Thursday, September 24, 2015

Tin Cập Nhật Thứ Năm 24/9

Tin Thế Giới

1.
Giẫm đạp tại lễ hội Hajj, ít nhất 717 người thiệt mạng

Các giới chức Ả Rập Xê-út cho hay một vụ giẫm đạp xảy ra hôm thứ Năm ở bên ngoài thành phố Mecca khiến ít nhất 717 người thiệt mạng và 805 người bị thương khi họ tham gia cuộc hành hương Hajj hàng năm của Hồi giáo.

Tai nạn xảy ra tại Mina, nơi các tín đồ ném đá vào những cây cột tượng trưng cho quỷ dữ trong nghi thức cuối của hội Hajj trước khi bắt đầu lễ Eid al-Adha.

Ban giám đốc cơ quan bảo vệ an toàn dân sự loan báo con số thương vong trên trang Twitter và đăng tải những hình ảnh cho thấy các nhân viên cứu hộ tải thương các nạn nhân, trong đó có hình của một người hình như đang cố làm hô hấp nhân tạo cho một nạn nhân.

Nhiều vụ giẫm đạp gây chết người thường xuyên xảy ra tại hội Hajj trong 25 năm qua khi một số lượng lớn tín đồ hành hương về nơi này trong lễ hội 5 ngày mà người theo đạo Hồi cần phải thực hiện một lần trong đời. Năm nay, ước tính khoảng 2 triệu người tham gia cuộc hành hương này.

Vụ giẫm đạp kinh hoàng nhất xảy ra vào năm 1990 tại một đường hầm ở Mina khiến hơn 1.400 người thiệt mạng.

Các vụ giẫm đạp xảy ra vào những năm 1994, 2004, và 2006 với hơn 200 người thiệt mạng trong mỗi vụ.

Hồi trước đây trong tháng này, một cần cẩu xây dựng bị đổ tại Đại Đền thờ Hồi giáo ở thánh địa Mecca, khiến 109 người thiệt mạng và 400 người bị thương. - VOA
|
|

2.
Đức Giáo Hoàng đọc diễn văn trước Quốc hội Mỹ

Đức Giáo Hoàng hôm nay tiếp tục chuyến đi lịch sử đến Hoa Kỳ với hoạt động chính là đọc diễn văn trước lưỡng viện quốc hội Mỹ.

Tối hôm qua, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã cử hành Thánh lễ đầu tiên trên đất Mỹ tại Washington bên ngoài Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ Vô Nhiễm.

Đức Giáo Hoàng cũng chủ tọa lễ phong thánh đầu tiên tại nước Mỹ cho giáo sĩ người Tây Ban Nha Junipero Serra, người đã có công truyền bá phúc âm tại vùng đất hiện nay là tiểu bang California.

“Cha Junipero đã ra sức bảo vệ phẩm giá của cộng đồng người bản địa, bảo vệ họ trước những người đối xử tàn tệ và ngược đãi họ. Sự xử tệ và tội ác ngày hôm nay vẫn còn làm cho chúng ta bối rối, nhất là vì những nỗi khổ đau mà nó gây ra cho đời sống của nhiều người.”

Việc giáo sĩ Junipero được phong thánh là một việc gây bất mãn cho nhiều người Mỹ bản địa vì họ cho rằng giáo sĩ này đã góp phần vào việc ngược đãi và tiêu diệt nhiều bộ tộc của người bản địa qua việc bị bắt làm nô lệ và vì bệnh tật.

Anh Marcos Holguin, một sinh viên Trường đại học Công Giáo nói:

“Tôi nghĩ sẽ là một điều tốt đối với giáo hội nếu họ công nhận là có một số người không bằng lòng về việc này. Nhưng đồng thời tôi nghĩ là điều này là chính đáng vì giáo sĩ Junipero đã giúp cho nhiều người.”

Trước đó trong ngày thứ Tư, Đức Giáo Hoàng Phanxicô kêu gọi Hoa Kỳ có những hành động khẩn cấp và giúp làm chậm đà biến đổi khí hậu.

