Saturday, December 31, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Năm 22/12

Tin Thế Giới

1.
2016: Năm của mọi sự bất ngờ

Có lẽ sẽ không ngoa chút nào khi đánh giá năm 2016 là « năm kinh khủng », như Victor Hugo đã từng ví cho năm 1871, năm mang đậm dấu ấn của cuộc xâm lăng Đức và thời kỳ Công Xã Paris. Nhưng năm 2016 cũng phong phú những sự kiện ngoài dự đoán mà chúng ta có thể xem đấy như là năm của mọi sự bất ngờ. Vì sao ?

Ông Renaud Giraud trên mục Ý kiến độc giả của báo Le Figaro ngày 20/12/2016 điểm lại những sự kiện nổi bật nhất trong năm qua và đề xuất hai hướng đi cho ngành ngoại giao Pháp.

Brexit khai màn

Bất ngờ thứ nhất chính là Brexit. Thông qua lá phiếu cuộc trưng cầu dân ý ngày 23/6/2016, cử tri Anh quốc đã quyết định chấm dứt 43 năm chung sống với Liên Hiệp Châu Âu. Mối họa tan rã dần dần Liên Hiệp Châu Âu lăm le xuất hiện. Kết quả của cuộc bỏ phiếu này trước hết thể hiện sự nổi dậy của người dân Anh chống lại tầng lớp lãnh đạo. Hiện tượng bất mãn này giờ trở nên phổ biến ở khắp các quốc gia phương Tây.

Đúng như mô tả của nhà địa lý học Christophe Guilluy, toàn cầu hóa làm gia tăng sự bất bình đẳng và tạo ra một sự chia rẽ xã hội và lãnh thổ ngay trong lòng xã hội phương Tây, giữa một bên là vài khu đô thị hội nhập tốt với toàn cầu hóa và bên kia là những vùng phụ cận rộng lớn, những vùng thiệt thòi của sự toàn cầu hóa. Về mặt chính trị, những khu vực này bỗng trở nên náo nhiệt do một cơn phẫn nộ chống lại tầng lớp ưu tú, bằng cách chỉ dựa vào đòi hỏi một chính sách bảo hộ và đường biên giới.

Donald Trump và chính sách đối ngoại với Nga và Trung Quốc

Cũng chính cơn phẫn nộ đó là nguyên nhân của một sự bất ngờ thứ hai trong thế giới Anglo-Saxon : Thắng lợi của Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ hồi tháng 11/2016. Người ta đã lầm khi nghĩ rằng chiến thắng của ông Trump sẽ là sự khởi đầu của một bước ngoặt chuyên chế của Hoa Kỳ.

Nhưng sự gắn kết vào quyền và tự do chính là nền tảng về bản sắc chính trị người Anglo-Saxon. Khi bỏ phiếu chọn Trump, cử tri Mỹ không mong muốn đoạn tuyệt với nền dân chủ, mà chối bỏ tầng lớp lãnh đạo của họ nhưng vẫn ở lại trong cái khung nền dân chủ.

Trong chính sách đối ngoại, cũng chính làn gió thực tiễn đó đang thổi qua ba cường quốc quân sự phương Tây. Theresa May (Anh), Donald Trump (Mỹ) và Franҫois Fillon (Pháp) chia sẻ ý tưởng là đã đến lúc nối lại quan hệ ngoại giao với Matxcơva.

Mặt khác, một sơ đồ ngược so với tình hình năm 1972 đang được thiết lập tại Washington : Vào đầu những năm 1970, Nixon và Kissinger xích lại gần với Trung Quốc để chống Liên Xô, thì ngày nay, Trump sẽ tìm cách xích lại gần Nga, để chia rẽ nước này với Trung Quốc.

Rodrigo Duterte, bất ngờ lớn thứ ba

Việc Mỹ xích lại gần Nga trở nên khẩn cấp cũng do một bất ngờ lớn thứ ba trong năm 2016 : Tiến triển chính trị của Philippines hướng đến sự chuyên chế. Tháng 5/2016, Rodrigo Duterte có xu hướng dân túy đã đắc cử tổng thống và tung ra một chiến dịch bài trừ ma túy ngoạn mục. Một chiến dịch chà đạp lên tất cả các nguyên tắc Nhà nước pháp quyền.

Những người tiêu thụ chất gây nghiện bình thường tại các khu ổ chuột đã bị các biệt đội tử thần bắn hạ một cách lạnh lùng. Bề ngoài, ông Duterte đang dẫn đất nước đi đến sự sụp đổ. Hoa Kỳ đã có những lời chỉ trích mạnh mẽ chống lại chính sách được cho là phản tác dụng. Nhưng những lời chỉ trích này chẳng mang lại một chút tự do nào cho người Philippines, mà còn dẫn đến việc định hướng lại chính sách đối ngoại của Manila.

Trên thực tế, Philippines vẫn nằm dưới sự bảo hộ của Hoa Kỳ kể từ khi giành được độc lập, nay ông Duterte đã quyết định chấm dứt mối quan hệ đặc quyền này và xích lại gần với Trung Quốc. Việc mất đồng minh Philippines đã gây chao đảo thế cờ tại vùng Đông Nam Á.

Trung Đông và Thổ Nhĩ Kỳ hạ màn

Bất ngờ thứ tư, tấm bản đồ Trung Đông đang được nắn lại do sự lật ngược ngoạn mục tình hình Syria theo hướng có lợi cho chế độ Bachar al Assad. Tháng 9/2015, quân nổi dậy Syria, được phương Tây, các nước vùng Vịnh và Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ đã tưởng có thể chiếm được Damas. Nhưng chính sự can thiệp của Nga đã cứu chế độ trong đường tơ kẽ tóc và cho phép tái chinh phục Aleppo, thành phố lớn thứ hai của Syria. Giờ thì Nga đang thay thế Hoa Kỳ đóng vai quốc mẫu trong khu vực.

Cũng trong vùng này, cú đảo chính hụt tại Thổ Nhĩ Kỳ hôm 15/7 do một nhóm binh sĩ quân đội, có liên hệ với giáo phái Gulen thực hiện đã tạo nên mối bất ngờ lớn thứ năm. Thất bại của cuộc đảo chính này đã tạo cơ hội cho tổng thống Erdogan củng cố quyền lực và dẫn đến một chiến dịch thanh trừng lớn chưa từng có, vượt ra khỏi phạm vi giáo phái Gulen.

Được củng cố ở trong nước và mong muốn giữ khoảng cách với Hoa Kỳ, ông Erdogan với cái nhìn thực dụng đã thực hiện thành công một cú hòa giải ngoạn mục với Nga, khép lại trang quan hệ song phương năm 2015 do vụ không quân Thổ bắn hạ chiến đấu cơ Nga. Vụ ám sát đại sứ Nga tại Ankara hôm thứ Hai 19/12/2016 có lẽ chẳng làm thay đổi tình thế.

Bài học nào cho ngoại giao Pháp ?

Bài học nào cần được rút ra từ một năm như thế cho nền ngoại giao Pháp ? Tác giả cho rằng có hai hướng chủ đạo.

