Saturday, December 31, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Tư 21/12

Tin Thế Giới

1.
Đức ráo riết truy lùng tài xế chiếc xe khủng bố ở Berlin

Người lái chiếc xe tông vào đám đông tại ngôi chợ Giáng Sinh ở Berlin cách nay hai hôm đang bị cảnh sát Đức ráo riết truy lùng. Thông tin mới nhất vào trưa nay 21/12/2016 cho biết nghi phạm là một người Tunisia. Vào hôm qua, tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo Daech đã lên tiếng tự nhận là tác giả vụ dùng xe khủng bố, đã khiến 12 người thiệt mạng.

Chiến dịch truy lùng thủ phạm vụ nhắm vào ngôi chợ Noel tại Berlin tối thứ Hai 19/12, gần như được xác định là khủng bố, có dấu hiệu tăng tốc, với việc cảnh sát Đức tiết lộ rằng họ đang lần theo nhiều đầu mối khác nhau.

Theo thông tin của hai tờ báo Bild và Allgemeine Zeitung, an ninh Đức đang truy tầm một thanh niên người Tunisia, trong độ tuổi từ 21 đến 23, mà giấy tờ được tìm thấy trong chiếc xe tải sát nhân. Đây là một nhân vật khả nghi vì được biết đến dưới ba nhân dạng khác nhau, và giấy tờ để lại trong chiếc xe tải là loại giấy được trao cho những người bị bác đơn xin tị nạn, nhưng không thể bị trục xuất.

Theo nhóm truyền thông RBB (Rundfunk Berlin-Brandenburg), sáng sớm hôm nay, cảnh sát cũng đã câu lưu một nghi can khác, nhưng sau đó đã phải trả tự do cho người này.

Đây là nghi can thứ hai được thả ra, vì ngay từ hôm qua, an ninh Đức đã phải trả tự do cho nghi can đầu tiên người Pakistan, bị bắt ngay sau khi xẩy ra vụ khủng bố.

Giả thuyết khủng bố gần như được xác nhận

Theo thông tín viên RFI Pascal Thibault tại Berlin, giả thuyết khủng bố như đã được xác nhận với lời tự nhận là thủ phạm của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo Daech, chỉ một tiếng sau khi nghi can Pakistan được thả ra:

"Ít lâu trước đó, Viện Công Tố Liên Bang Đức loan báo là một thanh niên Pakistan xin tị nạn tại Đức bị câu lưu ngay từ tối thứ Hai, đã được trả tự do vì không đủ chứng cứ. Giả thuyết về một vụ khủng bố khi ấy tạm thời trở thành không xác đáng, và vì không còn đầu mối nào khác, cuộc điều tra đã phải trở lại từ đầu.

Thế nhưng một tiếng đồng hồ sau đó, thông cáo của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo Daech tự nhận là thủ phạm vụ xe điên đâm vào chợ Giáng Sinh tại Berlin, đã củng cố trở lại giả thuyết khủng bố.

Bản thông cáo do một cơ quan tuyên truyền của Daech công bố, đã được một chuyên gia chống khủng bố người Đức có uy tín xác nhận là khả tín.

Thông cáo đó còn nói thêm là vụ khủng bố được tiến hành để trả đũa chiến dịch của liên minh quốc tế - mà nước Đức là một thành viên - tấn công vào tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo. 

Nếu lời tự nhận là thủ phạm này được chứng thực, điều đó cho thấy là việc Berlin can dự nhiều hơn về mặt quân sự trên trường quốc tế không phải là không hàm chứa hiểm nguy cho nước Đức.

Và như vậy, đây sẽ là một vụ khủng bố quy mô đầu tiên của Daech tại Đức, vì những vụ trước đây đều là những hành vi cá biệt, chẳng hạn như vụ một thanh niên Afghanistan dùng dao đâm bị thương năm hành khách trên xe lửa hồi tháng Bảy, hoặc là vụ một người Syria bị chết một tuần sau khi chính quả bom anh ta định gài phát nổ quá sớm".

Lễ mặc niệm tại nhà thờ Ký Ức

Ngay vào hôm qua, sau khi đến mặc niệm các nạn nhân tại nơi xẩy ra khủng bố, vào buổi tối thủ tướng Đức Angela Merkel và nhiều thành viên chính phủ đã đến dự lễ tưởng niệm nạn nhân tại nhà thờ Tin Lành gần khu chợ Noel. Đây là nhà thờ Ký Ức, một biểu tượng của Tây Berlin, với tháp chuông vẫn mang dấu tích bom đạn của thời Thế Chiến Thứ II.

Đặc phái viên RFI, Anastasia Becchio, có mặt tại buổi lễ cho biết :

"Họ đã cùng nhau bước đến bàn thờ dưới tượng Đức Chúa Giê Su màu vàng rực rỡ : Một mục sư Tin Lành, một giám mục Công Giáo, một giáo sĩ Do Thái Giáo, một giáo sĩ (mufti) Hồi Giáo, một linh mục Chính Thống Giáo… Họ đều đến đây để gởi đi thông điệp về tình khoan dung.

Trong cử tọa, cũng như trên lễ đài, dân chúng Berlin được đại diện trong sự đa dạng của họ : Giáo dân của nhà thờ Ký Ức ngồi cạnh những thanh niên Do Thái đội mũ kippa truyền thống, hay những phụ nữ Hồi Giáo trẻ choàng khăn…

Một cô gái Hồi Giáo cho biết là việc đến dự lễ tưởng niệm rất quan trọng đối với cô vì ở Berlin, có đến 250 cộng đồng tôn giáo và từ 4 năm qua, mọi người đã thiết lập được một cuộc đối thoại giữa các tôn giáo và đã sinh hoạt rất tốt. Mọi người đều có chỗ đứng, do đó phải cùng nhau hành động.

Sau khi buổi lễ kết thúc, nhà thờ vắng dần. Người dự lễ xếp hai hàng dài trước hai quyển sổ chia buồn. Ở một góc, mục sư Kurt Anschut nói chuyện với giáo dân. Trong suốt một ngày, ông đã đón người dân trong khu phố cần đến nói chuyện, và có nhiều điều làm ông lo ngại.

Vụ khủng bố vào khu chợ Noel làm dấy lên trở lại tranh luận về nhập cư, chính sách đón người xin tị nạn. Một chủ đề có thể nổi cộm cho đến ngày bầu cử Quốc Hội dự kiến vào cuối mùa hè năm tới". - RFI
|
|

2.
Thái Lan nhờ Trung Quốc giúp sản xuất vũ khí

Hôm qua, 20/12/2016, một phát ngôn viên bộ Quốc phòng Thái Lan thông báo là nước này hiện đang thảo luận với Trung Quốc về việc xây dựng các cơ sở sửa chữa và bảo trì vũ khí ở Thái Lan, cũng như muốn nhờ Trung Quốc giúp sản xuất vũ khí, một dấu hiệu mới cho thấy quan hệ ngày càng nồng ấm giữa Bắc Kinh với đồng minh lâu đời nhất của Mỹ ở châu Á.

Quan hệ giữa Thái Lan và Hoa Kỳ đã xấu đi kể từ cuộc đảo chính quân sự năm 2014. Quân đội Thái Lan cho rằng cuộc đảo chính này là cần thiết nhằm chặn đứng tình trạng hỗn loạn đã kéo dài nhiều tháng trời, với những cuộc biểu tình rầm rộ dẫn đến việc lật đổ một chính phủ dân cử.

