Monday, August 17, 2015

Tin Cập Nhật Thứ Hai 17/8

Tin Thế Giới

1.
Xác người được trông thấy tại hiện trường vụ nổ ở Bangkok

Ít nhất 12 người thiệt mạng và 87 người bị thương trong một vụ nổ gần một đền thờ Ấn Độ giáo ở trung tâm Bangkok hôm nay. Đây là vụ nổ bom tệ hại nhất ở thủ đô Thái Lan trong hơn 1 thập niên.

Vụ nổ xảy ra khoảng 7 giờ tối giờ địa phương đánh trúng Đền Erawan. Đây là nơi có đông du khách với những khách sạn năm sao và những cửa tiệm bán hàng đắt tiền.

Thông tín viên Steve Herman của đài VOA có mặt tại hiện trường và cho biết anh trông thấy sáu xác người. Anh cho biết thêm rằng bên trong ngôi đền vào giờ đó có tới hàng trăm người.

Hình ảnh từ hiện trường cho thấy xác người vương vãi trên đường và trên nóc của những chiếc xe đậu gần đó.

​Một người tự xưng là cảnh sát nói rằng đây là một vụ nổ bom chớ không phải là một tai nạn xe cộ như tường thuật trước đó của một số cơ quan truyền thông.

Hãng thông tấn Reuters trích lời một giới chức cảnh sát nói rằng quả bom được gài trên một chiếc xe gắn máy.

Thông tín viên Herman tiếp tục có mặt tại hiện trường và sẽ cập nhật về diễn biến này. - VOA
|
|

2.
TQ bị cảnh báo về việc thực hiện 'Chiến dịch Săn chồn' ở Mỹ

Báo New York Times hôm chủ nhật nói rằng chính quyền Obama đã cảnh báo Trung Quốc về sự hiện diện của các nhân viên thi hành công lực của nước này ở Hoa Kỳ bí mật làm áp lực buộc những người nổi tiếng đang sống lưu vong phải trở về nước trong khuôn khổ một chiến dịch chống tham nhũng của Bắc Kinh. Hiện tượng này diễn ra vào lúc căng thẳng giữa hai bên đang tăng cao và chỉ vài tuần trước khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thực hiện chuyến công du đến Hoa Kỳ.

Viện dẫn các giới chức Mỹ không nêu danh tính, báo New York Times nói Bắc Kinh đã gọi nỗ lực này là 'Chiến dịch Săn chồn' (liệp hồ), được sự tán thành của công chúng ở Trung Quốc. Báo Times nói các điệp viên tham gia chiến dịch là người của Bộ Công An và không đến Hoa Kỳ với tư cách thi hành công vụ, mà có phần chắc đã vào nước Mỹ với thị thực du khách hay thương mại.

Gần 1,000 người hồi hương

Theo báo Times, kể từ năm 2014, đã có hơn 930 nghi can bị hồi hương, kể cả hơn 70 người đã tự nguyện trở về trong năm nay. Báo này nói họ nằm trong khuôn khổ một chiến dịch quốc tế nhằm truy lùng những người bỏ trốn ra khỏi nước vì lý do kinh tế và ‘thuyết phục’ họ trở về nước.

Giám đốc chiến dịch là ông Lưu Đông, được trích thuật nói rằng các điệp viên được lệnh tuân thủ các luật lệ địa phương nhưng “chừng nào có thông tin về một nghi phạm, chúng ta sẽ truy lùng họ ở đó, chúng ta sẽ thi hành nhiệm vụ với họ, ở bất cứ đâu.”

Nhà khoa học chính trị của công ty RAND, ông Scott Harold nói chiến dịch bao gồm việc truy lùng những người mà các giới chức Trung Quốc gọi là ‘hổ,’ tức là những giới chức cấp cao bị tố cáo tham nhũng, và ‘ruồi,’ hay những giới chức cấp thấp. Ông nói các quan chức tiếp tục làm việc ở Trung Quốc, nhưng gửi các thân nhân giàu có ra các nước ngoài như Hoa Kỳ, Canada, Australia và New Zealand thì được gọi là ‘lõa quan’, còn những quan chức đem theo của cải bỏ nước ra đi thì được gọi là ‘đào quan’.