Thứ nhất là phải có óc thực tiễn. Trước sự bất ngờ, cần có sự mềm mỏng và thực dụng, như hình ảnh của những con báo. Hãy xem xét thực tế như chính bản thân nó : chúng ta không nên tự khép mình trong một khuôn khổ cứng nhắc, từ bỏ việc lên lớp đạo đức để chỉ tỏa sáng bằng chính tấm gương của mình, hãy xem xét vấn đề trên phương diện tính hiệu quả và bảo tồn các lợi ích của Pháp.

Thứ hai là độc lập quốc gia. Trong một thế giới ngày càng bấp bênh, nơi mà sự bất ngờ và ngẫu nhiên làm chủ, ngay chính những đồng minh lâu đời nhất, họ cũng chỉ có thể sống sót, đối phó được với những điều bất ngờ bằng cách dựa vào chính sức lực của mình. - RFI
|
|

2.
Chính phủ Nhật phê chuẩn ngân sách quốc phòng kỷ lục --- Thủ tướng Nhật thăm Trân Châu Cảng, nhưng sẽ không xin lỗi

Hôm nay 22/12/2016, chính phủ Nhật Bản thông qua một ngân sách quốc phòng mới với số tiền kỷ lục 5.100 tỉ yen, tương đương 44 tỉ đô la, tăng 1,4% so với năm ngoái.

Đây là năm thứ năm liên tiếp Tokyo tăng ngân sách quốc phòng. Đối với chính quyền Nhật, việc gia tăng chi phí quân sự là nhằm để đối phó với sự bành trướng quân sự của Trung Quốc đặc biệt tại Biển Hoa Đông, và các đe dọa hạt nhân Bắc Triều Tiên.

Theo thông tin của bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, được tờ Wall Street Journal trích dẫn, ngân sách quốc phòng năm 2015 của Nhật chiếm 1% GDP, trong lúc Trung Quốc chi 214,8 tỉ đô la cho quân sự, chiếm 1,9% GDP.

Thông tín viên Frédéric Charles tường trình từ Tokyo:

"Nhật Bản sẽ tăng cường lực lượng tuần duyên, với 1,5 tỉ đô la để mua thêm năm tàu tuần tiễu, và tuyển mộ thêm hơn 200 binh sĩ. Nhật Bản và Trung Quốc đang tranh chấp một số đảo tại vùng Biển Hoa Đông, thuộc quần đảo Senkaku, mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, nằm ở phía tây đảo Okinawa.

Kể từ năm 2012, tàu tuần duyên và tàu hải quân Trung Quốc qua lại hàng ngày khu vực xung quanh quần đảo hiện do Nhật kiểm soát.

Quân đội Nhật Bản tập trung phát triển các lực lượng cơ động, với sự yểm trợ của nhiều chiến đấu cơ, tàu chiến, tàu lưỡng thể. Các phương tiện này được bố trí tại khu vực phía nam để đối phó với Trung Quốc, thay vì ở phía bắc, như trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, khi Liên Xô là mối đe dọa chủ yếu.

Tăng ngân sách quốc phòng đến mức kỉ lục là câu trả lời của chính quyền Nhật đối với tổng thống tân cử Mỹ. Quan điểm của ông Donald Trump là yêu cầu Tokyo tăng đóng góp tài chính cho các căn cứ quân sự Mỹ trên đất Nhật, hoặc bảo đảm được khả năng tự vệ với việc xây dựng lực lượng hạt nhân của riêng mình.

Trên thực tế, Tokyo đã đảm nhận toàn bộ chi phí cho các căn cứ Mỹ tại Nhật, và Tokyo cũng đã sửa đổi bản Hiến pháp chủ hòa, để có thể hội nhập với chiến lược an ninh quốc phòng mới của Hoa Kỳ ».

Theo hiệp ước an ninh song phương Nhật-Mỹ, khoảng 54.000 binh sĩ Hoa Kỳ có mặt tại Nhật có nhiệm vụ giúp Nhật phòng vệ đất nước. Hàng năm Nhật Bản chi khoảng 500 tỉ yen (tương đương 4,5 tỉ đô la), tức gần 10% ngân sách quốc phòng cho các căn cứ Mỹ tại đây.

Theo tờ Wall Street Journal, trong dự án ngân sách này, có khoản chi 65 tỉ yen cho chương trình phát triển một hệ thống tên lửa đánh chặn mới trong hải quân, phối hợp với Hoa Kỳ.

Dự án ngân sách quốc phòng của chính phủ Nhật còn đợi Quốc Hội chính thức phê chuẩn. - RFI

***
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuần tới sẽ tiếp tục nỗ lực ngoại giao để hoá giải những mối oán hận về quá khứ quân phiệt của nước ông với chuyến đi thăm Đài tưởng niệm trận Trân Châu Cảng ở Hawaii. Cuộc đột kích bất ngờ của Nhật Bản tấn công một căn cứ hải quân của Mỹ vào năm 1941 ở đây đã giết chết 2000 người Mỹ, và lôi kéo Hoa Kỳ vào Chiến tranh Thế giới thứ Hai.

Sau khi gây phẫn nộ cho các nước láng giềng vào năm 2013 khi ông đến thăm đền Yasukuni vinh danh các chiến sĩ trận vong Nhật, trong đó có một số tội phạm chiến tranh, Thủ tướng Abe có lập trường bảo thủ đã đóng một vai trò chủ động để giải quyết những quan ngại về nỗ lực của ông nhằm diễn giải lại lịch sử chiến tranh của nước ông với một thái độ bớt tự ti hơn, hầu có thể dọn đường nhằm cởi bỏ những hạn chế do hiến pháp chủ hoà của Nhật Bản áp đặt.

Ông Grant Newsham, một nhà nghiên cứu kỳ cựu tại Diễn đàn Nghiên cứu Chiến lược Nhật Bản ở Tokyo nhận định:

“Thủ tướng Abe đã hoàn tất nhiệm vụ ấy một cách thành công trong hai năm qua, khi ông không phát biểu ồn ào hay nêu lên các quan điểm riêng về lịch sử cận đại của khu vực, đặc biệt có liên quan tới Thế chiến thứ Hai.”

Ông Abe được coi như một nhân vật theo chủ nghĩa dân tộc có lập trường xét lại, theo đó hình ảnh của Nhật Bản không được coi như một đế quốc gây chiến trong Thế chiến thứ Hai, mà là một quốc gia tìm cách đẩy lùi sự thống trị của Hoa Kỳ và các nước Âu Châu ở Châu Á.

Giám đốc Ban Á Châu học tại đại học Temple ở Tokyo Jeff Kingston nói rằng, theo lối diễn giải của thành phần xét lại do ông Abe dẫn đầu thì Nhật Bản là nạn nhân của những kẻ thắng cuộc, và lịch sử do bên thắng cuộc viết lại đã đặt ra nhiều nghi vấn về Nhật Bản và phương hại tới uy tin của nước này.

Vấn đề An uỷ phụ

Những phát biểu của ông Abe và những người ủng hộ ông cố tình làm giảm nhẹ hoặc bỏ qua những hành động tàn bạo của Nhật Bản đã gây phẫn nộ ở Trung Quốc, nơi ước lượng 20 triệu người đã chết trong cuộc chiến chống lại Nhật Bản trong những năm của thập niên 1930 và 1940, và tại Hàn Quốc, nước bị Nhật cai trị như một thuộc địa từ năm 1910 tới năm 1945.

