Sunday, August 2, 2015

Tin Cập Nhật Chủ Nhật 2/8

Tin Thế Giới

1.
Malaysia: Mảnh vỡ máy bay cùng loại với chiếc Boeing bị mất tích --- Tìm thấy thêm mảnh vỡ phi cơ ở Reunion

Bộ trưởng Giao thông Malaysia cho biết phần cánh tìm thấy tuần trước trên một hòn đảo nằm ở Ấn Độ Dương đã được xác định là từ máy bay cùng loại với chiếc của hãng Malaysia Airlines bị mất tích năm ngoái.

Bộ trưởng Liow Tiong Lai nói rằng giới hữu trách Pháp và nhà sản xuất máy bay Boeing đã xác nhận rằng phần cánh tìm thấy là của một chiếc Boeing 777.

Quan chức này cũng cho biết rằng Malaysia đã liên lạc với giới hữu trách các vùng lãnh thổ gần đảo Reunion, nằm ở phía đông Madagascar, để nhờ họ thông báo nếu tìm thấy các mảnh vỡ có thể là một phần của chiếc máy bay mất tích. 

Giới hữu trách hiện đang xem xét ít nhất một mảnh vỡ kim ngoại khác tìm thấy ở Reunion, gần thành phố Saint Denis, cách nơi phát hiện phần cánh khoảng 25km. Mảnh vỡ mới được tìm thấy có thể là cánh cửa máy bay.

Trong khi đó, phần cánh đã được đưa tới Pháp để phân tích, và công việc này dự kiến sẽ bắt đầu vào thứ Tư, 5/8.

Chiếc máy bay của hãng Malaysia biến mất tháng Ba năm ngoái khi đang thực hiện chuyến bay MH370 với 239 hành khách trên khoang.

Đây là chiếc máy bay Boeing 777 duy nhất hiện bị mất tích. - VOA

***
Người ta vừa tìm thấy thêm mảnh vỡ máy bay thứ hai dạt vào đảo Reunion ở Ấn Độ Dương.

Trước đó, một chi tiết cánh máy bay nghi là từ chuyến bay số hiệu MH370 được phát hiện hôm thứ Tư 29/7.

Vật thể mới, được tin là cửa của một chiếc máy bay, dạt vào bờ ở phía nam thành phố St Denis.

Được biết có chữ nước ngoài trên vật thể này và có thể có cả hình vẽ minh họa.

Chiếc Boeing 777 của hãng hàng không Malaysia Airlines đang trên đường từ Kuala Lumpur đi Bắc Kinh thì mất tích hôm 8/3/2014 với 239 người trên khoang.

Mảnh vỡ đầu tiên hôm 29/7 đã được gửi sang Pháp, nơi các điều tra viên tại Toulouse sẽ tìm cách xác định liệu nó có phải từ chiếc máy bay xấu số hay không.

Mảnh vỡ đó được tin là mảnh cánh liệng treo của máy bay Boeing 777 cùng loại với chiếc máy bay mất tích.

Các điều tra viên sẽ bắt đầu xem xét mảnh vỡ mới vào thứ Tư này. - BBC
|
|

2.
Kim Jong Un được trao giải thưởng lãnh đạo toàn cầu

Nhật báo Jakarta Globe, số ra ngày 30/07 cho biết, Trung tâm Sukarno, có trụ sở tại Bali, Indonesia, quyết định trao tặng lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un giải thưởng lãnh đạo toàn cầu năm 2015 vì nhân vật này đã kiên trì đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân mới và chủ nghĩa đế quốc.

Sau cuộc gặp ngày 30/07 với đại sứ Bắc Triều Tiên tại Jakarta, bà Rachmawati Soekarnoputri, con gái cố Tổng thống Indonesia Sukarno đã thông báo tin này.

Bà Rachmawati giải thích: "Chúng tôi sẽ trao giải thưởng cho Chủ tịch Kim Jong Un bởi vì ông đã kiên trì thực hiện các lý tưởng của lãnh đạo vĩ đại Kim Nhật Thành, đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc".

Giải thưởng Sukarno thông thường được trao cho những nhân vật có đóng góp cho hòa bình và phát triển thế giới. Lãnh đạo đối lập Miến Điện Aung San Suu Kyi và lãnh đạo Ấn Độ Mahatma Gandi đã được trao giải này.

Bà Rachmawati nói thêm là trước đây, giải thưởng Sukarno đã được trao cho cố Chủ tịch Bắc Triều Tiên Kim Nhật Thành mà bà coi đây là một vị anh hùng đấu tranh cho độc lập và hòa bình.

