Tuesday, September 22, 2015

Tin Cập Nhật Thứ Ba 22/9

Tin Thế Giới

1.
Tổng thống Mỹ, Chủ tịch TQ sẽ gặp nhau giữa những căng thẳng --- TT Obama sẽ nêu vấn đề nhân quyền với Tập Cận Bình

Tổng thống Barack Obama sẽ tiếp đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Tòa Bạch Ốc giữa những quan ngại của Hoa Kỳ về thái độ của Trung Quốc trong một loạt các vấn đề, từ an ninh mạng cho đến Biển Đông. Thông tín viên Đài VOA Aru Pande có thêm chi tiết về lý do tại sao chuyến viếng thăm này diễn ra vào một thời điểm trọng yếu cho cả hai nước.

Liệu những cuộc thảo luận có diễn ra hay không?

Đó là câu hỏi nhiều người đặt ra sau một khi những tay tin tặc mà người ta cho là ở Trung Quốc đánh cắp thông tin của hơn 21 triệu người Mỹ.

Tại một cuộc họp với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ hồi tuần trước, Tổng thống Obama phát biểu như sau về vấn đề này:

“Chính phủ ông hay là những người được ủy nhiệm đã trực tiếp dính líu tới những hoạt động gián điệp công nghiệp và đánh cắp những bí mật thương mại, đánh cắp những thông tin là tài sản của các công ty. Chúng tôi xem việc này là một hoạt động gây hấn cần phải chấm dứt.”

Tổng thống Obama cho biết đó sẽ là một trong các đề tài lớn nhất tại các cuộc thảo luận ngày thứ Sáu tại Tòa Bạch Ốc với Chủ tịch Tập Cận Bình.

Tuy nhiên đây là một vấn đề Tổng thống Obama đã nêu lên vào tháng 6 năm 2013 khi hai nhà lãnh đạo gặp nhau tại California.

Ông David Lampton, giám đốc chương trình nghiên cứu về Trung Quốc tại Trường đại học Johns Hopkins, nói:

“Hoa Kỳ ngày càng thúc đẩy đi đến tận cùng vấn đề, và tôi nghĩ chúng ta cần có một số tiến bộ về những vấn đề này hay chúng ta sẽ phải nghĩ về cách làm thế nào để trình bày những quyền lợi của chúng ta một cách hữu hiệu hơn.”

Một trong những giải pháp chống lại những hành động này là những chế tài kinh tế, mà chính quyền đã quyết định tạm thời không thực hiện trước chuyến viếng thăm tuần này.

Một lãnh vực tranh chấp khác mà một số người muốn thấy Hoa Kỳ có hành động mạnh mẽ hơn là tại Biển Đông, nơi Bắc Kinh đã xây dựng những đảo nhân tạo trên vùng biển mà Việt Nam, Malaysia, Đài Loan và Philippines cũng có những yêu sách chủ quyền chồng chéo nhau.

Ông Robert Daly thuộc Trung tâm Wilson nói:

“Sẽ có một tình trạng bình thường mới. Có thể có một sự bình thường mới trong đó chúng ta đặt ra dấu mốc và đòi quyền hàng hải hay một sự bình thường mới trong đó chúng ta không đòi. Và đây là việc tán thành ý muốn của Trung Quốc. Và nếu chúng ta càng chờ đợi lâu để thực hiện tự do hàng hải thì việc này sẽ càng trở thành khó thi hành hơn.”

Ông Robert Daly thuộc Trung tâm Wilson nói mặc dù những chuyến đi của tàu hải quân để thực thi quyền tự do hàng hải như vậy là cần thiết, nhưng điều đó không có nghĩa là Hoa Kỳ nên ngưng giao tiếp với Trung Quốc.

“Tôi nghĩ việc giao tiếp vẫn cực kỳ quan trọng và phải là nền tảng của mối quan hệ. Chúng ta không thể làm ngơ hay cô lập Trung Quốc.”

Cả hai ông Daily và Lampton đều không đồng ý với những người cho rằng Tổng thống Obama nên hủy chuyến viếng thăm chính thức của ông Tập Cận Bình.

Ông David Lampton thuộc Trường đại học Johns Hopkins nói:

“Cái giá phải trả cho việc leo thang xung đột là vô cùng to lớn, và Hoa Kỳ đang có các cuộc xung đột tại nhiều vùng trên thế giới. Hoa Kỳ không cần phải có vấn đề với quốc gia chiếm 20% dân số thế giới.”

Trong khi Tổng thống Obama tìm cách hạ giảm các mối căng thẳng và muốn thẳng thắn truyền đạt những lo ngại của Hoa Kỳ, các nhà phân tích nói ông Tập Cận Bình có phần chắc là sẽ quan tâm nhiều hơn về việc dân chúng Trung Quốc nghĩ như thế nào về chuyến đi này. - VOA

***
Thành tích nhân quyền Trung Quốc sẽ là một trong những vấn đề then chốt được mang ra thảo luận tại cuộc họp ở Washington trong tuần này giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Trung Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Susan Rice cho biết như vậy hôm thứ hai và lập lại lời kêu gọi Bắc Kinh trả tự do cho tất cả các tù nhân chính trị. Thông tín viên Zlatica Hoke của đài VOA tường thuật.

