Saturday, December 10, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Bảy 10/12

CHÀO MỪNG NGÀY QUỐC TẾ NHÂN QUYỀN 10/12


Tin Thế Giới


1.

LHQ kêu gọi mọi người lên tiếng vì nhân quyền


Các quốc gia trên thế giới kỷ niệm Ngày Quốc tế Nhân quyền hôm nay, 10/12.


Liên hiệp quốc kêu gọi tất cả mọi người phải đứng lên bảo vệ quyền phổ quát giữa lúc các nhân quyền căn bản vẫn chưa được tôn trọng tại nhiều nơi trên thế giới.


Tổng thư ký Liên hiệp quốc, Ban Ki-moon phát biểu: “Phát huy quyền con người là lợi ích của tất cả mọi người. Tôn trọng quyền con người thăng tiến hạnh phúc cho mỗi cá nhân, ổn định cho mọi xã hội, và sự hài hòa cho thế giới liên kết của chúng ta”.


Người đứng đầu Cao ủy Nhân Quyền Liên hiệp quốc Zeid Ra'ad Al Hussein nói: “Đã đến lúc mỗi chúng ta phải đứng lên vì nhân quyền. Không một việc làm nào là không đáng kể, cho dù bạn đang ở đâu, bạn đều có thể tạo nên sự khác biệt. Chúng ta hãy cùng nhau lên tiếng cho quyền con người nhiều hơn.”


Hoa Kỳ và Liên hiệp Châu Âu đặc biệt kêu gọi Trung Quốc phóng thích các tù nhân chính trị, trong đó có Khôi nguyên Nobel Hòa bình và nhà hoạt động dân chủ Lưu Hiểu Ba, người bị tù đày từ năm 2008 đến nay. Mỹ và EU nêu lên tình trạng nhân quyền tuột dốc của Trung Quốc, nơi hàng trăm luật sư và nhà hoạt động đã bị giam cầm trong năm qua.


“Tôi vẫn hết sức quan ngại về tình trạng tiếp tục giam cầm các luật sư tại Trung Quốc,” đại sứ Mỹ tại Trung Quốc, Max Baucus nói trong một thông cáo. “Cách Trung Quốc đối xử với các luật sư này và những nhà hoạt động khiến người ta nghi vấn cam kết của Bắc Kinh về nhà nước pháp quyền.”


Thông cáo của EU viết rằng: “Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc ngay lập tức phóng thích bất kỳ cá nhân nào đã bị giam giữ vì tìm cách thực hành, bảo vệ, hay cổ súy cho quyền của chính họ và của những người khác.”


Liên minh Bảo vệ Tự do (ADF), một tổ chức cổ súy các giá trị thân Cơ đốc giáo, kêu gọi bảo vệ những người bị bức hại ở Trung Đông, đặc biệt là các Kitô hữu.


Ngày Quốc tế Nhân quyền đánh dấu ngày 10 tháng 12 năm 1948 khi Đại hội đồng Liên hiệp quốc thông qua Tuyên ngôn Nhân quyền, một văn kiện quan trọng phác thảo các chuẩn mực nhân quyền quốc tế căn bản. - VOA

|

|


2.

Không lực Trung Quốc diễn tập tầm xa --- Phi cơ quân sự TQ bay trên vùng biển có tranh chấp --- Trung Quốc đã triển khai oanh tạc cơ hạt nhân đến Biển Đông --- TQ chuẩn bị đưa thêm du thuyền đến Biển Đông


Đài Loan cho biết máy bay quân sự của Trung Quốc hôm 10/12 vần vũ trên các tuyến đường thủy gần Đài Loan trong khuôn khổ các cuộc tập trận tầm xa. Đây là các chuyến bay đầu tiên kiểu này kể từ sau cuộc điện đàm giữa lãnh đạo Đài Loan với Tổng thống tân cử Mỹ khiến Trung Quốc khó chịu.


Trung Quốc tuyên bố lãnh thổ tự trị Đài Loan là một tỉnh của họ và chưa bao giờ từ bỏ việc sử dụng vũ lực để lấy lại vùng đất này.


Cuộc điện đàm của ông Trump với Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn hôm 2/12 là cuộc gọi đầu tiên giữa một Tổng thống đắc cử hay đương nhiệm của Mỹ với một lãnh đạo Đài Loan kể từ khi Tổng thống Jimmy Carter chuyển sự công nhận ngoại giao từ Đài Loan sang Trung Quốc vào năm 1979.


Không có dấu hiệu cho thấy cuộc tập trận của các máy bay Trung Quốc hôm nay là một phản ứng đối với cuộc điện đàm khiến Bắc Kinh phẫn nộ đó.


Bộ Quốc phòng Đài Loan ra thông cáo cho biết các máy bay Trung Quốc đi vào Eo biển Miyako xung quanh các đảo phía nam của Nhật Bản và Kênh Bashi phía nam của Đài Loan, nhưng không xâm nhập vùng định dạng phòng không của Đài Loan.


Các cuộc tập trận kéo dài khoảng 4 giờ, với sự tham gia của hơn 10 chiếc máy bay, trong đó có 4 máy bay trinh sát điện tử đã bay qua Kênh Bashi giữa Đài Loan và Philippines.


Không lực Trung Quốc nói cuộc thao dượt này thuộc khuôn khổ các cuộc diễn tập thường xuyên hàng năm phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế. - VOA


***

Trung Quốc hôm thứ Bảy đã cho phi cơ quân sự bay trên vùng biển gần Đài Loan, thuộc vùng biển đang có tranh chấp, Đài Loan nói.