“Đã có một số dấu hiệu khá tích cực từ phía Chính quyền Obama là Hoa Kỳ sẽ tìm cách giúp truy tố bất cứ ai đến Hoa Kỳ với lý do giả mạo, nghĩa là họ thực sự là một viên chức tham những nhưng khai báo sai để xin tỵ nạn, hoặc vào Hoa Kỳ bằng hộ chiếu giả. Hoa Kỳ không muốn là nơi để trốn tránh cho bất cứ ai, kể cả các quan chức nước ngoài tham nhũng. Tuy nhiên, việc Trung Quốc có thể gửi các cá nhân qua Hoa Kỳ để tìm cách làm áp lực một cách phi pháp đối với những người đang ở đây bằng cách đe dọa gia đình họ còn ở trong nước hoặc qua việc sử dụng biện pháp ép buộc hay hăm dọa thể chất hay bạo lực dĩ nhiên sẽ vi phạm mọi hình thức luật lệ của Mỹ.”

Căng thẳng Mỹ-Trung

Ông Harold nói bản tin được đưa ra giữa lúc diễn ra một loạt các biện pháp của Trung Quốc mà ông cho là đã dẫn tới một mối quan hệ hết sức rắc rối.

“Cho dù đó là việc xây dựng các hòn đảo nhân tạo ở Biển Đông, cho dù đó là việc Trung Quốc tìm cách đe dọa Nhật Bản, việc họ liên tục tăng cường khả năng phi đạn ở khắp eo biển Đài Loan, thành tích nhân quyền tệ hại của họ lại còn trở nên tệ hại hơn nữa dưới thời ông Tập Cận Bình, hoạt động gián điệp kinh tế của họ, việc họ sử dụng những hành vi xâm nhập mạng internet, tất cả đều gây căng thẳng rất nặng nề lên mối bang giao Trung-Mỹ.”

Ông Harold nói việc giải thích với Hoa Kỳ một cách thuyết phục làm thế nào mà hy vọng đưa mối quan hệ đi tới một cách tử tế hơn là tùy thuộc vào Trung Quốc.

Học giả về Trung Quốc của trường Đại học Rice, ông Steven Lewis gợi ý rằng nỗ lực thầm kín của Trung Quốc nhằm truy lùng những người tham nhũng sống lưu vong có thể là một dấu hiệu cho thấy họ muốn có một hiệp ước dẫn độ chính thức với Washington. Hiện nay, Trung Hoa lục địa và Hoa Kỳ chưa có một hiệp ước như thế.

Báo China Daily của nhà nước Trung Quốc đã trích lời ông Robert Wang, giới chức cấp cao của bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về APEC, nói rằng việc Hoa Kỳ tăng cường hợp tác sẽ tùy thuộc vào cam kết đối với pháp trị của Trung Quốc. Ông nói hai nước đang hợp tác theo Mạng lưới Minh bạch và Chống Tham nhũng để gia tăng cơ may lấy lại được những khoản tiền thủ đắc một cách bất hợp pháp hoặc buộc các tội phạm băng qua biên giới quốc tế phải trở về.

Chế độ độc tài

Điều đáng lo ngại đối với những người theo dõi tình hình Trung Quốc như ông Lewis là, dưới thời ông Tập Cận Bình, dường như có sự nhấn mạnh vào việc sử dụng vũ lực và quay trở lại một chế độ độc tài và dân tộc chủ nghĩa hơn, thay vì phát triển hướng tới việc cải thiện xã hội dân sự.

“Dường như chỉ có những vụ trấn át, tăng cường trấn át không những đối với các quan chức, mà cả đối với giới học thuật, báo chí, ở mọi cấp bậc. Trước kia, Trung Quốc vẫn có những chiến dịch này, kéo dài một thời gian và rồi họ quên đi, và cởi mở hơn. Nhưng, chiến dịch này đã kéo dài nhiều năm nay. Mọi người, nhất là những người được gọi là chuyên gia về Trung Quốc, đang nêu câu hỏi một cách hợp lý là tình trạng quay trở lại chủ nghĩa độc tài này sẽ tiếp tục bao lâu nữa.”

