Thursday, December 15, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Năm 15/12

Tin Thế Giới

1.
Bắc Kinh lấy "vũ khí thương mại" dọa Mỹ về lập trường với Đài Loan --- TQ dọa trừng phạt các hãng ô tô Mỹ

Bắc Kinh tiếp tục gây căng thẳng với tổng thống tân cử Mỹ sau những phát biểu của ông về Đài Loan. Trong một thông điệp hàm ý đe dọa, hôm qua 14/12/2016, đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải (Cui Tiankai) đã nhắc nhở Hoa Kỳ rằng Bắc Kinh sẽ không bao giờ mặc cả với Washington về các vấn đề liên quan đến chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ.

 Phát biểu trước giới lãnh đạo các tập đoàn Mỹ, đại sứ Trung Quốc cho rằng hai nước cần phải cố gắng củng cố thêm quan hệ song phương, và « các tiêu chí cơ bản của quan hệ quốc tế cần được tôn trọng, không được bỏ qua, và chắc chắn là không thể được xem như là một cái gì đó mà ta có thể đánh đổi ». Nhà ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh : « Chủ quyền quốc gia và sự toàn vẹn lãnh thổ không phải là những thứ để mặc cả. Không dời nào ! Tôi hy vọng là mọi người sẽ hiểu điều đó. »

Dĩ nhiên là ông Thôi Thiên Khải tránh nhắc đến « sự cố » tuần trước liên quan đến vấn đề Đài Loan, khi tổng thống Mỹ vừa đắc cử đã tuyên bố rằng Hoa Kỳ không nhất thiết phải bám vào chính sách tồn tại từ gần bốn chục năm qua theo đó Mỹ công nhận rằng Đài Loan là một phần của «một nước Trung Hoa duy nhất ».

Lời nhắc nhở của đại sứ Trung Quốc tại Mỹ phù hợp với những lời phản đối mới đây của bộ Ngoại Giao Trung Quốc trước những phát biểu của ông Donald Trump về Đài Loan. Bắc Kinh coi đó là lập trường mâu thuẫn với nguyên tắc « một nước Trung Hoa » mà Trung Quốc xem như là  « nền tảng chính trị » cho quan hệ Mỹ-Trung.

Trừng phạt Mỹ về thương mại ? 

Song song với những lời lẽ ngoại giao, Trung Quốc tiếp tục cho báo chí của mình tung ra những luận điệu hung hăng dọa nạt cả Đài Loan lẫn Mỹ. Vào hôm nay, tờ Hoàn Cầu Thời Báo, đã không ngần ngại lập lại đòi hỏi dùng võ lực để lấy lại Đài Loan.

Trong một bài xã luận, tờ báo được xem là công cụ khẩu chiến của Bắc Kinh cho rằng Trung Quốc « cần phải tỏ rõ quyết tâm thu hồi Đài Loan bằng vũ lực. Hòa bình không thuộc về những kẻ hèn nhát ». Vào hôm qua, cũng chính Hoàn Cầu Thời Báo đi đầu trong chiến dịch « nã pháo » vào Mỹ, với một loạt những lời đe dọa trả đũa về kinh tế.

Từ Bắc Kinh, thông tín viên RFI Heike Schmidt ghi nhận :

Thương mại Mỹ ở Châu Á cần sự chắc chắn và ổn định. Đây là lời cảnh báo của ông James Zimmermann, chủ tịch Phòng Thương Mại Mỹ ở Trung Quốc. Ông lo ngại rằng Trung Quốc có thể tiến hành một cuộc chiến tranh thương mại nếu ông Donald Trump dám phá bỏ thỏa hiệp có từ gần 4 thập niên nay giữa Washington và Bắc Kinh : « Chỉ có duy nhất một nước Trung Hoa và Đài Loan thuộc về Trung Quốc ».

Đối với tờ Hoàn Cầu Thời Báo thì « Sẽ là một điều nguy hiểm chết người nếu chính quyền Trump phá vỡ ngay chính nền tảng của quan hệ Trung-Mỹ ». Nguy hiểm nhất là đối với các công ty Mỹ. Tờ báo nêu ví dụ : Dây chuyền cà phê Mỹ Starbucks - có đến 2.500 cửa hiệu ở Trung Quốc - sẽ bị mất mát lớn nếu khách hàng Trung Quốc quay sang với đối thủ cạnh tranh Anh Costa Café.

Báo chí chính thức của Trung Quốc đã đề nghị nào là không mua iphone nữa, nào là thay thế máy bay Boeing bằng Airbus. Quả thật là Boeing có lý do để lo ngại trước nguy cơ trả đũa của Trung Quốc : Vào năm ngoái, 1/3 các chiếc Boeing 737 làm ra đã được bán cho các hãng hàng không Trung Quốc.Tập đoàn xe hơi General Motors cũng vậy: Trong số 10 triệu chiếc xe mà hãng này bán ra trên thế giới thì có đến 30% xuất sang Trung Quốc.

Giới đầu tư Trung Quốc cũng đe dọa Trump, như Vương Kiện Lâm (Wang Jianlin), người giàu nhất ở Trung Quốc. Nhân vật này đã cảnh báo: "Tôi đã đầu tư 10 tỷ đô la ở Mỹ, 20.000 người bên đó làm việc cho tôi và họ sẽ không còn gì để ăn nữa." - RFI

***
Cổ phiếu các đại công ty sản xuất ô tô Mỹ như General Motors và Ford ngày 14/12 trượt giá sau khi một giới chức Trung Quốc cảnh báo rằng Bắc Kinh có thể sẽ trừng phạt một hãng xe của Mỹ vì cách hành xử độc quyền.

Cảnh báo từ giới chức hoạch định cao cấp của Trung Quốc trên tờ China Daily hôm nay xuất hiện vài ngày sau khi Tổng thống tân cử Mỹ Donald Trump chất vấn về chính sách lâu nay của Washington trong việc công nhận Đài Loan là một phần của ‘một nước Trung Hoa.’

Trước đó, theo các nguồn tin của Reuters, giới chức Trung Quốc đã điều nghiên giá cả của các hãng ô tô Mỹ.

Luận điệu của ông Trump thách thức chính sách của Mỹ về ‘một nước Trung Hoa’ đang gây khó khăn cho các tập đoàn sản xuất ô tô Hoa Kỳ.

Dựa trên mối quan hệ ổn định Mỹ-Trung hơn 40 năm nay, các công ty  này đã tăng doanh số tại Trung Quốc và đã phát triển các chuỗi cung ứng linh kiện, phụ tùng tại Trung Quốc.

Ông Jason Miller, một phát ngôn nhân trong toán chuyển tiếp của ông Trump, ngày 14/12 cho biết các thành viên trong toán có biết bài tường trình của China Daily nhưng họ chưa vội đưa ra bình luận.

Ông Miller nói ‘Tổng thống tân cử đã nói rất rõ là ông sẽ ra tay tranh đấu cho các tập đoàn và công ăn việc làm của người Mỹ, và đó là điều mà ông không ngại làm và cũng là điều mà chúng tôi không ngại tiến tới.”

Dù các giới chức Trung Quốc không trực tiếp liên hệ cảnh báo của họ với những tuyên bố của ông Trump, nhưng chính phủ Trung Quốc thường dùng các quy định ‘trừng phạt’ với lại các tập đoàn nước ngoài trong các giai đoạn ‘trắc trở’ ngoại giao trước đây.

Cổ phiếu công ty General Motors đã trượt 2,2% trong khi công ty Ford bị rớt gần 1%.

Một giới chức hữu trách của Trung Quốc cho biết các nhà điều tra đã phát hiện rằng một công ty sản xuất ô tô của Mỹ đã chỉ thị các nhà phân phối điều chỉnh giá thành bắt đầu từ năm 2014.

Trong bài xã luận, tờ China Daily thúc giục ông Trump nhận ra tầm quan trọng của mối quan hệ kinh tế chặt chẽ giữa hai nước Mỹ-Trung.

Trung Quốc là thị trường xe lớn nhất thế giới. Người tiêu dùng Trung Quốc mua hơn 1/3 sản lượng gần 10 triệu chiếc ô tô mà hãng General Motors bán ra trên toàn cầu trong năm ngoái và lợi nhuận của công ty này từ các hoạt động ở Trung Quốc chiếm 20% khoản thu nhập gần 10 tỷ đô la của công ty trong năm 2015.

Các hoạt động liên doanh của công ty Ford chiếm 16% lợi nhuận trên toàn cầu của công ty trong năm ngoái. - VOA
|
|

2.
Điện Kremlin phủ nhận tin ông Putin chỉ đạo vụ hack bầu cử Mỹ

Điện Kremlin vừa phủ nhận tin nói Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đích thân chỉ đạo tấn công dữ liệu điện toán Đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử tổng thống ở Hoa Kỳ.

NBC News hôm thứ Tư trích lời các giới chức tình báo Mỹ nói ông Putin “đã đích thân can dự vào một chiến dịch bí mật của Nga”.

Khi được hỏi về điều này, người phát ngôn Dmitry Peskov của Tổng thống Putin hôm thứ Năm nói rằng đó là điều “phi lý nực cười”.

CIA đã quy cho Nga đã giúp ông Donald Trump thắng cuộc bầu cử tổng thống Mỹ hồi tháng trước. Nhưng Moscow đã kịch liệt phủ nhận cáo buộc cho rằng Nga đã chỉ đạo tin tặc tấn công ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ Hillary Clinton. - VOA
|
|

3.
Thượng đỉnh EU tập trung vào an ninh, quốc phòng --- EU nhất trí gia hạn chế tài Nga

Hội nghị thượng đỉnh tập trung toàn bộ lãnh đạo các nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu mở ra vào hôm nay, 15/12/2016, tại Bruxelles. Trong cuộc họp cuối cùng của năm 2016 này, bên cạnh các vấn đề nhập cư, tình hình Syria, hồ sơ trừng phạt Nga, phần chủ yếu các cuộc thảo luận sẽ tập trung trên vấn đề quốc phòng và an ninh, bên trong cũng như bên ngoài khối.

Theo quan điểm của hai đầu tàu Pháp- Đức, Châu Âu phải gánh vác nhiều hơn nữa trách nhiệm về an ninh của mình. Đây là thông điệp mà thủ tướng Đức cũng như tổng thống Pháp muốn gửi đến các đồng nhiệm Châu Âu.

Paris và Berlin đề nghị một số biện pháp, trong đó có việc thành lập một cơ chế đặc trách quyết định và tiến hành nhanh một số chiến dịch và các nước thành viên phải cam kết dành 2% GDP cho quốc phòng.

