Thursday, September 3, 2015

Tin Cập Nhật Thứ Năm 3/9

Tin Thế Giới

1.
TQ cam kết cắt giảm quân số trong cuộc duyệt binh kỷ niệm Thế chiến II --- Những tin bị xóa về duyệt binh TQ --- Trung Quốc tổ chức diễu binh để phô trương sức mạnh quân sự

Hôm nay, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình loan báo các kế hoạch cắt giảm 300.000 binh sĩ thuộc quân lực lớn nhất thế giới, tại một cuộc duyệt binh khổng lồ để kỷ niệm chiến thắng Nhật Bản trong Thế chiến thứ Hai.

Trong khoảng 1 tiếng đồng hồ tại Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh, một luồng xe tăng, phi đạn đạn đạo, máy bay không người lái và binh sĩ đã diễu hành trước một tập hợp các nhà lãnh đạo cấp cao của chính phủ và quân đội, mà ông Tập Cận Bình gọi là một cuộc biểu dương sự thành tâm cống hiến của Trung Quốc đối với hòa bình. 

Chủ tịch Trung Quốc nói: “Vì lợi ích của hòa bình, Trung Quốc sẽ cam kết phát triển một cách ôn hòa. Người Trung Quốc chúng tôi yêu hòa bình. Cho dù có trở nên hùng mạnh đến đâu, Trung Quốc cũng không bao giờ mưu tìm bá quyền hay bành trướng.”

“Chúng ta phải học những bài học lịch sử và hiến thân cho hòa bình.” Ông nói thêm rằng cách tốt nhất để tuyên dương những người đã hy sinh tính mạng trong Thế chiến thứ Hai là ngăn chặn những thảm kịch lịch sử xảy ra thêm nữa.

Cuộc diễu hành, với 70 phát đại bác chào mừng và hàng ngàn chim bồ câu được phóng sinh cùng với những quả bóng bay, vừa là một sự nghiêm trang nhắc nhở đến nỗi đau khổ đã qua, vừa là một sự tán dương các thành quả của Trung Quốc. Tuy nhiên, cảnh tượng công khai phô trương quân lực một lần nữa nêu ra những nghi vấn về sự trỗi dậy của Trung Quốc và vai trò mà Trung Quốc mưu tìm trên thế giới.

Phô trương sức mạnh quân sự

Hơn 12.000 binh sĩ diễu hành tiến vào Thiên An Môn, theo sau là một dàn xe tăng, máy bay không người lái, phản lực cơ chiến đấu và các phi đạn đạn đạo liên lục địa có khả năng hạt nhân. Trước cuộc diễu hành, các cơ quan truyền thông nhà nước đã nói 84% thiết bị được phô trương sẽ ra mắt công chúng lần đầu tiên.

Trong số các vũ khí nổi bật nhất được trưng bày là Đông Phong – 21D, một phi đạn với một đầu đạn được radar hướng dẫn và được coi là một vũ khí hữu hiệu chống lại các hàng không mẫu hạm của Hoa Kỳ trong khu vực. Truyền thông nhà nước Trung Quốc gọi vũ khí này là “sát thủ hàng không mẫu hạm.”

Thông điệp mà cuộc diễu hành gửi đi mang tính hơi mâu thuẫn, theo ông Kerry Brown, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc tại trường Đại học Sydney.

Một mặt cuộc diễu hành hướng vào một cử tọa trong nước và nhắm mục tiêu cho thấy chính phủ vững mạnh và đang bảo vệ các quyền lợi của đất nước. Mặt khác, ông Brown nói Trung Quốc muốn nói với phần còn lại của thế giới chớ nên lo ngại về Trung Quốc như một mối đe dọa.

Ông Brown lập luận, “Điều ông Tập Cận Bình muốn nói với nhân dân trong nước và phần còn lại của thế giới là, Trung Quốc có đủ sức mạnh để không bị thúc ép, nhưng ông ta không nói là Trung Quốc sẵn sàng thúc ép phần còn lại của thế giới.”

Trung Quốc đã không chứng kiến vụ xung đột quân sự nào kể từ năm 1979, và vì lý do đó không có kinh nghiệm chiến trường trong việc sử dụng các thiết bị được trưng bày.

Ông Michael Raska, một nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Quốc phòng và Sách lược ở Singapore nói: “Vấn đề lớn nhất của Quân đội Nhân dân Trung Quốc là chiến tranh phối hợp, mà họ chưa hề kinh qua trước đây. Phối hợp là điều cấp thiết trong chiến tranh hiện đại.”

Quân đội Trung Quốc “có vấn đề về phối hợp giữa hải và không lực bởi vì hệ thống cấp bậc cứng nhắc, những sự đối đầu giữa các lực lượng và tình trạng thiếu quyền đưa ra quyết định ở cấp chỉ huy,” theo nhận định của ông Raska.

Chạy đua vũ trang

Sự cắt giảm quân số của Trung Quốc được nhiều người coi là nằm trong khuôn khổ nỗ lực lâu nay muốn hiện đại hóa quân đội.