Washington đã nói rõ rằng quan hệ với Bangkok chỉ có thể trở lại bình thường một khi nền dân chủ ở Thái Lan được tái lập. Các tướng lãnh cầm quyền đã hứa sẽ tổ chức bầu cử vào năm tới, bây giờ phải chờ xem cuộc bầu cử này có sẽ đáp ứng những yêu cầu của Hoa Kỳ hay không.

Kể từ sau cuộc đảo chính 2014, chính quyền quân sự Bangkok đã tìm một đối trọng với quan hệ với Hoa Kỳ bằng cách tăng cường quan hệ với Trung Quốc. Chính là theo chiều hướng đó mà bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan Prawit Wongsuwan đã gặp đồng nhiệm Trung Quốc Thường Vạn Toàn khi đến thăm Bắc Kinh vào tuần trước.

Theo thông báo của phát ngôn viên bộ Quốc phòng Thái Lan hôm qua, ông Prawit Wongsuwan đã nói với ông Thường Vạn Toàn rằng Bangkok rất quan tâm đến việc xây dựng các cơ sở để sửa chữa và bảo trì các thiết bị quân sự Trung Quốc mà quân đội Thái Lan đang có trong tay. Cũng theo lời phát ngôn viên nói trên, Thái Lan còn muốn phía Trung Quốc giúp sản xuất các vũ khí nhỏ và các thiết bị an ninh như máy bay không người lái.

Ngoài dự định nói trên, trước đây Thái Lan đã mua xe tăng của Trung Quốc và cũng đã chọn Bắc Kinh thực hiện hợp đồng hàng tỷ đôla đóng các tàu ngầm đầu tiên cho Thái Lan. Không quân của hai nước cũng đã lần đầu tiên tập trận chung vào năm 2015.

Bangkok buộc phải dựa ngày càng nhiều vào Bắc Kinh bởi vì kể từ sau cuộc đảo chính năm 2014, Hoa Kỳ đã đình chỉ mọi trợ giúp về quốc phòng và an ninh cho Thái Lan. Washington cũng đã giảm bớt quy mô của các cuộc tập trận chung giữa Mỹ với đồng minh châu Á này.

Việc ông Donald Trump đắc cử tổng thống Hoa Kỳ khiến mọi người lo ngại là Mỹ sẽ từ bỏ chính sách “xoay trục” sang châu Á mà tổng thống Obama đã thực hiện trong những năm qua. Hãng tin AFP hôm nay trích lời một giáo sư chính trị học, ông Thitinan Pongsudhrak, thuộc Đại học Chulalongkorn, Bangkok, nhận định rằng: “ Nếu Hoa Kỳ không thể đảm trách vai trò khu vực của họ, các nước trong khu vực không còn con đường nào khác là phải ngả theo Bắc Kinh.” - RFI
|
|

3.
LHQ đòi Manila điều tra về vụ "tổng thống giết người"

Theo tin Reuters, Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, ông Zeid Ra’ad Al Hussein, ngày 20/12/2016 đã yêu cầu chính quyền Philippines điều tra về hành vi giết người của tổng thống Duterte, sau khi chính nhân vật này tuyên bố đã từng giết người trong quá khứ để làm gương.

Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc cho là « lãnh đạo Philippines phải chứng tỏ quyết tâm củng cố luật pháp và tính độc lập của ngành tư pháp bằng cách mở điều tra về tội ám sát ». Ông Al Husein nói thêm rằng « không thể tưởng tượng được một hệ thống tư pháp hoạt động bình thường mà không mở điều tra và tiến hành thủ tục tư pháp, khi một người công khai thú nhận là kẻ giết người ».

Trong thông cáo đưa ra tại Genève, ông Al Hussein còn cho là : « Việc giết người mà ông Duterte mô tả còn vi phạm luật quốc tế, gồm có quyền được sống, được bảo vệ trước luật pháp… ».

Ông Al Hussein đồng thời còn yêu cầu điều tra về các vụ giết người trong chiến dịch bài trừ ma túy của ông Duterte trong vòng nửa năm nay làm hơn 5000 người thiệt mạng. Cao Ủy Nhân Quyền tỏ ý rất ngạc nhiên trước lượng thông tin rất ít, mặc dù cảnh sát cho là đã điều tra về số hàng ngàn người bị giết chết.

Viên chức Liên Hiệp Quốc kêu gọi phải có điều tra khẩn cấp, độc lập và đáng tin cậy về những gì đã xẩy ra ở Davao trước đây, cũng như chiến dịch bài trừ ma túy từ ngày ông Duterte nắm quyền.

Những đồng minh của ông Duterte phản bác, cho là ông được quyền miễn trừ pháp lý, không thể bị điều tra, cả về các hành động trước khi ông làm tổng thống.

Bộ trưởng Tư Pháp Philippines, Vitaliano Aguirre II, bào chữa là ông Duterte thường thổi phồng các vụ giết tội phạm để cảnh cáo những kẻ xem thường luật pháp. - RFI
|
|

4.
Syria: Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran kêu gọi "ngừng bắn toàn quốc"

Họp lại tại Mátxcơva vào hôm qua, 20/12/2016, ngoại trưởng 3 nước Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đã nhất trí thúc đẩy tiến trình chính trị tại Syria và đứng ra bảo đảm cho đàm phán giữa chính quyền Damas và phe đối lập Syria.

Tại buổi họp báo chung sau cuộc họp với hai đồng nhiệm Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết là ba bên đã thông qua một văn kiện chung nhằm chấm dứt cuộc chiến tại Syria. Trong văn kiện này, ba nước cam kết nỗ lực tiến tới một lệnh ngừng bắn trên cả nước Syria, đồng thời tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình giữa các bên ở Kazakhstan.

Theo ngoại trưởng Nga, ba nước đã nhất trí rằng ưu tiên hiện nay ở Syria phải là chống khủng bố, chứ không phải là dàn xếp một sự thay đổi chế độ ở Damas. Bộ Ngoại Giao Nga cho biết ngoại trưởng Lavrov đã điện đàm với đồng nhiệm Hoa Kỳ John Kerry để thông báo về kết quả cuộc họp vừa qua.

Theo các nhà phân tích, cuộc họp hôm qua tại Mátxcơva đã được tổ chức ngay sau khi quân đội chính phủ Syria với sự yểm trợ của không quân Nga đã giành được thắng lợi tại mặt trận Aleppo trước quân nổi dậy. Điều này phản ánh thế thượng phong được khôi phục của Nga và Iran, hai đồng minh của chế độ Assad, cũng như của Thổ Nhĩ Kỳ, cường quốc không thể thiếu vắng trong khu vực.

Trên hiện trường, tại khu vực đông Aleppo, quân đội Damas đã ra tối hậu thư cho lực lượng nổi dậy còn có mặt tại chỗ là phải nhanh chóng rút đi.

Ngoại trưởng Nga Lavrov hôm qua đã khẳng định quá trình sơ tán dân thường tại thành phố Aleppo sẽ được hoàn tất trong vòng tối đa 2 ngày. Ông nhấn mạnh vai trò quan trọng của Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ để giúp triển khai chiến dịch sơ tán Aleppo, trong khi Nhóm Quốc Tế Hỗ Trợ Syria hoàn toàn bất lực. - RFI
|
|

5.
Đài Loan mất đồng minh ngoại giao là dấu hiệu về sự giận dữ của Trung Quốc

Sự đổ vỡ bất ngờ trong mối quan hệ giữa Đài Loan và một đồng minh hiếm hoi thể hiện thái độ giận dữ đang tăng cao ở Trung Quốc đối với các lãnh đạo ở Đài Bắc và các nhà phân tích nói Bắc Kinh sẽ còn tiếp tục có những động thái tương tự để răn đe Đài Loan. Thông tín viên Raph Jennings gửi về bài tường trình sau đây từ Đài Bắc…..

