Thursday, September 17, 2015

Tin Cập Nhật Thứ Năm 17/9

Tin Thế Giới

1.
Ẩu đả ở thượng viện Nhật vì luật an ninh --- Biểu tình phản đối dự luật an ninh trước Quốc hội Nhật Bản

Ẩu đả xảy ra bên trong thượng viện Nhật trước khi có cuộc bỏ phiếu về kế hoạch mở rộng vai trò của quân đội Nhật.

Dự luật, do Thủ tướng Shinzo Abe thúc đẩy, muốn thay đổi hiến pháp để quân đội được bảo vệ đồng minh ở hải ngoại, dù Nhật không bị tấn công.

Hạ viện đã thông qua luật này.

Sáng thứ Năm, các nghị sĩ đối lập đã khăng khăng đòi ngừng tranh luận.

Nhiều nghị sĩ đã bao vây chủ tịch ủy ban an ninh Yoshitada Konoike khi ông này mở đầu tranh luận, để giật giấy của ông.

Phiên họp tối thứ Tư đã phải hủy giữa chừng vì phe đối lập ngăn lối vào một căn phòng nơi Thủ tướng Shinzo Abe và bộ trưởng đang ngồi chờ thảo luận dự luật.

Giới quan sát dự đoán dự luật vẫn sẽ được thượng viện thông qua vì liên minh cầm quyền chiếm đa số tại đây.

Tuy vậy, các thăm dò dư luận liên tục cho thấy đa số người dân Nhật chống lại thay đổi.

Đêm thứ Tư, hàng ngàn người đã tụ tập bên ngoài quốc hội để phản đối. - BBC

***
Hàng ngàn người biểu tình bên ngoài trụ sở quốc hội Nhật ngày hôm nay, và bên trong nghị viện, các dân biểu đối lập lớn tiếng phản đối và xô xát với những dân biểu thuộc liên minh đương quyền do Đảng Tự do Dân chủ lãnh đạo. Theo tường thuật của thông tín viên Brian Padden của đài VOA ở Seoul, dự luật an ninh gây nhiều tranh cãi dự kiến sẽ được thông qua vào ngày mai để cho phép quân đội Nhật nắm giữ một vai trò lớn hơn trong việc bảo vệ an ninh khu vực.

Trong lúc các nhà lập pháp Nhật chuẩn bị biểu quyết về những dự luật an ninh gây nhiều tranh cãi, hàng ngàn người chống đối thuộc phe chủ hoà đã ra sức vận động để chống lại việc cho phép Lực lượng Tự vệ được chiến đấu ở nước ngoài lần đầu tiên kể từ Thế chiến Thứ hai.

Những dự luật này, theo dự liệu, sẽ được thông qua vào ngày mai, nhưng sự chống đối của công chúng đã gia tăng trong vài tháng nay giữa lúc giới sinh viên dẫn đầu những cuộc biểu tình phản đối trên khắp nước.

Các dự luật an ninh sẽ sửa đổi 10 đạo luật hiện hành và dành cho quân đội nhiều quyền hạn hơn để bảo vệ dân chúng và quyền lợi quốc gia, để tham gia công tác phòng vệ chung và bảo vệ cho các nước đồng minh như Hoa Kỳ.

Thủ tướng Shinzo Abe và những người ủng hộ ông cho rằng Nhật Bản cần chống lại những mối đe dọa từ các nước như Trung Quốc và Bắc Triều Tiên, là những nuớc đang tăng cường sức mạnh quân sự và khả năng hạt nhân của mình.

Những người chống đối cho rằng những dự luật này sẽ vi phạm Điều 9 của bản hiến pháp hậu chiến, theo đó Nhật Bản từ bỏ việc sử dụng sức mạnh tấn công để tiến hành chiến tranh hoặc để giải quyết những vụ tranh chấp quốc tế. Họ cũng nói rằng những dự luật mới sẽ làm cho nước Nhật vướng vào những vụ xung đột quốc tế.

