Wednesday, September 2, 2015

Tin Cập Nhật Thứ Tư 2/9

Tin Thế Giới

1.
Chứng khoán Châu Á trồi sụt bất thường

Các thị trường chứng khoán chính của Trung Quốc và những nơi khác trong khu vực tiếp tục trồi sụt bất thường trong ngày thứ Tư, khi lãnh đạo của Quỹ tiền tệ Quốc tế, tức IMF cảnh báo rằng những lo ngại về kinh tế châu Á gây rung động trên toàn cầu.

Chứng khoán Thượng Hải giảm gần 4,5% vào giờ mở cửa, sau đó tăng lại, và kết thúc ở mức giảm 0,2%.

Tại Tokyo, chỉ số Nikkei cũng trồi sụt vào buổi sáng, nhưng khi kết thúc ngày giao dịch chỉ giảm 0,4%. Thị trường Seoul và Sydney giao dịch trên cơ bản bình ổn.

Chứng khoán Châu Á biến động tiếp theo sau một ngày kém lạc quan ở Wall Street, khi các chỉ số chính giảm 3% hôm thứ Ba, trong lúc những lo ngại gia tăng về viễn cảnh kinh tế toàn cầu chậm lại.

Lãnh đạo IMF, bà Christine Lagarde đang đi thăm Indonesia, hôm thứ Tư nói rằng những biến động trên thị trường tài chánh mới đây cho thấy lo ngại có thể nhanh chóng lan rộng từ khu vực này sang khu vực khác.

Bà Lagarde nói kinh tế châu Á đã vận hành "khá tốt" bất chấp những xáo trộn, nhưng bà cũng cảnh báo rằng thêm biến động nữa có thể xảy ra. "Hiện giờ tình hình đang thay đổi, và chúng ta có cảm nhận về tác động của nỗ lực tái bình ổn của Trung Quốc, và hướng đến một mô hình doanh nghiệp được chỉnh sửa."

Bắc Kinh hồi tháng trước bất ngờ phá giá đồng nguyên của Trung Quốc. Bắc Kinh nói rằng động thái đó nhằm làm cho đồng nhân dân tệ có tính thị trường hơn, nhưng có những lo ngại rằng cách làm đó cho thấy mức độ lo lắng của các nhà lãnh đạo Trung Quốc về viễn cảnh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tăng trưởng chậm lại.

Trung Quốc, đầu tàu của tăng trưởng kinh tế thế giới trong thời gian qua, đang trong quá trình chuyển đổi từ mô hình tăng trưởng dựa vào sản xuất, đầu tư và xuất khẩu, sang mô hình được xây dựng nhiều hơn trên nền tảng tiêu thụ nội địa.

Trong quá trình chuyển đổi, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đưa ra dấu hiệu rằng họ sẵn lòng chấp nhận tăng trưởng kinh tế chậm hơn là tăng trưởng cao ở mức hàng chục phần trăm với nhiều rủi ro như từng được chứng kiến trong ba thập niên qua. 

Bắc Kinh nói họ dự kiến tăng trưởng sẽ ở mức 7% trong năm nay, mặc dù co những lo ngại là liệu Trung Quốc có đạt được mục tiêu đó hay không.

Các nhà đầu tư cũng lo ngại rằng các giới chức của một nền kinh tế lớn khác trên thế giới, đó là Hoa Kỳ, đang chuẩn bị tăng lãi suất nội trong năm nay hoặc năm tới.

Một số nhà phân tích nói rằng báo cáo công ăn việc làm ở Mỹ phổ biến hôm thứ Sáu có thể là một yếu tố để Cục Dự trữ Liên bang căn cứ để quyết định liệu nền kinh tế có đủ mạnh để tăng lãi suất hay chưa, một cách làm để chống lạm phát. - VOA
|
|

2.
Lễ diễu binh: Trung Quốc sẽ phô trương tên lửa diệt hàng không mẫu hạm

Tại lễ diễu binh nhân kỷ niệm 70 năm ngày Nhật đầu hàng đồng minh, 03/09/2015, Trung Quốc lần đầu tiên sẽ phô trương loại tên lửa diệt hàng không mẫu hạm ("carrier-killer"), một vũ khí mà chính quyền Bắc Kinh giữ bí mật từ nhiều năm qua và giới chuyên gia quốc phòng đang rất quan tâm.

Giống như tên lửa đạn đạo liên lục địa, tên lửa Đông Phong 21D (DF-21D) được phóng lên quỹ đạo, nhưng khi quay trở lại vào bầu khí quyển, tên lửa này có thể bay đến một mục tiêu, như vậy là về mặt lý thuyết, nó có thể thả một đầu đạn lớn vào hoặc gần một chiếc tàu đang di chuyển.

Theo một số nhà phân tích, loại tên lửa nói trên đe dọa các hàng không mẫu hạm, vốn là nền tảng của chiến lược hải quân hiện nay của Mỹ. Ông Ashley Townshend, một nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Nghiên cứu về Mỹ thuộc Đại học Sydney, cho rằng đây chính là loại tên lửa sẽ cản trở khả năng của Mỹ triển khai lực lượng quân sự đến gần bờ biển của Trung Quốc. Nói cách khác, tên lửa DF-21D nhắc nhở Hoa Kỳ rằng sức mạnh trên biển của Mỹ, mà cho tới nay là vô địch, có thể bị đe dọa.

