Friday, December 2, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Sáu 2/12

Tin Thế Giới


1.

Tổng thống Pháp Hollande thông báo không tái ứng cử


Trong một bài phát biểu long trọng được truyền hình trực tiếp tối hôm qua, 01/12/2016, tổng thống Pháp François Hollande thông báo không ra tái tranh cử cho nhiệm kỳ thứ hai trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2017, vì muốn tránh cho cánh tả bị thảm bại trước cánh hữu và phe cực hữu.


Sau khi nêu lên những thành quả mà ông đã đạt được, cũng như những thất bại trong nhiệm kỳ của ông, tổng thống Hollande, thuộc đảng Xã hội, cánh tả, tuyên bố : « Tôi ý thức về những nguy cơ mà hành động của tôi sẽ gây ra, một hành động sẽ không tập hợp rộng rãi được. Cho nên tôi đã quyết định sẽ không ứng cử tổng thống ».


Ông Hollande, 62 tuổi, như vậy là tổng thống đầu tiên ở Pháp tính từ năm 1958 không ra tranh cử cho nhiệm kỳ hai (ngoại trừ tổng thống George Pompidou, qua đời khi đang tại chức vào năm 1974).


Trước khi loan báo quyết định không ra tái tranh cử tổng thống, ông Hollande đã chỉ trích cánh hữu đang muốn phá hỏng mô hình xã hội Pháp, đồng thời ông cảnh báo dân Pháp về nguy cơ cánh cực hữu lên nắm quyền.


Đắc cử vào năm 2012 trước đối thủ cánh hữu Nicolas Sarkozy, uy tín của tổng thống Hollande nay đã rơi xuống đến mức rất thấp : chỉ có 13% dân còn tín nhiệm ông. Kết quả các cuộc thăm dò cho thấy là ông Hollande có rất ít khả năng tái đắc cử, vì chỉ có chưa tới 10% cử tri cho biết sẽ bỏ phiếu cho ông ở vòng đầu bầu cử tổng thống. Trong những tháng gần đây, tổng thống Hollande gặp sự chống đối ngày càng mạnh từ chính trong phe của ông, đặc biệt là sự chống đối dự luật lao động vào đầu năm 2016, mà đã khiến hàng ngàn người xuống đường biểu tình phản đối.


Cuốn sách được xuất bản tháng 10 vừa qua, ghi lại những lời thổ lộ của tổng thống Hollande với hai phóng viên, khiến ngay cả những người ủng hộ ông hết mình nhất vừa bàng hoàng, vừa thất vọng. Trong cuốn sách này, ông Hollande đã chê bai ngay cả những người thân cận nhất.


Trong nhiệm kỳ của tổng thống Hollande, nước Pháp đã đưa quân can thiệp vào nhiều nơi ( Mali, Trung Phi, Irak, Syria ), nhưng nước Pháp cũng đã hứng chịu các vụ khủng bố tàn khốc nhất từ trước đến nay, khiến tổng cộng 238 người thiệt mạng : tấn công tòa soạn Charlie Hebdo tháng 01/2015, tấn công ở Paris và Saint-Denis tháng 11 năm ngoái, ở Nice ngày 14/07 năm nay. - RFI

|

|


2.

Biểu tình lớn chống Thống đốc Jakarta


Ít nhất 200.000 người Hồi giáo tụ tập cầu nguyện và phản đối thống đốc Jakarta.


Basuki Tjahaja Purnama, thường hay được gọi là "Ahok", bị buộc tội xúc phạm Hồi giáo trong chiến dịch vận động bầu cử.


Hôm thứ Tư, giới công tố Indonesia xác nhận vụ việc của ông có thể phải ra tòa.


Ông Purnama là người theo Thiên Chúa giáo và có gốc Trung Quốc.


Người sắc dân Trung Quốc chiếm khoảng 1% trong tổng số 250 triệu dân tại Indonesia, nơi đa số theo Hồi giáo.


Trong một động thái bất ngờ, Tổng thống Joko Widodo, một đồng minh chính trị của ông Purnama, xuất hiện trước đám đông và lắng nghe bài giảng từ một trong những người chỉ trích chính mình gay gắt là ông Rizieq Shihab, lãnh đạo Mặt trận Phòng vệ Hồi giáo (FPI). 


Trước cuộc biểu tình, cảnh sát thông báo rằng họ đã bắt giữ tám người bị tình nghi phản quốc. Nhóm này bao gồm các em gái của cựu Tổng thống Megawati Sukarnoputri và nhạc sĩ Ahmad Dhani.


Ông Widodo đã đổ lỗi cho những nhân vật dàn dựng màn diễn chính trị nhằm tận dụng việc tranh cãi liên quan tới ông Purnama để gây bất ổn cho chính phủ của ông.


Phóng viên BBC Ging Ginanjar, có mặt tại cuộc biểu tình, nói bên tổ chức biểu tình nói với cảnh sát sự kiện sẽ chỉ là một bài giảng trước công chúng và cầu nguyện nhưng nhiều người tham dự mang theo biểu ngữ lên án thống đốc Jakarta và kêu gọi bỏ tù ông.


Hồi đầu tháng, ít nhất 100.000 người đã tham dự cuộc biểu tình phản đối do một nhóm Hồi giáo theo đường lối cứng rắn tại Jakarta tổ chức, nhằm đòi ông phải từ chức và bị truy tố.


Tuy nhiên, ông Purnama vẫn rất được lòng nhiều người do có quan điểm cứng rắn chống tham nhũng và các chính sách cải tổ của ông.


Ông được bổ nhiệm làm thống đốc Jakarta sau khi người tiền nhiêm, Joko Widodo, trở thành tổng thống.


Năm 1988, một làn sóng bài Hoa đã khiến xảy ra tình trạng cướp bóc, đốt phá các cửa hàng, nhà ở của người Hoa tại đây. - BBC

|

|


3.

Thái tử Maha Vajiralongkorn thành tân vương Thái Lan


Thái tử Maha Vajiralongkorn thành tân vương Thái Lan, 50 ngày sau khi cha ông là Quốc vương Bhumibol Adulyadej qua đời.


Người đứng đầu Hội đồng Lập pháp Quốc gia vừa thông báo Thái tử đã chấp thuận lên ngôi.


Ông trở thành Quốc vương Vajiralongkorn, hay Vua Rama X - vị vua thứ 10 của Triều đại Chakri.


Quốc vương Bhumibol, nhà vua trị vì lâu năm nhất thế giới, từ trần hôm 13/10. Chính phủ Thái Lan đã ban bố quốc tang kéo dài một năm.