Bà Susan Rice đã thực hiện 3 chuyến viếng thăm chính thức đến Trung Quốc. Phát biểu tại một cuộc hội thảo ở Washington hôm thứ hai, bà nói rằng trong tất cả các chuyến đi đó bà đều nêu lên vấn đề nhân quyền với các giới chức ở Bắc Kinh.

"Việc câu lưu các luật sư, các nhà báo và những người tranh đấu chống tham nhũng chỉ làm cho tính chất khả tín của những nỗ lực giải quyết các thách thức của Trung Quốc bị giảm đi, và chỉ gây phương hại cho khả năng của họ để xây dựng một xã hội thịnh vượng và ổn định. Hạn chế tự do internet trong lúc phần còn lại của thế giới đang tiến tới chỗ kết nối và mở rộng nhiều hơn chỉ làm mất đi những cơ hội thăng tiến của người dân Trung Quốc."

Các tổ chức nhân quyền và các chính khách ở Mỹ nói rằng những vụ vi phạm nhân quyền do chính phủ Trung Quốc thực hiện đã trở nên tồi tệ hơn từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền.

Dân biểu Christopher Smith nhận định như sau tại một cuộc điều trần mới đây ở quốc hội Mỹ.

"Trung Quốc đang đua nhau với Bắc Triều Tiên để giành cho được danh hiệu kẻ xâm phạm nhân quyền tệ hại nhất thế giới."

Ông Dương Kiến Lợi, một nhân vật tranh đấu nhân quyền Trung Quốc, phát biểu như sau tại cuộc điều trần này.

"Tôi nghĩ rằng tình hình nhân quyền ở Trung Quốc nói chung là rất xấu. Tôi cho rằng tình hình xấu như vậy phần lớn là vì chính sách vuốt ve của các nước phương Tây, như nước Mỹ."

Nhiều người đang thúc giục quốc hội Mỹ đặt ra những luật lệ để nối kết thành tích nhân quyền Trung Quốc với khả năng làm ăn mua bán của họ với nước Mỹ. Các nhân vật tranh đấu cũng nêu lên sự nghi ngờ về tính chất hợp pháp của chính phủ Trung Quốc, một chính phủ mà họ cho là không còn đại diện cho ý chí của đa số dân chúng.

Ông Tiêu Cường, chủ biên tờ China Digital Times, phát biểu như sau.

"Những nhà cai trị, nhất là những lãnh tụ độc tài, sẽ lợi dụng chủ nghĩa dân tộc để có những hành vi cực đoan để bảo vệ chế độ, và thậm chí còn tạo ra những vụ khủng hoảng và những vấn đề ở nước ngoài và những vụ xung đột để củng cố sự ủng hộ ở trong nước và để ra tay đàn áp."

Trong khi đó, chính phủ Trung Quốc một lần nữa khẳng định quyết tâm theo đuổi đường lối riêng của mình. Ngoại trưởng Vương Nghị phát biểu như sau trước khi ông Tập Cận Bình lên đường sang thăm Hoa Kỳ.

"Trung Quốc sẽ đưa ra một thông điệp rõ ràng cho chính phủ và công chúng Hoa Kỳ và toàn thể thế giới là trong tư cách của một nước lớn ở phương Đông với lịch sử hơn 5.000 năm, Trung Quốc sẽ kiên quyết đi theo con đường của chính mình để xây dựng một nước xã hội chủ nghĩa với những sắc thái đặc thù của mình."

Nhà cầm quyền Bắc Kinh thường xuyên bác bỏ những sự chỉ trích đối với thành tích nhân quyền của họ và cho rằng những hành động đó là can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc. - VOA
|
|

2.
Ứng viên tổng thống Đài Loan đề nghị đối thoại về Biển Đông

Người đang dẫn đầu trong cuộc đua giành chức tổng thống ở Đài Loan đề nghị đàm phán với các nước dính líu vào một vụ tranh chấp lâu năm về chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông. Theo tường thuật của thông tín viên Ralph Jennings của đài VOA tại Đài Bắc, cách tiếp cận của bà Thái Anh Văn có thể làm cho Đài Loan dính líu nhiều hơn vào vụ tranh chấp Biển Đông sau nhiều thập niên bị gạt ra bên lề.

Bà Thái Anh Văn hôm nay nói với một nhóm các nhà ngoại giao nước ngoài rằng, nếu đắc cử tổng thống, bà sẽ theo đuổi mục tiêu đối thoại với Brunei, Trung Quốc, Malaysia, Philippines và Việt Nam – là những nước có yêu sách chủ quyền từng phần hoặc toàn bộ Biển Đông.

