Tuesday, September 29, 2015

Tin Cập Nhật Thứ Ba 29/9

Tin Thế Giới

1.
Mỹ lập lại quan ngại về Biển Đông --- Đá Chữ Thập: Căn cứ tác chiến lớn nhất của Trung Quốc ở Trường Sa?

Trong một thông điệp mạnh mẽ gửi tới Trung Quốc, Hoa Kỳ ngày 28/9 nhấn mạnh duy trì các tiêu chí căn bản về quyền tự do hàng hải ở Biển Đông là một lợi ích của Washington.

Trong bài diễn văn trước Đại hội đồng Liên hiệp quốc, Tổng thống Barack Obama một lần nữa đề nghị Trung Quốc và các nước có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông giải quyết tranh chấp một cách hòa bình.

Tổng thống Obama tuyên bố "Ở Biển Đông, Mỹ không có tuyên bố chủ quyền. Chúng tôi không phân xử các tuyên bố chủ quyền của các nước, nhưng như tất cả các nước tề tựu về đây hôm nay, chúng tôi có lợi ích trong việc gìn giữ các tiêu chí căn bản về tự do hàng hải, tự do vận chuyển thương mại, cũng như trong việc giải quyết các tranh chấp bằng luật quốc tế chứ không phải bằng võ lực".

Tổng thống Mỹ khẳng định Hoa Kỳ ‘sẽ bảo vệ các tiêu chí này trong lúc khuyến khích Trung Quốc và các nước khác giải quyết bất đồng trong ôn hòa.

Ông Obama nói ông đưa ra những lời phát biểu này về Biển Đông vì nhận thấy đường hướng ngoại giao rất khó khăn mà kết quả nhiều khi không được như mong muốn và rằng các nước lớn đủ mạnh để bảo vệ lợi ích của mình trong trường hợp phương sách ngoại giao không đạt hiệu quả.

Trung Quốc đang bị quốc tế kịch liệt chỉ trích về các hành động lấn lướt, đơn phương thay đổi nguyên trạng Biển Đông để khẳng định chủ quyền qua việc bồi đắp đất và xây dựng các công trình dân sự-quân sự trên các đảo nhân tạo.

Trong phần diễn thuyết của mình trước Đại hội đồng Liên hiệp quốc hôm qua, Chủ tịch Trung Quốc tuyên bố Bắc Kinh cam kết phát triển một cách hòa bình.

Ông Tập Cận Bình nói bất kể tình hình quốc tế có ra sao và Bắc Kinh có trở nên hùng mạnh như thế nào đi chăng nữa, Trung Quốc cũng sẽ không bao giờ theo đuổi chủ nghĩa bá quyền hay bành trướng.

Các hình ảnh vệ tinh của Airbus Defence and Space chụp được hôm 20/9 cho thấy Trung Quốc đã hoàn tất đường băng trên Đá Chữ Thập ở Biển Đông và đang tiến gần tới việc đưa vào hoạt động.

Dựa trên phân tích hình ảnh, hoàn tất đường băng này sẽ tạo điều kiện cho Bắc Kinh gia tốc xây dựng cơ sở hạ tầng và có thể khởi sự các tuyến tuần tra trên quần đảo Trường Sa mà Việt Nam cũng có tuyên bố chủ quyền.

Đội ngũ thi công Trung Quốc đang tiếp tục xây nhiều công trình trên đảo này, hoàn tất đê chắn sóng, và xây dựng đường sá. Hình ảnh vệ tinh cũng cho thấy dường như Trung Quốc đang cho đổ đất dọc theo hai bên đường băng. Có thể đây là nỗ lực đầu tiên gieo trồng lương thực trên hòn đảo này hoặc có thể chỉ là khởi sự trồng cây che chắn để chống tình trạng nước biển làm xói mòn. - VOA

***
Ảnh vệ tinh của bộ phận chuyên trách Quốc phòng và Không gian của tập đoàn Châu Âu Airbus (Airbus Defence and Space) ngày 20/09/2015 đã cho thấy rõ: Phi đạo dài hơn 3000 mét mà Trung Quốc cho xây trên Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef) ở vùng quần đảo Trường Sa đã hoàn tất, cùng với nhiều công trình khác. Theo tạp chí quốc phòng Anh IHS Jane’s Defense, như vậy là hòn đảo nhân tạo này đã trở thành căn cứ lớn nhất của Trung Quốc trong khu vực, với phi đạo dành cho chiến đấu cơ đã sẵn sàng hoạt động.

