Friday, September 25, 2015

Tin Cập Nhật Thứ Sáu 25/9

Tin Thế Giới

1.
Đức Giáo Hoàng đọc diễn văn tại Đại Hội đồng LHQ --- Đức Giáo Hoàng làm lu mờ Chủ tịch Trung Quốc

Đức Giáo Hoàng Phanxicô hôm nay đọc diễn văn trước các nhà lãnh đạo thế giới tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. Theo tường thuật của thông tín viên Michael Brown của đài VOA, nhà lãnh đạo giáo hội Công giáo dự kiến sẽ tập trung nói tới hai vấn đề biến đổi khí hậu và di dân.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đang có mặt ở New York trong ngày thứ tư của chuyến viếng thăm có tính chất lịch sử đến nước Mỹ.

Nhà lãnh đạo giáo hội Công giáo tới New York hôm thứ Năm sau ba ngày hết sức bận rộn ở Washington và đã làm cho vô số người Mỹ cảm thấy xúc động với những phát biểu, trong đó có bài diễn văn đọc trước lưỡng viện Quốc hội Mỹ.

Bà Terri Thompson, một trong hàng vạn người đã rủ nhau tới Washington để chào đón Đức Giáo Hoàng, cho biết cảm nghĩ như sau.

"Mẹ tôi qua đời cách nay gần 12 năm vì một chứng bệnh hiểm nghèo. Mẹ tôi là một người Công giáo thuần thành và Giáo hội đối với bà là vô cùng quan trọng. Cho nên tôi có cảm tưởng tôi có mặt ở đây cho mẹ tôi và điều này làm cho tôi xúc động vô cùng. Tôi cảm thấy mình có phước hết sức khi được nhìn thấy Đức Giáo Hoàng. Thật là xúc động".

Trong bài thuyết giảng tại Nhà thờ Thánh Patrick ở Washington chiều thứ Năm, Đức Giáo Hoàng đã ngỏ lời chia buồn với những người Hồi giáo sau khi xảy ra vụ giẫm đạp chết người tại lễ Hajj ở Ả rập Xê-út.

"Với những tình cảm gần gũi của tôi trước thảm kịch mà họ đã phải gánh chịu ở Mecca… vào lúc này, tôi xin gởi lời cầu nguyện… Tôi gộp mình làm một với tất cả các anh chị em".

Đức Giáo Hoàng cũng ngỏ lời an ủi tới những người bị đau khổ trong vụ khủng hoảng của Giáo hội Công giáo về vấn đề sách nhiễu tình dục.

Theo lịch trình đã định, vị giáo hoàng 78 tuổi sẽ đọc diễn văn trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc sáng thứ Sáu, rồi tham dự một buổi lễ liên tôn giáo tại Đài tưởng niệm vụ tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9. Đức Giáo Hoàng cũng sẽ đến thăm một trường tiểu học Công giáo ở khu Đông Harlem, nơi đa số cư dân là người da đen và người gốc Châu Mỹ La Tinh, và sau đó sẽ cử hành thánh lễ tại Công viên Quảng trường Madison.

Thứ Bảy, Đức Giáo Hoàng sẽ rời New York để tới Philadelphia, chặng dừng chân chót của chuyến viếng thăm Hoa Kỳ. Tại đây, Đức Giáo Hoàng sẽ dự Đại hội Gia đình Thế giới và cử hành một thánh lễ ngoài trời vào ngày Chủ nhật. - VOA

***
Những hứa hẹn kinh tế của Tập Cận Bình và tấm lòng nhân ái của Phanxicô, báo chí Pháp nghiêng hẳn về Đức Giáo Hoàng khi so sánh hai chuyến viếng thăm diễn ra cùng một thời điểm tại Hoa Kỳ.

