Saturday, August 29, 2015

Tin Cập Nhật Bảy 29/8

Tin Thế Giới

1.
Dân Malaysia biểu tình đòi thủ tướng từ chức

Những người biểu tình bắt đầu tụ tập ở thủ đô của Malaysia để dự cuộc mít-tinh trong hai ngày để đòi Thủ tướng Najib Razak từ chức vì những cáo giác lừa đảo nghiêm trọng.

Tổ chức Bersih, tổ chức xã hội dân sự hàng đầu ở Malaysia, muốn ông Najib từ chức, sau khi có tố cáo cho rằng ông nhận 700 triệu đô la từ quỹ đầu tư 1MDB do chính phủ làm chủ.

Chính phủ đã phong toả website của Bersih và tuyên bố cuộc biểu tình tại Quảng trường Độc lập ở Kuala Lumpur là bất hợp pháp vì các nhân vật tranh đấu không được cấp phép để tổ chức biểu tình tại địa điểm này.

Giới hữu trách cũng cấm dân chúng mặc trang phục màu vàng của Bersih và phù hiệu của tổ chức này.

Chính phủ đã tăng cường các biện pháp an ninh trước cuộc biểu tình dự trù diễn ra hôm nay.

Ông Najib đã bác bỏ các cáo giác và nói rằng khoản tiền đó trong các tài khoản ngân hàng của ông là một khoản tiền biếu tặng từ Trung Đông.

Ông cho rằng tố cáo tham nhũng này nằm trong khuôn khổ của “âm mưu phá hoại chính trị” nhắm vào liên minh cầm quyền lâu năm ở Malaysia.

Cuộc điều tra về tố cáo này làm tăng khả năng ông Najib bị truy tố hình sự, một việc chưa từng xảy ra cho một vị thủ tướng của Malaysia.

Ông Najib đã cách chức viên tổng chưởng lý đã điều tra ông.

Cáo giác này được tiết lộ hồi tháng trước trên tờ Wall Street Journal. Báo này thuật chuyện dựa trên những văn kiện bị rò rỉ từ một cuộc điều tra của chính phủ nhắm vào quỹ 1MDB.

Quỹ 1MDB, do ông Najib làm chủ tịch, đang đối mặt với cáo giác tham ô và quản lý sai trái, và nợ hơn 11 tỉ đô la. Quỹ này đang bị điều tra bởi nhiều cơ quan trong chính phủ. - VOA
|
|

2.
Cảnh sát bắt giữ nghi phạm vụ nổ Bangkok

Cảnh sát Thái Lan vừa bắt giữ một nghi phạm ở Bangkok được cho là liên quan tới vụ nổ ở đền Erawan hôm 17/08 khiến 20 người thiệt mạng.

Cảnh sát bố ráp một căn hộ ở Bắc Bangkok hôm thứ Bảy 29/08, một phát ngôn viên của lực lượng cho biết.

Nghi phạm "trông giống như người chúng tôi đang tìm", phát ngôn viên Prawut Thavornsiri nói.

Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan đã công bố ảnh và tên người bị bắt là Adem Karadag, được cho là mang quốc tịch Thổ Nhĩ Kỳ.

"Chúng tôi đã bắt giữ một người," phó cảnh sát trưởng quốc gia, Tướng Chaktip Chaijinda nói với phóng viên trong buổi truyền hình trực tiếp.

"Chúng tôi tìm thấy các thành phần của nguyên liệu chế tạo bom trong căn hộ của anh ta và tôi tự tin rằng có nhiều khả năng anh ta liên quan tới vụ tấn công bom," ông nói.

Cảnh sát truy tìm nghi phạm chính được ghi hình trên camera quan sát, để lại chiếc túi đeo lưng ở đền Erawan không lâu trước khi xảy ra vụ nổ khiến hơn 100 người bị thương, trong đó chủ yếu là khách du lịch.

Bản vẽ của cảnh sát đưa ra cho thấy nghi phạm có tóc sẫm màu và đeo kính.

