Saturday, August 22, 2015

Tin Cập Nhật Thứ Bảy 22/8

Tin Thế Giới

1.
Khủng bố bất thành trên tàu cao tốc Amsterdam-Paris nhờ các quân nhân Mỹ --- Các người hùng Mỹ được ca ngợi do ngăn chặn vụ thảm sát

Một vụ thảm sát đã tránh được trong gang tấc trên chuyến tàu cao tốc Thalys đi từ Amsterdam đến Paris chiều tối qua 21/08/2015, nhờ các hành khách là quân nhân Mỹ đi nghỉ hè đã khống chế được một người đàn ông vũ trang hạng nặng sau khi người này nổ súng trên tàu. Hung thủ đã bị bắt, hai người bị thương trong đó có người thủy quân lục chiến Mỹ đã ngăn chặn được kẻ khủng bố.

Vũ trang một khẩu kalachnikov, một súng ngắn tự động, 9 băng đạn súng máy và một con dao, người đàn ông này đã nổ súng vào khoảng 16 giờ GMT (17 giờ Paris) hôm qua trên chuyến tàu cao tốc Thalys 9364, ít lâu sau khi đoàn tàu vừa rời nhà ga Lille trên lãnh thổ nước Pháp. Nhưng hung thủ đã bị một nhóm bạn người Mỹ đi nghỉ hè, gồm hai quân nhân và một sinh viên, khống chế. Alex Skarlatov, 22 tuổi, một trong ba người Mỹ đã can thiệp, là vệ binh cộng hòa bang Oregon vừa đi công tác tại Afghanistan về, kể lại:

"Chúng tôi nghe một tiếng súng nổ, sau đó là tiếng kính vỡ. Ngay lúc đó tôi chưa hiểu được chuyện gì xảy ra, cho đến khi thấy một nhân viên phục vụ trên tàu chạy qua. Tôi trông thấy một người đàn ông bước vào toa tàu với một khẩu kalachnikov. Tôi và anh bạn kín đáo tiếp cận và sau đó tấn công người này. Anh bạn tôi bị thương vì con dao của hắn ta, còn tôi tước súng. Hai chúng tôi cùng đánh vào đầu hắn cho đến khi hắn ta bất tỉnh".

Đoàn tàu được chuyển hướng đến ga Arras, nơi cảnh sát kiểm tra giấy tờ toàn bộ hành khách trên tàu khoảng 600 người. Hai người bị thương gồm một người bị trúng đạn vào ngực được trực thăng đưa đến bệnh viện Lille cấp cứu, và Spencer Stone, người thủy quân lục chiến Mỹ đã khống chế hung thủ, bị vết chém ở cổ, khuỷu tay và bàn tay, cũng sẽ được chuyển viện đến Lille. Diễn viên Pháp Jean-Hugues Anglade chỉ bị thương sơ sài ở tay do đập vỡ kính để kéo còi báo động trên tàu.

Theo kết quả điều tra sơ khởi, nghi phạm là một thanh niên Maroc 26 tuổi, lên tàu từ nhà ga Bruxelles, sáng nay đã bị đưa đến đơn vị cảnh sát chống khủng bố ở ngoại ô Paris để thẩm vấn. Nghi can khai danh tính phù hợp với một cái tên có trong danh sách của tình báo Pháp do tình nghi có quan hệ với khủng bố. Kẻ này đã cư ngụ tại Tây Ban Nha một năm, bị cơ quan chống khủng bố nước này xếp vào giới Hồi giáo cực đoan, và đã đi Syria trước khi đến Pháp. Tin mới nhất cho biết nghi phạm chối cãi không phải là khủng bố.

Viện Kiểm sát chống khủng bố Pháp ngay lập tức tiến hành điều tra, và Viện Kiểm sát liên bang Bỉ hôm nay loan báo mở điều tra "trên cơ sở luật chống khủng bố". Bộ trưởng Nội vụ Bernard Cazeneuve đến tận ga Arras tối qua, tố cáo "bạo lực tàn ác" suýt nữa đã biến thành "thảm kịch khủng khiếp", còn Thủ tướng Bỉ Charles Michel cho rằng đây là một vụ "tấn công khủng bố".

