Monday, September 28, 2015

Tin Cập Nhật Thứ Hai 28/9

Tin Thế Giới

1.
Mỹ tìm cách tiến tới với Nga về vấn đề Syria

Căng thẳng về cuộc xung đột ở Syria dự kiến sẽ nằm cao trong chương trình nghị sự hôm nay khi Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Nga Vladimir Putin tổ chức các cuộc họp đối mặt đầu tiên trong khoảng một năm nay.

Hai nhà lãnh đạo sẽ gặp nhau tại New York bên lề Đại hội đồng Liên hiệp quốc.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Bogdanov hôm nay cũng công bố các cuộc đàm phán mở rộng hơn có thể có vào tháng tới với các nước có ảnh hưởng đến tình hình ở Syria, trong đó có Mỹ, Nga, Iran, Ả Rập Saudi, Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập.

Trước cuộc họp hôm nay, ông Putin đề cập tới vai trò mở rộng quân sự của Nga tại Syria. Đây là lần thứ hai trong vòng một tuần nhà lãnh đạo Nga nhắc tới vấn đề này.

Trong cuộc phỏng vấn ở Moscow được phát sóng hôm qua, ông Putin nói với chương trình 60 phút của CBS rằng Nga dự định hỗ trợ đồng minh lâu năm của mình, là Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Tuy nhiên, ông Putin cho biết, tại thời điểm này Nga sẽ không tham gia vào bất kỳ hành động trên bộ nào của Syria chống lại các phần tử cực đoan Nhà nước Hồi giáo ở đây.

Trước đó trong ngày hôm qua, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã gặp với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov trong nỗ lực mà Bộ Ngoại giao cho biết là nhằm đặt nền tảng cho các cuộc đàm phán của Tổng thống Obama với ông Putin. - VOA
|
|

2.
Dân Hồng Kông biểu tình kỷ niệm một năm "Cách mạng Dù vàng"

Người dân Hồng Kông được kêu gọi xuống đường hôm nay 28/05/2015 kỷ niệm một năm phong trào biểu tình đòi dân chủ đã làm tê liệt một phần thành phố trong suốt hai tháng mùa thu năm 2014.

Tuy nhiên các lãnh tụ của phong trào biểu tình - mà cuối cùng đã bị khựng lại do chủ trương không khoan nhượng của Bắc Kinh - từ chối ước lượng số người sẽ tham gia. Khác với những cuộc biểu tình rầm rộ năm ngoái, cuộc xuống đường hôm nay dự định sẽ là dịp để suy ngẫm, nhằm triển khai các chiến lược mới.

Cách đây một năm, người biểu tình đòi hỏi tổ chức phổ thông đầu phiếu thực sự cho kỳ bầu Trưởng đại diện Hồng Kông năm 2017. Nhưng Bắc Kinh không nhường bước một ly nào, khiến những người tham gia phong trào "Cách mạng Dù vàng" - tên gọi có được do người biểu tình giương dù ra che chắn trước hơi cay của cảnh sát - dần dà nản chí.

Vào trưa nay, dự kiến cuộc tập họp đầu tiên diễn ra gần "Bức tường Lennon" tại khu Admiralty (Kim Chung), khu vực chính bị chiếm đóng năm ngoái. Cầu thang bên ngoài được dán hàng ngàn tờ giấy nhiều màu sắc với những dòng chữ ủng hộ phong trào phản kháng.

Cũng tại khu trung tâm tài chính này, gần các trụ sở chính quyền, chiều nay cuộc biểu tình quan trọng nhất được tổ chức. Mọi người dành một phút im lặng vào lúc 5 giờ 58 (9 giờ 58 GMT), đây là thời điểm lực lượng an ninh sử dụng hơi cay tấn công người biểu tình năm ngoái. Các nhóm ủng hộ ở Bắc Kinh cũng tổ chức những cuộc xuống đường trong ngày.

Những ngày gần đây, các cuộc biểu tình đòi dân chủ đã diễn ra nhưng số người tham dự không đông đảo. Catherine Shek, nữ sinh viên 21 tuổi nói với AFP: "Hoạt động này không chỉ nhằm kỷ niệm một năm phong trào biểu tình, mà còn để chứng tỏ người Hồng Kông không buông xuôi". Đối với anh sinh viên 18 tuổi Law Kin Wai, phong trào "Chiếm đóng Trung Hoàn" (Occupy Central) ít nhất đã đóng vai trò ngòi nổ, "gợi lên cho sinh viên và nhiều người khác ý muốn can dự" để thay đổi.

