Tuesday, December 13, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Ba 13/12

Tin Thế Giới

1.
Bắc Kinh kêu gọi Trump tôn trọng "quyền lợi cốt lõi" của Trung Quốc --- TQ đưa khiếu kiện lên WTO về thuế chống phá giá

Trong một phản ứng đáp trả những tuyên bố của tổng thống tân cử Mỹ về Đài Loan, ngoại trưởng Trung Quốc cảnh báo ông Donald Trump « sẽ tự hủy hại » nếu không tôn trọng nguyên tắc « một nước Trung Hoa ».

Theo ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, mọi động thái xâm phạm đến quyền lợi cốt lõi của Trung Quốc sẽ « tự hủy diệt ». Lời khuyến cáo này được xem là phản ứng mạnh nhất của Trung Quốc sau khi tổng thống tân cử Mỹ dọa sẽ dẹp bỏ nguyên tắc một nước Trung Hoa duy nhất, cơ sở trong quan hệ Mỹ-Trung từ năm 1979.

Trong cuộc tiếp xúc với ngoại trưởng Thụy Sĩ Didier Burkhalter tại Bern hôm 12/12/2016, ngoại trưởng Trung Quốc tuyên bố : « bất cứ một chính quyền nào, chính quyền Thái Anh Văn hay một đại cường nào trên thế giới, nếu âm mưu xâm hại nguyên tắc một nước Trung Hoa, thì hậu quả duy nhất là chân của họ bị tảng đá này dập nát ».

Trước đó vài giờ, từ Bắc Kinh, phát ngôn viên bộ ngoại giao Trung Quốc cũng thúc giục "chính quyền mới tại Mỹ thông hiểu tính nghiêm trọng của vấn đề Đài Loan và tôn trọng nguyên tắc nền tảng không thể lay chuyển được trong bang giao Mỹ-Trung".

Hai phản ứng trên đây của Bắc Kinh được đưa ra một ngày sau khi ông Donald Trump, khi trả lời phỏng vấn của một đài truyền hình Mỹ tuyên bố là ông "không cảm thấy bị trói buộc với chính sách một nước Trung Hoa".

Theo phân tích của một chuyên gia Trung Quốc, Bắc Kinh cố gắng tránh rơi vào vòng xóay leo thang căng thẳng. Nhưng giờ đây họ cảm thấy tổng thống tân cử Mỹ có dụng ý muốn thương thuyết lại « nguyên tắc một nước Trung Hoa » để ép Trung Quốc nhượng bộ trong lãnh vực thương mại. - RFI

***
Trung Quốc đệ đơn khiếu kiện lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về việc Mỹ và Châu Âu áp dụng luật chống phá giá với nước này. 

Theo luật này, các quốc gia bán các mặt hàng xuất khẩu với giá thấp hơn giá thành sản xuất - thường là để chiếm thị phần - phải trả thuế như một hình thức phạt. 

Nhưng Bắc Kinh nói mức thuế áp dụng cho hàng Trung Quốc giờ đây phải được giảm vì Trung Quốc đã là thành viên của WTO 15 năm qua.

Mỹ đã tỏ dấu hiệu sẽ không có sự thay đổi nào trong chính sách của họ. 

Ủy Ban Châu Âu nói việc Trung Quốc đưa khiếu kiện là "đáng tiếc" khi châu Âu đã có đề nghị thay đổi cách tính mức thuế với hàng từ Trung Quốc. Đề nghị này đang chờ được 28 nước thành viên EU phê duyệt. 

Giới chức ở Washington và Brussels muốn duy trì điều luật chặt chẽ này để ngăn không cho hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc tràn vào thị trường ở Mỹ và Châu Âu. 

"Quan ngại"

Trung Quốc gia nhập WTO tháng 12/2001 và nói các điều luật nói rõ Trung Quốc phải được coi là một "nền kinh tế thị trường" - một vị trí xứng đáng được các nước thành viên TWO tính lại mức thuế chống phá giá đối với hàng Trung Quốc. 

"Rất đáng tiếc, Hoa Kỳ và Liên minh Châu Âu vẫn chưa thực hiện trách nhiệm này", Bộ Thương mại Trung Quốc nói. "Theo luật của WTO, Trung Quốc có quyền bảo vệ các quyền pháp lý của mình". 

Nhưng Bộ Thương mại Mỹ cho hay thỏa thuận cho Trung Quốc gia nhập WTO không đòi hỏi các nước thành viên phải tự động xếp Trung Quốc vào địa vị một nền kinh tế thị trường, hay cho phép nước này tiếp tục sử dụng "những biện pháp thay thế thuế chống phá giá". 

"Hoa Kỳ tiếp tục quan ngại về sự mất cân bằng nghiêm trọng trong nền kinh tế do nhà nước chỉ đạo của Trung Quốc, chẳng hạn việc sản xuất vượt công suất cho phép môt cách tràn lan, gồm cả ngành công nghiệp thép và nhôm, và sở hữu nhà nước lớn trong nhiều ngành công nghiệp và bộ phận của nền kinh tế. Trung Quốc chưa có những cải cách cần thiết để hoạt động theo nguyên tắc thị trường", một quan chức cao cấp của Bộ Thương mại Mỹ nói trong một thông cáo. - BBC
|
|

2.
Quân đội Mỹ đối mặt với thách thức lớn ở Thái Bình Dương --- Khả năng Trung Quốc gây sự ở Biển Đông và Đài Loan để dọa Donald Trump

Năm 2017 đang dần trở thành 1 năm phức tạp cho những mối quan hệ quân sự của Mỹ ở khu vực Thái Bình Dương. Từ Ngũ giác đài, thông tín viên Carla Babb của đài VOA ghi nhận một số thách thức này.

Có thể dễ dàng hiểu được tại sao Trung Quốc to lớn và hung hăng là một mối đe dọa đối với nỗ lực giữ cho các tuyến lộ thủy quốc tế này luôn thông thoáng.

Nhưng những nước nhỏ hơn như Philippines và Bắc Triều Tiên lại đang tạo ra những đợt sóng lớn trong khu vực Thái Bình Dương.

Michael O’Hanlon là một chuyên gia của Viện nghiên cứu chính sách Brookings có trụ sở ở Washington. Ông O’Hanlon cho biết: 

"Bắc Triều Tiên, như tổng thống Obama vừa nói với ông Trump, trên thực tế có thể là một mối nguy hiểm ít được chú ý nhất ở khu vực đó."

Các chuyên gia nói rằng Bắc Triều Tiên đang chế tạo khoảng 5-6 loại vũ khí hạt nhân mỗi năm. Một quan chức quân sự cấp cao của Mỹ nói Bắc Triều Tiên giờ đây có khả năng phóng những vũ khí này nhưng chưa có khả năng bắn trúng những mục tiêu.

Philippines, một đồng minh lâu năm của Mỹ, đã tìm cách cắt giảm mối quan hệ với Mỹ kể từ khi tổng thống Rodrigo Duterte nhậm chức vào cuối tháng 6 năm nay.

Các quan chức hải quân Mỹ nói với VOA rằng họ sẽ thay các cuộc tập trận chung nhắm mục tiêu vào các khả năng phòng vệ thủy-bộ bằng các cuộc thao dượt khác chỉ tập trung vào đào tạo năng lực cứu trợ thiên tai vào năm tới với Philippines.

Và quân đội Mỹ cũng có thể sẽ thay đổi cách thức huấn luyện với Philippines vào năm tới, chuyển từ tác chiến sang cứu trợ nhân đạo.

Trung tướng Lục đội Mỹ Stephen Lanza cho VOA biết:

"Hiện chúng tôi vẫn đang hợp tác với Philippines. Chúng tôi có thể sẽ phải có một số thay đổi dựa trên các hoạt động ở Philippines và chúng tôi đã chuẩn bị cho việc đó."

Mặc dù vậy sự hiện diện của quân đội Mỹ ở khu vực này vẫn đang rất lớn.

Hải quân Mỹ có 4 hàng không mẫu hạm ở khu vực Thái Bình Dương.

Quân đội Mỹ đang tiến hành các cuộc tập trận quân sự với các vũ khí hạng nặng trong khuôn khổ sáng kiến các Tuyến đường Thái Bình Dương với Hàn Quốc, Philippines, Thái Lan và lần đầu tiên với Campuchia.

Theo Trung tướng Lanza, Việt Nam cũng đã yêu cầu được tham gia cuộc thao dượt của sáng kiến này trong tương lai. Trung tướng Lanza nói:

"Chúng ta cần phải ở đó để ngăn cản. Chúng ta cần phải ở đó để ngăn ngừa những xung đột và thực sự là để tránh được sự tính toán sai lầm. Và tôi nghĩ rằng sự hiện diện của chúng ta là quan trọng đối với khu vực. Và tôi biết rằng các đối tác của chúng ta coi trọng hợp tác của chúng ta với họ trong khu vực Thái Bình Dương."

Trung tướng Lanza nói việc huấn luyện trong các cuộc tập trận chung là rất cần thiết cho việc chuẩn bị cho các nước này để cùng nhau làm việc trong những thời điểm quan trọng. - VOA

***
Tổng thống tân cử Mỹ Donald Trump trong những ngày qua đã không ngần ngại chọc giận Trung Quốc trên hồ sơ Đài Loan, vấn đề được cho là nhạy cảm nhất trong quan hệ Mỹ-Trung. Cho đến lúc này, Bắc Kinh chỉ mới phản ứng bằng lời nói, qua các tuyên bố, nhưng theo hãng tin Anh Reuters ngày 13/12/2016, Trung Quốc có trong tay cả chục cách để trả đũa Hoa Kỳ, từ kinh tế đến quân sự, trong đó có việc tập trận gần Đài Loan và nhất là gây sự tại Biển Đông.

Tình hình Biển Đông hiện nay đã chuyển biến đến mức rất dễ trở thành đấu trường Mỹ-Trung, và Trung Quốc cũng có thể răn đe chính quyền Donald Trump bằng cách gây nên một sự cố. Điều này đặc biệt có ý nghĩa sau vụ ông Trump chỉ trích Bắc Kinh quân sự hóa vùng Trường Sa.

Phải nói là giới diều hâu Trung Quốc thân cận với Tập Cận Bình rất bực tức trước các cuộc tuần tra do Hải Quân Mỹ tiến hành trên Biển Đông, gần các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh cho bồi đắp, cả ở Hoàng Sa lẫn Trường Sa. Gần đây là chuyến tuần tra gần khu vực đảo Tri Tôn ở Hoàng Sa do một chiến hạm của Hạm Đội 3 Hoa Kỳ thực hiện.

Trong thời gian gần đây, Bắc Kinh chỉ phản ứng một cách thụ động trước các cuộc tuần tra của Mỹ, bằng lời nói hay bằng cách cử tàu của họ bám đuôi chiến hạm Mỹ. Thế nhưng, để tỏ thái độ, Trung Quốc có thể dùng đến những biện pháp mạnh mẽ hơn.

Mọi người đều nhớ đến cuộc khủng hoảng năm 2001, khi một phi cơ do thám của Mỹ đã bị buộc phải hạ cánh xuống đảo Hải Nam của Trung Quốc sau khi va chạm với một chiến đấu cơ Trung Quốc trên Biển Đông. Bắc Kinh cũng có thể chơi lại trò dùng tàu cá sách nhiễu tàu Mỹ, như họ đã từng làm vào năm 2009 với chiếc khảo sát  USNS Impeccable.

Có điều là khi gây sự trên Biển Đông, Trung Quốc sẽ phải cân nhắc hai điểm : Một là chính Bắc Kinh cũng cần đến một vùng Biển Đông hòa bình và ổn định vì đó là nơi có các tuyến thương mại sinh tử đối với Trung Quốc.

Một điểm thứ hai mà Bắc Kinh phải chú ý là tính khí khó lường của ông Donald Trump, không ai biết là ông có thể phản ứng ra sao trong trường hợp Mỹ bị khiêu khích.

Một cách trực tiếp hơn, theo Reuters, Bắc Kinh có thể cho thấy rõ quyết tâm không buông Đài Loan của mình bằng một cuộc tập trận gần hòn đảo này. Khi làm vậy, Trung Quốc sẽ đồng thời đạt được hai mục tiêu, vừa « dằn mặt » chính quyền mới Washington, vừa cảnh cáo chính phủ tại Đài Bắc trong tay đảng Dân Tiến chủ trương đòi độc lập.

Khi tập trận, dĩ nhiên Trung Quốc sẽ phải ban hành các biện pháp như cấm bay ngang khu vực, cấm tàu thuyền qua lại trên biển để có thể tiến hành các vụ bắn tên lửa thị uy xuống vùng biển đông dân cư ở phía tây Đài Loan. Hành động đó dứt khoát sẽ có tiếng vang lớn, làm dấy lên quan ngại sâu sắc trong khu vực và trên thế giới, thúc đẩy các nước khác tạo sức ép trên chính quyền Mỹ.

Ngoài ra, Bắc Kinh còn có thể ban hành lệnh trừng phạt các công ty Mỹ có dính líu đến việc bán vũ khí cho Đài Loan. Đây là biện pháp Trung Quốc từng nhắc đến vào năm 2010 khi chính quyền Obama xúc tiến một thương vụ bán vũ khí có quy mô lớn cho Đài Loan. Tuy nhiên đó chỉ là lời đe dọa suông mà thôi.

Theo Reuters, Bắc Kinh còn có thể viện đến một loạt những biện pháp khác, chẳng hạn như ồ ạt bán đi lượng trái phiếu Mỹ khổng lồ (1.160 tỷ đô la tính đến tháng 9/2016) mà họ nắm trong tay, gây áp lực trên các tập đoàn Mỹ làm ăn với Trung Quốc, giảm nhẹ áp lực trên Bắc Triều Tiên…

Tóm lại, Bắc Kinh không thiếu biện pháp để đấu với Washington, nhưng biện pháp nào cũng sẽ có hậu quả tai hại cho Trung Quốc, và chính đây là điểm khiến Bắc Kinh không dám manh động. - RFI
|
|

3.
Chính sách "Một Trung Quốc" là gì?

Với việc Tổng thống tân cử của Hoa Kỳ Donald Trump tỏ ý cho thấy chính sách "Một Trung Quốc" có thể bị đặt câu hỏi, BBC giải thích chính sách hết sức nhạy cảm này. 