Một loại tên lửa diệt hạm khác có thể cũng sẽ phô bày lần đầu tiên tại lễ diễu binh ngày 03/09/2015, đó tên lửa YJ-12, loại tên lửa siêu thanh được phóng từ oanh tạc cơ H-6K.

Theo lời một chuyên gia về tên lửa thuộc Trung tâm Đánh giá và Quốc tế (International and Assessment Center) của Mỹ, ông Richard Fisher, như vậy là sau nhiều thập niên đầu tư vào thiết bị quân sự, nay Trung Quốc có khả năng làm thay đổi cán cân lực lượng đối với Mỹ. Nói cách khác, tên lửa Đông Phong 21D có ý nghĩa biểu tượng hơn bất cứ loại vũ khí nào khác của Trung Quốc.

Cho tới nay, bộ Quốc phòng Trung Quốc hoàn toàn im lặng về tên lửa diệt hàng không hạm DF-21 D. Vào năm 2011, họ chỉ xác nhận mà đang phát triển loại tên lửa đó. Giới chuyên gia về quốc phòng của Trung Quốc đặc biệt chú ý đến việc vào tuần trước Hoàn cầu Thời báo, một tờ báo chính thức của Trung Quốc, có trích dẫn lời một nữ sĩ quan cấp tá của quân đội Trung Quốc, khẳng định rằng lần đầu tiên người ta sẽ được nhìn thấy tên lửa Đông Phong 21D. Tuy nhiên, trên mạng Weibo (một loại Twitter của Trung Quốc) sau đó, viên sĩ quan nói trên lấy làm ngạc nhiên là tờ Hoàn cầu Thời báo lại trích dẫn bà như vậy.

Chính quyền Bắc Kinh cũng chưa xác nhận những loại vũ khí nào sẽ được phô bày tại lễ diễu binh ngày 03/09/2015. Theo các nguồn tin tin quân sự, 84% số vũ khí được giới thiệu tại lễ diễu binh là những vũ khí mới hoặc chưa bao giờ ra mắt công chúng. Các nhà phân tích quân sự dự đoán là nhiều loại vũ khí tối tân nhất của Trung Quốc sẽ được phô bày. 

Ngoài các tên lửa diệt hạm, Hải quân Trung Quốc sẽ giới thiệu những chiến đấu cơ phản lực hoạt động trên hàng không mẫu hạm. Không quân Trung Quốc thì sẽ phô bày những oanh tạc cơ cũng như chiến đấu cơ phản lực mới nhất. Đặc biệt sẽ có màn biểu diễn tiếp nhiên liệu trên không ở độ cao 500 mét ngay bên trên quảng trường Thiên An Môn! - RFI
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
Hơn 90 người bị bắt trong chiến dịch triệt phá steroid ở Mỹ

Cơ quan mật vụ chống thuốc cấm của Mỹ vừa bắt hơn 90 người và 16 phòng thí nghiệm ngầm dưới hầm trong một chiến dịch triệt phá thuốc tăng lực steroid bất hợp pháp tại 20 tiểu bang.

Chiến dịch Cyber Juice của Cơ quan Bài trừ Ma túy Mỹ (DEA) được tiến hành trong thời gian qua với hơn 30 cuộc điều tra, và thu giữ được 636 kilôgram bột steroid, 8.200 lít steroid thô ở thể lỏng có thể tiêm được, và hơn 2 triệu đôla tiền mặt và các loại tài sản khác – theo thông cáo của Bộ Tư pháp Mỹ hôm thứ Ba.

Chỉ riêng tại bang Arizona ở miền tây Hoa Kỳ, các nhân viên mật vụ thu 4 phòng thí nghiệm và gần 150.000 đơn vị steroid ở dạng thành phẩm.

Các phòng thí nghiệm ngầm bị phát hiện có chứa steroid thành phẩm, steroid bột, các loại dầu dùng để chuyển hóa steroid ra thành phẩm, các dụng cụ điều chế và các trang thiết bị phòng thí nghiệm, theo thông cáo của Bộ Tư pháp.

"Các sản phẩm này thường có thể mua được qua đường Internet từ các công ty sản xuất của Trung Quốc và các phòng thí nghiệm ngầm," thông báo nói.

"Rất nhiều người trẻ đã phá hỏng cuộc đời và cơ thể của họ bằng steroid," giới chức Chuck Rosenberg của DEA nói. "Bằng chiến dịch Cyber Juice, DEA tấn công thị trường steroid ngầm toàn cầu, phơi bày những nguy hiểm và dối trá của mạng lưới này".

Trong quá trình thực hiện chiến dịch cơ quan Bài trừ Ma túy Mỹ phối hợp với giới hữu trách Hoa Kỳ và toàn cầu, trong đó có cơ quan hình cảnh châu Âu Europol và Cơ quan Chống Doping Thế giới.