Ông Lewis nói chương trình chống tham nhũng của Chủ tịch Tập Cận Bình dường như là một chiến dịch chọn lọc nhắm mục đích tiêu diệt các đối thủ của ông ta. Ông Lewis nói chiến dịch này trở nên đáng ngại hơn vì diễn ra chỉ một vài năm trước Đại hội đảng Cộng sản kỳ tới. Theo ông Lewis, bây giờ ắt hẳn là lúc người kế nhiệm ông Tập Cận Bình xuất đầu lộ diện.

Báo New York Times nói, mặc dù các giới chức Mỹ không tiết lộ lai lịch hay con số người Trung Quốc đang bị truy lùng, có một số bị truy nã vì những tội ác chính trị. Một giới chức Hoa Kỳ cho hay các điệp viên Trung Quốc đã tìm cách truy lùng một doanh gia giàu và có liên hệ chính trị là Lệnh Hoàng Thành, đã bỏ trốn qua Hoa Kỳ hồi năm ngoái. Báo này nói, nếu ông này xin tỵ nạn chính trị, thì ông này có thể trở thành một trong những người đào tỵ gây tai hại nhất trong lịch sử nước Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc. - VOA
|
|

3.
Tử vong trong vụ nổ ở Thiên Tân gia tăng, dân biểu tình đòi bồi thường

Hàng ngàn cư dân ở thành phố cảng Thiên Tân của Trung Quốc bị mất nhà cửa trong vụ nổ lớn hồi tuần trước hôm nay xuống đường biểu tình, trong lúc số tử vong của thảm hoạ này tăng tới 114 người, trong đó có 21 nhân viên chữa lửa.

Những người biểu tình tụ tập bên ngoài một khách sạn, nơi các giới chức chính phủ tổ chức họp báo. Họ đòi chính phủ bồi thường cho nhà cửa bị hư hại vì vụ nổ.

Giới hữu trách bắt dân chúng gần địa điểm xảy ra vụ nổ phải di tản, trong lúc công nhân bắt đầu một cuộc dọn dẹp qui mô lớn trong khu vực rộng 6 kilomét.

Phó thị trưởng Thiên Tân hôm nay cho báo chí biết rằng khoảng 700 tấn sodium cyanide, một loại hoá chất độc hại, được chứa tại hai nơi bên trong khu vực xảy ra vụ nổ, làm bùng ra mối lo ngại là nguồn cung ứng nước của thành phố bị nhiễm độc.

Tổ chức bảo vệ môi trường Hoà Bình Xanh hôm qua cho biết họ đã xét nghiệm nước tại một số nơi xung quanh khu vực xảy ra vụ nổ và không thấy có vấn đề nhiễm cyanide.

Tuy nhiên, họ cũng yêu cầu Trung Quốc tiến hành “một cuộc khảo sát toàn diện” về hoá chất độc hại trong không khí và trong nguồn cung ứng nước, và công bố kết quả cho công chúng. - VOA
|
|

4.
Đội cứu nạn tới nơi rơi máy bay Indonesia

Các nhóm tìm kiếm cứu nạn Indonesia đang tới miền tây Papua, nơi một chiếc máy bay dân sự gặp tai nạn rơi hôm Chủ nhật.

Giới chức Indonesia xác nhận đã phát hiện ra các mảnh vỡ gần thị trấn Oksibil.

Phi cơ của hãng Trigana Air đang trên đường tới đây từ thủ phủ khu vực Papua, Jayapura, khi bị mất liên lạc lúc 14:55 giờ địa phương (12:55 giờ Hà Nội) hôm Chủ nhật 16/8.

Trên máy bay lúc đó có 44 hành khách người lớn, 5 trẻ em và phi hành đoàn 5 người.

Hiện chưa rõ có ai sống sót hay không.

Các quan chức bưu điện Indonesia nói với BBC rằng trên chiếc máy bay này còn có bốn bao tải đựng tiền mặt trị giá khoảng 6,5 tỷ rupiah (486.000 đôla Mỹ), đang được chuyển tới cho người dân vùng xa.

Trưởng bưu điện Jayapura, Haryono, nói các đồng nghiệp của ông đang mang tiền đi "trao cho người nghèo ở đó".

