Wednesday, September 9, 2015

Tin Cập Nhật Thứ Tư 9/9

Tin Thế Giới

1.
Giáo chủ Khameini: Không đàm phán gì với Mỹ ngoài vấn đề hạt nhân

Lãnh tụ Tối cao Iran Ayatollah Khameini nói bất cứ cuộc đàm phán nào trong tương lai với Mỹ chỉ liên quan đến thỏa thuận hạt nhân ký với các cường quốc thế giới mà thôi, và không liên quan đến bất cứ lãnh vực nào khác.

Trong tuyên bố đăng trên trang web hôm thứ Tư, ông Khameini nói: "Chúng tôi thông qua cuộc đàm phán với Mỹ chỉ riêng về các vấn đề hạt nhân. Ở các lãnh vực khác, chúng tôi không và sẽ không cho phép đàm phán với Mỹ."

Đàm phán về các lãnh vực khác chỉ tạo cơ hội cho Mỹ "mở rộng ảnh hưởng lên Iran và áp đặt ý định của họ," lãnh tụ Ayatollah được trích lời.

Hiệp ước hạt nhân ký hồi tháng 7 giữa Hoa Kỳ , Iran cùng với 5 cường quốc thế giới khác được xem như có thể là một chất xúc tác cho khả năng cải thiện các mối quan hệ thù địch lâu nay giữa Tehran với Mỹ và các đồng minh.

Tuy nhiên chính các cuộc đàm phán hạt nhân đã trở thành gần như là một địa điểm gặp gỡ công khai giữa các giới chức cấp cao của Hoa Kỳ và Iran. Chưa bên nào có những bước tiến tới bình thường hóa các mối quan hệ ngoại giao đã bị cắt đứt từ năm 1980.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani, người được xem có chủ trương ôn hòa hơn so với giáo chủ Khameini, hôm thứ Ba nói rằng Tehran sẵn sàng thảo luận với Hoa Kỳ về cách thức giải quyết cuộc nội chiến ở Syria.

Tuyên bố của Giáo chủ Khameini hôm thứ Tư được xem như có thể là một phản ứng đối với phát biểu của ông Rouhani.

Chính phủ Iran ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al-Assad, người bị Mỹ phản đối. Mỹ và Iran còn không đồng ý với nhau về hàng loạt các vấn đề khu vực, trong đó có việc Israel và cuộc nội chiến ở Yemen.

Tuy nhiên hiệp ước hạt nhân đã tháo dỡ những rào cản chính đối với khả năng cải thiện quan hệ, vì thỏa ước này sẽ dẫn đến việc tháo dỡ các lệnh chế tài quốc tế gây điêu đứng cho nền kinh tế của Iran.

Những người chủ trương cứng rắn tại cả hai nước đều chống đối thỏa thuận hạt nhân và tìm cách ngăn chặn hiệp ước đó.

Hôm thứ Ba, các nghị sĩ Dân chủ trong Thượng viện Mỹ đã huy động được 42 phiếu - đủ để ngăn chặn một nghị quyết bác bỏ hiệp ước hạt nhân Iran. Điều này có nghĩa là Tổng thống Barack Obama sẽ không phải dùng tới quyền phủ quyết, và đây là một thắng lợi chính trị đáng kể cho ông.

Phe Cộng hòa chiếm đa số tại Hạ viện. Hạ viện dự kiến sẽ thông qua nghị quyết chống lại hiệp ước hạt nhân Iran - nhưng không có sự hậu thuẫn của Thượng viện thì nghị quyết đó chỉ mang tính thể hiện quan điểm.

Mỹ và các đồng minh từ lâu đã nghi ngờ Iran sử dụng chương trình này để chế tạo vũ khí hạt nhân - một cáo buộc mà Tehran phủ nhận. - VOA
|
|

2.
Thị trường Chứng khoán Nhật Bản tăng giá kỷ lục

Chứng khoán Nhật Bản hôm thứ Tư tăng giá với tỉ lệ cao nhất so trong gần 7 năm qua, sau khi Thủ tướng Shinzo Abe hứa sẽ giảm thuế doanh nghiệp.

Chỉ số Nikkei tăng 7,7% vào giờ đóng cửa, mức tăng cao nhất trong một ngày kể từ tháng 10 năm 2008.

Các thị trường khác của Châu Á cũng tăng giá. Chỉ số Hang Sen của Hồng Kông tăng 4%. Chỉ số Kospi của Nam Triều Tiên tăng 2,8%. Chứng khoáng ở Thượng Hải tăng 2,3%.