"Trong một thời gian dài, Cơ quan Chống Doping Thế giới luôn lo ngại về các hoạt động bất hợp pháp tại một số quốc gia ngầm sản xuất và buôn bán steroid và các loại thuốc tăng lực khác," Tổng giám đốc David Howman của cơn quan thế giới này nói. "Các sản phẩm này, hoặc là ở dạng thành phẩm hoặc ở dạng nguyên liệu, được sản xuất tại các phòng thí nghiệm ngầm thiếu an toàn vệ sinh, không cần quan tâm đến nhãn hiệu sản phẩm, hay ai là người tiêu thụ -- thường là các vận động viên, và đáng lo ngại là những người trẻ." - VOA
|
|

Tin Việt Nam

4.
Công an đã hỏi TS Nguyễn Quang A những gì tại sân bay Nội Bài? --- TS NQA cám ơn tất cả anh chị em

Chiều ngày 1 tháng 9 TS Nguyễn Quang A bị tạm giữ tại phi trường Nội Bài Hà Nội sau chuyến đi thăm nhiều nơi trên đất Mỹ. Ông bị giữ hơn 12 giờ đồng hồ để điều tra về những gì mà công an cho rằng đã quan hệ với những nhân vật chống phá nhà nước tại hải ngoại.

Ai tổ chức để đi những đâu?

Mặc Lâm có cuộc phỏng vấn ngắn với ông để tìm hiểu nội dung mà công an đưa ra cũng như những phản ứng của ông, một nhà hoạt động cho xã hội dân sự hàng đầu của Việt Nam hiện nay. Trước tiên ông cho biết:

Tiến sĩ Nguyễn Quang A: Thật sự là họ mời tôi đến đồn công an của sân bay Nội Bài. Chỗ mà họ đưa tôi đến không phải là đồn công an mà là phòng cách ly của nhà ga T2. Trên giấy mời thì họ ghi là có một ông thiếu tá tên Khôi nhưng trong phòng ấy thì có thêm hai người nữa mặc sắc phục và hai người mặc thường phục. Hai người mặc thường phục không nói năng gì cả trừ ở đoạn cuối. Hai người mặc sắc phục nói năng, hỏi han rất là lễ phép và tử tế. Một người chuyên lo ở chỗ máy tính.

Mặc Lâm: Vâng, thưa Tiến sĩ, theo như ông có ghi lại trên Facebook của mình là họ rất quan tâm đến việc Tiến sĩ đã ghé thăm đài Á châu Tự do cũng như các nơi khác. Tiến sĩ có thể cho biết là những câu hỏi họ đặt ra cho ông như thế nào hay không vì tất cả mọi chuyện đều công khai hết. Vậy họ hỏi về điều gì?

Tiến sĩ Nguyễn Quang A: Vâng, họ hỏi tôi đi sang Hoa Kỳ, ở San Jose gặp gỡ những người họ nêu tên lên như là Trịnh Hội, anh Công rồi giáo sư Đoàn Viết Hoạt, kể cả anh Khanh bên đài RFA của anh nữa. Họ nói đó là những người đã được nhà nước coi là các thế lực phản động, chống đối Việt Nam. Họ bảo là đi tiếp xúc như thế thì quan hệ của tôi với các nhân vật đó là như thế nào. Họ hỏi là ai tổ chức để đi những đâu... Họ đặt vấn đề như thế với giọng bình thường thôi, không có gì nghiêm trọng cả.

Tôi bảo không trả lời gì cả vì việc bắt giữ tôi trên danh nghĩa là mời như thế này là chuyện tôi hoàn toàn không thể chấp nhận được.

Câu hỏi của họ cũng như cách đặt vấn đề của họ khi nói đây là những người chống đối Việt Nam, đã được bộ Công an, báo chí của bộ nêu như thế. Tôi bảo ý kiến hay là nhận xét, đánh giá của bộ là chuyện của bộ. Với tôi, tôi không quan tâm đến việc đánh giá của các anh.

Mặc Lâm: Thưa Tiến sĩ, trong chuyến đi thăm các nước và gặp gỡ nhiều nhân vật ở nước ngoài như vậy thì Tiến sĩ có nghĩ rằng nó mở cho Tiến sĩ một cái nhìn khác về vấn đề tự do dân chủ cũng như xã hội dân sự mà Tiến sĩ đã rất cổ vũ trong rất nhiều năm qua không, thưa ông?

Tiến sĩ Nguyễn Quang A: Chắc chắn, bởi vì khi tôi tiếp xúc với rất là nhiều người ở trong các lĩnh vực khác nhau ở các nước thì tôi thấy việc những người theo những chí hướng khác nhau, theo những tổ chức khác nhau, họ hoạt động hết sức là bình thường; Còn rất đáng tiếc là ở Việt Nam này thì bất kể người nào, tổ chức nào mà hoạt động không theo đúng cái cách mà đảng Cộng sản Việt Nam họ muốn thì đều bị coi là thế lực thù địch cả. Đấy là cách suy nghĩ hết sức ấu trĩ, sai lầm.