Giáo sư Jeff Kingston, giám đốc chương trình Nghiên cứu Châu Á của Đại học Temple ở Tokyo, cho biết như sau về chủ trương của phe chống đối.

"Hầu hết những người này lo ngại là những luật lệ mới, những luật lệ sẽ huỷ bỏ những sự hạn chế trong hiến pháp đối với quân đội Nhật, sẽ có nghĩa là bằng một cách nào đó, tại một nơi nào đó, vào một lúc nào đó Nhật Bản sẽ bị Mỹ lôi kéo vào chiến tranh và họ cho rằng điều đó sẽ không thật sự làm cho khả năng răn đe của Nhật trở nên mạnh mẽ hơn."

Liên minh của Thủ tướng Abe tại quốc hội có đủ phiếu để thông qua luật mới và dự kiến họ sẽ làm như vậy vào ngày mai, nhưng ông Abe phải trả giá đắt cho thắng lợi này. Những nỗ lực giờ chót để ngăn chận và gây trì hoãn cho cuộc biểu quyết đã làm cho phe chống đối trở nên hăng hái hơn trước và làm cho công luận nghiêng hẳn về phe đối lập. Một cuộc thăm dò mới đây cho thấy 59% những người được hỏi ý kiến phản đối luật mới, trong khi tỉ lệ ủng hộ chỉ có 29%.

Những người thuộc phe chủ hoà hứa sẽ động viên cử tri để đánh bại những nhà lập pháp ủng hộ luật mới trong cuộc bầu cử Thượng viện vào năm sau.

Giáo sư Kingston cho biết trong những cuộc bầu cử trong thời gian qua phe đối lập đã bị chia rẽ và tỉ lệ cử tri đi bỏ phiếu, nhất là trong giới trẻ, đã nằm ở mức thấp.

"Phe bảo thủ được dễ dàng hơn để gây hứng khởi cho những người ủng hộ họ để giành được thắng lợi trong các cuộc bầu cử, trong lúc phần lớn những người khác trên cơ bản đã từ bỏ những sinh hoạt chính trị và không còn quan tâm nữa."

Những hoạt động chống đối các dự luật an ninh đã khởi động lại sự quan tâm của người dân đối với cuộc tranh luận chính trị, ít ra là vào lúc này.

Hoa Kỳ ủng hộ các dự luật cho phép đồng minh Nhật Bản nắm giữ một vai trò tích cực hơn trong công cuộc bảo vệ an ninh khu vực.

Trung Quốc và những nước Châu Á khác từng bị khốn khổ vì sự chiếm đóng của Nhật trong thời Thế chiến Thứ hai tỏ ý lo ngại là những dự luật an ninh này là dấu hiệu cho thấy Tokyo muốn trở thành một cường quốc quân sự một lần nữa.

Giáo sư Kingston cho rằng những vụ phản kháng trong thời gian qua phản ánh một xu hướng chủ hoà mạnh mẽ đã in sâu trong tâm trí người Nhật trong 70 năm nay. - VOA
|
|

2.
Động đất mạnh 8,3 độ ở Chile, 5 người thiệt mạng

Tổng thống Chile Michelle Bachelet cho biết bà sẽ đi tới khu vực duyên hải bị ảnh hưởng nặng nề trong trận động đất mạnh 8,3 độ richter làm 5 người thiệt mạng cũng như khiến giới hữu trách phải ra cảnh báo sóng thần chiều tối qua, 16/9.

Trận động đất có tâm chấn nằm cách thủ đô Santiago khoảng 500 km về phía bắc, và người dân ở tận Buenos Aires, tức nằm ở phía bên kia của Nam Mỹ, cũng có thể cảm nhận được trận động đất.

Nhiều cơn dư chấn đã xảy ra sau đó và để đề phòng bất trắc, nhiều người dân đã phải qua đêm ở ngoài đường.

