Friday, December 9, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Sáu 9/12

Tin Thế Giới


1.

Quan hệ Philippines-Mỹ có dấu hiệu tốt --- Tổng thống Philippines Duterte sắp thăm Campuchia --- Philippines tuyên bố không giúp Mỹ tuần tra ở Biển Đông


Quan hệ giữa Mỹ và Philippines, một trong những đồng minh lâu đời nhất của Mỹ, đã có dấu hiệu bình thường trở lại sau một khủng hoảng vào tháng 9 khi tổng thống Philippines yêu cầu Washington hãy rút lực lượng quân sự ra khỏi nước này và nêu lên vấn đề cắt đứt quan hệ với Mỹ.


Theo tin từ Philippines, trong một cuộc điện đàm mới đây, Tổng thống đắc cử của Hoa Kỳ Donald Trump đã chúc mừng Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte về chiến dịch bài trừ buôn lậu ma túy. Chính phủ của Tổng thống Barack Obama đã làm cho ông Duterte, người vừa nhậm chức vào tháng 6, phát giận vì đã chỉ trích hành động trấn áp nghi can tội phạm ma túy.


Ông Trump mời ông Duterte đến thăm Tòa Bạch Ốc, một cử chỉ làm thân với các đồng minh của Mỹ ở châu Á, bao gồm cả Nhật Bản.


Ông Fabrizio Bozzato, nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế thuộc trường đại học Tamkang Đài Loan nói rằng: “Những gì ông Trump đang làm là cố gắng khôi phục những gì Mỹ đã mất ở cuối nhiệm kỳ tổng thống của ông Obama, và cố gắng tăng cường các quan hệ đối tác và đồng minh mà Hoa Kỳ đã có trong khu vực.”


Theo báo chí Manila, văn phòng Tổng thống Philippines cho biết trong tuần này đã diễn ra một cuộc thảo luận “rất có kết quả” kéo dài một giờ đồng hồ giữa ông Duterte và tân đại sứ Hoa Kỳ, ông Sung Kim.


Trong một video trên Facebook của đại sứ quán Hoa Kỳ ở Manila, ông Kim cho biết cuộc thảo luận rất “tuyệt vời” và đã đề cập đến nhiều vấn đề khác nhau. Ông nói: “Hy vọng của tôi, kế hoạch của tôi, và cũng chính là cam kết của tôi là tăng cường và thắt chặt quan hệ hai nước trên tất cả các lĩnh vực, do đó các bạn có thể kỳ vọng rằng mối quan hệ sẽ tiếp tục phát triển.”


Vào tháng 9, ông Duterte gọi ông Obama bằng những từ tục tĩu và yêu cầu quân nhân Mỹ rút khỏi Philippines.


Manila là một trong những đồng minh chính của Washington ở châu Á kể từ khi hai bên ký hiệp định hợp tác quốc phòng vào năm 1951.


Từ năm 2002, có từ 50 đến 100 cố vấn Mỹ làm việc thường xuyên ở tây nam của đảo quốc Philippines để hỗ trợ việc đối phó với phiến quân Hồi giáo. Từ khi hai bên ký hiệp định vào năm 2014, hải quân Hoa Kỳ đã đến hỗ trợ việc theo dõi tàu thuyền của Trung Quốc trong vùng biển có tranh chấp.


Các nhà phân tích kỳ vọng rằng mối quan hệ giữa hai bên sẽ tiếp tục được cải thiện. Theo Christian de Guzman, phó chủ tịch quỹ Moody ở Singapore, ông Duterte chưa phá bỏ một hiệp định nào với Hoa Kỳ, và hai nước đã vượt qua được giai đoạn quan hệ xấu nhất là vào đầu những năm 90, khi hai căn cứ quân sự Mỹ bị đóng cửa. 


Ông Guzman nói:


“Hai bên đã vượt qua nhiều chặng đường chông gai, và chúng tôi nghĩ rằng chặng đường chông gai giữa ông Duterte và chính quyền ông Obama trong mấy tháng qua là chặng đường chông gai nhất.”


Các nhà phân tích nói, vào tháng Chín, những lời thô giọng nổi tiếng của ông Duterte là nhằm giảm sự phụ thuộc vào viện trợ của Hoa Kỳ, chứ không phải là cắt đứt hoàn toàn, hay một phần trong chính sách đối ngoại đa quốc gia. Ông đã đến thăm Trung Quốc và Nhật Bản và đã liên lạc với thủ tướng Nga kể từ khi nhậm chức.


Bozzato nói:


"Mục tiêu của ông Duterte là không bao giờ chuyển hoàn toàn sang Trung Quốc và từ bỏ các loại mối quan hệ mà Philippines đã có với Hoa Kỳ trong nhiều thập kỷ. Thay vào đó, ông Duterte đang cố gắng để cân bằng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ để tối đa hóa các viện trợ hoặc hỗ trợ chính trị mà ông có thể nhận được từ cả hai siêu cường."


Ông Jonathan Ravelas, giám đốc chiến lược thị trường thuộc Banco de Oro UniBank ở Manila nói rằng mối quan hệ khắn khít giữa Philippines và Hoa Kỳ sẽ giúp thu hút vốn đầu tư từ các công ty Mỹ.


Nhưng các chuyên gia cảnh báo rằng Philippines nên thận trọng với chính sách thương mại và đầu tư mang tính bảo hộ nhiều hơn dưới thời ông Trump.


Khoảng 1,8 triệu người Philippines làm việc tại Hoa Kỳ, mang về một lượng lớn kiều hối, khoảng 20 tỷ đô la cộng với lượng kiều hối từ các nước khác mỗi năm.


Ngành dịch vụ chăm sóc khách hàng qua điện thoại của Philippine bắt đầu vào năm 2004 với một nhà đầu tư Mỹ và sau đó đã mở rộng tuyển dụng khoảng một triệu nhân viên, với doanh thu dự kiến là 25 tỷ đô la trong năm 2016. - VOA


***

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte theo kế hoạch sẽ thăm Campuchia hai ngày 13/12-14/12 để bàn việc thúc đẩy quan hệ hai bên.


Bộ Ngoại giao Campuchia vừa xác nhận thông tin này với truyền thông trong nước nhưng không công bố lịch trình cụ thể.


Trong chuyến thăm chắc chắn ông Duterte, vốn được mệnh danh là 'The Punisher' ('Người Trừng phạt') sẽ có hội đàm với người đồng nhiệm Hun Sen.


Hai ông trong quá khứ từng chia sẻ kinh nghiệm trong việc phòng chống ma túy, tuy nhiên tổng thống Philippines mạnh tay hơn trong việc trừng phạt nghi phạm. Hơn 5.800 người bị bắn chết ở Philippines kể từ 1/7 trong cuộc chiến chống ma túy của ông Duterte, dẫn đến chỉ trích của quốc tế.


Campuchia là một trong số các nước "thân hữu" chưa bao giờ công kích Philippines và trước thềm chuyến thăm của Duterte; người phát ngôn Phay Siphan lặp lại rằng Phnom Penh không có quyền gì can thiệp vào công chuyện của Manila.


Hai nước gần đây cũng chia sẻ tương đồng trong chính sách ngoại giao khi cùng có nhiều chỉ dấu xích lại gần Trung Quốc.


Trước Campuchia, Tổng thống Duterte cũng đã tới thăm Việt Nam hai ngày 28/9-29/9.


Ông Duterte muốn tăng cường thương mại với Hà Nội, nhưng hai bên đang có khác biệt về cách tiếp cận trong lĩnh vực Biển Đông.


Việt Nam từng ủng hộ vụ Philippines kiện yêu sách chủ quyền của Trung Quốc lên Tòa trọng tài Quốc tế. Manila sau khi thắng kiện không thấy đả động tới chủ đề này. - BBC


***

Bộ trưởng Quốc Phòng Philippines Delfin Lorenzana, hôm qua 08/12/2016, tuyên bố có rất nhiều khả năng Manila không cho phép Washington sử dụng quốc gia này như bàn đạp cho các cuộc tuần tra bảo vệ tự do hàng hải ở vùng tranh chấp Biển Đông để tránh đối đầu với Trung Quốc.


Ông Lorenzana cho là tàu thuyền, máy bay Mỹ có thể sử dụng các căn cứ ở Guam, Okinawa hay bay từ các hàng không mẫu hạm để tuần tra trong vùng biển có tranh chấp. Thời tổng thống Aquino, tàu và máy bay Mỹ thường ngừng ở Philippines trên đường tuần tra ở Biển Đông. Nhưng tân tổng thống Duterte, chủ trương xích lại gần Trung Quốc và quay lưng lại với đồng minh lâu đời - đã tỏ ra cứng rắn trên vấn đề này.


