Tuesday, August 18, 2015

Tin Cập Nhật Thứ Ba 18/8

Tin Thế Giới

1.
Thị trường chứng khoán Trung Quốc rơi 6%

Kết thúc ngày hoạt động hôm nay, 18/08/2015, sàn giao dịch Thượng Hải bị mất 6% điểm. Đây là mức giảm lớn nhất kể từ ba tuần qua phản ảnh tình trạng bất cập của nền kinh tế Trung Quốc, cũng như không rõ Bắc Kinh sẽ can thiệp hay không. "Lo ngại “ là từ ngữ mà các nhà phân tích sử dụng để trả lời AFP trong bản tin về thị trường Thượng Hải mất giá.

Theo dự báo của một chuyên gia Trung Quốc, trong những ngày tới, biên độ lên xuống của thị trường chứng khoán Trung Quốc chỉ dao động ở bên "yếu" vì "mất đà để hồi phục", cũng như không có tin tức gì mới "tích cực và đáng kể".

Ngày hôm nay, chỉ số thị trường Thượng Hải chỉ lên trên mức trần biểu tượng 4.000 điểm được một thoáng rồi lại trượt dốc.

Mặc dù chính phủ Trung Quốc hứa hẹn sẽ điều chỉnh thị trường từ hôm thứ Sáu, nhưng tâm trạng lo ngại vẫn ám ảnh giới đầu tư sau khi Trung Quốc phá giá đồng tiền ba lần liên tiếp và xuất hiện dấu hiệu kinh tế tăng trưởng chậm lại.

Hôm nay, các nhà đầu tư chứng khoán đã vội vã rút tiền lời bỏ chạy, khi không thấy nhà nước động tĩnh gì.

Sự kiện nhà nước phải sử dụng biện pháp phá giá đồng tiền để kích thích xuất khẩu chứng tỏ tình trạng sức khỏe của nền kinh tế số hai thế giới có vấn đề.

Cũng để đối phó với tình trạng gần như thiếu tiền mặt lưu hành, chỉ trong ngày thứ Ba 18/08 này, ngân hàng trung ương cho biết đã "bơm" vào thị trường một số tiền khổng lồ 120 tỷ nhân dân tệ (60 tỷ đôla). - RFI
|
|

2.
Philippines 'không nao núng' ở Biển Đông bất chấp đe dọa của TQ

Philippines tuyên bố vẫn tập trung phát huy hòa bình-ổn định Biển Đông bất chấp thông điệp của Trung Quốc rằng Bắc Kinh đã sẵn sàng cho chiến tranh.

Một đoạn video do hải quân Trung Quốc phổ biến tuần trước khẳng định Bắc Kinh sẵn sàng tham chiến và sẽ không nhượng một tấc đất nào cho ngoại bang.

Truyền thông Philippines dẫn lời phó phát ngôn nhân của Tổng thống Philippines, Aigail Valte, nhấn mạnh Manila đã và đang tập trung vào các bước đấu tranh ôn hòa mà điển hình là vụ kiện bản đồ đường lưỡi bò của Trung Quốc ra tòa trọng tài Liên hiệp quốc.

Theo website của Tạp chí The National Interest, đoạn video tuyển mộ quân nhân của Trung Quốc có thời lượng gần 5 phút trình chiếu tất cả các đảo mà Trung Quốc nhận chủ quyền và xây dựng ở Biển Đông và phô diễn sức mạnh quân sự của Bắc Kinh trong các cuộc tập trận tại các khu vực có tranh chấp.

Đoạn phim gây phẫn nộ cho dân chúng Philippines vì cho rằng đây là một hình thức dọa nạt khác của Trung Quốc.

Theo giới phân tích, Trung Quốc phải dùng tới biện pháp tuyên truyền kiểu này để mị dân và thu phục sự ủng hộ của dân chúng đối với các động thái quân phiệt của chính phủ Bắc Kinh.

Bộ Ngoại giao Philippines hôm qua lên tiếng khẳng định Manila không hề nao núng và quyết tâm theo đuổi luật lệ trong tranh chấp Biển Đông.  

Manila nói họ đang áp dụng phương thức 3 mặt trận để tìm kiếm giải pháp hòa bình bao gồm ngoại giao, chính trị, và pháp lý.

Không có bình luận từ phía Việt Nam về đoạn video gây tranh cãi của Bắc Kinh.

