Friday, August 14, 2015

Tin Cập Nhật Thứ Sáu 14/8

Tin Thế Giới

1.
Tiếp tục cháy ở Thiên Tân --- 48 giờ sau thảm nạn Thiên Tân, nguyên nhân gây nổ vẫn chưa rõ

Lửa tiếp tục cháy tại hiện trường hai vụ nổ lớn ở Thiên Tân, Trung Quốc, 36 tiếng đồng hồ sau tai nạn.

Trung Quốc đã cử một đội chuyên gia hóa học của quân đội đến Thiên Tân, sau hai vụ nổ khiến ít nhất 50 người thiệt mạng, truyền thông nước này cho biết.

Vụ nổ xảy ra vào đêm 12/8 đã phá hủy các tòa nhà, container và hàng ngàn chiếc xe hơi mới.

Hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân gây ra vụ nổ, cũng như hóa chất có bị rò rỉ hay không.

Hơn 3.500 người dân phải qua đêm ở các khu nhà dã chiến.

Hàng trăm người bị thương, trong đó 71 người bị thương nặng.

Tân Hoa Xã cho biết các nhân viên cứu hộ đang ‘chạy đua với thời gian để cứu những người bị thương và kìm hãm đám cháy".

Nhiều người bị thương do bị mảnh thủy tinh hoặc mảnh kim loại văng trúng. Một số khác bị chấn thương sọ não hoặc gãy xương, Bệnh viện Teda cho biết.

Hơn 200 chuyên gia hóa học của quân đội Trung Quốc đã đến Thiên Tân. Nhiệm vụ đầu tiên của họ là kiểm định không khí để phát hiện các loại khí độc hại, Tân Hoa Xã cho biết.

Kho hàng nơi xảy ra vụ nổ thuộc sở hữu của công ty Hậu cần Quốc tế Nhuệ Hải Thiên Tân Đông Cương Cảng, vốn chuyên vận chuyển các hóa chất độc hại gồm sodium xyanua và toluene diisocyanate, theo báo cáo.

Nhân dân Nhật báo cho biết lực lượng cứu hộ ‘đang nỗ lực loại bỏ 700 tấn natri xyanua’ được lưu trữ tại khu vực này. Hydrogen peroxide đã được chuẩn bị để giải độc hóa chất.

Công ty hậu cần này cho hay hàng chục nhân viên của họ đã mất tích, theo Tân Hoa Xã.

Gần 10.000 xe hơi mới đã bị hủy hoại, hai hãng ôtô Renaults và Volkswagen bị ảnh hưởng nặng nề nhất, theo truyền thông Trung Quốc.

Đại diện Cục bảo vệ môi trường của Thiên Tân cho biết mức độ ô nhiễm đang được giám sát và ‘lượng khí độc hại không vượt quá tiêu chuẩn’.

Các cống xả nước ra biển đã bị đóng lại.

Ông Raymond Li, Biên tập viên của BBC Tiếng Trung nói rằng 24 giờ sau vụ nổ, nguyên nhân vẫn chưa được xác định.

“Chỉ vài ngày trước, các quan chức thành phố đã đến thăm cảng công nghiệp để bàn về tiêu chuẩn an toàn”, ông Raymond nói.

“Vụ nổ cho thấy các hóa chất độc hại được trữ gần khu vực dân cư hơn khoảng cách mà pháp luật cho phép”.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường hứa sẽ ‘minh bạch thông tin’ về cuộc điều tra .

Nhân Dân Nhật báo dẫn lời các quan chức cho biết sẽ xác định nguyên nhân của vụ nổ khi các đám cháy tại hiện trường được dập tắt hoàn toàn.

Tổ chức bảo vệ môi trường 

Greenpeace vừa nói các hóa chất tại khu công nghiệp bị nạn ở Thiên Tân 'tiếp tục gây nguy hiểm' cho con người.

Đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV cho biết ít nhất một người từ ‘công ty có liên quan’ đã bị bắt giữ để thẩm vấn. - BBC

***
Sáng nay khu công nghiệp Thiên Tân, Trung Quốc, vẫn còn bốc khói. Thông tin chính thức cho biết ít nhất 50 người chết và hơn 700 người bị thương. Chính quyền Trung Quốc khẳng định chưa rõ nguyên nhân gây ra vụ nổ đêm 12/08 tàn phá cả một khu vực có đường kính 3km. Tuy nhiên, báo chí cho biết lửa bốc lên từ kho chứa hàng ngàn tấn hóa chất độc hại trong đó có 700 tấn muối cyanure cực độc.

Báo chí Trung Quốc khẳng định hai vụ nổ tương đương với 24 tấn TNT trong đêm 12/08 xuất phát từ kho chứa hóa chất nguy hiểm.

Nhật báo Tin Bắc Kinh, trích dẫn giới doanh nghiệp, cho biết nơi xảy ra hỏa hoạn có 700 tấn Cyanure dưới dạng muối và hóa chất làm chết người này đã lan ra trong môi trường chung quanh. Tin này được đăng trên mạng vài giờ là bị gỡ xuống càng làm cho dân chúng nghi ngờ chính quyền che dấu thông tin.

Trong cuộc họp báo sáng nay 14/08, được truyền hình trực tiếp, các quan chức chính quyền thành phố cảng Thiên Tân lại tuyên bố rằng họ không biết kho hàng bị nổ chứa hóa chất gì và vì sao bị nổ.

Khi được một nhà báo đặt câu hỏi tại sao một khối lượng chất độc đến 700 tấn lại có thể tồn kho ở giữa thành phố thì đài truyền hình Trung Quốc cắt ngang chương trình dường như không muốn cho dân chúng nghe câu trả lời.

Tuy nhiên, tại hiện trường, quân đội huy động hơn 200 chuyên gia vũ khí hóa học và vi trùng học làm công tác dập lửa

Đặc phái viên Delphine Sureau từ Thiên Tân tường thuật:

"Ngọn lửa suy yếu dần dưới hàng tấn cát được chuyên gia chống vũ khí hóa học của quân đội sử dụng dập lửa. Khu vựa có đường kính 2 cây số được bảo vệ an ninh chặt chẽ nhưng làm sao ngăn chận được khói độc lan ra khắp thành phố làm rát mũi, rát cổ họng dù có bịt khẩu trang. Điều này làm cho dân chúng địa phương không thể yên tâm trước những lời trấn an của chính quyền Thiên Tân bảo đảm là không khí không bị ô nhiễm.

Một số quân chức đề cập một cách nhát gừng một "yếu tố mới" trong tiến trình điều tra: đó là có những bất cập trong thủ tục đăng ký hải quan của công ty liên quan đến kho hàng bị nổ. Công ty này chuyên về vận chuyển và tồn trữ sản phẩm nguy hiểm. Tin này gián tiếp chỉ hướng điều tra nếu muốn biết được nguyên nhân và bổ sung cho thông tin trên báo Trung Quốc: một nhân viên tại khu tích trữ hóa chất cho biết chưa bao giờ được đào tạo để vận chuyển các thùng hàng.

Tình trạng bất cẩn đã nhiều lần là nguyên nhân gây ra tai nạn công nghiệp tương tự như vụ Thiên Tân".

Theo AFP, vừa lo sợ ô nhiểm hóa chất vừa bất bình chính quyền che dấu thông tin, người dân Trung Quốc phản ứng bằng hàng loạt thông điệp trên mạng. Đa số các thông điệp này chỉ trích chính quyền kiểm duyệt thông tin và tự đánh mất hết uy tín. Tại sao chương trình truyền hình họp báo lại ngưng khi một phóng viên đặt câu hỏi về 700 tấn hóa chất? Tại sao đưa lính cứu hỏa trẻ tuối thiếu kinh nghiệm đi chửa cháy? Tại sao tránh câu hỏi cốt lõi là các nguyên nhân gây nổ?