Ông Kerry Brown nhận xét: “Qua những gì chúng ta thấy hôm nay, khả năng của họ đã gia tăng khủng khiếp và họ thực sự là một lực lượng quân đội nghiêm túc. Cần phải thừa nhận điều đó trong các chính sách giao tiếp và các cuộc đối thoại với Trung Quốc.”

Theo ông Brown, chuyến đi Washington sắp tới của chủ tịch Tập Cận Bình sẽ là một cơ hội tốt để hai nước đào sâu cuộc đối thoại chính trị và quân sự để không hiểu lầm nhau.

Ông Brown nói, “Tôi nghĩ nguy cơ lớn nhất là sự hiểu lầm. Các vấn đề thực sự nằm ở đó.”

Nhà khảo cứu của Viện Nghiên cứu Quốc phòng và Sách lược tại Singapore, ông Raska nói sự cắt giảm quân số là một dấu hiệu cho thấy chủ tịch Tập Cận Bình đang khởi xướng một vòng cải cách quân đội mới.

Ông Raska nói, “Ông ta muốn có một quân đội nhỏ hơn và thông minh hơn. Trọng điểm sẽ là thay đổi cơ chế lực lượng tổ chức. Vũ khí sẽ chỉ là khối thép chói sáng nếu không được sử dụng một cách hữu hiệu. Trung Quốc cần phải cải tiến mặt nhu liệu của mọi thứ.”

Trung Quốc đang ở giữa một nỗ lực đang diễn tiến nhằm chuyển trọng tâm từ phòng vệ trên bộ hướng nhiều hơn qua sức mạnh hàng hải và hải quân.

Tuy nhiên, một số người cảm thấy cuộc diễu hành có thể châm ngòi thêm cho một cuộc chạy đua vũ trang vốn đã diễn ra trong khi Trung Quốc tìm cách đương đầu với điều mà họ tin là những khẳng định chủ quyền trong vùng Biển Đông và Hoa Đông. Trung Quốc cũng đang tìm cách xây dựng một thị trường vũ khí và cuộc diễu hành có thể có lợi cho việc ấy.

Ông Dipankar Banerjee, một vị tướng hồi hưu của quân đội Ấn Độ, và là một cố vấn cho Viện Nghiên cứu Hòa bình và Xung đột ở New Delhi, nói: “Mục tiêu số 1 của Trung Quốc là hăm dọa Nhật Bản. Họ cũng muốn phô trương thành quả của chương trình hiện đại hóa quân đội.”

Tại Nhật Bản hôm nay, chánh văn phòng nội cách Yoshihide Suga đã phản ứng đối với cuộc diễu hành bằng lời kêu gọi tất cả các bên hãy nhìn về phía trước.

Ông Suga nói: “Tôi muốn Trung Quốc chứng tỏ thái độ hướng về tương lai là hợp tác về các vấn đề chung mà cộng đồng quốc tế đang đối diện, chứ không tập trung quá đáng và lịch sử không may đã qua.”

Tranh chấp chủ quyền

Bắc Kinh không chỉ căng thẳng với Nhật Bản. Các hành động của Trung Quốc trong những năm gần đây, cả ở Biển Hoa Đông và Biển Đông đã gây căng thẳng với các nước láng giềng khác, và theo một cuộc thăm dò mới đây, đã làm phương hại đến hình ảnh của Trung Quốc trong khắp khu vực.

Trung tâm Nghiên cứu Pew có trụ sở ở Hoa Kỳ tuần này vừa công bố một cuộc thăm dò nói rằng trong khi 57 phần trăm những người được thăm dò ở khắp châu Á có quan niệm tốt đẹp về Trung Quốc, thì những người ở các nước như Việt Nam và Nhật Bản lại có một quan điểm rất khác.

Tại Nhật Bản, 9 phần trăm có quan điểm tán thành và tại Việt Nam tỷ lệ đó là 19 phần trăm. Những người trả lời thăm dò ở 6 trong số 9 quốc gia gần Trung Quốc đều viện dẫn những quan ngại về tranh chấp chủ quyền với Bắc Kinh. Tại Philippines, 91 phần trăm tỏ ý quan ngại, tiếp theo sau là Nhật Bản và Việt Nam với 83 phần trăm.

Các vị nguyên thủ của gần như toàn bộ các nước có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc đều không dự cuộc duyệt binh. Việt Nam là một trong những nước nổi bật.

