Saturday, December 31, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Tư 28/12

Tin Thế Giới

1.
Trung Quốc “nắn gân” tổng thống tương lai của nước Mỹ? --- Tàu sân bay Trung Quốc đến Hải Nam, Đài Loan không lơi cảnh giác

Một tàu sân bay luyện tập chiến đấu ở Thái Bình Dương trước khi vào Biển Đông, một chiến đấu cơ mới được nâng cấp : Quân đội Trung Quốc như đang ra sức khoe các thiết bị mới nhất của họ. Câu hỏi đặt ra là vì sao Bắc Kinh lại phô trương uy lực quân sự vào lúc này, phải chăng là để bắn đi tín hiệu cứng rắn hướng về tổng thống tân cử Mỹ Donald Trump - đặc biệt trên hồ sơ Đài Loan đã bị ông Trump khuấy động - không đầy một tháng trước ngày ông nhậm chức ?

Câu hỏi này được đặt ra vì lẽ việc Trung Quốc lên gân, nhất là trên biển, đã được tiến hành sau khi ông Trump như đã phá vỡ bốn thập kỷ chính sách Đài Loan của Mỹ, bằng cách nhận một cuộc gọi điện thoại từ tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn, bất chấp việc Trung Quốc luôn phản đối bất kỳ liên lạc chính thức giữa các đối tác nước ngoài của Bắc Kinh với giới lãnh đạo Đài Loan.

Trung Quốc coi Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình, cần phải sáp nhập bằng vũ lực nếu cần thiết.

Khi đưa tàu sân bay Liêu Ninh xuống Biển Đông, Bắc Kinh đã cho hạm đội của mình đi sát Đài Loan. Theo Tân Hoa Xã, trước đó chiếc tàu đã tập « tiếp tế nhiên liệu và đối đầu trên không ». Động thái của Trung Quốc được cho là mang tính chất thị uy, cả với Đài Loan lẫn với Mỹ.

Với Đài Bắc, thì việc hải quân Trung Quốc phô trương uy lực diễn ra trong bối cảnh xu hướng đòi độc lập của Đài Loan như được các đề nghị của ông Trump kích thích. Ông từng cho rằng có thể xem xét việc công nhận đảo tự trị như một quốc gia độc lập.

Còn với Mỹ thì đây là một lời nhắc nhở Washington về sức mạnh đang lên của Trung Quốc, không chỉ về kinh tế, mà cả về quân sự. Liêu Ninh, chiếc tàu cũ của Liên Xô trước đây hầu như « không có ý nghĩa chiến lược » đáng kể nào, có điều nó nhắc nhở Mỹ là Trung Quốc có thể gây sức ép trong vùng.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng thận trọng về mục tiêu thứ hai này, vì cho rằng các hành động phô trương của Trung Quốc nằm trong chiều hướng tăng cường sức mạnh quân sự được ghi nhận từ nhiều năm qua.

Bà Bonnie Glaser, một chuyên gia về Trung Quốc tại Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế CSIS tại Washington cho là « không thể nói chắc là Bắc Kinh muốn gửi một tín hiệu đến ông Trump ». Theo bà, chuyến tập huấn của chiếc Liêu Ninh nằm trong một kế hoạch được dự trù từ lâu.

Mặt khác, đối với giới quan sát, Bắc Kinh còn lâu mới có được thế thượng phong quân sự trước Washington, người bảo vệ chủ yếu cho Đài Loan. Theo ông David Kelly, giám đốc nghiên cứu của Văn phòng tham vấn China Policy, trụ sở tại Bắc Kinh, Mỹ hiện có 10 hàng không mẫu hạm đang hoạt động và một mạng lưới căn cứ hải quân khắp địa cầu.

Thậm chí, các chuyên gia còn cho rằng Hải Quân Trung Quốc cũng có ít hy vọng chống chọi được với lực lượng phòng thủ của Nhật, dù nhỏ bé hơn, nhưng trội hơn về mặt kỹ thuật và công nghệ, đồng thời lại được Mỹ hỗ trợ, chứ đừng nói chi đến Hạm Đội 7 của Mỹ.

Trong bối cảnh đó, ông Kelly cho rằng đối với Trung Quốc sự hiện diện của tàu Liêu Ninh trước hết mang tính biểu tượng và có mục tiêu đối nội.

Trung tuần tháng 12 vừa qua, Hải Quân Trung Quốc loan báo là chiếc hàng không mẫu hạm đã tiến hành cuộc tập trận bắn đạn thật đầu tiên, với cả hơn một chục tên lửa được thử nghiệm.

Chính quyền Bắc Kinh cho đấy là cuộc thao diễn bình thường, nhưng truyền thông Nhà Nước thì tỏ vẻ vui mừng, khẳng định rằng chiếc Liêu Ninh sẵn sàng chiến đấu, và không quên nhắc lại là một chiếc tàu sân bay thứ hai đang được đóng và lần này là hoàn toàn với kỹ thuật Trung Quốc! - RFI

***
Sau khi tiến vào Biển Đông qua ngã một eo biển sát Đài Loan, và thực hiện một số bài tập huấn tại vùng biển gần Đài Loan, tàu sân bay Liêu Ninh (Liaoning) của Trung Quốc đã cập cảng một căn cứ quân sự trên đảo Hải Nam vào hôm nay 28/12/2016. Trong bối cảnh quan hệ với Bắc Kinh vẫn căng thẳng, Đài Loan cho biết vẫn tiếp tục theo dõi động tĩnh của hạm đội Trung Quốc.

Phát biểu với hãng tin Anh Reuters, một quan chức quân sự cao cấp của Đài Loan xin giấu tên đã xác nhận : « Tàu sân bay Liêu Ninh vừa tới căn cứ quân sự ở Hải Nam. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi động tĩnh của nó ».