Theo bộ trưởng Quốc phòng Philippines, ông Duterte « muốn tránh mọi hành động khiêu khích làm căng thẳng leo thang ở Biển Đông ». Trước mắt ông sẽ không để Mỹ sử dụng căn cứ ở Philippines. Phía Mỹ chưa bình luận về thông báo này. Trong tháng qua, đô đốc Harry Harris, tư lệnh lực lượng Thái Bình Dương của Mỹ, cho là bất chấp thái độ của ông Duterte, hợp tác quân sự Mỹ Philippines không có gì thay đổi.


Ông Duterte từng tuyên bố bãi bỏ những cam kết với Mỹ trong đó có việc tuần tra chung ở Biển Đông mà Bắc Kinh phản đối. Thao diễn quân sự thường niên cũng giảm nhẹ, chỉ tập trung trên những bài tập cứu hộ. Những bài tập bị bỏ vào năm tới đây là loại bài tập đổ bộ nhằm nâng cao năng lực phòng thủ của Philippines. - RFI

|

|


2.

Hoa Kỳ 'dùng Đài Loan kiềm chế Trung Quốc'?


Quốc hội Mỹ thông qua luật quốc phòng hôm thứ Năm với điều khoản mở lối cho trao đổi quân sự cao cấp với Đài Loan, đánh dấu một sự thay đổi mạnh trong chính sách an ninh châu Á.


Luật Ủy nhiệm Quốc phòng (National Defense Authorization Act - NDAA) thông qua khoản tiền khổng lồ 618,7 tỷ USD vừa được Thượng viện thông qua sau khi Hạ viện đã bỏ phiếu thuận tuần trước.


Nay luật này sẽ được chuyển lên cho Tổng thống Barack Obama ký để có hiệu lực.


Ông Obama cũng có quyền phủ quyết luật này.


Một điều khoản quan trọng trong luật quốc phòng mới nói Hoa Kỳ cần "trao đổi quân sự cấp cao" với Đài Loan, hòn đảo bị Bắc Kinh cho là một tỉnh của họ. 


Sang ngày thứ Sáu 9/12, phát ngôn viên Lục Khảng của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã ngay lập tức yêu cầu Hoa Kỳ "xử lý vấn đề Đài Loan một cách cẩn trọng" và không "kéo lùi lịch sử".


Nhưng giới bình luận nay tin rằng không chỉ Lưỡng viện Quốc hội Mỹ và cả Tổng thống tân cử Donald Trump đang thúc đẩy một chính sách mới, dùng Đài Loan làm đối trọng với Trung Quốc.


Trả lời BBC Tiếng Trung, quan chức Bộ Quốc phòng Đài Loan nói họ "lạc quan và cảm ơn sự ủng hộ từ những người bạn Mỹ".


Phía Đài Loan cho hay họ tiếp tục chờ xem Tổng thống sắp mãn nhiệm Barack Obama có ký luật Quốc phòng của Hoa Kỳ hay không.


Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Đài Loan không tiết lộ với BBC về chi tiết "chương trình trao đổi quân sự của Đài Loan với Hoa Kỳ".


Trong khi đó, Giáo sư Lại Nhạc Khiêm, một chuyên gia tại Đại học Shih Chien University, Đài Bắc nói với BBC điều chắc chắn là luật quốc phòng mới của Hoa Kỳ sẽ nâng cấp quan hệ quân sự với Đài Loan và là dấu hiệu chính quyền Mỹ "tăng ảnh hưởng của họ tại Đài Loan". 


GS Lại Nhạc Khiêm cũng cho rằng "Đài Loan sẽ trở thành một quân bài lớn hơn trong quan hệ Mỹ - Trung".


"Hoa Kỳ sẽ dùng Đài Loan để buộc Trung Quốc phải nhượng bộ trong các vấn đề Bắc Hàn, Iran và Syria, đồng thời nhằm kiềm chế Trung Quốc".


Công khai chỉ trích TQ


Dù chưa chính thức cầm quyền, Tổng thống đắc cử Donald Trump đã có một loạt hành động cho thấy ông muốn thay đổi quan hệ với Đài Loan và Trung Quốc.


Sau khi nhận cú điện đàm từ bà Thái Anh Văn, người mà ông Trump gọi là "tổng thống Đài Loan" nhưng Trung Quốc chỉ coi là "lãnh đạo Đài Loan", ông Trump lên Twitter đáp trả lời phê phán từ Bắc Kinh.


Ông hỏi "Hoa Kỳ bán hàng tỷ đô la vũ khí cho Đài Loan mà tôi lại không được quyền nhận một cú điện thoại chúc mừng?" 


Chưa hết, không lâu sau đó, ông Trump lại dùng Twitter công khai phê phán Trung Quốc về tiền tệ và Biển Đông.


Các báo Mỹ sau đó xác nhận trong bộ tham mưu của Donald Trump có nhiều người thân thiện với Đài Bắc.


Trang Washington Post viết rằng:


"Bà Thái Anh Văn sẽ được lắng nghe ở Tòa Bạch Ốc. Ông Reince Priebus (sinh năm 1972, người được bổ nhiệm làm Chánh văn phòng Tòa Bạch Ốc tương lai), đã từng thăm Đài Loan cùng một phái đoàn của Đảng Cộng hòa vào năm 2011 và tháng 10/2015, và gặp bà Thái trước khi bà thắng cử. Ngoại trưởng Đài Loan David Li cũng gọi ông Priebus là người bạn của Đài Loan và nói tin ông được bổ nhiệm làm Chánh văn phòng cho ông rump là tin vui cho hòn đảo..."


"Edward J. Feulner, chủ tịch lâu năm của Quỹ Heritage Foundation cũng từng vun đắp các quan hệ với Đài Loan trong nhiều thập niên qua. Ông nay là thành viên của nhóm chuyển tiếp quyền lực giúp ông Trump nhậm chức." - BBC

|

|


3.

Ấn Độ kỳ vọng biến kinh tế thiếu tiền thành kinh tế không tiền mặt


Hàng trăm khách hàng đến mua bánh mặn nổi tiếng ở cửa hàng của ông Satnam Singh trong khu chợ nhộn nhịp ở New Delhi, họ mua hàng bằng tiền mặt -- thường từ 2 đô la đến 5 đô la. Nhưng doanh thu của ông Singh đã giảm hẳn sau khi Ấn Độ ra lệnh cấm sử dụng tiền có mệnh giá cao hồi tháng trước, dẫn đến tình trạng khan hiếm tiền tệ nghiêm trọng.

Nhận thấy khách hàng không có đủ tiền mặt để mua các món hàng giá trị thấp, ông Singh cho khách hàng trả tiền bằng ví điện thoại di động, một ứng dụng giao dịch ngân hàng, chẳng hạn như thẻ tín dụng, trên điện thoại động. Ông nói: "Xếp hàng dài tại các ngân hàng là một vấn đề, vì vậy tôi tạo điều kiện thuận tiện cho khách hàng."


Cửa hàng của ông Singh đã trở thành một đơn vị của nền kinh tế "không dùng tiền mặt" mà chính phủ cố tìm những biện pháp thúc đẩy gây ra nhiều tranh cãi, trong đó có lệnh cấm sử dụng giấy bạc 500 và 1000 rupee (tương đương 7,50 đô la và 15 đô la) vào tháng trước.


Chính phủ hy vọng biện pháp này sẽ rút đi một lượng lớn tiền mặt bất hợp pháp, tăng lượng dự trữ của hệ thống ngân hàng, siết chặt kiểm tra việc trốn thuế trong một đất nước mà đa số các doanh nghiệp và hoạt động thương mại giao dịch bằng tiền mặt để tránh thuế.


Kể từ khi công bố lệnh cấm, Thủ tướng Narendra Modi đã nhiều lần kêu gọi công chúng dùng các kênh thanh toán trực tuyến.


Chính phủ hy vọng việc sử dụng điện thoại di động rộng khắp trong những năm gần đây tạo nên đột phá bằng cách thanh toán điện tử. Nhưng các chuyên gia tài chính cảnh báo đó là một nhiệm vụ khó khăn.


Thách thức ở các khu vực nông thôn là rất lớn, nơi nhiều người không có tài khoản ngân hàng, nơi mà mạng Internet chưa phổ biến, nơi mà nhiều người hầu như chưa biết giao dịch trực tuyến là gì. 


Ông Saloni Nangia, chủ tịch công ty tư vấn Technopak Advisors, nói cần phải có một sự thay đổi lớn trong tư duy trước khi nền kinh tế có thể chuyển sang "không dùng tiền mặt." 


Thủ tướng Modi hiểu rõ các thách thức. Ông nói cả một thế hệ trong nước không quen thuộc với thanh toán trực tuyến. Ông kêu gọi những người trẻ am hiểu công nghệ hãy "dành một ít thời gian mỗi ngày để giúp cho 10 gia đình” làm quen với ứng dụng công nghệ này trong sinh hoạt mua bán. - VOA

|

|


4.

Quốc hội Nam Hàn bỏ phiếu luận tội bà Park


Quốc hội Nam Hàn bỏ phiếu thuận với việc luận tội Tổng thống Park Geun-hye vì vụ bê bối tham nhũng bà có liên quan. 


