Monday, September 14, 2015

Tin Cập Nhật Thứ Hai 14/9

Tin Thế Giới

1.
Ông Tony Abbott mất chức thủ tướng Úc --- Tân Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull là ai?

Úc sắp có tân thủ tướng sau khi ông Tony Abbott bị hạ bệ trong cuộc bỏ phiếu chóng vánh của đảng Tự do, đưa ông Malcolm Turnbull lên nắm quyền.

Ông Turnbull đã được 54 phiếu, thắng ông Abbott vốn chỉ được 44 phiếu.

Nhưng các dân biểu của Đảng Tự do Úc cũng bỏ phiếu để bà Julie Bishop ở lại vị trí số hai của đảng.

Để chính thức lên làm thủ tướng, ông Turnbull còn phải đợi lễ tuyên thệ sau khi ông Abbott từ chức bằng lá thư gửi tới Toàn quyền Úc.

Sinh năm 1954, ông Turnbull vào Nghị viện từ 2004 và là người ở Sydney.

Ông đã thách thức ông Abbott và đòi có cuộc bỏ phiếu vì nước Úc cần có "một phong cách lãnh đạo mới".

Ông sẽ là thủ tướng thứ tư của Úc từ 2013.

Đây không phải là lần đầu tiên một thủ tướng Úc bị hạ bệ sau bỏ phiếu trong đảng.

Hồi tháng 6/2013, bà Julia Gillard thuộc đảng Lao động bị đối thủ là ông Kevin Rudd tước mất chức thủ tướng trong cuộc bỏ phiếu, lập lại cuộc đấu đá năm 2010 khi bà hạ bệ ông Rudd. - BBC
***
Bộ trưởng Truyền thông Úc Malcolm Turnbull đã đánh bại Thủ tướng Tony Abbott để trở thành tân lãnh đạo nước Úc.

Ông Turnbull ban đầu từ chức bộ trưởng để thách thức Thủ tướng và đã thắng trong cuộc bỏ phiếu của đảng Tự Do.

Kết quả bỏ phiếu của các nghị sĩ trong đảng đem lại kết quả 54 phiếu cho ông Turnbull, 44 cho ông Abbott.

Đảng Tự Do là đảng bảo thủ, nhưng ông Turnbull lại nổi tiếng vì quan điểm trung tả, ủng hộ đối phó thay đổi khí hậu và hôn nhân đồng tính.

Lập trường này không được các đảng viên cánh hữu trong đảng ưa thích.

Từng là luật sư và doanh nhân thành đạt, ông Turnbull là một trong những người giàu nhất Úc.

Lúc nhỏ, ông ban đầu học trong trường công nhưng sau đó được học bổng vào trường trung học tư.

Ông học luật tại Đại học Sydney rồi được học bổng Rhodes để học thêm ở Đại học Oxford.

Có thời gian ngắn ông làm phóng viên trước khi theo nghề luật.

Ông bảo vệ cho cựu điệp viên Anh Peter Wright hồi thập niên 1980.

Ông Wright viết hồi ký về cơ quan MI5 và chính phủ Anh muốn cấm xuất bản tại Anh.

Luật sư Turnbull đã thành công và khiến lệnh cấm bị bỏ.

Sang thập niên 1990, ông chuyển sang kinh doanh công nghệ, đồng sáng lập một doanh nghiệp internet thành công, OzEmail.

Năm 2004, ông trở thành nghị sĩ tại địa hạt Wentworth, nơi ông lớn lên và vẫn đang sống tại đó.

Năm 2008, ông được bầu làm thủ lĩnh phe đối lập nhưng một năm sau, phải đối diện hai lần thách thức.

Lần thứ hai, ông thua ông Abbott đúng một phiếu.

Trong vai trò bộ trưởng truyền thông, ông được khen là làm tốt. - BBC
|
|

2.
Đức ngưng tham gia Hiệp ước Schengen, đình chỉ các chuyến tàu --- Châu Âu tìm cách ngăn chặn dòng người tị nạn từ phía Đông

Đức đã tạm ngưng tham gia vào hệ thống được ca tụng nhiều của Liên Hiệp Châu Âu cho phép tự do đi lại không cần sổ thông hành giữa các nước thành viên, và đã áp đặt các biện pháp kiểm soát biên giới. Đức nói họ buộc phải làm như vậy để hạn chế luồng người tỵ nạn đổ vào từ các nước bị chiến tranh xâu xé, chủ yếu là Syria và Iraq.

