Sunday, September 20, 2015

Tin Cập Nhật Chủ Nhật 20/9

Tin Thế Giới

1.
Đức Giáo hoàng kêu gọi Cuba mở rộng hơn cửa với Giáo hội và Hoa Kỳ

Được hàng chục ngàn người đón chào, Đức Giáo hoàng Phanxicô bắt đầu chuyến viếng thăm Cuba với lời kêu gọi chính quyền La Habana mở rộng cửa hơn với Giáo hội và Hoa Kỳ.

Ngay sau khi đặt chân đến sân bay José Marti của La Habana hôm qua, 19/09/2015, trong một bài phát biểu ngắn trước chủ tịch Raoul Castro, Đức Giáo hoàng đã kêu gọi có thêm "phương tiện" để Giáo hội Công giáo Cuba có thể hoạt động tự do ở nước này. Hiện nay, các cơ sở của Giáo hội Cuba chưa được hoạt động tự do, nhất là trong lĩnh vực giáo dục.

Về tiến trình xích lại gần nhau giữa Cuba với Hoa Kỳ, mà bản thân Ngài đã đóng vai trò quyết định, Đức Giáo hoàng kêu gọi người dân Cuba và Mỹ tiếp bước trên con đường này và phát triển mọi tiềm năng của họ.

Từ La Habana, thông tín viên Geneviève Delrue và Philippe Nadel tường trình:

Trong bài phát biểu khi đặt chân đến sân bay, Đức Giáo hoàng Phanxicô gởi lời chào đến mọi người dân Cuba trong nước và những người hiện sống rải rác khắp thế giới, làm gạch nối giữa những người Cuba ở lại và những người đã rời khỏi đảo quốc này vì lý do chính trị và kinh tế, ám chỉ cộng đồng người Cuba lưu vong ở Miami, vẫn kiên quyết chống chế độ Castro và dứt khoát không chấp nhận bỏ cấm vận.

Với mong muốn mang đến một thông điệp hòa bình, Ngài đã kêu gọi các lãnh đạo chính trị nên noi theo tấm gương hòa giải ngoại giao gần đây giữa Cuba và Hoa Kỳ.

Đức Giáo hoàng nói: "Trong thời gian qua, chúng ta đã chứng kiến một sự kiện khiến chúng ta tràn đầy hy vọng. Đó là tiến trình bình thường hóa giữa hai dân tộc sau nhiều năm xa cách. Đó là dấu hiệu chiến thắng của văn hóa, của gặp gỡ, của đối thoại đối với văn hóa đối đầu. Tôi khuyến khích các lãnh đạo chính trị tiếp bước trên con đường này, để làm tấm gương hòa giải cho toàn thế giới".

Như vậy là ngay khi vừa đến Cuba, Đức Giáo hoàng đã khẳng định thông điệp chính của chuyến công du của Ngài, đó là đoàn kết và hòa giải. 

Sau bài diễn văn nói trên, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã rời sân bay trên chiếc xe "papamobile" để đi đến sứ quán Vatican, trong tiếng reo hò của hàng chục ngàn người đứng dọc theo con đường dài khoảng 18 km để chào đón vị Giáo hoàng châu Mỹ Latinh đầu tiên trong lịch sử.

Cuộc gặp gỡ quan trọng nhất của Ngài với người dân Cuba sẽ là thánh lễ trên quảng trường Cách mạng hôm nay ở La Habana, quy tụ hàng ngàn giáo dân cũng như những người hiếu kỳ. Sau đó, Đức Giáo hoàng Phanxicô sẽ hội kiến chủ tịch Cuba Raul Castro.

Trong chuyến viếng thăm đầu tiên tại Cuba này, Đức Giáo hoàng sẽ ở La Habana, Holguin (Đông Bắc) và Santiago (Đông Nam) cho đến thứ ba tuần tới, trước khi công du Hoa Kỳ. - RFI
|
|

2.
Các chiến binh được Mỹ huấn luyện tiến vào Syria

Nhiều chiến binh nổi dậy Syria được Mỹ và các đối tác liên quân huấn luyện đã tiến vào miền bắc Syria, theo tin của một nhóm quan sát.