Theo ghi nhận của Jane’s Defense, ảnh vệ tinh chụp được ngày 20/09 đã cho thấy là phi đạo dài 3.125 mét mà Bắc Kinh cho xây trên Đá Chữ Thập đã hoàn tất. Trên ảnh còn thấy các bãi đáp trực thăng và các chữ số 050° và 230° được sơn ở hai đầu phi đạo.

Ảnh vệ tinh mới chụp còn cho thấy công nhân Trung Quốc tiếp tục xây dựng nhiều công trình khác trên đảo, hoàn thành con đê chắn sóng ở cảng và xây cất mạng lưới đường bê tông. Họ dường như cũng đã đổ đất dọc theo hai bên phi đạo, có thể là để trồng cây lương thực trên đảo hay để ngăn chặn hiện tượng đất bồi bị xói mòn.

Căn cứ vào những tấm ảnh chụp trước đó, như vậy là việc hoàn tất các công trình nói trên đã được Bắc Kinh thực hiện trong một vài tuần lễ gần đây.

Theo các chuyên gia phân tích của IHS Jane’s Defense, việc Trung Quốc làm xong phi đạo trên Đá Chữ Thập, sẽ cho phép Bắc Kinh đẩy nhanh tiến độ xây dựng thêm các cơ sở khác và bắt đầu thực hiện các phi vụ tuần tra trên toàn vùng Trường Sa, nơi cũng đang bị 4 láng giềng Đông Nam Á khác (Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei) và Đài Loan đòi chủ quyền.

Đối với tạp chí Anh, Đá Chữ Thập như vậy đã trở thành căn cứ lớn nhất của Trung Quốc trong vùng, với phi đạo tác chiến đầu tiên đã sẵn sàng hoạt động. Tại Biển Đông, Trung Quốc cũng đã có một phi đạo trên đảo Phú Lâm, nhưng ở tận vùng Hoàng Sa, còn ở Trường Sa thì đây có thể nói là sân bay quân sự đầu tiên.

Đối với IHS Jane’s, Đá Chữ Thập giữ một vị trí then chốt trong chiến lược khống chế Biển Đông của Trung Quốc vì đây là hòn đảo to lớn nhất được Bắc Kinh bồi đắp tại vùng Trường Sa, và đó sẽ trở thành "trung tâm tương lai cho các chiến dịch (của Bắc Kinh), ở khu vực phía nam Biển Đông."

Trong chiến lược của Bắc Kinh, hai phi đạo khác cũng đang trên đà hoàn tất ở Bãi Xu Bi (Subi Reef) và Đá Vành Khăn (Mischief Reef), cũng đã được Trung Quốc bồi đắp thành đảo nhân tạo. Cả ba hòn đảo mới Vành Khăn, Xu Bi và Chữ Thập đều nằm bên trong vùng biển mà Philippines đòi chủ quyền.

Các quan chức Quốc phòng Philippines không che giấu thái độ quan ngại trước khả năng phi đạo trên các đảo nhân tạo của Trung Quốc tại vùng Trường Sa sẽ được Bắc Kinh sử dụng để áp lệnh cấm bay trong khu vực một khi Trung Quốc thiết lập vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông. - RFI
|
|

2.
TT Iran: Thoả thuận hạt nhân có thể đánh dấu một thời đại hòa bình mới

Tổng Thống Iran Hassan Rouhani hôm qua nói rằng thoả thuận hạt nhân đạt được giữa 6 cường quốc thế giới và Teheran có thể đánh dấu một thời đại mới và giúp dẫn tới hoà bình và ổn định ở Trung Đông.