"Một Trung Quốc" là gì? 

Đó là sự công nhận trên phương diện ngoại giao quan điểm của Trung Quốc rằng chỉ có duy nhất một quốc gia Trung Quốc, còn Đài Loan là một phần của Trung Quốc. 

Theo chính sách này, Hoa Kỳ có quan hệ chính thức với Trung Quốc thay vì có quan hệ với Đài Loan, nơi mà Trung Quốc luôn coi là một tỉnh ly khai và rồi sẽ có một ngày trở về với Trung Hoa đại lục.

Theo chính sách này, Washington duy trì một mối quan hệ không chính thức nhưng gắn bó với Đài Loan, gồm cả việc tiếp tục bán vũ khí cho Đài Bắc. 

Chính sách thừa nhận quan điểm Một Trung Quốc không những là nền tảng then chốt trong quan hệ Trung - Mỹ mà còn là nền tảng cho việc hoạch định đường lối chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc. 

Mặc dù chính quyền Đài Bắc tuyên bố Đài Loan là một quốc gia độc lập với tên gọi "Trung Hoa Dân quốc", bất kỳ nước nào muốn có quan hệ ngoại giao với Trung Quốc đều phải cắt đứt quan hệ chính thức với Đài Loan. 

Điều này dẫn đến Đài Loan bị cô lập về mặt ngoại giao trong cộng đồng quốc tế. 

Chính sách này bắt nguồn từ đâu?

Chính sách này có từ 1949, vào lúc cuộc nội chiến ở Trung Quốc kết thúc. Quốc dân đảng thất bại, chạy về Đài Loan và lập chính phủ riêng, trong lúc phe Cộng sản tuyên bố thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tại đại lục. Cả hai đều tuyên bố mình đại diện cho toàn bộ Trung Quốc. 

Kể từ đó, Trung Quốc đã đe dọa dùng vũ lực nếu Đài Loan tuyên bố độc lập một cách chính thức. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng duy trì chính sách ngoại giao mềm dẻo hơn với Đài Loan trong những năm gần đây.

Lúc đầu, chính phủ nhiều nước kể cả Hoa Kỳ công nhận Đài Loan và xa lánh Trung Quốc cộng sản. 

Nhưng rồi làn gió ngoại giao đã đổi hướng khi Trung Quốc và Hoa Kỳ cùng có nhu cầu phát triển quan hệ với nhau trong đầu thập niên 1970. Nhiều nước đã cắt đứt quan hệ với Đài Bắc để lập quan hệ với Bắc Kinh. 

Tuy vậy, nhiều nước vẫn tiếp tục quan hệ không chính thức với Đài Loan qua những văn phòng thương mại hay viện văn hóa, và Hoa Kỳ vẫn là đồng minh an ninh quan trọng nhất của Đài Loan. 

Hoa Kỳ bắt đầu theo chính sách Một Trung Quốc từ khi nào?

Sau nhiều năm có quan hệ nồng ấm hơn, Hoa Kỳ thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Bắc Kinh vào năm 1979 dưới thời Tổng thống Jimmy Carter. 

Kết quả là Hoa Kỳ phải cắt đứt quan hệ với Đài Loan và đóng cửa sứ quán tại Đài Bắc. 

Nhưng năm đó, Hoa Kỳ cũng thông qua Luật Quan hệ với Đài Loan (Taiwan Relations Act), theo đó đảm bảo giành sự ủng hộ cho hòn đảo này. Về cơ bản, điều luật này quy định Mỹ phải giúp Đài Loan tự vệ - đó là lý do vì sao Mỹ tiếp tục bán vũ khí cho Đài Loan. 

Mỹ tiếp tục duy trì sự hiện diện không chính thức ở Đài Bắc thông qua Viện Hoa Kỳ ở Đài Loan, một công ty tư nhân qua đó Hoa Kỳ thực hiện các hoạt động ngoại giao. 

Kẻ thua người thắng là ai? 

Bắc Kinh rõ ràng là bên hưởng lợi nhiều nhất từ chính sách này, chính sách đã đẩy Đài Loan ra khỏi các kênh ngoại giao chính thức. 

Đa số các nước trên thế giới, thậm chí cả Liên Hợp Quốc, không công nhận Đài Loan là một nước độc lập. 

Đài Loan phải thực hiện nhiều động thái nỗ lực chỉ để được tham dự vào các sự kiện và tổ chức quốc tế như các kỳ Thế vận hội và Tổ chức Thương mại Thế giới.

Chẳng hạn đoàn Đài Loan thi đấu tại Thế vận hội được gọi là Trung Hoa Đài Bắc (Chinese Taipei) chứ không phải Trung Hoa Dân quốc.

Nhưng ngay cả khi bị cô lập, Đài Loan cũng không hoàn toàn là người thua cuộc. 

Đài Loan duy trì quan hệ kinh tế và văn hóa năng động với các nước láng giềng, và dùng mối quan hệ nhạy cảm với Hoa Kỳ làm đòn bẩy để đạt được nhượng bộ. 

Đài Loan tận dụng một nhóm nhỏ các nhà vận động hành lang có quyền lực ở Washington DC, trong đó có cựu Thượng nghị sĩ Bob Dole, người được truyền thông Mỹ đưa tin là đã giúp dàn xếp quan hệ dẫn đến cuộc điện thoại gần đây giữa ông Trump và Tổng thống Thái Anh Văn của Đài Loan. 

Về phía Hoa Kỳ, nước này hưởng lợi từ mối quan hệ chính thức với Trung Quốc - đối tác cho vay và thương mại lớn nhất của Hoa Kỳ - trong khi vẫn lặng lẽ tiếp tục ủng hộ Đài Loan. 

Chính sách Một Trung Quốc là một động thái cân bằng rất tế nhị mà Hoa Kỳ đã hoàn thiện trong những thập niên qua. Chính sách này sẽ tiếp tục được áp dụng ra sao dưới thời ông Trump là điều cần phải được chờ xem. - BBC
|
|

4.
Đài Loan vừa mừng vừa lo về Donald Trump

Với Tổng thống tân cử Mỹ Donald Trump, vấn đề lớn nhất trong quan hệ với Trung Quốc là thương mại. Nhưng với Bắc Kinh, đó là Đài Loan.

Ông Trump và nhóm của mình biết. Ngày càng rõ là họ hy vọng dùng Đài Loan làm vật mặc cả để đạt điều họ muốn từ Trung Quốc.

Trả lời phỏng vấn Fox News hôm Chủ nhật, ông Trump nói Mỹ chỉ nên tiếp tục công nhận Đài Loan là một phần Trung Quốc nếu Bắc Kinh có nhượng bộ.

Mặc dù cũng có chút sự thật khi một số người chỉ trích ông Trump không hiểu biết về ngoại giao, hay công thức hàng thập niên của Washington để duy trì quan hệ với Trung Quốc, nhưng đúng hơn ông xem vấn đề ở mức độ kinh doanh - tức là ăn bánh trả tiền. Hiện nay, ông Trump tin rằng Mỹ chỉ trả tiền mà không được ăn bánh.

Nhưng lập trường của ông sẽ đem lại cơ hội hay rủi ro cho Đài Loan?

Tại Đài Loan người ta đang hỏi câu này. Đây là hòn đảo được cai trị tách khỏi Trung Quốc đại lục trong phần lớn thế kỷ 20. Bắc Kinh tin rằng hòn đảo đã bị cắt rời, đầu tiên là Nhật ở cuối chiến tranh Trung - Nhật lần một và rồi là do người quốc gia ở cuối nội chiến năm 1949.

Chính quyền tổng thống Thái Anh Văn ban đầu lo ngại vì chiến thắng của ông Trump. Có lo ngại rằng vị tân tổng thống không xem Đài Loan là quan trọng.

Nhưng một số thành viên nội các Đài Loan và đảng Dân Tiến cầm quyền tin rằng lập trường cứng rắn với Bắc Kinh của ông Trump có thể giúp Đài Loan có quan hệ gần hơn với Washington.

Tsai Shih-ying, nghị sĩ của đảng Dân Tiến, nói: "Về thương mại, chúng tôi muốn Mỹ ủng hộ giúp chúng tôi tham gia các nhóm quốc tế, ký hiệp định thương mại tự do với Mỹ để giảm phụ thuộc Trung Quốc."

Ông Tsai nói ông hy vọng quan hệ Mỹ - Đài cải thiện dưới thời ông Trump.

Nhưng nhiều người Đài Loan không chắc cách tiếp cận này sẽ tốt cho Đài Loan. Họ không biết ông Trump và cố vấn của ông sẽ bảo vệ Đài Loan nếu xung đột với Trung Quốc nổ ra. Họ lo Đài Loan sẽ thua trắng nếu Bắc Kinh nổi giận.

Alexander Huang, chủ tịch một viện nghiên cứu ở Đài Loan, Hội đồng Nghiên cứu Chiến lược và Chiến tranh, nói: "Người ta từng bảo Đài Loan là con thỏ chạy quanh hai con voi."

"Hai con voi có chiến tranh hay yêu nhau thì Đài Loan vẫn sẽ rung rinh."

Ông Huang cho rằng Đài Loan cần có quan hệ tốt với cả hai bên.

"Bà Thái Anh Văn cần có một nhóm suy nghĩ làm sao mở lại đối thoại với Trung Quốc, đừng có mà nhảy hết lên con thuyền của Trump."

Một số người trong nhóm bà Thái Anh Văn cũng không rõ sẽ có hậu quả gì nếu thân thiện hơn với Mỹ.

Ông Tsai nói: "Ông Trump có thái độ doanh nhân. Ông ấy liệu có dùng cơ hội này để mặc cả với Trung Quốc và bán đứng Đài Loan không."

"Chúng tôi muốn nhắc chính phủ Đài Loan đừng đi nhanh quá. Nếu Trung Quốc không thể chấp nhận, phản ứng của họ sẽ rất mạnh." - BBC
|
|

5.
Vì sao sếp IMF Christine Lagarde phải ra tòa?

Tổng giám đốc Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde đã phải ra tòa hôm thứ Hai ở Pháp về vụ bồi thường cho Bernard Tapie, một doanh nhân nhiều quan hệ, năm 2008, khi bà còn là bộ trưởng tài chính Pháp.

Bà bác bỏ mọi sai trái.

IMF ủng hộ bà, nhưng vị trí lãnh đạo của bà có thể không giữ được nếu bà bị tòa kết tội.

Nguyên ủy vụ việc bắt đầu từ thập niên 1990, khi ông Tapie phải bán các lợi ích kinh doanh để trở thành bộ trưởng trong chính phủ đảng Xã hội.

Ngân hàng Credit Lyonnais (CL) phu trách việc bán Adidas và tìm thấy người mua với giá 320 triệu euro năm 1993.

Ngân hàng quốc doanh nói đây là giá hời nhưng khi các nhà đầu tư ngay lập tức bán Adidas với giá 560 triệu euro, ông Tapie khiếu nại.

Ông nói ngân hàng cố tình hạ giá công ty và chỉ ra rằng một trong các công ty hưởng lợi khi bán Adidas là chi nhánh của CL.

Ông kiện ngân hàng tội lừa đảo trong trận chiến luật pháp nhiều năm.

Vai trò Christine Lagarde

Bà Christine Lagarde đóng vai trò chính trong việc giải quyết ban đầu.

Năm 2007, là bộ trưởng tài chính dưới Tổng thống Nicolas Sarkozy, bà đưa vụ kiện sang tòa trọng tài.

Quyết định gây tranh cãi vì ông Tapie ủng hộ ông Sarkozy khi tranh cử.

Giới chỉ trích nói bằng cách đưa vụ việc ra tòa trọng tài chung cuộc thay vì để tiếp tục kéo dài ở tòa, bà Lagarde đang trả ơn cho ông.

Năm 2008, ủy ban ba người quyết định ông Tapie không chỉ được bồi thường mà nhận cả tiền lãi và các chi phí khác, tổng cộng lên tới 404 triệu euro.

Nhiều người cáo buộc bà Lagarde đóng vai trò mờ ám. 

Năm 2011, một nhóm nghị sĩ đảng Xã hội mở vụ kiện tham ô chống lại bà.

Công tố viên Paris sau đó nhắm tới các nhóm liên quan quyết định năm 2008, gồm ông Tapie, người xử và nhiều quan chức. Cuộc điều tra này còn đang tiếp tục.

Toàn bộ thỏa thuận bồi thường sau đó bị xóa bỏ, và ông Tapie phải trả lại cả 404 triệu euro.

Tòa tối cao Pháp năm 2014 nói bà Lagarde không phạm các cáo buộc nghiêm trọng nhất. Tòa nói bà không có liên hệ cá nhân với các bên trong vụ mua bán Adidas và không hưởng lợi cá nhân từ quyết định năm 2008.

Nhưng tòa cũng nói quyết định của bà đưa vụ việc ra tòa trọng tài cho thấy "sự cẩu thả" - và đây là nội dung phiên tòa hiện nay.

Phiên tòa này cũng gây tranh cãi. Bà phải ra Tòa Công lý của Pháp (CJR), thành lập năm 1993, để xử các tội của bộ trưởng nội các.

Nhiều người nói dùng tòa án này chỉ để xử các trận chiến chính trị.

Tổng thống Francois Hollande đã cam kết sẽ bỏ CJR, nói rằng bộ trưởng phải được xử như dân thường.

Nhưng hiện nay tòa này vẫn tồn tại, và đang xử một trong những vụ án gây quan tâm nhất nước Pháp. - BBC
|
|

6.
Đô trưởng Djakarta ra toà vì "báng bổ đạo Hồi"

Phiên toà xử đô trưởng Djakarta mở ra ngày 13/12/2016 dưới áp lực của thành phần hồi giáo cực đoan. Đô trưởng mãn nhiệm Basuki Tjahaja Purnama có thể lãnh bản án 5 năm tù vì một lời tuyên bố khi vận động tái cử bị quy buộc là « báng bổ » kinh Coran.
Theo AFP, trong phiên xử ngày hôm nay tại Djakarta, đô trưởng Basuki Tjahaja Purnama, không che dấu xúc động. Ông giải thích « không hề có ý chỉ trích tín đồ đạo Hồi và cũng không có ý xúc phạm kinh Coran ».

