Saturday, August 8, 2015

Tin Cập Nhật Thứ Bảy 8/8

Tin Thế Giới

1.
Tấn công đẫm máu tại Afghanistan, 51 người chết

Ba vụ tấn công gây chấn động thủ đô Kaboul từ tối qua đã làm cho 51 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương, theo tổng kết mới nhất công bố hôm nay 08/08/2015. Đây là vụ khủng bố đẫm máu nhất xảy ra tại Afghanistan kể từ khi NATO chấm dứt tham chiến vào cuối năm ngoái.

Vào đầu giờ tối qua, một kẻ tấn công tự sát trà trộn vào các sinh viên Học viện Cảnh sát Kaboul, đã cho nổ bom làm 27 người chết. Trước đó một ngày, một chiếc xe tải gài chất nổ đã phá hủy một khu dân cư tại trung tâm Kaboul, sát hại ít nhất 15 người và làm trên 240 người khác bị thương. Nhưng mục tiêu chính có thể là trại Integrity, một căn cứ của lực lượng đặc biệt Mỹ nằm gần địa điểm bị khủng bố; vì tiếp theo là những loạt đạn nã vào căn cứ này. Suốt đêm qua cho đến sáng nay, các chiến đấu cơ và trực thăng của lực lượng an ninh tuần tra trên không phận thủ đô, nhiều khu vực bị phong tỏa.

Phe Taliban đứng ra nhận là người tổ chức các vụ tấn công, trừ vụ khủng bố tại khu vực Shad Shadi đông dân trên đây. Lực lượng Taliban thường phủ nhận trách nhiệm trong những vụ khủng bố có nhiều nạn nhân là thường dân, cho dù phe nổi dậy này là thủ phạm của hầu hết các vụ bạo động nhắm vào dân thường – theo một báo cáo của phái bộ Liên Hiệp Quốc tại Afghanistan (Unama) công bố vào tuần này.

Với các vụ khủng bố mới đây, phe nổi dậy đã chứng tỏ khả năng tấn công vào bộ máy an ninh ở ngay trung tâm thủ đô Afghanistan. Đợt tấn công này xảy ra một tuần sau khi phe Taliban có thủ lãnh mới là giáo sĩ Akhtar Mohammad Mansour, có thể trước mắt sẽ ngăn trở việc tái thương lượng hòa bình giữa phong trào nổi dậy Hồi giáo và chính phủ của Tổng thống Ashraf Ghani.

Một chuyên gia nhận định: "Đợt khủng bố mới này là chiến thuật của ban lãnh đạo mới của Taliban, để chứng tỏ họ luôn có khả năng tấn công". Bởi vì một bộ phận trong nhóm này vẫn luôn từ chối tuân phục tân lãnh đạo. Giáo sĩ Mansour bị chỉ trích là được bầu lên quá vội vã và đã dối trá suốt hai năm trời về tình trạng sức khỏe của giáo sĩ Omar, lãnh tụ nổi tiếng Taliban đã qua đời tháng 4/2013 tại Pakistan, theo cơ quan tình báo Afghanistan. Ngoài ra nhiều thành viên Taliban cũng không muốn thương lượng với chính phủ.

Cuộc chiến giữa quân chính phủ và Taliban đã trở nên khốc liệt hơn từ khi lực lượng chiến đấu của NATO chấm dứt nhiệm vụ năm ngoái, nhiều đội quân nước ngoài đã rút đi. Theo Liên Hiệp Quốc, gần 5.000 thường dân đã bị thương hoặc thiệt mạng từ tháng Giêng đến tháng Sáu năm 2015, còn theo Tư lệnh Mỹ phụ trách các lực lượng đồng minh tại Afghanistan, tướng John Campbell, quân đội Afghanistan mỗi tháng lại hụt đi 4.000 người, hoặc tử trận, hoặc đào ngũ. - RFI
|
|

2.
Nhiều nước muốn mua lại chiến hạm Mistral của Pháp

Hơn một chục quốc gia trong đó có Ai Cập muốn mua lại hai chiến hạm Mistral mà hợp đồng bán cho Nga vừa bị hủy. Một nguồn tin thân cận hôm 07/08/2015 cho Reuters biết như trên.