Là cựu thuộc địa Anh được quyền tự trị rộng rãi, Hồng Kông vào mùa thu 2014 đã trải qua cuộc khủng hoảng chính trị trầm trọng nhất kể từ khi bị trao trả cho Trung Quốc năm 1997. Bắc Kinh đồng ý cho bầu Trưởng đại diện bằng phương thức phổ thông đầu phiếu, nhưng các ứng cử viên phải do một ủy ban gồm những đại cử tri thân Trung Quốc lựa chọn trước.

Dự luật bầu cử được Bắc Kinh ủng hộ rốt cuộc đã bị các dân biểu ủng hộ dân chủ bác bỏ hồi tháng Sáu, và nay thì trở lại tình trạng cũ: Trưởng đại diện Hồng Kông sẽ do một ủy ban thân Bắc Kinh chỉ định. - RFI
|
|

3.
Malaysia yêu cầu đại sứ TQ giải thích

Đại sứ Trung Quốc Hoàng Huệ Khang bị chính phủ ở Kuala Lumpur yêu cầu giải thích lời phát biểu nhân lễ Trung Thu về chính sách sắc tộc của Malaysia.

Vụ việc nổ ra trong dịp cuối tuần qua, khi Đại sứ Trung Quốc đến khu Phố Petaling (Chinatown) ở Kuala Lumpur và tham dự cuộc họp báo nói về tầm quan trọng của sự 'hài hòa chủng tộc'.

Ông Hoàng Huệ Khang nói "Trung Quốc chống lại mọi hình thức của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, cực đoan và khủng bố và sẽ không ngồi yên để nhìn".

Ông lên án mọi luật lệ có hại cho "công dân Trung Quốc" và điều này khiến một số giới người Mã Lay bày tỏ thái độ.

Người Hoa tại Malaysia không phải là công dân Trung Quốc theo luật nước này dù họ có quyền học tiếng Hoa và có đài báo của mình.

Cũng trong ngày, một nhóm ủng hộ Thủ tướng Malaysia, Najib Razak muốn biểu tình phản đối các doanh nghiệp gốc Hoa ngay tại khu Petaling trong khi nhà ngoại giao Trung Quốc phát biểu bên trong.

Nhưng nhóm biểu tình đã không có giấy phép của cảnh sát.

Họ muốn nêu yêu cầu thành phố Kualar Lumpur cho người sắc tộc Mã Lai vào kinh doanh tại khu vực này vốn chỉ có người buôn bán gốc Hoa.

Trong số những người biểu tình có cả các thành viên 'Áo Đỏ' chống lại phong trào Bersih (Trong Sạch) vốn từng tổ chức nhiều cuộc tuần hành đòi ông Najib Razak từ chức.

Phong trào Bershih thu hút không ít người Hoa ở đô thị Malaysia tham gia và điều này khiến các phát biểu của đại sứ Trung Quốc rơi vào bối cảnh xung khắc chủng tộc ở nước sở tại.

Đến chiều thứ Hai 28/09 có tin ông đại sứ đã đến văn phòng của Bộ Ngoại giao Malaysia ở Dinh Wisma Putra dù trước đó có tin ông "không hề biết mình bị triệu tập".

Tin mới nhất, theo Reuters trong ngày thì phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Hồng Lỗi lên tiếng bảo vệ đại sứ Hoàng Huệ Khang và cho rằng hoạt động thăm khu Phố Tàu của ông là "hoàn toàn bình thường".

Theo báo tiếng Hoa Sin Chew Daily thì vụ triệu tập đại sứ Trung Quốc đến là dấu hiệu chính giới Malaysia cho lời phát biểu của nhà ngoại giao Trung Quốc có ý nhằm vào đảng cầm quyền Mã Lai, UMNO.

Theo BBC News, tính đến năm 2011, người gốc Hoa đến vùng nay là Malaysia định cư từ thế kỷ 15, hiện chiếm 24% trên tổng dân số 28 triệu của nước theo chế độ dân chủ Hồi giáo này. - BBC
|
|

Tin Việt Nam

4.
Người Campuchia phản đối Việt Nam ‘chiếm đất’ tại LHQ

người Campuchia hôm 26/7 đã đổ về góc đường ở phía trước trụ sở Liên Hiệp Quốc, hô vang các khẩu hiệu bài Thủ tướng Campuchia Hun Sen và cáo buộc ông “dâng” đất cho Việt Nam.