Ông bị vướng vào tư pháp chỉ vì một câu tuyên bố hồi tháng 9. Với tính tình bộc trực, chính trị gia gốc Hoa theo đạo Thiên Chúa, lý giải rằng một số giáo sĩ đạo Hồi đã hiểu sai một đoạn kinh Coran khi khẳng định « người theo đạo Hồi chỉ bầu cho ứng cử viên cùng đạo ».

Giới quan sát chờ xem toà án thế tục ở Indonesia sẽ phân xử ra sao. Liệu Indonesia có còn là một quốc gia Hồi giáo bao dung nữa hay đã bị phe cực đoan chi phối ?

Thành phần quá khích đã huy động hai cuộc biểu tình bạo đông với hằng trăm ngàn người tham dự. Tổng thống Joko Widodo gián tiếp cho biết có một số chính trị gia đối thủ của đô trưởng Basuki Tjahaja Purnama đứng sau giựt dây. - RFI
|
|

7.
Thượng đỉnh Nhật-Trung-Hàn phải dời lại vì nội bộ Hàn Quốc

Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc dự định tổ chức hội nghị thượng đỉnh ba bên thường niên vào tháng 12 này tại Nhật Bản, nước hiện là chủ tịch luân phiên của nhóm. Tuy nhiên, trả lời báo giới sau cuộc họp nội các thường kỳ ngày 13/12/2016, ngoại trưởng Nhật Fumio Kishida cho biết là ba nước đã quyết định dời hội nghị qua "một thời điểm thích hợp" vào năm tới.

Đối với giới phân tích, lý do khiến ba nước Đông Á phải dời cuộc họp là việc nữ tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye bị đình chỉ nhiệm vụ sau khi bị Quốc Hội « truất phế » hôm 09/12, do bị vướng vào vụ bê bối liên quan đến người bạn thân Choi Soon Sil.

Ngoại trưởng Nhật Bản không trực tiếp nhắc đến việc tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye bị đình chỉ quyền lực, nhưng cho biết là « có nhiều yếu tố » dẫn đến quyết định dời cuộc họp.

Bộ Ngoại Giao Hàn Quốc cũng xác nhận việc hội nghị thượng đỉnh bị hoãn, nhưng gải thích rằng ba quốc gia đã « gặp khó khăn khi chọn một thời điểm trong năm nay ». Riêng Trung Quốc cho biết là cần phải duy trì động lực tích cực của công cuộc hợp tác ba bên Nhật-Trung-Hàn.

Giữa Nhật Bản với Trung Quốc một bên, và Nhật Bản với Hàn Quốc một bên kia, quan hệ thường xuyên bị các tranh chấp chủ quyền và vấn đề lịch sử khuấy động. Cơ chế thượng đỉnh ba bên đã có từ lâu, nhưng phải chờ đến tháng 11 năm 2015, ba lãnh đạo Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc mới gặp lại nhau ở Hàn Quốc, đánh dấu lần gặp thượng đỉnh ba bên đầu tiên kể từ năm 2012. - RFI
|
|

8.
Ý, quả bom nổ chậm của Liên Hiệp Châu Âu?

Đầy rẫy những khó khăn chờ đợi tân thủ tướng Ý, Paolo Gentiloni : tiếp tục công trình cải tổ của người tiền nhiệm, Matteo Renzi, với hy vọng giành lại niềm tin của giới đầu tư ; tránh cho nước Ý và cả châu Âu một cuộc khủng hoảng ngân hàng ; xua tan kịch bản mất khả năng thanh toán như Hy Lạp với hậu quả kèm theo là khối euro bị tan rã.

Đâu là những thách thức đe dọa bản thân nước Ý ? Khủng hoảng trên xứ sở của Machiavel liệu có kéo theo eurozone vào vòng xoáy ?

Ngày 11/12/2016 ngoại trưởng Gentiloni được tổng thống Sergio Mattarella, chỉ định để thành lập nội các mới, thay thế chính phủ của thủ tướng Renzi. Lên cầm quyền vào lúc Matteo Renzi? sau hơn 1000 ngày ở cương vị thủ tướng, ra đi để lại nước Ý với tỷ lệ thất nghiệp 11,6 %, kinh tế chưa tìm lại được mức tăng trưởng của năm 2007, tức thời kỳ tiền khủng hoảng. Nợ công của nền kinh tế thứ ba trong khu vực đồng euro lên đến 132 % tổng sản phẩm nội địa, cao thứ nhì trong toàn khối chỉ thua có Hy Lạp (180 % GDP).

Nguy hiểm hơn cả là các ngân hàng Ý bị đe dọa vỡ nợ vì đang nắm giữ đến 360 tỷ euro nợ khó đòi, tương đương với 1/3 tổng số nợ xấu của toàn khối euro.

Đà tuột dốc không phanh của một ông khổng lồ công nghiệp 

Là một trong sáu nước sáng lập ra Liên Hiệp Châu Âu, kinh tế Ý từ những năm qua phải đối mặt với nhiều thách thức lớn. Khủng hoảng ở Roma không ồn ào như tại Athens nhưng lại có phần nghiêm trọng hơn, bởi nếu Hy Lạp chỉ chiếm 2 % GDP của khu vực đồng euro, thì nước Ý là nền kinh tế nặng ký thứ ba trong khối, đứng sau Đức và Pháp.

Theo viện thống kê châu Âu Eurostat, tổng sản phẩm nội địa của Ý hiện tại vẫn chỉ bằng thời điểm năm 2000, tức là trong 16 năm qua, quốc gia 61 triệu dân này không tạo ra thêm của cải. Chính xác hơn là những thành tựu kinh tế từ năm 2000 đến 2007 đã bị khủng hoảng tài chính toàn cầu cuốn trôi.

Nhìn đến thu nhập bình quân đầu người, tình hình còn đáng quan ngại hơn : chỉ số này của năm 2015 đã rơi xuống mức ngang với năm 1997. Nói cách khác, nếu căn cứ vào chỉ số này, thì nước Ý đang bị thụt lùi mất gần 20 năm. Xét đến năng suất lao động, đầu thập niên 1970, Ý đứng ngang hàng với Pháp và Đức, nay đã bị hai quốc gia này bỏ xa lại phía sau.

Tám năm sau khủng hoảng tài chính thế giới, khác với nhiều đối tác châu Âu, Ý vẫn chưa lấy lại thăng bằng. Một báo cáo gần đây của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế bi quan cho rằng, phải đợi đến năm 2025 tăng trưởng của Ý mới trở lại được như vào thời điểm 2007.

Những « liều thuốc đắng »

Vì ý thức được tất cả những nhược điểm này và sau khi đã lãng phí nhiều thời gian dưới thời thủ tướng Silvio Berlusconi, từ năm 2011 ba hội đồng chính phủ liên tiếp của thủ tướng Mario Monti (2011-2013), Enrico Letta (2013-2014) và Matteo Renzi (2014-2016) đã ráo riết cho ra đời hàng loạt các biện pháp cải tổ để vực dậy một ông khổng lồ kinh tế của châu Âu.

Công cuộc cải tổ đó đòi hỏi người dân phải hy sinh rất nhiều, từ các biện pháp cắt giảm an sinh xã hội đến lương hưu, giảm đầu tư công cộng, cắt bớt ngân sách giáo dục, quốc phòng, văn hóa …

Trong hai năm đứng đầu nội các, Matteo Renzi đã tiến hành 5 cuộc cải tổ dài hơi trong các lĩnh vực như tư pháp, thuế khóa và cả Hiến pháp. Nhưng nổi bật nhất là luật cải tổ lao động.

Thủ tướng Renzi lên cầm quyền tháng 2/2014 khi tỷ lệ thất nghiệp hơn 12 %. Tại những vùng đang trên đà phi công nghiệp hóa, hơn một nửa thanh niên dưới 26 tuổi không có việc làm. Có điều, luật cải tổ đó không đem lại phép lạ cho thị trường lao động Ý, như ghi nhận của Paolo Levi, phóng viên hãng thông tấn Ansa tại Paris :

«Luật lao động Job Act từng là một trong những biện pháp cải tổ tích cực nhất đối với kinh tế của cả nước. Đành là chúng ta không thể trực tiếp chứng minh được là nhờ luật này mà đã có bao nhiêu công việc làm được tạo thêm, nhưng chắc chắn một điều, là sau khi luật này được thông qua, thất nghiệp ở Ý được cải thiện.

Dù vậy hiện nay vẫn có đến 11,6 % người trong tuổi lao động không có việc làm ; tỷ lệ thất nghiệp của giới trẻ tức là dưới 26 tuổi vẫn cò là 27 % và tại một số vùng kém phát triển thì có tới 50 % thanh niên không tìm được việc.

Nói cách khác, nhờ luật lao động Job Act của ông Matteo Renzi mà tình hình có sáng sủa hơn, nhưng chưa đủ để đảo ngược thế cờ ».

Giáo sư về khoa học chính trị, giảng dậy tại đại học Paris 8, Anne Marijnen gắn liền thất bại chính trị của thủ tướng Renzi trong cuộc trưng cầu dân ý cải tổ Hiến pháp hôm 04/12/2016 với tỷ lệ thất nghiệp còn quá cao của nước Ý :

«Xã hội Ý công phẫn và chống đối luật lao động Job Act của thủ tướng Matteo Renzi bởi vì luật này đã cho phép nới lỏng các điều khoản để giới chủ có thể sa thải nhân viên, đẩy người lao động vào tình trạng bấp bênh. Bất bình đó đã thể hiện qua lá phiếu của cử tri trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 04/12/2016.

Đi sâu vào chi tiết, có hai khía cạnh của vấn đề : một mặt luật lao động của ông Renzi cấm giới chủ sa thải nhân viên bừa bãi, hay lạm dụng luật cung cầu, thuê người với giá rẻ mạt, công nhân không được quyền nghỉ phép … Những điều khoản này đã được ban hành trong luật lao động dưới thời thủ tướng Berlusconi- vốn là một doanh nhân của Ý.

Với thủ tướng Renzi, giới làm công ăn lương được đối xử tử tế hơn, nhưng mặt khác, tại Ý, các doanh nghiệp vẫn được quyền dễ dàng sa thải nhân công. Dù muốn hay không, tỷ lệ thất nghiệp tại Ý đã giảm đôi chút – đang từ 12,7 % rơi xuống còn 11,6 % - so với hồi ông Renzi lên cầm quyền năm 2014. Nhưng tình trạng lao động ở một số nơi còn rất tồi tệ ».

Từ bất ổn chính trị đến nguy cơ khủng hoảng ngân hàng

Nhưng với Ý, mối nguy lớn hơn nữa là đe dọa khủng hoảng ngân hàng. Trong lĩnh vực này, từ năm 2010 các chính phủ liên tiếp đã thất bại trong việc cải tổ. Mùa hè năm nay, kết quả cuộc trắc nghiệm về khả năng đối phó với khủng hoảng kinh tế và tài chính, stress test, của 51 nhà băng thuộc eurozone cho thấy, hai tập đoàn hàng đầu của Ý bị coi là « không an toàn » : Monte dei Paschi di Siena (BMPS) –ngân hàng lâu đời nhất nước, đội sổ. UniCredit, tập đoàn ngân hàng số 1 của Ý cũng có tên trong danh sách các ngân hàng gây lo ngại.

Suy yếu của ngân hàng Ý do đâu dẫn tới ?

Theo giáo sư kinh tế Jacques Sapir, giám đốc trung tâm nghiên cứu Trường Cao Đẳng Khoa Học Xã hội, chính đà tuột dốc của kinh tế Ý từ đầu những năm 2000 – thời điểm Roma từ bỏ đồng tiền lire, tham gia đồng euro. Thêm vào đó là tác động dây chuyền từ khủng hoảng tín dụng địa ốc 2007 rồi khủng hoảng tài chính 2008. Doanh nghiệp Ý làm ăn thua lỗ, mất khả năng thanh toán.

Những khó khăn chồng chất đó đẩy núi nợ xấu của các ngân hàng Ý lên cao.

Vấn đề đặt ra là hiện tại tổng số nợ khó đòi các tập đoàn ngân hàng Ý và cả hệ thống ngân hàng châu Âu đang nắm giữ 360 tỷ euro nợ khó đòi, tương đương với 1/5 tổng sản phẩm nội địa của Ý.

Biết trước được thất bại của thủ tướng Renzi từ tháng 8/2016, tức ba tháng trước trưng cầu dân ý, các chủ nợ của Nhà nước Ý đã tăng lãi suất. Chính quyền Roma đã phải đi vay tín dụng 10 năm với lãi suất hơn 2 % thay vì 1 % như trước. Chi phí ngân hàng như vậy càng đè nặng lên ngân sách của Ý.

Bên cạnh đó là lo ngại nước Ý lâm vào khủng hoảng chính trị, phải mất nhiều tháng mới có được chính phủ mới để tiếp tục công cuộc cải tổ.

Tạm thời kịch bản đen tối đó được xua tan sau khi nước Ý vừa có thủ tướng mới và nội trong tuần, tân thủ tướng Paolo Gentiloni thông báo thành phần chính phủ.

Việc tổng thống Matarella chỉ định ông Gentiloni đã phần nào trấn an giới đầu tư bởi vì đây là một sự thay đổi theo kiểu « bình mới rượu cũ » : thủ tướng Gentiloni là một người thân cận với ông Renzi và từng là ngoại trưởng trong nội các vừa mãn nhiệm. - RFI
|
|

9.
Thổ Nhĩ Kỳ bắt gần 300 thành viên đảng Dân Chủ Nhân Dân

Hai dân biểu của đảng Dân Chủ Nhân Dân HDP của người Kurdistan đã bị cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ bắt vào tối ngày 12/12/2016 trước trụ sở đảng này ở Ankara, trong khuôn khổ cuộc điều tra chống khủng bố sau vụ tấn công đẫm máu ở Istanbul tối thứ ngày 10/12/2016.