Trước làn sóng bất bình, bộ máy kiểm duyệt đã hoạt động tối đa tại Hoa lục theo như Weibscope, một bộ phận tìm kiếm của các nhà nghiên cứu, đại học Hồng Kông. - RFI
|
|

2.
Thế chiến II: Shinzo Abe "vô cùng đau xót", nhưng không xin lỗi

Hôm nay 14/08/2015, nhân kỷ niệm 70 năm kết thúc Đệ nhị Thế chiến, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe có một bài diễn văn rất được chú ý. Người đứng đầu chính phủ Nhật khẳng định ông "vô cùng đau xót" trước những đau khổ do đế quốc Nhật gây ra. Tuy nhiên, ông Shinzo Abe cũng kêu gọi không nên buộc các thế hệ ra đời sau chiến tranh phải xin lỗi cho những hành động không phải của mình.

Về những tội ác của đế quốc Nhật, nhân dịp 70 năm nước Nhật phát xít đầu hàng, Thủ tướng Shinzo Abe khẳng định: "Nhật đã nhiều lần bày tỏ lòng hối hận sâu sắc và những lời xin lỗi chân thành về các hành động của mình trong chiến tranh" và lập trường của các lãnh đạo tiền nhiệm với tội ác của nước Nhật đế quốc trong chiến tranh sẽ là "bất di bất dịch" trong tương lai.

Thủ tướng Nhật bày tỏ: "Đất nước chúng ta đã buộc nhiều dân tộc vô tội phải chịu những tổn thất và đau khổ không kể xiết" và "khi tôi nhìn lại sự thật hiển nhiên này, tôi không nói được lên lời, trái tim tôi vô cùng đau xót".

Thủ tướng Nhật nói: ông hy vọng chính quyền Trung Quốc thừa nhận "những tình cảm chân thành" của Nhật Bản, và cho biết thêm ông hy vọng gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, khi cơ hội cho phép.

Theo Thủ tướng Abe, nước Nhật kể từ khi chiến tranh kết thúc "đã liên tục đóng góp cho hòa bình và thịnh vượng trong khu vực", và mặt khác, hơn 80% dân cư Nhật Bản hiện nay sinh ra sau chiến tranh, không thể để cho các thế hệ tương lai "không liên quan gì đến chiến tranh" buộc phải "xin lỗi như một điều tiền định".

Theo các nhà quan sát, nội dung phát biểu của Thủ tướng Nhật chắc chắn sẽ được xem xét kỹ lưỡng bởi các nước láng giềng như Hàn Quốc, Trung Quốc. Các quốc gia đã từng chịu đựng rất nhiều đau khổ trong thời gian bị Nhật Bản đô hộ hay gây chiến, trong và trước Thế chiến Hai. Giai đoạn bành trướng của chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản, kể từ 1910 cho đến Thế chiến Hai, không ngừng gây căng thẳng cho quan hệ giữa Tokyo với các láng giềng Đông Bắc Á, đặc biệt liên quan đến ngôi đền Yasukuni có thờ linh vị các tội phạm chiến tranh, hay vấn đề "phụ nữ giải sầu", một uyển ngữ để chỉ hàng trăm ngàn phụ nữ bị buộc phải làm việc trong nhà thổ của quân đội Nhật.

Bắc Kinh và Seoul muốn Thủ tướng Nhật xin lỗi như các tiền nhiệm. Hàn Quốc cho rằng Nhật Bản chưa hành động đủ để làm nguôi đi nỗi đau của các nạn nhân, cho dù đã có những lời xin lỗi. Trong khi đó, cánh bảo thủ trong đảng cầm quyền Nhật Bản kêu gọi Thủ tướng Nhật khép lại với điều mà họ gọi là một giai đoạn sám hối ô nhục. - RFI
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
Ngoại trưởng Kerry thượng quốc kỳ Mỹ tại Cuba --- Fidel Castro lên án chính sách của Hoa Kỳ

Lá cờ của Hoa Kỳ sẽ được giương lên hôm nay tại Cuba. Lần đầu tiên từ năm 1961, Cuba và Hoa Kỳ có quan hệ ngoại giao và Ngoại trưởng John Kerry sẽ giương lá cờ Mỹ lên Đại sứ quán Hoa Kỳ ở La Habana. Nhưng vẫn còn phải giải quyết nhiều vấn đề còn lại sau nửa thế kỷ thù nghịch giữa hai nước.

