Saturday, December 17, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Bảy 17/12

Tin Thế Giới


1.

Trung Quốc trả tàu lặn lại cho Mỹ ‘đúng cách thức’ --- Mỹ muốn thử chiến thuật mới ở Biển Đông: Dùng bộ binh diệt hạm


Bắc Kinh lên án Mỹ hôm thứ Sáu đã “cường điệu hóa” vụ hải quân Trung Quốc “thu bắt” một thiết bị lặn không người lái của hải quân Mỹ ở hải phận quốc tế trong Biển Đông, trong lúc quân đội hai nước đang tiếp xúc để “giải quyết đúng cách thức” sự việc này.


Người phát ngôn Dương Vũ Quân của Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói trong thông báo hôm thứ Bảy rằng Bắc Kinh cũng lên án Washington “đưa tàu thuyền vào chỗ có sự hiện diện của Trung Quốc để thực hiện những khảo sát quân sự chi tiết. Trung Quốc kiên quyết phản đối việc làm đó và yêu cầu Mỹ chấm dứt những hành động như vậy.”


Tổng thống đắc cử Donald Trump của Mỹ sáng thứ Bảy, trên Twitter, đã lên án việc Trung Quốc thu bắt thiết bị lặn không người lái của Mỹ, và gọi đó là hành động “chưa từng có.”


Trung Quốc hôm thứ Bảy 17/12 cho hay quân đội của họ đang liên lạc với phía Mỹ để “giao trả lại đúng cách thức” một thiết bị lặn không người lái của Hải quân Mỹ bị Trung Quốc “bắt” trong hải phận quốc tế ở Biển Nam Trung Hoa, tức Biển Đông. 


Bắc Kinh không cho biết khi nào vụ này mới được giải quyết.


Ngũ giác đài sử dụng các kênh ngoại giao để yêu cầu Trung Quốc ngay lập tức trả lại thiết bị lặn không người lái khảo sát đại dương và yêu cầu Trung Quốc không lập lại những vụ việc như vậy nữa. Mặc dù không có người lái, thiết bị lặn tự hành này vẫn thuộc chủ quyền và được bảo vệ của tàu hải quân Mỹ.


Đại tá Hải quân Jeff Davis, phát ngôn viên Ngũ giác đài, nói: “Đây là một hành động bất tuân luật pháp quốc tế. Rõ ràng chúng tôi không xem một quân đội chuyên nghiệp như của Trung Quốc lại đi làm một chuyện không xứng tầm như vậy.”


Đại tá Davis nói với các phóng viên báo chí rằng một tàu khảo sát hải dương có người điều khiển của Hải quân Mỹ hôm thứ Năm đang thu hồi hai thiết bị lặn không người lái “bị ngưng hoạt động dưới lòng biển” cách Vịnh Subic của Philippines khoảng 93 kilômét thì một tàu hải quân Trung Quốc xuất hiện.


Ông Davis nói tàu khảo sát của Mỹ “đã cố gắng liên lạc qua sóng radio, yêu cầu trả thiết bị lại. Tàu Hải quân Trung Quốc phản hồi có nhận sóng liên lạc radio, có nghĩa là sóng radio thông suốt, nhưng tàu chiến Trung Quốc vẫn phớt lờ yêu cầu trả thiết bị.”


Người phát ngôn của Ngũ giác đài này nói tiếp rằng Trung Quốc không cho biết lý do họ thu bắt thiết bị lặn không người lái mà ông nói trị giá khoảng 150.000 đôla này.


Thủy thủ của tàu chiến Trung Quốc trong lúc tàu của họ rời khỏi địa điểm đó đã trả lời bằng sóng radio cho tàu của Mỹ rằng “chúng tôi tiếp tục hoạt động thường nhật của chúng tôi,” theo lời Đại tá Davis.


Ngũ giác đài nói rằng hai thiết bị lặn đang thực hiện những khảo sát để tìm giải đáp cho một số thông tin, trong đó bao gồm những dữ liệu như nhiệt độ, độ trong, độ mặn của nước biển và tốc độ âm thanh lan truyền trong môi trường nước đó. Các dữ liệu giúp việc nghiên cứu về định vị dưới nước được Hải quân Mỹ khảo sát và thu thập ở các hải phận quốc tế trên khắp thế giới.


Hai thiết bị lặn này được lập trình để tự vận hành và dừng lại trong hải phận quốc tế ở Biển Đông để tàu khảo sát thu hồi. -  VOA


***

Chủ lực của quân đội Hoa Kỳ tại vùng Tây Thái Bình Dương cho đến nay thường là Hải Quân và Không Quân. Tuy nhiên mới đây, tư lệnh lực lượng Mỹ tại Thái Bình Dương, đô đốc Harry Harris đã cho rằng Lục Quân Mỹ cũng nên đóng một vai trò tích cực hơn bằng cách thành lập những đội có thể gọi là Lục Quân Hải Chiến, đặc trách việc tiêu diệt chiến hạm đối phương. Nguyệt san The Diplomat, trụ sở tại Nhật Bản trong số tháng 12/2016 đã có bài nêu bật chiến thuật mới này.


The Diplomat trước hết nhắc lại sự kiện đô đốc Harry Harris, ngày 15/11/2016, trong một tham luận đọc tại Washington, đã cho biết ông muốn Lục Quân Mỹ thành lập các đơn vị mới chuyên trách nhiệm vụ diệt hạm để răn đe chiến hạm của đối thủ của Mỹ tại khu vực Thái Bình Dương, bao gồm cả Biển Hoa Đông lẫn Biển Đông.


Đối với đô đốc Harris, vai trò của bộ binh cần phải được phát huy trong đó có việc « tiêu diệt các chiến hạm bằng cách sử dụng các hệ thống tên lửa chống hạm đặt ở trên bờ ». Theo ông, đúng với truyền thống, Lục Quân sẽ mang đến những thế mạnh của họ: « nhân lực, hỏa lực và năng lực ». Lực lượng Thủy Quân Lục Chiến cũng có thể đóng một vai trò tương tự trong tương lai.