'Hàng chục hộ chiếu'

Tướng Chaktip cho biết thêm, "vẫn chưa rõ" liệu người bị bắt hôm thứ Bảy có đúng là người xuất hiện trên camera quan sát hay không.

"Chúng tôi thấy có hàng chục hộ chiếu trong phòng anh ta. Chúng tôi phải kiểm tra xem anh ta thuộc quốc tịch nào," ông nói trong buổi phát sóng sau vụ bố ráp.

Trước đó cảnh sát nghi ngờ rằng vụ tấn công đã được chuẩn bị từ trước một tháng, thậm chí hơn, và có ít nhất 10 người tham gia, nhưng ít có khả năng liên quan tới khủng bố quốc tế.

Cảnh sát Thái cũng treo phần thưởng 1 triệu Baht (khoảng 28.000 USD) cho ai có thông tin nhưng không rõ liệu vụ bố ráp vừa rồi có nhờ phần thưởng này.

Ngôi đền là địa điểm có nhiều du khách Trung Quốc và Thái Lan tới thăm.

Hôm 21/08, cảnh sát Thái Lan thả hai nghi phạm - một du khách Trung Quốc và một hướng dẫn viên người Thái - bị bắt giữ trong vụ đánh bom do 'không liên can'.

Hai người này bị camera an ninh ghi hình đứng gần nghi phạm chính trong vụ đánh bom đền Erawan hôm 17/8 khiến 20 người chết. - BBC
|
|

3.
Trung Quốc duyệt binh, Tổng thư ký LHQ đi dự, Nhật Bản nổi giận --- TQ đuổi sạch dân oan ra khỏi Bắc Kinh nhân lễ "chiến thắng"

Vấn đề khách mời tại lễ duyệt binh kỷ niệm 70 năm ngày Nhật Bản đầu hàng Đồng minh do Bắc Kinh tổ chức ngày 03/09/2015 tiếp tục gây tranh cãi. Văn phòng Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc vào hôm qua, 28/08/2015, đã lên tiếng biện minh cho quyết định đến Bắc Kinh dự lễ kỷ niệm này của ông Ban Ki Moon, ít lâu sau khí báo chí Nhật Bản cho biết là Tokyo đã bày tỏ thái độ hết sức "bất bình" về sự vụ.

Trả lời câu hỏi của hãng tin Nhật Bản Kyodo, văn phòng Phát ngôn viên của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc cho biết là sở dĩ ông Ban Ki Moon đến dự lễ kỷ niệm ngày Đệ nhị Thế chiến kết thúc tại Bắc Kinh, đó là để rút tỉa kinh nghiệm từ những "bài học lịch sử".

Câu trả lời hãng Kyodo nguyên văn như sau: "Tổng thư ký tin rằng điều quan trọng là phải suy ngẫm về quá khứ, nhìn vào bài học mà chúng ta có được, và làm thế nào để hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn dựa trên những bài học đó".

Theo văn phòng Phát ngôn viên Liên Hiệp Quốc, chính các lý do nói trên là nguyên nhân thúc đẩy ông Ban Ki Moon đến Bắc Kinh dự lễ, như ông đã từng đi dự mọi lễ kỷ niệm ngày Chiến tranh Thế giới Lần thứ II kết thúc tại những nước khác như ở Ba Lan, Ukraine và Nga. Nguồn tin này cũng lưu ý rằng Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc cũng từng cử Phái viên cao cấp đặc trách giải trừ quân bị đến tham dự buổi lễ tại Hiroshima ngày 06/08 vừa qua, tưởng niệm nạn nhân vụ ném bom nguyên tử của Hoa Kỳ. 

Hãng tin Kyodo đã nêu bật bối cảnh của lời biện minh nói trên. Ngay sau thông báo hôm thứ Năm 27/08 vừa qua là Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon sẽ đến Bắc Kinh theo lời mời của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, và dự lễ kỷ niệm hôm 03/09, Nhật Bản đã không che giấu thái độ giận dữ. 

Một quan chức Bộ Ngoại giao Nhật Bản tiết lộ rằng Tokyo đã bày tỏ thái độ "hết sức bất mãn" trước việc Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc đến Bắc Kinh dự lễ, đồng thời cho rằng lẽ ra định chế quốc tế này "phải giữ lập trường trung lập trong các sự kiện chủ yếu tập trung vào quá khứ".

