Tin Thế Giới
1.
Hàng chục ngàn người châu Âu đổ ra đường biểu tình vì các di dân
Ngày thứ Bảy, nhiều cuộc biểu tình diễn ra tại châu Âu về cuộc khủng hoảng di dân, nơi chỉ trong năm 2015 mà thôi đã có 500.000 di dân và người tị nạn tìm cách định cư tại các nước Liên hiệp Châu Âu.
Hàng chục ngàn người đổ xô đến trung tâm London để phản đối lập trường của chính phủ Anh về cuộc khủng hoảng người tị nạn đang leo thang hiện nay.
Các nhà hoạt động nhân quyền, các chính trị gia cũng như những người trình diễn tuần hành đến Quảng trường Quốc hội để tỏ tình đoàn kết với các người tị nạn đang tìm cách thoát khỏi những cuộc xung đột vũ trang, đặc biệt tại Trung Đông.
Các người biểu tình cầm các biểu ngữ có dòng chữ “Hãy mở cửa biên giới” và “để người tị nạn vào, các đảng viên đảng Tory hãy ra đi,” ám chỉ đảng của Thủ tướng David Cameron. Tuần trước ông Cameron đồng ý nhận 20.000 người tị nạn trong vòng 5 năm.
Ngày thứ Bảy, một đám đông khoảng 30.000 người tụ tập tại Copenhagen, Đan Mạch ủng hộ việc nhận hàng chục ngàn người tìm một cuộc sống tốt đẹp hơn tại châu Âu.
Truyền thông địa phương loan tin là các người biểu tình cầm các bích chương có ghi “Chào mừng người tị nạn” và “Châu Âu là láng giềng gần nhất của Syria.”
Tại Stockholm, Thụy Điển khoảng 1.000 người tụ tập để bày tỏ sự ủng hộ về một chính sách rộng lượng hơn của chính phủ trong việc đón người tị nạn.
Tuy nhiên vào ngày thứ Bảy, có khoảng 5.000 người tham dự một cuộc biểu tình chống di dân tại Warsaw, thủ đô Ba Lan giữa lúc chính phủ nước này chống lại hạn nghạch người tị nạn do EU đề nghị.
Truyền thông nước ngoài loan tin là nhiều người hô các khẩu hiệu chống Hồi Giáo, trong khi một con số nhỏ hơn, khoảng 1.000 người tụ tập ủng hộ việc nhận di dân vào Ba Lan.
Ngày thứ Bảy, phát biểu tại Berlin, Thủ tướng Đức Angela Merkel thúc đẩy các nước thành viên EU chia sẻ tránh nhiệm nhận người tị nạn.
Đức dự trù nhận 800,000 di dân và người tị nạn trong năm nay.
Đặc biệt các quốc gia Đông Âu, Hoa Kỳ và những nước giàu Vùng Vịnh Ba Tư bị các tổ chức nhân quyền chỉ trích mạnh mẽ vì không làm đủ để giúp giải quyết cuộc khủng hoảng di dân Trung Đông. - VOA
|
|
2.
Ông Corbyn là tân lãnh đạo đảng Lao động
Dân biểu lâu năm có đường lối cánh tả, ông Jeremy Corbyn, vừa thắng trong cuộc bầu chọn lãnh đạo đảng Lao động tại Anh Quốc.
Ông Corbyn là người ít được biết đến trước khi ông ra tranh cử cùng với các ứng viên khác, những người từng nắm giữ chức vụ trong chính phủ hoặc trong đảng đối lập, gồm ông Andy Burnham, bà Yvette Cooper và bà Liz Kendall.
Tổng cộng 422,664 thành viên đảng Lao động đã bỏ phiếu, đạt 76%, trong đó nhiều người đã đăng ký bỏ phiếu muộn, và thậm chí phải trả ba bảng để có thể bỏ phiếu.
Ba tháng vận động bầu cử đã cho thấy một cuộc tranh đấu về hướng đi tương lai cùa đảng này.
Ông Corbyn giành 251,417 phiếu, đạt 59,5% số phiếu ngay từ vòng một, hơn ứng cử viên đứng thứ hai, ông Burnham, tới 40%, người giành 19%.
Bà Cooper đứng thứ ba, với 17% và Kendall chỉ giành 4.5% tổng số phiếu.
Ông Corbyn nói cuộc vận động tranh cử vị trí tân lãnh đạo đảng “đã cho thấy rõ đảng này, về hướng đi, đầy tâm huyết, dân chủ, đa dạng, thống nhất và hoàn toàn quyết tâm trong việc có được một xã hội tốt đẹp hơn có thể có được cho tất cả mọi người."
Trong lời phát biểu sau khi thắng cử, ông Corbyn đã ca ngợi ba ứng viên còn lại đặc biệt với bà Liz Kendall, ứng viên thuộc phe theo đường lối của cựu Thủ tướng Tony Blair, người có chính sách khác biệt nhất so với đường lối của ông trong ba tháng vận động tranh cử.
Jeremy Corbyn là ai?
Nhân vật có quan điểm cánh tả, người suốt 32 năm qua ngồi hàng ghế sau trong đảng Lao động tại Quốc hội, hứa sẽ đấu tranh cho một nước Anh công bằng hơn.
Việc ông Jeremy Corbyn, 66 tuổi, thắng trong cuộc bầu chọn tân lãnh đạo đảng Lao động hẳn là một trong những bất ngờ lớn nhất trong lịch sử chính trị Anh Quốc.
Với những người chỉ trích ông thì ông gần như là một nhân vật “cánh tả râu quai nón”, không thể thắng cử, từ thời những năm 1980 đen tối khi đảng Lao động đề cao sự trong sáng về lý tưởng hơn là quyền lực của chiến thắng.
Nhưng với rất đông đảo những người ủng hộ ông thì ông là người duy nhất trung thực còn lại trên chính trường, người có thể tạo cảm hứng cho một thế hệ những nhà hoạt động mới, và khiến họ tin rằng có một sự lựa chọn khác thay thế những người theo đường lối Thatcher tự do kiểu mới.