Chủ tịch Tập Cận Bình và vợ bà Bành Lệ Viên đã đón tiếp hàng chục nhà lãnh đạo thế giới đến dự buổi lễ. Một số trong những khách tham dự nổi bật là Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon, Tổng thống Nga Vladimir Putin, và Tổng thống Nam Triều Tiên Park Geun-hye. Tổng cộng có khoảng 30 nhà lãnh đạo đến dự, nhiều người là ở các nước được thành lập sau Thế chiến thứ Hai. Nga là nhà lãnh đạo của nước đồng minh duy nhất trong thời chiến đến dự lễ. - VOA

***
Lễ duyệt binh hôm 3/9 tại Bắc Kinh, mà Trung Quốc gọi là để “kỷ niệm 70 năm Thắng lợi Cuộc kháng chiến chống Nhật của nhân dân Trung Quốc và Chiến thắng Phát xít của thế giới”, được kiểm soát chặt chẽ.

Nhưng trên truyền thông xã hội Trung Quốc, lại có câu chuyện khác.

Các công dân mạng trên trang Weibo đã đùa cợt, đăng nhiều hình châm biếm và chê các lãnh đạo mặt lạnh tanh.

Giới kiểm duyệt cũng nhanh chóng xóa bài để giữ đúng “kịch bản”.

Một số bài đăng được ghi lại nhờ Cedric Sam, sống ở Hong Kong, và Weiboscope, một dự án của Đại học Hong Kong muốn theo dõi những nội dung bị xóa trên Weibo.

Một chủ đề được ưa chuộng là Chủ tịch Tập Cận Bịnh, người duyệt đoàn quân trên xe ô tô.

Người dùng Weibo, Diuz, đăng ảnh đồ chơi gấu Winnie the Pooh. Dù không chú thích, nhưng hàng ngàn người hiểu ngay. Bài này được chia sẻ 65.000 lần trước khi bị xóa, theo Weiboscope.

Từ 2013, ông Tập được gắn liền với chú gấu này, sau khi dân mạng thấy hình ông đi bộ cùng Tổng thống Mỹ Barack Obama, trông giống gấu Pooh và cọp Tigger.

Gương mặt lạnh tanh của ông Tập cũng trở thành chủ đề diễu nhại.

Người dùng tên hiệu Buyuesangw trên Weibo đăng hình ông Tập với dòng chữ: “Tâm hồn tôi mệt quá.”

Một người khác lại đăng hình: “Nóng quá, tôi muốn chết đây.”

Một chủ đề được đặc biệt quan tâm là sự xuất hiện của cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân.

Một người đăng hình ông Giang, bình phẩm: “Tin lớn nhất ngày hôm nay.”

Một hình khác nổi lên là cảnh một cụ già thương xót ông Tập, vốn có biệt danh “Tập Đại Đại”.

Một phụ đề ghi: “Bắc Kinh nóng quá, bà thương Tập Đại Đại.”

Nhưng cũng có những mẩu tin trên Weibo, chủ yếu từ Đài Loan, cáo buộc Bắc Kinh bóp méo lịch sử.

Trong đó có tuyên bố của Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu, nói Quốc Dân Đảng, đã đóng vai trò chính đánh đuổi Nhật trong Thế chiến Hai, cộng thêm tấm ảnh Tưởng Giới Thạch, lãnh đạo Quốc Dân Đảng.

Một người trên Weibo, Visionanimal, đăng ảnh và viết: “Kính chào người hùng thực sự của nhân dân Trung Quốc!” - BBC

***
Trung Quốc tổ chức duyệt binh đánh dấu 'chiến thắng Đế quốc Nhật' trong Đệ nhị Thế chiến, đồng thời phô diễn sức mạnh quân sự ở quy mô lớn chưa từng thấy.

Trong bài phát biểu khai mạc, Chủ tịch Tập Cận Bình đã vinh danh ‘người Trung Quốc chiến đấu kiên cường để đánh bại quân Nhật xâm lăng’.

Trong diễn văn, ông Tập Cận Bình tuyên bố sẽ cắt giảm 300.000 quân.

Ông nói Trung Quốc “sẽ kiên trì đi con đường phát triển hòa bình”.

Khoảng 12.000 binh lính và 200 máy bay, cũng như xe tăng và tên lửa, đã tham gia diễu hành tại quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh.

Hơn 80% thiết bị quân sự được giới thiệu đến công chúng lần đầu tiên, báo nhà nước cho biết.

Ông Tập Cận Bình, người đứng đầu Quân ủy trung ương, chỉ huy lực lượng vũ trang, hiện diện giữa lễ đài cùng với hơn 30 nguyên thủ nước ngoài.

Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye là những nguyên thủ nổi bật nhất tham dự sự kiện này. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon cũng có mặt trong lễ diễu binh.

Nhiều lãnh đạo các nước lớn, gồm Hoa Kỳ, Anh, Úc và Nhật Bản, đã từ chối tham gia.

Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang cũng tham dự lễ duyệt binh.

"Trong giai đoạn quan hệ căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản, cũng như leo thang quân sự tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, một số nhà lãnh đạo không muốn dính líu vào một cuộc diễu binh thể hiện chủ nghĩa dân tộc chống Nhật", ông Alexander Neill, Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) ở Singapore nhận định.

