Thursday, September 10, 2015

Tin Cập Nhật Thứ Năm 10/9

Tin Thế Giới

1.
Đài Loan tập trận với kịch bản bị Trung Quốc tấn công --- TQ tập trận bắn đạn thật tại eo biển Đài Loan

Trong khuôn khổ chiến dịch Hán Quang mở ra từ ngày 7 đến 11/09/2015, hôm nay quân đội Đài Loan tập trận với giả định bị Trung Quốc tấn công. Cho dù quan hệ giữa Bắc Kinh với Đài Bắc đã được cải thiện, nhưng theo bộ Quốc phòng Đài Loan, Trung Quốc vẫn là một mối đe dọa lớn đối với an ninh của hòn đảo này.

Bản tin của AP nhắc lại hàng năm Đài Loan vẫn tập trận trong khuôn khổ chiến dịch Háng Quang (Han Kuang) nhưng năm nay chính quyền huy động lực lượng hùng hậu hơn so với năm ngoái. Một trong những bài tập nổi bật nhất của chương trình lần này là giả định Trung Quốc tấn công dinh tổng thống Đài Loan tại thủ đô Đài Bắc.

Phó phát ngôn viên bộ Quốc phòng Đài Loan Trần Dũng Chí cho biết "Mục tiêu chính của các cuộc tập trận nhằm bảo vệ Đài Loan trước nguy cơ bị Trung Quốc tấn công, trên bộ trên biển và trên không".

Đợt thao diễn quân sự năm nay bao gồm 63 bài bập, phần lớn tập trung vào các hoạt động phối hợp trên bộ, trên không và trên biển. Một trọng tâm khác nhằm kiểm tra các trang thiết bị quân sự của Đài Loan, kể cả hệ thống máy bay trinh sát không người lái và hệ thống tên lửa chống hạm.

Theo AP, từ năm 2010 tới nay Đài Bắc bắt đầu phát triển công nghiệp vũ khí, sau khi Trung Quốc gia tăng áp lực đòi Hoa Kỳ ngưng cung cấp trang thiết bị quân sự cho Đài Loan.

Trong những năm 1940, khi còn cuộc nội chiến Quốc-Cộng, đảng Cộng sản Trung Quốc luôn khẳng định Đài Loan thuộc Trung Hoa lục địa. Từ khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập (1949) và Quốc Dân Đảng chạy về Đài Loan thì Bắc Kinh chưa bao giờ từ bỏ mục đích thôn tính hòn đảo này.

Khi  tổng thống Mã Anh Cửu lên cầm quyền năm 2008, quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan đã được cải thiện. Tuy nhiên vẫn có tới 70 % người dân Đài Loan muốn được độc lập với Hoa Lục. Đài Loan chuẩn bị bầu lại tổng thống vào tháng 1/2016. Người kế vị ông Mã Anh Cửu chưa chắc sẽ tiếp tục đối thoại cởi mở với Bắc Kinh. - RFI

***
Bắc Kinh hôm nay, 10/09/2015, thông báo quân đội Trung Quốc sắp tiến hành tập trận bắn đạn thật tại eo biển Đài Loan. Cuộc tập trận sẽ bắt đầu từ ngày mai (11/09) và kéo dài trong vòng ba ngày.

Trong bản thông cáo ngắn gọn đăng ngày hôm nay, được hãng tin Reuters trích dẫn, Cục An toàn Hàng hải của Trung Quốc nêu rõ vị trí địa điểm tập trận nằm ở ngoài khơi thành phố cảng Tuyền Châu (Quanzhou) -Trung Quốc. Thành phố này nằm giữa hai quần đảo nhỏ, Kim Môn (Jinmen) và Ô Khâu (Wuqiu) do Đài Loan kiểm soát từ năm 1949.

Thứ Ba 08/09 vừa qua, quân đội Trung Quốc đã thực hiện bài tập giả định, mô phỏng một cuộc tấn công bằng tầu ngầm nhắm vào đảo Kim Môn.