Đài Loan đã chiếm đảo Itu Aba (Việt Nam gọi là Ba Bình và Trung Quốc gọi là Thái Bình), là hòn đảo lớn nhất ở Trường Sa, từ năm 1956, trong lúc Việt Nam, Philippines, Malaysia, và Trung Quốc chiếm đóng một số những hòn đảo nhỏ hơn ở xung quanh.

Trong vài năm qua, Trung Quốc đã làm cho căng thẳng trong khu vực này tăng mạnh qua việc xây dựng những hòn đảo nhân tạo và đưa giàn khoan dầu vào vùng biển mà Việt Nam cho là thuộc vùng đặc quyền kinh tế của mình.

Bà Thái Anh Văn cho rằng ngoại giao là chìa khoá để giải quyết vụ tranh chấp này.

"Chúng tôi sẽ tích cực làm việc để giảm thiểu căng thẳng tại các điểm nóng trong khu vực, như Biển Đông, nơi mà tình trạng đối đầu đang tạo ra mối nguy là quan hệ hoà bình trong nhiều thập niên trong khu vực có thể bị tổn hại. Chúng tôi sẵn sàng tham gia đối thoại với các bên khác nhau với mục đích tìm kiếm một giải pháp ngoại giao."

Tháng 5 vừa qua, ông Mã Anh Cửu, đương kim tổng thống Đài Loan, đề nghị một kế hoạch hoà bình, theo đó các bên liên hệ sẽ gác qua một bên những vụ tranh chấp chủ quyền để cùng nhau khai thác tài nguyên trong khu vực.

Tuy nhiên, thực tế chính trị cho thấy rất khó để tìm được một giải pháp ngoại giao. Tổng thống Mã Anh Cửu sẽ rời khỏi chức vụ vào năm tới và không thể tái tranh cử vì giới hạn nhiệm kỳ. Và cho đến nay, chưa có nước nào trong vụ tranh chấp Biển Đông tán đồng kế hoạch hoà bình của ông.

Trung Quốc cho rằng Đài Loan là một tỉnh phản loạn và đòi các nước khác trong vụ tranh chấp Biển Đông không được đàm phán với chính phủ ở Đài Bắc.

Các nhà quan sát cho rằng cuộc thảo luận với các nước khác có yêu sách chủ quyền ở Biển Đông có thể được thực hiện thông qua các văn phòng văn hoá và thương mại mà Đài Loan đã thiết lập tại hầu hết các nước quan trọng trên thế giới. Những văn phòng đó không có qui chế ngoại giao chính thức, nhưng nhân viên tại những cơ sở đó là nhân viên chính phủ.

Trong trường hợp các nước khác trong vụ tranh chấp chủ quyền đồng ý nói chuyện với Đài Loan bất chấp sự phản đối của Trung Quốc, một cuộc đối thoại như vậy sẽ là một phép thử về các mối quan hệ của Đài Bắc ở Á châu.

Các mối liên hệ về thương mại và đầu tư mà Đài Loan xây dựng với Trung Quốc từ năm 2008 có thể bị đe dọa, và các nước Đông Nam Á có yêu sách chủ quyền ở Biển Đông có thể sẽ yêu cầu Đài Loan ký kết một bộ qui tắc ứng xử mà hiện nay Đài Loan bị gạt ra ngoài vì không có quan hệ ngoại giao. Chính phủ Đài Loan cũng mong muốn cải thiện quan hệ với Trung Quốc. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
Ông Ben Carson bị kêu gọi rút khỏi cuộc đua tổng thống của đảng Cộng hòa

Một nhóm quyền tự do dân sự Hồi giáo ở Mỹ hôm thứ Hai đã kêu gọi cựu bác sĩ giải phẫu thần kinh Ben Carson, một trong những ứng cử viên hàng đầu của Đảng Cộng hòa, từ bỏ cuộc đua tranh cử tổng thống năm 2016 sau khi ông nói người Hồi giáo không nên trở thành nhà lãnh đạo của Mỹ.

Nihad Awad, giám đốc điều hành Hội đồng Quan hệ Mỹ-Hồi giáo, nói rằng ông Carson, một Kitô hữu sùng đạo và là một trong những người đang dẫn đầu trong những cuộc thăm dò ý kiến cử tri Cộng hòa, nên rút lui "do ông ta không thích hợp làm lãnh đạo vì quan điểm của ông ta trái với Hiến pháp Hoa Kỳ."

Ông Awad lưu ý Hiến pháp Hoa Kỳ nói rằng "không có sự kiểm tra tôn giáo nào bắt buộc dùng làm tiêu chuẩn" cho những chức vụ công cử ở Mỹ.

"Điều này không thể bị hiểu lầm.... Đây là ngôn ngữ rất rõ ràng đối với mọi người Mỹ, mọi thế hệ, bất kể họ là ai," ông Awad cho biết tại một cuộc họp báo.