Maha Vajiralongkorn, 64 tuổi, được phong thái tử thừa kế ngai vàng từ năm 1972. 


Cố quốc vương từng được xem như nền tảng ổn định trong cả bảy thập niên đầy biến động chính trị ở Thái Lan.


Con trai của ông dường như chưa được người dân tôn kính mức độ như vậy và dành nhiều thời gian ở nước ngoài.


Thái tử được trông đợi trở thành quốc vương vào ngày hôm sau khi cha ông mất thế nhưng ông nói chưa muốn lên ngôi vì muốn dành thời gian để tang cha.


Việc ông lên ngôi sẽ chấm dứt thời kỳ nhiếp chính của Chủ tịch Viện Cơ mật, cựu tướng Prem Tinsulanonda.


Hoàng gia Thái Lan được bảo hộ bởi Luật lese-majeste chống khi quân áp dụng với cả báo chí quốc tế.


Đa số người Thái không biết nhiều về thái tử.


Trong những năm gần đây, ông đã cố gắng tìm cách cải thiện hình ảnh của mình.


Lễ tấn phong quốc vương sẽ được tổ chức sau lễ hỏa thiêu thi hài Vua Bhumibol vào năm 2017. 


Bản thân Quốc vương Bhumibol cũng phải đợi bốn năm sau khi anh trai của ông là Quốc vương Ananda Mahidol tử nạn vì đạn súng trong bối cảnh khá huyền bí mới tấn phong. - BBC

|

|


Tin Hoa Kỳ


4.

Ông Trump hứa đoàn kết đất nước trong cuộc mít tinh ở Ohio --- Ông Trump và lễ nhậm chức triệu đô --- Ông Trump chọn Tướng James Mattis làm Bộ trưởng Quốc phòng --- Hành trình tạ ơn của Tổng thống tân cử Mỹ --- Tài sản của Tổng thống tân cử Donald Trump


Tổng thống tân cử Donald Trump hôm thứ Năm 01/12, đã tạm ngưng công việc chuẩn bị cho tiến trình chuyển tiếp để đến gặp cử tri tại một cuộc mít tinh ở thành phố Cincinnati, bang Ohio. Hàng ngàn người đã đến dự, trong không khí giống như các cuộc tập họp chính trị trong chiến dịch vận động tranh cử. Đây là cuộc tập họp đầu tiên trong một loạt cuộc mít tinh sẽ được thực hiện trên toàn quốc để ông Trump cám ơn cử tri đã ủng hộ ông và tái khẳng định những gì ông đã hứa với họ. Nhưng theo tường trình từ Cincinnati của thông tín viên Greg Flakus của đài VOA, thì ông Trump cũng thừa nhận rằng chiến thắng của ông đã gây chia rẽ trong dân chúng Mỹ, và tác động của tình trạng chia rẽ đó trong những ngày sắp tới. 


Mặc dù đã đắc cử và chiến dịch vận động tranh cử đã kết thúc, Tổng thống tân cử Donald Trump một lần nữa đã đến gặp những người ủng hộ để bảo đảm với họ là ông sẽ hoàn thành những gì đã hứa hẹn. Ông nói:


"Chúng tôi sẽ dẹp bỏ những sự lạm dụng trong ngành thương mại đã phương hại tới khả năng cạnh tranh của quý vị và của các doanh nghiệp của quý vị. Thời đó đã chấm dứt."


Cuộc mít tinh được tổ chức tiếp theo sau quyết định của công ty Carrier, không chuyển khoảng 1.000 việc làm từ một nhà máy của công ty này ở Mỹ sang Mexico sau khi ông Trump gặp gỡ các lãnh đạo của công ty.


Bước hành động đó của ông Trump được sự tán dương của giới cử tri đã ủng hộ ông, như cô Heidi Morris:


"Ông Trump có kỹ năng và kinh nghiệm của một doanh nhân khi ông ngồi vào thương thảo với những người có đầu óc kinh doanh để đi đến hợp đồng làm ăn. Ông Trump biết ông cần nói gì và làm gì để biến những dự định thành hiện thực."


Nhưng một nhóm mấy mươi người đã tụ tập bên ngoài địa điểm mít tinh để phản ảnh quan điểm của phân nửa dân số Mỹ không có quan điểm tốt đẹp về ông Trump như vậy. Nhiều người lo sợ không biết chuyện gì sẽ xảy ra sau khi ông chính thức lên nhậm chức vào tháng Giêng tới.


Tại cuộc mít tinh, ông Trump nhắc đến những bất đồng sâu sắc đó và nhu cầu phải hàn gắn chia rẽ:


"Chúng ta sẽ đoàn kết đất nước, sẽ mang tất cả mọi người lại với nhau. Chúng ta sẽ tìm một tiếng nói chung và chúng ta sẽ thực hiện mục tiêu của chúng ta."


Những người ủng hộ ông Trump, như bà Irene McNulty, tin rằng ông sẽ làm được điều đó: 


"Ông Trump không quên chúng tôi. Thường thì một khi đã thắng cử thì chúng tôi chẳng bao giờ gặp lại họ nữa, nhưng ông Trump đã quay trở lại để cám ơn chúng tôi." 


Nhưng những người phản đối, như bà Winnie Boal, có quan điểm hoàn toàn khác:


"Ông ấy có khả năng tập trung ngắn. Chắc ông ấy chán ngán với công việc chuyển giao chính phủ nên muốn đi ra ngoài để được nghe lời tán dương của những người ủng hộ ông."


Quả vậy không thiếu những lời lẽ bày tỏ sự ngưỡng mộ và tán dương ông ở cuộc mít tinh, nơi ông loan báo quyết định chọn Tướng Thủy quân Lục chiến hồi hưu James “Mad Dog” Mattis làm bộ trưởng quốc phòng.


Mặc dù cuộc mít tính có không khí giống như một cuộc vận động tranh cử, nhiều người ủng hộ ông Trump nói rằng đối với họ, đây cũng là một lời kêu gọi để họ giúp sức hầu có thể hoàn thành nghị trình táo bạo đã thôi thúc họ ủng hộ ông trong cuộc bầu cử vừa rồi. - VOA


***

Có nhiều thứ trong lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Donald Trump có thể mua được bằng rất nhiều tiền. Ví dụ như một bữa trưa “độc quyền” với những người được bổ nhiệm vào nội các, một bữa tối “riêng tư” với Phó Tổng thống đắc cử Mike Pence và phu nhân, hay một “bữa trưa quý cô” với các thành viên nữ trong đệ nhất gia đình Trump.


