Friday, September 18, 2015

Tin Cập Nhật Thứ Sáu 18/9

Tin Thế Giới

1.
Làn sóng người tị nạn tiếp tục đổ tới gây nhiều áp lực lên nước Đức --- Mỹ xem xét nhận thêm người Syria tị nạn

Nước Đức, điểm đến được ưa chuộng của nhiều người trong làn sóng di dân đổ vào châu Âu, đang phải đối mặt với câu hỏi là làm thế nào đối phó với làn sóng người này. Người tị nạn đang vào nước Đức từ biên giới Áo với con số 1.800 người mỗi ngày, dù lệnh hạn chế qua biên giới được thi hành từ ngày Chủ Nhật vừa qua. Thông tín viên Luis Ramirez của đài VOA gởi bài tường thuật về từ Munich.

Khuôn mặt của nước Đức đã thay đổi trong nhiều thập niên và ít có nơi nào việc này rõ ràng hơn tại khu vực chung quanh một nhà ga xe lửa chính ở Munich.

Hàng trăm người di dân tiếp tục đến nhà ga mỗi ngày. Các giới chức địa phương hãnh diện về cách đối phó của họ.

Ông Christoph Hillenbrand, thủ hiến chính phủ Thượng Bavaria nói:

“Trong 14 ngày chúng tôi có khoảng 70.000 người đến Munich. Giúp cho họ có được nơi ăn chốn ở trong vài giờ đồng hồ, chăm sóc sức khỏe cho họ là một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn và tôi nghĩ chúng tôi đã làm khá tốt việc này”.

Tuy nhiên với việc khuôn mặt truyền thống của nước Đức nhường chỗ cho một nước Đức đa văn hóa, một số sự lo âu đã xuất hiện cùng lúc với ý muốn giúp đỡ.

Một phụ nữ người Đức cho biết như sau:

“Chúng tôi đã có nhiều người thất nghiệp ở đây. Và làm thế nào để tất cả những người tị nạn này tìm được việc làm? Họ không nói được tiếng Đức. Tôi thật sự không biết làm thế nào”.

Sự nghi ngờ này giúp tăng thêm lập luận của các chính trị gia cực hữu cho rằng đây là một sai lầm quốc gia vì đã có thái độ hoan nghênh đón nhận những người có văn hóa rất khác biệt và một số người tin là vào một ngày nào đó những người di dân này sẽ trở thành khối dân đa số.

Ông Michael Stuerzenberger đã bị những người Hồi Giáo dọa giết và bị truyền thông chỉ trích kịch liệt vì lên tiếng phản đối di dân. Ông nói:

“Đó là quá khứ của chúng tôi. Nhiều người nhận thức được về Holocaust, việc tàn sát tập thể người Do Thái, Thế chiến thứ hai, và do đó họ nghĩ hiện nay chúng tôi muốn chứng tỏ lòng tốt đối với thế giới. Chúng tôi muốn chứng tỏ nước Đức là một quốc gia thân thiện, với những người dân thân thiện. Chúng tôi hoan nghênh tất cả mọi người và chúng tôi muốn chứng tỏ nước Đức hiện nay là một quốc gia tốt”.

Tại quảng trường ở trung tâm thành phố Munich, những người đạp xe thồ nói họ tặng số tiền kiếm được để giúp người tị nạn.

Một người lái xe nói:

“Chúng tôi quyết định làm nhiều hơn nữa. Tôi không biết tại sao. Thật là tuyệt vời. Ngay cả Thủ tướng cũng thay đổi lập trường của bà, và đây giống như là một làn sóng nhân đạo khổng lồ. Tôi mong ước mỗi quốc gia châu Âu đều làm việc này”.

Tuy nhiên, không phải tất cả châu Âu muốn hoan nghênh chào đón người tị nạn như nước Đức và các nhà lãnh đạo Đức đã phải đối đầu với thực tế này trong nước.

Ông Matthias Kortmann thuộc trường đại học Ludwig Maximilian ở Munich nói:

“Một mặt, họ biết họ phải tìm cách giảm bớt số người tị nạn hiện đang ở mức quá cao, vì vào một thời điểm nào đó thái độ người dân cũng có thể thay đổi vì dân chúng có cảm giác là quá nhiều. Nhưng mặt khác, vẫn còn có cảm tưởng là chúng ta có nghĩa vụ phải làm một việc gì đó cho cuộc khủng hoảng người tị nạn này”.