Liên quan tới ước lượng 200.000 “an uỷ phụ” tại Châu Á bị buộc làm nô lệ tình dục cho binh sĩ Nhật thời đội quân Nhật Hoàng còn chiếm đóng các nước ở Châu Á và trong thời Thế chiến thứ Hai, nhà lãnh đạo Nhật Bản đã dùng những từ ngữ mơ hồ để bày tỏ hối tiếc trong khi không nhận trách nhiệm về những hành động vi phạm nhân phẩm phụ nữ trong quá khứ.

Một số người ủng hộ ông Abe đã gây phẫn nộ khắp Châu Á với những tuyên bố như “nhiều an uỷ phụ” không bị cưỡng bức mà tình nguyện làm gái mãi dâm để làm tiền.

Tổng thống Nam Triều Tiên Park Guen Hye trước đây đã từ chối, không họp song phương với Thủ tướng Abe cho tới khi nào ông thành tâm xin lỗi và bồi thường thích đáng cho các nạn nhân.

Trong khi Washington tăng sức ép để ông Abe giải quyết vấn đề gây nhiều tranh cãi này, Tokyo và Seoul đã ráo riết thương thuyết suốt nhiều tháng để tìm một giải pháp khả dĩ thoả mãn được Hàn Quốc, nhưng đồng thời không gây quá nhiều bất bình nơi thành phần dân tộc chủ nghĩa Nhật.

Tháng 12 năm ngoái, hai bên đạt được một thoả thuận. Ông Shinzo Abe công bố một văn kiện, đưa ra “những lời xin lỗi thành thực nhất, và bày tỏ niềm hối hận đối với tất cả những phụ nữ đã phải trải qua những trải nghiệm đau đớn, để lại những vết thương không thể xoá bỏ về mặt thể chất và tâm lý”. Tokyo cũng đồng ý đóng góp hơn 8 triệu đôla vào một quỹ Hàn Quốc để hỗ trợ các an uỷ phụ còn sống sót.

Đổi lại, Hàn Quốc nối lại hợp tác song phương với Nhật Bản, và cả hai bên đồng ý rằng cách giải quyết đó là “giải pháp cuối cùng và không thể bị lật ngược.”

Nước Nga

Thủ tướng Nhật Bản không đạt được thành công tương tự trong các cuộc thương thuyết với Nga để nước này trao lại quần đảo Kuril trong vùng biển Tây Thái Bình Dương, bị các lực lượng Xô-viết chiếm đóng vào cuối cuộc thế chiến, buộc 17.000 cư dân Nhật Bản phải rời khỏi quần đảo này.

Hai nước không đạt được đồng thuận để đi tới một hoà ước thời hậu chiến vì cuộc tranh chấp vẫn tiếp diễn liên quan tới chủ quyền quần đảo Kuril.

Tuần trước ông Abe và ông Putin hội đàm trong hai ngày, và cuối cùng chỉ đồng ý được với nhau là sẽ tăng cường hợp tác kinh tế với hy vọng sẽ đạt được một thoả thuận về quần đảo Kuril trong tương lai.

Trung Quốc

Quan hệ gần gũi giữa Nhật Bản và Hoa Kỳ cũng như nỗ lực của Thủ tướng Abe nhằm nới rộng phạm vi hoạt động của lực lượng tự vệ Nhật Bản đã gây quan tâm ở Trung Quốc.

Bắc Kinh và Tokyo còn đối đầu trong một cuộc tranh chấp lãnh thổ về một quần đảo không người ở mà người Nhật gọi là Senkaku và được biết đến ở Trung Quốc là đảo Điếu ngư, trong biển Hoa Đông.

Trong thời gian gần đây đã xảy ra nhiều vụ đối đầu giữa lực lượng hải quân và lực lượng tuần duyên hai nước gần khu vực tranh chấp này.

Tháng 9 vừa rồi, Thủ tướng Abe gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Trung Quốc. Hai nhà lãnh đạo đồng ý gia tăng đối thoại để giải quyết vấn đề này, đồng thời đồng ý mở một đường dây nóng nhằm tránh những vụ đụng độ không có chủ ý giữa lực lượng quân sự hai nước.

Tổng thống tân cử Donald Trump

Chuyến đi thăm Trân Châu Cảng của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe là một động thái nhằm đáp lại chuyến đi của Tổng thống Mỹ Barack Obama tới thăm Hiroshima hồi tháng Năm năm nay. Trong tư cách là vị Tổng thống tại chức đầu tiên của Mỹ tới thăm địa điểm nơi Hoa Kỳ thả quả bom nguyên tử đầu tiên của thế giới, ông Obama bày tỏ đồng cảm với các nạn nhân, nhưng không xin lỗi.

Ông Shinzo Abe đã xây dựng các quan hệ thân thiết với ông Obama trong việc ủng hộ Hiệp định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương TPP, và nới rộng vai trò của lực lượng tự vệ Nhật Bản để chống lại mối đe doạ hạt nhân từ Bắc Hàn, cũng như các hành động hung hăng của Trung Quốc trong Biển Đông.

Nhưng sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vừa rồi, trao phần thắng cho ông Donald Trump, có thể là sức ép đẩy ông Abe vào thế phải nhanh chóng bày tỏ đoàn kết với Hoa Kỳ.

Ông Trump chống đối TPP và trong chiến dịch vận động tranh cử của ông, đã chỉ trích Tokyo là không đóng góp một cách công bằng để trang trải các chi phí quốc phòng liên quan tới sự hiện diện của 50.000 quân nhân Mỹ trú đóng tại Nhật Bản. - VOA
|
|

3.
Bị TQ áp lực, Mông Cổ sẽ ‘cấm cửa’ Đức Đạt Lai Lạt Ma

Mông Cổ loan báo Đức Đạt Lai Lạt Ma sẽ không bao giờ được phép sang thăm nước này sau chuyến thăm mới đây của vị lãnh tụ tinh thần Tây Tạng khiến Trung Quốc phẫn nộ và đình chỉ các cuộc thảo luận về một khoản vay lớn cho Mông Cổ.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 21/12 nói Bắc Kinh đánh giá cao tầm quan trọng của tuyên bố từ Ngoại trưởng Mông Cổ và hy vọng nước này sẽ tôn trọng cam kết đã đưa ra.

Một ngày trước, tờ Unuudur của Mông Cổ dẫn lời Ngoại trưởng Tsend Munkh-Orgil bày tỏ hối tiếc về tác động tiêu cực của chuyến thăm đối với mối quan hệ Trung Quốc-Mông Cổ và khẳng định rằng từ nay về sau, Đức Đạt Lai Lạt Ma sẽ không được phép sang thăm Mông Cổ cho dù là với lý do tôn giáo.

Kinh tế Mông Cổ phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc. Hai bên đang đàm phán về một khoản vay trị giá 4,2 tỷ đô la từ Bắc Kinh để giúp Mông Cổ giải quyết suy thoái kinh tế.

Bắc Kinh xem Đức Đạt Lai Lạt Ma là một phần tử ly khai tìm cách tách Tây Tạng ra khỏi Trung Quốc, một cáo giác bị Đức Đạt Lai Lạt Ma bác bỏ. Khôi nguyên Nobel Hòa bình này nói rằng Ngài chỉ muốn một nền tự trị thật sự cho Tây Tạng. - VOA
|
|

4.
Nga lên án Hà Lan về hợp tác quân sự với Mỹ

Bộ Ngoại giao Nga hôm thứ Tư lên án Hà Lan cho phép Hoa Kỳ triển khai thiết bị quân sự trên lãnh thổ Hà Lan, nói rằng phán quyết của tòa án Hà Lan ra lệnh trả các bảo vật của bán đảo Crimea cho Ukraine là không thân thiện.

