Sunday, September 13, 2015

Tin Cập Nhật Chủ Nhật 13/9

Tin Thế Giới

1.
Cảnh sát Đức: 12.200 người tị nạn đổ vào Munich hôm thứ bảy 12/9

Cảnh sát Đức cho hay khoảng 12.200 người tìm nơi tị nạn ở Liên hiệp Âu Châu đã đổ xô đến thành phố Munich ở miền nam nước Đức hôm thứ Bảy, và nhiều người sẽ ở qua đêm ngoài trời vì họ không biết nơi nào khác để tìm đến.

Giới hữu trách hôm Chủ nhật cho hay dòng người di cư, tị nạn không ngớt đổ xô vào thành phố này. Munich là điểm đến chính của nước Đức từ phía đông.

Hôm thứ Bảy, nhiều cuộc xuống đường biểu tình liên quan đến cuộc khủng hoảng người tị nạn đã diễn ra tại các thành phố lớn ở Châu Âu.

Mấy vạn người xuống đường ở trung tâm thành phố London phản đối chủ trương của chính phủ Anh về cuộc khủng hoảng người tị nạn đang gia tăng.

Các nhà hoạt động tranh đấu cho nhân quyền, các chính trị gia và các nghệ sĩ tuần hành ở Quảng trường Quốc hội bày tỏ tình thần đoàn kết với dòng người tị nạn khốn khó, đang tìm cách trốn chạy chiến tranh, nhất là tại Trung Ðông.

Những người biểu tình mang những biểu ngữ như "Mở cửa biên giới," và "Đón người tị nạn vào, đuổi Đảng Bảo thủ đi," ám chỉ chính đảng của Thủ tướng David Cameron, người hồi tuần trước đồng ý nhận 20.000 người tị nạn trong 5 năm tới, một con số quá thấp so với những gì người biểu tình đòi hỏi.

500.000 người di cư, tị nạn xin tị nạn tại các nước Liên hiệp Âu Châu trong năm nay.

Khoảng 30.000 người tuần hành tại thủ đô Copenhagen của Ðan Mạch.  Truyền thông địa phương nói rằng họ mang theo những biểu ngữ như "Chào đón người tị nạn" và "Âu Châu là láng giềng gần nhất của Syria."

Tại Stockholm, Thụy Ðiển, khoảng 1.000 người tham gia biểu tình bày tỏ ủng hộ chính sách rộng lượng của chính phủ trong việc đón nhận thêm người tị nạn.

Nhưng tại thủ đô Warsaw của Ba Lan, khoảng 5.000 người tuần hành chống người tị nạn. Chính phủ nước này phản đối đề nghị của Liên hiệp Châu Âu phân bổ tái định cư người tị nạn bắt buộc đối với các thành viên. Nhiều người biểu tình hô khẩu hiệu chống Hồi giáo, trong khi một nhóm người ít hơn – khoảng 1.000 người tuần hành ủng hộ người tị nạn.

Kế hoạch xây một hàng rào lớn, triển khai quân đội, và bắt giam người tị nạn của Hungary bị Thủ tướng Áo Werner Faymann chỉ trích. Nhà lãnh đạo Áo so sánh việc đối xử với người tị nạn của Hungary giống như thời Đức Quốc Xã.

Hơn 180.000 người di cư, tị nạn đã vượt biên vào Hungary trong năm này, rồi băng qua lãnh thổ nước này để vào Áo, và điểm nhắm đến sau cùng của họ là Đức. - VOA
|
|

2.
Mỹ phẫn nộ trước bản án dành cho lãnh tụ đối lập Venezuela

Hoa Kỳ bày tỏ bất bình trước việc lãnh tụ đối lập Venezuela Leopoldo Lopez bị cầm tù.

Ông Lopez bị kết án gần 14 năm tù vì có liên hệ đến cuộc biểu tình do đối lập lãnh đạo hồi năm ngoái gây nhiều tử vong khi lực lượng chính phủ xung đột với các người biểu tình.

Đại sứ Mỹ tại Liên hiệp quốc Samantha Power nói với phóng viên Margaret Besheer của Đài VOA là phiên xử ông Lopez không công bằng và “được tiến hành mà không nói rằng những cáo buộc căn cứ trên điều ông làm là vô lý.”