Tất cả các đảo nhỏ do Đài Loan quản lý đều được xây dựng kiên cố và thường nằm trên tuyến đầu trong cuộc chiến tranh lạnh giữa Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Trung Hoa dân quốc (Đài Loan). Tuy nhiên, lực lượng quân sự trong khu vực đã giảm xuống đáng kể trong những năm gần đây nhờ quan hệ giữa Bắc Kinh và Đài Bắc được cải thiện.

Trong tuần này, quân đội Đài Loan  bắt đầu năm ngày tập trận, cũng ở khu vực Kim Môn. Đài Bắc mới đây tiết lộ Trung Quốc đang cho xây dựng hai tầu sân bay mới. - RFI
|
|

2.
Lý Khắc Cường: Kinh tế Trung Quốc đang chuyển tiếp đầy “đau đớn”

Mô hình tăng trưởng Trung Quốc đang đối mặt với một cuộc chuyển tiếp đầy “đau đớn” và phức tạp. Nhưng sự hụt hơi hiện nay của nền kinh tế thứ hai thế giới sẽ không đe dọa đến tăng trưởng toàn cầu. Thủ tướng Lý Khắc Cường đã trấn an giới doanh nghiệp nhân diễn đàn kinh tế Thế giới diễn ra tại Đại Liên, phía bắc Trung Quốc.

Trung Quốc đang nỗ lực thực hiện các chính sách tái cân đối nhằm chuyển từ một mô hình kinh tế dựa vào các khoản đầu tư cơ sở hạ tầng, công nghiệp nặng và xuất khẩu, sang mô hình tăng trưởng được thúc đẩy bằng tiêu thụ nội địa, dịch vụ và nâng mức giá trị công nghiệp.

Trong bối cảnh này, Thủ tướng Trung Quốc, Lý Khắc Cường đã đưa ra các dự báo đây sẽ là một “tiến trình khó khăn và nhiều trở ngại. Những trồi sụt trong hiệu quả kinh tế là điều không thể tránh khỏi”. Trước những “bất ổn trong ngắn hạn”, chắc chắn là chính quyền sẽ không can thiệp, nhưng Thủ tướng Trung Quốc cũng trấn an giới doanh nghiệp là “nếu như nền kinh tế bị tuột dốc dưới ngưỡng hợp lý, Bắc Kinh có các biện pháp thích hợp để xử lý tình huống" 

Lãnh đạo chính phủ khẳng định nền kinh tế Trung Quốc “không phải là nguồn rủi ro cho thế giới”, ngược lại, “đấy lại là một nguồn lực mạnh mẽ cho tăng trưởng ”, khi nhắc lại rằng tăng trưởng đất nước chiếm 30% tỷ trọng toàn cầu. Theo Thủ tướng, vì nền kinh tế thế giới ảm đạm thì Trung Quốc cũng không thể nào làm khác được.

Các tuyên bố trên của ông Lý Khắc Cường được đưa ra trong bối cảnh, hồi tháng 8 vừa qua, thị trường tài chính thế giới có những biến động dữ dội. Kinh tế Trung Quốc dao động đã làm dấy lên nhiều quan ngại, nghi ngờ tính hiệu quả của các biện pháp hỗ trợ do Bắc Kinh đề ra.

Đồng thời, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm 2014, đã tụt  xuống ở mức 7,3%, sau khi đã hạ dự phóng tăng trưởng trong tuần này, mức thấp nhất trong vòng ¼ thế kỷ qua. Bắc Kinh dự đoán tăng trưởng kinh tế sẽ chỉ ở mức 7% cho năm nay, các ngành sản xuất co hẹp, nhu cầu thế giới chựng lại và xuất khẩu sụt giảm. - RFI
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
Kết quả thăm dò: Người Mỹ quan tâm vấn đề kinh tế Trung Quốc

Giữa lúc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chuẩn bị thực hiện chuyến viếng thăm chính thức đầu tiên tới Hoa Kỳ trong tháng này, một cuộc thăm dò ý kiến cho thấy đa số dân chúng Mỹ cảm thấy lo ngại về việc Mỹ nợ Trung Quốc quá nhiều tiền và bất bình vì điều họ cho là Trung Quốc cướp mất công ăn việc làm ở Mỹ. Theo tường thuật của thông tín viên đài VOA Victor Beattie, người Mỹ còn quan tâm về sự dính líu của chính phủ Bắc Kinh trong những vụ tấn công mạng và sức mạnh quân sự mỗi ngày một tăng của Trung Quốc.