Thông báo hôm qua của bộ trưởng nội vụ Đức Thomas se Maiziere được đưa ra vào một ngày biến chuyển rất nhanh trong vụ khủng hoảng di trú của Châu Âu. Đức đã đình chỉ tất cả các chuyến xe lửa trong 12 tiếng đồng hồ với nước láng giềng Áo – là tuyến đường chính mà 450.000 người tỵ nạn đã đến Đức trong năm nay.

Các chuyên gia dự báo việc ngưng các chuyến tàu sẽ khơi ra thêm những cảnh tượng tuyệt vọng ở biên giới Áo-Đức, khi hàng ngàn người tỵ nạn cố gắng vào Đức bằng mọi cách.

Bộ trưởng Maiziere nói: “Đức đang tạm thời thực thi việc kiểm soát biên giới dọc theo các đường biên trong nước. Trọng điểm sẽ là ở biên giới với Áo trước nhất. Mục đích của các biện pháp này là để hạn chế luồng người hiện đang đổ vào Đức và trở lại với các thủ tục có trật tự khi mọi người vào nước.”

Việc Đức ngưng tham gia vào hiệp ước cho phép đi lại không cần sổ thông hành giữa các nước thành viên EU diễn ra vào lúc các tiểu bang trong liên bang Đức cảnh báo rằng họ đang chật vật xử lý luồng người tỵ nạn đổ vào, và trì hoãn quyết định của Thủ tướng Đức Angela Merkel tiếp nhận hàng trăm ngàn người tỵ nạn.

Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo, còn gọi tắt là CSU, đảng kết nghĩa với Liên Minh Dân chủ Cơ đốc giáo của Thủ tướng Merkel trong liên minh cầm quyền, cũng gia tăng việc chỉ trích quyết định của nhà lãnh đạo Đức muốn nới lỏng các luật lệ cho những người Syria tạm trú muốn định cư ở Đức. Trong lời chỉ trích trực tiếp và hiếm hoi, các thành viên hàng đầu của CSU chĩa mũi dùi vào bà Merkel và nói rằng bà đã phạm “một lỗi lầm lịch sử vô song.”

Lãnh tụ CSU, ông Horst Seehofer nói với tạp chí Spiegel: “Đó là một sai lầm sẽ ở lại với chúng ta rất lâu. Tôi không thấy làm thế nào có thể bịt cái nút chai trở lại.”

Thị trưởng Munich, ông Dieter Reiter thông báo khả năng của thành phố ứng phó với những người tỵ nạn đã cạn kiệt.

"Việc Đức quyết định ngưng tham gia vào chương trình đi lại không cần sổ thông hành có phần chắc sẽ gây phẫn nộ từ phía các nước thành viên EU, nhất là Bỉ và Pháp, là những nước từ năm 2011 đã nhiều lần dọa cũng sẽ làm như vậy để đáp lại việc Italia cấp “sổ thông hành nhân đạo” cho người tỵ nạn và di dân kinh tế."

Italia đi đến quyết định đó để đáp lại việc các nước thành viên EU khác từ chối không góp phần chia sẻ gánh nặng người tỵ nạn – một yêu cầu nay đang được Đức đưa ra.

Pháp và Bỉ đã rút lại việc phá vỡ các luật lệ trong hiệp ước Schengen về biên giới mở ngỏ theo thỏa thuận đạt được năm 1995, và khởi sự bãi bỏ việc kiểm soát biên giới giữa các thành viên và cho phép khách nước ngoài du hành trong khắp khu vực “không có biên giới” mà chỉ cần có một giấy phép thị thực.

Các nhà kỹ trị Châu Âu đã lo sợ rằng cuộc khủng hoảng di trú làm rúng động EU cuối cùng sẽ đe dọa đến tương lai của vùng không-biên-giới của châu lục này.