Những người bất đồng chính kiến ở Cuba, lâu nay vẫn được các giới chức Hoa Kỳ ve vãn vì sự chống đối Fidel và Raul Castro, hai anh em đã cai trị đảo quốc này từ 5 thập niên, đã không được mời dự lễ thượng kỳ của ông Kerry tại Đại sứ quán Mỹ nằm bên bờ nước vì sợ sự hiện diện của họ sẽ có thể bị các giới chức Cuba tẩy chay không tham dự buổi lễ.

Nhưng nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ, ông Kerry sau đó sẽ gặp gỡ một nhóm nhỏ các nhân vật bất đồng chính kiến tại tự gia của người đứng đầu phái bộ Hoa Kỳ. Ông cũng dự tính họp với một số giới chức chính phủ và người đứng đầu Giáo hội Công giáo Cuba, chứ không gặp hai anh em Castro.

Là ngoại trưởng Hoa Kỳ đầu tiên đến Cuba từ 70 năm nay, ông Kerry sẽ được tháp tùng bởi một số đại biểu Quốc hội và 3 cựu binh sĩ thủy quân lục chiến lớn tuổi đã từng hạ lá cờ lần chót ở La Habana vào tháng 1 năm 1961.

Giờ khắc quan trọng

Trong một cuộc phỏng vấn hôm thứ Tư với hệ thống truyền hình Telemundo, ông Kerry mô tả lễ thượng kỳ chính thức là “một giờ khắc quan trọng giữa hai chính phủ, với số người tham dự hạn chế, và đó là lý do vì sao sẽ có một buổi tiếp tân vào cuối ngày để có thể gặp gỡ nhiều thành phần trong xã hội dân sự, kể cả một số nhân vật bất đồng chính kiến.

Ông Kerry nói: “Thông điệp là, thứ nhất, chúng tôi tin rằng với việc chúng tôi tiếp xúc trong các quan hệ ngoại giao trực tiếp với chính phủ Cuba, việc có thể giao tiếp với dân chúng Cuba, thực sự sẽ giúp ích cho dân chúng Cuba”.

Cuba nằm ngoài khơi cách duyên hải miền đông nam Hoa Kỳ 145 kilomet, nhưng hai nước đã cắt đứt quan hệ ngoại giao vào năm 1961, sau khi nhà cách mạng Cuba Fidel Castro lên nắm quyền vào năm 1959. Người đang lãnh đạo Cuba hiện giờ, chủ tịch Raul Castro, và Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã loan báo nối lại bang giao chính thức hồi tháng 12 năm ngoái, và các cuộc đàm phán đã diễn ra kể từ đó nhắm nới lỏng các hạn chế về kinh doanh, thương mại và du hành.

Những vấn đề tồn tại

Song vẫn còn nhiều vấn đề quan trọng giữa hai nước bất chấp việc Tổng thống Obama quyết định nối lại quan hệ ngoại giao. Phần lớn những người trong cộng đồng lưu vong Cuba tại Florida, tiểu bang của Hoa Kỳ cận kề Cuba nhất, chống đối quan hệ với chính phủ Castro, cũng như nhiều đảng viên Cộng hòa chống đối ông Obama.

Thượng nghị sĩ Florida Marco Rubio, một người định ra tranh cử Tổng thống năm 2016 để kế nhiệm ông Obama, mô tả việc Bộ Ngoại giao nâng cấp thứ hạng của Cuba trong phúc trình thường niên về nạn buôn người là “có động cơ chính trị”, và nói rằng nước này đã “gần như không có biện pháp nào” để ngăn chặn tình trạng du khách đến đảo quốc này để quan hệ tình dục với trẻ em.

Ông Rubio viết cho ông Kerry như sau: “Việc chính quyền vô cớ nâng cấp Cuba trong phúc trình về nạn buôn người gửi đi một thông điệp ghê rợn rằng Hoa Kỳ, ít nhất dưới thời vị tổng thống này, quan tâm nhiều hơn đến việc đưa lên hàng đầu tin tức về chính sách lịch sử đối với Cuba, so với việc thách thức chế độ Castro bảo vệ giới trẻ ở Cuba trước tình trạng khai thác buôn người”.