Trong lúc chuẩn bị cho lễ hội Oktoberfest, nhà cầm quyền địa phương muốn tránh xảy ra những vụ xung đột văn hóa. Họ đang sắp xếp những chuyến xe lửa riêng để đảm bảo là những người tham gia lễ hội uống bia không đi cùng nhau hay không lẫn lộn với nhau.

Thủ tướng Angela Merkel nói Đức là một nước mạnh và sẽ giải quyết được vấn đề này. Giữa lúc hàng ngàn người tiếp tục vào nước Đức, sẽ có thêm nhiều câu hỏi là nước này sẽ đối phó như thế nào vào lúc này và trong tương lai. - VOA

***
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết Washington muốn tăng thêm số người Syria tị nạn mà họ tái định cư ở Mỹ. Tuy nhiên, các giới chức Mỹ đang tìm cách cân bằng giữa ý muốn tiếp nhận thêm người Syria với việc cần phải thực hiện những cuộc kiểm tra an ninh cặn kẽ đối với những người mà họ muốn tiếp nhận. Thông tín viên Pam Dockins của đài VOA gởi về từ trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ.

Trong lúc hàng vạn người tị nạn từ những khu vực có xung đột tràn vào Âu châu, chính phủ Mỹ đang xem xét vấn đề có thể nới rộng chương trình tiếp nhận người tị nạn hay không.

Một số tổ chức tranh đấu cho quyền lợi của người tị nạn nói rằng con số 10.000 người Syria tị nạn mà Mỹ đồng ý tiếp nhận trong năm tới là quá thấp.

Họ nói rằng con số đó phải ở mức từ 65.000 cho tới 100.000.

Tuy nhiên, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Anne Richard nói rằng đó là một việc không khả thi.

"Chúng tôi không thể đưa nhiều người như thế, một cách nhanh chóng như thế, đi qua tiến trình để tới đây ngõ hầu có thể đạt tới những con số cao và đáng ham muốn như vậy".

Các giới chức cho biết nguyên do của tình trạng này là những thủ tục mà những người tị nạn phải hoàn tất theo đòi hỏi của chính sách của Mỹ.

Tiến trình kéo dài từ một năm rưỡi cho tới hai năm này bao gồm những cuộc phỏng vấn tại chỗ, những cuộc kiểm tra sức khỏe và những cuộc sưu tra an ninh.

Mặc dầu vậy, các giới chức Mỹ cũng cho biết những cáo giác cho rằng quân khủng bố đang tìm cách trà trộn vào người tị nạn để tới Mỹ phần lớn là không có cơ sở.

"Họ là những người tìm cách làm sao cho gia đình của họ có được một tương lai. Họ là những người đã bỏ chạy ra khỏi Syria, hoặc đã tìm cách ở lại Syria, nhưng con cái họ không thể tới trường. Công ăn việc làm của họ không có nữa. Nơi làm việc của họ bị nổ tung".

Hiện có hơn 4 triệu người Syria tị nạn, phần lớn là ở ba nước Li-Băng, Thổ Nhĩ Kỳ và Jordan.

Bà Laura Thompson, một viên chức của Tổ chức Di dân Quốc tế, nói rằng tất cả các nước phải làm hết sức mình để giúp người tị nạn.

"10.000 người rõ ràng là không đủ, con số 140.000 người mà Âu châu đang nói tới là không đủ, vì hiện nay đang có khoảng 3 triệu rưỡi người tị nạn ở 3 nước đó".

Các giới chức Mỹ cho biết họ cũng đang tìm kiếm những cách thức để tinh giản tiến trình tái định cư người tị nạn mà không làm gia tăng những mối rủi ro về an ninh. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

2.
Biển Đông: Thượng viện Mỹ đòi Hải quân mạnh tay hơn với Trung Quốc

Hải quân Mỹ đã nhiều lần lên tiếng đe dọa cử chiến hạm và phi cơ tiến sâu vào vùng 12 hải lý quanh các đảo mà Trung Quốc đang bồi đắp tại Trường Sa, nhưng chưa làm. Thái độ rụt rè đó đã khiến Thượng viện Mỹ bất bình. Nhân một cuộc điều trần ngày 17/09/2015, nhiều Thượng nghị sĩ Mỹ công khai yêu cầu Lầu Năm Góc phải cho tàu Hải quân tiến vào bên trong vùng biển đó để khẳng định lập trường của Mỹ.