Theo dự kiến tòa trọng tài quốc tế sẽ ra quyết định về vụ kiện của Manila chậm nhất là vào đầu năm sau.

Giữa tháng rồi, Trung Quốc mời gọi Philippines quay lại đàm phán trực tiếp để giải quyết tranh chấp thay vì tiếp tục thưa kiện ra tòa án quốc tế.

Bắc Kinh một mực không tham gia tiến trình của vụ kiện và tuyên bố rằng phán quyết của tòa trọng tài sẽ không có giá trị vì tòa này không có thẩm quyền thụ lý vụ việc. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
Mỹ cho phép Shell khoan dầu khí ở Bắc Cực

Chính quyền Obama đã cho phép công ty Royal Shell Oil khoan tại Bắc Băng Dương ngoài khơi bờ biển phía tây bắc của bang Alaska. Đây là lần đầu tiên hoạt động khoan dầu khí được cho phép thực hiện kể từ một giếng thăm dò được khoan vào năm 1991.

Trong một tuyên bố hôm thứ Hai, một quan chức quản trị môi trường cam kết sẽ giám sát công tác khoan đào suốt ngày đêm. Ông Brian Salerno nói: "Các hoạt động được tiến hành ngoài khơi Alaska đang được bắt buộc tuân thủ những tiêu chuẩn an toàn, bảo vệ môi trường, và tình hình khẩn cấp cao nhất".

Tin tức này đã bị những nhóm bảo vệ môi trường phản đối. Họ đã vận động rất mạnh để ngăn chặn việc khoan ở Bắc Cực, và bảo vệ gấu Bắc cực, hải tượng, cá voi và hải cẩu, vốn đã bị đe dọa vì tình trạng biến đổi khí hậu và băng biển thu hẹp.

"Cấp giấy phép cho Shell khoan ở Bắc Cực là quyết định sai lầm, và cuộc chiến này còn lâu mới chấm dứt," giám đốc điều hành của Câu lạc bộ Sierra Michael Brune cho biết trong một tuyên bố. "Người dân sẽ tiếp tục kêu gọi Tổng thống Obama để bảo vệ Bắc Cực và môi trường của chúng ta."

Ước tính vùng Bắc Cực có 20 phần trăm trữ lượng dầu và khí đốt chưa được khai thác của thế giới. - VOA
|
|

4.
Mỹ-Trung xích mích vì 'Chiến dịch Săn chồn' của Bắc Kinh

Hoa Kỳ tiếp tục giữ vững lập trường là những đặc vụ do Trung Quốc phái tới Mỹ để bí mật truy lùng và gây sức ép lên những người Trung Quốc đào tẩu phải chấm dứt những hoạt động như vậy. Thông tín viên Jeff Seldin của đài VOA tường thuật.

Bộ Ngoại giao Mỹ hôm thứ hai từ chối bình luận trực tiếp về những tố giác do tờ New York Times tường thuật trước tiên, nhưng họ nói rõ là những hoạt động như vậy là không được phép nếu không thông báo trước cho bộ trưởng tư pháp Mỹ.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao John Kirby nói “Theo luật pháp của Mỹ, một người không phải là một nhân viên ngoại giao hay nhân viên lãnh sự mà lại hành động ở Mỹ như một nhân viên chấp hành luật pháp của một chính phủ nước ngoài mà không thông báo, thì người đó đã phạm một tội phạm hình sự.”

Ông Kirby cho biết Hoa Kỳ và Trung Quốc thường xuyên liên lạc với nhau về điều mà ông gọi là “những vấn đề quan tâm chung, kể cả những kẻ bị truy nã và những kẻ tham nhũng”, thông qua Nhóm Liên lạc Hỗn hợp Mỹ- Trung về Hợp tác Chấp hành Luật pháp. Nhưng ông nói rằng Washington cũng nói rõ với Trung Quốc là tiến trình đó phải được thực hiện như thế nào.

“Trung Quốc phải cung cấp cho các giới chức Mỹ những bằng chứng quan trọng, rõ ràng và có tính chất thuyết phục để các cơ quan chấp hành luật pháp của chúng tôi tiến hành công tác điều tra, trục xuất và truy tố những kẻ đào tẩu,” ông Kirby nói.

Hôm thứ hai, Bộ Tư pháp Mỹ cũng đưa ra lời cảnh cáo về những hoạt động lén lút mà Trung Quốc có thể thực hiện ở Mỹ.

