Tin Thế Giới
1.
TQ: Không nên thảo luận về Biển Đông tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN
Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân nói rằng không nên mang vấn đề tranh chấp ở Biển Đông ra thảo luận tại một Hội nghị ASEAN.
Hãng tin Reuters dẫn lời ông Lưu phát biểu như vậy hôm nay bên lề Hội nghị Ngoại Trưởng ASEAN lần thứ 48 (AMM48) sẽ nhóm họp vào ngày mai ở Kuala Lumpur. Ông nói rằng các cuộc họp này nên tránh tất cả mọi cuộc thảo luận về vấn đề nhạy cảm này.
Ông Lưu nói thêm rằng các nước bên ngoài ASEAN không nên can dự vào vấn đề này. Reuters dẫn lời ông Lưu nói rằng “Đây không phải là diễn đàn thích hợp. Diễn đàn này là để cổ vũ cho hợp tác. Nếu Hoa Kỳ nêu lên vấn đề này, thì lẽ đương nhiên là chúng tôi sẽ phản đối. Chúng tôi hy vọng người Mỹ không làm điều đó”
Vụ tranh chấp Biển Đông không được ghi trên nghị trình chính thức của hội nghị quy tụ các ngoại trưởng ASEAN kỳ này, nhưng nhiều người dự kiến vấn đề này sẽ được thảo luận giữa lúc căng thẳng đang ngày càng tăng cao về những tuyên bố chủ quyền chồng chéo tại vùng biển có nhiều tiềm năng dầu khí này.
Hoa Kỳ gần đây đã bày tỏ quan ngại về những hành động ngày càng quyết đoán của Trung Quốc trong khu vực, và theo dự kiến sẽ lại yêu cầu Bắc Kinh hãy ngưng các hoạt động lấp biển xây đảo trong các vùng tranh chấp.
Hoa Kỳ và Trung Quốc đều không phải là thành viên của Hiệp hội các nước Đông Nam Á nhưng cả hai nước đã được mời để tham gia hội nghị cùng với một số nước khác bên ngoài khối ASEAN. Ngoại Trưởng Kerry sẽ có mặt tại Kuala Lumpur vào ngày thứ Tư và thứ Năm tuần nay.
Trung Quốc tuần trước tố cáo Hoa Kỳ là ‘quân sự hoá’ Biển Đông bằng cách thực hiện các cuộc tuần tiễu và diễn tập quân sự tại đây.
Nói chuyện với phóng viên Reuters, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc hôm nay lại nhắc lại những quan ngại vừa kể. Ông Lưu tố cáo ‘các nước bên ngoài’ là tìm cách quân sự hoá khu vực.
Hãng tin AFP hôm qua trích một nguồn tin từ một giới chức cao cấp trong Hiệp Hội ASEAN, nói rằng rằng ASEAN và Trung Quốc đã đồng ý thiết lập một ‘đường dây nóng’ để giải quyết các sự cố khẩn cấp tại Biển Đông.
Hôm nay, ông Lưu nói ‘đường dây nóng’ là một cơ chế ‘hữu ích’ nhưng cho tới nay chưa có quy tắc hướng dẫn nào được vạch ra.
Ông Lưu nói cần phải có những quy định rõ ràng cho hoạt động này, vì vậy Bắc Kinh yêu cầu phải có một nhóm đặc nhiệm hỗn hợp cải tiến để thiết lập những quy tắc hướng dẫn.
ASEAN trong thời gian qua đã hối thúc việc thành lập một một bộ Quy tắc Ứng xử trên biển có tính cách ràng buộc với Trung Quốc, theo đó Trung Quốc và các nước khác tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông không nên có bất cứ hành động nào có thể khơi mào cho một cuộc xung đột trên biển.