Cuộc khảo sát do Trung tâm Nghiên cứu Pew thực hiện từ ngày 13 tháng 4 đến ngày 3 tháng 5 cho thấy đa số dân chúng Mỹ xem Trung Quốc là một mối đe dọa kinh tế, mặc dù tăng trưởng kinh tế của nước này đang chậm lại.

89% trong số 1.003 người được hỏi ý kiến họ xem khoản tiền 1.270 tỉ đô la mà Hoa Kỳ nợ Trung Quốc là một vấn đề quan trọng hoặc rất quan trọng.

Một tỉ lệ tương đương tin rằng Trung Quốc hưởng lợi từ tình trạng công ăn việc làm ở Mỹ bị mất. Và khoảng phân nửa xem thặng dư mậu dịch của Trung Quốc đối với Mỹ, nằm ở mức 31,2 tỉ đô la tính đến tháng 7, là một vấn đề rất nghiêm trọng.

Ông Dương Đại Lực, một chuyên gia về Trung Quốc của Đại học Chicago cho rằng cuộc khảo sát này là một bằng chứng khác nữa cho thấy người Mỹ tiếp tục có những quan điểm tiêu cực đối với Trung Quốc.

"Điều này thật ra không có gì khác thường. Nói chung thì tình hình vẫn như cũ, ngoại trừ một vài vấn đề mới, đặc biệt là vấn đề tấn công mạng. Nói chung, kể từ năm 1989, ý kiến của công chúng Mỹ đối với Trung Quốc khá tiêu cực và tình trạng này đã diễn ra hơn hai thập niên rồi."

Mặc dầu vậy, ông Dương Đại Lực cho biết trong cuộc khảo sát này tỉ lệ người Mỹ có thiện cảm với Trung Quốc đã tăng từ 35% lên tới 38%. Ngoài ra, cuộc khảo sát cũng cho thấy là người Mỹ, mặc dù đang có tỉ lệ thất nghiệp tương đối thấp, vẫn nhìn lại những ngày mà nhiều công ăn việc làm ở Mỹ bị chuyển sang Trung Quốc.

"Họ nghĩ rằng Trung Quốc là nơi mà tất cả công ăn việc làm đã đổ tới. Điều trớ trêu là Trung Quốc thật ra đang mất công ăn việc làm vào tay các nước khác thuộc thế giới đang phát triển bởi vì giá sinh hoạt và giá công nhân đã gia tăng ở Trung Quốc."

Về vấn đề nợ nần, giáo sư Dương Đại Lực nói rằng Trung Quốc thật sự tin tưởng Hoa Kỳ có thể xử lý vấn đề này và người Trung Quốc vẫn xem Hoa Kỳ là một mảnh đất của cơ hội.

Cuộc khảo sát của tổ chức Pew cho thấy mặc dù các vấn đề kinh tế tiếp tục định đoạt phần lớn ý kiến của công chúng Mỹ đối với Trung Quốc, nhưng sự lo ngại của họ đối với những mối đe dọa này đã giảm bớt đôi chút so với ba năm trước.

Về các vấn đề an ninh, ông Ankit Panda, phó biên tập viên phần thời sự của tạp chí The Diplomat, bày tỏ ngạc nhiên về việc chỉ có chừng 2 phần 3 những người được hỏi ý kiến xem mối căng thẳng giữa Trung Quốc và Đài Loan là rất nghiêm trọng hoặc nghiêm trọng.

"Đài Loan là kịch bản chính về chiến tranh mà Quân đội Trung Quốc luôn luôn xem xét. Tôi nghĩ rằng trong tương lai gần thì vụ xung đột mà Trung Quốc có thể dính líu tới nhiều nhất là ở Eo biển Đài Loan. Thế mà người Mỹ dường như không quan tâm cho mấy về việc này."