Vụ tấn công này diễn ra tám tháng sau vụ khủng bố đẫm máu tại tòa soạn báo Charlie Hebdo hồi tháng Giêng. Từ đó đến nay, nhiều mưu toan tấn công của Hồi giáo cực đoan đã được phá vỡ tại Pháp.

Âm mưu khủng bố một nhà thờ ở ngoại ô Paris đã thất bại hồi tháng Tư khi thủ phạm là Sid Ahmed Ghlam vụng về tự bắn vào chân, có các quan hệ ở Syria, cũng như Yassin Salhi, nhân viên đã chặt đầu giám đốc một nhà máy ở gần Lyon và bị nghi ngờ định đánh bom một nhà máy hóa chất hồi tháng Sáu. Ba nghi can khác bị bắt vào tháng Bảy do mưu toan tấn công một địa điểm quân sự, sát hại một sĩ quan. - RFI

***
Hành động can đảm của nhóm du khách người Mỹ trong đó có hai quân nhân, đã chặn đứng kịp thời nghi phạm trang bị nhiều loại vũ khí chiến trường nổ súng vào các hành khách đông đảo trên tàu cao tốc Thalys nối Amsterdam với Paris, mà hậu quả sẽ rất thảm khốc, đã được dư luận và chính giới hết lời ca ngợi.

Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve ngay sau đó đã bày tỏ "lòng biết ơn" đối với hai quân nhân Mỹ "đặc biệt can đảm". Ông tuyên bố: "Cùng với Tổng thống và Thủ tướng nước Pháp, tôi xin bày tỏ với hai hành khách Mỹ đặc biệt can đảm, đã chứng tỏ sự gan dạ phi thường trong tình huống hết sức khó khăn, tất cả lòng biết ơn và ngưỡng mộ trước sự bình tĩnh của họ, nếu không chúng ta đã phải đối mặt với một thảm kịch khủng khiếp".

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama hoan nghênh "hành động anh hùng" của hai quân nhân Mỹ đã ngăn chận được một "thảm kịch có thể xảy ra", bày tỏ "sự biết ơn sâu sắc", đồng thời chúc các nạn nhân "nhanh chóng bình phục hoàn toàn".

Điện Elysée hôm nay 22/08/2015 cho biết Tổng thống Pháp François Hollande "trong những ngày tới sẽ đón tiếp những người đã khống chế hung thủ trên chuyến tàu Amsterdam-Paris để nói lên lòng biết ơn của nước Pháp". Ông Hollande "sáng nay đã nói chuyện điện thoại với nhiều công dân Mỹ và Pháp đã tham gia ngăn chận hung thủ", và trong ngày hôm nay cũng sẽ trao đổi với một số công dân khác.

Trước đó vào tối qua, thị trưởng Arras đã tặng thưởng huy chương của thành phố cho quân nhân Mỹ Alex Skarlatov, sinh viên Mỹ Anthony Sadler và ông Chris Norman, người bạn Anh đi nghỉ hè cùng với họ. Nhiều chính khách Pháp đủ mọi khuynh hướng cũng đã nồng nhiệt cám ơn, đồng thời bày tỏ mối quan ngại về nguy cơ khủng bố.

Trên các mạng xã hội nhanh chóng xuất hiện một rừng những lời bình của người dân Pháp ca ngợi "những người anh hùng", đã "ngăn chận một vụ thảm sát", nhờ sự "can thiệp đầy can đảm" của họ, và chúc "những người hùng từ Mỹ quốc nhanh chóng bình phục". - RFI
|
|

2.
Nam và Bắc Triều Tiên đồng ý đàm phán

Nam và Bắc Triều Tiên đồng ý mở cuộc họp khẩn cấp cao nhằm tìm cách chấm dứt vụ đối đầu căng thẳng đã đưa hai nước kình địch này tới bờ vực chiến tranh.

Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Nam Triều Tiên Park Guen Hye và một viên phụ tá của lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un sẽ gặp nhau vào lúc 6 giờ chiều thứ bảy giờ địa phương tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm.

