Tin Thế Giới
1.
Tại ARF, Trung Quốc tố cáo Mỹ, Nhật và Phi thổi phồng vấn đề Biển Đông
Bị Mỹ, Nhật và Philippines công khai lên án tại diễn đàn khối Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á ở Kuala Lumpur vào hôm qua, 06/08/2015, Trung Quốc đã phản pháo lại trước Diễn đàn An ninh Khu vực ASEAN, ARF, vài tiếng đồng hồ sau đó. Phát biểu tại cuộc họp của ARF, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã tố cáo các hành động "cường điệu" thực tế, và lại viện dẫn chủ quyền lịch sử để biện minh cho các hành động quyết đoán của Bắc Kinh tại Biển Đông.
Theo hãng tin Trung Quốc Tân Hoa Xã, Ngoại trưởng Trung Quốc đã bác bỏ những cáo buộc của Philippines, Nhật Bản và Hoa Kỳ theo đó Bắc Kinh đã làm căng thẳng tình hình, và khẳng định rằng nhìn chung Biển Đông vẫn ổn định, và không hề có nguy cơ xung đột nghiêm trọng nào.
Đối với ông Vương Nghị: "Trung Quốc phản đối mọi lời lẽ và hành động không mang tính xây dựng, cường điệu các bất đồng, mâu thuẫn, và tạo ra căng thẳng, vì đó là những điều hoàn toàn không xác thực".
Ngoại trưởng Trung Quốc khẳng định rằng Bắc Kinh cũng có cùng một mối quan tâm như các quốc gia khác về quyền tự do hàng hải ở Biển Đông, vì hầu hết hàng hóa của Trung Quốc được vận chuyển bằng đường biển.
Sau khi nói rằng quyền tự do hàng hải cũng rất quan trọng đối với Bắc Kinh, ông Vương Nghị xác định: "Trung Quốc luôn luôn quan niệm rằng mọi bên đều có quyền tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông dựa theo luật pháp quốc tế. Trung Quốc sẵn sàng làm việc với các bên khác trong việc duy trì quyền tự do hàng hải và hàng không" trong khu vực.
Nhìn chung, Ngoại trưởng Trung Quốc chỉ tìm cách khẳng định thiện chí của Bắc Kinh, và lẽ dĩ nhiên ông không một lời nói đến những hành vi cản trở lưu thông, xua đuổi tàu thuyền máy bay hay đánh đuổi, tấn công ngư dân của nước khác mà phía Trung Quốc đã tiến hành trong thời gian qua để áp đặt yêu sách chủ quyền rộng khắp của mình.
Vào hôm qua, Ngoại trưởng Trung Quốc cũng lại lên tiếng biện minh cho các đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh tại khu vực quần đảo Trường Sa, mà Bắc Kinh gọi là Nam Sa, xem đấy là một vấn đề "xa xưa", vì toàn bộ các hòn đảo ở Biển Đông đều thuộc chủ quyền Trung Quốc trong tư cách là nước đầu tiên đã khám phá ra và đặt tên cho các đảo này.
Ông Vương Nghị tố ngược "một số nước khác" là đã xâm chiếm đảo của Trung Quốc tại Biển Đông. Philippines đã bị Ngoại trưởng Trung Quốc tố cáo là nói dối khi nêu lên vấn đề Biển Đông.
Và Ngoại trưởng Trung Quốc đe dọa: "Theo luật pháp quốc tế, Trung Quốc có quyền bảo vệ chủ quyền và quyền lợi của mình, sao cho các hành động phi pháp vi phạm quyền lợi hợp pháp của Trung Quốc không tái diễn". - RFI
|
|
2.
Bắc Triều Tiên thay đổi giờ
Chính quyền Bắc Triều Tiên hôm nay, 07/08/2015, thông báo xóa bỏ hệ thống tính giờ bị áp đặt từ thời "đế quốc Nhật Bản dã man" thống trị, cách nay hơn một thế kể, để chuyển sang hệ thống "giờ Bình Nhưỡng".
Kể từ ngày 15/08/2015, "giờ Bình Nhưỡng" sẽ chậm hơn giờ hiện nay 30 phút, đi trước giờ quốc tế GMT 8 tiếng rưỡi (GMT+8 giờ 30 phút). Trong khi đó, Nam Hàn vẫn tiếp tục theo hệ thống giờ Nhật Bản, tức là GMT + 9.
