Tuesday, December 6, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Ba 6/12

Tin Thế Giới


1.

Ông Trump bị báo TQ công kích vì biển Đông --- Báo chí Mỹ: Donald Trump cố tình khiêu khích Bắc Kinh --- Trung Quốc choáng váng vì Donald Trump --- Đài Loan: Lá bài địa chính trị của Trump đối với Trung Quốc?


Tổng thống tân cử của Hoa Kỳ, Donald Trump, mới bị truyền thông Trung Quốc chỉ trích sau khi lên tiếng về vấn đề biển Đông cũng như chính sách tiền tệ và thuế của quốc gia đông dân nhất thế giới. 


Trong bài bình luận đăng hôm 5/12, Hoàn cầu Thời báo trích lại đoạn ông Trump viết trên Twitter hôm 4/12: “Trung Quốc có hỏi chúng ta việc họ phá giá đồng nội tệ (khiến các công ty của Mỹ khó cạnh tranh), đánh thuế nặng các sản phẩm của chúng ta vào nước họ (Mỹ không đánh thuế họ) hay xây dựng một tổ hợp quân sự đồ sộ ở giữa Biển Đông? Tôi không nghĩ vậy”.


Tờ báo có tư tưởng dân tộc của Trung Quốc viết thêm rằng “chưa rõ là liệu ông Trump lên tiếng chống Trung Quốc là do bực mình vì bị mắng mỏ do điện đàm với lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn, hay đây là một bước đi khôn ngoan trong chính sách cân nhắc kỹ về Trung Quốc. Dẫu sao thì phản ứng của ông ta đầy bất ngờ”. 


Global Times nói thêm rằng trong chiến dịch tranh cử ông Trump “chưa bao giờ đề cập tới vấn đề Đài Loan, và cũng lờ luôn vấn đề biển Đông. Tuy nhiên, ông ta lại khuấy động rắc rối với Trung Quốc trước khi nhậm chức”.


Tờ báo viết thêm rằng “cho dù nguyên do đằng sau các phát biểu thái quá của ông Trump có là gì đi chăng nữa, dường như không thể tránh khỏi chuyện quan hệ Trung – Mỹ sẽ chứng kiến nhiều rắc rối hơn những người tiền nhiệm trong giai đoạn đầu ông ta ở Nhà Trắng”. 


Trong khi đó, nhà hoạt động trẻ Nguyễn Đình Hà nói với VOA Việt Ngữ rằng “việc ông Trump khẳng định lại vấn đề biển Đông trên Twitter “là một điều hiển nhiên”, vì “Mỹ có lợi ích quốc gia quan trọng” ở vùng biển tranh chấp này. Ông nói thêm rằng “người Việt có quyền hy vọng” vào hành động của Tổng thống đắc cử Mỹ trong thời gian tới.


Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị hôm 3/12 được trích lời nói rằng Bắc Kinh đã đánh bại “âm mưu” của một số quốc gia nhằm khuấy động bất ổn biển Đông, và việc quốc gia đông dân nhất thế giới xoay chuyển quan hệ với chính quyền của Tổng thống Philippines Duterte chứng minh cho điều đó. - VOA


***

Quan hệ giữa chính quyền mới tại Washington với Bắc Kinh có nguy cơ căng thẳng. Từ cuộc điện đàm với tổng thống Đài Loan cho đến việc tố cáo Trung Quốc « phá giá » đồng nhân dân tệ và quân sự hóa Biển Đông, tổng thống tân cử Mỹ và ban cộng sự nhắn gửi Bắc Kinh : phải chấp nhận ngôn ngữ ngoại giao mới của Mỹ.


Theo nhật báo Washington Post, quyết định công bố đoạn băng hình cuộc điện đàm giữa tổng thống tân cử Donald Trump với lãnh đạo Đài Loan, bà Thái Anh Văn đã được cân nhắc lợi hại và sửa soạn cẩn thận. Từ Washington, thông tín viên Anne- Marie Capomaccio phân tích :


"Người ta đã tưởng rằng cuộc điện đàm giữa ông Donald Trump với tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn là một hành động thiếu cẩn trọng trong khi từ năm 1979 đến nay, Mỹ chỉ công nhận có một nước Trung Hoa duy nhất. Theo giải thích của phó tổng thống tân cử Mike Pence thì ông Donald Trump không thể từ chối điện thoại chúc mừng của bà Thái Anh Văn.


Thực ra rất có thể tất cả vụ việc này đã được chuẩn bị từ lâu. Theo nhật báo Washington Post, quyết định công bố đoạn băng hình đã được cân nhắc. Những thông điệp trên mạng Twitter của Donald Trump tố cáo Trung Quốc cố ý điều chỉnh đồng nhân dân tệ (để cạnh tranh bất chính) cũng là một trong những chủ đề tâm đắc của nhà tỷ phú địa ốc lúc tranh cử. 


Nếu tất cả các hành động này là nhằm chứng tỏ một sự thay đổi trong giọng điệu ngoại giao của Mỹ thì mục tiêu đã đạt được. Bắc Kinh nổi giận và phát ngôn viên Nhà Trắng không giấu lo ngại : chúng tôi đã gọi điện cho đồng nhiệm Trung Quốc để nhắc lại cam kết chính sách một nước Trung Hoa, được thương lượng qua nhiều đời tổng thống Mỹ. Nếu tổng thống mới có mục tiêu khác thì tôi để ông ấy giải thích.


Không phải chỉ có Nhà Trắng quan ngại mà giới chuyên gia cũng kêu gọi chính quyền mới phải tỏ ra biết ngoại giao hơn. Ai cũng biết Trung Quốc là một đối tác khó tính và xung khắc tại Biển Đông là có thật nhưng không nên vì thế mà cắt đứt đối thoại. Thật ra không phải ai cũng nghĩ như thế. Trên một đài truyền hình Mỹ, một cố vấn của ông Trump tuyên bố thẳng thừng : 'Nếu Trung Quốc không thích ngôn từ của chúng ta thì họ đi chỗ khác chơi'". - RFI


***

Donald Trump sai lầm nếu xem Trung Quốc là một « miếng thịt muốn cắt thế nào cũng được » hay là « một quốc gia dễ bị khuynh đảo, bảo sao nghe vậy ». Qua báo chí Nhà nước, Bắc Kinh đã không tiếc lời chỉ trích tổng thống tân cử Mỹ, sau một thời gian dài ngậm bồ hòn làm ngọt. 


Kẻ cắp gặp bà già, Bắc Kinh phát hiện trễ là Hoa Kỳ đã đổi chính sách trong quan hệ với Trung Quốc và Đài Loan. Theo AFP, thoạt đầu Bắc Kinh cho rằng nhà tỷ phú địa ốc Mỹ thiếu kinh nghiệm chính trị và ngoại giao nên có lời lẽ bốc đồng bất chấp nguyên tắc đối ngoại : lên án đích danh Trung Quốc cạnh tranh bất chính với các công ty Mỹ, tăng cường quân sự tại Biển Đông.


Tuy nhiên, Trung Quốc càng chịu đòn thì ông Donald Trump lại tung thêm những cú tấn công mới toàn đánh vào tử huyệt.


Ngày 02/12/2016, sau khi điện đàm với tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn, nhà tỷ phú nổi tiếng với hành động khó lường một lần nữa nhấn vào hai vấn đề nhạy cảm của Trung Quốc : dumping xuất khẩu và lấn chiếm Biển Đông.


Thái độ bất lực của Trung Quốc được thể hiện trong ngày  06/12/2016. Báo chí Nhà nước đổi giọng vừa kêu gọi cảnh giác vừa ngầm đe dọa. Hoàn Cầu Thời Báo, cơ quan tuyên truyền của phe diều hâu cảnh cáo : « Những lời nhắn Twitter của Donald Trump che giấu ý đồ của ông ta là xem Trung Quốc như một miếng thịt cừu… và ông ta muốn cướp tài nguyên của nước khác để làm giàu cho nước Mỹ ».


Cũng trong chiều hướng này, Nhân Dân Nhật Báo dành một bài xã luận khuyến cáo đừng nghĩ là tổng thống tân cử Mỹ  « thiếu kinh nghiệm » trong lãnh vực ngoại giao và quân sự. Cơ quan tuyên truyền của đảng Cộng Sản Trung Quốc cho rằng ông Trump « có lập trường riêng », chỉ có điều lập trường đó « không thích hợp với nền tảng quan hệ Mỹ -Trung ».


Vì sao Bắc Kinh nghi ngờ chủ nhân sắp tới tại Nhà Trắng đặt quan hệ với đảo Đài Loan ngang hàng với Hoa Lục ? Sau khi được Bắc Kinh chúc mừng thắng cử thì ông Donald Trump nhận lời điện đàm chia vui của Đài Bắc. Một chi tiết nữa là, theo Washington Post, các cố vấn của tổng thống tân cử xác nhận là vụ điện đàm Donald Trump -Thái Anh Văn không phải do bất ngờ mà là có tính toán trước, kể cả quyết định công bố nội dung buổi điện đàm.


Cú điện thoại của tổng thống Đài Loan là « kết quả của nhiều tháng chuẩn bị và thảo luận trong nội bộ ban cố vấn của tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ ».


Chuyên gia Stephen Yates, phó chủ tịch Hội Đồng An Ninh Quốc Gia giai đoạn 2001-2005, khẳng định là tên bà Thái Anh Văn được đưa « rất sớm » vào danh sách các nguyên thủ quốc tế mà chính quyền mới tại Mỹ « tiếp xúc ». Donald Trump tiên liệu trước là Bắc Kinh sẽ nổi giận nhưng ông cương quyết đối đầu.


Chung quanh ông Donald Trump còn có nhiều nhân vật thân với Đài Loan và muốn tăng cường hợp tác với Đài Bắc, trong đó có ông Reince Preibus. Chánh văn phòng tương lai của phủ tổng thống Mỹ đã nhiều lần gặp tổng thống Đài Loan, cho nên hai bên « biết rõ » họ phải làm gì, theo phân tích của chuyên gia an ninh quốc gia Mỹ Stephen Yates.