Theo The New York Times, đó là những “đặc quyền” mà các nhà tài trợ lớn sẽ được hưởng khi mở hầu bao chi từ 25 ngàn đến 1 triệu đôla đóng góp cho các sự kiện xung quanh lễ tuyên thệ nhậm chức của ông Trump.


Nhóm của ông Trump hy vọng sẽ lập lỷ lục với số tiền quyên góp khoảng 65-75 triệu đôla vào cuối tháng Giêng để tài trợ cho một danh sách các sự kiện từ ngày 17-21/1 cho hàng triệu khách du lịch đổ về thủ đô Washington.


Đại úy James Van Thach, người mang hai dòng máu Việt-Mỹ, từng phục vụ trong quân đội Hoa Kỳ, cho biết qua email rằng hiện anh không thể tham dự lễ nhậm chức của tân Tổng thống vì đang làm tình nguyện viên cố vấn phòng chống tự tử cho Cựu chiến binh và dân thường cũng như dạy lịch sử Chiến tranh Việt Nam và Quân đội Hoa Kỳ. Tuy nhiên, đại úy James Van Thach cho biết, nếu được cung cấp một vé VIP cùng chi phí đi lại, anh cũng muốn tham dự.


Tổng cộng có 20 lựa chọn chia thành 5 gói vé khác nhau dao động từ 25 ngàn đến trên 1 triệu đôla. Với khoản tiền quyên góp từ 25-99 ngàn đôla sẽ bao gồm 2 vé tham dự lễ tuyên thệ của tân Tổng thống. Và với khoản tiền từ 1 triệu đôla trở lên, người đóng góp sẽ có 8 vé VIP tham dự lễ diễu hành nhậm chức, hòa nhạc và pháo hoa, khiêu vũ và lễ tiếp đón “tràn ngập hoạt động giải trí” cùng nhiều hoạt động khác.


Những nhà tài trợ sẵn sàng chi bạo với khoản tiền lên đến một triệu đôla được quyền tiếp cận một số trong những người giàu nhất nước Mỹ, các tập đoàn quyền lực và cơ hội gặp ông Trump và những người thân tín trong thời gian chuyển giao quyền lực.


Đại úy Van Thach cho biết, anh trông đợi vào tính dân chủ trong thời kỳ chuyển giao quyền lực nhằm mang tới sự thành công của đất nước trong tương lai, và rất vui vì các phe phái chính trị đang nỗ lực để mang lại điều đó.


Cựu quân nhân gốc Việt trích phát biểu của Tổng thống Obama đã nói trong cuộc gặp đầu tiên với Tổng thống đắc cử Donald Trump rằng, chúng ta sẽ giúp ông Trump trong quá trình chuyển giao bởi vì thành công của ông ấy chính là thành công của chúng ta, của quốc gia.


Trước nhiệm kỳ Tổng thống mới, Đại úy Van Thach hy vọng vào việc cải thiện mối quan hệ Việt-Mỹ. Anh viết: “Là một người gốc Việt, tất nhiên tương lai của mối quan hệ giữa chính phủ Hoa Kỳ và Việt Nam là quan trọng bởi vì các chính phủ cần tập trung vào “mục tiêu” có thể đạt được, bởi vì chúng ta còn nợ điều đó với tất cả các Cựu chiến binh đã hy sinh mạng sống của họ trong chiến tranh. Bên cạnh chính trị, chúng ta có thể tập trung vào vấn đề con người. Chúng ta có thể đồng ý rằng cuộc sống là không hoàn hảo nhưng tập trung vào những gì chúng ta có thể làm để cải thiện nền tảng tình hình hiện tại mà cả hai bên có thể thỏa hiệp và cùng giữ lời hứa.”


Lễ nhậm chức của tân Tổng thống sẽ diễn ra vào lúc 12 giờ trưa ngày 20/1. Trong trường hợp ngày 20 rơi vào cuối tuần thì lễ nhậm chức sẽ diễn ra vào ngày thứ Hai của tuần kế tiếp.


Sau lễ tuyên thệ, tân Tổng thống sẽ có bài diễn văn kéo dài khoảng 20 phút với những tuyên bố về chính sách. Sau đó là lễ diễu hành nhậm chức và tân Tổng thống chính thức chuyển vào Tòa Bạch Ốc. - VOA


***

Truyền thông Mỹ loan tin Tổng thống mới đắc cử Donald Trump đã chọn Tướng Thủy quân lục chiến hồi hưu James Mattis làm Bộ trưởng Quốc phòng, nhưng để ông Mattis có thể đảm nhận công việc, cần một sự thay đổi trong luật liên bang.


Ông Trump dự kiến sẽ chính thức loan báo đề cử của mình vào tuần tới.


Tướng Mattis, người có biệt danh "Mad Dog" vì những bình luận thích chuyện ‘binh đao’, là Tư lệnh Thủy quân lục chiến trong các cuộc chiến tranh ở Afghanistan và Iraq.


Một cựu quan chức cấp cao của Ngũ Giác Đài nói với The Washington Post rằng ông Mattis là một nhân vật rất được tôn trọng.


Nhưng nếu ông Mattis được Thượng viện Hoa Kỳ chuẩn thuận, Quốc hội sẽ phải bỏ qua một đạo luật yêu cầu các Bộ trưởng Quốc phòng phải là những người đã hồi hưu không hoạt động quân ngũ trong ít nhất là 7 năm.


Ông Mattis mới nghỉ hưu vào năm 2013. - VOA


***

Tổng thống tân cử Mỹ Donald Trump hôm thứ Năm khởi sự một hành trình để gọi là cảm ơn cử tri, bằng một cuộc tập hợp ở thành phố Cincinnati, bang Ohio, tương tự như các cuộc tập hợp chính trị trong chiến dịch vận động tranh cử của ông.


Vài giờ sau khi rời Ohio, ông sẽ xuất hiện ở bang Indiana để nêu bật một thoả thuận đạt được với công ty sản xuất máy điều hoà không khí Carrier, hầu duy trì 1.000 việc làm cho tiểu bang này.


Theo lịch trình tại Indiana, ông cùng Phó Tổng thống tân cử Mike Pence sẽ đến thăm nhà máy của công ty Carrier ở Indiannapolis, và tại đây sẽ ra loan báo chính thức về thoả thuận với công ty Carrier để họ giữ việc làm lại tại tiểu bang miền trung-tây này, thay vì dời sản xuất sang Mexico.


