Monday, September 21, 2015

Tin Cập Nhật Thứ Hai 21/9

Tin Thế Giới

1.
Ba Lan chỉ trích việc ra hạn ngạch tiếp nhận người tị nạn --- Căng thẳng giữa các di dân gia tăng vì cáo giác hộ chiếu giả

Ngoại trưởng Ba Lan Grzegorz Schetyna nói Châu Âu cần một kế hoạch đoàn kết để giải quyết cuộc khủng hoảng di dân đang tiếp diễn chứ không phải một kế hoạch áp đặt hạn ngạch bắt buộc từng nước phải nhận bao nhiêu di dân.

Trong bài bình luận đăng tải hôm nay trên nhật báo Chính trị Châu Âu (Politico Europe), ông Schetyna nhấn mạnh ưu tiên hàng đầu của Liên hiệp Châu Âu là phong tỏa các đường biên giới, và rằng EU nên lập các trung tâm tiếp nhận người tị nạn để xác định ai là người tị nạn ai là di dân kinh tế.

Ông Schetyna viết ‘Chúng ta không thể để cho cuộc khủng hoảng di dân chia rẽ và gây thù nghịch trong EU.’ ‘Đó là lý do vì sao chúng ta nhìn thách thức trước mặt không ở khía cạnh hạn ngạch bắt buộc, vốn giờ đây có lẽ đã lỗi thời và không còn hiệu quả, mà là ở khía cạnh đoàn kết.’

Ông nói Ba Lan không phản đối việc nhận người tị nạn, nhưng đề xuất cho rằng các nước EU phải phân chia 120.000 người tị nạn sẽ không hoàn toàn giải quyết được vấn đề.

Ngoại trưởng Ba Lan đề nghị ‘Thay vào đó, chúng ta nên nhảy vào hành động với một kế hoạch rộng lớn giải quyết nguyên nhân của cuộc di cư cũng như các triệu chứng. Và chúng ta cần phải cân bằng giữa việc giúp những người cần được giúp và bảo đảm an ninh cho công dân của mình nữa.’

Hôm qua, ông Schetyna nói với báo giới rằng các nước như Thụy Điển, Đức và Áo đã có kinh nghiệm trong việc tiếp nhận di dân trong khi các nước khác trong EU thì chưa.

Ngoại trưởng Ba Lan hôm nay họp tại Prague với những người đồng nhiệm từ Cộng hòa Czech, Slovakia và Hungary, cùng Ngoại trưởng Luxembourg, đương kim chủ tịch của EU. Bộ trưởng nội vụ các nước EU sẽ gặp nhau vào thứ ba, theo sau là một thượng đỉnh EU đặc biệt vào thứ tư để thảo luận các kế hoạch của Châu Âu giải quyết cuộc khủng hoảng.

Tổ chức Di dân Quốc tế cho biết hơn 470.000 người đã đến Châu Âu trong năm nay, gần 40% trong số này là từ Syria. Dòng người tị nạn ồ ạt khiến các quốc gia Châu Âu chật vật tìm cách ứng phó.

Hôm qua, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói Washington sẽ tăng số lượng visa cho người tị nạn từ con số hiện nay là 70 ngàn người/năm lên thành 85.000 người vào năm 2016 và 100.000 người vào năm 2017.

Phát biểu tại Berlin, ông Kerry gọi quyết định của chính quyền Obama là ‘bước phù hợp với truyền thống tốt đẹp của nước Mỹ là một vùng đất cơ hội thứ hai và là một ngọn hải đăng của hy vọng.’

Ông cũng cho biết chính phủ sẽ tìm cách để đẩy mức giới hạn visa cho người tị nạn lên trên mức 100.000 trong những năm tới. - VOA

***
Châu Âu đang đối mặt với vấn đề xét đơn của hàng trăm ngàn người xin tị nạn để xác định xem người nào thật sự cần được tái định cư. Theo tường thuật của thông tín viên Henry Ridgwell của đài VOA từ vùng biên giới Croatia-Serbia, có cáo giác cho rằng một số người di dân mang hộ chiếu Syria giả mạo, tạo ra những mối căng thẳng với các công dân Syria.

Hàng vạn di dân đã đi bộ dọc theo những đường mòn nằm giữa những cánh đồng trồng bắp và vượt qua biên giới giữa Serbia với Croatia trong vài ngày qua để tìm cách tới các nước Tây Âu. Phóng viên VOA đã nói chuyện với 3 người di dân trong độ tuổi 20. Những người không muốn nêu danh tánh này đã nhanh chóng bày tỏ sự tức giận đối với những người di dân khác.