Các nhà đầu tư tỏ ra phấn khởi trước hứa hẹn giảm thuế doanh nghiệp của thủ tướng Nhật Bản, nước có suất thuế doanh nghiệp cao vào hàng nhất thế giới.

Thị trường tài chánh Châu Á cũng tăng theo đà dẫn của thị trường Mỹ, khi trước đó một ngày Wall Street đạt mức tăng cao thứ hai trong năm.

Thị trường Chứng khoán toàn cầu trồi sụt thất thường trong mấy tháng qua, giữa lúc có những lo ngại về tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đang chậm lại.

Chỉ số Thượng Hải Composite giảm 40% kể từ tháng 6, khiến Bắc Kinh phải can thiệp để chống đỡ cho thị trường.

Trung Quốc đã bơm 236 tỉ đôla vào để tìm cách kéo thị trường khỏi đà lao dốc trong 3 tháng qua, theo một bản phân tích trong tuần này của Goldman Sachs.

Chiến lược này nhìn chung đã chặn được đà rớt giá tự do của thị trường, nhưng nhiều nhà phân tích lo ngại rằng chiến lược này có thể phản tác dụng trong lâu dài. - VOA
|
|

3.
Khó có đột phá ngoại giao trong chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Trung Quốc

Báo Hồng Kông South China Morning Post, ngày hôm nay 09/09, cung cấp một số thông tin về lịch trình chuyến đi Mỹ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, có thể vào cuối tháng Chín này và trích dẫn nhận định của giới chuyên gia, theo đó, chuyến đi này khó tạo ra những đột phá ngoại giao trong quan hệ song phương.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kết hợp chuyến công du Hoa Kỳ với việc tham dự khóa họp của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc được tổ chức vào cuối tháng Chín này.

Theo giáo sư Kim Xán Vinh (Jin Canrong) thuộc Đại học Quốc dân tại Bắc Kinh và là một cố vấn chính phủ, Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ mở đầu chuyến công du Hoa Kỳ bắt đầu từ ngày 22/09 với chuyến thăm thành phố Seattle, trụ sở của nhiều tập đoàn công nghệ nổi tiếng như Microsoft và Amazon.

Trong thời gian lưu lại Seattle, Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ có một số cuộc gặp với giới lãnh đạo các doanh nghiệp Mỹ dưới sự chủ trì của cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ, Henry Paulson. Ông sẽ phát biểu về quyết tâm thúc đẩy cải cách kinh tế của Trung Quốc. 

Tuy nhiên, khách mời có thể sẽ không được phát biểu hay chất vấn do lo ngại có nhiều ý kiến liên quan tới vấn đề phá giá đồng nhân dân tệ và chính sách bảo hộ của Trung Quốc. Ông Tập Cận Bình cũng sẽ từ chối trả lời những câu hỏi không được xét duyệt trước đó.

Sau đó, ông Tập Cận Bình sẽ tới Washington, bắt đầu chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ và gặp Tổng thống Barack Obama. Nguyên thủ hai nước sẽ thảo luận nhiều chủ đề, từ hồ sơ Biển Đông cho đến vấn đề tin tặc.

Giới quan sát cho rằng mặc dù cả hai bên đều cố gắng tìm ra những lĩnh vực để có thể thúc đẩy hợp tác song phương, nhưng ít có khả năng chuyến công du này tạo ra bước đột phá trong quan hệ Mỹ-Trung.

Mặt khác, chuyến công du này diễn ra trong bầu không khí không thuận lợi cho Trung Quốc. Nhiều ứng viên Tổng thống thuộc đảng Cộng hòa đã chỉ trích gay gắt Trung Quốc. Tháng trước, Thống đốc bang Wisconsin, ông Scott Walker đã kêu gọi Tổng thống Obama hủy chuyến thăm Hoa Kỳ của nguyên thủ Trung Quốc.

Sau cùng, ông Tập Cận Bình sẽ tới New York để dự và phát biểu tại khóa họp của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc vào ngày 28/09.

