vị trí cũ.
Nội bộ chính quyền Việt Nam 2016 cũng đã gặp không ít xáo trộn với vụ Trịnh Xuân Thanh, nguyên phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang, cựu chủ tịch hội đồng quản trị Tổng Công ty Xây Lắp Dầu Khí Việt Nam PVC bị cáo buộc là có « hành vi cố ý làm trái » gây thua lỗ hơn 3.000 tỷ đồng cho công ty. Nhưng chính quyền chưa kịp bắt thì ông Trịnh Xuân Thanh đã trốn ra nước ngoài, có tin đồn là đã trốn sang châu Âu, và cho tới nay vẫn biệt tăm, cho dù Việt Nam đã yêu cầu Interpol phát lệnh truy nã quốc tế đối với nhân vật này và tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã liên tục hô hào « phải bắt cho bằng được ».
Vụ Trịnh Xuân Thanh cho thấy là đấu đá nội bộ vẫn tiếp diễn ở Việt Nam, nhất là vì ông Vũ Huy Hoàng, cựu bộ trưởng bộ Công Thương, cấp trên trực tiếp trước đây của ông Trịnh Xuân Thanh, cũng đã bị kỷ luật, bị « cách chức »cho dù không còn là bộ trưởng nữa. Đánh vào ông Trịnh Xuân Thanh và ông Vũ Huy Hoàng cũng chính là đụng đến phe của Nguyễn Tấn Dũng.
Biển Đông : Việt Nam tăng cường tiềm lực quân sự
Về tình hình Biển Đông, đáng chú ý là trong năm nay là việc Hà Nội đã tăng cường tiềm lực quân sự và bồi đắp các đảo do Việt Nam kiểm soát để có thể đối phó với Trung Quốc. Ảnh vệ tinh Mỹ chụp ngày 30/11/2016 cho thấy Việt Nam có dấu hiệu bắt đầu công trình nạo vét tại Đá Lát (Ladd Reef), một đá thuộc quần đảo Trường Sa, bên trên có sẵn một ngọn hải đăng và một đồn lính nhỏ.
Trước đó, các hình ảnh vệ tinh do Trung Tâm Nghiên Cứu Quốc Tế Và Chiến Lược (CSIS) cũng cho thấy là Hà Nội đã mở rộng phi đạo và xây hai nhà chứa máy bay lớn trên một đảo của Trường Sa để có thể tiếp nhận những phi cơ mới của không quân Việt Nam, như máy bay giám sát biển PZL M28B và máy bay vận tải CASA C-295. Để mở rộng phi đạo, Việt Nam đã bồi đắp đảo cho lớn hơn, tương tự như việc Trung Quốc xây các đảo nhân tạo, tức bồi đắp các đá thành những đảo thật sự.
Hãng tin Reuters tháng 08/2016 tiết lộ rằng Việt Nam cũng đã bắt đầu triển khai các dàn tên lửa địa đối không ở quần đảo Trường Sa, nhưng Hà Nội chưa xác nhận thông tin này.
Với nguy cơ chiến tranh tái diễn với Trung Quốc do vấn đề Biển Đông, Việt Nam không có con đường nào khác hơn là phải tiếp tục hiện đại hóa quân sự, mua thêm vũ khí và thiết bị quân sự từ nhiều nguồn khác nhau, đặc biệt là từ Hoa Kỳ.
Mỹ bỏ cấm vận vũ khí
Trong năm 2016, quan hệ Việt - Mỹ tiếp tục được tăng cường, kể cả về mặt quốc phòng, đặc biệt với việc tổng thống Obama khi viếng thăm Việt Nam vào tháng 05 đã loan báo bãi bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí cho Việt Nam. Bãi bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương là điều mà Hà Nội vẫn thúc giục Washington làm trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng tỏ ra hung hăng trên vấn đề chủ quyền Biển Đông. Tuy nhiên, ông Obama cũng đã nói rõ là việc bán vũ khí cho Việt Nam vẫn còn phải đáp ứng những yêu cầu của Mỹ, trong đó có yêu cầu về nhân quyền.