Hoàn Cầu Thời Báo, trong bản tiếng Hoa, lên án ông Trump là một « nhà lãnh đạo không biết giữ mồm giữ miệng » và đe dọa « Trung Quốc sẽ trả đũa » nếu quyền lợi bị đụng chạm.


Cũng với luận điểm đe dọa, Nhân Dân Nhật Báo cho rằng Trung Quốc « phản ứng một cách ôn hoà » trước những « đòn thăm dò » của tổng thống Mỹ mới đắc cử, nhưng sẽ cứng rắn hơn sau khi ông Donald Trump nhậm chức. Theo phân tích của AFP, Bắc Kinh phát giác một cách muộn màng và đành phải chấp nhận sự thay đổi chiến lược đột ngột của Mỹ như chuyện đã rồi.


Trung Quốc vẫn tự hào có binh thư Tôn Tử. Ông Trump « biết » Trung Quốc, nhưng chính quyền Trung Quốc  « biết » ông Trump quá trễ. - RFI


***

Donald Trump không « hớ hênh » khi điện đàm với tổng thống Đài Loan. Ông đang tìm cách làm thay đổi các đường hướng trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ, theo cách của ông, vừa khiêu khích, vừa mập mờ không rõ ràng. Ông có tài làm cho người đối thoại lúng túng, không biết chắc là nên đáp lại như thế nào cho thích hợp. Trên đây là nhận định của báo Le Figaro ngày 06/12/2016 trong bài viết đề tựa « Đối mặt với Trung Quốc, Trump cố tình chơi lá bài Đài Loan ».


Đối với ông Trump, cuộc điện đàm giữa ông với tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn, hôm thứ Sáu (02/12) vừa qua, chỉ là một « cuộc gọi xã giao » của tổng thống Đài Loan chúc mừng ông thắng cử. Nhưng Le Figaro cho rằng cử chỉ này đã xóa bỏ một điều cấm kỵ kể từ năm 1979 và kể từ khi tổng thống Mỹ Richard Nixon công nhận nước Trung Hoa cộng sản.


Do không có quan hệ chính thức với giới lãnh đạo Đài Loan, chính quyền Washington đã duy trì một tổ chức mang tên Viện Hoa Kỳ, có thẩm quyền lãnh sự và phục vụ cho việc bán vũ khí Mỹ cho Đài Loan. Chính điều này làm cho ông Trump khó chịu về việc Trung Quốc có phản ứng ầm ĩ về cuộc điện đàm với tổng thống Đài Loan.


Nhóm cố vấn thân cận của ông Trump thì trấn an rằng không nên coi cuộc điện đàm như một chỉ dấu báo hiệu sự thay đổi chiến lược của Washington trong quan hệ vơí Bắc Kinh. Cho đến lúc này, ông Trump thấy không cần thiết phải tham khảo ý kiến các chuyên gia bộ Ngoại Giao Mỹ trước khi điện đàm, tiếp xúc với các lãnh đạo nước ngoài.


Tính khí bất thường : Vũ khí lợi hại của Trump ?


Tuy nhiên, theo Le Figaro, khó có thể coi đây là một hành động hớ hênh của Donald Trump. Ông Richard Grenell, nguyên là nhân viên ngoại giao, trong nhóm phụ trách chuyển giao quyền lực ở Washington, cho rằng « tất cả các cuộc nói chuyện (ở cấp nguyên thủ) đều đã được lên kế hoạch từ trước. Cuộc điện đàm (giữa ông Donald Trump và bà Thái Anh Văn) là hoàn toàn chủ ý ».


Lời khẳng định trên cũng đã được phát ngôn viên của tổng thống Đài Loan xác nhận. Hôm thứ Bẩy (03/12), Trung Quốc chính thức phản đối Hoa Kỳ thông qua con đường ngoại giao và đến Chủ Nhật, báo chí chính thức Trung Quốc thay đổi giọng điệu, nói đến nguy cơ chiến tranh nếu hồ sơ Đài Loan không được xử lý tốt.


Theo như thói quen, thông qua mạng xã hội Twitter, ông Trump lên tiếng đáp lại Bắc Kinh : Phải chăng Trung Quốc đã hỏi ý kiến Hoa Kỳ khi phá giá tiền tệ, khi đánh thuế nặng nề vào các sản phẩm của Mỹ hoặc khi xây dựng một căn cứ quân sự khổng lồ ở giữa Biển Đông ?


Đối với Le Figaro, vụ điện đàm với tổng thống Đài Loan không chỉ dồn lãnh đạo Trung Quốc vào thế phòng thủ, một nhận định cũng được tờ Les Echos đồng chia sẻ, mà còn làm cho thế giới thấy rõ tính khí khó lường cũng như bản tính thích mọi người phải tuân thủ của ông Trump. Một cố vấn thân cận của Donald Trump khẳng định : tổng thống đắc cử biết rõ việc ông đang làm.


Ông Jon Huntsman, nguyên đại sứ Mỹ tại Trung Quốc, giải thích : « Đài Loan đang trở thành một yếu tố rõ nét trong quan hệ Mỹ-Trung. Donald Trump là một doanh nhân có thói quen tìm kiếm điểm tựa để thúc đẩy công việc và Đài Loan có thể sẽ đóng vai trò này trong quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc ».


Le Figaro cho rằng việc ông Trump nói chuyện điện thoại với lãnh đạo Đài Loan cũng là để làm hài lòng cánh hữu tại Mỹ. Mặc dù chỉ coi Đài Loan là một lá bài trong đàm phán với Trung Quốc, các thành phần bảo thủ Mỹ đánh giá cao vai trò của một ốc đảo dân chủ đối mặt với Hoa lục.


Cuối cùng, theo Le Figaro, có thể cú điện đàm cho thấy mối quan tâm cá nhân. Ông Reince Priebus, người sẽ đứng đầu văn phòng tổng thống, đã hai lần sang Đài Loan, trong các năm 2011 và 2015. Hai nhân vật khác nằm trong đế chế kinh doanh của Trump đã tới thăm Đài Loan trong những tháng vừa qua, và họ quan tâm đến một dự án phát triển địa ốc do Nhà nước Đài Loan kiểm soát.


Trump mạnh dạn tấn công Trung Quốc


Cũng theo hướng này, báo Les Echos có bài « Trump lao vào tấn công mạnh mẽ Trung Quốc » bởi vì sau vụ điện đàm với tổng thống Đài Loan, Donald Trump còn gây sức ép với Trung Quốc, qua việc chỉ trích chính sách tiền tệ, thương mại của Bắc Kinh và sự hiện diện quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông. Theo nhận định của nhật báo, tổng thống đắc cử Mỹ giữ nguyên giọng điệu cứng rắn đối với Trung Quốc, giống như trong giai đoạn tranh cử. Thậm chí, giờ đây, ông còn chỉ trích Bắc Kinh trên nhiều lĩnh vực khác.


Về việc ông Trump đe dọa đánh thuế vào hàng nhập khẩu của Trung Quốc, ông Francis Cheung, thuộc công ty môi giới CLSA cho rằng ít có khả năng toàn bộ mức thuế hải quan sẽ tăng, nhưng ông Trump có thể theo gương tổng thống Reagan, cho đánh thuế cao đối với một số sản phẩm gây tranh cãi, bị phản đối nhiều nhất. Trong những năm 1980, tổng thống Mỹ Ronald Reagan đã cho áp dụng mức thuế cao đối với một số sản phẩm nhập khẩu của Nhật Bản như xe hơi, TV hay sản phẩm tin học.


Trước các phát biểu của ông Trump, chính quyền Bắc Kinh có phản ứng chừng mực và chỉ tuyên bố rằng quan hệ kinh tế Mỹ -Trung đều có lợi cho cả hai nước. Về chính sách bành trướng của Trung Quốc, ông Trump không hề đề cập đến trong chiến dịch tranh cử, nay tổng thống đắc cử Mỹ công khai chỉ trích tham vọng của Bắc Kinh ở Biển Đông.


Cũng như Le Figaro, nhật báo kinh tế Les Echos cho rằng những động thái vừa qua của Donald Trump chứng tỏ ông không phải là chính trị gia không có kinh nghiệm, như báo chí Trung Quốc vẫn hy vọng. Tờ báo trích nhận định của ông Jean-Pierre Cabestan, chuyên gia về Trung Quốc đương đại, thuộc đại học dòng tên Hồng Kông, thì Donald Trump muốn chơi ván bài lật ngửa, thể hiện rõ lập trường của mình trước khi nhậm chức, nhằm tạo ra một tương quan lực lượng mới.


Điều này không có nghĩa là Donald Trump sẽ có chính sách hoàn toàn chống Trung Quốc, mà chỉ muốn nhấn mạnh là ông ta cứng rắn và nhắc lại cho Bắc Kinh biết tất cả những phản kháng, đòi hỏi của Mỹ. Đó là phong cách của Donald Trump và đặc biệt phương pháp này nhằm tạo ra một vị thế mới trước khi bước vào các cuộc đàm phán.


Trung Quốc thật sự thao túng nhân dân tệ?


Xét trên góc độ thuần túy kinh tế, Les Echos có bài giải thích « Nếu như Trung Quốc thao túng nhân dân tệ, chính là để hỗ trợ mạnh mẽ đồng tiền quốc gia ».


Trong những ngày qua, tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã nhắc lại một số luận điểm mà ông đã không ngừng nêu ra trong chiến dịch vận động tranh cử : đó là Trung Quốc thao túng đồng tiền quốc gia, làm cho các doanh nghiệp Mỹ khó cạnh tranh hơn. Quả thực là từ đầu năm tới nay, nhân dân tệ giảm giá khoảng 6% so với đô la Mỹ, và xuống tới mức thấp nhất kể từ năm 2008. Giới chuyên gia cho rằng xu hướng giảm giá này sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới.


Thế nhưng, theo Les Echos, Donald Trump đã nhầm khi cáo buộc Bắc Kinh thao túng nhân dân tệ. Trung Quốc làm việc này không phải để giảm giá nhân dân tệ mà là để hỗ trợ mạnh mẽ hơn đồng tiền quốc gia. Trong những tháng qua, nhịp độ chuyển vốn ra bên ngoài Trung Quốc tăng mạnh. Các doanh nghiệp cũng như cá nhân tìm cách « bảo toàn » vốn của mình ở bên ngoài Trung Quốc. Do vậy, Bắc Kinh phải tung dự trữ ngoại tệ ra để giữ giá cho nhân dân tệ. Bên cạnh đó, từ tháng 08/2015, Trung Quốc cho phép nhân dân tệ được dao động xoay quanh tỷ giá cơ bản được định ra từng ngày.