Đây cũng là lần đầu tiên Bắc Kinh có hoạt động kiểu này kể từ sau khi tổng thống đắc cử của Hoa Kỳ, Donald Trump, có cuộc nói chuyện điện thoại với lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn hôm 2/12, sự kiện làm Trung Quốc tức giận.


Bắc Kinh luôn coi Đài Loan là một tỉnh ly khai của mình và chưa từng từ bỏ ý định chiếm lại hòn đảo này bằng vũ lực.


Cuộc điện thoại Trump-Thái là cuộc nói chuyện đầu tiên giữa lãnh đạo hoặc người sắp trở thành lãnh đạo Hoa Kỳ với lãnh đạo Đài Loan kể từ 1979, khi Tổng thống Jimmy Carter công nhận quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh và thay đổi quan hệ với Đài Bắc.


Trung Quốc đã gửi công hàm phản đối. 


Tuy nhiên, không có chỉ dấu nào cho thấy việc diễn tập của phi cơ quân sự Trung Quốc hôm thứ Bảy là nhằm đáp trả cuộc điện thoại hôm 2/12.


Phi cơ Trung Quốc bay từ phía bắc xuống phía nam và bay vào vùng trời thuộc eo biển Miyako quanh các đảo miền nam của Nhật Bản, và eo biển Bashi ở phía nam Đài Loan, nhưng không bay vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan, tuyên bố của Bộ Quốc Phòng Đài Loan nói.


Việc diễn tập kéo dài trong khoảng bốn tiếng đồng hồ, với sự tham gia của 10 phi cơ, trong đó có bốn chiếc máy bay do thám điện tử bay qua eo biển Bashi nằm giữa Đài Loan và Philippines, theo hãng tin Reuters.


Trung Quốc trong những năm gần đây ngày càng tỏ ra quyết liệt tại Tây Thái Bình Dương và Biển Đông, và đã tiến hành những hoạt động tương tự trong khu vực kể từ tháng Chín.


Lực lượng không quân Trung Quốc gọi việc diễn tập là một phần trong các hoạt động bình thường hàng năm, phù hợp với luật pháp quốc tế.


Trước đó, hôm 29/11, Đài Bắc đã tiến hành một cuộc diễn tập tầm xa kéo dài một ngày, là một phần trong nỗ lực biến khu vực Quần đảo Trường Sa đang có tranh chấp thành một căn cứ cứu trợ nhân đạo. 


Tám chiếc tàu và ba phi cơ tham gia cuộc diễn tập 'tìm kiếm - cứu hộ' trong đó có tình huống giả định cháy tàu hàng khiến thủy thủ đoàn phải tìm cách lên đảo Itu Aba (phía Trung Quốc gọi là đảo Thái Bình, còn Việt Nam gọi là đảo Ba Bình) thoát nạn. - BBC


***

Hãng tin Fox News trích dẫn hai quan chức Mỹ ngày 09/12/2016, loan tin Trung Quốc lần đầu tiên triển khai một oanh tạc cơ hạt nhân trên vùng Biển Đông sau khi tổng thống tân cử Hoa Kỳ, Donald Trump tiếp chuyện tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn qua điện thoại.


Chiếc oanh tạc cơ H-6 của Trung Quốc ngày 08/12/2016 đã bay dọc theo đường chín đoạn, còn được gọi là đường lưỡi bò, mà Bắc Kinh đã tự vẽ nên để khẳng định chủ quyền trên gần như toàn bộ vùng Biển Đông. Vào mùa hè vừa qua, các oanh tạc cơ của Trung Quốc từng bay trên Biển Đông và trên các đảo đang tranh chấp, nhưng chưa bao giờ bay xa như lần này, theo lời các quan chức Mỹ. Lầu Năm Góc đã được báo động về phi vụ nói trên hôm thứ Sáu 09/12/2016.


Cũng theo các quan chức Mỹ được Fox News trích dẫn, cuộc biểu dương lực lượng bằng oanh tạc cơ hạt nhân của Trung Quốc là nhằm gởi một thông điệp cứng rắn đến chính quyền mới của Hoa Kỳ. Bắc Kinh đã rất giận dữ bởi vì với cuộc điện đàm với tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn, ông Donald Trump đã phá vỡ chính sách của Mỹ từ năm 1979 đến nay là chỉ công nhận một nước Trung Quốc duy nhất.


Điều đáng lo ngại hơn nữa đối với Lầu Năm Góc là theo các hình ảnh vệ tinh của Mỹ, Trung Quốc đang chuẩn bị triển khai tên lửa địa đối không tối tân SA-21 đến các đảo tranh chấp ở Biển Đông.


Vào tháng 2/2016 cũng chính Fox News tiết lộ Trung Quốc đã triển khai hệ thống tên lửa địa đối không tối tân HQ-9 đến đảo Phú Lâm, Hoàng Sa, mà Việt Nam và Đài Loan cùng đòi chủ quyền. Nhưng SA-21 là hệ thống tên lửa còn tối tân hơn, có tầm bắn xa hơn, có thể bắn vào các mục tiêu là phi cơ cũng như tên lửa đạn đạo. - RFI


***

Theo truyền thông Trung Quốc ngày 10/12/2016, Bắc Kinh đang tất bật chuẩn bị khai trương một du thuyền mới đi đến các quần đảo trên Biển Đông đang có tranh chấp để phát triển ngành du lịch. 


Chiếc du thuyền mới có tên Nanhai Zhi Meng, thuộc Công Ty Lữ Hành Nam Hải, có thể chở đến gần 900 hành khách. Sau ba lần đi thử, du thuyền mới sẽ chính thức đi vào hoạt động cuối tháng 12/2016, thực hiện chuyến đi đầu tiên từ đảo Tam Á đến quần đảo Vĩnh Lạc (Yongle), do chính quyền Tam Sa, tỉnh Hải Nam, quản lý. Đây là một địa phương mà Trung Quốc mới thành lập sau này.


