Sunday, September 6, 2015

Tin Cập Nhật Chủ Nhật 6/9

Tin Thế Giới

1.
TQ: Ấn Độ hành động 'bất hợp pháp' ở Biển Đông --- Philippines: TQ phải từ bỏ "luận điệu dối trá" về Biển Đông

Trung Quốc lại vừa khẳng định quyền kiểm soát của mình trên một vùng biển ngoài khơi Việt Nam, với tuyên bố việc Ấn Độ tiến hành thăm dò khai thác dầu ở đây là bất hợp pháp.

"Việc Ấn Độ lại một lần nữa tính khai thác dầu ở vùng biển có tranh chấp ở biển Đông là một bước đi thiếu khôn ngoan, bởi nó sẽ làm phức tạp thêm các tranh chấp biển và làm tổn hại tới đà phát triển tích cực đã đạt được trong quan hệ Trung-Ấn," tờ Trung Hoa Nhật báo được tờ báo của Ấn Độ, Times of India trích dẫn.

"Công ty Ấn Độ cần phải được cho biết rằng: Nếu không có sự cho phép từ chính phủ Trung Quốc thì các hoạt động của bất kỳ công ty nước ngoài nào tại các vùng biển đang tranh chấp này cũng đều là bất hợp pháp," Trung Hoa Nhật báo viết, và cảnh báo hãng của Ấn hãy "nghĩ lại về các kế hoạch khai thác".

Ấn Độ đang hợp tác với Việt Nam trong hoạt động được Trung Quốc đề cập ở trên, và hiện đã tới bước chuẩn bị đưa một giàn khoan dầu khí vào khu vực.

Đây là các hoạt động được triển khai theo thỏa thuận được ký với hãng dầu khí Việt Nam, PetroVietnam hồi tháng 10/2011.

Phía Ấn Độ từng nói nói đây là hoạt động kinh tế không liên quan tới tranh chấp lãnh thổ giữa các bên.

Tuy nhiên, trong bài xã luận mới đây, tờ báo Trung Quốc cho rằng "cân nhắc tới những căng thẳng đang tồn tại ở Biển Đông thì bước đi của New Delhi sẽ chỉ làm trầm trọng thêm tình hình."

Ấn Độ cần "tránh có những bước đi sai lầm có thể phá hoại những phát triển tốt đẹp" trong quan hệ với Bắc Kinh, Trung Hoa Nhật báo cảnh báo thêm.

Một tờ báo khác của Trung Quốc, Hoàn Cầu Thời báo, viết rằng việc Tập đoàn Dầu Khí Ấn Độ sẵn sàng đưa một giàn khoan dầu vào Biển Đông là nhằm giúp chính phủ Việt Nam thăm dò nguồn tài nguyên thiên nhiên ở vùng biển có tranh chấp.

Công ty Dầu Khí Videsh là công ty hải ngoại của Tập đoàn Dầu Khí Ấn Độ cách đây gần bốn năm đã ký hợp đồng phân chia sản phẩm với Việt Nam nhằm khai thác tại Lô 128.

Đây là khu vực rộng 7.058 cây số vuông ngoài khơi Phan Thiết, thuộc bồn trũng Phú Khánh, theo hãng tin Bloomberg.

Videsh đã có những lúc tỏ ý muốn rút hoạt động này, mà theo hãng nói là vì lý do hiệu quả kinh tế.

Tuy nhiên, vào cuối tháng Tám vừa rồi họ vừa được PetroVietnam gia hạn cấp phép hoạt động tới tháng Sáu 2016, trang tin VnExpress nói.

'Xử lý đúng đắn'

Trong một diễn biển riêng rẽ, các nhà lãnh đạo của Trung Quốc và Việt Nam hôm thứ Năm 3/9 đã đồng ý sẽ "xử lý đúng đắn" các bất đồng liên quan tới tranh chấp ở biển Đông, Tân Hoa Xã đưa tin.

"Chúng tôi ủng hộ việc xử lý đúng đắn các tranh chấp giữa hai bên thông qua đối thoại, và mở rộng hợp tác và các lợi ích chung," Tân Hoa Xã dẫn lời ông Tập Cận Bình nói với ông Trương Tấn Sang trong chuyến đi của Chủ tịch Việt Nam tới Trung Quốc dự lễ duyệt binh đánh dấu 70 năm kết thúc Thế chiến II tại Á châu.