Không chỉ hô to những lời chỉ trích chính quyền trong nước, những người biểu tình còn giơ cao các biểu ngữ như “Hun Sen là con rối của Việt Nam” hay “Không được bán rẻ Campuchia”.

Còn ở phía trong hội trường, người đứng đầu chính phủ Campuchia chuẩn bị có bài phát biểu quan trọng trước nguyên thủ các nước về mục tiêu thiên niên kỷ và phát triển bền vững.

Ông Khao Son, một người Khmer từng sống ở Việt Nam, nói với VOA Việt Ngữ rằng Thủ tướng Campuchia Hun Sen là “kẻ độc tài” và đã “lấy đất của nhân dân tặng không cho Việt Nam”.

Ông Son nói: “Chúng tôi lên đây để nói lên tiếng nói của người Khmer, người dân Campuchia. Việt Nam vô lấy đất của người Campuchia. Nói chung dân tộc nào cũng vậy. Nếu mà một nước nào xâm lấn mình cũng thấy đau đớn".

Người biểu tình này nói thêm: "Đấy là tâm lý chung, chứ không phải tâm lý riêng của người Khmer. Tâm lý chung trên thế giới, nếu mà họ mất nước thì họ cũng cảm thấy buồn. Cái gì mà tổ tiên mình gây dựng thì mình nên giữ. Trên thế giới này ai cũng vậy thôi”.

Ông Son cũng cho rằng Thủ tướng Campuchia cần phải chấm dứt việc cho các công ty nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Việt Nam, lấy đất của người dân mà không đền bù thỏa đáng cũng như phá hoại môi trường.

Trả lời báo chí Campuchia, Thủ tướng Hun Sen nói ông không phải là “con rối của Việt Nam”, sau khi bị chỉ trích rằng ông không dám kiện Hà Nội về vấn đề biên giới.

Ông Hun Sen nói ông không sợ bất kỳ ai, kể cả Việt Nam, đồng thời cho biết thêm rằng Phnom Penh sẽ đưa chính quyền Hà Nội ra Tòa Công lý Quốc tế cũng như Hội đồng Bảo an nếu vi phạm sự toàn vẹn lãnh thổ của Campuchia.

'Phải ra đi'

Ông Thành Kiên, một người Khmer Krom khác, nói với VOA Việt Ngữ về giải pháp mà những người biểu tình mong muốn.

Ông nói tiếp: “Nếu mà giải quyết vụ đất đai không được hoặc không thể giải quyết cái vụ người Việt Nam ở trên đất nước Campuchia bất hợp pháp quá nhiều thì nên cho Hun Sen ra đi".

Ông Kiên cho hay: "Khi nào mà ai đó nói về đất đai thì ông bắt người đó bỏ tù. Ai nói về biên giới lãnh thổ, nói Việt Nam lấy đất là ông bắt người đó bỏ tù. Thành ra người dân trong nước Campuchia đau khổ lắm".

Phái đoàn đại diện của Campuchia ở Liên Hiệp Quốc từ chối trả lời VOA Việt Ngữ về vấn đề tranh chấp biên giới giữa Hà Nội và Phnom Penh.

Trong khi đó, cơ quan ngoại giao của Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc không hồi đáp đề nghị phỏng vấn của Đài tiếng nói Hoa Kỳ.

Căng thẳng giữa Campuchia và Việt Nam bùng lên những tháng gần đây sau khi các dân biểu đối lập dẫn đầu hàng trăm người từ Phnom Penh tới vùng biên giới giáp với tỉnh Long An của Việt Nam, dẫn tới xô xát làm nhiều người bị thương.

Sau đó, chính quyền Hà Nội đã đổ lỗi cho “các phần tử quá khích Campuchia” gây ra “hành động bạo lực”.

Lâu nay phe đối lập ở Campuchia vẫn dùng "con bài” biên giới để làm suy yếu vị thế của Thủ tướng Hun Sen. Nhưng người đứng đầu chính phủ luôn bác bỏ cáo buộc đó.

Tháng trước, Liên Hiệp Quốc đã trao tấm bản đồ gốc mà chính phủ Campuchia hỏi mượn nhằm đáp trả những cáo buộc rằng Campuchia đã mất đất cho Việt Nam do sử dụng bản đồ sai. Hồi đầu tháng này, Pháp cũng làm điều tương tự. - VOA
|
|

5.
Việt-Mỹ đối thoại chính sách quốc phòng --- Biển Đông: Mỹ triển khai 30 000 quân đối phó với Trung Quốc

Việt Nam và Hoa Kỳ đang có đối thoại chính sách quốc phòng cấp thứ trưởng lần 5 tại Washington DC.