Trước đó, Bắc Triều Tiên dành cho miền Nam tới 5 giờ chiều giờ Bình Nhưỡng để ngưng các chương trình phát thanh tuyên truyền chống Bình Nhưỡng gần biên giới. Seoul không chịu làm như vậy, và thời hạn chót đã trôi qua mà không xảy ra sự việc rõ ràng nào.

Seoul bắt đầu lại chương trình phát thanh tuyên truyền hồi tuần trước lần đầu tiên trong vòng hơn 10 năm sau khi một vụ nổ mìn làm hai binh sĩ của Nam Triều Tiên bị thương. Bình Nhưỡng nói rằng họ xem những chương trình phát thanh đó là một sự tuyên chiến và đe dọa tấn công Nam Triều Tiên.

Trước đó trong ngày hôm nay, 8 chiếc chiến đấu cơ phản lực của Nam Triều Tiên và Mỹ đã thực hiện những vụ oanh kích mô phỏng trên lãnh thổ Nam Triều Tiên trong một hành động “biểu dương sức mạnh” chống lại những mối đe dọa của miền Bắc.

Hãng tin Yonhap của Nam Triều Tiên cho biết Bắc Triều Tiên đã bố trí thêm các loại vũ khí dọc theo biên giới để chuẩn bị cho một cuộc tấn công có thể xảy ra.

Lãnh tụ Bắc Triều Tiên hôm nay đã đặt lực lượng quân sự của nước ông trong tình trạng báo động cao và tuyên bố các khu vực tiền tuyến đang ở trong tình trạng “tương tự như chiến tranh.”

Nam và Bắc Triều Tiên trên lý thuyết vẫn còn ở trong tình trạng chiến tranh vì cuộc chiến Triều Tiên kết thúc năm 1953 với một hiệp định đình chiến chứ không phải hòa ước.

Ông Min Kyung Wook, phát ngôn viên Tổng thống Nam Triều Tiên, hôm nay tuyên bố Seoul “đã sẵn sàng để ứng phó một cách mạnh mẽ đối với bất kỳ hành vi gây hấn nào của Bắc Triều Tiên.”

Các giới chức quốc phòng Mỹ cho biết cuộc tập trận chung hàng năm của quân đội Mỹ và Nam Triều Tiên đã tạm ngưng hôm thứ năm sau khi Seoul và Bình Nhưỡng pháo kích lẫn nhau dọc theo biên giới phía tây. - VOA
|
|

3.
Bắc Kinh quảng cáo lễ diễn binh, nhưng im lặng về khách mời

Ngày 03/09/2015, Trung Quốc sẽ rầm rộ kỷ niệm ngày kết thúc Đệ Nhị Thế Chiến. Guồng máy tuyên truyền của Bắc Kinh đã ồn ào quảng cáo về buổi lễ diễn binh rầm rộ nhân dịp đó, nhưng lại không nói được là sẽ có lãnh đạo ngoại quốc nào đến dự lễ.

Hôm nay, các quan chức phụ trách tuyên truyền của Trung Quốc đã đặc biệt hướng dẫn báo chí ngoại quốc đi thăm các căn cứ quân sự ở bên ngoài thủ đô Bắc Kinh, nơi các đơn vị quân đội đang tập dợt cho buổi lễ diễn binh. Chính quyền không ngần ngại tiết lộ quy mô to lớn của buổi lễ diễn binh, quy tụ 12.000 lính và 500 phương tiện quân sự thuộc loại tối tân nhất được khoe rằng hơn 80% là do chính Trung Quốc chế tạo. Một ví dụ là nhân buổi lễ, sẽ có khoảng 200 phi cơ 20 loại khác nhau bay biểu diễn trên không.

Một điểm khác được Trung Quốc phô trương là có binh lính của hơn 10 quốc gia từ khắp các châu lục đến Bắc Kinh cùng tham gia diễn binh. Có điều là Trung Quốc không nói rõ đó là những nước nào. Điều chắc chắn là sẽ có lính Nga và Kazakhstan, và có thể có lính Mông Cổ. Lễ rầm rộ như vậy, dĩ nhiên là phải mời các lãnh đạo thế giới. Và ở đây cũng vậy, cho đến hôm nay, Bắc Kinh vẫn không thể cho biết danh sách cụ thể các thượng khách đến dự lễ duyệt binh của Trung Quốc.