Các yếu tố trung tâm của một chiến lược phòng thủ như vậy sẽ được bố trí chung quanh các hòn đảo có thể án ngữ lối ra biển khơi ngoài Thái Bình Dương của các đối thủ tiềm tàng như Hải Quân Trung Quốc chẳng hạn.


Đô đốc Harris giải thích: "Tôi nghĩ đến một nơi ở vùng tây Thái Bình Dương mà ta có thể bố trí các hệ thống vũ khí ở nhiều chỗ ; các hệ thống này sẽ đặt các đối thủ tiềm tàng ở Biển Đông, Biển Hoa Đông, Biển Nhật Bản vào vòng nguy hiểm... Tôi cho rằng đây là một khái niệm quan trọng mà chúng ta buộc phải nghĩ đến khi vạch ra cách duy trì ưu thế so với các đối thủ của chúng ta trong khu vực. »


Trong bài phát biểu của mình, đô đốc Harris đã nêu bật các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông và Biển Hoa Đông : « Tôi rất quan ngại trước các động thái quyết đoán của Trung Quốc, đặc biệt là ở vùng Biển Đông, và cả ở vùng Biển Hoa Đông... »


Biến tên lửa địa đối địa thành địa đối hải


Các hệ thống vũ khí có thể được triển khai bao gồm loại pháo tự hành Paladin M109A7, hệ thống pháo phản lực cơ động cao M142, và hệ thống tên lửa chiến thuật của Lục Quân. Hệ thống này sẽ được nâng cấp để có thể tấn công các mục tiêu di động trên đất liền và trên biển...


Trong một bài phát biểu ngày 03/11, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Ashton Carter ghi nhận : « Khi được gắn một thiết bị dò tìm có sẵn lên mũi, tên lửa có thể bắn trúng một mục tiêu di động, cả trên đất liền lẫn trên biển. Với khả năng này, những gì trước đây chỉ là một hệ thống tên lửa địa-đối-địa của Lục Quân, nay có thể được bắn đi từ bờ biển đến những mục tiêu ngoài khơi cách đó đến 300 km [186 dặm] ».


Bước tiếp theo là phải giúp cho Lục Quân Mỹ hiểu rõ địa bàn vùng biển là mục tiêu, và điều này sẽ đòi hỏi những thay đổi trong học thuyết của Lục Quân Mỹ.


Như chuyên gia Steven Stashwick đã giải thích vào tháng 10 vừa qua, Lục Quân đã bắt đầu làm quen với khái niệm gọi là « Chiến Tranh Đa Miền » - Multi-Domain Battle – « sử dụng lực lượng trên bộ để vừa khai thác, vừa cho phép hành động trên không, trên biển, trên mạng, trên không gian và bao quát toàn bộ quang phổ điện từ ». Ở Tây Thái Bình Dương, điều đó được hiện thực hóa thành một cái ô chống tiếp cận và truy cập A2/AD hình thành từ các cơ sở đặt trên đất liền và bao trùm chuỗi đảo đầu tiên.


Điểm quan trọng cần lưu ý là mọi vai trò phòng thủ bờ biển mới được giao cho Lục Quân Mỹ, đều phải được thực hiện trong sự phối hợp chặt chẽ với các đồng minh trong khu vực.


Nhật Bản đã bắt đầu áp dụng một khái niệm chống tiếp cận và truy cập khu vực A2/AD với đặc điểm của Nhật Bản, dựa trên các dàn pháo và tên lửa nhằm bảo vệ hải đảo và vùng ven biển. Vào tháng Tám, Nhật Bản cũng tuyên bố là sẽ phát triển loại tên lửa địa-đối-hải mới để củng cố hệ thống phòng thủ các hải đảo xa bờ mà Nhật Bản kiểm soát ở Biển Hoa Đông. - RFI

|

|


2.

Mỹ tiếp tục khiếu nại Trung Quốc lên WTO


Chính quyền Mỹ ngày 15/12 đệ nạp lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đơn khiếu nại Trung Quốc lần thứ 15, gia tăng căng thẳng âm ỉ bấy lâu liên quan đến những chính sách mà Washington cho rằng làm hạn chế khả năng xuất khẩu gạo, bắp, và lúa mì của nông dân Mỹ sang thị trường Trung Quốc.


Hoa Kỳ nói đang tìm cách buộc Trung Quốc phải giữ cam kết cho phép ngũ cốc và bắp vào thị trường Trung Quốc với thuế suất hạ. Trong thông cáo loan báo khiếu nại vừa kể, chính quyền Mỹ nêu rõ Bắc Kinh từng đồng ý với các điều kiện này khi tham gia vào WTO.


Các nhà xuất khẩu Mỹ đã nhiều lần lên tiếng bày tỏ quan ngại rằng các nước gây khó khăn không cho nhập khẩu với thuế suất hạ trong khi giới chức mậu dịch Mỹ mô tả hệ thống của Trung Quốc là ‘không minh bạch, khó lường, và thiếu công bằng.’


Khiếu nại của Mỹ lần này được đưa ra giữa thời điểm nhạy cảm của quan hệ Mỹ-Trung. Tổng thống tân cử Donald Trump, người chỉ trích các chính sách thương mại của Trung Quốc, đã khiến lãnh đạo Bắc Kinh phẫn nộ khi điện đàm với Tổng thống Đài Loan cũng như khi tuyên bố rằng ông có thể coi lại chính sách Mỹ khi phải duy trì các mối quan hệ không chính thức với Đài Loan. Bắc Kinh đã cảnh báo rằng thay đổi chính sách ‘một nước Trung Hoa’ đe dọa ổn định khu vực và gây phương hại quan hệ Mỹ-Trung.


Chính quyền của Tổng thống Obama lâu nay bất bình với các chính sách thương mại của Trung Quốc. Khiếu nại với WTO lần này là lần thứ nhì trong những tháng gần đây. Hồi tháng 9, Mỹ tố cáo chính phủ Trung Quốc trợ cấp quá nhiều cho các sản phẩm gạo, lúa mì, và bắp giúp tăng sản lượng nội địa và khiến nông gia Mỹ khó khăn khi xuất khẩu các mặt hàng này sang Trung Quốc.