Về phần mình, Chủ tịch Sang nói: "Việt Nam hy vọng tăng cường sự tin cậy chính trị... xử lý đúng đắn những khác biệt và tăng cường hợp tác hai bên cùng có lợi," Tân Hoa Xã trích thuật. - BBC

***
Chỉ vài hôm sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định rằng Bắc Kinh quyết tâm theo đuổi hòa bình và không hề có ý hướng "bá quyền", nhân một buổi lễ duyệt binh được cho là nhằm phô trương sức mạnh quân sự, Bộ Quốc phòng Philippines vào hôm nay, 06/09/2015, đã công khai lên tiếng cho rằng Bắc Kinh phải chứng minh bằng hành động cụ thể là họ mong muốn hòa bình ở Biển Đông, thay vì chỉ có những "luận điệu dối trá" về hòa bình.

Trong một bản tuyên bố được hãng tin Pháp AFP trích dẫn, ông Peter Paul Galvez, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Philippines nói nguyên văn như sau: "Lãnh đạo Trung Quốc cần phải đi xa hơn là những luận điệu dối trá cho rằng họ mưu cầu hòa bình, trước khi mà các hành vi hung hăng của họ gây ra những tổn hại lớn hơn và không thể khắc phục được đối với khu vực" và cả bên ngoài khu vực. 

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Philippines đã nêu bật các hành vi của Trung Quốc tại Biển Đông khi xác định rằng: "Chúng tôi kêu gọi chính phủ Trung Quốc chứng tỏ sự thành thật của mình, bằng cách ít ra là đình chỉ các hoạt động xây dựng và quân sự hóa, và tránh việc hạn chế quyền tự do hàng không và hàng hải" tại vùng biển đang tranh chấp. 

Theo ông Peter Paul Galvez, Bộ Quốc phòng Philippines hoan nghênh tuyên bố mới đây của lãnh đạo Trung Quốc, cam kết theo đuổi con đường hòa bình, nhưng cũng tự hỏi là nếu như vậy thì tại sao Trung Quốc lại phô trương các loại vũ khí tấn công nhân buổi lễ duyệt binh ngày 03/09/2015 vừa qua. 

Trung Quốc tự nhận mình là sở hữu chủ của hầu như toàn bộ Biển Đông, bất chấp các tuyên bố chủ quyền của Philippines cũng như của Brunei, Malaysia, Việt Nam và Đài Loan. 

Trong số các nước tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông với Trung Quốc, Philippines là quốc gia thường xuyên có những lời đả kích mạnh mẽ nhất nhắm vào các hành động hung hăng của Bắc Kinh, mà gần đây nhất là việc bồi đắp các đảo đá mà Trung Quốc từng đánh chiếm và lấn chiếm của Philippines và Việt Nam, biến các nơi này thành tiền đồn có thể dùng vào mục tiêu quân sự. - RFI
|
|

2.
Hội đồng Cải cách Thái Lan bác bỏ dự thảo Hiến pháp mới

Với 135 phiếu chống, chỉ có 105 phiếu thuận, vào hôm nay 06/09/2015, Hội đồng Cải cách Quốc gia, một cơ chế do chính Tập đoàn Quân sự tại Thái Lan bổ nhiệm, đã bác bỏ bản dự thảo Hiến pháp mới được chính giới tướng lãnh ủng hộ. Sự kiện có vẻ như là một vố đau cho tập đoàn quân sự đương quyền, trong thực tế lại cho phép Quân đội Thái tiếp tục cầm quyền thêm một thời gian nữa một cách danh chính ngôn thuận.

Trên nguyên tắc, để được thông qua, dự thảo Hiến Pháp mới phải được 124 phiếu thuận, rồi sau đó được đưa ra trưng cầu dân ý. Do việc bị bác bỏ vào hôm nay, quy trình lại phải làm lại từ đầu, với hệ quả là ngày bầu cử Quốc hội mới cho Thái Lan chỉ có thể diễn ra sớm nhất là vào tháng Tư năm 2017.

Trong thời gian đó, chính phủ gọi là chuyển tiếp ở Thái Lan – tức là Quân đội – vẫn tiếp tục cầm quyền. Từ Bangkok, Thông tín viên RFI Arnaud Dubus phân tích:

"Dự thảo Hiến pháp được Tập đoàn Quân sự cầm quyền thúc đẩy đã bị một Hội đồng do họ thành lập bác bỏ. Đây là một cái tát đối với giới tướng lãnh đã lên nắm quyền vào năm ngoái, vì trong thời gian qua, để đảm bảo sao cho văn kiện được thông qua, họ đã sử dụng mọi phương tiện, kể cả việc kiểm soát nghiêm ngặt cuộc tranh luận công khai.