Cảnh báo sóng thần ở duyên hải Chile vẫn còn hiệu lực, nhiều giờ sau khi giới hữu trách phát cảnh báo.

Nhiều nơi khác ở xa tận Nhật Bản và bang Hawaii của Mỹ cũng chuẩn bị đối phó với sóng thần hoặc các đợt triều cường cao.

Tổng thống Bachelet tối qua cũng đã phát biểu trên truyền hình về trận động đất. Bà nói: “Một lần nữa, chúng ta lại phải đối mặt với cơn thịnh nộ từ thiên nhiên”, gợi nhắc lại trận động đất xảy ra năm 2010 làm 500 người chết và san phẳng nhiều khu vực thuộc thành phố Concepcion.

Nhà cửa đã đổ sập tại thị trấn duyên hải IIIapel gần tâm chấn của trận động đất, và các đường dây điện cũng bị đổ.

Chính quyền thủ đô Santiago đã phải sơ tán sân bay chính ở đây.

Các đợt sóng cao đã dâng lên ở thành phố du lịch Valparaiso. Người dân hoảng loạn chạy lên các sườn đồi sau khi còi báo động sóng thần vang lên.

Trận động đất xảy ra chỉ ít ngày trước khi người dân Chile ăn mừng lễ độc lập vào thứ Sáu này.

Trên Twitter, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby nói rằng Hoa Kỳ “sẵn sàng giúp đỡ nếu cần”. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
Các đối thủ gây áp lực đối với ông Trump trong cuộc tranh luận lần hai

Tỉ phú Donald Trump đã trở thành trọng tâm của sự chú ý và bị chỉ trích kịch kiệt trong cuộc tranh luận lần thứ hai của các ứng cử viên tổng thống năm 2016 của đảng Cộng hòa được tổ chức tối hôm qua tại Thư viện Tổng thống Ronald Reagan ở California. Thông tín viên Đài VOA Jim Malone tường thuật.

Với chiếc máy bay Air Force One của Tổng thống Reagan làm nền ở phía sau, ông Donald Trump ở vào thế thủ, như trong cuộc tranh luận với Thượng nghị sĩ tiểu bang Kentucky Rand Paul.

Ứng cử viên tổng thống Rand Paul nói:

“Sự phản ứng theo bản năng của ông ấy để công kích bề ngoài của mọi người—lùn, cao, béo, xấu xí. Chúa ôi, điều này chỉ xảy ra ở trường trung học. Chúng ta không có cách nào vượt qua việc này sao? Mọi người chúng ta chẳng lẽ không lo ngại là một người như thế lại chịu trách nhiệm về kho vũ khí hạt nhân hay sao?”

Ông Donald Trump đáp trả:

“Tôi chưa bao giờ tấn công ông ấy về dáng vẻ bề ngoài và, hãy tin tôi, có nhiều vấn đề đáng để ý ở đây. Đó là điều tôi có thể nói với các bạn.”

Có một vài đụng độ giữa ông Trump và cựu Thống đốc Florida Jeb Bush, trong đó có vấn đề về thỏa thuận hạt nhân với Iran và chiến tranh Iraq.

Ông Jeb Bush nói:

“Thiếu phán đoán và thiếu hiểu biết về thế giới vận hành như thế nào thì thật là nguy hiểm trong thời điểm này. Đó là phán đoán ông mang đến đây, cho rằng bà Hillary Clinton là một nhà thương thuyết giỏi hay bà có thể mang đến một thỏa thuận tốt hơn đối với Iran sao?

Ông Trump trả lời:

“Và chính quyền của anh ông đã ban cho chúng ta ông Barack Obama, vì 3 tháng cuối cùng đó đã tệ hại đến nỗi ông Abraham Lincoln cũng không thể đắc cử."