Bản phúc trình nâng thứ hạng của Cuba từ “Nhóm 3” lên “Nhóm 2 bị theo dõi” dành cho những nước cần điều tra đặc biệt, mặc dù bản phúc trình vẫn chỉ trích gay gắt La Habana.

Chủ tịch một tổ chức báo chí ở Washington, ông John Hughes thuộc Câu lạc bộ Báo chí Quốc gia, tuần này đã hối thúc ông Kerry biến tự do truyền thông tin tức và truy cập Internet ở Cuba thành ưu tiên hàng đầu đối với những người quyết định chính sách của Hoa Kỳ.

Ông Hughes nói: “Khó mà tưởng tượng được nhân quyền, điều kiện lao động và tham nhũng trong nước lại có thể khá hơn được nếu không có sự kiểm tra của công chúng đi kèm theo một nền báo chí tự do hợp lý. Do đó, Hoa Kỳ phải vận dụng tất cả các công cụ có thể có, trong đó có ngoại giao và kinh tế, để hỗ trợ cho việc tường thuật và phổ biến thông tin không hạn chế ở Cuba”. - VOA

***
Cựu Chủ tịch Cuba Fidel Castro vừa có thư ngỏ lên án các chính sách ngoại giao và kinh tế của Hoa Kỳ từ thời Đệ nhị Thế chiến.

Thư của ông Castro cáo buộc Hoa Kỳ nợ Cuba hàng triệu đôla và cũng không nhắc gì đến sự kiện đại sứ quán Hoa Kỳ tái mở cửa tại Havana.

Lá thư được đăng tải nhân dịp sinh nhật lần thứ 89 của ông Castro.

Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Havana sẽ mở cửa trở lại vào ngày 14/8, với sự có mặt của Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry.

Ông Castro nói Hoa Kỳ nợ tiền Cuba vì lệnh cấm vận thương mại mà Washington áp đặt lên đảo quốc cộng sản này từ những năm 60.

Cuba nói các biện pháp phong tỏa đã làm tổn hại nghiêm trọng đến nền kinh tế nước này, và quan hệ hai nước chỉ hồi phục hoàn toàn khi nào các lệnh cấm vận được gỡ bỏ.

Ba lính lục quân Mỹ, những người đã hạ cờ Hoa Kỳ vào ngày 4 tháng Một năm 1961, sẽ kéo lá cờ này lên một lần nữa vào buổi lễ ngày 14/8.

Cả ba người này hiện đã nghỉ hưu và đang ở độ tuổi 70.

"Tôi sẽ rất hạnh phúc được nhìn thấy lá cờ đó được kéo lên một lần nữa", cựu binh Jim Tracy, 78 tuổi, nói trong một video do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đăng tải.

Cuba đã tái mở cửa đại sứ quán nước này ở Washington hồi tháng trước.

'Không ngừng đấu tranh'

Trong lá thư, được đăng tải trên tờ báo nhà nước Granma, ông Castro nói Cuba "sẽ không bao giờ ngưng đấu tranh cho hòa bình và hạnh phúc của nhân loại".

Ông Fidel Castro đã lãnh đạo đất nước kể từ sau cuộc Cách mạng Cuba vào năm 1959, trước khi từ chức vào năm 2006 do vấn đề về sức khỏe.

Ông đã nhượng quyền lại cho em trai Raul Castro, người đã tiến hành một số cải cách kinh tế.

Ông Raul Castro và Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã công bố quyết định nối lại quan hệ ngoại giao giữa hai nước hồi tháng 12 năm ngoái.

Một tháng sau đó, ông Fidel Castro mới lên tiếng tán thành động thái hòa giải này.