Tháng trước sau một vụ tấn công được dập tắt trên một chuyến xe lửa từ Amsterdam đến Paris, Thủ tướng Bỉ Charles Michel đã kêu gọi duyệt lại các luật lệ của hiệp ước Schengen, hối thúc việc áp dụng kiểm tra căn cước và hành lý của hành khác. Những người bênh vực hệ thống – chủ yếu là những người muốn có sự hòa nhập rộng lớn hơn của EU – lo ngại rằng bất cứ biện pháp thoái lui nào trong việc đi lại không cần sổ thông hành cũng sẽ gây phương hại cho toàn bộ dự án mà họ ủng hộ.

Tháng trước, tạp chí Economist thân EU đã cảnh báo: “Schengen nằm trong số các biểu hiện nổi bật nhất của sự thống nhất Châu Âu; việc xói mòn hiệp ước sẽ phát đi một tín hiệu mạnh.”

Chiều hôm qua, cảnh sát Đức đã bắt đầu tiến hành các cuộc tuần tra tại những giao điểm với Áo và các giới chức Đức nói việc kiểm tra có thể được phát động ở các đường biên giới với Ba Lan và Cộng hòa Czech. Cộng hòa Czech cho biết sẽ gia tăng kiểm soát biên giới tiếp giáp với Áo.

Việc Đức nhất thời đình chỉ hiệp ước Schengen sẽ có tác dụng làm bối cảnh cho sự kiện mà các chuyên gia phân tích cho là có phần chắc sẽ là một cuộc họp với nhiều chia rẽ vào ngày hôm nay của các bộ trưởng nôi vụ EU tại Brussels. Tại cuộc họp này, các giới chức Đức và Pháp sẽ ủng hộ một đề nghị chia sẻ gánh nặng đã được tiết lộ tuần trước bởi ông Jean-Claude Juncker, chủ tịch Ủy hội Châu Âu.

Theo kế hoạch của ông Juncker, sẽ có một hệ thống cưỡng hành mới để tái phân phối 160.000 người tạm trú giữa 28 nước thành viên EU được phân bổ cho mỗi nước căn cứ vào diện tích và tài lực.

Các nước thành viên ở Trung Âu như Hungari, Ba Lan và Cộng hòa Czech đã chỉ trích kế hoạch và nói họ sẽ không đồng ý.

Tổng thống Hungari Viktor Orban nói với báo Germany Bild hồi hôm qua rằng, “Những người di trú này không đến với chúng ta từ những khu vực có chiến tranh, mà là từ các trại ở các lân quốc của Syria. Vì thế những người này không chạy trốn hiểm nguy và không cần phải lo sợ cho tính mạng của mình.” - VOA

***
Bộ trưởng nội vụ các quốc gia thuộc Liên hiệp Châu Âu (EU) hôm nay nhóm họp tại Brussels để bàn về cách thức chia sẻ trách nhiệm đối với dòng người tị nạn không ngừng đổ vào Châu Âu. Thông tín viên VOA Richard Green ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.

Nhiều di dân không muốn định cư ở bất cứ kỳ quốc gia nào, và một số đã đi qua nhiều nước chỉ để tới Đức. Cuộc di trú ồ ạt đã buộc Berlin phải tạm thời khôi phục việc kiểm soát hộ chiếu trên vùng biên giới với quốc gia láng giềng Áo nhằm giới hạn dòng người tị nạn và di dân.

Bộ trưởng Nội vụ Đức Thomas de Maiziere nói:

“Biện pháp này đã trở nên cần thiết. Sự nhiệt tình giúp đỡ mà Đức thể hiện trong những tuần qua, bởi các nhân viên làm việc toàn thời gian, và đặc biệt là hàng nghìn tình nguyện viên, không thể kéo dài mãi. Các biện pháp tiến hành cũng là một tín hiệu gửi tới Châu Âu. Đức đã nhận lãnh trách nhiệm nhân đạo, nhưng gánh nặng gây ra bởi con số người tị nạn lớn cần phải được chia sẻ trong tinh thần đoàn kết ở Châu Âu.”

Đức và Úc mới đây đã đồng ý cho phép người tị nạn vào nước mình để giảm bớt số di dân tập trung tại Hungary.