Ông Jeb Bush đáp lại:

“Ông nên biết có một điều liên hệ đến anh tôi mà tôi biết chắc: đó là anh ấy giữ cho chúng ta được an toàn.”

Cuộc tranh luận có sự tham dự của bà Carly Fiorina, cựu tổng giám đốc một đại công ty công nghệ. Bà trả lời như sau khi được hỏi về việc ông Trump mới đây đã dè bỉu bề ngoài của bà.

“Tôi nghĩ rằng phụ nữ cả nước đều nghe rõ ràng những gì ông Trump nói.”

Ông Donald Trump trả lời:

“Tôi nghĩ bà có khuôn mặt đẹp và bà là một phụ nữ đẹp.”

Một số ứng cử viên khác cho rằng có quá nhiều lời qua tiếng lại quá đỗi gắt gỏng.

Ứng cử viên tổng thống John Kasich nói:

“Ý tôi muốn nói là mọi người trên cả nước muốn biết chúng ta phải làm gì để thay đổi nơi này.”

Hầu hết các ứng cử viên đều chỉ trích kịch liệt thỏa thuận hạt nhân với Iran của chính quyền Obama.

Ứng cử viên Ted Cruz nói:

“Nếu tôi được bầu làm tổng thống, vào ngày đầu tiên tại chức tôi sẽ hủy bỏ ngay thỏa thuận hạt nhân với Iran đầy rẫy tai họa.”

Tuy nhiên hai ông Jeb Bush và Rand Paul đều nói họ sẽ không xé bỏ thỏa thuận, và ông Paul cảnh báo việc mang quân đến Syria hay trở lại Iraq để đối phó với Nhà nước Hồi Giáo.

Những người khác tham dự tranh luận gồm có Thượng nghị sĩ Florida Marco Rubio, Thống đốc New Jersey Chris Christie, cựu Thống đốc Arkansas Mike Huckabee, Thống đốc Wisconsin Scott Walker và bác sĩ giải phẩu thần kinh Ben Carson. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

4.
Cảnh sát biển Thái nhận bắn tàu cá VN

Cảnh sát biển Thái Lan thừa nhận đã bắn vào tàu cá Việt Nam hôm 11/9 nhưng nói đây là hành động 'tự vệ'.

Các hãng thông tấn đặt tại Bangkok dẫn nguồn chỉ huy cảnh sát biển Hoàng gia Thái Lan nói lực lượng chấp pháp nước này buộc phải nổ súng sau khi tàu cá Việt Nam tìm cách đâm vào tàu tuần tra của họ.

Trong vụ 3 tàu của ngư dân Kiên Giang bị bắn khi đang đánh bắt ở vùng biển gần Vịnh Thái Lan, tài công một tàu chết tại chỗ, hai người bị thương, trong đó có tài công một tàu khác bị thương nặng với xương đùi gẫy nát.

Hai bên đưa ra thông tin khác nhau về vị trí của các tàu cá Việt Nam khi bị tấn công, với phía Thái Lan nói là các tàu này đã xâm phạm hải phận Thái Lan, cách tỉnh Narathiwat 40km và gần Malaysia.

Bản thân phía Việt Nam cũng đưa ra thông tin trái ngược, các kênh chính thống như Truyền hình Việt Nam hay báo Nhân Dân thì nói tàu cá Việt Nam hoạt động ở vùng chồng lấn, trong khi một số báo nhỏ hơn thì nói tàu Việt Nam đã vào hải phận Thái Lan.

Tuy nhiên, hành động bắn súng vào ngư dân bị cho là "vô nhân đạo và trái luật pháp quốc tế".

Hành động tự vệ?

Đây là một trong các trường hợp ít xảy ra khi tàu cá Việt Nam đụng tàu cảnh sát biển Thái Lan tuy việc này thường xảy ra với tàu chấp pháp Trung Quốc ở vùng biển gần Hoàng Sa.