Mục tiêu ban đầu của Pháp và Đức là làm thế nào để Châu Âu bớt lệ thuộc vào Mỹ và NATO. Và như chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker đã khẳng định "Phải phát triển công nghiệp quốc phòng Châu Âu và củng cố thêm quyền tự quyết chiến lược."

Trong tình hình mà đầu tư vào quốc phòng vẫn do các quốc gia thực hiện riêng lẻ, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu muốn thiết lập một nền tảng cộng nghiệp quốc phòng chung, tránh việc xé lẻ và giảm bớt tốn kém.

Theo ông Juncker, Châu Âu chi tiêu 200 tỷ euro cho quốc phòng, nhưng chỉ đạt có 15% hiệu quả của Mỹ, vì có quá nhiều sản phẩm giống nhau, phối hợp thì quá ít. Ông đề nghị thành lập một quỹ Châu Âu cho quốc phòng để tài trợ việc nghiên cứu và mua chung thiết bị.

Trước mối lo ngại của một số quốc gia như Ba Lan, Paris và Berlin đã trấn an là những đề nghị của mình không chống lại NATO mà là biện pháp hỗ trợ thêm. - RFI

***
Giới lãnh đạo Liên hiệp Châu Âu ngày 15/12 nhất trí gia hạn các biện pháp chế tài kinh tế chống lại Nga thêm nửa năm nữa cho tới giữa 2017 vì tình hình bất ổn ở Ukraine, theo nguồn tin từ giới ngoại giao.

Tiến trình chính thức gia hạn trừng phạt trong các lĩnh vực quốc phòng, năng lượng, và tài chính của Nga sẽ diễn ra đầu tuần tới.

Tổng thống Ukraine, Petro Poroshenko, đã lên tiếng hoan nghênh quyết định của EU.

EU ban hành chế tài Nga sau khi Moscow sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine ở Hắc Hải hồi năm 2014.

Cuộc xung đột ở đây vẫn tiếp diễn và cho tới nay đã cướp đi sinh mạng của gần 10 ngàn người.

Ba Lan nằm trong số các nước EU muốn kéo dài chế tài Nga nhưng Italy, một tiếng nói đi đầu trong khối, lập luận tìm cách tạo lại các quan hệ thương mại với Moscow.

EU chưa ban thêm các chế tài mới với Nga vì vai trò của Moscow trong cuộc xung đột ở Syria dù hồi tháng 10 một số lãnh đạo EU đã lên tiếng đe dọa. - VOA
|
|

4.
Nhật sắp soán ngôi TQ thành chủ nợ lớn nhất của Mỹ

Trung Quốc sắp bị Nhật Bản soán ngôi làm chủ nợ lớn nhất của Mỹ giữa bối cảnh ngân hàng trung ương Bắc Kinh đang phải cậy vào quỹ dự trữ ngoại hối để hỗ trợ đồng Nhân dân tệ trong khi đối tác Nhật hài lòng để cho đồng Yên sụt giá, theo dự báo của các kinh tế gia.

Các nhà đầu tư đang dõi mắt kỹ đến bất kỳ sự sụt giảm nào về số nợ công của Mỹ trong tay Trung Quốc vì hễ xuất hiện việc bán tháo trái phiếu là có thể tăng thêm áp lực đối với lãi suất của Hoa Kỳ, và việc này ngược lại sẽ làm phương hại cho tiền tệ Trung Quốc.

Những lời lẽ công kích của Tổng thống tân cử Donald Trump đối với chính sách thương mại và tiền tệ của Bắc Kinh cũng như việc ông chất vấn chính sách của Mỹ về ‘một nước Trung Hoa’ làm dấy lên quan ngại rằng Trung Quốc có thể đáp trả bằng việc bán trái phiếu của chính phủ Mỹ mà họ đang nắm giữ.

Tuy nhiên, các cố vấn chính sách nhà nước Trung Quốc cho rằng khó xảy ra khả năng này.

Từ tháng 8 sang tháng 9, giá trị trái phiếu Mỹ Trung Quốc đang nắm sụt 28,1 tỷ đô la xuống còn 1,157 ngàn tỷ đô la, mức thấp nhất trong bốn năm qua, theo số liệu từ Bộ Ngân khố Hoa Kỳ. Con số của tháng 10 dự kiến sẽ còn giảm nữa, và Nhật có thể chiếm vị trí số 1 hiện nay của Trung Quốc.

Các số liệu của tháng 11 và 12 này sẽ quan trọng hơn và sẽ không được công bố cho đến tháng giêng năm tới. Những số liệu của hai tháng cuối năm này sẽ cho thấy chuyện gì đã xảy ra sau khi ông Trump đắc cử Tổng thống hôm 8/11.

Các nhà đầu tư đã bán ra nhiều trái phiếu với dự đoán rằng tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ lên và thâm hụt ngân sách chính phủ sẽ lớn hơn vì ông Trump định cắt giảm thuế và mượn tiền để tài trợ chi tiêu cho cơ sở hạ tầng mới.

Tính đến tháng 9 năm nay, Nhật vẫn giữ vị trí thứ nhì, nắm giữ nhiều trái phiếu chính phủ Mỹ sau Trung Quốc, với tổng trị giá 1,136 ngàn tỷ đô la. Số này đã giảm 7,6 tỷ đô la so với tháng 8 trước đó, nhưng vẫn còn cao hơn tháng 12 năm ngoái 14 tỷ đô la.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục giảm số trái phiếu chính phủ Mỹ mà họ đang nắm để bảo về đồng Nhân dân tệ, nhưng khó xảy ra tình trạng bán tống bán tháo.

Một cố vấn ngân hàng trung ương Trung Quốc trong tháng này tuyên bố rằng Bắc Kinh nên dùng quỹ dự trữ ngoại hối để duy trì lòng tin thị trường vào đồng Nhân dân tệ.

Tuy nhiên, các cố vấn cao cấp về chính sách nhà nước cho rằng bán tháo trái phiếu Mỹ không nằm trong số các lựa chọn của lãnh đạo Trung Quốc, ngay cả trong trường hợp Bắc Kinh muốn trả đũa Washington.

Điều này, dĩ nhiên, cũng phụ thuộc vào việc ông Trump có thực hiện những lời đe dọa rằng sẽ công bố Trung Quốc là nước thao túng chỉ tệ, ban hành thuế suất trừng phạt lên hàng xuất khẩu của Trung Quốc vào Mỹ, và hủy bỏ chính sách ‘Một nước Trung Hoa’ hay không. - VOA
|
|

5.
Quyết định triển khai hệ thống THAAD ở Hàn Quốc nên dành cho tổng thống mới

Hôm thứ Năm, cựu lãnh đạo đảng đối lập chính của Hàn Quốc, người mà trong các cuộc thăm dò đang dẫn đầu các ứng cử viên có khả năng trở thành tổng thống kế tiếp, nói nên để quyết định triển khai hệ thống chống tên lửa của Mỹ cho chính quyền sắp tới. 

Trung Quốc lâu nay phản đối việc triển khai này.

Ông Moon Jae-in, 63 tuổi, đã thua bà Park Geun Hye 3% số phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống vừa rồi. Ông Moon Jae-in khẳng định ông sẽ tham gia cuộc bầu cử tiếp theo sẽ diễn ra vào cuối năm 2017. Cuộc bầu cử cũng có thể được tổ chức sớm hơn nếu Tòa Bảo hiến quyết định luận tội bà Park và bà bị buộc phải rời khỏi chức vụ.

Hàn Quốc và Hoa Kỳ đã thỏa thuận trong năm nay sẽ triển khai hệ thống phòng thủ phi đạn THAAD nhằm đáp trả các vụ thử nghiệm hạt nhân và phi đạn của Bắc Triều Tiên.

Nhưng Trung Quốc đã kịch liệt phản đối việc triển khai hệ thống phi đạn này ở Hàn Quốc, vì lo ngại radar của hệ thống có thể quét vào lãnh thổ nước này. Nga cũng phản đối việc này.

Hệ thống phòng thủ cũng bị phe đối lập ở Hàn Quốc chống đối, đặc biệt là ở các khu vực họ kiểm soát.

Bà Park đang gặp khó khăn lớn sau khi quốc hội biểu quyết luận tội bà hồi tuần rồi. Thời điểm của cuộc bầu cử tiếp theo và sự thay đổi của chính quyền ở Mỹ đã góp phần đặt ra câu hỏi là khi nào thì hệ thống THAAD sẽ được triển khai.

Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Seoul, ông Moon nói việc này cần phải chờ cho đến khi Hàn Quốc có tổng thống mới.

Tháng trước, tư lệnh lực lượng quân sự Mỹ ở Hàn Quốc nói các bộ phận của THAAD sẽ được đưa tới Hàn Quốc trong vòng từ 8 đến 10 tháng.

Ông Moon cũng nói về khả năng tái đàm phán thỏa thuận triển khai hệ thống trên và nói rằng làm như vậy sẽ không gây tổn hại đến mối quan hệ với Hoa Kỳ. Ông nói nếu đắc cử, ông sẽ duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Hoa Kỳ. Hiện Mỹ đang có 28.500 binh sĩ tại Hàn Quốc.

Trong cuộc khảo sát hôm thứ Năm của Realmeter, ông Moon hiện đang dẫn đầu các ứng cử viên có thể trở thành tổng thống, với tỷ lệ 24%. Trong khi đó, cựu Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon có tỷ lệ ủng hộ 19,5%. Ông Ban được trông chờ sẽ tham gia vào cuộc đua, mặc dù ông chưa hề tuyên bố ý định này. - VOA
|
|

6.
Ông Putin và ông Abe họp về bốn đảo tranh chấp

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đến Nhật Bản để dự cuộc hội đàm 2 ngày với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe về một tranh chấp lãnh thổ gai góc mà lâu nay đã không cho phép hai nước ký thỏa thuận hòa bình, để chính thức chấm dứt quan hệ thù địch từ Thế chiến thứ Hai.

Ông Putin được đoàn hộ tống đưa tới một khu nghỉ mát suối nước nóng ở thành phố Nagato, quê nhà của ông Abe, ngay sau khi máy bay của ông hạ cánh vào chiều thứ Năm, trễ gần ba giờ so với lịch trình. 

Vào đêm trước hội nghị thượng đỉnh, Thủ tướng Nhật Bản nói với các nhà báo ở Tokyo rằng ông hy vọng sẽ có nhiều thời gian đàm phán với ông Putin “trong một không khí yên tĩnh”.

Hai nhà lãnh đạo sẽ kết thúc các cuộc hội đàm vào thứ Sáu ở thủ đô Nhật Bản.