Là một người theo đường lối cánh tả suốt hơn 40 năm, ông thường xuất hiện tại các cuộc biểu tình, tuần hành, vận động cho những phong trào gây nhiều tranh cãi, một người phân phát tờ rơi và cầm loa tay đi vận động.
Nhưng thậm chí với cả những người ủng hộ ông nhiệt tình nhất thì ít ai nghĩ rằng ông có thể trở thành nhà lãnh đạo một đảng đối lập của nước Anh quân chủ, không phải chỉ vì ông tin vào việc xóa bỏ chế độ quân chủ.
Ông thuộc số những dân biểu ngày càng ít đi, như bà Diane Abbott và ông John McDonnell, những người luôn tin vào các nguyên tắc xã hội chủ nghĩa trong khi đảng của họ đi theo xu hướng cánh hữu dưới thời ông Tony Blair và ông Gordon Brown. - BBC
|
|
3.
107 người thiệt mạng trong vụ sập cần cẩu tại Đại Giáo Đường ở Ả-rập Saudi --- 89 người thiệt mạng trong vụ nổ bình ga ở Ấn Độ
Các giới chức Ả-rập Saudi đang điều tra vụ sập cần cẩu xây dựng tại Đại Giáo Đường ở Thánh địa Mecca, giết chết ít nhất 107 người và gây thương tích cho hơn 230 người khác.
Chiếc cần cẩu khổng lồ đã đổ ập xuống ngôi đền trong lúc các tín đồ dự lễ cầu nguyện ngày thứ Sáu, vài ngày trước lễ hành hương Hajj hàng năm tại một trong những địa điểm linh thiêng nhất của đạo Hồi.
Hình ảnh trên truyền thông xã hội cho thấy những người hành hương trong những chiếc áo dính đầy máu và những đống đổ nát từ một phần của chiếc cần cẩu bị sập.
Chuyên viên âm thanh tại Đại Giáo Đường, Mohammed Tahir, nói với đài VOA rằng thời tiết đóng một vai trò trong vụ việc. "Lúc đó trời đang mưa lớn với gió thổi mạnh thì cần cẩu chủ bị mất cân bằng do gió mạnh. Do đó cái cần cẩu rộng chừng 300-400 mét rớt vào bên trong mataf (phần bên trong của đại giáo đường)."
Ông Tahir nói những người hành hương bên trong giáo đường khi đó đang thực hiện một nghi thức gọi là umra, buộc họ phải đi thành vòng tròn xung quanh một kiến trúc hình khối lập phương ở trung tâm của giáo đường, nơi linh thiêng nhất của Hồi giáo. "Những người hành hương ở đó chết và bị thương," ông nói.
Vụ việc xảy ra trong khi người Hồi giáo từ khắp nơi trên thế giới đang tụ tập về dự cuộc hành hương Hajj hàng năm sẽ bắt đầu vào cuối tháng này tại thành phố Mecca. Nhà chức chức Ả-rập Saudi dốc hết sức để chuẩn bị cho những người Hồi giáo hội tụ về Mecca cho cuộc hành hương, đón gần hai triệu người Hồi giáo từ khắp nơi trên thế giới.
Đại Giáo Đường là một trong những địa điểm mà những người hành hương tụ tập đông đảo nhất trong lễ Hajj.
Đây là một trong những giáo đường lớn nhất thế giới và được hàng triệu người hành hương và tín đồ đến viếng mỗi năm.
Năm ngoái, vương quốc Ả-rập Saudi đã giảm số người được phép dự lễ Hajj để bảo đảm an toàn. - VOA
***
Một bình ga dùng để nấu ăn đã phát nổ ngày hôm nay tại một nhà hàng đông khách ở miền trung Ấn Độ, giết chết ít nhất 89 người và gây thương tích cho nhiều người khác.
Cảnh sát cho biết số tử vong không ngớt gia tăng trong lúc nhân viên cứu hộ đưa các thi hài ra khỏi đống đổ nát.
Một viên thanh tra cảnh sát nói rằng khoảng 100 người bị thương, trong đó có 20 người bị thương nặng, đã được đưa tới bệnh viện để chữa trị. Viên chức này nói thêm rằng những vật dụng kích nổ được chứa bất hợp pháp trong một căn phòng bên cạnh nhà hàng.
Vụ nổ ở thành phố Petlawad, tiểu bang Madhya Pradesh, cách thủ đô New Delhi khoảng 950 kilomét về hướng nam, xảy ra khi nhiều người tới nhà hàng ăn sáng.
Vụ nổ cũng gây hư hại cho các toà nhà bên cạnh.
Ấn Độ là nơi mà những vụ nổ bình ga dùng trong nhà vẫn thường xảy ra. - VOA
|
|
4.
Dương Khiết Trì: Vấn đề Biển Đông không liên quan gì đến Mỹ
Theo hãng tin UPI hôm 11/09/2015, ông Dương Khiết Trì, Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc tuyên bố Hoa Kỳ không nên can dự vào vấn đề tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông, và hai nước cần tiếp tục giữ "quan hệ chặt chẽ" dù có bất đồng về an ninh mạng cũng như trong các xung đột khác.
Nguyên là Ngoại trưởng và hiện nay là Ủy viên Quốc vụ viện phụ trách đối ngoại, ông Dương Khiết Trì khi trả lời tờ báo nhà nước China Daily nói rằng chuyến viếng thăm Washington của ông Tập Cận Bình sẽ phải "vạch ra đường hướng sắp tới của quan hệ Mỹ-Trung".
Tập Cận Bình và ông Barack Obama đã gặp gỡ bốn lần kể từ ông Tập lên nắm quyền tháng 3/2013, và Tổng thống Mỹ dự kiến sẽ đón tiếp nhà lãnh đạo Trung Quốc ở cấp nhà nước trong hai ngày 24 và 25/09.