Theo các thông tin rải rác, cho đến giờ chỉ mới có Tổng thống Nga Putin, Tổng thống Mông Cổ Elbegdorj, Tổng thống Ai Cập Sissi và Tổng thống Cộng hòa Séc Milos Zeman là đã chấp nhận lời mời. Nữ Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye cho biết sẽ đến Bắc Kinh dự lễ kỷ niệm chiến thắng đế quốc Nhật, nhưng theo phụ tá của bà, không chắc là lãnh đạo Hàn Quốc sẽ dự cuộc duyệt binh.

Với các động thái hung hăng dùng sức mạnh để áp đặt chủ quyền trên các vùng biển chung quanh, đặc biệt là tại Biển Đông, Trung Quốc đã bị cả thế giới phản đối. Trong bối cảnh đó, cũng dễ hiểu là rất nhiều nước không thể nhận lời mời tham dự lễ duyệt binh của Trung Quốc, vì làm như vậy có nghĩa tán đồng hành động thị uy quân sự của Bắc Kinh. - RFI
|
|

Tin Hoa Kỳ

4.
Mỹ: Thủ lĩnh thứ 2 của IS bị tiêu diệt --- Tướng Mỹ: Xét nghiệm sơ bộ cho thấy IS có vũ khí hóa học

Giới chức Mỹ cho hay nhà lãnh đạo số hai của nhóm Nhà nước Hồi giáo đã bị giết chết trong một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái ở Iraq.

Một phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia nói rằng Fadhil Ahmad al-Hayali, còn được gọi là Hajji Mutazz, đã bị hạ sát trong một cuộc không kích vào ngày 18 tháng 8 trong khi đang di chuyển gần thành phố Mosul của Iraq, nơi đã rơi vào tay IS vào năm ngoái.

Phát ngôn viên Ned Price nói cuộc không kích cũng giết chết một tay hoạt vụ phụ trách truyền thông của IS được biết đến với cái tên là Abu Abdullah.

Thông báo của Hội đồng An ninh Quốc gia xác định al-Hayali là một thành viên thuộc Hội đồng Shura của nhóm cực đoan này và là cấp phó của thủ lĩnh Abu Bakr al-Baghdadi. Thông cáo cho biết ông ta là người điều phối chính cho việc di chuyển một lượng lớn vũ khí, chất nổ, xe cộ và người giữa Iraq và Syria.

"Cái chết của Al-Hayali sẽ tác động tiêu cực đến hoạt động của ISIL bởi vì ảnh hưởng của ông ta tỏa rộng khắp các lĩnh vực tài chính, truyền thông, hoạt động và hậu cần," thông cáo nói, sử dụng một từ viết tắt cho IS mà chính phủ Mỹ chọn dùng. Thông cáo cho biết al-Hayali hỗ trợ những hoạt động của IS ở cả Syria và Iraq và phụ trách hoạt động của nhóm này tại Iraq.

Đây không phải là lần đầu tiên al-Hayali được báo là đã chết. Cái chết của ông ta cũng đã được Ngũ Giác Đài thông báo vào cuối năm ngoái nhưng một quan chức hôm thứ Sáu nói Mỹ dường như đã nhận dạng sai vào thời điểm đó.

Thông cáo của Hội đồng An ninh Quốc gia nói rằng Mỹ và các nước đối tác trong liên minh của Mỹ "quyết tâm làm suy yếu và tiêu diệt nhóm khủng bố đã gieo rắc quá nhiều tai ương và đau khổ cho người dân trong khu vực và xa hơn nữa." - VOA

***
Quân đội Mỹ cho biết những xét nghiệm sơ bộ tại hiện trường cho thấy có những dấu vết của một chất độc hóa học trên những quả đạn cối mà những kẻ chủ chiến Nhà nước Hồi giáo đã sử dụng để tấn công lực lượng người Kurd ở Iraq.