Sao Tome and Principle, một đồng minh ở Tây Phi của Đài Loan từ năm 1997, hôm thứ 4 đã bất ngờ cắt đứt quan hệ với Đài Loan. Ngay sau đó, Đài Loan giải tán đại sứ quán của nước này ở Đài Bắc và đình chỉ một loạt các trao đổi ngoại giao. Hội đồng các vấn đề đại lục của chính phủ Đài Loan nói Trung Quốc đã sử dụng đường lối “ngoại giao bằng tiền” để thúc đẩy quốc Sao Tome and Principle huỷ bỏ quan hệ với Đài Loan.

Việc cắt đứt quan hệ với Đài Loan diễn ra tiếp theo sau cuộc điện đàm hôm 2/12 giữa tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn với tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump và phát biểu của ông Trump sau đó nói rằng ông không thấy sự cần thiết phải tuân thủ cam kết của Mỹ sẽ chỉ công nhận Trung Quốc, chứ không công nhận Đài Loan. Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với đảo tự trị Đài Loan và tìm cách kiềm chế mối quan hệ quốc tế của nước này.

Các nhà phân tích chính trị nói Trung Quốc dùng thủ đoạn để lôi kéo quốc gia Sao Tome tách ra khỏi Đài Loan. Một số nhà phân tích cho rằng sẽ có nhiều đồng minh khác nữa của Đài Loan quay sang với Bắc Kinh trong năm tới. Theo bộ ngoại giao Đài Loan, Trung Quốc cũng tiến hành một cuộc diễn tập không quân gần vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan sau cuộc điện đàm với ông Trump.

Ông Liu Yi-jiun, giáo sư về quan hệ công chúng của Đại học Fo Guang ở Đài Loan, nói:

“Họ sẽ chỉ muốn làm tăng thêm áp lực đối với tổng thống Thái Anh Văn. Đây không phải là một sự kiện cắt đứt quan hệ ngoại giao duy nhất. Sẽ có thêm 3 đến 5 nước nữa (làm như vậy), giống như hiệu ứng domino.”

Đài Loan có 21 đồng minh ngoại giao so với con số 170 nước công nhận Trung Quốc. Hầu hết các đồng minh của Đài Loan là những quốc gia nghèo ở châu Phi, Trung Mỹ, Caribe và Nam Thái Bình Dương. Các nước này chủ yếu tìm kiếm ở Đài Loan sự trợ giúp phát triển và trước năm 2008, Đài Loan và Trung Quốc thường cạnh tranh với nhau trong việc tung tiền ra để thuyết phục các nước về phe với họ.

Bộ ngoại giao Đài Loan cho biết, Đài Loan đã giúp Sao Tome and Principle, một quốc đảo phụ thuộc vào dầu lửa với số dân 190.000 nằm gần bờ biển với Gabon, cắt giảm lớn tỷ lệ mắc bệnh sốt rét. Đổi lại Đài Loan tìm kiếm ở các đồng minh một tiếng nói trong Liên Hiệp Quốc.

Đài Loan ra khỏi LHQ năm 1971 và Trung Quốc sẽ không để cho Đài Loan quay trở lại tổ chức quốc tế lớn nhất này.

Trả lời một câu hỏi về sự cắt đứt mối quan hệ của Sao Tome and Principle với Đài Loan, Người phát ngôn bộ Ngoại Giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói sự ra đi của Đài Loan là một khẳng định rằng “Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa là chính phủ hợp pháp duy nhất cho toàn Trung Hoa.”

Trước cuộc điện đàm giữa bà Thái Anh Văn và ông Trump, nữ tổng thống Đài Loan đã làm Bắc Kinh khó chịu vì làm Bắc Kinh mất mặt. Bà Thái Anh Văn mưu tìm một mức độ tự trị cao hơn cho Đài Loan nếu 2 bên thương thảo với nhau.

Số lượng khách du lịch từ Trung Quốc tới Đài Loan đã giảm hẳn kể từ khi bà Thái A nh Văn nhậm chức. Từ tháng 4 năm nay, Trung Quốc đã yêu cầu các quốc gia khác gửi cho họ các nghi can Đài Loan ở nước ngoài phạm tội gian lận đối với các công dân Trung Quốc.

Bộ trưởng ngoại giao Đài Loan Lin Tai-wei nói tại một buổi họp báo hôm thứ 4 rằng ông sẽ không theo chân Trung Quốc dùng tiền để đổi lấy đồng minh ngoại giao.

Trả lời một câu hỏi về việc Sao Tome and Principle đã yêu cầu Đài Loan cung cấp 200 triệu đô la trước khi cắt đứt quan hệ, người đứng đầu ngành ngoại giao Đài Loan nói:

“Cách tiếp cận thực tiện của chúng tôi đối với các mối quan hệ nước ngoài, chúng tôi không dùng các chiêu trò dùng tiền để đổi lấy quan hệ ngoại giao.” 

Ông Lin nói: “Chúng tôi muốn hỗ trợ một số kế hoạch để tăng cao phúc lợi con người, những thứ mà người dân Sao Tome có thể cảm nhận. Nhưng chúng tôi không tin là đất nước chúng tôi có trách nhiệm lấp đầy lỗ đen tài chính của một nước khác, chúng tôi sẽ không làm như vậy.” - VOA
|
|

6.
Tòa tối cao Nhật hậu thuẫn căn cứ mới của Mỹ ở Okinawa

Tòa án tối cao Nhật Bản đã ra phán quyết ủng hộ kế hoạch của chính phủ nhằm di dời một căn cứ không quân của hải quân của Mỹ trên đảo Okinawa. Đây được xem là một đòn giáng mạnh đối với những người chống đối, đòi dời căn cứ Mỹ ra khỏi đảo Okinawa.

Theo phán quyết của tòa, Thống đốc Okinawa Takeshi Onaga, đã hành động “trái luật” khi huỷ bỏ lệnh của người tiền nhiệm hồi tháng 10 năm 2015 về kế hoạch san lấp đất nhằm dọn đường cho công tác di dời căn cứ không quân Futenma.

Chính phủ Nhật Bản và Hoa Kỳ muốn di chuyển căn cứ Futenma từ vị trí ngay giữa thành phố đông đúc đến một khu vực xa xôi hơn vì lý do an ninh. Nhưng nhiều cư dân Okinawa muốn dời căn cứ này ra khỏi đảo, viện lý do những tiếng động, tội phạm và các tai nạn có liên kết với căn cứ Mỹ.

Okinawa là hòn đảo chiến lược nằm trên Biển Hoa Đông. Từ đây, máy bay và quân đội Hoa Kỳ có thể nhanh chóng đáp ứng các cuộc xung đột tiềm tàng trên khắp châu Á. Nơi đây đã trở thành một pháo đài của sức mạnh quân sự của Mỹ sau Thế chiến thứ Hai. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

7.
Obama cấm khoan dầu 'vĩnh viễn' ở Bắc cực và Đại Tây Dương

Tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm Barack Obama ra lệnh cấm khai thác dầu khí vĩnh viễn tại "phần lớn" vùng biển phía Bắc do Mỹ sở hữu.

Ông Obama xác định một số khu vực biển Bắc cực và Đại Tây Dương không được phép cho thuê trong tương lai.

Động thái này được xem là nỗ lực bảo vệ khu vực này trước khi ông Obama rời nhiệm sở tháng Giêng.

Những người ủng hộ Tổng thống đắc cử Donald Trump cho rằng rất khó để đảo ngược quyết định này.

Canada cũng cam kết biện pháp tương tự trong vùng biển Bắc cực do nước này sở hữu, trong tuyên bố chung với Washington.