Vẫn theo Les Echos, thực ra, nhân dân tệ bị giảm giá trị là do đô la Mỹ tăng giá. Điều trớ trêu là kể từ khi Donald Trump đắc cử tổng thống, cùng với những lời hứa giảm thuế của ông, thì chính đồng đô la Mỹ đã tăng giá, góp phần làm cho nhân dân tệ giảm giá.


Giới chuyên gia đưa ra ví dụ cụ thể : các ngoại tệ khác như euro, yên Nhật Bản, won Hàn Quốc, real của Brazil, đều giảm giá so với đô la và tỷ giá giữa nhân dân và các ngoại tệ nói trên tương đối ổn định. - RFI

|

|


2.

Singapore đứng đầu bảng xếp hạng giáo dục toàn cầu PISA


Singapore là nước có học sinh đạt kết quả thi cao nhất trong bảng xếp hạng giáo dục quốc tế. Các thiếu niên Singapore dẫn đầu trong kỳ thi các môn toán, đọc và khoa học. 


Bảng xếp hạng PISA có tiếng, do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) tổ chức, dựa trên các bài thi của các em học sinh 15 tuổi ở hơn 70 quốc gia. 


Vương quốc Anh vẫn nằm ở nhóm giữa - sau những nước như Nhật, Estonia, Phần Lan và Việt Nam.


Giám đốc giáo dục OECD, ông Andreas Schleicher nói tiến bộ về giáo dục của Việt Nam là "thật đáng phục" còn Singapore không những "chỉ xếp hạng cao, mà còn ngày càng bỏ xa các nước khác."


Xếp hạng PISA là gì? Trong ba câu: 


Chương trình đánh giá Học sinh Quốc tế (PISA) đưa ra xếp hạng giáo dục dựa trên các bài thi quốc tế dành cho học sinh 15 tuổi ở các môn toán, đọc và khoa học.


Các bài thi này, do OECD tổ chức và thực hiện ba năm một lần, ngày càng trở nên quan trọng với các chính trị gia. Họ coi bảng xếp hạng toàn cầu này như một thước đo về đất nước và các chính sách của họ. 


Các nước châu Á tiếp tục dẫn đầu, với Singapore xếp đầu bảng, thay vị trí của Thượng Hải, thành phố mà giờ đây được xếp hạng gộp trong kết quả của Trung Quốc.


Singapore đã thay thế Thượng Hải là nơi có hệ thống giáo dục được xếp hạng cao nhất - và Thượng Hải không còn được xếp hạng riêng trong bảng này. 


Đã có nhiều tranh luận về việc Thượng Hải có thể đại diện cho trình độ ở các trường trên khắp Trung Quốc không - và năm nay, lần đầu tiên, Thượng Hải đã được gộp chung trong xếp hạng cho cả nước Trung Quốc, dựa trên kết quả các trường ở bốn tỉnh nước này.


Trong xếp hạng chung tính cả Thượng Hải, Trung Quốc nằm trong top 10 quốc gia về các môn toán và khoa học, nhưng không nằm trong top 20 về môn đọc. 


Hong Kong và Macao cũng là những nơi có hệ thống giáo dục được đánh giá cao. 


Các nước châu Á đứng đầu 


Hệ thống giáo dục của các nước châu Á chiếm phần lớn các vị trí cao trong bảng xếp hạng này - chiếm 7 vị trí đứng đầu về toán. Dẫn đầu là Singapore, sau đó là Hong Kong, Macao, Đài Loan, Nhật Bản, Trung Quốc và Nam Hàn.


Phần Lan, Estonia và Ireland là ba nước duy nhất không thuộc châu Á lọt vào các vị trí trong top 5 ở các môn này. 


Ông Schleicher cho rằng các nước châu Á như Singapore đã đạt được kết quả cao mà không có sự khác biệt lớn giữa học sinh từ các gia đình khá giả và các gia đình khó khăn. 


Học sinh Việt Nam đạt được kết quả cao hơn học sinh Đức và Thụy Sĩ trong môn khoa học - và vượt học sinh Mỹ về khoa học và toán. 


Trong số các nước Nam Mỹ, ông Schleicher nhấn mạnh tiến bộ của Peru và Colombia.


Nhưng Vương quốc Anh đã không đạt được cải thiện nào - mặc dù các bộ trưởng giáo dục ở Anh coi bảng xếp hạng PISA là một thước đo quan trọng về tiến bộ giáo dục . 


Về toán, Anh chỉ xếp thứ 27, tụt một bậc so với cách đây ba năm, ở vị trí thấp nhất kể từ khi Anh bắt đầu tham gia các kỳ thi của PISA năm 2000.


Về đọc, Anh xếp thứ 22, lên một bậc, nhưng vẫn không được vào top 20 như hồi năm 2006. 


Môn có nhiều tiến bộ nhất của Anh là khoa học, lên vị trí thứ 15 từ thứ 21. Đây là vị trí cao nhất Anh đạt được kể từ năm 2006, mặc dù điểm thi thì thấp hơn. 


Trong Vương quốc Anh, xứ Wales có kết quả thi thấp nhất ở cả ba môn. 


Bộ trưởng Giáo dục Anh Kirsty Williams nói: "Chúng ta đều đồng ý là chúng ta không ở vị trí như mong muốn."


Nhưng bà nói "mọi người đang làm việc chăm chỉ" để cải thiện kết quả ở xứ Wales - và điều quan trọng là phải "đi hết chặng đường". 


Scotland đứng sau Anh và Bắc Ai len, với kết quả tồi nhất từ trước đến nay. 


Thứ trưởng Thứ nhất phụ trách về Scotland, ông John Swinney nói "kết quả này cho thấy có cơ sở để cải cách mạnh mẽ nền giáo dục Scotland".


Anh có kết quả cao nhất trong Vương quốc Anh, nhưng so với những năm trước, "trình độ không hề lên", ông Schleicher nói. 


Giám đốc giáo dục OECD còn đưa quan ngại về tác động của tình trạng thiếu giáo viên. Ông nói một nền giáo dục không bao giờ có thể vượt hơn chất lượng của giáo viên. 


"Rõ ràng là có thiếu giáo viên," ông nói. Ông cảnh báo rằng các hiệu trưởng coi việc thiếu giáo viên như một "cản trở lớn" để nâng cao trình độ học sinh. 


Vì sao nền giáo dục Singapore thành công?


Singapore, một nước châu Á nhỏ, đã không ngừng tập trung vào giáo dục như một cách phát triển nền kinh tế và nâng cao mức sống. 


Từ một trong những nước nghèo nhất, với nhiều chủng tộc, tôn giáo và ngôn ngữ khác nhau, Singapore đã vượt qua nhiều nước giàu hơn ở châu Âu, Bắc Mỹ và châu Á để trở thành quốc gia hàng đầu về giáo dục.


Giáo sư Sing Kong Lee, phó chủ tịch Trường Đại học Công Nghệ Nanyang, nơi có Viện Giáo dục Quốc gia Singapore, nói một nhân tố quan trọng là chất lượng dạy học. 


"Singapore đầu tư mạnh cho một đội ngũ giáo viên có chất lượng - để tăng uy tín cho nghề dạy học và thu hút những sinh viên đã tốt nghiệp giỏi nhất," Giáo sư Lee nói.


Singapore tuyển giáo viên từ 5% những sinh viên giỏi nhất trong một hệ thống giáo dục được quản lý tập trung. 


Tất cả các giáo viên được đào tạo ở Viện Giáo dục Quốc gia, và Giáo sư Lee nói đây là con đường duy nhất để đảm bảo quản lý chất lượng giáo viên và giúp các giáo viên mới "lên lớp một cách tự tin". 


Đây phải là một biện pháp nhất quán, lâu dài và được theo đuổi hàng chục năm, Giáo sư Lee nhận xét. 


Giáo dục là một "hệ sinh thái", ông nói, và "chúng ta không thể thay đổi một bộ phận riêng rẽ". - BBC

|

|


3.

Ngân sách quốc phòng kỷ lục của Hàn Quốc --- Tai tiếng chính trị tại Hàn Quốc: Lãnh đạo các tập đoàn lớn điều trần trước Quốc Hội


Quốc Hội Hàn Quốc ngày 05/12/2016 thông qua ngân sách quốc phòng cao kỷ lục cho năm 2017 : Hơn 40 ngàn tỷ won – tương đương với 34 tỷ đô la. Khoản ngân sách này chiếm 10% tổng ngân sách được thông qua và tăng 4% so với ngân sách 2016.


Trong ngân sách quốc phòng dự kiến, bên cạnh con số trên 28 ngàn tỷ won được sử dụng cho vấn đề nhân sự và hoạt động, có hơn 12 ngàn tỷ won sẽ được chi cho việc hiện đại hóa quân đội, trong đó có chi phí nghiên cứu và phát triển.


Theo trang mạng thông tin NK News của Mỹ, một quan chức bộ Quốc Phòng Hàn Quốc cho rằng việc tăng ngân khoản hiện đại hóa quân đội thể hiện quyết tâm của Seoul chống lại các mối đe dọa đến từ Bình Nhưỡng đã bộc lộ rõ trong năm nay.


Trong ngân sách mà bộ Quốc Phòng đề nghị, có phần dành để phát triển 3 hệ thống cột trụ chống lại Bắc Triều Tiên : Kill Chain - hệ thống tấn công phủ đầu, hệ thống phòng không Korean Air and Missile Defense KAMD và kế hoạch Korean Masive Punishment and Retaliation Plan KMPR với mục tiêu hủy diệt Bình Nhưỡng trong trường hợp tấn công hạt nhân. 


Theo dự kiến thì các hệ thống này sẽ được triển khai vào giữa năm 2020, nhưng Hàn Quốc cho biết sẽ thực hiện sớm hơn do hiểm họa đến từ Bắc Triều Tiên.