Nhưng bất chấp những lời kêu gọi đoàn kết, các thành viên ASEAN có những nghị trình làm việc khác nhau, và trong quá khứ ASEAN đôi khi tỏ ra bất lực trong việc đề ra một lập trường đoàn kết chống lại Trung Quốc, trong bối cảnh Bắc Kinh có những quan hệ mật thiết với một số nước thành viên, chẳng hạn như Campuchia. - VOA
|
|
2.
Bangkok có nguy cơ bị chìm dưới nước trong vài thập niên nữa
Chuyện Bangkok đang chìm dần không còn là điều tranh cãi. Tuy nhiên, chưa có sự đồng thuận về việc khu vực đô thị với khoảng 10 triệu cư dân này còn sinh sống được ở đó bao lâu nữa.
Hội đồng Cải cách Quốc gia, dưới quyền của tập đoàn quân nhân đang điều hành đất nước, muốn chính phủ thiết lập một ủy ban quốc gia để đáp lại những lời cảnh báo của giới khoa học cho rằng Bangkok có thể chìm vĩnh viễn dưới làn nước trong vài thập niên nữa.
Tại một khu phố dọc theo con kênh Saen Saeb, xây vào cuối thập niên 1830, hiện đã có cảm giác bị chìm dần.
Những vết nứt trên lề đường mấp mô và những bức tường nghiêng ngả ở các căn nhà, những cửa hiệu nhỏ và một ngôi đền Hồi giáo là bằng chứng cho một số phận không thể tránh khỏi của một khu vực bên bờ sông bị sụt 2 centimet mỗi năm, tức là gấp đôi mức độ trung bình của phần còn lại trong thủ đô Thái Lan.
Là cư dân đã sinh sống gần như toàn bộ 44 năm cuộc đời trong một căn nhà mà mỗi năm đều phải sửa chữa vì bị sụt dần xuống, bà Vijitri Puangsiri nói:
“Tôi không biết phải làm gì. Ai sẽ giúp chúng tôi đây? Tôi không biết nữa.”
Con đường mòn trước căn nhà cả trăm năm tuổi, nơi bà có một cửa hàng ăn nhỏ, cũng liên tục cần bảo trì.
Ông Somsak Kongpeeng, một người tình nguyện làm công tác cộng đồng, và là hàng xóm của bà Vijitri, nói:
“Đi trên các chiếc thuyền dọc theo kênh, ta có thể nhận thấy tất cả mọi thứ đều bị lõm vào. Các tòa nhà chìm dần bởi vì không được xây dựng trên các nền vững chắc.”
Ông Somsak Kompeeng nói nửa đùa nửa thật trong một cuộc phỏng vấn với đài VOA về con đường mòn rằng nếu 20 năm nữa chúng tôi quay trở lại để gặp ông thì nước sẽ ngập đến vai ông.
Điều đó hóa ra chỉ là nói hơi quá lố trong một thành phố với độ cao trung bình là 2 mét và các tòa nhà được xây trên nền đất sét mềm.
Một là mực nước biển đang dâng cao, rồi bơm nước ngầm quá mức và xây dựng quá nhiều tòa nhà cao tầng là những nguyên do chính khiến độ cao của Bangkok sụt dần, theo nhận định của những người đã từng nghiên cứu về vấn đề.
Nhưng sự bùng phát xây dựng đem lại nguồn lợi béo bở vẫn tiếp tục không ngừng, và là một sự điên cuồng đối với những người gióng lên tiếng chuông cảnh báo.
Phó giáo sư Sucharit Koontanakulvong, người đứng đầu Đơn vị Nghiên cứu Hệ thống Tài nguyên Nước của trường Đại học Chulalongkorn, nói:
“Nếu ta không có biện pháp gì, mọi người sẽ thua thiệt. Bởi vì chính đất đai đang bị chìm dần, cho nên giá đất cũng chìm xuống.”