Quốc hội bỏ phiếu với tỷ lệ 234 phiếu thuận, 56 phiếu chống, nghĩa là một số thành viên đảng Saenuri cầm quyền cũng bỏ phiếu luận tội bà Park.


Thủ tướng Hwang Kyo-ahn sẽ tạm nắm quyền tổng thống.


Bà Park dính líu đến vụ bê bối chính trị, lý do khiến hàng ngàn người Hàn Quốc xuống đường biểu tình đòi bà từ chức trong mấy tuần qua. 


Tiêu điểm của cuộc khủng hoảng này là quan hệ giữa bà Park và người bạn thân, bà Choi Soon-sil, người bị kết tội dùng quan hệ cá nhân để tăng ảnh hưởng và trục lợi tài chính.


Cơ quan công tố nói bà Park có một vai trò "đáng kể" trong vụ tham nhũng bị cáo buộc, nhưng bà bác bỏ. 


Tuy nhiên, bà đã nhiều lần công khai xin lỗi dân vì mối quan hệ gần gũi với bà Choi - một người không hề có vị trí chính thức nào trong chính phủ. 


Dân chúng ngày càng tức giận. Những cuộc biểu tình hàng tuần qua đã thu hút hàng ngàn người yêu cầu bà từ nhiệm. Bà Park trở thành một nhân vật bị cô lập và nhiều bê bối. 


Việc Quốc hội bỏ phiếu luận tội bà Park có nghĩa bà sẽ phải ngưng giữ chức, nhưng quyết định cuối cùng vẫn cần được phê duyệt bởi Tòa Hiến pháp gồm chín thẩm phán. Tòa có sáu tháng để cân nhắc chuyện này. 


Nếu Tòa Hiến pháp phê chuẩn quyết định này, bà Park sẽ bị bãi nhiệm. Khi đó bà sẽ trở thành tổng thống Nam Hàn đương nhiệm đầu tiên bị bãi chức trong kỷ nguyên dân chủ của nước này. - BBC

|

|


5.

Nga lại tiếp tục ném bom ở Aleppo


Hôm thứ Sáu, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói rằng Nga và quân đội chính phủ Syria sẽ tiếp tục không kích Aleppo cho đến khi nào các lực lượng nổi dậy bật ra khỏi thành phố. 


Tại cuộc họp an ninh ở Hamburg, Đức, ông Lavrov nói với các phóng viên báo chí rằng: “Sau đợt ngừng bắn để cứu trợ nhân đạo, các cuộc tấn công sẽ được tiếp tục nếu các lực lượng nổi dậy vẫn còn ở Aleppo.”


Ông Lavrov phát biểu như trên chỉ một ngày sau khi chính phủ Syria nói rằng đã ngưng các cuộc hành quân ở phía đông Aleppo. Hôm thứ Sáu trả lời câu hỏi tại sao có các phát biểu trái ngược như vậy, ông Lavrov nói rằng: “Tôi không nói rằng các cuộc hành quân đã ngưng hoàn toàn, tôi nói rằng các cuộc hành quân ngưng trong một khoảng thời gian nhất định để thường dân sơ tán. Mọi người đều hiểu như vậy, các lãnh đạo Hoa Kỳ cũng hiểu như vậy.”


Ông Lavrov nói rằng ông hy vọng sẽ sớm đạt được một hiệp định có hiệu lực lâu dài, nhưng cho rằng các nhà ngoại giao Hoa Kỳ cũng tỏ thái độ “lạ” và muốn thực hiện đề xuất trước đó nhằm cho phép các lực lượng nổi dậy rời khỏi Aleppo nếu họ từ bỏ vũ khí. 


Ông Lavrov nói: “Nếu các chuyên gia Hoa Kỳ không thay đổi ý kiến một lần nữa như họ đã thay đổi cách nay vài ngày, thì vẫn còn một cơ hội tốt để đạt được một thỏa thuận chung cuộc cho tình hình ở Aleppo.”


Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã nhóm họp hôm thứ Sáu để biểu quyết cho một nghị quyết không có tính ràng buộc, kêu gọi chấm dứt bao vây và giao tranh ngay lập tức, và mở đường cho các đoàn xe cứu trợ nhân đạo vào. 


Động thái này được đưa ra khi Ðại hội đồng Liên hiệp quốc tìm cách hàn gắn chia rẽ trong Hội đồng Bảo an. Hôm thứ Hai, bất đồng lớn nhất xảy ra khi Nga và Trung Quốc ngăn chặn việc thông qua nghị quyết kêu gọi ngừng bắn trong bảy ngày để đưa viện trợ vào và chuyển người bị thương ra khỏi thành phố. - VOA

|

|


6.

Trung Quốc kỷ niệm 15 năm gia nhập WTO


Chủ nhật này đánh dấu 15 năm Trung Quốc là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), một cột mốc quan trọng đã được dự đoán lâu nay là để đánh dấu sự trỗi dậy của quốc gia do cộng sản cai trị nhưng phát triển theo kinh tế thị trường.

Bắc Kinh xem ngày này là thời điểm Trung Quốc trở thành một nền kinh tế thị trường theo mặc định, nhưng quy định này trong thỏa thuận gia nhập vào WTO sẽ không còn áp dụng nữa. Liên minh châu Âu, Hoa Kỳ và các nước khác không đồng ý Trung Quốc được mặc định là nền kinh tế thị trường.


Nhật Bản và Ấn Độ dường như không công nhận ngay Trung Quốc có nền kinh tế thị trường. Một số người tin rằng EU cuối cùng có thể bật bật đèn xanh cho Trung Quốc, nhưng sẽ từng bước giảm ảnh hưởng của Trung Quốc trên thị trường, ngay cả khi nước này được công nhận quy chế kinh tế thị trường (MES).


Đây là cột mốc quan trọng trong thời kỳ trắc nghiệm của nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới trong lúc nền kinh tế này đang tăng trưởng ở tốc độ chậm nhất trong một phần tư thế kỷ qua. Trước đó Trung Quốc từng đạt tỉ lệ tăng trưởng trên 10%.


Được công nhận kinh tế thị trường là một trong những vấn đề quan trọng đối với Trung Quốc, không chỉ vì uy tín và vị thế mà qui chế này mang lại, mà còn bởi vì nó sẽ hạ thấp đáng kể rào cản đối với thương mại Trung Quốc và thuế suất chống bán phá giá.


Nhiều nhà phân tích cho rằng họ biết rõ việc Trung Quốc trợ giá quá nhiều cho các doanh nghiệp nhà nước, khuyến khích doanh nghiệp bán hàng dưới giá, phá giá hàng hóa trên thị trường thế giới. Bắc Kinh phản đối quan điểm đó và lập luận rằng các công ty Trung Quốc hoạt động tự do mà không có bất kỳ sự trợ giá nào của chính phủ.


Ông Scott Kennedy, Giám đốc Dự án Kinh doanh và Kinh tế chính trị Trung Quốc thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cho biết:


“Cơ quan phán quyết trung lập nhất về việc liệu Trung Quốc có tuân thủ các cam kết WTO hay không chính là WTO." 


Ông Kennedy cho biết đến nay Trung Quốc đã bị thua phần lớn các vụ kiện tại WTO. Trong số 24 vụ kiện tại WTO liên quan đến Bắc Kinh, 16 vụ đã có phán quyết.


Ông Kennedy nói: "Các hồ sơ kiện Trung Quốc chủ yếu liên quan đến các khía cạnh khác nhau trong chính sách công nghiệp của Trung Quốc, mà WTO đã nhiều lần phát hiện các chính sách đó không nhất quán với các cam kết của Trung Quốc." - VOA

|

|


Tin Hoa Kỳ


7.

Ông Trump chọn ông Andrew Puzder làm Bộ trưởng Lao động


Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Donald Trump đã chọn ông Andrew Puzder, một doanh nhân giàu có, một luật sư và là một nhà tài trợ hàng đầu cho chiến dịch tranh cử của ông Trump, cho chức vụ bộ trưởng lao động, và chờ Thượng viện thông qua.


Puzder là người đứng đầu tập đoàn CKE Restaurant Holdings, công ty mẹ của chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh Carl Jr., Hardee và các chuỗi nhà hàng khác.


Theo trang web của Bộ Lao động, nhiệm vụ của cơ quan này là "duy trì và phát triển các phúc lợi cho người lao động, người tìm việc, và người về hưu của Hoa Kỳ; cải thiện điều kiện làm việc; tăng cường cơ hội tạo lợi nhuận cho doanh nghiệp tuyển dụng lao động và đảm bảo lợi ích và các quyền liên quan đến việc làm." Những người chỉ trích nói rằng những phát biểu bình luận trước công chúng của ông Puzder không phù hợp với nhiệm vụ ghi trên trang web của Bộ Lao động.