Giới hữu trách Hungary đang cố gắng mở rộng cũng như tăng cường hàng rào trên biên giới với Serbia bằng cách đặt dây thép gai phía trên hàng rào này.

Một phát ngôn viên không rõ danh tính của Cao ủy tị nạn Liên Hiệp Quốc nói:

“Tình hình không mấy tốt đẹp, và đó là lý do tại sao chúng tôi kêu gọi Hungary cải thiện các cơ sở tiếp nhận. Nhiều phụ nữ và trẻ em cùng với gia đình đã phải đi bộ nhiều ngày từ Hungary. Trên hết họ cũng là con người, và đã phải bỏ chạy chiến tranh và xung đột. Họ cần phải được chăm sóc chu đáo.”

Kể từ ngày mai, các giới chức Hungary nói họ sẽ truy tố bất kỳ di dân nào bị bắt gặp tìm cách trốn tránh cảnh sát vùng biên.

Hơn 430 nghìn dân di trú, trong đó có người tị nạn từ Syria và Iraq đã vượt Địa Trung Hải để tới Châu Âu nhằm mưu tìm một cuộc sống tốt đẹp hơn trong năm nay.

Tổ chức Di trú Quốc tế nói rằng gần 3.000 người đã thiệt mạng trong hành trình đó. Con số đó gia tăng hôm qua khi ít nhất 28 người đã bị chết đuối ở ngoài khơi Hy Lạp sau khi tàu chở họ bị lật.

Một số khu vực Châu Âu, đặc biệt là ở các nước Đông Âu, đã đổ lỗi cho Đức vì làn sóng di dân tràn vào châu lục này. Tuy nhiên, Đức lại ngày càng bất bình với một số nước thành viên EU không muốn chia sẻ gánh nặng từ việc đón nhận các di dân mới tới. - VOA
|
|

3.
Đa số dân Nhật phản đối dự án cải cách quốc phòng

Theo một kết quả thăm dò dư luận được nhật báo Asahi công bố ngày hôm nay, 14/09/2015, đa số người dân Nhật Bản chống đối dự án cải cách quốc phòng cho phép lực lượng vũ trang nước này can thiệp ra nước ngoài. 

Kết quả của cuộc điều tra, được tờ Asahi tiến hành vào cuối tuần qua, cho thấy 54% người được hỏi đã trả lời chống lại dự án cải cách quốc phòng, trong khi đó chỉ có 29% ủng hộ. 68% người được hỏi cho rằng không cần thiết phải thông qua dự luật này tại kỳ họp nghị viện hiện nay. Ngoài ra, 3/4 số người được hỏi đánh giá là cuộc tranh luận về chủ đề này vẫn chưa thỏa đáng.

Ngoài ý kiến không đồng tình của người dân về dự án cải cách quốc phòng, Thủ tướng Abe vẫn tiếp tục phải đối mặt với sự chống đối của tỉnh trưởng Okinawa. Hòn đảo nằm ở phía cực Nam của Nhật là nơi đồn trú của một căn cứ quân Hoa Kỳ.

Hôm nay, tỉnh trưởng Takeshi Onaga tuyên bố sẽ dùng mọi biện pháp để ngăn cấm công việc xây dựng khu căn cứ thuộc lực lương Hải quân Hoa Kỳ. Tokyo quyết định chuyển khu căn cứ từ Futenma (gần thành phố lớn Naha) sang một khu vực mới, vẫn ở trên đảo Okinawa, nhưng về phía bắc. Trong khi đó, người dân Okinawa, luôn phản đối sự hiện diện của quân lính Hoa Kỳ, yêu cầu đóng cửa hoàn toàn khu quân sự này.

Được bầu làm tỉnh trưởng từ năm 2014, ông Takeshi Onaga luôn phản đối quyết định chuyển địa điểm căn cứ quân sự. Ông tuyên bố, nếu cần, sẽ cho thu hồi hết giấy phép đã được người tiền nhiệm cấp liên quan tới việc xây dựng, và cho rằng "đây là một bước tiến tới việc cấm xây dựng". Theo đài truyền hình NHK, cần mất một tháng để có thể thu hồi các giấy phép, song công việc này có thể sẽ bị chính phủ Nhật Bản đưa ra tòa.