Tòa đại sứ Trung Quốc tại Mỹ chưa hồi đáp yêu cầu bình luận tức thì. - VOA

|

|


3.

Giáo hoàng Francis nỗ lực cải tổ Vatican


Giáo hoàng Francis, cũng là người gốc châu Mỹ Latin đầu tiên nắm vị trí này, tròn 80 tuổi vào Chủ nhật 18/12, đó là tuổi mà các vị Hồng y không còn được phép bỏ phiếu chọn người kế vị ngài.


Giáo hoàng đã không còn là chức vụ có thể nắm giữ cả đời. Giáo hoàng Francis có thể sẽ quyết định về hưu bất cứ lúc nào, theo gương của người tiền nhiệm, Giáo hoàng Danh dự Benedict, người đã già yếu nhưng vẫn sống tại Tòa thánh Vatican ở độ tuổi 89.


Theo luật mới ban hành của Giáo hoàng, tất cả những quan chức cao cấp của nhà thờ, đang làm việc tại Vatican sẽ phải nghỉ hưu khi tròn 80 tuổi. Nhưng Giáo hoàng Francis là ngoại lệ.


Mặc dù Giáo hoàng cho biết thời gian tại vị sẽ không dài, nhưng vì cuộc cải tổ ở Vatican chưa hoàn tất và vì vậy mình vẫn phải tiếp tục vị trí Giám mục của Rome thêm vài năm nữa.


Quá trình tuyển chọn thế hệ lãnh đạo mới, đề bạt giám mục và Hồng y mới theo như ý tưởng "nhà thờ của người nghèo" của Giáo hoàng hiện có tiến độ khá chậm.


Chỉ mới 1/3 thành viên của hội đồng bầu cử, là nơi sẽ chọn Giáo hoàng mới, được thay thế. Những người đang điều hành Vatican, từng phục vụ hai đời Giáo hoàng khác nhau là John Paul II và Benedict XVI, vẫn chiếm đa số so với những vị trí được Giáo hoàng Francis đề cử.


Sức khỏe của Giáo hoàng Francis vẫn rất ổn, mặc dù ông bị mất một lá phổi do bệnh tật từ khi còn trẻ. Ông cũng bị đau thần kinh hông và phải vịn vào tay người dẫn chương trình mỗi khi chủ trì hành lễ tại Vatican. Nhưng nếu lại gần, Giáo hoàng trông đầy sức sống và vẫn hoạt bát.


Ít khi thấy Giáo hoàng nghỉ phép, cho dù đó là thời gian nghỉ lễ dài ngày vào mùa hè của Vatican. Ông cũng không sử dụng căn hộ penthouse rộng rãi mà các đời Giáo hoàng trước đã ở từ một thế kỷ qua, mà chọn một gian nhỏ ở khu nhà khách của Vatican, và biến khu nghỉ dưỡng mùa hè của mình ở Castelgandolfo thành một bảo tàng.


Trong lần sinh nhật trước đây, những cặp đôi thường nhảy theo điệu tango ở dưới sân lát sỏi của quảng trường thánh Peter- nhưng vài người trong số 120 vị giám mục của Giáo hoàng Francis, cũng là những người cố vấn cho Giáo hoàng, cho rằng ông đã nghễnh ngãng- hoặc không còn nghe rõ trong những buổi giảng đạo Công giáo truyền thống.


Bốn người trong số họ, từ Ý, Hoa Kỳ và Đức từng cáo buộc Giáo hoàng làm con chiên cảm thấy bối rối, khi trong buổi thuyết giảng, họ yêu cầu Giáo hoàng giải thích về vấn đề tái hôn của những cặp đã ly dị và hôn nhân đồng giới nhưng Giáo hoàng không hề đáp lời.


Giáo hoàng Francis vẫn không cảm thấy phiền lòng với những chỉ trích như vậy.


Giáo hoàng nói mình 'chẳng hề mất ngủ' trước những thách thức về vị trí lãnh đạo, mà theo ông mang 'ý nghĩa tinh thần'. Giáo hoàng có lối nói chuyện trực tiếp và thẳng thắn, kể cả trước công chúng cũng như ở nơi riêng tư.


Ông thường không sử dụng những bài diễn văn được viết sẵn mà thay vào đó là những phát biểu tự nhiên. Đối với tiếng Tây Ban Nha và Ý, là hai ngôn ngữ mà Giáo hoàng thuần thục nhất, ông vẫn thích sử dụng những thành ngữ địa phương của vùng Buenos Aires.


Công du


Không như các vị tiền nhiệm người Ba Lan và Đức, Giáo hoàng Francis không thăm lại quê hương Argentina trong vòng bốn năm.


Lịch trình các chuyến công du của Giáo hoàng trong năm 2017 bao gồm đến thăm Bồ Đào Nha, công du châu Á qua các nước như Ấn Độ, hai nước Hồi giáo lớn là Bangladesh và Indonesia, và có thể có chuyến đi ngắn đến Colombia để làm lễ nhân dịp kết thúc cuộc nội chiến.


Hiện vẫn tranh cãi về chuyện Giáo hoàng Francis sẽ để lại di sản gì cho Vatican khi thoái vị hoặc qua đời. 


Quá trình cải tổ có tiến độ quá chậm. Một hội đồng các giám mục ở ngoài Vatican do Giáo hoàng thành lập nên, không cần phải thông qua hội đồng trung ương, vẫn chưa đưa ra được quyết định quan trọng nào.


Ngân hàng Vatican thì phải thay đổi toàn diện, công bố bảng cân đối tài sản và tránh các cáo buộc rửa tiền trong tương lai.


Sổ sách kế toán của Vatican được kiểm toán lần đầu tiên bởi những công ty kiểm toán chuyên nghiệp. Một hội đồng mới thuộc Giáo hoàng được thành lập để giải quyết các vụ bê bối ấu dâm, đồng thời ngăn ngừa những vụ bê bối tương tự trong tương lai.