Nguồn tin của báo Hồng Kông cho biết thêm là dường như ban đầu, theo lịch trình, ông Tập Cận Bình sẽ dừng chân tại Hawaii, nhưng cuối cùng kế hoạch này đã hủy bỏ vì nơi đây có trụ sở của Bộ Chỉ Huy Thái Bình Dương và Bộ Chỉ huy này trong thời gian qua đã chỉ trích gay gắt chính sách của Trung Quốc tại Biển Đông. - RFI
|
|

Tin Việt Nam

4.
Muộn Đại hội Đảng ở VN vì còn bất đồng?

Một chuyên gia nước ngoài vừa cho rằng Đại hội Đảng toàn quốc tại Việt Nam có thể tổ chức muộn hơn vì Đảng Cộng sản chưa đạt được đồng thuận về một số vấn đề.

Trong bài viết mới trên Policy Forum, Giáo sư Carl Thayer, người Úc nghiên cứu lâu năm về chính trị Việt Nam, nêu quan điểm:

"Có những dấu hiệu cho thấy Đảng chưa đạt được đồng thuận về một số vấn đề, trong đó có vấn đề Biển Đông, quan hệ với Trung Quốc và việc lựa chọn lãnh đạo tương lai của Việt Nam. Điều này có thể dẫn đến việc hoãn tổ chức Đại hội sang một thời điểm muộn hơn."

Bài viết, được trang Nghiên cứu Quốc tế dịch sang tiếng Việt, cho rằng:

"Theo Điều lệ Đảng, Ban chấp hành Trung ương phải họp ít nhất hai lần một năm, nhưng đôi khi Ban chấp hành họp thường xuyên hơn. Tuy nhiên, trong năm 2014, Ban chấp hành Trung ương chỉ họp một lần. Đây có thể là dấu hiệu cho thấy sự chia rẽ sâu sắc về chính sách Biển Đông và quan hệ với Trung Quốc theo sau cuộc khủng hoảng xuất phát từ việc Bắc Kinh triển khai một giàn khoan khổng lồ tại vùng biển tranh chấp từ tháng 5 tới tháng 7."

Diễn ra lặng lẽ

Giáo sư Thayer nhận xét thêm về cách thức nhà nước và đảng cộng sản chuẩn bị cho đại hội đảng lần thứ 12 dự kiến được nhóm vào đầu năm 2016 từ nhiều khía cạnh, góc độ khác nhau.

"Việc chuẩn bị cho Đại hội Đảng lần thứ 12 cũng diễn ra rất lặng lẽ so với 8 đại hội trước được tổ chức kể từ khi thống nhất đất nước. Các phương tiện truyền thông Việt Nam đã vô cùng yên lặng, và chỉ xuất hiện các báo cáo xác nhận rằng các khâu chuẩn bị cho Đại hội đang được tiến hành. Đảng cũng chưa công bố chính thức ngày tổ chức Đại hội.

"Thông thường các tài liệu dự thảo chính sách như Báo cáo Chính trị và Báo cáo Phát triển Kinh tế-xã hội sẽ được lặng lẽ chuyển cho các nhóm thảo luận tập trung để bàn thảo và cho ý kiến.

"Sau khi được chỉnh sửa, các văn bản dự thảo chính sách sau đó sẽ được công khai cho công chúng nhận xét. Ví dụ, dự thảo Báo cáo chính trị và Báo cáo kinh tế-xã hội mười năm cho Đại hội Đảng lần thứ 11 tổ chức vào tháng Giêng năm 2011 đã được công bố vào ngày 20 tháng 4 năm 2010, tức chín tháng trước khi diễn ra đại hội. Nếu Đại hội lần thứ 12 sẽ họp vào đầu năm tới thì Việt Nam chỉ còn bốn tháng để hoàn tất quá trình này."

Cho rằng việc 'chậm trễ' và 'lặng lẽ' trong chuẩn bị đại hội của Đảng cộng sản Việt Nam cùng việc đưa ra các chính sách có mối 'quan hệ' với nhân tố được gọi là 'Trung Quốc' của Việt Nam, bài báo viết tiếp:

"Điều gì giải thích cho những diễn tiến này – như sự chuẩn bị lặng lẽ một cách bất thường cho Đại hội Đảng, chậm trễ trong việc tổ chức hội nghị tiếp theo của Ban chấp hành Trung ương, và hoãn công bố Sách trắng Quốc phòng?

"Lời giải thích khả dĩ nhất là sự trùng hợp của hai vấn đề gây tranh cãi – yếu tố Trung Quốc (Chủ tịch/ Tổng Bí thư Tập Cận Bình được cho là sẽ thăm Hà Nội vào tháng 10 hoặc tháng 11) và việc lựa chọn ban lãnh đạo mới của Việt Nam."