Chuẩn tướng Mỹ Kevin Killea, người đứng đầu những hoạt động quân sự chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Syria, cho biết những xét nghiệm tại hiện trường cho thấy sự hiện diện của HD, hay được gọi là mù tạt lưu huỳnh, một chất độc hóa học loại một. Ông cho biết những xét nghiệm tại hiện trường không mang tính chung quyết và những xét nghiệm cuối cùng đang được thực hiện để đưa ra một đánh giá dứt khoát.

Các quan chức Mỹ đang điều tra những báo cáo cho biết rằng những kẻ chủ chiến IS có thể đã sử dụng vũ khí mù tạt nhắm vào những chiến binh Peshmerga người Kurd vào tháng này tại thành phố Makhmour, Iraq.

Tướng Killea nói rằng lực lượng người Kurd đã đưa những mảnh đạn cối từ những vụ tấn công nhắm cho quân đội Mỹ để kiểm tra dấu vết của vũ khí hóa học, nhưng ông cũng cảnh báo là có những lo ngại về việc chiến binh Peshmerga cung cấp cho Mỹ những bằng chứng sai lạc.

Chưa rõ là những kẻ chủ chiến binh có thể đã có được loại vũ khí này từ đâu. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

5.
Ngoại giao VN: 'Dĩ bất biến, ứng vạn biến'

Bộ trưởng Ngoại giao kiêm Phó Thủ tướng Việt Nam Phạm Bình Minh hôm 21/8 đã có phát biểu trước báo giới nhân 70 năm thành lập ngành ngoại giao Việt Nam.

Trong bài phát biểu được báo điện tử VnExpress dẫn lại, ông Minh đã đề cao quy tắc 'dĩ bất biến, ứng vạn biến' trong chính sách ngoại giao của Hà Nội trong bối cảnh hiện nay.

Ngoại trưởng Việt Nam cũng thừa nhận những khó khăn trong quá trình đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông và nói Việt Nam cần "đi đầu trong việc xây dựng các cơ chế khu vực" để đảm bảo lợi ích quốc gia.

Ông cũng cho biết đã học được từ cố Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch 'sự kiên định, trên cơ sở đường lối chủ trương vận dụng linh hoạt, tạo ra được nhiều bạn bè nhất để thực hiện đường lối đối ngoại'.

Ngày 22/8, BBC đã có buổi phỏng vấn với nhà nghiên cứu Biển Đông Hoàng Việt về những phát biểu này.

BBC: Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh trong phát biểu hôm 21/8 nhận định 'vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, trong khu vực chưa bao giờ cao đến thế', ông có đồng ý với ý kiến này?

Nghiên cứu gia Hoàng Việt: Ở đây cá nhân tôi cho rằng một mặt thì Việt Nam đã có một vị thế tương đối mới, thể hiện trong mối quan hệ giữa Việt Nam và các cường quốc trên thế giới mà đặc biệt là với Hoa Kỳ.

Chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sang Hoa Kỳ cho thấy mối quan hệ song phương đã có nhiều phát triển vượt bậc.

Đối với các cường quốc khác thì Việt Nam cũng đang phát huy đẩy mạnh thế mạnh của mình.

Nhưng tôi cho rằng thế mạnh của Việt Nam vẫn chưa được phát huy đúng tiềm năng.

Nói cho cùng thì sức mạnh ngoại giao vẫn phụ thuộc vào sức mạnh nội lực.

Dù ngoại giao Việt Nam đã làm hết sức, trở thành đối tác chiến lược của nhiều quốc gia lớn, nhưng nội lực của Việt Nam rất hạn hẹp và điều này đang làm ảnh hưởng đến vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

BBC: Ông nghĩ như thế nào về ý kiến nói Việt Nam bị 'lạm phát đối tác chiến lược', thưa ông? 

Nghiên cứu gia Hoàng Việt: Tôi có đọc bài nghiên cứu về vấn đề này của tác giả Lê Hồng Hiệp. Tôi đồng ý với tác giả ở chỗ là Việt Nam nên chọn những đối tượng đặc biệt để làm đối tác chiến lược.

Hiện nay Việt Nam đang trải mối quan hệ đều khắp ra, không có điểm ưu tiên. Cho thấy nguồn lực của Việt Nam bị dàn trải và không có điểm nhấn.