Nhà Trắng cho biết quyết định này nhằm hướng đến "hệ sinh thái và nền kinh tế Bắc Cực mạnh mẽ, bền vững và khả thi." 

Nhà Trắng giải thích một số lý do của lệnh cấm là nhu cầu văn hóa bản địa, quan ngại về động vật hoang dã và nguy cơ tổn thương tài nguyên trong trường hợp xảy ra sự cố tràn dầu tại khu vực này.

Nhưng trong khi Canada cân nhắc động thái này mỗi 5 năm, Nhà Trắng khẳng định lệnh cấm của ông Obama là vĩnh viễn.

'Quan ngại'

Quyết định trên căn cứ vào một đạo luật năm 1953 cho phép tổng thống ra lệnh cấm cho thuê tài nguyên biển vô thời hạn.

Trong chiến dịch tranh cử, Donald Trump cho biết ông sẽ tận dụng lợi thế của Mỹ về trữ lượng dầu mỏ, gây quan ngại cho các nhóm bảo vệ môi trường.

Nhưng những người ủng hộ ông nhận định rằng bất kỳ nỗ lực nào nhằm đảo ngược quyết định của ông Obama sẽ đem đến thách thức pháp lý.

Phản ứng trước tuyên bố Bắc Cực, nhóm Friends of the Earth cho biết: "Chưa từng có tổng thống nào hủy bỏ một lệnh thu hồi vĩnh viễn hoạt động khai thác dầu khí ngoài khơi của người tiền nhiệm."

"Nếu Donald Trump cố gắng đảo ngược lệnh cấm của Tổng thống Obama, ông ấy sẽ phải ra hầu tòa."

Tuy nhiên, Viện Dầu khí Hoa Kỳ cho rằng: "Không có khái niệm lệnh cấm vĩnh viễn", và họ hy vọng rằng chính quyền của ông Trump sẽ đảo ngược quyết định này.

Ông Trump cũng đã khiến một số nhà vận động môi trường quan ngại về lựa chọn nhân sự cấp cao của Nhà Trắng.

Rex Tillerson, giám đốc công ty dầu khí Exxon Mobil, được bổ nhiệm làm ngoại trưởng. 

Rất ít khi có hoạt động khai thác dầu ở Bắc Cực vì việc này tốn kém và nhiều trở ngại hơn tại các khu vực khác. - BBC
|
|

8.
Mỹ bổ sung danh sách chế tài Nga --- Nga tuyên bố sẽ trả đũa các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ

Chính phủ Mỹ loan báo vừa mở rộng các biện pháp chế tài kinh tế Nga, bổ sung thêm 8 tổ chức và 7 cá nhân có liên hệ tới vụ Moscow sáp nhập bán đảo Crimea.

Bộ Ngân khố Hoa Kỳ cho hay đây là một phần trong mục tiêu của chính phủ ‘duy trì áp lực lên Nga’ bằng cách kéo dài cái giá mà Nga phải trả cho việc chiếm bán đảo của Ukraine.

Thông cáo của Bộ nói 6 người trong số 7 cá nhân vừa bị đưa tên vào danh sách bị tố cáo đã giúp cung cấp hỗ trợ Ngân hàng Rossiya. Ngân hàng này bị chế tài hồi năm 2014 vì cung cấp hỗ trợ vật chất cho một giới chức cao cấp của Nga. Người còn lại bị cáo giác có liên hệ với một công ty xây dựng một căn cứ quân sự gần biên giới Nga-Ukraine.

8 công ty bị chế tài lần này bao gồm công ty xây dựng đường cao tốc Nga Institut Stroiproekt, công ty đường sắt Crimea do chính phủ Nga bảo trợ và công ty Cầu cảng Crimea. - VOA

***
Điện Kremlin hôm thứ Tư nói các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ đối với Nga sẽ phương hại tới mối quan hệ giữa hai quốc gia, và Moscow sẽ trả đũa bằng các biện pháp riêng.

Phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov nói với nhà báo:

“Chúng tôi lấy làm tiếc là Washington vẫn tiếp tục đi theo con đường dẫn phá hoại như vậy”.

Ông Peskov nói việc này sẽ làm tổn hại mối quan hệ song phương, và Nga sẽ có những biện pháp tương xứng để đáp ứng.

Hôm thứ Ba, Hoa Kỳ áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt đối với các doanh nhân và các công ty Nga. Các biện pháp chế tài này được đưa ra sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea từ Ukraine vào năm 2014 và cuộc xung đột ở Ukraine. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

9.
Vì sao TT Campuchia Hun Sen tới Đồng Nai?

Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã đi thăm khu di tích lịch sử Đoàn 125 của Campuchia đặt tại xã Long Giao, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai của Việt Nam.

Theo truyền thông trong nước, Đoàn 125 thành lập vào năm 1978 do ông Hun Sen chỉ huy, được cho là đơn vị tiền thân của “Lực lượng Vũ trang Cách mạng đoàn kết cứu nước Campuchia”. Trong lúc giao tranh với quân đội Pôn pốt, 49 binh sĩ của Đoàn 125 Campuchia đã bỏ mình tại đây.

Trả lời phỏng vấn của báo chí về việc thắt chặt quan hệ hữu nghị giữa hai nước tại khu di tích này, Thủ tướng Hun Sen nhắc lại những kỷ niệm từ những ngày còn hoạt động chống chế độ diệt chủng Pôn Pốt, và được Việt Nam bao bọc, giúp đỡ. Trong hơn 5 phút, ông ngỏ lời bằng tiếng Việt để cảm ơn người Việt “luôn kề vai sát cánh, phát huy tình cảm hữu nghị toàn diện, thủy chung son sắt.”

Một lý do khác đã đưa Thủ Tướng Hun Sen tới Đồng nai là cuộc biểu tình của các quân nhân Campuchia tại trường huấn luyện sĩ quan Đồng Nai ngày 05/12, mà phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Campuchia đã xác nhận hôm 12/12.

Ba đoạn video lan truyền trên mạng chiếu cảnh khoảng 200 binh sĩ Campuchia tham gia một khóa huấn luyện ở Đồng Nai  hôm 5/12 đã phản đối bên ngoài văn phòng hiệu trưởng của trường huấn luyện sĩ quan tỉnh Đồng Nai, sau khi có tin “một nữ quân nhân Campuchia suýt nữa bị cưỡng hiếp”.

Theo báo The Cambodia Daily, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Campuchia Chhum Sucheat hôm 12/12 thừa nhận “có xảy ra biểu tình”, nhưng không có chuyện sĩ quan huấn luyện Việt Nam “tìm cách cưỡng hiếp” nữ binh sĩ Campuchia. Người phát ngôn này nói rằng huấn luyện viên người Việt “bị say rượu và gõ cửa nhầm phòng”, sau đó “bác bỏ đã chạm vào người” nữ binh sĩ Campuchia, nhưng huấn luyện viên này vẫn bị kỷ luật và thuyên chuyển công tác.

Theo tờ Kiến Thức, từ năm 1980 cho đến nay, phía Việt Nam đã đào tạo gần 17.000 sĩ quan quân đội Campuchia thuộc đủ mọi binh chủng. Phía Campuchia cho biết khoảng hơn một nghìn sĩ quan quân đội nước này đang tiếp tục theo học các khoá huấn luyện ở Việt Nam.

Hôm 20/12, Thủ tướng Campuchia Hun Sen bắt đầu chuyến thăm chính thức kéo dài 2 ngày đến thăm Việt Nam. Trong chuyến thăm này, ông Hun Sen đã ký kết 3 văn kiện quan trọng với Việt Nam: hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự giữa 2 nước; hiệp định về chuyển giao người bị kết án phạt tù giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Campuchia; và thỏa thuận hợp tác giữa Ủy ban Dân tộc Việt Nam và Bộ Lễ nghi -Tôn giáo Campuchia.