Chương trình tham quan kéo dài 4 ngày, ghé thăm các nhóm đảo Bãi Xà Cừ (Yinyu), Ốc Hoa (Quanfu) và đảo Ba Ba (Yagong), nằm trong quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc gọi là Tây Sa. Theo tường thuật của Tân Hoa Xã, số vé  đã bán sạch ngay từ cuối tháng 11/2016. Bắc Kinh dự kiến tổ chức từ 4-6 chuyến tham quan mỗi tháng. Đây sẽ là hãng lữ hành thứ hai khai thác tuyến du lịch đến các đảo có tranh chấp tại Biển Đông.


Vào tháng 4/2013, hãng Hainan Strait Shipping đã khai trương chuyến đi đầu tiên. Từ đó đến nay đã có hơn 23.000 lượt khách tham gia các chuyến du lịch này. - RFI

|

|


3.

Hàng chục ngàn người chào mừng việc truất phế tổng thống Hàn Quốc


Tại thủ đô Seoul ngày 10/12/2016, hàng chục ngàn người tiếp tục gây sức ép đòi tổng thống nhanh chóng ra đi, một ngày sau khi Quốc Hội truất quyền tổng thống của bà Park Geun Hye. Không khí vui nhộn và hân hoan không che giấu được sự phẫn nộ trong công luận và lo ngại trước tương lai chính trị với nhiều bất trắc. 


Hãng tin AFP cho biết hai cuộc tuần hành đã diễn ra trên đường phố thủ đô Seoul vào hôm nay. Một bên là phe chống đối và bên kia là thành phần ủng hộ tổng thống họ Park. Cuộc biểu tình do phe ủng hộ bà khởi xướng đã huy động được khoảng 15.000 người, chủ yếu là những người cao tuổi từng ngưỡng mộ thân phụ bà Park Guen Hye, cố tổng thống Park Chung Hee.


Ở một nơi khác cũng tại Seoul, một biển người tiếp tục hô to khẩu hiệu đòi nữ tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc sớm ra đi. Theo ban tổ chức, cuộc biểu dương lực lượng này được 60.000 người hưởng ứng và họ tiếp tục xuống đường duy trì áp lực cho đến khi Tòa Bảo Hiến hợp thức hóa quyết định của Quốc Hội ngày 09/12/2016, truất phế tổng thống Park Geun Hye, do vụ bê bối chính trị "Choi gate".


Thông tín viên đài RFI từ Seoul, Frédéric Ojardias tường thuật về cuộc tập hợp đêm hôm qua, vài giờ sau khi Quốc Hội biểu quyết truất phế tổng thống họ Park :


"Màn đêm đã phủ xuống tòa nhà Quốc Hội, sau cuộc biểu quyết lịch sử, thông qua việc truất phế bà Park Geun Hye. Ông Hàn, một người biểu tình 57 tuổi, vẫn chưa ra về. Ông và bạn bè họp nhau trước một xe bán thịt nướng. Trong không khí vui nhộn, vừa ca hát, ông vừa hô to những khẩu hiệu chống bà Park. Ông nói đây thực sự là một "cuộc cách mạng độc nhất trên thế giới". Cuộc cách mạng đó diễn ra trong hòa bình và ông rất tự hào về điều ấy. 


Về bước kế tiếp cho toàn cảnh chính trị Hàn Quốc, ông Hàn tuyên bố, toàn dân phải dốc lòng để xây dựng một nền dân chủ mới, một nền dân chủ hài hòa cho đất nước.  


Mọi chú ý giờ đây hướng về Tỏa Bảo Hiến, cơ quan này có 180 ngày để hợp thức hóa quyết định của Quốc Hội. Trong khi chờ đợi, người dân Seoul hẹn nhau là mỗi thứ Bảy hàng tuần, họ tiếp tục đến thắp nến, hát hò cho đến khi nào bà Park Geun Hye thực sự ra đi". - RFI

|

|


4.

Indonesia: Hàng trăm ngàn người thất tán vì động đất


Ít nhất 45 ngàn người bị thất tán bởi trận động đất mạnh làm rung chuyển tỉnh Aceh của Indonesia, theo loan báo của nhà chức trách hôm 10/12 trong lúc chính phủ và các cơ quan viện trợ dồn nỗ lực đáp ứng nhu cầu sống còn cơ bản tại các cộng đồng bị ảnh hưởng.


Số người lâm vào cảnh màn trời chiếu đất tiếp tục tăng trong khi các nỗ lực cứu trợ đang lan tỏa khắp ba quận gần tâm chấn trận động đất 6,5 độ Richter hôm thứ tư vừa qua.


Các tổ chức nhân đạo đang phối hợp nỗ lực từ chốt chỉ huy chính trong quận Pidie Jaya, nơi bị ảnh hưởng trầm trọng nhất.


Ít nhất 100 người đã thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương trong trận động đất. Hơn 11 ngàn nhà cửa bị phá hủy hay hư hại, đa số là nhà dân nhưng cũng có vài trăm đền thờ Hồi giáo và trường học bị thiệt hại. Những người thất tán đang tá túc trong những khu trú tạm và đền thờ.


Tổng thống Joko Widodo hôm qua đã tới thăm những khu vực bị thiệt hại nặng nhất trong tỉnh và cam kết tái thiết các cộng đồng.


Chính phủ Australia hôm nay loan báo sẽ cấp cho Indonesia 750 ngàn đô la viện trợ nhân đạo thông qua Hội Chữ thập đỏ Indonesia. - VOA

|

|


5.