BBC: Ông Phạm Bình Minh cho rằng Việt Nam cần phải đi đầu trong việc xây dựng các cơ chế khu vực để đảm bảo lợi ích quốc gia và góp phần đảm bảo ổn định khu vực, ông nghĩ gì về định hướng này?

Nghiên cứu gia Hoàng Việt: Trong quá trình toàn cầu hóa như bây giờ, nếu Việt Nam tự đứng một mình mà không tham gia vào thì như phương Tây nói là 'chậm chân thì lỡ tàu'. Không tham gia được thì không biết luật chơi người ta đặt ra như thế nào và không được tham gia vào ngay quá trình định hình luật chơi.

Việt Nam đã phải trả giá rất nhiều trong các định chế thương mại quốc tế và rất vất vả khi hòa nhập với cộng đồng quốc tế.

Bên cạnh thương mại quốc tế thì đến bây giờ Việt Nam cũng đã có vai trò tích cực hơn trong các cơ chế quốc tế khác như ASEAN.

Vai trò của Việt Nam trong ASEAN cũng giúp tạo dựng những hành lang để hướng tới khu vực mà cụ thể là việc Việt Nam cùng ASEAN tìm kiếm hướng đi cho tranh chấp Biển Đông với Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC)

BBC: Nhân nói đến COC, ngoại trưởng Việt Nam thừa nhận vấn đề khó khăn hiện nay là các bên liên quan, trong đó có Trung Quốc, phải 'cùng có mong muốn và hành động' để đạt được điều đó. Những động thái gần đây của Bắc Kinh có thể hiện sự mong muốn đó hay không, và liệu Việt Nam có nên ủng hộ ASEAN đơn phương tiến tới COC không, thưa ông?

Nghiên cứu gia Hoàng Việt: Thứ nhất là cho đến bây giờ thì trong nội bộ ASEAN đã thống nhất được nội dung bản nháp số 0 do Indonesia đề xuất về COC. Đến bây giờ thì 10 quốc gia ASEAN đã gần như đồng ý với nội dung đó.

Tuy nhiên vấn đề là bên tham gia với ASEAN là Trung Quốc thì họ chưa muốn và đó là vấn đề khó khăn nhất của COC lúc này.

Trung Quốc thì khi nào chưa giành được lợi thế rõ ràng trên Biển Đông thì đương nhiên họ chưa dừng lại.

Sau khi giành được lợi thế rõ ràng rồi thì họ sẽ ký một luật chơi và buộc các quốc gia ASEAN khác tham gia tranh chấp trên Biển Đông không được lặp lại như của họ.

Ngay cả trong nội dung của COC thì phía Trung Quốc đã không bằng lòng với ASEAN.

Trong bản nháp số 0 thì nói rằng khu vực tranh chấp bao gồm Hoàng Sa và Trường Sa.

Nhưng Trung Quốc thì nói rằng COC là dành cho Trường Sa mà thôi, không nói đến Hoàng Sa.

Một loạt các điều khoản mà Trung Quốc vẫn đang tìm cách câu giờ để đợi có một lợi thế thực sự. Tôi nghĩ rằng trong tương lai gần mà cụ thể trong năm nay, thì COC chưa thể ra đời được.

BBC: Ông Phạm Bình Minh đề cao tầm quan trọng của việc "tăng cường điểm đồng, giảm bớt bất đồng" đối với những quốc gia có chung lợi ích với Việt Nam. Ông đánh giá thế nào về nỗ lực của Hà Nội nhằm 'tăng điểm đồng, giảm bất đồng' với Hoa Kỳ, một nước cũng có nhiều lợi ích trong ổn định, an ninh và tự do hàng hải trên Biển Đông?

Nghiên cứu gia Hoàng Việt: Hoa Kỳ và Việt Nam đều muốn hòa bình, an ninh và ổn định trên Biển Đông vì nó đem lại lợi ích cho tất cả các bên, trong đó Việt Nam là quốc gia trực tiếp tham gia tranh chấp trên biển và Hoa Kỳ với tư cách là một cường quốc biển.