Ông Marc Raimondi, phát ngôn viên Bộ Tư pháp nói “Nếu những hoạt động không được báo cáo như vậy xảy ra trên lãnh thổ Hoa Kỳ, chúng tôi sẽ chấp hành luật pháp của mình một cách hết sức tích cực.”

Trước đó trong ngày thứ hai, truyền thông nhà nước Trung Quốc chỉ trích những hành động của Mỹ và kêu gọi các giới chức Mỹ “chứng tỏ sự thành thật trong chương trình hợp tác chống tham nhũng với Trung Quốc.”

Bài bình luận của Tân Hoa Xã cũng nói rằng việc Hoa Kỳ ra lệnh cấm hoạt động đối với những nhân viên đặc vụ Trung Quốc tham gia chiến dịch bài trừ tham nhũng có tên là “Chiến dịch Săn chồn” là “một việc đáng tiếc”.

Những nỗ lực của Chủ tịch Tập Cận Bình nhằm truy lùng những kẻ đào tẩu ra nước ngoài, trong đó có những người mang theo khá nhiều tiền bạc, của cải, là những nỗ lực được dân chúng Trung Quốc tán thưởng nhiệt liệt. Theo tường thuật của tở New York Times, từ năm 2014 tới nay, hơn 930 nghi can đã bị dẫn độ, trong đó có hơn 70 đã tự nguyện về nước trong năm nay, nhưng những thủ đoạn hăm doạ mà đặc vụ Trung Quốc sử dụng đã làm cho các giới chức Mỹ tức giận.

Những nguồn tin trong chính phủ Mỹ cho tờ New York Times biết rằng nhiều đặc vụ Trung Quốc đã nhập cảnh vào Mỹ với visa du lịch hoặc thương mại để che giấu ý đồ của mình.

Tin tức về “Chiến dịch Săn chồn” được loan tải trong lúc các mối quan hệ Mỹ-Trung có nhiều căng thẳng và chỉ vài tuần trước khi Chủ tịch Tập Cận Bình thực hiện chuyến viếng thăm chính thức đến Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, theo ông Jerome Cohen, giáo sư luật học của Đại học New York, có phần chắc là cả Hoa Kỳ lẫn Trung Quốc đều rất thận trọng trong việc xử lý mối bất đồng này vì xử lý không khéo sẽ mang lại những hậu quả vô cùng tai hại. 

Ông nói với đài VOA “Vào thời điểm này, tôi không nghĩ là chúng ta sẽ thấy những tác động lớn đối với doanh nghiệp Mỹ hay doanh nghiệp Trung Quốc,” và “Hầu hết những vấn đề này là những vấn đề cá biệt của một số người có giới hạn.”

Các giới chức Mỹ không chịu cho biết những người mà đặc vụ Trung Quốc muốn truy lùng là những ai hay có bao nhiêu người, nhưng họ thừa nhận rằng một số người bị truy lùng vì những tội phạm có tính chất chính trị.

Trung Quốc và Hoa Kỳ hiện nay không có hiệp ước dẫn độ. Các giới chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ trước đây nói với truyền thông Trung Quốc rằng sự tăng cường hợp tác của Mỹ sẽ tuỳ thuộc vào cam kết của Bắc Kinh đối với chế độ pháp trị, kể cả việc cung cấp những bằng chứng liên quan.

Tuy nhiên, giáo sư Cohen của Đại học New York, cho rằng đây là vấn đề khá phức tạp và có tính chất tế nhị.

Ông nói “Bên cạnh các vấn đề nhân quyền, phải chăng còn có những lý do khiến Hoa Kỳ muốn giữ những người đó ở nước Mỹ bởi vì họ có thể cung cấp một nguồn thông tin quí giá? Có thể một số người trong những người đó đã bắt đầu hợp tác với Mỹ.” - VOA
|
|

Tin Việt Nam

5.
Đài Loan xây hải đăng trên Biển Đông

Đài Loan đang xây một hải đăng trên đảo Ba Bình (Đài Loan gọi là đảo Thái Bình) dự kiến sẽ hoàn tất vào cuối tháng sau.

Thông tấn xã trung ương của Đài Loan ngày 17/8 dẫn thông tin từ Cục Hàng hải và Hải cảng cho hay ngọn hải đăng cao 13,7 mét trên mực nước biển có tầm hoạt động 10 hải lý sẽ vận hành tự động và thường xuyên được bảo trì.