Hoạt động truyền thông của Vatican cũng được sát nhập và có lãnh đạo mới.


Cuộc bầu chọn Giáo hoàng tới đây sẽ diễn ra gay gắt khi các vị giám mục về Rome. Đó cũng là buổi họp kín lớn nhất của Vatican. - BBC

|

|


4

Ban Ki-moon có thể tranh cử tổng thống Nam Hàn


Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon tỏ ý ông có thể sẽ sớm tranh cử tổng thống tại Nam Hàn.


Nhiệm kỳ của ông Ban sẽ kết thúc vào cuối tháng 12 này.


Trong cuộc họp báo cuối cùng với tư cách lãnh đạo LHQ, ông Ban nói rằng sau khi nghỉ ngơi đôi chút ông sẽ trở về Nam Hàn và cân nhắc làm gì để có thể giúp được nước ông tốt nhất.


Bầu cử tổng thống Nam Hàn được lên lịch vào tháng 12 năm 2017.


Tuy nhiên, cuộc bầu cử có thế được tiến hành trong vòng hai tháng kể từ khi quốc hội nước này bỏ phiếu luận tội Tổng thống Park Geun-hye vì bê bối.


Bà Park bị cáo buộc để một người bạn thân trục lợi từ mối quan hệ của hai người.


Nếu tòa hiến pháp giữ nguyên lá phiếu quyết định luận tội vào tuần trước, bà sẽ trở thành tổng thống đương nhiệm đầu tiên bị phế truất và bầu cử tổng thống có thể được tổ chức trong vòng 60 ngày.


Tòa hiến pháp có 180 ngày để đưa ra phán quyết cuối cùng.


Ông Ban đưa ra bình luận trong bối cảnh tiếp tục có các cuộc biểu tình tại Seoul.


Các cuộc biểu tình vào cuối tuần này dự kiến tiếp tục kêu gọi bà Park từ chức ngay lập tức và thúc giục tòa hiến pháp chính thức hạ bệ bà.


Đây là tuần thứ tám liên tục diễn ra biểu tình chống bà Park. - BBC

|

|


5.

Tổng thống Duterte của Philippines ‘chào tạm biệt’ Mỹ


Có lẽ trong suy nghĩ một gói viện trợ lớn của Mỹ sẽ bị đình chỉ, Tổng thống hay nổi giận Rodrigo Duterte của Philippines đã “chào tạm biệt” Mỹ để trả đũa, và dọa sẽ cắt hợp đồng cho phép quân đội Mỹ ghé vào Philippines.


Millennium Challenge Corporation, cơ quan chuyên lo viện trợ nước ngoài của chính phủ Mỹ, thực ra chưa cắt viện trợ cho Philippines. Cơ quan này mới chỉ hoãn lại cuộc biểu quyết gia hạn viện trợ cho Philippines để “xem xét thêm những lo ngại liên quan đến quyền tự do dân sự và luật lệ.”


Ông Duterte tuyên bố: “Chúng tôi vẫn sống mà không cần tiền của Mỹ. Nhưng Mỹ cũng cần lưu ý chuẩn bị rút khỏi Philippines, chuẩn bị cho việc chấm dứt thỏa thuận cho các lực lượng Mỹ ghé vào Philippines.”


Nhà lãnh đạo thường gây tranh cãi này hôm thứ Bảy còn phát biểu rằng ông sẽ “bỏ sang một bên” phán quyết của một tòa trọng tài quốc tế về tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối với phần lớn Biển Đông.


Ngoại trưởng Perfecto Yasay, Jr. của Philippines nói: “Chúng tôi muốn đảm bảo là sẽ không có thêm những hành động làm tăng căng thẳng” giữa Trung Quốc và Philippines.


Manila lâu nay luôn là một trong những đồng minh chính ở châu Á của Washington kể từ khi hai nước ký hiệp ước phòng thủ chung vào năm 1951.


Năm 2013, Hoa Kỳ đã đầu tư 1,3 tỉ đôla vào Philippines. - VOA

|

|


6.

Động đất mạnh 7,9 độ Richter gần Papua New Guinea


Một trận động đất mạnh 7,9 độ Richter ở độ sâu 73 kilômét đã xảy ra tại khu vực New Ireland của Papua New Guinea hôm thứ Bảy 17 tháng 12.


Trung tâm Sóng thần Thái Bình Dương ra cảnh báo nguy cơ sóng thần tại các khu vực gần cơn địa chấn.


Tuy nhiên trung tâm nói rằng Hawaii và những khu vực xa hơn không bị sóng thần đe dọa.


Chưa có báo cáo về thiệt hại hoặc thương vong, nhưng một trận động đất mạnh như vậy là rất nguy hiểm cho dù nó xảy ra tương đối sâu dưới lòng đất. - VOA

|

|


7.

Đánh bom xe buýt ở Thổ Nhĩ Kỳ, 13 binh sĩ thiệt mạng


Một xe ô-tô gài bom nổ ngay cạnh một chiếc xe buýt ở miền trung Thổ Nhĩ Kỳ làm 13 quân nhân thiệt mạng và 55 người, đa số là binh sĩ, bị thương. Sáu nạn nhân đang trong tình trạng nguy cấp.


Vụ nổ xảy ra tại thành phố Kayseri đã phá hủy chiếc xe buýt đang chở các binh sĩ trên đường làm nhiệm vụ. Vụ tấn công xảy ra gần một trường đại học.


Giới hữu trách nói rằng chiếc ô-tô mang bom chạy gần vào chiếc xe buýt và được kích nổ.


Chưa ai tuyên bố thực hiện vụ đánh bom, nhưng Phó Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Veysi Kaynak nói rằng vụ tấn công này giống vụ xảy ra cánh nay một tuần mà một chi nhánh của Đảng Công nhân người Kurd (PKK) bị đặt ngoài vòng phát luật tuyên bố đã thực hiện.


Vụ tấn công tuần trước xảy ra gần một sân vận động ở Istanbul, làm 44 người thiệt mạng và hơn 100 người bị thương. - VOA

|

|


8.