Ðài quan sát Nhân quyền Syria hôm Chủ nhật nói rằng 75 chiến binh được huấn luyện tại Thổ Nhĩ Kỳ đã băng qua biên giới vào Syria sáng sớm thứ Bảy.

Các giới chức của liên quân do Mỹ lãnh đạo chưa bình luận về diễn biến mới này.

Trong khi đó, Pháp tấn xã loan tin rằng phe nổi dậy và các lực lượng chính phủ vừa thỏa thuận ngưng bắn với hiệu lực tức thời. 

Không có tin tức về thời hạn của thỏa thuận ngưng bắn, nhưng Ðài quan sát Nhân quyền Syria nói với Pháp tấn xã rằng các bên xung đột sẽ tiếp tục đàm phán cho một thỏa thuận ngừng bắn rộng lớn hơn.

Hôm thứ Bảy, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ John Kerry nói rằng Tổng thống Syria Bashar al-Assad phải từ chức, nhưng thời điểm để ông ra đi sẽ được quyết định qua thương lượng.

Ông Kerry phát biểu như vậy tại London sau khi hội đàm với người tương nhiệm Anh Philip Hammond. Ông kêu gọi cả Nga và Iran dùng ảnh hưởng của họ đối với Syria để thuyết phục ông Assad thương lượng việc từ chức nhằm chấm dứt cuộc nội chiến thảm khốc ở Syria.

Ông Kerry cũng nhấn mạnh đến sự liên hệ của cuộc nội chiến Syria với làn sóng khổng lồ người tị nạn đổ vào Châu Âu. Ông gọi 4 năm nội chiến Syria là "căn nguyên" của cuộc khủng hoảng di dân, và gọi làn sóng di dân khổng lồ là "thách thức chính cho Châu Âu."

"Chúng tôi cần phải thương lượng với ông Assad," Ngoại trưởng Kerry nói. "Đó là điều chúng tôi đang tìm cách thực hiện, và chúng tôi hy vọng Nga và Iran hay bất cứ quốc gia nào khác có ảnh hưởng giúp cho tiến trình đó.

"Chúng tôi sẽ bàn về một số ý tưởng… làm thế nào để sử dụng thời điểm này khi Nga hình như muốn hành động nhiều hơn" để chống lại các phần tử chủ chiến Nhà nước Hồi giáo đang tìm cách chiếm quyền kiểm soát Syria."

Ông Kerry nói: "Đó là mục tiêu."

Moscow và phương Tây bất đồng sâu sắc về các chiến lược nhằm chấm dứt cuộc nội chiến đã nổ ra vào năm 2011. Các chính phủ Tây phương quả quyết rằng cuộc khủng hoảng sẽ không chấm dứt cho đến khi nào ông Assad tự thôi chức hay bị truất bỏ quyền hành, trong khi Moscow nói rằng mối đe dọa do các phần tử hiếu chiến đề ra cần phải dập tắt trước khi giải quyết tương lai của ông Assad.

Ước tính 250.000 người Syria đã thiệt mạng trong khi tiến trình ngoại giao bế tắt. Hàng trăm ngàn người bị Nhà nước Hồi giáo đe dọa và các binh sĩ chính phủ tháo chạy, tìm đến những nơi an toàn và sung túc hơn ở Châu Âu. - VOA
|
|

3.
Cựu Thủ tướng Thaksin khuyên phe Áo đỏ lặng yên chờ thời

Từ nơi sống lưu vong, cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra, thần tượng của phong trào Áo đỏ đối lập với chính quyền quân sự đương quyền tại Bangkok đã chuyển đến các cảm tình viên của mình một thông điệp rất đơn giản: Hãy tạm thời nằm yên, không hoảng loạn, để chờ đợi thời cơ. Theo hãng tin Anh Reuters ngày 20/09/2015, thông tin nói trên vừa được một thủ lĩnh Áo đỏ trong nước tiết lộ.

Theo ông Kwanchai Praipana, lãnh đạo phong trào Áo đỏ tại tỉnh Udon Thani miền Đông bắc Thái Lan, cựu Thủ tướng Thaksin đã gởi gắm thông điệp này nhân một cuộc nói chuyện với ông vào tháng 8 vừa qua, nhưng không tiết lộ là hai bên liên lạc với nhau bằng cách nào.