“Biến đổi khí hậu là một vấn đề chúng ta không thể để lại cho những thế hệ tương lai của chúng ta.”

Tổng thống Obama đồng ý với Đức Giáo Hoàng khi ông nói rằng người Mỹ và mọi người trên thế giới có “một nghĩa vụ thiêng liêng để bảo vệ hành tinh của chúng ta.”

Tiếp theo cuộc họp riêng với tổng thống Obama, hàng ngàn người đổ xô đến để được nhìn thấy Đức Giáo Hoàng Phanxicô khi Ngài được đưa ra khỏi Tòa Bạch Ốc trên một đoàn xe chạy dọc theo con đường ngắn có hàng ngàn người chào đón và thỉnh thoảng Ngài dừng lại để tiếp xúc với một số người để chứng tỏ lòng yêu thương của ngài.

Cô Nishi Mendis- Krishnaiyer nói:

“Tôi nghĩ Ngài có một phương cách để mang tất cả chúng ta lại với nhau, bất kể tôn giáo và tín ngưỡng. Ngài có quyền năng vượt quá tôn giáo. Đó là điều tôi thích.”

Không ai muốn bỏ cơ hội được thấy Đức Giáo Hoàng gần hơn, đặc biệt là những người Công Giáo, nhiều người gọi đây là một kinh nghiệm để đời.

Sau khi rời Washington Đức Giáo Hoàng sẽ đến New York và kết thúc chuyến viếng thăm nước Mỹ bằng một thánh lễ tại Philadelphia vào ngày Chủ Nhật dự kiến thu hút hàng trăm ngàn người tham dự. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
12 giải Nobel Hòa bình thúc tổng thống Mỹ đòi Trung Quốc thả Lưu Hiểu Ba

Hãng tin AFP cho biết, trong một thư ngỏ công bố ngày 23/09/2015, 12 giải Nobel Hòa Bình, trong đó có Desmond Tutu và đức Đạt Lai Lạt Ma, đã thúc giục Tổng thống Mỹ Barack Obama đòi trả tự do cho nhà ly khai Lưu Hiểu Ba, nhân chuyến viếng thăm của Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình vào thứ Sáu 25/09/2015.

Theo AFP, 12 khôi nguyên Hòa bình cùng ký tên thúc giục Tổng thống Mỹ “công khai kêu gọi chính quyền Bắc Kinh trả tự do” cho ông Lưu Hiểu Ba, giải Nobel Hòa Bình năm 2010 và vợ là bà Lưu Hà.

Nhà văn, giáo sư Lưu Hiểu Ba bị kết án 11 năm tù vào năm 2009 với tội danh "khuynh đảo chế độ". Ông là đồng tác giả của "Hiến chương 08" công bố năm 2008, đề ra 19 điểm cải cách để "cứu dân, cứu nước và cứu đảng cộng sản".

12 người ký tên, trong đó có Tổng Giám mục Nam Phi Desmond Tutu, lãnh tụ tinh thần Phật giáo Tây Tạng – Đức Đạt Lai Lạt Ma, cựu Tổng thống Ba Lan Lech Walesa hay như cựu lãnh tụ Đảng hợp nhất Bắc Iceland – David Trimble. 12 giải Nobel lấy làm tiếc rằng đã thất bại trong các nỗ lực vận động hành lang ngoại giao nhằm tìm kiếm một giải pháp cho việc trả tự do hai vợ chồng Lưu Hiểu Ba.

Do đó, trong thư ngỏ gởi Tổng thống Mỹ Barack Obama, giải Nobel Hòa bình năm 2009, 12 người ký tên đã viết: “Chúng tôi nghĩ rằng nếu các nhà lãnh đạo như Tổng thống không hành động nhanh chóng trước thế giới và sau hậu trường, Trung Quốc sẽ tiếp tục tin là họ có thể hành xử như thế mà không chịu một sự trừng phạt hay một hệ quả nào”.