Ông Carson nói trên chương trình Meet the Press của đài NBC hôm Chủ nhật rằng, ''Tôi sẽ không ủng hộ việc đưa một người Hồi giáo lên lãnh đạo đất nước này. Tôi hoàn toàn không đồng ý với điều đó.''

Ông nói rằng tín ngưỡng của tổng thống nên là vấn đề quan trọng đối với cử tri và ông mô tả tín ngưỡng Hồi giáo là không phù hợp với Hiến pháp, mặc dù ông không nói rõ Hồi giáo đi ngược lại những nguyên tắc hiến pháp ở điểm nào.

Những phát biểu của ông Carson được đưa ra giữa lúc đang có tranh cãi về việc ứng cử viên Đảng Cộng hòa Donald Trump tuần trước đã không chỉ ra cái sai trong tuyên bố của một người đặt câu hỏi trong một buổi vận động tranh cử ở bang New Hampshire nói rằng Tổng thống Barack Obama là người Hồi giáo và Hồi giáo là "một vấn đề ở đất nước này."

Ông Carson đang đứng thứ hai sau ông Trump trong những cuộc thăm dò ý kiến cử tri đảng Cộng hòa ở Mỹ hơn bốn tháng trước cuộc bỏ phiếu vòng đầu tiên trong cuộc đua giành đề cử ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hòa.

Nhưng ông Carson đã tụt xuống vị trí thứ ba trong một cuộc thăm dò sau cuộc tranh luận lần thứ hai của các ứng cử viên Đảng Cộng hòa vào tuần trước. Ông Trump vẫn đang dẫn đầu nhưng đã đánh mất nhiều sự ủng hộ, tiếp theo sau là một người ngoài chính giới, cựu giám đốc Carly Fiorina. Bà vươn lên vị trí thứ hai sau phần tranh luận gây ấn tượng. - VOA
|
|

4.
Bắc Kinh bắt giữ một phụ nữ Mỹ gốc Hoa bị nghi là gián điệp

Vào lúc Chủ tịch Trung Quốc bắt đầu chuyến công du Hoa Kỳ, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 22/09/2015 đã xác nhận vụ bắt giữ một nữ doanh nhân người Mỹ gốc Hoa nhưng sinh ra tại Việt Nam. Người này đã bị bắt giữ từ 6 tháng nay nhân một chuyến thăm Trung Quốc, nhưng mãi đến nay vụ việc mới được chính quyền Bắc Kinh tiết lộ.

Trong một buổi họp báo, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho biết là bà Sandy Phan-Gillis bị bắt giữ vì bị tình nghi "gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia Trung Quốc" và đang được các cơ quan "có liên can" điều tra. Ông Hồng Lỗi xác nhận rằng tính đến giữa tháng Chín, nhân viên lãnh sự Mỹ đã được phép vào thăm bà Phan-Ellis ít nhất là 6 lần, và đương sự vẫn khỏe và hợp tác với giới điều tra.

Sở dĩ Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã phải lên tiếng xác nhận vụ việc, đó là vì mới đây, gia đình bà Phan-Ellis và một số hội đoàn tại Mỹ đã lên tiếng báo động về vụ bắt giữ này. Theo trang web savesandy. org được thành lập để kêu cứu, bà Sandy Phan-Ellis bị tình nghi làm gián điệp và đánh cắp bí mật nhà nước của Trung Quốc. Xuất thân trong một gia đình có gốc gác ở miền Nam Trung Quốc, bà sinh ra ở Việt Nam, rời Việt Nam qua Mỹ vào cuối những năm 1970 trong làn sóng người vượt biên.

Ở Mỹ, bà sinh sống tại Houston, và là người đứng đầu Hiệp hội thành phố kết nghĩa Houston-Thẩm Quyến. Tháng Ba vừa qua, bà đã đi thăm Trung Quốc trong một phái đoàn thương mại, và đã bị bắt giam ngày 19/03 khi tìm cách đi từ thành phố Chu Hải (miền nam Trung Quốc) qua Macao.

Theo luật về bí mật quốc gia của Trung Quốc, tất cả mọi thứ từ dữ liệu công nghiệp cho đến ngày sinh chính xác của giới lãnh đạo nhà nước đều thuộc diện này. Thậm chí thông tin cũng có thể bị dán nhãn bí mật nhà nước sau khi được loan tải. - RFI
|
|

Tin Việt Nam

5.
Giáo dân Việt trước giờ Đức Giáo Hoàng đến thủ đô Mỹ

Sự kiện Đức Giáo Hoàng Phanxicô lần đầu tiên đến thăm thủ đô Washington D.C, Hoa Kỳ từ ngày 22/9 – 24/9 được xem là một sự kiện trọng đại. Các cơ quan công lực dự kiến có hàng trăm ngàn người sẽ đổ về Washington trong 3 ngày này. Các phương tiện giao thông công cộng sẽ bị quá tải không khác gì ngày tuyên thệ nhậm chức của tổng thống Mỹ. Vậy còn giáo dân Việt Nam ở khu vực này thì thế nào? Phóng viên Khánh An của ban Việt ngữ VOA tìm hiểu.