Nigeria: Đánh bom kép, 57 người chết


Số thương vong trong vụ đánh bom kép ở một ngôi chợ tại Đông Bắc Nigeria tăng lên thành 57 người, 177 người khác bị thương, một giới chức cho biết.


Ông Yusuf Muhammed, chủ tịch chính quyền địa phương Madagali, cho hay trong số các nạn nhân bị thương có 120 trẻ em. Vụ việc xảy ra khi 2 kẻ đánh bom tự sát tự kích nổ bom cài trong người hôm 9/12 tại hai đầu ngôi chợ ở thị trấn Madagali.


Các giới chức quy trách nhiệm cho những phần tử Hồi giáo cực đoan Boko Haram thực hiện vụ này.


Sự việc xảy ra tại khu vực ven rìa cứ địa của nhóm Boko Haram ở Sambisa Forest, nơi này từng bị quân đội Nigeria dội bom trước các cuộc tấn công trên bộ.


Kể từ khi quân đội đẩy lùi các phần tử nổi dậy ra khỏi các thị trấn và làng mạc trong năm nay, phe nổi dậy đã nhắm tấn công các mục tiêu mềm.


Madagali được giải phóng hồi năm ngoái sau nhiều tháng nằm trong tay Boko Haram. - VOA

|

|


6.

Tổng thống Colombia nhận giải Nobel Hòa Bình


Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos nhận giải Nobel Hòa bình hôm 10/12, nói rằng vinh dự này như một “quà tặng từ thiên đường” cho những nỗ lực của ông trong việc chấm dứt cuộc nội chiến 50 năm tại Colombia.


Ông Santos được trao giải vì vai trò đứng ra làm trung gian hòa giải cho thỏa thuận hòa bình giữa chính phủ Colombia và phe du kích cánh tả của Lực lượng Vũ trang Cách mạng Colombia (FARC), sau nhiều thập kỷ chiến tranh.


Phe nổi dậy vận hành nhờ các nguồn tài chính từ buôn bán ma túy và bắt cóc con tin đã cam kết hạ vũ khí, theo đuổi hòa bình. Những thành tích đó khiến cho Ủy ban Nobel Na-Uy công nhận vai trò của ông Santos.


Trong bài phát biểu của mình, ông Santos dành tặng giải thưởng cho tất cả người dân Colombia đặc biệt là 220 ngàn người đã chết trong cuộc nội chiến. Ông gọi thỏa thuận hòa bình mà ông đứng ra làm trung gian là một mô hình có thể áp dụng tại các nước khác có chiến tranh.


Tối nay, 10/12, các giải thưởng Nobel về vật lý, hóa học, y học, văn học và kinh tế sẽ được trao cho các khôi nguyên từng lĩnh vực.


Đối với những người được vinh danh, uy tín của danh hiệu Giải thưởng Nobel sẽ gắn liền tên tuổi của họ từ nay về sau. Giải thưởng được đặt theo tên của ông Alfred Nobel, nhà phát minh và là nhà từ thiện nổi tiếng của Thụy Điển. - VOA

|

|


Tin Hoa Kỳ


7.

CIA: Nga đã can thiệp giúp Trump đắc cử --- Obama ra lệnh điều tra ‘tin tặc Nga’ tấn công bầu cử Mỹ


CIA kết luận rằng Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ 2016 để giúp ông Donald Trump đắc cử chứ không chỉ làm giảm lòng tin của dân chúng vào hệ thống bầu cử  Hoa Kỳ, theo tiết lộ từ một quan chức cấp cao của Mỹ.


Giới chức Hoa Kỳ không muốn nêu tên tối ngày 9/12 cho Reuters biết các cơ quan tình báo Mỹ đánh giá rằng trong chiến dịch tranh cử, giới chức chính phủ Nga đã tăng cường quan tâm hỗ trợ ông Donald Trump.


Dẫn lời các quan chức Mỹ về vấn đề này, tờ Washington Post cùng ngày đưa tin rằng các cơ quan tình báo đã xác định những cá nhân có liên hệ với chính phủ Nga đã cung cấp cho WikiLeaks hàng ngàn email bị tấn công tin tặc của Ủy ban Dân chủ Toàn quốc và những người khác, trong đó có cả email của chủ tịch ban vận động cho bà Hillary Clinton.


Tòa Bạch Ốc ngày 9/12 loan báo Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ra lệnh cho các cơ quan tình báo đánh giá các cuộc tấn công mạng và sự can thiệp của nước ngoài vào cuộc bầu cử 2016 và trình báo cáo trước khi ông rời nhiệm sở vào ngày 20/1.


Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Obama, Lisa Monaco, cho báo giới biết kết quả báo cáo sẽ được chia sẻ cho Quốc hội và những nơi khác.


Trong khoảng thời gian cuối hè-đầu thu năm nay, các tin tặc Nga dồn gần như mọi sự chú ý vào đảng Dân chủ. Hầu như tất cả các email mà họ công khai đều có khả năng gây tổn hại cho Clinton và đảng Dân chủ, nguồn tin vừa kể cho Reuters biết thêm.


“Đây là một đầu mối quan trọng cho thấy ý đồ của họ", quan chức này nói. “Nếu họ chỉ muốn làm mất uy tín hệ thống chính trị của chúng ta, tại sao họ lại chỉ công bố những thiếu sót của một đảng, nhất là khi đang có một mục tiêu như ông Trump?”


Một giới chức thạo tin khác cho biết kết luận phân tích tình báo về động cơ của Nga không có nghĩa là cộng đồng tình báo tin rằng những nỗ lực của Moscow đã thay đổi hoặc ảnh hưởng đáng kể đến kết quả cuộc bầu cử.


Các quan chức Nga phủ nhận tất cả những cáo buộc cho là họ can thiệp vào  bầu cử Mỹ.