Ấn bác phản đối của Trung Quốc về cuộc gặp với Đức Đạt Lai Lạt Ma


Ấn Độ ngày 16/12 bác phản đối của Trung Quốc về cuộc gặp trước đây trong tuần giữa Tổng thống Pranab Mukherjee với lãnh tụ tinh thần Tây Tạng, Đức Đạt Lai Lạt Ma. Bộ Ngoại giao Ấn khẳng định sự kiện này không mang tính chính trị.


Cuộc gặp diễn ra tại Rashtrapati Bhawan nhân một thượng đỉnh do Quỹ Nhi đồng của Khôi nguyên Nobel, Kailash Satyarthi, tổ chức hôm 10/12.


Phát ngôn nhân Cảnh Sảng của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói Bắc Kinh hết sức thất vọng và phản đối việc này.


Đáp lại, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Ấn, Vikas Swarup, bác bỏ hoàn toàn phản đối của Bắc Kinh rằng: “Quý vị biết rõ lập trường kiên định của Ấn. Đức Đạt Lai Lạt Ma là một lãnh tụ tinh thần đáng kính. Đó là một sự kiện phi chính trị do các Khôi nguyên Nobel tổ chức hướng tới phúc lợi của trẻ em.’


Ấn đã mời Đức Đạt Lai Lạt Ma năm tới sang thăm Tawang, thị trấn trên biên giới Ấn-Trung, tâm điểm tranh chấp giữa hai nước. Đức Đạt Lai Lạt Ma hiện đang sống lưu vong tại Ấn. - VOA

|

|


9.

Phe đối lập biểu tình trước quốc hội Ba Lan để bảo vệ dân chủ


Những người phản đối đảng Công lý và Pháp luật đương quyền ở Ba Lan tiếp tục tập trung biểu tình trước trụ sở quốc hội của nước này sáng thứ Bảy sau khi cảnh sát đã dùng vũ lực để giải tỏa những người ngăn cản ở các lối vào trụ sở.


Những người biểu tình cũng tụ tập trước dinh tổng thống để phản đối hàng loạt chính sách mới của chính phủ mà họ xem là chống lại dân chủ.


Các cuộc biểu tình xảy ra sau khi chính phủ thông qua kế hoạch hạn chế nhà báo tiếp cận với các nghị sĩ quốc hội.


Các nhà lập pháp đối lập phản đối kế hoạch này hôm thứ Sáu và đã ngăn cản cuộc biểu quyết cho ngân sách năm 2017. Các nhà lập pháp đảng cầm quyền đã chuyển sang một công ốc khác ở gần đó để thông qua ngân sách. Các nghị sĩ đối lập nói rằng việc làm đó là bất hợp pháp, bởi vì không thể xác nhận được con số đại biểu tham gia cuộc biểu quyết.


Đảng đương quyền đã giành lại quyền lực cách đây chưa tới một năm. Những cuộc biểu tình chống đối này gây nên cuộc khủng hoảng lớn nhất ở quốc hội Ba Lan trong trong nhiều năm qua. - VOA

|

|


Tin Hoa Kỳ


10.

FBI, CIA đồng thuận về động cơ Nga tấn công tin tặc bầu cử Mỹ


FBI ủng hộ kết luận của CIA rằng Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ với mục tiêu hậu thuẫn cho ứng viên đảng Cộng hòa, Donald Trump.


Trong thông điệp gửi cho nhân viên, Giám đốc CIA, John Brennan, cho biết ông đã nói chuyện với Giám đốc FBI, James Comey, và cả với Giám đốc tình báo quốc gia James Clapper.


Ông Brennan viết rằng: “giữa chúng tôi có sự đồng thuận mạnh mẽ về phạm vi, bản chất, và ý định của Nga trong việc can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống của chúng ta.”


Một giới chức Mỹ đã xem qua thông điệp của Giám đốc CIA xác nhận tin này với hãng thông tấn AP ngày 16/12.


Tổng thống Barack Obama cam kết Hoa Kỳ sẽ trả đũa Nga vì nhúng tay vào tiến trình bầu cử Mỹ, một cáo giác mà điện Kremlin phủ nhận.


Ông Obama tuyên bố sẽ nói chuyện trực tiếp với Tổng thống Vladimir Putin liên quan các quan ngại về hành động của Nga. Tổng thống Mỹ nói hễ một chính phủ nước ngoài tìm cách can thiệp bầu cử Mỹ, nước Mỹ phải có hành động ‘và chúng ta sẽ hành động vào thời điểm và địa điểm chúng ta tự chọn.’


Phát biểu của Tổng thống Obama là chỉ dấu rõ ràng nhất cho thấy cách đáp trả Mỹ đang dự tính chưa xảy ra.


Tòa Bạch Ốc nhiều tháng nay quả quyết rằng một khi Mỹ trả đũa, có thể sẽ không công bố công khai.


Các giới chức Tòa Bạch Ốc nói chuyện Nga tấn công tin tặc để giúp ông Trump trước đối thủ Dân chủ Hillary Clinton là một ‘thực tế.’


Phát ngôn nhân Tòa Bạch Ốc, Josh Earnest, ngày 15/12 cũng chỉ trích ông Trump về việc không thừa nhận thực tế này và về những công kích của ông đối với ngành tình báo Mỹ.


Phát ngôn nhân của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov, gọi các cáo buộc chống lại Moscow là vô căn cứ và không thích hợp.


Chưa có bằng chứng cụ thể hay thuyết phục nào được trưng ra công luận về vai trò hoặc sự hiểu biết của ông Putin liên quan các vụ tấn công tin tặc vừa kể.


Tuy nhiên, Tòa Bạch Ốc viện dẫn một đánh giá tình báo được công khai hồi tháng 10 nói rằng ‘chỉ các giới chức cao cấp nhất của Nga mới có thể ra lệnh cho các hoạt động này.’


Ông Trump ngày càng bị áp lực nhiều hơn từ cả hai đảng buộc phải thừa nhận chuyện Nga có tấn công tin tặc dù ông một mực khăng khăng rằng không tin Moscow đã ra tay.