Theo hãng tin Pháp AFP, một trong hai dân biểu bị bắt là bà Demirel, chủ tịch nhóm Quốc Hội của đảng HDP. Đảng Dân Chủ Nhân Dân HDP là đảng đối lập lớn thứ hai ở Thổ Nhĩ Kỳ và là đảng thân Kurdistan.

Trước đó vài giờ, nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ đã ra lệnh bắt giữ gần 300 thành viên Đảng Dân Chủ Nhân Dân trên khắp đất nước, đặc biệt là những người đứng đầu các chi nhánh của đảng này ở Istanbul và Ankara.

Các vụ bắt giữ được tiến hành sau khi nhóm cực đoan người Kurdistan thân đảng Người Lao Động Kurdistan PKK đứng ra nhận trách nhiệm về vụ khủng bố đẫm máu ở Istanbul khiến 44 người chết, mà đa phần là cảnh sát.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan coi đảng HDP là có liên hệ mật thiết với đảng Lao Động người Kurdistan PKK, và thường xuyên gọi thành viên của đảng HDP là "những kẻ khủng bố". - RFI
|
|

10.
Quân đội Syria thông báo chiếm lại toàn bộ thành phố Aleppo --- Mỹ tiêu diệt 3 thủ lĩnh hàng đầu của IS ở Syria

Quân đội chính phủ Damas và đồng minh gần như hoàn toàn kiểm sóat thành phố lớn thứ hai của Syria sau bốn năm rơi vào tay đối lập võ trang. Một nguồn tin của phe nổi dậy từ Thổ Nhĩ Kỳ cho biết lực lượng « phòng thủ » đang thiết lập « chiến tuyến mới » dọc theo một dòng sông bên ngoài thành phố. Máy bay Nga tiếp tục ném bom vào những địa điểm cuối cùng còn trong tay phe nổi dậy.

Tình hình tại chỗ trong 24 giờ qua như thế nào ? Từ Beyrouth, thông tín viên Paul Khalifeh tường thuật :

"Cư dân ở phía tây Aleppo, do quân đội chính phủ kiểm soát không chờ tin chính thức, đã thông báo chiến sự kết thúc. Hàng trăm người đổ ra đường chào mừng thành phố được giải phóng và thống nhất với biểu ngữ ca ngợi quân đội và tổng thống Bachar al Assad.

Sau khi các tuyến phòng thủ bị sụp đổ, vào trưa ngày hôm qua, phe nổi dậy đã rút về khu phố Salaheddine bị thu hẹp trên diện tích 2 km vuông, không thể cầm cự được.

Theo các nguồn tin quân sự Nga và Syria, khoảng 800 chiến binh phe nổi dậy đã đầu hàng trong 24 giờ qua. Truyền thông Ả Rập thân với đối lập báo động có nhiều chiến binh nổi dậy và thường dân bị hành quyết.

Chính quyền Damas và phe Hezbollah-Liban phủ nhận các lời cáo buộc ngược đãi thường dân.

Trong khi đó ở Palmyra, tình hình không mấy sáng sủa cho quân đội Syria. Tuyến phòng thủ mới của quân đội chính phủ không ngăn chận được đà tiến quân của Daech. Tổ chức Nhà nước Hồi giáo, sau khi kiểm soát thành phố cổ, đã chiếm khu dầu khí Hayan và tiến về phi trường quân sự T4, cách Palmyra 50 cây số về phía tây, căn cứ trực thăng của Nga và Syria". - RFI

***
Hôm thứ Ba, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết quân đội Hoa Kỳ đã giết chết thủ lĩnh quan trọng của Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria, trong đó có hai chiến binh đã tham gia vào các cuộc tấn công khủng bố năm ngoái ở Paris.

Thư ký báo chí Ngũ Giác Đài Peter Cook cho biết: “Bộ ba đang cùng nhau lên kế hoạch để thực hiện các cuộc tấn công vào các mục tiêu phương Tây tại thời điểm bị không kích”.

Phát ngôn viên Ngũ Giác Đài, Đại úy Jeff Davis, cho biết những kẻ lập mưu đã bị nhắm trúng trong lúc đi trên một chiếc xe ở Raqqa, thủ đô trên thực tế của IS, vào ngày 4 tháng 12.

Theo các giới chức Mỹ, hai chiến binh Salah Gourmat và Smmy Djedou đã tham gia vào các cuộc tấn công Paris năm ngoái, khiến 130 người thiệt mạng.

Phát biểu tại Italy hôm thứ Ba, Bộ trưởng Quốc phòng Ash Carter xác định bộ 3 là những cộng sự thân tín của lãnh đạo phụ trách các hoạt động bên ngoài, Abu Mohammed al-Adnani, người đã bị giết chết trong một cuộc không kích hồi đầu năm nay.

Ông Davis cho biết Gourmat còn được biết tiếng về việc gợi hứng cho các cuộc tấn công đơn lẻ ở phương Tây. Djedou được xem là kẻ tuyển dụng chính cho nhóm khủng bố và cũng là kẻ lên kế hoạch cho các cuộc tấn công tự sát ở các quốc gia phương Tây.

Thủ lĩnh thứ ba bị tiêu diệt là Walid Hamman, quốc tịch Pháp, đã bị kết án vắng mặt ở Bỉ vì một cuộc tấn công bị phá vỡ năm 2015.

IS đã nhận trách nhiệm về các vụ tấn công năm ngoái ở Paris. Trong đó, những kẻ đánh bom tự sát và các tay súng đã phát động một cuộc tấn công phối hợp trên khắp thủ đô nước Pháp, gồm một buổi hòa nhạc khiến 90 người thiệt mạng. - VOA
|
|

11.
Israel tậu máy bay chiến đấu tân tiến

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter đã đến thăm Israel hôm thứ Hai để chúc mừng nước này tiếp nhận hai chiếc máy bay chiến đấu thế hệ kế tiếp F-35 đầu tiên do nhà thầu quốc phòng Hoa Kỳ, Lockheed Martin, chế tạo.

Israel nằm trong số các quốc gia đã đặt hàng mua các máy bay chiến đấu này và định mua 50 chiếc.

Ông Carter cho biết, Hoa Kỳ “cam kết cung cấp cho Israel khả năng quân sự tiên tiến nhất… Và tất nhiên không có biểu tượng cam kết nào của Hoa Kỳ đối với an ninh Israel tốt hơn những chiếc F-35, máy bay chiến đấu có khả năng nhất trên không.

Phát biểu tại một căn cứ không quân ở Tel Aviv, ông Carter cho biết, quan hệ quốc phòng Mỹ-Israel mạnh mẽ hơn bao giờ hết và rằng cùng với những biến động hiện tại trong khu vực, “giờ đây chúng tôi cam kết với an ninh của Israel hơn bao giờ hết”.

Bộ trưởng Quốc phòng Israel, Avigdor Lieberman, giới thiệu F-35 như một yếu tố trọng yếu của quân đội Israel trong tương lai. Ông nói rằng những chiếc máy bay này “đại diện một thành tố khác trong việc duy trì ưu thế trên không của chúng tôi trong khu vực”.

Các máy bay chiến đấu vừa kể dự kiến hạ cánh ở Israel vào buổi chiều nhưng bị hoãn vì điều kiện thời tiết, các quan chức cho biết.

Chương trình F-35 đã bị chỉ trích vì chi phí quá mức, chậm trễ trong việc phát triển và các vấn đề trong quá trình thử nghiệm.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã chỉ trích chương trình này trên Twitter hôm thứ Hai.

“Chương trình F-35 và chi phí vượt khỏi tầm kiểm soát. Hàng tỉ đôla có thể, và sẽ được, tiết kiệm trong các khoản mua bán quân sự (và các khoản mua khác) sau ngày 20/1”, khi ông Trump nhậm chức. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

12.
Donald Trump đề cử Rex Tillerson làm ngoại trưởng Mỹ --- Bóng của Nga bao phủ lên quá trình chuyển giao quyền lực tổng thống Mỹ --- Ông Trump cân nhắc đề cử bà Fiorina làm giám đốc tình báo

Ông Donald Trump chính thức xác nhận chủ tịch Exxon Mobil Rex Tillerson là ứng viên cho chức vụ ngoại trưởng Mỹ.

Ông Trump ca ngợi ông Tillerson, 64 tuổi, là thuộc số "những lãnh đạo kinh doanh và nhà thương thảo quốc tế thành công nhất".

Việc đề cử phải được Thượng viện Mỹ thông qua.

Là CEO của Exxon, ông Tillerson có quan hệ kinh doanh với Nga và được cho là có quan hệ tốt với Tổng thống Vladimir Putin.

Ông Tillerson từng được Nga tặng 'Huân chương hữu nghị' và Điện Kremlin, qua lời phát ngôn viên Dmitry Peskov đã chúc mừng tin ông được đề cử, gọi ông là "một nhà chuyên nghiệp".

Ông Tillerson đã phê phán trừng phạt của quốc tế với Nga vì sáp nhập Crimea và ủng hộ dự án Nga khoan dầu tại Bắc Cực.

Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa John McCain đã bày tỏ "lo ngại" về quan hệ tiềm năng của ông Tillerson với Tổng thống Nga Putin.

Nhưng trả lời CBS, ông McCain nói Thượng viện sẽ lắng nghe ông Tillerson "công bằng" nếu ông được ông Trump đề cử.

Ban đầu ông Mitt Romney được đồn sẽ là ngoại trưởng. - BBC

***
Bầu cử tổng thống đã kết thúc, nhưng chiếc bóng của Nga vẫn chập chờn tại Mỹ. Còn hơn một tháng nữa là bước vào Nhà Trắng (ngày 20/01/2017), Donald Trump bắt đầu tái định hướng quan hệ Mỹ-Nga một cách rõ ràng hơn. Báo Le Monde số ra ngày 13/12/2016 dẫn giải hai yếu tố xảy ra trong ngày 11/12 cho thấy giả thuyết này ngày càng thêm khả tín.

Trước tiên là việc bổ nhiệm tân ngoại trưởng, biểu tượng cho chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ trong tương lai. Trong những tuần qua, Donald Trump liên tiếp đưa ra những tín hiệu trái ngược nhau. Lúc thì nhắc đến cựu thị trưởng New York Rudy Giuliani - một trong những cộng sự trung thành nhất của ông ; khi thì Mitt Romney, nguyên ứng cử viên tổng thống năm 2012 hay như tướng về hưu David Petraeus, cựu lãnh đạo CIA.

Những ngày gần đây, báo chí Mỹ nói nhiều đến ông Rex Tillerson, lãnh đạo tập đoàn dầu lửa ExxonMobil. Năm nay 64 tuổi, ông Tillerson dường như là ứng viên được tổng thống đắc cử ưu ái nhất. Như thông lệ, trên Twitter, ông Trump khẳng định chưa ra quyết định cuối cùng về việc này.

Tuy nhiên, có nhiều khả năng ông Rex Tillerson sẽ đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ. Với tư cách là lãnh đạo một tập đoàn dầu lửa, ông Tillerson có quan hệ tốt đẹp với Nga như : chống các trừng phạt của Mỹ nhắm vào Nga, sau vụ sáp nhập Crimée, hồi tháng 03/2014 ; đến dự hội nghị thượng đỉnh về năng lượng tại Matxcơva năm 2014 và gặp Igor Setchine, lãnh đạo tập đoàn Rosnef, nhà sản xuất dầu lửa chính của Nga, một người thân cận với tổng thống Vladimir Putin. Chính quyền Mỹ thời đó tìm mọi cách tránh những cuộc gặp gỡ thăm viếng theo kiểu này.

"Nực cười" và "ngụy biện"

Yếu tố thứ hai khẳng định xu hướng thay đổi trong quan hệ Mỹ-Nga, đó là thái độ của Donald Trump trước các thông tin của tình báo Mỹ liên quan đến vai trò của các tin tặc có quan hệ với chính quyền Nga, trong tiến trình bầu cử tổng thống Mỹ. Trong giai đoạn cuối chiến dịch vận động tranh cử tổng thống, nhịp độ tiết lộ các thư điện tử của ông John Podesta gia tăng. Nhân vật này phụ trách chiến dịch vận động tranh cử của bà Hillary Clinton. Trong cùng thời gian này, không một thư điện tử nội bộ nào trong phe Cộng Hòa bị tiết lộ.

Hôm thứ Sáu, 08/12, tờ Washington Post đã đăng một phân tích của CIA, lần đầu tiên, nói đến giả thuyết Nga có ý đồ can thiệp tạo thuận lợi cho ứng viên đảng Cộng Hòa. Ê-kíp của ông Trump ra thông cáo, mỉa mai là cáo buộc này đến từ một cơ quan đã từng khẳng định là chế độ Saddam Hussein có vũ khí nguyên tử, để biện hộ cho việc tấn công đánh chiếm Irak năm 2003. Trong cuộc trả lời phỏng vấn đài truyền hình Fox News, ngày 11/12, ông Trump đã coi báo cáo của CIA là nực người, một sự ngụy biện mà phe Dân Chủ đưa ra sau thất bại trong cuộc bầu cử.

Một tín hiệu khác cho thấy nhà tỉ phú địa ốc thiếu tin tưởng vào cơ quan tình báo Hoa Kỳ. Ông Trump cho biết sẽ không tham dự đều đặn các cuộc họp báo cáo tình hình của các cơ quan tình báo Mỹ. Ông nói ông là người thông minh, không cần nghe lại nhiều lần những điều đã biết, trong suốt 8 năm (trong giả thuyết ông tái đắc cử vào năm 2020).

Vào lúc tổng thống Barack Obama yêu cầu có một báo cáo về các vụ tin tặc liên quan đến chiến dịch vận động tranh cử vừa qua, ông Trump cho rằng chủ đề này đã bị cơ quan tình báo chính trị hóa. Tất cả mọi nỗ lực của cơ quan này là nhằm tránh sự đồng thuận của cả hai đảng, Cộng Hòa và Dân Chủ, trong hồ sơ này.

Tuy nhiên, cho đến nay, thái độ của ông Trump vấp phải sự e dè của một bộ phận trong đảng Cộng Hòa, vốn nghi ngại Nga. Trước thông tin về khả năng ông Tillerson được chỉ định làm ngoại trưởng, chủ tịch ủy ban quân lực Mỹ, thượng nghị sĩ John McCain, nói thẳng là ông không rõ quan hệ giữa ông Tillerson và Vladimir Putin, nhưng ông quan ngại.