"Có quá nhiều người ở đây có thẻ căn cước và hộ chiếu Syria giả mạo. Họ không phải là người Syria. Họ đến từ Pakistan, Afghanistan, Iraq, Li Băng, và nhiều nước khác. Tôi thật sự cảm thấy chấn động bởi vì đây là vấn đề của chúng tôi. Đây là trường hợp của chúng tôi."

Tuy nhiên, một người Iraq di dân tên Sadek nói với đài VOA rằng ông và gia đình ông nên được hưởng quyền tị nạn vì họ chạy trốn nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo, là nhóm mà người Iraq gọi là Daesh.

"Quí vị, tất cả những người Châu Âu, phải biết thông tin này. Daesh không phải chỉ là người Syria, bởi vì Daesh là người đến từ Iraq và Syria, và tất cả mọi người, họ thù ghét tất cả mọi người."

Ông Mahamad, một người Afghanistan xin tị nạn, bày tỏ sự bất mãn đối với sự chú tâm dành cho người Syria.

"Đối với người Syria tị nạn, tất cả mọi thủ tục đều rất dễ dàng. Nhưng đối với người Afghanistan tị nạn thì không phải vậy. Tất cả mọi thứ đều dành cho người Syria, chứ không cho người Afghanistan."

Ai là người tị nạn thật sự chạy trốn xung đột và áp bức; và ai là người được gọi là di dân kinh tế, chạy trốn nghèo đói hay tìm kiếm một cuộc sống tốt hơn?

Đó là sự khác biệt mà Hungary muốn Châu Âu phải làm rõ, trong lúc họ xây hàng rào ở biên giới phía nam để ngăn không cho người di dân đi vào nước họ.

Phát ngôn viên chính phủ Hungary, ông Zoltan Kovacs, phát biểu như sau.

"Một lực lượng chung của Châu Âu có thể ngăn chận nạn di dân bất hợp pháp và thiết lập một hình thức hay một tiêu chuẩn để chúng ta có thể tách biệt những người tị nạn thật sự cần được cung cấp nơi nương náu với những người chỉ là di dân kinh tế."

Các nhà lãnh đạo Châu Âu dự trù mở một cuộc họp khẩn vào ngày thứ tư tuần này để tìm cách giải quyết vụ khủng hoảng. Nhiều người cho rằng một phần của bất kỳ giải pháp nào sẽ là xác định ai là người tị nạn thật sự, nhưng các chuyên gia về vấn đề di dân nói rằng sự phân biệt đó rất ít khi có tính chất trắng đen rõ rệt. - VOA
|
|

2.
Báo chí Nga: Mỹ chuẩn bị cho khả năng xung đột với Trung Quốc tại Biển Đông --- Tân Thủ tướng Úc: TQ đã đi quá xa trong hồ sơ Biển Đông

Căn cứ vào những phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter ngày 16 tháng 9 vừa qua tại một cuộc triển lãm hàng không-không gian ở bang Maryland (Hoa Kỳ), báo mạng Đài Loan Want China Times hôm qua, 20/09/2015 đã trích ghi nhận của hãng thông tấn Tass của Nga, cho là Washington đang có bước chuẩn bị cho khả năng xung đột với Trung Quốc ở vùng Biển Đông đang tranh chấp.

Điểm được Tass lưu ý là ông Carter đã báo động về việc Trung Quốc đang bồi đắp các rạn san hô ngầm, biến các nơi này thành sân bay và căn cứ quân sự để củng cố tuyên bố chủ quyền trong khu vực, chống lại một số nước khác. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đồng thời xác định rằng đã đến lúc Hoa Kỳ yêu cầu Trung Quốc đình chỉ việc quân sự hóa quần đảo Trường Sa, và phát huy một đường lối ngoại giao mới để bảo vệ quyền lợi của tất cả các nước trong khu vực.

Theo hãng tin Nga, ông Carter còn cho biết thêm là Không quân Mỹ đã sẵn sàng chuyển các loại "phương tiện tối tân" đến khu vực trong kế hoạch chống lại sự bành trướng của Trung Quốc. Chủ trương đó nằm trong chiến lược "xoay trục qua châu Á" của chính quyền Obama.