Trong một tuyên bố, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Maria Zakharova nói “Có vẻ như nhà chức trách Hà Lan bắt đầu tìm được hứng thú khi cố tình phá hoại các quan hệ với Nga”.

Bà Zakharova nói phán quyết của tòa án Hà Lan ra lệnh trao trả các bảo vật ở bảo tàng Crimea cho Ukraine thay vì cho Nga, là không công bằng và động thái này sẽ chấm dứt tham vọng của La Haye trở thành thủ đô pháp lý của thế giới.

Hồi tuần rồi, Nga cho hay sẽ kháng cáo phán quyết của tòa án Hà Lan. Theo phán quyết này, bộ sưu tập các bảo vật bằng vàng vô giá mà một viện bảo tàng Hà Lan đã mượn ở Crimea sẽ phải được trao trả cho Ukraine. - VOA
|
|

5.
Hàn Quốc: Tòa Bảo Hiến xem xét kiến nghị truất phế tổng thống

Hôm nay, 22/12/2016, Tòa Bảo Hiến của Hàn Quốc đã bắt đầu xem xét kiến nghị truất phế tổng thống Park Geun-Hye, với việc ra lệnh cho bà phải làm rõ những điểm mơ hồ về thời khóa biểu của bà vào lúc xảy tai nạn chìm phà Sewol năm 2014. Tòa Bảo Hiến cũng đã bác một yêu cầu từ các luật sư của bà Park nhằm làm chậm trễ thủ tục xem xét kiến nghị truất phế tổng thống.

Tòa Bảo Hiến Hàn Quốc có 180 ngày để quyết định phê chuẩn hoặc không phê chuẩn kiến nghị truất phế bà Park Geun-Hye, đã được Quốc Hội thông qua ngày 09/12 vừa qua. Bà Park bị cáo buộc đồng lõa với người bạn thân Choi Soon-Sil, hiện đang bị xử về tội tống tiền và lạm dụng quyền lực. Bà Park còn bị cáo buộc đã ra lệnh cho các cộng sự viên chuyển cho Choi Soon-Sil những tài liệu chính thức, mặc dù bà này chẳng có chức vụ gì trong chính quyền.

Tai nạn chìm phà Sewol xảy ra năm 2014 khiến hơn 300 người chết, đa số là học sinh, đã được nêu lên trong kiến nghị của các dân biểu Quốc Hội đòi truất phế tổng thống Hàn Quốc. Các nghị sĩ cáo buộc bà Park Geun-Hye đã không làm tròn trách nhiệm bảo vệ tính mạng của người dân.

Từ lâu báo chí Hàn Quốc vẫn đặt câu hỏi là tổng thống Park Geun-Hye đã làm gì trong suốt 7 tiếng đồng hồ từ khi bà nhận được tin về vụ chìm phà cho đến cuộc họp đầu tiên của chính phủ về tai nạn này. Giới truyền thông đã đưa ra đủ mọi giả thuyết từ hẹn hò với tình nhân, đi thẩm mỹ viện cho đến đi cắt tóc. Phủ tổng thống Hàn Quốc đã bác bỏ mọi đồn đoán nói trên, nhưng vẫn không công bố chi tiết thời khóa biểu của bà Park Geun-Hye trong thời gian đó.

Hiện giờ trên danh nghĩa bà Park vẫn là tổng thống, nhưng mọi quyền hành được giao cho thủ tướng. Nếu các thẩm phán của Tòa Bảo Hiến phê chuẩn kiến nghị truất phế bà, một cuộc bầu cử tổng thống trước thời hạn sẽ được tổ chức trong vòng 60 ngày. - RFI
|
|

6.
Philippines : Ủy ban độc lập điều tra vụ ‘‘tổng thống giết người’’

Hôm nay 22/12/2016, theo AFP, một ủy ban độc lập của Philippines phụ trách về nhân quyền thông báo mở điều tra sau khi tổng thống Rodrigo Duterte thú nhận đã giết ba người vào năm 1988, trong thời gian làm thị trưởng Davao. Thú nhận được đưa ra hồi tuần trước.

Chủ trương bắn giết không nương tay đối với những người có liên quan với ma túy của tổng thống Philippines bị giới bảo vệ nhân quyền lên án dữ dội. Hôm thứ Ba 20/12, sau thú nhận của ông Duterte, Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, ông Zeid Ra’ad Al Hussein, khẳng định ‘‘rõ ràng có chuyện giết người’’ và yêu cầu tư pháp Philippines mở điều tra.

Trong một thông cáo về vấn đề nói trên, chủ tịch Ủy Ban Nhân Quyền (Commission on Human Rights), ông Jose Gascon, cho biết cơ quan này ‘‘đã thành lập một ê kíp để phục vụ cho một cuộc điều tra mới (về các vụ giết người tại Davao) dựa trên một số thông tin và những lời thú nhận mới, có thể giúp làm sáng tỏ cuộc điều tra trước đó’’.

Chính ủy ban này đã từng mở điều tra về các cáo buộc, theo đó ông Duterte đã chỉ huy nhiều ‘‘biệt đội’’ tử thần, giết hại hơn 1.000 người tại Davao, trong thời gian Rodrigo Duterte làm thị trưởng. Sau cuộc điều tra nói trên, Ủy Ban Nhân Quyền đã không quyết định truy tố đương kim tổng thống.

Ủy Ban Nhân Quyền là hậu thân của Ban Nhân quyền trực thuộc phủ tổng thống, được thành lập năm 1986, dưới thời tổng thống Corazon Aquino, sau khi chế độ độc tài Marcos sụp đổ. Kể từ năm 1987, theo Hiến pháp Philippines, Ủy Ban này trở thành một tổ chức độc lập của Nhà nước, có trách nhiệm điều tra về các nghi án giết người, tra tấn hay các vi phạm Hiến Pháp khác của giới quan chức.

Theo cảnh sát Philippines, hơn 5.300 người thiệt mạng, kể từ khi ông Duterte nhậm chức tổng thống hồi tháng 6/2016, trong đó có 2.124 người bị cảnh sát giết, trong các chiến dịch được cho là để tiêu diệt nạn ma túy. Ông Duterte nhiều lần hứa hạn sẽ mở rộng mô hình chống ma túy tại Davao ra toàn quốc. - RFI
|
|

7.
Nga tăng cường vũ khí hạt nhân chiến lược

Hôm nay, 22/12/2016, tổng thống Nga vừa đưa ra một quyết định gây lo ngại lớn, trong bối cảnh quốc tế đang hồi căng thẳng. Đó là kế hoạch trong năm 2017 tăng cường lực lượng tấn công hạt nhân của Matxcơva, có khả năng chọc thủng bất cứ hệ thống lá chắn tên lửa nào.