Theo hãng tin Mỹ AP, Thượng nghị sĩ John McCain, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Hoa Kỳ, đã tuyên bố  Mỹ cần phải thâm nhập vào bên trong khu vực 12 hải lý chung quanh các hòn đảo mà Trung Quốc đang rốt ráo xây dựng. Mục tiêu là để nêu bật quan điểm của Washington, không công nhận các tuyên bố của Bắc Kinh cho rằng các đảo là lãnh thổ của Trung Quốc.

Tại phiên điều trần, ông McCain khẳng định: "Mặc nhiên công nhận tuyên bố chủ quyền nhân tạo của Trung Quốc một sai lầm nguy hiểm". Sau khi nhắc lại là Trung Quốc mới đây đã cho tàu quân sự tiến vào vùng 12 hải lý quanh quần đảo Aleutian của Mỹ, ngoài khơi Alaska, Thượng nghị sĩ McCain cho rằng Hoa Kỳ cũng cần khẳng định "một cách mạnh mẽ" quyền lưu thông trên biển của mình.

Khuyến cáo của các Thượng nghị sĩ Mỹ được cho là lời chỉ trích đối với thái độ quá thận trọng của Hải quân Mỹ. Bất chấp các tuyên bố dứt khoát từng được đưa ra, hôm qua, chính ông David Shear, trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng về Châu Á-Thái Bình Dương đã thừa nhận rằng kể từ năm 2012 đến nay, tàu Mỹ chưa hề tiến vào bên trong vùng 12 hải lý quanh các đảo Bắc Kinh đang kiểm soát.

Tư lệnh Lực lượng Mỹ tại Thái Bình Dương, Đô đốc Harry Harris cũng tiết lộ rằng phi cơ quân sự của Hoa Kỳ cũng chưa hề tiến hành một phi vụ nào trực tiếp bên trên bất kỳ thực thể nào mà Trung Quốc đang bồi đắp và xây dựng ở vùng Biển Đông.

Hai nhân vật then chốt trong guồng máy quân sự Mỹ đã liên tục bị các Thượng nghị sĩ chất vấn về việc Lầu Năm Góc đã xin Nhà Trắng bật đèn xanh cho các chiến dịch bên trong vùng 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đã bồi đắp hay chưa, và câu trả lời ra sao?

Câu trả lời của Đô đốc Harris khá lúng túng: một mặt ông thừa nhận rằng Hải quân Mỹ cần được phép tiến vào bên trong vùng 12 hải lý để hành xử quyền tự do hàng không và hàng hải ở Biển Đông, nhưng ông vẫn đang chờ hướng dẫn từ cấp trên.

Ông David Shear cũng từ chối nói về những cuộc thảo luận đang diễn ra giữa Lầu Năm Góc và Nhà Trắng trên vấn đề này, nhưng cho biết thêm là việc hành xử quyền tự do hàng hải trong khu vực quần đảo Trường Sa chỉ là một trong những phương án mà thôi, vì còn cần phải tìm cách ngăn chặn không cho Trung Quốc chuyển vũ khí tối tân đến các tiền đồn đó của họ trên Biển Đông.

Một Thượng nghị sĩ khác có mặt trong buổi điều trần, ông Dan Sullivan, tiểu bang Alaska, đã nhắc lại tuyên bố công khai hôm thứ Tư 16/09 vừa qua của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter, theo đó Hoa Kỳ sẽ không lùi bước trong việc bảo vệ quyền tự do hàng hải trong khu vực, và "việc biến một bãi đá ngầm thành một sân bay không thể cho ta quyền đòi chủ quyền và giới hạn quyền quốc tế được quá cảnh trên không và trên biển".

Theo các nhà quan sát, phản ứng không hài lòng của các Thượng nghị sĩ có thế lực phải chăng đang dự báo cho những động thái cứng rắn hơn nữa của Hải quân Mỹ tại Biển Đông trong thời gian sắp tới đây?

Vào đầu năm nay, trước những phản ứng từng bị coi là yếu ớt của Washington trước các hành vi bị đánh giá là ngày càng thô bạo và đầy tính khiêu khích của Bắc Kinh tại Biển Đông, 4 Thượng nghị sĩ Mỹ trong đó có ông John McCain đã công bố thư ngỏ, yêu cầu chính quyền Hoa Kỳ phải cứng rắn hơn. Kết quả là chính quyền Obama đã liên tiếp có những cố gắng vạch trần và tố cáo rộng rãi mưu đồ của Trung Quốc tại Biển Đông.