'Cùng cầu nguyện'

Người đứng đầu cơ quan tìm kiếm cứu nạn Indonesia, Bambang Soelistyo, cho hay một phi cơ tìm kiếm ̣đã phát hiện ra các mảnh vỡ và khói bay lên ở một nơi cách sân bay Oksibil chừng 50km.

Khoảng 50 nhân viên cứu hộ, binh lính và cảnh sát viên đang được điều từ Oksibil tới hiện trường.

Chiếc máy bay ATR42-300 hai động cơ turbo cánh quạt cất cánh từ sân bay Sentani ở Jayapura vào lúc 14:21, nhưng mất liên lạc với kiểm soát không lưu khoảng nửa tiếng sau.

Một trong các lý do bị cho gây tai nạn là thời tiết xấu. Máy bay tìm kiếm hôm Chủ nhật phải quay về vì không đủ an toàn bay.

Dân địa phương trước đó nói với giới chức họ thấy máy bay đâm vào núi.

Thời tiết và địa hình hiểm trở cũng gây khó khăn trong việc tiếp cận hiện trường.

Oksibil, nằm cách Jayapura chừng 280km về phía nam, là khu vực đồi núi cao và khó rà soát.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã ngỏ lời chia buồn trên mạng Twitter và kêu gọi người dân "cùng cầu nguyện" cho các nạn nhân.

Danh sách cấm bay

Hãng hàng không Trigana Air đã có 14 tai nạn nghiêm trọng kể từ khi bắt đầu hoạt động năm 1991, bị mất 10 máy bay trong thời gian này, theo thống kê của Mạng lưới An toàn Hàng không.

Hãng này nằm trong danh sách cấm bay của châu Âu kể từ 2007. Danh sách này bao gồm gần như toàn bộ các hãng hàng không có đăng ký của Indonesia, ngoại trừ bốn hãng.

Năm ngoái Indonesia đã có hai tai nạn hàng không lớn.

Tháng 12/2014, phi cơ của AirAsia đâm xuống biển Java, làm chết cả 192 người trên khoang.

Tháng 7/2014, một máy bay vận tải quân sự đâm xuống khu dân cư ở Medan, Sumatra, làm 140 người thiệt mạng. - BBC
|
|

Tin Việt Nam

5.
Campuchia truy tố nghị sĩ phản đối thỏa thuận biên giới với Việt Nam

Một thượng nghĩ sĩ đối lập ở Campuchia có thể lãnh án 17 năm tù với các cáo buộc về tội ‘phản quốc’ vì phản đối thỏa thuận biên giới năm 1979 giữa Phnom Penh với Hà Nội.

Thượng nghị sĩ Hong Sok Hour thuộc đảng Sam Rainsy hôm 16/8 bị truy tố về 3 tội danh bao gồm: xuyên tạc văn kiện công, dùng văn kiện giả, và kích động rối loạn.

Ông Hour bị bắt hôm thứ bảy sau 2 ngày trốn tránh cảnh sát truy nã vì bị Thủ tướng Hun Sen cáo buộc tội ‘phản quốc’.

Thủ tướng Hun Sen nói ông Hour đã đăng lên Facebook các bình luận sai sự thật chỉ trích chính phủ Phnom Penh nhượng đất cho Hà Nội trong thỏa thuận biên giới giữa hai nước.

Nhà lãnh đạo Campuchia cho rằng việc làm của ông Hour có thể kích động các cuộc nổi dậy chống Việt Nam, gây ra chiến tranh với Việt Nam.

Luật sư cho biết ông Hour bác bỏ các cáo giác này. Ông nói ông không tự viết các bình luận đó mà chỉ tải về từ một trang web rồi đăng lên Facebook cá nhân vì nghĩ rằng những thông tin này là đúng.

Thượng nghị sĩ Hour bị bắt trước khi Quốc hội biểu quyết tước bỏ quyền được miễn tố của ông, một hành động bị phe đối lập tố cáo là phi pháp.

Phe đối lập đang nhắm vào các quyền lợi chính trị từ việc tố cáo Việt Nam lấn đất Campuchia, một đề tài chính trị nhạy cảm làm leo thang căng thẳng tại đường biên giới hai nước trong thời gian gần đây.

