Tin Thế Giới
1.
Nhà đầu tư tiếp tục lo ngại về tình hình kinh tế Trung Quốc
Chứng khoán Mỹ hôm thứ ba đã tăng giá trở lại trong một thời gian ngắn, nhưng chỉ số Dow Jones đã giảm thêm gần 1,3% vào lúc kết thúc ngày giao dịch. Các nhà phân tích cho rằng sóng gió hiện nay trên các thị trường chứng khoán trên thế giới phát xuất từ những mối lo ngại là kinh tế Trung Quốc có lẽ đang gặp phải những sự khó khăn lớn hơn so với dự đoán trước đây.
Hôm thứ ba Trung Quốc đã giảm lãi suất 0,25% và nới lỏng những qui định về tỉ lệ ngân khoản dự trữ của các ngân hàng để bơm thêm tiền vào hệ thống tài chánh nhằm kích thích nền kinh tế. Tuy đã góp phần làm cho các thị trường ở Âu Châu và Hoa Kỳ được bình ổn đôi chút, những hành động đó vẫn chưa đủ để ngăn chận đà tuột dốc của các thị trường chứng khoán ở Á Châu.
Ông Kevin O’Leary, một nhà phân tích của Quỹ Đầu tư O’Shares, cho rằng sở dĩ như vậy là vì triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc vẫn còn u ám.
"Thay vì nghĩ rằng Trung Quốc tăng trưởng với tỉ lệ 8%, chúng tôi nghĩ rằng họ sẽ tăng trưởng 5% hoặc 6%. Đó là mức tăng trưởng thấp hơn 20% so với dự đoán."
Ông Eric Wiegand, một nhà quản trị đầu tư cấp cao của công ty tài chánh US Bank, cho rằng tình hình đó khiến cho một số nhà đầu tư né tránh những sự bất trắc trong thị trường cổ phiếu ở Trung Quốc, và thay vào đó, họ tìm mua những loại trái phiếu bán với giá rẻ.
"Đối với các nhà đầu tư Mỹ, chúng tôi nhận thấy điều này đang tạo ra những cơ hội. Chúng tôi vẫn tin là vẫn còn những sự hấp dẫn rất lớn của các loại trái phiếu khi nói tới thị trường cổ phiếu quốc nội."
Tuy nhiên, nếu Trung Quốc không ổn định được tình hình, bất kỳ sự hồi phục nào của các thị trường Âu Châu và Hoa Kỳ cũng đều không thể kéo dài. Ông Nicholas Lardy, một chuyên gia hàng đầu của Mỹ về kinh tế Trung Quốc, cho biết như sau.
"Tôi nghĩ rằng lý do chính khiến cho Trung Quốc quan trọng nhiều như vậy là Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới. Đây là nền kinh tế ngoại thương lớn thứ nhì thế giới. Do đó, nếu thành tích kinh tế của Trung Quốc bị yếu kém, phần còn lại của thế giới sẽ phải trả một cái giá."
Đối với các thị trường tài chánh trên khắp thế giới, sự dao động của giá cả mỗi lúc một lớn. Điều đó có thể thấy rõ tại Phố Wall hôm thứ ba, khi chỉ số Dow Jones tăng tới 3,5% trong những vụ mua bán lúc ban đầu để rồi tụt mạnh xuống tới mức âm vào lúc kết thúc ngày giao dịch. - VOA
|
|
2.
Ngũ Giác Đài: Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tham gia các phi vụ chống IS
Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ cho biết Thổ Nhĩ Kỳ đã đồng ý tham gia các phi vụ của liên minh do Hoa Kỳ dẫn đầu để chống lại nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo. Thông tín viên Carla Babb của đài VOA tường thuật từ Ngũ Giác Đài.
Các giới chức Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ đã đúc kết một thoả thuận theo đó Thổ Nhĩ Kỳ có thể bắt đầu tham gia các phi vụ chống Nhà nước Hồi giáo trong vài ngày sắp tới.
Giám đốc báo chí Ngũ giác đài Peter Cook hoan nghênh thoả thuận vừa kể.