Ông cực lực chỉ trích việc nâng mức lương tối thiểu lên 15 đô la/ giờ và chỉ trích những quy định mới cho phép công nhân được trả lương làm việc ngoài giờ. Ông cũng không phải là người ủng hộ Đạo luật chăm sóc sức khỏe Obamacare.


Ông đã bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với công nghệ tự động mà ông cho rằng các chủ doanh nghiệp sẽ hưởng lợi nếu buộc họ phải trả tăng lương tối thiểu lên đáng kể, trợ cấp nghỉ ốm bắt buộc, và bảo hiểm y tế cho người lao động. 


Ông từ lâu đã là nhà tài trợ đáng tin cậy của Đảng Cộng hòa. Ông là nhà tài trợ chính cho ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa Mitt Romney vào năm 2012. Tại hội nghị thượng đỉnh các nhà tài trợ hàng năm vào tháng Sáu, Puzder là một trong số ít người tham dự đã tích cực giúp ông Trump tiếp xúc với đến hàng chục người khó tính trong đảng đối với việc ủng hộ một ngôi sao mới.


Theo số liệu hồ sơ gây quỹ, ông Puzder là một trong những nhà tài trợ chính cho chiến dịch tranh cử của ông Trump vào giai đoạn đầu tiên, trong đó ông giữ chức đồng chủ tịch của nhóm tài chính California và tổ chức gây quỹ. Cùng với vợ, ông Puzder góp 150.000 đô la hồi cuối tháng 5 cho cuộc vận động của ông Trump và các đối tác của Đảng Cộng hòa. - VOA

|

|


8.

Ngoại trưởng Kerry cảnh báo chủ nghĩa độc tài đang mở rộng


Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry đã cảnh báo các đối tác châu Âu về mối đe dọa của chủ nghĩa độc tài đang gia tăng ở châu Âu và trên thế giới.


Phát biểu hôm thứ Năm tại Hội đồng Bộ trưởng của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) ở Hamburg, ông Kerry nói xu thế ngày càng tăng trong cách nghĩ độc đoán cùng với tình trạng nhân quyền xuống cấp, hạn chế truyền thông độc lập và những hành vi bất dung và tội ác hận thù tăng cao.


Ông nói: “Cố chấp, đàn áp và bịt miệng những tiếng nói bất đồng không thể là những chuyện bình thường đối với bất kỳ ai trong chúng ta”. Ông nói thêm rằng “Mỗi mảnh tách ra khỏi những nguyên tắc cơ bản của tự do thực sự là một khối xấu xí đắp vào con đường dẫn đến độc tài”.


Ông Kerry cũng nói rằng cuộc xung đột ở miền đông Ukraine và hành động chiếm đóng Crimea của Nga đã kéo dài quá lâu. Ông kêu gọi OSCE tiếp tục nỗ lực thương lượng để tìm ra một giải pháp hòa bình cho những vấn đề này.


Ông nói thêm rằng việc kết thúc ngắn hạn bạo lực không làm lu mờ những nhu cầu dài hạn của Ukraine là xây dựng một nền dân chủ hưng thịnh.


Cuộc họp kéo dài hai ngày của OSCE có sự tham dự của các bộ trưởng đến từ 57 quốc gia thành viên của tổ chức. Đức hiện đang nắm giữ chức chủ tịch luân phiên của tổ chức này. - VOA

|

|


9.

Động đất ngoài khơi Bắc California mạnh 6,5 độ Richter --- Động đất tại ngoài khơi quần đảo Solomon, California


Các giới chức Mỹ nói một trận động đất mạnh 6,5 độ Richter được ghi nhận ở ngoài khơi bờ biển miền bắc California vào ngày thứ Năm nhưng không có báo cáo tức thì về thiệt hại tại thị trấn gần nhất.


Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ cho biết trận động đất có trung tâm tại Thái Bình Dương cách Ferndale, tiểu bang California khoảng 165km về phía tây, ở độ sâu 10km.


Khu vực bờ biển gần trận động đất nhất là nơi ít dân cư.


Trung tâm Cảnh báo Sóng Thần Thái Bình Dương thuộc Cơ quan Dự báo Thời tiết Quốc gia cho biết trên trang mạng của cơ quan này là không có cảnh báo sóng thần, khuyến cáo hay đe dọa sóng thần tiếp sau trận động đất.


Tại Ferndale, với dân số khoảng 1.300 người, Thị trưởng Don Hindley nói trong một cuộc phỏng vấn bằng điện thoại là ông không nghe có những thiệt hại nào do trận động đất gây ra cả. Ông nói ông cảm thấy đất rung chuyển khoảng 15 giây.


Ông nói thêm là ông cảm thấy đất rung chuyển nhiều hơn trong một trận động đất khác xảy ra vào đầu tuần này.


Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ, khu vực gần Ferndale đã xảy ra một trận động đất mạnh 4,3 độ Richter ngay trên bờ biển vào hôm thứ Hai vừa qua.


Tại Eureka, cách Ferndale chưa đầy 20km về phía bắc, bà Wanda Cloud, một người sử dụng Twitter cho biết bà cảm thấy choáng váng.


Ông Ashleigh Jordan, phụ tá hành chính Sở Cứu hỏa Humboldt Bay tại Eureka nói sở không nhận được cú điện thoại nào liên hệ đến trận động đất cả.


Trận động đất cũng được cảm nhận tại khu vực Vịnh San Francisco, cách Ferndale 400km về phía nam.


Cơ quan Chuyển vận Nhanh Khu vực Vịnh cho biết trên Twitter là hệ thống chuyển vận bị chậm 10 phút và xe điện phải giảm tốc độ vì trận động đất này. Động thái này là một biện pháp dè dặt theo chuẩn mực của cơ quan.


Ba mươi phút sau đó cơ quan chuyển vận đưa lên Twitter là cơ quan trở lại theo đúng kế hoạch. 


Ban đầu, Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ cho biết trận động đất mạnh 6,9 độ Richter nhưng sau đó giảm cường độ của trận động đất này xuống còn 6,5 độ Richter. - VOA


***

Một trận động đất mạnh 7,8 độ Richter xảy ra ngoài khơi bờ biển quần đảo Solomon vào sáng sớm ngày thứ Sáu, nhưng chưa có báo cáo về con số thiệt hại và cảnh báo sóng thần dọc theo bờ biển Nam Thái Bình Dương sau đó đã được dỡ bỏ.


Trung tâm Cảnh báo Sóng thần Thái Bình Dương đã đưa ra cảnh báo sóng thần đối với những đảo nhỏ tại Thái Bình Dương bao gồm Vanuatu, Papua New Guinea, Nauru, New Caledonia, Tuvalu và Kosrae.


Ông Loti Yates, giám đốc Văn phòng Quản trị Tai họa Quốc gia Quần đảo Solomon nói ông nhận được những báo cáo về các tòa nhà sụp đổ tại Malaita, một đảo gần trung tâm động đất.


Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ đã hạ giảm cường độ trận động đất, xảy ra vào lúc 17:30 giờ GMT ngày thứ Năm, từ 8,0 độ Richter lúc ban đầu xuống còn 7,8 độ. Độ sâu của trận động đất vào khoảng 40km.


Một trận động đất cũng xảy ra ngày thứ Năm ở ngoài khơi bờ biển phía bắc California. Trận động đất mạnh 6,5 độ Richter xảy ra tại Thái Bình Dương, cách San Francisco khoảng 400km về phía tây bắc.


Không có ngay báo cáo về thiệt hại hay bị thương và cũng không có cảnh báo sóng thần. - VOA

|

|


Tin Việt Nam


10.

Tổng bí thư: 'Tự diễn biến', 'tự chuyển hóa' liên quan đến vận mệnh Đảng và chế độ --- Luật sư: Bộ trưởng TNMT nói giải quyết vụ Formosa là ‘sinh mệnh chính trị’


Hôm 9/12, trong hội nghị trực tuyến toàn quốc để học tập Nghị quyết trung ương 4 của Bộ Chính trị, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh đến hiện tượng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong Đảng và xem đây là một cuộc chiến “không thể không làm” vì nó liên quan đến vận mệnh của Đảng và chế độ.


Tình hình nghiêm trọng


Trong bài phát biểu, ông Nguyễn Phú Trọng nói Nghị quyết 4 đã chỉ ra những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống của các đảng viên và xem đây là một “cuộc chiến đầy cam go” mà “khó mấy cũng phải thực hiện”.


Phó Giáo sư-Tiến sĩ Phạm Quý Thọ, chuyên gia về Chính sách Công của Học viên Chính sách và Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cũng cho rằng tình trạng tiêu cực trong nội bộ Đảng đã ở mức độ rất nghiêm trọng. Ông nói với VOA:


“Tình hình là rất nghiêm trọng rồi. Có những vấn đề mà người ta đánh giá trong Nghị quyết 4 về ‘tự chuyển hóa, ‘tự diễn biến’, rồi đạo đức, phẩm chất của cán bộ lãnh đạo thì đã trở thành vấn đề rất nghiêm trọng. Đảng thì thường ra rất nhiều nghị quyết những việc thực hiện nó rồi kết quả ra sao, báo cáo thì vẫn là tốt nhưng tình hình chuyển biến như thế nào thì là cả một vấn đề rất phức tạp”.