Một thành viên thuộc uỷ ban chuyển tiếp của ông Trump, ông Anthony Scaramucci, nói đây là một ví dụ thực tiễn về các chính sách kinh tế của Tổng thống tân cử Donald Trump:


“Nếu chúng ta giữ được 1000 việc làm cho công ty Carrier ở bang Indiana, thì coi như chúng ta đã tăng cường thay vì giảm thiểu lực lượng công nhân viên chức đóng thuế cho chính phủ. Thế cho nên ý kiến ở đây là dùng chính sách thuế để kiền tạo thêm việc làm cho giới trung lưu, và tăng lương bổng cho thành phần lao đông.”


Công ty Carrier, một đơn vị của tập đoàn công nghệ United Technologies, trước đó trong năm cho biết sẽ dời các hoạt động sản xuất tại Indiana để giảm chi phí hoạt động.


Hôm qua, thứ Tư 30/11 tập đoàn này ra thông báo cho biết là các yếu tố đã khiến họ thay đổi ý định và duy trì các hoạt động ở Indiana là những biện pháp khích lệ và lời hứa của tân chính phủ Mỹ do ông Trump lãnh đạo, cam kết sẽ “tạo ra một môi trường cạnh tranh hơn cho các doanh nghiệp nội địa.”


Bà Meredith McGehee, nhà phân tích chính sách của nhóm Issue One, một tổ chức phi chính phủ, nhận định rằng quyết định của công ty Carrier là một tin vui, nhưng nêu lên những nghi vấn về ảnh hưởng của quyền lực và tiền bạc đối với chính sách công. Bà nói:


“Những gì xảy ra với công ty Carrier là một ví dụ điển hình về quyền lực vô song của vị trí Tổng thống, và nó chứng tỏ tính cách đặc biệt của diển tiến này và vì sao những vấn đề về xung đột lợi ích lại quan trọng đến như vậy.”


Cả công ty Carrier lẫn ông Trump không cho biết chi tiết về các biện pháp khích lệ, hay những đe doạ có thể được dùng để áp lực công ty Carrier thay đổi ý định, hoặc liệu tập đoàn mẹ United Technologies có sẽ chuyển một số việc làm từ một nhà máy khác ở Indianapolis sang Mexico hay không.


Ông Trump có thể ở trong vị thế có thể tăng sức ép với tập đoàn United Technologies, vốn sở hữu một công ty cung cấp động cơ máy bay phản lực và một phần phải lệ thuộc vào các hợp đồng ký với quân đội Mỹ.


Thoả thuận với Carrier là một thắng lợi đối với ông Trump, trong chiến dịch tranh cử, ông thường xuyên hứa hẹn sẽ ngăn cản các công ty dời sản xuất ra nước ngoài để khai thác lao động giá rẻ, và mang về nước những công việc đã bị xuất khẩu trước đây, bằng cách áp dụng các sắc thuế cao hơn đánh trên các sản phẩm sản xuất ở nước ngoài được mang ra bán trên các thị trường nội địa.  - VOA


***

Không lâu sau khi ông Donald Trump đắc cử tổng thống, giới phân tích bắt đầu soi mói 20 dự án mà ông Trump nói thuộc quyền sở hữu của ông ở ngoài nước Mỹ. Nhiều người đặt nghi vấn về những xung đột lợi ích đối với nhà lãnh đạo của thế giới tự do. Ông Trump trước đó loan báo trên Twitter rằng vào cuối tháng này, ông sẽ loan báo kế hoạch để giữ một khoảng cách với các hoạt động doanh thương của mình. Tập đoàn mang tên ông mới đây đã gởi thông báo cho VOA về vấn đề này. Thông tín viên Carolyn Presutti của VOA tường trình về một số vấn đề liên quan tới các hoạt động kinh doanh của Tổng thống tân cử Mỹ. 


Đa số người Mỹ công nhận rằng từ trước tới nay chưa bao giờ có một tổng thống tân cử nào giống ông Donald Trump.


Tỷ phú địa ốc Trump từng phát biểu: " Không một ai biết tôi sở hữu những gì."


Nhưng chúng ta có thể suy đoán một vài điều từ những số liệu trong hồ sơ kê khai tài chánh dài 104 trang của ông Trump.


Theo quy định, các ứng cử viên tổng thống phải nộp hồ sơ tài chánh cá nhân trong thời gian vận động tranh cử. Nhưng có một kẽ hở pháp luật cho phép tổng thống tân cử hoãn nộp hồ sơ cập nhật tới năm 2018. Và trong tình hình ông Trump không công bố hồ sơ khai thuế cá nhân, các thông tin này chỉ có tính cách khái quát. 


Các hoạt động kinh doanh của ông Trump trải rộng từ Cộng hòa Dominica sang Ấn Ðộ, cho tới Indonesia và xa hơn nữa.


Đối với một tỉ phú bất động sản thành công thì đó không phải là một vấn đề. Nhưng tình huống này trở nên phức tạp khi ông Trump trở thành tổng thống tân cử của Mỹ.


Ông Ken Gross, chuyên tư vấn cho các nhà làm chính trị về các vấn đề đạo đức, nhận xét:


"Để xây dựng những dự án địa ốc của ông, ông Trump cần xin giấp phép và làm các thủ tục khác để xây cho to hơn, đẹp hơn. Vấn đề bây giờ trở nên rắc rối vì những liên hệ giây mơ rễ má với chính quyền sở tại."


Ông Trump hứa sẽ tránh những xung đột về lợi ích, nhưng bằng cách nào thì hiện vẫn chưa rõ, dựa tren hồ sơ mà Tập đoàn Trump gởi cho VOA.


Một đại diện của tập đoàn Trump cho biết:


"Chúng tôi đang trong tiến trình tái cơ cấu hướng tới mục tiêu chuyển quyền quản lý của Tập đoàn Trump và hồ sơ đầu tư sang cho Donald Jr., Ivanka và Eric Trump cùng với một êkip quản lý kinh doanh tài giỏi. Đây là ưu tiên hàng đầu của tập đoàn Trump. Chúng tôi đảm bảo giải pháp được chọn lựa để tái cơ cấu doanh nghiệp sẽ phù hợp với các luật lệ và quy định hiện hành.”


Ông Trump viết trên Twitter rằng vào ngày 15 tháng 12, ông và những người con của ông sẽ công bố kế hoạch để ông hoàn toàn rút ra khỏi các hoạt động kinh doanh. 


Giáo sư James Thurber của Đại học American nhận xét rằng làm như vậy vẫn chưa đủ.


"Nếu là quan chức cao cấp nhất có trách nhiệm về mặt đạo đức, tôi sẽ rút tất cả mọi thành viên trong gia đình tôi ra khỏi doanh nghiệp của mình. Tôi sẽ lập ra một hội đồng quản trị mới không có người nhà trong đó để điều hành các bất động sản của tập đoàn Trump và các tổ chức khác trên thế giới."