Việc của tôi đơn giản cũng chỉ là giúp cho họ bớt cái sai lầm đấy, hiểu các hoạt động cho nó đúng. Trong một xã hội có rất là nhiều người khác nhau, có nhiều tổ chức khác nhau và các tổ chức đấy có thể theo đuổi những mục tiêu khác nhau, thậm chí là những mục tiêu đối lập. Tuy nhiên, cái cách mà họ giải quyết các mối xung đột đấy đều theo cách dân chủ chứ không phải là bằng cách lên án nhau là kẻ thù như ở Việt Nam.

Mặc Lâm: Xin được hỏi Tiến sĩ một câu hỏi cuối: Trước khi Tiến sĩ được thả ra thì họ có bắt Tiến sĩ cam kết một điều gì đó hoặc là phải ký những văn bản nào hay không, thưa ông?

Tiến sĩ Nguyễn Quang A: Ngay từ đầu tôi đã nói rằng hành động của họ là bất hợp pháp và tôi không trả lời câu hỏi của họ cũng như không ký bất cứ một cái gì. Họ muốn làm một cái biên bản, tôi cũng không được ngó cái biên bản đấy nhưng mà tôi nói ở đoạn cuối “Các anh thích làm biên bản gì thì các anh ký với nhau và đó là chuyện của các anh. Tôi không cần phải xem, tôi không cần phải đọc và tôi cũng không bao giờ ký cả. Thật sự thì tôi không có cam kết cái gì và ký cái gì cả.

Mặc Lâm: Vâng. Một lần nữa xin cảm ơn Tiến sĩ.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A: Cảm ơn anh Mặc Lâm.

***
CẢM ƠN TẤT CẢ ANH CHỊ EM

Ra khỏi chỗ kiểm tra Hải quan lúc 0:10 phút ngày 2-9-2015 [Ngày 2-9!] mới gặp anh chị em ra đón, gặp nhau mừng nhưng thấy nhiều người bị an ninh đánh tôi nghẹn đi. Về đến nhà 1:30 tắm và đi ngủ luôn cho đã mắt. Sáng dậy xem mấy clip an ninh hành hung các bạn ra sân bay đón tôi (tôi khẳng định có 2 an ninh trong số các bạn gọi là côn đồ, mặc thường phục mà cũng vào định hành hung tôi, hay họ là côn đồ hợp tác với an ninh mặc sắc phục), lướt qua các comment củac các bạn tôi rất cảm động. Và tự đáy lòng tôi xin rất rất cảm ơn các bạn, kể cả những người đến Nội Bài muộn sau khi mọi người đã về vì quá khuya và những người đã theo dõi, bày tỏ sự ủng hộ tôi trên mạng, qua điện thoại, qua các cuộc phỏng vấn, và comment dưới các tường thuật lỗ mỗ của tôi trong 15 giờ bị câu lưu tại đồn công an nhà ga T2 Nội Bài.

Dưới đây tôi điểm sơ và bổ sung những điều đã viết hay đã nói mà các bạn có thể chưa rõ (xin nợ bài tổng hợp đầy đủ sau).

Xuống máy bay lúc 9:25 sáng 1-9-2015. Đến quầy nhập cảnh, họ bảo hộ chiếu hết hạn và mời vào trong để xem có hết hạn không. Đây là một chiêu bắt cóc người quen thuộc. Vào phòng họ đưa giấy mời làm việc liên quan đến những vấn đề an ninh quốc gia Việt Nam. Họ muốn mình trả lời đi Mỹ gặp những ai, ở đâu, móc nối với các tổ chức "phản động" nào,... [họ bảo có đầy ảnh tôi chụp với anh Điếu Cày, Trịnh Hội, Gs. Đoàn Viết Hoạt, anh Khanh RFA, và mấy người mà tôi gặp lần đầu, và nhờ an ninh nói tôi mới biết họ thuộc các tổ chức "khủng bố" hay đảng "phản động" này kia [Tôi còn có đầy ảnh chụp với Trương Duy Nhất, Phạm Viết Đào ở Hà Nội và vợ chồng Cù Huy Hà Vũ ở bên Mỹ nữa mà họ không nhắc tới].

Tôi ghi vào giấy mời của họ: lời mời không được tôi chấp nhận và đưa lại cho họ và nói thêm: các anh bắt cóc tôi vào đây rồi nói là "mời", tôi không chấp nhận kiểu "mời này" của các anh và sẽ không trả lời bất cứ câu hỏi nào và không ký bất cứ gì.

Sau đó cứ lúc hỏi (lấy lời khai thì đúng hơn), lúc nghỉ (tán dóc), lúc họ mua cơm (trưa và tối) mời tôi ăn, tôi cảm ơn nhưng từ chối cho đến 21:30 tức là sau 12 câu lưu.