Sự trỗi dậy của Bắc Kinh và những thay đổi trong quan hệ đôi bên thường được coi là thách thức đối với Washington, và Tư lệnh Hải quân Mỹ mới đây đã tố cáo các hành động của Trung Quốc tại Biển Đông. Một nghiên cứu gần đây của trung tâm Pew cho thấy trên 50% người Mỹ có cái nhìn bất lợi đối với nền kinh tế số 1 châu Á.
Một cựu thượng nghị sĩ Mỹ trên trang CNBC lên án chính phủ Bắc Kinh đã tung ra những chiến thuật chống lại các công ty Hoa Kỳ tại Trung Quốc kể cả việc phạt vạ, tố cáo hệ thống pháp lý không rõ ràng và nạn đánh cắp sở hữu trí tuệ. Nhưng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn lệ thuộc lẫn nhau và tiếp tục phát triển, vượt quá 550 tỉ đô la trong năm 2014 - theo số liệu của Trung Quốc.
Bất chấp sự phản đối của Hoa Kỳ, Philippines và các quốc gia có tranh chấp chủ quyền, Dương Khiết Trì nói rằng Trung Quốc cam kết một giải pháp hòa bình cho tranh chấp trên biển và các xung đột khác, đồng thời đòi hỏi những bất đồng không thể được giải quyết bởi các nước đứng về một bên nào đó. Ông tuyên bố: "Nếu có những bạn hữu của Trung Quốc muốn trở thành bạn bè của Hoa Kỳ hoặc ngược lại, cả hai nước cần đón nhận, và chúng ta sẽ có nhiều bạn chung hơn".
Tuy nhiên Dương Khiết Trì không khẳng định cũng không phủ định trách nhiệm của Bắc Kinh trong các vụ tấn công tin học mới đây vào các máy chủ Mỹ. Ông ta chỉ nói Trung Quốc cũng là nạn nhân của tin tặc, và hy vọng các nước sẽ làm việc chung trong tinh thần "cùng có lợi". - RFI
|
|
Tin Việt Nam
5.
Gần 50 ngàn lao động VN tại Thái Lan có nguy cơ bị trục xuất
Những người Việt Nam đang lao động ‘chui’ tại Thái Lan có nguy cơ bị trục xuất về nước. Lý do vì chính phủ Thái Lan không cho những người nước ngoài đang cư trú tại Thái được đi gia hạn Visa du lịch tại các cửa khẩu như lâu nay. Nguyên nhân nào dẫn đến qui định được áp dụng kể từ ngày hôm nay 12 tháng 9 như thế?
Nguyên nhân việc siết chặt cửa khẩu
Giới chức Thái Lan đã tổ chức cuộc họp và đưa ra quyết định siết chặt tất cả các cửa khẩu quốc tế trên cả nước Thái. Quyết định đạt được sau khi một trong những nghi can trong vụ đánh bom tại Bangkok, Thái Lan hôm tối ngày 17/8/2015 thú nhận rằng anh đã hối lộ nhân viên tại cửa khẩu tỉnh Sa Kaeo để vào Thái Lan một cách bất hợp pháp.
Trong một báo cáo mới đây trình cho thủ tướng Thái Lan, chỉ huy cảnh sát Thái Lan Somyot Poompanmoung, nêu ra tình trạng cảnh sát di trú nhận tiền để gia hạn hộ chiếu một cách bất hợp pháp. Hoạt động này được nêu lên rất rõ qua 6 tiêu cực của cảnh sát di trú tại các cửa khẩu quốc tế. Ông cũng yêu cầu thủ tướng phải xử lý những tiêu cực này.
Anh Bảo, một người chuyên làm dịch vụ để đưa những người Việt Nam lao động tại Thái Lan đi gia hạn hộ chiếu tại các cửa khẩu quốc tế Thái giáp ranh với Cambodia, anh chia sẻ về việc bị cảnh sát di trú tại các cửa khẩu không cho những người Việt Nam gia hạn hộ chiếu, việc này chính thức áp dụng từ ngày 12/9/2015. Anh chia sẻ về nguyên nhân:
“Từ hồi trước đến giờ vẫn đi bình thường, nhưng bắt đầu từ ngày mai, các cửa khẩu sẽ không đóng dấu hộ chiếu nữa.
Cửa khẩu đó họ nói rằng do vụ đánh bom ở Bangkok, cái người đánh bom đã đi qua cửa khẩu bằng cách hối lộ tiền, nên cảnh sát nghiêm cấm các cửa khẩu, những người nước ngoài sẽ phải trở về nước trước rồi sau đó mới được sang lại.”
Theo con số thông kê không chính thức từ chính phủ Thái Lan, hiện nay có khoảng 50.000 người Việt Nam đang lao động bất hợp pháp tại đây. Và theo chia sẻ của anh Bảo mỗi ngày có khoảng 1.000 người Việt Nam đang sẽ trở thành những người cư trú bất hợp pháp vì không được đi gia hạn hộ chiếu. Anh bảo nói thêm:
“Bắt đầu từ ngày mai, những người mới đi gia hạn hộ chiếu về thì còn được một tháng, nếu mà đã đi cách đây một tháng thì ngày mai hộ chiếu của họ sẽ hết hạn.
Tính ra mỗi ngày có khoảng 1.000 người đi gia hạn hộ chiếu.”
Khó khăn cho người lao động
Trong tình trạng hiện nay, những người Việt Nam đang lao động bất hợp pháp tại Thái Lan sẽ gặp phải vô vàn khó khăn, họ có thể bị cảnh sát bắt bất cứ lúc nào. Họ có thể bị bắt và bị truy tố với hai tội danh lao động bất hợp pháp và cư trú bất hợp pháp tại Thái Lan.
“Trước đây, nếu mà người lao động có hộ chiếu sống nhưng mà làm việc thì họ chỉ mang một tội ‘làm việc bất hợp pháp’ và thường thường thì họ chỉ bị bắt khi họ đang làm việc. Còn nếu họ có hộ chiếu chết thì họ sẽ mang hai tội, thứ nhất là làm việc bất hợp pháp và thứ hai là lưu trú tại Thái Lan bất hợp pháp.