Tuy vậy, dự thảo Hiến pháp mới - mà mục tiêu là nhằm giảm quyền hạn của chính quyền dân cử - đã bị hầu như tất cả tầng lớp chính trị tại Thái Lan chỉ trích nặng nề, nhất là trên điều khoản cho thành lập một Hội đồng do quân đội chỉ định, có thể đứng ra cầm quyền "trong thời gian khủng hoảng".

Thế nhưng, điều nghịch lý là thất bại trong việc cho thông qua bản dự thảo Hiến pháp lại phục vụ cho mong muốn không che giấu của tập đoàn quân sự Thái Lan là tiếp tục cầm quyền, ít ra là cho đến năm 2017.  

Thật vậy, tiến trình soạn thảo Hiến pháp sẽ phải bắt đầu lại từ số không, và như vậy, chế độ gọi là "chuyển tiếp chính trị" hiện thời sẽ kéo dài thêm ít nhất là tám tháng.

Câu hỏi được đặt ra là các tướng lãnh Thái Lan sẽ phản ứng như thế nào trước việc dự thảo Hiến pháp của họ bị bác bỏ. Họ sẽ lắng nghe những lời chỉ trích, và sẽ cởi mở hơn, hay là ngược lại, sẽ nổi giận và tìm cách thanh lọc mọi tiếng nói bất đồng trong phe của minh." - RFI
|
|

3.
Đức, Áo đón nhận hàng ngàn người tị nạn

Đức và Áo đón nhận hàng ngàn di dân ở biên giới hôm Chủ nhật.

Đa số các di dân này chọn xin tị nạn tại Đức, nước giàu nhất châu Âu. 

Theo dự đoán đến cuối ngày hôm nay khoảng 8.000 người tị nạn sẽ đến Đức. 

Các giới chức Đức nói họ sẽ nhận khoảng 800.000 người tị nạn trong năm nay.

Những người tìm đường tị nạn rời Hungary hôm thứ Bảy và hướng về tây Âu. Họ đi bằng xe buýt, xe lửa và đi bộ. Nhiều di dân đã băng qua Hungary ngày hôm nay.

Các nước thành viên của Liên hiệp châu Âu chia rẽ vì vấn đề làn sóng người tị nạn ồ ạt kéo đến chưa từng thấy. 

Trưởng ban đối ngoại của Liên hiệp châu Âu, bà Federica Mogherini cảnh bao rằng dòng người tị nạn "đến đây và ở lại đây" và kêu gọi một chính sách thống nhất của châu Âu để đối phó với vấn đề này.

Ngoại trưởng Áo Sebastian Kurz nói rằng hoàn cảnh tuyệt vọng của di dân và số di dân thiệt mạng gia tăng là "hồi chuông cảnh tỉnh" cho châu Âu phải giải quyết cuộc khủng hoảng người tị nạn lớn nhất tại châu lục này kể từ Thế chiến thứ II.

Những người tị nạn trốn chạy chiến tranh và nghèo đói từ những nơi như Syria, Afghanistan, Iraq, Eritrea, và Somalia. - VOA
|
|

4.
Cử tri Guatemala đi bầu tổng thống

Guatemala vẫn tiến hành bầu cử tổng thống hôm nay, Chủ nhật, bất chấp những kêu gọi trì hoãn và việc Tổng thống Otto Perez Molina từ chức hôm thứ Năm vì những cáo buộc tham nhũng.

Mấy trăm người biểu tình giận dữ về bê bối tham nhũng đã kêu gọi hoãn cuộc bầu cử lại. 

Những người biểu tình đã tụ tập tại Tòa Thượng thẩm ở Guatemala City nơi ông Perez Molina ra trước tòa hôm thứ Năm và thứ Sáu.

Cuộc bầu cử hôm nay được tổ chức để bầu chọn một tổng thống cho nhiệm kỳ kế tiếp bắt đầu vào năm tới. 

Từ bây giờ cho đến khi đó, Phó Tổng thống Alejandro Maldonado sẽ làm tổng thống, và ông đã tuyên thệ nhậm chức hôm thứ Năm sau khi ông Molina từ chức.