Bà Carrie Gracie, Biên tập viên của BBC Trung Quốc, đang có mặt ở Thiên An Môn, cho biết bầu trời đã có lại màu xanh sau khi chính quyền đóng cửa các nhà máy, cấm tổ chức tiệc nướng và cấm xe du lịch đỗ lại trong thành phố.

Không có bong bóng hay chim bồ câu xung quanh quảng trường để phòng ngừa chúng làm gián đoạn cuộc trình diễn máy bay quân sự, bà nói.

Chào bán tàu ngầm, máy bay chiến đấu và do thám

Bà Celia Hatton, phóng viên BBC News tại Bắc Kinh cho biết thêm:

“Trung Quốc tổ chức duyệt binh hoành tráng để phô trương sức mạnh quân sự, đồng thời cũng là cơ hội hữu ích cho quân đội nước này chào bán vũ khí”.

Vài tháng trước, Trung Quốc đã vượt Đức để trở thành nhà cung cấp vũ khí lớn thứ ba thế giới, theo Viện nghiên cứu Hòa bình Stockholm.

"Trung Quốc muốn cho thấy ngành công nghiệp vũ khí của họ có những tiến bộ", ông Mathieu Duchâtel, từ Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, giải thích. "Trung Quốc đang chuyển từ một nước nhập khẩu vũ khí lớn sang một nước xuất khẩu lớn".

Hoạt động bán vũ khí của Trung Quốc đã tăng 150% trong 5 năm qua. Lần đầu tiên, tất cả các vũ khí xuất hiện trong cuộc diễu binh đều được Trung Quốc sản xuất, không có vũ khí do Nga chế tạo.

Tháng 4/2015, Trung Quốc đã ký thỏa thuận để cung cấp tám tàu ngầm cho Pakistan. Ngoài ra còn có một thỏa thuận bán tàu ngầm Trung Quốc cho Thái Lan.

Tuy cuộc diễu binh không giống như một hội chợ vũ khí, nhưng đại diện của các đồng minh quân sự thân cận nhất của Trung Quốc có mặt để tận mắt chứng kiến những dòng vũ khí mới nhất.

Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc là lực lượng quân sự lớn nhất thế giới, với 2,3 triệu binh lính, và có ngân sách quốc phòng lớn thứ hai sau Mỹ.

Liên quan đến cuộc duyệt binh, truyền thông nhà nước đã đăng bài xã luận gọi đây là sự kiện củng cố lòng yêu nước và quan điểm về các sự kiện lịch sử.

Nhật Bản đã tiến hành cuộc xâm lược Trung Quốc năm 1937.

Cuộc chiến kéo dài tám năm đã khiến 14 triệu người Trung Quốc thiệt mạng, theo số liệu của Bắc Kinh.

Trung Quốc cũng tuyên bố rằng họ là ‘đồng minh bị lãng quên’ và rằng vai trò của họ trong việc đánh bại Nhật Bản đã bị xem nhẹ trong bài tường thuật sau chiến tranh.

Quốc dân Đảng lãnh đạo cuộc chiến chống Nhật ở Trung Quốc sau đó đã bị đánh bại bởi Đảng Cộng sản của Mao Trạch Đông, người tuyên bố thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa năm 1949. - BBC

***
Kỷ niệm 70 năm ngày Nhật Bản đầu hàng đồng minh, hôm nay 03/09/2015, Trung Quốc tổ chức lễ diễu binh rầm rộ kéo dài gần 2 tiếng đồng hồ nhằm phô trương sức mạnh quân sự của nước này.

Trong bài diễn văn đọc tại quảng trường Thiên An Môn, kỷ niệm ngày được chính thức gọi là "Thắng lợi cuộc kháng chiến chống Nhật của nhân dân Trung Quốc và Chiến thắng Phát xít của thế giới", chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố rằng chiến thắng 1945 đã giúp cho Trung Quốc trở lại thành "một quốc gia lớn trên thế giới".

Nhân dịp này, chủ tịch Tập Cận Bình cũng thông báo sẽ cắt giảm 300 ngàn binh lính quân số của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc. Quân đội Trung Quốc hiện có quân số được ước lượng vào khoảng 2,3 triệu người và quân số này đã bị cắt giảm nhiều, đổi lại với việc hiện đại hóa quân đội và tăng đáng kể ngân sách quốc phòng. Ông Tập Cận Bình còn khẳng định là Trung Quốc "sẽ không bao giờ tìm cách làm bá chủ, không tìm cách mở rộng lãnh thổ".

Sau bài diễn văn của ông Tập Cập Bình, khoảng 12 ngàn binh lính và 500 thiết bị quân sự các loại bắt đầu cuộc diễu binh, với trên không là gần 200 phi cơ và trực thăng, những biểu tượng cho sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc. 

Trong cuộc diễu binh hôm nay, Trung Quốc đã cho ra mắt lần đầu tiên nhiều loại phi cơ của lực lượng không quân thuộc hải quân, các oanh tạc cơ có tầm hoạt động xa, các máy bay không người lái và nhiều loại tên lửa. 