Cho nên nếu có hộ chiếu sống mà anh không làm việc, anh đi lại ngoài đường thì vẫn được gọi là người hợp pháp, và mình chỉ bị bắt khi mình đang làm việc. Nhưng mà nếu hộ chiếu chết rồi mà mình đi lòng vòng ngoài đường thì mình cũng có thể bị bắt cho dù mình không làm việc.”
Linh mục An Tôn Lê Đức cho biết thêm về một thực tế lâu nay:
“Nếu mà người cảnh sát bắt người bất hợp pháp với lý do là ‘muốn thi hành luật pháp’ thì người đó sẽ đưa người bị bắt đến sở di trú, rồi sau đó lập biên bản, rồi chờ ra tòa, hoặc vào tù.
Còn nếu người cảnh sát đó chỉ muốn lợi dụng cơ hội để kiếm tiền người Việt Nam thì ‘đôi khi’ họ sẽ nhận hối lộ trên đường phố rồi sau đó thả cho người Việt Nam đi và xem như không có chuyện gì xảy ra.”
Tuy vậy nếu mang hộ chiếu chết những người lao động tại Việt Nam có thể sẽ bị cảnh sát Thái bắt giam, bị trục xuất về nước và rất khó để quay lại Thái Lan.
Chị Phượng, một người lao động bất hợp pháp tại Thái Lan chia sẻ:
“Công an bắt được thì có thể ngồi tù, nếu mà về Việt Nam làm hộ chiếu để sang Thái thì cũng không sang được.”
Cơ hội làm việc tại Thái Lan là rất ít
Việc không được đi gian hạn hộ chiếu tại các cửa khẩu đã bị ngưng, và chưa có bất kỳ thông tin nào về việc các cửa khẩu này tiếp tục chấp nhận việc gia hạn hộ chiếu cho người lao động nước ngoài tại Thái Lan.
Anh Bảo buồn bã nói:
“Họ cho về đã, nhưng họ chưa nói thời gian nào sẽ mở lại, cái này thiệt thòi cho người Việt Nam mình lắm. Người Hà Tĩnh, Nghệ An và Thanh Hóa ở bên này rất nhiều.”
Linh mục An Tôn Lê Đức chia sẻ thêm về việc Thái Lan và Việt Nam đang đàm phán về việc đăng ký lao động cho công nhân Việt Nam. Tuy nhiên sự kiện này đã bị hoãn lại vào ngày 1/9/2015 vừa qua:
“Theo những gì được biết, chính phủ Thái Lan và chính phủ Việt Nam vẫn đang còn trong quá trình đàm phán và cân nhắc những điều kiện. Vừa rồi, đáng ra là ngày 1/9/2015 sẽ được đăng ký lao động, nhưng những điều kiện bên Thái Lan đưa ra nó hơi khắt khe và hạn hẹp cho nên bên Việt Nam không có thuận lợi cho những công nhân Việt Nam nên đã yêu cầu chính quyền Thái Lan cân nhắc lại. Và bên Thái Lan quyết định sẽ hoãn lại ngày 1/9/2015 và không cho đăng ký lao động. Đến bây giờ thì họ vẫn chưa thông báo đến khi nào sẽ cho đăng ký lao động.”
Theo nguồn tin không chính thức, nếu chính phủ Thái Lan và Việt Nam ký kết hợp tác lao động, thì người Việt Nam sẽ có hai cách để làm giấy phép lao động. Thời gian đầu sẽ cho phép những người đã đến Thái Lan với hộ chiếu hợp pháp và những người chưa đến Thái Lan cũng được đăng ký giấy phép lao động.
Tuy nhiên, thủ tục làm giấy phép lao động như thế nào thì vẫn chưa được tiết lộ và thời gian nào thì được làm vẫn đang là dấu hỏi lớn cho gần 50.000 công nhân Việt Nam đang lao động tại Thái Lan. Và hiện tại, 50.000 công nhân Việt Nam đang phải đối mặt với nguy cơ bị trục xuất về nước bất cư lúc nào. - RFA
|
|
6.
Quốc hội Việt Nam gián tiếp xác nhận "chấp nhận công đoàn độc lập"?
Trên một tờ báo mạng Việt Nam cách đây hai ngày xuất hiện một bài báo đáng chú ý mang tựa đề "Chúng ta chỉ còn hai lựa chọn, mở cửa hay là chết". Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội khi trả lời phỏng vấn đã hé lộ việc Việt Nam đã vượt qua được các điều kiện về công đoàn và lao động, khi kết thúc đàm phán song phương TPP với các nước, đặc biệt là Hoa Kỳ.
Như vậy có thể hiểu là Hà Nội đã nhượng bộ về vấn đề công đoàn độc lập khi thương lượng Hiệp định Đối tác Chiến lược xuyên Thái Bình Dương, tuy không tuyên bố chính thức? Sự kiện này có liên hệ gì với việc Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được đón tiếp trọng thể tại Mỹ trong chuyến công du hồi tháng Bảy hay không?
RFI Việt ngữ đã đặt câu hỏi này với nhà bình luận Phạm Chí Dũng ở Saigon.
RFI : Thân chào nhà bình luận Phạm Chí Dũng. Thưa anh, ngày 10/09/2015, báo điện tử Vietnamnet đã đăng bài phỏng vấn Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Đức Kiên về vấn đề "lao động khi tham gia các FTA" - một khía cạnh rất thường bị Việt Nam xem là "nhạy cảm" hoặc thậm chí bị gán ghép "diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch". Anh có ấn tượng gì về bài phỏng vấn này?