Một phát ngôn viên của CIA nói cơ quan này miễn bình luận về việc này.


Nguồn tin của Reuters còn cho biết Nga đang tung đòn tương tự để ảnh hưởng cuộc bầu cử sắp tới tại Đức.


Hồi tháng 10, chính phủ Mỹ đã chính thức cáo buộc Nga thực hiện chiến dịch tấn công mạng chống lại các tổ chức của Đảng Dân chủ trước cuộc bầu cử Tổng thống ngày 8/11. Tổng thống Obama cho biết đã cảnh báo Tổng thống Putin về hậu quả của các vụ tin tặc này.


Ông Trump từng tuyên bố ông không tin rằng Nga đứng đằng sau các cuộc tấn công tin tặc, can thiệp bầu cử Mỹ. - VOA


***

Tổng thống Barack Obama ra lệnh điều tra một loạt các cuộc tấn công mạng, bị quy trách nhiệm cho Nga.


Các vụ tấn công này làm ảnh hưởng lớn tới mùa bầu cử Mỹ vừa qua.


Mục tiêu của các vụ tấn công là email của Đảng Dân chủ và của một trợ lý chính cho ứng viên tổng thống Hillary Clinton.


Trong tháng Mười, giới chức Hoa Kỳ cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ.


Tổng thống đắc cử Donald Trump, người sẽ kế nhiệm ông Obama ở Nhà Trắng, đã và đang liên tục bác bỏ cáo buộc này.


Tuần này, ông nói với Tạp chí Time: "Tôi không tin điều đó. Tôi không tin rằng họ [Nga] đã can thiệp.."


Ông nói thêm rằng ông nghĩ việc cáo buộc Nga là có động cơ chính trị.


Giới chức Nga đã bác bỏ cáo buộc can thiệp.


Đảng Dân chủ Hoa Kỳ tức giận khi tin tặc đột nhập vào các tài khoản email của Ủy ban Quốc gia Dân chủ và chủ tịch chiến dịch tranh cử của bà Clinton, ông John Podesta.


Các cơ sở dữ liệu đăng ký cử tri bang Illinois và Arizona cũng đã bị truy cập.


Email của Podesta đã bị trang Wikileaks tiết lộ và đưa lên mạng.


Đã có lúc ông Trump động viên đích danh Nga "tìm" email của bà Clinton, mặc dù ông nói sau khi bị phản đối kịch liệt rằng ông chỉ có ý châm chọc.


Đảng Dân chủ tuyên bố các vụ tấn công mạng là một nỗ lực cố tình phá hoại chiến dịch tranh cử của bà Clinton.


"Tổng thống muốn việc điều tra này được thực hiện dưới sự kiểm soát của ông vì ông coi đây là việc rất nghiêm trọng," phát ngôn viên Nhà Trắng Eric Schultz nói.


"Chúng tôi cam kết đảm bảo tính toàn vẹn của hoạt động bầu cử của mình."


Ông mô tả việc điều tra này là hoạt động rà soát "sâu rộng" đối với hoạt động "thù địch".


Ông nói việc điều tra sẽ xem xét các phương pháp, mục tiêu và phản ứng của chính phủ Hoa Kỳ và sẽ được hoàn tất trước khi ông Obama rời văn phòng và bàn giao cho ông Trump trong tháng Một.


"Với việc Tổng thống đắc cử Trump cương quyết không nghe cộng đồng tình báo của chúng tôi và chấp nhận rằng hoạt động tấn công mạng được dàn dựng bởi Kremlin thì rất cần phải rà soát khẩn trương và kỹ lưỡng trước khi Tổng thống Obama rời nhiệm sở vào tháng tới," Dân biểu Mỹ Adam Schiff nói trong một tuyên bố.


Không rõ nội dung của cuộc điều tra này sẽ được công bố hay không. - BBC

|

|


8.

Mỹ nói đã tiêu diệt kẻ khủng bố liên hệ đến cuộc tấn công Charlie Hebdo


Các giới chức quốc phòng Mỹ cho biết một cuộc không kích của máy bay không người lái tại Syria giết chết một phần tử hiếu chiến Nhà nước Hồi Giáo có liên hệ đến cuộc tấn công vào tuần báo châm biếm Charlie Hebdo tại Paris ngày 7 tháng 1 năm 2015.


Boubaker el Hakim bị giết vào cuối tháng trước tại Raqqa, thủ đô trên thực tế của Nhà nước Hồi Giáo tại Syria. Các giới chức này nói thêm là Hakim được biết có liên hệ đến việc lập kế hoạch cho cuộc tấn công.


Charlie Hebdo, nổi tiếng về những bức hí họa trên trang bìa chế nhạo các nhà lãnh đạo chính trị và tôn giáo, đã mất nhiều nhân viên cao cấp trong ban biên tập khi hai anh em Cherif và Said Kouachi, vũ trang bằng súng tấn công và  những loại vũ khí khác xông vào một buổi họp của ban biên tập và giết 12 người và làm bị thương 11 người khác.


Cuộc tấn công làm phát sinh một phong trào đoàn kết trên toàn thế giới với khẩu hiệu “Tôi Là Charlie” được phổ biến rộng rãi trên truyền thông xã hội.


Nhà nước Hồi Giáo, kiểm soát một phần Iraq và Syria trong những năm gần đây, đã mất một số lãnh thổ trong năm nay vào tay các lực lượng Iraq và Syria  được sự yểm trợ bằng không lực và cố vấn của Liên minh do Hoa Kỳ lãnh đạo. Ngoài việc tàn sát tại Charlie Hebdo, những người có cảm tình với Nhà nước Hồi Giáo trên toàn thế giới đã thực hiện những vụ nổ súng và đánh bom vào thường dân. - VOA

|

|


9.