Cũng theo nguồn tin trên, Ai Cập ngoài ra còn đang thương lượng mua thêm hai tàu chiến Gowind, sau khi đã mua bốn chiếc trong năm 2014. Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah Al Sissi, hôm thứ Năm 6/8 đã tưng bừng khai trương công trình mở rộng kênh đào Suez với sự hiện diện của Tổng thống Pháp François Hollande, đã đặt mua 24 phi cơ Rafale hồi tháng Hai. Đây là lần đầu tiên tập đoàn Pháp Dassault Aviation xuất khẩu được chiến đấu cơ hiện đại này.

Hợp đồng trị giá tổng cộng 5,2 tỉ euro, gồm cả các hỏa tiễn MBDA của Safran, và một chiến hạm đa năng Fremm do tập đoàn sản xuất tàu chiến DCNS đóng. Nguồn tin cho biết thật ra Ai Cập cần đến hai chiến hạm Fremm, nhưng ngân sách không cho phép nên không thể thương lượng thêm chiếc thứ hai. Chiến hạm Fremm và ba chiến đấu cơ Rafale đầu tiên giao cho Ai Cập trong tháng Bảy đã tham gia lễ khai mạc hoành tráng nhánh kênh đào Suez mới, được xây dựng trong vòng không đầy một năm với ngân sách khổng lồ gần 8 tỉ đô la.

Bên lề buổi lễ, hai Tổng thống François Hollande và Abdel Fattah Al Sissi cũng đã bàn bạc về khả năng Ai Cập mua lại hai chiếc Mistral, mặc cho những chỉ trích của các nhà đấu tranh nhân quyền tại Pháp liên quan đến việc chính quyền Ai Cập đàn áp đối lập. Nguồn tin nhận xét, Nga không hề chống đối việc Pháp bán Mistral cho Ai Cập, và Paris cũng không có ý định bán cho Ukraine.

Trong số các nước muốn mua chiến hạm Mistral có Brazil, Singapore, Ả Rập Xê Út và Canada – mà theo một nguồn tin ngoại giao thì có vẻ rất phù hợp với một chiến hạm được đóng để hoạt động trong vùng biển lạnh. Nguồn tin thân cận với điện Elysée nói rằng sau thỏa thuận hôm 5/8, Pháp toàn quyền sở hữu hai chiếc Mistral và có thể nhanh chóng khởi động các thương thảo để bán lại. Hải quân Pháp đã có ba chiến hạm Mistral, không cần thêm nữa.

Ông François Hollande hôm thứ Năm 06/08/2015 tuyên bố với báo chí là Pháp không khó khăn gì để tìm ra khách hàng mua lại Mistral mà không tốn kém gì thêm. Tuy vậy DCNS hồi tháng Hai ước tính phải mất nhiều trăm triệu euro để cải tạo hai chiến hạm này cho phù hợp với các khách hàng mới, và mỗi tháng phải chi ra một triệu euro để bảo trì trong khi chờ đợi.

Các trang thiết bị do Nga lắp đặt trên hai chiếc Mistral dự kiến giao vào tháng 10/2014 và tháng 10/2015 sẽ được tháo gỡ trong những tuần tới, một khi Quốc hội Pháp phê chuẩn việc hủy hợp đồng với Nga. Số tiền phải bồi hoàn thấp hơn trị giá 1,2 tỉ đô la của hợp đồng ; tuy nhiên cao hơn số 800 triệu euro mà Moscow đã ứng trước vì phải tính cả chi phí đào tạo. Nguồn tin ngoại giao cho biết Paris hy vọng bán được hai chiến hạm Mistral với giá phải chăng. - RFI
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
Ứng cử viên TT của Ðảng Cộng hòa tranh luận cuộc đầu tiên --- Donald Trump gây chú ý tại cuộc tranh luận đầu tiên của đảng Cộng hòa

Cuộc tranh cử tổng thống Mỹ năm 2016 khởi sự tại thành phố Cleveland, bang Ohio, nơi các ứng cử viên Cộng hòa bước vào cuộc tranh luận đầu tiên trên diễn đàn Quicken Loans Arena. Đây là sự kiện được nhiều cử tri bảo thủ tại thành phố tổ chức diễn đàn đặt nhiều dự đoán và theo dõi sát.