Khuyến cáo lần này của các Thượng nghị sĩ rất có thể sẽ có kết quả tương tự. - RFI
|
|

3.
Vì Trung Quốc, Fed hoãn tăng lãi suất chỉ đạo

Ngoại trừ Tokyo, các thị trường chứng khoán Châu Á tăng giá sau tin Ngân hàng Trung ương Mỹ duy trì lãi suất chỉ đạo. Trước những lo ngại vì kinh tế Trung Quốc, Thống đốc Janet Yellen thận trọng dời lại quyết định điều chỉnh chính sách tiền tệ.

Họp báo chiều ngày 17/09/2015 Thống đốc Ngân hàng Trung ương Mỹ bà Janet Yellen thông báo Fed duy trì lãi suất chỉ đạo ở mức từ 0 đến 0,25%. Thông cáo báo chí của Cục dự trữ Liên bang giải thích: tình trạng bấp bênh về tài chính và nhiều mối lo ngại xuất phát từ các nền kinh tế đang lên là hai yếu tố khiến Hoa Kỳ thận trọng.

Ngân hàng Trung ương Mỹ nêu rõ "tăng trưởng của Trung Quốc và một số các nền kinh tế đang trỗi dậy khác gây lo ngại và gây bất ổn cho thị trường tài chính thế giới". Theo các nhà bình luận, từ khi điều hành Fed hồi tháng 2/2014, đây là lần đầu tiên bà Yellen đứng trước một một thách thức lớn.

Bản thân lãnh đạo Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ nhìn nhận: dự phóng về tăng trưởng của thế giới không mấy khả quan, đồng đô la gần đây bị mất giá, giá năng lượng và nguyên, nhiên liệu đang giảm mạnh. Nước Mỹ không bị đe dọa lạm phát trong những tháng tới. Do vậy Fed cho rằng có thêm thời gian để quyết định tăng lãi suất chỉ đạo. Nhưng đồng thời, duy trì chính sách tiền tệ như hiện tại có nguy cơ tạo nên một quả bóng đầu cơ.

Về phần mình các nền kinh tế đang trỗi dậy đã thực sự thở phào nhẹ nhõm khi thấy Cục dự trữ Liên bang Hoa Kỳ không tăng lãi suất. Các quốc gia này tạm thời xua tan được đe dọa các nhà đầu tư ồ ạt rút vốn đổ về Mỹ với hy vọng để dễ kiếm lời.

Tuy nhiên bản thân việc Fed dời lại thời điểm tăng lãi suất chỉ đạo có nguy cơ gây hoang mang cho thị trường, bởi ai cũng biết là sớm muộn gì Ngân hàng Trung ương Mỹ cũng sẽ siết lại chính sách tiền tệ, sau gần 7 năm ghim lãi suất chỉ đạo ở mức thấp kỷ lục, dao động từ 0 đến 0,25%. - RFI
|
|

4.
Tập đoàn nào sẽ sản xuất hậu thân của B-52?

Lầu Năm Góc chuẩn bị loan báo tên của tập đoàn sẽ được chọn để sản xuất oanh tạc cơ tương lai, thay thế cho chiếc B-52 nổi tiếng từ thời chiến tranh Việt Nam, một dự án hiện được giữ bí mật rất chặt chẽ.

Có hai đối thủ hiện đang tranh nhau hợp đồng trị giá hàng chục tỷ đôla, đó là tập đoàn Nothrop Grunmman và liên minh hai tập đoàn Boeing-Lockheed Martin. Theo lời các quan chức bộ Quốc phòng Mỹ, quyết định sẽ sớm được đưa ra trong tháng 9/2015.

Cho tới nay, các quan chức Lầu Năm Góc vẫn rất kín tiếng về dự án oanh tạc cơ tương lai, như câu nói đùa của quan chức đặc trách hợp đồng mua vũ khí cho Không lực Hoa Kỳ, William LaPlante: "Trừ giá mỗi chiếc là 500 triệu đôla, được ấn định từ năm 2010, tất cả mọi thứ trong máy bay này đều là 'thông tin tối mật'".

Theo dự kiến, Không lực Hoa Kỳ sẽ mua tổng cộng từ 80 đến 100 chiếc oanh tạc cơ mới để thay thế cho các oanh tạc cơ B-52 và B-1 kể từ giữa thập niên 2020.