Theo quan chức này, Đài Loan vẫn phải cảnh giác vì việc chiếc tàu sân bay Trung Quốc đến Hải Nam không có nghĩa là nhiệm vụ của chiếc Liêu Ninh đã chấm dứt, và không loại trừ các cuộc thao diễn quân sự khác với đội chiến hạm tháp tùng chiếc hàng không mẫu hạm.

Cả Bắc Kinh lẫn Đài Bắc đều không nói là chiếc Liêu Ninh neo đậu ở đâu, nhưng cho đến nay, giới quan sát cho rằng chỉ có cảng biển ở căn cứ Hải Quân Du Lâm (Yulin), không xa khu du lịch Á Long (Yalong) mới đủ rộng để tiếp nhận tàu sân bay.

Theo tiết lộ của quan chức Đài Loan kể trên, chiếc tàu sân bay duy nhất của Trung Quốc trong những ngày qua đã tiến hành thử nghiệm các hệ thống trên tàu, phối hợp với các thiết bị quân sự khác.

Về phần Trung Quốc, nước này hầu như không nói gì về các hoạt động gần đây của chiếc Liêu Ninh, chỉ nói là chiếc tàu đang thực hiện một chuyến diễn tập thường lệ, trong tinh thần « tuân thủ luật pháp quốc tế ».

Hoa Kỳ không phản đối hoạt động của chiếc Liêu Ninh ở Biển Đông

Ngoài Đài Loan, Nhật Bản và nhiều nước khác trong khu vực, Hoa Kỳ là nước cũng hết sức chú ý đến các động thái của chiếc Liêu Ninh.

Phát biểu với báo giới tại Washington vào hôm qua, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mỹ đã có phản ứng trước việc tàu sân bay Trung Quốc đi ngang qua Đài Loan, để tiến vào vùng Biển Đông đang có tranh chấp.

Theo ông Mark Toner, Trung Quốc hoàn toàn có quyền đi lại trên vùng biển quốc tế, Mỹ công nhận quyền sử dụng hợp pháp các vùng biển và các quyền này được áp dụng cho mọi nước kể cả cho Hoa Kỳ hay Trung Quốc, và « điều đó gọi là quyền tự do hàng hải ».

Thái độ của Washington đối với tàu Liêu Ninh hoàn toàn trái với những lời lẽ gay gắt của Bắc Kinh, lúc nào cũng tố cáo Mỹ khiêu khích khi cho chiến hạm đi ngang qua Biển Đông.

Thậm chí Hải Quân Trung Quốc mới đây còn bị tố cáo là đã « đánh cắp » một chiếc tàu lặn của Mỹ ngay trong hải phận quốc tế. - RFI
|
|

2.
Philippines: Điều tra về “âm mưu lật đổ tổng thống Duterte”

Chủ tịch Hạ Viện Philippines kêu gọi Quốc hội mở điều tra về một kế hoạch được cho là do cựu đại sứ Mỹ ở Manila vạch ra nhằm lật đổ tổng thống Rodrigo Duterte.

Theo tờ nhật báo The Manila Times hôm nay, 28/12/2016, hôm qua, chủ tịch Hạ Viện Pantaleon Alvarez đã yêu cầu Quốc Hội Philippines điều tra về âm mưu lật đổ tổng thống Duterte, do cựu đại sứ Mỹ ở Manila Philip Goldberg vạch ra. Theo chủ tịch Hạ Viện, nếu âm mưu này được thực hiện, đây sẽ là một sự vi phạm chủ quyền của Philippines và đi ngược lại với nguyện vọng của cử tri Philippines. Ông Avarez cho rằng Quốc Hội có thể mời các nhân viên tình báo Philippines và các nhân viên đại sứ quán Mỹ tham gia điều tra.

Chủ tịch Hạ Viện Avarez cũng như ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay đều nói rằng họ không ngạc nhiên về việc Hoa Kỳ có thể can dự vào một âm mưu như vậy. Ông Yasay nhắc lại rằng cựu đại sứ Goldberg, đã từng bị trục xuất khỏi Bolivia vào năm 2008 do bị cáo buộc đã kích động dân chúng nổi loạn chống tổng thống Evo Morales.

Theo tờ The Manila Times, ông Goldberg đã từng nói rằng phe đối lập ở Philippines cần phải có "mọi vũ khí chính trị" để thay thế chính quyền tổng thống Duterte. Cựu đại sứ Mỹ còn bị cáo buộc đã kêu gọi chính quyền Hoa Kỳ có những hành động về ngoại giao, chính trị, kinh tế và xã hội để đánh quỵ tổng thống Duterte và nếu được, thì lật đổ ông.

Trước khi hết nhiệm kỳ đại sứ ở Manila vào tháng 10 năm ngoái, ông Goldberg đã chỉ trích gay gắt tổng thống Duterte về câu nói đùa của ông khi tranh cử về vụ cưỡng hiếp tập thể và sát hại một nhà truyền giáo người Úc năm 1989 tại Davao, nơi ông Duterte từng là thị trưởng. Vì lời chỉ trích này mà đại sứ Mỹ đã bị tổng thống Duterte công khai lăng mạ. - RFI
|
|

3.
Truy tố cựu Tổng thống Argentina

Cựu Tổng thống Argentina Cristina Fernandez de Kirchner bị truy tố vì cáo buộc tham nhũng.

Một thẩm phán liên bang thông qua cáo trạng dính líu và gian lận chống lại bà Fernandez.

Thẩm phán Julian Ercolini cũng ra lệnh phong tỏa tài sản trị giá 633 triệu đôla Mỹ của bà Fernandez.

Cựu tổng thống bác bỏ mọi sai trái.

Có cáo buộc chính phủ của bà dành các hợp đồng cho một doanh nhân thân cận với gia đình của bà.