Giới quan sát lưu ý là ngân sách quốc phòng được thông qua trong trong bối cảnh không thuận lợi: Hàn Quốc đang bị vướng vào một cuộc khủng hoảng chính trị có thể khiến tổng thống Park Geun Hye phải từ chức trước khi mãn nhiệm, trong lúc Bắc Triều Tiên gia tăng đe dọa và chính sách châu Á của tổng thống tân cử Mỹ Donald Trump chưa rõ ràng. - RFI


***

Ngày 06/12/2016, lãnh đạo 8 tập đoàn công nghiệp lớn ở Hàn Quốc phải ra điều trần trước Quốc Hội, trong khuôn khổ cuộc điều tra vụ bê bối liên quan tới tổng thống Park Geun-Hye.


Theo hãng tin AFP, đứng đầu danh sách 8 nhà lãnh đạo tập đoàn lớn nhất của Hàn Quốc ra điều trần trước Quốc Hội hôm nay gồm đại diện của Samsung, Hyundai, SK, LG, Lotte … Tất cả phải trả lời về việc quyên góp tiền cho hai quỹ « đáng ngờ » của bà Choi Soon-Sil, bạn thân tổng thống Park Geun-Hye.


Điều này không hề dễ chịu chút nào đối với các ông chủ tập đoàn, vì họ không có thói quen bị thẩm vấn hay phải biện bạch. Lãnh đạo của các tập đoàn đã bác bỏ các cáo buộc đổi tiền lấy đặc quyền, gián tiếp cho biết là họ đã thường xuyên chịu áp lực từ giới lãnh đạo cao nhất.


Ông Huh Chang-Soo, chủ tịch tập đoàn GS kiêm chủ tịch Liên Đoàn Công Nghiệp Hàn Quốc cho biết là các doanh nghiệp rất khó từ chối một yêu cầu từ phủ tổng thống. Còn Koo Bon-Moo, chủ tịch tập đoàn LG thì nói thêm là các doanh nghiệp không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc tuân theo chính sách của chính phủ.


Samsung, tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc, là doanh nghiệp đã quyên góp nhiều hơn cả cho quỹ của bà Choi : 17 triệu đô la. Ông Lee Jae-Yong, phó chủ tịch Samsung, đồng thời là người thừa kế tập đoàn này, luôn né tránh trả lời câu hỏi của các dân biểu về những cáo buộc thông đồng hay tiếp tay với bà Choi Soon-Sil.


Lãnh đạo Samsung chỉ nói là rất tiếc về những chuyện đã xảy ra : « Tôi có nhiều thiếu sót và Samsung có nhiều điều phải sửa chữa (…) Cuộc khủng hoảng này đã giúp tôi ý thức được là chúng tôi cần thay đổi để đáp ứng kỳ vọng của công chúng ».


Các phiên điều trần đã được phát trực tiếp trên nhiều kênh truyền hình lớn của Hàn Quốc, tới nhiều triệu khán giả. 


Còn bà Choi cũng sẽ bị chất vấn về việc cưỡng đoạt và lạm dụng quyền lực.


AFP dự báo chắc chắn hơn 30 dân biểu trong đảng bảo thủ Saenuri của chính tổng thống Park Geun-Hye sẽ bỏ phiếu ủng hộ việc phế truất bà và Quốc Hội sẽ thông qua. - RFI

|

|


4.

Báo chí Nhật hoan nghênh thủ tướng Abe thăm Trân Châu Cảng --- Thủ tướng Nhật, TT Mỹ thăm Trân Châu Cảng --- Thủ tướng Nhật sẽ không xin lỗi về Trân Châu Cảng


Theo AFP, phát ngôn viên chính phủ Nhật, ngày 06/12/2016, cho biết, thủ tướng Shinzo Abe sẽ tới thăm Trân Châu Cảng, ở quần đảo Hawai, trong các ngày 26 và 27/12. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một lãnh đạo Nhật Bản, 75 năm sau trận tấn công bất ngờ của không quân Nhật nhắm vào một căn cứ quân sự Mỹ.


Báo chí Nhật Bản hoan nghênh chuyến đi, đặt biệt là trong bối cảnh tổng thống Mỹ Barack Obama, cách nay 7 tháng, đã tới thăm Hiroshima, thành phố hứng chịu quả bom nguyên tử đầu tiên của Hoa Kỳ.


Từ Tokyo, thông tín viên Frédéric Charles gửi về bài tường trình :


«Thủ tướng Shinzo Abe sẽ tới Trân Châu Cảng để nói rằng chúng ta không bao giờ lặp lại những điều khủng khiếp của chiến tranh. Thế nhưng, cũng như cuộc viếng thăm Hiroshima của tổng thống Barack Obama, chuyến đi Trân Châu Cảng của ông Shinzo Abe không nhằm mục đích sám hối. 


Thủ tướng Nhật sẽ không có những lời xin lỗi về vụ tấn công này. Ông sẽ chỉ nhấn mạnh đến những thay đổi tuyệt vời trong quan hệ giữa Nhật Bản và Hoa Kỳ.


Đặc biệt là ông Shinzo Abe không muốn làm dấy lên cuộc tranh luận về vụ oanh kích bất ngờ nhằm vào Trân Châu Cảng, đánh dấu việc Hoa Kỳ bắt đầu tham chiến và dẫn đến việc ném bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki.


Hôm nay, tại Hiroshima, ông Suneo Tsuboi, chủ tịch hiệp hội các nạn nhân bom nguyên tử, tuyên bố, chuyến đi của ông Shinzo Abe tới Trân Châu Cảng đã diễn ra quá muộn, 75 năm sau vụ không quân Nhật tấn công hủy diệt hạm đội tàu chiến Mỹ". - RFI


***

Thủ tướng Nhật Bản, Shinzo Abe, sẽ cùng với Tổng thống Mỹ, Barack Obama, đi thăm Trân Châu Cảng vào cuối tháng này. Ông Abe sẽ trở thành nhà lãnh đạo đầu tiên của Nhật Bản đi thăm địa điểm tấn công của Nhật Bản khiến cho Hoa Kỳ tham gia Thế Chiến Thứ Hai.


Loan báo bất ngờ hôm 5/12 được đưa ra hai ngày trước kỷ niệm lần thứ 75 cuộc tấn công Trân Châu Cảng và nửa năm sau khi ông Obama trở thành Tổng thống Mỹ tại chức đầu tiên đi thăm đài tưởng niệm các nạn nhân trúng bom nguyên tử do Hoa Kỳ thả xuống thành phố Hiroshima cuối Đệ Nhị Thế chiến.


Ông Abe trong một tuyên bố ngắn với báo giới cho biết sẽ đi thăm Hawaii vào hai ngày 26 và 27 tháng 12 để cầu nguyện cho các tử sĩ tại căn cứ hải quân ở Trân Châu Cảng và có cuộc họp thượng đỉnh cuối cùng với Tổng thống Obama trước khi nhiệm kỳ ông Obama chấm dứt.


Tòa Bạch Ốc xác nhận cuộc họp vào ngày 27 tháng 12 và nói rằng “chuyến viếng thăm của hai nhà lãnh đạo Mỹ-Nhật chứng tỏ sức mạnh của sự hòa giải đã biến hai nước cựu thù thành đồng minh thân cận nhất, kết hợp bằng những quyền lợi chung và chia sẽ cùng những giá trị.”


Hơn 2.300 quân nhân Mỹ thiệt mạng trong cuộc tấn công của không lực Nhật Bản tại Trân Châu Cảng. Cuộc tấn công này được kỷ niệm vào sáng thứ tư tuần này với buổi lễ tưởng niệm và một phút mặc niệm lúc 7 giờ 55 phút sáng, khi các máy bay Nhật Bản oanh kích mục tiêu đầu tiên.


Ba năm rưỡi sau, chiến tranh chấm dứt sau khi Hoa Kỳ thả bom nguyên tử xuống Hiroshima vào ngày 6 tháng 8 năm 1945 và xuống thành phố Nagasaki vào ngày 9 tháng 8 năm 1945. Nhật Bản đầu hàng 6 ngày sau đó. - VOA


***

Một phát ngôn viên của chính phủ Nhật Bản cho biết Thủ tướng Shinzo Abe sẽ không xin lỗi về vụ tấn công vào Trân Châu Cảng hồi năm 1941 khi ông đến thăm địa điểm này trên đảo Hawaii vào cuối tháng này.


Chánh văn phòng Nội các Yoshihide Suga phát biểu: "Chuyến thăm của Thủ tướng là để thể hiện cam kết của ông đối với tương lai và không bao giờ lặp lại thảm kịch chiến tranh thế giới, cũng như để gửi đi thông điệp về hòa giải giữa Mỹ và Nhật Bản".


Năm nay đánh dấu kỷ niệm năm thứ 75 từ khi xảy ra cuộc tấn công ở Trân Châu Cảng, là biến cố đã đẩy Mỹ tham gia Chiến tranh Thế giới thứ 2. 


Cách đây sáu tháng, Tổng thống Barack Obama trở thành nhà lãnh đạo đương nhiệm đầu tiên của Mỹ đến thăm một đài tưởng niệm tại thành phố Hiroshima, địa điểm nơi Hoa Kỳ thả quả bom nguyên tử đầu tiên của thế giới vào năm 1945 trong giai đoạn cuối của cuộc chiến.


Giáo sư Matthew Linley thuộc Đại học Nagoya nói rằng đối với ông Abe và những người ủng hộ ông ở Nhật Bản, chuyến thăm được coi là hành động nhằm khép lại của giai đoạn tiếp theo sau cuộc chiến.


Ông nói rằng việc chính phủ Nhật Bản xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với nhà lãnh đạo sắp tới của Hoa Kỳ, ông Donald Trump, là điều quan trọng. Ông Abe là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên gặp Tổng thống đắc cử của Hoa Kỳ, ông Abe đã thảo luận với ông Trump khi đến New York vào tháng trước.


Trong chiến dịch vận động tranh cử, ông Trump có lúc đã chỉ trích Nhật Bản và các quốc gia khác, nơi Hoa Kỳ đặt căn cứ quân sự và đóng vai bảo vệ an ninh. Ông Trump nhấn mạnh chính phủ các nước được bảo vệ phải đóng góp nhiều hơn để trang trải những chi phí cho sự hiện diện quân sự của Mỹ. - VOA

|

|


5.