Khác biệt giữa Việt Nam và Hoa Kỳ mà phía Việt nam hay nhắc là ý thức hệ, thể chế và các cách nhìn khác nhau về nhân quyền, dân chủ, tự do.

Nhưng những sự bất đồng này đã được thu hẹp vì những lợi ích lớn lao hơn. Điều đó có thể thấy được trong chuyến đi của ông Nguyễn Phú Trọng.

Lần đầu tiên một tổng bí thư của Đảng Cộng sản Việt Nam được Tổng thống Hoa Kỳ đón tiếp trong Phòng Bầu dục tại Nhà Trắng, điều đó cho thấy một nỗ lực rất lớn.

Phía báo chí Việt Nam khi tường thuật về công tác chuẩn bị cho chuyến thăm của ông Nguyễn Phú Trọng thì cũng đề cập đến việc phía Hoa Kỳ lúng túng trong việc chọn thủ tục và nghi lễ ngoại giao nào cho nhân vật này.

Chuyến thăm cũng gặp nhiều sự phản đối từ cộng đồng người Việt ở hải ngoại.

Trong bối cảnh nhiều sự khác biệt, khó khăn như vậy nhưng trong chuyến đi của ông Trọng đến Hoa Kỳ, hai bên ký kết và có những tuyên bố chung như vậy thì tôi cho rằng đã có những bước tiến lớn và đó là bằng chứng cho thấy có thể thu hẹp những bất đồng và hướng tới những lợi ích lớn hơn.

BBC: Ngoại trưởng Việt Nam đề cao quy tắc 'dĩ bất biến, ứng vạn biến' trong chính sách ngoại giao của Hà Nội. Theo ông thì quy tắc này có ý nghĩa gì trong bối cảnh hiện nay và có còn phù hợp với bối cảnh hiện nay không.

Nghiên cứu gia Hoàng Việt: Tôi nghĩ rằng câu nói này vẫn còn phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Cái bất biến ở đây được hiểu là chủ quyền lãnh thổ quốc gia và độc lập tự do dân tộc.

Còn bằng phương cách nào, trong giai đoạn nào thì là vạn biến, có thể thay đổi, có thể bước đi thế này hay thế kia nhưng sự toàn vẹn lãnh thổ và độc lập dân tộc phải bảo vệ.

BBC: Ông Phạm Bình Minh đã khẳng định sẽ "không thể có xung đột trên biên giới" giữa Campuchia và Việt Nam, theo ông liệu đây có phải là một nhận xét chủ quan?

Nghiên cứu gia Hoàng Việt: Đối với chính khách như ông Phạm Bình Minh thì không thể phát biểu chủ quan mà không dựa trên những điều xác thực.

Vừa rồi thì Đảng Cứu Quốc của ông Sam Rainsy đã đưa lại vấn đề biên giới giữa Việt Nam, Campuchia và cho rằng phía Việt Nam đã có những điều gian dối, như cướp đất của Campuchia.

Thủ tướng Hunsen đã có phản ứng bằng việc mượn bản đồ Liên Hiệp Quốc để so sánh với bản đồ mà Việt Nam và Campuchia tham chiếu khi phân định, cắm mốc biên giới giữa hai nước.

Cho đến bây giờ thì bản đồ mà ông Hunsen mượn và bản đồ hai bên sử dụng khi cắm mốc đã được xác định là một.

Campuchia cũng mới cho bắt một thượng nghị sỹ thuộc Đảng cứu quốc bị cáo buộc tung ra những tài liệu giả mạo.

Điều đó cho thấy là phía Việt nam cũng hiểu và có tinh thần thiện chí để ký kết với các bên láng giềng trong việc phân giới cắm mốc để tạo dựng những ổn định giữa các bên.

Phía Việt Nam đã làm tốt việc phân giới cắm mốc với Trung Quốc và đang xúc tiến với các quốc gia láng giềng khác, trong đó có Campuchia.

Theo tôi được biết thì biên giới Việt Nam Campuchia đã gần hoàn tất, ngoại trừ 8 điểm.

Tôi nghĩ ông Phạm Bình Minh tin rằng Việt Nam đã làm đúng luật quốc tế, không có những sai phạm, gian dối ở đây.