Hãng tin Reuters dẫn lời chỉ huy trưởng Cảnh sát biển Thái Lan, Thiếu tướng Grittapol Yeesakhorn, nói: "Chúng tôi không định giết hại ai cả. Chúng tôi chỉ bắn cảnh báo từ cự ly 100m. Chúng tôi chỉ bắn vào đầu tàu."

"Tàu cá của Việt Nam xâm phạm hải phận Thái Lan, cảnh sát có nhiệm vụ bắt giữ họ."

Đại úy Niwat Shanrai, phó chỉ huy Cảnh sát biển Narathiwat, thì được hãng DPA dẫn lời nói các tàu cá Việt Nam tỏ ra "rất hung hăng".

Ông Niwat cũng nói tàu tuần tra của Thái Lan thuộc loại nhỏ, chỉ có 10 người bên trên.

Báo Thanh Niên đăng hình những viên đạn được nói là nhặt từ các tàu Kiên Giang bị bắn.

Loại đạn này, theo một chuyên gia, là đạn cỡ 7,62x 53r sử dụng cho súng trung liên, có sức sát thương cao. Nếu bắn từ tầm 100m súng này có thể gây tử vong hoặc thương tật.

Vịnh Thái Lan có khu vực chồng lấn lớn giữa ba nước Việt Nam, Thái Lan và Malaysia. - BBC
|
|

5.
Thủ tướng TQ kêu gọi VN duy trì ổn định hàng hải --- ‘Ổn định hàng hải’ hay là 'bánh vẽ'?

Phó Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã hội kiến với Thủ tướng Lý Khắc Cường trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc chiều ngày 16/9 tại Bắc Kinh.

Ông Lý kêu gọi Trung Quốc và Việt Nam duy trì sự ổn định trên biển, tăng cường hợp tác hàng hải và giao lưu văn hóa, nhằm thúc đẩy lòng tin trong quan hệ giữa hai nước.

Ông Lý cho biết, một khảo sát chung bên ngoài Vịnh Bắc Bộ sẽ sớm được tiến hành, đồng thời đề nghị tổ chức Liên hoan Tuổi trẻ Việt-Trung lần thứ 3.

Ngoài ra, Thủ tướng Lý ca ngợi mối quan hệ Trung Quốc-Việt Nam về những trao đổi cấp cao thường xuyên và hợp tác trong ngành hàng hải, đất đai và các vấn đề tài chính.

Thủ tướng Lý nói, hai nước cần tăng cường trao đổi chiến lược, tin cậy và duy trì trao đổi cấp cao, đồng thời cho rằng sáng kiến gọi là “Vành đai và con đường” của Trung Quốc cần phải gắn với kế hoạch “Hai hành lang, một vành đai kinh tế” của Việt Nam, đẩy mạnh công nghiệp hóa và chuyển đổi cơ cấu kinh tế thông qua hợp tác phát triển năng lực.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết mối quan hệ lành mạnh và ổn định với Trung Quốc là ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Việt Nam.

Việt Nam mong muốn cùng giữ gìn sự ổn định hàng hải với Trung Quốc, và thực hiện hợp tác hàng hải, nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác, hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.

Ông Phúc nói thêm rằng Việt Nam đã sẵn sàng để làm việc với Trung Quốc nhằm tăng cường trao đổi cấp cao, thúc đẩy lòng tin và hợp tác, cũng như đẩy mạnh tiến triển mới của nhóm làm việc song phương về hàng hải, đất đai và hợp tác tài chính.

Chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kéo dài từ ngày 15 đến ngày 17 tháng 9.

Ông Phúc cũng sẽ tham dự Hội chợ Thương mại ASEAN lần thứ 12 của Trung Quốc được tổ chức tại Nam Ninh, tây nam Trung Quốc. - VOA

***
Trong cuộc hội kiến hôm 16/9 ở Bắc Kinh, Phó Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã thống nhất rằng ‘sự ổn định hàng hải và hợp tác trên biển là vô cùng quan trọng’. 