Trong đám đông quanh các tụ điểm của giới truyền thông và các quầy bán phù hiệu có ông John Schiemann, một cử tri độc lập, rất khao khát được vào hội trường chứng kiến cuộc tranh luận.

Ông Schiemann cho biết: "Hội trường có sức chứa hơn 20.000 người, những họ chỉ phát ra có 4.500 vé."

Và vào một trong những đêm trọng đại nhất của Cleveland trên sân khấu chính trị, ông Schiemann đã không kiếm được một chiếc vé vào dự. Ông không phải là trường hợp duy nhất.

Trong khắp thành phố, hàng ngàn người không vào được hội trường chính của cuộc tranh luận đã tập trung với các cử tri bảo thủ tại một trong các địa điểm theo dõi cuộc tranh luận.

Bà Joyce Clark từ bang Alabama đến cũng không tìm được vé vào hội trường chính. Bà chăm chú theo dõi ứng cử viên mà bà ủng hộ là Tiến sĩ Ben Carson đăng đàn.

Bà Joyce nói: "Theo tôi thì ông Carson khá bất lợi bởi vì ông thiếu các câu hỏi được nêu ra cho mình."

Một trong những tiếng cười lớn nhất, và hoan hô to nhất trong đêm được dành cho các phát biểu của doanh nhân Donald Trump – một điều gây lo ngại cho bà Clark.

Bà Clark nói: "Theo tôi đó là sô diễn dành cho ông Trump và ông Bush, thay vì là một cuộc tranh luận công bằng."

Ông Ian Walters, một cử tri bảo thủ, ca ngợi cuộc tranh luận nói: "Đó là một cuộc tranh luận truyền hình hay, và đó là một cuộc thảo luận về chính sách có ý nghĩa."

Ông Walters theo Liên đoàn Bảo thủ Mỹ. Nhóm này tổ chức một trong những tụ điểm theo dõi tranh cử lớn nhất tại House of Blues ở trung tâm thành phố Cleveland. Tại đây không chỉ có những màn ảnh lớn chiếu hình trực tiếp cuộc tranh luận, mà còn có một diễn đàn dành cho các ứng cử viên không xuất hiện tại cuộc tranh luận chính một cơ hội tiếp xúc với cử tri.

Bà Joyce Clark không thể chấp nhận chuyện một số ứng cử viên không được mời tham gia cuộc tranh luận chính, trong khi ông Donald Trump thì lại được.

Bà Clark nói thêm: "Tôi không thể tưởng tượng nổi là nhiều người lại tính đến chuyện để ông ấy lên lãnh đạo thế giới."

Nhưng ông Schiemann thì đánh giá khác về tỷ phú Trump.

Ông Schiemann cho biết: "Ông ấy luôn là người thả bom, nhưng bằng một lối tích cực."

Với số ứng cử viên đông đảo, ông Scheimann hoài nghi về động cơ của nhiều người trong số những ứng cử viên tham gia cuộc tranh luận này.

Ông Schiemann nói thêm: "Theo tôi thì một nửa trong số này ra tranh cử để lấy tiếng, nhằm mưu tìm một cái gì đó trong bốn năm hay tám năm tới, chẳng hạn như để được chọn làm ứng cử viên phó tổng thống, hay được chọn vào nội các, đại loại như vậy."