Theo ông McCain, tổng thống Putin là một kẻ bất hảo, thô bạo, là tên sát nhân. Ai nói ngược lại điều này là kẻ nói dối. Sự nghi ngại này không hề mang tính biểu tượng hay hình thức. Vì việc bổ nhiệm ngoại trưởng phải có sự chấp thuận của Thượng viện Hoa Kỳ. Cho dù sự việc có ra sao, quả thật « Bóng của Nga đang bao trùm lên quá trình chuyển giao quyền lực tổng thống Hoa Kỳ », như tựa đề của bài viết.

Đài Loan : Sàn đấu giữa Trump và Trung Quốc

Với Nga, ông Trump tỏ thái độ hòa dịu, nhưng với Trung Quốc ông lại khiêu khích. Sau khi đã chọc tức Bắc Kinh bằng cú trao đổi điện đàm với tổng thống Đài Loan, Thái Anh Văn hôm 2/12, tổng thống tân cử một lần nữa đã làm cho Bắc Kinh nổi đóa khi đe dọa không thừa nhận nguyên tắc « một nước Trung Hoa », mà Hoa Kỳ đã thực hiện từ gần 40 năm qua.

Le Figaro và Les Echos lần lượt có bài nhận định qua các tiêu đề « Bắc Kinh chấn chỉnh lại tổng thống tân cử Hoa Kỳ về hồ sơ Đài Loan » và « Với Bắc Kinh, nguyên tắc một nước Trung Hoa là không thể bàn cãi ». Cả hai tờ báo nhắc lại chính vì nguyên tắc này mà Hoa Kỳ đã cắt đứt bang giao với Đài Loan năm 1979, để công nhận nước Cộng Hòa Nhân Dân của Mao Trạch Đông. Thế nhưng, nguyên tắc này giờ đang bị chủ nhân tương lai của Nhà Trắng làm tan vỡ. Trên kênh truyền hình Fox News, ông đã không ngần ngại nêu lại vấn đề tại sao phải thừa nhận nguyên tắc trên.

Sau khi đã tỏ ra nhún nhường ông Trump trong sự cố lần trước, Bắc Kinh lần này đã thật sự nổi giận. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cảnh báo, nếu Washington xem xét lại các cam kết của mình liên quan đến Đài Loan, thì « quan hệ Trung-Mỹ sẽ không thể phát triển lành mạnh, đều đặn, và không thể có hợp tác song phương trong những lĩnh vực quan trọng. »

Báo chí Trung Quốc còn có những lời lẽ chỉ trích nặng nề hơn. Hoàn Cầu Thời Báo nhấn mạnh rằng một nước Trung Hoa duy nhất là « không để bán cũng không để mua » (Les Echos) hay như là « không thể thương lượng được » (Le Figaro). Báo chí chính thống Trung Quốc chỉ trích ông Trump là cư xử « như đứa con một » (Les Echos) hay như là « một đứa trẻ ngây ngô » (Le Figaro) trên phương diện ngoại giao.

Tờ Hoàn Cầu Thời Báo còn cảnh cáo trong trường hợp ông Trump có ý định bảo vệ độc lập Đài Loan, Bắc Kinh rất có thể sẽ ủng hộ, kể cả bằng quân sự, « những thế lực thù nghịch với Hoa Kỳ ». Tờ báo đảng chính thức còn nói thêm : « ông Trump đã không hiểu được là việc Hoa Kỳ can dự vào một cuộc chơi căng thẳng như thế có thể nguy hiểm đến dường nào ».

Theo nhận định của cả hai nhật báo, Đài Loan là hồ sơ nhậy cảm đến mức tại Trung Quốc, ông Tập Cận Bình khó có thể khoanh tay đứng nhìn, khi chỉ còn có một năm nữa diễn ra đại hội đảng, cho phép ông nắm giữ chức vụ lãnh đạo thêm một nhiệm kỳ năm năm nữa. Do không thể tấn công thẳng vào Trump, chính thức nắm quyền vào ngày 20/01/2017, Đài Loan rất có thể sẽ là mục tiêu trực tiếp bị nhắm đến.

Nếu đúng như nhận định của Les Echos là ông Donald Trump có ý định dùng Đài Loan như món tiền để trao đổi, thì Le Figaro nghi ngờ đặt câu hỏi phải chăng là ông Trump đang đùa với lửa? - RFI

***
Tổng thống tân cử Donald Trump hôm 12/12 trao đổi với bà Carly Fiorina, cựu giám đốc điều hành công ty Hewlett-Packard, về chức vụ giám đốc tình báo quốc gia. Tờ New York Times loan tin này nói rằng một thành viên cao cấp trong toán chuyển tiếp của ông Trump cho biết như vậy.

Bà Fiorina từng là một đối thủ của ông Trump để được đảng Cộng hòa đề cử trong cuộc chạy đua vào Tòa Bạch Ốc. Bà Fiorina đã đụng độ kịch liệt với ông Trump trong những cuộc tranh luận sơ bộ. Toán chuyển tiếp của ông Trump cho biết bà Fiorina đã đến thăm Tháp Trump gặp Tổng thống tân cử, nhưng không tiết lộ thêm chi tiết. - VOA


|
|

13.
Ông Trump hứa giao doanh nghiệp lại cho con trai trước khi nhậm chức --- Tỷ phú TQ cảnh báo ông Trump chớ ngăn cản đầu tư của TQ

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump cho biết ông sẽ nói chuyện với báo chí “trong tương lai gần” về việc bổ nhiệm nội các và về doanh nghiệp riêng mà ông sẽ giao lại cho các con trai.

Thông báo trên Twitter vào cuối ngày thứ Hai xuất hiện chỉ vài ngày trước khi một cuộc họp báo, hiện đã được hoãn lại, về việc làm thế nào ông Trump tách ra khỏi công việc kinh doanh dính tới những lợi ích toàn cầu để tập trung vào nhiệm vụ tổng thống để tránh xung đột lợi ích. Hôm thứ Hai, một phụ tá của ông Trump cho biết những câu hỏi này sẽ được trả lời vào khoảng tháng Giêng.

Ông Trump viết trên Twitter rằng trước ngày 20/1, tức ngày tuyên thệ nhậm chức, ông sẽ giao lại công việc kinh doanh cho các con trai Don và Eric đảm nhiệm, cùng với các giám đốc điều hành khác. Ông cũng cam kết “không có giao dịch mới nào sẽ được thực hiện” trong thời gian ông giữ chức tổng thống.

Điều không rõ là mức độ chính xác về việc ông Trump sẽ tách ra khỏi doanh nghiệp của mình hoặc những hoạt động kinh doanh nào mà ông tuyên bố “sẽ không có giao dịch mới nào”. Các chuyên gia pháp lý nói chỉ có cách duy nhất mà tân tổng thống đắc cử có thể tránh hoàn toàn xung đột lợi ích là bán tất cả cổ phần toàn cầu của mình. - VOA

***
Nhân vật giàu có nhất Trung Quốc khuyến cáo Tổng thống tân cử Donald Trump rằng người Mỹ sẽ mất hàng chục ngàn công ăn việc làm nếu cản trở ông ta thâu tóm các công ty của Hoa Kỳ.

Ông Wang Jianlin, chủ tịch tỷ phú của đại tập đoàn giải trí và địa ốc, Dalian Wanda, trong những năm gần đây đã thâu tóm một loạt các thương vụ cao cấp ở Hollywood và tuyên bố còn muốn đầu tư thêm nữa tại Mỹ.

Tuy nhiên, tham vọng của tỷ phú này đã khiến một số nhà lập pháp Mỹ quan ngại, dẫn tới những lời kêu gọi cần phải rà soát gắt gao hơn các hợp đồng sang nhượng cho nước ngoài kiểu này.

Tại một sự kiện cuối tuần qua ở Bắc Kinh, ông Wang tỏ ra không lo lắng đến những quan ngại của Quốc hội Mỹ và nói rằng sẽ đưa sự việc thẳng tới Tổng thống tân cử Donald Trump.

Ông Wang tuyên bố “Tôi đã gặp chủ tịch Hội Điện ảnh Mỹ, ông cho biết sắp gặp ông Trump và hỏi xem tôi có muốn nhắn gửi thông điệp gì không. Tôi bảo rằng tôi đã đầu tư 10 tỷ đô la cùng với 20 ngàn công ăn việc làm tại Mỹ. Hai mươi ngàn người đó có thể mất việc nếu mọi chuyện không suông sẻ.”

Kế hoạch của tỷ phú Wang bành trướng thâu tóm các doanh nghiệp giải trí tên tuổi của Mỹ bao gồm cụm rạp chiếu phim AMC, hãng phim Legendary Entertainment, và hợp đồng mới đây mua lại hãng Dick Clark Productions, nhà sản xuất Quả Cầu Vàng cùng nhiều giải thưởng khác.

Ông Wang cho kênh CNNMoney biết rằng ông còn nhắm tới các phim trường nằm trong danh sách sáu phim trường tầm cỡ của Hollywood trong đó có 20th Century Fox và Warner Bros.

Trùm tỷ phú Trung Quốc nói sự phản đối từ Quốc hội Mỹ chỉ là một quan điểm trong số nhiều ý kiến khác nhau.

Ông cũng lưu ý rằng các công ty Hollywood đã bắt đầu lệ thuộc vào Trung Quốc làm nguồn thu chính vì đây là thị trường phim lớn hàng thứ nhì trên thế giới.  

Hồi tháng chín, 16 thành viên Hạ viện Mỹ ký thư chung yêu cầu giới hữu trách tăng cường kiểm soát các thương vụ thâu tóm các hãng giải trí Mỹ về tay Trung Quốc trong khi Bắc Kinh cấm các công ty Mỹ mua lại các hãng truyền thông đại chúng của họ. - VOA
|
|

14.
Google vào Cuba

Google vừa ký thỏa thuận với chính phủ Cuba, theo đó công ty internet khổng lồ sẽ được quyền cung cấp dịch vụ truy cập vào kho dữ liệu của Google tại Cuba, tạo được một chỗ đứng quan trọng trong lãnh vực mạng điện toán đang bắt đầu phát triển rất nhanh tại đảo quốc này.

Thỏa thuận đạt được hôm thứ Hai sẽ cho phép Google cài đặt các máy chủ trên quốc đảo này để lưu trữ những nội dung phổ biến nhất.

Bà Tania Velesquez, Giám đốc Thương mại và tiếp thị của ETESCA, cơ quan truyền thông của chính phủ Cuba, nói với các nhà báo rằng thỏa thuận này sẽ nâng cao trải nghiệm Internet cho tất cả người dân Cuba:

“Thỏa thuận sẽ rút ngắn thời gian truy cập vào các nội dung của Google trên Internet, cung cấp dịch vụ với chất lượng và tốc độ cao hơn, tối ưu hóa năng lực của hệ thống mạng quốc tế của ETECSA để có thể đáp ứng nhu cầu băng thông rộng cho Cuba”.

Chủ tịch Google Eric Schmidt đã chính thức ký kết thỏa thuận với bà Velesquez tại trụ sở ETESCA ở Havana.

Cuba là một trong nước có tỷ lệ sử dụng internet thấp nhất thế giới. Một số nhà phân tích nói chỉ có khoảng 5% công dân nước này có quyền truy cập vào các trang web của thế giới.

Chính phủ Cuba đã giải quyết vấn đề bằng cách cung cấp các điểm wifi ở các thành phố lớn, nhưng tốc độ chậm và giá dịch vụ quá đắt so với mức sống của phần lớn người dân Cuba, khoảng 2 đôla/giờ, trong khi mức lương công nhân trung bình ở nước này chỉ khoảng 20 đôla.

Thỏa thuận vừa đạt cho phép người dân Cuba truy cập vào mạng lưới các máy chủ được gọi là Google Global Cache với các trang dịch vụ của Google như Gmail và YouTube kết nối toàn cầu.

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã thúc đẩy việc cải thiện truy cập internet như một phần trọng tâm trong những nỗ lực bình thường hóa quan hệ với Cuba. Tuy nhiên cho tới nay, Cuba vẫn chưa cho phép các công ty Hoa Kỳ tham gia vào hệ thống mạng điện toán của nước này, viện dẫn lý do an ninh quốc gia.

Tổng thống đắc cử Donald Trump đe dọa sẽ ngưng các cải thiện quan hệ giữa hai địch thủ thời Chiến tranh Lạnh, trừ phi Cuba có những nhượng bộ về chính trị và các mặt khác. - VOA
|
|

15.
Henry Kissinger bị phản đối khi đến Oslo

Cựu Ngoại trưởng và Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ, tiến sỹ Henry Kissinger đã có bài phát biểu tại diễn đàn giải Nobel Hoà bình hôm cuối tuần qua bất chấp phản đối từ một số giới ở Oslo, Na Uy.

Ông Kissinger, người được trao Giải Nobel Hòa bình năm 1973 cùng nhà lãnh đạo cộng sản Việt Nam, Lê Đức Thọ, đã dùng bài diễn văn ở Oslo để mô tả tổng thống vừa đắc cử Donald Trump "là tính cách chưa từng có trong lịch sử hiện đại của Hoa Kỳ".

Ông cũng nói cần thận trọng, không nên đánh giá ông Trump qua những lời 'đại ngôn' của ông ta.

Trước diễn đàn mang tên 'Nobel Peace Prize Forum Oslo' (10-11 tháng 12), tại Na Uy và trên thế giới đã có nhiều lời phản đối sự hiện diện của ông Kissinger.

Đơn phản đối ông đến Na Uy đã nhận được ít nhất 7000 chữ ký tính đến ngày 9/12.

Tại diễn đàn, hai cựu cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ, Henry Kissinger và Zbigniew Brzezinski có bài phát biểu về Hoa Kỳ và hòa bình thế giới sau bầu cử tổng thống (The U.S. and World Peace after the Presidential Election).

Theo các báo châu Âu, giới phản đối nhắc lại 'các tội ác chiến tranh' của ông Henry Kissinger ở Việt Nam, Campuchia, Đông Timor, và Nam Mỹ.