Hồ sơ kê khai tài chánh của ông Trump cho thấy tập đoàn Trump thu về 2,8 triệu đôla ở Azerbaijan trong hai năm qua liên quan tới một khách sạn ở Baku- một toà cao ốc 33 tầng chưa chính thức khánh thành.


Những bức ảnh chụp ái nữ của ông Trump, cô Ivanka đang giám sát công trình xây dựng, nhưng khách sạn này là do con rể của bộ trưởng giao thông Azerbaijan đứng tên chủ sở hữu.


Giáo sư James Thurber nhận xét: "Giới lãnh đạo Azerbaijan bị đánh giá là tham nhũng, dù theo bất cứ tiêu chuẩn nào. Nếu làm ăn với các nước tham nhũng thì một ngày nào đó chúng ta cũng dính dáng vào tham nhũng."


Tập đoàn Trump còn cho biết họ có kế hoạch xây dựng tới 30 khách sạn ở Trung Quốc, trong khi tài sản lớn nhất của tập đoàn, ở Manhattan -được tài trợ một phần bởi Ngân hàng Trung Quốc của nhà nước Trung Quốc.


Một số nhà phân tích nêu nghi vấn khi ông đàm phán với Trung Quốc, liệu nhân vật đó là “doanh gia Trump” hay “Tổng thống Trump”?


Hiến pháp Mỹ quy định không một nhân viên công cử tại nhiệm nào được nhận tiền từ một chính phủ nước ngoài.


Đây là lần đầu tiên một doanh gia cầm đầu một cơ ngơi địa ốc rộng lớn như vậy được bầu vào làm chủ Tòa Bạch Ốc. Mặc dù tình huống này đặt ra nhiều thách thức, nhưng một số người cho rằng Tổng thống tân cử Donald Trump với bề dày kinh nghiệm của một doanh gia, sẽ là điều có lợi cho đất nước. - VOA

|

|


5.

Tư lệnh tuần duyên Mỹ muốn giúp Việt Nam


Tư lệnh tuần duyên Hoa Kỳ, Đô đốc Paul Zukunft, mới tuyên bố rằng lực lượng do ông lãnh đạo có thể giúp Việt Nam cũng như các nước Đông Nam Á khác “phát triển năng lực” trên biển.


Phát biểu tại viện nghiên cứu Brookings ở thủ đô Washington, ông Zukunft nói rằng tuần duyên Mỹ có thể đóng vai trò lớn hơn ngoài biên giới Mỹ.


Vị tư lệnh này cho biết đang nhắm tới vai trò duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực biển Đông và biển Hoa Đông dưới chính quyền sắp tới của Tổng thống đắc cử Donald Trump.


Ông Zukunft nói thêm rằng nếu tân chính quyền ủng hộ ý tưởng này, thì lực lượng tuần duyên Mỹ “cũng có thể giúp Việt Nam, Indonesia và các quốc gia Đông Nam Á khác phát triển năng lực thực thi luật pháp hàng hải, và giúp đỡ duy trì hòa bình, và an ninh tại các vùng biển lân cận”.


Năm 2014, người tiền nhiệm của ông Zukunft, Đô đốc Bob Papp nói với VOA Việt Ngữ rằng một sĩ quan của lực lượng tuần duyên Mỹ sẽ được cử tới làm việc tại đại sứ quán của Hoa Kỳ tại thủ đô Hà Nội.


Trước đó, ông Papp trở thành tư lệnh lực lượng tuần duyên Mỹ đầu tiên tới thăm Việt Nam trong nỗ lực củng cố hợp tác với các lực lượng tuần duyên trên thế giới.


Vị đô đốc sau đó được báo chí trích lời nói rằng “tăng cường mối quan hệ đối tác với các lực lượng quản lý lãnh hải như cảnh sát biển Việt Nam là điều quan trọng nhằm cải thiện an ninh khu vực”.


Hợp tác trong lĩnh vực hàng hải là một trong lĩnh vực chính mà Hoa Kỳ và Việt Nam tăng cường thời gian qua. Ông Puneet Talwar, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề quân sự và chính trị, năm ngoái nói với VOA Việt Ngữ rằng an ninh biển, nhất là vấn đề tự do hàng hải, là một trong các vấn đề quan trọng trong cuộc đối thoại thường niên Việt – Mỹ.


Trong chuyến công du đầu tiên tới Việt Nam trên cương vị Ngoại trưởng Mỹ năm 2013, ông John Kerry thông báo rằng Hoa Kỳ hỗ trợ cho Việt Nam một khoản trị giá 18 triệu đôla cũng như giúp huấn luyện và cấp 5 tàu tuần duyên cho Việt Nam.


Hà Nội thời gian qua đã có những bước đi tăng cường lực lượng tuần duyên như trang bị nhiều tàu tuần tra hiện đại cho lực lượng cảnh sát biển.


Ngoài ra, Việt Nam đã quyết định đổi tên Cục Cảnh sát biển thành Bộ tư lệnh cảnh sát biển. Ngoài Mỹ, Việt Nam cũng tăng cường hợp tác với các lực lượng tuần duyên khác như Nhật Bản. - VOA

|

|


Tin Việt Nam


6.

Việt Nam nên cảnh báo về vốn vay dễ nhưng nguy hiểm của Trung Quốc


Các chuyên gia cảnh báo về sức cám dỗ của nguồn vốn rất dễ tiếp cận của Trung Quốc nhất là đối với những nước mới nổi lên để có mức thu nhập trung bình như Việt Nam.


Các chuyên gia kinh tế và tài chính tham gia một hội thảo tổ chức hôm 29/11 về đánh giá tác động của vốn vay Trung Quốc, kêu gọi chính phủ phải thận trọng khi cân nhắc các khoản vay từ Trung Quốc vì chúng có những tác động xấu tới xã hội và môi trường.


Truyền thông trong nước đưa tin về hội thảo dẫn lời các nhà chuyên môn nói rằng vốn vay của Trung Quốc được đánh giá là dễ tiếp cận bởi các ràng buộc về môi trường, lợi ích dân quyền trong chính sách vay vốn không chặt chẽ, tuy nhiên họ cảnh báo tình trạng đó có thể đưa đến những hậu quả ghê gớm. 


Giám đốc Chương trình Nghiên Cứu Trung Quốc của viện Nghiên Cứu Kinh Tế và Chính Sách Việt Nam (VEPR), tiến sĩ Phạm Sỹ Thành, được báo chí trích lời nói rằng: “Vốn Trung Quốc được coi là dễ chứ không phải là rẻ.”


Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, cũng có mặt tại cuộc hội thảo nhằm đánh giá tổng quan và đầy đủ về nguồn vốn vay ODA Trung Quốc, nhận định “khi vay vốn Trung Quốc thì gánh nặng nợ nần có khi sẽ lớn hơn cả khoản vay”. Bà Lan được báo chí trích lời đưa ra dẫn chứng bằng công trình đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông ở Hà Nội trong đó vốn vay ban đầu là 300 triệu USD nhưng hiện nay tổng số vốn vay là 900 triệu USD – “tăng gấp 3 lần vốn ban đầu mà vẫn chưa xong.”


Gần đây chính phủ đã có ý định vay 7.000 tỷ đồng để xây đường cao tốc Quảng Ninh. Bà Phạm chi Lan nói bà phản đối ý định này và khuyến nghị huy động vốn và trao những dự án như vậy cho các công ty Việt Nam đảm nhận.


Theo VietNamNet, do lo sợ những điều khoản ràng buộc về nhà thầu của Trung Quốc, chủ tịch tỉnh Quảng Ninh đã quyết định chọn nhà đầu tư trong nước xây cao tốc Vân Đồn-Móng Cái và không vay vốn của Trung Quốc.


Một đặc điểm khác của vốn vay từ Trung Quốc, theo tiến sĩ Phạm Sỹ Thành, là “tiền đi tới đâu thì người đi tới đó.”


Báo Đất Việt trích lời ông Thành nói trong nhiều dự án khai thác tài nguyên của Trung Quốc ở các nước châu Mỹ La Tinh, châu Phi và Đông Nam Á, Trung Quốc đều đưa nhiều lao động phổ thông vào các dự án. Ông Thành nói “điều này là cảnh báo to lớn đối với các nước đang và chậm phát triển, lạm dụng vốn Trung Quốc.”


Các dự án ở miền Trung Việt Nam, theo ông Thành, cũng cho thấy đặc điểm này của vốn vay từ Trung Quốc. Nhưng một chuyên gia kinh tế của Đại học Texas cho VOA biết, điều đó còn phụ thuộc vào sự quản lý lao động của nước sở tại:


"Câu chuyện trên thực tế tại sao nó lại xảy ra chuyện có nhiều công nhân Trung Quốc ở vùng này vùng kia như vậy thì tôi nghĩ là nó có những lý do khác. Trên nguyên tắc Việt Nam có thể sử dụng luật để giải quyết những trường hợp đấy. Vào Việt Nam thì phải có work permit - giấy phép lao động - chứ có phải anh muốn vào làm là vào được đâu. Quá trình xét duyệt work permit ở Việt Nam không đơn giản chút nào, rất là phức tạp. Tôi nghĩ mình đã bỏ lơ về mặt quản lý hay lý do gì đấy thôi chứ còn giấy phép không có lỗ hổng đâu."


Theo số liệu của Bộ Lao Động - Thương Binh và Xã Hội, phần nhiều trong số lượng lao động Trung Quốc được đưa sang Việt Nam không có giấy phép. Lượng lao động không có giấy phép trong các dự án ngành điện là hơn 1.000 trong tổng số hơn 1.700 người, trong ngành than khoáng sản là gần 1 nửa - hơn 700 trong tổng số hơn 1.900 và trong ngành dầu khí là gần 1/3 – hơn 500 trong tổng số hơn 1.700.


Theo trích lời của tiến sĩ Thành trên Người Lao Động, vốn vay của Trung Quốc chưa xử lý được vấn đề phát thải ô nhiễm, chống tham nhũng ngay từ chính sách quốc gia của họ, do đó cơ chế khá lỏng lẻo trong cho vay nên nhiều nước khát vốn dễ dàng dính bẫy với dòng vốn này.


Các sự cố môi trường gần đây ở Việt Nam như ô nhiễm môi trường biển tại Hà Tĩnh và sau đó là các cảnh báo từ nhiệt điện Vĩnh Tân đã làm dấy lên những tranh cãi về tác động từ những dự án công nghiệp từ dòng vốn của Trung Quốc.


Việt Nam đã vay khoảng hơn 600 triệu USD vốn ODA từ Trung Quốc và 50 triệu USD vốn không hoàn lại từ chính phủ này trong 23 năm qua. Hầu hết các khoản vay từ Trung Quốc vào các dự án nhiệt điện, hạ tầng đường sắt theo ghi nhận của Người Lao Động.


Theo Viện Nghiên Cứu Kinh Tế Trung Quốc thuộc VEPR, trong vài năm qua, Trung Quốc đã cho các nước trên toàn thế giới vay hơn 116 tỷ USD và nhiều nước phát triển đang bị hấp dẫn bởi các khoản vay dễ dãi này. Tiến sĩ Thành của viện nghiên cứu này nói: "Có thể nói Trung Quốc giống như gã khổng lồ sẵn sàng cung ứng tiền cho cả thế giới, lấp chỗ trống cho những quốc gia vừa đạt mức thu nhập trung bình không còn đủ điều kiện vay ưu đãi của các định chế tài chính khác nữa, trong đó có Việt Nam." - VOA

|

|


7.

Việt Nam dập tắt tin đồn đổi tiền


Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa lên tiếng phủ nhận thông tin cho rằng chính phủ sắp đổi tiền sau khi tin đồn này lan truyền trên mạng xã hội trong những ngày gần đây.


Truyền thông trong nước đưa tin về phản ứng hoang mang và lo sợ của người dân về những tin đồn đổi tiền mới khi họ đổ đi mua vàng và ngoại tệ.


Để trấn an dư luận, phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Túc được báo chí trích lời nói tại buổi họp báo Chính phủ ngày 29/11 tại Hà Nội, khẳng định tin đổi tiền là hoàn toàn thất thiệt và xã hội cần hết sức cảnh giác. Ông Tú nói thông tin sai lệch như vậy có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và đặc biệt đối với an ninh tiền tệ quốc gia.


Một chuyên gia kinh tế của Đại học Texas cũng nhận định không có cơ sở cho một cuộc đổi tiền vào lúc này:


"Nhìn về mọi mặt thì không có lý do gì mà người ta phải đổi tiền vào lúc này cả."


