Saturday, August 15, 2015

Tin Cập Nhật Thứ Bảy 15/8

Tin Thế Giới

1.
Bắc Triều Tiên dọa dốc toàn lực quân sự đánh Hàn Quốc

Bắc Triều Tiên hôm thứ Bảy đe dọa sẽ "hành động quân sự toàn lực" sau khi Nam Triều Tiên tái khởi động chương trình phát thanh tuyên truyền bằng hệ thống loa phóng thanh đặt gần biên giới căng thẳng giữa hai nước.

Seoul nối lại chương trình phát thanh tuyên truyền lần đầu tiên sau hơn một thập niên để đáp lại một vụ nổ mìn hồi tuần trước làm bị thương hai binh sĩ miền nam bên biên giới của Nam Triều Tiên tại khu phi quân sự.

Bình Nhưỡng bác bỏ cáo buộc của Seoul rằng miền bắc đã gài những quả mìn đó. Hôm thứ Bảy Bình Nhưỡng nói rằng chương trình phát thanh tuyên truyền gia tăng căng thẳng lên thành một sự tuyên chiến.

Nếu không ngưng ngay lập tức chương trình phát thanh sẽ dẫn đến "hành động quân sự toàn lực của công lý đập tan mọi phương tiện chiến tranh tâm lý chống phá Bắc Triều Tiên," theo một tuyên bố của quân đội miền Bắc.

Tuyên bố cảnh cáo rằng hành động quân sự có thể bao gồm "các cuộc tấn công không phân biệt nhắm đến ngay cả những khả năng thách thức và leo thang phản ứng."

Tổng thống Nam Triều Tiên Park Geun Hye hôm thứ Bảy tuyên bố sẽ kiên quyết đáp lại bất cứ hành vi gây hấn nào của Bình Nhưỡng.

Trong bài diễn văn đánh dấu 70 năm chấm dứt xâm lăng của quân phiệt Nhật trên Bán đảo Triều Tiên, bà Park nói: "Bắc Triều Tiên phải thôi mơ mộng hão huyền rằng họ có thể duy trì chế độ bằng gây hấn và đe dọa. Những hành động đó chỉ dẫn đến cô lập và hủy hoại." - VOA
|
|

2.
Nhật Hoàng Akihito ‘hối hận sâu sắc’ về Đệ nhị Thế chiến --- Đánh dấu chấm dứt Thế chiến II, Thủ tướng Abe gởi đồ lễ viếng Đền thờ Chiến tranh

Nhật Bản vào hôm nay 15/08/2015 đã long trọng kỷ niệm 70 năm ngày Đệ nhị Thế chiến kết thúc. Nhân dịp này, Nhật Hoàng Akihito đã bày tỏ lòng "hối hận sâu sắc" về cuộc chiến. Giới quan sát đặc biệt chú ý đến sự kiện Nhật Hoàng đã thay đổi ngôn từ, không theo đúng nội dung trong bài diễn văn được soạn trước, một cử chỉ được cho là nhằm kín đáo chỉ trích quan điểm cứng rắn của Thủ tướng Shinzo Abe.

Phát biểu trong buổi lễ, Nhật Hoàng tuyên bố: "Nhìn lại quá khứ của chúng ta và khắc ghi trong tâm trí sự hối hận sâu sắc về cuộc chiến, tôi thành thật hy vọng rằng sự tàn phá của chiến tranh sẽ không bao giờ lặp lại".

Theo giới quan sát, trong thời gian qua, Nhật Hoàng đã nhiều lần tuyên bố hối hận về các hành động đã qua của nước Nhật, nhưng hôm nay là lần đầu tiên mà Nhật Hoàng nói đến sự "hối hận sâu sắc" trong một bài phát biểu thường niên nhân lễ kỷ niệm ngày Thế chiến Thứ Hai kết thúc.