Tass đã trích lời Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nhắc lại rằng: "Dù sao chăng nữa thì việc biến bãi đá ngầm thành sân bay không mang lại chủ quyền và quyền hạn chế các hoạt động qua lại trên không và trên biển của quốc tế". Ông Carter còn nói thêm là Mỹ sẽ tiếp tục hoạt động và cho máy bay và tàu thuyền đi qua bất cứ nơi nào được luật pháp quốc tế cho phép.

Bộ trưởng Mỹ khẳng định rằng Washington ủng hộ việc tất cả các bên đòi chủ quyền ở Biển Đông giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán hòa bình, nhưng cũng nói là Mỹ cần phải và sẽ làm tất cả những gì có thể làm để bảo vệ quyền tự do đi lại ở Biển Đông. - RFI

***
Trên đài ABC, hôm nay, 21/09/2015, khi trả lời phỏng vấn về chính sách đối ngoại của chính phủ, tân Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull đã đề cập đến hồ sơ Biển Đông và cho rằng Trung Quốc đi quá xa, vượt qua giới hạn.

Người đứng đầu chính phủ Úc đã bày tỏ thẳng thắn quan điểm của Canberra. Ông nhấn mạnh, sự trỗi dậy của Trung Quốc không được gây rối loạn, làm mất đi sự hài hòa trong khu vực.

Thủ tướng Úc nói: "Việc đi xa, vuợt qua giới hạn trong hồ sơ Biển Đông đã gây ra hậu quả ngược lại với những gì mà Trung Quốc muốn". "Theo quan điểm của tôi và của chính phủ, Trung Quốc lẽ ra cần được tư vấn tốt hơn, vì quyền lợi của chính nước này, không vượt qua giới hạn của vấn đề và chính vì thế, đã gây ra sự chống đối các hoạt động của Trung Quốc".

Ông Turnbull khẳng định, chính phủ Úc cần có cách tiếp cận cân bằng, ngoại giao với Trung Quốc.

Theo tân Thủ tướng Úc, chính lập trường của Trung Quốc đã làm cho các nước nhỏ trong khu vực như Việt Nam, tìm cách xích lại gần Hoa Kỳ hơn. Điều mà Bắc Kinh cần làm là tạo được lòng tin đối với các nước láng giềng để cho họ không còn cảm thấy cần phải có hạm đội Mỹ cũng như sự hiện diện hùng hậu của Hoa Kỳ trong vùng phía tây Thái Bình Dương. - RFI
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
Mỹ có thể tái định cư 85.000 người tị nạn trong năm 2016

Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry cho biết Mỹ sẽ tái định cư ít nhất 85.000 người tị nạn, trong đó có tối thiểu 10.000 người Syria, trong năm tài khóa 2016, bắt đầu ngày 1/10. Theo tường thuật của thông tín viên VOA Victor Beattie, ông Kerry cũng cảnh báo rằng sự hiện diện quân sự của Nga ở Syria có nguy cơ thu hút thêm các phần tử cực đoan cũng như gây trở ngại cho khả năng tìm ra một giải pháp cho cuộc nội chiến kéo dài 5 năm qua.

Phát biểu tại Berlin hôm qua, 21/9, ông Kerry nói rằng Hoa Kỳ sẽ gia tăng đáng kể số người tị nạn được tái định cư ở Mỹ trong năm tới và năm sau đó. Ông Kerry nói rằng con số sẽ tăng từ khoảng 70.000 người trong năm tài khóa 2015 kết thúc vào ngày 30/9 lên tới ít nhất 85.000 người trong năm tài khóa 2016, trong đó có tối thiểu 10.000 người Syria, và tăng lên 100.000 người trong năm 2017. Ngoài ra, ông Kerry cũng nêu khả năng sẽ làm thêm nhiều việc nữa liên quan tới người tị nạn.

“Một trong các lý do khó khăn là sau vụ 11/9, chúng tôi áp dụng các luật lệ mới cũng như những yêu cầu mới liên quan tới việc kiểm tra lý lịch vì lý do an ninh, và vì thế việc xét duyệt hồ sơ mất nhiều thời gian hơn mong muốn. Chúng tôi không thể rút ngắn thời gian được. Nhưng những gì mà tôi công bố hôm nay cho thấy truyền thống của Hoa Kỳ vẫn là một đất nước để làm lại cuộc đời, vẫn là đất nước của hy vọng. Cộng với đó sẽ là việc đóng góp thêm tài chính cho nỗ lực nhân đạo không chỉ từ chính phủ mà còn từ người dân Mỹ.”