La Croix và Le Figaro đều ghi lại: tại Cuba cũng như tại Hoa Kỳ, nơi nào Đức Giáo Hoàng cũng nhấn mạnh đến yếu tố con người, bao dung với những người bất hạnh, những di dân mưu tìm đất sống. Nhật báo Công giáo khẳng định là Giáo chủ Giáo hội Hoàn vũ đã đánh thức lương tâm người Mỹ khi tại Quốc hội ngài kêu gọi các vị dân cử đừng quên và hãy xứng đáng với "giấc mơ nước Mỹ", đừng quên gốc di dân của chính họ đã góp phần xây dựng nên nước Mỹ ngày nay. Qua bốn nhân vật lịch sử, hai người Tin lành và hai người Công giáo: cố tổng thống Abraham Lincoln, biểu tượng của tự do, mục sư Martin Luther King, của quyền bình đẳng, của Dorothy Day vì công bằng xã hội và linh mục Thomas Merton, đối thoại cởi mở, Đức Giáo Hoàng nhắc lại một nguyên tắc vàng trong Kinh thánh: Những gì mình muốn người khác làm cho mình thì mình cũng phải làm cho người khác như vậy. Không cần phải đưa ra một cương lĩnh chính trị, chỉ qua 4 nhân vật lịch sử của Mỹ, Đức Giáo Hoàng kêu gọi bỏ án tử hình, cấm bán vũ khí, tôn trọng công bằng xã hội, bảo vệ gia đình. Đối với Đức Giáo Hoàng, giấc mơ nước Mỹ là cho xã hội một chân trời tươi sáng, một niềm hy vọng.

Theo La Croix tổng thống Mỹ đã cám ơn Đức Giáo Hoàng về "món quà hy vọng" mà ngài đem lại cho thế giới. Chỉ trong một thời gian ngắn, Tòa thánh đã thúc đẩy tiến trình hòa giải Mỹ-Cuba và bản thân Cuba, được sự khuyến khích của Giáo Hội giúp cho hai phe xung khắc tại Colombia, chính phủ và du kích cực tả ký kết hiệp định hòa bình, mà La Croix dành cho hai trang báo.

Cũng trong chiều hướng này, nhật báo cánh hữu Le Figaro đưa ảnh dân biểu Mỹ đứng dậy vỗ tay hoan nghênh những đoạn hay trong bài diễn văn. Khi Đức Giáo Hoàng kêu gọi các dân biểu, nghị sĩ "bảo vệ nhân dân", là ngài muốn thông điệp này đến tai, đến mắt tầng lớp trung lưu, những con người ngày ngày lao động lương thiện để mang về cho gia đình một bữa ăn, để tiết kiệm, từng bước xây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn cho gia đình của mình". Giáo Hoàng La Mã rất hoài nghi thành phần ưu quyền đặc lợi, do vậy ngài đến nơi nào cũng đều tìm cách tiếp xúc trực tiếp "quần chúng bình dân".

Chủ tịch Trung Quốc bị phủ bóng nhưng Boeing nộp mạng miệng rồng

Trong khi nguyên thủ của Nhà nước Vatican bé nhỏ được chú ý như một siêu sao thì chuyến đi thăm nước Mỹ của lãnh đạo cường quốc thứ hai thế giới Tập Cân Bình được mô tả là "bị phủ bóng" cho dù hai người không bao giờ gặp nhau, theo nhận định của nhật báo kinh tế Les Echos.

Về thành công của chủ tịch Tập Cận Bình thu hút Boeing mở một nhà máy tại Trung Quốc, Le Monde trong bài  "nộp mình vào miệng rồng" phân tích: Boeing không thể làm gì khác trước tấm ngân phiếu 38 tỷ đôla, mua 300 máy bay. Tác giả lưu ý là trong cuộc chạy đua vào Trung Quốc, trước Boeing đã có Mc Donell Douglas, nhưng bị thất bại triền miên. Boeing còn bị AirBus bỏ xa một đoạn đường dài, xây một nhà máy tại Thiên Tân từ 2008. Tuy nhiên, Le Monde cảnh cáo: mục tiêu của Trung Quốc khi mời gọi kỹ thuật tây phương từ xe hơi cho đến xe hỏa cao tốc là để phát triển sức mạnh riêng của Trung Quốc.

Do vậy, đừng hy vọng hão huyền chiếm được thị trường hàng không Hoa lục với viễn ảnh 950 tỷ đôla trong tương lai. Nói cách khác, là các tập đoàn công nghiệp hàng không tây phương khi vào Trung Quốc là  "nộp mạng vào hàm rồng".