Theo báo Jakarta Globe, người ta chưa rõ là ông Kim Jong Un đã đóng góp bằng cách nào cho hòa bình thế giới, trong lúc nhân vật này thực hiện một chính sách thù địch và hiếu chiến với Hàn Quốc, Nhật Bản và Hoa Kỳ.

Bà Rachmawati được phong tặng danh hiệu nữ Chủ tịch danh dự khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của Ủy ban chuẩn bị thống nhất Triều Tiên, một tổ chức do chế độ Bình Nhưỡng lập ra và không được thừa nhận trên phạm vi quốc tế. - RFI
|
|

3.
Dân Đài Loan biểu tình xé sách giáo khoa "thân Trung Quốc"

Hôm nay, 02/08/2015, gần một ngàn người Đài Loan đã biểu tình trước trụ sở Bộ Giáo dục ở Đài Bắc và đòi Bộ trưởng Giáo dục phải từ chức vì bị tố cáo đưa vào chương trình giảng dạy các sách giáo khoa có nội dung thân Bắc Kinh.

Những người biểu tình đã xé các sách giáo khoa vừa được in, đồng thời giương cao các biểu ngữ như "Hãy ủng hộ sinh viên Đài Loan", "Bảo vệ nền dân chủ" và "Ngô Tư Hoa hãy từ chức". Ông Ngô Tư Hoa (Wu Se Hwa) là Bộ trưởng Giáo dục Đài Loan.

Cuộc biểu tình bắt đầu từ ngày 24/07, khi 30 người, đa số là sinh viên Đài Loan đã kéo tới trụ sở Bộ Giáo dục để biểu tình phản đối các sách giáo khoa mới được đưa vào giảng dạy vì họ cho là quá coi trọng Trung Quốc. Những người này đã bị cảnh sát bắt giữ, sau đó được thả, nhưng một vài người bị khởi tố.

Hôm thứ Năm, 30/07, nhà hoạt động Lâm Quang Hoa (Lin Kuan Hua), người tham gia biểu tình trước đó, đã tự sát tại nhà riêng. Những người biểu tình hôm nay đã cài nhiều hoa vào hàng rào trụ sở Bộ Giáo dục để tưởng nhớ Lâm Quang Hoa.

Theo giới quan sát, dân chúng tại Đại Loan, đặc biệt là giới trẻ, lo ngại về ảnh hưởng của Trung Quốc ngày càng gia tăng trên hòn đảo này, trong bối cảnh Bắc Kinh và Đài Bắc có nhiều động thái xích lại gần nhau hơn.

Năm ngoái, sinh viên Đài Loan đã phát động phong trào "Hoa Hướng Dương", biểu tình và chiếm giữ trụ sở Quốc hội trong suốt ba tuần lễ để phản đối việc ký kết một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc đại lục.

Một trong những điểm thay đổi trong sách giáo khoa mới liên quan đến cụm từ "Trung Quốc giành lại Đài Loan" thay vì "Đài Loan được giao cho Trung Quốc" sau khi chấm dứt sự chiếm đóng của Nhật vào năm 1945.

Giai đoạn 50 năm Nhật chiếm đóng thì được đổi lại thành giai đoạn "Nhật chiếm đóng" đảo Đài Loan, thay vì "Nhật cai trị". Đảng đối lập Dân Tiến tố cáo Quốc Dân đảng cầm quyền tìm cách bôi nhọ phong trào đấu tranh của sinh viên và đòi phải hủy bỏ những sửa đổi trong sách giáo khoa. - RFI
|
|

Tin Hoa Kỳ

4.
Ngoại trưởng Mỹ nêu bật tầm quan trọng mối quan hệ với Ai Cập

Trong cuộc gặp với người đồng cấp Ai Cập Sameh Shoukri hôm nay, 2/8, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã nêu bật tầm quan trọng của mối bang giao giữa Ai Cập và Hoa Kỳ, cũng như vai trò quan trọng của Cairo ở Trung Đông.

Trong tuyên bố khai mạc cuộc họp ở Cairo, ông Kerry nói rằng hai bên sẽ thảo luận mối đe dọa từ tổ chức Nhà nước Hồi giáo, đồng thời nói thêm rằng Ai Cập “đã phải trả giá đắt” trong cuộc chiến chống chủ nghĩa cực đoan.

Quan chức ngoại giao hàng đầu của Mỹ nhấn mạnh tới sự cần thiết phải có một chiến lược chống khủng bố với sự hậu thuẫn của các nhân vật tôn giáo, các nhà giáo dục và các công dân “phản đối thứ giáo lý đầy thù hận”.