Hôm 17/9, hơn 20 cựu quan chức Mỹ, gồm cả những người từng làm việc trong chính quyền Obama, đã thúc giục Nhà Trắng chấp nhận 100.000 người tị nạn Syria trong năm tài khóa 2016. Các nhân vật này nêu lại chuyện Mỹ từng cho hàng chục nghìn người tị nạn Cuba và Việt Nam tái định cư tại nước này. Ông Kerry nói rằng chính quyền chưa có tiền mà Quốc hội phân bổ để tuyển thêm người làm công việc mở rộng và đẩy nhanh việc xét duyệt người tị nạn.

“Dĩ nhiên đây sẽ là vấn đề được Quốc hội thảo luận trong vòng vài ngày tới. Chúng tôi sẽ thực hiện những gì mà chúng tôi nghĩ là làm được ngay, những gì mà chúng tôi cảm thấy chúng tôi có thể làm bên trong hệ thống chúng tôi đang có và bên trong những thách thức về mặt ngân sách. Nhưng khi chúng tôi có cơ hội để tăng số người được tiếp nhận, chúng tôi sẽ làm ngay vì Hoa Kỳ luôn mở rộng vòng tay trong những tình thế như thế này. Và chúng tôi muốn duy trì điều đó. Nhưng so với thời kỳ nhận thuyền nhân người Việt, tình thế hiện thời rất khác”.

Trong bài phát biểu tại Berlin, ông Kerry nói rằng ông và người đồng nhiệm phía Đức quyết tâm tìm hiểu tận gốc cuộc khủng hoảng người tị nạn Syria, đồng thời lặp lại rằng không có một giải pháp quân sự cho cuộc xung đột này.

Ông cũng nói thêm rằng ông và Ngoại trưởng Đức có cùng quan điểm là việc Nga hay bất kỳ nước nào khác tiếp tục hỗ trợ quân sự cho chính quyền Syria làm gia tăng nguy cơ thu hút thêm các phần tử cực đoan tới Syria cũng như giúp Tổng thống Bashar al-Assad tiếp tục bám víu quyền lực, gây trở ngại cho việc tìm ra một giải pháp cho cuộc xung đột kéo dài gần 5 năm qua.

Trước đó, hôm 19/9 tại London, ông Kerry nói rằng ông Assad phải từ chức, nhưng thời điểm để ông này ra đi cần phải được quyết định qua thương thảo.

Các quan chức Mỹ nói rằng Nga hiện triển khai 500 binh sĩ hải quân ở Syria cùng với các trực thăng và chiến đấu cơ. Moscow luôn nhấn mạnh rằng các hoạt động của họ ở Syria là có tính chất phòng thủ, và Nga chỉ thực thi những cam kết đã đưa ra với chính quyền Damascus. - VO
|
|

4.
Mỹ cân nhắc bỏ phiếu trắng đối với nghị quyết ngưng cấm vận Cuba ở LHQ --- Đức Giáo Hoàng thăm miền đông Cuba

Tin cho hay Mỹ đang tính tới chuyện bỏ phiếu trắng trong cuộc biểu quyết sắp tới của Đại Hội đồng Liên hiệp quốc kêu gọi chấm dứt lệnh cấm vận mậu dịch lâu nay đối với Cuba.

Gần một phần tư thế kỷ nay, Cuba đã đưa ra một nghị quyết tương tự tại cuộc họp hằng năm của Đại hội đồng, bày tỏ quan ngại về các luật lệ ảnh hưởng đến chủ quyền và tự do mậu dịch của các nước khác. Trong hai năm qua, chỉ có Mỹ và Israel bỏ phiếu chống lại nghị quyết này.

Tuy nhiên, mối quan hệ Mỹ-Cuba đã chuyển hướng đáng kể, từ cuộc biểu quyết lần trước vào tháng 10 năm ngoái. Tháng 7 năm nay, chính phủ hai nước chấm dứt 54 năm đối kháng và đồng ý thiết lập lại quan hệ ngoại giao. Sau đó, đại sứ quán ở Havana và Washington được mở lại và Tổng thống Mỹ Barack Obama công khai thúc giục Quốc hội dỡ bỏ cấm vận cho Cuba.

Cho đến nay, các nhà lập pháp trong Quốc hội do đảng Cộng hòa kiểm soát chưa có động thái nào đáng kể tiến tới việc này. Tuần rồi, Tổng thống tuyên bố chính quyền của ông sẽ ‘từng bước’ tìm kiếm các cơ hội giảm bớt những ảnh hưởng của lệnh cấm vận trong lúc nó vẫn còn có hiệu lực .