"Việc Thổ Nhĩ Kỳ sắp sửa thực hiện những phi vụ bên cạnh các phi cơ khác của liên minh là một bước lớn hướng tới phía trước, một bước tiến mà chúng tôi từng trông đợi. Chúng tôi đã ra sức giải quyết các chi tiết về vấn đề hậu cần; chúng tôi đã có thể thực hiện điều đó."
Tháng trước, Thổ Nhĩ Kỳ đồng ý để cho máy bay Mỹ thực hiện những phi vụ chống Nhà nước Hồi giáo từ căn cứ Không quân Incirlik. Diễn tiến đó, cộng với việc phi công Thổ Nhĩ Kỳ tham gia những vụ không kích, làm cho Thổ Nhĩ Kỳ tham gia nhiều hơn nữa và các nỗ lực của liên minh.
"Sự hợp tác của chúng tôi với Thổ Nhĩ Kỳ và việc nới rộng sự hợp tác đó tiếp tục là một nỗ lực đang tiếp diễn vào thời điểm này."
Các cuộc thương nghị về sự hợp tác thêm nữa giữa Hoa Kỳ và Thổ Nhĩ Kỳ đang nhắm tới mục tiêu giải quyết những vấn đề an ninh dọc theo sườn phía nam của Thổ Nhĩ Kỳ, giáp với Syria và Iraq.
Những mối quan tâm đã gia tăng trong thời gian gần đây về tình hình ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và Syria vì vũ khí và chiến binh nước ngoài tiếp tục được đưa vào những phần đất của Syria đang nằm dưới sự kiểm soát của nhóm Nhà nước Hồi giáo. - VOA
|
|
Tin Hoa Kỳ
3.
2 phóng viên truyền hình Mỹ bị bắn chết
Hai phóng viên truyền hình bị bắn chết khi đang thực hiện chương trình trực tiếp ở bang Virginia, Hoa Kỳ.
Kênh truyền hình WDBJ7 TV xác nhận phóng viên Alison Parker, 24 tuổi, và người quay phim Adam Ward, 27 tuổi, bị sát hại khi đang làm phỏng vấn trực tiếp tại Moneta, hạt Bedford, Virginia.
Súng nổ trong khi chương trình trực tiếp đang diễn ra, khiến nữ phóng viên và người được phỏng vấn chạy tìm trú ẩn.
Cảnh sát cho hay đang điều tra vụ nổ súng và vẫn đang tìm kiếm nghi phạm.
Giám đốc kênh truyền hình, ông Jeffrey Marks, nói: "Chúng tôi không biết nguyên nhân nổ súng. Chúng tôi cũng không rõ thủ phạm hay nghi phạm là ai".
Vụ nổ súng xảy ra lúc 06:45 sáng giờ địa phương tại một trung tâm mua sắm lớn tên là Bridgewater Plaza, gần hồ Smith Mountain. - BBC
|
|
4.
IAEA: Có cơ hội lịch sử để giải quyết vấn đề hạt nhân Iran
Người đứng đầu cơ quan theo dõi hạt nhân của Liên Hiệp Quốc cho biết ông tin là cơ quan ông có khả năng để xác định phải chăng Iran đã tìm cách phát triển vũ khí hạt nhân cách nay hơn một thập niên. Thông tín viên Smita Nordwall của đài VOA tường thuật.
Phát biểu tại một cuộc họp ở Vienna hôm thứ ba, Tổng giám đốc Cơ quan Nguyên tử năng Quốc tế Yukia Amano nói có “một cơ hội lịch sử” để giải quyết những vấn đề liên quan tới chương trình hạt nhân của Iran.
"Bây giờ chúng ta đang có một cơ hội lịch sử để giải quyết vấn đề hạt nhân Iran. Tôi hy vọng cơ hội này sẽ được tận dụng."
Ông Amano cũng cho biết cơ quan theo dõi hạt nhân của Liên Hiệp Quốc đã đạt được một thoả thuận về một lộ đồ và một thoả thuận riêng rẽ liên quan tới Parchin, khu phức hợp quân sự của Iran, nằm cách thủ đô Tehran khoảng 30 kilomét về hướng đông nam.
Đại sứ Iran, ông Reza Najafi, cho biết Tehran sẵn sàng hợp tác với Cơ quan Nguyên tử năng Quốc tế.