Ông Tập Cận Bình đã đến Mỹ từ hôm thứ Ba 22/9 và bắt đầu chuyến công du Hoa Kỳ với hồ sơ trọng tâm là kinh tế. Thứ Sáu 25/9, ông sẽ được Tổng thống Mỹ Barack Obama đón tiếp long trọng tại Nhà Trắng. Chính quyền Washington cam kết hồ sơ gai góc nhân quyền, tự do chính trị và tôn giáo sẽ được đưa vào trong chương trình nghị sự.

Theo nhận định của AFP, dưới sự lãnh đạo của ông Tập Cận Bình, đảng Cộng sản Trung Quốc đã tăng cường kiểm soát các tiếng nói đối lập. Hàng chục nhà hoạt động đã bị bắt giữ. Hơn 130 luật sự bị bắt giam hay bị mời lên thẩm vấn. Washington cũng đã lên tiếng kêu gọi trả tự do cho các nhà ly khai những tuần gần đây. - RFI
|
|

4.
Tin tặc đánh cắp 5,6 triệu dấu vân tay dữ liệu từ OPM

Tin tặc tấn công kho dữ liệu cá nhân của hàng triệu công chức liên bang Mỹ đã đánh cấp được số lượng dấu vân tay nhiều hơn số ước đoán bị đánh cắp trước đó, theo tin của cơ quan chính phủ bị vụ tin tặc tấn công này.

Thông báo hôm thứ Tư của Phòng Quản lý Nhân sự (OPM) nói rằng cuộc điều tra phát hiện ra 5,6 triệu dấu vân tay lưu trữ bị đánh cắp trong vụ tấn công – con số này cao hơn gấp 5 lần so với con số ước lượng tính ban đầu.

Vụ tin tặc tấn công được phát hiện hồi đầu năm nay ảnh hưởng đến gần 22 triệu công nhân viên chức liên bang hiện tại và đã thôi việc, những người đang xin việc, và thân nhân của họ.

Các nhà điều tra Mỹ nói riêng với giới truyền thông rằng họ tin chính phủ Bắc Kinh dính líu trong vụ tấn công này, nhưng các giới chức không công khai cáo buộc Trung Quốc.

Tổng thống Barack Obama theo trù liệu sẽ ưu tiên nêu vấn đề tin tặc tấn công này lên khi ông tiếp Chủ tịch Nước Trung Quốc Tập Cận Bình tại Tòa Bạch Ốc trong tuần này.

Chính quyền Obama nói rằng tin tặc tấn công, nhất là những vụ Bắc Kinh bị tố cáo đánh cắp bí mật thương mại, đã trở thành trở ngại lớn trong các mối quan hệ Trung-Mỹ.

Tuy nhiên, các giới chức Tòa Bạch Ốc không muốn nói đến vụ tin tặc ở Cơ quan Quản lý Nhân sự. Vụ này được xem giống như một vụ gián điệp cố hữu giữa các chính phủ hơn.

Nếu đúng là chính phủ Trung Quốc thực hiện vụ đánh cắp dữ liệu này, thì không rõ chính xác âm mưu của họ sử dụng những dữ liệu cá nhân đó cho việc gì. Các giới chức Mỹ cho biết cho đến giờ họ chưa phát hiện được bằng chứng nào cho thấy những thông tin cá nhân đó bị lạm dụng.

Các chuyên viên của chính phủ Mỹ cũng tin rằng "cho đến giờ, khả năng dữ liệu dấu vân tay bị sử dụng cho những mưu đồ nào khác là rất hạn chế," theo thông báo của OPM. "Tuy nhiên, khả năng này có thể biến chuyển theo thời gian khi công nghệ thay đổi." - VOA
|
|

Tin Việt Nam

5.
VN muốn giới hạn 5 giây cho ‘cảnh nóng’ trong phim

Các quan chức văn hóa của Việt Nam đang xem xét một quy định mới về việc giới hạn không quá 3 “cảnh nóng”, mỗi cảnh không quá 5 giây, cho một bộ phim.