“Hai nước cần tăng cường truyền thông và tạo dựng sự tin cậy cũng như duy trì thúc đẩy sáng kiến ‘Một vành đai, một con đường’ của Trung Quốc và ‘Hai hành lang, một vành đai kinh tế’ của Việt Nam. Một cuộc khảo sát chung tại Vịnh Bắc Bộ sẽ ‘được tiến hành càng sớm càng tốt”, Tân Hoa Xã dẫn lời ông Lý nói.

‘Bánh vẽ’

Trong khi đó, báo Giáo dục Việt Nam hôm 17/9 đăng tải ý kiến của tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ: “Không nên có bất cứ ‘sáng kiến’ nào nhằm làm thay đổi hiện trạng của tuyến hàng hải trọng yếu qua Biển Đông, kể cả ‘Con đường Tơ lụa trên biển thế kỷ 21’.

“Nên tính đến việc bảo vệ, tôn trọng các quyền và lợi ích chính đáng của các quốc gia xung quanh Biển Đông hiện đang bị vi phạm nghiêm trọng bởi các hoạt động của Trung Quốc".

"Thông qua các hoạt động này Bắc Kinh muốn giành lấy sự công nhận trên thực tế yêu sách phi lý đang tồn tại trong Biển Đông”, ông Trục được báo này dẫn lời.

Theo ông Trục, tất cả những khẩu hiệu, ‘sáng kiến’ hay chiến lược này cũng như hành động của Trung Quốc trong thực tế đã cho thấy rõ một điều, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đang rất muốn thách thức trật tự khu vực và quốc tế hậu Chiến tranh Lạnh, cả về kinh tế lẫn chính trị, an ninh, mong muốn khẳng định vị thế cường quốc toàn cầu bằng vai phải lứa với Mỹ, thậm chí là tìm cách gạt Mỹ khỏi Biển Đông, mở rộng ảnh hưởng ra châu Á-Thái Bình Dương.

“Chúng ta không nên mơ hồ mất cảnh giác với ba đường băng quân sự dài hơn 3.000 mét Trung Quốc xây bất hợp pháp sắp xong ở Trường Sa có thể cất hạ cánh máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư, máy bay ném bom chiến lược".

"Đó là một mối đe dọa thực sự, trong khi ‘Con đường Tơ lụa trên biển thế kỷ 21’ có thể chỉ là cái bánh vẽ che đậy vụng về cho mục đích quân sự ấy”, báo Giáo dục Việt Nam dẫn lời ông Trục.

‘Con đường Tơ lụa trên biển thế kỷ 21’ và ‘Một vành đai, một con đường’ là ‘sáng kiến’ được ông Tập Cận Bình công bố lần đầu tiên trong chuyến thăm Kazakhstan và Indonesia tháng 9/2013. - BBC
|
|

6.
Kết quả phiên tòa xét xử 12 người chống cưỡng chế đất ở Long An

Mười hai người chống cưỡng chế đất tại huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An bị tòa án đưa ra xét xử sơ thẩm và kết án tù trong phiên xử kéo dài từ ngày hôm qua 15 tháng 9 đến trưa nay 16 tháng 9.

Bản án

Kết quả phiên xử được thông báo cụ thể như sau: bà Mai Kim Hương: 3 năm 6 tháng tù, ông Nguyễn Trung Can (chồng bà Mai Kim Hương) 3 năm, ông Nguyễn Trung Tài 3 năm; ông Mai Văn Tưng 3 năm; bà Phùng Thị Ly 3 năm; ông Phùng Văn Tuân 2 năm; ông Mai Văn Đạt  2 năm; ông Mai Quốc Hẹn 2 năm tù treo, 4 năm thử thách; ông Nguyễn Văn Tôi 2 năm tù treo, 4 năm thử thách; bà Nguyễn Thị Thắng 2 năm 6 tháng tù treo, 5 năm thử thách. Những người này bị kết tội ‘chống người thi hành công vụ’. Còn hai ông Mai Văn Phong 3 năm 6 tháng tù; ông  Nguyễn Trung Linh 3 năm 6 tháng, buộc bồi thường 17 triệu đồng cho người bị thương tích vì bị kết án ‘cố ý gây thương tích’.