Quyết định đổi giờ của Bình Nhưỡng đã được Quốc hội Bắc Triều Tiên chấp thuận ngày 05/08, được coi là một trong những hoạt động kỷ niệm 70 giải phóng bán đảo Triều Tiên khỏi ách thống trị của quân đội Nhật Hoàng (1910-1945).
Trước khi bị quân đội Nhật Hoàng xâm chiếm, và áp đặt đổi giờ vào năm 1912, hệ thống giờ trên bán đảo Triều Tiên là GMT+8 giờ 30 phút.
Theo Bộ Thống nhất Hàn Quốc, phụ trách quan hệ liên Triều, thì việc Bình Nhưỡng đổi giờ có thể làm cho tình hình thêm phức tạp, nhất là tại khu công nghiệp Kaesong, nằm trên lãnh thổ Bắc Triều Tiên và về lâu dài, sẽ "gây ra những hậu quả đối với các nỗ lực thống nhất các tiêu chuẩn và giảm bớt các khác biệt giữa hai nước".
Nam Hàn cũng đã từng đổi giờ vào năm 1954 để đánh dấu việc từ những áp đặt của quân đội Nhật Hoàng. Thế nhưng, vào năm 1961, sau khi Park Chung-Hee tiến hành đảo chính quân sự và lên cầm quyền thì Nam Hàn quay lại hệ thống giờ Nhật Bản. - RFI
|
|
Tin Hoa Kỳ
3.
Ngoại trưởng Kerry nêu tiến bộ kinh tế và quan ngại về nhân quyền khi thăm Việt Nam
Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry đã cùng với các giới chức Việt Nam đánh dấu 20 năm bình thường hóa quan hệ giữa hai nước bằng một loạt các sự kiện ở Hà Nội. Tại một sự kiện, ông Kerry nêu nhận định về tiến bộ đã đạt được cũng như công việc còn cần phải làm để củng cố mối bang giao. Tháp tùng Ngoại trưởng đến Hà Nội, thông tín viên VOA tại bộ Ngoại giao Pam Dockins gửi về bài tường thuật.
Tại diễn đàn xã hội dân sự, ông Kerry nêu ra rằng đã phải mất 2 thập niên để bình thường hóa quan hệ.
“Chúng ta đã phải mất 20 năm để đi từ hàn gắn đến xây dựng. Hãy nghĩ đến những gì chúng ta có thể hoàn thành trong 20 năm sắp tới”.
Nhưng ông Kerry không tránh né việc đề cập đến những quan ngại của Hoa Kỳ về thành tích nhân quyền của Việt Nam và nói rằng các quan hệ đối tác thân cận nhất của nước Mỹ là với những nước chia sẻ một cam kết đối với một số giá trị.
“Tiến bộ về nhân quyền và pháp trị sẽ đem lại nền tảng của một quan hệ đối tác sách lược bền vững hơn giữa Hoa Kỳ và Việt Nam”.
Phó thủ tướng Phạm Bình Minh của Việt Nam nói vấn đề đang được giải quyết thông qua những bộ luật vừa được ban hành.
Bất kể những quan ngại về nhân quyền, Hoa Kỳ và Việt Nam đã lập được quan hệ kinh tế vững mạnh trong nhiều năm, với kim ngạch thương mại song phương lên tới 36 tỷ đôla trong năm ngoái.
Cả hai nước đều tham gia các cuộc thương nghị về Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương, tức TPP, một thỏa thuận thương mại khổng lồ giữa 12 quốc gia mà các chuyên gia cho là có thể đem lại nhiều lợi ích cho Việt Nam.
Ông Greg Poling, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Sách lược CSIS, nói:
“Việt Nam tính ra sẽ được hưởng nhiều lợi ích nhất từ TPP bởi vì không những tiếp cận được với thị trường Hoa Kỳ mà còn tiếp cận nhiều hơn với thị trường Nhật Bản, thị trường Canada”.