Theo truyền thông Nga, trong cuộc họp với các chỉ huy quân đội, tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố « cần phải tăng cường tiềm năng hạt nhân quân sự chiến lược, trước hết là các hệ thống tên lửa có thể phá tan mọi hệ thống phòng thủ hỏa tiễn hiện tại hoặc tương lai ». Ông Putin cũng nhấn mạnh : « Trong hiện tại, chúng ta mạnh hơn bất cứ kẻ xâm lược tiềm tàng nào. Bất cứ kẻ nào…. Nhưng chúng ta không được phép xả hơi, bởi tình hình hiện nay có thể thay đổi rất nhanh ».

Phát biểu của tổng thống Nga được đưa ra hôm nay, trong bối cảnh quân đội Nga ở thế thượng phong trên chiến trường Syria, nhất lại với chiến thắng tại Aleppo, sau một năm can thiệp quân sự, và quan hệ với phương Tây nhìn chung đang có chiều hướng xấu hơn.

Lý do mà điện Kremlin đưa ra là kế hoạch của Hoa Kỳ triển khai hệ thống lá chắn tên lửa dự định, tại Rumani và Ba Lan, có thể phá vỡ thế cân bằng chiến lược hiện nay giữa phương Tây và Matxcơva. Theo chính quyền Mỹ, hệ thống lá chắn này là để bảo vệ châu Âu trước các đe dọa hạt nhân từ Iran.

Thực ra chủ trương tăng cường sức mạnh hạt nhân của tổng thống Nga không phải là mới. Tháng 6/2015, ông Putin từng ra lệnh triển khai thêm hơn 40 hỏa tiễn xuyên lục địa, mang đầu đạn hạt nhân, có khả năng phá vỡ « mọi hệ thống phòng không tối tân nhất », nhằm trả đũa kế hoạch phòng thủ của Mỹ tại đông Âu. Theo tổng thống Nga, việc hiện đại hóa các lực lượng hạt nhân chiến lược, bao gồm oanh tạc cơ chiến lược, hỏa tiễn xuyên lục địa và tàu ngầm hạt nhân, đã thực hiện « được 60% ».

Học thuyết quốc phòng mới nhất của Nga, được ban bố tháng 12/2014, không hề nói đến khả năng « tấn công phủ đầu » bằng hạt nhân, bởi về nguyên tắc, Matxcơva chỉ sử dụng hệ thống vũ khí hạt nhân chiến lược trong trường hợp Nga hoặc các đồng minh bị đe dọa.

Hồi cuối tháng 6 năm nay, ông Putin cáo buộc phương Tây đang kéo nước Nga vào một cuộc chạy đua vũ trang « quyết liệt », và bẻ gẫy « thế cân bằng quân sự » tại châu Âu, được duy trì kể từ khi Liên Xô sụp đổ. Với hơn 60 tỉ đô la, chi phí quân sự của Nga chiếm tới 21% tổng sản phẩm quốc nội, nhưng vẫn ít hơn nhiều so với Hoa Kỳ (khoảng 600 tỉ đô la).

Sau chiến thắng của ông Trump – người có quan điểm thân Matxcơva – trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ hồi tháng 11, tổng thống Nga Putin bày tỏ hy vọng có « một cuộc đối thoại xây dựng » và « hợp tác » với Washington, "nhằm đưa quan hệ Nga – Mỹ thoát khỏi tình trạng khủng hoảng". - RFI
|
|

8.
Trung Quốc nói quan hệ Mỹ-Trung đang gặp bất ổn

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nói các quan hệ Mỹ - Trung đang đối mặt với những bất ổn mới, nhưng bằng sự tôn trọng các lợi ích cốt lõi của cả hai bên, mối quan hệ này sẽ vẫn ổn định. Ông Vương nói thêm rằng một cá nhân sẽ không cản trở được các mối quan hệ, ám chỉ Tổng thống đắc cử Donald Trump.

Sau khi ông Trump đắc cử hồi tháng trước, Chủ tịch Tập Cận Bình đã tiếp xúc ngay với ông Trump. Nhưng Bắc Kinh tỏ vẻ bất an về cuộc điện đàm giữa Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn với ông Trump, và những dấu hiệu cho thấy ông Trump có thể thay đổi chính sách đối với Đài Loan, cũng như những đe dọa của ông Trump là sẽ áp đặt mức thuế quan cao đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Trong một cuộc phỏng vấn được báo Nhân Dân của Đảng Cộng sản Trung Quốc đăng hôm thứ Năm, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nói cuộc gọi giữa ông Tập và ông Trump là một dấu hiệu tích cực cho một sự chuyển đổi suôn sẻ trong quan hệ Mỹ - Trung.

Ông nói: “Dĩ nhiên, hướng tới phía trước, mối quan hệ Mỹ - Trung sẽ đối mặt với nhiều yếu tố phức tạp và bất định mới”.

Trích dẫn một thi phẩm cổ của Trung Quốc đã từng được ông Tập nhắc đến trong một diễn đàn cấp cao Mỹ - Trung hồi tháng 6, ông Vương nói: “Nhưng núi cao không cản được con sông đổ ra biển”.

Không nhắc đến tên của ông Trump, ông Vương nói “xu hướng lịch sử không thể bị thay đổi bởi ý chí của một cá nhân duy nhất”.

Tranh chấp Biển Đông cũng được xem là một yếu tố gây căng thẳng giữa Trung Quốc và chính quyền mới của ông Trump.

Tuần này, Trung Quốc trả lại một tàu lặn cho Hoa Kỳ trước đó đã bị một tàu hải quân Trung Quốc lấy đi trong vùng biển tranh chấp hồi tuần trước. Ông Trump cáo buộc Trung Quốc là đã đánh cắp tàu lặn của Mỹ.

Ông Vương Nghị nói bảo vệ chủ quyền của Trung Quốc là “sứ mệnh thiêng liêng” đối với công tác ngoại giao của nước này. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

9.
Tác giả ‘Chết bởi Trung Quốc’ làm cố vấn cho ông Trump

Tổng thống tân cử Mỹ Donald Trump vừa đề cử kinh tế gia thúc đẩy quan điểm cứng rắn về mậu dịch với Trung Quốc, Peter Navarro, làm trưởng Hội đồng Thương mại Quốc gia của Tòa Bạch Ốc, theo tin từ nhóm chuyển tiếp quyền lực của ông Trump loan báo ngày 21/12.

Ông Navarro, một người khoa bảng từng làm cố vấn đầu tư, là tác giả của nhiều quyển sách nổi tiếng và cũng từng làm một bộ phim nói về tham vọng của Bắc Kinh muốn thống trị kinh tế và cường quốc quân sự tại Châu Á và mô tả Trung Quốc là mối đe dọa cho nền kinh tế Hoa Kỳ.

Đội ngũ chuyển giao quyền lực của ông Trump nói ông Navarro là một kinh tế gia có viễn kiến, có thể phát triển các chính sách thương mại giúp giảm thâm thủng mậu dịch, mở rộng tăng trưởng, và chấm dứt tình trạng ‘chảy máu’ công ăn việc làm của Mỹ ra nước ngoài.

Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump từng đe dọa sẽ áp thuế suất cao đối với hàng nhập khẩu từ Mexico và Trung Quốc một khi ông lên làm Tổng thống Mỹ vào ngày 20/1 tới đây.

Ông Navarro, 67 tuổi, Giáo sư Đại học California, Irvine từng cố vấn cho ông Trump vận động tranh cử.