Có một ngoại lệ

Bài viết của Giáo sư Thayer cũng đặt vấn đề với nhấn mạnh về người mà nhà quan sát này cho là một ứng cử viên vào chức vụ Tổng Bí thư trong Đại hội lần thứ 12 vào sang năm, ông Nguyễn Tấn Dũng, đương kim Thủ tướng Việt Nam, cũng như đưa ra nhận định về một số điều được cho là 'lợi thế' của ứng viên này.

"Quy tắc hiện tại của Đảng không cho phép một người nắm quyền quá hai nhiệm kỳ. Quy tắc của Đảng cũng yêu cầu các quan chức nghỉ hưu ở tuổi 65. Nếu tính tới cả hai quy định thì 9 trong số 16 thành viên Bộ Chính trị hiện nay sẽ nghỉ hưu ở đại hội năm tới.

"Điều này có nghĩa là Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nằm trong số những người sẽ phải nghỉ hưu," tác giả nhận định.

"Tuy nhiên, có một ngoại lệ về tuổi hưu bắt buộc trong những trường hợp đặc biệt.

"Hiện có nhiều tin đồn cho rằng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đang tìm cách trở thành Tổng Bí thư tiếp theo và xin được miễn trừ quy định tuổi tác. Điều này là chưa từng có tiền lệ trong nền chính trị Việt Nam.

"Ông Dũng sẽ mang lại các kinh nghiệm kinh tế và quốc tế chưa từng có cho vị trí Tổng Bí thư Đảng nhờ vào hai nhiệm kỳ thủ tướng của mình.

"Ông Dũng cũng ít khả năng sẽ để cho ý thức hệ ràng buộc tay chân của mình trong việc đối phó với Trung Quốc.

"Ông đã thẳng thắn bảo vệ chủ quyền Việt Nam trong cuộc khủng hoảng giàn khoan năm ngoái và nêu lên khả năng sẽ thực hiện các hành động pháp lý quốc tế chống lại Trung Quốc.

"Ông Dũng nhận được sự hỗ trợ rộng rãi của các Ủy viên Trung ương nhưng Bộ Chính trị hiện nay lại đang chia rẽ sâu sắc. Không chỉ có sự ganh đua cá nhân mà còn có sự khác biệt về việc làm thế nào để quản lý mối quan hệ với Trung Quốc và Hoa Kỳ."

Chuyển đổi lãnh đạo

Hồi tháng 8/2015, một nhà nghiên cứu chính trị và quan hệ quốc tế của Việt Nam, Tiến sỹ Lê Hồng Hiệp, đang là nghiên cứu viên khách mời tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, nêu quan điểm ở một bài viết trên trang Nghiên cứu Quốc tế do ông chủ biên.

Bài viết với tựa đề "Tam giác Chiến lược Việt - Mỹ - Trung" của Tiến sỹ Lê Hồng Hiệp phần liên quan tới chính trị nội bộ của Việt Nam, có đoạn:

"Về vấn đề chuyển đổi lãnh đạo, nếu Thủ tướng đương nhiệm Nguyễn Tấn Dũng được bầu làm Tổng Bí thư mới của Đảng thì mối quan hệ giữa Việt Nam với Mỹ có thể trải qua một bước tiến mới. Ông Dũng, người thường xuyên thể hiện mình như một nhà lãnh đạo dân tộc chủ nghĩa, đã nhiều lần công khai lên tiếng phản đối sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông, trong đó có tuyên bố nổi tiếng rằng Việt Nam sẽ không đánh đổi chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước để lấy “hữu nghị viển vông” [với Trung Quốc].

"Chương trình nghị sự tương đối tự do trong nước dưới sự lãnh đạo của ông Dũng cũng gần gũi với Washington hơn là Bắc Kinh. Hơn nữa, mối quan hệ cá nhân của các thành viên trong gia đình ông với phương Tây nói chung và với Mỹ nói riêng cũng có thể có ảnh hưởng tích cực lên cách nhìn của ông về Mỹ cũng như về mối quan hệ giữa Hà Nội với Washington. 

"Trong trường hợp một người khác lên lãnh đạo Đảng Cộng sản thì các yếu tố đã được phân tích ở trên cũng có thể khiến vị Tổng Bí thư mới có một thái độ ít nhiều nghiêng về phía Mỹ hơn."