Đại sứ Power nói việc kết án ông Lopez sẽ không “mang lại hòa bình, thịnh vượng và ổn định tại Venezuela” vào thời điểm nước này đang trải qua một cuộc khủng hoảng kinh tế.

Kinh tế gia được huấn luyện tại Mỹ bị kết tội xúi dục bạo động chống lại chính phủ trong một nỗ lực nhằm lật đổ Tổng thống Nicolas Maduro. Ông Lopez, 44 tuổi là người sáng lập đảng đối lập Ý chí của Quần chúng.

Trước đó Tòa Bạch Ốc nói rằng chính phủ Maduro đã sử dụng hệ thống tư pháp trong nỗ lực làm im tiếng các chỉ trích.

Phát ngôn viên Hôi đồng An ninh Quốc gia Ned Price nói: “Quyết định xét xử và kết án ông Lopez, và lối hành xử của phiên tòa xử ông đã làm nổi bật một cách có ý nghĩa sự thất bại của việc cai trị theo luật pháp và hệ thống tư pháp tại Venezuela.”

Tổ chức Ân xá Quốc tế trong một thông báo nói rằng bản án ông Lopez chứng tỏ “rõ ràng việc thiếu độc lập tư pháp và thiên vị” tại Venezuela.

Bà Erika Guevara-Rosas, giám đốc Ân xá Quốc tế tại Mỹ, nói: “Tội duy nhất của ông là lãnh tụ một đảng đối lập tại Venezuela. Với phán quyết này Venezuela chọn việc làm ngơ những nguyên tắc căn bản của nhân quyền và bật đèn xanh cho những lạm dụng nhiều hơn nữa.”

Theo các luật sư biện hộ cho ông Lopez, tòa án bác bỏ tất cả và chỉ nhận hai nhân chứng của bên biện hộ, nhưng cả hai người này cuối cùng từ chối làm chứng, trong khi để cho công tố gọi hơn 100 nhân chứng trong những phiên xử kín.

Ông Lopez cho rằng ông chỉ kêu gọi biểu tình ôn hòa và những người ủng hộ ông đổ lỗi cho những người ủng hộ chính phủ có vũ trang gây nên đổ máu vào năm ngoái đưa đến kết quả là có hơn 40 người thiệt mạng. Các giới chức chính phủ nói ông Lopez mặc thị khuyến khích bạo động.

Nhiều cuộc biểu tình của đối lập dự trù diễn ra vào tuần tới để phản đối bản án này. - VOA
|
|

3.
Trung Quốc: Không có chế độ tam quyền phân lập ở Hồng Kông

Mô hình tam quyền phân lập theo kiểu Tây phương không phù hợp với Hồng Kông. Chủ tịch Hành pháp Hồng Kông toàn quyền nắm giữ quyền lực. Những phát biểu trên đây của Chủ nhiệm văn phòng liên lạc của chính quyền Trung Quốc tại Hồng Kông, Trương Hiểu Minh (Zhang Xiaoming) ngày 12/09/2015 làm dấy lên nhiều chỉ trích từ phía các nhà dân chủ Hồng Kông.

Phát biểu nhân kỷ niệm ngày bản Hiến pháp của Hồng Kông ra đời, đại diện của chính quyền Trung Quốc ông Trương Hiểu Minh (Zhang Xiaoming) đã nhắc lại lời cố chủ tịch Đặng Tiểu Bình trong một bài diễn văn hồi năm 1987. Trong đó ông Đặng Tiểu Bình đã đánh giá là mô hình tam quyền phân lập theo kiểu của phương Tây không phù hợp với hệ thống chính trị của Hồng Kông.

Chủ nhiệm văn phòng liên lạc của Trung Quốc tại Hồng Kông nhấn mạnh rằng "từ trước khi Hồng Kông được trao trả lại cho Trung Quốc đến nay, chưa bao giờ có sự phân chia đó". Nói cách khác, ông Trương Hiểu Minh trực tiếp nhìn nhận tất cả các quyền Hành pháp, Lập pháp và Tư pháp đều trong tay lãnh đạo số 1 Hồng Kông, Lương Chấn Anh.