Việt Nam và Hoa Kỳ còn có chung các quan ngại về hàng hải, theo chuyên gia phân tích Karen Brooks, khi phát biểu qua Skype:
“Điều nổi bật là mối bang giao của chúng ta đã đi xa được đến mức nào trong một khoảng thời gian rất ngắn, một phần dĩ nhiên là do động lực của mối đe dọa ngày càng tăng của Trung Quốc ở Biển Đông”.
Trung Quốc đã phát động một dự án lấp biển trong Biển Đông, nơi các nước láng giềng, kể cả Việt Nam, có những khẳng định chủ quyền chồng chéo nhau.
Ngoại trưởng Kerry nói Hoa Kỳ không bênh vực khẳng định nào, nhưng ủng hộ tiến trình giải quyết các tranh chấp theo đúng luật quốc tế. - VOA
|
|
4.
Cuộc chạy đua vào Tòa Bạch ốc 2016 bắt đầu với cuộc tranh luận trong Đảng Cộng Hoà
Cuộc tranh luận đầu tiên trong cuộc chạy đua giành chức Tổng Thống Mỹ sẽ diễn ra trong ngày hôm nay tại thành phố Cleveland, bang Ohio, khi 10 ứng viên hàng đầu của Đảng Cộng hoà cùng nhau xuất hiện trên màn ảnh truyền hình toàn quốc.
Tỷ phú ngành địa ốc và nhân vật truyền hình được nhiều người biết đến, Donald Trump, sẽ nằm ở tâm điểm của mọi sự chú ý trong sự kiện hôm nay. Ông Trump đã nhanh chóng giành được đà tiến với cá tính mạnh bạo và phong cách vận động chính trị không kiềm chế của ông.
Tham gia cuộc tranh luận bên cạnh ông Trump có hai cựu thống đốc tiểu bang, là ông Jeb Bush của Florida và ông Mike Huckabee của Arkansas. Ngoài ra, còn có 3 thống đốc đương nhiệm là ông Scott Walker của Wisconsin, ông Chris Christie của New Jersey, và ông John Kasich của Ohio. Bốn người còn lại là 3 Thượng nghị sĩ Rand Paul, Marco Rubio và Ted Cruz, và ông Ben Carson, bác sĩ giải phẫu thần kinh đã nghỉ hưu.
10 ứng viên của Đảng Cộng hoà đã được đài truyền hình Fox News chọn để dự cuộc tranh luận trình chiếu vào giờ cao điểm xem Tivi, dựa trên vị thế của họ trong 5 cuộc thăm dò công luận toàn quốc riêng rẽ. - VOA
***
Cuộc tranh luận đầu tiên giữa ứng viên tổng thống đảng Cộng Hòa đã diễn ra vào tối qua ở thành phố Cleveland, tiểu bang Ohio, trước một cử tọa gần 10.000 người. Đài truyền hình Fox News tổ chức sự kiện này đã mời 10 ứng viên có triển vọng qua các cuộc thăm dò trong tổng số 17 người hiện nay.
Ứng viên rất được chú ý là ông Donald Trump, từ khi thông báo ra ứng cử đã luôn gây chú ý với những phát biểu mạnh bạo quá trớn.
Thông tín viên RFI, Anne-Marie Capomaccio tại Hoa Kỳ tường thuật sự kiện:
"Donald Trump quả là xứng với tiếng tăm của mình. Ngay từ đầu ông đã làm các ứng viên khác ngạc nhiên và phẫn nộ khi dứt khoát từ chối không cam kết ủng hộ ứng viên sẽ được đảng Cộng hòa chọn để đấu lại với ứng viên đảng Dân chủ, mà cho biết là ông sẽ ra ứng cử với tư cách độc lập.
Đây là một trong các mối lo của đảng Cộng Hòa: Tình trạng chia rẽ. Nếu Donald Trump thực hiện lời đe dọa là ra tranh cử độc lập, đấu với cả ứng viên đảng Dân chủ và Cộng hòa, thì theo giới phân tích, phía Cộng hòa sẽ chắc chắn thua.
Cuộc tranh luận kéo dài hơn 2 tiếng đồng hồ. Bên cạnh phần "biểu diễn" của ông Donald Trump, các ứng viên cũng đã có thời giờ trình bày quan điểm, như trên vấn đề nhập cư: Jeb Bush và Marco Rubio chẳng hạn muốn tăng cường kiểm soát ở biên giới với Mexico, Donald Trump muốn xây hẳn một bức tường.