Còn về liên hệ giữa tam giác quan hệ kể trên, trong đó có nhân tố Trung Quốc bên cạnh Hoa Kỳ, TS. Lê Hồng Hiệp bình luận:

"Một diễn biến trong nước khác có thể có ý nghĩa quan trọng đối với quan hệ tương lai của Việt Nam với cả Trung Quốc và Mỹ là Đại hội toàn quốc lần thứ 12 của Đảng Cộng sản và cuộc bầu cử thế hệ lãnh đạo mới của Đảng diễn ra vào năm sau.

"Trong các tài liệu chuẩn bị cho đại hội được lưu hành cho các đảng viên đọc và nhận xét, các tranh chấp trên Biển Đông được mô tả cụ thể là “phức tạp, gay gắt và rất khó lường," bài viết của nhà phân tích này nhận định. - BBC
|
|

5.
Ông Hun Sen: Tôi sẵn sàng từ chức nếu bản đồ biên giới là giả

Thủ Tướng Campuchia Hun Sen hôm qua đọc một bài diễn văn dài 3 tiếng đồng hồ trên đài truyền hình nhà nước, nói rằng Campuchia không nhượng một tấc đất nào trong tiến trình phân định biên giới với Việt Nam.

Báo chí Campuchia hôm nay tường thuật rằng ông Hun Sen bênh vực tiến trình phân định biên giới với Việt Nam, và dọa sẽ bắt giữ những kẻ chỉ trích ông về vấn đề biên giới, đồng thời cảnh giác rằng chiến tranh sẽ bùng nổ nếu một chính đảng khác cai trị đất nước ông.

Hôm 7/9, ông Hun Sen tuyên bố không thể tiếp tục dung túng những lời tố cáo cho rằng chính phủ đã dùng bản đồ giả trong phân định biên giới với Việt Nam, và tuyên bố ông sẽ từ chức nếu có ai chứng minh được là ông đã dùng các bản đồ khác hơn là bản đồ mà Pháp vẽ ra vào thập niên 1950.

Báo chí Campuchia hôm nay tường thuật rằng ông Hun Sen còn thách thức Chủ tịch đảng đối lập Sam Rainsy, lãnh tụ Đảng Cứu Quốc Campuchia, hãy từ chức, nói rằng ông Rainsy đã lừa gạt đất nước với những lời tố cáo sai sự thật.

Thủ Tướng Hun Sen đưa ra thách thức này trong một bài diễn văn phát hình trên toàn quốc sau khi kiểm chứng là chính phủ Pnom Penh đã dùng các bản đồ y như các bản đồ mà nước Pháp vừa gửi qua Campuchia.

Tháng trước, nhà lập pháp Um Sam An tố cáo chính quyền là sử dụng bản đồ giả trong tiến trình phân định biên giới với Việt Nam.

Đây là một vấn đề vô cùng nhạy cảm, gây chia rẽ sâu rộng trong công chúng Campuchia.

Ông Rainsy thường bị cáo buộc là một người kỳ thị người Việt, một chính khách cơ hội chủ nghĩa thường xuyên khích động hận thù đối với Việt Nam để kiếm phiếu. Trong một bình luận hồi đầu tháng này đăng trên trang Facebook, ông Rainsy nói Việt Nam đã tìm cách “nuốt trọn” Campuchia.

Ông Rainsy viết: “Tất cả những người Khmer yêu nước đừng rơi vào cái bẫy chia rẽ do những kẻ muốn nuốt trọn nước ta đặt ra, và hãy đoàn kết để bảo vệ đất mẹ”.

Cuối tuần rồi, một nhân vật của Đảng Cứu quốc Campuchia bị bắt giữ ở tỉnh Takeo vì phát tán truyền đơn xuyên tạc quan hệ với Việt Nam.

Phó chủ tịch Ủy Ban điều hành Đảng Cứu Quốc Camp ở tỉnh Takeo, ông Chhea Tang Sorn, 64 tuổi, bị nhà chức trách đã bắt giữ sau khi rải truyền đơn mà chính quyền Pnom Penh cho là có tính cách xuyên tạc quan hệ Việt Nam-Campuchia, tố cáo Việt Nam tìm cách phá hoại Campuchia bằng nhiều cách, kể cả “bỏ thuốc độc vào thực phẩm bán cho người Khmer, mua chuộc các giới chức chính phủ Campuchia". - VOA
|
|

6.
Tuần tra biển VN được phép dùng vũ khí truy đuổi tàu nước ngoài

Chính phủ Việt Nam hôm 3/9 ban hành Nghị định cho phép các lực lượng tuần tra biển sử dụng vũ khí để truy đuổi các tàu nước ngoài vi phạm luật pháp Việt Nam trong vùng lãnh hải của Việt Nam.