Sức hấp dẫn của nhiều kênh đầu tư như vàng và USD luôn rất lớn ở Việt Nam và đó chính là nơi xuất phát những tin đồn. Một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính ngân hàng được Infonet trích lời nói rằng “để tạo biến động, giới đầu cơ khôn ngoan có thể tung ra một số tin đồn thất thiệt để tạo lợi ích cho mình, đánh vào tâm lý yếu đuối của một bộ phận người dân để “thổi” cái mà họ định “thổi” và làm lợi cho một nhóm người nào đó.


Trong quá khứ đã nhiều lần có tin đồn đổi tiền ở Việt Nam và theo Infonet, những tin đồn đổi tiền xuất hiện trong vài năm gần đây phần lớn dựa trên một số sự kiện xảy ra trước đó. 


Khi ban soạn thảo Hiến Pháp đề xuất ý kiến đổi tên nước thành Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa vào năm 2013, tin đồn NHNN sẽ đổi tiền lan truyền, và trước đó 2 năm khi lạm phát bắt đầu leo thang và NHNN chính thức phá giá đồng Việt Nam thì thị trường cũng lan truyền thông tin sẽ đổi tiền và phát hành tờ 1 triệu đồng.


Việc NHNN Việt Nam đã thực hiện 1 số lần đổi tiền trước đây, theo chuyên gia kinh tế của Đại học Texas, là cơ sở cho những tin đồn hiện nay lan truyền:


"Bởi vì mình đã có chuyện đổi tiền trong quá khứ rồi thì bây giờ khi có tin đồn đấy người ta hay speculate, bàn tán."


Trước đây Việt Nam đã có 6 lần đổi tiền. Lần đầu tiên vào năm 1947, 2 năm sau khi nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa phát hành đồng tiền đầu tiên, và lần gần đây nhất là vào năm 1985 khi nhà nước công bố đổi tiền mới để phục vụ cuộc cách mạng về giá và lương.


Ấn Độ là nước mới đây nhất vừa tiến hành đổi tiền để điều chỉnh các vấn đề trong xã hội. Thủ tướng Narenda Modi bất ngờ tuyên bố hủy bỏ lưu hành các tờ tiền mệnh giá 500 và 1000 rupee hôm 8/11 để trấn áp tham nhũng.


Tâm lý lo sợ và đầu cơ tích trữ của người Việt cũng được thể hiện khi giá đô la tăng mạnh trong những tuần gần đây, bất chấp cảnh báo của Ngân hàng Nhà nước về tỷ giá trao đổi ngoại tệ trên thị trường.


Giải thích về việc xuất hiện các tin đồn như vậy ở Việt Nam, tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, một chuyên gia tài chính từng có thời gian làm ngân hàng ở Mỹ, nói với Infonet rằng trong nền kinh tế có độ mở ít, thông tin không thông thoáng và đầy đủ, cơ quan chức năng không đưa nhiều tin tức thì việc xuất hiện tin đồn là hiện tượng tất yếu.


Cũng theo chuyên gia này, việc các cơ quan lên tiếng để dập tắt tin đồn sau khi xuất hiện là điều cần thiết trước khi nó gây nên hậu quả xấu. - VOA

|

|


8.

Chưa dám đả hổ chỉ đập vài con ruồi


Hầu hết báo điện tử dòng chính ở Việt Nam đều đưa tin về sự kiện hàng loạt cán bộ bị kỷ luật vì dính tới quy trình bổ nhiệm ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang. Nhân vật này đã đào thoát sang Châu âu, ngay sau khi Đảng và Chính phủ khởi động điều tra và truy cứu trách nhiệm về vụ thất thoát hơn 3.300 tỷ đồng ở Tổng Công ty xây lắp dầu khí PVC, giai đoạn ông Trịnh Xuân Thanh là Chủ tịch Hội đồng Quản trị.


Chưa thấy trách nhiệm người đứng đầu


Dư luận từng cho rằng, ông Trịnh Xuân Thanh là khởi điểm của chiến dịch chống tham nhũng do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khởi xướng được gọi là chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” phiên bản Việt Nam.


Nhận định về sự kiện hai lãnh đạo Tỉnh ủy, một nguyên Phó ban Tổ chức Trung ương cùng 3 thứ trưởng Bộ Nội vụ bị Ban Kiểm tra Trung ương kỷ luật hoặc đề nghị Ban Bí thư xem xét xử lý, Luật sư Trần Quốc Thuận nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội từ Saigon phát biểu:


“Vấn đề quan trọng là kỳ này họ muốn bốc ra những người có trách nhiệm liên quan ở các cấp, nhưng mà vẫn chưa bốc lên đến cấp cao nhất… Bởi vì những danh hiệu như là anh hùng lao động hay là chuyện phê chuẩn phó chủ tịch tỉnh thì mấy ông tham mưu chỉ đề xuất thôi, chứ muốn thành được cái chức đó thì phải có người ký…Những người ký đó là ai thì kỳ này không thấy nêu ra mà chỉ nêu ra bộ phận tham mưu, bộ phận giúp việc, phê bình cũng lớn chức nhưng ở cấp Bộ, Ủy ban Trung ương nhưng cũng chỉ là cơ quan tham mưu thôi, chưa phải là cơ quan quyết định. Như vậy cơ quan quyết định là ai, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng chưa chỉ ra tận gốc.”


VnExpress, VietnamNet, Dân Trí điện tử cũng như các báo khác đã đưa tin chi tiết về nội dung kỳ họp thứ 8 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương diễn ra ở Hà Nội từ 28 đến 30/11. Trong đó có nội dung 8 điểm về xem xét, xử lý và đề nghị thi hành kỷ luật một số đảng viên và tổ chức đảng vì can dự vào việc đề bạt bổ nhiệm ông Trịnh Xuân Thanh vào chức vụ sau cùng là Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hậu Giang.


Trong thẩm quyền của mình, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cơ quan giữ cây roi kỷ luật của Đảng Cộng sản Việt Nam đã quyết định  thi hành kỷ luật 4 trường hợp. Bao gồm cảnh cáo ông Bùi Cao Tỉnh, nguyên Vụ trưởng, nguyên Trợ lý Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; khiển trách ông Trần Công Chánh, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang nhiệm kỳ 2015 -2020; khiển trách bà Trần Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng Ban thi đua – Khen thưởng Trung ương. Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng, các vi phạm, khuyết điểm của ông Trần Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nội vụ chưa đến mức phải thi hành kỷ luật. Yêu cầu Ban cán sự Đảng Bộ Nội vụ tổ chức kiểm điểm nghiêm túc, sâu sắc và có biện pháp khắc phục.