Dĩ nhiên là không thể thiếu phần chỉ trích dữ dội nhắm vào ông Obama và ứng viên đảng Dân Chủ Hillary Clinton: Ứng viên Ted Cruz muốn xóa bỏ hết các lời hứa của ông Obama. Đặc biệt nhất là các ứng viên đảng Cộng hòa đều nhất trí trên một điểm: Hủy bỏ thỏa thuận về hạt nhân Iran.
Mục tiêu tối hậu của những người tập hợp lại vào hôm qua là dành lại Nhà Trắng, nhưng cuộc vận động chỉ mới bắt đầu, còn phải chờ phân định thắng bại trong đảng trước." - RFI
|
|
Tin Việt Nam
5.
Philippines kêu gọi người Việt Nam tẩy chay hàng Trung Quốc
Mạng lưới có tên gọi Liên minh biển Tây Philippines mới lên tiếng kêu gọi người Việt cùng chung sức tẩy chay hàng hóa giá rẻ, kém chất lượng của Trung Quốc trong bối cảnh Bắc Kinh ngày càng lấn lướt trong khẳng định chủ quyền trên biển.
Ông Roilo Golez, cựu dân biểu, đồng thời là cố vấn an ninh quốc gia của Philippines, cho VOA Việt Ngữ biết rằng chiến dịch bài bác hàng Trung Quốc lần này nhắm vào mặt hàng may mặc.
Ông lý giải vì sao tổ chức đã nhiều lần tiến hành các cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở Manila lại đi tới quyết định trên: “Đây là một trong những phản ứng của chúng tôi trước một số hành động có thể coi là xâm lược của Trung Quốc đối với Philippines như lấn chiếm lãnh hải; phá hoại môi trường với các hoạt động lấn biển; xâm lược về mặt xã hội với các loại thuốc lậu đưa vào Philippines; xâm lược về mặt chính trị với sự can thiệp vào chính trường Philippines; xâm lược về mặt kinh tế qua việc đổ hàng hóa rẻ mạt sang Philippines, gây thiệt hại cho các ngành công nghiệp địa phương".
Ông Golez nói thêm: "Chính vì lẽ đó, chúng tôi đã nghĩ ra phương cách đáp trả lại việc đó bằng cách tẩy chay các mặt hàng may mặc của Trung Quốc vì chúng tôi có nhiều mặt hàng thay thế từ nhiều nước như Campuchia hay Việt Nam. Nay mỗi khi tôi mua quần áo, tôi đều xem xuất xứ của nó từ đâu, và nếu là từ Trung Quốc thì tôi không mua”.
Ông Roilo nói thêm rằng chiến dịch của Liên minh biển Tây Philippines, tổ chức thúc đẩy chủ quyền của Manila ở biển Đông, “không cần tới 100% thành công mà nếu chỉ thành công 20 – 30% cũng đã làm tổn hại tới công ty may mặc của Trung Quốc”.
Trong khi đó, một giới chức thương mại ở Việt Nam cũng cho rằng hiện đang là thời điểm tốt để đẩy mạnh cuộc vận động 'Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam', đẩy lùi hàng Trung Quốc kém chất lượng.
Tuy nhiên, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cho biết không nên phát động một phong trào tẩy chay tất cả hàng hóa Trung Quốc.
Ông nói: “Chúng tôi cũng không phát động phong trào không dùng hàng hóa Trung Quốc mà chúng tôi chỉ phát động phong trào dùng hàng hóa Việt Nam với chất lượng, giá cả có sức cạnh tranh. Còn hàng hóa của Trung Quốc đảm bảo chất lượng, giá cả hợp lý, không phải là kết quả của hiện tượng buôn lậu qua biên giới thì người tiêu dùng vẫn có thể lựa chọn hàng Trung Quốc. Chúng tôi chỉ hướng người tiêu dùng không mua hàng hóa Trung Quốc có chất lượng thấp, với vệ sinh an toàn không đảm bảo và giá cả bất hợp lý thôi. Có thể ưu tiên dùng hàng Việt Nam nhưng không phải dùng hàng Việt Nam bằng mọi giá”.