Ông Perez Molina nói tại tòa rằng ông vô tội trước cáo buộc rằng ông nhận 800.000 đôla hối lộ từ một nhóm có tên "Đường dây." Tên "Đường dây" này ám chỉ một đường dây điện thoại đặc biệt dành cho những người làm ăn bị cáo buộc đã hối lộ cho các giới chức để được miễn thuế nhập khẩu.

Cựu Tổng thống Molina nói tại tòa án hôm thứ Sáu rằng ông không nhận hối lộ và ông đã từ chối những mời chào hối lộ với giá trị cao hơn gấp 10 lần như vậy từ trùm ma túy Joaquin "El Chapo" Guzman.

Ông Perez Molina là người có công trong việc bắt giữ Guzman. Tay trùm ma tuý đào thoát khá lâu này sau đó đã vượt ngục ở Mexico nhờ việc hối lộ cho các nhân viên nhà tù.

Ông Perez Molina đắc cử năm 2011 với hứa hẹn bài trừ tham nhũng, Nhưng Guatemala tiếp tục là một trong những nước nghèo nhất Mỹ châu La tinh.

Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Josh Earnest cho biết Washington ủng hộ quyết định từ chức của ông Perez Molina. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

5.
Mỹ mừng Lễ Lao động

Người dân Mỹ mừng Lễ Lao động vào ngày thứ Hai 7/9.

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama dùng bài diễn văn hàng tuần để vinh danh người lao động Mỹ trong dịp lễ này.

Nhà lãnh đạo Mỹ cũng nói về tỉ lệ thất nghiệp trong báo cáo mới nhất đạt mức thấp nhất trong 7 năm qua.

Tổng thống Obama nói: "Báo cáo hôm thứ Sáu vừa qua cho chúng ta thấy kinh tế Mỹ tạo được thêm 173.000 công viện làm trong tháng 8.

Trong 5.5 năm qua, các doanh nghiệp của chúng ta đã tạo được tất cả 13.1 triệu công ăn việc làm mới, một sự tăng trưởng về công ăn việc làm liên tục dài kỷ lục."

Tuy nhiên Cố vấn kinh tế của Tòa Bạch Ốc Jason Furman cảnh báo tăng trưởng kinh tế có thể gặp phải trở ngại về những vấn đề của kinh tế toàn cầu nói chung. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

6.
Người Việt ‘cuồng’ điện thoại thông minh nhất Đông Nam Á

Việt Nam trở thành thị trường điện thoại thông minh tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á với tỷ lệ tăng hơn 20% trong nửa đầu năm nay.

Theo số liệu thống kê của công ty nghiên cứu thị trường quốc tế GfK, gần 40 triệu điện thoại thông minh đã được bán ra tại khu vực này trong nửa năm 2015, thu về 8 tỷ đôla, tăng so với mức 36,6 triệu máy trong cùng kỳ năm 2014.

Số điện thoại thông minh bán ra trong thời gian này ở Việt Nam tăng 27% với doanh số tổng cộng là 6 triệu chiếc, biến nước này trở thành thị trường điện thoại thông minh lớn thứ ba trong khu vực.

Hai quốc gia còn lại nằm trong danh sách các nước có mức tăng trưởng về điện thoại thông minh nhanh nhất Đông Nam Á là Thái Lan và Philippines.

Trong khi đó, Indonesia vẫn là thị trường lớn nhất khu vực với gần 15 triệu máy bán ra trong nửa đầu năm nay.

Còn thị trường Singapore và Malaysia tăng trưởng chậm vì người dân cắt giảm chi tiêu sau khi hai nước này triển khai thuế bán hàng.

Liên quan tới lĩnh vực điện thoại, một báo cáo mới công bố của hãng Ericsson cho biết dữ liệu di động 3G của Việt Nam “rùa” nhất trong khu vực Đông Nam Á và Châu Đại Dương, xếp sau cả Miến Điện và thua xa Thái Lan.

Việt Nam bị xếp cuối cùng trong số 9 nước được khảo sát trong khu vực, và đây là lần thứ hai liên tiếp Việt Nam “đội sổ”.

Trong khi đó, báo chí trong nước đưa tin, Tập đoàn Viễn thông Quân đội cho biết từ tháng 10 bắt đầu cung cấp thử nghiệm 4G, trở thành đơn vị đầu tiên của Việt Nam triển khai dịch vụ này. - VOA

No comments:

Post a Comment