Trong số các quyển sách do ông sáng tác có cuốn “Chết bởi Trung Quốc: Nước Mỹ đã mất đi các cơ sở sản xuất như thế nào.” Sách này đã được dựng thành một bộ phim tài liệu. - VOA
|
|

10.
Phố Wall phá kỷ lục mới, khích lệ các nhà đầu tư Mỹ

Các nhà đầu tư của Phố Wall đang chuẩn bị ăn mừng chỉ số chứng khoán Công nghiệp Dow Jones đạt ngưỡng 20.000 điểm, một cột mốc quan trọng cho thị trường tài chính Mỹ. Mức trung bình đã tụt xuống trong phiên giao dịch hôm thứ 4 nhưng dự kiến sẽ tăng cao trở lại trước cuối năm trong một chuỗi thắng lợi đã khích lệ giới đầu tư vào lúc thế giới sắp bước sang một năm mới. Trong số những nguyên nhân cho sự lạc quan này là: mức thất nghiệp thấp, một nền kinh tế đang cải thiện và những hứa hẹn của Tổng thống đắc cử Donald Trump không điều tiết thị trường, đồng thời tăng công chi để xây dựng cơ sở hạ tầng.

Phố Wall đang ăn mừng. Sau 6 tuần tăng trưởng liên tiếp, chỉ số Dow Jones tiếp tục bước vào 1 kỷ nguyên mới. Điều quan trọng là các nhà đầu tư được khích lệ khi bước sang năm 2017.

Giám đốc điều hành của Bapis Group có trụ sở đặt tại New York Michael Bapis nhận định:

"Có rất nhiều yếu tố dẫn đến kết quả này: số công việc làm ăn tăng, mức thất nghiệp giảm, nền kinh tế có dấu hiệu cải thiện. Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang Janet Yellen đã nói: “Tình hình đang tốt hơn, Chúng tôi sẽ tăng mức lãi xuất.” Tâm lý mọi người đang rất lạc quan."

Các nhà phân tích nói sự lạc quan tại Phố Wall về phần lớn là do niềm hy vọng rằng các chính sách kinh tế trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Donald Trump sẽ thúc đẩy kinh tế.

Ông Jason Benowitz, nhà quản lý đầu tư của Roosevelt Investments, nói với VOA:

"Các nhà đầu tư đã nhắm vào 3 lĩnh vực trong nghị trình chính sách của ông Trump. Đó là cắt giảm các loại thuế, không điều tiết kinh tế, và kích thích cơ sở hạ tầng. Nếu được thực hiện, các chính sách này sẽ tạo một lực đẩy cho phát triển kinh tế. Từ đó chúng ta hy vọng sẽ chứng kiến lợi nhuận doanh nghiệp tăng cao và trong bối cảnh đó chúng tôi cho rằng thị trường sẽ có thể tiếp tục cải tiến."

Theo đánh giá của ông Benowitz, những rủi ro cho các thị trường trong năm tới chỉ xảy ra nếu các chính sách của ông Trump gặp sự kháng cự tại Quốc hội. Ông nói:

"Sự chống đối có thể đến từ nhóm các đảng viên bảo thủ có thế lực trong đảng Cộng hòa, và từ các thành viên đảng Dân chủ tại Thượng viện. Ông Trump không thể thông qua được tất cả những gì mà ông ấy muốn theo trông đợi của ông. Một số chứng khoán đã tăng giá khá cao dựa trên niềm hy vọng vào nghị trình chính sách này. Khi chính sách này bắt đầu gặp các rào cản thì chúng ta có thể chứng kiến một số sự đảo ngược tình hình và những tiến bộ đã thấy trong năm qua."

Chỉ số Công nghiệp Dow Jones lần đầu tiên cán mốc 10.000 điểm hồi năm 1999. Sự phấn khởi về một cột mốc mới – 20.000 điểm – cho thấy sự tăng trưởng trên các thị trường tài chính trên toàn nước Mỹ. Trong một phúc trình gần đây, toán nghiên cứu chiến lược đầu tư của tập đoàn JP Morgan nói họ kỳ vọng chỉ số S&P 500 của các công ty lớn sẽ cán mốc 2.300 điểm trong ngắn hạn.

Nhưng giữa lúc thế giới đang bước vào một năm mới, các nhà đầu tư sẽ theo dõi sát bất kỳ sự thay đổi nào ở điện Capitol, trụ sở quốc hội Hoa Kỳ, và trên các thị trường quốc tế. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

11.
Bình Định: 80 tỷ đồng chống lũ, 118 tỷ đồng xây tượng đài

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc hôm 21/12 đã đến Bình Định và hứa cấp cho địa phương này 80 tỷ đồng cùng với 2.000 tấn gạo để cứu trợ lũ lụt.

Truyền thông trong nước đưa tin, trong lúc ngân sách của tỉnh chỉ còn 2 tỷ đồng để đối phó với thiên tai, Hà Nội hứa sẽ hỗ trợ cho Bình Định 80 tỷ đồng để cứu trợ, nhưng trước đó đã phê duyệt một dự án xây tượng đài Hồ Chí Minh và thân phụ của ông có kinh phí lên đến 118 tỷ đồng.

Nói chuyện với báo chí, ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết trong tháng 11 và đầu tháng 12 đã xảy ra 5 đợt mưa lũ lớn trên địa bàn tỉnh khiến 34 người chết, 5 người mất tích, 10 người bị thương. Về mặt thiệt hại vật chất, 551 căn nhà đã bị sập, 398 nhà tốc mái, 2.300 ha lúa đang trổ chín bị ngập, và 17.300 ha lúa mới gieo bị ngập.

Hòa thượng Thích Không Tánh, đại diện cho Tăng đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất đã thực hiện hai đợt cứu trợ tại tỉnh Bình Định trong tháng này. Ống nói với VOA–Việt ngữ:

“Ở Tuy Phước, tuy đã chuẩn bị sẵn nhưng không cứu trợ được, nên sau đó đi cứu trợ ở Phù Mỹ. Ở đó cứu trợ được 3 thôn. 3 thôn ngập lụt nặng đó. Trước đó cũng định cứu trợ nhưng con nước còn cao, nên không cứu trợ được. Đến ngày hôm sau, cứu trợ với hơn 1.000 phần quà. Chúng tôi cũng lên An Nhơn, nơi này ngày hôm trước cũng ngập cao nên đoàn không thể nào vào được. Hôm sau nước xuống, chúng tôi mới tới được và thăm hỏi bà con.”

Trước đó, ông Hồ Quốc Dũng đã ký một quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng tượng đài Nguyễn Sinh Sắc - Nguyễn Tất Thành (tên thật của lãnh tụ Hồ Chí Minh, với kinh phí lên đến 118 tỷ đồng. Tượng đài này được coi là một “công trình văn hoá-mỹ thuật”, có chiều cao 10,8m làm bằng chất liệu đồng tấm ngoại nhập. Công trình còn bao gồm sân tượng đài, một hệ thống cây xanh, điện chiếu sáng, thoát nước, chống sét, sẽ được xây trên một khu đất rộng lớn tại quảng trường trung tâm trên đường Nguyễn Tất Thành ở Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.

Thời gian thực hiện dự án kéo dài hai năm từ năm 2016-2018.