Ông Kerry cũng thảo luận về vai trò của chính phủ, và nói rằng cần phải có sự tin tưởng giữa nhà cầm quyền và các công dân, và rằng người dân càng tự hào về các cơ quan công quyền bao nhiêu thì các cơ quan đó sẽ hoạt động hiệu quả bấy nhiêu.

Ngoại trưởng Mỹ cũng sẽ gặp Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sissi.

Các quan chức Mỹ nói rằng các cuộc gặp nhằm mục đích tái khởi động mối quan hệ đối tác chiến lược với Ai Cập.

Bang giao giữa hai nước gần như đình lại vì Hoa Kỳ quan ngại về tình hình nhân quyền ở Ai Cập liên quan tới việc phe quân nhân nước này lật đổ tổng thống Mohamed Morsi năm 2013.

Tuần trước, Hoa Kỳ thông báo việc giao 8 chiến đấu cơ F-16 cho Ai Cập. Đây là một phần của khoản viện trợ quân sự hàng năm trị giá 1,3 tỷ đôla cho Cairo.

Hôm nay, 2/8, ông Kerry nói rằng Mỹ sẽ tiếp tục giúp huấn luyện quân sự cho Ai Cập, và đánh giá cao vai trò của nước này trong các cuộc không kích của liên minh do Hoa Kỳ lãnh đạo nhắm vào Nhà nước Hồi giáo. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

5.
Phạt ban chỉ đạo chương trình nghệ thuật 'Khát vọng Đoàn tụ'

Ban Giám đốc Trung tâm Phát thanh-Truyền hình Quân đội bị khiển trách vì mở nhạc Trung Quốc trong chương trình 'Khát vọng Đoàn tụ'.

Lý do là bài hát từng được xem là “ quốc ca thứ hai” của Trung Quốc đã được mở trước và sau khi Chủ tịch Trương Tấn Sang phát biểu trong khuôn khổ chương trình giao lưu nghệ thuật tại Bộ Quốc phòng vào hôm 27/7.

Chương trình, có sự tham dự của nhiều lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam, được truyền hình trực tiếp trên VTV và kênh Quốc phòng An ninh nhân ngày Thương binh Liệt sỹ.

Chương trình được quan tâm nhiều một phần do sự có mặt Bộ trưởng Quốc phòng, Đại tướng Phùng Quang Thanh, người xuất hiện trở lại sau thời gian chữa bệnh tại Pháp nhiều tuần.

Ban Chỉ đạo Quốc gia về tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ (gọi tắt là Ban Chỉ đạo Quốc gia 1237) đã chỉ đạo Trung tâm Phát thanh-Truyền hình Quân đội thực hiện chương trình giao lưu nghệ thuật này.

Kịch bản chương trình đã được Ban Chỉ đạo Quốc gia 1237 và các cơ quan chức năng thẩm định, thông qua và được tiến hành sơ duyệt, tổng duyệt.

Tuy vậy, báo Quân đội Nhân dân viết "trong quá trình thực hiện chương trình truyền hình trực tiếp đã không kiểm soát được nội dung để xảy ra sai sót là sử dụng một đoạn nhạc nước ngoài vào trong chương trình".

"Cơ quan cấp trên có thẩm quyền đã tiến hành kỷ luật: Khiển trách đối với Ban Giám đốc Trung tâm Phát thanh-Truyền hình Quân đội và chỉ đạo xử lý nghiêm túc ê kíp thực hiện chương trình".

Không thấy báo Quân đội Nhân dân nhắc tới đoạn 'nhạc nước ngoài' này là của nước nào.

Một nhà quan sát trong ngành truyền thông trong nước muốn ẩn danh cho BBC biết trong đội ngũ lãnh đạo của Trung tâm Phát thanh-Truyền hình Quân đội có nhiều nhân vật đã từng làm việc lâu năm và nhiều kinh nghiệm tại Đài truyền hình Việt Nam (VTV).

Trung tâm Phát thanh-Truyền hình Quân đội trực thuộc Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng Việt Nam, được thành lập vào giữa năm 2011 trên cơ sở sáp nhập hai phòng Phát thanh Quân đội nhân dân và Truyền hình Quân đội nhân dân thuộc Cục Tuyên huấn.

Ông Lê Hùng, tổng đạo diễn chương trình “Khát vọng đoàn tụ” được báo Tuổi Trẻ dẫn lời nói rằng: “Đoạn nhạc đó chỉ có mười mấy giây, và không có lời, dùng làm nhạc hiệu để Chủ tịch nước đi lên bục phát biểu thôi và đã được chỉnh sửa ở những lần phát lại sau đó”.