"Tôi không tin vào chính sách của Hoa Kỳ và cũng chưa trao đổi trực tiếp với họ, nhưng điều này không có nghĩa rằng tôi bác bỏ một giải pháp hòa bình cho các xung đột", ông viết trong một lá thư hồi tháng Một. - BBC
|
|

4.
Người Mỹ không tán đồng với ông Obama về thỏa thuận hạt nhân Iran

Chỉ một trong ba người Mỹ tán đồng cách thức xử lý của Tổng thống Obama về thỏa thuận quốc tế nhằm kiềm chế chương trình hạt nhân của Iran, theo một cuộc khảo sát mới của Gallup.

Cuộc khảo sát dư luận hỏi hơn 1.000 người trong những ngày qua và hôm thứ Năm cho biết 55 phần trăm không ủng hộ cách thức mà ông Obama xử lý chính sách đối với Iran trong khi 33 phần trăm ủng hộ.

Kết quả này tương tự như kết quả của một cuộc thăm dò dư luận của Đại học Quinnipiac gần đây cho thấy người dân Mỹ phản đối thỏa thuận với Iran do quốc tế làm trung gian điều giải với tỉ lệ 2-1. Quốc hội Mỹ hiện đang nghỉ hè, nhưng dự định sẽ bỏ phiếu vào tháng sau về việc chấp thuận hay bác bỏ thỏa ước ngăn Iran chế tạo vũ khí hạt nhân để đổi lấy việc dỡ bỏ những chế tài đã khiến nền kinh tế Tehran khốn đốn.

Tổng thống Obama đạt điểm cao hơn ở tất cả những vấn đề khác mà Gallup đặt câu hỏi, trong đó có quan hệ giữa các chủng tộc, giáo dục, kinh tế, khủng bố và đối ngoại, dù không đạt được sự ủng hộ quá bán cho bất cứ vần đề nào.

Gallup cho biết đánh giá tổng thể cho ông Obama là 47 phần trăm. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

5.
Thượng nghị sĩ đối lập Campuchia bị bắt vì tội 'phản quốc'

Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã ra lệnh bắt giữ một Thượng nghị sĩ phe đối lập vì tội “phản quốc” sau khi cáo buộc ông đăng tải một tài liệu giả mạo về đường biên giới với Việt Nam trên mạng xã hội.

Lệnh bắt giữ Thượng nghị sĩ Hong Sok Hour, thuộc phe đối lập Sam Rainsy (SRP), được đưa ra giữa lúc phe đối lập Đảng Cứu nguy Dân tộc Campuchia (CNRP) gia tăng các chiến dịch nhằm ngăn chặn việc xâm lấn mà họ cho là Việt Nam đang thực hiện.

SRP là một trong số ít các đảng phái không có đại diện trong Hạ viện Campuchia, cơ quan đã hậu thuẫn đảng CNRP trong các cuộc phản đối chống lại việc cắm mốc 1.270 km đường biên giới với Việt Nam.

Thủ tướng Hun Sen cho biết ông đã yêu cầu cảnh sát bắt giam ông thượng nghị sĩ sau khi ông Hong Sok Hour đăng một tài liệu giả mạo và đã bị chỉnh sửa của một hiệp ước cũ về đường biên giới lên trang Facebook của mình.

Thủ tướng Campuchia nói: “Hành động phản bội này không thể tha thứ”

Lệnh bắt giữ được ông Hun Sen công bố giữa bài phát biểu tại một lễ tốt nghiệp ở Phnom Penh.

Tước quyền miễn tố

Ông nói thêm rằng Thượng nghị sĩ Hong Sok Hour, người mang quốc tịch Campuchia và Pháp, sẽ bị tước quyền miễn tố của quốc hội và cảnh báo các đại sứ quán nước ngoài không cho ông tỵ nạn.

Ông Teav Vannol, Thượng nghị sĩ thuộc đảng Sam Rainsy, nói với báo chí rằng việc ông Hong Sok Hour bị giam giữ tại trụ sở Đảng Cứu nguy Dân tộc Campuchia là không đúng sự thật.

Ông nói: “Tôi không chắc chắn về vị trí, nhưng tôi biết ông ấy chưa bị bắt ... trong thời điểm này, ông ấy vẫn ở một nơi an toàn”.