Một cuộc tranh luận sẽ chưa đủ để giúp ông Schiemann đi đến quyết định ủng hộ ai. Ông muốn chứng kiến những ai sẽ tiếp tục cuộc đua trong những cuộc tranh luận sắp tới trước khi ông quyết định bỏ lá phiếu của mình cho ứng cử viên nào. - VOA

***
10 ứng cử viên của Đảng Cộng hòa ra tranh chức tổng thống đã chính thức mở mùa vận động năm 2016 với cuộc tranh luận đầu tiên tại Cleveland, Ohio. Và bất kể sự quảng bá và trông đợi, cuộc tranh luận đã đáp ứng được những kỳ vọng về nhiều mặt.

Tỷ phú Donald Trump đã báo trước ông sẽ không sụp đổ sớm và sẽ sốt sắng đáp lại những lời đả kích. Nhưng ông Trump có thể đã khơi ra những nghi ngờ trong giới Cộng hòa về sự cam kết đối với đảng. Ông là ứng viên duy nhất trên sân khấu từ chối không cam kết ủng hộ người được đảng đề cử, và ông cũng không loại trừ khả năng một đảng thứ ba có thể ra tranh cử. Khi được những người điều khiển chương trình chất vấn, ông đáp, “Tôi sẽ không đưa ra cam kết vào lúc này.”

Phát biểu đó khơi ra một phản ứng gay gắt từ phía thượng nghị sĩ Rand Paul của tiểu bang Kentucky: “Ông ấy đã bao che cho những cá cược của ông ấy bởi vì ông quen mua các chính trị gia rồi.” Nhưng thực ra ông Paul là một trong số ít người lên tiếng đả kích ông Trump trong cuộc tranh luận kéo dài 2 tiếng đồng hồ.

Ông Trump cũng nóng nảy từ chối không chịu xin lỗi khi bị một người điều khiển chương trình khác là Megyn Kelly của Kênh Tin tức Fox về các nhận định có tính mạ lỵ trước đây của ông về phụ nữ, kể cả việc gọi họ là “lợn béo (heo mập),” “đồ chó má” và “đồ cẩu thả (ẩu tả).”

Ông Trump nói, “Vấn đề lớn của đất nước này là quá thận trọng không muốn làm phật lòng một nhóm người nào đó. Nói thẳng là tôi không có thời giờ để tính toán đắn đo như thế. Và nói thực với quý vị, đất nước này cũng không có thời giờ.”

Nhưng một số nhóm thăm dò cử tri nêu thắc mắc về Kênh Tin tức Fox sau khi cuộc tranh luận có một số phản ứng tiêu cực đối với giọng điệu của ông Trump và điều họ coi như là tránh né một số vấn đề.

Ông Trump bênh vực các nhận định gây tranh cãi trước đây của ông về di dân bất hợp pháp từ Mexico, một số mà ông mô tả là “tội phạm” và “những tên cưỡng hiếp.” Ông Trump nói trong cuộc tranh luận rằng, “Nếu không nhờ tôi, thì quý vị sẽ không bàn luận về di trú bất hợp pháp.” Ông Trump cũng nêu ra rằng cựu thống đốc tiểu bang Florida Jeb Bush đã phản đối “giọng điệu” của ông khi nói về di trú.

Trong cuộc tranh luận, ông Bush nói ông nhận thấy ngôn ngữ của ông Trump “gây chia rẽ” và ông bênh vực quan điểm của ông là di dân tìm cách đến Hoa Kỳ làm như vậy vì “tình thương yêu.” Các thượng nghị sĩ Marco Rubio của tiểu bang Florida và Ted Cruz của tiểu bang Texas cũng kêu gọi kiểm soát tốt hơn các biên giới của Hoa Kỳ trong khuôn khổ cuộc thảo luận về di trú.

Nhiều người dự tranh cực lực chỉ trích chính quyền Obama về thỏa thuận hạt nhân với Iran và nỗ lực chống lại Nhà nước Hồi giáo. Ông Cruz nói Hoa Kỳ sẽ không chiến thắng cho đến khi nào cố một tổng thống sẵn sàng ‘nói lên những từ ngữ các phần tử Hồi giáo cực đoan.”