Nhà bình luận Phạm Chí Dũng: Đây là bài phỏng vấn cần được dư luận đặc biệt lưu ý, vì nếu tôi nhớ không lầm, đây là lần đầu tiên một quan chức có trách nhiệm của Việt Nam công khai một số thông tin về tiến trình hình thành tổ chức công đoàn độc lập ở Việt Nam, liên quan trực tiếp đến quá trình Việt Nam đàm phán đa phương và song phương với các nước khác về Hiệp định TPP. Còn trước đây, mọi thông tin về công đoàn độc lập hầu như không tồn tại trên mặt báo chí nhà nước.
Việt Nam đã chấp nhận công đoàn độc lập?
RFI : Theo cách nhìn của anh, ông Nguyễn Đức Kiên đã công khai vấn đề gì đáng lưu ý nhất?
Nội dung đặc biệt nhất trong toàn bộ bài phỏng vấn là câu trả lời của ông Nguyễn Đức Kiên: "Chúng ta cam kết thế, phải luật hóa các cam kết đó, và phải thực hiện 24 tiếng sau khi phê chuẩn TPP" cho câu hỏi của phóng viên "Theo thông tin của ông, Việt Nam có được hưởng ân hạn trong cam kết về công đoàn và lao động hay không?"
Khái niệm "công đoàn và lao động" mà phóng viên hỏi chính là yêu cầu bắt buộc về sự hình thành tổ chức công đoàn độc lập, là một trong những điều kiện then chốt của TPP nếu phía Việt Nam muốn tham gia hiệp định này. Câu trả lời của ông Nguyễn Đức Kiên đã gián tiếp xác nhận rằng Nhà nước Việt Nam đã chính thức chấp nhận và cam kết điều kiện cho thành lập tổ chức công đoàn độc lập (hay "công đoàn cơ sở" theo cách gọi né tránh của Việt Nam) sau khi hoàn tất đàm phán song phương với các nước, đặc biệt với phía Hoa Kỳ.
Nhưng điều thú vị của bài phỏng vấn này là còn gợi ra cho độc giả một kỹ thuật đọc báo theo cách "đọc câu hỏi", hoặc nói cách khác là "thông tin không nằm trong câu trả lời mà trong chính câu hỏi". Kỹ thuật đặt câu hỏi vừa khéo léo vừa mang tính gợi mở của phóng viên đã cung cấp những thông tin đắt giá cho độc giả, mặc dù người trả lời phỏng vấn mà vì lý do tế nhị nào đó đã không thể trả lời trực diện toàn bộ các vấn đề.
Câu hỏi vừa nêu của phóng viên đã gián tiếp xác nhận một vấn đề quan trọng không kém là không có thời gian ân hạn, nói cách khác là độ trễ muộn, dành cho việc thực hiện công đoàn độc lập khi vào TPP. Còn trước đây, chỉ có một số tin tức không chính thức cho biết phía Việt Nam đề nghị thời gian ân hạn thực hiện công đoàn độc lập là 5 năm, tương đương với thời gian ân hạn đề nghị để cải tổ doanh nghiệp nhà nước để được quốc tế công nhận là "kinh tế thị trường đầy đủ".
RFI: Từ cuối năm 2014 và sang quý I năm 2015, khi diễn ra chuyến làm việc của Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang tại Washington, có phải đã bắt đầu xuất hiện những thông tin không chính thức và vài tín hiệu nào đó, về khả năng phía Việt Nam chấp nhận công đoàn độc lập?
Đúng như vậy, có những tín hiệu đã xuất hiện từ cuối năm ngoái và đầu năm nay. Vào cuối tháng 8/2014, tức chỉ ít ngày sau chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Ủy ban Châu Âu, Manuel Barroso, một sự kiện có vẻ khá "bất ngờ" là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức hội thảo "Việc làm, quan hệ lao động và hoạt động công đoàn khi Việt Nam gia nhập Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-châu Âu (EVFTA)" tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Ấn tượng lớn nhất của cuộc hội thảo này là sự đề cập "Hai hiệp định này có nhiều nội dung mang tính phi thương mại như quyền của người lao động, các tổ chức xã hội dân sự, tiêu chuẩn lao động, tự do hiệp hội-công đoàn… đặt ra yêu cầu các nước tham gia phải thực thi các nguyên tắc và quyền cơ bản tại nơi làm việc theo tuyên bố năm 1998 của Tổ chức lao động quốc tế".
Chúng ta hoàn toàn có thể hiểu là vấn đề tự do hiệp hội và tự do công đoàn của hội thảo này chính là "tự do lập hội" và "công đoàn độc lập". Cũng tại hội thảo này, chi tiết đáng chú ý là ông Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), cho biết vấn đề tự do hiệp hội-công đoàn cũng là những hiệp định đòi hỏi các quốc gia khi tham gia phải có những điều chỉnh lớn về chính sách, pháp luật lao động-công đoàn.
Còn vào đầu năm 2015, Hoa Kỳ bất chợt sôi nổi hẳn và mời ông Trần Đại Quang đi Mỹ. Chuyến đi này mang mục đích quan trọng nhất là chuẩn bị cho chuyến công du Washington của ông Nguyễn Phú Trọng - Tổng bí thư (TBT) đảng Cộng sản Việt Nam. Vào thời điểm đó, dư luận và cả giới quan sát có vẻ bất ngờ trước động thái nhiệt tình của Mỹ cùng sự đáp ứng không mấy ngần ngại của Việt Nam.
RFI : Không những không ngần ngại mà ông Nguyễn Phú Trọng còn tỏ ra khá thoải mái và tự tin khi gặp Tổng thống Obama tại Phòng Bầu dục vào tháng 7/2015. Liệu thái độ ấy có liên quan gì đến bài nói chuyện khá mạnh bạo của ông Obama tại Nhà máy Nike vào tháng 5/2015 về chủ đề lao động và công đoàn độc lập cho Việt Nam?
Tôi cho là cách nói có nét tuyên bố khẳng định của ông Obama về công đoàn độc lập cho Việt Nam là có cơ sở, còn khi đặt chân lên đất Mỹ, ông Trọng cũng đã thừa hiểu Việt Nam đã phải "trả giá" đến mức nào để được tiếp hết sức trân trọng tại Phòng Bầu dục.