Ranh giới mong manh


Cũng trong bài phát biểu trước hội nghị hôm 9/12, ông Nguyễn Phú Trọng cũng nhắc đến việc phải kết hợp hài hòa giữa “xây” và “chống”. Ông nói “chúng ta không sợ nói ra khuyết điểm, tiêu cực” nhưng “cũng không cho phép ai lợi dụng việc đấu tranh khắc phục khuyết điểm, tiêu cực để bôi nhọ, kích động chống phá Đảng”.


Tuy nhiên theo Tiến sĩ Thọ, ranh giới giữa “chống tiêu cực” và “chống Đảng” là rất mong manh. Chuyên gia của Việt Nam nhận xét tình trạng tiêu cực trong Đảng qua các vụ chạy chức chạy quyền, tham nhũng, bổ nhiệm cán bộ “đúng quy trình” nhưng không đủ phẩm chất hay hiện tượng hàng loạt các cán bộ chạy ra nước ngoài khi “bị động”… đã đến mức đáng báo động, và việc chống tiêu cực trong Đảng là điều “hết sức khó khăn” vì nó đòi hỏi phải cải tổ, thay đổi cả một hệ thống. 


Tiến sĩ Thọ nói:


“Phải có một sự đồng thuận rất cao. Tuy nhiên, nếu sự đồng thuận này còn có vấn đề, bởi vì trong số những lãnh đạo này đương trong quá trình người ta còn phải củng cố của chính họ, bởi vì nếu không có quyền lực thì anh không thể chống lại được những cái tiêu cực này, vì những tiêu cực này núp bóng những quyền lực mà từ xưa đến nay cũng rất lớn. Thậm chí Tổng bí thư cũng có lần nhắc là chống cái này là ‘ta chống ta’ nên rất là khó. Điểm thứ hai, bây giờ người ta nhấn mạnh đến vấn đề chống phá Đảng không phải là vấn đề ngoại xâm mà thường rất dễ nhận ra, với giặc nội xâm thì rất khó nhận ra. Cho nên việc này là phải hoàn thiện cả thế chế, cả điều lệ, quy chế trong Đảng nữa. Nếu không cải tổ Đảng trước thì việc chống này rất khó khăn”.


Gần đây trong những vụ bê bối liên quan đến công tác nhân sự như vụ Trịnh Xuân Thanh, Vũ Huy Hoàng…, những hình thức kỷ luật của đảng Cộng sản như khai trừ Đảng, cảnh cáo… bị công luận cho là quá nhẹ và không có tác dụng, không hiệu quả.


Tiến sĩ Thọ nhận định:


“Cách làm vẫn là vũ khí ‘phê bình và tự phê bình’. Trong Đảng, đây là một vũ khí, cách làm quan trọng. Nhưng mà sau khi phê như thế này thì có đạt được vấn đề gì không? Sau đợt học tập Nghị quyết 4 này mà nếu không ra được những đồng chí nào hoặc những biểu hiện nào, những cá nhân cụ thể nào mà chỉ chung chung thôi thì chắc chắn là người ta sẽ thấy được tính hiệu quả thấp của việc này”.


Ảnh hưởng đến sự tồn vong của Đảng, của chế độ


Trong hội nghị, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng còn nhấn mạnh đến “tính chất nguy hiểm” và “hậu quả khôn lường” của tình trạng tự diễn biến, tự chuyển hóa. Ông Trọng nói tình trạng trên “liên quan đến vận mệnh của Đảng ta và chế độ ta”. 


Tiến sĩ Phạm Quý Ngọ cũng đồng ý với nhận định của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ông nói tình trạng tiêu cực nghiêm trọng hiện nay trong Đảng chắc chắn sẽ có ảnh hưởng đến sự tồn vong của Đảng và của chế độ nếu không tìm ra giải pháp giải quyết hiệu quả. 


Ông nói thêm với VOA:


“Tuy nhiên bây giờ làm như thế nào? Giải pháp như thế nào để làm thì đó là một bài toán hết sức khó. Cải tổ trong Đảng, trong Nhà nước như thế nào? Đây là vấn đề hết sức cấp bách, mà đặt ra thì có vẻ chưa được cụ thể và rõ ràng lắm. Học Nghị quyết xong nhưng còn những quy chế thì sửa như thế nào? Rồi tất cả những việc triển khai nghị quyết này vào trong thực tế, cũng như làm sao đấy để những vấn đề của Đảng, những nghị quyết, chỉ thị, chuẩn mực của Đảng phải được luật hóa để bên chính quyền, chính phủ làm. Nhưng liệu có làm được không? Cái đó là cái mà người ta đặt ra rất nhiều về vấn đề cải tổ trong thời gian tới”.


Đây là lần đầu tiên Bộ Chính trị tổ chức hội nghị trực tuyến trên toàn quốc để học tập nghị quyết. Ngoài Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, còn có Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh và các lãnh đạo chủ chốt khác tham dự hội nghị. - VOA


***

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) Trần Hồng Hà hôm 8/12 đã có cuộc họp với các nạn nhân vụ ô nhiễm môi trường do công ty Formosa ở Hà Tĩnh gây ra và nói “sẽ không làm bộ trưởng nữa” nếu không giải quyết ổn thỏa hậu quả của vụ ô nhiễm. 


Cuộc họp cũng có sự tham dự của các luật sư đại diện cho người dân và đại diện chính quyền địa phương. Luật sư Trần Vũ Hải, một trong những luật sư tham gia buổi họp, cho VOA biết về nội dung chính của cuộc họp kéo dài 4 tiếng ở xã Kỳ Lợi, Kỳ Anh, Hà Tĩnh:


“Có hai vấn đề đặt ra. Thứ nhất là vấn đề giấy phép xả thải cho Formosa do Bộ TNMT cấp ngày 11/12/2015 thì hiện nay các hộ dân đang khiếu nại và cho rằng nó được cấp trái pháp luật. Cụ thể là nó chưa được tham vấn cộng đồng theo Luật và Nghị định của chính phủ về tài nguyên nước. Thứ hai, các hộ dân, ngư dân cũng trình bày những vấn đề liên quan đến cuộc sống của họ ở xã Kỳ Lợi, Kỳ Anh, Hà Tĩnh, hiện nay. Trong cuộc gặp này có cả Phó Chủ tịch tỉnh và Chủ tịch xã. Các ngư dân đã trình bày và ông Bộ trưởng cũng đã đề nghị giải quyết địa phương hoặc trong khả năng của Bộ TNMT”.


LS. Trần Vũ Hải cho biết người dân ở thị xã Kỳ Lợi cho rằng những thiệt hại mà họ phải gánh chịu từ vụ ô nhiễm môi trường là “gấp 3 lần” các nạn nhân ở những vùng khác. Cụ thể là cuộc sống, công việc của họ đã bị đảo lộn do phải di dời, tái định cư vì dự án Formosa trước đây. Khu vực đánh cá của họ bị ảnh hưởng nặng nề vì cửa xả thải của Formosa đổ trực tiếp vào đây. Ngoài ra, họ cũng phải gánh chịu những thiệt hại liên quan khác như tất cả các nạn nhân của vụ ô nhiễm.


Đáp lại, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã yêu cầu chính quyền địa phương nội trong năm nay phải giải ngân số tiền bồi thường 500 triệu đôla của Formosa để giao cho người dân, đồng thời tiến hành các thủ tục để xem xét việc có những bồi thường thiệt hại khác tương xứng cho người dân.


Đại diện của Bộ TNMT cũng thừa nhận đã có những nhận thức sai về vấn đề môi trường và sẽ rút kinh nghiệm, mong người dân thông cảm cho sự phát triển của đất nước.


Bộ trưởng Bộ TNMT hứa sẽ đảm bảo minh bạch, không để các kiến nghị hay phản ánh của người dân rơi vào im lặng.


Cũng theo LS. Trần Vũ Hải, Bộ trưởng Trần Hồng Hà còn đưa ra lời cam kết mạnh mẽ trong việc giải quyết những hậu quả của vụ ô nhiễm môi trường:


“Ông bộ trưởng có nói là tôi đặt cái việc giải quyết vụ Formosa là sinh mệnh chính trị của tôi. Không những tôi là một công dân của Hà Tĩnh, mà tôi còn là một bộ trưởng, tôi phải có trách nhiệm giải quyết. Và nếu không giải quyết được thì đừng làm bộ trưởng nữa”.


LS. Trần Vũ Hải đánh giá hành động “tiếp dân” lần này của đại diện Bộ TNMT là một thái độ cầu thị, mà kể từ khi xảy ra thảm họa môi trường ở vùng biển miền Trung hồi tháng 4 đến nay, người dân chịu thiệt hại đã không thấy được từ phía các cơ quan đại diện cho chính quyền.