Vị giáo sư này cùng các thành viên khác của một ủy ban dự báo rằng, nếu không có biện pháp nào được tiến hành, thì lụt lội liên tục và bền bỉ bắt đầu trong vòng 2 thập niên tới và kéo dài “từ 2 đến 3 tháng” sẽ làm cho nền kinh tế của Bangkok bị đình trệ.
Sự kiện đó đã được kinh qua trong mùa mưa năm 2011 khi 13 triệu người bị tác động bởi lụt lội – với hơn 800 người thiệt mạng – và thiệt hại kinh tế cho Thái Lan vượt quá mức 45 tỷ đôla, theo Ngân hàng Thế giới.
Trong một bài xã luận ngày 25 tháng 7 có tựa là “Hãy ngăn chặn thành phố chìm xuống” báo Bangkok Post lo ngại là bất kể những kinh nghiệm lụt lội trước đây và những lời cảnh báo mới, “dường như sự bình thản không quan tâm vẫn thắng thế.”
Báo này kêu gọi ngưng việc mở rộng thêm thành phố, bớt đầu tư một cách có sách lược vào Bangkok, và đình chỉ hẳn việc bơm nước ngầm.
Cũng có những lời kêu gọi chi ra hàng tỷ đôla để gia cố thành phố thường bị ngập lụt bằng những bức tường chắn nước biển. Ngay cả với một nỗ lực tốn kém như thế, kết cuộc thiên nhiên vẫn có thể lấy lại tất cả những gì con người đã xây dựng ở vùng đất lầy nằm ở độ thấp này tại đồng bằng của một con sông. - VOA
|
|
3.
Chứng khoán Châu Á sụt giá vì hoạt động kinh tế trì trệ ở TQ
Hoạt động kinh tế trì trệ ở Trung Quốc và giá dầu sút giảm đã làm cho các thị trường chứng khoán Á Châu sụt giá mạnh trong những vụ mua bán vào sáng thứ hai.
Các nhà đầu tư rút khỏi thị trường sau khi một cuộc khảo cứu tư nhân cho thấy hoạt động chế tạo ở Trung Quốc trong tháng 7 giảm tới mức thấp nhất trong vòng 2 năm.
Các chuyên gia kinh tế nói rằng điều đó chứng tỏ nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới sẽ gặp nhiều khó khăn trong thời gian tới đây.
Giá dầu hôm nay cũng sút giảm. Giá dầu WTI của Mỹ giảm còn 46,85 đô la một thùng trong lúc dầu Brent được bán ở mức 51,91 đô la. Giá đồng cũng giảm trong những vụ mua bán ngày hôm nay.
Thị trường Thượng Hải giảm hơn 1,5% trong lúc chỉ số Kospi của thị trường Seoul giảm gần 1% và chỉ số Hằng Sinh ở Hồng Kông giảm hơn 1%.
Sự giảm giá ở Á Châu diễn ra sau khi thị trường chứng khoán Mỹ giảm giá hồi tuần trước.
Trong ngày thứ Sáu, cổ phiếu của hai công ty năng lượng lớn nhất có niêm yết là ExxonMobile và Chevron đã giảm 5% sau khi báo cáo lợi nhuận giảm mạnh trong năm 2014. - VOA
|
|
Tin Hoa Kỳ
4.
TT Obama loan báo kế hoạch giảm khí thải của các nhà máy điện
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama hôm nay sẽ loan báo những luật lệ mới nhằm giảm thiểu lượng khí thải từ các nhà máy điện ở Mỹ.
Kế hoạch Năng lượng Sạch của ông Obama sẽ giảm bớt sự lệ thuộc vào điện lực của những nhà máy chạy bằng than đá và chuyển sang năng lượng tái tạo.
Mục tiêu của kế hoạch là đến năm 2030 lượng khí thải carbon của các nhà máy điện sẽ thấp hơn 32% so với mức của năm 2005. Tỉ lệ cắt giảm này cao hơn 9% so với tỉ lệ đề ra trong các luật lệ ban hành hồi năm ngoái.