Theo báo điện tử của chính phủ Việt Nam, tổng thống tân cử của Mỹ Donald Trump, khi điện đàm với thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngày 14/12, đã « khẳng định mong muốn hợp tác với Việt Nam để cùng thúc đẩy quan hệ ».Hai nhà lãnh đạo cũng đã « trao đổi phương hướng và biện pháp thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư Việt Nam-Hoa Kỳ thời gian tới. »
Việt Nam đã hy vọng là thông qua hiệp định Tự Do Mậu Dịch Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương sẽ củng cố hơn nữa quan hệ với Hoa Kỳ, giảm bớt sự lệ thuộc vào Trung Quốc. Thế nhưng, tổng thống tân cử Donald Trump đã dập tắt hy vọng đó khi tuyên bố rằng ngay trong ngày đầu tiên vào Nhà Trắng, ông sẽ rút Hoa Kỳ ra khỏi TPP, một hiệp định mà theo ông chỉ bất lợi cho nước Mỹ.
Tuy vậy, theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, trả lời RFI ngày 21/11/2016, Việt Nam còn nhiều kênh khác để tiếp tục hội nhập kinh tế thế giới.
Báo động nợ công
Nhưng trên con đường phát triển kinh tế, có một nguy cơ rất lớn đang rình rập Việt Nam, đó là món nợ công tiếp tục tăng cao và nay đã lên đến mức đáng báo động.
Theo các số liệu do chính phủ đưa ra thì tốc độ tăng nợ công của Việt Nam giai đoạn 2011 - 2015 là 18,4% một năm, gấp 3 lần tăng trưởng kinh tế. Nợ công của Việt Nam năm 2016 được dự báo sẽ tăng lên mức 64%, tức là tiến ngày càng gần đến mức trần cho phép (65% GDP). Trả lời phỏng vấn RFI Việt ngữ ngày 28/11/2016, chuyên gia tài chính Huỳnh Bửu Sơn ở Sài Gòn cho rằng nguyên nhân chính khiến nợ công Việt Nam tăng nhanh là do hiệu quả của đầu tư công quá thấp.
Hệ quả của tình trạng nợ công tăng cao là thâm hụt ngân sách triền miên. Việt Nam đang có nguy cơ là bị cuốn sâu vào vòng xoáy vay để trả nợ, vay để bù đắp thâm hụt ngân sách. Đây là những thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam trong những năm tới. - RFI
|
|
11.
Bất mãn cá nhân là nguyên nhân vụ giết quan chức Yên Bái (LMN: Điều tra của CS thì chỉ có chừng 30 đến 40% sự thật)
Bất mãn về vấn đề nhân sự là nguyên nhân của vụ nổ súng làm chết 3 quan chức tỉnh Yên Bái hồi tháng 8.
Theo báo chí Việt Nam, hôm 26/12, Công an tỉnh Yên Bái đã họp báo cho biết kết quả cuộc điều tra vụ nổ súng hôm 18/8.
Trong vụ này, công an xác định một người đàn ông tên là Đỗ Cường Minh đã bắn chết hai quan chức hàng đầu của tỉnh là ông Phạm Duy Cường, Bí thư Tỉnh ủy; và ông Ngô Ngọc Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân kiêm Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy tại trụ sở Tỉnh ủy Yên Bái.
Ông Đỗ Cường Minh là Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm. Người ta cho là ông Minh đã tự sát sau khi bắn chết hai quan chức.
Công an Yên Bái nói họ “đã đình chỉ điều tra vụ án với lý do thủ phạm gây ra vụ án là Đỗ Cường Minh đã chết”. Họ nhận định rằng “bất mãn, bức xúc cá nhân trong việc bố trí sắp xếp nhân sự khi sáp nhập Chi cục Lâm nghiệp vào Chi cục Kiểm lâm tỉnh Yên Bái” đã dẫn đến việc ông Minh bắn chết hai ông Cường và Tuấn. Công an nói động cơ gây án của ông Minh “không có yếu tố chính trị, không có mâu thuẫn trong làm ăn kinh tế hay tình ái”.