Hai bên nhất trí tiếp tục duy trì nguyên tắc không cho thế lực thù địch sử dụng lãnh thổ nước này để phương hại đến an ninh của nước kia và tăng cường hợp tác chống các hoạt động buôn lậu, vượt biên trái phép và chống tội phạm ma tuý, buôn người, buôn vũ khí xuyên biên giới, đồng thời hợp tác trong lĩnh vực công nghệ cao. - VOA
|
|

10.
Đại biểu QH ngăn việc bổ nhiệm một tổng biên tập?

Nhiều nhà báo, luật sư và những người có tầm ảnh hưởng lớn ở Việt Nam trong hai ngày nay đã chia sẻ và chỉ trích một bức thư được cho là của một đại biểu quốc hội dường như tìm cách ngăn cản việc bổ nhiệm một lãnh đạo báo chí.

Một bức ảnh màu lan truyền trên mạng xã hội cho thấy thư có biểu tượng của Quốc hội Việt Nam, do một người có tên Nguyễn Sỹ Cương với chức danh Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại ký. Thư đề ngày 23/11, không đóng dấu đỏ, và được gửi đến Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn.

VOA đã cố gắng liên lạc với ông Cương và một số đại biểu quốc hội để xác minh bức thư, nhưng họ không trả lời điện thoại.

Trong bức thư, ông Cương kiến nghị Bộ trưởng Tuấn “xem xét nghiêm túc tư cách” của ông Nguyễn Ngọc Hiển trước khi phê chuẩn ông này làm tổng biên tập báo Lao Động, một báo có đông độc giả ở Việt Nam. Ông Hiển từng là phó tổng biên tập của báo.

Ông Cương cho rằng khi nắm chức phó tổng biên tập báo Lao Động, ông Hiển đã “để lọt nhiều bài viết bị Ban Tuyên giáo Trung ương nhắc nhở mà nguyên nhân là do ý thức chính trị kém nên không phân biệt đúng sai, cho đăng lên báo, tác động tiêu cực đến người đọc”.

Một ví dụ được ông Cương dẫn ra để chứng minh cho điều mình nói là hồi tháng 8, báo Lao Động đã đăng một bài liên quan đến thảm họa môi trường do Formosa gây ra ở miền trung, trong bài có đoạn nhận định “không ít đại biểu dân cử bịt khẩu trang tâm hồn, giả điên, giả ngu trước những vấn đề công chúng mong họ lên tiếng”.

Ông Cương viết trong thư rằng bài báo đó “xúc phạm nghiêm trọng các Đại biểu Quốc hội” trong đó có các lạnh đạo đảng và nhà nước. Ông cũng gọi việc cho đăng bài báo là “việc làm thể hiện ý thức chính trị vô cùng kém cỏi”.

Bức thư đã bị các nhà báo và nhiều người khác chỉ trích trên mạng. Họ chỉ ra rằng nếu đây đúng là thư của ông Cương, ông đã lạm dụng giấy tờ của Ủy ban Đối ngoại Quốc hội để viết thư tay, can thiệp vào một việc không thuộc chức trách của ông. Song điều làm họ bất bình hơn nhiều là họ cho rằng bức thư của ông đã giáng thêm một đòn nữa vào thực trạng báo chí không có tự do lâu nay ở Việt Nam.

Từ Nha Trang, nhà báo kỳ cựu Võ Văn Tạo nói với VOA:

“Với tư cách cũng là người đã làm báo nhà nước mười mấy năm, tôi cho rằng đó là cái ý kiến rất là vớ vẩn, rất là tầm phào, phản lại tư tưởng tôn trọng tự do báo chí như trong các văn bản pháp luật, Hiến pháp. Tôi cho rằng việc đó rất là bất bình thường. Những người có lương tri thì không ai tán thành với ông Cương cả. Ai cũng phải giận dữ, phản đối văn bản đó. Cái văn bản này gây bất ngờ cho rất nhiều người. Họ không ngờ một con người như ông Cương từng có nhiều phát biểu rất hay mà bây giờ lại có một văn bản rất là phản lại tất cả những tư tưởng trước đây ông từng thể hiện ra ở Quốc hội”.

Trong khi có nhiều ý kiến phản đối bức thư được cho là của ông Cương, cũng có một số người viết trên mạng rằng ông Cương có quyền nêu lên ý kiến cá nhân của mình đối với vấn đế ông quan tâm. Số người ủng hộ ông Cương nói ông có lý khi viết kiến nghị vì việc bổ nhiệm ông Hiển rất gần với thời điểm ông vừa có sai phạm, bị nhắc nhở là không phù hợp với “công tác tổ chức cán bộ” của Việt Nam. - VOA
|
|

11.
Tổ công tác của thủ tướng 'gây áp lực' với Bộ Tài nguyên và Môi trường --- Thủ tướng Phúc khen quân đội làm kinh tế

Một tổ công tác của thủ tướng Việt Nam đã họp với Bộ Tài nguyên và Môi trường vào ngày 21/12, và yêu cầu Bộ giải trình về thảm họa do hãng Formosa gây ra và một số vấn đề quan trọng khác.

Theo một số báo lớn của Việt Nam, tổ công tác do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng dẫn đầu, đã yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan đến vụ Formosa. 

Hồi tháng 4 năm nay, một nhà máy thuộc hãng Formosa của Đài Loan đặt ở tỉnh Hà Tĩnh đã xả thải trái phép, gây ra thảm họa ô nhiễm môi trường biển ven 4 tỉnh miền Trung với thiệt hại vô cùng lớn. Hà Tĩnh và Quảng Bình là 2 tỉnh chịu thiệt hại nặng nhất.

Tại cuộc họp, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã chất vấn Bộ Tài nguyên và Môi trường “đã làm đến đâu” trong việc “kiểm tra, xem xét trách nhiệm các tổ chức, cá nhân liên quan đến việc cấp phép xả thải, đánh giá tác động môi trường dự án”.

Giải trình cho câu hỏi này, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói việc kiểm điểm tập thể, cá nhân liên quan đã được bộ của ông thực hiện ngay sau khi sự cố xảy ra khoảng một tháng.

Ông Hà cũng cho biết bộ đang phối hợp với Ủy ban kiểm tra Trung ương của Đảng Cộng sản “xác định, làm rõ các dấu hiệu vi phạm”. Theo tường thuật của báo chí Việt Nam, ông Hà nói những vấn đề thuộc thẩm quyền bộ của ông “sẽ xử lý trong năm 2016”.

Giáo sư Đặng Hùng Võ, cựu thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường, bình luận với VOA rằng cuộc họp của tổ công tác có tác dụng gây áp lực để bộ làm tốt việc truy ra trách nhiệm của các bên liên quan:

“Đây là một cuộc kiểm tra thể hiện trách nhiệm rất cao của chính phủ. Nhiều khi những việc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm trong bộ cũng có những cái khó khăn nhất định. Trong nội bộ một bộ vốn Việt Nam thì cái đánh giá về mối quan hệ trong công tác thì vốn vẫn là một cái trở lực đối với việc xây dựng một chính phủ liêm chính. Chính vì vậy, với những cái áp lực của cấp trên xuống với bộ thì chắc chắn là bộ sẽ phải làm tốt việc này. Việc ký cho phép xả thải thẳng ra biển khác đi so với phương án xả thải ra sông Quyền sau đó chúng ta có đủ điều kiện theo dõi mới đi ra biển, thì tôi cho rằng cái việc đấy cũng là một cái trách nhiệm rất là rõ ràng, quy trách nhiệm cũng không phải là có gì khó khăn”.