Cũng theo LS. Hải, riêng về vấn đề đúng sai trong việc cấp phép xả thải cho Formosa, cả hai phía đại diện người dân và chính quyền đều đồng ý sẽ bàn luận, giải quyết tiếp trong những lần họp sau. - VOA

|

|


11.

Trung Quốc – Đài Loan kỷ niệm 70 năm chiếm đóng các đảo ở Biển Đông --- Hoàng Sa: Một công trình bồi đắp của Trung Quốc bị bão phá hủy


Hải quân Trung Quốc hôm thứ Năm kỷ niệm 70 năm chiếm đóng quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa) và Nam Sa (Trường Sa) ở Biển Đông, khẳng định yêu sách chủ quyền tại vùng biển tranh chấp mặc dù một tòa quốc tế đã gián tiếp bác bỏ yêu sách đó.


Theo PTI, lễ kỷ niệm được tổ chức để chứng minh rằng Trung Quốc vẫn tiếp tục khẳng định chủ quyền đối với các quần đảo.


Tư lệnh Hải quân Trung Quốc Ngô Thắng Lợi cho biết: “Giành lại quần đảo này là một thành tựu quan trọng của cuộc chiến chống xâm lược của Trung Quốc, chứng minh rằng Trung Quốc đã kiên quyết bảo vệ trật tự quốc tế sau chiến tranh và bảo vệ quyền và lợi ích của mình ở Biển Đông.”


Xây dựng trên các đảo và rạn san hô là “hợp pháp, chính đáng và hợp lý” trên lãnh thổ của Trung Quốc, ông Ngô nói mà không đề cập đến các phán quyết của tòa quốc tế bác bỏ yêu sách của Trung Quốc trong khu vực.


Trong khi đó, Tổng thống Thái Anh Văn của Đài Loan tham dự lễ khai mạc một triển lãm hôm thứ Sáu, 9/12, đánh dấu kỷ niệm 70 năm khôi phục sự kiểm soát của Đài Loan đối với Đảo Ba Bình ở Biển Đông.


Theo Tân Hoa Xã, tuân theo Tuyên bố Cairo và Tuyên bố Potsdam, Trung Quốc vào tháng 11 và 12/1946 đã chỉ định quan chức trên 4 tàu chiến tiến tới tiếp quản các đảo đã bị Nhật chiếm đóng bất hợp pháp.


Nhận định về động thái này của Trung Quốc và Đài Loan, Tiến sĩ Vũ Quang Việt - một nhà nghiên cứu về Biển Đông, cho biết, không có gì bất ngờ vì quan điểm của hai nước này không khác nhau nhiều và việc này cũng không khuấy động tình hình Biển Đông hiện nay.


Ông nói: “Từ xưa đến giờ cả hai đều coi Biển Đông là thuộc của họ. Có sự khác biệt một ít là Đài Loan coi các đảo thuộc Đài Loan thôi, còn Trung Quốc thì coi gần như cả Biển Đông là thuộc của họ.”


Hiện nay, Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với hầu hết Biển Đông, và có tranh chấp với Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan.


Vấn đề tranh chấp Biển Đông đã được hâm nóng trở lại sau khi ông Rodrigo Duterte trở thành Tổng thống Philippines, tuyên bố rời xa Mỹ và hòa hoãn với Trung Quốc.


Tuy nhiên, đầu tuần này, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã lên tiếng chỉ trích hoạt động quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông chỉ hai ngày sau cuộc điện đàm với Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte.


Trong cuộc điện đàm kéo dài 7 phút tuần trước, hai ông cùng “lưu ý đến tình bạn và sự hợp tác lâu dài” giữa 2 quốc gia, và sẽ tiếp tục cùng nhau làm việc chặt chẽ về “những vấn đề và mối quan tâm chung”.


Việt Nam cũng đã bắt đầu tiến hành nạo vét một bãi cạn nằm trong khu vực tranh chấp trên Biển Đông. Theo Reuters, đây là động thái mới nhất nhằm khẳng định chủ quyền của Việt Nam.


Dù không rõ mục đích của hoạt động này, nhưng một số nhà phân tích cho rằng việc nạo vét như thế mở đầu cho việc xây dựng, mở rộng thêm trên các đảo khác. - VOA


***

Theo tin Reuters ngày 08/12/2016, ảnh vệ tinh do công ty Mỹ Planet Labs cung cấp cho thấy một công trình bồi đắp mà Trung Quốc tiến hành tại một khu bãi đá ở vùng quần đảo Hoàng Sa đã bị hư hại sau hai trận bão lớn vừa qua.


Trung Quốc đã bắt đầu công trình nạo vét, bồi đắp vào đầu năm nay ở đảo Bắc (North Island), cách Phú Lâm khoảng 12 cây số về phía bắc. Phú Lâm là nơi Trung Quốc có một căn cứ quân sự và năm nay đã đặt giàn hỏa tiễn địa đối không.


Ảnh vệ tinh chụp hồi tháng Hai và Ba cho thấy tàu nạo vét đang hoạt động để xây dụng một cây cầu cát dài 700 mét nối đảo Bắc với đảo Trung (Middle Island) lân cận.


Tuy nhiên, hình ảnh chụp được sau 2 trận bão lớn thổi qua khu vực vào tháng 10, cho thấy hầu như toàn bộ dải cát hẹp đã bị quét đi.


Trung Quốc đã không bình luận về công trình ở đảo Bắc, trong lúc bộ Ngoại Giao Trung Quốc không trả lời câu hỏi của Reuters.


Toàn bộ Hoàng Sa đã bị Trung Quốc kiểm soát sau trận hải chiến năm 1974 với Hải Quân của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa. Quần đảo này được cho là có một vai trò quan trọng trong việc bảo vệ đội tàu ngầm nguyên tử của Trung Quốc ở Hải Nam.


Trung Quốc luôn luôn khẳng định rằng Hoàng Sa và Trường Sa thuộc quyền sở hữu của họ từ xa xưa. Theo truyền thông Trung Quốc, ngày 08/12/2016, nước này đã long trọng kỷ niệm 70 năm ngày tiếp quản hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ tay Nhật Bản.


Trang tin của đài truyền hình Trung Quốc CCTV nhắc lại rằng trong hai tháng 11 và 12 năm, chính quyền Trung Quốc thời đó đã phái 4 chiếc tàu đến tiếp quản hai quần đảo mà họ gọi là Tây Sa (Hoàng Sa) và Nam Sa (Trường Sa) đã bị Nhật Bản chiếm đóng.


Cần nối rõ, chính quyền Trung Quốc thời năm 1946 là chính phủ Trung Hoa Dân Quốc của Tưởng Giới Thạch, chứ không phải là chính quyền của đảng Cộng Sản như từ năm 1949 đến nay. - RFI

|

|


12.

Hình vệ tinh cho thấy VN đang cải tạo đảo ở Trường Sa


Hôm thứ Sáu 9/12, Bắc Kinh lên tiếng phản đối Việt Nam xây cất ở Trường Sa, gọi đây là hành động vi phạm chủ quyền của Trung Quốc.


Hình vệ tinh mới được công ty PlanetLabs đặt tại Hoa Kỳ công bố cho thấy Việt Nam đang nhanh chóng cải tạo Đá Lát ở quần đảo Trường Sa, tiếp theo các dự án hạ tầng khác ở Biển Đông.


Việc cải tạo này nói chung cũng được cho như động thái khẳng định chủ quyền.


Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nói trong buổi họp báo thường kỳ rằng Trung Quốc có "chủ quyền không thể chối cãi" đối với toàn bộ Trường Sa, kể cả Đá Lát (Trung Quốc gọi là Nhật Tích Tiêu, tiếng Anh là Ladd Reef). 


Ông Lục cũng yêu cầu Hà Nội "không có thêm hành động làm phức tạp thêm tình hình và hợp tác với Trung Quốc để giữ hòa bình và ổn định ở Biển Đông".


Đá Lát, thường ngập dưới nước, nằm ở rìa tây nam của Trường Sa, hiện có một hải đăng và một trạm gác nhỏ.


Đảo đá này do Việt Nam kiểm soát nhưng Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền.


Chính phủ Việt Nam chưa đưa ra phản ứng gì về các ảnh vệ tinh mới công bố.


Chưa rõ mục đích


Trong bức hình chụp ngày 30/11 và được Planet Labs cung cấp cho một số hãng truyền thông, có thể thấy một số tàu đang hoạt động trong kênh đào nối biển và vụng biển bên trong Đá Lát.


Hiện chưa rõ các tàu này làm công việc gì. Giới phân tích cho rằng đây là quá trình nạo vét để xây dựng trên các đảo đá lân cận.


Trevor Hollingsbee, phân tích gia về tình báo hải quân, nói với hãng Reuters: "Chúng ta có thể thấy rằng trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam thực sự không đặt lòng tin chiến lược vào ai.... nước này đang nhanh chóng tăng cường quốc phòng."