Ngôi nhà thờ Giáo xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam ở Arlington, Virgina, thuộc khu vực thủ đô Washington D.C của Mỹ, là nơi tập trung đông đảo giáo dân Việt Nam từ nhiều năm nay. Dù mỗi Chủ Nhật ở đây đều có nhiều thánh lễ khác nhau, nhưng số người đi lễ dường như vẫn quá tải so với sức chứa của ngôi nhà thờ nhỏ vừa được nới rộng, tu bổ thêm vài năm trước.

Thánh lễ ngày 20/9 có vẻ đặc biệt hơn những Chủ Nhật khác. Ngôi thánh đường nhỏ có sự hiện diện của hai lãnh đạo tinh thần quan trọng của giáo dân Việt Nam từ quê nhà sang, đó là Giám mục Bùi Văn Đọc - Tổng Giám mục Giáo phận Sài Gòn – và Giám mục Nguyễn Thái Hợp – Giám mục Giáo phận Vinh, Chủ tịch Ủy ban Công lý Hòa bình thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam để cùng tham dự những sự kiện chào đón Đức Giáo Hoàng Phanxicô đến Mỹ vào thứ Ba.

Chị Hường, một ca viên trong giáo xứ, chia sẻ:

“Chị rất mong được gặp Đức Giáo Hoàng bởi vì đây là sự kiện rất quan trọng trong cuộc đời đối với một người Công giáo, thành ra chị hy vọng gặp được Đức Giáo Hoàng tận mắt, nếu bắt tay được với Đức Giáo Hoàng thì càng tốt.”

Nhưng cũng như người dân ở khắp khu vực thủ đô và các tiểu bang khác trên nước Mỹ, cơ hội cho giáo dân Việt được trực tiếp hôn tay Đức Giáo Hoàng là cực kỳ nhỏ. Ông nói:

“Muốn [gặp] lắm, nhưng khó mà chen chân lắm. Mình chỉ đứng xa ra để nhìn thấy dung nhan Ngài mà thôi”.

Linh mục Hoàng Thanh Sơn của Giáo xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam cho biết việc gặp Đức Giáo Hoàng là một điều rất cần thiết đối với đời sống tâm linh của một giáo dân Công giáo, nhưng vì những tấm vé tham dự các thánh lễ mà Đức Giáo Hoàng sẽ cử hành tại D.C. được phân phối đều cho tất cả các giáo xứ nên số lượng vé ở mỗi giáo xứ là rất hạn chế:

“Tất cả cộng đồng Việt Nam hải ngoại, nhất là vùng Washington D.C – Virginia này, rất nóng lòng muốn gặp Đức Thánh Cha qua sự thăm viếng của Ngài. Đối với giáo xứ, địa phận chỉ cho có 7 vé mà thôi. Mà 7 vé so với 8.000, 9.000 giáo dân ở đây thì thực sự không là gì nên giáo xứ phải rút thăm. Ai là người may mắn thì sẽ được những tấm vé đó để dự thánh lễ phong thánh ở Vương cung Thánh Đường vào thứ Tư này.”

Linh mục Sơn cho biết nhiều giáo dân Việt tìm kiếm cơ hội gặp được người đứng đầu Hội thánh Công giáo bằng cách lái xe từ D.C qua Philadelphia để tham dự ngày Đại hội Thế giới về Gia đình và dĩ nhiên cũng cần phải có một tấm vé để tham dự ngày hội này. Anh Chris Phạm là một trong số những người may mắn đó. Anh chia sẻ:

“Thấy vui vì có cơ hội gặp được một người rất quan trọng và ticket cũng hiếm nữa.”

Ước tính có hàng trăm ngàn người sẽ đổ về thủ đô nước Mỹ trong 3 ngày, từ 22/9 – 24/9. Rất nhiều con đường sẽ bị cấm xung quanh khu vực Tòa đại sứ Vatican, Tòa Bạch Ốc và các thánh đường mà Đức Giáo Hoàng sẽ tới nên giao thông thủ đô dự kiến sẽ rất khó khăn, ngay cả với hệ thống giao thông công cộng.

Thông báo từ Cơ quan Quản lý Nhân sự Mỹ (OPM) từ nhiều tuần trước đã khuyến cáo các cơ quan chính phủ và các công ty nên xem 3 ngày Đức Giáo Hoàng ở thủ đô như 3 ngày nghỉ tuyết. Anh Chris Phạm cho biết anh được cho phép làm việc tại nhà trong cả 3 ngày.