Ông Võ nói thêm rằng nhà chức trách “hoàn toàn có đủ điều kiện” và “không khó khăn” trong việc làm rõ trách nhiệm của cựu bộ trưởng môi trường khi đồng ý với địa phương về dự án, cũng như trách nhiệm của những người cho phép Formosa tăng thời hạn thuê đất từ 50 năm lên 70 năm.

Liệu cuộc kiểm tra, kiểm điểm chính phủ và bộ sẽ dẫn đến các hình thức kỷ luật như thế nào, có quan chức nào bị truy tố hay không? Ông Võ cho rằng ở thời điểm hiện nay chưa có đủ thông tin để dự báo:

“Sẽ tùy cái trách nhiệm. Cái hành vi đó là hành vi chỉ ở mức độ chịu trách nhiệm hành chính hay là chịu trách nhiệm hình sự thì tôi cho rằng ở đây cũng chưa thể nói gì. Cái việc đó cần những thông tin rất chi tiết và thể hiện được cái trách nhiệm rất cụ thể”.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cách đây gần 2 tuần đã có cuộc họp ở Hà Tĩnh với các nạn nhân của thảm họa Formosa. Tại cuộc họp, ông nói “sẽ không làm bộ trưởng nữa” nếu không giải quyết ổn thỏa hậu quả của vụ ô nhiễm. - VOA

***
Ngày 19/12, vài hôm trước khi Việt Nam kỷ niệm 72 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân nhằm vào ngày 22/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn (TCSG), một công ty thuộc Bộ Quốc phòng.

Người đứng đầu chính phủ Việt Nam nói giữ vững an ninh quốc phòng biển đảo cùng với phát triển sự nghiệp công nghiệp hóa sâu rộng “là nhiệm vụ cấp bách lâu dài. Do đó, việc phát huy tinh thần khởi nghiệp của người lính là rất quan trọng."

Blogger Huỳnh Ngọc Chênh, một cựu phóng viên của báo Thanh Niên, nhận định trên trang Facebook của ông rằng: “Nhiệm vụ quân đội thì lo cầm súng, lo tập luyện, lo hiện đại hoá để bảo vệ đất nước chứ lo đi làm kinh tế thì chỉ đẻ ra một đám tham quan hèn nhát nguy hại đến đất nước. Chưa kể quân đội mà làm kinh tế thì lộng quyền làm bậy bất chấp luật lệ.”

Blogger Nguyễn Anh Tuấn cũng bày tỏ lo ngại. Ông nói: 

“Việc quân đội làm kinh tế chẳng những không bị hạn chế mà còn được mở rộng những năm gần đây chắc chắn trong tương lai gần sẽ đặt Việt Nam trước nguy cơ của chủ nghĩa quân phiệt kiểu mới đến từ đám người vừa cầm súng vừa tự làm ra tiền.” 

Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn hiện quản lý một hệ thống các cơ sở cảng biển quan trọng từ Bắc đến Nam với hàng chục công ty con.

Tuần này ông Phúc cũng hết lời khen ngợi mô hình phát triển kinh tế của Viettel, một tập đoàn viễn thông cũng thuộc Bộ Quốc phòng. Ông nói “Viettel đã tạo ra một mẫu hình tăng trưởng mới cho Việt Nam.”

Tuy nhiên, blogger Nguyễn Anh Tuấn cho rằng mô hình của Viettel là một nguy cơ đối với nền kinh tế Việt Nam. Ông Tuấn viết: 

“Nguy cơ này chỉ có thể bị ngăn chặn khi chấm dứt việc quân đội tự làm ra tiền bằng cách chuyển các công ty thuộc các lãnh vực phi quốc phòng của họ sang ngạch dân sự. Quốc phòng cho ra quốc phòng, kinh doanh cho ra kinh doanh.”

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, việc chuyển đổi các công ty thuộc các lãnh vực phi quốc phòng sang dân sự sẽ giúp nền kinh tế thị trường của Việt Nam được quốc tế công nhận nhiều hơn.

Hiện nay, mô hình quân đội tham gia vào hoạt động kinh tế chỉ còn lại ở các quốc gia như Bắc Triều Tiên, Trung Quốc và Việt Nam. - VOA
|
|

12.
Tại sao doanh nghiệp nước ngoài ồ ạt rút vốn khỏi Việt Nam?

Ô nhiễm và suy thoái môi trường ở Việt Nam là hai vấn đề được nhiều doanh nghiệp nước ngoài nêu lên tại một Diễn Đàn Doanh Nghiệp gần đây. Họ cảnh báo hai vấn đề này sẽ tác động trực tiếp đến đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Theo 1 đoạn video của VTV 1 trên Youtube, đại diện của các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài ở Việt Nam đã nêu lên những quan tâm và lo lắng về mức độ ô nhiễm môi trường mà theo VTV1, là một trong những nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp nước ngoài rút vốn ra khỏi Việt Nam.

Tiến sỹ kinh tế Lê Đăng Doanh khẳng định với VOA-Việt Ngữ rằng đang có 1 xu thế các doanh nghiệp nước ngoài rút lui khỏi thị trường tài chính Việt Nam:

"Theo đánh giá của một số chuyên gia thì 1 số quỹ đầu tư nước ngoài đã bán tháo khoảng 400 triệu đô la cổ phiếu của họ ở thị trường chứng khoán của Việt Nam. Nhìn chung việc rút vốn của các nhà đầu tư nước ngoài là một điểm đáng chú ý."

Theo tiến sỹ Doanh thì có 1 số nguyên nhân gây ra hiện tượng này. Một trong các nguyên nhân là do Mỹ rút ra khỏi TPP và kỳ vọng của các nhà đầu tư sẽ không được thực hiện. Ngoài ra chuyên gia kinh tế này cho rằng tình hình nợ công và tài chính của Việt Nam đang làm giới đầu tư lo lắng.

Tại Diễn Đàn Doanh Nghiệp Việt Nam tổ chức hôm 5/12 tại Hà Nội, đại diện các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài đều nhắc đến vấn đề ô nhiễm đáng báo động ở Việt Nam, và cho đó là lý do họ xét tới để quyết định liệu có tiếp tục kinh doanh đầu tư tại Việt Nam hay không. Ông Dominic Scriven, chủ tịch điều hành của Dragon Capital Group và là trưởng Nhóm Thị Trường Vốn, cho biết các lý do đưa đến quyết định rút ra khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam của nhà đầu tư lớn nhất của tập đoàn Dragon. Ông nói:

"Sự cố lớn tại miền Trung năm nay, những vấn đề liên quan đến sông Mekong, hạn hán, lũ lụt, biến đổi khí hậu, chưa kể những ảnh hưởng không tốt đối với uy tín quốc gia từ vai trò của Việt Nam trong việc buôn bán động vật hoang dã đều là những vấn đề mà thế giới đang chứng kiến. Rất tiếc phải thông báo rằng tuần vừa rồi nhà đầu tư lớn nhất của công ty Dragon chúng tôi đã loan báo quyết định rút ra khỏi thị trường Việt Nam vì lý do thiếu vắng những chính sách và hành động thuyết phục trong việc bảo vệ môi trường."