Chúng ta đều phải dựa trên luật pháp quốc tế làm cơ bản và nếu anh làm đúng thì lẽ phải sẽ thuộc về anh. - BBC
|
|

6.
Cư dân mạng đòi Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận từ chức

Báo trong nước đăng tải thông tin Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận ‘nhận trách nhiệm về bất cập trong xét tuyển đại học đợt một’. 

VnExpress tường thuật ông Luận thừa nhận ‘những bất cập trong đợt xét tuyển đại học đầu tiên gây phiền hà, tốn kém cho người dân, đồng thời công bố những chỉ đạo khắc phục trong đợt xét tuyển thứ hai’.

Báo này viết: “Việc để thí sinh đăng ký tới bốn ngành trong một trường, được thay đổi nguyện vọng trong 20 ngày là không hợp lý, tạo ra sự căng thẳng cho thí sinh, phụ huynh".

"Báo cáo cho thấy, có gần 43.000 thí sinh cả nước đã thay đổi nguyện vọng, tập trung ở khoảng 30 trường đại học."

"Nhiều người phải đi lại, chờ trực tại các trường đại học gây nên sự tốn kém, phiền hà".

Ông Luận được VnExpress dẫn lời giải thích “Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, trong đó có phần trách nhiệm lớn của Bộ Giáo dục là chưa cân nhắc hết tính phức tạp và hiệu ứng ngược của những giải pháp.

Thay mặt Bộ, tôi xin nhận trách nhiệm về việc này".

Nhưng trên các mạng xã hội, có ý kiến đòi ông Luận từ nhiệm.

Các facebooker còn lập fanpage ‘Chúng tôi yêu cầu Phạm Vũ Luận từ chức’ với hàng ngàn lượt like.

Nhân chuyện thời sự, người ta nhắc lại chuyện ông Luận từng nói 'Tôi coi đổi mới giáo dục lần này là trận đánh lớn' trong một bài báo trên VnExpress cách đây gần hai năm.

"Bước vào trận đánh, từ tướng lĩnh đến binh lính phải quyết tâm, tin vào chiến thắng, sẵn sàng trả giá. Tôi coi thực hiện đề án đổi mới giáo dục lần này là một trận đánh lớn", ông Luận được VnExpress dẫn lời.

‘Cần thay ngay Cục trưởng Cục khảo thí’

Hôm 22/8, trả lời phỏng vấn của BBC, ông Nguyễn Quốc Cường, chuyên viên tuyển sinh Cơ quan đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo tại TP Hồ Chí Minh, cho biết:

“Tôi không tán đồng việc người ta kêu gọi thay Bộ trưởng Giáo dục vì trong lúc này vẫn cần người lèo lái.

Nhưng tôi thấy cần thay ngay ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, thuộc Bộ Giáo dục”.

Theo ông Cường, việc xét tuyển ‘gây hoang mang, hỗn loạn, bất an cho toàn xã hội trong mấy ngày qua có nguyên do chính yếu là Cục trưởng Cục khảo thí chưa có kinh nghiệm làm tuyển sinh.

"Việc Bộ để Cục khảo thí ôm đồm quản lý dữ liệu, cho thí sinh chọn bốn nguyện vọng trong một đợt phá vỡ hệ thống hướng nghiệp."

"Tôi cho rằng nếu không thay ngay Cục trưởng Cục khảo thí thì với cách làm này tình trạng đợt xét tuyển thứ hai cũng không khá gì hơn", ông Cường nói.

Các báo trong nước ví von ‘sự gay cấn, căng thẳng, lo lắng, rút ra nộp vào của đợt xét tuyển một không khác phiên giao dịch của một sàn chứng khoán’.

Hôm 21/8, báo Tuổi Trẻ đăng bài về một phụ huynh ở Hà Tĩnh phải thuê xe cấp cứu 115 đi ra Hà Nội để rút và nộp hồ sơ cho con.

Ông Nguyễn Quang Huy, Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 Hà Tĩnh, xác nhận vào ngày 20/8 đơn vị này có một chiếc xe được thuê ra Hà Nội để làm thủ tục hồ sơ xét tuyển đại học, báo này viết. - BBC

No comments:

Post a Comment