Đặc biệt, lần đầu tiên quân đội Trung Quốc phô bày loại tên lửa diệt hàng không mẫu hạm Đông Phong – 21D, mà chính quyền Bắc Kinh vẫn giữ bí mật từ mấy năm qua. Loại vũ khí này được cho là có thể sẽ giúp Trung Quốc thay đổi cán cân lực lượng đối với Mỹ tại vùng châu Á - Thái Bình Dương, cho tới nay vẫn là địa bàn hoạt động của Đệ thất hạm đội Hoa Kỳ. 

Khoảng 1 ngàn binh lính nước ngoài, chủ yếu là từ các nước Nga, Serbia, Cuba, Ai Cập, Mexico, Venezuela, đã tham gia vào cuộc diễu binh hôm nay ở Bắc Kinh. 

Nhưng ngoài các vị quan khách, không có người dân nào được tham dự lễ diễu binh, được truyền hình trực tiếp. Nhiều con đường bị phong tỏa hoặc lưu thông rất hạn chế. Nhiều lãnh đạo chủ chốt của phương Tây, như Tổng thống Mỹ Obama hay Thủ tướng Đức Merkel, đã tẩy chay lễ diễu binh hôm nay, trong số khách mời ngoại quốc chỉ có một vài lãnh đạo quan trọng như Tổng thống Nga Vladimir Putin. Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye đã đến dự lễ diễu binh, nhưng lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un lại vắng mặt. - RFI
|
|

2.
Di dân tràn ngập ga xe lửa chính ở Budapest

Những người di dân hy vọng đi tiếp về hướng tây đã tràn vào nhà ga xe lửa chính ở Budapest sau khi nơi này được cảnh sát mở lại, nhưng các giới chức Hungary cho biết không có tàu đi tới các nước Tây Âu.

Cảnh sát đã rút khỏi nhà ga Keleti hôm nay, sau vụ giằng co hai ngày với hàng ngàn di dân muốn đáp tàu đến Đức, nơi họ định xin tị nạn.

Nhưng trong lúc người di dân được phép vào nhà ga, không rõ họ sẽ đi đâu khi không thể đi về hướng tây.

Giới hữu trách Hungary hôm thứ hai cho phép di dân đáp tàu từ ga Keleti đi về hướng tây mà không có visa Liên hiệp Âu Châu, không lâu sau khi Đức loan báo sẽ nhận đơn xin tị nạn; nhưng đến ngày thứ ba, các giới chức Hungary đột ngột bắt đầu không cho những người không có visa được lên tàu.

Thủ tướng Hungary Viktor Orban hôm nay nói vấn đề di dân tại biên giới Hungary không phải là một vấn đề của Âu Châu mà là một vấn đề của Đức.

Ông Orban phát biểu như vậy tại Brussels sau cuộc họp với Chủ tịch Quốc hội Âu Châu Martin Schulz. Ông nói rằng những người tị nạn phải băng qua nước ông và những nước khác để tới Đức. Ông cho biết Hungary đã làm “mọi việc có thể làm” để tuân thủ luật lệ của Âu châu, kể các việc làm thủ tục ghi danh cho các di dân trước khi cho phép họ đi về hướng tây.

Nhưng Chủ tịch Schulz không đồng ý với nhận định đó. Người đứng đầu Quốc hội Âu châu nói vấn đề này không phải của Đức mà của cả Âu Châu.

Ông nói tái định cư 500.000 người tị nạn ở Âu Châu với dân số 507 triệu “không là một vấn đề”, nhưng tập trung người tị nạn vào một vài nước thành viên “sẽ là một vấn đề.” Ông cho rằng sự đoàn kết của các nuớc là chìa khoá để giải quyết vấn đề.

Liên hiệp Âu Châu đang chật vật ứng phó với vụ khủng hoảng tị nạn nghiêm trọng nhất kể từ thế chiến thứ hai. Hàng trăm ngàn người đã tới các biên giới Âu Châu trong năm qua để tránh xung đột và nghèo đói ở Syria và những khu vực khác ở Trung Đông, Á Châu và Phi Châu.

Liên hiệp Âu Châu, gồm 28 nước thành viên, sẽ mở phiên họp khẩn về người tị nạn vào ngày 14 tháng 9.

Trong khi đó, Thủ tướng Pháp Manuel Valls đã đưa ra một thông điệp về một bé trai người Syria mà người ta tìm thấy xác trên một bãi biển ở Thổ Nhĩ Kỳ. Hình của em bé này được đăng hôm thứ tư trên báo chí ở khắp Âu Châu, khiến nạn nhân nhỏ bé này trở thành biểu tượng của vụ khủng hoảng người tị nạn ở Âu Châu.

Ông Valls nói trên truyền thông xã hội “Em bé này có tên là Aylah Kurdi.

Phải cấp tốc hành động. Cần có ngay một sự động viên của Âu Châu.”