Ông Roilo Golez cũng ủng hộ quan điểm này. Cựu cố vấn an ninh quốc gia Philippines nói rằng không nên mở chiến dịch tẩy chay hàng hóa Trung Quốc, nếu không có các mặt hàng thay thế.
Ông nói thêm rằng nhiều người Mỹ gốc Philippines hiện sinh sống ở Hoa Kỳ cũng đã lên tiếng ủng hộ chiến dịch bài bác hàng hóa Trung Quốc.
Xích lại gần Philippines
Và ông cũng lên tiếng kêu gọi người Việt cùng tham gia để đáp lại sự ủng hộ của Philippines đối với Việt Nam thời gian qua.
Ông nói: “Chúng tôi kêu gọi người Việt cùng sát cánh với chúng tôi. Chúng ta cần phải giúp đỡ lẫn nhau vì cùng có chung đối thủ là Trung Quốc. Ngành may mặc của nước này đang cạnh tranh với chúng ta, và việc tẩy chay này cũng sẽ giúp cho ngành may mặc địa phương. Ngoài cuộc tẩy chay này, chúng tôi còn ủng hộ Việt Nam trong vấn đề chủ quyền lãnh hải, nhất là khi năm ngoái Trung Quốc đưa giàn khoan dầu hơn một tỷ đôla vào thềm lục địa của Việt Nam. Liên minh của chúng tôi có nói với chính quyền rằng chúng ta cần phải học tập Việt Nam, làm theo gương Việt Nam. Tuy nhiên, bản thân chúng tôi cũng nêu gương bằng cách đưa Trung Quốc ra tòa trọng tài Liên Hiệp Quốc cũng như mạnh mẽ phản đối Bắc Kinh xây đảo ở biển Đông”.
Trong khi căng thẳng bùng lên giữa Bắc Kinh và Tokyo về quần đảo Senkaku năm ngoái, cũng có nhiều chiến dịch bài hàng hóa ở cả hai nước.
Người Việt và Philippines vừa qua đã thể hiện tình đoàn kết trong khi cùng bị Trung Quốc “ức hiếp” trên biển Đông.
Hơn một chục người Việt mới đây đã cùng hàng trăm người Philippines biểu tình phản đối bên ngoài lãnh sự quán Trung Quốc ở thủ đô Manila.
Những người Việt trẻ tuổi, đa phần là sinh viên và các nhà hoạt động xã hội, hôm 24/7, đã giơ cao các biểu ngữ như “Việt Nam và Philippines cùng đứng lên chống lại sự xâm lược của Trung Quốc” hay “Trung Quốc hãy chấm dứt xây đảo nhân tạo trong lãnh hải Việt Nam và Philippines”.
Trong khi đó, trên bình diện chính phủ, Hà Nội và Manila vừa qua đã gia tăng hợp tác song phương, trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng hoạt động lấn biển, xây đảo nhân tạo trên biển Đông, gây lo ngại cho cả hai quốc gia Đông Nam Á.
Nhiều nhà quan sát cho rằng Việt Nam đang chủ động xích lại gần hơn nữa với Philippines để tạo lập liên minh nhằm đương đầu với Trung Quốc.
Trong chuyến thăm Philippines năm ngoái, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố rằng tình hình ở biển Đông hiện nay ‘đặc biệt nguy hiểm’ đồng thời khẳng định rằng hai nước sẽ củng cố hợp tác quốc phòng và sẽ ‘kiên quyết phản đối’ Trung Quốc. - VOA
|
|
6.
Quan hệ Việt-Mỹ sang kỷ nguyên mới, nhân quyền vẫn là trở ngại
Ngoại trưởng Mỹ nhận xét quá trình hàn gắn giữa hai nước Việt - Mỹ đã trải qua một thời gian và "không dễ dàng cho cả đôi bên".
Tuyên bố của ông John Kerry được đưa ra tại Hà Nội hôm nay 7/8 trong bài diễn văn đánh dấu kỷ niệm 20 năm Việt-Mỹ bình thường hóa quan hệ ngoại giao.