Ba Bình đang nằm dưới sự kiểm soát của Đài Loan là đảo lớn nhất thuộc Trường Sa trên Biển Đông, quần đảo tâm điểm của các tranh chấp chủ quyền giữa Việt Nam, Trung Quốc, và Philippines trong những năm gần đây. Đài Loan, Malaysia, và Brunei cũng có tuyên bố chủ quyền tại đây.

Cục Hàng hải và Hải cảng Đài Loan nói ngọn hải đăng này sẽ giúp cải thiện an toàn hàng hải, bảo vệ môi trường tự nhiên và hỗ trợ cộng đồng quốc tế.

Bộ Quốc phòng Đài Loan loan báo Đài Loan đang cải thiện các cơ sở sân bay trên đảo Ba Bình và đang xây một bến tàu dự kiến hoàn tất vào cuối năm nay để bảo đảm là hòn đảo này có thể sử dụng phục vụ cho các công tác nhân đạo.

Việt Nam từng lên tiếng phản đối việc Đài Loan xây dựng lại đường băng trên đảo Ba Bình.

Việt Nam nói Ba Bình thuộc chủ quyền Việt Nam bị Đài Loan đưa quân chiếm đóng trái phép từ năm 1956. - VOA
|
|

6.
Trung Quốc thăng tướng cho 4 sĩ quan chống Việt Nam

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mới thăng cấp thượng tướng cho 10 sĩ quan cấp cao của nước này, và 4 nhân vật trong số đó từng tham gia vào việc hoạch định các chiến dịch quân sự chống Việt Nam. Giới quan sát trong nước cho rằng Hà Nội cần phải lưu ý đề phòng việc thăng hàm này.

4 sĩ quan này là ông Lưu Việt Quân, 60 tuổi, người đứng đầu quân khu Lan Châu thuộc tỉnh Cam Túc; ông Triệu Tông Kỳ, 60 tuổi, người đứng đầu quân khu Tể Nam, tỉnh San Đông; ông Lí Tác Thành, 61 tuổi, người đứng đầu quân khu Thành Đô thuộc tỉnh Tứ Xuyên và ông Vương Ninh, 60 tuổi, người đứng đầu lực lượng cảnh sát vũ trang.

Việc phong tướng này diễn ra trong bối cảnh quân đội Trung Quốc đánh dấu 88 năm ngày thành lập, củng cố vị thế lực lượng quân sự lớn nhất trên thế giới.

Nhận định về đợt thăng cấp này, ông Dương Danh Dy, cựu quan chức ngoại giao hiện nghiên cứu về quan hệ Việt-Trung, nói:

“Quân đội Trung Quốc mấy chục năm nay không có chiến tranh rồi. Cho nên bây giờ Trung Quốc rất cần những anh có thực tế chiến đấu, đề bạt những anh đã kinh qua thực tế chiến đấu, đặc biệt là với Việt Nam. Những thằng mà đã chiến đấu với Việt Nam thì ít nhất là nó cũng hiểu quân đội mình hơn. Nó hiểu mình hơn những thằng khác. Đề bạt 4 thằng chống Việt Nam, chứng tỏ nó [Trung Quốc] coi trọng chuyện chiến đấu với Việt Nam sắp tới. Nó nhằm vào cuộc chiến đấu với Việt Nam. Đấy là điều mà Việt Nam phải chú ý”.

Đích thân ông Tập Cận Bình, người đồng thời là Chủ tịch Quân ủy Trung ương của Trung Quốc, tham gia buổi lễ phong tướng cho 10 sĩ quan cao cấp.

Báo chí Việt Nam cũng đưa tin về đợt thăng tướng tập thể này, nhưng không nhắc tới mối liên hệ giữa 4 trong số các tướng lĩnh này với cuộc xung đột với Việt Nam.

Tiến sỹ Nguyễn Nhã, người cũng nghiên cứu về quan hệ Việt-Trung, cho rằng việc phong tướng của quốc gia láng giềng của Việt Nam cho thấy một “chiến lược” nhất định. Ông Nhã nói:

“4/10 vị tướng mới đây, trong đó có những người họ cho là có công chống Việt Nam thì như vậy thể hiện chiến lược của họ rồi. Rất rõ rồi, chứ không còn mơ hồ gì nữa. Họ vẫn cho rằng là đối với Việt Nam thì phải xử, phải phát triển vấn đề quân sự, trong đó có vấn đề phong tướng. Đó cũng là hình thức để dằn mặt Việt Nam.”