Rồi hai người mặc thường phục (lúc xuất hiện lúc biến mất và họ là 2 người trong số những người mà bên ngoài các bạn gọi là côn đồ đánh anh chị em) lên tiếng. Họ bảo nghe tôi nói chuyện với 2 sĩ quan mặc sắc phục, thì họ không chịu được nên nêu ý cá nhân, tôi không cần nghe, không cần trả lời. Họ mới là những kẻ khiêu khích thực sự, dùng lời lẽ thô bỉ lăng mạ những người họ cho là phản động (ở trong nước và nước ngoài) và ám chỉ cả tôi. Một tay còn bảo tôi sao không ở nước ngoài luôn đi vì "ông là người không được hoan nghênh ở Việt Nam". Tôi đã cố nhịn nhưng đã mắc mưu khiêu khích của họ và cũng lên giọng: "cậu mới là người không được hoan nghênh ở đất nước này chứ không phải tôi" rồi cãi vã thêm nữa. Cuối cùng tôi kệ họ. Thành con tôi gọi điện thoại vào bảo muốn nới chuyện với mấy anh ở đó. Tôi đưa máy ra, 2 tay này lên giọng "ông không được quay lén" thằng Lân Thắng chứ con ông đâu! Họ sợ hỉnh ảnh của họ trong cuộc gọi sẽ được đưa lên mạng. Họ xông vào bẻ tay tôi khá đau và giật điện thoại. Đây thực sự là hành vi ăn cướp. May mà tôi tắt được điện thoại và đút luôn vào túi. Pha khiêu khích chấm dứt.

Rồi lại tiếp đến pha (lặp lại) của 2 sĩ quan (thiếu tá Khôi) và 1 thượng úy mà tôi không biết tên cũng chẳng được giới thiệu (tôi nhầm là thượng sĩ lúc đầu khi anh ta tra hỏi tôi: "thượng sĩ, anh không có tên trong giấy mời và tôi không nói chuyện với anh, tôi chỉ nói chuyện với thiếu tá Khôi", xin lỗi về sự hạ cấp từ thượng úy xuống thượng sĩ nhé anh thượng úy). Thành con tôi lại gọi, anh thượng úy bảo cho anh nói chuyện với con tôi. Tôi đưa cho anh ta, anh ta bảo con tôi tắt máy nên không nói được gì, nhưng anh cầm luôn điện thoại của tôi. Tôi đòi anh ta không trả. Tôi nói đây là một sự tước đoạt tài sản của tôi, một sự vi phạm quyền con người trắng trợn. Anh ta thanh minh rồi sẽ đưa lại cho tôi. Tôi bảo các ông tước đoạt thế là sự vi phạm pháp luật trắng trợn. Rồi họ bỏ ra đi.

Tôi ngồi 1 mình với 1 anh mặc sắc phục khác. Tôi bảo anh ta, anh thấy đấy họ tước đoạt điện thoại của tôi cả tiếng đồng hồ, mang đi đâu đó thì tôi chẳng biết nội dung trong điện thoại của tôi có bị nhét thêm gì không (hẳn là quăng hàng tỷ bao cao su điện tử vào máy tính hay điện thoại dễ hơn quăng 2 bao cao su cả triệu lần!)

Ông thiếu tá quay lại đưa tôi chiếc điện thoại (bị tắt ngấm chứ không mở như lúc tôi đưa cho anh thượng úy), và bảo làm biên bản. Tôi bảo các muốn làm gì thì làm tôi không đọc, không cần nghe và tất nhiên không bao giờ ký.

Anh bảo tôi (bác không đồng ý làm việc theo cách này ở đây nhưng đồng ý làm việc lúc khác ở nơi khác nên 8 giờ sáng mai 2-9 (vài phút nữa là đến 2-9) mời bác đến số... (tôi không nhớ số) Nguyễn Đình Chiểu để làm việc. (Đây lại 1 kiểu nói ý người khác theo ý mình bởi vì tôi đã nói từ đầu với họ: Tôi không chấp nhận kiểu mời này và trong môi trường như thế này tôi không đối thoại, nhưng tôi sẵn sàng đối thoại khi chúng ta thỏa thuận được 1 thời điểm 2 người đều rỗi, khi đó tôi sẽ chủ động mời anh đến chỗ công cộng, chắc chắn tử tế do tôi chọn chứ không phải do các anh chọn). Tôi từ chối lời mời, mai tôi phải về quê thăm bà cụ (anh không ở lại dự lễ 2-9 ư? là câu hỏi của anh ta). Tôi sẽ vui lòng mời anh và cả lãnh đạo của anh đi uống cà phê khi thỏa thuận được thời gian tại quán cà phê tử tế do tôi chọn ở trung tâm Hà Nội (ở đồn hay cơ quan công an thì đừng hòng mời tôi).

Họ đưa tôi ra làm thủ tục nhập cảnh. Nữ sĩ quan nhập cảnh trong vòng 30 giây đóng dấu vào hộ chiếu và đưa lại cho tôi. Đút hộ chiếu vào túi ra hành lý thất lạc lấy va li. Qua soi hải quan, 2 anh rất vui vẻ hỏi chuyện tôi và tôi kéo va li ra thì các anh chị em kéo vào quán uống nước.