Ông Abe đã công khai bày tỏ hy vọng có những tiến bộ trong việc giải quyết số phận của bốn đảo ngoài khơi bờ biển phía bắc của Nhật Bản. Người Nhật gọi các đảo này là Quần đảo Chishima và xem đó là Lãnh thổ phía Bắc ở Nhật Bản, còn người Nga gọi các đảo này là Quần đảo Nam Kuril của Nga. Quần đảo này đã bị lực lượng Liên Xô chiếm vào năm 1945, và Nga đã đuổi khoảng 17.000 cư dân Nhật Bản ra khỏi những đảo này. Người cha quá cố của thủ tướng Nhật, cựu ngoại trưởng Shintaro Abe, 3 thập niên trước đã không thành công trong nỗ lực đàm phán với Moscow về các đảo này.

Chắc chắn ông Putin sẽ không đồng ý trao cho Nhật quyền kiểm soát bất kỳ đảo nào trong nhóm bốn đảo này. Tuy nhiên, các nhà quan sát nói Tổng thống Nga cũng đang tìm cách thu hút đầu tư của Nhật Bản vào Nga, nhằm khắc phục những ảnh hưởng do các lệnh trừng phạt kinh tế do Mỹ dẫn đầu gây ra, vì vai trò của Moscow trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine. - VOA
|
|

7.
Ấn sắp thử phi đạn có tầm bắn tới phía Bắc Trung Quốc

Ấn đang sửa soạn thử nghiệm lần cuối phi đạn đạn đạo liên lục địa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân Agni-V (ICBM) có thể đánh trúng tận các vùng phía Bắc Trung Quốc. 

Đây là lần thử nghiệm thứ tư và phi đạn này có thể được phóng vào khoảng cuối tháng này hoặc đầu tháng tới, theo báo International Business Times. 

Hồi tháng 7, trưởng Cơ quan Phát triển và Nghiên cứu Quốc phòng, S Christopher, loan báo đợt thử nghiệm chót bị đình trệ vì một lỗi kỹ thuật và lúc đó ông cũng dự báo là mọi việc sẽ sẵn sàng vào cuối năm nay.

Nguồn tin này cho hay đây sẽ là đợt thử cuối, phi đạn sẽ được thử tầm hoạt động hoàn toàn trước khi bắt đầu dùng thử.

Một khi phi đạn Agni-V được đưa vào sử dụng, Ấn sẽ trở thành một phần của nhóm các nước có phi đạn với tầm hoạt động trên 5.000-5.500 km. Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp, và Anh đều sở hữu phi đạn ICBM.

Phi đạn Agni-V và Agni-IV là công cụ để Ấn nghênh cản các mối đe dọa từ Trung Quốc trong khi các phi đạn như Prithvi, Dhanush, Agni-I, Agni-II và Agni-III nhằm đề phòng đe dọa từ Pakistan. - VOA
|
|

8.
Philippines: Bớt viện trợ Mỹ cũng chẳng sao

Chính phủ Philippines ngày 15/12 tuyên bố bớt viện trợ Mỹ cũng chẳng sao đối với Philippines. Tuyên bố được đưa ra sau khi một cơ quan của Hoa Kỳ tạm hoãn quyết định tài trợ một chương trình xóa đói giảm nghèo thứ hai cho Philippines.

Tập đoàn MCC, cơ quan giảm nghèo của Mỹ, loan báo rằng hội đồng quản trị của họ “đã trì hoãn cuộc bỏ phiếu về việc tái tuyển chọn Philippines cho hợp đồng phát triển, chờ xem xét thêm các quan ngại về pháp quyền và các quyền tự do dân sự.”

Tùy viên báo chí tòa đại sứ Mỹ, Molly Koscina, nói MCC sẽ tiếp tục theo dõi những diễn biến tại Philippines, nhưng như tất cả các quốc gia đối tác khác, Philippines cần chứng tỏ “cam kết về nhà nước pháp quyền, quá trình tố tụng xét xử theo luật pháp, và tôn trọng nhân quyền.”

Tổng thống Rodrigo Duterte hồi tháng 10 đã nặng lời xúc phạm Tổng thống Barack Obama và có những chỉ dấu làm căng thẳng quan hệ với Mỹ sau khi bất bình về những chỉ trích của Hoa Kỳ đối với cuộc chiến chống ma túy đẫm máu khiến 2000 người thiệt mạng kể từ khi ông Duterte lên cầm quyền vào ngày 1 tháng 7.

Khế ước 5 năm đầu tiên của MCC với Philippines trị giá 434 triệu đô la chấm dứt vào tháng 5 năm nay.

Bộ trưởng Ngoại giao Philippines, phản hồi động thái của MCC rằng “Chính phủ chúng tôi vẫn cam kết với những mục tiêu thúc đẩy quản trị tốt và nhà nước pháp quyền, và sẽ tiếp tục giao tiếp với hội đồng quản trị MCC đảm bảo cập nhật thông tin chính xác về chính sách và chương trình của chính phủ cho những thành viên của hội đồng.”

Bộ trưởng Tài chính Philippines Ernesto Pernia cho hay chính phủ Duterte có thể trông cậy vào những nguồn tài trợ khác trong vùng, kể cả từ Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng cơ sở châu Á AIIB do Trung Quốc lãnh đạo. Chính phủ của ông Duterte đã cam kết nâng chi phí hạ tầng cơ sở hơn 100 triệu đô la để giúp nâng cao tăng trưởng kinh tế.

Sau khi thượng viện Philippines phê chuẩn việc Philippines là thành viên của định chế do Trung Quốc hỗ trợ này, một Thượng nghị sĩ Philippines trong tuần qua cho hay nước ông có thể vay của AIIB từ 200 đến 500 triệu đô la hàng năm để tài trợ cho những dự án hạ tầng cơ sở.

Bộ trưởng Pernia cho hay chính phủ đã gặp Ngân hàng Phát triển Á châu và Ngân hàng Thế giới trong những ngày gần đây và sẽ thảo luận với các giới chức Nhật Bản và Hàn Quốc đang muốn tìm dự án đầu tư tại Philippines. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

9.
Ông Trump chỉ trích âm mưu lung lạc chiến thắng của ông --- Ông Trump chọn dân biểu Zinke làm Bộ trưởng Nội vụ

Tổng thống tân cử Mỹ, Donald Trump, ngày 15/12 chỉ trích các nỗ lực gây phương hại cho chiến thắng của ông trước đối thủ Dân chủ Hillary Clinton qua thông tin rằng Nga đã tấn công tin tặc để tăng cơ hội đắc cử cho ông.

Bình luận trên Twitter, ông Trump nói: “Nếu Nga hay bất kỳ chủ thể nào tấn công tin tặc thì tại sao Tòa Bạch Ốc không ra tay ngay? Tại sao họ chỉ lên tiếng sau khi bà Hillary thất cử?”

Trong cuộc phỏng vấn truyền hình, Kellyanne Conway, một trong những phụ tá hàng đầu của ông Trump đã phản bác gợi ý hôm qua của phát ngôn nhân Tòa Bạch Ốc Johs Earnest rằng trong thời gian tranh cử ông Trump có thể đã biết việc Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ và rằng “sự can thiệp của họ có tác động tiêu cực” cho cuộc vận động của bà Clinton. 

Bà Conway nói với Fox News cho rằng phát biểu của ông Earnest là cực kỳ vô trách nhiệm.

Tại cuộc họp báo chính thức cuối cùng hồi tháng 7, ông Trump từng mời gọi các tin tặc Nga tìm kiếm những email đã bị xóa từ máy chủ cá nhân của bà Clinton. Sau đó một ngày, ông tuyên bố phát biểu đó chỉ mang tính giễu cợt châm biếm. Tuy nhiên, phát ngôn nhân Tòa Bạch Ốc nói rằng đề nghị của ông Trump “có thể là chỉ dấu cho thấy ông ấy hiển nhiên đã biết rõ và kết luận, dựa trên dữ liệu hay nguồn tin nào có được, rằng Nga có can thiệp.”

Các cơ quan tình báo Mỹ kết luận rằng Moscow đã tấn công tin tặc các tài khoản email của Ủy ban Dân chủ Toàn quốc giúp đưa tới cuộc vận động bất thành của bà Clinton và tấn công máy tính của trưởng ban vận động cho bà Clinton, John Podesta, giúp ông Trump đắc cử. - VOA

***
Tổng thống tân cử Mỹ Donald Trump ngày 15/12 đề cử dân biểu Ryan Zinke, một cựu chỉ huy lực lượng Navy SEAL của hải quân Hoa Kỳ, làm Bộ trưởng Nội vụ.

Nếu được Thượng viện xác nhận, đảng viên Cộng hòa Zinke sẽ dẫn dắt cơ quan với hơn 70 ngàn nhân viên trên cả nước và trông coi hơn 20% đất liên bang kể cả các công viên quốc gia như Yellowstone và Yosemite.

Dân biểu Zinke từng đưa ra nhiều quan điểm ủng hộ than đá, loại nhiên liệu hóa thạch phát thải lượng CO2 cao. Sản lượng than đá đã bị cắt giảm nhiều dưới thời Tổng thống Barack Obama vì sự phát triển của các loại nhiên liệu cạnh tranh khác như khí thiên nhiên, năng lượng mặt trời và năng lượng gió.

Ông Zinke, 55 tuổi, cũng đã giúp đưa ra dự luật mở rộng ưu đãi thuế cho các nhà máy năng lượng chạy bằng than đá chôn khí thải CO2 dưới lòng đất để chống biến đổi khí hậu, một biện pháp được các nhóm hoạt động về than đá và một số tổ chức bảo vệ môi trường dung hòa ủng hộ.

Ông Zinke là người ủng hộ quan điểm giữ đất công dưới quyền sở hữu liên bang, trái với một số đảng viên cùng đảng bên Cộng hòa muốn thúc đẩy tư hữu hóa đất đai hay đặt dưới quyền kiểm soát của các tiểu bang. - VOA
|
|

10.
Ông Trump gặp các giám đốc công nghệ hàng đầu --- Rắc rối các khoản nợ của ông Trump với ngân hàng Đức

Tổng thống đắc cử Donald Trump hôm thứ Tư đã gặp các lãnh đạo cấp cao nhất của các công ty công nghệ lớn nhất Hoa Kỳ. Rất nhiều người trong số họ đã chỉ trích ông dữ dội trong chiến dịch tranh cử năm nay. Tuy nhiên, các cuộc thảo luận của họ không hề có chút dấu hiệu tồn tại của tình trạng đối đầu.

Cuộc họp diễn ra tại trụ sở của ông Trump ở thành phố New York, với sự tham dự của Giám đốc điều hành Facebook Sheryl Sandberg, Giám đốc điều hành Amazon Jeff Bezos và Giám đốc điều hành của hãng xe Tesla Motors Elon Musk.