Lên tiếng tại hội nghị thường niên quy tụ các nhà lãnh đạo thế giới tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, ông Rouhani nói thoả thuận hạt nhân “không phải là mục tiêu tối hậu, mà là một diễn tiến có thể và nên là căn bản để thực hiện những cải thiện trong tương lai.”

Ông Rouhani nói “Thoả thuận hạt nhân là một ví dụ tuyệt vời của sự chiến thắng đối với chiến tranh, thoả thuận này đã đánh đuổi được những bóng mây của hận thù và có thể, nguy cơ xảy ra một cuộc chiến khác, cũng như những căng thẳng rộng khắp từ Trung Đông. Thoả thuận này có thể mở ra một thời đại mới dẫn tới những kết quả tích cực liên quan tới việc thiết lập một nền hoà bình và ổn định lâu dài trong khu vực.”

Theo thoả thuận ký kết ở Vienna hồi tháng 7, Iran cam kết sẽ giảm bớt quy mô của các hoạt động tinh chế uranium, và có những hành động khác nhằm bảo đảm nước này không chế tạo một quả bom hạt nhân. Teheran cũng đồng ý cho phép các cuộc thanh tra tại các cơ sở của họ được dùng để nghiên cứu và sản xuất vật liệu hạt nhân.

Để đổi lại, Hoa Kỳ và các đồng minh của Mỹ sẽ nới lỏng các biện pháp chế tài đã làm điêu đứng nền kinh tế Iran.

Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ John Kerry và Ngoại Trưởng Iran Mohammad Javad Zarif đã cùng các vị tương nhiệm đến từ Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga và Đức quy tụ về New York hôm qua để thảo luận về việc thi hành thoả thuận này.

Người đứng đầu chính sách đối ngoại Liên Hiệp Âu Châu, bà Federica Mogherini, người chủ trì cuộc họp, nói bà cảm thấy được khích lệ vì nhiều nhà lãnh đạo dự phiên họp khai mạc Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc ca ngợi thoả thuận hạt nhân với Iran.

Trong khi ông Rouhani phát biểu trước Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, hàng trăm người biểu tình tụ tập bên ngoài trụ sở Liên Hiệp Quốc, tố cáo chính quyền của ông về các hành động vi phạm nhân quyền.

Những người biểu tình nói hơn 2.000 người đã bị hành quyết dưới sự cai trị của ông. Họ cũng nêu lên việc Teheran bảo trợ cho các nhóm khủng bố trên khắp vùng Trung Đông, dù cho ông Rouhani được biết tiếng là một nhân vật có chủ trương ôn hoà. - VOA
|
|

3.
New Zealand sắp thiết lập khu bảo tồn biển lớn nhất thế giới

New Zealand quyết định thiết lập một trong những khu bảo tồn biển lớn nhất thế giới để bảo vệ sinh vật hoang dã ở Nam Thái Bình Dương. Theo tường thuật của thông tín viên Phil Mercer của đài VOA, Khu Bảo tồn Kermedec bao gồm vùng biển phần lớn là nguyên sơ với diện tích 620.000 cây số vuông, trong đó mọi hoạt động đánh bắt cá và khai thác mỏ đều bị cấm chỉ.

Khu vực được bảo vệ có diện tích tương đương với diện tích của nước Pháp.

Dưới đáy của khu vực bảo tồn, nằm giữa New Zealand và Tonga, là một trong những dãy núi lửa lớn nhất thế giới.

Đây là nơi sinh cư của nhiều loại sinh vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng, như cá heo, rùa, và cá voi, trong khi những chủng loại mới của sinh vật biển được khám phá một cách thường xuyên.

Khu vực này cũng là một nơi sinh sôi và là nguồn lương thực của các loại chim biển, cá và các loại động vật không có xương sống.

Khu bảo tồn sẽ chiếm 15% khu vực đặc quyền kinh tế của New Zealand và lớn gấp 50 lần công viên quốc gia lớn nhất của đảo quốc vùng Nam Thái Bình Dương này.