Kết thúc 15 giờ thật là quái gở (BBC hỏi tôi vì sao họ làm vậy. Tôi chịu, bảo anh phải hỏi họ thì may ra mới biết). Nhưng có thể đưa ra vài suy đoán theo kiểu "phản động":
- họ làm thế để chào mừng (2-9, hay chuyến đi 3-9 dự lễ duyệt binh ở Bắc Kinh, hay chuyến viếng thăm Việt Nam sắp tới của ông Tập)?
- để góp phần cản chuyến thăm của Obama tháng 11?
- hay để dằn mặt bọn "phản động" ? (mà là việc chẳng bao giờ họ làm được)

Chỉ có họ mới biết, nhưng có thể thấy họ mới chính là những người bôi tro trát trấu lên mặt nước Việt Nam XHCN, và phản động theo đúng nghĩa! - FB NQA
|
|

5.
Lễ Quốc Khánh VN trong mắt báo chí nước ngoài --- Cảm xúc về lễ kỷ niệm 2/9 --- Trương Tấn Sang 'Khác biệt nhưng không trái lợi ích chung' --- Quốc khánh: Chủ tịch VN gián tiếp nêu lên mối đe dọa TQ

Việt Nam tưng bừng đánh dấu Lễ Quốc Khánh lần thứ 70, với cuộc duyệt binh hoành tráng, những bộ đồng phục và sắc phục rực rỡ, và cờ hoa rợp trời ở Quảng trường Ba Đình.

Bài phóng sự của đài ABC Australia đưa hàng tít: “Rực rỡ, đầy màu sắc, lạ thường”. Đứng tại quảng trường Ba Đình giữa một rừng người mặc đồng phục các kiểu, phóng viên Philip Adams của ABC diễn tả sự choáng ngợp của ông về quy mô của sự kiện này với dòng chữ “gộp hết tất cả các lễ hội lớn của Australia, tất cả các cuộc diễu hành, từ lễ hội Mardi Gras ở đường Oxford cho tới lễ hội Moomba ở Melbourne, cộng lại tất cả những đám đông đã đến dự Thế vận hội Sydney, thì quy mô của tất cả các sự kiện đó cộng lại, cũng không bằng quy mô của sự kiện 2/9 ở Việt Nam" mà ông đang chứng kiến.

Trang mạng Channel News Asia nhắc tới sắc thái quân sự của các cuộc diễu hành, với sự tham dự của hơn 30.000 người ở Quảng trường Ba Đình. Các đoàn diễu binh, do Trung tướng Võ Văn Tuấn, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam dẫn đầu, gồm cả quân đội, an ninh và các lực lượng dân quân, nhưng người ta không thấy sự có mặt của các xe thiết giáp và những tên lửa thường thấy trong các cuộc diễu binh nhằm phô trương lực lượng.

Hãng tin DPA tường trình các đoàn diễu binh với sự tham dự của 30.000 quân nhân và thường dân khởi sự trước lăng Hồ Chí Minh, với 21 phát đại bác bắn lên từ cổ thành Thăng Long, để dánh dấu ngày Việt Nam tuyên bố độc lập từ nước Pháp, sau Thế Chiến thứ Hai, kèm theo một bài tường trình dài về Việt Nam cả trong quá khứ và tương lai.

Tường trình về sự kiện này, hãng tin Xinhua của Trung Quốc đưa ra một bản tin ngắn tường thuật cuộc diễu binh đánh dấu kỷ niệm 70 năm cuộc Cách mạng Tháng 8 và Ngày Quốc Khánh ở Hà Nội, trích dẫn nội dung chính của bài diễn văn của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.

Trở lại bài phóng sự của phóng viên đài ABC, nhà báo của ABC nhận xét rằng về phần lớn, đây là một bài diễn văn ‘cắt dán’, với phát biểu rập khuôn về cuộc đấu tranh trường kỳ giành độc lập và tự do từ tay ngoại bang và giai cấp phong kiến, và mặt khác, bày tỏ sự lạc quan về các mặt chính trị và văn hoá.

Nhà báo Adams nhắc tới cố Đại Tướng Võ Nguyên Giáp, nói rằng “không biết Tướng Giáp nghĩ gì khi biết rằng thành phố mà ông đã đấu tranh rất lâu để bảo vệ, giờ đã rơi vào tay của một viên đại tá ở miền Nam nước Mỹ Colonel Sanders, biểu tượng của tiệm bán thức ăn nhanh Kentucky Fried Chicken. - VOA

***
Nhiều hoạt động kỷ niệm mừng 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 đã được tổ chức tại Hà Nội với sự tham gia của hơn 30.000 tại lễ diễu binh, diễu hành. 

Hàng nghìn cảnh sát giao thông, cơ động, đặc nhiệm công an Hà Nội cùng nhiều tổ công tác trấn áp tội phạm khủng bố, đua xe... cũng được huy động. Trước đó, việc cấm đường để diễn tập hôm 29/8 gây nhiều bức xúc trên mạng xã hội.

BBC Việt Ngữ đã hỏi một số người tại Việt Nam về cảm tưởng và suy nghĩ của họ và về cách tổ chức các hoạt động kỷ niệm về ngày này.