Chúng ta hãy nhớ lại là vào ngày 08/05/2015, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã hiện diện tại trụ sở công ty Nike (Portland, Oregon), với một bài phát biểu rất đặc biệt, không phải dành cho nước Mỹ mà chính Việt Nam.
Lần đầu tiên, ông Obama dùng thể khẳng định trong đoạn phát biểu để nêu ra vấn đề Công đoàn độc lập: "Lần đầu tiên, Việt Nam sẽ phải để cho người lao động tự do thành lập công đoàn bảo vệ quyền lợi. Điều này cũng sẽ tạo ra sự thay đổi".
Một khả năng có thể là phát biểu của Tổng thống Mỹ được căn cứ trên cơ sở một văn bản nào đó chưa công bố giữa Việt Nam và Mỹ với cam kết của Nhà nước Việt Nam sẽ chấp thuận thực hiện công đoàn độc lập ở Việt Nam.
Tại thời điểm đó, theo một nguồn tin đáng tin cậy mà tôi có được, phía Việt Nam hầu như đã chấp nhận điều kiện hình thành công đoàn độc lập do phía Mỹ nêu ra. Cụ thể, công đoàn độc lập sẽ được cho phép ra đời và hoạt động tại cấp cơ sở là các doanh nghiệp (chưa rõ doanh nghiệp thuộc thành phần nào - nhà nước, tư nhân hay đầu tư nước ngoài). Hai vấn đề mà nói theo ngôn ngữ ngoại giao "vẫn còn những điểm khác biệt" mà phía Việt Nam chưa đồng ý là tính liên kết của các tổ chức công đoàn độc lập giữa các doanh nghiệp với nhau, và tính quan hệ quốc tế của công đoàn độc lập tại Việt Nam với các tổ chức lao động, nghiệp đoàn quốc tế.
Ngay sau lời phát biểu của Tổng thống Obama về chủ đề công đoàn độc lập ở Việt Nam, đã xuất hiện một luồng dư luận cho rằng bắt đầu hé lộ khả năng TBT Trọng sẽ được tiếp bởi tổng thống Mỹ.
Đến ngày 13/5/2015 thì sự việc đã khá rõ ràng. Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam - Ted Osius - xuất hiện trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) trong cuộc trả lời phỏng vấn xoay quanh kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ và tương lai Mỹ-Việt. Song chi tiết được dư luận đặc biệt chú ý trong bài trả lời phỏng vấn của Ted Osius là: "Chúng tôi sẽ đón tiếp TBT Nguyễn Phú Trọng với những nghi thức cấp cao nhất".
Đến khi đó, phương trình đa ẩn số đã được giải mã cơ bản. Bất chấp nhiều đồn đoán và dự đoán về việc ông Nguyễn Phú Trọng sẽ không được Tổng thống Mỹ tiếp, hoặc có được tiếp thì chỉ theo nghi lễ rất thông thường do ông Trọng không phải nguyên thủ quốc gia, "nghi thức cấp cao nhất" mà đại sứ Mỹ xác nhận đã đưa vai trò của Tổng bí thư Việt Nam và đoàn tùy tùng "nâng lên một tầm cao mới".
RFI : Theo anh, thỏa thuận ý nghĩa nhất mà hai quốc gia Mỹ và Việt Nam đạt được trong chuyến công du của TBT Trọng là gì?
Trước khi ông Trọng đi Mỹ, những thông tin chính thức và không chính thức vẫn đề cập đến những chủ đề chính trong nghị sự là TPP, hợp tác quốc phòng và nhân quyền. Nhưng chẳng mấy người nhắc đến công đoàn độc lập. Khi đó, TPP vừa vượt qua được cửa ải Lưỡng viện Mỹ về quyền đàm phán nhanh (TPA) và người ta xem TPP là lĩnh vực có thể dễ được thỏa thuận nhất giữa Việt Nam và Mỹ, nhất là khi cuộc hội đàm cấp bộ trưởng các nước về TPP trong tháng 7/2015 được coi là "cuối cùng".
Nhưng té ra cuộc hội đàm ấy kết thúc có phần bế tắc, dù theo Đại diện thương mại Mỹ Michael Froman thì đã giải quyết được đến 98% các bất đồng trong đàm phán. Trong khi đó, vấn đề hợp tác quốc phòng Mỹ và Việt Nam vẫn chỉ tạm dừng lại ở cơ chế "giao lưu hải quân" - theo những tin tức được công khai. Còn nhân quyền mới đáng thất vọng, nhất là khi trong dịp lễ Quốc khánh 2/9, chính quyền Việt Nam đã không đặc xá cho bất kỳ tù nhân chính trị nào, cho dù con số được đặc xá năm 2015 là chưa từng có - hơn 18.000 phạm nhân.
Rốt cuộc, chỉ còn lại vấn đề có thể ít được hy vọng nhất là công đoàn độc lập, thì lại trở thành một trong những kết quả lớn nhất cho chuyến công du Mỹ của TBT Trọng. Theo tôi, chính kết quả này, đạt được từ trước khi ông Trọng đặt chân lên Wshington, đã giải thích vì sao ông Trọng được phía Mỹ đón tiếp trân trọng đến vậy.
Quyền tự do lập hội cho mọi người dân Việt Nam
RFI: Công đoàn độc lập được chấp nhận hình thành sẽ mở ra cho dân chủ Việt Nam triển vọng ra sao?
Còn hơn cả lĩnh vực tù nhân lương tâm, công đoàn độc lập mang tính bao trùm về quyền lập hội của công nhân và do đó là công dân. Tất cả những gì đã được hứa hẹn, và cả hiến định từ tận Hiến pháp 1992, về quyền tự do lập hội của công dân nhưng cho tới nay vẫn chưa được thực thi, sẽ có cơ hội hiện thực hóa dần. Vào đầu năm nay, "bỗng dưng" Quốc hội Việt Nam đưa ra dự thảo Luật về hội là vấn đề vẫn còn bị coi là rất nhạy cảm chính trị, cho dù cho tới nay xã hội dân sự ở Việt Nam đã hình thành và đã tồn tại gần ba chục tổ chức hội đoàn độc lập.