Thủ tướng New Zealand, ông John Key, phát biểu tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York: "Tôi rất vui mừng được nhân cơ hội này để loan báo việc thiết lập một trong những khu bảo tồn thiên nhiên lớn nhất thế giới, và quan trọng hơn cả, được bảo vệ đầy đủ. Chính phủ New Zealand sẽ thiết lập một khu vực bảo tồn biển có diện tích 620.000 cây số vuông trong vùng Kermedec. Đây là một nơi thật sự đặc biệt và chúng tôi muốn giữ cho nơi này luôn được như vậy".

Hành động này có phần chắc sẽ gây thất vọng cho những người trong ngành khai thác mỏ ở biển sâu và ngành đánh cá.

Một người phát ngôn của hiệp hội thuỷ sản New Zealand nói rằng họ sẽ xem xét tới ảnh hưởng của quyết định này.

Một công ty khai thác khoáng sản của Canada đã nộp đơn xin cấp phép thăm dò trong khu vực này.

Chính phủ New Zealand nói rằng vùng biển Nam Thái Bình Dương đã trở thành một biên cương mới của công tác bảo vệ môi trường.

Các tổ chức bảo tồn thiên nhiên hoan nghênh loan báo về khu bảo tồn biển, tuy họ tiếp tục chỉ trích điều mà họ cho là thành tích tệ hại của Wellington trong việc giảm thiểu lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Liên Hiệp Quốc đã đặt phát triển lâu bền làm một trong các trọng tâm hoạt động của tổ chức thế giới này. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

4.
Tổng thống Obama, Putin vẫn bất đồng sâu sắc về Syria và Ukraine

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama và Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ hai đã dùng diễn đàn ở Liên Hiệp Quốc để trình bày những quan điểm trái ngược nhau về những vụ xung đột ở Syria và Ukraine. Theo tường thuật của thông tín viên Aru Pande của đài VOA tại New York, hai vấn đề này đã bao trùm cuộc họp của hai nhà lãnh đạo Mỹ, Nga bên lề phiên họp thường niên của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.

Hình ảnh trên truyền hình cho thấy Tổng thống Obama và Tổng thống Putin đã bắt tay nhau một cách gượng gạo trước khi bước vào phòng họp hồi tối thứ hai để thảo luận với nhau trong hơn 90 phút đồng hồ.

Cuộc họp này diễn ra vài giờ sau khi hai nhà lãnh đạo trình bày những quan điểm rất khác nhau về vụ xung đột ở Syria và sự lãnh đạo của Tổng thống Bashar al-Assad.

Trong bài diễn văn đọc trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, ông Obama nói rằng ông Assad là một bạo chúa, một người “thả bom thùng để tàn sát những em bé ngây thơ vô tội.”

Ông hối thúc Liên Hiệp Quốc đoàn kết với nhau để ủng hộ cho một cuộc chuyển tiếp chính trị ở Syria không bao gồm ông Assad.

"Hoa Kỳ sẵn sàng làm việc với bất kỳ quốc gia nào, kể cả Nga và Iran, để giải quyết vụ xung đột này. Nhưng chúng ta phải công nhận là không thể có một sự trở lại với hiện trạng trước chiến tranh, sau khi máu đã đổ quá nhiều, những vụ tàn sát đã xảy ra quá nhiều."

Chỉ hai giờ đồng hồ sau đó, Tổng thống Putin đã dùng chính diễn đàn này để chỉ trích những nỗ lực do Hoa Kỳ dẫn đầu nhằm chống lại nhóm hiếu chiến Nhà nước Hồi giáo và biện minh cho việc Nga gia tăng hỗ trợ quân sự cho Syria và Tổng thống Assad.

"Chúng tôi nghĩ rằng việc từ chối hợp tác với chính phủ Syria và các lực lượng vũ trang của nước này, những người đang chiến đấu một cách can trường để chống lại chủ nghĩa khủng bố, là một sai lầm vô cùng to lớn. Rốt cuộc thì chúng ta phải công nhận là chỉ có lực lượng vũ trang của Tổng thống Assad và dân quân người Kurd là những người thật sự chiến đấu chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo."