Thông tấn xã Việt Nam cho hay đoàn đại biểu cấp cao Quân đội Nhân dân Việt Nam do Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, dẫn đầu có chuyến công tác Hoa Kỳ từ ngày 27/9 đến 3/10/2015.

Bên cạnh đối thoại chính sách quốc phòng, đoàn có kế hoạch hội kiến với một số quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao và Quốc hội Hoa Kỳ.

Hãng thông tấn nhà nước Việt Nam nói các chủ đề chính trong cuộc đối thoại lần này là: tình hình thế giới, khu vực, đánh giá kết quả hợp tác quốc phòng song phương giữa hai nước thời gian qua và tìm biện pháp thúc đẩy quan hệ quốc phòng trong thời gian tới; trong đó tập trung vào các lĩnh vực như: hợp tác quân y, khắc phục hậu quả chiến tranh, chia sẻ thông tin tìm kiếm cứu nạn, công tác hỗ trợ nhân đạo, trao đổi kinh nghiệm tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, tìm kiếm quân nhân bị mất tích trong chiến tranh…

Trong thời gian gần đây, Việt Nam và Mỹ đã có nhiều hoạt động đánh dấu xu hướng xích lại gần nhau kể cả trong lĩnh vực quốc phòng.

Hàng năm Việt Nam và Hoa Kỳ có ba cơ chế đối thoại liên quan tới quốc phòng, bao gồm Đối thoại quốc phòng song phương (Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ chủ trì, bắt đầu từ 2005); Đối thoại Chính trị-An ninh-Quốc phòng (do Bộ Ngoại giao hai bên chủ trì, bắt đầu từ 2008); và Đối thoại Chính sách Quốc phòng (Bộ Quốc phòng hai bên chủ trì, bắt đầu từ 2010). - BBC

***
Để đối phó với chiến thuật của Trung Quốc lấn chiếm Biển Đông, Thủy quân lục chiến Mỹ tiến hành kế hoạch tái bố trí 15% lực lượng tại Hawai và "xa hơn nữa". Tin này được báo chí Đài Loan, Hàn Quốc và trang mạng thông tin điện tử Douwei (Đa Duy) tại Hoa Kỳ loan tải.

Theo báo Đài Loan Want China Times, Bộ Tư lệnh Thủy quân lục chiến Mỹ bắt đầu tiến hành kế hoạch tăng cường lực lượng tại Châu Á-Thái Bình dương để đối phó với sức mạnh của Trung Quốc đang lấn áp tại Biển Đông. Theo kế hoạch này, Thủy quân lục chiến Mỹ sẽ được tăng cường tại Hawai và bên ngoài hải đảo này.

Trích dẫn tài liệu của nhật báo Hàn Quốc Joong An Ilbo, mạng điện tử Đa Duy của một tổ chức người Hoa tại Mỹ cho biết, lực lượng viễn chinh của Hoa Kỳ, với 190,000 quân, sẽ được huy động và phối hợp với Hải quân Mỹ tại Châu Á-Thái Bình dương.

Giới chuyên gia thẩm định, 30,000 Thủy quân lục chiến sẽ được tái bố trí để củng cố lực lượng nòng cốt trong chiến lược "xoay trục" của Tổng thống Obama.

Tờ Marines Corps Times của Thủy quân lục chiến Mỹ giải thích, các hoạt động của Trung Quốc tranh giành lãnh thổ ở Biển Đông là nguyên nhân chính làm cho Hoa Kỳ phải tái bố trí lực lượng viễn chinh vào khu vực.

Bên cạnh đó là tình hình Bắc Triều Tiên, với các hoạt động chuẩn bị thử bom nguyên tử lần thứ tư và sự kiện không quân Nga gia tăng nhịp độ xâm nhập không phận Nhật Bản.

Nhật báo Hàn Quốc Munhwa Ilbo cho biết thêm, "bốn vũ khí chiến lược" có khả năng trang bị vũ khí hạt nhân sẽ được đưa vào Hàn Quốc hoặc tăng cường cho căn cứ Guam trong tháng 10 tới. Đó là các tàu ngầm nguyên tử, hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan, pháo đài bay B2 và chiến đấu cơ tàng hình F-22. - RFI
|
|

6.
Kiểm tra dự án ‘cao hơn Lăng Hồ Chủ tịch’ [LMN: đây là đòn nhắm vào Phạm Quang Nghị, bí thư Hanoi]

Thành phố Hà Nội ngày 28/9 đã tiến hành kiểm tra một dự án trung tâm thương mại, văn phòng bị cho là “cao hơn” Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Công trình số 8B Lê Trực đang được xây, có tổng chiều cao 60 mét trong khi lăng của lãnh tụ cộng sản Việt Nam cao 21.6 mét.