"Chúng tôi đã đồng ý cung cấp sự giải thích và những văn kiện có liên quan trước ngày 15 tháng 8 và chúng tôi đã làm như vậy. Chúng tôi đã thực hiện cam kết của mình qua bước thứ nhất này. Bước thứ nhì là Cơ quan Nguyên tử năng Quốc tế xem xét các văn kiện và những sự giải thích và sau đó họ sẽ trình bày cho chúng tôi những nghi vấn mà họ có thể có đối với những sự việc chưa rõ ràng."
Trong thoả thuận hạt nhân ký kết ngày 14 tháng 7 với Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức, Iran đồng ý tăng cường tính chất minh bạch của chương trình hạt nhân của mình và giải quyết tất cả những hoạt động hạt nhân khả nghi trong quá khứ. Để đổi lại, những biện pháp chế tài quốc tế đã làm cho nền kinh tế của Iran bị khốn đốn sẽ được tháo dỡ. - VOA
|
|
Tin Việt Nam
5.
Giàn khoan 981 vẫn hoạt động ở Biển Đông
Giàn khoan Trung Quốc sẽ tiếp tục khoan thăm dò ở vùng biển có tranh chấp ở Biển Đông, hãng tin Reuters nói, chỉ vài hôm sau khi Tân Hoa Xã tuyên bố hoàn tất hoạt động tại một địa điểm ngoài khơi Việt Nam.
Trang mạng của Cục An toàn Hàng hải Trung Quốc hôm thứ Ba 25/6 đăng thông báo mới nói giàn khoan này sẽ tiếp tục thăm dò cho tới 20/10 tại một địa điểm chỉ lui lên phía bắc một chút so với địa điểm trước.
Vị trí mới sẽ cách bờ biển Việt Nam về phía đông khoảng 110 hải lý, và cách thành phố Tam Á của đảo Hải Nam chừng 72 hải lý về phía nam.
Đây sẽ là đợt hoạt động thứ ba liên tiếp của giàn khoan Hải Dương 981 ở khu vực gần với đường bờ biển của Việt Nam.
Trước đó, trong thời gian từ 25/6 đến 20/8, Hải Dương 981 đã hoạt động tại vùng biển có tọa độ được một chuyên gia giải thích là cách Việt Nam 104 hải lý và cách Hải Nam 68 hải lý, là vị trí mà Trung Quốc nói hoàn toàn trong lãnh hải Trung Quốc.
Hồi tháng Năm, giàn khoan 981 tác nghiệp tại giếng Lăng Thủy 25-1S-1, chỉ khác chút ít so với vị trí nó chuyển tới sau đó.
Giới chức Việt Nam trong các phỏng vấn với báo giới trong nước nói vị trí giếng Lăng Thủy "ở ngoài vùng biển Việt Nam".
Lần đầu tiên Trung Quốc đưa giàn khoan 981 vào vùng biển có tranh chấp với Việt Nam là 1/5/2014, đặt tại địa điểm nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và chỉ cách đảo Lý Sơn chừng 120 hải lý, sự kiện làm dấy lên một làn sóng phản đối mạnh mẽ của người dân Việt Nam cả ở trong và ngoài nước.
Trung Quốc trong những năm gần đây đã ngày càng quyết liệt trong việc tỏ thái độ xác lập chủ quyền trên Biển Đông, nơi có tuyến hải hành quan trọng với hàng hóa qua lại trị giá 5 nghìn tỷ đôla mỗi năm.
Bắc Kinh đã lên án việc Philippines mang vấn đề ra trọng tài quốc tế đòi phân xử, trong lúc tiếp tục xây lấn, mở rộng đảo và các bãi đá mình đang kiểm soát.
Hồi tuần trước, một bản phúc trình mới của Ngũ Giác Đài nói Trung Quốc đã xây lấn ở quần đảo Trường Sa nhiều hơn nhiều so với những gì người ta biết trước đó.
Giàn khoan nước sâu trị giá 1 tỷ đôla thuộc sở hữu của Tổng công ty Dầu khí Ngoài khơi Quốc gia Trung Quốc (CNOOC), một công ty quốc doanh và là hãng sản xuất dầu khí ngoài khơi lớn nhất của Trung Quốc.