Giới hữu trách Thổ Nhĩ Kỳ tin rằng em bé này nằm trong số 13 người Syria chết đuối hôm thứ tư khi hai chiếc thuyền nhỏ bị lật trong lúc đang đi từ Thổ Nhĩ Kỳ tới đảo Kos của Hy Lạp. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
Thỏa thuận hạt nhân Iran được bảo đảm thông qua

Thông báo của một thượng nghị sĩ Hoa Kỳ hôm nay cho biết bà sẽ ủng hộ thỏa thuận quốc tế nhằm hạn chế chương trình hạt nhân của Iran đem lại một thắng lợi quan trọng cho chính sách đối ngoại của Tổng thống Barack Obama.

Thượng nghị sĩ Barbara Mikulski, đại diện tiểu bang Maryland, là thành viên thứ 34 tại Thượng viện cam kết biểu quyết ủng hộ thỏa thuận – một con số đủ để bảo đảm ông Obama sẽ thắng trong nỗ lực của chính quyền vận động để thỏa thuận được thông qua tại Quốc hội.

Thượng nghị sĩ Mikulski nói, “Không có thỏa thuận nào là toàn hảo, nhất là một thỏa thuận thương nghị với chế độ Iran.” Tuy nhiên, bà nói thêm rằng bà đã kết luận là thỏa thuận Iran – chính thức được gọi là Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung – JCOA, là phương án tốt nhất có thể có được để ngăn chặn Tehran sản xuất một quả bom hạt nhân.

Trong lời phát biểu ủng hộ thỏa thuận Iran vào giờ này ở Philadelphia, Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry đã đưa ra lập luận mạnh mẽ để quốc hội ủng hộ JCOA.

Đa số các thượng nghị sĩ Hoa Kỳ có thể biểu quyết “không tán thành” thỏa thuận với Iran, nhưng ông Obama đã tuyên bố sẽ bác bỏ một quyết định như vậy bằng cách dùng quyền phủ quyết. Với 34 số phiếu ủng hộ tại Thượng viện, nay ông có thể tin chắc rằng mọi mưu toan đảo ngược phủ quyết của ông sẽ thất bại.

Các đảng viên Dân chủ tại Hạ viện cho biết có cũng sẽ có đủ số phiếu để duy trì một sự phủ quyết của Tổng thống, nếu xảy ra trường hợp đó. Trong tình huống như vậy, Quốc hội gần như không có con đường nào để ngăn chặn việc thực thi hiệp ước với Iran.

Thỏa thuận ký kết giữa Hoa Kỳ, Iran và 5 cường quốc thế giới khác hồi tháng 7, định ra các hạn chế đối với các hoạt động hạt nhân của Iran để đổi lấy việc nới lỏng các biện pháp chế tài kinh tế đối với Tehran.

Chính quyền Obama đã vận động ráo riết từ nhiều tháng để quy tụ hậu thuẫn cho thỏa thuận, bất kể sự chống đối của gần như toàn bộ các đại biểu thuộc đảng Cộng hòa tại Quốc hội. Các vị này nói họ cảm thấy không thể tin tưởng vào các nhà lãnh đạo Iran được. Họ cũng nói rằng họ quan ngại về cách thức Iran sẽ sử dụng khoản thu nhập có thêm được nhờ việc bãi bỏ các biện pháp chế tài.

Cả Hạ viện lẫn Thượng viện Hoa Kỳ dự kiến sẽ biểu quyết về thỏa thuận với Iran trước ngày 17 tháng này, tiếp theo 1 tháng nghỉ hè sẽ chấm dứt vào tuần tới. Nếu Hạ viện cứu xét một nghị quyết bất tán đồng tương tự như nghị quyết đã được các vị thượng nghị sĩ thảo luận, thì trưởng khối thiểu số tại Hạ viện, nữ dân biểu Nancy Pelosi, đã cam kết khối của bà sẽ quy tụ đủ số phiếu để ủng hộ mọi cuộc biểu quyết về vấn đề Iran.

Công chúng Mỹ dường như chia rẽ gay gắt theo lằn ranh đảng phái về đề tài một thỏa thuận hạt nhân với Iran. Một cuộc thăm dò do Chương trình Tham vấn Công chúng của trường Đại học Maryland cho thấy 55 phần trăm người Mỹ ủng hộ thỏa thuận, trong khi 44 phần trăm muốn thấy thỏa thuận bị bác bỏ.

Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã phê chuẩn một nghị quyết hồi tháng 7 ủng hộ thỏa thuận. Nghị quyết nói các biện pháp chế tài kinh tế của Liên Hiệp Quốc, Hoa Kỳ và Liên hiệp châu Âu nhắm vào Iran sẽ được bãi bỏ một khi Cơ quan Nguyên tử năng Quốc tế quyết định là Iran đã tuân hành cuộc điều tra kéo dài lâu nay về những vấn đề liệu Iran có tìm cách phát triển vũ khí hạt nhân hay không. Iran vẫn nhất mực rằng chương trình của họ là hòa bình, và IAEA dự định công bố báo cáo chung quyết vào cuối tháng 12.