Hai nhà lãnh đạo Mỹ, Nga cũng công kích nhau về vấn đề Ukraine. Tổng thống Obama lên án việc Nga thôn tính bán đảo Crimea của Ukraine và tiếp tục xâm lăng miền đông nước này.

"Chúng ta không thể khoanh tay đứng nhìn khi chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của một nước bị xâm phạm một cách trắng trợn. Nếu điều đó xảy ra mà thủ phạm không phải nhận lãnh hậu quả, nó có thể xảy ra cho bất kỳ nước nào trong số các nước qui tụ ở đây ngày hôm nay."

Một viên chức của Tòa Bạch Ốc cho biết ông Obama đã lập lại những quan điểm đó với ông Putin trong cuộc họp tối thứ hai, và bày tỏ sự quan tâm về việc thực thi hiệp định hoà bình Ukraine đạt được tại Minsk.

Cựu Đại sứ Mỹ tại Ukraine, ông Steven Pifer, nhận định như sau.

"Có rất ít bằng chứng cho thấy Nga đang làm bất kỳ điều gì để thúc đẩy các phần tử đòi ly khai thực thi những qui định của hiệp định Minsk. Cho nên Tổng thống Obama có một cơ hội để đưa ra một thông điệp mạnh mẽ."

Một viên chức của Tòa Bạch Ốc mô tả cuộc họp 90 phút là có thực chất và có kết quả, với việc đôi bên không đồng ý với nhau về vai trò của ông Assad ở Syria nhưng đồng ý là quân đội hai nước phải liên lạc tiếp xúc với nhau để tránh xảy ra những vụ xung đột quân sự trong khu vực này. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

5.
VN giảm lãi suất tiền gửi USD về 0%

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam vừa bất ngờ thông báo hạ lãi suất tiền gửi USD.

Theo đó, kể từ 28/9, lãi suất gửi USD của tổ chức hạ xuống còn 0% một năm và lãi suất tiền gửi cá nhân là 0,25% một năm.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, bà Nguyễn Thị Hồng, được báo Lao Động dẫn lời nói động thái trên là nhằm nâng cao sức hấp dẫn của VND, hạn chế tình trạng đôla hóa.

"Thời gian qua, mặc dù có những biến động nhưng thị trường tiền tệ, ngoại hối trong nước về cơ bản ổn định", bà nói.

"Tuy nhiên, một bộ phận tổ chức, cá nhân có biểu hiện ngăm giữ ngoại tệ".

"Bởi vậy, NHNN quyết định tiếp tục giảm mức trần xuống 0% áp dụng đối với tổ chức và 0,25% một năm áp dụng đối với cá nhân."

"Giải pháp này phù hợp với phương châm điều hành, đồng thời góp phần nâng cao sức hấp dẫn của VND, hạn chế tình trạng đôla hóa."

'Không đồng bộ'

Trả lời BBC ngày 29/9, chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành cho rằng động thái của Ngân hàng Nhà nước "cũng là xu hướng giảm lãi suất huy động và giảm lãi suất cho vay xuống càng thấp càng tốt để doanh nghiệp có thể tiếp cận được với lãi suất hợp lý."

"Tại Việt nam hiện giờ các doanh nghiệp hoạt động với lãi suất thấp nhất là 5-6%, trong khi các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam lại vay với lãi suất 1-2% từ xuất xứ của họ, tạo sự mất cân bằng", ông nói.

"Vừa rồi bên Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cũng không chủ trương nâng lãi suất của họ lên thì không lý do gì Việt Nam không hạ lãi suất xuống."

"Việc gửi tiền ngoại tệ tại các ngân hàng thì cũng không có lý do gì để cho lãi suất cao, vì có cao hay thấp gì người có ngoại tệ cũng bỏ vào ngân hàng chứ cũng không giữ ở nhà làm gì."

"Nếu huy động được số vốn bằng ngoại tệ với lãi suất thấp thì có thể cho các doanh nghiệp vay làm hàng xuất khẩu."