Về thỏa thuận với Iran, Thống đốc Wisconsin Scott Walker nói ông sẽ “kết thúc thỏa thuận vào ngày đầu lên nhậm chức.” Cựu thống đốc Arkansas Mike Huckabee nói chủ trương của Tổng thống Obama về thỏa thuận dường như là “tin tưởng nhưng lại nói xấu.” Vào ngày trước cuộc tranh luận, ông Obama đã đưa ra lời khẩn thiết bênh vực thỏa thuận trong một bài phát biểu ở Washington.

Trong một cuộc trao đổi nóng nảy hơn đêm qua, ông Rand Paul và Thống đốc New Jersey Chris Christie đã lời qua tiếng lại gay gắt về việc làm thế nào quân bình được việc bảo vệ đất nước trước một cuộc tấn công khủng bố với việc bảo vệ bản Tuyên ngôn Nhân quyền.

Ông Paul nói, “Tôi muốn thu thập hồ sơ của các phần tử khủng bố nhiều hơn và bớt thu thập hồ sơ của những người Mỹ bình thường.” Ông là người thẳng thắn chỉ trích việc Cơ quan An ninh Quốc gia thu thập hàng loạt các hồ sơ điện thoại của người Mỹ.

Thống đốc Christie đối đáp, gọi câu trả lời của ông Paul là “hết sức nực cười.”

Ông Christie nói, “Thưa ông thượng nghị sĩ, khi ông ngồi trong một tiểu ban chỉ đưa ra những lời chỉ trích về việc này, thì ông có thể nói những điều như thế. Khi ông gánh trách nhiệm bảo vệ đời sống của người dân Mỹ, thì ông cần phải bảo đảm là ông sử dụng hệ thống sao cho đúng cách.”

Cuộc trao đổi phản ánh một sự khác biệt ngày càng sâu rộng bên trong đảng Cộng hòa giữa những người tán thành các quốc sách diều hâu hơn và những người muốn theo một đường lối phóng khoáng hơn.

Cựu thống đốc tiểu bang Florida, ông Jeb Bush, được nhiều người coi là sẽ dẫn đầu và được các đảng viên thuần thành của đảng Cộng hòa ủng hộ, thừa nhận ông phải tự tách mình ra khỏi cái bóng của người anh là cựu Tổng thống George W. Bush, và người cha là cựu Tổng thống George H.W. Bush.

Ông Jeb Bush thừa nhận, “ Tôi sẽ phải đạt được điều này. Có thể hàng rào còn cao hơn đối với tôi. Cũng chẳng sao. Tôi đã có một thành tích ở Florida. Tôi tự hào về cha tôi, và tôi tự hào về anh tôi.”

​Nhấn mạnh đến một sự khác biệt về chính sách so với anh mình, ông Jeb Bush thừa nhận rằng việc Hoa Kỳ tiến chiếm Iraq năm 2003 “là một sự sai lầm,” mặc dầu quy trách cho Tổng thống Barack Obama về sự trỗi dậy sau đó của Nhà nước Hồi giáo hay ISIS.

Ông Bush nói, “Barack Obama lên làm tổng thống và đã bỏ rơi Iraq. Và khi ông ra đi thì ISIS được thiết lập bởi khoảng trống mà chúng ta để lại, và khoảng trống này nay tồn tại như một vương quốc hồi giáo có kích thước ngang với tiểu bang Indiana.”

Có một điều chắc chắn là thỏa thuận Iran và cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo sẽ vẫn là những vấn đề chính trong cuộc vận động tranh cử tổng thống trong tương lai gần.

Cuộc tranh luận ở Cleveland là cuộc thử nghiệm quan trọng đầu tiên của các ứng cử viên đảng Cộng hòa. Nhưng ít nhất 8 cuộc tranh luận khác đã được dự trù và sẽ có rất nhiều cơ hội để cử tri đo lường các ứng viên khi họ lên sân khấu. Chuyên gia phân tích về đảng Cộng Hòa Scot Faulkner nói, “Quyết định nhanh chóng sẽ là một giờ khắc đáng chú ý bởi vì ngay lúc này họ còn đang tính toán các điểm tranh luận và thu mình trong các cuộc vận động cá nhân.”