Nhân vật này xác định: "Khi tôi nói chuyện với ông Thaksin, ông ấy bảo tôi giả vờ chết lâu hơn một chút… Chờ cho đến cuộc bầu cử tới đây. Đó sẽ là thời điểm mà chúng tôi sẽ giành chiến thắng. Câu hỏi duy nhất là liệu sẽ có bầu cử hay không".

Theo ghi nhận của Reuters, dù phải sống lưu vong ở ngoại quốc để tránh một bản án tù với tội danh hối lộ, cựu Thủ tướng bị lật đổ sau cuộc đảo chánh năm 2006, vẫn là một chính khách có uy tín tại Thái Lan. Ông vẫn thường xuyên theo dõi các sự kiện trong nước, và khuyên những người ủng hộ ông, muốn phe thân cận với ông trở lại nắm quyền, là nên cố gắng kiên nhẫn.

Từ ngày làm đảo chánh vào tháng Tư năm ngoái để lật đổ Chính quyền của bà Yingluck Shinawatra, Quân đội Thái Lan đã lên nắm quyền và không ngừng củng cố quyền lực bằng cách xóa bỏ các cố gắng của chính quyền tiền nhiệm và không ngần ngại đàn áp các thành phần đối lập.

Chính quyền quân sự đã cắt giảm chính sách trợ cấp cho nông dân, thành phần luôn tích cực ủng hộ phe Áo đỏ thân Thaksin, và mới đây, đương kim Thủ tướng Prayuth Chan-ocha cho biết là một cuộc bầu cử mới sẽ không thể diễn ra cho đến khoảng tháng Bảy năm 2017, đẩy lùi khả năng nền dân chủ sớm được tái lập tại Thái Lan.

Quyết định cấm hoạt động chính trị do chính quyền quân sự ban hành đã tác động đáng kể đến phong trào Áo đỏ, gây bất bình không ít trong giới này. Theo ông Kwanchai, ngày nào ông cũng phải báo cáo cho chính quyền về các hoạt động của phong trào của ông.

Dù bị đàn áp, nhưng vào hôm qua, hàng trăm nhà đấu tranh vẫn bất chấp lệnh cấm, xuống đường tuần hành ở Bangkok để đánh dấu 9 năm ngày cựu Thủ tướng Thaksin bị lật đổ. Một lực lượng cảnh sát hùng hậu đã được huy động để giám sát đoàn người hô to khẩu hiệu "Không chấp nhận độc tài" và trương cao các biểu ngữ chống tập đoàn quân sự Thái Lan. - RFI
|
|

Tin Hoa Kỳ

4.
TT Obama chú trọng vào tình cảnh của phụ nữ Mỹ gốc Phi

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama nói rằng phụ nữ Mỹ gốc châu Phi tiếp tục đối diện với khó khăn kéo dài để thành công trong hơn 5 thập niên qua kể từ cao trào dân quyền. 

Phát biểu hôm thứ Bảy tại lễ trao giải thường niên của hiệp hội Congressional Black Caucus Foundation tại Washington, Tổng thống Obama biểu dương vai trò của phụ nữ da đen trong phong trào tranh đấu cho dân quyền, từ chiến lược tẩy chay cho đến các cuộc tuần hành, mặc dù họ chưa giữ những vị trí lãnh đạo trong phong trào.

Nhưng ông Obama nói rằng mặc dù phụ nữ và các bé gái da đen ở Hoa Kỳ đạt được nhiều tiến bộ về giáo dục và kinh tế, họ dường như vẫn bị bóng tối của nghèo túng ám ảnh do phải làm những công việc được trả lương thấp, và tỉ lệ bị tù đày của họ cao gấp đôi so với phụ nữ da trắng. 

Tổng thống Obama lưu ý rằng thành kiến và áp lực xã hội tác động đến phụ nữ trẻ, và ông nói rằng cộng đồng người Mỹ gốc châu Phi "phải có tiếng nói lớn hơn những tiếng nói rằng phụ nữ gốc châu Phi chưa đủ giỏi."