Trump: Quan hệ Mỹ-Trung phải cải thiện


Ngày thứ Năm, Tổng thống tân cử Donald Trump nói Hoa Kỳ cần phải cải thiện mối quan hệ với Trung Quốc là nước ông đã chỉ trích về chính sách kinh tế và thất bại của nước này trong việc kìm chế Bắc Triều Tiên.


“Một trong những mối quan hệ quan trọng nhất mà chúng ta phải cải thiện là quan hệ của chúng ta với Trung Quốc,” ông Trump nói trong một cuộc tập hợp ở bang Iowa. Mỹ và Trung Quốc là hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.


Ông Trump liên tiếp chỉ trích Trung Quốc trong cuộc vận động tranh cử tổng thống và khiến cho Bắc Kinh phản đối về mặt ngoại giao sau khi ông nói chuyện bằng điện thoại với Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn. Trung Quốc xem Đài Loan là một tỉnh li khai.


Đây là cuộc tiếp xúc cấp cao lần đầu tiên với Đài Loan của một tổng thống tân cử hay đương kim tổng thống kể từ khi Tổng thống Jimmy Carter chấp nhận chính sách “một nước Trung Hoa” vào năm 1979, chỉ công nhận chính phủ Bắc Kinh mà thôi.


Ông Trump vẫn chỉ trích Bắc Kinh trong cuộc tập họp này, trong khuôn khổ “chuyến đi cám ơn” để bày tỏ sự biết ơn của ông đối với những tiểu bang giúp ông thắng ứng cử viên đảng Dân chủ Hillary Clinton trong tháng trước.


Trung Quốc hiện không bị Bộ Tài chánh Mỹ hay Quỹ Tiền tệ Quốc tế xem là đã nước thao túng tiền tệ. Tổ chức Thương mại Thế giới nói thuế quan của Trung Quốc đối với hàng nhập khẩu thường cao hơn thuế quan của Mỹ.


Ông Trump đã mời Thống đốc Iowa Terry Branstad, người được ông chọn làm Đại sứ Hoa Kỳ tại Trung Quốc lên sân khấu và nói rằng ông Branstad luôn luôn khuyến khích ông không nên nói những điều tiêu cực về Trung Quốc tại tiểu bang của ông.


Ông Branstad đã nói ông và chủ tịch Tập Cận Bình có một tình bạn kéo dài 30 năm. Thống đốc Iowa đã đi thăm Trung Quốc ít nhất 6 lần và ông Tập đã đến Iowa hai lần.


Ông Trump nhắc lại thông điệp tranh cử của ông là ông có kế hoạch đặt nước Mỹ và công nhân Mỹ lên trước những lợi ích toàn cầu.


Chính quyền Trump nhậm chức vào ngày 20 tháng 1, 2017 sẽ chú trọng vào hai qui tắc: “Mua hàng Mỹ và thuê công nhân Mỹ.” Ông Trump nói thêm là ông sẽ tiếp tục làm áp lực với các công ty không nên mang việc làm ra nước ngoài. - VOA

|

|


Tin Việt Nam


10.

Nike bị phản đối vì thông tin ngược đãi công nhân ở Việt Nam


Sinh viên tràn vào văn phòng hiệu trưởng trường đại học danh tiến Georgetown của Mỹ hôm 8/12, yêu cầu trường xem lại quan hệ với công ty Nike.


Hợp đồng trị giá trên 86 tỷ đô la cho phép Nike sản xuất áo và giày cho đại học Georgetown hết hạn tháng này, nhưng các sinh viên muốn hiệu trưởng trường đại học ở thủ đô Hoa Kỳ này khước từ hợp đồng mới với Nike trong năm tới sau những thông tin về điều kiện lao động tồi tệ dưới sự quản lý của Hansae, nhánh vận hành xưởng sản xuất của Nike tại Việt Nam.


“Nike không bị bắt phải ký kết quy tắc hành xử của trường Georgetown, nhưng trên website của trường quy định rằng mỗi đơn vị được cấp phép hợp đồng với trường không chỉ phải ký kết mà còn phải tuân thủ quy tắc hành xử của trường Georgetown,” sinh viên Isabelle Teare trong nhóm phản đối cho biết.


Tờ báo Hoya của trường Georgetown nói đại học này có hợp đồng lớn nhất nước với nhãn hàng Air Jordan của công ty Nike.


Cô Teare cho biết Ủy ban Đoàn kết Georgetown (GSC), một tổ chức của sinh viên Georgetown bảo vệ quyền cho người lao động, tháng 10 vừa qua phát hiện các điều kiện lao động ‘tồi tàn’ sau cuộc đình công của các công nhân thuộc công ty Hansae.


Thứ tư tuần này, các sinh viên trong tổ chức GSC đã gửi thư tới hiệu trưởng yêu cầu chấm dứt liên hệ.


Trước đây trong năm, trường đã phản hồi trước áp lực của sinh viên khi hiệu trưởng gửi thư cho Nike yêu cầu nhà sản xuất hàng thể thao này tuân thủ cuộc điều tra của Hiệp hội Quyền Công nhân WRC về cơ sở Hansae. Nike đã để cho WRC cùng thanh tra xưởng này với Hội Lao động Công bằng, một tổ chức giám sát về lao động.


Trong báo cáo, WRC cho biết các nữ công nhân mang thai thường bị đuổi việc, nhiều công nhân bị bắt làm ngoài giờ, bị giới hạn thời gian đi vệ sinh, và bị ‘ăn cắp tiền lương.’ - VOA

|

|


11.

'Không sửa chữa chỉ là một đảng hỏng' --- Tổng Bí thư: Đảng suy thoái nhưng cấm bôi bẩn


Phát biểu tại một hội nghị cán bộ để chỉnh đốn Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh rằng chống tiêu cực, khắc phục khuyết điểm không phải để chống phá lại chính đảng này.