Bà Fernandez tuyên bố vụ án có động cơ chính trị, cáo buộc tổng thống đương nhiệm Mauricio Macri âm mưu chống bà.

Hồi tháng Mười khi ra tòa, bà Fernandez đệ trình văn bản cho thấy các tài khoản được các cơ quan quốc hội và kiểm toán quốc gia thông qua.

Thẩm phán Ercolini cũng thông qua việc truy tố với hai cựu trợ tá của bà Fernandez, cựu bộ trưởng kế hoạch Julio de Vido và cựu bộ trưởng các công trình công Jose Lopez và doanh nhân Lazaro Baez.

Bà Fernandez bị cáo buộc ưu ái cho công ty xây dựng Austral của ông Baez.

Công ty này nhận hơn 50 hợp đồng trong hai nhiệm kỳ bà làm tổng thống, theo báo Clarin.

Bà Fernandez làm tổng thống hai nhiệm kỳ từ 2007 đến tháng 12 năm 2015.

Chồng bà, Nestor Kirchner, đã qua đời, cũng là tổng thống từ 2003 đến 2007.

Hiện bà đang là một trong những lãnh đạo đối lập tại Argentina. - BBC
|
|

4.
'Cánh tà hỏng' làm rơi máy bay Nga

Hộp đen máy bay cho thấy lỗi của cánh tà khiến cho chiếc máy bay chờ đoàn đồng ca quân đội Nga rơi xuống Biển Đen hôm 25/12.

Cánh tà (wing flap) là bộ phận trên cánh giúp nâng máy bay trên không. Hãng tin Interfax dẫn lời một nguồn thân cận với cơ quan điều tra nói các cánh tà của chiếc máy bay đã không hoạt động.

Một website thân chính phủ thì nói điều này đã khiến phi công mất kiểm soát đúng khi chiếc máy bay đang ở góc độ nguy hiểm.

Website 'Cuộc sống' cũng công bố những lời cuối cùng của phi công, trong đó có câu: "Quỷ tha ma bắt, cánh tà hư rồi..."

Chiếc Tu-154 già nua đã rớt xuống biển với toàn bộ 92 hành khách và phi hành đoàn.

Trong số đó có 64 thành viên dàn đồng ca quân đội nổi tiếng mang tên Alexandrov, cùng nhà hoạt động nhân đạo Yelizaveta Glinka.

Chiếc máy bay khi gặp nạn đang trên đường đi Syria, nơi dàn đồng ca có kế hoạch biểu diễn phục vụ các quân nhân vào Năm Mới.

Những chi tiết mới nhất được đưa ra sau khi các chuyên gia xem xét hộp đen chứa dữ liệu bay, vừa được trục vớt ngoài biển hôm 27/12.

Phi công chính của chiếc máy bay là Thiếu tá Roman Volkov, người giàu kinh nghiệm, và lái phụ là Đại úy Alexander Rovensky, người cũng đã có 10 năm trong ngành hàng không.

Một đoạn ghi âm trước đó mà báo chí Nga thu được giữa kiểm soát không lưu và tổ lái không có chỉ dấu hư hỏng gì.

Tuy nhiên website 'Cuộc sống', vốn thân cận với cơ quan an ninh Nga, vừa đăng tải hội thoại trong buồng lái lấy từ hộp đen, cho thấy hai phi công tỏ ra rất ngạc nhiên.

Nhà chức trách cho hay đã vớt được 15 thi thể nạn nhân.

Loại máy bay Tupolev bị nạn nay không được dùng trong hàng không dân dụng nữa nhưng quân đội vẫn còn vài chiếc. Loại này đã lưu hành 33 năm nay.

Các nhà điều tra cũng loại bỏ khả năng bị khủng bố. - BBC
|
|

5.
Tại Trân Châu Cảng, thủ tướng Nhật cam kết không bao giờ gây chiến

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và tổng thống Mỹ Barack Obama vào hôm qua, 27/12/2016, tại Trân Châu Cảng (Hawaii-Hoa Kỳ), đã tưởng niệm các nạn nhân của trận tấn công cách nay 75 năm làm chấn động nước Mỹ.

Bảy tháng sau chuyến thăm lịch sử của cả hai đến Hiroshima, lần này hai lãnh đạo Mỹ-Nhật đã dùng tàu đến đài tưởng niệm được xây trên xác thiết giáp hạm Mỹ USS Arizona, bị không quân Nhật phá hủy hôm 07/12/1941. Hai người đã đặt vòng hoa trước bức tường bên trên ghi tên của 1.177 người Mỹ bị tử nạn trong chiếc Arizona, và dành một phút để mặc niệm các nạn nhân.

Thủ tướng Nhật Bản đã tuyên bố : « Trong tư cách là thủ tướng Nhật Bản, tôi gửi lời chia buồn chân thành và vĩnh viễn của tôi đến những người đã tử nạn tại đây ». Ông Shinzo Abe nói tiếp : « Chúng ta không được quyền để tái diễn những nỗi kinh hoàng của chiến tranh ». Ông đồng thời nhấn mạnh đến « tình bạn và các giá trị chung » mà hai nước hiện đang chia sẻ trong một « liên minh của hy vọng », coi trọng « tinh thần khoan dung và sức mạnh của sự hòa giải ».

Đáp lời lãnh đạo Nhật, tổng thống Mỹ cũng cho rằng liên minh Mỹ-Nhật là « trụ cột của hòa bình và ổn định ở châu Á-Thái Bình Dương, một sức mạnh tiến bộ cho toàn thế giới. » Ông đã ca ngợi « cử chỉ lịch sử » của ông Shinzo Abe như là một lời nhắc nhở rằng « ngay cả những vết thương sâu nhất của chiến tranh cũng có thể nhường chỗ cho một tình bạn lâu dài và hòa bình ».