Luận điểm trên đây của Bắc Kinh vừa được ông Trương Hiểu Minh nhắc lại đã bị các nhà dân chủ Hồng Kông chỉ trích dữ dội. Lãnh đạo đảng Dân sự Hồng Kông, Lương Gia Kiệt (Alan Leong) cho rằng Bắc Kinh đang muốn dành cho lãnh đạo số 1 Hồng Kông quy chế của "một vị hoàng đế". Chủ tịch đảng Lao động Lý Trác Nhân (Lee Cheuk Yan) thì coi đây là bằng chứng cho thấy Bắc Kinh đang diễn giải một cách khác bản Hiến pháp Hồng Kông. - RFI
|
|

Tin Hoa Kỳ

4.
Mỹ-Trung đàm phán thẳng thắn về an ninh mạng

Kết thúc 4 ngày làm việc giữa phái đoàn Mỹ và Trung Quốc trước chuyến công du Hoa Kỳ của Chủ tịch Tập Cận Bình, Washington và Bắc Kinh đã "có những trao đổi cởi mở và thẳng thắn" về vấn đề an ninh mạng. Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Barack Obama, bà Susan Rice thông báo như trên ngày 12/09/2015. 

Theo thông cáo của Nhà Trắng, trong chuyến công tác tại Washington từ ngày 09/09 đến 12/09/2015, phái đoàn Trung Quốc do Bí thư Ủy ban Chính pháp Mạnh Kiến Trụ (Meng Jianzhu) dẫn đầu đã làm việc với cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Hoa Kỳ là bà Susan Rice, với giám đốc Cục điều tra Liên bang FBI, James Comey và đại diện của các bộ Tư pháp, Ngoại giao, Tài chính và của cơ quan tình báo Mỹ.

Phía Trung Quốc đã tuyên bố quyết tâm bài trừ nạn tin tặc, các vụ đánh cắp thông tin, vi phạm quyền sở hữu trong lĩnh vực công nghệ. Theo Tân Hoa Xã, ông Mạnh Kiến Trụ đã tìm ra "đồng thuận" với các đối tác Mỹ.

Về phần mình, lãnh đạo ngành tình báo Hoa Kỳ James Clapper cách nay hai ngày lưu ý: các vụ tấn công tin học của Trung Quốc nhắm vào rất nhiều lĩnh vực thuộc quyền lợi của Mỹ, liên quan trực tiếp đến các vấn đề an ninh quốc gia, đến những dữ liệu nhạy cảm trong địa hạt kinh tế.

An ninh mạng luôn là hồ sơ nhạy cảm trong qua hệ Mỹ-Trung. Tháng 6/2015 Washington công nhận hệ thống dữ liệu của Cơ quan Quản lý nhân sự (OPM) của chính phủ Mỹ bị tấn công. Nhiều dữ liệu cá nhân của hàng triệu nhân viên bị đánh cắp.

Hồ sơ của 750.000 nhân viên dân sự làm việc cho bộ Quốc phòng Mỹ bị thâm nhập. Washington nghi ngờ Trung Quốc đứng đằng sau các vụ tin tặc nói trên. Theo nhiều nguồn tin, Washington đang nghiên cứu khả năng trừng phạt Bắc Kinh truớc các vụ tấn công tin học.

Chuyến công tác của phái đoàn Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh Chủ tịch Tập Cận Bình chuẩn bị công du Hoa Kỳ trong hai ngày 24/09 và 25/09/2015. - RFI
|
|

5.
'Nga tiếp tục bị chế tài cho đến khi hiệp ước Minsk được tuân thủ'

Một nhà ngoại giao hàng đầu của Hoa Kỳ nói rằng các lệnh chế tài đối với Nga vì vai trò của Moscow trong cuộc khủng hoảng Ukraine sẽ tiếp tục cho đến khi nào hiệp ước ngừng bắn lâu nay vẫn bị vi phạm được tuân thủ đầy đủ.  

Trợ lý ngoại trưởng Mỹ Victoria Nuland hôm thứ Bảy cũng cảnh báo rằng Moscow sẽ phải "trả giá đắt hơn" cho những vi phạm hiệp ước Minsk trong thời gian tới.

Bà Nuland phát biểu tại thủ đô Kiev của Ukraine, trước các cử tọa gồm các đại biểu chính trị và doanh nghiệp Ukraine và nước ngoài.