Nhận định về phát biểu của đại diện NHNN về việc "hạn chế tình trạng đôla hóa", ông Thành nói:

"Cũng không nói như vậy được. Nếu bớt lãi suất thì người ta rút đôla ra làm việc khác thì cũng đôla hóa, nên nói thế cũng không đồng bộ lắm."

"Còn việc giảm lãi suất đôla để giảm lãi suất của VND thì cũng có lý thôi vì hiện giờ lạm phát thấp, dưới chừng 2-3%, thì lãi suất huy động ở các ngân hàng ở mức 5-6% cũng có sự cách biệt quá đáng."

"Nếu các vị làm trong ngành ngân hàng mà huy động số vốn ngắn hạn trên quỹ thị trường tiền tệ với thời hạn 13 tháng về cho doanh nghiệp vay thì lãi suất rất thấp."

"Lãi suất 13 tháng trên thế giới bây giờ chỉ khoảng chừng 1%, nếu đem số tiền đó về cho giới doanh nghiệp vay với lãi suất 1-2% thì nó tạo điều kiện tốt cho doanh nghiệp có nguồn đôla làm việc xuất khẩu."

"Ý tôi ở đây không phải là lấy đôla cho vay đại trà, mà là nếu dùng đôla để cho vay làm hàng xuất khẩu thì có nguồn trở lại để trả cho vốn đó, thì sẽ không có rủi ro gì lớn". - BBC
|
|

6.
Việt Nam lên án Trung Quốc, kêu gọi Mỹ bỏ cấm vận vũ khí --- VN không mở cửa Cam Ranh cho nước ngoài

Chủ tịch nước Việt Nam lên án việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo ở Biển Đông vi phạm luật quốc tế và đe dọa an ninh hàng hải, đồng thời kêu gọi Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí cho Hà Nội.

Phát biểu của ông Trương Tấn Sang tại Mỹ hôm qua trong cuộc phỏng vấn dành cho hãng thông tấn AP được đưa ra giữa lúc nguyên thủ các nước trên thế giới tham dự thượng đỉnh thường niên của Đại hội đồng Liên hiệp quốc ở New York, mà qua đó Biển Đông là đề tài được nêu lên trong các bài phát biểu của lãnh đạo Hoa Kỳ, Trung Quốc, và Việt Nam.

Chủ tịch Trương Tấn Sang nhận xét Biển Đông tại thời điểm này thật sự là một điểm nóng của khu vực và của thế giới.

Vẫn theo lời ông, trong năm qua, Trung Quốc đã tiến hành bồi đắp đất quy mô lớn tại các bãi đá nửa chìm nửa nổi để biến chúng thành các đảo lớn hơn và đó là việc làm vi phạm luật quốc tế. Chủ tịch nước Việt Nam nói động tháinày đi ngược lại Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển và trái với Tuyên bố Ứng xử Biển Đông ASEAN đạt được năm 2002.

Nhà lãnh đạo Việt Nam nhấn mạnh quan ngại của Hà Nội và các nước Đông Nam Á là điều dĩ nhiên và dễ hiểu vì hành động của Bắc Kinh ảnh hưởng nghiêm trọng tới an toàn hàng hải và an ninh Biển Đông. Ông Sang nói môi trường hòa bình là yếu tố quan trọng để thực thi các mục tiêu phát triển bền vững mới vừa được đồng thuận tại Liên hiệp quốc.

Phát biểu của Chủ tịch Việt Nam được đưa ra một tuần sau khi Chủ tịch Trung Quốc tuyên bố nhân chuyến thăm Hoa Kỳ rằng Trung Quốc có quyền bảo vệ chủ quyền của mình ở Biển Đông và rằng Trường Sa từ xa xưa đã thuộc về Trung Quốc.

Trong khi mạnh mẽ lên án Trung Quốc, Chủ tịch Việt Nam đã dành những ngôn từ nồng ấm cho Hoa Kỳ, mong muốn có thêm bước tiến để siết chặt quan hệ với quốc gia cựu thù và kêu gọi Washington chấm dứt cấm vận vũ khí đối với Hà Nội.