Phó tổng thống Philippines muốn lãnh đạo phe đối lập chống Duterte


Phó tổng thống Philippines, bà Leni Robredo, ngày 05/12/2016 tuyên bố sẽ lãnh đạo phong trào đối lập chống lại tổng thống Duterte. Bà không tán thành chiến dịch chống ma túy với hàng loạt vụ hành quyết mà không thông qua xét xử.


Trả lời báo chí về quyết định của mình, bà Leni Robredo khẳng định rằng bây giờ « không phải lúc để sợ sệt, mà phải tin tưởng và can đảm ». Phó tổng thống Philippines như vậy đã trở thành nhân vật cao cấp nhất công khai phản đối chính sách của tổng thống Rodrigo Duterte. 


Hôm Chủ Nhật 04/12/2016, bà Robredo tuyên bố từ chức bộ trưởng đặc trách Gia Cư, đồng thời tố cáo một « âm mưu » nhằm bãi chức phó tổng thống của bà. Đơn từ chức bộ trưởng của bà đã được tổng thống Duterte chấp nhận vào ngày hôm sau.


Tại Philippines, tổng thống và phó tổng thống được bầu riêng. Bà Robredo và ông Duterte thuộc hai đảng chính trị đối nghịch nhau. Theo thông lệ, phó tổng thống cũng phải giữ một chiếc ghế bộ trưởng.


Theo giới quan sát, bất đồng giữa hai lãnh đạo ở thượng tầng Nhà Nước, vốn âm ỉ từ lâu, đã thật sự bùng lên công khai từ khi ông Duterte, vào tháng trước, cho phép cải táng cố tổng thống độc tài Ferdinand Marcos như một anh hùng dân tộc.


Cộng thêm vào đó là chính sách bài trừ ma túy đẫm máu được tiến hành từ lúc ông Duterte nhậm chức, đã làm gần 5000 người thiệt mạng cho đến nay.


Vào hôm qua, bà Robredo khẳng định : « Sẽ mạnh mẽ chống lại tất cả những chính sách có hại cho dân chúng Philippines ». Bà cũng chỉ trích việc tái lập án tử hình cũng như hạ tuổi phạt tù trẻ em từ 15 xuống 9 tuổi.


Riêng về chiếc ghế phó tổng thống, bà Robredo cho là có âm mưu muốn đẩy bà đi và để chức vụ đó cho con trai của nhà độc tài Marcos, Ferdinand Marcos Junior, còn được gọi là « Bongbong". - RFI

|

|


Tin Hoa Kỳ


6.

Chuyển tiếp quyền lực được đẩy mạnh bên trong toà tháp Trump --- Tướng Mattis được chọn làm Bộ trưởng Quốc phòng --- Ông Trump chọn ông Ben Carson làm Bộ trưởng Gia cư và Phát triển Đô thị


Tổng thống tân cử Donald Trump đã cam kết rằng trong tuần này, ông sẽ công bố tên tuổi của hầu hết những nhân vật còn lại được chọn vào nội các mới, và thứ Hai 6/12 ông đề cử người đứng đầu Bộ Gia cư và Phát triển Đô thị. Tuy nhiên bên trong toà tháp Trump, cuộc tìm kiếm nhà ngoại giao hàng đầu của chính phủ mới đang được mở rộng. Có mặt ở New York, Thông tín viên Ramon Taylor của VOA tường thuật rằng một cuộc tuần hành do ứng cử viên Tổng thống Đảng Xanh Jill Stein dẫn đầu đang diễn ra trước toà tháp Trump, để vận động đám đông tại Manhattan hãy ủng hộ việc tái kiểm phiếu ở 3 bang chiến trường.


Trong buổi sáng thứ Hai giá lạnh bên ngoài toà tháp Trump, những người đòi tái kiểm phiếu tại 3 bang chiến trường đối mặt với những người phản đối biện pháp này. Bà Jill Stein dẫn đầu cuộc tập hợp trong một nỗ lực đang tiếp diễn để đảm bảo kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ hồi tháng trước không bị tin tặc thao túng. Bà Stein phát biểu:


“Chúng ta có mặt ở đây là để trấn an ông Trump rằng ông không có gì phải lo sợ. Nếu ông tin vào dân chủ, nếu ông tin rằng thắng lợi bầu cử của ông là đáng tin cậy, thì hãy ngưng tấn công chúng tôi.”


Bà Rachel Desario là người ủng hộ việc tái kiểm phiếu. Bà phát biểu:


“Trong tư cách là cử tri, chúng ta cần bảo đảm nền dân chủ tuyệt đối không bị cản trở, và lá phiếu của chúng ta phải được đếm một cách chính xác. ”


Nhưng một người khác tên Pim Couch phản đối việc tái kiểm phiếu:


“Chúng ta ai cũng có cơ hội đi bỏ phiếu. Tất cả mọi người đều đi bầu. Và bây giờ chúng ta cần phải tiến tới phía trước.”


Bên trong toà tháp Trump, các nỗ lực vẫn được xúc tiến để tìm nhà ngoại giao hàng đầu của chính phủ kế tiếp. Tổng thống tân cử Donald Trump ghi thêm tên một nhân vật khác vào danh sách đang được cân nhắc cho chức vụ Bộ trưởng Ngoại giao, đó là ông Jon Huntsman, cựu Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc. Đây là một quyết định quan trọng trong bối cảnh vừa diễn ra cuộc điện đàm giữa Tổng thống tân cử Mỹ với Tổng thống Đài Loan, khi bà Thái Anh Văn gọi để chúc mừng ông Trump đắc cử. Cuộc điện đàm được diễn giải rộng rãi như một động thái thách thức Trung Quốc và có rủi ro phương hại tới các quan hệ Mỹ-Trung.


Những chức vụ khác hãy còn trống trong nội các của ông Trump gồm có: Bộ trưởng Nội vụ, Năng lượng, Nông nghiệp, Bộ Cựu Chiến binh và Bộ An ninh Nội địa.


Hôm thứ Hai, toán chuyển tiếp của ông Trump loan báo Bác sĩ giải phẫu thần kinh Ben Carson, từng là đối thủ của ông Trump trong cuộc đua để giành sự đề cử của Đảng Cộng hoà, đã được chọn để đứng đầu Bộ Gia cư và Phát triển Đô thị. 


Phó Tổng thống đắc cử Mike Pence phát biểu:


“Chúng tôi lấy làm phấn khích về việc Bác sĩ Carson đã được đề cử để lãnh đạo Bộ Gia cư và Phát triển Đô thị. Chúng tôi nóng lòng trông đợi thêm một tuần có nhiều kết quả khác trong tiến trình chuyển tiếp vốn đang đặt ra những tiêu chuẩn lịch sử.”


Trong khi đó ông Al Gore, cựu Phó Tổng thống của Đảng Dân chủ và là một nhà hoạt động bảo vệ môi trường, đã gặp ông Trump và ái nữ Ivanka trong một cuộc gặp được ông Gore miêu tả là một “nỗ lực chân thành để tìm kiếm những điểm chung.” Ông Al Gore phát biểu:


“Tôi cho rằng đây là một cuộc đối thoại vô cùng thú vị, và sẽ được tiếp tục.”


Ông Trump từng cho rằng biến đổi khí hậu không có thực mà chỉ là một thủ đoạn lừa đảo của Trung Quốc, tuy nhiên vào tháng trước, ông bày tỏ sẵn sàng xét lại quan điểm của mình về vấn đề biến đổi khí hậu trong một cuộc họp với báo The New York Times. - VOA


***

Tổng thống tân cử Donald Trump lẽ ra sẽ chính thức loan báo tên người được ông chọn vào vị trí bộ trưởng quốc phòng trong ngày hôm nay, thứ Ba 6/12 tại North Carolina. Nhưng vì ông Trump tiết lộ danh tính nhân vật này hôm thứ Năm tuần trước ở Ohio, nên ai cũng biết tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ là ai. 


Tướng Thủy quân Lục chiến hồi hưu James Mattis đã được Tổng thống tân cử chọn cho vị trí Bộ trưởng Quốc phòng trong nội các của ông. 


Ông Mattis từng đảm nhận chức Tư lệnh Bộ chỉ huy miền Trung, có trách nhiệm về các hoạt động quân sự của Mỹ ở Trung Đông, và là Tư lệnh Tối cao của liên minh NATO. 


Ông được nhiều người biết đến dưới biệt danh “Mad Dog”- Chó điên, một phần vì tinh thần chiến đấu kiên cường chống kẻ thù ở Afghanistan và Iraq, và được sự kính trọng của các đồng đội.


Tướng John Nicholson, Tư lệnh các lực lượng quốc tế tại Afghanistan nói:


“Ông ấy là một quân nhân của các quân nhân; một binh sĩ Thủy quân Lục chiến của những binh sĩ Thủy quân Lục chiến. Lần đầu tôi gặp ông ấy là ở tỉnh Nangahar bên Afghanistan, nơi diễn ra một cuộc chiến khốc liệt vào năm 2006, ông Mattis là một lãnh đạo đầy khả năng truyền cảm hứng cho binh sĩ dưới trướng. Tôi cũng là một quân nhân trong số đó.”


Các chuyên gia lưu ý rằng ông Mattis là một tướng lãnh và là một học giả.


Ông Michael O’hanlon thuộc Viện Brookings nói:


“Ông ấy là một trong các tướng lãnh có nhiều kinh nghiệm, hiểu biết sâu rộng nhất trong thế hệ của ông.”


Ông Michael O'Hanlon nói rằng ông tin rằng kinh nghiệm và kiến thức của ông Mattis sẽ giúp ông trở thành một nhà lãnh đạo thực tiễn hơn so với đa số những người khác, về sức mạnh quân sự và giới hạn của sức mạnh đó. 


Ông O’hanlon nói:


“Tôi tin rằng một người có kinh nghiệm chiến trường và có uy tín như ông Mattis sẽ là một cố vấn tốt cho ông Donald Trump bởi vì ông Trump có khuynh hướng lắng nghe lập trường tự chế đối với giải pháp quân sự, nếu quan điểm ấy đến từ một người như tướng Mattis.”