Năm nay đã 81 tuổi, Nhật Hoàng Akihito vẫn luôn luôn kêu gọi nước Nhật là phải luôn luôn nhớ đến những đau khổ do chiến tranh gây ra, và ông luôn cố gắng thúc đẩy sự hòa giải giữa các nước châu Á.

Lòng "hối hận sâu sắc" của Hoàng đế Nhật Bản được xem là một lời chỉ trích tinh tế nhắm vào Thủ tướng Nhật Bản. Trong diễn văn của mình vào hôm qua, ông Shinzo Abe chỉ xác định lòng "vô cùng đau xót" trước những đau khổ mà đế quốc Nhật gây ra trước đây, nhưng cho rằng không nên buộc các thế hệ sinh ra sau chiến tranh phải xin lỗi về những hành động không phải của mình.

Bản thân ông Shinzo Abe không trực tiếp nói lên lời xin lỗi của chính ông mà các nước như Trung Quốc hay Hàn Quốc mong đợi. Ông chỉ nhắc lại những lời xin lỗi và bày tỏ lòng hối hận sâu sắc của các chính phủ Nhật Bản trước đây.

Quan điểm cứng rắn của ông Abe còn được thể hiện vào hôm nay khi ông lại cho gửi lễ vật tới đền Yasukuni, nơi thờ các tử sĩ Nhật Bản, trong đó có một số người bị coi là tội phạm chiến tranh. Phụ tá của ông là dân biểu đảng Dân chủ Tự do Koichi Hagiuda đã đại diện ông Abe đến viếng đền, không phải trong tư cách Thủ tướng, mà là trong vai trò Chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do.

Ngoài người thay mặt ông Abe, còn có ít nhất ba thành viên chính phủ Nhật Bản cũng đến viếng đền Yasukuni vào hôm nay: Chủ tịch Hội đồng nghiên cứu chính sách của Đảng Dân chủ Tự do Tomomi Inada, Bộ trưởng phụ trách bình đẳng giới tính Haruko Arimura, Bộ trưởng Nội vụ và Truyền thông Sanae Takaichi.

Thái độ của Thủ tướng Nhật và chính phủ của ông liên quan đến chiến tranh đã lập tức bị Trung Quốc và Hàn Quốc phản đối. - RFI

***
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe gởi đồ lễ viếng đến một đền thờ chiến tranh gây tranh cãi, một hành động chắc chắn làm phật lòng nhiều người Trung Quốc và Triều Tiên vốn đã giận dữ về điều họ xem là lời xin lỗi thiếu thành khẩn của nhà lãnh đạo Nhật Bản về những tội ác chiến tranh.

Truyền thông địa phương loan tin rằng ông Abe đã gởi đồ lễ là tiền mặt đến Đền thờ Yasukuni hôm thứ Bảy, nhân đánh dấu 70 năm Nhật Bản bị các lực lượng đồng minh đánh bại trong Chiến tranh Thế giới thứ Hai. Đền thờ ở Tokyo vinh danh các tử sĩ Nhật, trong đó có 14 tội phạm chiến tranh cùng với 2,5 triệu chiến sĩ trận vong.

Nhật Bản đánh dấu ngày này với nhiều lễ tưởng niệm và diễn văn, trong đó có phát biểu của Nhật Hoàng Akihito, con của Hoàng đế thời chiến tranh Hirohito.

Nhật Hoàng Akihito nói: "Khắc ghi trong tâm trí sự hối hận sâu sắc về cuộc chiến, tôi cầu cho bi kịch này sẽ không bao giờ lặp lại và cùng với toàn dân, tôi thành tâm chia buồn với những người đã mất trong cuộc chiến và những ai chịu ảnh hưởng."

Trong phát biểu được dư luận trông chờ hôm thứ Sáu, ông Abe đã bày tỏ "hối hận tột cùng" về "những tàn phá và chịu đựng không có gì đo được" do cuộc xâm lăng của Nhật gây ra. Ông khẳng định rằng lời xin lỗi của những người tiền nhiệm của ông sẽ không bao giờ lay chuyển.