Nhạc sĩ Tuấn Khanh, từ Thành phố Hồ Chí Minh

Ngày 2/9 năm nay là một trong những ngày lễ mà chính phủ Việt Nam coi là một ngày lễ lớn. Thực sự tôi thấy ở Sài Gòn không có không khí nhộn nhịp như ở Hà Nội, có lẽ vì ở quá xa. Bản thân người Sài Gòn thì lâu nay theo cách sống của mình thì các lễ lạt của chính phủ, không phải cái nào họ cũng hưởng ứng nhanh, có lẽ họ đã quen với cuộc sống đơn giản và yên lặng rồi.

Tôi thấy trên Facebook hay báo chí thì có vẻ ở Hà Nội đang làm rất lớn, nhưng trong Sài Gòn vào sáng hôm nay thì tôi thấy nó yên lặng và thanh bình.

Cũng như ông Võ Văn Kiệt đã nói có những ngày lễ lớn như 30/4 thì hàng triệu người vui và hàng triệu người buồn. Như ngày 2/9 thì người ta nhớ đến như ngày Quốc khánh theo quy ước của Hiến pháp Việt Nam, thì cũng có những người Việt hưởng ứng rất mạnh mẽ nhưng cũng có những người rất bàng quang, coi đó là một ngày lễ như mọi ngày lễ thôi.

Việc cấm đường vào ngày lễ lớn, thì những người ở Hà Nội họ có vẻ phản ứng dữ dội vì bất tiện. Tôi đứng ngoài nhìn vào thì thấy một điều, cũng giống như trong Sài Gòn ngày 30/4, người ta bị chặn đường để làm lễ v.v. Có lẽ đám đông họ đang không hưởng ứng nhiệt tình một ngày lễ của chính phủ tổ chức, cho nên những cách như vậy họ không thỏa hiệp được để đi tới một niềm vui chung. Nó biểu hiện một cái gì đó chưa hòa đồng giữa chính phủ và người dân trong việc đó.

Tôi không biết như thế nào để hợp lòng dân tuy nhiên cách thức mà người tổ chức những ngày lễ dường như hiện nay đang tổ chức cho chính phủ chứ không phải tổ chức cho người dân.

Người ta nhìn thấy bộ mặt của một bộ máy lãnh đạo, một chính phủ nhiều hơn là bộ mặt của người dân trong đó, cho nên có lẽ tôi đoán, một cách rất chủ quan, bằng việc chúng ta nhìn thấy nhiều phản ứng rất bất ngờ của dân chúng thay vì đón nhận một chuyện rất vui vẻ, một ngày lễ lớn của cả nước thì một bộ phận rất lớn dân chúng có phản ứng rất vặt vãnh mà tôi nghĩ ngày thường họ cũng có thể hy sinh được nữa mà không hiểu sao…

Với tôi ngày 2/9 là một ngày nghỉ lễ thôi. Sáng hôm nay tôi cũng như nhiều người bạn văn nghệ sĩ của tôi ở Sài Gòn ngồi uống cà phê và cảm thấy thành phố thật thanh bình bởi vì nó vắng người, không có sự ồn ào bởi xe chạy và chúng tôi cảm thấy hài lòng với một ngày như vậy chứ còn hưởng ứng một ngày lễ tôi không có tâm trạng đó.

Nguyễn Lê Nam, gửi từ Hà Nội

... Hôm nay lại là một Ngày Quốc khánh nữa, nhưng to hơn mọi năm. Một số người thì háo hức xem duyệt binh, xem pháo hoa. Một số người thì như tôi, họ dửng dưng.

Duyệt binh dù hoành tráng. Vũ khí dù hiện đại. Nhưng lòng người không theo thì có ích gì? Pháo hoa dù đẹp, nhưng chóng tàn và chẳng thế nào qua cơn đói.

Quốc khánh dẫu to cũng không thể nâng cao vị thế đất nước bằng những hợp đồng xuất khẩu lao động sang các nước Đông Á và Trung Đông, và nay sang cả Lào và Campuchia.

Tôi không mong duyệt binh hoàng tráng, khí tài hiện đại. Chỉ mong hòa bình lâu dài, làm bạn với những nước văn minh Âu, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc... và học hỏi cách họ vươn mình thành "rồng" thành hổ".

Tôi không mong quốc khánh hoành tráng mà ngân khố thì cạn kiệt, bộ tài chính phải đi vay ngân hàng nhà nước. Chỉ mong mỗi đồng ngân sách đều dùng để xây dựng hạ tầng, phát triển sản xuất.

Tôi không mong mỗi quan chức đều giống như Friedrich đại đế của Phổ, đến lúc mất không có một chiếc áo sơ mi lành lặn, phải táng bằng chiếc áo của một người hầu. Chỉ mong họ tận tâm, tận lực làm tròn bổn phận của mình.

Nếu không, sau những quốc khánh hoàng tráng như vậy đất nước này sẽ đi về đâu?

Ý kiến một số thanh niên từ Hà Nội

Bùi Thị Thuỳ Linh (26 tuổi): Tôi thấy năm nay tổ chức 2/9 rất hoành tráng. Tôi rất ấn tương với lễ diễu binh. Đây là dịp để người dân nhất là thanh niên thể hiện đươc niềm tự hào dân tộc.