Ông cũng nhắc lại lời cố lãnh tụ Hồ Chí Minh, định nghĩa thế nào là 'một đảng hỏng' để răn đe cán bộ.


'Chống tiêu cực không chống Đảng'


"Chúng ta không sợ nói ra khuyết điểm, tiêu cực, nhưng đồng thời cũng không cho phép ai lợi dụng đấu tranh khắc phục khuyết điểm tiêu cực để bôi nhọ, kích động, chống phá Đảng ta, chống phá sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta," Giáo sư Trọng nói.


Phát biểu được ông đưa ra sáng 09/12/2016 tại Hà Nội trong Hội nghị của Bộ Chính trị ĐCSVN với cán bộ toàn quốc nhằm phổ biến, quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa 12 về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng.


Nhà lãnh đạo cao nhất của hệ thống chính trị Việt Nam đã nhắc lại đề tài ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.


Ngoài ra là công tác chống những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ, theo truyền thông Việt Nam.


Theo trang VietnamNet cùng ngày, ông đã nêu ra điểm mới trong Nghị quyết là "chỉ ra một cách có hệ thống những biểu hiện của sự suy thoái đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa, nhấn mạnh tính chất nguy hiểm và hậu quả khôn lường của nó" với chính đảng cầm quyền tại Việt Nam.


Báo chí Việt Nam cũng thường xuyên trích dẫn các câu ví von của Tổng bí thư Trọng để đặt tựa đề thu hút bạn đọc trên các trang web của họ.


Một số tựa đề đó là:


"Tổng bí thư: Suy thoái, 'tự diễn biến' gây hậu quả khôn lường"


"Tổng bí thư: Chống tham nhũng khó vì ta tự đánh ta"


"Vụ Trịnh Xuân Thanh: Dừng ở cấp phó thì như gió thoảng qua".


Thế nào là 'một đảng hỏng'?


Giáo sư Nguyễn Phú Trọng, trong bài diễn văn được trang Hà Nội Mới đăng nguyên văn, cũng nhắc lại lời của cố Chủ tịch Hồ Chí Minh về 'một đảng hỏng' để nhắc nhở cán bộ.


Ông nhắc rằng vào năm 1969, cố Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài báo cuối cùng 'Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân'.


"Người cho rằng, một đảng mà không tự nhận thấy khuyết điểm, yếu kém của mình và không kiên quyết sửa chữa khuyết điểm là 'một đảng hỏng'".


Nhu cầu hiện nay, theo GS Trọng là làm sao xây dựng Đảng Cộng sản 'ngày càng trong sạch, vững mạnh, thật sự 'là đạo đức, là văn minh', theo các báo Việt Nam.


Cùng thời gian, tham nhũng tiếp tục là vấn đề nghiêm trọng được hệ thống chính trị, pháp luật Việt Nam bày tỏ quyết tâm diệt trừ.


Mất hàng tỷ đô la


Tân Hoa Xã hồi tháng 7/2016 có bài viết nói tham nhũng gây ra thiệt hại 2,69 tỷ USD và 400 hectare đất trong 10 năm qua tại Việt Nam". Nhưng có ý kiến cho rằng con số tiền thất thoát về tham nhũng cao hơn thế.


Hồi tháng 4 năm nay, một nhà quan sát, ông Phạm Quý Thọ từ Học viện Chính sách và Phát triển có bài trên bbcvietnamese.com cho rằng:


"Các chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI và chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh PAPI ở Việt Nam 2015 mới vừa được công bố cho thấy sự yếu kém của bộ máy công quyền không được cải thiện, phí 'bôi trơn' tăng lên và tham nhũng là căn bệnh kinh niên."


Tăng trưởng GDP quý 1/2016 giảm sút còn 5,46% so với cùng kỳ năm 2015 là 6,12% (bỏ qua những nghi vấn về tính trung thực số liệu thống kê), con số 7,3 tỷ đô la các ngân hàng, tổ chức và cá nhân chuyển ra nước ngoài… tạo ra hiện tượng bất bình thường."


"Kế hoạch tăng trưởng bình quân năm trong 5 năm 2016-2020 được Quốc hội khóa 13 thông qua là 6,5% -7%. GDP/đầu người ước đạt 3.200 USD."


Ông kết luận, "nhìn lại, chỉ tiêu này trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội năm 2020 đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp hóa, GDP/ đầu người khoảng 5.000 USD, rõ ràng không thể đạt được." - BBC


***

Thông điệp răn đe


Phát biểu tại Hội nghị chỉnh Đảng tại Hội trường Diên Hồng tòa nhà Quốc hội ngày 9/12/2016, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng xác định sẽ không đóng cửa để chỉnh đốn Đảng và sẽ diệt tận gốc nạn tự diễn biến tự chuyển hóa trong nội bộ Đảng.


Ông Nguyễn Phú Trọng, trong tư cách người đứng đầu Đảng Cộng sản đã gởi một thông điệp răn đe đến những kẻ thù vô hình không có danh tính. Những người ông gọi là lợi dụng việc đấu tranh khắc phục khuyết điểm, tiêu cực để bôi nhọ, kích động chống phá Đảng Cộng sản Việt Nam và sự nghiệp cách mạng của nhân dân.


Đối với những ngươi dân bình thường đang chịu sự cai trị của Đảng Cộng sản Việt Nam, thì có vẻ có điều gì không ổn vì một đảng xấu thì sẽ bị phê bình bêu riếu, không thể xem đó là lợi dụng để chống phá được.