Trước khi chuẩn thuận ông Mattis cho chức vụ Bộ trưởng Quốc Phòng, Quốc hội phải thông qua một đạo luật miễn cho ông phải tuân hành quy định đối với các quân nhân là phải rời quân ngũ 7 năm, trước khi được giữ chức bộ trưởng quốc phòng. Ông Mattis chỉ mới giải ngũ cách đây có 3 năm.


Trước đây Quốc hội đã thông qua quy chế miễn trừ cho Tướng George Marshall trong Chiến tranh Thế giới thứ 2, cho phép vị tướng này đảm nhận vị trí Bộ trưởng Quốc phòng vào năm 1950. - VOA


***

Tổng thống đắc cử Donald Trump của Mỹ chọn ông Ben Carson, cựu bác sĩ phẫu thuật thần kinh và cựu đối thủ tranh đề cử của Ðảng Cộng hòa của ông, làm Bộ trưởng Gia cư và Phát triển Đô thị.


Thông cáo hôm thứ Hai của văn phòng chuyển giao chính quyền của ông Trump nói rằng ông Carson là "người tích cực cống hiến cho mục tiêu xây dựng cộng đồng và các gia đình trong các cộng đồng đó." Thông cáo nói tiếp rằng ông Trump và ông Carson đã thảo luận về thông điệp hồi phục nền kinh tế, trong đó sẽ liên quan nhiều đến chuyện nội thành của các thành phố.


Kể từ khi ông Trump vượt lên dẫn trước trong các cuộc thăm dò dư luận trong cuộc đua bên Ðảng Cộng hòa vào tháng 7 năm 2015, ông Carson là người duy nhất trong số gần 20 ứng cử viên đánh bật ông Trump xuống vị trí số hai, nhưng chỉ được vài ngày trước khi tỉ lệ ủng hộ ông Carson rớt xuống.


Ông Carson rút khỏi cuộc đua vào tháng 3 năm nay và quay sang ủng hộ ông Donald Trump. Tiếp đến ông đã là một trong các diễn giả phát biểu tại đại hội đảng bộ, nơi ông Donald Trump được Ðảng Cộng hòa chính thức đề cử ra tranh chức tổng thống với bà Hillary Clinton.


Từ khi đánh bại bà Clinton trong cuộc bầu cử hồi tháng trước, ông Trump đã tiến hành chọn nhân sự cho nội các và các chức vụ được ông chọn cần phải được Thượng viện đang do Ðảng Cộng hòa nắm giữ thông qua.


Ông Trump chưa công bố đề cử cho chức bộ trưởng ngoại giao. Việc chọn lựa đề cử cho chức vụ này đã được mở rộng sau các cuộc họp với 4 ứng viên hàng đầu nhưng chưa đi đến một quyết định nào.


Bà Kellyanne Conway, cố vấn của ông Trump, nói với các phóng viên báo chí tại cao ốc Trump Tower ở New York hôm Chủ nhật: “Việc ông Trump mở rộng tìm kiếm người làm bộ trưởng ngoại giao là đúng sự thật, và ngoại trưởng là chức vụ hết sức quan trọng của bất cứ tổng thống nào.


Tuần trước văn phòng của ông Trump có đề cập đến bốn người được xem là ứng viên hàng đầu cho chức ngoại trưởng, đó là Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Bob Corker, cựu thị trưởng New York Rudy Giuliani, tướng Lục quân hồi hưu và là cựu giám đốc CIA, ông David Petraeus, và cựu ứng cử viên tổng thống của Ðảng Cộng hòa năm 2012 Mitt Romney.


Cựu đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, ông John Bolton cũng đã họp với ông Trump hôm thứ Sáu, và Phó Tổng thống đắc cử Mike Pence cũng đưa tên ông Bolton vào danh sách ứng viên cho chức ngoại trưởng hôm Chủ nhật.


Cựu thống đốc bang Utah và cựu đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh ông Jon Huntsman cũng có tên trong danh sách này, theo tin của đài truyền hình CNN, và có cả tổng giám đốc của hãng Exxon, ông Rex Tillerson nữa. - VOA

|

|


7.

Điện đàm với TT Đài Loan phản ánh quan điểm của các cố vấn của ông Trump


Stephan Yates, một phụ tá về chính sách đối ngoại của đảng Cộng hòa Mỹ, đã đến Đài Loan sáng thứ Ba 6/12, thực hiện chuyến thăm kéo dài một tuần, có thể bao gồm một cuộc gặp với Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn.


Ông Yates, chủ tịch Đảng Cộng hòa bang Idaho, nói với VOA hôm thứ Ba rằng ông không thay mặt ông Trump để chuyển đến bất cứ thông điệp nào tới bà Thái Anh Văn.


Trung Quốc đã chính thức phản đối cuộc điện đàm giữa ông Trump với bà Thái hồi tuần trước. Cuộc gọi này phản ánh quan điểm của ông Yates và nhiều cố vấn có lập trường cứng rắn khác trong đảng Cộng hòa, họ đang thúc giục ông Trump công khai bày tỏ lập trường cứng rắn hơn đối với Trung Quốc.


Tại Washington, Bộ Ngoại giao nói cuộc gọi không làm suy yếu chính sách "Một Trung Quốc" hiện nay của Hoa Kỳ.


Nghị sĩ đảng Cộng hòa Dana Rohrabacher của bang California cho biết cuộc gọi gửi đi một lời cảnh báo ngoại giao với Trung Quốc. Có tin ông Rohrabacher là một ứng cử viên tiềm năng cho chức ngoại trưởng.


Cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc John Bolton, người cũng nổi lên như là một ứng cử viên cho chức ngoại trưởng, nói đã đến lúc phải cải tổ quan hệ Mỹ-Trung, ông lưu ý tới "những tuyên bố đòi chủ quyền hung hăng và hiếu chiến" của Trung Quốc ở Biển Đông.


Trung Quốc khẳng định Đài Loan là một phần lãnh thổ của Trung Quốc và chưa bao giờ loại bỏ giải pháp sử dụng vũ lực để đưa hòn đảo trở lại với quyền kiểm soát của Bắc Kinh. Hoa Kỳ chính thức cắt quan hệ ngoại giao với Đài Loan năm 1979.


Trong một diễn biến khác, truyền thông Đài Loan đưa tin bà Thái Anh Văn có kế hoạch quá cảnh ở New York trên đường đi thăm Nicaragua vào đầu tháng 1 trước lễ nhậm chức của ông Trump ngày 20/1. Tin cho hay bà Thái có thể không trực tiếp gặp ông Trump nhưng có kế hoạch gặp các phụ tá thân cận của ông.


Bộ Ngoại giao Mỹ hôm thứ Hai cho biết họ sẽ giải quyết việc quá cảnh của bà Thái với các "thủ tục phù hợp". - VOA

|

|


8.

Ông Trump dọa đánh thuế nặng doanh nghiệp xuất khẩu việc làm


Tổng thống tân cử của Mỹ, Donald Trump, dọa áp thuế nặng đối với các công ty Mỹ đưa công ăn việc làm của người dân Mỹ ra nước ngoài mà vẫn tìm cách moi hầu bao của người tiêu dùng Mỹ. 


Tuy nhiên, kế hoạch của ông Trump có thể sẽ đẩy cả chi phí cho doanh nghiệp Mỹ lẫn giá thành cho người tiêu dùng Mỹ lên cao và có nguy cơ gây ra một cuộc chiến thương mại.


Trong một loạt tin nhắn trên Twitter sáng sớm ngày 4/12, ông Trump cam kết sẽ áp dụng thuế suất 35% lên các sản phẩm bán trong nước Mỹ bởi bất kỳ doanh nghiệp nào sa thải nhân công Mỹ và xây dựng cơ sở sản xuất hay nhà máy mới ở nước khác. 


Ông nói các công ty cần được cảnh cáo trước khi phạm một sai lầm đắt giá.


Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng ông Trump sẽ gặp thách thức pháp lý nếu tìm cách áp đặt thuế suất lên một số công ty cụ thể mà không được Quốc hội chuẩn thuận. 


Cũng có người nghi ngờ khả năng ông Trump truy ra các nhóm công ty đưa công ăn việc làm ra nước ngoài rồi đưa sản phẩm về thị trường Mỹ vì tòa sẽ ngăn hành động đó.


Ông Trump ra tranh cử với lời cam kết giúp nhân công Mỹ, giảm thuế và nới lỏng luật lệ cho doanh nghiệp.


Trong lúc vận động, ông nhiều lần đe dọa áp thuế 35% lên hàng nhập khẩu từ Mexico, 45% lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Thuế quan nhằm tạo điều kiện cạnh tranh cho các công ty nội địa bằng cách làm cho sản phẩm của nước ngoài mắc hơn sản phẩm trong nước và cũng nhằm trừng phạt các công ty ngoại quốc về những thực hành thương mại bất công.


Nếu hàng Trung Quốc nhập vào Mỹ bị thuế suất 45%, giá bán lẻ các mặt hàng này trên thị trường Mỹ có thể tăng trung bình 10%, theo tính toán của Capital Economics. Và như vậy, người tiêu dùng Mỹ sẽ phải trả giá cao hơn vì không có nhiều sự lựa chọn khác thay thế cho nhiều sản phẩm làm từ Trung Quốc. Điển hình như Trung Quốc sản xuất khoảng 70% các máy tính xách tay và điện thoại di động trên thế giới.


Đánh thuế hàng nước ngoài cũng có thể gây ra một cuộc chiến thương mại. Tờ Hoàn cầu Thời báo của Trung Quốc đã cảnh báo rằng Bắc Kinh có thể trả đũa bằng cách giới hạn doanh số bán xe ô tô và iPhone của Mỹ trên thị trường Trung Quốc trong khi Bắc Kinh sẽ xoay sang đặt mua máy bay từ công ty Airbus ở Châu Âu thay vì từ công ty Boeing của Mỹ. - VOA

|

|


9.

Twitter tuyên bố sẽ cấm ông Trump nếu vi phạm luật


Twitter đang tăng cường bài trừ những phát ngôn thù hận, kỳ thị trên trang xã hội này và giờ đây một con cá lớn có thể bị lên thớt: Tổng thống tân cử Mỹ, Donald Trump.