Nhưng ông Abe cũng tuyên bố rằng các thế hệ tương lai của Nhật Bản ''những người không dính líu gì đến cuộc chiến đó" không nên bị buộc phải xin lỗi. Ngoài ra dư luận cũng cho rằng ông tránh đề cập trực tiếp đến việc quân đội Nhật sử dụng phụ nữ làm nô lệ tình dục, còn gọi là "an ủi phụ" trong thời chiến.

Phản ứng trong khu vực về phát biểu của Thủ tướng Nhật Bản phần lớn không hài lòng. - VOA
|
|

3.
Campuchia chính thức bắt thượng nghị sỹ đối lập

Cảnh sát Campuchia vừa bắt giữ một thượng nghị sỹ đối lập vì tội phản quốc, hãng thông tấn AFP đưa tin.

Ông Hong Sok Hour, từ Đảng Cứu quốc Campuchia (CNRP), bị bắt giữ sau khi đăng tải một tài liệu bị cáo buộc là giả mạo hiệp ước biên giới với Việt Nam lên mạng xã hội.

"Ông ta đã bị bắt giữ sáng nay" tại thủ đô Phnom Penh, phát ngôn viên Bộ Nội vụ Campuchia, ông Khieu Sopheak, nói với AFP.

Ông cho biết thêm rằng ông Hong Sok Hour đang "đối mặt với tội phản quốc".

Thủ tướng Hun Sen, người nắm quyền tại Campuchia ba thập niên qua, đã bị phe đối lập chỉ trích là có lập trường mềm mỏng quanh vấn đề tranh chấp ở khu vực biên giới với Việt Nam.

Hôm 13/8, ông Hun Sen đã cáo buộc ông Hong Sok Hour phạm tội phản quốc vì đăng tải một phiên bản "giả mạo" và "đã qua chỉnh sửa" của một hiệp ước biên giới lên tài khoản Facebook.

Đảng đối lập CNRP ra thông cáo nói vụ bắt giữ là phạm pháp vì ông Hong Sok Hour có quyền miễn tố của một thượng nghị sỹ đương nhiệm.

Bị bắt quả tang

Thông cáo cũng bác bỏ cáo buộc nói ông này đã phạm tội phản quốc.

Tuy nhiên, ông Khieu Sopheak nói vị thượng nghị sỹ bị tước quyền miễn tố vì 'bị bắt quả tang'.

"Thông tin [mà ông này đăng tải lên Facebook] đã gây hỗn loạn ở trong nước. Đây là hành động phản quốc", phát ngôn viên này nói.

Ông Hong Sok Hour, Chủ tịch Ủy ban Chống tham nhũng của Thượng viện, đã đóng vai trò quan trọng trong các chiến dịch của CNRP hồi năm ngoái, AFP cho biết.

Hồi cuối tháng 6/2015, một nhóm dân biểu đảng Cứu quốc đối lập của Campuchia đã dẫn đầu một đoàn khoảng 200 nhà hoạt động tới thị sát một con đường mà họ cho là chính quyền tỉnh Long An đã "xây dựng trái phép" trên đất Campuchia.

Gần 20 người đã bị thương sau khi nhóm này ẩu đả với dân làng người Việt tại khu vực đường biên giữa hai nước.

Bộ Ngoại giao Việt Nam khi đó đã "phê phán mạnh mẽ hành động bạo lực do một số phần tử quá khích người Campuchia gây ra, vi phạm pháp luật của cả hai nước, các Hiệp ước, Hiệp định và thỏa thuận giữa Việt Nam và Campuchia, ảnh hưởng đến tiến trình phân giới cắm mốc cũng như quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Campuchia." - BBC
|
|

Tin Hoa Kỳ

4.
Con tin Mỹ bị thủ lãnh IS cưỡng hiếp trước khi chết

Truyền thông Mỹ mới đây nói rằng nhân viên thiện nguyện Mỹ, cô Kayla Mueller, bị sát hại hồi đầu năm nay trong khi đang bị các phần tử cực đoan Nhà nước Hồi giáo bắt cóc, đã bị thủ lãnh của nhóm cực đoan này hãm hiếp nhiều lần trước khi chết.