Ông Panda cho biết đây là một mối quan tâm lớn đối với người Đài Loan, đặc biệt là những nhà hoạch định chính sách. Kết quả cuộc nghiên cứu được công bố trong lúc Đài Loan tiến hành các cuộc tập trận kéo dài cả tuần với mục tiêu chống trả một vụ tấn công mà Trung Quốc có thể thực hiện.

Cuộc khảo sát của tổ chức Pew được thực hiện trước những sự tiết lộ hồi tháng 6 là Văn phòng Quản trị Nhân viên (OPM) của Mỹ, nơi có hồ sơ cá nhân của hàng chục triệu nhân viên và cựu nhân viên chính phủ liên bang, đã bị tấn công bởi những tay tin tặc mà nhiều người nghi là tin tặc Trung Quốc. 54% những người được thăm dò ý kiến cho biết họ xem những vụ tấn công mạng từ Trung Quốc là một vấn đề rất nghiêm trọng. - VOA
|
|

4.
Apple trình làng iPad Pro với bút cảm ứng và bàn phím thông minh

Sau thời gian ‘úp mở’ khiến nhiều khách hàng tò mò về các sản phẩm mới sẽ ra mắt vào tháng 9, hãng công nghệ khổng lồ Apple cuối cùng đã vén bức màn bí mật trong buổi ra mắt sản phẩm ngày 9/9 với việc trình làng nhiều sản phẩm mới, trong đó có iPad Pro, iPhone 6S/6S Plus và đồng hồ thông minh.

Đúng như tin đồn, iPad Pro là một phiên bản có kích cỡ lớn hơn iPad bình thường. Với màn hình 12.9 inch, iPad Pro cho phép chia đôi thành hai màn hình với hệ điều hành iOS 9.

“Nó có thể làm những việc mà điện thoại thông minh không làm được”, ông Phil Schiller – Phó Chủ tịch phụ trách việc tiếp thị toàn cầu của Apple, cho biết đây là lần đầu tiên, người sử dụng có thể giảm tỉ lệ hiện thị màn hình để tiết kiệm pin.

Apple nói iPad Pro chạy trên bộ vi xử lý mới A9X có tốc độ xử lý nhanh hơn trước 1,8 lần và chất lượng xử lý đồ họa gấp đôi nên đây sẽ là công cụ chơi game và sử dụng ứng dụng với tốc độ nhanh hơn ‘80% các máy tính cá nhân bán ra trong 12 tháng qua”, theo đại diện của Apple.

Pin của iPad Pro dùng được 10 giờ. Người sử dụng có thể chỉnh sửa 3 video 4K stream cùng lúc. Ngoài ra, iPad Pro còn được trang bị hệ thống 4 loa ngoài và hệ điều hành iOS 9 sẽ tự cân bằng âm thanh phát ra dựa trên cách bạn cầm iPad.

Với độ dày chỉ 6,9 mm và nặng khoảng 712 gram, iPad Pro được xem là siêu nhẹ và siêu mỏng so với máy tính bảng có kích cỡ 12,9 inch.

Một trong những điểm nổi trội của iPad Pro là cho phép sử dụng bút cảm ứng và bạn có thể viết nét đậm hay nhạt tùy theo lực nhấn ở tay. Apple nói tính năng này đem lại cho người dùng cảm giác giống như đang sử dụng bút thật ở trên giấy. Bút có thể được sạc pin bằng cách kết nối với iPad Pro.

Với màn hình cỡ lớn, iPad Pro cho phép sử dụng bàn phím kích cỡ chuẩn, giúp cho người sử dụng đánh máy dễ dàng hơn. Bàn phím đi kèm với iPad Pro được Apple giới thiệu là bàn phím ‘thông minh’.

“Nó không giống như bất kỳ trên bàn phím nào mà bạn đã từng sử dụng trước đây", ông Schiller nói. Với chất liệu vải, bàn phím mới của iPad Pro vừa có chức năng đánh máy vừa đáp ứng chức năng làm bao bảo vệ cho máy tính bảng.

Apple dự tính sẽ bán iPad Pro ra thị trường với 3 màu đầu tiên là bạc, vàng và xám. Giá bán dành cho iPad Pro 32GB là 799 USD, trong khi phiên bản 128GB có giá 949 USD. Giá trên chưa bao gồm bút cảm ứng và bàn phím. Người sử dụng sẽ phải trả 99 USD cho bút cảm ứng và 169 USD cho bàn phím thông minh.