Nói về tình cảm của giáo dân Việt Nam đối với người đứng đầu Giáo hội, Giám mục Nguyễn Thái Hợp cho biết.

“[Tôi] Chuyển lên Đức Giáo Hoàng một lần nữa lời chào của người Công giáo Việt Nam. Có lẽ ít nơi nào trên thế giới mà người dân Công giáo gắn bó với Giáo hội, hàng giáo phẩm và đặc biệt yêu mến Đức Giáo Hoàng như giáo dân Việt Nam.”

Truyền thông Hoa Kỳ hôm thứ Hai dẫn nguồn tin từ một bản ghi nhớ của Trung tâm Tình báo Hình sự bang Pennsylvania cảnh báo nguy cơ những kẻ khủng bố giả dạng các lực lượng ứng cứu nhằm thực hiện các cuộc tấn công khủng bố trong thời gian Đức Giáo Hoàng ở Mỹ. Do vậy, an ninh ở khu vực thủ đô cũng được thắt chặt trong những ngày này.

Theo thông cáo gửi đến các cơ quan công lực Hoa Kỳ, tất cả những người tham dự, dù có vé hay không, đều phải qua đi máy kiểm tra an ninh trước khi vào khu vực đứng xem xe của Đức Giáo Hoàng đi qua.

Thông báo đưa ra danh sách những thứ bị cấm đem vào khu vực gần Đức Giáo Hoàng, trong đó người tham dự bị cấm mang cả những vật dụng thông thường như bong bóng, cây chụp ảnh selfie, hộp đựng thức ăn thủy tinh hay kim loại, bút laser, xe đạp…

Mọi thông tin liên quan tới chuyến đi của Đức Giáo Hoàng đến Mỹ đều có trên trang web: http://www.popefrancisvisit. com các website của các cơ quan công lực Hoa Kỳ. - VOA
|
|

6.
Blogger Tạ Phong Tần: 'Tôi cảm thấy nơi đây là nhà của mình'

LTS: Tù nhân lương tâm Blogger Tạ Phong Tần, chủ trang blog Công Lý và Sự Thật, đồng sáng lập viên của Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do, vừa đến Hoa Kỳ tối 19 tháng 9, năm 2015. Sáng nay, 21 Tháng Chín, Blogger Tạ Phong Tần cho biết sẽ định cư ở Nam California, để có dịp sum họp và tiếp tục sinh hoạt với nhiều anh em cùng chí hướng. Blogger Tạ Phong Tần cũng dành cho nhật báo Người Việt cuộc phỏng vấn đầu tiên, do Hà Giang thực hiện.

Hà Giang (NV): Chào mừng Blogger Tạ Phong Tần đến Hoa Kỳ. Chị có thể cho biết cảm tưởng trong những ngày chân ướt chân ráo đến Mỹ?

Blogger Tạ Phong Tần: Tôi xúc động được đồng hương chào đón, còn vui thì vui trong vòng tay thân thương của bạn bè, Blogger Điếu Cày, Blogger Uyên Vũ, những người đã cùng tôi sát cánh hoạt động cách đây hơn tám năm, hồi ở Việt Nam.

NV: Từ lúc nào thì Blogger Tạ Phong Tần bắt đầu biết là mình có thể sẽ qua Mỹ định cư?

Blogger Tạ Phong Tần: Nếu mà nói là biết thì do mình đoán thôi, chứ không biết chắc. Còn biết chắc chắc thì là từ khi Bộ Ngoại Giao (Hoa Kỳ) cử người đến trại giam gặp. 

Vào năm 2012, khi vừa xét xử sơ thẩm xong, thấy báo chí trong nước chửi sứ quán Mỹ, chửi Lãnh Sự Mỹ, chửi cả Đại Sứ Quán Liên Minh Âu Châu, và các tổ chức quốc tế khác, chẳng hạn như Ủy Ban Bảo Vệ Nhà Báo, tổ chức theo dõi nhân quyền, rồi tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới, vì lý do họ đã ra một thông cáo báo chí nói rằng Việt Nam vi phạm nhân quyền và đòi Việt Nam trả tự do cho tôi ngay. Rồi đến phiên tòa Phúc Thẩm họ vẫn lên tiếng như thế, thì kể từ lúc đó, tôi biết là mình không cô đơn. Kể từ lúc đó tôi vững tin rằng mình sẽ không bao giờ phải ở trong tù mười năm.

NV: Như vậy đến lúc nào thì chị mới biết là mình chắc chắn sẽ qua Mỹ?