Thống đốc Ohio John Kasich và nhà phẫu thuật thần kinh hồi hưu Ben Carson cũng tham gia cuộc tranh luận vào giờ vàng nhưng có thể đã bị ông Trump lấn át. Ông Trump đã đánh trúng vào sự phẫn nộ và bất mãn của các đảng viên bảo thủ trong đảng Cộng Hòa đã đưa ông lên hàng đầu trong các cuộc thăm dò, ít nhất là vào lúc này. Nhưng nhiều chuyên gia trông đợi cử tri Cộng hòa cuối cùng sẽ tập trung vào một số ít ứng viên mà họ tin là có cơ may thực tiễn có thể thắng cuộc đua vào Tòa Bạch Ốc trong năm tới. Bà Karlyn Bowman, người theo dõi công luận tại Viện Kinh doanh Mỹ nói, “Chắc chắn trong số các đảng viên Cộng hòa, có một bầu không khí khao khát sự thay đổi. Họ muốn thấy một tổng thống thuộc đảng Cộng Hòa. Họ đã không giành được chức vụ này khá lâu rồi vì thế họ sẽ tranh đua rất gay gắt và hăng say.”

Trước cuộc tranh luận chính này, 7 ứng viên khác của đảng Cộng Hòa không lọt vào vòng tuyển chọn đã lên sân khấu ở Cleveland trong một cuộc tranh luận mà một số người gọi là “Giờ Vui” hay “phụ diễn.”

Không có gì nổi bật trong cuộc tranh luận trước đó những đã có một số lời đả kích gay gắt sự lãnh đạo của Tổng thống Obama và người đứng đầu các ứng viên đảng Dân chủ, bà Hillary Clinton. Thượng nghị sĩ tiểu bang South Carolina nói bà Clinton sẽ “tiêu biểu cho một nhiệm kỳ thứ ba của một nhiệm kỳ tổng thống thất bại.” Cựu Tổng giám đốc công ty Hewlett-Packard Carly Fiorina cũng đả kích bà Clinton, và khẳng định rằng “những lời dối trá” về các vụ tấn công khủng bố ở Benghazi năm 2012 khi bà còn làm ngoại trưởng và bà “nói dối” về vụ tran cãi email có liên quan đến việc bà sử dụng máy chủ riêng để trao đổi email tại Bộ Ngoại giao.

Bà Fiorina, cựu thống đốc bang Texas Rick Perry và thống đốc bang Louisiana Bobby Jindal tất cả đều có những lúc mạnh trong cuộc tranh luận trước đó. Vòng tranh luận này còn có sự tham gia của thống đốc bang Virginia Jim Gilmore, cựu thống đốc bang New York George Pataki, và cựu thượng nghị sĩ bang Pennsylvania Rick Santorum, người về nhì sau ông Mitt Romney trong cuộc chạy đua năm 2012 để được đảng Cộng hòa đề cử.

Trong khi đó, các giới chức đảng Dân chủ đã loan báo lịch trình tranh luận của họ. 6 cuộc tranh luận đã được dử trù, cuộc tranh luận đầu tiên là vào ngày 13 tháng 10 ở tiểu bang Nevada. Ít nhất một trong các đối thủ của bà Clinton, thống đốc tiểu bang Maryland Martin O’Malley, nói ông muốn có nhiều cuộc tranh luận hơn. “Trong một thế giới lý tưởng, ta sẽ có thêm nhiều cuộc tranh luận trước cuộc bầu chọn ở Iowa, sẽ diễn ra vào tháng 2. - VOA
|
|

4.
Nga muốn lập tòa xét xử tội ác chiến tranh của Mỹ ở VN

Một nhà lập pháp Nga cho biết ông sẽ thảo luận với các thành viên Hội đồng Nghị viện của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE PA) về khả năng lập một tòa án quốc tế để nêu ra các tội ác mà Mỹ gây ra trong chiến tranh Việt Nam.