Đợt thăm dò từ cuối tháng Sáu tới cuối tháng Tám vừa rồi của giàn khoan 981 được Tân Hoa Xã nói là lần thăm dò lần đầu tiên ở vùng có nhiệt độ cao, áp suất lớn và nước sâu. - BBC
|
|
6.
Quảng Trị xây cửa khẩu hơn trăm triệu đô
Báo trong nước dẫn tin Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phê duyệt đề án ‘Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu vực cửa khẩu quốc tế La Lay tại tỉnh Quảng Trị’ với tổng vốn đầu tư gần 2.400 tỷ đồng , tương đương khoảng 110 triệu đô la.
Cửa khẩu quốc tế La Lay đặt tại xã A Ngo, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị.
Cách đây một năm, La Lay chính thức trở thành cửa khẩu quốc tế giữa Việt Nam-Lào. Đây cũng là cửa khẩu thứ tám giữa hai nước.
Tỉnh Quảng Trị nằm trên tuyến Hành lang kinh tế song song với Hành lang kinh tế Đông Tây, nối khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung với khu vực Nam Lào, Đông Thái Lan và khu vực Tam giác phát triển Việt Nam-Lào-Campuchia.
Hôm 24/8, website cafef cho biết, ‘Thủ tướng phê duyệt đề án với mục tiêu đưa La Lay trở thành cửa khẩu quốc tế kiểu mẫu với trang thiết bị hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước‘.
Theo trang này, việc đầu tư nâng cấp cửa khẩu La Lay giúp đến năm 2020 ‘tổng giá trị tăng thêm của các ngành sản xuất, dịch vụ trong khu vực đạt khoảng 300 tỷ đồng, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 460 triệu đôla/năm, nâng mức sống dân cư trong khu vực tối thiểu bằng mức trung bình của cả nước’.
Cùng ngày, báo Nhân Dân tường thuật việc đầu tư xây dựng trung tâm cửa khẩu gồm các hạng mục: quốc môn, trạm kiểm soát liên ngành, nhà công vụ, bãi kiểm hóa, hệ thống giao thông, điện nước, trung tâm vận chuyển hàng hóa dịch vụ..., khoảng gần 2,4 tỷ đồng. Báo Nhân Dân nói vốn Trung ương chiếm khoảng 1,2 tỷ đồng, vốn đấu giá đất trong khu vực gần 240 tỷ đồng, còn lại hơn 950 tỷ đồng là các nguồn vốn hợp pháp khác.
Quá trình đầu tư được chia thành ba giai đoạn: 2015-2017, 2018-2019, 2019- 2020.
Hơn hai tháng trước, trang kinh tế-tài chính FICA của báo Dân trí cho biết tổng mức đầu tư Dự án đầu tư xây dựng công trình Khu trung chuyển hàng hóa thuộc Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng-Lạng Sơn giai đoạn 1 ở mức gần 1.000 tỷ đồng.
Theo báo này, việc đầu tư nhằm ‘giảm ách tắc cửa khẩu Lạng Sơn, giúp thương nhân Trung Quốc sang Việt Nam tìm hiểu, trao đổi thị trường và ngược lại’.
Tuy nhiên, sáu tháng trước, trang tin điện tử của VTV đưa tin thất thu nhiều tỷ đồng thuế tại các cửa khẩu ở Lạng Sơn
VTV cho biết “mỗi ngày, tại các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn có đến hàng ngàn người dân được các đối tượng buôn lậu thuê mang vác hàng qua biên giới.
“Thời gian qua, lợi dụng Quyết định 254 về việc cho phép người dân mang hàng miễn thuế không quá 2 triệu đồng qua biên giới, mỗi ngày các cửa khẩu này luôn có đến hàng ngàn người dân được các đối tượng buôn lậu thuê mang vác hàng qua biên giới.
Lượng hàng này được xem như một cách thức trốn thuế mới với lượng thuế bị hụt thu lên đến nhiều tỷ đồng”, báo này viết. - BBC
No comments:
Post a Comment