"Nếu và khi hiệp ước Minsk được tuân thủ đầy đủ, trong đó có việc trả lại chủ quyền biên giới của Ukraine, thì lúc đó chúng tôi có thể rút lại một số lệnh chế tài."

Hoa Kỳ và Liên hiệp Châu Âu lên án Moscow đã làm bùng lên cuộc nổi dậy 17 tháng qua của những người thân Nga tại biên giới phía đông của Ukraine, và họ đã áp dụng một loạt các biện pháp chế tài kinh tế nhằm ngăn cản hành động quân sự và hậu cần của Nga.

Đợt chế tài thứ nhất bắt đầu vào tháng 7 năm 2014, sau khi các nhà phân tích vạch ra vụ một máy bay chở khách của hãng hàng không Malaysia bị rơi trong lãnh thổ của Ukraine là do một phi đạn do Nga chế tạo bắn trúng. Kể từ đó cả Liên hiệp Châu Âu và Washington đã áp dụng lệnh cấm du hành đối với một số giới chức cấp cao của Nga, cùng với một số lệnh trừng phạt khác.

Ngoài ra, chính phủ các nước phương Tây còn nhắm vào ngành ngân hàng của Nga, và không cho các công ty năng lượng của Nga tiếp xúc với các dịch vụ, hàng hóa và công nghệ sử dụng dưới biển sâu và công nghệ khai thác dầu đá phiến của Mỹ.

Người đứng đầu Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu, ông Lamerto Zannier, nói tại một diễn đàn rằng lệnh ngừng bắn, được tái cam kết bởi các bên tham gia vào ngày 1 tháng 9, đang được tuân thủ. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

6.
Việt-Nhật 'tin cậy nhau'

Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam nói Việt Nam và Nhật Bản có “sự tin cậy chính trị”.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ thăm Nhật Bản từ ngày 15 đến ngày 18/9, theo lời mời của Thủ tướng Shinzo Abe.

Đây là lần đầu ông Trọng thăm Nhật từ khi trở thành Tổng bí thư năm 2011. Người tiền nhiệm, Nông Đức Mạnh, đã thăm Nhật Bản năm 2009.

Nhân dịp này, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Hoàng Bình Quân viết một bài trên báo Nhật, Japan Times.

Ông Quân nói: “Sự tin cậy chính trị giữa hai nước là một điểm sáng nổi bật.”

“Cho dù có những khác biệt về chế độ chính trị và mô hình kinh tế, nhưng hai nước luôn có sự tin cậy, tôn trọng nhau, coi trọng lẫn nhau.”

Đối tác hàng đầu

Nhật Bản là nhà tài trợ phát triển chính thức (ODA) lớn nhất, nhà đầu tư FDI lớn thứ hai và đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam.

Chuyến thăm của ông Trọng diễn ra trong bối cảnh Hà Nội và Tokyo tăng cường hợp tác vì chung quan ngại về tranh chấp Biển Đông.

Hôm 12/9, ông Nguyễn Phú Trọng đã gặp một số phóng viên Nhật Bản.

Hãng tin Nhật Kyodo News dẫn lời ông Trong nói Việt Nam muốn sự hợp tác với Nhật “càng trở nên sâu sắc, hiệu quả hơn trong mọi lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế”.

Trong khi đó, trả lời báo chí Việt Nam, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Nguyễn Quốc Cường nhận định chuyến thăm Nhật của ông Trọng thể hiện đường lối đối ngoại “độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ”.

Đại sứ Cường chỉ ra rằng ông Trọng đã thăm Trung Quốc tháng Tư và Hoa Kỳ tháng Bảy năm nay.

Các chuyến thăm nhằm “thúc đẩy quan hệ với các nước bạn bè truyền thống và các đối tác quan trọng của Việt Nam ngày càng đi vào chiều sâu và ổn định hơn”, theo Đại sứ Việt Nam tại Nhật.

Trong thời gian ở Nhật, ông Trọng sẽ gặp Thủ tướng Shinzo Abe, gặp Nhật Hoàng, lãnh đạo các đảng và các tập đoàn kinh tế của Nhật. - BBC

No comments:

Post a Comment