Đảng đối lập của Campuchia từ lâu đã chỉ trích mối quan hệ nồng ấm giữa Phnom Penh với Hà Nội và thường xuyên cáo buộc Việt Nam xâm phạm lãnh thổ Campuchia và Chính phủ đã dùng một bản đồ giả mạo để phân định đường biên giới.

Ông Hong Sok Hour, Chủ tịch Ủy ban chống Tham nhũng của Thượng viện, đã đóng một vai trò quan trọng trong các chiến dịch của CNRP những năm gần đây.

Đảng SRP đã lên tiếng phủ nhận tội phản quốc của Thượng nghị sĩ Hong Sok Hour và cho biết ông sẽ công khai điều chỉnh nếu ý kiến của mình không chính xác. - VOA
|
|

6.
Hạ giá tiền Việt theo Trung Quốc có tác dụng hai mặt

Ngay sau khi Trung Quốc phá giá Nhân Dân Tệ tổng cộng gần 4% trong hai ngày liên tiếp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hôm 12/8/2015 cũng quyết định hạ giá tiền Đồng bằng cách tăng gấp đôi biên độ tỷ giá USD/VNĐ từ 1% lên 2%. Điều này đồng nghĩa với việc giá mua bán USD của các ngân hàng có thể đưa lên mức cao nhất là 22.106 đồng/ một USD. Trong nửa đầu năm 2015, Việt Nam đã điều chỉnh tỷ giá hai lần vào tháng 1 và tháng 5 tổng cộng 2%.

Nam Nguyên phỏng vấn Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế độc lập ở Hà Nội về cuộc chiến tranh tiền tệ mà Việt Nam đang đối mặt. Từ Hà Nội, trước hết TS Lê Đăng Doanh đưa ra nhận định:

TS Lê Đăng Doanh: Ngân hàng Nhà nước đã nới biên độ của tỷ giá thêm 1% nữa và đó là biện pháp kịp thời năng động của Ngân hàng Nhà nước trước việc Trung Quốc đã phá giá đồng nhân dân tệ 1,9% và sáng nay (12/8) họ lại phá giá tiếp 1,6% nữa.

Biện pháp đó của Việt Nam là biện pháp cần thiết vì Việt Nam xuất và nhập khẩu đối với thị trường Trung Quốc rất là lớn đặc biệt là nhập khẩu từ Trung Quốc.

Cho nên chắc chắn việc phá giá đồng bạc Trung Quốc sẽ tác động khá mạnh đến cán cân thương mại của Việt Nam. Việc xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Trung Quốc sẽ trở nên khó khăn hơn, bởi vì hàng hóa của Việt Nam sẽ đắt lên 4% và điều này sẽ có tác động đối với doanh nghiệp Việt Nam.

Doanh nghiệp Việt Nam phải giảm giá thành mới có thể xuất khẩu được, bởi vì phía nhập khẩu Trung Quốc sẽ không sẵn sàng để nâng giá bán lên theo mức độ như vậy. Còn về hàng nhập khẩu thì Việt Nam phải tăng cường chống buôn lậu mới có thể đối phó với làn sóng hàng hóa rẻ của Trung Quốc tràn vào Việt Nam.

Nam Nguyên: Thưa Tiến sĩ, mỗi khi Việt Nam điều chỉnh tỷ giá điều chỉnh biên độ thì ở nước ngoài gọi là phá giá, hạ giá. Như vậy từ đầu năm đến nay Việt Nam coi như đã phá giá tiền đồng 4%. Thưa hiểu như vậy có đúng không?

TS Lê Đăng Doanh: Không, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ có điều chỉnh tỷ giá 2%, còn bây giờ thì nới cái biên độ ra và tùy theo các ngân hàng thương mại họ muốn nới lên hay muốn giữ thì tùy họ. Chứ không phải là chính thức phá giá, một biện pháp để mở rộng biên độ trao đổi tiền tệ và cho phép các ngân hàng thương mại có thể phản ứng một cách linh hoạt hơn.

Về mặt thực tế thì nó cũng tương đương như việc phá giá đồng bạc thêm 1% nữa, nhưng mà đấy là biện pháp có tính chất linh hoạt và kịp thời của Ngân hàng Nhà nước Việt nam.