Hãng tin AP hôm nay dẫn lời bốn giới chức chính quyền bình luận với điều kiện ẩn danh cho hay Hoa Kỳ sẽ cân nhắc việc bỏ phiếu trắng đối với nghị quyết mới của Đại hội đồng về việc cấm vận Cuba nếu văn bản nghị quyết có những thay đổi đáng kể so với các phiên bản trước đó.

Các quan chức cho biết chừng nào nhìn thấy văn bản mới nhất của nghị quyết mới có quyết định chung cuộc, nhưng việc bỏ phiếu trắng có thể là một thông điệp mạnh mẽ gửi tới Quốc hội thể hiện cam kết của Tổng thống về việc kết thúc lệnh cấm vận Cuba.

Nghị quyết năm ngoái phần lớn nội dung chung chung không chỉ ra việc Hoa Kỳ thúc giục bãi bỏ các luật lệ làm ảnh hưởng tới tự do mậu dịch, nhưng có một đoạn đề cập cụ thể tới một đạo luật của Mỹ năm 1996 được gọi là đạo luật Helms-Burton có mục đích tăng cường các chế tài quốc tế đối với Cuba, chống lại các mối đe dọa từ chính phủ Cuba và hỗ trợ một quá trình chuyển tiếp chính trị sang một chính phủ dân chủ. Có một điều khoản trong đạo luật này cho phép Tổng thống Mỹ huỷ bỏ lệnh cấm vận thương mại nếu quá trình chuyển tiếp chính trị diễn ra.

Bác bỏ nghị quyết năm ngoái, đặc sứ Mỹ Ronald Godard nói các biện pháp chế tài là một phần nỗ lực giúp người dân Cuba tự do thực thi quyền con người và các quyền tự do cơ bản. Ông nói Cuba thường viện cớ đổ lỗi rằng các vấn đề kinh tế của họ là do các nghị quyết hằng năm này gây ra.

Phần chính của cuộc họp Đại hội đồng năm nay khởi sự vào thứ hai tuần sau. Dự kiến hôm đó sẽ có các bài diễn văn của cả Tổng thống Mỹ Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro.

Các nghị quyết của Đại hội đồng chỉ đơn thuần cần một tỷ lệ đa số để thông qua, nhưng không giống những nghị quyết của Hội đồng Bảo an, nghị quyết của Đại hội đồng không được hỗ trợ bởi bất kỳ cơ chế thực thi nào. - VOA

***
Đức Giáo Hoàng Phăn Xi Cô hôm nay rời thủ đô của Cuba để đến thăm miền đông của đảo quốc này, một ngày sau khi gặp gỡ hai anh em nhà Castro đã cai trị Cuba từ năm 1959. Thông tín viên Richard Green của đài VOA tường thuật.

Nhà lãnh đạo Giáo hội Công giáo lên đường tới Holguin, quê của hai ông Fidel Castro và Raul Castro. Nằm cách Havana hơn 800 kilo mét về hướng đông, Hoguin là nơi được nhiều người biết tiếng nhờ một cây Thập tự giá khổng lồ được xây từ nhiều thế kỷ trên ngọn đồi nhìn xuống thành phố.

Hôm qua, Đức Giáo Hoàng đã cử hành Thánh lễ tại Havana. Trong bài thuyết giảng trước hàng vạn tín đồ ở Quảng trường Cách mạng, nhà lãnh đạo Toà Thánh Vatican cảnh báo người dân Cuba về những mối nguy hiểm của ý thức hệ.

"Chăm sóc nhau vì tình thương không phải là nô dịch. Trái lại, nó có nghĩa là đặt những người anh chị em của chúng ta ở vị trí trung tâm. Sự phục vụ luôn hướng đến khuôn mặt của người anh em, chạm vào thân thể họ, cảm thấy sự gần gũi với họ đến độ, trong một số trường hợp, chịu đựng họ để giúp đỡ họ. Phục vụ không bao giờ có tính chất ý thức hệ, vì chúng ta không làm nô dịch cho ý tưởng, mà chúng ta phục vụ con người."

Sau Thánh lễ, Đức Giáo Hoàng đã tới thăm cựu Chủ tịch Fidel Castro. Với sự hiện diện của những người khác gia đình Castro, Đức Giáo Hoàng và ông Castro đã nói chuyện với nhau trong một bầu không khí mà các giới chức Toà Thánh mô tả là rất thân mật. Hai ông đã tặng nhau những cuốn sách tôn giáo.