Tại một diễn đàn xã hội dân sự, Ngoại trưởng Kerry lưu ý rằng đôi bên đã mất 2 thập niên để bình thường hóa quan hệ:
"Chúng ta đã mất 20 năm để chuyển từ hàn gắn sang xây dựng quan hệ. Hãy nghĩ về những gì chúng ta sẽ đạt được trong 20 năm sắp tới".
Quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam bị cắt đứt 40 năm trước, khi cuộc chiến tranh kéo dài ở Việt Nam được chấm dứt.
Trong những năm gần đây, Hoa Kỳ và Việt Nam đã tiến lên các mối quan hệ kinh tế mạnh mẽ, với thương mại hai chiều đạt 36 tỷ đô la trong năm ngoái.
Cùng phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Việt Nam Phạm Bình Minh bày tỏ tin tưởng quan hệ đôi bên sẽ được nâng lên một mức cao hơn nữa.
Nhân quyền Việt Nam
Dù có các mối quan hệ thương mại mạnh mẽ với Việt Nam, Hoa Kỳ vẫn tiếp tục nêu các mối quan ngại về thành tích nhân quyền của Hà Nội.
Trong báo cáo nhân quyền thường niên công bố hồi tháng 6, Bộ Ngoại giao Mỹ đã nhắc tới các vấn đề nhân quyền của Việt Nam bao gồm "giới hạn chặt chẽ quyền chính trị của công dân" và "các vụ cuộc tấn công, bắt giữ và giam cầm tùy tiện của công an".
Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh tiến bộ về nhân quyền và thượng tôn pháp luật "sẽ tạo nền tảng cho mối quan hệ đối tác sâu xa hơn và bền vững hơn giữa Hoa Kỳ với Việt Nam" và "nhất định sẽ phục vụ cho quyền lợi của chính Việt Nam".
Ông Kerry nói thêm rằng: "Đôi bên càng có thêm điểm chung, càng dễ thuyết phục nhân dân hai nước siết chặt hơn các mối liên hệ và hy sinh cho nhau".
Việt Nam lâu nay vẫn bác bỏ các cáo giác về vi phạm nhân quyền. Hà Nội nói còn những khác biệt về quan điểm trong vấn đề này và mong thu hẹp các cách biệt đó qua đối thoại ngoại giao.
Trong bài phát biểu tại Hà Nội hôm nay, Ngoại trưởng Hoa Kỳ khẳng định:
"Mỗi một quốc gia và một nền văn hóa đều có đặc thù riêng và chúng tôi tôn trọng khác biệt trong các cấu trúc quản trị căn bản khác nhau nhưng quan điểm về quyền tự do của con người là điều được toàn cầu công nhận. Nó xuất phát từ nhu cầu căn bản của con người là có phẩm giá và được đối xử một cách tôn trọng".
Trước khi Ngoại trưởng Kerry đặt chân tới Hà Nội, tổ chức bảo vệ nhân quyền Phóng viên Không biên giới (RSF) có trụ sở tại Pháp đã gửi thỉnh nguyện thư tới nhà ngoại giao hàng đầu của Hoa Kỳ, yêu cầu thúc đẩy chính phủ Việt Nam cải thiện nhân quyền, phóng thích tất cả ký giả hay blogger đang bị giam cầm và ngưng sách nhiễu, tấn công các nhà báo công dân, những người cung cấp thông tin độc lập không theo "lề Đảng".
Trong cuộc phỏng vấn với Trà Mi VOA Việt ngữ hôm nay, RSF hoan nghênh phát biểu của ông Kerry về vấn đề nhân quyền Việt Nam, nhưng nhấn mạnh rằng cần phải có hành động cụ thể song hành với lời tuyên bố.
Ông Benjamin Ismail, trưởng đặc trách khu vực Châu Á-Thái Bình Dương trong RSF:
"Phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ tại Hà Nội hôm nay là một khởi điểm tốt, nhưng RSF chúng tôi trông chờ những yêu sách cụ thể từ Mỹ trong vấn đề nhân quyền Việt Nam. Trong thư gửi Ngoại trưởng Kerry trước khi ông sang Việt Nam, chúng tôi nhấn mạnh rằng Hiệp định TPP là một đòn bẩy quan trọng cụ thể nhất hiện nay có thể giúp cải thiện nhân quyền tại Việt Nam, đặc biệt là về quyền tự do bày tỏ quan điểm và tự do báo chí. Ông Kerry nên tận dụng TPP làm công cụ để yêu cầu nhà cầm quyền Hà Nội phải thật sự tôn trọng nhân quyền".