84% dân Trung Quốc: Bắc Kinh là chế độ tham nhũng

Le Figaro, trong trang tranh luận, có vẻ hoài nghi khả năng vững mạnh của Trung Quốc. Marc Ladreit de la Charrière, chủ nhân tập đoàn tài chính và địa ốc Fimalac của Pháp lý giải trong bài "Tập Cận Bình đi tìm luồng gió mới": Trong khi khẩu hiệu từ nhiều năm nay của chế độ Bắc Kinh là "ổn định" thì chỉ cần tăng trưởng trong tương lai chậm lại thì mọi thành quả tan thành mây khói. Con đường cải cách sẽ rất dài và không là một dòng sông êm ả như Bắc Kinh hy vọng. Liệu Tập Cận Bình có đủ khả năng duy trì được thỏa hiệp bất thành văn với thành phần trung lưu, càng ngày càng đông, tạm thời chấp nhận bị giới hạn tự do chính trị đổi lấy bảo đảm về công ăn việc làm và tăng thu nhập. Tương lai Trung Quốc, theo tác giả, tùy thuộc vào khả năng Tập Cận Bình tái chinh phục được niềm tin. Tính chính đáng của họ Tập sẽ hoàn toàn tùy thuộc vào tỷ lệ tăng trưởng kinh tế hiện đang xuống thấp và cần một xung lực mới từ nước Mỹ.

Thế nhưng, theo nhật báo Les Echos, chuyến công du của ông Tập Cận Bình bị Đức Giáo Hoàng làm lu mờ. Hầu hết ống kính truyền hình chạy theo Giáo chủ Tòa thánh. Trong khi đó, một kết quả thăm dò ý kiến người dân Trung Hoa do Pew Research thực hiện với 3.649 công dân Trung Quốc, công bố chiều thứ tư càng làm xấu đi hình ảnh của nhà lãnh đạo. 84% người dân được hỏi ý kiến cho rằng chính quyền Trung Quốc là một chính quyền tham nhũng. 75% bất bình nạn ô nhiểm môi trường và hố sâu phân cách giàu nghèo. - RFI
|
|

2.
Mỹ-Trung ra tuyên bố chung về khí hậu, một đồng thuận hiếm hoi

Trung Quốc, hôm nay 25/09/2015, sẽ loan báo thành lập một thị trường quốc gia về khí thải carbone trong năm 2017, trong khuôn khổ một tuyên bố chung với Hoa Kỳ nhằm xúc tiến hoàn tất một hiệp ước khí hậu thế giới nhân hội nghị COP21 ở Paris sắp tới.

Tuyên bố chung của hai nguyên thủ sẽ được đưa ra nhân chuyến viếng thăm của Tập Cận Bình tại Nhà Trắng, trong vòng công du Hoa Kỳ bắt đầu từ đầu tuần này.

Đây là một trong những bước tiến hiếm hoi, trong bối cảnh u ám với những bất đồng giữa hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới về vấn đề tin tặc, chính sách kinh tế của Bắc Kinh và tình hình căng thẳng tại Biển Đông.

Hoa Kỳ và Trung Quốc năm ngoái đã có một bước tiến quan trọng khi ấn định mục tiêu giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính từ nay đến sau năm 2020. Washington cam kết cho đến năm 2025 sẽ giảm 26% đến 28% so với năm 2005, còn với Bắc Kinh là đến năm 2030.

Trong tuyên bố, hai nguyên thủ nhấn mạnh đến các biện pháp mới hoặc đã có, chứng tỏ hai nước phát thải nhiều nhất trên hành tinh đóng vai trò nghiêm túc và "sẽ đưa thế giới đến một hiệp ước toàn cầu về khí hậu".

Lần đầu tiên, Trung Quốc sẽ chính thức công bố năm 2017 là năm khởi động một thị trường mua bán khí thải, phục vụ cho mục tiêu đã định. Thị trường này dựa trên kinh nghiệm của bảy thị trường thí điểm ở cấp khu vực, bao gồm những lãnh vực chủ chốt như sản xuất điện, luyện kim, hóa chất và xi-măng.