Khi trả lời câu hỏi "những cam kết về lao động và công đoàn trong TPP cũng chỉ là lặp lại những cam kết của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) mà Việt Nam là thành viên" của báo Vietnamnet, ông Nguyễn Đức Kiên cũng đã trở thành quan chức đầu tiên của VN tiết lộ một sự thật ít người biết:
"Việt Nam trở thành thành viên của ILO năm 1998 sau khi đạt được thỏa thuận lùi thời gian thực hiện lại, tức có lộ trình. Có 13 công ước của ILO, trong đó, chúng ta đã và đang thực hiện 8, và 5 chưa thực hiện.
Có hai công ước quan trọng nhất. Thứ nhất là Công ước 87 về quyền tự do lập hội của người lao động ở cơ sở, hay nói nôm na là quyền lập công đoàn cơ sở. Một nhà máy có thể có nhiều công đoàn, như công đoàn công chức, công đoàn công nghiệp, công đoàn hóa chất, hay thậm chí là hội thợ may quê Nghệ An… Người lao động được tự do gia nhập các tổ chức ấy, hoặc là họ tự lập ra một tổ chức và chính quyền phải chấp nhận. Họ có quy chế, có đăng ký, và các tổ chức ấy được đối xử bình đẳng. Thứ hai là Công ước 107, khi công đoàn tập hợp được trên 50% người lao động thì họ có quyền liên kết lại để ký với chủ thỏa ước lao động; và nếu cần, họ có thể đình công, hay kêu gọi đình công hợp pháp. Công đoàn này có thể hỗ trợ công đoàn khác. Họ liên kết ngang, liên kết dọc".
Chúng ta có thể hiểu những quy tắc mà ông Kiên dẫn lại cũng sẽ là những nội dung mà các tổ chức công đoàn độc lập của công nhân Việt Nam có thể thực hành trong những năm tới. Ông Kiên còn chi tiết hóa thêm thế này: "Cố vấn pháp luật của một đoàn đàm phán ngồi riêng nói với chúng tôi, tại sao các ngài cứ lo về cái điều mà chúng tôi có bắt các ngài làm ngay sáng hôm sau đâu. Cam kết ở đây là để các ngài xây dựng luật, phù hợp với các hệ thống luật khác của các ngài.
Các ngài có thể đồng ý cho công nhân thành lập công đoàn, nhưng các ngài quy định, người đứng ra thành lập công đoàn cơ sở đó phải 25 tuổi trở lên; phải làm việc trong doanh nghiệp đó ít nhất 3 năm; không có tiền án, tiền sự; có gia sản ít nhất bằng này, vì có gia sản mới lấy tiền đó đi hoạt động được, mà không phải lấy đóng góp từ người lao động. Xong 4 điều kỹ thuật đó, lại quy định tiếp là người đó phải lấy được ít nhất 10% ý kiến của người lao động ở doanh nghiệp, họ ký vào đây đồng ý, thì Nhà nước mới cho ông lập".
Nói tóm lại, sự chấp nhận của chính quyền Việt Nam về công đoàn độc lập chính là thắng lợi lớn lao của cuộc vận động không mệt mỏi trong những năm qua, của các tổ chức nhân quyền trong nước và đặc biệt là của người Việt hải ngoại, cũng là một thành công nho nhỏ trên bàn đàm phán của Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu với Nhà nước Việt Nam.
Câu cuối trả lời phỏng vấn của ông Nguyễn Đức Kiên là lời trần thuật rất tâm trạng: "Nói thực ra là nhiều người Việt Nam cũng nghĩ đến điều này…". Ông ấy giải thích thêm: "Nếu Đảng và các tổ chức chính trị xã hội đi cùng không tự vươn lên, không trở thành thỏi nam châm để thu hút người lao động, thì người lao động họ sẽ tách ra và đi theo guồng máy của lực hút khác. Những thách thức đó còn khốc liệt hơn nhiều, thách thức toàn diện, không chỉ trên lĩnh vực kinh tế mà sang cả chính trị…".
Tôi cho rằng ông Kiên đã nói ra một sự thật trần trụi. Đã khá muộn nhưng vẫn còn hơn không. Đảng cầm quyền ở Việt Nam phải thay đổi cách nghĩ, đừng cho rằng cứ có công đoàn độc lập là sẽ tái hiện Công đoàn Đoàn kết ở Ba Lan để lật đổ chế độ. Mà công đoàn độc lập thật ra chỉ là một thứ quyền đương nhiên và mưu sinh của người dân.
RFI: Nhưng muốn thực thi công đoàn độc lập cho công nhân thì lại phải chờ kết quả đàm phán TPP?
Tất nhiên là như vậy. Nhưng tôi cho rằng đàm phán TPP chỉ còn là vấn đề thời gian. Có thể sẽ diễn ra một cuộc đàm phán "cuối cùng" theo đúng nghĩa của cấp bộ trưởng các nước vào tháng Chín này, hoặc cũng có thể muộn hơn một chút, nhưng khó mà kéo dài sang năm 2016. Tiến độ có thể nhìn thấy là nếu đàm phán TPP kết thúc trong năm 2015 thì Quốc hội Mỹ sẽ xem xét bản thảo đàm phán trong nửa đầu năm 2016, và căn cứ vào kết quả đạt được hay vi phạm về nhân quyền của chính quyền Việt Nam mà Quốc hội Mỹ sẽ ‘yes’ hay ‘no’ đối với TPP Việt Nam.
Bao nhiêu phần trăm cho "kịch bản Miến Điện"?
RFI: Trước đây anh vẫn hàm ý có khả năng xu hướng dân chủ hóa ở Việt Nam có thể phần nào đó biến diễn theo cách của Miến Điện. Những gì mà Việt Nam đang cải cách có thực chất không?