Tổng thống Obama kêu gọi trả lương bình đẳng cho phụ nữ. Ông nói việc phụ nữ chỉ được trả 70% lương so với nam giới là một điều "khôi hài" của kinh tế Mỹ. Ông nói khoảng cách biệt đó cần phải được đóng lại trước những bước dấu mốc khác như chân dung một phụ nữ được in trên tờ 10 đôla của Mỹ thực sự có ý nghĩa. 

Ông Obama cũng hứa sẽ làm việc với tổ chức Congressional Black Caucus và các nhà lập pháp để đẩy mạnh những cải cách về pháp lý trong 15 tháng còn lại trong nhiệm kỳ tổng thống của ông. Ông nêu ra một điểm trong khi trả lời những người chỉ trích nói rằng ông dung túng cho thái độ thù địch trong lực lượng thi hành luật pháp, trong lúc có hàng loạt vụ án nổi cộm người Mỹ gốc châu Phi thiệt mạng trong lúc bị cảnh sát bắt giữ. 

Tổng thống Obama nói rằng ông muốn lập lại điều ông vẫn thường nói là "nhân viên công lực thi hành nhiệm vụ xuất sắc trong môi trường cực kỳ khó khăn và nguy hiểm."

Tham dự lễ trao giải hôm thứ Bảy còn có ứng cử viên tổng thống của Ðảng Dân chủ, bà Hillary Clinton và Phó Tổng thống Joe Biden, người đang cân nhắc liệu sẽ ra tranh cử hay không. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

5.
Bà Tạ Phong Tần tới Hoa Kỳ

Nhà đấu tranh Tạ Phong Tần đã đặt chân tới Hoa Kỳ sau khi được đình chỉ thi hành án, ra khỏi nhà tù ở Thanh Hóa.

Tin cho hay máy bay China Airlines chở bà Tần đã hạ cánh xuống phi trường Los Angeles vào khoảng 20:30 phút giờ địa phương ngày 19/9.

Một đám đông hàng trăm người mang theo cờ và biểu ngữ đã chờ sẵn để chào đón bà.

Trong đám đông có blogger Điếu Cày, tức ông Nguyễn Văn Hải, người cũng được chính quyền Việt Nam thả tù cho sang Hoa Kỳ hồi tháng 10/2014.

Bà Tạ Phong Tần nghẹn ngào nói tại phi trường rằng tuy "ở trong nhà tù tôi chưa bao giờ rơi nước mắt", bà hết sức xúc động trước sự tiếp đón của đồng bào hải ngoại dành cho bà.

Bà cho hay "có khoảng 50 công an áp giải" bà từ nhà tù ra sân bay và "chỉ khi lên máy bay tôi mới gặp nhân viên của đại sứ quán Hoa Kỳ".

Bà Tần bác bỏ thông tin nói bà bị trục xuất và giải thích: "Vì phía Mỹ ép buộc họ phải trả tự do cho tôi, và họ ra 1 cái quyết định gọi là tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, chứ không phải là trục xuất".

Bà cũng khẳng định sẽ tiếp tục tranh đấu và "không bao giờ bỏ cuộc".

'Phụ nữ can đảm'

Bà Tạ Phong Tần, cựu nhân viên công an, trước khi vào tù là chủ trang blog Công lý và Sự thật, đồng sáng lập viên của Câu lạc bộ Nhà báo Tự do cùng ông Nguyễn Văn Hải (Điếu Cày).

Bà bị bắt vào ngày 5/9/2011 và bị kết án 10 năm tù giam vào năm 2012 vì tội Tuyên truyền chống Nhà nước theo điều 88 Bộ Luật Hình sự.

Bà Tần từng được Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry và Đệ nhất Phu nhân Michelle Obama trao giải Phụ nữ Can đảm của Thế giới hồi tháng Ba năm 2013.

Trong khi bà ở trong tù, thân mẫu của bà là bà Đặng Thị Kim Liêng đã tự thiêu.

Phản ứng trước việc bà Tạ Phong Tần sang Mỹ, tổ chức nhân quyền Human Rights Watch (HRW) ra thông cáo hoan nghênh thông tin này nhưng nói "không nên quên rằng bà Tần đáng ra không thể bị bắt chỉ vì thực thi quyền tự do ngôn luận của mình".