Blogger Tạ Phong Tần: Khi Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cho người đến gặp thì lúc đó tôi mới biết chắc chắn. Trước khi Bộ Ngoại Giao cho người đến thì Bộ Công An đã đến đề nghị tôi viết đơn xin đi Mỹ để cho họ xem xét, nhấn mạnh từ “xem xét,” có nghĩa là có thể được có thể không, có nghĩa đó là quyền của họ, là mình phải cúi đầu xin xỏ. Tôi bác bỏ thẳng thừng. Tôi nói họ đừng bao giờ mang vấn đề tự do ra để làm điều kiện đánh đổi với tôi. Đến ngày 12 Tháng Chín, Bộ Ngoại Giao cho người đến nhà tù hỏi ý tôi rằng có đồng ý đến Mỹ định cư hay không. Họ nói 'chúng tôi chỉ cần biết có thế. Nếu đồng ý, chị có thể viết cho chúng tôi mấy chữ xác nhận điều đó. Chúng tôi không yêu cầu chị nhận tội, chúng tôi không yêu cầu chị phải làm đơn từ gì cả.' Tôi nói với họ rằng tôi đồng ý định cư ở Hoa Kỳ nếu phía Mỹ cho phép, còn nếu bắt phải viết đơn gì xin nhà nước Cộng Sản Việt Nam thì dù bất cứ đơn gì tôi cũng không viết. Tuy nhiên nếu phía Mỹ bảo viết bản kê khai tài sản để nhập cảnh, thì tôi làm.

NV: Chị có thể tả lại quang cảnh buổi gặp gỡ đó giữa chị và Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ?

Blogger Tạ Phong Tần: Buổi gặp gỡ đó có sự chứng kiến của công an mấy chục người, cả công an của Bộ Công An và công an của trại giam. Khi nhân viên của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đến gặp thì Bộ Công An trại giam đưa tôi vào văn phòng nói chuyện. Bên Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ có hai người, trong đó có một người phiên dịch. Còn phía công an thì đông lắm, một cái bàn dài cỡ 3 mét, họ ngồi kín hết xung quanh, chắc là phải hơn 20 người. Nói chuyện xong thì phía Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ nói là 'chúng tôi hy vọng có thể gặp lại bà trong vòng thời gian 2 tuần nữa.'

NV: Gặp Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ ở trại giam ngày 12 Tháng Chín, mà ngày 19 đã sang tới Mỹ, như vậy thời gian nhanh bất ngờ, phải không ạ?

Blogger Tạ Phong Tần: Đúng, tôi cũng ngạc nhiên. Mới chưa được 10 ngày, thì hôm đó, khoảng 12:30 trưa, phía trại giam đến phòng giam nói tôi 'thu dọn đồ đạc đi Mỹ.' Họ đến tận phòng giam, trong đó có một người tù khác ở cùng. Họ nói thu dọn 'nhanh nhanh lên cái nào cần mang đi thì mang đi, lên máy bay họ không cho mang đi nhiều.' Tuy nói là thu dọn nhanh lên đi, nhưng họ vẫn muốn giữ lại một số món đồ cá nhân của tôi, tôi cãi lại quyết liệt đòi lại cho bằng được cho nên hai bên giằng co cho đến khi ra được lên xe để rời khỏi trại giam là hơn một tiếng đồng hồ. 

NV: Những thứ họ đòi giữ lại là gì?

Blogger Tạ Phong Tần: Họ muốn giữ những vật lưu niệm, đồ dùng cá nhân của tôi, sô chậu nè, sổ sách nè, quyển kinh thánh, cuốn tự điển Hoa Việt nè. Tôi đòi lấy lại hết. Nhưng ra đến sân bay thì tôi phải vất bỏ lại cái thau nhôm và hai cái thùng. Uổng cái thau nhôm.

NV: Cái thau nhôm có gì đặc biệt họ đòi giữ lại còn chị thì nhất định đòi mang đi? 

Blogger Tạ Phong Tần: Vì đó là cái chậu nhôm mà tụi tôi dùng để đòi nước. Khi họ hạn chế nước, tụi tôi kêu rầm lên, dùng cái chậu nhôm đó đập rầm rầm vào cửa, nên nó bẹp dí, không còn ra hình cái chậu nữa. Ra sân bay không mang nó theo được thì đành ra phải bỏ lại.

NV: Trở lại với chuyện ra phi trường, lúc nãy chị nói xe công an chờ sẵn ngoài cổng trại giam?

Blogger Tạ Phong Tần: Trong khi người công an đến phòng giam nói tôi thu dọn đồ đạc thì nhóm khác chờ trong mấy cái xe ở sẵn ngoài cổng. Tất cả là ba xe. Xe mình ngồi kể cả mình là 8 người. Đằng trước một xe cũng từng đó người, đàng sau một xe cũng từng đó người. Tất cả hơn hai mươi người.

NV: Sao chỉ đưa một người ra sân bay mà làm gì phải đi đông thế?