Theo thông tín viên RFI tại Tokyo, các cựu chiến binh Nhật Bản trong trận Trân Châu Cảng muốn tin vào sự chân thành của thủ tướng Abe khi ông cầu nguyện cho các nạn nhân và hòa bình, cho dù ông nổi tiếng là một chính khách muốn xóa nhòa quá khứ quân phiệt của Nhật Bản và tìm cách sửa đổi hiến pháp chủ hòa vốn cấm Tokyo lâm chiến.

Một số người khác thì cho rằng liên minh với Mỹ rất quan trọng đối với an ninh của Nhật Bản và châu Á, và Hoa Kỳ là người bạn duy nhất của Nhật Bản.

Một bộ trưởng trong chính quyền Abe viếng đến Yasukuni

Chính trong bối cảnh kể trên mà ông Masahiro Imamura, bộ trưởng đặc trách tái thiết vùng đông bắc Nhật bị sóng thần và động đất tàn phá năm 2011, đã đến viếng đền Yasukuni vào lúc trưa nay.

Trước báo giới ông tuyên bố : « Tôi đã dự kiến đến đây từ một tuần nay, để thông báo với các vị thần về công việc của tôi và cầu nguyện cho hòa bình và sự thịnh vượng của đất nước tôi. » Ông Imamura khẳng định chuyến viếng đền Yasukuni hôm nay « không liên quan gì » đến chuyến đi Pearl Harbor của thủ tướng Abe.

Đền Yasukuni có bài vị của 14 « tội phạm chiến tranh », nên trong mắt các láng giềng, Hàn Quốc, Trung Quốc, đây là biểu tượng của thời quân phiệt Nhật Bản. - RFI
|
|

6.
Biển Đông: Trung Quốc tận diệt trai tượng khổng lồ

Với sự khuyến khích của chính quyền, trong một thời gian rất dài, ngư dân Trung Quốc đã tận diệt loài trai tượng khổng lồ, trong vùng Biển Đông mà nước này đang có tranh chấp chủ quyền với các nước láng giềng Đông Nam Á như Philippines, Việt Nam và Indonesia, khiến hệ sinh thái và đặc biệt là rạn san hô ở Biển Đông bị tàn phá nặng nề.

Trong bài viết có tiêu đề « Đổ xô đánh bắt « ngà voi » của Biển Đông », nhật báo Le Monde cho biết trai tượng khổng lồ sống dưới đáy biển, có thể dài tới hơn 1m và nặng tới 200 kg. Ở Trung Quốc, trai tượng là một sản vật quý hiếm và được bán với giá rất cao. Thịt trai tượng được coi là đặc sản quý, còn vỏ trai tượng thì cũng được ưa chuộng vì nó vừa giống ngà voi, vừa giống đá cẩm thạch, với nhiều màu sắc. Người Trung Quốc gọi đó là « vàng trắng », hay « ngà voi biển ».

Vỏ trai tượng được chạm khảm thành đồ trang sức, tác phẩm nghệ thuật như tượng Phật, tượng cá hay cả một đàn ngựa. Những tác phẩm nghệ thuật này được bán với giá vài ngàn euro cho du khách nước ngoài, hoặc cho khách hàng Trung Quốc giàu có. Hiện nay, tại Trung Quốc có tới vài trăm trang Internet bán đồ trang sức, tác phẩm nghệ thuật hay vật dụng làm từ vỏ trai tượng.

Tuy nhiên, Le Monde cho biết, hậu quả của việc tận diệt loài nhuyễn thể quý hiếm ở các đảo san hô và quần đảo Trường Sa là các rạn san hô bị tàn phá nghiệm trọng. Trong phán quyết ngày 12/07 về vụ kiện Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc, Tòa Trọng Tài Thường Trực Quốc Tế đã chỉ rõ là Trung Quốc đã có nhiều hoạt động gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới hệ sinh thái Biển Đông, đặc biệt là các rạn san hô do các hoạt động đánh bắt trai tượng, san hô trái phép.

Trong một bức thư gửi Tòa Trọng Tài, ông John McManus, chuyên gia sinh vật biển thuộc Đại học Miami, cho biết quy mô tàn phá hệ sinh thái biển Đông đã vượt quá những gì ông đã từng chứng kiến trong suốt hơn 4 thập kỷ nghiên cứu về sự tàn phá rạn san hô. Hoạt động đánh bắt, tận diệt trai tượng khổng lồ đã diễn ra trên toàn quần đảo Trường Sa.

Giáo sư McManus cho biết ngư dân Trung Quốc đã thả chân vịt cỡ lớn xuống rặng san hô rồi cho thuyền đi vòng xung quanh. Các chân vịt này nghiền nát rặng san hô để ngư dân bắt các con trai tượng đang vùi mình trong cát phía dưới rặng san hô. 69 km2 san hô trên quần đảo Trường Sa đã bị phá hủy bởi phương pháp tận diệt này. Trong khi đây là một trong những rạn san hô có đa dạng sinh học phong phú nhất thế giới, với hơn 400 loài san hô.

Tuy nhiên, ẩn sau câu chuyện về sinh thái còn là câu chuyện về địa chính trị. Việc săn bắt trai tượng không phải là một hoạt động mới của ngư dân Trung Quốc mà đã tồn tại từ nhiều thập kỷ. Nhưng nó chính thức bùng nổ vào năm 2012, khi Tập Cận Bình lên nắm quyền lãnh đạo Trung Quốc và tăng cường hoạt động trên quần đảo Trường Sa đang có tranh chấp chủ quyền. Vào thời điểm đó, ngư dân Trung Quốc đã được cho phép, thậm chí là được chính quyền khuyến khích tăng cường đánh bắt trai tượng với danh nghĩa là để « bảo vệ chủ quyền quốc gia ». Nhiều ngư dân cho biết họ đã kiếm được cả một gia tài nhờ đánh bắt trai tượng.