Hội nghị Liên Hiệp Quốc về khí hậu sắp tới (COP21) sẽ diễn ra từ ngày 30/11 đến 11/12 tại Paris. Liên Hiệp Quốc hy vọng sẽ đạt đến một hiệp ước toàn cầu về giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, giúp duy trì hiện tượng Trái đất bị hâm nóng ở mức 2°C từ nay cho đến cuối thế kỷ. - RFI
|
|

3.
TQ sắp đón tiếp bộ trưởng quốc phòng Asean

Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam cùng người tương nhiệm trong khối Asean sẽ đến Bắc Kinh dự cuộc họp “thúc đẩy tin cậy” vào tháng 10.

Người phát ngôn báo chí Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm 24/9 cho biết cuộc gặp không chính thức giữa Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc và Asean sẽ diễn ra từ 15 đến 16/10.

Lãnh đạo bộ quốc phòng của 10 nước Đông Nam Á và người phụ trách Ban Thư ký Asean sẽ tham dự cuộc gặp.

Trung Quốc nói cuộc gặp nhằm “thúc đẩy sự tin cậy lẫn nhau về chiến lược và hợp tác thiết thực trong lĩnh vực an ninh quốc phòng”.

Đây sẽ là lần đầu tiên Trung Quốc đón tiếp bộ trưởng quốc phòng khối Asean tại Bắc Kinh.

Ý tưởng đã được Phó Tổng tham mưu trưởng Trung Quốc, Đô đốc Tôn Kiến Quốc, loan báo khi ông dự Đối thoại Shangri-La ở Singapore năm nay. - BBC
|
|

Tin Hoa Kỳ

4.
Chủ tịch Quốc hội Mỹ John Boehner sắp từ chức

Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ thuộc Đảng Cộng Hoà John Boehner sẽ từ chức đồng thời từ bỏ chiếc ghế của ông trong Quốc hội Mỹ trước cuối tháng 10, theo các nhà lập pháp và các viên phụ tá làm việc trong văn phòng Chủ tịch Hạ viện cho biết.

Ông Boehner, một dân biểu quốc hội từ năm 1990, hồi gần đây đã bị áp lực từ cánh bảo thủ của Đảng Cộng Hoà của ông về một số vấn đề.

Hôm nay, ông Boehner đã đến dự các buổi họp để tìm cách dàn xếp một giải pháp tương nhượng với các đối thủ có lập trường bảo thủ để có thể tránh các hành động có thể dẫn tới việc đóng cửa phần lớn các hoạt động của chính phủ liên bang vào tuần tới.

Theo hệ thống chính quyền Mỹ, Chủ tịch Hạ viện là nhân vật xếp hạng thứ Hai trong danh sách những nhân vật sẽ lên kế vị để lèo lái con thuyền quốc gia trong trường hợp cả Tổng Thống và Phó Tổng Thống đều lâm vào tình trạng không thể, hoặc đã đánh mất khả năng phục vụ đất nước.

Ông Boehner được các đồng nghiệp của ông trong Đảng Cộng Hoà bầu vào chức Chủ tịch Hạ Viện chưa đầy 5 năm về trước, vào dịp sinh nhật thứ 61 của ông.

Phản ứng sau loan báo từ chức của ông Boehner, ứng cử viên đảng Cộng hòa Jeb Bush ca ngợi sự cống hiến nhiều năm để phục vụ cho công chúng của ông Boeher trên Twitter. - VOA

***
Chủ tịch Hạ viện Mỹ John Boehner sẽ từ chức vào tháng 10.

Ông Boehner đã chịu sức ép từ cánh bảo thủ trong đảng, vốn đã đe dọa làm tê liệt chính phủ vì việc tài trợ cho nhóm y tế phụ nữ Planned Parenthood.

Một trợ lý nói sẽ có “hỗn loạn lãnh đạo kéo dài” nếu ông Boehner còn tại vị.

Tin này loan ra chỉ một ngày sau khi ông Boehner đón tiếp Giáo hoàng Francis tại quốc hội Mỹ.

Ông đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo tháng Giêng 2011, khi đảng Cộng hòa kiểm soát hạ viện.

Nhưng kể từ đó, ông đối diện nhiều lần chống đối.

Nhiều người trong đảng Cộng hòa đang tranh cãi có nên ngừng tài trợ cho nhóm Planned Parenthood.