Thuộc loại máy bay "tàng hình", trên đó có gắn nhiều máy tính và nhiều bộ cảm biến, có khả năng chở theo bom nguyên tử, oanh tạc cơ mới sẽ có thể xâm nhập vào những không phận được bảo vệ chặt chẽ nhất, đặc biệt là của Nga và Trung Quốc. Hai nước này đã đầu tư rất nhiều để trang bị các hệ thống tên lửa và radar tối tân nhằm ngăn chận mọi máy bay của đối phương tiến sát lãnh thổ của họ.

Theo một nhà phân tích chuyên về lĩnh vực hàng không Richard Aboulafia, oanh tạc cơ tương lai sẽ có thể bay rất cao, nhưng chắc là sẽ không bay với vận tốc siêu âm, vì lý do tiết kiệm nhiên liệu. Máy bay này sẽ không gây nhiều tiếng ồn, không để cho radar phát hiện và dĩ nhiên sẽ có đầy thiết bị chiến tranh điện tử để gây nhiễu đối phương.

Theo nhiều chuyên gia, việc phát triển oanh tạc cơ tương lai trên thực tế đã tiến rất xa, nhờ vào các ngân sách bí mật của Bộ Quốc phòng Mỹ. Dự án oanh tạc cơ này có thể tốn kém tổng cộng 73 tỷ đôla, kể cả chi phí phát triển, theo thẩm định của CSBA, một nhóm tham vấn về các chương trình quốc phòng ở Washington. Chi phí này thật ra chẳng thấm vào đâu so với chi phí dành cho chiến đấu cơ F-35 (gần 400 tỷ đôla). - RFI
|
|

Tin Việt Nam

5.
Luật Báo chí sửa đổi chưa công nhận báo chí tư nhân

Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam nhất trí với hầu hết nội dung của Luật Báo chí sửa đổi vừa được Bộ Thông tin Truyền thông trình lên ngày 17/9, theo thông tấn xã Bernama dẫn nguồn từ truyền thông trong nước.

Luật sửa đổi bao gồm 6 chương, 60 điều khoản. Trong số này có 31 điều mới và 29 điều sửa đổi - bổ sung nhằm phù hợp với thực tiễn mới, thi hành Hiến pháp năm 2013, bản hiến pháp mà Việt Nam nói là nêu bật cam kết của nhà nước trong việc bảo vệ quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận và tự do thông tin của người dân.

Báo Thể thao Văn hóa dẫn lời Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son phát biểu tại cuộc họp hôm thứ Năm rằng: "Quyền tự do ngôn luận là một trong những quyền cơ bản của con người, được thể hiện trong Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền năm 1948 và Công ước quốc tế năm 1966 về các quyền dân sự, chính trị của Liên Hiệp Quốc. Quyền tự do báo chí được hiểu là việc thực hiện quyền tự do ngôn luận của con người thông qua báo chí. Báo chí có vai trò là phương tiện để mọi công dân thực hiện quyền tự do ngôn luận của mình".

Giới chức Việt Nam cho hay trong số các chủ điểm mới của Dự thảo luật so với Luật hiện hành có việc bổ sung thêm 1 chương quy định về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí theo tinh thần Hiến pháp 2013.

Một cựu đảng viên từng công tác trong Ban an ninh Nội chính thành ủy, chuyên nghiên cứu an ninh trong đó có vấn đề an ninh tư tưởng-văn hóa nay là một nhà báo tự do được nhiều người biết đến, Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, nhận xét về nét mới của luật sửa đổi:

“Chỉ có 2 nét. Có bổ sung 1 chương mới hoàn toàn liên quan đến quyền tự do báo chí và quyền tự do ngôn luận trong báo chí. Một quan chức trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội có ý kiến là cần phải ghép thêm cả quyền tự do ngôn luận vào Luật báo chí vì không thể tách rời tự do ngôn luận của nhà báo với công dân vì nhà báo cũng là công dân. Có vẻ như việc này nằm trong lộ trình cải cách khung luật pháp do Mỹ và một số Tây phương yêu cầu, và là một đề xuất của các quốc gia trong chương trình Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát UPR tại Thụy Sĩ vào tháng 2/2014 trong đó có gần 20 ý kiến của các quốc gia đề nghị Việt Nam phải cải cách luật báo chí theo hướng tự do, cởi mở. Đó là nét mới của Dự luật báo chí, nhưng có điều là vẫn không có một từ ‘tư nhân’ nào trong Dự luật báo chí này, nghĩa là Việt Nam vẫn chưa chấp nhận cho tư nhân được phép ra báo chí”.