Theo tin của tờ Tuổi Trẻ, các hành vi bị cấm gồm xây dựng, lắp đặt trái phép các công trình, thiết bị, cũng như các cuộc khảo sát, thăm dò, khai thác không có phép của giới thẩm quyền Việt Nam.

Nghị định mới sẽ có hiệu lực từ ngày 10/10 năm nay.

Liên quan tới vụ tranh chấp Biển Đông, một nhà phân tích cấp cao nói đối thoại và một giải pháp ngoại giao ôn hoà là cách duy nhất để tiến tới phía trước trong cuộc tranh chấp Biển Đông đang tiếp tục leo thang trong khu vực.

Trong một cuộc phỏng vấn đăng ngày hôm nay trên trang mạng của Xinhua, cơ quan ngôn luận chính thức của Trung Quốc, bà Eva Pejsova thuộc Viện Nghiên cứu An ninh của Liên Hiệp Âu Châu nói rằng xét tình hình bế tắc hiện nay, khi tất cả các bên liên quan đều giữ vững lập trường của mình, thì khó có thể thấy được một bước đột biến nào để giải quyết cuộc tranh chấp trong ngắn hạn.

Bà Pejsova giải thích rằng về phương diện an ninh, tiếp tục đối thoại là điều cần thiết để xử lý các vấn đề an ninh liên quốc gia cần được giải quyết qua hợp tác. Còn về vấn đề liên quan tới các mối đe doạ an ninh không truyền thống khác liên quan tới quyền đánh bắt cá, suy thoái môi trường, thì tất cả các bên tranh giành chủ quyền nên hiệp lực để đạt được các kết quả lâu dài có lợi cho tất cả các bên.

Xinhua dẫn lời bà Pejsova nói rằng “những tuyên bố chủ quyền chồng chéo” đã có từ lâu, điều có thể làm và giải quyết trên hết hiện nay là ‘thiết lập một bộ quy tắc ứng xử để ngăn chặn nguy cơ tranh chấp leo thang và bảo đảm các vấn đề an ninh hàng ngày được xử lý đúng đắn.’

Liên quan tới việc Manila nhờ Toà án Trọng Tài quốc tế phân xử cuộc tranh chấp với Trung Quốc, nhà phân tích nói rằng sự kiện Philippines dựa vào luật quốc tế cho những tuyên bố chủ quyền của mình tạo thiện cảm cho Manila trong cộng đồng quốc tế rộng lớn hơn.

Báo Want China Times của Đài Loan hôm nay tường thuật rằng sau khi 5 tàu chiến của Trung Quốc xuất hiện ngoài khơi bang Alaska của Hoa Kỳ trước khi Bắc Kinh rầm rộ tổ chức các cuộc diễn binh phô trương lực lượng để đánh dấu ngày Thể Chiến thứ Hai kết thúc, Hoa Kỳ đang cân nhắc việc điều tàu bè và máy bay đi ngang qua các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây trong Biển Đông.

Ngũ Giác Đài cho hay 5 chiến hạm Trung Quốc gồm 3 tàu chiến, một tàu đổ bộ và một tàu tiếp dầu, hôm 2/9 đã đi ngang qua vùng biển cách đảo Aleutian 12 hải lý, giáp biên giới phía nam biển Bering.

Sự xuất hiện lần đầu của tàu chiến Trung Quốc trong các vùng biển của Mỹ tuy đáng ngạc nhiên, nhưng gặp phản ứng rất bình tĩnh từ chính phủ Mỹ. Phía Mỹ cho biết đã quan sát các tàu Trung Quốc đi ngang qua, các tàu này không làm gì trái với luật quốc tế, và do đó không có gì đáng lo ngại. Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner nói Hoa Kỳ tôn trọng quyền tự do của tất cả các nước được điều tàu tới các vùng biển quốc tế trong phạm vi luật quốc tế.

Tờ Yomiuri Shimbun của Nhật Bản hôm 7/9 đưa tin Trung Quốc đã điều chiếc Hải Cảnh 2901, tàu tuần tra biển được cho là lớn nhất thế giới của Trung Quốc đến đảo Chu San, cách quần đảo Senkaku/Điếu Ngư khoảng 320 km. - VOA

No comments:

Post a Comment