Ngoài thảm họa cá chết dọc theo bờ biển các tỉnh miền Trung sau đó được xác định là do nguồn xả thải chất nhiễm độc của nhà máy Formosa ở Hà Tĩnh gây ra, các hệ thống sông hồ ở những thành phố lớn như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh cũng chứng kiến cảnh cá chết hàng loạt. Ngoài ô nhiễm nguồn nước, tình trạng ô nhiễm không khí ở Việt Nam cũng đã lên đến mức báo động. Theo đánh giá của một tổ chức nghiên cứu môi trường Thụy Điển, Việt Nam nằm trong số 10 nước có không khí ô nhiễm nghiêm trọng nhất thế giới. Đây đang là mối lo đối với những người nước ngoài muốn đến sinh sống và làm việc ở Việt Nam. Ông Kenneth Atkinson, chủ tịch Hiệp Hội Doanh Nghiệp Anh Quốc tại Việt Nam, nói tại diễn đàn doanh nghiệp trên VTV1:

"Mức độ ô nhiễm đang tăng cao một cách rõ rệt và ở mức báo động. Điều này sẽ có tác động tới những người muốn chuyển gia đình tới sinh sống ở Việt Nam, từ đó ảnh hưởng tiêu cực tới vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Chúng tôi cho rằng nguyên nhân chính của vấn đề này nằm ở sự yếu kém trong quản lý và thực thi luật pháp, nhất là ở các khu công nghiệp."

Bà Virginia Foote, chủ tịch Hiệp Hội Doanh Nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam cũng nêu lên những quan tâm về vấn đề ô nhiễm môi trường tại Việt Nam. Bà nói “càng ngày càng thấy áp lực giữa phát triển kinh tế và môi trường” ở Việt Nam.

Tiến sỹ Đinh Đức Trường, phó trưởng khoa Môi Trường và Đô Thị của trường Đại học Kinh Tế Quốc Dân ở Hà Nội khẳng định có sự đánh đổi giữa phát triển kinh tế và môi trường ở Việt Nam. Một nghiên cứu gần đây của tiến sỹ Trường cho thấy các doanh nghiệp với vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đóng vai trò lớn trong việc gây ra ô nhiễm môi trường ở Việt Nam. Ông nói:

"Đầu tư trực tiếp nước ngoài vẫn là một cái cực, một cái trụ cột để tăng trưởng kinh tế và ở một góc độ nào đấy thì vẫn còn có một sự đánh đổi nhất định giữa kinh tế và bảo vệ môi trường ở Việt Nam. Có lẽ khi chúng ta phát triển tốt hơn thì có lẽ là cái nhìn nhận sẽ tốt hơn."

Tiến sỹ Trường ước lượng thiệt hại do ô nhiễm môi trường gây ra tương đương với 5% GDP của Việt Nam hằng năm và cảnh báo Việt Nam sẽ qua mặt Trung Quốc về mức độ ô nhiễm nếu không có biện pháp đúng đắn để giải quyết tình trạng này. Tuy nhiên, cũng theo tiến sĩ Trường, Việt Nam có thể kiểm soát mức độ ô nhiễm bằng cách cải thiện hệ thống thể chế luật pháp và sự tham gia của người dân. - VOA
|
|

13.
Nông nghiệp công nghệ cao: Hái sao trên trời

Việt Nam sẽ phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao với gói tín dụng từ 50 tới 60 nghìn tỷ đồng. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu như vừa nêu tại Hội nghị Xây dựng nền công nghiệp nông nghiệp Việt Nam tổ chức chiều 18/12/2016 tại TP.HCM.

Nhà nghèo chơi sang

Theo tài liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, nền nông nghiệp công nghệ cao được hiểu là một nền nông nghiệp được ứng dụng các công nghệ mới trong sản xuất. Điển hình như tự động hóa, cơ giới hóa, công nghệ thông tin IT, công nghệ vật liệu mới, công nghệ sinh học, các giống vật nuôi, cây trồng mới có năng suất và chất lượng cao, phát triển bền vững trên cơ sở canh tác hữu cơ.

Những khái niệm như vừa nêu được cho là quá xa vời đối với những người không phải là chuyên viên, đặc biệt đối với nông dân trực tiếp làm nông nghiệp. Câu hỏi đặt ra là bằng cách nào một nền nông nghiệp còn trầy trật với cơ giới hóa và kỹ thuật sau thu hoạch yếu kém, cũng như chính sách ruộng đất chia nhỏ cho hàng chục triệu nông dân lại có thể đại nhảy vọt lên nền nông nghiệp công nghệ cao.

Giáo sư Võ Tòng Xuân, nhà nông học nổi tiếng hiện là Hiệu trưởng Đại học Nam Cần Thơ nhận định:

“Tôi không ủng hộ lắm về chủ trương này. Thứ nhất ngân sách không có tiền mà ‘ông cụ’ hứa như thế… 50-60 nghìn tỷ là con số quá lớn. Thứ hai nông nghiệp công nghệ bình thường hiện nay mình sử dụng chưa có hết, nông dân và doanh nghiệp chưa áp dụng hết. Sản phẩm bây giờ chất lượng rất xấu bởi vì mình chưa áp dụng kỹ thuật hiện tại mình có. Bây giờ tổ chức cho doanh nghiệp và nông dân kết hợp lại sử dụng những công nghệ hiện hữu của mình thì sẽ kinh tế hơn nhiều.” 

Theo Giáo sư Võ Tòng Xuân, Việt Nam có bệnh hình thức các tỉnh không chịu thua kém nhau, cho nên 63 tỉnh mà có hơn 100 đài truyền hình. Trong nông nghiệp, chỗ này chỗ kia tự hào có nông nghiệp công nghệ cao, thực chất là vài cái nhà kính, nhà màn (green house), rồi có phòng cấy mô tissue culture để nhân giống, cứ làm như thế gọi là công nghệ cao như cái mốt vậy thôi. Giáo sư Võ Tòng Xuân tiếp lời:

“Ví dụ bây giờ đâu có ai áp dụng GPS satellite để điều khiển máy cày dưới đất kéo bộ phận đi bón phân từng lô một cách chính xác, cái đó Việt Nam không có, mình chưa làm được vì đất quá manh mún. Bây giờ trong hướng chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, vẫn nên làm theo hướng công nghệ bình thường đã có sẵn mà rẻ tiền hơn.” 

Trong khi kế hoạch tái cơ cấu nền nông nghiệp Việt Nam được đề ra từ 2013 vẫn chưa thấy kết quả gì cụ thể. Thu nhập của nông dân vẫn ở hàng dưới cùng của xã hội. Việt Nam tuy xuất khẩu nhiều gạo nhưng kim ngạch mỗi năm 2 tới 3 tỷ USD cũng chưa đủ bù ngoại tệ để nhập khẩu nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi như bắp, đậu nành cũng như phân bón hóa học cần thiết cho trồng trọt.

TS Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn nhận định về sự chậm trễ của chương trình tái cơ cấu nông nghiệp.

“Bản thân tái cơ cấu nông nghiệp không thể đi một mình được mà nó phải đi với tái cơ cấu nền kinh tế, công nghiệp phải chuyển sang ủng hộ nông nghiệp, kinh tế đô thị cũng phải phối hợp với kinh tế nông thôn, còn không nó sẽ tách rời ra hai mảng và người dân xu hướng chung là họ sẽ di cư ra khỏi nông thôn đi về thành thị. Như thế không chỉ riêng nông thôn có khó khăn mà thành thị cũng tắc nghẽn, quá tải, không thể nào phát triển bền vững được.”

Chính sách mới về đất đai

Tại Hội nghị Xây dựng nền công nghiệp nông nghiệp Việt Nam tổ chức chiều 18/12/2016 tại TP.HCM, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc không đề cập gì tới kế hoạch tái cơ cấu nông nghiệp đang dở dang không kết quả. Hoặc là ông muốn chuyển hướng tái cơ cấu nông nghiệp bằng hình thức phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Các thông tin liên quan đến vấn đề này chưa được thể hiện rõ ràng.