Vị tổng thống kế tiếp của Mỹ đã kêu gọi các CEO hãy gọi điện thoại trực tiếp cho ông nếu họ muốn nói chuyện, và đề nghị gặp lại nhau thường kỳ, khoảng ba tháng một lần.

Tổng thống mới đắc cử nói ông muốn bắt đầu một “cuộc đối thoại và hợp tác” để thúc đẩy đổi mới và tạo thêm công ăn việc làm.

Trước cuộc bầu cử, rất nhiều trong số các lãnh đạo công nghệ hàng đầu đã mạnh mẽ bày tỏ quan ngại về nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump vì những lời chỉ trích mạnh mẽ của ông đối với Trung Quốc, việc ông đe dọa hủy bỏ các thỏa thuận thương mại và các kế hoạch hạn chế nhập cư, điều này sẽ hạn chế lượng nhân công có trình độ cao sẵn có cho các công ty công nghệ. 

Hôm thứ Ba, nhân viên của hơn 200 công ty công nghệ đã ký một bức thư ngỏ thề sẽ không giúp cho ông Trump phát triển một hệ thống đăng ký dữ liệu theo dõi mọi người căn cứ vào tôn giáo của họ, hoặc dùng cho việc trục xuất. - VOA

***
Tuần này, tổng thống đắc cử Donald Trump đã trì hoãn một công bố rất được mong chờ về việc ông sẽ giải quyết các mâu thuẫn quyền lợi giữa hoạt động kinh doanh toàn cầu của ông với công việc của ông khi là một tổng thống như thế nào. Những đầu tư tài chính của ông là một mối lo ngại nhưng những khoản nợ của ông lại là một mối lo khác, bao gồm cả những khoản vay từ một ngân hàng của Đức. Thông tín viên Carolyn Presutte của đài VOA tìm hiểu về một mối quan tâm lớn: cuộc điều tra của Bộ Tư pháp Mỹ về chủ nợ lớn nhất của ông Trump – ngân hàng Deutsche Bank của Đức.

Đó là những bất động sản lớn ở những vị trí trung tâm. Các sân gôn. Các tòa nhà trọc trời. Tất cả đều mang những khoản vay thế chấp lớn do Tổng thống đắc cử Donald Trump đứng tên. Ba trong số những bất động sản đó đang được các chuyên gia đặc biệt quan tâm liên quan đến ngân hàng đứng sau các khoản nợ. Đó là 364 triệu đô la vay của ngân hàng Deutsche Bank của Đức.

Cựu luật sư về đạo đức nghề nghiệp của Nhà Trắng Richard Painter cho VOA biết:

"Tôi lo ngại một tổng thống thiếu nợ bất kỳ ai, đặc biệt là thiếu nợ một ngân hàng nước ngoài."

Hợp đồng vay năm 2014 để xây tòa Tháp Trump ở Chicago có khoản vay thế chấp 69 triệu đô la của ngân hàng Deutsche Bank.

Đài VOA tìm hiểu và được biết có 2 hồ sơ được công khai cho thấy khu nghỉ dưỡng và sân gôn ở Miami của ông Trump có các khoản vay trị giá 125 triệu đô la từ ngân hàng Deutsche Bank. Các hồ sơ này cũng cho thấy khách sạn Trump Hotel ở thủ đô Washington, cách Nhà Trắng chỉ vài khu phố, có khoản vay 170 triệu đô la từ ngân hàng này của Đức.

Ông Painter nói: "Câu hỏi ở đây là liệu tổng thống có thể thiếu nợ các ngân hàng lớn trong khi lãnh đạo các nhà quản lý và thực thi quy định điều hành hệ thống ngân hàng của chúng ta, trong đó có những biện pháp đang được xem xét tiến hành đối với Deutche Bank."

Một “biện pháp đang chờ xúc tiến” là cuộc điều tra của Bộ Tư pháp về việc ngân hàng Deutsche Bank mua bán sai quy định các chứng khoán thế chấp trước cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Bộ Tư pháp Mỹ đang đề nghị phạt 14 tỉ đôla để đóng hồ sơ vụ này lại. Cựu luật sư của Nhà Trắng Richard Painter nói rằng sẽ rất là kỳ quặc nếu vụ này không được giải quyết trước ngày nhậm chức và sẽ được giải quyết bởi những giới chức cấp cao mà Tổng thống Trump bổ nhiệm.

Ông Jan Baran, một chuyên gia về luật chính trị, nói rằng xung đột có thể tránh được nếu được quản lý đúng cách:

"Các vụ việc ở Bộ Tư pháp được xử lý bởi những công tố viên và luật sư chuyên nghiệp của cơ quan này cho dù tổng thống là ai và không có bất kỳ một lý do gì một tổng thống có thể can dự vào."

Chính phủ Anh và Đức, và Mỹ, cũng đang điều tra ngân hàng Deutsche Bank. Các cơ quan chức năng đang xem xét làm thế nào khách hàng của ngân hàng này có thể chuyển hàng tỷ đô la từ Nga vào Anh thông qua các giao dịch chứng khoán đáng ngờ. Deutsche Bank và bộ Tư pháp Mỹ từ chối bình luận về vấn đề này nhưng một nguồn tin từ Anh khẳng định rằng cuộc điều tra đang được tiến hành.

Trong một loạt những tin nhắn trên mạng Twitter hôm 12/12, ông Donald Trump đã trì hoãn công bố của mình về việc liệu ông sẽ giải quyết các xung đột này thế nào. Ông cho biết ông sẽ rời bỏ các công việc kinh doanh trước ngày nhậm chức để cho các con trai Donald Trump Jr. và Eric Trump điều hành. Ông nói ông “sẽ không thực hiện một thương vụ nào” trong thời gian ông làm tổng thống.

Các chuyên gia tài chính nói với VOA rằng việc từ bỏ (công việc kinh doanh) hoàn toàn là gần như không thể. Và cũng không rõ là liệu ông Trump sẽ tách bạch bản thân khỏi các hành động của chính phủ đối với ngân hàng Deutsche Bank như thế nào. Nhóm điều hành việc chuyển giao quyền lực của ông Trump đã từ chối trả lời các câu hỏi của VOA về vấn đề này. - VOA
|
|

11.
Ông Trump nói gì với Thủ tướng Việt Nam? --- Donald Trump có thể 'sẽ tới Việt Nam năm 2017'

Tổng thống đắc cử của Hoa Kỳ mới cho biết đã nhận điện thoại của Thủ tướng Việt Nam, sau khi tin cho hay ông Phúc nói với ông Trump rằng Hà Nội “coi trọng quan hệ với Mỹ”. 

Văn phòng của người sẽ nhậm chức tổng thống Mỹ vào tháng Giêng cho hay rằng ông đã “nhận lời chúc mừng của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc” tối hôm 14/12. 

Thông cáo viết tiếp: “Tổng thống đắc cử và Thủ tướng [Việt Nam] đã thảo luận nhiều mối quan tâm chung và đồng ý cùng nhau tiếp tục củng cố quan hệ giữa hai quốc gia”. 

Tuyên bố của phe ông Trump không nói rõ “mối quan tâm chung” đó là gì, nhưng hai vấn đề được báo chí Việt Nam đề cập nhiều thời gian qua là “số phận” của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, TPP và tranh chấp biển Đông. 

Về phía Hà Nội, một bản tin ngắn trên trang web của chính phủ trong nước cho biết rằng ông Phúc đã “khẳng định Việt Nam coi trọng quan hệ hữu nghị, hợp tác với Hoa Kỳ”. 

“Tổng thống đắc cử Donald Trump đánh giá cao những thành tựu Việt Nam đạt được trong thời gian qua, những tiến triển tích cực trong quan hệ hai nước và khẳng định mong muốn hợp tác với Việt Nam để cùng thúc đẩy quan hệ”, bản tin viết tiếp. 

VGP News cho biết rằng “hai nhà lãnh đạo đã trao đổi phương hướng và biện pháp thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư Việt Nam - Hoa Kỳ thời gian tới”.

Ít lâu sau khi ông Trump đánh bại bà Hillary Clinton, và trở thành tổng thống đắc cử Mỹ tháng trước, ông Phúc nói rằng "Mỹ đã tuyên bố dừng không trình Quốc hội về TPP nên Việt Nam cũng chưa có đủ cơ sở trình tham gia TPP".

Trong chiến dịch tranh cử của mình, ông Trump đã nhiều lần tuyên bố bác bỏ hiệp định thương mại tự do với hơn 10 quốc gia mà Việt Nam đặt nhiều kỳ vọng. 

Dưới chính quyền của Tổng thống Barack Obama, Việt Nam và Mỹ đã tăng cường quan hệ trong bối cảnh Bắc Kinh mạnh mẽ tuyên bố chủ quyền ở biển Đông. 

Tiến sĩ Ngô Trí Long, cựu viện phó Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, cho rằng Việt Nam vẫn theo dõi mọi động thái của ông Trump để đoán định chính sách đối với Việt Nam. 

Ông nói: 

“So với ông Obama thì ông này tính cách hoàn toàn khác. Người ta cũng có suy nghĩ rằng với tính cách thất thường thì đường lối của ông ấy như thế nào cũng chưa rõ. Người ta cũng đang chờ đợi. Chính kiến Việt Nam thực sự mà đánh giá cụ thể ông như thế nào thì cũng chưa có ai có quan điểm, nhưng tất nhiên là cũng sẽ khó khăn hơn thời ông Obama”. 

Kể từ khi giành chiến thắng bất ngờ tháng trước, tin cho hay, ông Trump đã nhận điện thoại và trao đổi với hàng chục lãnh đạo các nước, trong đó có nhiều quốc gia hiện có tranh chấp chủ quyền biển đảo với Trung Quốc như Philippines, Nhật Bản và Đài Loan. 

Ít lâu sau khi trao đổi qua điện thoại với Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, Tổng thống đắc cử Mỹ đã lên Twitter để gián tiếp chỉ trích các hoạt động quân sự hóa biển Đông của Trung Quốc, dẫn tới nhiều chỉ trích của báo chí quốc gia đông dân nhất thế giới. 

Trước cuộc điện đàm giữa ông Trump và ông Phúc, Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Phạm Quang Vinh bày tỏ hy vọng rằng Tổng thống đắc cử Trump sẽ tới thăm Việt Nam và tham dự hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương, APEC, mà Việt Nam sẽ tổ chức vào năm sau. - VOA

***
Tổng thống tân cử Donald Trump vừa có cuộc điện đàm với Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, trong đó, lãnh đạo Hoa Kỳ bày tỏ mong muốn tăng cường mối quan hệ song phương giữa hai quốc gia.