Thủ tướng Hun Sen nắm quyền gần 3 thập niên. Dù Campuchia trên hình thức được xem là một quốc gia dân chủ, nhưng chính phủ của ông Hun Sen khét tiếng là độc tài và đàn áp những tiếng nói đối lập.

Việt Nam chưa chính thức lên tiếng bình luận về vụ án của thượng nghị sĩ Hong Sok Hour.

VOA Việt ngữ đã nỗ lực nhiều lần liên lạc với tòa đại sứ Việt Nam ở Phnom Penh, nhưng bất thành. - VOA
|
|

6.
Ông Đoàn Văn Vươn sắp được đặc xá

Việt Nam sắp đặc xá cho một nông dân nổi tiếng đang thọ án tù vì đã nổ súng vào lực lượng thi hành công vụ để bảo vệ đất đai bị cưỡng chế.

Ông Đoàn Văn Vươn được mọi người biết đến từ vụ án cưỡng chế đất ở Tiên Lãng (Hải Phòng) hồi năm 2012 khi gia đình ông dùng vũ khí tự chế chống trả lại hàng trăm công an và binh sĩ võ trang đến tịch thu đất canh tác, khiến 6 nhân viên công lực bị thương.

Năm 2013, ông Vươn cùng các anh em bị tuyên án từ 15 tháng đến 5 năm tù về các tội danh ‘giết người chưa đạt’ và ‘chống người thi hành công vụ’. Ông Đoàn Văn Vươn và em trai là Đoàn Văn Quý cùng lãnh mức án cao nhất, 5 năm tù.

Tối 17/8, bà Phạm Thị Báu, vợ ông Quý cho VOA Việt ngữ biết bà được chính ông Quý và ông Vươn thông báo tin đặc xá nhân đợt thăm nuôi mới nhất trong tháng.

“Bọn em chưa nhận được thông tin chính thức, nhưng lên đó nghe các anh ấy nói đã được ký quyết định đề nghị đặc xá vào đợt này. Chẳng biết sau này có thay đổi gì không. Hiện nhà em chỉ còn anh Vươn và anh Quý bị tù thôi.”

Truyền thông nhà nước cùng ngày dẫn lời các giới chức hữu trách xác nhận ông Vươn và ông Quý có tên ‘trong danh sách đề nghị đặc xá’ nhân dịp Quốc khánh.

Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Thi hành Án hình sự và Hỗ trợ tư pháp thuộc Bộ Công an, thiếu tướng Nguyễn Ngọc Bằng, nói trong quá trình thi hành án, ông Vươn ‘phấn đấu tốt’, ‘hội đủ điều kiện để xét đặc xá’.

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, người được đề nghị đặc xá phải chấp hành tốt nội quy nhà tù, lao động tốt, được xếp loại ‘cải tạo’ từ khá trở lên, đã thi hành ít nhất 1/3 bản án đối với các bản án có thời hạn.

Vụ án Đoàn Văn Vươn khởi sự từ quá trình khiếu kiện ròng rã nhiều năm trời của gia đình ông Vươn và kết thúc bằng tiếng súng ‘khi người nông dân nổi dậy’, với 6 thành viên trong gia đình ông bị bắt và bị khởi tố, một số cán bộ địa phương bị đình chỉ công tác và bị cách chức.

Tranh chấp đất giữa nhà ông Vươn với Ủy ban Nhân dân huyện Tiên Lãng thu hút sự quan tâm của dư luận trong và ngoài nước, được xem là đỉnh điểm xung đột đất đai xuất phát từ những bất cập về luật và chính sách thi hành luật đất đai tại Việt Nam.

Đại đa số các đơn thư khiếu nại trong nước đều có liên quan tới tranh chấp đất đai giữa lúc số dân oan mất đất tại Việt Nam không ngừng gia tăng.

Việt Nam tuyên bố số tù nhân được đặc xá nhân lễ Quốc khánh 2/9 lần thứ 70 năm nay sẽ cao kỷ lục, với khoảng 16.000 tới 17.000 phạm nhân được phóng thích.

Danh sách ân xá dự kiến sẽ được đệ trình lên cho Chủ tịch nước xem xét và ký duyệt vào cuối tháng này. - VOA

No comments:

Post a Comment