Đức Giáo Hoàng Phăn Xi Cô và các giới chức Toà Thánh Vatican là động lực sau những cuộc đàm phán bí mật kéo dài nhiều tháng giữa Havana và Washington. Cuộc đàm phán đạt tới đỉnh điểm hồi cuối năm ngoái với việc Chủ tịch Raul Castro và Tổng thống Barack Obama loan báo quyết định phục hồi quan hệ ngoại giao sau 53 năm bị gián đoạn.

Hôm nay, Đức Giáo Hoàng sẽ cử hành Thánh Lễ tại Hoguin trước khi lên đường đi thăm Santiago, thành phố lớn thứ nhì của Cuba. Tại đây Đức Giáo Hoàng sẽ đến thăm Đền Thánh Đức Mẹ Bác Ái Mỏ Đồng, bổn mạng của Cuba.

Ngày mai, Đức Giáo Hoàng sẽ kết thúc chuyến công du Cuba khi ông rời Santiago để sang Mỹ. Trong lúc ở Hoa Kỳ, Đức Giáo Hoàng sẽ hội kiến Tổng thống Barack Obama tại Tòa Bạch Ốc vào sáng thứ tư, đọc diễn văn trước lưỡng viện Quốc hội Mỹ vào ngày thứ năm, và phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York vào ngày thứ sáu. - VO
|
|

Tin Việt Nam

5.
Trung Quốc không thể đòi chủ quyền với tên "Biển Nam Trung Hoa"

Tham vọng phải chăng có thể làm cho một con người mất hẳn trí khôn? Đây dường như là trường hợp của vị Phó Đô đốc Viên Dự Bách (Yuan Yubai), tư lệnh Bắc Hải Hạm đội của Hải quân Trung Quốc. Nhân một hội nghị về quốc phòng tại Luân Đôn hôm 14/09/2015, trước một cử tọa bao gồm rất đông quan chức quốc phòng và quân sự thế giới, trong đó có hai Phó Đô đốc Hoa Kỳ và Nhật Bản, không kể đến nước chủ nhà là Anh Quốc, ông Viên Dự Bách đã không ngần ngại khẳng định rằng Biển Đông là của Trung Quốc vì lẽ trong tên gọi quốc tế bằng tiếng Anh của biển này là South China Sea – dịch sang tiếng Việt là Biển Nam Trung Hoa - có từ China – nghĩa là Trung Quốc.

Nhận định này của viên Đô đốc Trung Quốc đã lập tức làm dấy lên nhiều lời nhạo báng do tính chất vô lý của nó. Tờ Time của Mỹ hôm 15/09, khi loan tin về lập luận kể trên, đã không ngần ngại mở đầu bài viết của mình như sau:

"Có gì trong một cái tên? Cả một cái biển! Phó Đô đốc Trung Quốc Viên Dự Bách đã trả lời như trên hôm 14 tháng 9 tại một hội nghị quốc phòng ở Luân Đôn. Theo báo giới chuyên về quốc phòng, ông Viên Dự Bách nói rằng "Biển Nam Trung Hoa, như tên gọi của nó cho thấy, là một vùng biển thuộc về Trung Quốc". Tư lệnh Hạm đội Bắc Hải của Hải quân Trung Quốc nói thêm rằng vùng biển rộng lớn đó đã thuộc về Trung Quốc từ thời nhà Hán, cai trị nước này từ năm 206 trước Công nguyên đến năm 220."

Sau khi nêu bật các tham vọng của Trung Quốc tại Biển Đông, và phản ứng các nước khác từ Hoa Kỳ cho đến Philippines, tờ báo Mỹ đã kết luận một cách mỉa mai: "Trong khi đó, không thấy nói gì về việc liệu Phó Đô đốc Viên Dự Bách có nghĩ rằng Ấn Độ Dương là của Ấn Độ - hay Vịnh Mexico là của nước Mexico – chỉ do tên gọi hay không?"

Phát biểu trong cuộc điều trần ở Thượng viện Mỹ hôm 17 tháng 09 vừa qua, Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Lực lượng Mỹ tại vùng Thái Bình Dương cũng đả kích cách lý sự của ông Viên Dự Bách khi cho rằng: "Tôi đồng ý là Biển Nam Trung Hoa cũng không thuộc về Trung Quốc giống như là Vịnh Mexico không thể thuộc về Mexico".