Làn sóng phản đối căn cứ không quân của Mỹ ngày càng nhận được hưởng ứng tại Nhật Bản và có thể sẽ làm suy yếu sự ủng hộ đối với Thủ tướng Shinzo Abe tại thời điểm khá nhạy cảm như hiện nay. Người đứng đầu chính phủ đang nỗ lực để bản dự thảo cải cách quân sự được Nghị viện thông qua, cho phép quân đội Nhật Bản được can thiệp tại nước ngoài, bất chấp điều khoản chủ hòa được quy định trong Hiến pháp nước này từ sau Thế Chiến II. - RFI
|
|

Tin Hoa Kỳ

4.
Donald Trump chỉ trích mức lương giới CEO Mỹ là 'đáng hổ thẹn'

Tỉ phú bất động sản Donald Trump, ứng cử viên tổng thống Mỹ năm 2016 đang dẫn đầu bên Đảng Cộng hòa, hôm Chủ nhật công kích mức lương cao ngất mà giám đốc điều hành của những công ty lớn được trả và gọi điều này là "đáng hổ thẹn."

Ông Trump phát biểu trên chương trình Face the Nation của đài CBS: "Thấy những người này kiếm được những khoản tiền khổng lồ đúng là một điều lố bịch hết sức."

Trong những chiến dịch chính trị ở Mỹ, ứng cử viên của Đảng Dân chủ thường hay chỉ trích cách biệt to lớn giữa mức lương của những CEO của những công ty lớn với mức lương của nhân viên của họ, có thể cao gấp 350 lần. Nhưng Đảng Cộng hòa, thường được xem là đảng của những doanh nghiệp lớn ở Mỹ, hiếm khi công kích mức lương giới lãnh đạo của những công ty lớn và ở Phố Wall.

Ông Trump 69 tuổi thường khoe khoang về sự giàu có và thành công trong hoạt động kinh doanh của mình với việc xây dựng những tòa nhà chọc trời ở thành phố New York. Nhưng ông quy trách những CEO về mức lương mà họ nhận được, nói rằng họ đưa bạn bè của mình vào ban giám đốc rồi những người đó lại chấp thuận mức lương kếch xù cho những người lãnh đạo công ty.

"Chuyện này làm tôi khó chịu," ông Trump nói. "Rất khó giải quyết chuyện này nếu như có một hệ thống doanh nghiệp tự do. Ban quản trị công ty có nhiệm vụ kiểm soát chi tiêu và trả lương cho những giám đốc, nhưng tôi biết các công ty rất rõ và CEO đưa hết bạn bè của họ vào trong đó."

Ông Trump đã mang thông điệp dân túy, chống Washington vào cuộc đua của phía Đảng Cộng hòa gồm 16 ứng cử viên. Ông cho biết trong những tuần tới ông sẽ công bố những đề xuất cắt giảm thuế cá nhân và doanh nghiệp, "nhưng với mấy cái quỹ đầu tư, họ sẽ trả cho bằng hết."

Các ứng cử viên Cộng hòa đang chuẩn bị cho vòng tranh luận tiếp theo diễn ra vào ngày thứ Tư. Một số ứng cử viên tuyên bố sẽ công kích ông Trump vì quan điểm của ông ta về vấn đề chăm sóc y tế, phá thai và những vấn đề khác thay đổi theo năm tháng, và lập luận rằng quan điểm của ông ta không nhất quán với quan điểm của những cử tri bảo thủ chính thống của đảng. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

5.
An ninh hàng hải đứng đầu nghị trình chuyến thăm Nhật của TBT đảng CSVN --- Đảng CSVN kêu gọi tăng cường hợp tác an ninh và quốc phòng với Nhật

Tokyo và Hà Nội dự trù sẽ củng cố hơn nữa mối quan hệ an ninh và kinh tế với chuyến đi thăm Nhật Bản của Tổng Bí Thư Đảng Cộng sản Việt Nam bắt đầu từ ngày mai, thứ Ba 15/9.

Trang mạng tin tức Asia One tường thuật rằng trong các cuộc thảo luận với ông Nguyễn Phú Trọng, có nhiều phần chắc Thủ Tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ cam kết các khoản viện trợ kinh tế mới cho Hà Nội.