Trần Thuý Hà (Gia lâm): Lễ kỉ niệm 2/9 năm nay có rất nhiều hoạt động. Tôi không có ý kiến gì với các hoạt động khác, nhưng việc cấm đường để chuẩn bị diễu hành khiến tôi và nhiều người dân khác thấy khá bất tiện. - BBC

***
Đã có hơn 30.000 người tham gia lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Quốc khánh hôm 2/9 tại Hà Nội.

Trong diễn văn ở buổi lễ, Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang kêu gọi "xóa bỏ mọi mặc cảm, định kiến về quá khứ, chấp nhận những điểm khác nhau không trái với lợi ích chung của dân tộc để đoàn kết mọi người Việt Nam yêu nước.

Ông cũng nói Việt Nam đang gặp nhiều thách thức, trong đó có tranh chấp ở Biển Đông.

Hồi tháng Tư, Việt Nam đã đánh dấu 40 năm ngày kết thúc cuộc chiến Việt Nam. - BBC

***
Trong bài diễn văn nhân ngày lễ Quốc khánh 02/09/2015, chủ tịch nước Trương Tấn Sang kêu gọi cảnh giác về những mối "đe dọa" hiện nay đối với toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, gián tiếp nói đến Trung Quốc.

Trong bài diễn văn đọc tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hà Nội, sáng nay, kỷ niệm 70 năm Quốc khánh Việt Nam, ông Trương Tấn Sang đã nhấn mạnh đến "những tranh chấp chủ quyền biển, đảo ngày càng gia tăng trên biển Đông", ám chỉ đến tranh chấp chủ quyền giữa Việt Nam với Trung Quốc ở vùng biển này.

Theo ông Trương Tấn Sang, những tranh chấp đó "đe dọa trực tiếp đến hòa bình, ổn định, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nước ta".

Trong bài diễn văn này, chủ tịch nước của Việt Nam còn kêu gọi xây dựng một quân đội vững mạnh để bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Ông Trương Tấn Sang cũng không quên lên án những người mà ông gọi là "các lực lượng thù địch" vẫn chống phá chế độ và "xóa bỏ các thành quả cách mạng".

Tuy vậy, chủ tịch nước của Việt Nam thừa nhận rằng nạn quan liêu, tham nhũng, lãng phí đang "làm suy giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước".

Ông Trương Tấn Sang đọc bài diễn văn nói trên trước khi diễn ra cuộc diễu binh, diễu hành mừng Quốc khánh, với sự tham gia của hơn 30.000 người, thuộc lực lượng công an, quân đội, các đoàn thể, các sắc tộc thiểu số... Nhưng trong cuộc diễu binh, Việt Nam không phô bày những thiết bị quân sự nào như xe tăng, đại pháo, tên lửa...

Nhân ngày Quốc khánh năm nay, chính quyền Hà Nội đã trả tự do cho khoảng 18.500 phạm nhân, thế nhưng trong số này không có một tù chính trị nào. - RFI
|
|

6.
Pháp cho Campuchia mượn bản đồ

Pháp sẽ trao nhiều bản đồ cho chính phủ Campuchia sau khi Thủ tướng Hun Sen đề nghị để giải quyết tranh cãi về đường biên giới với Việt Nam.

Buổi lễ trao bản đồ của Viện Địa lý Quốc gia, Pháp, sẽ diễn ra ngày 3/9.

Chính phủ Campuchia cho biết Tổng thống Pháp Francois Hollande đã có thư trả lời chính thức cho Thủ tướng Hun Sen.

Trong thư đề ngày 31/8, ông Hollande nói Pháp giữ lập trường trung lập về vấn đề biên giới giữa Campuchia và Việt Nam.

Pháp sẽ cho Campuchia mượn nhiều tấm bản đồ do Sở Địa Dư Đông Dương vẽ trước năm 1953.

Thư của Thủ tướng Hun Sen ngày 15/7 cũng đề nghị Pháp gửi một nhóm chuyên gia đến Campuchia để xác minh.

Nhưng Tổng thống Pháp nói Pháp sẽ chỉ đáp ứng đề nghị này nếu cả Campuchia và Việt Nam đồng ý.

Campuchia nói các bản đồ của Pháp sẽ được xem để so sánh với 26 bản đồ mà chính phủ ông Hun Sen đã dùng để phân định biên giới với Việt Nam.

Thời gian qua, đã xảy ra căng thẳng tại khu giáp ranh giữa tỉnh Long An của Việt Nam và tỉnh Svay Rieng của Campuchia thuộc khu vực đường biên hai nước.

Khoảng 2.000 người Campuchia dẫn đầu là các dân biểu của đảng Cứu quốc đối lập đã tới vùng biên giới với Việt Nam hôm Chủ nhật 19/7 để biểu thị điều được mô tả là "Việt Nam vi phạm đất đai của Campuchia".

Đầu tháng Bảy, Thủ tướng Campuchia Hun Sen viết thư cho Liên Hiệp Quốc và một số nước xin bản đồ biên giới với Việt Nam. - BBC

No comments:

Post a Comment