Hòa thượng Thích Không Tánh bày tỏ bức xúc về mức kinh phí của tượng đài này, trong bối cảnh người dân đang gặp nhiều khó khăn:

“Phần chúng tôi cảm thấy nó tổn phí, trong khi dân tình bị nhà nước chiếm đoạt giải tỏa. Gặp hàng ngàn khó khăn, khiếu kiện lên xuống, rồi ô nhiễm môi trường. Bao nhiêu là thiệt hại cho đất nước, cho dân, cho dân tộc, cho đồng bào mà họ không để ý. Trong khi đó họ làm chuyện gì đó khác thì chúng tôi buồn.”

Cùng ý kiến với Hòa thượng Thích Không Tánh, bác sĩ Nguyễn Đan Quế, một nhà hoạt động dân chủ hàng đầu ở Việt Nam, nhận định với VOA-Việt ngữ:

“Nhiều anh em chúng tôi rất nhiều lần nói rằng chuyện con người mới là quan trọng, chứ không phải mấy cái tượng đài, mấy cái xác chết. Cái đó là rõ ràng, dứt khoát. Phía nhà cầm quyền chỉ muốn để tuyên truyền thôi. Chúng tôi bác bỏ hoàn toàn chuyện mang tiền của dân đi làm những chuyện không chính đáng. Trong khi chuyện cứu trợ, chuyện người dân bị lũ cuốn, từ đầu năm tới giờ hơn 230 người.”

Trong lúc ngân sách địa phương chỉ còn có 2 tỷ đồng để cứu trợ cư dân, hôm 19/12, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã ra công văn xin Trung ương hỗ trợ khẩn cấp cho tỉnh 500 tỷ đồng để khắc phục hậu quả mưa lũ. Hà Nội chỉ hứa cấp 80 tỷ và 2.000 tấn gạo. Theo các nhà hoạt động trong nước, công tác cứu trợ cho người dân vùng lũ chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn trong thời gian tới giữa lúc cả địa phương và trung ương đều thiếu hụt ngân sách. - VOA
|
|

12.
Cựu phu nhân Phó TT Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Cao Kỳ qua đời

Các báo trong nước và hải ngoại đưa tin Bà Đặng Tuyết Mai cựu phu nhân Phó Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Cao Kỳ qua đời vào lúc 5 giờ sáng thứ Tư, 21/12, tại bệnh viện Hoag, Newport Beach, California, thọ 74 tuổi.

Theo tin của báo Người Việt tại California trích lời ông Bùi Xuân Hiến, phu quân của bà Đặng Tuyết Mai, cho biết bà từ trần sau một đêm nằm bệnh viện và lễ an táng bà Đặng Tuyết Mai sẽ được tổ chức tại nhà quàn Peek Family, Westminster, California.

Trước khi kết hôn với ông Nguyễn Cao Kỳ, bà Đặng Tuyết Mai là một tiếp viên hàng không nổi tiếng của Hãng Hàng không Việt Nam .

Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, bà Đặng Tuyết Mai và ông Nguyễn Cao Kỳ cùng con gái Nguyễn Cao Kỳ Duyên định cư ở Mỹ. Cuộc hôn nhân của ông bà Nguyễn Cao Kỳ kết thúc năm 1989 sau 25 năm chung sống. Năm 2009, bà Mai trở về Việt Nam mở quán Phở Ta ở đường Lê Quý Đôn quận 3, TP. HCM.

Ông Nguyễn Cao Kỳ chồng cũ của bà Mai qua đời tại Kuala Lumpur, Malaysia vào năm 2011, thọ 81 tuổi.

Cô Nguyễn Cao Kỳ Duyên MC nổi tiếng của Paris By Night là con gái duy nhất của hai ông bà. - VOA
|
|

13.
Blogger làm triển lãm giấy mời của công an

Một nhà báo và cũng là blogger có tiếng tại Việt Nam đang lên kế hoạch mở cuộc triển lãm online các loại giấy mời của công an "để công khai biểu hiện vi phạm nhân quyền của cơ quan pháp luật".

Ông Huỳnh Ngọc Chênh vừa đưa ra lời kêu gọi trên mạng xã hội thu thập "giấy mời hoặc giấy triệu tập lên công an làm việc trái phép" để tổ chức "một cuộc triển lãm nhân quyền về giấy mời".

Đến nay, sự kiện dự kiến mở màn từ ngày 24/12 đã nhận được sự ủng hộ từ nhiều nhân vật như nhà báo tự do Trương Duy Nhất, cựu tù nhân lương tâm Huỳnh Ngọc Tuấn, blogger Nguyễn Thị Thúy Quỳnh…

Ban tổ chức cũng thông báo sẽ trao các giải thưởng 'giấy mời xưa nhất', 'giấy mời sai trái nhất' và 'giấy mời bát nháo nhất', cũng như cho người 'có nhiều giấy mời nhất' vào dịp Tết Đinh Dậu.

Hôm 22/12, trả lời BBC, ông Huỳnh Ngọc Chênh nói: "Ý tưởng thực hiện một cuộc triển lãm giấy mời, giấy triệu tập của công an trên mạng phát xuất từ việc tôi từng nhận 5, 6 giấy mời từ lúc tôi còn ở TP Hồ Chí Minh đến khi ra Hà Nội các loại mà chẳng hiểu tại sao mình bị mời."

"Những tờ giấy đó cho thấy dường như việc gì thì công an cũng mời người dân được."

"Điều đó quả thật vô lý, tùy tiện và không đúng pháp luật."

"Đáng nói nhất là chính quyền toàn yêu cầu người dân đến gặp vào đúng giờ hành chính, làm ảnh hưởng đến công ăn việc làm của người ta nếu muốn tuân thủ theo giấy mời."

Blogger cũng cho biết thêm: "Tôi mong là cuộc triển lãm này sẽ thu hút sự quan tâm của giới luật sư để giúp những blogger sắp nhận giấy mời biết họ cần ứng xử thế nào trước việc nhận giấy mời từ công an."

'Buồn cười'

"Tất nhiên là nếu tôi xin phép tổ chức sự kiện này ở một địa điểm trên thực tế thì chắc chắn sẽ không được, vì chính quyền không cho phép tư nhân tổ chức triển lãm hay phát hành sách," ông Chênh nói với BBC.

Cùng ngày, nhà hoạt động Lã Việt Dũng trao đổi với BBC từ Hà Nội: "Tôi thấy sự kiện Triển lãm giấy mời của công an rất thú vị nên cũng góp một tờ giấy triệu tập bá đạo liên quan đến bản thân."

"Hồi năm 2012, Công an Hà Nội gửi giấy triệu tập cho tôi về việc 'Đăng ký và sử dụng số điện thoại di động [mà ông Dũng đang sử dụng]."

"Lý do đó thật buồn cười, tôi không hiểu tại sao công an lại can thiệp vào việc tôi đăng ký sử dụng dịch vụ với nhà mạng."

"Tôi còn nhớ là khi công an phường đến nhà đưa giấy này, tôi đã ghi vào giấy là "Tôi không đi, vì không hiểu giấy triệu tập này theo điều nào, khoản nào của pháp luật."

"Ngoài ra, tôi cũng ghi vào đấy là giấy triệu tập ảnh hưởng đến công việc và tinh thần của người được mời cũng như gia đình họ."

Ông Dũng nói thêm: "Việc công an, cơ quan điều tra lạm dụng giấy mời nhằm gây khó dễ, đe dọa công dân, nhất là những người đấu tranh dân chủ."