Ngay sau khi phiên xử kết thúc, cháu Nguyễn Mai Thảo Vy, con gái của hai ông bà Nguyễn Trung Can và Mai Kim Hương cho biết:

“Mẹ cháu bị 3 năm 6 tháng và ba cháu 3 năm tù giam. Mới đầu mọi người trong gia đình cháu không ai nhận tội nhưng sau một buổi nghỉ trưa không biết họ dùng thủ đoạn gì mà đến chiều mọi người đều nhận tội hết. 

Luật sư bào chữa đúng thực tế, nêu lên việc cưỡng chế hôm đó sai, có xịt pháo cay làm mọi người trong nhà bị tổn hại đến sức khỏe. Nhưng tòa không đề cập gì đến chuyện đó, họ chỉ giải quyết theo họ là gia đình cháu sai, chứ họ không sai. Cháu thấy bản án này oan cho gia đình.”

Con gái của bà Phùng Thị Ly, cháu Dương thị Ngọc Châu cũng trình bày ý kiến về bản án và phiên xử được nói là công khai nhưng bản thân cháu không được vào tham dự tòa:

“Bản án của mẹ là 3 năm tù ở. Theo cháu là quá nặng vì luật sư nói mẹ có thể trắng án, vì khi phát loa để nói lên tâm tư, suy nghĩ của mình cho mọi người biết thì không cấu thành tội ‘chống người thi hành công vụ’. Bản thân cháu thấy rất vô lý vì trong Hiến pháp Việt Nam điều 25 qui định người dân có quyền tự do biểu tình, quay phim, theo dõi chính quyền làm đúng hay sai; nhưng họ ép buộc mình không cho nói; vậy qui định để làm gì!

Mẹ cháu mong có được bản án nhẹ nhàng, thế thôi!”

Theo các luật sư bào chữa cho biết thì 12 dân oan sẽ tiếp tục kháng cáo lên tòa phúc thẩm.

Cưỡng chế lấy đất

Vụ việc được người trong cuộc cho biết diễn ra bảy, tám năm nay rồi. Chính quyền địa phương thu hồi đất của hai gia đình nhưng bồi thường không thỏa đáng. Gia đình đi kiện nhưng vẫn không được giải quyết. Trước lần cưỡng chế vào ngày 14 tháng 4 vừa qua, gia đình của hai ông bà Nguyễn Trung Can-Mai Kim Hương giăng biểu ngữ tuyên bố sẽ ‘quyết tử’ để giữ đất. Thế nhưng lực lượng cưỡng chế vẫn tràn vào và người trong cuộc đã đốt lều tạm giữ đất, ném bom xăng, tạt axit và nổ bình hàn gió đá khiến chừng 20 người trong lực lượng cưỡng chế bị thương từ nặng đến nhẹ.

“Gia đình khiếu kiện đất vì họ nói gia đình cháu lấn sông, lấn lộ; nhưng thực tế gia đình sống ở đây đã rất lâu, từ trước chiến tranh, trước năm 65. Họ nói lấn sông, lấn lộ nên chỉ bồi thường cho gia đình 30 ngàn một mét vuông đất thôi. Sau này do mẹ con tranh đấu, kiện tụng họ tăng lên được 45 ngàn một mét vuông, sau này lên được 300 ngàn một mét vuông. Trong khi đó miếng đất đối diện nhà cháu được qui hoạch thành khu đô thị mới, bây giờ lên đến 22 triệu một mét vuông. Một mét vuông đất nhà con không mua được một phần ngàn miếng đất kia nữa!"