Các hãng tin trích lời các giới chức chống khủng bố Mỹ và hỏi chuyện bố mẹ của cô Mueller, và được xác nhận rằng các giới chức nói với họ hồi tháng 6 rằng cô Mueller bị thủ lãnh Abu Bakr al-Baghdadi của Nhà nước Hồi giáo cưỡng hiếp.

Hãng thông tấn ABC lần đầu tiên loan tin tên al-Baghdadi xâm hại tính dục cô Mueller và trích lời bố mẹ của cô – ông bà Carl và Marsha Mueller – nói rằng con gái của họ bị tra tấn và "thuộc sở hữu của tên al-Baghdadi."

ABC nói thêm rằng al-Baghdadi cưỡng hiếp cô Mueller tại nhà của thuộc hạ lo về tài chánh của hắn là Abu Sayyaf. Sayyaf đã bị hạ sát trong một cuộc đột kích của biệt kích Mỹ tại nhà của hắn.

Tin tức về những hành vi của tên al-Baghdadi xuất phát từ các nguồn tin trong đó có ít nhất là hai thiếu nữ Yazidi bị cưỡng hiếp tại nhà của tên Sayyaf và sau đó đã trốn thoát được.

Cô Kayla Mueller bị bắt cóc vào tháng 8 năm 2013 ở Aleppo thuộc miền bắc Syria và bị các phần tử cực đoan Nhà nước Hồi giáo giam giữ 18 tháng.

Nhà nước Hồi giáo nói cô Mueller bị sát hại trong một cuộc không kích của quân đội Jordan hồi tháng 2. Các giới chức Mỹ đặt nghi vấn về tình huống dẫn đến cái chết của cô Mueller. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

5.
Ngân hàng Đông Á bị ‘kiểm soát đặc biệt’

Ngân hàng Đông Á trở thành ngân hàng thứ mười bị đưa vào diện ‘kiểm soát đặc biệt', truyền thông trong nước đưa tin.

Ngân hàng Đông Á đã có "nhiều vi phạm pháp luật" về quản lý tài chính, cấp tín dụng và hoạt động kinh doanh khác, làm "ảnh hưởng nghiêm trọng" đến tình hình tài chính của Đông Á, một thông báo của Ngân hàng Nhà nước trước đó cho hay.

Hôm 15/8/2015, trả lời phỏng vấn của BBC, chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành bình luận về động thái chịu 'kiểm soát đặc biệt':

"Đây là kết cục người trong ngành đã biết từ lâu. Những ngân hàng yếu kém sẽ bị xử lý như vậy'.

Ông Thành dự báo 'sẽ còn nhiều ngân hàng bị sáp nhập trong thời gian tới'.

Chuyên gia tài chính giải thích chính sách Nhà nước Việt Nam sẽ 'thu hẹp số lượng ngân hàng thương mại còn khoảng 15 đơn vị' và con số này là quá đủ cho tình hình kinh tế Việt Nam.

Ông Thành nhận định:

"Việc Nhà nước không cho các ngân hàng yếu kém phá sản mà lại quốc hữu hóa, ôm nợ xấu là điều không hợp lý, nhưng chính sách là vậy".

Chuyên gia này cho rằng lẽ ra người dân cần phải được thông tin về rủi ro của những ngân hàng yếu kém để chủ động quyết định về việc có nên tiếp tục gửi tiền tiết kiệm ở những ngân hàng này hay không.

BBC đã liên hệ với ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á để làm rõ vấn đề 'kiểm soát đặc biệt', nhưng ông Bình từ chối trả lời phỏng vấn.