Việt Nam trong nhiều năm nay liên tiếp bị cộng đồng quốc tế và các tổ chức bảo vệ nhân quyền trên thế giới liệt kê vào danh sách các nước vi phạm tự do ngôn luận, không có tự do báo chí, với nền báo chí hoàn toàn đặt dưới sự kiểm soát của nhà nước.

Việt Nam nói Luật báo chí hiện hành sau 16 năm áp dụng cần sửa đổi vì những thay đổi thực tiễn của truyền thông mới và các hoạt động báo chí ngày nay.

Tuy nhiên, theo luật sửa đổi, báo chí vẫn chịu sự quản lý chặt chẽ của đảng Cộng sản cầm quyền, không có báo chí tư nhân. 

Truyền thông nhà nước dẫn lời Bộ trưởng Thông tin Truyền thông khẳng định ‘Báo chí của chúng ta là phương tiện thông tin, công cụ truyền thông, vũ khí tư tưởng quan trọng đặc biệt. Đảng và Nhà nước phải nắm chắc công cụ này’.

Ông Son nói thêm rằng ‘Phải quán triệt báo chí của chúng ta là báo chí cách mạng đặt dưới sự lãnh đạo toàn diện, trực tiếp của Đảng, quản lý của nhà nước’.

Chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, một trong những tổ chức xã hội dân sự mới thành lập cổ súy cho quyền tự do báo chí trong nước, cho rằng dù chưa công nhận báo chí tư nhân, nhưng luật báo chí sửa đổi phần nào cũng mang lại tia hy vọng về một bước chuyển đổi tích cực hơn cho nền tự do báo chí tại Việt Nam.

Tiến sĩ Phạm Chí Dũng dự đoán:

“Có một chút hy vọng cho tự do dân chủ tại Việt Nam, đặc biệt là tự do ngôn luận trong báo chí. Trước 2011 ở Miến Điện không thể nói tới báo chí tư nhân, nhưng tới 2013 không thể tưởng tượng là Tổng thống Then Sein đã cho ra luật tự do báo chí và cho phép báo chí tư nhân hoạt động. Ở Việt Nam, tôi cho là cũng đang diễn tiến theo một lộ trình chậm. Bây giờ có thể bắt đầu cải cách sửa khung luật về tự do báo chí, đôi nét mở cửa một chút cho tự do báo chí nhà nước nhưng chưa đề cập tới báo chí tư nhân, càng chưa đề cập đến mạng xã hội vốn bị coi là nhạy cảm, nguy hiểm chính trị. Nhưng có thể sau đại hội 12, với tỷ lệ những gương mặt ‘kỹ trị’, có thể cởi mở hơn một chút về mặt chính trị trong Bộ Chính trị, thì xã hội có thể hy vọng những gương mặt đó có thể chấp nhận nhiều hơn nữa dân chủ hóa, nhiều hơn nữa tính tự do trong báo chí. Biết đâu theo lộ trình, cùng với đà nhà nước cần chấp nhận mô hình công đoàn độc lập, có thể cuối năm 2016 vừa triển khai từng bước cho công đoàn được độc lập tại Việt Nam và đồng thời cũng có thể bắt đầu chấp nhận từng phần tư nhân hóa báo chí ở Việt Nam”.

Cựu cán bộ của Ban an ninh Nội chính thành ủy nói báo chí tư nhân đã xuất hiện tại Việt Nam từ cuối những năm 90 tới nay vẫn chưa được nhà nước công nhận, nhưng ông tin rằng không bao lâu nữa loại hình này sẽ được ‘chính thức’:

Nhà báo Phạm Chí Dũng:

“Báo chí tư nhân tại Việt Nam là một quy luật, không thể chống lại được. Tôi tin rằng chưa tới 3, 4 năm nữa báo chí tư nhân sẽ xuất hiện một cách chính thức ở Việt Nam”.

Việt Nam hiện đứng thứ 175/180 quốc gia trong bảng xếp hạng về tự do báo chí do tổ chức Phóng viên Không biên giới RSF thực hiện, sụt một hạng so với bảng đánh giá năm ngoái. Các lãnh đạo hàng đầu Việt Nam cũng có tên trong danh sách của RSF về ‘Kẻ thù của Internet’ và ‘Đe dọa ký giả’. - VOA
|
|

6.
Nhân tố Trung Quốc vẫn tác động đến Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam

Ngày 15/09/2015, Đảng Cộng sản Việt Nam công bố bản dự thảo báo cáo chính trị để chuẩn bị cho Đại hội Đảng sẽ diễn ra có thể là vào tháng Giêng năm tới 2016. Trong bài phân tích mang tựa đề "Nhân tố Trung Quốc đối với Việt Nam - Vietnam’s China factor" công bố đầu tháng 9/2015, Giáo sư Carlyle Thayer, chuyên gia tại Học viện Quốc phòng Úc đặc biệt ghi nhận ba yếu tố quan trọng đang chi phối công cuộc chuẩn bị Đại hội Đảng tại Việt Nam: Biển Đông, quan hệ với Trung Quốc và vấn đề chọn ai làm Tổng bí thư.