Hai nhà lãnh đạo cũng dự trù sẽ thảo luận về vấn đề tăng cường hợp tác an ninh, và Hà Nội sẽ yêu cầu Tokyo cung cấp thêm tàu tuần duyên để giúp Việt Nam đối phó với nhiều hành động giương oai giễu võ hơn của Trung Quốc trong Biển Đông.

Theo Asia One, các nhà học giả Nhật coi chuyến đi Nhật Bản của ông Trọng là một động thái của Hà Nội nhằm duy trì một chính sách ngoại giao cân bằng giữa các cường quốc khu vực chủ yếu, tiếp theo sau chuyến đi thăm Trung Quốc và Hoa Kỳ của ông Trọng trong năm nay.

Bản tin của tờ Wall St. Journal hôm nay nhận định rằng ông Nguyễn Phú Trọng trong mấy tháng gần đây đã đóng một vai trò nổi bật hơn trong các nỗ lực của Việt Nam nhằm nới rộng phạm vi cuộc tranh chấp Biển Đông, sau khi Trung Quốc kéo giàn khoan dầu nước sâu vào vùng biển mà cả Bắc Kinh lẫn Hà Nội đều tuyên bố thuộc chủ quyền của mình.

Theo Giáo sư Jonathan London của Trường Đại Học Thành Thị Hong Kong và các nhà phân tích khác, chuyến đi thăm Nhật Bản được thực hiện sau chuyến đi Mỹ của ông Nguyễn Phú Trọng, có nghĩa là giờ đây toàn bộ ban lãnh đạo chính trị của Việt Nam hậu thuẫn chiến lược nhằm kiềm hãm Trung Quốc.

Nhật Bản là nước cung cấp viện trợ nước ngoài lớn nhất cho Việt Nam, và là nước đầu tư lớn thứ nhì của Việt Nam, sau Nam Triều Tiên. Nhật Bản trong mấy năm trở lại đây cũng là nước thường xuyên đối đầu với Trung Quốc trong cuộc tranh chấp biển đảo giữa hai nước này.

Tháng trước, Nhật Bản đã giao cho Việt Nam chiếc tàu tuần duyên đầu tiên trong tất cả 6 chiếc tàu mà Tokyo đã hứa cung cấp cho Việt Nam để tăng cường khả năng của lực lượng tuần tra biển Việt Nam.

Tờ Wall St. Journal trích dẫn một thông báo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nói rằng trong chuyến thăm này, Việt Nam và Nhật Bản sẽ thảo luận những phương cách để tăng gấp đôi kim ngạch mậu dịch song phương lên tới 50 tỉ đôla trước năm 2020, trong khi một giới chức Nhật cho biết hai bên cũng sẽ thảo luận về những kế hoạch để tăng đầu tư của Nhật Bản vào lĩnh vực xây dựng cấu trúc hạ tầng của Việt Nam.

Trang mạng Giáo dục Việt Nam dẫn lời Tổng Bí Thư Trọng nói rằng ‘Việt Nam sẵn sàng tăng cường mối quan hệ đối tác chiến lược với Nhật Bản và xem Nhật Bản là một đối tác quan trọng đối với Việt Nam.

Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết là ngoài các cuộc thảo luận với Thủ Tướng Shinzo Abe, Tổng Bí Thư Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ hội kiến Nhật hoàng Akihito vào ngày thứ Tư sắp tới và gặp gỡ giới lãnh đạo doanh thương vào ngày thứ Năm. - VOA

***
Trả lời phỏng vấn hãng tin Kyodo, trước chuyến công du Nhật Bản, Tổng Bí thư đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng bày tỏ mong muốn hai nước tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế và an ninh.

Ngày mai, 15/09/2015, ông Nguyễn Phú Trọng bắt đầu chuyến công du chính thức Nhật Bản trong 4 ngày. Ông sẽ có các cuộc hội đàm với Thủ tướng Shinzo Abe. Thứ Tư, 16/09, Hoàng đế Nhật Bản sẽ tiếp lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam. Thứ Năm 17/09, ông Trọng có cuộc gặp với lãnh đạo các doanh nghiệp Nhật Bản.