Điều khiến cho Tokyo nổi giận chính là nguồn tin theo đó ông Ban Ki Moon sẽ tham dự buổi lễ duyệt binh mà Trung Quốc tổ chức nhân ngày kỷ niệm của sự kiện được Bắc Kinh mệnh danh là Ngày Chiến thắng trong cuộc "Kháng chiến chống Nhật Bản xâm lược và Cuộc Chiến tranh Thế giới chống Phát xít".

Trong bối cảnh Trung Quốc không ngừng phô trương sức mạnh quân sự và có nhiều hành động đe dọa các láng giềng ở Biển Hoa Đông và Biển Đông, bất chấp sự can gián của quốc tế, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Tổng thống Mỹ Barack Obama, cũng như các lãnh đạo phương Tây đều đã từ khước lời mời đến Bắc Kinh dự lễ, không muốn là sự hiện diện của mình bị coi là tán đồng các hành vi thị uy quân sự của Trung Quốc. - RFI

***
Để ngăn chặn khả năng lễ kỷ niệm 70 năm Chiến tranh Thế giới lần thứ II kết thúc bị quấy rầy, chính quyền Trung Quốc đã dùng cả biện pháp cưỡng bức lẫn mua chuộc để đuổi sạch những người khiếu kiện ra khỏi Bắc Kinh. Theo trang mạng Đài Loan Want China Times vào hôm nay, 29/08/2015, thì trong những ngày qua, chính quyền Trung Quốc vừa bố ráp các dân oan có mặt tại thủ đô và áp tải những người này về quê, vừa thưởng tiền cho những ai thôi khiếu nại.

Theo Want China Times, các phương tiện truyền thông ngoại quốc và Trung Quốc đều xác nhận thông tin là công an Bắc Kinh đang mở chiến dịch lùng sục trên bình diện rộng tại các khu vực ngoại thành Bắc Kinh để lùng bắt những dân oan lên thủ đô để khiếu kiện. Sau khi bị bắt, những người này sẽ bị gởi trả ngay về địa phương nơi họ cư ngụ. 

Theo báo Hồng Kông Oriental Daily, thì ngày 20/08 vừa qua chẳng hạn, hàng chục công an đã đột kích vào nơi tập hợp của các dân oan, bắt đi khoảng hơn 200 người. Những ai trốn thoát được đều đã phải lẩn tránh ở những vùng xa để khỏi bị bắt. 

Các nguồn tin báo chí còn cho biết là công an cũng hứa trả 20.000 nhân dân tệ (tương đương với 3.100 đô la) cho những ai đồng ý ngừng biểu tình khiếu kiện tại Bắc Kinh kể từ ngày 20/08. 

Cũng trong khuôn khổ bảo đảm an ninh cho buổi lễ rầm rộ sắp được tổ chức hôm 03/09, giới luật sư và các nhà đấu tranh xã hội cũng bị cấm rời khỏi Hoa Lục. Một "cửa khẩu" giữa hai thành phố Thâm Quyến và Hồng Kông hôm 21/08 vừa qua, đã cấm không cho Luật sư Yên Tân (Yan Xin) tại Bắc Kinh rời Trung Quốc với lý do là nhân vật này có thể đe dọa an ninh quốc gia. - RFI
|
|

Tin Hoa Kỳ

4.
Trang web Ashley Madison phát triển ứng dụng ‘Vợ bạn đáng giá bao nhiêu’

Công ty đứng sau Ashley Madison đã phát triển ứng dụng dành cho các ông chồng có thể tải ảnh vợ mình lên để người khác định giá.

Ứng dụng với tên gọi “Vợ bạn đáng giá bao nhiêu” được bắt đầu phát triển từ năm 2013 nhưng đã không bao giờ được ra mắt vì bị miêu tả là “khủng khiếp”.

Thông tin này bị rò rỉ sau khi vụ hacker tấn công trang web dành cho người ngoại tình Ashley Madison vào tuần trước.