Sau 4 năm cho phép ngư dân tận diệt trai tượng, vào năm 2015, chính quyền Trung Quốc đã ra quy định mới, theo đó, hoạt động đánh bắt và buôn bán trai tượng có giá trên 500.000 nhân dân tệ (69.000 euro) bị coi là phạm tội.

Trên quần đảo Scarborough, đánh bắt trai tượng và rùa biển cũng đã chính thức bị cấm từ năm 2015. Nhưng theo đánh giá của tờ Le Monde, nhìn vào những gì mà trước đây nhà chức trách Trung Quốc cho phép và khuyến khích ngư dân làm, thì quy định mới này chỉ « mang tính đạo đức giả». - RFI

|
|

7.
Cuba cấm đặt tên Fidel Castro cho đường xá hay công trình

Ở Cuba sẽ không có tượng nào của Fidel Castro, cũng như sẽ không có một con đường nào hay công trình nào mang tên vị cha đẻ của cách mạng Cuba. Đó là nội dung một dự luật vừa mới được Quốc Hội Cuba thông qua hôm qua, 27/12/2016, theo đúng nguyện vọng của ông Fidel Castro trước khi qua đời 25/11 vừa qua.

Luật do Hội Đồng Nhà Nước, đứng đầu là chủ tịch Raul Castro, đã được các đại biểu Quốc Hội nhất trí thông qua. Luật này cấm đặt tên Fidel Castro cho các định chế, quảng trường, công viên, các con đường, đại lộ cũng như những nơi công cộng khác. Luật cũng cấm dựng tượng đài, đúc tiền hay những hình thức vinh danh khác cho Fidel Castro. Việc tặng thưởng huân chương với tên Fidel Castro cũng bị cấm.

Vào đầu tháng 12, ông Raul Castro, lên thay anh cầm quyền từ năm 2006, đã nhấn mạnh rằng “cho đến những giây phút cuối cùng của cuộc đời” ông Fidel Castro vẫn không chấp nhận mọi hình thức sùng bái cá nhân.

Tuy nhiên theo báo chí Cuba, luật vừa được thông qua chấp nhận một số ngoại lệ, chẳng hạn như tên Fidel Castro có thể được dùng để đặt cho một viện được lập ra chỉ để nghiên cứu về sự nghiệp của vị “Tư lệnh”. Ngoài ra, các nghệ sĩ có thể lấy cảm hứng từ hình tượng Fidel Castro để sáng tác các tác phẩm.

Nhưng báo chí Cuba không nói rõ là những ai không tuân thủ luật nói trên sẽ bị xử phạt như thế nào. - RFI
|
|

Tin Hoa Kỳ

8.
Ngoại trưởng Mỹ sẽ phác hoạ viễn kiến cho thoả thuận Israel-Palestine

Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ John Kerry sẽ phác hoạ một "bức tranh toàn diện" về tiến trình hòa bình giữa Israel và Palestine trong một bài diễn văn đọc tại Bộ Ngoại giao ở Washington trong ngày hôm nay, thứ Tư 28/12.

Ngoại trưởng Kerry đọc bài diễn văn giữa lúc các quan hệ giữa Hoa Kỳ và Israel đang ở mức thấp nhất sau quyết định của chính phủ Tổng thống Obama hôm thứ Sáu, bỏ phiếu trắng trong cuộc biểu quyết về một nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ, lên án việc phát triển các khu định cư Do Thái trên vùng Bờ Tây và tại Đông Jerusalem.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner nói với các phóng viên hôm thứ Ba:
"Chúng tôi không từ bỏ nỗ lực hoà bình, và chúng tôi tin rằng cả Israel và Palestine cũng không nên bỏ cuộc."

Ông Toner bác bỏ lời cáo buộc của Israel cho rằng chính phủ của Tổng thống Obama đã hối thúc nghị quyết lên án Israel, phá vỡ với một chính sách ngoại giao từ lâu vẫn bao che Israel. Mặc dù Hoa Kỳ vẫn phản đối các khu định cư Do thái, nhưng Washington vẫn thường xuyên dùng quyền phủ quyết của mình tại Hội đồng Bảo an để bảo vệ đồng minh Israel.

Ông Toner phản bác lời tố cáo của Israel cho rằng Mỹ đóng một vai trò trong việc đẩy mạnh nghị quyết chống Israel, ông nói lời tố cáo đó là “không chính xác.'' Ông Toner lặp đi lặp lại rằng Ai Cập và Palestine đã soạn nghị quyết và phía Mỹ chỉ làm việc với họ để chọn ngôn từ sử dụng, sau khi đã rõ ràng là hai bên nhất quyết tiến hành ý định bất chấp hệ quả.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, vốn có quan hệ lạnh nhạt với Tổng thống Barack Obama, miêu tả nghị quyết của Hội đồng Bảo an là "đáng xấu hổ'' và cáo buộc Mỹ đã đóng vai trò tích cực trong việc thông qua nghị quyết này.

Trong một cuộc phỏng vấn trên kênh truyền hình 2 của Israel, Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Ben Rhodes phát biểu:

"Ngoại trưởng Kerry sẽ đọc một bài diễn văn, trong đó ông đưa ra một cái nhìn toàn diện về cách thức mà theo chúng tôi, có thể giải quyết cuộc xung đột ở Trung Đông – bài diễn văn sẽ đề cập tới những gì chúng tôi nhận xét được về tình hình năm 2016, thật vô cùng đáng tiếc là chúng tôi sẽ kết thúc nhiệm kỳ mà không đạt được tiến bộ đáng kể tiến tới hòa bình." - VOA

|
|

Tin Việt Nam

9.
Kinh tế VN tăng 6,2% năm 2016, còn khó khăn năm 2017

Tổng cục Thống kê Việt Nam hôm 28/12 công bố kinh tế có mức tăng trưởng ước tính là 6,21% trong năm 2016. Tỷ lệ này vẫn giữ Việt Nam nằm trong nhóm các nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất châu Á.