Ông Andrei Klimov, Phó Trưởng ban Quan hệ Quốc tế của Thượng viện Nga, nói với hãng tin nhà nước RIA Novosti: “Tôi sẽ trao đổi ý tưởng lập ra một tòa án quốc tế như vậy với các đồng nghiệp trong phiên họp OSCE PA, sẽ được tổ chức vào tháng Chín tại Mông Cổ”.

Ông Klimov cho biết ông cũng sẽ nêu lên vấn đề này trong phiên họp của hội đồng liên nghị viện của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), trong đó có Việt Nam, vào tháng Chín này.

Cuộc chiến Việt Nam, bắt đầu từ năm 1964 và kết thúc năm 1975, làm thiệt mạng khoảng 3 triệu người Việt Nam và hơn 58 nghìn công dân Mỹ cùng với nhiều người dân ở các nước lân cận, bao gồm cả Campuchia và Lào.

Theo Dự án Giáo dục về Tội ác Chiến tranh, các thanh tra quân đội Mỹ đã bí mật xác nhận hơn 300 tội ác chiến tranh của quân đội Mỹ, bao gồm giết người, tra tấn, hãm hiếp và nổ súng bừa bãi trong khu vực dân cư.

Ông Klimov nói: “Theo quan điểm của tôi, Nga có thể nêu ra việc thành lập một tòa án và cần phải làm như vậy, mặc dù sự thật là các thủ phạm đã không bị trừng phạt trong nhiều thập kỷ và thậm chí còn chiếm vị trí cấp cao tại Mỹ. Việc đưa các thủ phạm ra trước công lý là điều cần thiết”.

Việt Nam và Hoa Kỳ chưa lên tiếng về các tuyên bố của ông Klimov. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

5.
LHQ cho Campuchia mượn bản đồ để phân định biên giới với VN

Liên Hiệp Quốc đã đồng ý cho Campuchia mượn bản đồ gốc, sau yêu cầu của Thủ tướng Hun Sen nhằm giải quyết vấn đề tranh chấp biên giới với Việt Nam.

Ông Hun Sen đã gửi thư cho Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon đầu tháng trước để mượn bản đồ nhằm chứng tỏ sự cẩn thận của chính phủ ông trong việc phân giới cắm mốc với Việt Nam, và để né tránh và chấm dứt sự khích động tinh thần dân tộc cực đoan mà một số người Campuchia đang thực hiện.

Ông Ban cho biết trong một bức thư rằng Liên Hiệp Quốc đã đồng ý cho Campuchia mượn bản đồ gốc để xác định đường biên giới với Việt Nam.

Bản đồ gốc với tỉ lệ thu nhỏ 1/100.000 đã được Campuchia lưu chiểu tại Liên Hiệp Quốc năm 1964.

Trong bức thư phát cho truyền thông, ông Ban cho biết Liên Hiệp Quốc đã không thể tìm thấy các bản đồ mà Campuchia đề cập đến, nhưng đã tìm thấy trong thư viện của Liên Hiệp Quốc cả phiên bản điện tử và bản sao của những bản đồ mà chính phủ Campuchia có thể quan tâm.

Ông Ban Ki-Moon nói: “Một bộ gồm đầy đủ các bản sao điện tử đã được cung cấp cho Đại sứ Campuchia tại Liên Hiệp Quốc Ry Tuy vào ngày 27/7/2015”.

Ông Ban Ki-Moon cũng cho biết thêm là thư viện Liên Hiệp Quốc không cho mượn bản đồ mà họ lưu giữ, nhưng cho Campuchia mượn như một trường hợp ngoại lệ.

Ông Ban nói thêm, thư viện Liên Hiệp Quốc sẽ chỉ cho Campuchia mượn bản đồ trong một thời gian nhất định, tùy thuộc vào các điều kiện nêu ra trong các bức thư trao đổi giữa Liên Hiệp Quốc và chính phủ Campuchia.

Ông Hun Sen đã gửi thư cảm ơn Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-Moon và đồng thời cho biết chính phủ Campuchia đã thành lập một ủy ban xác minh do Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Hor Namhong đứng đầu.