Tin tức cho biết, với ứng dụng này, các ông chồng có thể xem ảnh vợ của người khác và sau đó có thể xếp hạng từ 1 đến 10 bằng đôla.

Sự cáo buộc này bắt nguồn từ những email bị lộ ra sau vụ tấn công nhằm vào trang web hẹn hò ngoại tình. Nội dung email cho thấy các giám đốc điều hành thảo luận về việc để cho các ông chồng đánh giá vợ người khác.

“Các lựa chọn sẽ là “đăng ảnh vợ bạn” và “đấu giá vợ của ai đó”, giám đốc điều hành công ty mẹ của Ashley Madison Noel Biderman đã viết để đáp ứng các đề xuất của nhà phát triển.

Ông Biderman cũng gợi ý rằng ông “không chắc chắn rằng sẽ yêu cầu tên thật hay chỉ là tên đăng nhập”.

Các email cũng cho thấy ảnh chụp màn hình của ứng dụng hiển thị một loạt ảnh phụ nữ và người dùng có thể xếp hạng, đánh giá hoặc để lại nhận xét.

Bảng xếp hạng sẽ được gọi là “10 bà vợ nóng bỏng nhất bị lừa dối”.

Mục đích của việc “đấu giá” vợ người khác là khó hiểu. Nó có thể sử dụng để thúc đẩy “cái tôi” của những người có vợ được định giá cao. Cũng có quan điểm cho rằng, những người đàn ông có ý định gian díu với một trong những người mà họ bình chọn.

Ashley Madison và công ty truyền thông Avid Life không trả lời các yêu cầu bình luận ngay lập tức.

Tuần trước, hacker đã đánh cắp toàn bộ dữ liệu cá nhân của các thành viên trang web hẹn hò ngoại tình Ashley Madison gây chấn động dư luận và khiến nhiều người lo lắng.

Các hacker cũng tố cáo trang web Ashley Madison đã lừa các thành viên của mình. Trên thực tế họ không xóa bỏ hoàn toàn các dữ liệu cá nhân của thành viên, cho dù những người này đã phải bỏ ra 19 đôla phí theo như quy định. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

5.
Phe đối lập Campuchia tìm ra bản đồ chứng minh Việt Nam lấn đất

Một nhà lập pháp đối lập ở Campuchia tuyên bố vừa tìm thấy một bản đồ trong thư viện Quốc hội Mỹ mà ông cho rằng sẽ giúp đưa ra ánh sáng vấn đề biên giới giữa Việt Nam với Campuchia.

Tờ PhomPenh Post ngày 28/8 dẫn lời nhà lập pháp Um Sam An thuộc đảng Cứu nguy Dân tộc nói các bản đồ ông có trong tay không có dấu mộc của Việt Nam như các bản đồ chính phủ Campuchia đang lưu giữ.

Ông An, hiện đang có mặt tại Hoa Kỳ, cho biết sẽ mang bản đồ vừa kiếm được về Campuchia để minh định xem tấm bản đồ này đúng hay các tấm bản đồ của chính phủ là đúng.

Nhà lập pháp này nói ông tin là tấm bản đồ 26 miếng vừa kể là một trong những bản đồ gốc mà Quốc vương Sihanouk từng nộp cho Liên hiệp quốc vào năm 1964.

Chính phủ của Thủ tướng Hun Sen khẳng định họ đang sử dụng cùng một bản đồ như thế, nhưng một số nhà lập pháp đối lập gần đây tố cáo rằng bản đồ của chính phủ thiên vị Việt Nam trong vấn đề biên giới.

Hôm qua, người đứng đầu Ủy ban Biên giới Quốc gia Campuchia mạnh mẽ bác bỏ tầm quan trọng của những dấu mộc trên bản đồ.

Ông Sok Touch nói: "Mộc không quan trọng. Quan trọng là những tấm bản đồ này có sai hay không".

Tuần này, Thủ tướng Hun Sen đã dọa rằng những ai tố cáo nhà nước dùng ‘bản đồ giả’ sẽ đối mặt với các hành động pháp lý ‘không khoan nhượng’.