Trả lời phỏng vấn Kyodo, ông Trọng nói, hai nước "cần tăng cường hợp tác có hiệu quả trong các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, khoa học, kỹ thuật, văn hóa, du lịch, lao động… và cả trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh".

Trong cuộc gặp với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thủ tướng Shinzo Abe sẽ đưa ra các cam kết hỗ trợ tài chính, kinh tế Việt Nam và đây là một phần trong sáng kiến mà Nhật Bản đã tuyên bố hồi tháng Năm vừa qua, theo đó, trong vòng 5 năm tới, Tokyo tài trợ 155 tỷ đô la cho các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng tại các nước Châu Á.

Lãnh đạo hai nước cũng sẽ thảo luận việc thúc đẩy hợp tác an ninh. Việt Nam hy vọng là Tokyo tái khẳng định giúp đỡ Hà Nội nâng cao khả năng tuần duyên, thực thi pháp luật, bảo vệ các vùng biển của Việt Nam, trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng tỏ ra quyết đoán trong các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông.

Năm ngoái, Nhật Bản đã cam kết cung cấp 6 tàu tuần duyên cũ và 2 trong số này đã được giao cho Việt Nam. Có nhiều khả năng Hà Nội sẽ đề nghị Tokyo cung cấp thêm tàu tuần duyên.

Nhận định về chuyến công du Tokyo của lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam, các chuyên gia Nhật Bản đánh giá đây là một động thái của Hà Nội thực hiện chính sách quan hệ cân bằng với các cường quốc lớn trong khu vực, tiếp theo các chuyến công du Trung Quốc và Hoa Kỳ của ông Nguyễn Phú Trọng. Mặt khác, Hà Nội muốn đưa ra một thông điệp là Việt Nam coi trọng vai trò của Nhật Bản và Tokyo cũng coi trọng quan hệ với Hà Nội, ngay cả sau khi có thay đổi ban lãnh đạo tại Việt Nam vào năm tới. - RFI
|
|

6.
Tàu cá Việt Nam bị bắn trên biển

Bốn tàu cá Kiên Giang bị hải tặc nước ngoài bắn hồi tuần trước làm một người chết và một người bị thương nặng.

Các tàu này lúc đó đang đánh bắt trên ‘ngư trường truyền thống giáp ranh giữa Việt Nam, Malaysia và Thái Lan’ thì bị hai ca nô xả súng tấn công.

Chưa rõ hai ca nô này là của nước nào.

Một nhà báo địa phương đề nghị không nêu tên, người tiếp cận với nạn nhân trong bệnh viện, cho BBC biết vụ nổ súng khiến tài công của một tàu là Ngô Văn Sinh, 38 tuổi, chết tại chỗ.

Tài công Nguyễn Hùng Cường của một tàu khác, bị gãy xương đùi và hiện đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang.

Hôm 13/9, VnExpress dẫn lời thuyền viên Đỗ Nhật Nam, người có mặt trên một trong các tàu bị tấn công, cho hay "trên ca nô hải tặc có khoảng sáu người được trang bị nhiều vũ khí, có cả súng lớn. Tất cả hải tặc đều dùng mặt nạ che kín mặt".

Bốn chiếc tàu ‘bị trúng nhiều đạn hư hỏng nặng’ đã được đưa sửa chữa ở cảng Sông Đốc, Cà Mau.

Trong khi đó, Đại tá Phạm Quang Oánh, Phó Chủ nhiệm Chính trị Cảnh sát biển Việt Nam, xác nhận với BBC Tiếng Việt rằng có vụ tấn công. Tuy vậy, ông nói:

“Vụ việc đang trong quá trình điều tra và xác minh lời khai của ngư dân nên chúng tôi hiện chưa thể công bố chi tiết có mấy tàu cá Việt Nam gặp nạn và hải tặc là của nước nào. Tôi chỉ có thể nói rằng các báo trong nước đưa tin về vụ tấn công này quá sớm với những chi tiết chưa thật chính xác”.

‘Đang trong quá trình điều tra’

Hôm 14/9, báo Thanh Niên mô tả: “Thời điểm bị tấn công, tàu KG 49059 do ông Sinh làm tài công đang đánh bắt trong vùng biển giáp ranh giữa Việt Nam, Malaysia và Thái Lan thì bất ngờ bị một ca nô có trang bị súng máy rượt theo”.