Ông Trump cũng bác đánh giá của CIA rằng mục đích của Nga là nhằm giúp ông đắc cử. Ông phản pháo trên Twitter: “đây cũng chính là những người từng tuyên bố rằng Saddam Hussein có võ khí hủy diệt hàng loạt.”


Các tố cáo nhắm vào Tổng thống Nga gợi ý rằng ông Putin đã tác động đến cuộc bầu cử Mỹ, gây phương hại cho nền dân chủ Hoa Kỳ. Tuy nhiên, các giới chức Mỹ chưa đoan chắc rằng nếu không được Nga hỗ trợ thì ông Trump đã bị bà Clinton đánh bại trong cuộc bầu cử hôm 8/11 và cũng chưa có chỉ dấu nào cho thấy Nga can thiệp vào quá trình kiểm phiếu. - VOA

|

|


11.

Ông Trump được kêu gọi đối đầu với Trung Quốc về nhân quyền


Người đứng đầu chính phủ Tây Tạng lưu vong ngày 16/12 tuyên bố ông cảm thấy khích lệ vì quan điểm cứng rắn của Tổng thống Mỹ tân cử Donald Trump đối với Trung Quốc và thúc giục ông Trump tỏ ra cương quyết đối đầu hơn nữa.


Ông Lobsang Sangay, một học giả luật khoa từng tốt nghiệp đại học Havard, nói vi phạm nhân quyền của Trung Quốc ngày càng trầm trọng trong khi Bắc Kinh ngày càng tỏ ra gây hấn, từ việc đe dọa các nước láng giềng ở Biển Đông đến đàn áp bất đồng chính kiến tại Hong Kong.


Ông Sangay kêu gọi đã đến lúc phải áp lực chính phủ Trung Quốc, không chỉ bằng lời nói mà phải bằng hành động thực tế. “Hãy thẳng thắn về những gì đang diễn ra ở Tây Tạng và tại Trung Quốc nói chung để nêu vấn đề,” ông nhấn mạnh.


Bắc Kinh lâu nay bác các cáo buộc về đàn áp nhân quyền tại Tây Tạng và khẳng định tôn trọng tự do tôn giáo. Trung Quốc quy trách lãnh tụ tinh thần của Tây Tạng, Đức Đạt Lai Lạt Ma, cổ súy bất ổn.


Ông Sangay nói ông Trump đã tỏ dấu sẽ có chính sách thẳng thắn, cương quyết với Trung Quốc và 6 triệu dân Tây Tạng trong nước cùng 150 ngàn người Tây Tạng lưu vong đang trông chờ xem ông sẽ hành động như thế nào.


Ông Sangay cho biết phong trào Tây Tạng chưa chính thức tiếp xúc với đội ngũ của ông Trump nhưng sẽ sớm xúc tiến việc này ngay khi Tổng thống tân cử Mỹ lập xong nội các.


Vẫn theo lời ông, người Tây Tạng kỳ vọng ông Trump, cũng như các vị Tổng thống trước là Barack Obama và George W. Bush, sẽ gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma khi Ngài sang Mỹ vào năm tới.


Bắc Kinh xem Đức Đạt Lai Lạt Ma là một phần tử ly khai nguy hiểm, đang mưu tìm độc lập cho Tây Tạng. Vị lãnh tụ tinh thần này nói rằng Ngài chỉ muốn tự trị đúng nghĩa cho quê nhà.


Đức Đạt Lai Lạt Ma bỏ nước sang Ấn Độ sống lưu vong từ năm 1959 sau cuộc nổi dậy bất thành chống lại sự cai trị của Trung Quốc. Ông thành lập Chính quyền Tây tạng Trung ương ở Dharamsala, Ấn. - VOA

|

|


12.

Ông Trump chọn nhân vật gây tranh cãi làm đại sứ Mỹ ở Israel --- Ông Trump gọi phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Josh Earnest là ‘ngốc’


Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Donald Trump đã đề cử một nhân vật gây tranh cãi làm đại sứ mới của Hoa Kỳ tại Israel.


Luật sư chuyên ngành phá sản, ông David Friedman có khuynh hướng cực hữu được ông Trump chọn làm tân đại sứ Mỹ ở Israel.


Ông Friedman từng phản đối một chính sách Đại tướng của Hoa Kỳ trong khu vực, đó là giải pháp hai nhà nước Israel và Palestine chung sống hòa bình. Ông từng ví người Do Thái cấp tiến ở Hoa Kỳ giống như người Do Thái đã giúp phát xít Đức trong Thế chiến II.


Trong tuyên bố xác nhận được đề cử, ông Friedman cho biết ông mong đợi làm đại sứ "ở Tòa Đại sứ Hoa Kỳ tại thủ đô vĩnh cửu Jerusalem của Israel."


Đại sứ quán Hoa Kỳ hiện nay của Israel là ở Tel Aviv. Jerusalem là thành phố mà cả hai nước Israel và Palestine đều tuyên bố là thủ đô của mình. Quy chế của Jerusalem lâu này luôn là một phần tranh chấp trong các cuộc hòa đàm.


Ông Friedman là một cố vấn của Trump trong chiến dịch tranh cử, khi đó ông Trump cho biết ông sẽ chuyển tòa đại sứ Hoa Kỳ từ Tel Aviv đến Jerusalem, một biện pháp chắc chắn sẽ khiến quốc tế phản đối, đặc biệt là từ thế giới Ả Rập.


Thị trưởng thành phố Jerusalem Nir Barkat nói với hãng tin Associated Press rằng vào tuần này ông đã trao đổi với các nhân viên của ông Trump về việc di dời tòa đại sứ về Jerusalem. Ông Barkat nói cuộc hội thoại của ông khiến ông tin tưởng rằng ông Trump sẽ rất nghiêm túc về việc di dời tòa đại sứ. -  VOA


***

Hôm thứ Năm, Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Donald Trump tiếp tục đi “tạ ơn” cử tri ở các tiểu bang, những người đã ủng hộ ông trong cuộc bầu cử. Trong dịp này ông đã chỉ trích phát ngôn viên hàng đầu của Tổng thống Barack Obama.