Tuy nhiên, con số 6,21% thấp hơn mục tiêu của chính phủ là 6,3-6,5%, và thấp hơn đáng kể so với mức tăng trưởng 6,68% của năm 2015. Con số này cũng đánh dấu lần đầu tiên Việt Nam phát triển chậm lại trong vòng 4 năm qua.

Theo Tổng cục Thống kê, nguyên nhân của tăng trưởng chậm lại trong năm nay là do sự đi xuống trong ngành nông nghiệp và khai khoáng.

Điểm lại tình hình kinh tế Việt Nam trong năm qua với VOA, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nêu ra những điểm tích cực:

“Thứ nhất, chính phủ Việt Nam dưới sự lãnh đạo của ông Nguyễn Xuân Phúc ngay từ đầu đã hết sức chú ý cải thiện môi trường kinh doanh cho các doanh nghiệp, nhất là ra quyết định số 35. Những nguyên tắc cơ bản trong Nghị quyết 35 thực sự là những nguyên tắc mà ở các nền kinh tế khác người ta đang vận hành theo cách là tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và tạo sự bình đẳng, môi trường kinh doanh bình đẳng cho các doanh nghiệp với nhau. Cái thứ hai nữa là thông điệp lâu nay chờ đợi là chính phủ chấp nhận việc cải thiện về chế độ đất đai, chấp nhận cho tích tụ đất đai cũng như tháo gỡ khó khăn trong sử dụng đất của doanh nghiệp, của nông dân, để làm sao cho nông nghiệp có thể tổ chức lại, sản xuất theo quy mô lớn hơn. Cái thứ ba nữa là cố gắng của chính phủ Việt Nam hay của nền kinh tế Việt Nam trong quá trình hội nhập thì cũng vẫn được tiếp tục. Điều đáng tiếc là TPP bị chính quyền mới của Mỹ đình lại. Tuy nhiên, thông điệp chính phủ Việt Nam đưa ra vẫn là dù không có TPP Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục cải cách, sẽ vẫn tiếp tục những cố gắng của mình để làm sao hội nhập tốt hơn với các thị trường khác”.

Những điểm tích cực này, theo bà Lan, đã mang lại kết quả là tăng niềm tin trong giới kinh doanh, thể hiện qua thực tế có khoảng 110.000 doanh nghiệp đăng ký mới trong năm 2016, đây là một mức tăng lớn.

Song bà lưu ý do sự cải thiện môi trường kinh doanh chưa đầy đủ, còn nhiều vấn đề tồn tại, nên trong số các doanh nghiệp có từ trước, 73.000 doanh nghiệp đã đóng cửa trong năm 2016, dù ít hơn con số 81.000 năm 2015, đó vẫn là một con số lớn.

Nói về những vấn đề tiêu cực trong kinh tế Việt Nam năm qua, chuyên gia Phạm Chi Lan điểm lại một số diễn biến chính:

“Số một là vấn đề môi trường và cách thức Việt Nam ứng phó với chuyện môi trường, nhất là câu chuyện Formosa xảy ra. Cho đến nay mới quy tội được Formosa, chứ còn về phía Việt Nam chưa quy tội được cho bất cứ cơ quan nào hoặc cá nhân nào. Tôi nghĩ rằng đấy là điều rất cần phải quan tâm. Bởi vì những sự cố môi trường trong tương lai có thể xảy ra tiếp, và nó đòi hỏi phải làm rất rõ trách nhiệm giải trình của từng đơn vị, từng cá nhân trong công việc. Cái thứ hai nữa là một loạt các vấn nạn khác xảy ra cũng không quy kết được trách nhiệm. Ví dụ, thủy điện ở một số nơi xả ra và như vậy làm người dân ở các vùng bị lụt lội, bị ngập. Làm rõ trách nhiệm các đơn vị vận hành các thủy điện đó như thế nào? Điều này rất cần phải làm rõ và quy trách nhiệm cho họ, buộc họ phải bồi thường cho người dân. Cái thứ ba nữa là về quan hệ thương mại với các nước, năm đầu tham gia cộng đồng kinh tế ASEAN, Việt Nam thực sự đã có rất nhiều bài học không hay cho mình. Xuất khẩu của Việt Nam sang ASEAN không tăng được mà thậm chí còn giảm tới 9% so với năm trước. Trong khi đó, nhập khẩu từ ASEAN lại tăng đến 40%. Tương tự như vậy là với Trung Quốc, Việt Nam vẫn để nhập siêu quá nhiều từ Trung Quốc”.

Bà Lan cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam dù có thời gian chuẩn bị cho hội nhập đã lâu nhưng họ không tự mình nâng cao năng lực cạnh tranh, kết hợp với thực trạng các chính sách và hành xử của các bộ chưa hợp lý, nên không củng cố được hoạt động ngay ở thị trường trong nước.

Ngược lại, bà chỉ ra rằng các nhà đầu tư lớn của ASEAN, nhất là Thái Lan, lại đang xâm nhập hiệu quả vào thị trường Việt Nam, thâu tóm các doanh nghiệp và hệ thống phân phối ở Việt Nam. Bà nhận định với diễn biến như vậy, “tương lai nhập siêu từ ASEAN sẽ tăng hơn nữa”.