Nếu thỏa thuận có hiệu lực, và nếu nhận thấy Iran sau này vi phạm các giới hạn như con số hạn định các máy ly tâm để tinh chế uranium mà Iran sử dụng, hoặc mức độ tinh chế uranium được cho phép, thì thỏa thuận bao gồm một điều khoản gọi theo đó các biện pháp chế tài sẽ được áp đặt trở lại. - VOA
|
|

4.
Mỹ phát hiện tàu hải quân Trung Quốc gần Alaska

Vào lúc tổng thống Barack Obama đang có mặt tại Alaska, ngày 02/09/2015 Lầu Năm Góc thông báo 5 tàu hải quân Trung Quốc đang hoạt động trong vùng biển Bering, gần hải phận của Hoa Kỳ. Theo giới quan sát đây là một hành vi mới cho thấy Hải quân Trung Quốc ngày càng mở rộng hoạt động xa bờ.

Bản tin của Reuters cho biết, ngày 03/09/2015 bộ Quốc phòng Trung Quốc trong một thông cáo ngắn gọn xác nhận Hải quân nước này đang thực hiện “các cuộc thao diễn thường lệ”.

Trong lúc một quan chức thuộc Quốc phòng Mỹ cho biết Washington theo dõi chặt chẽ các hoạt động của 3 tàu chiến Trung Quốc, 1 tàu tiếp dầu và 1 tàu đổ bộ đang tiến về phía quần đảo Aleutian. Vẫn theo quan chức này trước mắt Hoa Kỳ chưa xem sự hiện diện nói trên là một mối đe dọa và tàu Trung Quốc vẫn còn đang trong vùng biển quốc tế nhưng đây là dấu hiệu rõ rệt cho thấy Bắc Kinh đang hết sức quan tâm đến vùng Bắc Cực. Quần đảo Aleutian nằm trong khu vực Biển Bering, giữa hải phận của Mỹ và Nga.

Sự hiện diện của tàu hải quân Trung Quốc diễn ra vào lúc tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đang có mặt tại Alaska và vùng Bắc Cực để vận động dư luận về nhu cầu cấp bách bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu. Về phần mình, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chuẩn bị công du Hoa Kỳ trong tháng 9/2015.

Về mối quan tâm của Trung Quốc đối với Bắc Cực, một vùng được cho là giàu tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là tiềm năng về dầu hỏa, báo The Wall Street Journal ấn bản ngày 02/09/2015 nhắc lại, năm 2012 lần đầu Trung Quốc đưa tàu phá băng đến Bắc Cực và theo báo chí Bắc Kinh từ đó đến nay con đường hàng hải đi qua phía bắc này đã được một số tàu chở hàng của Trung Quốc sử dụng.

Năm 2013 Trung Quốc được công nhận là thành viên quan sát của Hội đồng Bắc Cực, bên cạnh 8 thành viên thường trực gồm Canada, Mỹ, Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Na Uy, Thụy Điển và Nga.

Hải quân Trung Quốc và Nga vừa tập trận chung từ ngày 20 đến 28/08/2015 trong vùng Thái Bình Dương, cách Biển Bering khoảng 2.000 hải lý về phía tây. - RFI
|
|

Tin Việt Nam

5.
Chủ tịch Sang dự duyệt binh ở Trung Quốc, đề cập Biển Đông

Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang hôm 3/9 đã dự khán buổi lễ duyệt binh hoành tráng ở Quảng trường Thiên An Môn, Trung Quốc, một ngày sau khi phát biểu nhân Quốc khánh 2/9, cho rằng Việt Nam đang phải “đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức”, trong đó có vấn đề tranh chấp biển Đông.

Ông Sang cùng với 24 nhà lãnh đạo quốc tế, trong đó có Tổng thống Nga Vladimir Putin, đã chụp ảnh chung với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và phu nhân tại Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh trước khi buổi lễ duyệt binh với sự tham gia của hơn 10.000 binh sĩ Trung Quốc diễn ra.

Chủ tịch Việt Nam tới Trung Quốc theo lời mời của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trong khi đó lãnh đạo Philippines và Nhật Bản từ chối vì vấn đề tranh chấp lãnh hải.

Trong một bức ảnh chụp cảnh khán đài, đăng tải trên trang web của Bộ Ngoại giao Việt Nam, đứng ngay bên phải Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là Tổng thống Nga Vladimir Putin và bên trái ông Tập là cựu quan chức cấp cao của Trung Quốc Giang Trạch Dân. Không thấy ông Sang trong bức ảnh này.

Ngoài Chủ tịch Việt Nam, các quan khách từ Đông Nam Á tới tham dự cuộc phô trương sức mạnh quân sự của Trung Quốc còn có Campuchia, Miến Điện, Lào, và Đông Timor.