Tổ chức theo dõi nhân quyền bình luận: "Việc thả tù này cho thấy cách thức hiểm độc của chính phủ Việt Nam là buộc các nhà bất đồng chính kiến có tên tuổi từ nhà tù đi thẳng ra nước ngoài lưu vong, với giá phải trả cho tự do là rời bỏ đất nước ngay lập tức".

HRW nói bằng cách này chính phủ Việt Nam giảm bớt số người chỉ trích ở trong nước, "siết chặt kiểm soát chính trị trong khi làm ra vẻ có tiến bộ về nhân quyền".

Tổ chức này cũng kêu gọi Hà Nội trả tự do cho các nhà hoạt động khác đang bị cầm tù và cho phép họ ở lại trong nước nếu họ muốn, "chấm dứt can thiệp vào hoạt động chính trị và vi phạm quyền của họ". - BBC
|
|

6.
Con gái Thủ tướng CSVN tư vấn cho MobiFone

Công ty do bà Nguyễn Thanh Phượng, con gái Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng điều hành, đã có được hợp đồng để tư vấn cho hãng điện thoại di động mà ông Dũng yêu cầu phải cổ phần hóa, theo tin từ các trang tin ở Việt Nam.

Công ty Chứng khoán Bản Việt sẽ tư vấn định giá và chuẩn bị cho phát hành cổ phiếu của Công ty Thông tin Di động Việt Nam MobiFone, theo Người Lao Động.

Trang tin này cũng viết thêm:

"Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCSC) được thành lập năm 2007, là một trong những công ty chứng khoán phát triển nhanh nhất tại Việt Nam.

"Năm 2014, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) của công ty đạt 25% vượt mốc mục tiêu đề ra, và tiếp tục được công nhận qua hai giải thưởng danh giá từ Finance Asia và từ Euromoney là "Ngân hàng đầu tư tốt nhất Việt Nam."

"Về việc cổ phần hóa Mobifone, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son cho biết từ năm 2005, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu phải tiến hành cổ phần hóa Mobifone."

20 tỷ đồng chuẩn bị

MobiFone được cho là đã chọn Công ty Chứng khoán Bản Việt sau khi Credit Suisse đòi giá quá cao.

Trang ICTnews dẫn lời ông Lê Nam Trà, Chủ tịch MobiFone, nói trong phỏng vấn riêng với trang này:

"Sau khi thương thảo với Credit Suisse đã không thành, chúng tôi đã nghiên cứu và lựa chọn Công ty Chứng khoán Bản Việt tư vấn cổ phần hóa MobiFone.

"Công ty Chứng khoán Bản Việt không phải là lần đầu tiên tham gia tư vấn cố phần hóa MobiFone, công ty này đã là đối tác bản địa của Credit Suisse, trong quá trình tiến hành tư vấn cổ phần hóa cho MobiFone.” 

ICTnews cũng dẫn lời Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son nói:

"Để tiến hành cổ phần hóa MobiFone, chúng ta đã phải thuê nhà tư vấn của Thụy Sỹ là Credit Suisse.

"Nhà tư vấn này đã tư vấn cho Việt Nam tiến hành cổ phần hóa một số ngân hàng. Lúc đó, Bộ Tài chính đã cấp 20 tỷ đồng đề đầu tư cho các hoạt động tiến hành cổ phần hóa MobiFone.

"Công ty tư vấn đã xây dựng được 5 phương án đánh giá giá trị của MobiFone lúc đó. Tuy nhiên, sau đó việc cổ phần hóa MobiFone bị dừng lại."

ICTnews nói theo các nguồn tin không chính thức và không được các cơ quan có thẩm quyền xác nhận, MobiFone được định giá khoảng hai tỷ đô la vào thời điểm Chính phủ Việt Nam tuyên bố sẽ cổ phần hóa công ty này hồi năm 2006.

Theo thông tin từ trang web của Công ty Chứng khoán Bản Việt, con gái Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, bà Nguyễn Thanh Phượng, là Chủ tịch Hội đồng Quản trị công ty này.

Con rể ông, Nguyễn Bảo Hoàng (Henry), là thành viên Hội đồng Quản trị. - BBC

No comments:

Post a Comment