Các giới chức Tòa Bạch Ốc cho biết nếu được thực thi những luật lệ mới sẽ làm tăng 28% sản lượng điện của các nguồn năng lượng tái tạo.
Trong đoạn video đăng tải hồi sáng chủ nhật trên trang web của Tòa Bạch Ốc, Tổng thống Obama nói rằng khí hậu đang biến đổi và vấn đề này “không phải là một vấn đề của một thế hệ khác.”
Theo dự liệu, những luật lệ mới sẽ bị thách thức bởi 25 tiểu bang và những vụ kiện này có phần chắc sẽ được mang ra phân xử tại Tối cao Pháp viện. - VOA
|
|
5.
Mỹ tìm cách giải tỏa lo ngại của khối GCC về thỏa thuận hạt nhân Iran
Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry hôm nay họp với các vị tương cấp của khối Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh gồm 6 nước trong lúc ông tìm cách giải toả những mối lo ngại về thoả thuận hạt nhân Iran. Thông tín viên Pam Dockins của đài VOA tường thuật.
Cuộc thảo luận giữa ông Kerry và các vị bộ trưởng ngoại giao của Ả rập Xê út, Bahrain, Qatar, Kuwait, Oman và Liên hiệp các Tiểu Vương quốc Ả Rập diễn ra tiếp theo sau một hội nghị cấp cao giữa Tổng thống Barack Obama và đại diện của 6 quốc gia này hồi tháng 5. Ông Obama nói rằng Hoa Kỳ sẽ tăng cường hợp tác an ninh, kể cả việc thực hiện thêm những cuộc thao dượt hỗn hợp, gia tốc những vụ mua bán vũ khí và giúp các nước thiết lập một hệ thống phòng thủ phi đạn.
Một số thành viên GCC đã bày tỏ lo ngại là việc tháo dỡ các biện pháp chế tài Iran sẽ làm cho Tehran nới rộng ảnh hưởng và gây thêm bất ổn cho khu vực. Họ cũng e rằng Tehran sẽ dùng dòng tiền mới để gia tăng sự hậu thuẫn cho các nhóm hiếu chiến như nhóm Hezbollah ở Li Băng.
Ngoại trưởng Ả rập Xê út Adel bin Ahmed al-Jubeir dường như đã bày tỏ sự hậu thuẫn dè dặt đối với thoả thuận hạt nhân Iran khi ông nói rằng nước ông “hoan nghênh” bất kỳ thoả thuận nào có thể bảo đảm là Iran sẽ không thủ đắc vũ khí hạt nhân.
Bên lề hội nghị ngày hôm nay, ông Kerry và ông Jubeir sẽ họp với Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov. Một giới chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết một trong các đề tài thảo luận là vụ khủng hoảng đang tiếp diễn ở Syria.
Ông Kerry đến Doha tối chủ nhật sau sau khi tiến hành một cuộc thảo luận chiến lược tại Ai Cập với Ngoại trưởng Sameh Shoukry về an ninh và các vấn đề khác.
Tại cuộc họp báo chung sau đó, ông Kerry nói “Nếu Iran gây bất ổn thì cách tốt hơn rất nhiều là Iran không có, thay vì có vũ khí hạt nhân.”
“Tôi tin tưởng một cách tuyệt đối là Ai Cập, Israel, các nước vùng Vịnh, mọi nước trong khu vực được an toàn hơn vì trong vòng 10 năm tới đây Iran sẽ phải mất một năm để chế tạo một quả bom hạt nhân thay vì chỉ mất hai tháng như trước đây,” ông Kerry nói tiếp như vậy trong lúc đề cập tới những qui định đối với Iran trong Kế hoạch Hành động Hỗn hợp Toàn diện.
Nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ đang thực hiện chuyến công du 5 nước ở Trung Đông và Đông Nam Á.