Giới quan sát cho rằng động thái của Trung Quốc cho thấy rằng Việt Nam vẫn nằm trong tầm ngắm của Bắc Kinh, nhất là khi quan hệ giữa hai nước láng giềng vấp phải nhiều sóng gió thời gian qua.

Tán đồng ý kiến của ông Nhã, nhà nghiên cứu Dương Danh Dy cho rằng việc Việt Nam hiện nay là “đối tượng tác chiến của quân đội Trung Quốc là điều rõ ràng”. Ông nói:

“Đối với Nga hay Ấn Độ, nó [Trung Quốc] cũng có thể nghiên cứu. Nhưng trước mắt mũi nhọn của nó [Trung Quốc] là chĩa vào Việt Nam vì những chuyện như biển Đông, biên giới trên bộ hay nhiều chuyện khác nữa. Lúc nào có thể gây chuyện với Việt Nam là nó gây chuyện. Chiến tranh biên giới, lúc nào Trung Quốc muốn là cũng có thể gây chuyện với Việt Nam được. Còn với Ấn Độ, với Nga, với nước lớn, Trung Quốc phải tính toán.”

Trong tổ chức quân đội Trung Quốc hiện nay, thượng tướng là cấp hàm cao nhất. Ngoại trừ tướng Trương Sĩ Ba (63 tuổi), Hiệu trưởng Đại học Quốc phòng, 7 thượng tướng còn lại đều có tuổi đời nhỏ hơn ông Tập (62 tuổi). Hai người còn lại có cùng tuổi đời với Chủ tịch Trung Quốc.

Mới đây, tin cho hay, Trung Quốc đã yêu cầu Brazil giúp phát triển một chương trình chiến tranh du kích cho Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA), Đại tá Alcimar Marques de Araujo Martins, chỉ huy Trung tâm Huấn luyện Chiến tranh Du kích Brazil cho biết:

Ông Alcimar cho tờ Janes’s Defence Weekly biết như vậy hôm 10/8. Theo tạp chí về quốc phòng này, PLA cảm thấy cần phải tăng cường khả năng mở chiến tranh du kích vì có đường biên giới dài, nhiều cây cối với các nước láng giềng như Việt Nam và Ấn Độ, hai quốc gia hiện có tranh chấp lãnh thổ với Bắc Kinh.

Đại tá Alcimar Marques de Araujo Martins được trích lời nói: “Họ đã yêu cầu chúng tôi cử người sang huấn luyện phát triển chương trình chiến tranh du kích ở Trung Quốc”.

Tuy nhiên, quan chức quân sự này không nói rõ là Bắc Kinh đã yêu cầu bao nhiêu người cố vấn và khi nào thì chương trình sẽ bắt đầu.

Trung tâm huấn luyện chiến tranh du kích của Brazil đã huấn luyện gần 6.000 binh sĩ, trong đó có 500 người nước ngoài, kể từ khi được thành lập năm 1965.

Dù chưa có con số thống kê cụ thể, chiến tranh biên giới Việt-Trung năm 1979 đã làm hàng chục nghìn binh sĩ ở cả hai phía bỏ mạng.

Quan hệ Việt Nam và Trung Quốc thời gian qua trở nên căng thẳng vì các hành động lấn lướt của Bắc Kinh ở biển Đông.

Mới đây, báo Kommersant có trụ sở ở Moscow cho rằng “quân đội Việt Nam đang chuẩn bị các lực lượng đặc biệt để có thể tấn công các cơ sở Trung Quốc trong khu vực”.

Bài báo viết rằng cũng như các cuộc diễn tập quân sự đã được quân đội Việt Nam tiến hành từ năm 2004 đã cho thấy, máy bay chiến đấu SU-22 của Không quân Việt Nam sẽ được dùng để phát động cuộc tấn công đầu tiên chống các mục tiêu trên biển bằng tên lửa không đối địa AS-10.

Các chiến đấu cơ này có thể tấn công các tàu hải quân Trung Quốc từ độ cao 2.500 tới 3.000 mét.

Việt Nam chưa lên tiếng thừa nhận hay phản đối các thông tin mà tờ báo của Nga nêu ra. - VOA

No comments:

Post a Comment