Ông Nguyễn Đăng Quang, cựu Đại tá Công an hiện nghỉ hưu ở Hà Nội nhận định:


“Những nhà lý luận tuyên giáo, người ta thường xuyên lập luận như thế và người ta không thấy có những cái trái khoáy như vậy. Nói như thể là kiểu nói lấy được, những câu nói nói có được dư luận đồng tình hay không thì bản thân người nói cũng thừa biết là như thế nào rồi. Nhưng người ta nói thì cứ nói thôi, nó chẳng có giá trị lớn lao gì, chẳng có giá trị thực tiễn nào hết.”


Hội nghị ngày 9/12/2016 ở Hà Nội mang tên Hội nghị cán bộ toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đương nhiệm về tăng cường chỉnh đốn Đảng.


Chỉ đạo tại Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hàm ý vận mệnh của Đảng và chế độ đang chao đảo. Theo lời ông Tổng Bí thư, toàn Đảng cần nhận rõ rằng, đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ là cuộc chiến đầy cam go, nhưng không thể không làm, vì nó liên quan đến vận mệnh của Đảng và chế độ.


Cẩm nang nhận diện “tự diễn biến”


Bóng ma “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng là gì mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho là đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ cầm quyền ở Việt Nam. Ngay khi Hội nghị Trung ương 4 khai mạc vào ngày  9/10/2016 vừa qua với cảnh báo về biểu hiện vì những biểu hiện gọi là “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, TS Hà Sĩ Phu một nhà phản biện chính trị độc lập thuộc thế hệ tiên phong đã từ Đà Lạt nhận định:


“Bản thân Đảng của các ông ấy nó chuyển biến theo hướng bất lợi cho Đảng. Trước đây chuyện tự diễn biến, tự phân hóa được hiểu theo  nghĩa, các đảng viên ngày càng thấy rằng, con đường đi độc tài chuyên chế của Đảng là phi khoa học là không đúng, mà phải tiến dần sang phía dân chủ pháp trị theo ý kiến nhân dân. Trước đây cụm từ ấy chỉ có nghĩa như vậy thôi, nhưng gần đây cụm từ ấy có thêm một nghĩa mới là, bộc lộ sự mâu thuẫn trong nội bộ đảng về mặt nhân sự, chẳng những về mặt tư tưởng mà con về mặt nhân sự có thể dẫn đến lật đổ nhau, như ở Đại hội Đảng lần thứ 12 và thậm chí như vụ ở Yên Bái và đến vụ Trịnh Xuân Thanh nữa…”


Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII được xem là một Nghị quyết cập nhật về vấn đề chỉnh Đảng, làm rõ hơn bóng ma suy thoái trong Đảng và đề ra biện pháp đối phó. Nghị Quyết Trung ương 4 đưa ra một cẩm nang 27 điểm để nhận diện những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và vấn đề tự diễn biến, tự chuyển hóa.


Đặc biệt, biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ được nhận diện bằng việc phản bác, phủ nhận chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và các nguyên tắc tổ chức của Đảng, hay đòi thực hiện “đa nguyên, đa đảng”.


Tư tưởng bất đồng chính kiến, chống đối trong nội bộ, sử dụng phương tiện truyền thông, mạng xã hội để nói xấu, bôi nhọ, hạ thấp uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng…cũng được cho là một trong các biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa.


Một điểm quan trọng được Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII quy kết cho hiện tượng tự diễn biến tự chuyển hóa cho thấy tình hình khác nghiêm trọng. Đó là sự phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với báo chí, văn học – nghệ thuật. Tác động lôi kéo, lái dư luận xã hội không theo đường lối của Đảng; cổ súy cho quan điểm, tư tưởng dân chủ cực đoan; thổi phồng mặt trái của xã hội. Sáng tác quảng bá những tác phẩm văn hóa, nghệ thuật lệch lạc, hoặc điều gọi là bóp méo lịch sử, hạ thấp uy tín của Đảng.


Tình trạng tham ô, nhũng nhiễu ở Việt Nam từ cấp thấp nhất lên tới cấp lãnh đạo được xem như một sự thật không thể chối cãi. Có thể nói người dân Việt Nam đã quen sống chung với tham nhũng. Nghị quyết chỉnh Đảng cũng bày tỏ quyết tâm chống tham nhũng và làm trong sạch Đảng. Nhưng những nỗ lực này trong mấy nhiệm kỳ đã tỏ ra chưa đạt kết quả bao nhiêu. Cựu Đại tá Công an Nguyễn Đăng Quang từ Hà Nội nhận định:


“Cá nhân tôi cho rằng có một một nghịch lý rất lớn, lãnh đạo Đảng càng hô hào chống tham nhũng, càng ra nhiều nghị quyết, chỉ thị chống tham nhũng, thì tham nhũng này lại càng khỏe ra càng mạnh lên. Thế cho nên tôi cho rằng trong lĩnh vực này đánh tham nhũng chống tham nhũng chẳng qua chỉ là đánh trận giả bắn chỉ thiên là chính thôi, chứ thực chất không phải chống tham nhũng thực sự.”


Liên quan đến vận mạng của chế độ, Đảng Cộng sản Việt Nam đang thực hiện một chiến dịch chỉnh Đảng toàn diện như lời ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị cán bộ toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đương nhiệm về tăng cường chỉnh đốn Đảng.


Luật sư Trần Quốc Thuận nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội trong phát biểu gần đây với chúng tôi có nói rằng, nếu tình trạng tha hóa tham ô tràn làn không ngăn chặn được, thì Đảng và chế độ sẽ mất niềm tin người dân không ủng hộ nữa. Trong hoàn cảnh như thế thì cơ sở tồn tại của Nhà nước sẽ rất thấp. - RFA

No comments:

Post a Comment