Theo bản tin được đăng trên trang web của chính phủ Việt Nam, Hà Nội xác nhận sự việc và nói Thủ tướng Phúc đã gửi lời chúc mừng ông Donald Trump về chiến thắng trước bà Hillary Clinton.

"Tổng thống tân cử Donald Trump đánh giá cao những thành tựu của Việt Nam, cũng như đề cập đến những chỉ dấu tích cực trong sự phát triển mối quan hệ song phương. Tổng thống tân cử của Hoa Kỳ cũng bày tỏ mong muốn thúc đẩy mối quan hệ giữa hai nước," Reuters trích lời chính phủ Việt Nam cho hay.

Cuộc điện đàm với Thủ tướng Việt Nam diễn ra vài ngày sau cuộc gọi tương tự với Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn, dẫn đến cuộc khẩu chiến giữa ông Trump và Trung Quốc. Nhìn chung, Tổng thống tân cử Hoa Kỳ đã điện đàm với lãnh đạo của nhiều quốc gia ở châu Á, trong đó có Nhật, Philippines, Đài Loan và Việt Nam, là những nước có tranh chấp về lãnh thổ và biển đảo với Bắc Kinh.

Đội ngũ chuyển giao quyền lực của ông Donald Trump cũng xác nhận về cuộc nói chuyện giữa hai lãnh đạo và cho biết " họ thảo luận một số vấn đề cùng quan tâm và đồng ý hợp tác để tăng cường mối quan hệ giữa hai quốc gia".

Thúc đẩy hợp tác thương mại

Chính phủ Việt Nam nói ông Trump và Thủ tướng Phúc thảo luận về những biện pháp để thúc đẩy mối quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư. Tuy nhiên, tin tức nói những đề nghị về trao đổi thương mại từ phía ông Trump đi ngược với lợi ích của Hà Nội.

Quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ phát triển khá tốt dưới thời Tổng thống Obama, là người chủ trương "Xoay trục về châu Á", trong đó nền tảng chính là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), là một thỏa thuận thương mại được ký kết giữa 12 quốc gia.

Tuy nhiên, ông Trump là người phản đối TPP và từng tuyên bố sẽ hủy bỏ hiệp định thương mại này ngay ngày đầu tiên nhậm chức. Đây cũng là một bất lợi cho Việt Nam, là nước xuất khẩu sang Mỹ lớn nhất tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. 

Việt Nam cho biết sẽ tiếp tục thực hiện các thỏa thuận thương mại đã có với các nước, trong đó có Hoa Kỳ, bất kể TPP có được thông qua hay không. Quốc hội Nhật Bản cũng vừa phê chuẩn Hiệp định thương mại trong tháng này, bất chấp sự phản đối của ông Trump.

Hoa Kỳ sẽ giảm sự hiện diện ở châu Á?

Ông Donald Trump được trông đợi sẽ đến Việt Nam vào tháng 11/2017 để tham dự Hội nghị APEC.

Tổng thống Obama được người dân chào đón nồng nhiệt trong chuyến thăm Việt Nam vào hồi tháng Năm vừa qua.

Trong thời gian gần đây, quan hệ Hoa Kỳ-Việt Nam cũng được cải thiện nhiều với Washington dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khi sát thương, tiếp theo đó là những thỏa thuận hợp tác quân sự và tập trận chung. Bên cạnh đó, Hoa Kỳ cũng ủng hộ Việt Nam và các nước trong khu vực đối với tranh chấp Biển Đông, tuy nhiên Washington luôn khuyến khích các nước tránh quân sự hóa mà thay vào đó tìm các giải pháp hòa bình.

Việt Nam cũng ủng hộ sự hiện diện của Hoa Kỳ nhằm giữ an ninh cho châu Á và cũng bắt đầu việc xây dựng các bãi cạn có tranh chấp , trong động thái khẳng định chủ quyền đối với Trung Quốc. - BBC
|
|

12.
Lãi suất tăng lên có thể đẩy thị trường nhà ở Mỹ xuống

Theo như dự đoán, ngân hàng trung ương Mỹ hôm thứ Tư đã tăng lãi suất chính lên 0,25%. Đây chỉ mới là lần tăng thứ hai kể từ cuối cuộc khủng hoảng tài chánh. Các nhà kinh tế nhận định rằng đưa lãi suất trở lại mức bình thường, hoặc tăng lãi suất lên từ mức thấp kỷ lục được duy trì trong suốt mấy năm qua là dấu hiệu nền kinh tế Mỹ hồi phục. Nhưng nhiều chuyên gia khác cho rằng lãi suất tăng có thể đẩy thị trường nhà đất xuống.

Giá nhà đất trên khắp nước Mỹ đã tăng trở lại những mức cao nhất như trước cuộc khủng hoảng. Đối với những người sở hữu nhà nói chung, giá nhà của họ nay bằng với giá của năm 2006, tức thời điểm giá nhà tăng cao trước khi thị trường nhà đất sụp đổ năm 2008. Nhưng xu hướng tăng chỉ mới chớm bắt đầu mà thôi.

Ông Lawrence Yun của Hiệp hội môi giới nhà đất toàn quốc cho biết:

"Thị trường nhà đất rõ ràng đang tăng mạnh hơn. Chúng ta cần phải để cho xu hướng này tiếp tục tạo đà tiến."

Kinh tế gia trưởng Lawrence Yun của Hiệp hội môi giới nhà đất toàn quốc nói rằng lúc này là thời điểm quan trọng của thị trường nhà đất. Trong 6 năm qua, giá nhà tăng nhanh hơn thu nhập. Và trong tháng vừa rồi, lãi suất cho vay mua nhà thời hạn 30 năm đã tăng lên đáng kể. Ông Yun nói:

"Lãi suất vay mua nhà trước đó đứng ở mức khoảng 3,5% trong suốt năm 2016. Mới đây đã tăng lên hơn 4%, một phần là do thị trường dự đoán FED sẽ tăng lãi suất chính."

Các giới chức của Cục Dự trữ Liên bang, tức FED, tỏ ý cho thấy sẽ có ba đợt tăng lãi suất nữa vào năm tới. Trang web Finder.com chuyên về quản lý tài chánh cá nhân phân tích rằng lãi suất tăng 0,25% thì phí trả hàng tháng sẽ tăng thêm 50 đôla đối với khoản vay mua nhà 300.000 đôla.

Bà Michelle Hutchison, một chuyên gia tài chánh, nói chi phí tăng như vậy có thể khiến người dự tính mua nhà ngưng kế hoạch của họ lại: 

"Khảo sát của chúng tôi cho thấy 60% số người trù tính mua nhà trong vòng 5 năm tới tạm ngưng kế hoạch của họ lại nếu lãi suất tăng trong tháng này. Con số này tương đương với 81 triệu người."

Ông Lawrence nhận định rằng mặc dù có sự tương quan trực tiếp – lãi suất tăng thì mức cầu giảm – nhưng thời kỳ lãi suất cực thấp đã qua.Ông nói một nền kinh tế cải thiện và dịch vụ cho vay linh hoạt sẽ giúp cân bằng lại thị trường:

"Theo tôi kết cục là lãi suất tăng, nhưng không phải tăng đến báo động, và nếu xét về thị trường việc làm tăng và có thể thị trường tín dụng cũng tăng thì thị trường nhà đất sẽ không nhất thiết sẽ bị ảnh hưởng trong năm 2017."

Ông Yun nói rằng vấn đề lớn hơn hiện nay là nguồn cung nhà thiếu, nhất là loại nhà giá thấp cho những người mới vào thị trường. Ông Yun nói thiếu nhà giá thấp là một yếu tố nữa khiến những người mua nhà lần đầu và những người trẻ không thể tính đến chuyện mua nhà. Nhiều người trong số đó sẽ thuê nhà vào lúc này, thay vì đầu tư vào ước mơ Mỹ. - VOA
|
|

13.
Yahoo loan báo thêm một vụ tấn công tin tặc quy mô

Yahoo loan báo vừa phát hiện thêm một vụ tấn công tin tặc quy mô, dữ liệu từ hơn 1 tỷ tài khoản sử dụng đã bị tấn công vào tháng 8/2013. Đây là vụ xâm nhập tài khoản lớn nhất trong lịch sử.

Số tài khoản bị ảnh hưởng cao gấp đôi vụ tấn công năm 2014 mà công ty mới tiết lộ hồi tháng 9 năm nay. Tin về vụ tấn công 2014 với ít nhất 500 triệu tài khoản bị hại đã khiến công ty Verizon loan báo có thể rút lại thỏa thuận thâu tóm công việc kinh doanh internet cốt lõi của Yahoo với giá 4,83 tỷ đô la.

Yahoo nói họ tin rằng vụ việc công bố hôm nay có phần chắc hoàn toàn không liên quan đến vụ báo cáo hồi tháng 9.

Yahoo cho biết thông tin tài khoản sử dụng bị đánh cắp có thể bao gồm tên tuổi, địa chỉ email, số phone, ngày tháng năm sinh, mật khẩu, và trong một số trường hợp thậm chí là các câu hỏi và trả lời an ninh.

Các dữ kiện về thẻ chi trả và tài khoản ngân hàng không  được lưu trữ trong hệ thống bị tấn công, đại công ty internet này nói.

Yahoo cho biết đang thông báo tới những người sử dụng bị ảnh hưởng và thực hiện các bước bảo vệ tài khoản cho khách hàng. - VOA
|
|

14.
Mỹ thông qua hai dự luật về tự do tôn giáo

Tuần qua Quốc hội Hoa Kỳ vừa thông qua hai dự luật trong lĩnh vực nhân quyền và tự do tôn giáo, được cho là có liên quan tới Việt Nam.

Đó là hai dự luật HR 624 và HR 1150 về trách nhiệm cá nhân trong lĩnh vực nhân quyền và bảo vệ tự do tôn giáo. 

HR 624 được thông qua hôm 8/12, còn HR 1150 được thông qua hôm 13/12/2016.

Việc thông qua các dự luật đánh dấu việc tăng mức độ ưu tiên quan tâm trong chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ trong lĩnh vực nhân quyền và tự do tôn giáo toàn cầu.

Dự luật HR 624, tên chính thức là Global Magnitsky Human Rights Accountability Act (Luật Chịu trách nhiệm về Nhân quyền Toàn cầu mang tên Magnitsky), đã qua lưỡng viện Quốc hội nhưng còn chờ Tổng thống Obama ký thành luật.