Ông Sang nói sẽ không còn ngờ vực giữa hai nước và quan hệ Việt-Mỹ sẽ được bình thường hóa toàn diện khi mà Hoa Kỳ dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí hoàn toàn cho Việt Nam.

Ông nói thêm rằng chuyến thăm có thể có của Tổng thống Mỹ tới Việt Nam trong năm nay sẽ giúp củng cố quan hệ đối tác toàn diện mà đôi bên chính thức đạt được từ năm 2013 khi Chủ tịch Việt Nam công du Hoa Kỳ. Theo dự kiến nhà lãnh đạo Mỹ có thể ghé thăm Việt Nam trong mùa thu này nhân chuyến công du khu vực.

Tháng 10 năm ngoái, Washington loan báo dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận vũ khí cho Việt Nam giúp Hà Nội tăng cường khả năng bảo vệ an ninh hàng hải.

Tuy nhiên, chính quyền của Tổng thống Obama nhất mực khẳng định điều kiện tiên quyết để quan hệ Việt-Mỹ được phát huy toàn diện là Hà Nội phải cải thiện thành tích nhân quyền đang bị quốc tế lên án.

Các nhà lập pháp Mỹ cũng yêu cầu Việt Nam phải điều chỉnh các vi phạm nhân quyền trước khi Hà Nội có thể được hưởng lợi từ Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương mà Mỹ cùng các nước đang đàm phán. Hiệp định gần như sắp hoàn tất này đang được 12 quốc gia thương thảo trong đó có Việt Nam.

Chủ tịch Trương Tấn Sang trong cuộc phỏng vấn với AP không đưa ra những cam kết cụ thể về nhân quyền, chỉ nói rằng Việt Nam sẵn sàng tiếp tục thảo luận với Mỹ về vấn đề này.

Ông nói Hiến pháp Việt Nam giờ đây có bao gồm một chương về bảo vệ nhân quyền và việc thực thi sẽ được tiến hành trong ‘vài năm tới’ để các quyền đó thật sự được áp dụng ‘trên thực tế.’

Đối thoại nhân quyền Việt-Mỹ thường niên 2015 đã kết thúc hồi giữa năm. Hai nước đang tiến hành đối thoại chính sách quốc phòng lần thứ 5 diễn ra từ ngày 27/9 tới ngày 3/10 tại Mỹ. - VOA

***
Việt Nam sẽ không mở cửa cảng Cam Ranh cho việc hợp tác quân sự với nước ngoài. Chủ tịch nước Việt Nam, ông Trương Tấn Sang đã nói như thế trong buổi nói chuyện tại Hội Châu Á có trụ sở ở New York.

Trong buổi nói chuyện dài hơn 1 giờ đồng hồ tại đây vào chiều hôm qua thứ Hai 28/9, giờ địa phương, ông Sang cũng khẳng định là các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là thuộc chủ quyền Việt Nam từ lâu đời.

Khi trả lời câu hỏi về sự hợp tác của Việt Nam hiện nay với Ấn Độ, Nhật Bản, và Hoa Kỳ trong các lĩnh vực có liên quan tới Biển Đông có phải là để phòng ngự ở Biển Đông không? Ông Sang trả lời rằng Việt Nam hoan nghênh tất cả sự tham gia của bất kỳ quốc gia nào vào việc gìn giữ hòa bình và ổn định ở khu vực.

Ông Trương Tấn Sang nói thêm là sự chia sẻ lợi ích hiện nay giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong việc giữ vững hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực đã bao hàm cả việc bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải, hàng không, và thực thi pháp luật trên biển.

Trước đó, bên lề kỳ họp của Đại hội đồng Liên Hiệp quốc, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã trả lời hãng tin AP của Mỹ rằng việc Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo trong vùng Biển Đông tranh chấp là vi phạm luật pháp quốc tế và đe dọa an ninh hàng hải. Đồng thời ông cũng kêu gọi Hoa Kỳ dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam.

Được biết sau khi dự kỳ họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sẽ sang thăm Cuba vào ngày mai. - RFA

No comments:

Post a Comment