Nhà lãnh đạo sắp tới của Mỹ lâu nay hay dùng Twitter để phổ biến các bình luận và quan điểm của mình.


Tờ Slashdot lưu ý rằng mấy ngày trước, Twitter cho báo mạng Slate biết rằng “công ty sẽ xét đến việc cấm các giới chức quan trọng trong chính phủ, và thậm chí là Tổng thống, nếu họ vi phạm các luật lệ của Twitter về phát biểu thù hận.


Một phát ngôn nhân của công ty khẳng định “Quy định của Twitter áp dụng cho tất cả mọi tài khoản sử dụng.”


Phương thức của trang mạng xã hội Facebook lại khác. Theo trang Slate, bất chấp sự phản đối của nhân viên, các quy chuẩn thông thường của cộng đồng Facebook sẽ không áp dụng đối với các tin đăng của ông Trump do mức độ ‘giá trị tin tức’ và sự ủng hộ rộng rãi đối với các quan điểm của ông. 


Hội Luật sư Mỹ định nghĩa phát ngôn thù hận là ‘những phát biểu xúc phạm, đe dọa, phỉ báng người khác dựa trên màu da, chủng tộc, tôn giáo, xuất xứ, giới tính, tình trạng khuyết tật của họ hay các đặc điểm khác.” - VOA

|

|


Tin Việt Nam


10.

VN nhìn lại 10 năm thực hiện Luật Quốc phòng


Bộ Quốc phòng Việt Nam mới đây đã tổ chức một hội nghị trực tuyến, tổng kết 10 năm thực hiện Luật Quốc phòng. 


Truyền hình Việt Nam đưa tin, “sau 10 năm thực hiện Luật Quốc phòng, đến nay hệ thống các văn bản về lĩnh vực quốc phòng, cơ bản được hoàn thiện”.


VTV còn dẫn chính sách quốc phòng cho biết rằng Việt Nam theo đuổi “đường lối, chính sách quốc phòng mang tính chất hoà bình, tự vệ, thể hiện rõ chủ trương không sử dụng vũ lực hoặc đe doạ sử dụng vũ lực trong các quan hệ quốc tế, chủ động giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh thổ bằng các biện pháp hoà bình”.


Theo báo Quân đội Nhân dân, phát biểu tại sự kiện này hôm 28/11, Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch, nói rằng “kết quả quan trọng nhất sau 10 năm thực hiện Luật Quốc phòng là nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành và nhân dân cả nước về nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc có chuyển biến rõ rệt”. 


Cơ quan báo chí của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng Việt Nam còn dẫn lời ông Lịch “chỉ ra những hạn chế, bất cập trong quá trình thực hiện Luật Quốc phòng”. 


Bộ trưởng Quốc phòng dẫn ra các ví dụ như “công tác tuyên truyền, phổ biến Luật và công tác quản lý nhà nước về quốc phòng ở một số địa phương, cơ quan, đơn vị chưa được quan tâm đúng mức; các mặt bảo đảm cho động viên quốc phòng và dự trữ vật chất cho hoạt động của khu vực phòng thủ còn nhiều bất cập hay việc quán triệt quan điểm phát triển kinh tế - xã hội kết hợp củng cố quốc phòng, an ninh chưa toàn diện”. 


Luật Quốc phòng của Việt Nam được thông qua năm 2005 “quy định chính sách quốc phòng, nguyên tắc, nội dung cơ bản về hoạt động quốc phòng; hoạt động của lực lượng vũ trang nhân dân; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, quyền và nghĩa vụ của công dân về quốc phòng”.


Việc tổng kết luật này diễn ra trong bối cảnh tình hình biển Đông vẫn chưa có dấu hiệu nguội đi, nhất là sau khi một viện nghiên cứu của Trung Quốc tuyên bố rằng nước này “có thể thiết lập Vùng Nhận dạng Phòng không” ở vùng biển tranh chấp. - VOA

|

|


11.

VN dạy Nhật một bài học’ trong vụ điện hạt nhân


Tờ Nikkei Asian Review, thuộc sở hữu của một trong những tập đoàn truyền thông lớn nhất Nhật Bản, đăng bài viết với tựa đề như vậy hôm 5/12, một tháng sau khi Việt Nam ngừng dự án điện hạt nhân. 


Tờ báo này cho rằng quyết định đó của Việt Nam là “một bài học cay đắng” cho Nhật Bản về việc “phải biết rõ khách hàng của mình, dù đó là một cá nhân hay một chính phủ”. 


Chính quyền Hà Nội hồi tháng 11 thông báo ngừng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận do thấy không khả thi trong bối cảnh kinh tế Việt Nam hiện nay, theo báo chí trong nước. 


“Nhật phải đánh giá kỹ càng nhu cầu của nước đối tác và tính khả thi về tài chính của một dự án trước khi thúc đẩy các dự án cơ sở hạ tầng vào một nước nào đó”, Nikkei viết. 


Trả lời VOA Việt Ngữ, ông Nguyễn Việt Phương, Nghiên cứu viên về vấn đề hạt nhân thuộc Trung tâm Belfer, Trường hành chính Kennedy, Đại học Harvard, cho biết rằng ông “không bất ngờ” trước quyết định của Việt Nam vì đã thấy việc nhiều lần trì hoãn khởi công nhà máy.


Ông cho biết thêm đã “nói chuyện với một số chuyên gia nước ngoài, một số cựu quan chức thì họ cũng đều không tỏ ra bất ngờ lắm trước quyết định này vì đối với các quốc gia đang phát triển, thì điện hạt nhân quả thực là một món ăn không dễ nuốt”.


Nhà nghiên cứu này nói thêm: 


“Theo tôi, lý do quan trọng nhất của việc dừng dự án điện hạt nhân, đấy là tính kinh tế của điện hạt nhân bây giờ không còn nữa vì hai điều. Thứ nhất, nhu cầu điện năng của Việt Nam trong thời gian qua có hãm lại một chút so với thời điểm mình định phát triển điện hạt nhân. Và thứ hai là, việc phát triển điện hạt nhân quả thực là quá đắt trong điều kiện kinh tế của Việt Nam hiện nay”. 


Ông Phương cho rằng việc thay đổi đội ngũ lãnh đạo ở Việt Nam thời gian qua “không phải là yếu tố quan trọng nhất” dẫn tới việc ngừng chương trình điện hạt nhân của Việt Nam. 


Về quan ngại của người dân, nhà nghiên cứu này cho rằng theo quan sát cá nhân của ông, điện hạt nhân “không bị phản đối kịch liệt như ở một số nước”. 


Tờ báo của xứ sở mặt trời mọc đưa tin rằng Nhật Bản giành hợp đồng xây dựng các nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam năm 2010 trong cuộc gặp giữa Thủ tướng nước này khi ấy là ông Naoto Kan và người đồng nhiệm Nguyễn Tấn Dũng. 


Tờ báo cũng đăng bức ảnh hai người đứng đầu chính phủ Việt Nam và Nhật Bản khi ấy bắt tay và cười tươi khi ký thỏa thuận. 


Nikkei viết rằng “các quan chức của Bộ Ngoại giao Nhật Bản cũng có mặt tại cuộc họp và vỗ tay tán thưởng”. 


Tờ báo đặt câu hỏi: “Liệu có bất kỳ ai tham gia đấu thầu từng đặt ra suy nghĩ rằng dự án có thể sẽ khó thực hiện vì khó khăn về tài chính và kỹ thuật?” 


Về lý do ngưng dự án, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, được VnExpress dẫn lời nói rằng “công nghệ hạt nhân của Nga và Nhật Bản đều tiên tiến nhất hiện nay và có mức độ an toàn rất cao” nên "việc dừng dự án không phải với lý do công nghệ, an toàn mà do điều kiện kinh tế nước ta hiện nay".


Trong bài viết có tựa đề “Số phận của năng lượng hạt nhân ở Việt Nam” trên một trang web dành cho các nhà khoa học về hạt nhân và nguyên tử, nhà nghiên cứu Nguyễn Việt Phương viết: “Trong khi bản thân người Việt sẽ thua thiệt nhất từ quyết định ngừng phát triển hạt nhân của chính phủ, nó còn có thể gây ra những tác động bên ngoài đất nước, đối với các đối tác kinh doanh của Hà Nội và đối với an ninh hạt nhân trong khu vực và trên toàn thế giới”.


Cũng liên quan tới vấn đề điện hạt nhân và Việt Nam, hồi tháng Mười, thông tin ba nhà máy điện hạt nhân của Trung Quốc, nằm cách Việt Nam không xa, chính thức đi vào hoạt động, thu hút sự quan tâm của dư luận trong nước.


Báo chí đăng tải nhiều bài viết về sự kiện này với những hàng tít như “Không được chủ quan với nhà máy điện hạt nhân Trung Quốc” hay “Nguy cơ của các nhà máy điện hạt nhân đặt gần Việt Nam”.


Theo ông Nguyễn Việt Phương, việc các nhà máy điện hạt nhân xây ở gần biên giới các quốc gia không phải là chuyện hiếm và “vấn đề mà chúng ta phải đặt ra ở đây là “làm thế nào phải đảm bảo đường dây thông tin giữa Việt Nam và Trung Quốc về vấn đề an toàn. Và vấn đề thứ hai đó là đề nghị Trung Quốc xúc tiến việc đảm bảo an toàn cho các nhà máy này”. - VOA

|

|


12.

Liệu Việt Nam có đang trở thành một xã hội xấu xí?


Video chiếu cảnh một con trâu bị xe tông chết giữa đường và sau đó bị dân địa phương xông vào xẻ thịt đã lan truyền trên mạng xã hội với nhiều bình phẩm của dân mạng cho rằng xã hội Việt Nam “đang trở nên xấu xí.”


Trong đoạn video được nhiều người chia sẻ trên mạng Facebook mấy ngày qua, một nhóm người cầm dao xẻ thịt con trâu đã chết giữa đường trên một đoạn đường ở tỉnh Bình Dương. Tin của VNExpress hôm 6/12 cho biết công an thị xã Thuận An đã vào cuộc để ‘điều tra’ vụ việc này.