Có ý kiến nói các công trình ở khu vực Ba Đình, Hà Nội, không được phép cao hơn Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trang VietnamNet nói thành phố Hà Nội hôm 28/9 đã kiểm tra tòa nhà và sẽ báo cáo trước ngày 29/9.

Trước đó ngày 25/9, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ra chỉ đạo thành phố phải kiểm tra việc chấp hành các quy định về quản lý quy hoạch kiến trúc và đầu tư xây dựng Dự án Trung tâm thương mại, văn phòng nhà ở để bán và cho thuê tại 8B phố Lê Trực.

Dự án này do Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng và Phát triển Kinh Đô (KinhDo TCi Group) làm chủ đầu tư.

Ai cấp phép?

Trong một diễn biến trên truyền thông, hôm 18/9, báo Năng Lượng Mới phỏng vấn ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, người kêu gọi điều tra ai cấp phép cho dự án.

Ông Vũ Mão nói: "Ở khu trung tâm có một nguyên tắc mà bất cứ người dân thủ đô nào, dù làm nghề gì và ở đâu thì cũng hiểu là không một công trình nào ở quanh khu vực này được phép cao hơn Lăng Bác."

“Lúc đầu tôi ngỡ Kinh Đô Tower chỉ cao 7-8 tầng, tức là ngang hoặc thấp hơn so với Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tòa nhà Quốc hội mới ở gần đấy.”

“Thế nhưng, cứ mỗi tuần, mỗi tháng đi qua, công trình lại một cao thêm và kết quả là một tòa nhà nghênh ngang như thế xuất hiện ngay khu vực trung tâm quốc gia.”

Ông Vũ Mao kêu gọi “phải làm cho rõ, quy trách nhiệm thật rõ ràng, cụ thể”.

“Người cấp phép có sai không, đúng thẩm quyền chưa, xây dựng có đúng giấy phép không?”

Theo trang tin VietnamNet, dự án này được Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải ký quyết định phê duyệt năm 2013.

VietnamNet cho biết khi đó “Phó Thủ tướng đồng ý đề nghị của thành phố Hà Nội và Công ty CP May Lê Trực về việc xin chấp thuận quy hoạch kiến trúc dự án trung tâm thương mại, văn phòng, nhà ở (Kinh Đô Tower) để bán và cho thuê tại số 8B Lê Trực, Ba Đình (Hà Nội)”.

Trong một diễn biến liên quan, CTCP Kinh Đô, nổi tiếng về bánh kẹo, loan báo họ không liên quan đến dự án.

Thông cáo của công ty này giải thích có sự trùng tên giữa CTCP Kinh Đô và KinhDo TCI Group, chủ dự án.

Trang web của KinhDo TCI Group cho biết họ đã làm chủ Kinh Đô Building ở phố Lò Đúc, Hà Nội, và đang rao bán căn hộ sắp xây từ tầng 6-17 tại công trình số 8B Lê Trực.

Họ tự hào nói các công trình đều nằm ở "vị trí đắc địa của thành phố Hà Nội".

Trang web này cũng nêu tầm nhìn sứ mệnh của tập đoàn bất động sản như sau:

"Được thành lập năm 1997, với tầm nhìn, tâm huyết và quyết tâm của tập thể ban lãnh đạo công ty, Kinh Đô TCI đã nhanh chóng phát triển trở thành một công ty hoạt động chuyên nghiệp trong lĩnh vực Bất động sản đạt được nhiều thành công, được khách hàng, các đối tác đánh giá cao về uy tín, chất lượng. Hiện tại quy mô của Kinh Đô TCI Group được mở rộng với 8 công ty thành viên và hơn 200 cán bộ nhân viên."

Trên trang này, mục đối tác nêu tên Ngân hàng BIDV, Ngân hàng TMCP Bắc Á, Công ty xây dựng dân dụng và công nghiệp DELTA.

Tập đoàn xây dựng Quảng Châu (GMC - thành lập năm 1950, một trong 500 công ty hàng đầu tại Trung Quốc) và bộ phận tại Việt Nam thuộc tập đoàn Meinhardt cũng là đối tác của Kinh Đô TCI Group, theo thông tin trên trang nhà của họ. - BBC

No comments:

Post a Comment