Tuy nhiên, Chủ tịch Ủy ban Biên giới Quốc gia Campuchia cho hay ông hoan nghênh việc ông An đệ trình bản đồ vừa tìm thấy để xem xét, dù ông không tin đó là bản đồ gốc được Vua Sihanouk nộp cho Liên hiệp quốc.

Đảng Nhân dân cầm quyền ở Campuchia đối phó mạnh tay với những chỉ trích từ phe đối lập cho rằng chính phủ của ông Hun Sen để cho Việt Nam lấn chiếm lãnh thổ. 

Giữa tháng này, Thượng nghị sĩ Hong Sok Hour của đảng Sam Rainsy bị chính quyền bắt giam với cáo buộc ‘phản quốc’. Ông Hour bị tố cáo là đã đăng lên Facebook một đoạn Hiệp ước Biên giới Việt Nam - Campuchia 1979 ‘giả’.

Đáp yêu cầu của Thủ tướng Hun Sen, tuần trước, Liên hiệp quốc đã cho Campuchia mượn những tấm bản đồ để Phnom Penh chứng minh tính chính xác của các tấm bản đồ mà chính phủ đang có. Những tấm bản đồ cho mượn không phải là bản đồ gốc mà Quốc vương Sihanouk trao cho Liên hiệp quốc trước kia. - VOA
|
|

6.
VN: Nhập siêu với TQ tiếp tục tăng mạnh

Nhập siêu với Trung Quốc tiếp tục tăng mạnh trong 8 tháng đầu năm, Tổng Cục Thống kê Việt Nam cho biết.

Số liệu được các báo trong nước dẫn lại cho thấy từ đầu năm đến nay, tổng giá trị nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 32,7 tỷ đôla, tương đương 29,8% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam.

Con số này cao hơn 20,4% so với cùng kỳ năm trước, theo báo cáo.

Trong khi đó, Việt nam chỉ xuất khẩu sang Trung Quốc 10,4 tỷ đôla trong thời gian này, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước.

Điều này khiến Trung Quốc trở thành thị trường nhập siêu lớn nhất của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm, với giá trị khoảng 22,3 tỷ đôla.

Con số này cao hơn 29% so với mức 17,3 tỷ đôla cùng kỳ năm 2014.

Tổng Cục Thống kê nhận định việc Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ 4,6% trong tháng này chưa ảnh hưởng lớn đến xuất nhập khẩu tháng 8.

'Sẽ bị ép giá'

Tuy nhiên cơ quan này cũng cảnh báo hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ bị ép giá trong những tháng cuối năm, trong khi hàng nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ có tính cạnh tranh cao hơn, làm gia tăng áp lực nhập siêu từ nước này.

Tính từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã phá giá đồng tiền Việt Nam (VND) 3% và nới biên độ tỷ giá VND/USD lên gấp ba lần, từ 1% lên 3%.

Các thông cáo trước đó của Ngân hàng Nhà nước cho biết động thái điều chỉnh tỷ giá là để đáp lại việc Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ và đón đầu các tác động bất lợi của khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ điều chỉnh tăng lãi suất trong thời gian tới.

Thời gian qua, nhiều ý kiến từ giới chuyên gia cho rằng áp lực hạ giá VND sẽ làm gia tăng tình trạng nhập siêu với Trung Quốc và tăng gánh nặng nợ công.

Hôm 20/8, ngân hàng HSBC dự báo Việt Nam có thể phá giá đồng nội tệ thêm 2% từ đây đến cuối năm, nâng tổng mức điều chỉnh tỷ giá VND/USD trong cả năm lên 5%.

Mức này cao hơn một số dự đoán từ giới chuyên gia trước đó, vốn cho rằng phạm vi điều chỉnh tỷ giá trong cả năm sẽ từ 3% đến 4%.

Bên cạnh đó, HSBC cũng cho rằng Việt Nam sẽ phải phá giá VND thêm 2% trong cả năm 2016.

Tỷ giá cuối năm nay, theo ước tính của HSBC, sẽ ở mức 22.800 VND/USD. - BBC

No comments:

Post a Comment