Cải cách khung luật pháp là điều kiện lớn của TPP và của Mỹ lẫn Tây Âu. Từ cuối năm 2014, Quốc hội Việt Nam bắt đầu hé lộ ý định "sẽ ban hành các luật Trưng cầu ý dân, Luật về hội".
Sang năm 2015, Việt Nam bắt đầu "điều chỉnh" các luật Hình sự (sửa đổi), Luật Tín ngưỡng và Tôn giáo, và các dự Luật về hội, Luật tiếp cận thông tin. Hiện tượng này gần như tương tự với Miến Điện vào những năm 2012-2013, khi Tổng thống Thein Sein ban hành các luật về tự do lập hội, tự do báo chí và luật biểu tình. Đồng thời tiến hành thả đại trà đến hơn 300 tù nhân chính trị, thậm chí thả cả người bị kết án đến hơn 100 năm tù.
Chính vì những cử chỉ thành tâm này mà vào cuối năm 2012, Tổng thống Mỹ Obama đã lần đầu tiên công du Miến Điện, kéo theo làn sóng xóa nợ lên đến 6 tỉ USD cho Miến Điện từ các quốc gia Đức, Nhật Bản, Na Uy, Câu lạc bộ Paris…
Nhưng còn ở Việt Nam thì khác hẳn. Cho tới nay khung luật pháp vẫn chỉ được điều chỉnh mang tính đối phó, các dự luật Tín ngưỡng, Tôn giáo và lập hội tràn ngập từ ngữ "xin-cho", còn dự luật Hình sự sửa đổi thì thật ra chẳng sửa đổi gì hết. Vì những điều khoản bị cộng đồng quốc tế lên án là mơ hồ và dễ bị lạm dụng như điều 79 (lật đổ chính quyền), điều 88 (tuyên truyền chống chế độ), điều 258 (lợi dụng quyền tự do dân chủ) vẫn được giữ nguyên mà chỉ thay đổi vị trí và cách đánh số trong dự luật mà thôi.
RFI : Câu hỏi cuối cùng: nếu có thể lượng hóa, anh thấy Việt Nam đang và sẽ thay đổi ứng với kịch bản Miến Điện ra sao?
Cần nói chân thành rằng kịch bản Miến Điện không mang mục tiêu lật đổ hoặc thay thế hoàn toàn chính thể cầm quyền, mà diễn ra một cách êm thấm theo xu hướng dân chủ hóa từng giai đoạn và tránh đổ máu - là kịch bản mà giới quan chức chính quyền Thein Sein có lẽ cũng không mong gì hơn.
Và tôi cũng cho rằng trong thế bế tắc chính trị, kinh tế và xã hội ở Việt Nam, hiện nay tỉ lệ quan chức trung - cao tuy không dám nói ra nhưng mong đợi Việt Nam sẽ thay đổi theo cách của Miến Điện không phải là nhỏ. Đơn giản đó là cách để kìm giữ quyền lực và tài sản một cách hữu hiệu nhất, còn không thì rất có thể sẽ mất trắng nếu dân chúng nổi loạn. Một cách nào đó, tỉ lệ này phản ánh cho tỉ lệ đến 85% người Việt Nam ủng hộ quan hệ của Việt Nam với Hoa Kỳ và chỉ hơn 10% thích Trung Quốc - như một bản khảo sát dư luận vào giữa năm 2015 của Trung tâm nghiên cứu Pew - Hoa Kỳ.
Hồi trước còn có quan điểm cho rằng "theo Mỹ mất đảng còn nước", nhưng bây giờ khi phía Mỹ đã tuyên bố tôn trọng triết lý chính trị của chính thể Việt Nam, có lẽ phải điều chỉnh lại đôi chút: theo Mỹ còn nước và còn cả đảng, nếu đảng đó biết đặt Tổ quốc lên trên hết.
Sau chuyến công du Hoa Kỳ của TBT Trọng được giới tuyên giáo đảng cho là "thành công lịch sử và vượt hơn cả mong đợi", tôi cho rằng việc chính thể Hà Nội chấp nhận định chế công đoàn độc lập mà không còn quá lo lắng về tiền lệ Công đoàn Đoàn kết ở Ba Lan những năm 80 của thế kỷ trước, cho thấy đã có một sự chuyển đổi không quá nhỏ về tư duy não trạng.
Nếu sau chuyến công du Mỹ vào năm 2013 của ông Trương Tấn Sang - Chủ tịch nước, tôi còn thận trọng đánh giá tỉ lệ tương ứng với kịch bản Miến Điện mới đạt chỉ khoảng 3-4%, thì sau chuyến đi Mỹ của TBT Trọng, có vẻ như tỉ lệ này đã lên đến 10%. Còn sau khi thông tin về công đoàn độc lập được Nhà nước Việt Nam chấp nhận, dù thông tin này chỉ mang tính gián tiếp qua một quan chức Quốc hội, tôi cho rằng tỉ lệ tương ứng kịch bản Miến Điện cho trường hợp Việt Nam đang đạt đến 15%.
Chúng ta có thể hy vọng và đã có một ít cơ sở để hy vọng vào triển vọng này. Thậm chí nếu sau đại hội 12 của đảng cầm quyền vào đầu năm 2016 mà xuất hiện một gương mặt Tổng bí thư cởi mở hơn, xác suất tái hiện kịch bản Miến Điện còn cao hơn.
RFI: Nếu Thụy My nhớ không lầm, thì năm ngoái khi trả lời RFI anh cũng đã có đặt vấn đề là người Mỹ dường như đang bắt tay giới bảo thủ Hà Nội. Bây giờ có vẻ như nhận định đó càng được củng cố thêm phải không thưa anh. Xin cảm ơn nhà bình luận Phạm Chí Dũng ở Saigon đã vui lòng nhận trả lời phỏng vấn của RFI Việt ngữ. - RFI
No comments:
Post a Comment