Báo mạng Việt Nam cũng nhập cuộc, ví dụ như trang Tin tức. vn trong bài viết: "Nực cười với lập luận về Biển Đông của Phó Đô đốc Hải quân Trung Quốc" đăng ngày 16/09 đã đánh giá rằng ông Viên Dự Bách quả là đã có một phát biểu "ngớ ngẩn".

Trang Soha. vn cùng ngày cũng tự hỏi là "Với một người đã làm tới hàm Phó Đô đốc, thật khó có thể hiểu nổi tại sao Viên Dự Bách lại có thể đưa ra một phát biểu ngớ ngẩn như vậy".

Trang thông tin này đã trích nhận định của một chuyên gia, Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ Việt Nam theo đó: "Về mặt pháp lý, tên gọi không phải là yếu tố có giá trị để khẳng định chủ quyền của một quốc gia đã đặt tên cho một khu vực địa lý nào đó; chẳng hạn, gọi là Ấn Độ Dương không có nghĩa đại dương này thuộc về Ấn Độ; vịnh Thái Lan không có nghĩa là vịnh này hoàn toàn thuộc về Thái Lan."

Bên cạnh tính chất thô thiển mà ai cũng thấy, cách chứng tỏ chủ quyền kiểu Phó Đô đốc Viên Dự Bách nêu bật vấn đề từng được bàn cãi từ lâu trong giới nghiên cứu: đó là cần phải thay đổi tên gọi của Biển Đông, gọi hẳn đó là Biển Đông Nam Á, với tên gọi quốc tế là South East Asia Sea. Cách gọi này cho phép tránh được hiểu lầm hay lạm dụng như điều Tư lệnh Hạm đội Bắc Hải của Trung Quốc vừa làm.

Để tìm hiểu thêm về vấn đề này, RFI đã hân hạnh được tiếp chuyện với Tiến sĩ Vũ Quang Việt tại Hoa Kỳ, nguyên chuyên gia thống kê ở Liên Hiệp Quốc. Tiến sĩ Việt là một trong những người đã từng nêu lên vấn đề đổi tên gọi quốc tế của Biển Đông từ "Biển Nam Trung Hoa" thành "Biển Đông Nam Á".

Sau đây, mời quý vị nghe bài phỏng vấn Tiến sĩ Vũ QuangViệt dành cho RFI.

"Tên gọi không làm cho cái được gọi tên trở thành biển của mình. Giống như biển Bắc bộ (phía bắc Việt Nam) nằm giữa Việt Nam và Trung Quốc được ngay cả Trung Quốc gọi là vịnh Bắc Bô (北部湾), lấy Bắc Việt Nam làm điểm gốc nhưng không có nghĩa là vịnh này thuộc Việt Nam. Thậm chí hai nước đã có hiệp định phân chia tính từ biên giới biển Việt Nam và Hải Nam.

Trung Quốc thời cổ gọi nó bằng nhiều tên, như thời nhà Châu thì gọi là Nam Phương Hải, thời Xuân thu chiến quốc thì gọi là Nam Hải, thời Đông Hán gọi là Trường Hải. Nhưng tên được sử dụng nhiều thời nhà Thanh là Nam Hải.

Điều này chẳng khác gì Việt Nam gọi nó là Biển Đông, tức là lấy vị trí của nước mình là cơ sở để định vị Biển và đặt tên Biển. Phi mới đây đặt cho nó tên là Biển Tây Phi Luật Tân cũng là theo chiểu hướng đó.

Tên Biển Trung Hoa hay Nam Trung Hoa là do người Bồ Đào Nha đặt ra khi đi đến nơi vào thế kỷ thứ 16.

Cho đến mới đây, Trung Quốc chưa từng bao giờ có dân thường xuyên sống ở đó và có quân đội bảo vệ lãnh thổ của họ. Trung Quốc có sách ghi lại không rõ ràng về Trường Sa, thậm chí không rõ địa giới và bao nhiêu đảo và cho rằng có người Trung Quốc đến đánh cá do đó là thuộc Trung Quốc.

Họ quên rằng nhiều dân khu vực Đông Nam Á (Chàm, Phi, Việt v.v.) cũng đã đến đánh cá. Và vào năm 1933 Pháp đã chính thức yêu sách chủ quyền và gửi quân tới. Họ chẳng phải đánh ai để chiếm vì đó là chỗ không người." - RFI
|
|

6.
Philippines cân nhắc việc mời Hải quân Mỹ trở lại Vịnh Subic

Philippines có thể mời Hải quân Mỹ trở lại Vịnh Subic, gần 25 năm sau khi các nhà lập pháp nước này trục xuất Hoa Kỳ ra khỏi một căn cứ hải quân khổng lồ từng là tiền đồn quân sự lớn nhất của Hoa Kỳ ở nước ngoài.