"Họ đang nỗ lực khắc phục những điểm dễ tổn thương thí dụ như trạm gác trên Đá Lát."


Cũng Reuters hồi tháng Tám cho hay Việt Nam đã điều giàn hỏa tiễn di động ra một số đảo ngoài Biển Đông.


Greg Poling, chuyên gia về Biển Đông tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington, nói hoạt động ở Đá Lát có thể không phải để xây đắp mà chỉ để giúp tàu vận tải và tàu cá dễ tiếp cận đảo đá này.


Hoạt động cải tạo và xây đảo nhân tạo của Việt Nam tuy nỗ lực nhưng không thấm tháp vào đâu so với Trung Quốc.


Việt Nam cũng lo ngại Trung Quốc có thể dùng sức đẩy bật hải quân Việt Nam ra khỏi 21 đảo và đá mà Việt Nam đang kiểm soát ở Trường Sa. - BBC

|

|


13.

Sáu cách chống tham nhũng để VN chọn


Một blog của Ngân hàng Thế giới giới thiệu sáu chiến lược chống tham nhũng.


Các bạn xem cách làm nào khả thi nhất ở Việt Nam:


1. Trả lương tốt cho công chức (paying civil servants well):


Việc công chức được trả lương tốt hay nhận thu nhập quá thấp chắc chắn có tác động đến cả động cơ làm việc. Nếu khu vực công trả lương thấy thì công chức sẽ tìm cách bổ trợ cho thu nhập bằng các nguồn không chính thức. 


2. Chính phủ chi tiêu minh bạch, công khai (creating transparency and openness in government spending):


Trợ cấp, miễn thuế, hợp đồng dùng công quỹ, tín dụng rẻ, chi ngoài ngân sách đều là những thức giới chính trị kiểm soát và cũng là các kênh chính quyền quản lý nguồn lợi công...Công quỹ phải được chi tiêu vì công chúng...


Quá trình này càng công khai minh bạch thì càng tạo ít cơ hội cho sai phạm và lạm dụng... Nơi nào công dân có thể giám sát chính quyền, tự do báo chí được tôn trọng và dân trí cao sẽ có cơ hội tạo nền tảng cho cải tổ...


3. Cắt giảm quan liêu và rào cản (cutting red tape):


Tham nhũng có liên hệ trực tiếp đến tầm vóc của bộ máy quan liêu... Giảm tối đa các rào cản, quy định sẽ mở thêm cơ hội cho doanh nghiệp, cho việc đăng ký sở hữu, cho hội nhập thương mại quốc tế... hệ thống giấy phép không chỉ gây gánh nặng cho chính phủ mà còn không ngăn được việc kiểm tra vì sao lại cần có chúng... Cách làm giản tiện nhất, theo gợi ý của một chuyên gia, là "xóa các luật và chương trình làm nảy sinh tham nhũng". 


4. Thay trợ cấp và bù giá sai lệch bằng trao quỹ đúng mục tiêu (replacing regressive and distorting subsidies with targeted cash transfers):


Bao cấp và trợ giá là các cách chính phủ làm sai lệch động cơ và tạo cơ hội cho tham nhũng.


... Nếu không tính đến vấn đề làm mất cơ hội - tiền bù giá năng lượng có thể xây được bao nhiêu trường học mỗi năm - và hệ quả cho môi trường vì giá bị giữ thấp một cách giả tạo, thì các khoản bù giá, trợ cấp đều khiến chính quyền trở thành nguồn căn của các cách khai thác tham nhũng. 


5. Thiết lập các công ước quốc tế (establishing international conventions): 


Tham nhũng ngày nay đã trở nên xuyên biên giới trong kinh tế toàn cầu hóa và các cơ chế pháp luật quốc tế là tối quan trọng trong số phương tiện chống tham nhũng cho nhiều chính phủ... Công tước Liên Hiệp Quốc về chống tham nhũng (UNCAC) tới cuối năm 2013 đã được 140 quốc gia phê chuẩn. UNCAC tạo ra mạng toàn cầu để các quốc gia phát triển và đang phát triển chống tham nhũng nội địa, quốc tế, chống lạm dụng, rửa tiền, xung đột lợi ích, và cả cách giành lại ngân khoản quan chức giấu ở tài khoản hải ngoại... 


6. Dùng công nghệ thông minh (deploying smart technology) để giảm quan hệ trực tiếp:


Quan hệ trực tiếp giữa quan chức chính quyền và công dân mở lối cho các vụ trao tay sai trái. Một cách giải quyết chuyện này là dùng công nghệ để tạo khoảng cách giữa quan chức và xã hội. Mua bán và cung ứng dịch vụ công qua hợp đồng với nhà nước là một nguồn tiền lớn, ở một số nước chiếm tới 5-10% GDP... Đảm bảo đấu thầu công khai, cạnh tranh bình đẳng cho các nhà cung cấp dịch vụ công là cách giảm tham nhũng. 


Năm 2003 Chile đã tung ra chương trình dùng công nghệ điện tử để mua bán, đấu thầu dịch vụ công, gọi là ChileCompra, hoàn toàn trên Internet. Năm 2012, chừng 2,1 triệu vụ mua bán trị giá 9,1 tỷ USD đã được thực hiện qua hệ thống này. - BBC

|

|


14.

Xuất khẩu gạo giảm kỷ lục


Xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm nay giảm ở mức kỷ lục trong vòng gần chục năm qua.


Bộ Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn Việt Nam cho biết trong 11 tháng qua khối lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam giảm 25% về khối lượng và hơn 20% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.


Cụ thể trong 11 tháng qua khối lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam chỉ đạt hơn 4 triệu rưỡi tấn. Hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đều không hoàn thành chỉ tiêu đề ra và hiện nay số gạo còn tồn trong kho khá lớn.


Theo thống kê thì kể từ năm 2009 cho đến nay, chưa năm nào xuất khẩu gạo của Việt Nam lại sụt giảm như hiện nay.


Hiệp hội Lương thực Việt Nam phải điều chỉnh chỉ tiêu xuất khẩu gạo xuống còn 5,7 triệu tấn cho năm nay. Đây là lần đầu tiên chỉ tiêu xuất khẩu gạo của Việt Nam được điều chỉnh xuống như thế.


Tuy nhiên giới chuyên gia nhận định trong tình hình có nhiều khó khăn như hiện nay và lượng gạo còn tồn kho nhiều như thế thì chỉ tiêu 5,7 triệu tấn của Hiệp hội Lượng Thực Việt Nam cũng chưa chắc có thể đạt được. - RFA

|

|


15.

Dân biểu Mỹ chỉ trích Việt Nam vi phạm Nhân quyền, đàn áp Tôn giáo


Chiều thứ Năm 8/12, Ủy ban Nhân quyền Tom Lantos của Quốc hội Hoa Kỳ đã tổ chức một buổi hội thảo về tình hình nhân quyền thế giới, xoay quanh chủ đề “Nhân quyền: Ghi nhận hiện tại và Hướng tới tương lai”.


Buổi hội thảo được tổ chức nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế Nhân quyền 10/12 hàng năm, lần này tập trung vào hai lãnh vực: Những thách thức liên quan đến hạn chế hoạt động của các tổ chức xã hội dân sự cũng như đối kháng chính trị và tự do báo chí. Và làm thế nào để ngăn chặn và ứng phó với vi phạm nhân quyền cùng tội ác chiến tranh.


Nhân quyền tại Việt Nam


Là thành viên của cử tọa đoàn, Dân Biểu Alan Lowenthal trình bày về tình hình nhân quyền quốc tế trong năm 2016. Ông đặc biệt đề cập đến tình trạng vi phạm nhân quyền ở 3 quốc gia khu vực Đông Nam Á, Miến Điện, Campuchia và Việt Nam.


Dân Biểu Alan Lowenthal nêu lên tình trạng chính quyền Việt Nam trong năm qua gia tăng đàn áp tôn giáo cũng như Quốc Hội Việt Nam vừa thông qua Dự Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo mà các tổ chức tôn giáo lên tiếng cho rằng siết chặt quyền tự do tôn giáo của hàng triệu người dân.


Ông Lowenthal nhắc đến nhiều blogger bị bắt giữ và nhà cầm quyền Việt Nam giam giữ hàng trăm tù nhân lương tâm, như trường hợp Blogger Nguyễn Tiến Trung, một tiếng nói cho nền chủ tại Việt Nam nhưng bị cầm tù vì tội “âm mưu lật đổ chính quyền”, hay Mục sư Nguyễn Công Chính bị ở tù 11 năm vì niềm tin tín ngưỡng và Luật sư Nguyễn Văn Đài bị bắt vì lên tiếng cho nhân quyền .