Nhận xét đầu tiên của Giáo sư Carl Thayer là ba yếu tố nêu trên đang gây tranh cãi trong nội bộ lãnh đạo Việt Nam và có thể khiến Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam bị dời lại:

"Đảng Cộng sản Việt Nam (VCP) được cho là sẽ tổ chức Đại hội toàn quốc sắp tới đây vào đầu năm 2016. Tuy nhiên, có những dấu hiệu cho thấy đồng thuận chưa đạt được trên một số vấn đề, trong đó có Biển Đông và quan hệ với Trung Quốc và việc lựa chọn lãnh đạo tương lai cho Việt Nam. Điều này có thể dẫn đến việc dời Đại hội qua một thời điểm sau đó.

Việt Nam tổ chức Đại hội Đảng toàn quốc 5 năm một lần. Một hội nghị điển hình thường kéo dài năm ngày và với sự tham dự của khoảng 1.400 đại biểu, đến từ 63 đơn vị hành chính của Việt Nam (58 tỉnh và 5 thành phố trực thuộc Trung ương), các tổ chức đảng ở cấp chính phủ trung ương, và Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Một Đại hội Đảng toàn quốc có 5 nhiệm vụ chính: Thông qua báo cáo chính trị của Tổng Bí thư, thông qua kế hoạch kinh tế-xã hội của Việt Nam trong 5 và 10 năm tới (2016-2025), điều chỉnh lại cương lĩnh của Đảng, sửa đổi Điều lệ Đảng và, quan trọng nhất, là bầu Ban Chấp hành Trung ương mới."

Đại hội Đảng lần thứ 12 sắp tới có một vài điểm mới 

"Một quy tắc mới đề ra năm nay đã cắt giảm quyền lực của các đại biểu đảng viên trong việc lựa chọn các Ủy viên Trung ương mới. Trong quá khứ, các đại biểu được cử về dự Đại hội được quyền đề cử thêm ứng viên vào Ban Chấp hành Trung ương, bổ sung vào danh sách chính thức đã được lãnh đạo cao cấp trong đảng phê duyệt. Tại Đại hội Đảng gần đây nhất, một vài người được các đại biểu đề cử bổ sung đã được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương.

Thế nhưng, tại Đại hội toàn quốc lần thứ 12 sắp tới, tất cả các ứng cử viên vào Ban Chấp hành Trung ương mới phải được Ban Chấp hành Trung ương mãn nhiệm chấp thuận trước khi tên của họ được ghi vào lá phiếu. Vào ngày cuối cùng của Đại hội, Ban Chấp hành Trung ương mới sẽ tổ chức cuộc họp toàn thể đầu tiên để bầu Bộ Chính trị mới và sau đó chọn một trong các ủy viên Bộ Chính trị làm Tổng Bí thư Đảng."

Quá trình chuẩn bị Đại hội Đảng bộc lộ một số điểm bất bình thường phản ánh sự chia rẽ trong nội bộ

"Theo Điều lệ Đảng, Ban Chấp hành Trung ương phải họp ít nhất hai lần một năm, và việc họp thường xuyên hơn không phải là không phổ biến. Tuy nhiên, trong năm 2014, Ban Chấp hành Trung ương chỉ gặp nhau một lần. Đấy có thể là dấu hiệu của một sự chia rẽ sâu sắc về chính sách Biển Đông và quan hệ với Trung Quốc sau cuộc khủng hoảng liên quan đến việc Bắc Kinh triển khai giàn khoan cực lớn của họ tại vùng biển tranh chấp từ tháng Năm đến tháng Bảy.