Cộng đồng mạng đã nhanh chóng phát hiện ra là đoạn nhạc được phát có giai điệu rất gần với bài “Ca ngợi Tổ quốc” nổi tiếng của Trung Quốc.

Ca khúc này ra đời đầu thập niên 1950, sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc lên cầm quyền.

Theo phóng viên Vincent Ni của ban tiếng Trung của BBC, “Thủ tướng Chu Ân Lai ký sắc lệnh tháng Chín 1951, yêu cầu nhân dân Trung Quốc học bài hát. Đã từng có lúc đây được xem là quốc ca thứ hai của Trung Quốc".

Cho tới thập niên 1990, nhiều người vẫn còn biết ca khúc này.

Thiếu tướng quân đội Nguyễn Trọng Vĩnh nói việc mở nhạc Trung Quốc trong buổi lễ có Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu là việc “bậy bạ và bố láo”.

Trả lời BBC tiếng Việt ngày 30/07, cựu Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc (1974-1987) mô tả điều ông gọi là “Việc Chủ tịch [Trương Tấn Sang] vừa phát biểu nghiêm chỉnh về thương binh liệt sỹ thì anh lại tấu cái bài hát của Trung Quốc thì cái đó là bố láo.

"Tôi có xem chương trình đó và tôi thấy việc làm này là bậy bạ. Tôi đã phản ánh cho lãnh đạo chuyện này.

"Tôi đã gọi điện thoại để phản ánh cho Chủ tịch Trương Tấn Sang là cái việc ông Trương Tấn sang vừa phát biểu thì lại tấu cái bài của Trung Quốc là thế nào. Ai là chủ đạo cái chuyện tấu cái bài đó?," Tướng Vĩnh nói với BBC.

Trên trang Facebook của BBC nhận được khá nhiều bình luận về sự cố này.

Một người viết "Mấy ông kêu dân trí thấp đâu nhỉ? Giờ thì biết ai thấp rồi nhỉ?" trong khi một người khác bình luận "Sao lại chỉ có khiển trách? Cách chức là hình thức nhẹ nhất!". - BBC
|
|

6.
Việt Nam vào cuộc vụ cô giáo 'bọ cạp' mắng học sinh

Đại diện các cơ quan giáo dục ở Hà Nội và cơ quan an ninh hôm 1/8 đã tới kiểm tra giấy phép hoạt động của trung tâm anh ngữ Lê Na ở quận Đống Đa, nơi cuộc tranh cãi được coi là nẩy lửa giữa một giáo viên và các học viên đã gây “sốt” mạng xã hội.

Việc làm này được tiến hành một ngày sau khi đoạn clip cô giáo đồng thời cũng là người được cho là thành lập trung tâm này, cô giáo Phạm Nguyễn Lê Na, mắng học sinh là “vô học”, lan truyền trên mạng.

Sự việc xảy ra sau khi đôi bên tranh cãi về vấn đề lịch học, và cô giáo đã dùng từ “mày, tao” để nói với học viên.

Trong đoạn clip, cô giáo tiếng Anh tuyên bố trước nhiều học viên rằng cô thuộc “cung bọ cạp” rồi sau đó lên tiếng dọa “xử lý” và sẽ tới gặp hiệu trưởng nơi một học sinh theo học.  

Báo chí trong nước có nhiều bài viết đăng tải về vụ việc với những hàng tít như: “Cô giáo 'bọ cạp' phun nọc tự giết mình?”, "Cô Lê Na đã cư xử không đúng mực" hay “Sốc với clip cô giáo dạy tiếng Anh nổi tiếng cãi vã với học trò”.

Đoạn video gốc cũng như các clip “chế” đã lan truyền với tốc độ chóng mặt trên mạng xã hội. Từ khóa “cung bọ cạp” cũng được nhiều người sử dụng.

VOA Việt Ngữ không thể liên lạc với cô giáo đang là tâm điểm chỉ trích của dư luận để phỏng vấn.

Tháng trước, báo chí trong nước đưa tin, quan chức thành phố Hà Nội đã yêu cầu các cơ quan ban ngành, trong đó có Sở Giáo dục và Đào tạo, “có biện pháp hạn chế các thành vi thiếu văn hóa”, sau khi truyền thông phản ánh tình trạng học sinh nói tục và ứng xử không văn hóa nơi công cộng. - VOA

No comments:

Post a Comment