Các nhà vận động nói rằng họ hy vọng ông Obama sẽ làm công việc này trước khi ông mãn nhiệm và HR 624 sẽ quy định chế tài cụ thể như hạn chế nhập cảnh Hoa Kỳ với các cá nhân vi phạm nhân quyền và đóng băng tài sản của họ.

Điều này cũng có nghĩa các quan chức và cá nhân nước ngoài, kể cả Việt Nam, bị Hoa Kỳ liệt vào dạng vi phạm nhân quyền, có thể bị trừng phạt bằng cách này mà không đụng chạm tới cấp quốc gia.

Nước cần quan tâm đặc biệt

Dự luật HR 1150, tên chính thức là Frank R. Wolf International Religious Freedom Act of 2015 (Luật Tự do Tôn giáo Quốc tế mang tên Frank R. Wolf) trong khi đó yêu cầu Đại sứ lưu động chuyên trách vấn đề tự do tôn giáo quốc tế nay sẽ báo cáo trực tiếp tình hình lên Ngoại trưởng Hoa Kỳ.

Bên cạnh đó, hệ thống phân hạng các quốc gia mà Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ xếp vào nhóm "Các nước cần quan tâm đặc biệt" (Countries of Particular Concern - CPC) trong lĩnh vực tự do tôn giáo sẽ được điều chỉnh để chia thành nhóm các nước CPC hợp tác với Mỹ trong việc cải thiện tình hình, và các nước CPC không làm vậy.

Dự luật cũng nêu lên việc thiết lập "Danh sách cần theo dõi đặc biệt" đối với các quốc gia vi phạm tự do tôn giáo, và xác định rõ rằng việc một quốc gia có hay không nằm trong danh sách này trong một năm bất kỳ "không loại trừ việc nước đó được đưa vào CPC trong cùng năm đó".

Việt Nam từng nằm trong danh sách CPC trong nhiều năm. Tuy nhiên đến 11/2006, trước khi Việt Nam được gia nhập Tổ chức Thương Mại Thế giới (WTO), Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã đưa Việt Nam ra khỏi danh sách cho đến nay.

Tuy nhiên, đến 2016, Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ trong bản phúc trình thường niên đánh giá rằng chính quyền Hà Nội "vẫn tiếp tục coi một số nhóm tôn giáo và các hoạt động của họ là sự đe dọa cho đất nước", đồng thời nhắc tới việc Việt Nam vẫn còn khoảng hơn 100 tù nhân chính trị, trong đó nhiều người bị giam giữ vì lý do tôn giáo và kêu gọi tự do tôn giáo. - BBC
|
|

Tin Việt Nam

15.
Tàu hải quân Mỹ USS Mustin thăm cảng Cam Ranh

Theo tin từ Tòa Đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội, tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Mustin (DDG 89) lớp Arleigh Burke hôm nay thứ Năm, đã tới thăm Cảng Quốc tế Cam Ranh trong một chặng dừng kỹ thuật thường lệ. Thông báo của Tòa Đại sứ cho biết chuyến dừng của tàu USS Mustin thể hiện mối quan hệ mạnh mẽ về lịch sử, cộng đồng và quân sự giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.

Trong chuyến dừng chân, thủy thủ đoàn của tàu USS Mustin có cơ hội gặp gỡ với người dân Nha Trang để chia sẻ về văn hóa Hoa Kỳ thông qua các sự kiện thể thao. Thủy thủ đoàn người Mỹ cũng sẽ tìm hiểu về Việt Nam thông qua các hoạt động văn hóa tại địa phương.

Trung tá Thane Clare, sĩ quan chỉ huy tàu USS Mustin nói rằng: “Thủy thủ đoàn của tàu Mustin rất vui mừng đóng góp cho quan hệ đối tác của chúng tôi với Việt Nam và hiểu biết về tầm quan trọng của mối quan hệ đối với lợi ích của cả hai bên trong hòa bình, ổn định và gắn với một trật tự quốc tế dựa trên luật pháp. Và tất nhiên, chúng tôi nóng lòng được trải nghiệm lòng hiếu khách nổi tiếng của Việt Nam và khám phá thành phố Nha Trang tuyệt vời.”

Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius phát biểu: “Lần dừng chân của tàu USS Mustin tại Cảng Quốc tế Cam Ranh là một ví dụ về sự sâu sắc của quan hệ đối tác toàn diện của chúng ta và tầm quan trọng của việc tăng cường quan hệ dân sự và quân sự của chúng ta.”

Tàu USS Mustin đang trên đường tuần tra từ Yokosuka, Nhật Bản, có thủy thủ đoàn gần 300 người và hoạt động thường kỳ trên khắp khu vực Ấn Độ Dương – Châu Á – Thái Bình Dương.

Sự kiện tàu khu trục Hải quân Hoa Kỳ USS Mustin thăm cảng Cam Ranh diễn ra cùng ngày với việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc điện đàm và chúc mừng Tổng thống đắc cử của Hoa Kỳ Donald Trump. Hai nhà lãnh đạo cùng trao đổi phương hướng và biện pháp thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư Việt Nam - Mỹ thời gian tới.

Hồi đầu tháng 10, tàu khu trục có tên lửa dẫn đường USS John S. McCain và tàu tiếp tế tàu ngầm USS Frank Cable của Hải quân Mỹ đã ghé cảng Cam Ranh trong khuôn khổ các hoạt động giao lưu giữa hải quân hai nước. Đây là lần đầu tiên 2 tàu chiến Mỹ ghé cảng kể từ khi 2 nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao cách đây 21 năm.

Bộ Ngoại giao Việt Nam từng nói rằng “không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam”, trước câu hỏi của báo chí “liệu người Nga có trở lại Cam Ranh?”. Hôm 13/10, người phát ngôn Lê Hải Bình nhấn mạnh: “Lập trường nhất quán của Việt Nam là không liên minh quân sự, không liên minh với nước nào để chống nước thứ 3 và không cho nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam.”

Gần đây, liên tiếp các tàu chiến Pháp, Nhật Bản, Singapore, Ấn Độ đã cập cảng Cam Ranh. 

Trong một bài viết gửi cho VOA vào tháng 10, nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng cho biết “cuộc đua tay ba giữa Mỹ, Nga và cả Trung Quốc để sở hữu Cam Ranh ngày càng lộ diện trong ý đồ đu dây của Việt Nam. Về thực chất, toan tính tủn mủn của giới lãnh đạo Việt chỉ có thể lộ ra ở kế sách dùng Cam Ranh làm ‘mồi nhử’.”

Về phía Hoa Kỳ, trước đó vào ngày 08/06, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tại Washington rằng Hoa Kỳ không tìm cách đặt căn cứ quân sự tại Cam Ranh. Ông nói lời đồn đó “không có căn bản thực tế.” - VOA
|
|

16.
Phe đối lập Campuchia bác tin xây dựng tường ngăn trên biên giới VN

Thủ lĩnh đối lập Campuchia Sam Rainsy mới bác bỏ thông tin nói rằng Đảng Cứu nguy Dân tộc (CNRP) của ông ủng hộ việc dựng một bức tường ngăn trên biên giới với Việt Nam như Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump tính làm trên vùng biên giáp Mexico.

Tờ Phnom Penh Post hôm 21/11 dẫn lời ông Kem Sokha, Phó chủ tịch CNRP, nói rằng đảng mình có thể làm theo ông Trump, dựng một bức tường ngăn dọc theo biên giới dài hơn 1 nghìn km với Việt Nam, nếu Campuchia có kinh phí để thực hiện. 

Tuy nhiên, trả lời VOA Việt Ngữ hôm 14/12 trong chuyến đi vận động Quốc hội Mỹ ở thủ đô Washington, lãnh đạo đảng đối lập Campuchia Sam Rainsy nói: 

“Tôi muốn bác bỏ chuyện ông phó chủ tịch Sokha của đảng chúng tôi từng tuyên bố muốn xây dựng bức tường dọc theo biên giới giữa Việt Nam và Campuchia. Ngược lại, ông ấy dường như muốn chế nhạo tuyên bố của Tổng thống đắc cử Trump về việc muốn xây bức tường giữa Mỹ và Mexico. Ông Sokha chỉ muốn rằng việc xây dựng bất cứ bức tường ngăn nào giữa hai nước là chuyện nực cười. Cách tốt nhất để duy trì sự toàn vẹn lãnh thổ của Campuchia không phải bằng việc xây dựng tường mà bằng việc phát triển vùng biên giới để người dân có thể sống vui vẻ trong điều kiện tốt. Chỉ như thế thì vùng biên giới mới được bảo vệ một cách phù hợp và hòa bình”. 

Tranh chấp biên giới lâu nay là một vấn đề còn tồn tại trong quan hệ giữa chính quyền Hà Nội và Phnom Penh, và là một trong những cương lĩnh tranh cử của phe đối lập Campuchia. 

Ông Rainsy nói rằng đó là “di sản từ thời thực dân Pháp mà nay cần phải xử lý”. Ông nói thêm: 

“Tôi vui mừng vì biết rằng chính phủ Việt Nam và Campuchia cùng viết thư gửi chính phủ Pháp để kêu gọi hỗ trợ kỹ thuật từ phía Pháp trong việc phân định biên giới giữa hai nước. Nhưng trong bất kỳ hoàn cảnh nào, chúng tôi sẽ giải quyết vấn đề giữa hai nước một cách hòa bình và thiện chí”.

Tháng trước, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và người đồng nhiệm Campuchia Hun Sen đồng ý gửi thư cho chính phủ Pháp để yêu cầu hỗ trợ kỹ thuật trong việc sao chép bản đồ biên giới thời thuộc địa với độ phân giải cao hơn để sử dụng trong phân định biên giới giữa hai nước.

Giữa năm ngoái, sau khi xảy ra một vụ xô xát trên biên giới giữa người dân Việt Nam và Campuchia, báo chí Việt Nam, trong đó có trang Infonet thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, lên án đảng đối lập Campuchia “xúi giục người dân nước này tiếp tục các cuộc biểu tình ở biên giới hai nước”. 

Về lời chỉ trích này, ông Rainsy nói: 

“Những cáo buộc đó vừa không công bằng vừa không chính xác. Người Campuchia, dù thuộc thành phần hay đảng phái nào, đều quan ngại về vấn đề biên giới. Chúng tôi muốn có sự công bằng và được tất cả các quốc gia láng giềng tôn trọng. Chúng tôi cũng muốn có quan hệ tốt đẹp với các quốc gia lân bang, dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau và tình hữu nghị”. 

Khi được hỏi ông muốn nói gì nếu có cơ hội trao đổi trực tiếp với các quan chức Việt Nam, lãnh tụ đối lập Rainsy nói rằng “người dân Campuchia và Việt Nam có nhiều điểm tương đồng.