Phản ứng lại việc mượn bản đồ gốc của ông Hun Sen, lãnh đạo phe đối lập Sam Rainsy từng nói, việc này đã chứng tỏ chính phủ Campuchia đã không có bản đồ thích hợp để phân định ranh giới.

Vấn đề biên giới giữa Campuchia và Việt Nam đã trở thành một chủ đề nóng trong vài tháng qua sau khi Đảng Cứu quốc Campuchia thuộc phe đối lập cáo buộc chính phủ Phnom Penh sử dụng bản đồ sai để phân định đường biên giới. - VOA
|
|

6.
Malaysia và Việt Nam nâng quan hệ lên mức đối tác chiến lược

Sau Philippines, đến lượt Malaysia trở thành đối tác chiến lược của Việt Nam. Nhân hai ngày công du Malaysia khởi sự từ hôm qua, 07/08/2015, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng cùng với đồng nhiệm Malaysia Najib Rajak ký kết văn kiện nâng cấp quan hệ song phương lên hàng đối tác chiến lược. Việc nâng cấp quan hệ này đặc biệt quan trọng vì tạo điều kiện cho hai nước tạm gác tranh chấp chủ quyền song phương trên Biển Đông để phối hợp đối phó với các yêu sách chủ quyền quá đáng của Trung Quốc.

Phát biểu tại một cuộc họp báo chung cùng với đồng nhiệm Nguyễn Tấn Dũng sau cuộc hội đàm song phương tại dinh Thủ tướng Malaysia, ông Najib Razak xác nhận hai bên đã ký một bản Tuyên bố chung về "khuôn khổ đối tác chiến lược" Việt Nam-Malaysia. Thủ tướng Malaysia đồng thời nói rõ là trong lãnh vực an ninh và quốc phòng, Việt Nam đã đồng ý hợp tác chặt chẽ với Malaysia, đặc biệt trong việc chống lại nạn buôn người và các hành vi xâm nhập lãnh hải. Một cách cụ thể, quân đội hai bên sẽ tăng cường tuần tra chung, đồng thời thiết lập "đường dây nóng" giữa hai nước.

Hồ sơ Biển Đông dĩ nhiên đã được hai bên nhắc đến, nhất là trong bối cảnh tình hình đã căng thẳng hẳn lên do các hành động xây đảo của Trung Quốc tại vùng Trường Sa. Nhân cuộc hội đàm, hai nước đều nhấn mạnh đến sự cần thiết phải tránh việc cưỡng ép hoặc sử dụng vũ lực để đơn phương thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông.

Đối với giới quan sát, việc Malaysia và Việt Nam đồng ý nâng cấp quan hệ lên hàng đối tác chiến lược có một ý nghĩa rất quan trọng vì lẽ cả hai - cùng với Philippines và Brunei - đều nằm trong số 4 nước ASEAN đang có tranh chấp với nhau về chủ quyền tại vùng Trường Sa, và đều là nạn nhân của các hành động quyết đoán của Trung Quốc trong khu vực.

Giới phân tích thường nhấn mạnh rằng để có thể đối phó hữu hiệu chống lại Trung Quốc, bốn nước ASEAN có tranh chấp với nhau cần giải quyết mâu thuẫn với nhau trước, từ đó thống nhất được một lập trường chung, thuyết phục được cả khối đoàn kết sau lưng mình. Việc hình thành thế đối tác chiến lược Việt Nam-Malaysia quả là đang đi theo xu thế đó, nhất là khi vào đầu năm nay, Hà Nội và Manila cũng đã đồng ý nâng cấp quan hệ đối tác song phương lên hàng chiến lược.

Vào lúc ấy, báo mạng Nhật Bản The Diplomat đã trích dẫn một chuyên gia nhận định là quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Philippines sẽ gửi đi một tín hiệu cho thấy "các nước nhỏ trong tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông có thể liên kết với nhau để tăng cường sức mạnh của mình trong việc đối phó với các hành động quyết đoán ngày càng tăng của Bắc Kinh trong việc áp đặt chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông". - RFI

No comments:

Post a Comment