Trong bối cảnh các doanh nghiệp Việt Nam không tạo được thặng dư từ xuất khẩu trong buôn bán với Trung Quốc và ASEAN, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cảnh báo điều đó sẽ “không tốt cho nền kinh tế” và “làm tăng thêm sự lệ thuộc của Việt Nam vào Trung Quốc”, rút cục Việt Nam không tận hưởng được những lợi ích của hội nhập mà để những “lợi ích đó rơi vào tay của Trung Quốc và ASEAN”.

Từ những diễn biến cả tích cực lẫn tiêu cực về kinh tế trong năm 2016, chuyên gia Phạm Chi Lan đưa ra dự báo về năm tới:

“2017 tôi e là sẽ tiếp tục là một năm rất thách thức đối với Việt Nam. Trong khi những vấn đề về môi trường ở Việt Nam chưa được giải quyết thấu đáo, cho nên các doanh nghiệp có các hoạt động khác nhau cũng vẫn có tiềm ẩn nguy cơ gây tiếp những vấn đề thảm họa môi trường hay ô nhiễm môi trường ở Việt Nam. Nhân tố thứ hai là thị trường thế giới tiếp tục diễn biến một cách rất bất định, khó lường trước. Kể cả thương mại với Hoa Kỳ, bây giờ không những chưa có TPP, mà ngay cả những quan hệ vốn có cũng có thể bị thách thức thêm. Một phần là do chính sách của chính phủ mới, của ông Trump. Có nghĩa là những công việc lâu nay đặt gia công ở Việt Nam cũng có nguy cơ có thể họ chuyển về làm ở Hoa Kỳ. Việt Nam phải tính, phải lường trước được khả năng thị trường Mỹ sẽ không được như trước. EU sau Brexit cũng chưa biết chiều hướng như thế nào. Kinh tế Việt Nam dựa vào một mặt là về thiên nhiên, một mặt là thị trường toàn cầu, nó đều chứa đựng những nhân tố có thể là bất lợi cho Việt Nam nhiều hơn là những nhân tố thuận lợi mới. Thế còn trong nền kinh tế trong nước của Việt Nam, thực hiện cuộc cải cách thể chế vô cùng cần thiết thì dường như cũng vẫn còn khó”.

Việt Nam có dân số 93 triệu người. Trong năm 2015, kinh tế Việt Nam đã có mức tăng trưởng mạnh nhất kể từ năm 2007. Mức tăng chậm lại trong năm nay là sự giảm tốc đầu tiên kể từ năm 2012. Xếp hạng về tỷ lệ tăng trưởng trong khu vực, năm nay Việt Nam có tốc độ chậm hơn Ấn Độ, Trung Quốc và Philippines. - VOA

|
|

10.
Trịnh Xuân Thanh không 'trốn bằng hộ chiếu thật'?

Mới đây, Bộ trưởng Công an Việt Nam, Thượng tướng Tô Lâm nói đến khả năng 'các đối tượng liên quan đến vụ Trịnh Xuân Thanh hay Vũ Đình Duy' đã bỏ trốn mà 'không dùng hộ chiếu thật, tên thật'.

"Rà soát lại thì các đối tượng này không xuất cảnh 'chính ngạch' - tức là xuất cảnh qua cửa khẩu với tên thật, hộ chiếu thật," Tướng Tô Lâm được trích lời, theo trang Pháp luật TPHCM.

Tuy nhiên, theo các báo khác tường thuật lời Bộ trưởng Công an Tô Lâm và Thiếu tướng Phạm Văn Các, Phó tổng cục trưởng Tổng Cục Cảnh sát tại cuộc họp báo thì cả hai ông cũng nói không rõ ông Trịnh Xuân Thanh, cựu chủ tịch PVC, công ty con của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam PVN, trốn đi bằng cách nào và có ai trợ giúp hay không.

Một số báo chạy tựa ông Thanh trốn đi 'bằng đường tiểu ngạch' hàm ý đi qua biên giới sang Trung Quốc rồi đến một nước thứ ba.

Nhưng không ai có thể khẳng định nếu không dùng hộ chiếu thật thì ông Thanh có hộ chiếu giả hay giấy tờ gì khác không.

Hai lãnh đạo Bộ Công an cũng không khẳng định rõ có hay không chuyện 'lộ, lọt thông tin' khiến ông Trịnh Xuân Thanh biết trước và bỏ trốn.

"Nội bộ có lộ, lọt tin không thì khẳng định là không có. Nhưng những vụ thế này, từ khâu thanh tra, kiểm tra thì đã khép tội rồi. Đối tượng lại có trình độ, rất nhạy cảm, nghe tình hình là biết ngay," Bộ trưởng Tô Lâm được các báo Việt Nam trích thuật khẳng định.

Quan chức Bộ Công an chỉ nói chung chung rằng "qua nhiều vụ án cho thấy trường hợp nghe ngóng thông tin rồi bỏ trốn trước khi nhà chức trách ban hành các quyết định tố tụng thì phần lớn 'không đi theo con đường chính ngạch'.

Một quan chức Đảng, Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh từng nói hồi tháng 10/2016 rằng ông Trịnh Xuân Thanh 'sang châu Âu' mà không đưa thêm chi tiết gì.

Không rõ chi tiết

Một số trang web cá nhân và blog tiếng Việt tại châu Âu như của ông Bùi Thanh Hiếu thường xuyên đăng bài nói là có tiếp xúc với ông Trịnh Xuân Thanh tại châu Âu nhưng không một cơ quan chính quyền nước châu Âu nào hay Việt Nam xác nhận được các tin đó.

Theo VnExpress, hôm 16/9, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đến Hậu Giang thi hành quyết định khai trừ Đảng, tuy nhiên ông Trịnh Xuân Thanh, khi ấy là Phó Chủ tịch tỉnh, đã vắng mặt.

Tối cùng ngày, Bộ Công an phát lệnh truy nã quốc tế với ông nhưng có vẻ như ông Trịnh Xuân Thanh đã rời Việt Nam cuối tháng 7 khi gửi đơn đến Tỉnh uỷ Hậu Giang xin nghỉ phép từ 25 đến 29/7, VnExpress viết.