Tổ chức này bị những người chống phá thai lên án. - BBC
|
|

5.
Vòng đàm phán mới tại Mỹ để đạt thỏa thuận chung cuộc TPP

Mười hai quốc gia tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ họp lại vào cuối tháng Chín tại Hoa Kỳ để cố gắng đạt được thỏa thuận chung cuộc sau nhiều năm thương lượng. Chính quyền Mỹ hôm qua 24/09/2015 thông báo như trên.

Vòng đàm phán mới này giữa các nước châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có Hoa Kỳ và Nhật Bản, sẽ diễn ra tại Atlanta trong hai ngày 30/9 và 1/10. Bộ trưởng Thương mại 12 nước sẽ cố gắng đúc kết được một hiệp định tự do mậu dịch trong khu vực chiếm đến 40% tổng sản phẩm nội địa toàn cầu. Trung Quốc không được mời tham gia TPP.

Cuộc đàm phán trước đây tại Hawai vào đầu tháng Tám được cho là mang tính quyết định, rốt cuộc đã thất bại do bất đồng quan điểm về vấn đề mở cửa thị trường và sở hữu trí tuệ.

Tuần trước Tổng thống Mỹ Barack Obama vốn tích cực đấu tranh cho hồ sơ này, khẳng định cuộc thương lượng sẽ đi đến đích "trong năm nay". Chính quyền Obama mong muốn nhanh chóng ký được TPP để Quốc hội Mỹ có thể thông qua trước khi bước vào chiến dịch tranh cử Tổng thống 2016.

Trước đây ông Obama đã rất vất vả mới thúc đẩy được Quốc hội mà đảng Cộng hòa chiếm đa số thông qua quyền đàm phán nhanh "Trade Promotion Authority" (TPA). Theo đó chính quyền được giao trọn quyền thương lượng, sau đó Quốc hội có thể biểu quyết tán đồng hoặc phản đối toàn bộ hiệp định, chứ không thể sửa đổi các điều khoản.

Ngoài Mỹ và Nhật, các nước tham gia TPP khác thuộc châu Mỹ là Peru, Chile, Canada, Mexico; tại châu Á có Việt Nam, Singapore, Malaysia, Brunei; châu Đại Dương có Úc, New Zealand. Riêng phía Việt Nam dường như đã chấp nhận điều kiện khó khăn nhất trong thương lượng TPP là vấn đề công đoàn độc lập.

Nếu đạt được thỏa thuận TPP, Hoa Kỳ có thể tái thúc đẩy một hiệp định tự do mậu dịch khác với Liên hiệp Châu Âu là TTIP, hiện vẫn đang dậm chân tại chỗ. - RFI
|
|

Tin Việt Nam

6.
Người Việt biểu tình chống Chủ tịch Trung Quốc tại Mỹ

Cộng đồng người Việt tại thủ đô Hoa Kỳ và các vùng phụ cận cùng tham gia với các cộng đồng bạn trong cuộc biểu tình trước Tòa Bạch Ốc hôm thứ Sáu chống Chủ tịch Trung Quốc trong lúc ông Tập Cận Bình hội kiến Tổng thống Barack Obama.

Ban tổ chức cho biết cuộc biểu tình diễn ra vào lúc 10 giờ sáng ngày 25/9 (giờ địa phương) tại công viên Lafayette trước khuôn viên Tòa Bạch Ốc khi cuộc họp giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Trung bắt đầu.

Sự kiện này dự kiến quy tụ sự tham gia của cộng đồng người Việt sinh sống tại thủ đô Washington DC, Virginia, Maryland, Philadelphia, New Jersey cùng với các cộng đồng của người Hoa theo Pháp Luân Công, cộng đồng người Philippines và Tây Tạng tại Mỹ.

Một thành viên trong ban tổ chức, ông Tạ Cự Hải, Chủ tịch Liên hội Cựu chiến sĩ Việt Nam Cộng hòa khu vực Hoa Thịnh Đốn và phụ cận, nói với VOA Việt ngữ:

"Cuộc biểu tình được tổ chức từ sáng tới 11 giờ tối. Sáng bắt đầu từ 10 giờ tới 1, 2 giờ trưa trong khoảng thời gian ông Tập Cận Bình tới Tòa Bạch Ốc. Tới tối, ông Tập có buổi dạ tiệc với Tổng thống Obama cho nên tối chúng tôi có sự kiện canh thức thắp nến. Tất cả đều diễn ra tại Lafayette phía trước Tòa Bạch Ốc".