Nói với RFA bên lề cuộc hội thảo, Dân Biểu Alan Lowenthal nhấn mạnh:


“Việt Nam rất muốn trở thành đối tác trao đổi thương mại mật thiết với Hoa Kỳ. Khi gặp gỡ với giới chức Chính phủ Việt Nam, tôi nói rằng sẽ không ủng hộ việc này cho đến khi họ thay đổi. 


Tôi nghĩ rằng Việt Nam muốn gia tăng hợp tác với Mỹ thì họ phải tôn trọng nhân quyền của người dân cũng như quyền tự do tín ngưỡng. Chính quyền Việt Nam rất cần bắt tay thực hiện ngay từ bây giờ và chúng tôi luôn thúc giục họ trong việc này. 


Tôi đoan chắc cộng đồng người Việt hải ngoại, những người rời khỏ nước từ thập niên 70 đến giờ cũng muốn kết nối với chính phủ tại quê nhà nhưng vì tình trạng vi phạm nghiêm trọng nhân quyền ở quốc gia này đã gây nên sự cản trở. 


Vì thế chúng tôi sẽ tiếp tục tìm kiếm những giải pháp để cải thiện tình trạng nhân quyền ở Việt Nam và chúng tôi sẽ luôn nhắc nhở Hà Nội về điều đó.” 


Được biết Dân Biểu Alan Lowenthal sẽ đệ nạp Nghị quyết Ngày Quốc tế Nhân quyền để Quốc Hội thông qua và ông sẽ phát biểu tại Hạ viện về tình hình nhân quyền Việt Nam.


Hòa Ái tường trình từ Quốc Hội Hoa Kỳ. - RFA

|

|


16.

Cảng nước sâu của Trung Quốc ở Campuchia ảnh hưởng đến Việt Nam khi có căng thẳng?


Tờ báo Mỹ American Thinker hôm 1 tháng 12 vừa qua đăng bài của một cựu quan chức Ngoại giao Mỹ Michael Benge cho biết Trung Quốc đang xây dựng một cảng nước sâu ở Campuchia ngay trên vịnh Thái Lan, cách khu vực tranh chấp ở biển Đông vài trăm km. Cảng nước sâu này được nói là có độ dài 90 km được Trung Quốc thuê trong 99 năm và có thể đón các tàu các tàu có trọng tải lớn bao gồm cả tàu hải quân với tải trọng lên đến 10.000 tấn. Cảng nước sâu này của Trung Quốc khi hoàn thành có ảnh hưởng thế nào đến vị thế của Trung Quốc trong khu vực? Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng ra sao bởi cảng nước sâu này. Việt Hà phỏng vấn giáo sư Carl Thayer, chuyên gia thuộc học viện quốc phòng Úc để tìm hiểu vấn đề này.


Giúp Trung Quốc đối phó khi eo biển Malacca bị đóng


Việt Hà: Xin ông cho biết, cảng nước sâu mà Trung Quốc đang xây dựng ở Campuchia ngay bên vịnh Thái Lan có ảnh hưởng thế nào đến tình hình an ninh khu vực một khi cảng hoàn thành?


GS Carl Thayer: Câu trả lời là ở hai mức. Mức thứ nhất là về kiểm soát. Trung Quốc đã vào được Campuchia với những đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở để xây dựng mối quan hệ gần gũi hơn giữa hai nước. Điều này là thích hợp với mục tiêu chính sách ngoại giao rộng hơn của Trung Quốc trong ASEAN. Thứ hai là liên quan đến sáng kiến con đường tơ lụa, dự án một vành đai, một con đường mà Chủ tịch Tập Cận Bình đề xuất. Nhưng Campuchia thì lại không nằm trong tuyến đường này. Vì vậy nên ở đây chúng ta thấy có một câu nói thường được nói tới là tất cả đều dưới thiên đường có nghĩa là bất cứ cái gì Trung Quốc làm ở nước ngoài lúc này đều có thể được xem như là một phần của sáng kiến một vành đai một con đường, mặc dù Campuchia không trực tiếp nằm trong những con đường vận chuyển chính giữa Trung Quốc với phần còn lại của thế giới.


Việt Hà: Bài báo mới đây trên American Thinker viết rằng cảng nước sâu này nằm cách khu vực tranh chấp trên biển Đông vài trăm km và có thể tiếp nhận những tàu hải quân cỡ lớn. Theo ông, khi hoàn thành cảng này có thể ảnh hưởng thế nào tới cục diện biển Đông?


GS Carl Thayer: Cảng này sẽ cho Trung Quốc thêm một đòn bẩy bởi vì nó nằm ở đầu xa của biển Đông. Tôi có biết những báo cáo chưa được công bố của một số những cơ quan tư vấn có làm việc gần gũi với các chính phủ có liên quan. Những báo cáo này cho thấy ý nghĩa chiến lược của cảng này khiến Hoa Kỳ sẽ phải quan ngại về sự hiện diện của Trung Quốc trong khu vực. Có một lý thuyết thường được nói về chuỗi ngọc trai của Trung Quốc, có nghĩa là Trung Quốc sẽ có các căn cứ hải quân hoặc được tiếp cận tới các căn cứ hải quân từ Đông Nam Á sang Ấn Độ Dương và cảng này cũng nằm trong chuỗi đó. Cảng này khác với những gì mà Trung Quốc đang cố gắng xây dựng ở Pakistan hay qua Myanmar theo cách là nó sẽ làm giảm nhẹ cái gọi là thiếu thế tiến thoái lưỡng nan cho Trung Quốc. Mặt khác, cảng này chắc chắn cũng nằm ở bên sườn của Việt Nam ở phần phía nam. Cảng này cung cấp cho Trung Quốc một cách để đối phó trong trường hợp eo Malacca bị đóng.


Việt Nam quan ngại?


Việt Hà: Ông nói rằng cảng nước sâu này nằm bên sườn phía nam của Việt Nam. Theo ông trong tình huống nào thì Việt Nam nên quan ngại về sự hiện diện của Trung Quốc ở cảng này?


GS Carl Thayer: Các phân tích cho đến lúc này cho thấy là nếu chúng ta nhìn vào phía bờ biển của Việt Nam trải dài từ biên giới với Trung Quốc cho đến Đà Nẵng, tính cho đến trước khi bãi Chữ Thập bị Trung Quốc xây lấp, Việt Nam vẫn có thể kiểm soát được phần lớn 200 hải lý tính từ bờ biển của mình. Việc xây dựng cảng này mở rộng khu vực mà Việt Nam phải quan ngại. Ba sân bay trên biển Đông do Trung Quốc xây dựng cũng làm thay đổi bức hình chút xíu, nó quây xuống khu vực tây nam của Việt Nam. Cho nên những khu vực này sẽ trở nên nguy hiểm khi có căng thẳng.


Nói theo cách khác Việt Nam đã nhìn vào điểm yếu của Trung Quốc trong các tuyến liên lạc trên biển tính cho đến phía nam của biển Đông và tới vịnh Thái Lan. Trung Quốc đang có những khó khăn để duy trì tuyến này. Nhưng với việc xây dựng cảng nước sâu này, và nếu Trung Quốc cho tàu chiến ghé thăm thường xuyên thì điều này sẽ mở rộng vùng mà Việt Nam phải lo lắng và giảm sức ép của Việt Nam lên Trung Quốc ở khu vực biển Đông. Cảng này cũng cho các nước khác trong khu vực như Thái Lan chẳng hạn thấy là sức mạnh của Trung Quốc đang ở đó và mở rộng tầm với của Trung Quốc ra các căn cứ mà trước kia Trung Quốc chỉ có thể xuất hiện không thường xuyên, biến chúng thành những căn cứ với sự hiện diện thường xuyên của Trung Quốc.


Việt Hà: Theo ông, cảng nước sâu này của Trung Quốc ảnh hưởng thế nào đến chiến lược và vị thế của Hoa Kỳ trong khu vực?


GS Carl Thayer: Nó không phải là một thách thức chiến lược chính mà chỉ là một quan ngại về chiến lược. Thời kỳ sau chiến tranh lạnh, các đô đốc hải quân Hoa Kỳ thường thích nói ‘đến các nơi’ thay vì ‘đặt căn cứ’ vì khi đặt căn cứ thì nó phải cố định. Với những cấu trúc của cảng này, Trung Quốc có thể có một nơi để đậu các tàu chiến vốn đã có ở phía bên kia của eo Malacca và ở ngay trong khu vực biển Đông. Nói theo cách khác, nó giống như một gọng kìm cho phép Trung Quốc có thể có phản ứng ở cả hai nơi. Đây là nơi Trung Quốc có thể đậu tàu chiến và trực ở đó khi Trung Quốc muốn có một bước chiến lược để củng cố vị thế của họ ở biển Đông nếu họ cần. Nó cũng có thể giúp họ tiến ra Ấn Độ Dương và gây thêm sức ép. Cho nên cảng này tạo thêm sự phức tạp cho Mỹ.


Việt Hà: Xin cảm ơn ông đã dành cho chúng tôi buổi phỏng vấn. - RFA

No comments:

Post a Comment