Đây không phải là lần đầu tiên người dân Việt Nam tham gia vào các vụ “hôi của” trên đường. Trước đây truyền thông trong nước và mạng xã hội đã tung ra những hình ảnh chiếu cảnh dân tranh nhau cướp bia, tiền và thậm chí cả dầu nhớt thay vì cứu giúp người gặp nạn.


Theo nhà xã hội học Lê Bạch Dương, đây là một hiện tượng xã hội ở Việt Nam cho thấy người dân đang trở nên ích kỷ đối với chính cộng đồng của mình:


"Nó cũng thể hiện cái việc là bây giờ ai cũng lo cho cá nhân, không quan tâm lắm đến giúp đỡ người khác. Tất nhiên không phải tất cả mọi người đều như vậy. Nhưng nhìn chung thì ai cũng nghĩ bây giờ làm sao mà thu lợi nhiều nhất cho gia đình cho cá nhân, còn những cái lợi cho bên cộng đồng cho xã hội thì cũng không phải là cái ưu tiên cao."


Truyền thông trong nước vẫn thường đưa ra những nhận xét về hình ảnh người Việt Nam đang trở nên xấu xí vì những vụ ‘hôi của’ kiểu ấy, và cho rằng đây là chỉ dấu suy vong của đạo đức xã hội.


Vụ 1 chiếc xe tải chở 1.500 thùng bia gặp nạn ở thành phố Biên Hòa cách đây 3 năm và người dân địa phương đổ ra tranh cướp các lon bia Tiger bị đổ xuống đường đã được truyền thông khai thác. Theo VTC News, mặc cho tài xế “gào khóc thảm thiết”, người dân “tiếp tục nhặt, khuân vác từng thùng bia để mang về nhà.”


Những vụ ‘lấy của người khác làm của của mình’ gồm cả việc nhặt các xấp tiền văng trên đường, và đánh cắp các thùng dầu nhớt từ ô tô bị lật. Trong một vụ khác xảy ra gần đây,nhiều người đã xông vào cướp hàng giả chưa được tiêu hủy tại bộ Khoa Học & Công Nghệ.


Theo tiến sĩ Dương điều này thể hiện việc người Việt Nam thiếu hiểu biết về pháp luật:


"Họ cũng không hiểu biết nhiều về pháp luật và cũng có tâm lý là thấy cái gì mà không phải mất tiền mà mình lấy được thì lấy thôi. Trong cái bối cảnh xã hội bây giờ khi mà nhận thức về pháp luật không được tốt thì người dân họ sẽ hành xử theo cái lối đó."


Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản đã được ghi trong điều 137 Bộ Luật Hình Sự Việt Nam. Luật sư Triệu Trung Dũng của Đoàn Luật Sư TP Hà Nội được VTC News trích lời nói rằng “hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản của những người ‘hôi của’ sẽ bị khởi tố hình sự theo quy định” của bộ luật này.


Nhưng vấn đề lớn hơn từ hiện tượng ‘hôi của’ này, theo tiến sĩ Dương, là một sự rạn nứt trong quan hệ xã hội:


"Tôi nghĩ ở đây, mối quan hệ xã hội bây giờ đang ở trong tình trạng không có sự gắn kết, không có sự chia sẻ thông cảm, không giúp đỡ gì cả và ai cũng thu về để có cái lợi nhất, cái an toàn nhất cho mình ngay cả khi cái đấy ảnh hưởng đến người xung quanh."


Trong khi đó có ý kiến cho rằng hiện tượng ‘hôi của’ là hiện tượng xã hội ở những đất nước đang phát triển. Một người quốc tịch Hàn Quôc có tên Thomas Kool đã sinh sống ở thành phố HCM hơn 9 năm được TuoiTreNews trích lời nhận xét về hiện tượng này cho rằng “nó là một vấn đề chung của thế giới đang phát triển.” Tuy nhiên, tiến sĩ Dương cho rằng người Việt Nam không còn đói khổ để phải đi “lấy đồ của người khác” mà bởi vì “những hành vi xấu như vậy đã ăn quá sâu trong xã hội từ cấp cá nhân cho đến cộng đồng.” - VOA

|

|


13.

Bắt Trịnh Xuân Thanh 'phải có thời gian'


Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng nói hôm 6/12/2016 về hai nhân vật Trịnh Xuân Thanh và Vũ Huy Hoàng và nhấn mạnh lại quyết tâm 'chống tham nhũng' của bộ máy chính trị tại Việt Nam.


Tiếp xúc cử tri tại Đông Anh, Hà Nội, ông Nguyễn Phú Trọng cũng thừa nhận nói:


"Trịnh Xuân Thanh chỉ là Phó Chủ tịch của một tỉnh thôi nhưng đã ghê gớm, móc ngoặc, dây dợ rồi bỏ trốn đi nước ngoài, nhưng không trốn được đâu."


Nghe lời bình luận 'con voi mà chui qua lỗ kim' từ một cử tri về vụ nguyên Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh hiện đang trốn ở nơi nào không ai rõ, ông Trọng nói:


"Bây giờ chúng ta đã phát lệnh truy nã ra cả quốc tế, phối hợp với các cơ quan của các nước và tinh thần là bắt bằng được, không trốn được đâu. Chúng ta làm theo luật pháp quốc tế nhưng phải có thời gian."


Còn khi nói về nguyên Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng, ông Nguyễn Phú Trọng cho hay:


"Lần đầu tiên Quốc hội đã ghi vào trong Nghị quyết chất vấn là Quốc hội nghiêm khắc phê phán ông Vũ Huy Hoàng, việc này có người bảo như thế đã đau chưa..."


Giáo sư Trọng cũng nhắc lại đề nghị kỷ luật của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, xử lý nhiều cơ quan, gồm cả Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Nội vụ, Bộ Công thương, Tỉnh ủy Hậu giang, bảy cán bộ bị xử lý kỷ luật, theo trang Zing (06/12).


Liên tục hỏi về vụ Trịnh Xuân Thanh


Có vẻ như các lãnh đạo cao cấp nhất ở Việt Nam phải liên tục giải thích về vụ ông Trịnh Xuân Thanh 'bỏ trốn'.


Liên quan đến vụ việc về ông Trịnh Xuân Thanh khiến tỉnh ủy Hậu Giang bị kỷ luật, hôm 04/12, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, bà Nguyễn Thị Kim Ngân đã có lời giải thích với cử tri Ninh Kiều, Cần Thơ.


Trước câu hỏi của một cử tri "Tại sao tỉnh Hậu Giang xin cán bộ cho địa phương và được Ban tổ chức Trung ương đồng ý, nhưng cuối cùng nguyên Bí thư và Bí thư tỉnh này bị kỷ luật?", bà Ngân đã nói:


"Tôi biết, Hậu Giang có hai lần xin Phó chủ tịch tỉnh. Lần đầu tiên là xin một Phó chủ tịch, lần hai là xin đích danh ông Trịnh Xuân Thanh. Còn vì sao lãnh đạo tỉnh Hậu Giang bị kỷ luật, vì khi xin một Phó chủ tịch UBND tỉnh mà không thông qua Thường vụ Tỉnh ủy là sai nguyên tắc. 


"Chỉ vì làm không đúng nguyên tắc đã ảnh hưởng đến Đảng bộ và nhân dân tỉnh Hậu Giang. Ngoài ra còn cái sai nữa là để lãnh đạo tỉnh đi xe biển trắng gắn biển xanh. Đó là hai cái sai của Hậu Giang." 


Được biết, cử tri Cần Thơ cũng bày tỏ với Chủ tịch Quốc hội Việt Nam ý kiến "băn khoăn, chưa đồng tình về việc xử lý cán bộ đứng đầu liên quan đến vụ án Trịnh Xuân Thanh."


Theo báo Nhân Dân (04/12), các ý kiến này nói "hiện nay, Đảng chỉ mới xử lý cấp phó và cấp dưới, còn xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị chưa thực hiện, cho nên chưa tạo sự công bằng, đồng thuận trong nhân dân".


Trước đó, hôm 30/11/2016 ông Đinh Thế Huynh, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng CSVN đã bị cử tri Đà Nẵng hỏi cũng về vụ ông Trịnh Xuân Thanh.


Một cử tri ở Quận Thanh Khê, Đà Nẵng nói rằng "một người ăn cắp mấy triệu đồng dù có trốn đi đâu thì cũng bị bắt về quy án. Còn ông Thanh thì làm thất thoát cả nghìn tỷ đồng với nhiều sai phạm mà trốn đi nước ngoài không ai hay. Điều này quá vô lý."


Đáp lại, ông Đinh Thế Huynh bày tỏ sự thất vọng khi xảy ra những sai phạm liên quan đến Trịnh Xuân Thanh. 


Theo các báo Việt Nam, ông Huynh cho biết:


"Không chỉ Bộ Công thương mà cả những đơn vị - nơi mà Trịnh Xuân Thanh từng công tác cũng sẽ bị xem xét trách nhiệm liên đới."


Liên quan đến vụ ông Trịnh Xuân Thanh, trong cuộc họp ba ngày từ 28/11-30/11 ở Hà Nội, các ủy viên Ủy ban Kiểm tra Đảng Cộng sản Việt Nam đã xem xét xử lý, đề nghị kỷ luật bảy cán bộ cao cấp.


Đó là các vị Huỳnh Minh Chắc, cựu Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang nhiệm kỳ 2010-2015; Trần Công Chánh, bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang nhiệm kỳ 2015-2020; Trần Lưu Hải, nguyên phó Ban thường trực Ban Tổ chức Trung ương Đảng; ông Bùi Cao Tỉnh; bà Trần Thị Hà; ông Trần Anh Tuấn và ông Nguyễn Duy Thăng.


Ông Trịnh Xuân Thanh, sinh năm 1966, từng làm Tổng giám đốc rồi Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) cho đến 2013.


Ông được luân chuyển về Bộ Công thương trước khi về làm Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang năm 2015.


Bộ Công an Việt Nam ngày 16/9/2016 đã ra quyết định truy nã ông vì liên quan vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Tổng công ty Cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC).


Bộ này nói "sau khi xác định" ông Thanh bỏ trốn, công an ra quyết định truy nã toàn quốc và truy nã quốc tế. - BBC

No comments:

Post a Comment