Về mục đích của cộng đồng người Việt khi tham gia cuộc biểu tình này, ông Hải cho biết:

"Phản đối ông Tập Cận Bình vì muốn bành trướng lãnh thổ bằng cách xâm chiếm Biển Đông của Việt Nam; chống lại chính sách thân thiện giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc; lưu ý cho chính phủ Hoa Kỳ biết rằng Tập Cận Bình có tham vọng Hán hóa vùng Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam".

Những người biểu tình kêu gọi Tổng thống Obama cần có thái độ cương quyết với Trung Quốc nhằm đảm bảo lợi ích và an ninh của Hoa Kỳ cũng như bảo vệ nền dân chủ cho các nước trên thế giới.

Cùng chia sẻ với thông điệp của cộng đồng Việt Nam, các cộng đồng bạn tham gia cuộc biểu tình hôm thứ Sáu cũng muốn bày tỏ sự phản đối trước các động thái giương oai diễu võ của Bắc Kinh tại khu vực cùng điều mà họ gọi là sự cai trị độc đoán và chính sách bách hại tôn giáo, đàn áp nhân quyền của nhà nước Trung Quốc.

Trong số các đề tài gai góc trong cuộc họp thượng đỉnh hôm thứ Sáu của lãnh đạo hai nước Mỹ-Trung có vấn đề Biển Đông, một trong những yếu tố gây bất đồng giữa Washington với Bắc Kinh.

Thời gian gần đây, Trung Quốc ồ ạt tiến hành xây đảo nhân tạo và thiết lập các cơ sở dân sự và quân sự trên các hòn đảo chiếm cứ ở Trường Sa, nơi mà Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan cũng có tuyên bố chủ quyền.

Hoa Kỳ đã nhiều lần yêu cầu Trung Quốc ngưng các hoạt động mà Washington cho là không phù hợp với các tiêu chuẩn hành xử quốc tế có thể khơi mào xung đột ở Biển Đông.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Ash Carter, hôm 16/9 lên án Trung Quốc với các hoạt động trong vùng biển có tranh chấp đã bước ra ngoài các tiêu chuẩn và luật lệ quốc tế cũng như sự đồng thuận trong khu vực ủng hộ giải pháp ngoại giao và phản đối mọi sự uy hiếp.

Phát biểu trước chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình tới Mỹ, người đứng đầu ngành quốc phòng Hoa Kỳ cũng khẳng định rằng Washington ‘sẽ luôn đứng bên các đồng minh và đối tác của mình. Khu vực này cần phải hiểu rằng Mỹ sẽ tiếp tục can dự, tiếp tục đứng lên bênh vực luật quốc tế và các tiêu chí toàn cầu, và giúp cung cấp an ninh và sự ổn định cho Châu Á Thái Bình Dương trong nhiều thập niên sắp tới’.

Lên tiếng với báo Wall Street Journal của Mỹ đầu tuần này, Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định Trường Sa là lãnh thổ của Trung Quốc từ thời xa xưa.

Trong bài diễn văn hôm thứ Ba tại Hoa Kỳ, ông Tập nhấn mạnh Trung Quốc không muốn đối đầu với các nước và không có ý định hạn chế tự do hàng hải trong khu vực.

Tại cuộc họp với Ngoại trưởng các nước ASEAN hôm 5/8 vừa qua, Ngoại trưởng Vương Nghị của Bắc Kinh tuyên bố Trung Quốc đã ngưng công tác xây dựng ở Biển Đông.

Tuy nhiên, hình ảnh vệ tinh ngày 8/9 do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế của Hoa Kỳ công bố cho thấy Trung Quốc đang xây thêm một đường băng thứ ba trên Đá Vành Khăn, một dấu hiệu chứng tỏ Bắc Kinh thất hứa với cam kết ngưng các hoạt động xây đắp, cải tạo đất trong vùng biển có tranh chấp này. - VOA

No comments:

Post a Comment