Tôi cũng xin lưu ý rằng biện pháp này chắc chắn sẽ làm cho tăng thêm chi phí để trả nợ công vì nợ công của Việt Nam được trả bằng đồng Đô La và nếu như điều chỉnh tỷ giá và nới biên độ như thế này thì nợ công sẽ tăng thêm nữa.

Nam Nguyên: Như Tiến sĩ vừa nói thì Việt Nam có biện pháp điều chỉnh tỷ giá, nới biên độ để đối phó với việc Trung Quốc phá giá tiền. Kinh tế Việt lệ thuộc lớn vào kinh tế Trung Quốc, Trung Quốc là bạn hàng rất lớn của Việt Nam. Vậy thì ngoài việc điều chỉnh tỷ giá nới biên độ, chống buôn lậu thì Việt Nam còn có thể làm gì khác hơn nữa?

TS Lê Đăng Doanh: Sẽ phải thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 19 của Chính phủ ngày 12/3/2015 để nâng cao năng lực cạnh tranh; các cơ quan nhà nước phải giảm các thủ tục phiền hà, giảm chi phí về thời gian và tiền bạc, để cho các doanh nghiệp có thể giảm chi phí nâng cao năng suất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Tôi nghĩ đây là một cuộc chiến sống còn và đòi hỏi nỗ lực rất lớn của cơ quan nhà nước, của mỗi một viên chức cũng như là của tất cả các doanh nghiệp.

Nam Nguyên: Thông tin cũng nói là chuyện Trung Quốc phá giá tiền sẽ gây ra một vòng luẩn quẩn, nhiều nước trong đó có Việt Nam cũng đều hạ giá đồng tiền của mình để đối phó. Thưa Tiến sĩ nhận định gì về chuyện này?

TS Lê Đăng Doanh: Rõ ràng là Trung Quốc đã bắt đầu khởi động một cuộc chiến tarnh tiền tệ và tôi nghĩ rằng đây là bắt đầu của vòng xoáy, còn vòng xoáy ấy sẽ đi đến đâu và Trung Quốc sẽ được gì, sẽ mất gì thì điều đó còn phải có thời gian để tính toán xem xét.

Tôi thấy rằng, chắc chắn thị trường tài chính thế giới sẽ có biến động và sẽ có phản ứng trước tình hình mà mọi người không lường trước được là trong hai ngày liên tiếp Trung Quốc đã phá giá đồng bạc hai lần.

Nam Nguyên: Thưa. Về ý kiến cho rằng Trung Quốc đang xuất khẩu lạm phát  vào Hoa Kỳ và các nước khác. Tiến sĩ nhận định gì?

TS Lê Đăng Doanh: Về việc Trung Quốc xuất khẩu lạm phát thì đấy là một cách nói. Bởi vì Trung Quốc phá giá đồng bạc thì các đồng tiền khác cũng phải có điều chỉnh theo, chứ nếu không thì họ bị thiệt quá.

Còn về thực chất thì Trung Quốc 6 tháng vừa qua đã có giảm lượng xuất khẩu tới 8,3%, cho nên Trung Quốc phải có biện pháp để duy trì xuất khẩu nếu không thì họ sẽ mất công ăn việc làm và nếu không có thì sản xuất trong nước của họ sẽ bị ngưng trệ và đấy là điều mà Trung Quốc đang muốn tránh.

Nam Nguyên: Xin phép được hỏi câu chót, thưa bản thân Tiến sĩ có ngạc nhiên với những quyết định mau lẹ dồn dập của Trung Quốc hay không?

TS Lê Đăng Doanh: Tôi thực tình lấy làm bất ngờ, phản ứng ngày đầu tiên thì tôi không bất ngờ lắm và tôi nghĩ họ sẽ làm sau khi xuất khẩu của họ bị giảm như vậy. Nhưng mà họ làm đến ngày thứ hai liên tiếp thì tôi thấy hơi ngạc nhiên.

Nam Nguyên: Cảm ơn TS Lê Đăng Doanh đã trả lời Đài RFA. - RFA

No comments:

Post a Comment