Bài báo đăng trên tờ The New York Times hôm nay tường thuật rằng lời thề không bao giờ cho phép các binh sĩ nước ngoài trở lại Vịnh Subic của các nhà lập pháp Philippines lúc đó giờ đây đang được xét lại vì những lo ngại của Manila về ý đồ độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc.

Tờ New York Times cho rằng thay đổi ý kiến của Manila là một dấu hiệu về những tính toán chiến lược đang thay đổi trong khu vực giữa lúc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tìm cách khẳng định chủ quyền trên hầu hết diện tích Biển Đông bằng cách biến các bãi đá thành đảo và quân sự hoá các hòn đảo nhân tạo này.

Philippines và Việt Nam là hai nước mạnh mẽ chống đối ý đồ này. Một hòn đảo của Philippines trên đó có dân sinh sống đang nằm trong khu vực tranh chấp. Và các lực lượng Trung Quốc còn đang chiếm đóng nhiều bãi đá và bãi cạn mà trước đây thuộc quyền kiểm soát của Philippines.

Năm ngoái, chính quyền Philippines đã ký một thoả thuận 10 năm cho phép Mỹ đóng quân, mang quân cụ thiết bị đến các căn cứ trên khắp Philippines, dọn đường cho sự trở về của người Mỹ, kể cả tại Vịnh Subic và căn cứ không quân Clark ở gần đó. Tuy nhiên thoả thuận đó đang gặp một trở ngại pháp lý.

Theo các cuộc thăm dò gần đây, phần lớn người Philippines có quan điểm tích cực về Hoa Kỳ, tuy nhiên vẫn ngần ngại về việc cho phép các binh sĩ Mỹ đồn trú tại nước họ, trong bối cảnh Philippines từng là lãnh thổ của Mỹ từ năm 1898 tới năm 1946.

Washington đã bày tỏ bực dọc về sự trì hoãn trong việc thực thi thoả thuận. Nhưng vấn đề này dự kiến sẽ không được Toà án Tối cao Philippines giải quyết trước mùa thu năm nay.

Nếu được thi hành, thoả thuận Mỹ-Phi sẽ cho phép Hoa Kỳ sử dụng một căn cứ có tầm quan trọng chiến lược ngay bên bờ Biển Đông, cách các đảo mà Trung Quốc mới tạo ra không đầy 500 hải lý.

Hiện các lực lượng Mỹ trong khu vực muốn được sửa chữa phải trở về các căn cứ ở Nhật Bản và đảo Guam của Mỹ, cách đó tới 1.500 hải lý.

Vịnh Subic, với diện tích tương đương với Singapore, đóng một vai trò quan trọng trong hầu hết mọi cuộc xung đột quân sự của Hoa Kỳ trong thế kỷ 20.

Ngoài cân nhắc việc mời người Mỹ trở lại Vịnh Subic, Philippines cũng sẽ yêu cầu Washington viện trợ hàng triệu đô la để nâng cao khả năng quân sự của quân đội Philippines, được coi là đội quân yếu nhất tại Châu Á.

Trong các cuộc thảo luận riêng tư, chính phủ của Tổng Thống Benigno Aquino tăng sức ép để Hoa Kỳ viện trợ 300 triệu đô la trong năm nay để ngăn chận sự bành trướng của Trung Quốc. Nhưng cho tới nay chính phủ của Tổng Thống Obama vẫn đang cân nhắc vì những lo ngại về nạn tham nhũng. Một người phát ngôn của Bộ Ngoại giao lưu ý rằng Philippines hiện đã là nước nhận nhiều viện trợ quân sự nhất của Mỹ tại Đông Nam Á.

Trong khi đó, trang mạng tin tức quốc phòng Asean Military Defence hôm nay nói Mỹ đã chuẩn bị cho một cuộc xung đột có nguy cơ xảy ra trong Biển Đông. Trang mạng nhắc lại phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter hôm 16/9 rằng Washington đã xúc tiến việc chuẩn bị cho một cuộc xung đột quân sự với Trung Quốc tại vùng biển tranh chấp ở Biển Đông. Ông Carter cho biết Không lực Mỹ sẽ chuyển các khí tài quan trọng sang khu vực để ngăn các hành động bành trướng của Trung Quốc. - VOA

No comments:

Post a Comment