Khoảng 12.000 binh sĩ Trung Quốc và binh lính từ hơn 10 quốc gia, trong đó có Nga, cùng 200 máy bay đã tham gia cuộc duyệt binh quy mô lớn để đánh đấu ngày Bắc Kinh giành chiến thắng trước Nhật Bản trong Thế chiến II.

Theo trang web của chính phủ Việt Nam, sau cuộc duyệt binh, chiều 3/9, Chủ tịch Sang đã có cuộc gặp riêng với ông Tập Cận Bình tại Đại lễ đường nhân dân ở Bắc Kinh.

Ông Sang được trích lời khẳng định rằng “Việt Nam trước sau như một coi trọng phát triển quan hệ ổn định, lành mạnh và lâu dài với đảng, nhà nước và nhân dân Trung Quốc”.

Chủ tịch Việt Nam cũng bày tỏ rằng “tình hình trên biển thời gian qua diễn biến phức tạp khiến các nước trong và ngoài khu vực lo ngại”, và “đề nghị hai bên kiểm soát tốt bất đồng, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp, cùng duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông, góp phần gìn giữ hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực”.

Ngoài ra, ông cũng “thúc đẩy các lĩnh vực, dự án hợp tác mà hai bên đã nhất trí, phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982”.

Trước đó, hôm 2/9, trong bài phát biểu kỷ niệm Quốc khánh ở trong nước, ông Sang cũng đề cập tới “tình hình thế giới và khu vực thay đổi sâu sắc, nhanh chóng, diễn biến phức tạp, khó lường”.

Tranh chấp lãnh hải được ông coi là một trong các “thách thức và khó khăn” đối với Việt Nam. Ông nói: “…sự tranh chấp chủ quyền biển, đảo ngày càng gia tăng trên biển Đông và những âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch chống phá Nhà nước ta, chế độ ta, đe dọa trực tiếp đến hòa bình, ổn định, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nước ta”. - VOA
|
|

6.
Người Anh kêu gọi từ bỏ kế hoạch dựng tượng Hồ Chí Minh

Việc hội đồng thị trấn Newhaven, Sessex, Anh chấp nhận kế hoạch của Đại sứ quán Việt Nam định dựng một bức tượng mới nhìn ra bến cảng đã gây tranh cãi tại cả địa phương lẫn trên mạng trực tuyến.

Dân biểu địa phương Maria Caulfied đã kêu gọi từ bỏ kế hoạch dựng bức tượng Hồ Chí Minh, và gọi ông là “một nhà độc tài cộng sản quá cố đã gây ra hàng trăm ngàn cái chết".

Bà nói: “Một bức tượng khi thị trấn đang có nhu cầu tái thiết không phải cách tốt nhất để tiêu tiền, bất kể nguồn tiền đó đến từ đâu”.

Bà Caulfied đã nhận được nhiều lời khiếu nại của cư dân địa phương về kế hoạch dựng tượng để ghi nhớ việc ông Hồ Chí Minh đã từng làm việc trong nhà bếp trên phà Newhaven trong khoảng thời gian vào năm 1911.

Cư dân thị trấn Seaford, phía Tây thành phố Sussex, Rosemary Atrill, đã viết thư cho bà Caulfied: “Tôi không hiểu tại sao một đất nước như chúng ta, một nền dân chủ tự do, sẽ dựng lên một bức tượng tưởng niệm Hồ Chí Minh ở vị trí nổi bật như vậy”.

Bà Atrill viết,“Một vấn đề khác là, liệu Hồ Chí Minh có phải người chúng ta nên tưởng niệm? Những nơi duy nhất dựng tượng để tưởng niệm ông là những nước cộng sản”.

Hàng chục bài đăng trên trang facebook của dân biểu Maria Caulfied đồng tình với cảm tưởng này, với những từ ngữ như “kỳ quái”, “quá đáng”, “một sự ô nhục”.

Năm 2013, Đại sứ quán Việt Nam đã tặng viện bảo tàng thị trấn Newhaven một bức tượng Hồ Chí Minh.

Ông Tony Helyar, phụ trách bảo tàng Newhaven, nơi trưng bày bức tượng, cho biết: “Tôi nghĩ rằng nếu bạn nói chuyện với bất cứ ai trong số những người Newhaven, họ sẽ nghĩ rằng bất cứ điều gì giúp thúc đẩy thị trấn sẽ là một điều tốt. Mặc dù, nếu nhìn vào đó, ông ấy khó lòng là một nhân cách lớn”.

Tháng Tư vừa qua, sinh viên đại học Sussex đã được mời tham gia thiết kế bức tượng.

Một phát ngôn viên đại học cho biết: "Tôi biết Đại sứ quán đã nhận được 6 bản thiết kế, bây giờ là quyết định của họ, và nó sẽ là một đóng góp của chính phủ Việt Nam đối với thị trấn Newhaven”.

Hiện Đại sứ quán Việt Nam chưa có bình luận nào về việc này. - VOA

No comments:

Post a Comment