Ngoài ra Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Ban Bí thư cảnh cáo đối với ông Huỳnh Minh Chắc, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang nhiệm kỳ 2010-2015 và ông Trần Lưu Hải, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương. Một Thứ trưởng Nội vụ khác là ông Nguyễn Duy Thăng cũng bị đề nghị xem xét xử lý về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng.


Riêng tập thể Ban cán sự đảng Bộ Nội vụ nhiệm kỳ 2011-2016 phải tổ chức kiểm điểm nghiêm túc vì có liên quan tới việc thẩm định và đề nghị phê chuẩn chức danh Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hậu Giang cho ông Trịnh Xuân Thanh, cũng như  từng đề nghị khen thưởng cho Tổng Công ty cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) và cá nhân ông Trịnh Xuân Thanh.


Trả lời chúng tôi, ông Nguyễn Đăng Quang cựu đại tá ngành công an hiện nghỉ hưu ở Hà Nội trình bày ý kiến:


“Tôi cho rằng vụ Trịnh Xuân Thanh này không chỉ đơn thuần là nội hàm của riêng vụ này và qua vụ này còn nói lên nhiều vấn đề khác. Theo cảm nhận của tôi việc xử lý vụ này nói chung còn lúng túng còn chưa rõ ràng. Cứ đợi thêm một thời gian nữa xem hình thức kỷ luật đối với ông Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng như thế nào thì mới rõ hơn được.” 


Đối với dư luận cho rằng, chiến dịch chống tham nhũng và làm trong sạch Đảng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn chưa mang tính quyết liệt, Luật sư Trần Quốc Thuận nhắc lại vấn đề kỷ luật cựu Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng về nhiều vụ việc trong đó có vụ Trịnh Xuân Thanh. Nhưng dư luận nói nhiều về việc làm sao cách chức một người không còn chức vụ nào cả. Luật sư Trần Quốc Thuận nhấn mạnh:


“Phải truy tận gốc, truy tận nơi, truy trách nhiệm cao nhất. Tự nhiên đâu phải chuyện luân chuyển, chuyện cho chỉ tiêu Hậu Giang bầu ra phó chủ tịch…Nhà nước Việt Nam hay nói trách nhiệm người đứng đầu, như vậy người đứng đầu là ai. Trong sự việc này trách nhiệm người đứng đầu thế nào không thấy nói. Tôi nghe nói toàn cấp phó không thấy nói gì tới người đứng đầu, rồi sau khi bầu xong thì phê chuẩn, thì phải là bên Chính phủ, Thủ tướng phê chuẩn… như vậy chỗ đó được biết thế nào thì không thấy nói.”


Vụ Formosa: chưa lộ diện dê tế thần


Cùng thời gian với việc công bố kỷ luật 7 cán bộ lãnh đạo liên quan tới quy trình đề bạt bổ nhiệm ông Trịnh Xuân Thanh, từ một người chịu trách nhiệm cao nhất trong vụ bê bối ở Tổng Công ty cổ phần xây lắp dầu khí PVC trở thành Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang, hôm 30/11/2016  báo chí dòng chính ở Việt Nam còn được độc giả chú ý với thông tin liên quan tới Formosa Hà Tĩnh và trách nhiệm của ông Võ Kim Cự, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh. Ông Võ Kim Cự là người trực tiếp vận động và đưa dự án thép khổng lồ về Vũng Áng Hà Tĩnh. Hiện nay ông Võ Kim Cự là Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, đại biểu Quốc hội khóa 14 đương nhiệm.


Theo VnExpress, sáng 30/11/2016 trong dịp tiếp xúc cử tri thành phố Đà Nẵng, ông Đinh Thế Huynh Thường trực Ban Bí thư xác nhận là Ủy ban Kiểm tra Trung ương đang làm rõ trách nhiệm của ông Võ Kim Cự, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh trong thảm họa môi trường Formosa. Bên cạnh đó, Ban Cán sự Đảng và Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh cũng bị kiểm tra, đặc biệt là quá trình lắp đặt hệ thống xả thải của Formosa. Ông Đinh Thế Huynh cho biết sau khi kiểm tra xong sẽ có thông báo.


Cựu đại tá Công an Nguyễn Đăng Quang nêu nhận xét về trường hợp ông Võ Kim Cự và thảm họa môi trường Formosa. Ông nói:


“Tôi có theo dõi nghiên cứu thấy rằng ông Võ Kim Cự đã vi phạm nhiều điều, làm không đúng thẩm quyền, vi phạm nhiều quy định làm không đúng Luật Đầu tư nước ngoài của Việt Nam. Trong đó rõ nhất là khi chưa có quyết định của Chính phủ thì ông ấy đã có công văn chấp nhận cho Formosa thuê đất 70 năm, đó là vượt quyền, lộng quyền. Việc này Thanh tra Chính phủ đã có ý kiến rồi, nhưng cho đến giờ này ông ấy vẫn gọi là ‘nhâng nháo’ nói là mình làm đúng thẩm quyền.”


Đáp câu hỏi về khả năng kỷ luật ông Võ Kim Cự nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh, đặc biệt hiện nay ông đang là Đai biểu Quốc hội Khóa 14, Chủ tịch Liên Minh hợp tác xã Việt Nam. Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội từ Saigon nhận định:


“Việc kỷ luật Đảng thì cứ việc kỷ luật, còn ông ấy là đại biểu Quốc hội, nếu có truy cứu trách nhiệm hình sự thì người ta mới xem xét tới tư cách đại biểu Quốc hội. Kỷ luật Đảng thì không ảnh hưởng gì tới danh hiệu đại biểu Quốc hội. Nếu truy cứu trách nhiệm hình sự thì người ta phải đình chỉ nhiệm vụ đại biểu Quốc hội của ông đó đi, hoặc sai phạm nặng thì bãi miễn. Bây giờ kỷ luật Đảng mà nặng thì ngươi ta sẽ xem xét tư cách đại biểu Quốc hội của ông Võ Kim Cự, thí dụ kỷ luật Đảng đến mức khai trừ thì chắc chắn chức danh đại biểu Quốc hội sẽ không còn.”


Theo Luật sư Trần Quốc Thuận, dư luận hay nói tới một con dê tế thần trong vụ thảm họa môi trường Formosa. Nhưng theo ông hiện nay chưa thấy con dê tế thần đó ở đâu vì cần phải có chứng cứ rõ ràng. Vẫn theo lời cựu quan chức Quốc hội Việt Nam, đưa Formosa về Hà Tĩnh không phải là việc mà một mình ông Võ Kim Cự có thể làm được, ông ấy từng nói có các Bộ ngành ở Trung ương đồng ý và có phê duyệt của người đứng đầu Chính phủ. - RFA

No comments:

Post a Comment