Ngày 19/8, ông gửi đơn lần hai xin nghỉ một tháng (3/8-2/9) để 'ra nước ngoài trị bệnh' và không rõ tung tích từ đó.

Việt Nam nói đã phát lệnh truy nã qua Cơ quan Cảnh sát Quốc tế - Interpol đối với ông Trịnh Xuân Thanh.

Nhưng quá trình này tiến triển đến đâu cũng không thấy các báo Việt Nam tới tuần cuối năm 2016 cập nhật. - BBC
|
|

11.
Nạn nhân Formosa tiếp tục biểu tình đòi bồi thường

Hằng trăm người dân thôn Tân Phúc Thành, xã Kỳ Lợi, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh hôm nay lại tiến hành biểu tình do chưa nhận được khoản bồi thường thiệt hại do thảm họa môi trường Formosa gây nên cho họ hơn 8 tháng qua.

Tin tức mà chúng tôi ghi nhận được tại chỗ là sáng nay những ngư dân thuộc địa bàn vừa nêu kéo đến cổng phụ của nhà máy gang thép của Công ty Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh và chặn không cho công nhân vào nhà máy làm việc.

Chính quyền địa phương huy động một lực lượng công an, cảnh sát cơ động đến cũng như cử đại diện ra hứa sẽ sớm thực hiện công tác bồi thường thiệt hại cho người dân chịu tác động theo qui định mà chính phủ trung ương đưa ra.

Những người dân tập trung biểu tình ngăn chặn công nhân vào làm việc tại nhà máy Formosa giải tán sau khi có lời hứa từ phía đại diện chính quyền điạ phương.

Vào ngày 12 tháng 12 vừa qua, nhiều người dân tại các xã Kỳ Hà, Kỳ Anh thuộc cùng huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh cũng tiến hành biểu tình chặn đường quốc lộ 1A để yêu cầu bồi thường do thảm họa môi trường Formosa gây nên.

Vào tháng tư vừa qua, nhà máy gang thép Formosa thải hóa chất độc hại ra biển khiến cá, hải sản chết hằng loạt từ Hà Tĩnh qua Quảng Bình, Quảng Trị vào tận Thừa Thiên- Huế. Công ty Hưng nghiệp Formosa sau đó thừa nhận hành vi xả thải và đồng ý chi 500 triệu đô la cho chính quyền Hà Nội để khắc phục thảm họa và bồi thường cho người dân chịu tác động. - RFA

|

|



12.

Người Việt đông thứ nhì trong số người nước ngoài sống ở Hàn Quốc

Truyền thông Hàn Quốc hôm 27/12 cho hay lần đầu tiên trong 16 năm, số người Việt sống tại Hàn Quốc đã vượt qua người Mỹ khiến Việt Nam trở thành sắc dân đông thứ nhì trong các cộng đồng nước ngoài sinh sống tại Hàn Quốc.

Theo số liệu từ Văn phòng Nhập cư Hàn Quốc, tính đến ngày 30/11, số lượng người Việt hiện đang sống tại Hàn Quốc là 147.295 người (chiếm 7,4 % số người nước ngoài). Đứng đầu là người Trung Quốc với số lượng 1 triệu người (chiếm 50%). Người Mỹ trở thành sắc dân đông thứ 3 với 140.337 người (7%).

Kể từ khi văn phòng này bắt đầu thu thập các số liệu thống kê về người nước ngoài vào năm 2000, đây là lần đầu tiên số lượng người Việt vượt mức người Mỹ trong hai tháng liên tiếp.

Các giới chức di trú nói tỷ lệ người Việt cao ở Hàn Quốc chủ yếu là do công nhân đến Hàn Quốc lao động và phụ nữ Việt Nam kết hôn với đàn ông Hàn Quốc.

Chuyên gia tâm lý Lê Khanh của Việt Nam nói với VOA rằng có 3 nguyên nhân chính dẫn đến việc người Việt Nam ồ ạt sang Hàn Quốc:

“Thứ nhất là về phong tục, hệ thống gia đình và cách sống của người Hàn Quốc cũng giống người Việt Nam, tức là sau Trung Quốc, cho nên người Việt Nam qua Hàn Quốc sống thì không cảm thấy lạc lõng lắm. Thứ hai, kinh tế Hàn Quốc tương đối cao, nên người Việt Nam qua Hàn Quốc làm việc có được thu nhập tốt, có thể gửi về nuôi gia đình được, tương đương với đi Úc hay đi Mỹ. Chứ còn nếu qua những vùng khác thì kinh tế không tốt bằng thì có thể thu nhập không tốt bằng. Thứ ba là về vấn đề xã hội, người Hàn Quốc họ cũng có nhu cầu lấy vợ người Việt Nam. Họ ưa thích người Việt Nam vì người Việt Nam hiền, dễ bảo, chấp nhận tình trạng gia trưởng của người đàn ông, cho nên người phụ nữ Việt Nam sang Hàn Quốc rất dễ thích nghi với gia đình ở Hàn Quốc”.

Theo Văn phòng nhập cư Hàn Quốc, người Việt Nam hiện chiếm 28% trong tổng số các cuộc hôn nhân đa chủng tộc tại Hàn Quốc. Tính đến cuối tháng 11, có khoảng 152.000 cặp Việt – Hàn kết hôn, xếp vị trí thứ hai, chỉ sau Trung Quốc với 37%.

Tính về số lao động nước ngoài tại Hàn Quốc, Việt Nam cũng đứng thứ nhì với 8%, so với người Trung Quốc chiếm 43% trong tổng số. - VOA


- Posted using BlogPress from my iPhone

No comments:

Post a Comment