Các tin tức trước đây cho biết ông Đỗ Cường Minh dự kiến được bố trí giữ chức Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm sau khi sáp nhập chi cục lâm nghiệp vào chi cục kiểm lâm.
Thông tin tại cuộc họp báo cũng cho hay công an thu giữ trong phòng ông Tuấn một chiếc cặp bên trong có 50 triệu đồng, két sắt bên trong có 100.000 đôla Mỹ, 1,5 tỉ đồng và một số nhẫn chưa rõ giá trị.
Bình luận về các thông tin từ cuộc họp báo, luật sư Trần Quốc Thuận ở thành phố Hồ Chí Minh nói với VOA:
“Không có ai nghe người đi sát nhân đó có phản ứng gì. Làm sao mà nỗi bức xúc dẫn đến việc giết hai người mà không bộc lộ ra để mọi người biết thì cái đó cũng là một cái không bình thường với một quan hệ xã hội. Một cái quan hệ thứ hai nữa là bảo rằng trong tủ sắt của ông chủ tịch HĐND, trưởng ban tổ chức tỉnh ủy có 100.000 đôla, bảo rằng đó là tiền do gia đình tích cóp bao nhiêu năm thì nghe cũng hơi khiên cưỡng. Nếu có khả năng điều tra thì điều tra khả năng tích cóp ra làm sao. Tôi biết rằng lương của mấy người đó cỡ chừng trên 10 triệu một chút. Không biết có nguồn thu nào, số tiền đó trên 100.000 đôla, hơn hai tỉ, số tiền so với Việt Nam cũng là số tiền khá lớn”. - VOA
|
|
12.
Tuyên giáo Việt Nam đẩy mạnh hoạt động trên Internet
Bộ máy tuyên giáo Việt Nam nói họ “bước đầu tận dụng được lợi thế của Internet” để “đấu tranh chống âm mưu 'diễn biến hòa bình'”. Thông tin này được báo cáo tại một hội nghị ở Hà Nội hôm 26/12.
Báo chí Việt Nam đưa tin hội nghị đã “tổng kết công tác tuyên giáo năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017”. Hệ thống tuyên giáo là công cụ của Đảng Cộng sản có nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục đảng viên và người dân về các chính sách và hoạt động của đảng và chính quyền.
Một báo cáo cho biết Ban chỉ đạo Trung ương 94 có một nhóm chuyên gia đã “tích cực viết hàng nghìn tin bài, xây dựng 12 báo cáo chuyên đề với nội dung định hướng chống âm mưu ‘diễn biến hòa bình’; phương thức đấu tranh có tính đa dạng, … bước đầu tận dụng được lợi thế của mạng Internet và mạng xã hội”.
Ban chỉ đạo Trung ương 94 là tên ngắn gọn của Ban chỉ đạo chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa của Quân ủy Trung ương, thuộc quân đội Việt Nam.
Diễn biến hòa bình là thuật ngữ chính quyền Việt Nam dùng để nói về âm mưu của những lực lượng “thù địch” tìm cách xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và chế độ xã hội chủ nghĩa, làm cho Việt Nam “đi theo chủ nghĩa tư bản” và “lệ thuộc vào đế quốc”.
Chính quyền Việt Nam cũng coi việc các nhà hoạt động vì dân chủ viết và đăng trên Internet các bài phản biện hay chỉ trích các chính sách, hoạt động của chính quyền là một phần của “diễn biến hòa bình”.
Nhà hoạt động Phạm Đoan Trang nói với VOA từ Hà Nội về lý do chính quyền phải lập lực lượng tuyên giáo trên mạng:
“Không hẳn do họ thấy phía dân chủ mạnh thì họ sợ đâu. Mà nguyên tắc chung của ngành công an và tuyên giáo Việt Nam là không bao giờ để cho một tia lửa bùng lên thành ngọn lửa cả. Mọi hiện tượng ngoài kiểm soát là họ không thích, họ khó chịu, họ muốn kiểm soát. Họ vì kỷ luật quản lý. Không quản lý được thì họ không yên tâm”.