Báo này dẫn lời ngư dân Chao Văn Sáng, 37 tuổi, ngụ xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, người có mặt trên tàu khi xảy ra vụ nổ súng:

“Nhìn qua khe cửa hầm tôi thấy chiếc ca nô cắm cờ Thái Lan, trên ca nô có ba người, trong đó có hai người mặc đồng phục màu xanh, một người không mặc đồng phục, đội mũ tai bèo ôm súng máy. Chiếc ca nô lao về phía trước song song với tàu của chúng tôi, chỉ cách khoảng 15-20m. Họ không nói một tiếng nào rồi chĩa súng máy bắn thẳng vào ca bin”.

Cùng ngày, báo Tuổi Trẻ cho hay "ông Sáng khẳng định với Công an huyện Châu Thành, Kiên Giang, rằng cách đây gần hai tháng, chính ông cũng từng bị chiếc tàu cao tốc nói trên bắn dọa xuống nước, sau đó khống chế kéo đi lòng vòng ngoài biển để đòi tiền chuộc tàu lên tới 3,2 tỷ đồng".

“Trên tàu cao tốc có một người mặc thường phục nói tiếng Việt rất rành. Mấy lần trước họ chỉ bắn dọa đòi tiền chuộc, lần này không ngờ họ ra tay bắn thẳng vào buồng lái”, ông Sáng được Tuổi Trẻ dẫn lời.

‘Cần lên tiếng mạnh mẽ hơn’

Hôm 14/9, trả lời phỏng vấn của BBC, luật sư Lê Quốc Quân, nhà hoạt động chống Trung Quốc xâm lấn biển đảo Việt Nam và nhiều lần lên tiếng về việc bảo vệ ngư dân, cho biết:

“Vụ tấn công ngư dân mới nhất cho thấy Chính phủ Việt Nam cần lên tiếng mạnh mẽ và có hành động cụ thể hơn để bảo vệ ngư dân, lãnh hải. Trước đây, người phát ngôn bộ Ngoại giao chỉ lên tiếng phản đối và chung chung, thậm chí chỉ đề cập ‘tàu lạ, nước lạ’.

“Trong bối cảnh các nước trong khu vực đều leo thang vũ lực, như Indonesia đốt và đánh chìm tàu cá nước ngoài, theo tôi, Việt Nam cần điều tra dứt điểm các vụ tấn công ngư dân. Khi đã xác định quốc gia nào đứng sau hải tặc thì cần lên án mạnh mẽ và triệu hồi đại sứ của họ”, ông Quân nói.

Vụ tấn công ngư dân xảy ra chỉ vài ngày sau khi Chính phủ Việt Nam vừa ban hành Nghị định 71/2015 cho phép lực lượng tuần tra dùng vũ khí truy đuổi tàu nước ngoài xâm phạm lãnh hải.

Có hiệu lực thi hành từ ngày 20/10, Nghị định này về quản lý hoạt động của người, phương tiện trong khu vực biên giới biển nước Việt Nam.

Theo đó, “trong trường hợp phát hiện vi phạm, nghị định cho phép các lực lượng tuần tra, kiểm soát trong khu vực biên giới biển có quyền truy đuổi phương tiện đường thủy nước ngoài trong nội thủy và lãnh hải Việt Nam.

Việc truy đuổi có thể tiến hành liên tục, không ngắt quãng ra đến ngoài ranh giới lãnh hải hoặc vùng tiếp giáp lãnh hải Việt Nam, và chấm dứt khi phương tiện bị truy đuổi đi vào lãnh hải của quốc gia, vùng lãnh thổ khác”.

“Khi các lực lượng chức năng đã sử dụng tín hiệu yêu cầu đối tượng vi phạm dừng lại để kiểm tra nhưng đối tượng không chấp hành, người chỉ huy lực lượng truy đuổi có quyền sử dụng các công cụ hỗ trợ, vũ khí theo quy định của pháp luật”, Nghị định do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký ngày 3/9 nêu rõ. - BBC

No comments:

Post a Comment