Công việc chuẩn bị cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12 đã rất lặng lẽ so với tám đại hội được tổ chức kể từ khi thống nhất đất nước. Các phương tiện truyền thông Việt Nam đã vô cùng lặng lẽ, và một vài bài báo chỉ mới bắt đầu xuất hiện gần đây thôi, qua đó xác nhận rằng khâu chuẩn bị cho Đại hội đang được tiến hành. Nhưng ngày họp Đại hội vẫn chưa được chính thức công bố. Thông thường, các dự thảo văn kiện về chính sách như Báo cáo Chính trị và Kế hoạch Kinh tế-Xã hội sẽ được lặng lẽ chuyển cho một số nhóm trọng điểm để thảo luận và nhận xét. Sau khi được tinh chỉnh, các dự thảo văn kiện sẽ được công bố để công chúng cho nhận xét. Ví dụ, dự thảo Báo cáo chính trị và Báo cáo Kinh tế Xã hội cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 11 tổ chức vào tháng Giêng năm 2011, đã được phát hành vào ngày 20 Tháng Tư năm 2010, tức là 9 tháng trước Đại hội. Nếu Đại hội lần thứ 12 diễn ra vào đầu năm tới, Việt Nam chỉ có bốn tháng để hoàn tất quá trình này.

Vấn đề đáng chú ý khác là Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản, nhân hội nghị vào tháng Năm năm nay, đã thảo luận một cách chung chung về thành phần nhân sự của Ban Chấp hành Trung ương tiếp theo. Có tin là một số cuộc họp trong tương lai cho tháng Mười và tháng Mười hai đã được lên kế hoạch. Tháng Ba vừa qua, nhiều nguồn tin quốc phòng Việt Nam đã tiết lộ với tác giả rằng Sách trắng Quốc phòng mới, dự kiến phát hành trong năm nay, sẽ được hoãn lại cho đến sau Đại hội lần thứ 12."

Nguyên nhân gây nên những diễn biến bất thường 

"Lời giải thích thỏa đáng nhất có lẽ là sự chồng lấn lên nhau của hai vấn đề gây tranh cãi - yếu tố Trung Quốc (Chủ tịch nước kiêm Tổng Bí thư Đảng Trung Quốc Tập Cận Bình được cho là sẽ thăm Hà Nội vào tháng Mười hoặc tháng Mười một) và việc Việt Nam lựa chọn lãnh đạo mới.

Quy tắc hiện thời trong Đảng Cộng sản Việt Nam không cho phép một người giữ quá hai nhiệm kỳ. Quy tắc của Đảng cũng yêu cầu các quan chức nghỉ hưu ở tuổi 65. Nếu dựa trên cả hai quy định đó, thì chín trên mười sáu thành viên của Bộ Chính trị hiện nay sẽ về hưu ở Đại hội năm tới. Điều này có nghĩa rằng Chủ tịch Trương Tấn Sang, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, và một số người khác, sẽ rời vị trí hiện tại của họ.

Tuy nhiên, có khả năng một người được miễn áp dụng quy định về tuổi hưu bắt buộc trong những trường hợp đặc biệt. Có rất nhiều tin đồn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đang tìm cách trở thành Tổng bí thư Đảng sẽ yêu cầu được đặc miễn. Điều này chưa từng thấy trong nền chính trị Việt Nam.

Với hai nhiệm kỳ là Thủ tướng, ông Dũng sẽ mang lại kinh nghiệm kinh tế và quốc tế chưa từng có cho chức vụ Tổng Bí thư Đảng. Có rất nhiều khả năng là ông Dũng sẽ không để cho ý thức hệ bó tay mình trong việc đối phó với Trung Quốc. Trong cuộc khủng hoảng giàn khoan dầu vào năm ngoái, ông đã lên tiếng thẳng thắn trong việc bảo vệ chủ quyền Việt Nam và nêu lên khả năng xúc tiến hành động pháp lý quốc tế nhắm vào Trung Quốc.

Ông Dũng được hậu thuẫn rộng rãi của Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, nhưng Bộ Chính trị hiện nay đang chia rẽ sâu sắc. Nguyên do không chỉ là sự ganh đua cá nhân, mà còn là khác biệt ý kiến về cách thức quản lý các mối quan hệ với Trung Quốc và Hoa Kỳ. Việt Nam dự kiến là sẽ đón tiếp cả Chủ tịchTập Cận Bình lẫn Tổng thống Barack Obama vào cuối năm nay.

Trong khi Đại hội lần thứ 12 được cho là sẽ không dẫn đến thay đổi đáng kể trong chính sách chủ động hội nhập quốc tế hiện hành, vấn đề ai là lãnh đạo tương lai của Việt Nam vẫn còn trong vòng cân nhắc". - RFI

No comments:

Post a Comment