Chị Trang, cũng là một blogger viết về chính trị nổi tiếng ở Việt Nam và từng là nhà báo, cho rằng không phải đến gần đây chính quyền mới chống “diễn biến hòa bình” trên mạng, mà họ đã làm từ cách đây trên 10 năm.
Nhà hoạt động điểm lại là từ những năm 2005, 2006, giới tuyên giáo và “công an mạng” đã truy tìm các blogger về chính trị có nhiều ảnh hưởng như “Cô Gái Đồ Long” hay “Only You”.
Năm 2009, khi trang web Bauxite Việt Nam ra đời, chỉ trích chính sách của nhà nước về việc khai thác bauxite ở Tây Nguyên và nhiều vấn đề khác, chị Trang cho hay theo nguồn thông tin riêng của chị, công an đã trả tiền cho nhiều người trong đó có các nhà báo để viết bài “đấu lại” Bauxite Việt Nam.
Một động thái đáng chú ý nữa là hồi năm 2013, ông Hồ Quang Lợi, Trưởng ban Tuyên giáo Hà Nội nói đã xây dựng lực lượng “dư luận viên” và “phóng viên bấm nút” để kịp thời “phản ứng” với các bài viết phản biện trên mạng.
Hiện nay, chị Trang chỉ ra là có một nhóm với tên gọi là “tổ ngàn like” được cho là những người chuyên viết bài trên mạng xã hội ủng hộ chính quyền.
Về cuộc đấu trên mạng giữa một bên là bộ máy tuyên giáo có tổ chức chặt chẽ, còn một bên là những tiếng nói của những người thúc đẩy cho dân chủ khá đông đảo, nhà hoạt động Phạm Đoan Trang đưa ra nhận xét:
“Những năm tháng gần đây họ ngày càng mạnh hơn, không chỉ trên blog mà cả trên mạng Facebook, và có lẽ cũng sẽ trên Twitter và nhiều điều khác. Họ đấu tranh chống các Facebooker trên từng cây số. Tôi thì không thấy bi quan lắm vì tôi nghĩ rằng là số lượng những người like những Facebooker ủng hộ chế độ đó nhiều cũng khoảng mấy nghìn, nhưng số lượng người like những Facebooker như Trang Lê hay Cô Gái Đồ Long hay luật sư Lê Công Định cũng nhiều không kém. Tôi nghĩ là ảnh hưởng của đôi bên có lẽ phe dân chủ vẫn hơn”.
Theo các con số thống kê khác nhau được báo chí Việt Nam đưa tin, tính đến hết năm 2015, tỷ lệ người dùng Internet tại Việt Nam đã đạt 52% dân số, tương đương với hơn 49 triệu người.
Việt Nam đứng thứ 22 trên thế giới về tỷ lệ dân số sử dụng mạng xã hội, với mức 31%, trong đó Facebook là mạng xã hội được sử dụng thông dụng nhất.
Hồi năm 2015, Facebook nói có khoảng 35 triệu người dùng mạng xã hội này tại Việt Nam, đồng nghĩa với việc hơn 1/3 dân số có một tài khoản Facebook. - VOA
|
|
13.
Phúc thẩm người 'chống nhà nước trên Facebook'
Tòa phúc thẩm ở Đà Nẵng vừa y án sơ thẩm với hai anh em ở Khánh Hòa, bị buộc tội Tuyên truyền chống phá chế độ trên mạng xã hội.
Nguyễn Hữu Quốc Duy và Nguyễn Hữu Thiên An, hai anh em họ, bị y án 3 năm và 2 năm tù vì tội Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam theo Điều 88 Bộ Luật Hình sự.
Được biết phiên phúc thẩm diễn ra chóng vánh sáng thứ Hai 26/12 tại Tòa án Nhân dân Cấp cao Đà Nẵng.
Phiên sơ thẩm hai người này được tổ chức từ cuối tháng Tám.
Nguyễn Hữu Quốc Duy, sinh năm 1985, thường trú ở phường Cam Phú, TP Cam Ranh, làm nghề buôn bán. Vào tháng 11/2015, Quốc Duy bị công an tỉnh Khánh Hòa bắt vì đăng nhiều status bình luận chỉ trích hoặc châm biếm hệ thống trong nước trên trang Facebook của mình.