Tại một cuộc mít tinh ở Hershey, bang Pennsylvania, ông Trump chỉ trích thư ký báo chí của Tổng thống Obama, ông Josh Earnest, người đã bày tỏ hoài nghi trong cuộc họp báo hàng ngày về một số người được ông Trump chọn vào các chức vụ chính phủ.


Ông Trump nói: "Gã ngốc Josh Earnest, tôi không biết gã ấy có trao đổi trước với Tổng thống Obama hay không. Vị trí thư ký báo chí đúng là rất quan trọng, đằng này anh ấy truyền tải một thông điệp quá tệ hại. Gã ấy có thể loan báo một thông điệp tích cực thành một tin đáng lo ngại. Gã có thể loan báo rằng thưa quý vị hôm nay chúng ta đã đánh bại hoàn toàn nhà nước Hồi giáo IS, nhưng nghe như chẳng có gì phấn khởi cả.”


Ông Trump sẽ công bố lựa chọn người làm phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc trong vài ngày tới.


Trong khi đó, ông sẽ tiếp tục hành trình "cảm ơn" tại Orlando, Florida vào hôm thứ Sáu và tại Mobile, Alabama vào ngày thứ Bảy.”


Hôm thứ Năm, ông Trump cũng đề cử Nghị sĩ Ryan Zinke, đại diện bang Montana làm Bộ trưởng Nội vụ.


Ông Zinke, một cựu biệt kích SEAL của Hải quân, là người ủng hộ việc xem đất công thuộc quyền sở hữu của liên bang. Chức bộ trưởng nội vụ sẽ đặt ông vào thế khó, vì quan điểm của ông đi ngược lại với các đảng viên Cộng hòa, những người ủng hộ tư nhân hóa, hoặc giao cho các tiểu bang kiểm soát đất công. Nhưng ông có cùng quan điểm với ông Trump đó là đất công nên được đặt dưới sự kiểm soát của nhà nước. - VOA

|

|


13.

Phó Tổng thống Joe Biden đọc điếu văn tiễn biệt ông John Glenn


Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden theo dự liệu hôm nay sẽ đọc điếu văn tại tang lễ của cố phi hành gia và Thượng nghị sĩ John Glenn.


Tang lễ được cử hành tại Đại học bang Ohio, bang nhà của ông Glenn. Phó Tổng thống Biden là một trong số nhiều đại biểu quan trọng sẽ phát biểu tại lễ tang, trong đó có lãnh đạo cơ quan không gian NASA của Mỹ, ông Charles Bolden và Đại tướng Thủy quân Lục chiến hồi hưu Jack Dailey.


Ông John Glenn được vinh danh là một anh hùng vũ trụ của Mỹ sau khi ông trở thành người Mỹ đầu tiên bay quanh quỹ đạo địa cầu năm 1962. Sau hai mươi năm phục vụ trong quân ngũ Hoa Kỳ, ông Glenn đã phục vụ ở Thượng viện Mỹ 25 năm kế tiếp.


Ông làm nên lịch sử một lần nữa vào năm 1998, khi ông bay lại vào không gian ở tuổi 77 để trở thành phi hành gia cao tuổi nhất trái đất bay vào vũ trụ.


Ông Glenn đã qua đời trong bệnh viện ở thành phố Columbus, bang Ohio ngày 8 tháng 12 vừa qua. Ông nhập viện khoảng một tuần trước đó và qua đời trong vòng tay của người thân.


Ông sẽ được mai táng tại Nghĩa trang Quốc gia Arlington, thuộc bang Virginia nằm ở ngoại ô thủ đô Washington. - VOA

|

|


Tin Việt Nam


14.

Nhân quyền Việt Nam ảm đạm --- Phóng Viên Không Biên Giới yêu cầu Việt Nam thả luật sư Nguyễn Văn Đài


Tổ chức Human Rights Watch quan sát mọi diễn tiến về nhân quyền tại Việt Nam trong nhiều năm qua. Vào ngày 14 tháng 12 vừa qua, ông Brad Adams, giám đốc khu vực Châu Á của tổ chức này dành cho Đài RFA cuộc nói chuyện cập nhật về tình hình nhân quyền tại Việt Nam.


Nhận định đầu tiên mà ông này đưa ra là tình hình đó sau một số thăng trầm nay có thể đánh giá là ảm đạm.


Nguyên nhân được ông này nhận định là chừng nào còn một nhà nước do một đảng lãnh đạo thì chừng đó tại Việt Nam vẫn còn tình trạng vi phạm nhân quyền. HRW không thấy có dấu hiệu nào về một cuộc bầu cử tự do sắp tới vốn là điều mà cần phải có ở mọi nước để có một chính phủ có tính chính danh. Rất nhiều người cho rằng chính phủ Việt Nam là không chính danh; tại Việt Nam không có một nền báo chí tự do, không có hệ thống tòa án độc lập, không có bất cứ một định chế nào cần thiết để đảm bảo cho một xã hội tôn trọng quyền tự do, chứ đừng nói gì đến dân chủ ở Việt Nam.


Tiếp đến ông nêu ra điều mà theo ông chính phủ Hà Nội sợ không nới lỏng hạn chế trong tự do biểu đạt là vì họ vẫn lo nếu mọi người lên tiếng và có tổ chức thì đó là mối đe dọa cho chính quyền. Họ tin là đảng cộng sản là đảng có tính chính danh duy nhất của đất nước và họ hoàn toàn chống lại đa nguyên. Họ không muốn có chính trị đa đảng vì họ sợ là nếu có những đảng phái độc lập thì đảng cộng sản sẽ thua. Họ không có dũng cảm để tham gia vào một cuộc bầu cử tự do với các đảng phái độc lập khác.