Blogger Tạ Phong Tần: Chưa hết đâu, ra tới sân bay là thấy bọn công an mặc thường phục đứng lố nhố ở đấy cả hơn chục người. Rồi camara máy ảnh đầy nhóc hết trơn. Khu vực đó là khu cửa sau của sân bay, không có bất cứ người nào khác ngoài công an với mình. Một lúc lại thấy thêm một số kéo tới nữa, cả năm mươi người. Lúc máy bay sắp cất cánh rồi, thì họ mới đưa tôi từ đằng sau đi ra đằng trước, thì lúc đó người ta đã lên máy bay ngồi đủ hết rồi, chỉ còn thiếu hai nhân vật thôi, là nhân viên Bộ Ngoại Giao, ông David V. Muehke và Tạ Phong Tần. Ông David Muehke đứng trên cầu thang vào máy bay, lúc tôi bước lên thì cả hàng chục máy ảnh chiếu vào quay đủ các hướng. 

NV: Khi đưa chị lên thang vào máy bay, thì mấy người công an có nói lời giã biệt, chúc chị thượng lộ bình an không? Còn chị có quay lại nhìn quê hương lần cuối không?

Blogger Tạ Phong Tần: Họ không nói gì, chỉ đưa cái giấy quyết định tạm hoãn thi hành án thôi. Họ cũng không bắt ký gì cả. Đưa một cái là đi luôn, nếu bắt mình ký thì mình lại không ký. Còn tôi, tôi không quay lại nhìn, bởi vì có cái gì đâu mà nhìn, chỉ đám công an với cái sân bay thôi chứ có ai đâu mà nhìn...(cười).

NV: Cảm xúc chị khi bước lên máy bay như thế nào?

Blogger Tạ Phong Tần: Mình cảm thấy là phía trước mặt mình là còn cả một chặng đường đấu tranh rất dài đầy khó khăn, nhưng mình vẫn phải kiên trì tiếp tục. Xúc động thì có lẽ không, vì mình biết đó là tương lai được báo trước. 

NV: Trước khi rời Việt Nam chị có được gọi phôn báo tin cho gia đình không?

Blogger Tạ Phong Tần: Không. Hoàn toàn không. Gia đình tôi ở Việt Nam cũng theo dõi Facebook và biết tin tôi qua Mỹ cùng một lúc như những người khác. Từ lúc qua Mỹ đến giờ thì mới liên lạc về nhà qua Facebook.

NV: Nếu trong buổi tối hôm đó, khi người đồng hương đến đón mang cờ vàng ba sọc đỏ ra trao cho chị thì chị sẽ phản ứng ra sao?

Blogger Tạ Phong Tần: Đưa thì mình nhận, chẳng sao cả. Mình sẽ nhận, mình sẽ công bố ngay đây là lá cờ của tự do, của tự do ngôn luận. Vì chuyện rõ ràng lắm, lá cờ vàng ba sọc đỏ đã từng ở miền Nam Việt Nam, và miền Nam Việt Nam từng có tự do ngôn luận, tự do báo chí. Hơn nữa, lá cờ đó, ở bang Cali, đã được thống đốc bang Cali công nhận đó là lá cờ đại diện cho người Việt ở đây.

NV: Như vậy có lẽ Blogger Tạ Phong Tần đã sẵn sàng tâm lý để hòa nhập vào cộng đồng người Việt ở đây, trở thành một phần của cộng đồng?

Blogger Tạ Phong Tần: Tuy là vẫn còn những điều bỡ ngỡ chưa quen, về ngôn ngữ, về đường sá chẳng hạn, nhưng mà điều đó không thành vấn đề, những khó khăn mình sẽ khắc phục trong thời gian tới. Quan trọng là ở đây mình cảm thấy nơi đây như là ở nhà của mình. 

NV: Chị có thể chia sẻ vài dự tính tương lai?

Blogger Tạ Phong Tần: Dự tính thì thấy là phải làm nhiều việc lắm. Thứ nhất là phải tìm cách để khởi kiện vụ án này ra tòa án quốc tế. Thứ hai là viết một cuốn hồi ký, kể về tất cả những điều tai nghe mắt thấy trong sáu nhà giam đã đi qua. Thứ ba, là nhờ các luật sư ở Mỹ tư vấn việc mình phải làm thế nào để mình trở thành một luật sư chính thức mang quốc tịch Mỹ, để quay trở về Việt Nam hành nghề. 

Luật sư nước ngoài, hoạt động ở Việt Nam không được tham gia vào những phiên tòa hình sự. Nhưng nếu mình là luật sư nước ngoài mà được đào tạo đầy đủ về luật Việt Nam thì sẽ được tham gia. 

Tôi đã được đào tạo bài bản qua đủ các lớp, các bước ở Việt Nam, đủ điều kiện trở thành một luật sư ở Việt Nam, nhưng họ không dám cho em làm luật sư ở Việt Nam. Dĩ nhiên đây là những kế hoạch rất lâu dài, thực hiện chắc là rất khó, nhưng mình có quyết tâm thì sẽ được. Còn kế hoạch ngắn hạn thì viết truyện, viết báo để ổn định đời sống.

NV: Cảm ơn chị đã dành thì giờ cho cuộc phỏng vấn. - Nguoi-Viet

No comments:

Post a Comment