Quốc Duy cũng bị nói đã sử dụng Messenger (phần mềm có chức năng hội thoại của Facebook) để lập nhóm gồm gần 30 học sinh để thảo luận các chủ đề bị cho là 'chống phá'.
Duy là anh họ của Nguyễn Hữu Thiên An, sinh năm 1995, người tham gia phong trào Zombie bị cho là có xu hướng chống đối chính quyền trên mạng xã hội, bị bắt từ cuối tháng 8/2015. - BBC
|
|
14.
Đi tìm con “dê tế thần” trong vụ Formosa
Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sốt ruột về việc cho đến nay chưa xử lý kỷ luật được bất kỳ viên chức của Đảng hoặc Chính quyền có trách nhiệm trong việc cấp phép xả thải, đánh giá tác động môi trường, quy trình xử lý của Dự án Khu Liên hợp Gang Thép Formosa Hà Tĩnh mà hậu quả dẫn tới thảm họa môi trường biển miền Trung hồi tháng 4/2016.
Đối tượng nặng ký
Nhà báo tự do Huỳnh Ngọc Chênh, người được tổ chức Phóng viên không biên giới vinh danh là Công dân mạng toàn cầu 2013, từ Saigon trình bày ý kiến về việc những ai thực sự phải chịu trách nhiệm trong việc đưa dự án gang thép Formosa về Hà Tĩnh và làm ngơ với những dễ dãi làm tổn hại môi trường:
“ Không một quốc gia nào chấp nhận việc gây ra thảm họa môi trường lớn như vậy mà đến bây giờ vẫn chưa kỷ luật được những người nào chịu trách nhiệm, chưa chỉ ra đích danh những người chịu trách nhiệm.
Theo tôi, chịu trách nhiệm chính vẫn là ông Nguyễn Tấn Dũng, ông Thủ tướng thời đó và trên ông ta là Đảng đã có chủ trương cho phép Formosa vào Hà Tĩnh và tiếp theo đó nữa là Bộ Tài nguyên Môi trường đã cho phép xả thải, rồi không kiểm tra kỹ chuyện trong hợp đồng ký kết đã không có ràng buộc bảo vệ môi trường.
Ai liên quan đến trách nhiệm đó thì cần làm rõ. ”
Sự mất kiên nhẫn của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được thể hiện qua sự kiện ngày 21/12/2016, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng đã truyền đạt ý kiến của Thủ tướng, yêu cầu Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà báo cáo tiến độ kiểm điểm trách nhiệm các cá nhân hoặc tập thể liên quan đến sai phạm của Formosa.
Ý kiến của Thủ tướng là việc này để lâu quá ảnh hưởng không tốt đến công tác chỉ đạo và Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà cần thực hiện lời hứa với Quốc hội tại kỳ họp thứ 2 vừa qua.
Theo báo điện tử Chính phủ, trả lời Tổ Công tác của Thủ tướng, Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, hiện nay Ủy ban Kiểm tra Trung ương đang cử đoàn xuống làm việc để xác định những dấu hiệu vi phạm.
Bộ Tài nguyên Môi trường đang phối hợp và sẽ căn cứ kết luận của Ủy ban Kiểm tra, Bộ Chính trị Trung ương Đảng để xử lý.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà thêm rằng nhưng vấn đề thuộc thẩm quyền của Bộ Tài nguyên Môi trường sẽ xử lý trong năm 2016. Còn sau khi có ý kiến Bộ Chính trị về tập thể, cá nhân nào nữa có liên quan, Bộ Tài nguyên Môi trường sẽ tiếp tục xử lý.
Formosa và lợi ích nhóm
Lật lại hồ sơ phê duyệt đại dự án Formosa là một việc làm nhiêu khê vì nó nằm trong hai nhiệm kỳ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Đại dự án khu Liên hợp Gang thép Formosa và Cảng nước sâu Sơn Dương tới nay đã kéo dài gần 10 năm.
Từ những xem xét ban đầu năm 2007 thời Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Mai Ái Trực, rồi chính thức phê duyệt các văn kiện trong năm 2008 dưới thời Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang và xảy ra thảm họa môi trường từ tháng 4/2016 với Bộ trưởng tân nhiệm Trần Hồng Hà.