“Chính vì thế, tôi thực sự hy vọng sẽ chứng kiến người dân hai nước cùng nhau nỗ lực vì hòa bình khu vực và thịnh vượng chung”, ông nói. - VOA
|
|

17.
Quân đội “tự diễn biến” thì Đảng tiêu vong

Tại Hội nghị quân chính toàn quân 2016 tổ chức hôm 13/12/2016 ở Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kêu gọi quân đội tuyệt đối kiên định với mục tiêu, lý tưởng, con đường xã hội chủ nghĩa, chống tự diễn biến, tự chuyển hóa. Như thế lực lượng vũ trang Việt Nam sẽ phải tiếp tục trung thành với Đảng và bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa.

Ai muốn kiểm soát quân đội? 

Tháng 7 năm 2015, nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã bỏ một vế Đảng với phát biểu chính thức tại Đại hội toàn quân ở Hà Nội, là quân đội phải tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, dân tộc và Hiến pháp. Lúc đó ông Nguyễn Tấn Dũng được dư luận chú ý vì cho rằng ông bớt giáo điều.

Hơn 17 tháng sau, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định vai trò của quân đội: “Dù bất luận trong điều kiện, hoàn cảnh nào cũng phải luôn trung thành với Tổ Quốc với Đảng, với nhân dân.”

Trên thực tế người lính nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam có câu kinh nhật tụng “Trung với Đảng hiếu với dân” và dù là ông Nguyễn Tấn Dũng hay Nguyễn Phú Trọng thì cũng chỉ là sử dụng cách nói khác nhau. Hơn nữa Điều 4 Hiến pháp Việt Nam quy định Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng  độc quyền lãnh đạo đất nước.

Chuẩn Đô đốc hồi hưu Lê Kế Lâm, Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật và Kinh tế biển TP.HCM nhận định:

“Hiến pháp quy định quân đội phải trung thành với Tổ quốc với Nhân dân. Nhưng khi mà đảng cầm quyền người ta lãnh đạo, thì vì Đảng Cộng sản Việt Nam xây dựng nên lực lượng vũ trang hiện nay cho nên họ yêu cầu quân đội phải trung thành với Tổ quốc là trên hết và sau đó họ yêu cầu phải trung thành với Đảng. Tôi nghĩ là điều này cũng tự nhiên thôi, vì một đảng cầm quyền mà họ xây dựng nên quân đội, thế thì họ lãnh đạo tuyệt đối đối với quân đội, yêu cầu quân đội phải trung thành với đảng đó.” 

Từ khi internet là công cụ thông tin khó kiểm duyệt, sự bùng nổ của mạng xã hội ở Việt Nam đã làm cho giới trẻ và người dân bình thường thấy rằng, trên thế giới chỉ còn lại vài nước cộng sản quy định quân đội phải trung thành với một đảng chính trị, tức là Đảng cộng sản độc quyền cai trị. Trong khi phần còn lại của thế giới tự do, cách dùng từ có thể khác biệt nhưng đại để lời thề của người lính là trung hành và bảo vệ tổ quốc.

Theo Giáo sư Tiến sĩ Vũ Minh Giang, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương Khóa 10 hiện sống và làm việc ở Hà Nội, trên thực tế có sự khác biệt giữa các quốc gia và thể chế chính trị liên quan tới câu hỏi lực lượng vũ trang trung thành với ai. Ông nói:

“Nếu mà nói về sự khác biệt giữa Việt Nam và các nước thì có vấn đề ấy thật. Bởi vì ngay cả trong những qui định có tính chất pháp luật thì quân đội là tổ chức chịu sự lãnh đạo toàn diện tuyệt đối của Đảng Cộng sản Việt Nam. Vì vậy cho nên trung thành với Đảng là cách ở Việt Nam nghe cũng quen rồi và cũng bình thường.”

Tiến tới thiên đường mù

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định con đường xã hội chủ nghĩa và quân đội Việt Nam phải trung thành với Đảng Cộng sản để đi tới cái đích, mà ông từng nói, đến cuối thế kỷ này chưa chắc đã hiện thực. Tại Hội nghị Quân chính ngày 13/12/2016 tổ chức ở Bộ Quốc phòng Thủ đô Hà Nội, ông Tổng Bí thư cũng kêu gọi quân đội triệt để chống suy thoái, chống tự diễn biến, chống tự chuyển hóa.

Ba hôm trước, ngày 9/12/2016 tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc thực hiện nghị quyết Trung ương 4 Khóa 12, ông Tổng Bí thư nhìn nhận Đảng hiện lâm vào tình trạng suy thoái, vận mệnh Đảng và chế độ cầm quyền liên quan tới kết quả của chiến dịch chống tự diễn biến và tự chuyển hóa trong nội bộ Đảng.

Nghị quyết Trung ương 4 khóa 12  cung cấp cẩm nang chính trị 27 điểm để nhận diện hiện tượng tự diễn biến, tự chuyển hóa trong hàng ngũ cán bộ đảng viên. Nhưng quan trọng nhất là hiện tượng cổ vũ dân chủ đa nguyên đa đảng, xóa bỏ xã hội chủ nghĩa. Đảng cũng xem là tự diễn biến, tự chuyển hóa đối với  hoạt động sử dụng truyền thông xã hội để bêu xấu giới chức Đảng, hoặc hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng đối với báo chí cũng như văn học và nghệ thuật.

Nhấn mạnh tới vai trò Bí thư Quân ủy Trung ương của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chuẩn Đô đốc hồi hưu Lê Kế Lâm từ Saigon nhận định:

"Tự diễn biến trong quân đội nếu như xảy ra thì rất nguy hiểm. Ý chính của ông Tổng Bí thư nói trong Hội nghị Quân chính Trung ương chủ ý nhắc nhở ngay cả trong quân đội cũng phải đề phòng tự diễn biến. Thế còn diễn biến thì rất rộng và cũng rất phức tạp…” 

Tất nhiên trong Hội nghị Quân chính ngày 13/12/2016, ông Nguyễn Phú Trọng không quên chỉ đạo quân đội phải chủ động, không để bị bất ngờ về chính trị trong mọi tình huống. Mặc dù quân đội Việt Nam cũng có đặc quyền về đất đai và được phép làm kinh tế với những Tổng Công ty rất lớn. Tuy vậy chỉ có mạng xã hội mới dám đề cập tới quân đội như là một nhóm lợi ích, báo chí dòng chính khá nhẹ nhàng khi mô tả phi trường Tân Sơn Nhất quá tải, nhưng không thể mở rộng vì sân golf do quân đội làm chủ.

Chuẩn Đô đốc hồi hưu Lê Kế Lâm nhận định:

"Quân đội là một bộ phận của nhân dân, trong nền kinh tế quốc dân nói chung của Việt Nam vừa qua tồn tại những mặt tích cực, nhưng cũng tồn tại nhiều mặt tiêu cực. Trong những tiêu cực đó, đáng lo nhất là nạn tham nhũng, hối lộ rồi đến lãng phí. Quân đội cũng là một bộ phận nằm trong chính thể chung, nằm trong khuôn khổ chung của cả nước. Quân đội làm kinh tế có nhiều cái tốt, tích cực nhưng có thể không thể tránh khỏi những tiêu cực, sai sót. Vì thế ông Tổng Bí thư có nói quân đội phải luôn luôn kiềm chế, tự khắc phục không để xảy ra lợi ích nhóm và những sai sót trong khi làm kinh tế. Còn có hay không thì hiện nay Nhà nước và Đảng cũng chưa thanh tra lực lượng vũ trang làm kinh tế…” 

Trong phát biểu tại Hội nghị Quân chính 2016, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắn nhủ quân đội về điều gọi là tiếp tục xây dựng thế trận lòng dân, xây dựng lực lượng quân đội thực sự trong sạch, vững mạnh toàn diện. Sắp xếp, điều chỉnh tổ chức quân đội, chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương, quân phong quân kỷ. Đặc biệt đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp, sắp xếp lại doanh nghiệp làm kinh tế, quản lý đất đai, quản lý tài sản và quản lý tài chính.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong vai trò Bí thư Quân ủy Trung ương tất nhiên muốn kiểm soát được sự trung thành của quân đội. Giới phản biện cho rằng, một nhà lý luận chủ nghĩa Mác Lê như ông Nguyễn Phú Trọng chắc chắn đã nghiên cứu trường hợp Liên Xô, cái nôi của chủ nghĩa Cộng sản, sụp đổ vào cuối năm 1991. Lúc đó chính những chiến sĩ Hồng quân Liên Xô, lực lượng trung thành với Đảng Cộng sản và Nhà nước Xô viết, đã quay mũi súng trở thành lực lượng khai tử chế độ. - RFA
|
|

18.
VN phản đối Trung Quốc phát hành tem vi phạm chủ quyền

Cơ quan Bưu chính Việt Nam đã phản đối việc Trung Quốc gần đây phát hành những loại tem xâm phạm chủ quyền quần đảo Trường Sa trên biển Đông.

Theo phía Việt Nam, đây là lần thứ ba Trung Quốc phát hành một bộ tem xâm phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam.

Bộ tem “Đèn Biển Trung Quốc” được phát hành ngày 28/10 thể hiện 5 đèn biển xây dựng trên 5 bãi đá Châu Viên, Gạc Ma, SuBi, Chữ Thập và Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép.

Bưu Chính Việt Nam đưa ra thông cáo phản đối hôm 13/12 và gọi việc phát hành bộ tem này là “xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam” và “yêu cầu Bưu chính Trung Quốc hủy ngay bộ tem, phong bì và các ấn phẩm có in hình ảnh các đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam”.

Chính quyền Hà Nội cáo buộc Trung Quốc đã dùng vũ lực để xâm lược một phần quần đảo Trường Sa năm 1988. Hơn 60 chiến sỹ Việt Nam đã tử nạn trong trận chiến bảo vệ quần đảo này. Trước đó, Trung Quốc đã đưa quân và cờ lên chiếm đóng các đảo ở Hoàng Sa từ tay Việt Nam vào năm 1974.

Cơ quan bưu chính của Việt Nam được các báo trong nước trích lời nói: “Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của mình đối với cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.” Cơ quan này cho rằng việc phát hành bộ tem của Trung Quốc không phù hợp với các quy định của Công ước Liên minh Bưu chính Thế giới.

Trong một công bố riêng, bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam hôm 14/12 cũng phản đối việc phát hành bộ tem này của Trung Quốc. Theo TTXVN, Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu Trung Quốc tôn trọng sự thật lịch sử và không để tái diễn hành động tương tự nhằm góp phần xây dựng mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa 2 cơ quan bưu chính Việt Nam và Trung Quốc.