Tại Ai Cập, ông cũng đã hội kiến Tổng thống Abdel Fattah el-Sissi nhằm bày tỏ sự hậu thuẫn đối với cuộc chiến của Ai Cập chống lại những phần tử Hồi giáo cực đoan ở bán đảo Sinai.
Các mối quan hệ giữa Hoa Kỳ với Ai Cập đã bị căng thẳng kể từ năm 2013, khi ông Sissi, lúc đó là tư lệnh quân đội, lật đổ Tổng thống Mohamed Morsi thuộc phe Hồi giáo. Hơn 1.000 người ủng hộ ông Morsi đã bị thiệt mạng trong cuộc đàn áp của chính phủ nhắm vào người biểu tình và những phần tử chủ chiến đã giết hại hàng trăm binh sĩ và cảnh sát Ai Cập.
Khi phát biểu bên cạnh ông Shoukry, ông Kerry nói rằng Ai Cập cần phải “cân bằng” giữa việc chiến đấu chống lại những phần tử hiếu chiến với việc tôn trọng các quyền cơ bản của con người.
Sau khi rời Qatar, ông Kerry sẽ đi thăm Singapore, Malaysia và Việt Nam, 3 nước đang tham gia cuộc thương thuyết về Hiệp định Hợp tác Thương mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP), gồm 12 nước do Hoa Kỳ dẫn đầu.
Ông cũng sẽ tham dự một diễn đàn an ninh do ASEAN, tức Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, tổ chức tại Kuala Lumpur. Theo dự liệu, an ninh biển là một trong các đề tài chính sẽ được bàn thảo tại hội nghị này.
Trong khi có mặt tại Hà Nội, Ngoại trưởng Kerry sẽ tham dự một sự kiện đánh dấu kỷ niệm 20 năm bình thường hoá quan hệ Việt-Mỹ. - VOA
|
|
Tin Việt Nam
6.
Singapore có thể là điểm đến cuối của lô hàng vũ khí 'khủng'
Điểm đến cuối cùng của lô hàng vũ khí bị chặn ở phi trường quốc tế Tân Sơn Nhất hôm 31/7 có thể là Singapore, theo tờ Xinhua hôm 3/8 dẫn tin của báo chí Việt Nam.
Lô hàng vũ khí quân dụng được cho là lớn nhất từ trước tới nay gồm 94 khẩu súng ngắn và 472 băng đạn chưa sử dụng được cất giấu trên một chuyến bay cất cánh từ Thổ Nhĩ Kỳ, có thể là do một cơ quan của Singapore nhập vào Singapore, theo một nguồn tin từ Cục Hải quan TP HCM.
Lô hàng có ký hiệu “SG”, tức Singapore, nhưng các công nhân bốc dỡ đã hiểu nhầm ký hiệu này là chữ tắt của “Saigon”, tên gọi vẫn được dùng cho tới nay mặc dù thành phố đã chính thức đổi tên thành TP HCM.
Theo nguồn tin từ Cục Hải quan, những sự nhầm lẫn như thế này vẫn xảy ra thường xuyên tại các phi trường quốc tế.
Báo Thanh Niên hôm 1/8 tường thuật rằng lô hàng gồm 94 khẩu súng ngắn đã được gửi từ Cộng hoà Czech tới Singapore qua ngã Thổ Nhĩ Kỳ.
Báo Công An cũng đăng tin là các khẩu súng ngắn là do cảnh sát Singapore đặt hàng để bảo vệ các giới chức chính phủ Singapore, nhưng vì nhầm lẫn, lô hàng này đã được giao tại phi trường Tân Sơn Nhất.
Trước đó, chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đánh giá vụ việc là “mang tính chất cực kỳ nghiêm trọng, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội”.
Các giới hữu trách của ba nước Việt Nam, Singapore và Thổ Nhĩ Kỳ đã phối hợp làm việc để chuyển lô vũ khí tới Singapore. - VOA
No comments:
Post a Comment