'Tội ác chiến tranh'

Những người phản đối nói rằng ông Kissinger đã 'đạo diễn' các đợt oanh kích bằng không quân tại Việt Nam và Campuchia nhằm vào thường dân và cũng đứng đằng sau các chế độ độc tài tàn bạo ở châu Mỹ La Tinh trong thập niên 1970 và 1980.

Nay họ đòi đem ông ra xử thay vì mời đến phát biểu tại Diễn đàn Giải Nobel Hòa bình.

Tuy thế, ông Kissinger, 93 tuổi, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ thứ 56, vẫn đọc bài diễn văn hôm 11/12.

"Ông ta cần bị đưa ra tòa," Herman Rojas, thân nhân của những nạn nhân thời kỳ độc tài Pinochet tại Chile nói với trang NTB.

Phát biểu bên ngoài tòa Aula tại Oslo cùng những người biểu tình khác, Herman Rojas gọi Kissinger là 'tên tội phạm chiến tranh'.

Richard Falk viết trên trang Global Rearch rằng "Kissinger đã dính líu trực tiếp hoặc gián tiếp đến tội ác hình sự của các chính phủ nước ngoài nhằm vào thường dân nước họ..."

"Chính quyền Hoa Kỳ đã tung ra đợt Ném bom Giáng Sinh để gây sức ép lên Hà Nội, và cũng để ủng hộ cho đồng minh tham nhũng ở Sài Gòn thấy là nước Mỹ không từ bỏ họ. Lê Đức Thọ, về phía mình, đã coi việc xấu xa đó (của Hoa Kỳ) làm lý do để không chấp nhận Giải Nobel Hòa bình, trong khi Kissinger thì chấp nhận nhưng cũng không đến dự lễ trao giải," ông Richard Falk viết.

Hết thời chính sách 'Một Trung Hoa'?

Gần đây dư luận phương Tây chú ý đến một cuộc gặp của ông Henry Kissinger với tổng thống đắc cử Donald Trump gần đây.

Được biết sau đó ông Kissinger cũng đã đi Bắc Kinh với tư cách thượng khách của chính quyền Trung Quốc và gặp Chủ tịch Tập Cận Bình.

Nhưng ngay khi ông Kissinger ở Bắc Kinh, ông Donald Trump có cuộc điện đàm với Tổng thống Đài Loan, bà Thái Anh Văn, gây choáng váng cho Trung Quốc.

Được cho là người dàn xếp cho chuyến thăm của Tổng thống Richard Nixon sang thăm Mao Trạch Đông năm 1972, tiến sỹ Kissinger nêu ra định hướng để Hoa Kỳ lại gần Trung Quốc nhằm chống lại Liên Xô.

Sau đó, Hoa Kỳ tiếp tục ủng hộ Trung Quốc và cắt quan hệ với Đài Loan tức Trung Hoa Dân quốc.

Nay thì có vẻ như Donald Trump đang xem xét lại chính sách 'Một Trung Hoa' mà Kissinger và Brzezinski dày công vun đắp.

Theo một bình luận trên AFP (12/12/2016), thì ông Trump "đang thử thách quan hệ với Trung Quốc đồng thời lại ve vãn Nga".

Tin mới nhất từ Hoa Kỳ cho hay cũng hôm 12/12, bà Carly Fiorina, cựu ứng viên tổng thống, đã vào thăm và thảo luận về chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ với ông Donald Trump ở văn phòng của ông tại New York. 

Trả lời báo chí sau cuộc gặp, bà Fiorina nói hai người đã bàn về cách 'tái khởi động' chính sách ngoại giao của Mỹ.

Bà xác nhận ông Trump và bà chia sẻ quan điểm rằng "Trung Quốc là đối thủ đang lên quan trọng nhất".

Thậm chí bà Fiorina còn tìm cách 'lật ngược' các cáo buộc rằng tin tặc Nga có thể là tác giả các vụ tác động vào bầu cử Mỹ vừa qua bằng câu nói bà và ông Trump "thảo luận cả về vụ tin tặc, không rõ đó là tin tặc Trung Quốc hay chỉ là thứ ai đó nói là từ Nga", theo nguyên văn lời trích của AFP từ Washington DC. - BBC
|
|

Tin Việt Nam

16.
Campuchia xác nhận binh sĩ biểu tình ở Việt Nam

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Campuchia hôm 12/12 lên tiếng xác nhận có xảy ra biểu tình của nhiều binh sĩ nước này đang được đào tạo tại một tỉnh của Việt Nam, và nhấn mạnh rằng mọi chuyện đã được giải quyết.

Theo tường thuật của tờ The Cambodia Daily, hàng trăm binh sĩ Campuchia đang tham gia một khóa huấn luyện ở Việt Nam mới đồng loạt phản đối bên ngoài văn phòng hiệu trưởng của một trường huấn luyện sĩ quan ở tỉnh Đồng Nai tuần trước, sau khi có tin “một nữ binh sĩ Campuchia suýt bị cưỡng hiếp”.

Tờ nhật báo của Campuchia cho hay, 3 đoạn video lan truyền trên mạng cho thấy khoảng 200 binh sĩ Campuchia biểu tình bên ngoài trung tâm huấn luyện số 2 ở Đồng Nai hôm 5/12, cáo buộc một sĩ quan huấn luyện của đơn vị này tìm cách cưỡng hiếp một nữ binh sĩ Campuchia.

Hôm 12/12, ông Chhum Sucheat, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Campuchia cho biết rằng “có xảy ra biểu tình”, nhưng không có chuyện sĩ quan huấn luyện “tìm cách cưỡng hiếp” nữ binh sĩ Campuchia.

Người phát ngôn này nói rằng huấn luyện viên người Việt “bị say rượu và gõ cửa nhầm phòng”, và sau đó “bác bỏ đã chạm vào người” nữ binh sĩ Campuchia, nhưng vẫn bị kỷ luật và thuyên chuyển công tác.

Theo tờ Kiến Thức, từ năm 1980 cho đến nay, phía Việt Nam đã đào tạo cho Campuchia gần 17.000 sĩ quan quân đội thuộc mọi binh chủng khác nhau.

Phía Campuchia cho biết rằng có khoảng hơn một nghìn sĩ quan quân đội nước này hiện vẫn còn đang tiếp tục theo học ở Việt Nam. - VOA
|
|

17.
Rút tên Hoa Sen khỏi dự thảo quy hoạch ngành thép

Các báo lớn của Việt Nam đưa tin Bộ Công Thương không còn để tên Tập đoàn Hoa Sen là chủ đầu tư một dự án ở tỉnh Ninh Thuận trong bản dự thảo thứ nhì về quy hoạch hệ thống sản xuất thép đến năm 2025.

Ông Trương Thanh Hoài, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng của Bộ nói với báo chí hôm 12/12 rằng việc để tên chủ đầu tư trong quy hoạch là “phản cảm”, nhưng ông cũng nói thêm là “việc rút tên không phải vì áp lực dư luận”.

Hoa Sen là một trong những tập đoàn hàng đầu về sản xuất, buôn bán thép của Việt Nam. Hồi đầu tháng 9, có tin tập đoàn này dự định đầu tư 10 tỷ đôla để đưa Cà Ná thành dự án thép lớn nhất Việt Nam.

Trong cuộc đại hội cổ đông bất thường hồi tháng 9, ban giám đốc tập đoàn đề xuất nhà đầu tư thông qua chủ trương triển khai đầu tư khu liên hợp luyện cán thép ở Cà Ná, công suất 6 triệu tấn/năm. Ngoài ra, theo tầm nhìn quy hoạch từ năm 2017-2031, công suất thiết kế sẽ đạt 16 triệu tấn/năm.

Sau khi có tin này, nhiều nhà phân tích, cựu quan chức và một phần lớn công chúng đã phản đối. Họ nêu ra những lo ngại về tác hại đến môi trường của dự án, nhất là sau vụ xả thải trái phép gây thảm họa ô nhiễm biển của hãng Formosa, Đài Loan, trong một dự án thép lớn khác ở tỉnh Hà Tĩnh.

Những người phản đối còn dẫn ra mối lo về nguồn nước ở Ninh Thuận, một tỉnh vốn ít mưa và khô cằn. Ngoài ra là các quan ngại về khả năng thừa thép không chỉ ở Việt Nam mà cả trên toàn thế giới.

Giáo sư Tiến sĩ Phạm Ngọc Đăng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, phân tích thêm với VOA:

“Vấn đề vướng mắc lớn nhất chính là cung cầu, vấn đề ô nhiễm môi trường, và vấn đề về nguồn nước. Ở trong nước cũng như ở thế giới, không phải là có nhu cầu lớn như thế. Vấn đề nó gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đối với xung quanh, đó là sự lo ngại lớn nhất của cả dân chúng và cả chính quyền của địa phương. Do đó người ta khó chấp nhận một dự án như thế. Tôi cho cái nguồn nước cũng là vấn đề hết sức bức bách đối với Ninh Thuận. Một tấn thép phải dùng mấy mét khối nước. Ninh Thuận là vùng khô hạn, thiếu nước. Hiện nay giải quyết nước sinh hoạt cho dân cũng đã gặp khó khăn. Nếu mà cái nhà máy lớn như vậy, tiêu thụ nước lớn như vậy thì chưa thấy phương án đưa ra giải quyết nguồn nước cho nhà máy ra sao. Nếu nhà máy có đưa ra thì chắc là phải thực hiện đánh giá tác động môi trường. Vấn đề đó sẽ được thảo luận và tôi cho rằng cũng khó được hội đồng thẩm định đánh giá tác động môi trường thông qua”.

Trong cuộc nói chuyện với báo chí ngày 12/12, ông Hoài, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công thương, cũng thừa nhận vấn đề nước là “chuyện đau đầu nhất” trong dự án thép này. Ông nói: "Nếu Ninh Thuận không cung cấp được nước thì nhà đầu tư phải từ bỏ dự án”.

Theo quy hoạch, tại Cà Ná có khu công nghiệp cao nhưng nhiều năm qua tỉnh Ninh Thuận không thu hút được dự án nào. Ông Hoài cho rằng với bài toán lớn nhất là nguồn nước, chính phủ trung ương cần hỗ trợ đầu tư hệ thống hạ tầng thủy lợi đáp ứng nhu cầu giai đoạn đầu tiên là 30 triệu m³ và đến năm 2020 là khoảng 200 triệu m³. - VOA
|
|

18.
'Hai Đảng CS dẫn dắt quan hệ phát triển tốt đẹp'

Thăm Bắc Kinh, ông Phạm Minh Chính nói Đảng Cộng sản Việt Nam "sẵn sàng cùng Đảng Cộng sản Trung Quốc dẫn dắt quan hệ Việt - Trung phát triển tốt đẹp hơn", theo đài Phát thanh Quốc tế Trung Quốc (CRI).

Ông Phạm Minh Chính, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, được Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Bí thư Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Lưu Vân Sơn đón tiếp, theo Tân Hoa Xã hôm 12/12/2016.

Bản tin tiếng Việt của hãng thông tấn này, phát đi trên kênh CRI gọi ông Phạm Minh Chính là "đồng chí".

Vẫn nguồn tin này trích lời ông Lưu Vân Sơn cho biết, "hai nước Trung - Việt là láng giềng hữu nghị xã hội chủ nghĩa, là cộng đồng cùng chung vận mệnh có ý nghĩa chiến lược".

"Đảng Cộng sản Trung Quốc sẵn sàng cùng Đảng Cộng sản Việt Nam đi sâu thực hiện nhận thức chung quan trọng đạt được giữa Tổng Bí thư Tập Cận Bình và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nắm chắc định hướng đúng đắn trong phát triển quan hệ giữa hai Đảng và hai nước, tăng cường giao lưu kinh nghiệm quản lý đất nước, sâu sắc hợp tác thiết thực trên các lĩnh vực, thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung - Việt phát triển ổn định, lành mạnh lâu dài."

'Bốn toàn diện'

Vẫn Tân Hoa Xã bản tiếng Việt trích lời ông ông Phạm Minh Chính nói:

"Việt Nam đánh giá cao những thành tựu thu được trong điều phối thúc đẩy bố cục chiến lược "Bốn toàn diện" của Trung Quốc cũng như những đóng góp nổi bật của Trung Quốc cho hòa bình và phát triển của khu vực và thế giới, Đảng Cộng sản Việt Nam sẵn sàng cùng Đảng Cộng sản Trung Quốc sâu sắc toàn diện quan hệ giữa hai Đảng, cùng dẫn dắt quan hệ Việt - Trung phát triển tốt đẹp hơn." 

Theo thông tin chính thức từ các báo Việt Nam, ông Phạm Minh Chính là Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng khóa 12.

Ông sinh năm 1958 tại xã Hoa Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hóa, từng là lưu học sinh tại Romania, có bằng kỹ sư ngành xây dựng và sau là phó giáo sư, tiến sĩ luật.

"Ông từng công tác tại Cục Nghiên cứu Khoa học, Kinh tế và Kỹ thuật, Bộ Nội vụ, có nhiệm kỳ làm Bí thư thứ nhất tại Đại sứ quán Việt Nam tại Romania," theo VietnamNet.

Ông được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Công an năm 2010, hàm trung tướng và có thời gian làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh (8/2011).

Vào tháng 4/2015, ông về làm Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương rồi làm ủy viên BCH TƯ khóa 12, ủy viên Bộ Chính trị khóa 12, theo các báo Việt Nam. - BBC
|
|

19.
Vụ nổ ở Đắk Lắk gây thương vong --- 3 công an Đắk Lắk chết vì nổ, không phải khủng bố

Truyền thông trong nước đưa tin sáng thứ Ba, ngày 13/12, UBND tỉnh Đăk Lăk tổ chức họp báo thông tin chính thức về vụ nổ lớn tại trụ sở công an tỉnh này vào đêm thứ Hai 12/12.

Các báo nói Thượng tá Bùi Trọng Tuấn - Trưởng phòng tham mưu, người phát ngôn công an tỉnh Đắk Lắk đã có thông tin chính thức về vụ nổ làm 3 người tử vong, 3 người bị thương, trong đó một nạn nhân đang nguy kịch.