Quan theo dõi, ông Brad Adams chỉ ra một biện pháp mới mà nhà cầm quyền Việt Nam sử dụng đối với  những người dân công khai lên tiếng đấu tranh hiện nay:


“Cho nên họ bắt đầu sử dụng những kẻ mà chúng tôi gọi là côn đồ để đánh đập những người dám lên tiếng chống chính quyền. Đối với cộng đồng các  nhà hoạt động xã hội, đây là điều đáng lo sợ vì nếu có một ai đó mặc đồng phục cảnh sát tiến về phía họ thì ít nhất nếu có gì xảy ra họ có thể kiện nhưng một ai đó tiến về phía bạn mà lại mặc quần áo thường dân thì bạn không biết được người đó làm cho ai. Trong rất nhiều trường hợp, những người này đã đánh đập các nhà hoạt động trong khi công an chỉ đứng nhìn. Điều này tạo ra một tình trạng vô pháp luật.”


Bản thân ông Brad Adams tỏ ra ngạc nhiên khi những nước ngoài như Hoa Kỳ, Liên hiệp Âu Châu… lại quan tâm đến vấn đề nhân quyền của Việt Nam hơn là nhà cầm quyền Hà Nội đối với người dân trong nước của họ.


“Hoa Kỳ nói rằng Việt Nam cần phải đối xử với công dân của mình tốt hơn nếu không thì chúng tôi không ký hiệp định này với các ông. Tại sao lãnh đạo nước ngoài lại quan tâm đến quyền của người dân nước bạn hơn chính lãnh đạo của nước bạn?”


Giám đốc Phân ban Châu Á của Human Rights Watch thú nhận nếu ông là một người Việt Nam  thì sẽ cảm thấy bị xúc phạm; bởi lẽ chính phủ phải quan tâm đến quyền của người dân chứ sao lại phải lãnh đạo nước ngoài nêu ra vấn đề nhân quyền của dân chúng đất Việt. - RFA


***

Trong một kiến nghị công bố hôm qua, 16/12/2016, Phóng Viên Không Biên Giới (RSF) và một số tổ chức bảo vệ nhân quyền khác đã kêu gọi chính quyền trả tự do cho luật sư bảo vệ nhân quyền Nguyễn Văn Đài, đã bị khởi tố cách nay hơn một năm với tội danh « tuyên truyền chống Nhà nước ».


Trong bản kiến nghị đăng trên trang web, Phóng Viên Không Biên Giới RSF cho rằng : « Chính phủ Việt Nam phải thả luật sư nhân quyền và blogger Nguyễn Văn Đài ngay lập tức và vô điều kiện ». Tổ chức bảo vệ nhà báo, trụ sở ở Pháp nói rõ là đến nay, dù đã có quyết định khởi tố, nhưng « chính quyền Việt Nam tiếp tục im lặng về tiến trình điều tra, không thấy có dấu hiệu đưa ông ra xét xử, trong lúc cả vợ lẫn luật sư của ông đều không được quyền thăm nuôi ».


Theo Phóng Viên Không Biên giới, luật sư Nguyễn Văn Đài cùng trợ lý của ông là bà Lê Thu Hà đã bị bắt hồi cuối năm 2015 khi ông đang trên đường đi gặp một phái đoàn Liên Hiệp Châu Âu, đến Hà Nội để tham dự cuộc Đối Thoại Nhân Quyền Liên Hiệp Châu Âu-Việt Nam.


Trường hợp của ông đa được phía châu Âu nêu bật nhân cuộc Đối Thoại Nhân Quyền Liên Hiệp Châu Âu-Việt Nam lần thứ sáu mới diễn ra ngày 08/12 vừa qua tại Bruxelles.


Bản kiến nghị về luật sư Nguyễn Văn Đài của Phóng Viên Không Biên giới cùng một số tổ chức phi chính phủ khác như Văn Bút Quốc Tế, Luật Sư vì Luật Sư L4L…, đã được gửi đến Ủy Ban Điều Tra về Bắt Giữ Tùy Tiện của Liên Hiệp Quốc hôm 16/12/2016.

|

|


15.

Diễn viên Minh Béo bị tòa Mỹ tuyên án


Bị cáo Hồng Quang Minh, được biết đến với nghệ danh Minh Béo, đã bị tòa án thành phố Westminster, bang California, Hoa Kỳ hôm 16/12 kết án 18 tháng tù về tội tình dục liên quan trẻ em.


Bị cáo bị giam từ cuối tháng Ba, tuy vậy thời gian ở tù của bị cáo đã được tính gần bằng 18 tháng, theo quy định một ngày ở tù bằng hai ngày bình thường nếu tuân thủ nội quy trong tù.


Vì vậy, chỉ vài ngày nữa, đến 19/12, là mãn hạn tù của bị cáo. Theo dự kiến, diễn viên này sẽ được chuyển sang nhà tù của Sở Di trú Mỹ để làm thủ tục trục xuất về Việt Nam.


Thông cáo của Văn Phòng Biện Lý Quận Cam nói ông Minh Béo bị ghi tên suốt đời vào danh sách của những người tấn công tình dục.


Nghệ sĩ hài Việt Nam, sinh năm 1977, bị cảnh sát thành phố Garden Grove, Quận Cam, California, bắt hôm 24/3/2016.


Ông bị truy tố ba tội danh liên quan hành động dâm ô với trẻ em.


Hôm 10/8, trước tòa, bị cáo nhận tội cho hai cáo buộc "Quan hệ tình dục bằng miệng với một người dưới 18 tuổi" và "toan có hành động dâm ô với trẻ em dưới 14 tuổi".


Với việc nhận hai tội này, bị cáo bị tòa đề nghị 18 tháng tù giam trước phiên tuyên án ngày 16/12.


Chánh Án Derek G. Johnson khi đó được báo chí dẫn lời nói sau khi thi hành án, bị cáo "sẽ bị trục xuất khỏi lãnh thổ Hoa Kỳ, bị từ chối cho quay trở lại, bị từ chối cho trở thành công dân Mỹ".


Ông Hồng Quang Minh, nghệ danh Minh Béo, tốt nghiệp khoa diễn viên kịch năm 1999 và khoa đạo diễn năm 2005 tại Việt Nam.


Từ ngày 18/3/2016, ông sang lưu diễn ở California trước khi xảy ra vụ bắt giữ của cảnh sát Mỹ. - BBC

No comments:

Post a Comment