"Giấy mời của công an cũng làm ảnh hưởng đến quyền tự do ngôn luận của người dân."

"Do vậy, tôi cho rằng chúng ta [những người nhận giấy mời từ công an] không có gì phải ngại hay sợ sệt, tất cả đều có quyền từ chối nếu mình cảm thấy giấy mời từ công an là bất hợp lý."

Từ TP Hồ Chí Minh, blogger Lê Nguyễn Hương Trà (Cô Gái Đồ Long) nói với BBC: "Bản thân bị mời khá nhiều lần, tuy nhiên cách giải quyết của tôi ôn hòa và tránh ồn ào, đặc biệt không chia sẻ hay chụp giấy mời đưa lên mạng xã hội."

"Theo tâm lý, thường thì người bị mời dễ rơi vào tâm lý lo sợ, căng thẳng dẫn đến stress mất bình tĩnh. Nhiều năm nay, các cơ quan an ninh sử dụng giấy mời như một mệnh lệnh. Tuy nhiên, nếu có hiểu biết về pháp luật sẽ biết, hiện không hề có các văn bản pháp luật nào quy định là khi nhận được giấy mời của an ninh thì mình bắt buộc phải đến. Do đó, tôi từng từ chối nhiều lần được mời làm việc!" - BBC
|
|

14.
Đình chỉ vụ án Lợi dụng tự do dân chủ với ông Kim Quốc Hoa

Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao vừa quyết định đình chỉ vụ án Lợi dụng quyền tự do dân chủ theo Điều 258 Bộ Luật Hình sự với Tổng biên tập báo Người Cao Tuổi Kim Quốc Hoa.

Theo quyết định số 01/QĐ-VKSTC-V1 mà BBC có trong tay ra ngày 21/12 do Kiểm sát viên Vụ trưởng Nguyễn Tố Toàn ký thừa lệnh Viện trưởng, ông Hoa được đình chỉ vụ án, miễn trách nhiệm hình sự do "đã nhận thức rõ sai phạm và có đơn xin miễn trách nhiệm hình sự".

Vụ án hình sự ở báo Người Cao Tuổi đã bị khởi tố từ tháng 2/2015 và ông Kim Quốc Hoa bị Bộ Công an khởi tố bị can từ tháng 5/2015.

Lý do khởi tố ông Hoa được mô tả là "vì đã có hành vi viết, duyệt cho đăng trên Báo Người Cao Tuổi một số bài báo có nội dung sai sự thật, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của một số tổ chức, công dân, phạm vào tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân", quy định tại Điều 258, Bộ Luật Hình sự nước CHXHCN Việt Nam."

Cùng lúc, nơi ở và nơi làm việc của ông cũng bị khám xét.

Trước đó, ông Kim Quốc Hoa đã bị tạm dừng chức vụ tổng biên tập báo Người Cao Tuổi và bị Hội Nhà báo Việt Nam ra quyết định rút thẻ nhà báo.

Tên miền của tờ báo cũng bị thu hồi.

Tờ báo do ông Hoa làm chủ bút đã đăng nhiều bài điều tra cáo buộc tình trạng tham nhũng trong quan chức hoặc nêu ra các vấn đề khác nhau liên quan đến công an và quân đội ở Việt Nam.

Trong số đó có các bài như: 'Chống tham nhũng khi trao "vũ khí" cho bọn biến chất', 'Bàn về "Thị trường sao và vạch"', 'Huyện Văn Giang quyết định thực hiện cưỡng chế trái luật'... và nhiều bài khác.

Theo kết quả điều tra của Bộ Công an, trong thời gian từ tháng 5/2013 đến tháng 1/2015, với trách nhiệm tổng biên tập ông Hoa đã cho đăng 22 bài báo và tự viết một bài có tựa đề "Sự thật về 'công tử' Hà Thành ra Trường Sa" bị cho là có một số nội dung "sai sự thật, làm ảnh hưởng tới uy tín, danh dự của các cá nhân, tổ chức Nhà nước".

Ông Kim Quốc Hoa từng phản bác các cáo buộc và tuyên bố tờ báo của ông 'sẽ kiên trì khiếu nại làm rõ sự thật để bảo vệ thanh danh'. - BBC
|
|

15.
TQ bắt đầu các chuyến bay dân sự thường nhật đến đảo Phú Lâm

Trung Quốc bắt đầu các chuyến bay dân sự thường nhật đến đảo Phú Lâm, trong khu vực đang tranh chấp ở Biển Đông, sau khi sân bay tại đây được phê duyệt cho các hoạt động dân sự, Tân Hoa Xã cho biết tin này hôm thứ Năm.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên gần như toàn bộ Biển Đông, nơi qua lại của các thương thuyền quốc tế với lượng hàng hoá qua lại trị giá hơn 5 ngàn tỷ đôla mỗi năm.

Theo Tân Hoa Xã, chuyến bay đầu tiên đã cất cánh hôm thứ Tư từ Hải Khẩu, thủ phủ tỉnh đảo Hải Nam, phía nam Trung Quốc.

Cũng theo Tân Hoa Xã, chuyến bay đến đảo Phú Lâm sẽ bay mỗi ngày với giá vé một chiều là 1.200 nhân dân tệ (khoảng 172 đôla).

Đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa, là nơi mà Việt Nam và Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền. Năm 2012, Bắc Kinh lập thành phố Tam Sa trên đảo này và biến nơi đây thành trung tâm hành chính để quản lý các khu vực tranh chấp ở Biển Đông.

Sân bay Trung Quốc xây dựng trên đảo được sử dụng chung cho các mục đích quân sự lẫn dân sự. Tân Hoa Xã cho hay sân bay này đã được phê duyệt cho các hoạt động dân sự hôm thứ Sáu tuần trước.

Tờ báo của nhà nước Trung Quốc nói “Việc này sẽ cải thiện điều kiện sống và làm việc của cán bộ công chức và quân nhân cư trú tại thành phố Tam Sa”.

Các chuyến bay sẽ rời sân bay Hải Khẩu lúc 8:45 sáng và trở về từ đảo Phú Lâm lúc 1:00 chiều, Tân Hoa Xã cho biết.

Trung Quốc đã và đang xây dựng các sân bay khác ở Biển Đông như một phần của chương trình xây dựng và cải tạo gây nhiều tranh cãi. Hồi tháng Bảy, máy bay dân sự Trung Quốc đã thực hiện thành công các chuyến bay thử đến 2 sân bay mới xây dựng ở Đá Vành Khăn và Đá Subi, thuộc quần đảo Trường Sa.

Trung Quốc chiếm quyền kiểm soát toàn bộ quần đảo Hoàng Sa vào năm 1974 sau một cuộc chiến đẫm máu với hải quân Việt Nam Cộng hòa.

Bất chấp việc Trung Quốc gọi đây là một thành phố, dân số thường trú tại Tam Sa chỉ có vài ngàn người. Rất nhiều đảo và đá tranh chấp hoàn toàn không có người ở.

Hồi tháng Hai, các giới chức Đài Loan và Hoa Kỳ cho biết Trung Quốc đã triển khai một hệ thống tên lửa tiên tiến đất-đối-không trên đảo Phú Lâm. - VOA

No comments:

Post a Comment