Theo thượng tá Tuấn, vụ nổ xảy ra khoảng 20h50 ngày 12/12 tại kho lưu trữ vật chứng của Phòng an ninh điều tra công an tỉnh Đăk Lăk (số 53 Nguyễn Tất Thành, phường Tự An, TP. Buôn Ma Thuột)

Các nạn nhân tử vong là: Phan Thế Trung (SN 1986, công tác tại phòng Kỹ Thuật hình sự); Ngô Quang Cường (SN 1984, phòng Cảnh sát môi trường); Y Quyết BKrông (SN 1987, phòng Cảnh sát môi trường). 

3 nạn nhân bị thương gồm: Y An Drê Bkrông (SN 1987, công tác tại phòng kỹ thuật hình sự); Lê Quang Vũ (SN 1991) và Đặng Kỳ Hưng (SN 1980, cùng công tác tại phòng Cảnh sát môi trường). 

Một số phòng làm việc, nhà dân khu vực lân cận bị hư hỏng nặng.

Ông Tuấn cho biết, đây là vụ tai nạn ngoài ý muốn, không có dấu hiệu của khủng bố phá hoại. 

Tại buổi họp báo, bác sĩ Y Bliu Arul, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đăk Lăk cho biết, vào lúc 21h30, bệnh viện tiếp nhận 5 bệnh nhân. Trong đó, bệnh nhân Cường và Trung nhập viện trong tình trạng nguy kịch, đa vết thương, xác định đã chết ngoài viện. 

Bệnh nhân Lê Quang Vũ nhập viện lúc 21h10 trong tình trạng đa chấn thương, tụ máu ngoài màng cứng. Sáng nay, tình trạng bệnh nhân Vũ trở nặng nên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đăk Lăk đã chuyển về TP.HCM để được điều trị kịp thời. Hai bệnh nhân còn lại đang được cấp cứu tại bệnh viện, sức khỏe đã dần ổn định.

Theo VNExpress, Chánh văn phòng UBND tỉnh Đăk Lăk Bùi Hồng Quý cho biết, sau khi vụ nổ xảy ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu lãnh đạo tỉnh báo cáo sự việc, khẩn trương cứu hộ cứu nạn và điều tra nguyên nhân.

Nhiều phóng viên các báo đặt câu hỏi về nguyên nhân vụ nổ, tuy nhiên đại diện UBND tỉnh Đăk Lăk và Công an tỉnh không có bình luận gì. 

BBC hiện chưa liên lạc được với Ủy ban Nhân dân Đăk Lăk để xác minh nguồn tin. - BBC

***
Ba người thiệt mạng, 3 người khác bị thương khi một vụ nổ lớn xảy ra tối 12/12 tại trụ sở công an tỉnh Đắk Lắk. Tất cả 6 người đều là nhân viên công an.

Theo báo chí Việt Nam, một trong số những người thiệt mạng là Y Quyết BKrông, 29 tuổi, là con trai của ông Niê Thuật, nguyên bí thư Tỉnh uỷ Đắk Lắk. Y Quyết BKrông là cán bộ phòng Cảnh sát môi trường. 

Hôm 13/12, nhà chức trách địa phương họp báo khẳng định vụ nổ “là vụ tai nạn ngoài ý muốn, không phải khủng bố hay phá hoại”. 

Thượng tá Bùi Trọng Tuấn, trưởng Phòng tham mưu Công an tỉnh Đắk Lắk, cho các phóng viên biết vụ nổ xảy ra tại Phòng lưu giữ vật chứng của Cơ quan an ninh điều tra thuộc công an tỉnh, đặt ở thành phố Buôn Ma Thuột.

Ông Tuấn và một số quan chức chính quyền Đắk Lắk nói với báo giới rằng nhà chức trách “đang tiếp tục điều tra nguyên nhân vụ nổ” và không cung cấp thêm chi tiết.

Báo chí Việt Nam tường thuật rằng vụ nổ lớn không chỉ làm hư hỏng nặng tòa nhà của công an mà còn làm một số nhà dân xung quanh bị hư hại.

Tin cho hay thủ tướng Việt Nam đã gửi công điện “hỏi thăm, chia buồn với tỉnh Đắk Lắk, các cán bộ chiến sĩ Công an tỉnh về vụ tai nạn”. - VOA
|
|

20.
Lẩn quẩn chấn chỉnh đảng và cải cách --- Khủng hoảng chính trị tới ngưỡng báo động?

Ngày 9 tháng 12 một lần nữa, ông Tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam lại đề cập đến vấn đề chỉnh đốn đảng. Các nhà lãnh đạo Việt Nam trong thời gian gần đây hầu như không đề cập đến việc cải tổ cơ cấu nền kinh tế.

Chỉnh đốn đảng hay cải cách kinh tế?

Trong một lần trao đổi với chúng tôi về kinh tế Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một nhà hoạt động dân sự tại Hà Nội cho rằng khi đề cập đến những vấn đề kinh tế, hội nhập kinh tế toàn cầu thì những nhà lãnh đạo cộng sản Việt Nam đều mong muốn có những cải cách, nhưng khi đề cập đến chính trị thì họ đều là những người bảo thủ.

Trên bình diện kinh tế, thời gian qua Việt Nam chứng kiến sự chậm trễ trong vấn đề tái cấu trúc nền kinh tế theo khuynh hướng thị trường, số nợ xấu tăng cao, cũng như sự yếu kém của hệ thống ngân hàng. Ngoài ra thảm họa môi trường biển Vũng Áng cũng thể hiện sự quản lý yếu kém nền kinh tế.

Trên bình diện chính trị, sau sự kiện quan trọng là đại hội đảng lần thứ 12 kết thúc hồi đầu năm nay, Việt Nam lại chứng kiến hàng loạt nghi vấn liên quan đến tham nhũng với liên tục ba cán bộ cao cấp từng làm việc cho tập đoàn dầu khí quốc gia bỏ trốn ra nước ngoài.

Sau hội nghị trung ương đảng lần thứ tư vừa kết thúc vào ngày 14 tháng 10, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, một chuyên gia kinh tế trong nước, sống ở Hà Nội nói với chúng tôi rằng ông không thấy nghị quyết của hội nghị này đưa ra vấn đề cải cách cơ chế của nền kinh tế, mặc dầu đó là điều đất nước đang rất cần trong lúc này:

“Trong tình hình hiện nay, Việt Nam rất cần cải cách thể chế, phải giảm bớt gánh nặng chi tiêu ngân sách, phải giảm bớt bộ máy cồng kềnh hết sức trùng lắp này. Đặc biệt là phải giảm các khoản vòi vĩnh, bắt các doanh nghiệp phải trả thêm, thì mới kinh doanh được. Tất cả những điều ấy tôi chưa thấy có một nghị quyết có tính hệ thống và theo các chuẩn mực quốc tế. Tôi chưa thấy.”

Trước khi đại hội lần thứ 12 của đảng cộng sản diễn ra, Tiến sĩ Vũ Hồng Lâm, làm việc ở Trung tâm nghiên cứu chiến lược châu Á Thái Bình Dương có phân tích với chúng tôi về các khuynh hướng khác nhau trong tầng lớp cai trị Việt Nam hiện nay. Theo ông trong các khuynh hướng đó có một nhóm mà ông gọi là trục lợi, và môi trường chính trị, kinh tế Việt Nam hiện nay đang là môi trường tốt cho nhóm này phát triển:

“Chế độ chính thể của Việt Nam hiện nay vẫn tạo một môi trường rất là phù hợp cho xu hướng trục lợi. Thứ nhất là có một nhà nước tương đối là độc đoán, tương đối là khép kín, mặc khác lại có một nền kinh tế tương đối là thoải mái trong việc làm tiền, có thể dùng tiền để mua chức, và dùng chức để kiếm tiền.”

Trong một lần trao đổi với Nam Nguyên của đài RFA, luật sư Trần Quốc Thuận có nhận định rằng "nếu tình trạng tha hóa tham ô tràn làn không ngăn chặn được, thì Đảng và chế độ sẽ mất niềm tin người dân không ủng hộ nữa. Trong hoàn cảnh như thế thì cơ sở tồn tại của Nhà nước sẽ rất thấp."

Ý của ông Trần Quốc Thuận muốn nói đến nhà nước do đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo hiện nay.

Một nhà bất đồng chính kiến với đảng cộng sản hiện nay là Tiến sĩ Hà Sĩ Phu, hiện đang sống tại Đà Lạt nói với chúng tôi rằng sự lo ngại của đảng cộng sản trước kia chỉ thuần về thay đổi ý thức hệ, nay lại bao gồm cả chuyện mâu thuẫn giữa các phe phái với nhau:

“Bộc lộ sự mâu thuẫn trong nội bộ đảng về mặt nhân sự, chẳng những về mặt tư tưởng mà con về mặt nhân sự có thể dẫn đến lật đổ nhau, như ở Đại hội Đảng lần thứ 12 và thậm chí như vụ ở Yên Bái và đến vụ Trịnh Xuân Thanh nữa.”

Đảng mạnh hơn sẽ tạo nên kinh tế mạnh hơn?

Có lẽ vì những lý do đó mà trong các văn kiện quan trọng của đảng, hay các lời phát ngôn gần đây của các quan chức cao cấp của đảng đều nói đến việc chấn chỉnh lại đảng cộng sản Việt Nam, thay vì cải cách thể chế kinh tế. Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nhận xét về nghị quyết của hội nghị trung ương lần thứ tư của đảng do ông Tổng bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng trình bày:

“Tôi không thấy có một ý gì cải cách mạnh mẽ ở đây cả. Điều ông ấy tập trung nói ở đây là chống tham nhũng và tập trung xây dựng đảng. Có lẽ đấy là trọng điểm. Còn tình hình kinh tế thì ông ấy nói có mặt tiến bộ, có mặt khó khăn, thậm chí ông ấy có dùng chữ nghiêm trọng. Nhưng tôi không thấy có cái điều gì gọi là cải cách một cách mạnh mẽ.”

Với đảng cộng sản là lực lượng duy nhất quản lý xã hội Việt Nam, những người như ông Nguyễn Phú Trọng cho rằng khi đảng được chỉnh đốn, nó sẽ mạnh lên để lãnh đạo đất nước Việt Nam. Tuy nhiên một nhà quan sát từ nước ngoài là chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa, hiện sống tại Hoa Kỳ cho rằng:

“Phải giới hạn lại vai trò của đảng, đó là một cách. Cái thứ hai là mở rộng vai trò của quốc hội, ít ra là quốc hội trong hoàn cảnh hiện tại, giải quyết chuyện đó nó mới giải quyết được vấn đề kinh tế. Bởi vì nếu kinh tế thị trường phát triển lệch lạc, chính là vì hệ thống chính trị, nếu mà không giải quyết hệ thống chính trị, nếu mà không phá vỡ đặc quyền chính trị của một số ở trên cùng thì chúng ta sẽ không có kinh tế thị trường.”

Trở lại với ý kiến của Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng khi đề cập đến vấn đề chính trị thì nhiều nhà lãnh đạo cộng sản hiện nay sẽ là những người bảo thủ, Tiến sĩ Vũ Hồng Lâm cũng cho rằng có một khuynh hướng trong tầng lớp lãnh đạo Việt Nam hiện nay mong muốn giữ được những điều liên quan đến ý thức hệ hơn là những ý tưởng cải cách. - RFA

***
Trong khi việc kỷ luật nguyên Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng còn lúng túng trong Đảng, cũng như Quốc hội vẫn chưa tìm ra được hướng giải quyết hợp lý, lại xảy ra chuyện bỏ trốn của các cán bộ cao cấp có biểu hiện tham nhũng.

Cùng lúc, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ lại bổ nhiệm chức Phó vụ trưởng Vụ kinh tế cho một thanh niên 26 tuổi không một ngày nào làm việc trong guồng máy hành chính, việc này cho thấy sự lỏng lẻo mà dư luận gọi là tha hóa ngay tại trung ương.

Đây có phải là dấu hiệu của khủng hoảng chính trị đã vượt ngưỡng báo động? Mặc Lâm phỏng vấn ông Nguyễn Khắc Mai, nguyên Vụ trưởng Vụ Nghiên Cứu, Ban Dân vận Trung ương để tìm hiểu thêm sự vận hành trong hệ thống về vấn đề nhân sự.

Hàng loạt sai phạm

Mặc Lâm: Thưa ông Đảng Cộng sản Việt Nam đang phải đối phó với hàng loạt chuyện bê bối trong hàng ngũ cán bộ cao cấp, đặc biệt là các cá nhân vi phạm đã bỏ trốn ra nước ngoài, rồi mới đây lại xảy ra chuyện bổ nhiệm sai nguyên tắc cho vị trí Vụ phó kinh tế trong Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ. Là người sinh hoạt lâu năm trong Đảng ông có nhận xét gì vể vụ bê bối này?

Ông Nguyễn Khắc Mai: Tất cả những việc vừa xảy ra như các vụ bổ nhiệm từ Trịnh Xuân Thanh cho tới Phùng Quang Hải rồi bây giờ là anh Vũ Minh Hoàng vào Ban công tác Tây Nam bộ. . . . nó phản ảnh một trạng thái tất nhiên của chế độ vì ngay việc bổ nhiêm lãnh đạo đất nước của Trung ương Đảng, rồi Tổng bí thư, hay Bộ chính trị nó cũng không có quy trình gì tử tế đâu.

Làm gì có những biện pháp khoa học, văn minh, dân chủ để tuyển chọn người thủ lĩnh đâu? Tuyển tướng cốt chọn người thao lược, chớ kể con ông cháu cha. Trước hết phải chọn người tài, người thao lược thì hiện nay trong đội ngũ lãnh đạo quốc gia chả thấy ông nào có tính cách thao lược cả, từ ông Trọng trở đi không thấy sự thao lược, thế thì chóp bu đã vậy thì bên dưới nhí nhố là chuyện bình thường thôi.