Qui định mới cũng sẽ hạn chế một số phim chỉ dành cho khán giả trên 18 tuổi.

Bà Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh, nói: “Việc phân loại phim được thực hiện không phải để bỏ cấp phép phim”.

Bà Lan cho biết ý kiến của công chúng sẽ được xem xét trước khi quy định này được thực hiện.

Đề xuất này đã khiến các nhà làm phim cảm thấy mất tinh thần và khiến khán giả phản ứng trên mạng truyền thông xã hội.

“Các quan chức của Cục Điện ảnh đang thiết lập những luật lệ vô lý”, một người hâm mộ phim tên Trung Phạm tuyên bố trên Facebook.

Đạo diễn nổi tiếng Nguyễn Thanh Vân và Bùi Tuấn Dũng cũng truyền tải thông điệp trên mạng xã hội Việt Nam rằng độ dài không quan trọng bằng chất lượng nghệ thuật của “cảnh nóng”.

Để xác định một “cảnh nóng” là cả một vấn đề trong khi nội dung khiêu dâm là bất hợp pháp ở Việt Nam. Một cảnh quay “nữ diễn viên khỏa thân hoàn toàn” sẽ bị giới hạn.

Đạo diễn Vũ Xuân Hưng băn khoăn: “Chúng ta có quy định khỏa thân nữ toàn phần cơ thể, nhưng lại chưa nhắc đến khỏa thân nam”.

Sự lúng túng của các nhà kiểm duyệt cho vấn đề khỏa thân nam làm dấy lên sự lo ngại phân biệt giới tính.

Ông Nguyễn Văn Nhiêm, Giám đốc Công ty phim Studio A Việt Nam, nói: “Nếu những cảnh đó phù hợp với nội dung, không khuyến khích cái gì xấu mà ca ngợi thẩm mỹ, cái đẹp mà lại bị đưa vào định lượng số lần thì vô cùng khó”.

Trong khi đó, một người sử dụng mạng xã hội Facebook có tên Oc Lac đã cho biết: “Những gì họ cần phải làm là cấm các cảnh khiêu dâm đang tràn lan trên mạng trực tuyến”. - VOA
|
|

6.
Nhiều địa phương ở VN có lãnh đạo mới

Nhiều địa phương ở Việt Nam đã có Bí thư tỉnh ủy nhiệm kỳ mới sau đại hội đảng bộ địa phương nhiệm kỳ 2015-2020.

Tại Ninh Bình, bà Nguyễn Thị Thanh, ủy viên dự khuyết BCH TƯ Đảng, tái đắc cử chức Bí thư tỉnh ủy.

Tại Quảng Trị, ông Nguyễn Văn Hùng, phó Bí thư tỉnh ủy lên thay ông Lê Hữu Phúc nghỉ hưu.

Tại Lào Cai, Bí thư tỉnh, ông Nguyễn Văn Vịnh, tái đắc cử.

Bí thư tỉnh Hà Nam Mai Tiến Dũng, giữ chức Bí thư từ tháng 11/2014, tiếp tục tại vị.

Tại Sơn La, ông Hoàng Văn Chất, đã là Bí thư từ tháng Hai, tiếp tục được bầu làm Bí thư tỉnh.

Bí thư tỉnh Cà Mau, Dương Thanh Bình, cũng tiếp tục giữ chức vụ này theo nhiệm kỳ đến 2020.

Một Bí thư tỉnh khác cũng tái đắc cử là ông Lê Thanh Quang ở tỉnh Khánh Hòa.

Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận Nguyễn Đức Thanh cũng tái đắc cử.

Đại hội Đảng bộ tại nhiều tỉnh khác cũng đã khai mạc ngày 23/9 như tại Nam Định, Thái Bình…

Các đại hội địa phương này sẽ bầu đại diện cho Đảng bộ tỉnh di dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 12 của Đảng Cộng sản, dự kiến diễn ra đầu năm 2016. - BBC

No comments:

Post a Comment