Phóng viên Không biên giới cho biết sẽ tiếp tục kêu gọi các nền dân chủ lớn trên thế giới như Hoa Kỳ và các nước EU lưu tâm hơn nữa và thúc đẩy mạnh mẽ hơn đối với vấn đề nhân quyền của Việt Nam.
Ông Benjamin Ismail:
"Điều chúng tôi cần thấy là hồi đáp của nhà cầm quyền và các bước cụ thể chứng tỏ cải thiện và tôn trọng nhân quyền".
Trưởng khu vực Châu Á-Thái Bình Dương trong RSF nói thực tế cho thấy các chính phủ độc tài trong khu vực vẫn có thể phát triển kinh tế và thắt chặt quan hệ đối tác với các nước mà không cần phải nới lỏng sự kiểm soát các quyền dân sự và chính trị của công dân là một kiểu phát triển phản nhân quyền. Ông Ismail khẳng định:
"Nhiệm vụ của các nước như Mỹ hay Pháp là phải chứng tỏ cho các chính phủ độc tài thấy rõ rằng kiểu phát triển này sẽ không được chấp nhận. Cần phải thay đổi thực tế này."
Hiệp định TPP
Cả Hoa Kỳ và Việt Nam đều đang tham gia các cuộc đàm phán về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), một thỏa thuận thương mại rộng lớn bao gồm 12 quốc gia.
Ông Greg Poling, nhà phân tích Châu Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế CSIS nhận định: "Cho tới nay, Việt Nam là nước được hưởng lợi nhiều nhất từ TPP".
Ông nói Việt Nam không chỉ hưởng lợi vì được tiếp cận thị trường Mỹ, mà còn vì được tiếp cận với các thị trường của Canada và Nhật Bản.
Trong chuyến thăm Việt Nam lần này, Ngoại trưởng Kerry cũng hội kiến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng của đảng cộng sản Việt Nam.
Tháng 7 vừa qua, ông Trọng đã được Tổng thống Mỹ Barack Obama tiếp tại Tòa Bạch Ốc.
Trong buổi xuất hiện chung với Tổng thống Obama dịp đó, ông Trọng đã phát biểu rằng: "Trong lịch sử hai nước đã có một chương khó khăn, cay đắng, nhưng chúng ta đã có thể vượt lên trên quá khứ để khắc phục những khác biệt, phát huy lợi ích chung và hướng tới tương lai".
Biển Đông
Ngoài thương mại, các vấn đề về an ninh hàng hải ở Biển Đông đã trở thành một trọng tâm chính trong quan hệ Việt-Mỹ. Trong chuyến thăm lần trước tới Hà Nội vào năm 2013, ông Kerry đã công bố rằng Hoa Kỳ sẽ cung cấp 5 tàu tuần tra cao tốc giúp Việt Nam cải thiện lực lượng tuần duyên.
Chuyến công du lần này của ông Kerry tới Việt Nam là chặng dừng chân cuối cùng trong chuyến thăm 5 nước ở Trung Đông và Nam Á.
Ngoại trưởng Mỹ đến Hà Nội từ Kuala Lumpur (Malaysia), nơi ông tham dự diễn đàn khu vực ASEAN.
An ninh hàng hải là một trong những vấn đề mà Ngoại trưởng các nước tham dự diễn đàn đã nêu lên, đặc biệt xoay quanh hoạt động xây đảo gây tranh cãi của Trung Quốc trong vùng biển mà các nước xung quanh cũng có tuyên bố chủ quyền.
Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh duy trì tự do hàng hải và hàng không trong khu vực là điều "thiết yếu".
Ông Kerry phát biểu rằng "Mặc dù có cam đoan rằng những quyền tự do này sẽ được tôn trọng, trong những tháng gần đây chúng ta vẫn thấy có những cảnh báo và những hạn chế".
Ông kêu gọi các nước phải cam kết ngưng xây dựng và quân sự hóa các đảo trong khu vực để hạ giảm căng thẳng. - VOA
No comments:
Post a Comment