Thí dụ như trong đảng, tổ chức đại hội không có phương sách chọn một người thao lược. Họ chọn lựa theo lối ăn cánh, nhìn xem người ấy có ăn cánh với mình hay không thì mới cơ cấu. Tư cách như thế từ bao nhiêu đại hội tới nay nó dẫn đến tình trạng người ta lợi dụng cái kiểu ấy để người ta bố trí những người phe cánh, con ông cháu cha rồi thông tự của mình, đấy là chuyện tất yếu của một hệ thống đã mang tính chất siêu phong kiến, nó tiếp nhận phong kiến và nó làm băng hoại thêm cho phong kiến, đấy là chuyện tất yếu mà nó phải xảy ra.

Mặc Lâm: Nhưng hình như Đảng cũng thấy sự nguy hiểm gần kề nên đã mạnh dạn kỷ luật nhiều đảng viên cao cấp liên quan. Theo ông thì đây có phải là giải pháp mạnh mẽ và đưa ra kịp vào lúc này hay không?

Ông Nguyễn Khắc Mai: Đấy là cái hạ sách. Xử lý một vài anh cán bộ tổ chức, Bí thư Tỉnh ủy một vài anh trách nhiệm vụ việc ấy thì đấy là giải pháp bệnh nặng mà bôi dầu xoa bóp thì làm thế nào cải tạo được? Hết keo này đến keo khác hết vụ này đến vụ khác nó sẽ tiếp tục diễn ra như vậy và họ ngang nhiên khẳng định rằng họ làm như vậy là vì cán bộ vì dân vì nước! Họ ngang nhiên nói như vậy.

Triết lý chuyên chính vô sản

Mặc Lâm: Trong các lần chúng tôi có dịp tiếp xúc, nhiều Đảng viên kỳ cựu cho rằng hiện nay Đảng cộng sản Việt Nam vẫn âm thầm tiếp tục tư duy và hành động theo mô hình của Xô viết cũ là chuyên chính vô sản, ông có cho điều này là đúng không?

Ông Nguyễn Khắc Mai: Hiện nay tuy người ta không dám nói “chuyên chính vô sản” công khai nhưng trong lòng họ vẫn cho rằng cái chính quyền này, thể chế chính trị này là “chuyên chính vô sản”. Chuyên chính vô sản nghĩa là gì? Nghĩa là một triết lý như Lê Nin khẳng định: Nó bất chấp luật pháp. Nó không cần luật pháp. Nó vượt qua luật pháp. Đấy là triết lý chuyên chính vô sản của Lê Nin.

Vậy mà anh còn giữ lại cái này thì vô phương! Không cấp này nó vượt qua luật pháp thì cấp khác. Ngay cái tư cách của những người lãnh đạo mà họ nói rằng họ là đại diện cho quốc gia, đại diện cho nhà nước, chức trách của họ là thế thì luật pháp nào quy định cái này? Chả có luật pháp nào quy định cả. Họ làm việc theo lối bất chấp luật pháp vậy thì cấp dưới nó ngu hơn nó đần hơn, tham hơn, lộng quyền hơn, nó sẵn sàng chà đạp những quy định của luật pháp.

Muốn giải quyết tận gốc phải xem xét lại một cách hệ thống toàn bộ các vấn đề của thể chế chính trị. Rõ ràng phải xây dựng một chế độ pháp quyền thật sự của dân, vì dân và do dân. Hiện nay họ nói của dân, vì dân và do dân nhưng bắt đầu công việc thì gạt dân ra. Từ bầu cử cho đến luật pháp cũng như chính sách. . . cho nên những câu nói đầu miệng như thế chả giải quyết được gì cả.

Mặc Lâm: Sau Hội nghị Trung ương 4 khóa 12 lần này ông Tổng Bí thư nói nhiều đến việc tự diễn biến trong nội bộ đảng, ông có nghĩ là từ nhận thức và báo động này Đảng sẽ có thay đổi hay không?

Ông Nguyễn Khắc Mai: Hội nghị Trung Ương 4 khóa 11 thất bại, bây giờ là Trung ương 4 khóa 12 thì tôi thấy với tình hình này cũng không thể thành công được. Mà đây không phải là ý kiến của một mình tôi mà là ý kiến, ý nghĩ của một số khá đông kể cả những anh em trong Trung ương Đảng khi họ nói chuyện riêng với chúng tôi thì họ cũng bày tỏ thái độ như thế.

Đây là một vấn đề phải dũng cảm lắm. Gạt bỏ phe nhóm gạt bỏ ý thức hệ. Cũng phải gạt bỏ mô hình Xô viết đi. Hiện nay lãnh đạo của chúng ta không có đủ năng lực, vừa phải có một cái quyền, vừa phải có cái năng lực để lựa chọn giải pháp văn minh nhất, văn hóa nhất, tiến bộ nhất, dân chủ nhất để áp dụng. Đấy là cái bi kịch của dân tộc hiện nay. - RFA
|
|

21.
Lễ Trao Giải Nhân Quyền Việt Nam 2016

Liên tục trong 15 năm, kể từ 2002, Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam (MLNQVN) đã lần lượt tổ chức lễ trao Giải Nhân quyền Việt Nam tại nhiều nơi trên thế giới vào Ngày Quốc tế Nhân Quyền. Năm nay Lễ trao Giải Nhân Quyền Việt Nam lần thứ 15 đã được long trọng diễn ra tại Hội trường Nhà thờ St. Gregory thuộc thành phố Dorchester tiểu bang Massachusetts vào chiều ngày 11 tháng 12 năm 2016 nhân Ngày Quốc Tế Nhân Quyền lần thứ 68. Buổi lễ được tổ chức do sự hợp tác giữa Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam, Cộng đồng Việt Nam tại Massachusetts, và Phong trào Giáo Dân Việt Nam Hải Ngoại tại Boston.

Tham dự buổi lễ có khoảng 200 đồng hương, đại diện các đoàn thể trong vùng Boston và các Ban chấp hành Cộng đồng Người Việt những tiểu bang lân cận như New York, Connecticut, và New Hampshire. Ngoài ra cũng có nhiều đồng hương đến từ Canada, và phái đoàn Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Liên Bang Hoa Kỳ, và phái đoàn Hội Đồng Liên Kết Quốc Nội và Hải Ngoại. Về phía quan khách chính quyền địa phương có Ông Phạm Văn Nam, Thứ trưởng Bộ Kinh tế, đại diện Thống đốc tiểu bang Massachusetts, Dân biểu Keiko Orrall, Ông Michael Moynihan, đại diện Thượng nghị sĩ Mark Montigny.

Sau nghi thức khai mạc, chương trình được bắt đầu bằng diễn văn chào mừng quan khách của ông Thân Vĩnh Bảo Toàn, Chủ tịch Cộng đồng Việt Nam tại Massachusetts.

Ông nhấn mạnh đến nghĩa vụ của tập thể người Việt hải ngoại nói chung, và của Cộng đồng Việt Nam tại Massachusetts nói riêng trong việc yểm trợ công cuộc đấu tranh cho Tự do-Dân chủ-Nhân quyền của đồng bào trong nước. Ông cũng bày tỏ niềm hãnh diện được cộng tác với MLNQVN để tổ chức Lễ trao Giải Nhân quyền năm 2016.

Tiếp đến là diễn văn của Ts Nguyễn Bá Tùng,Trưởng Ban phối hợp MLNQVN, về ý nghĩa Ngày Quốc tế Nhân Quyền lần thứ 68 trong bối cảnh việc vi phạm các quyền cơ bản tại Việt Nam càng ngày càng trở nên tệ hại hơn. Ông nói:

“Sau gần 3/4 thế kỷ tại Miền Bắc và hơn 40 năm ở Miền Nam Việt Nam, cuộc chiến đấu dành lại quyền làm người đích thực từ chế độ bạo tàn cộng sản vẫn tiếp diễn, và càng ngày càng khốc liệt hơn, càng khẩn trương hơn. Do đó, buổi hội ngộ hôm nay cũng là dịp để chúng ta hướng về quê hương. Ở đó đồng bào chúng ta, đặc biệt là các chiến sĩ nhân quyền, đang ngày đêm dấn thân vào cuộc chiến đấu gian lao và dũng cảm để giành lại quyền làm người, mà những người nhận Giải Nhân Quyền Việt Nam năm nay: Mạng Lưới Blogger Việt Nam, LS Võ An Đôn, và 2 nhà đấu tranh cho dân oan Trần Ngọc Anh và Cấn Thị Thêu là những tấm gương tiêu biểu.”

Cao điểm của buổi lễ là phần tuyên dương và trao giải. Bằng tiếng Việt và tiếng Anh, các thành viên trong Ban Tổ Chức đã lần lượt đọc lên thành tích đấu tranh cho nhân quyền của những khôi nguyên cũng như những gian khổ họ phải chịu đựng. Cũng như những lần trao giải trước đây, không một khôi nguyên nào có mặt để nhận giải cho nên các tấm huy chương đã được trao cho các đại diện của họ. Nhà hoạt động cộng đồng Đỗ Kỳ Anh đến từ Toronto (Canada) nhận giải thay cho Mạng Lưới Blogger Việt Nam từ TS Nguyễn Bá Tùng; nhà thơ Trần Trung Đạo thay mặt LS Võ An Đôn nhận giải từ GS Nguyễn Thanh Trang, cố vấn MLNQVN; nhà hoạt động cộng đồng Lạc Việt đến từ Vancouver (Canada) thay mặt Bà Trần Ngọc Anh nhận giải từ ông Thân Vĩnh Bảo Toàn, Chủ tịch Cộng đồng Việt Nam Massachusetts; và nhà báo tự do Điếu Cày Nguyễn Văn Hải thay mặt Bà Cấn Thị Thêu nhận giải từ Ông Nguyễn Duy Quang, Trưởng Cơ sở Phong Trào Giáo dân VN Hải ngoại Boston.

Sau mỗi lần tuyên dương, cử tọa chăm chú theo dõi phát biểu của các khôi nguyên hoặc đại diện qua những đoạn video được phát trên màn hình lớn.

Tiếp theo phần trao giải, Thứ trưởng Phạm Văn Nam đã nhân danh Thống đốc Charlie Baker trao các bằng vinh danh của TB Massachusetts đến các khôi nguyên Giải nhân quyền VN 2016 và MLNQVN qua tay các vị đại diện. Dân biểu Keiko Orrall, nhân dịp này cũng nhân danh Quốc hội Bang Massachusetts tuyên dương thành tích hoạt động vì công ích của Cộng đồng Việt Nam tại Massachusetts.

Một số quan khách chọn lọc đã được mời phát biểu gồm Thứ trưởng Phạm Văn Nam, nhà bình luận Trần Trung Đạo, blogger Điếu Cày, BS Đỗ Văn Hội, Chủ tịch Hội đồng chấp hành Cộng đồng Người Việt Quốc gia Liên bang Hoa Kỳ.

Một số nghệ sĩ thiện nguyện ở Boston và từ xa đến đã làm sinh động buổi lễ với những ca khúc đấu tranh làm nức lòng người nghe.

Sau cùng, ông Lại Tư Mỹ, thay mặt Ban Tổ chức, đã tuyên bố kết thúc buổi lễ và cám ơn chính quyền địa phương, đại diện các đoàn thể và đồng hương đã góp công sức để buổi lễ được thành công tốt đẹp.

Nhiều thân hào nhân sĩ địa phương đã bày tỏ niềm phấn khởi trước sự kiện Lễ Trao Giải Nhân Quyền Việt Nam được tổ chức lần đầu tiên tại tiểu bang Massachusetts với sự trang nghiêm chu đáo. Nhiều người bùi ngùi lo lắng khi được biết hai vị được trao giải - Blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, con chim đầu đàn của Mạng Lưới blogger Việt Nam vừa bị bắt, và nhà đấu tranh cho dân oan Cấn Thị Thêu vừa mới bị tòa án phúc thẩm cộng sản y án tù giam 20 tháng; tuy nhiên tất cả đều phấn khởi khi biết được rõ hơn là ở trong nước đã, đang và chắc chắn sẽ có những người dấn thân đấu tranh cho nhân phẩm và công lý chống độc tài, tham ô và bất công.

Mọi người đều tin tưởng ở một tương lai tươi sáng cho dân tộc Việt Nam. - RFA
|
|

22.
Việt Nam và Úc ký thỏa thuận trao trả người xin tị nạn

Bộ trưởng Công an Việt Nam Tô Lâm và Bộ trưởng Nhập cư và Bảo vệ biên giới Australia Peter Dutton hôm 12/12 đã ký một văn bản ghi nhớ ở Canberra về việc Úc trao trả người xin tị nạn Việt.

AAP đưa tin, thỏa thuận chính thức này “sẽ tạo cơ chế chính thức cho việc đưa trở về những công dân Việt Nam không có quyền nhập cảnh hoặc ở lại Australia bất hợp pháp, bao gồm những người bị chặn lại trên biển”.

Ông Dutton cho biết thêm rằng chính phủ hai nước đã cùng nhau làm việc để đưa 113 người Việt trên 3 chiếc tàu bị Australia chặn bắt trên biển từ năm 2015.

Ngoài làm việc với Bộ trưởng Nhập cư và Bảo vệ biên giới Australia, tướng công an Việt Nam còn gặp gỡ và tiếp xúc với Tư lệnh Cảnh sát Liên Bang Australia Andrew Colvin, theo VNA.

Theo Thông tấn xã Việt Nam, Bộ trưởng Tô Lâm “khẳng định chuyến thăm lần này là dấu mốc quan trọng nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Bộ Công an Việt Nam với các cơ quan thực thi pháp luật Australia, trong đó có Bộ Nhập cư và Bảo vệ biên giới”.

Ông Lâm được VNA trích lời nói: “Bộ Công an Việt Nam đánh giá cao và luôn mong muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác với các cơ quan thực thi pháp luật Australia nhằm bảo vệ lợi ích, an ninh quốc gia, trật tự an toàn và sự ổn định của mỗi nước, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định, phát triển ở khu vực và trên thế giới”.

Trong một số năm trở lại đây, nhiều người Việt Nam đã bị chặn bắt trên biển khi tìm cách dùng thuyền tới Australia “xin tị nạn”.

Chính phủ Australia từng tuyên bố sẽ cùng hợp tác với Việt Nam để “bắt giữ và khởi tố những người tổ chức đưa người vượt biên trái phép và ngăn chặn hành vi kinh doanh nguy hiểm dựa trên sinh mạng của con người”. - VOAu

No comments:

Post a Comment