'Ảnh hưởng nghiêm trọng'

Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn hôm 15/8 dẫn lời ông Lê Kim Hòa, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Đầu tư & Phát triển (BIDV), đơn vị tham gia vào Ban kiểm soát đặc biệt Đông Á, khẳng định ‘thanh khoản của Ngân hàng Đông Á tiếp tục được đảm bảo, lợi ích của người gửi tiền được bảo vệ’.

Ông Hòa cho biết việc tham gia của BIDV vào Ban kiểm soát đặc biệt Đông Á là do Ngân hàng Nhà nước chỉ định.

Trước đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát đi thông báo công bố kết luận thanh tra với Ngân hàng Đông Á và quyết định kiểm soát đặc biệt với ngân hàng này từ ngày 13/8.

Theo đó, nhiều chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đông Á sẽ bị miễn nhiệm.

Thông báo viết: "Ngân hàng Nhà nước đã thanh tra toàn diện Đông Á.

"Kết quả thanh tra cho thấy từ năm 2012 trở về trước, Đông Á đã có nhiều vi phạm pháp luật về quản lý tài chính, cấp tín dụng và hoạt động kinh doanh khác, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình tài chính của Đông Á".

Trong năm nay, ngân hàng trung ương của Việt Nam cũng đã mua lại ba ngân hàng là Ngân hàng Xây dựng, Ngân hàng Oceanbank, Ngân hàng PGbank với giá 0 đồng.

'Tuyên bố phá sản'

Ông Hòa được Thời báo Kinh tế Sài Gòn dẫn lời nói ông ‘tin Đông Á sẽ có cơ hội phục hồi, phát triển sau khi khắc phục những khó khăn hiện tại’.

Ông cũng cho biết ‘hiện BIDV chưa tính đến phương án mua lại, sáp nhập Đông Á’.

Thông tin tại đại hội đồng cổ đông của Đông Á họp vào ngày 21/7 cho thấy ngân hàng này gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh trong các năm trước. Theo tờ trình phân phối lợi nhuận 2014 trình các cổ đông, lợi nhuận sau thuế hợp nhất của ngân hàng chỉ đạt 26,9 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế được phép phân phối chỉ còn 21,4 tỷ đồng.

Hai ngày trước, báo Dân Trí đã tường thuật lời ông Trần Phương Bình nói “nếu Đông Á bị mua 0 đồng, tôi sẽ tuyên bố phá sản”.

Tuy nhiên hiện thông tin này đã bị cắt bỏ.

Theo Dân Trí, ông Bình ‘thừa nhận, thời gian qua, ngân hàng này gặp nhiều khó khăn và bị ảnh hưởng ít nhiều bởi các tin đồn’.

“Xử lý nợ xấu ngân hàng nhanh nhất là tái cơ cấu.

"Trong phương án tái cơ cấu, Đông Á đang nhận được sự quan tâm của hai, ba nhà đầu tư nước ngoài để mua 49% cổ phần (tương đương 4.900 tỷ đồng) và hỗ trợ tài chính để ngân hàng này xử lý nợ xấu”, ông Bình được dẫn lời trên Dân Trí nói. - BBC
|
|

6.
Một phụ nữ gốc Việt trả lại cây vĩ cầm trị giá hàng triệu đô-la

Bà Thanh Trần, một phụ nữ gốc Việt, đã không hề biết gì về cây vĩ cầm Stradivarius trị giá hàng triệu đô-la mà chồng bà đã cất giấu dưới tầng hầm của ngôi nhà của họ.

Cây đàn Stradivarius đã bị đánh cắp từ nghệ sĩ vĩ cầm nổi tiếng Roman Totenberg vào năm 1980 đã được trả lại.

Hiện nay, trên thế giới có khoảng 550 cây đàn Stradivarius và trong cuộc bán đấu giá năm 2011, một đàn Stradivarius đã được bán với giá 15,9 triệu đô-la.