Theo những gì báo điện tử Chính phủ và các báo dòng chính tường thuật, người đọc có thể liên tưởng tới một cuộc cách mạng nông nghiệp làn thứ hai ở Việt Nam sắp diễn ra. Nó có thể sửa chữa những mặt tiêu cực của cuộc cải cách chia nhỏ ruộng đất, được thực hiện ở miền Bắc trong thập niên 1950-1960. Do chính sách ruộng đất xã hội chủ nghĩa, Việt Nam hiện hữu 70 triệu thửa ruộng manh mún, bình quân một hộ nông dân canh tác ít hơn 0,7 ha.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc xác định là cần sửa điều 193 Luật Đất Đai về điều kiện nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp và Thông tư 23 của Bộ Tài nguyên Môi trường về đất đai để tạo điều kiện phát triển nông nghiệp. Theo tường thuật của báo chí, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói nguyên văn:“Phải tổ chức lại sản xuất của các hợp tác xã, hộ cá thể, chứ để các hộ nhỏ li ti như hiện nay thì khó cạnh tranh trong kinh tế thị trường.”

Cùng với gói tín dụng phát triển nông nghiệp công nghệ cao từ 50 tới 60 nghìn tỷ đồng, điểm mới mẻ về chủ trương liên quan đến đất đai được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bật mí. Theo đó chính phủ sẽ thí điểm thành lập ngân hàng về qũy đất và xem xét việc hình thành thị trường quyền sử dụng đất để nâng cao hiệu quả khai thác sử dụng đất.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu là Chính phủ quyết định một gói tín dụng lên tới 50 – 60 nghìn tỷ đồng cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao với cơ chế vay thuận lợi, thông thoáng nhất, cùng với việc mở ra thị trường sử dụng đất, để có thể sản xuất nông nghiệp hiện đại, đa chức năng và cạnh tranh quốc tế.

Giới phản biện đặt vấn đề là không thấy Thủ tướng đề cập tới việc chuyển dịch lao động, bởi vì với sản xuất nông nghiệp tập trung qui mô lớn thì đã phát sinh dư thừa lao động nông nghiệp, chưa kể tới phát triển nông nghiệp công nghệ cao sẽ càng loại bỏ rất nhiều nhân công hơn nữa.

Giáo sư Võ Tòng Xuân cho rằng, sẽ thực tế hơn và lợi ích kinh tế hơn nếu không phung phí tiền bạc vào nông nghiệp công nghệ cao, sản phẩm của nhà giàu. Thay vào đó đẩy mạnh sản xuất tập trung quy mô lớn theo kỹ thuật nông nghiệp hiện nay. Điều quan trọng theo lời nhà nông học dày kinh nghiệm là phát triển hình thức hợp tác xã kiểu mới có thể canh tác trên diện tích hàng ngàn ha, nông dân vẫn làm chủ ruộng đất của mình nhưng sản xuất đồng nhất với chi phí thấp nhất và theo nhu cầu thị trường. - RFA
|
|

14.
Một tử tù được tha sau 11 năm tù oan

Tử tù có tên Hàn Đức Long vừa được tha về nhà vào chiếu tối hôm qua tại xã Phúc Sơn, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang sau 11 năm bị tù mà vị luật sư bào chữa cho ông lên tiếng chứng minh là một vụ án oan sai.

Tin tức cho biết Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Bắc Giang ra quyết định đình chỉ vụ án cũng như quyết định hủy bỏ biện pháp tạm giam đối với bị can Hàn Đức Long, yêu cầu công an tỉnh Bắc Giang cùng các cấp trực thuộc phục hồi mọi quyền và lợi ích hợp pháp cho ông ngày.

Luật sư Ngô Ngọc Trai, người tham gia vụ án Hàn Đức Long lâu nay, vào chiều hôm nay 21 tháng 12 cho Đài Á Châu Tự Do biết việc một người đã bốn lần bị kêu án tử và ngồi tù suốt 11 năm nay bất ngờ được trả tự do là liên quan đến rất nhiều vấn đề, trong đó có cả hệ thống cơ quan pháp lý. người thực thi pháp luật, bản thân các qui định pháp luật cũng như hệ thống tư pháp với các quan điểm xét xử, đường lối giải quyết vụ án còn nhiều vấn đề, nhiều bất cập.

Theo ông những căn cứ mà phía luật sư đưa ra đã không được xem xét rõ ràng thời gian đầu.

“Đấy chính là vấn đề. Những cơ sở căn cứ kêu oan, những ý kiến hợp lý chính đáng của luật sư thì tôi đã nói bao nhiêu năm rồi, từ năm 2011, tại sao không nghe? Không minh oan? Không trả tự do? Bây giờ mới làm. Các cơ quan không chấp nhận lắng nghe ý kiến của luật sư. Cho đến bây giờ sau cả một quá trình điều tra truy tố kéo dài, sức ép của dư luận hay là các ban ngành tư pháp trung ương họp bàn thế nào đấy, tính toán cân nhắc thấy là không thể kết tội được nữa thì quyết định trả tự do minh oan chứ người ta cũng chẳng tìm ra được chứng cứ nào mới so với trước.”

Theo luật sư Ngô Ngọc Trai, sau một quá trình đeo đuổi đấu tranh thì đến thời điểm này đã ngả ngũ về mặt quan điểm. Ông khẳng định phía luật sư sẽ có ý kiến bằng văn bản gửi lên cơ quan tư pháp và trung ương Bắc Giang tiến hành việc minh oan, xin lỗi và bồi thương.

“Để cho những nỗi oan ức của cả gia đình dòng họ người ta vơi bớt đi những nỗi thiệt thòi. Mình phải yêu cầu phải xin lỗi, minh oan, chịu trách nhiệm cầu thị, phải cẩn trọng và thật nghiêm túc việc minh oan ở đâu, cho bà con lối xóm tham dự, ban ngành tham dự, truyền thông báo chí”

Ông Hàn Đức Long 57 tuổi từng 4 lần bị các tòa ở Việt Nam tuyên án tử hình với các cáo buộc giết người, hiếp dâm trẻ em.

Ông Hàn Đức Long bị công an bắt tại Bắc Giang vào năm 2005 khi ở địa phương xảy ra vụ một cháu gái mất tích và sau phát hiện chết với khả năng có thể là bị hiếp dâm. Ông bị bắt sau hơn 4 tháng cơ quan điều tra không tìm ra được hung thủ và nhận được tố cáo của hàng xóm ông Long về chuyện từng bị ông này hiếp dâm.

Tòa án tỉnh Bắc Giang xử sơ thẩm tuyên án tử hình đối với ông Hàn Đức Long. Tòa án Tối cao ý án sơ thẩm. Sau đó Hội đồng Giám đốc thẩm tòa án tối cao quyết định hủy hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm để điều tra lại từ đầu.

Đến năm 2011, tòa án tỉnh Bắc Giang tiến hành xử sơ thẩm lần thứ hai, rồi tòa án tối cao xử phúc thẩm lần 2. Hai phiên xử vẫn tuyên án tử hình đối với ông Hàn Đức Long.

Đến năm 2014, Hội đồng giám đốc thẩm Tòa án Tối cao của Việt Nam lại quyết định hủy hai án sơ thẩm và phúc thẩm đã xét xử ông Hàn Đức Long. Sau hai năm điều tra lại, vụ án này được đình chỉ.

Hiện có hai tử tù mà gia đình đang kêu oan thu hút chú ý của dư luận là Hồ Duy Hải ở Long An và Nguyễn Văn Chưởng ở Hải Phòng. - RFA

No comments:

Post a Comment