Ngoài iPad Pro, Apple còn ra mắt các sản phẩm mới như iPhone 6S và 6S Plus sẽ được bán ra thị trường từ ngày 25/9, Apple TV mới với giá bán 149 USD cho phiên bản 32 GB sẽ được bán ra vào cuối tháng 10, đồng hồ thông minh Apple Watch Hermes với dây da thời trang. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

5.
Tướng Phùng Quang Thanh tiếp khách Ấn Độ

Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam chiều 10/9 đã tiếp Đại tướng Arup Raha, Chủ tịch Ủy ban Tham mưu trưởng kiêm Tư lệnh Không quân Ấn Độ.

Thời gian qua đã có nhiều đồn đoán quanh sức khỏe của Bộ trưởng Việt Nam.

Thông tấn xã Việt Nam đưa hình ảnh cuộc gặp và tường thuật Bộ trưởng Phùng Quang Thanh ca ngợi quan hệ hữu nghị Việt-Ấn.

Tướng Thanh nói Việt Nam “luôn ghi nhớ, biết ơn sự giúp đỡ to lớn, hiệu quả của Ấn Độ trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước”.

Bộ trưởng quốc phòng hai nước hồi tháng Năm đã ký “Tuyên bố Tầm nhìn chung về quan hệ quốc phòng Việt Nam-Ấn Độ 2015-2020”.

Hôm 25/7, truyền thông Việt Nam cho biết Tướng Thanh đã trở về Hà Nội sau thời gian chữa bệnh “liên quan đến phổi” ở Paris, Pháp.

Trước đó, trên mạng xuất hiện nhiều thông tin bất lợi về sức khỏe ông Thanh.

Thậm chí, ngày 20/7, hãng tin Đức DPA đưa tin ông qua đời tại Pháp.

Việt Nam đã phải lên tiếng chính thức bác bỏ tin này và yêu cầu DPA cải chính. - BBC
|
|

6.
Việt Nam phản đối Trung Quốc phủ sóng 4G ở Hoàng Sa

Việt Nam lên án Trung Quốc phủ sóng điện thoại di động 4G trên các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa là hành động phi pháp.

Truyền thông nhà nước dẫn lời phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình tại cuộc họp báo thường kỳ hôm nay (10/9) tuyên bố "Việc các nước có các hoạt động tại đây mà không có sự cho phép và sự đồng ý của Việt Nam là sai trái và hoàn toàn vô giá trị."

Bình luận của Bộ Ngoại giao Việt Nam được đưa ra 3 ngày sau khi công ty di động Hải Nam thuộc Tập đoàn viễn thông di động China Mobile của Trung Quốc hôm 7/9 khởi sự vận hành trạm phát sóng 4G tại đảo Linh Côn thuộc quần đảo Hoàng Sa.

Theo Tân Hoa xã, sóng di động 4G của Trung Quốc nay đã phủ khắp 7 đảo thuộc Hoàng Sa bao gồm đảo Linh Côn, đảo Cây, đảo Phú Lâm, đảo Quang Ảnh, đảo Hoàng Sa, đảo Tri Tôn, và đảo Quang Hòa.

Tại quần đảo Trường Sa, Bắc Kinh cũng đã phủ sóng điện thoại 4G tại Đá Chữ Thập và Đá Subi từ tháng 3.

Tin cho hay trong năm nay Trung Quốc sẽ lần lượt xây tiếp các trạm phát sóng 4G trên khắp các hòn đảo ở Trường Sa kể cả các đảo nhân tạo vừa bồi đắp trong kế hoạch lấn áp khẳng định chủ quyền ở Biển Đông.

Người phát ngôn Lê Hải Bình hôm nay nhắc lại Việt Nam đã nhiều lần khẳng định có chủ quyền không tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Bắc Kinh lâu nay làm ngơ trước những lời khẳng định và phản đối từ phía Việt Nam đối với các hoạt động gây tranh cãi của Trung Quốc ở Biển Đông. - VOA

No comments:

Post a Comment