Năm 2013, Bưu Chính Việt Nam cũng đã lên tiếng phản đối Trung Quốc phát hành bộ tem “Mỹ Lệ Trung Quốc” vì cho rằng nó vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Trong bộ tem phát hành tháng 5/2013 có một mẫu tem in hình các đảo thuộc Hoàng Sa. Sau đó Việt Nam đã cấm nhập khẩu tem Trung Quốc in hình quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Bộ tem đầu tiên của Trung Quốc phát hành có hình ảnh Hoàng Sa vào năm 2004. VnExpress trích lời người đứng đầu Câu lạc bộ Tem Việt Nam, Hoàng Anh Thi, cho biết câu lạc bộ này đã đề nghị lên Bộ Thông tin và Truyền thông phát hành một bộ tem riêng cho thấy các hình ảnh của quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa để tái khẳng định chủ quyền của Việt Nam. - VOA
|
|

19.
Thủ phạm đàn áp nhân quyền tại Việt Nam có thể bị Mỹ chế tài

Quốc hội Mỹ ngày 8/12 thông qua một dự luật nhân quyền ‘bước ngoặt’ nhắm vào những cá nhân vi phạm nhân quyền và những giới chức tham nhũng trên toàn cầu.

Luật Magnitsky quy trách nhiệm nhân quyền toàn cầu do Thượng nghị sĩ John McCain và Ben Cardin giới thiệu tại Thượng viện được thông qua chưa tới một tuần sau khi dự luật tương tự do dân biểu Chris Smith và Jim McGovern ra mắt tại Hạ viện được chuẩn thuận với tỷ lệ áp đảo.

Giới hoạt động nhân quyền xem đây là một thành công lớn, một trợ lực quan trọng cho công cuộc cổ súy dân chủ-nhân quyền tại các nước lâu nay bị chỉ trích vi phạm nhân quyền như Việt Nam.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, một trong những nhà hoạt động trong 6 năm qua đã tích cực vận động cho dự luật này được thông qua Quốc hội Mỹ, chia sẻ với VOA Việt ngữ về nội dung và ảnh hưởng của dự luật trừng trị các cá nhân vi phạm nhân quyền trên thế giới đang chờ được Tổng thống ký ban hành, dự kiến trước cuối năm nay.

TS Nguyễn Đình Thắng: Luật này được thông qua ở Hạ lẫn Thượng viện với tỷ số quá bán 2/3, cho nên nếu bị Tổng thống phủ quyết, Quốc hội có thể phủ nhận phủ quyết đó rồi bỏ phiếu lại, cuối cùng cũng phải thông qua. Thứ hai, luật này kèm trong luật chi ngân sách quốc phòng trên 600 tỷ Mỹ. Cho nên, nếu phủ quyết luật này thì các chương trình quốc phòng sẽ bị đình trệ.

VOA: Tầm quan trọng của luật này ra sao?

TS Nguyễn Đình Thắng: Rất quan trọng vì nó hoàn toàn là phương thức mới trong việc chế tài. Trước đây, việc chế tài gắn vào cả quốc gia, nên các nước, kể cả Hoa Kỳ, rất ngần ngại. Chế tài cả quốc gia khó khăn, ảnh hưởng nhiều chính sách khác như hợp tác quốc phòng hay mậu dịch..v..v.v. Ngoài ra, còn có quan ngại rằng chính người dân bị đàn áp ở quốc gia bị chế tài lại chịu ảnh hưởng nhiều hơn trong khi kẻ vi phạm lại phây phây. Bây giờ, luật chế tài này nhắm trực tiếp từng cá nhân các giới chức chính quyền vi phạm nhân quyền trầm trọng.

VOA: Những biện pháp chế tài thấy rõ nhất trong luật này?

TS Nguyễn Đình Thắng: Gồm hai điểm chính. Thứ nhất, cấm nhập cảnh Hoa Kỳ kể cả đi công vụ. Nếu muốn được bãi miễn lệnh cấm này thì Tổng thống phải có sự bãi miễn đặc biệt và phải giải thích với Quốc hội. Thứ hai, chính phủ Mỹ đóng băng tất cả các tài sản của những cá nhân vi phạm nhân quyền, cho dù họ che dấu bằng bất kỳ hình thức nào hay gửi gắm ai đứng tên. Vì sao? Vì trong rất nhiều các nước độc tài, kẻ vi phạm nhân quyền cũng chính là những tay tham nhũng lớn, dấu của cải ở các nước phương Tây. Quan trọng hơn, luật áp dụng với tất cả các loại nhân quyền được quốc tế công nhận. Theo luật này, những người cưỡng đoạt tài sản của nhân dân cũng bị xem là những kẻ vi phạm nhân quyền trầm trọng. Chúng ta biết rằng tình trạng dân oan bị mất đất ở Việt Nam rất phổ biến. Thứ ba, những giới chức tham nhũng mà đi trừng trị những người tố cáo tham nhũng cũng bị xem là vi phạm nhân quyền trầm trọng.

VOA: Những kẻ vi phạm đó làm thế nào lọt vào danh sách chế tài? 

TS Nguyễn Đình Thắng: Con đường thứ nhất, một số Ủy ban của Hạ và Thượng viện Hoa Kỳ có quyền đề cử danh sách lên Tổng thống. Tổng thống có 120 ngày để ra quyết định chế tài hay không. Nếu Tổng thống từ chối không chế tài thì phải giải thích cho Quốc hội biết lý do. Vai trò của xã hội dân sự trong vấn đề này rất quan trọng vì các tổ chức theo dõi nhân quyền trên thế giới cũng có quyền đóng góp ý kiến cho Quốc hội và cho hành pháp Mỹ. Con đường thứ hai, khâu phụ trách Lao động-Nhân quyền-Dân chủ trong Bộ Ngoại giao Mỹ cũng có quyền nộp danh sách lên Tòa Bạch Ốc đề nghị chế tài.

VOA: Mối quan hệ Việt-Mỹ lâu nay dựa trên nền tảng nhân quyền làm điều kiện tiên quyết. Luật này ra đời, quan hệ Việt-Mỹ có thể bị tác động thế nào?

TS Nguyễn Đình Thắng: Chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Ngay cả khi hành pháp Mỹ muốn che chắn bớt cho chính phủ Việt Nam vì những lợi ích khác ngoài nhân quyền thì cũng sẽ khó hơn. Khi Quốc hội Mỹ có hồ sơ rõ ràng rằng những giới chức này đã vi phạm nhân quyền trầm trọng theo đúng định nghĩa của luật thì rất khó để bên hành pháp có thể lờ đi.

VOA: Liệu luật này sẽ làm mối quan hệ Việt-Mỹ chùn lại hay là chất xúc tác để thăng tiến hơn?

TS Nguyễn Đình Thắng: Trên nguyên tắc, nó không ảnh hưởng mọi vấn đề đối tác về quốc phòng, mậu dịch, viện trợ…v…v..Thế nhưng, khi các giới chức lãnh đạo Việt Nam nằm trong danh sách chế tài này không qua được Mỹ để công vụ thì sẽ là một sự lúng túng ngoại giao. Luật này đang lan ra rất nhiều nước. Cùng ngày Quốc hội Mỹ thông qua, Quốc hội Estonia cũng thông qua và Tổng thống đã ban hành luật. Hiện cũng có đề nghị luật này ở Canada, Anh quốc, và sắp sửa được đưa ra ở Quốc hội Na-uy.

VOA: Với tình hình nhân quyền Việt Nam, luật này đóng vai trò thế nào?

TS Nguyễn Đình Thắng: Sẽ rất quan trọng nếu chúng ta làm đúng việc, đúng cách. Chẳng hạn trong thời gian qua, chúng tôi có cách thức ‘kết nghĩa’. Cứ mỗi cộng đồng trong nước bị đàn áp như Hòa Hảo, Cao Đài, Tin lành, hay Công giáo…v.v.., chúng tôi lại kèm một nhóm ‘kết nghĩa’ để kết nối, cập nhật thông tin với nhau, liên tục theo dõi. Nếu có một dấu hiệu nào bị đàn áp thì họ lập tức thu thập thông tin và chuyển cho chúng tôi. Chúng tôi sẽ lập báo cáo nộp cho Liên hiệp quốc hay Bộ Ngoại giao Mỹ. Đó là trước đây. Bây giờ, với luật mới, chúng ta có thể dùng những thông tin đó để đề nghị chế tài những giới chức can dự hay chỉ thị đàn áp người dân. Thành ra, đây là biện pháp để bảo vệ trực tiếp cho người dân bằng sự răn đe rằng người vi phạm sẽ bị chế tài.

VOA: Xin chân thành cảm ơn Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng đã dành cho chúng tôi cuộc trao đổi này. - VOA
|
|

20.
Trung Quốc xác nhận đưa vũ khí ra Trường Sa

Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm 15/12 tuyên bố rằng việc Bắc Kinh triển khai các thiết bị quân sự phòng thủ cần thiết tới quần đảo Trường Sa là điều “hợp pháp và chính đáng”, theo Reuters. 

Bình luận của Bộ này được đưa ra một ngày sau khi một tổ chức nghiên cứu về an ninh của Mỹ cho biết rằng Bắc Kinh dường như đã lắp đặt vũ khí gồm các hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không trên toàn bộ bảy đảo nhân tạo mà Trung Quốc mới xây dựng ở biển Đông. 

Cơ quan Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở thủ đô Washington hôm 14/12 công bố các bức ảnh vệ tinh cho thấy hoạt động quân sự của Bắc Kinh tại quần đảo Trường Sa. 

Cơ quan này cho hay đã giám sát qua vệ tinh về việc xây dựng cơ sở quân sự của Trung Quốc từ tháng Sáu. Nhóm cho biết Trung Quốc đã xây dựng các tòa nhà gần giống nhau để chứa các thiết bị quốc phòng trên các hòn đảo nhỏ. 

Báo cáo cho biết các cơ sở quốc phòng có khả năng làm “tuyến phòng thủ cuối cùng” nhằm chống lại các cuộc tấn công vào các căn cứ không quân sẽ sớm được đưa vào hoạt động trên các hòn đảo.

Việt Nam chưa lên tiếng trước các thông tin mới được công bố về hoạt động quân sự của Trung Quốc trên vùng biển tranh chấp. 

Hai tháng trước, Reuters dẫn lời các nguồn tin nói rằng Hà Nội đã, theo lời hãng này, “bí mật” đưa các giàn rocket di động mới ra “năm căn cứ ở Trường Sa trong những tháng gần đây”. Bắc Kinh ngay lập tức lên tiếng phản đối động thái này của Việt Nam. - VOA

No comments:

Post a Comment