Báo chí dòng chính, cụ thể là tờ Lao Động từng có phóng sự điều tra bật mí những bê bối khó tưởng tượng trong quá trình đưa dự án Formosa về Hà Tĩnh. Theo đó, cựu Thứ trưởng Tài nguyên Môi trường Bùi Cách Tuyến tiết lộ đã có sự dính líu của những nhóm lợi ích mà ông gọi là ghê gớm liên quan đến dự án Formosa.
Ông Bùi Cách Tuyến nhấn mạnh, tuy ông ký quyết định cho phép Formosa xả thải ra biển, nhưng đó là quyết định tập thể của Ban Cán sự Đảng Bộ Tài nguyên Môi trường gồm rất nhiều người.
Bên cạnh các giới chức lãnh đạo của Bộ Tài nguyên Môi trường, vai trò đặc biệt quan trọng là ông Võ Kim Cự, nguyên Chủ tịch, nguyên Bí thư tỉnh Hà Tĩnh.
Nhân vật này được cho là người trực tiếp vận động đưa dự án Formosa về Hà Tĩnh, cấp phép cho thuê đất 70 năm vượt thẩm quyền nhưng được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lúc đó hợp thức hóa.
Ông Võ Kim Cự sau khi bình yên rời Hà Tĩnh cuối năm 2015 đã tiếp tục đắc cử Đại biểu Quốc hội khóa 14, đắc cử Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam.
Với một hệ thống chính trị song trùng Đảng - Chính phủ, vấn đề kết luận ai là người trách nhiệm trong vụ Formosa hầu như nằm trong tay Ban Kiểm tra Trung ương, cơ quan nắm cây roi kỷ luật của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ đó mới có thể có biện pháp xử lý về mặt chính quyền hoặc xử lý pháp luật.
Dư luận trong những ngày qua bàn tán về việc sẽ phải có con dê tế thần trong vụ Formosa. Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhận định:
“Chưa biết con dê đó là con dê nào, đó là những lời bình luận, cần phải có chứng cứ rõ ràng. Bởi vì việc Formosa không phải ông Võ Kim Cự mà làm được, ông cự đã từng nói có các Bộ ngành ở Trung ương đồng ý và có phê duyệt của người đứng đầu chính phủ. Như vậy chia xẻ trách nhiệm đi tới đâu thì xử lý tới đấy.
Nếu nghiêm trọng thì hình thức xử lý cao nhất là khai trừ Đảng, nếu mà đã nghỉ rồi thì như thế, còn nếu dính tới của cải vật chất, nhận tiền nhận hối lộ thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.”
Gần đây Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thể hiện quyết tâm chống tham nhũng, làm trong sạch Đảng. Nỗ lực này được mở ra với những phanh phui sai phạm nghiêm trọng ở Bộ Công Thương, liên quan tới cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng.
Nhân vật này bị cảnh cáo về mặt Đảng bị làm cho mất danh dự, nhưng về mặt pháp luật nếu muốn xử lý hình sự ông cựu Bộ trưởng, thì cần phải có chứng cớ về tham nhũng hối lộ mà đây là điều rất khó chứng minh.
Câu chuyện xử lý kỷ luật cá nhân, tổ chức liên quan tới thảm họa môi trường do Formosa Hà Tĩnh gây ra chưa biết sẽ có kết quả như thế nào, đặc biệt đối với các quan chức mà cao nhất là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, tới các Bộ trưởng và Thứ trưởng, các Tổng Cục trưởng, Cục trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường các thời kỳ và đặc biệt nguyên Chủ tịch, nguyên Bí thư Hà Tĩnh Võ Kim Cự.
Theo Luật sư Trần Quốc Thuận, xử lý về mặt Đảng thì cứ xử lý nhưng về mặt pháp luật cần có những chứng cớ cụ thể liên quan tới ăn tiền nhận, hối lộ thì mới có thể xem xét để truy cứu trách nhiệm hình sự. - RFA
- Posted using BlogPress from my iPhone
No comments:
Post a Comment