Bà Thanh là một người gốc Việt di cư sang Hoa Kỳ với cha mẹ. Bà gặp ông Johnson vào đầu những năm 1990 sau một buổi trình diễn nghệ thuật tại Los Angeles. Họ hẹn hò vài năm trước khi cưới. Họ có hai con gái và đã ly dị vào năm 2008.

Ông Philip Johnson, chồng bà Thanh, đưa vợ cũ xuống tầng hầm ngôi nhà ở Venice, California, khi biết mình bị ung thư tuyến tụy.

Ở đó, ông đưa cho bà Thanh một chiếc hộp và không nói gì về nó. Bà Thanh đoán rằng đó là cây vĩ cầm mà bà đã từng mua cho ông ấy.

4 năm sau, bà Thanh phát hiện ra sự thật rằng cây đàn đã bị chồng bà đánh cắp của nghệ sĩ vĩ cầm nổi tiếng Roman Totenberg từ năm 1980.

Chồng bà Thanh qua đời tháng 11 năm 2011 và đến tháng 5 năm sau, nghệ sĩ vĩ cầm Roman Totenberg cũng qua đời.

Lần cuối cùng ông Totenberg nhìn thấy cây vĩ cầm của mình là vào năm 1980, sau khi biểu diễn tại một trường âm nhạc ở Cambridge, tiểu bang Massachusetts.

Hối tiếc

Trong cuộc phỏng vấn với AP hôm 11/8, bà Thanh nói, hối tiếc lớn nhất của bà là đã không phát hiện ra cây đàn sớm hơn để trả lại chủ nhân của nó khi ông còn sống.

Bà nói: “Tôi mong rằng chồng tôi đã nói với tôi sớm hơn để tôi có thể trả nó lại cho ông Totenbergs. Tôi rất buồn vì điều đó”.

Vào mùa Xuân năm nay, khi đang sửa chữa nhà cửa, bà Thanh cùng con gái của mình đã tò mò về chiếc hộp đựng cây đàn vĩ cầm.

Bà và vị hôn phu mới đã mở chiếc hộp ra. Bà nói: “Cây vĩ cầm nhìn rất đẹp nhưng tất cả các dây đàn đã bị đứt”.

Khi nhìn thấy nhãn hiệu Stradivarius, bà Thanh quyết định mang nó đi thẩm định vì bà nghĩ có thể đó chỉ là hàng giả.

Sau khi có kết quả thẩm định vào tháng Sáu, vị hôn phu của bà Thanh thông báo cho bà một tin tốt, rằng cây đàn là thật, và một tin xấu, rằng họ phải gọi cho FBI.

Bà Thanh kể về cuộc gặp với FBI mà không có luật sư đi cùng: “Họ đã hỏi tôi rằng liệu tôi có để cho họ lấy cây đàn đi không, và tôi nói ‘Vâng, tất nhiên rồi. Nó không phải là của tôi. Nó đã bị đánh cắp’. Họ đã đưa cho tôi một giấy biên nhận”.

Sau đó, FBI đã cho bà Thanh biết rằng ông Johnson từng bị phát hiện có mặt tại hiện trường vụ trộm và là nghi can duy nhất.

Tuần trước, chính quyền liên bang đã trao cây vĩ cầm cho ba cô con gái của nghệ sĩ vĩ cầm Roman Totenberg.

Nina Totenberg cho biết cha cô đã luôn nghi ngờ Johnson ăn cắp cây vĩ cầm nhưng chính quyền đã không có đủ bằng chứng để có được lệnh khám xét.

Ông Johnson đã từng bị buộc phải bán một cây vĩ cầm từ thế kỷ 18 do Đức sản xuất. Đến cuối những năm 1990, bà Thanh mua lại nó cho chồng mình với giá khoảng 4.500 đô-la và bà nghi rằng ông ấy không sở hữu bất cứ thứ gì có giá trị hơn. - VOA

No comments:

Post a Comment