Chuyện dài đất đai

Vụ việc của hai gia đình ông Nguyễn Trung Can-Mai Kim Hương và bà Phùng thị Ly như vừa nêu cũng tương tự rất nhiều trường hợp khác tại các tỉnh thành của Việt Nam lâu nay.

Hiện nay rất nhiều người dân bị chính quyền địa phương thu hồi đất đai, ruộng vườn mà theo họ không đúng luật và bất công. Những người trong cuộc cho biết khoản tiền bồi thường cho họ rất thấp, trong khi đất thu hồi lại được rao bán với giá gấp rất nhiều lần. Điều này khiến họ phẩn nộ và khiếu kiện bao lâu nay vẫn không được cơ quan nào giải quyết.

Một vụ việc gây chấn động dư luận tại Việt Nam là trường hợp cho nổ súng hoa cải và bình ga của gia đình Đoàn Văn Vươn tại Cống Rộc, Tiên Lãng, Hải Phòng vào tháng giêng năm 2012. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kết luận biện pháp cưỡng chế của cơ quan chức năng địa phương là sai; tuy nhiên sau đó hai anh em ông Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Quý vẫn bị bắt, bị tuyên án tù 5 năm mỗi người.

Vào ngày 31 tháng 8 hai anh em ông này được cho ra tù trước thời hạn; tuy nhiên sau khi ra tù ông Đoàn Văn Vươn tuyên bố sẽ tiếp tục theo đuổi những vụ kiện chưa được giải quyết lâu nay về vấn đề đất đầm nuôi thủy sản của gia đình ông.

Một người đấu tranh vì đất đai kiên cường khác là bà Cấn Thị Thêu tại phường Dương Nội, quận Hà Đông. Mới vào tối ngày 15 tháng 9, bà cùng nhiều người dân khác phải ngủ ngay ngoài cổng cơ quan Thanh Tra Bộ Công an để ngày hôm sau được gặp người phụ trách vì ngày trước đó khi đến Bộ Công an họ bị xua đuổi.

Ngay sau khi mãn án 15 tháng tù vào tháng 7 vừa qua, bà Cấn Thị Thêu cũng thẳng thắn cho biết:

“Đối với tôi từ khi bị bắt cho đến nay và kể từ khi ra tòa, lúc họ cho tôi nói lời cuối cùng, tôi cũng đã nói với họ rằng tôi thề còn hơi thở nào tôi vẫn còn tiếp tục đấu tranh để đòi lại đất đai, tài sản của gia đình tôi và của nhân dân chúng tôi. Tôi quyết tâm đấu tranh chống lại quân cướp đất đến cùng. Khi họ gây ra quá nhiều tội ác, đàn áp, đánh đập chúng tôi, chính họ mới là người thúc đẩy lòng căm thù, đấu tranh của chúng tôi vùng lên đấu tranh chống lại họ. Với hiện tại bây giờ không còn gì để sống, nhân dân chúng tôi như nước vỡ bờ quyết vùng lên để đòi lại những gì chúng tôi đã mất.”

Thực tế cho thấy số người bị cưỡng chiếm đất đai phải đi khiếu kiện lên đến các cơ quan trung ương tại Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh ngày một đông.

Nhiều người trong số họ chưa bị đi tù - như trường hợp bị đi tù của bà Cấn Thị Thêu hay anh em bà con nhà Đoàn Văn Vươn. Tuy nhiên có những người bị bắt đi một cách bất minh và sẽ phải ra tòa rồi bị tuyên án tù như 12 người ở Thạnh Hóa, Long An vào ngày 15 và 16 tháng 9 vừa qua chỉ vì dám chống lại lực lượng cưỡng chế bằng lời nói và hành động mạnh mẽ. - RFA

No comments:

Post a Comment