Sunday, August 9, 2015

Tin Cập Nhật Chủ Nhật 9/8

Tin Thế Giới

1.
Trung Quốc lập mô hình dinh Tổng thống Đài Loan để luyện tập tác chiến

Một loạt ảnh vệ tinh cho thấy trong năm 2014 và đầu 2015, để luyện tập chiến đấu, Trung Quốc đã xây dựng mô hình rất giống dinh Tổng thống Đài Loan ở Đài Bắc. Mô hình này được xây dựng tại căn cứ huấn luyện Chu Nhật Hà (Zhurihe), Nội Mông.

Tạp chí The Diplomat, ngày 09/08/2015, cho biết, đài truyền hình Trung Quốc CCTV, ngày 05/07 vùa qua, đã phát một phóng sự về các hoạt động luyện tập của quân đội Trung Quốc tại căn cứ Chu Nhật Hà.

Sự kiện này chỉ được mọi người chú ý đến, khi ngày 22/07, trang web Người Quan sát, có trụ sở tại Thượng Hải, cũng như nhật báo Quả Táo, một chi nhánh của hãng tin Đài Loan CNA và một số phương tiện truyền thông khác đưa lại thông tin.

Thậm chí một số hình ảnh rõ nét hơn về cuộc luyện tập tấn công còn được đăng trên các website của quân đội Trung Quốc, nhưng sau đó đã bị rút xuống.

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Đài Loan đánh giá cuộc luyện tập này là "hoàn toàn không thể chấp nhận được". Bộ Quốc phòng Trung Quốc đáp trả rằng đây là các luyện tập bình thường và không có mục tiêu đặc biệt gì.

Theo nhận định của tạp chí The Diplomat, giữa mô hình luyện tập của quân đội Trung Quốc tại căn cứ Chu Nhật Hà và dinh Tổng thống Đài Loan có nhiều điểm tương đồng, như chiều rộng, dài, độ cao của tháp, bố trí bên trong…. đến mức khó có thể nói đó là một cuộc luyện tập thông thường.

Quân đội Trung Quốc cho biết Chu Nhật Hà là căn cứ huấn luyện rộng lớn nhất Châu Á và hiện đại nhất.

Đây không phải là lần đầu tiên, quân đội Trung Quốc luyện tập tấn công nhắm vào các mục tiêu Đài Loan. Năm 1999, quân đội Trung Quốc đã luyện tập tấn công với mô hình sân bay Đại Hùng, thành phố duyên hải phía tây Đài Loan.

Tuy nhiên, việc xây dựng mô hình các mục tiêu dân sự Đài Loan như dinh Tổng thống, tại căn cứ huấn luyện Chu Nhật Hà, được thực hiện trong giai đoạn 2013-2015, thời điểm chính quyền Tập Cận Bình có những động thái quyết đoán trong các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông và biển Hoa Đông, và tỏ ra hung hăng trong chính sách đối với Hồng Kông và Đài Loan. - RFI
|
|

2.
Singapore kỷ niệm trọng thể 50 năm lập quốc

Hôm nay, 09/08/2015, Singapore kỷ niệm rầm rộ 50 năm ngày lập quốc. Đây cũng là dịp để người dân đảo quốc này tỏ lòng biết ơn đối với cố lãnh đạo lập Lý Quang Diệu, người đã có công xây dựng và phát triển nước này thành một trong những nền kinh tế năng động và phồn thịnh nhất Châu Á.

Cách đây đúng 50 năm, ngày 09/08/1965, Singapore đã ra khỏi Liên bang Malaysia để trở thành một nước độc lập, theo chế độ cộng hòa.

Các lễ hội mừng 50 năm ngày độc lập được bắt đầu từ sáng nay. Đài truyền hình và phát thanh đã phát lại cuộc băng được ghi âm năm 2012, trong đó, ông Lý Quang Diệu, người lập quốc, đã đọc lại bản tuyên ngôn độc lập của Singapore.

Cuộc diễu hành được bắt đầu vào lúc 18h, giờ địa phương, với sự tham gia của 2.000 người, gần 180 xe tăng, xe bọc thép và khoảng 5 chục máy bay. Lễ hội kết thúc với cuộc bắn pháo hoa.

Trong thời gian ông Lý Quang Diệu cầm quyền, Singapore đã được mệnh danh là một trong những con rồng kinh tế ở Châu Á. Tuy nhiên, cũng có nhiều tiếng nói tố cáo ông Lý đã lãnh đạo đất nước với bàn tay thép, bỏ tù và bịt miệng những người đối lập.

Tự do ngôn luận và tụ họp bị kiểm soát chặt chẽ tại Singapore. Đảng Hành động Nhân dân (PAP) do ông Lý Quang Diệu đồng sáng lập, đã liên tục nắm quyền lãnh đạo và hiện chiếm tới 80 ghế trong tổng số 87 dân biểu của đảo quốc này.

Ông Lý Quang Diệu qua đời hồi tháng Ba vừa qua, thọ 91 tuổi. Trong lễ kỷ niệm, Thủ tướng Lý Hiển Long, con trai ông Lý Quang Diệu, nói rằng, 50 năm sau, chúng ta nhìn lại và chúng ta tự hào về con đường đã đi qua.

Lãnh đạo nhiều nước đến dự lễ kỷ niệm tại Singapore, như Thủ tướng Malaysia, Thái Lan, quốc vương Brunei, đại diện chính quyền Indonesia, Trung Quốc, Úc, Nhật Bản, Mỹ hội tại Singapore. Đại diện cho Anh Quốc, vốn là cường quốc thực dân cai trị Malaysia, là Ngoại trưởng Philip Hammond và hoàng tử Andrew. - RFI
|
|

3.
Bão Soudelor tàn phá Trung Quốc, 8 người thiệt mạng

Mưa lớn tiếp tục trút xuống trong ngày Chủ nhật ở miền đông nam Trung Quốc, nơi bão Soudelor thổi sâu hơn vào đất liền gây ra lũ lụt và làm thiệt mạng ít nhất 14 người.

Trận bão đã hạ cường độ xuống cấp bão nhiệt đới.

Bão gây ảnh hưởng nặng nhất cho các tỉnh Phúc Kiến và Giang Tây, làm ít nhất 8 người thiệt mạng và gây ra bùn chuồi. 

Hệ thống cấp điện cho hơn một triệu cư dân bị hư hại. Giới hữu trách cho biết 250.000 người đã sơ tán.

Hôm thứ Bảy, trận bão đã thổi qua Ðài Loan với sức gió lên đến 160 km/giờ, khiến cho 3 triệu cư dân mất điện và đường sá bị cây cối đổ tràn ngập.

Các giới chức Ðài Loan cho hay trận bão đã làm ít nhất 6 người thiệt mạng. Một bé gái 8 tuổi, mẹ và hai người chị gái song sinh nằm trong số những người thiệt mạng hay mất tích sau khi cơn bão quét qua dọc theo miền duyên hải phía đông của Ðài Loan.

Binh sĩ và các đội cứu hộ cùng với chó nghiệp vụ đang tìm kiếm nạn nhân trong các đống bùn và các đống đổ nát hôm nay, bắt đầu nỗ lực khắc phục hậu quả bão.

Mặc dù bão đã giảm cường độ trước khi thổi vào đất liền, các nhà khí tượng nói rằng có một thời điểm trận bão đã tăng đến cường độ mạnh nhất so trong mùa bão năm nay. - VOA
|
|

4.
Taliban nhận thực hiện vụ đánh bom đẫm máu ở Afghanistan

Phe Taliban nhận đã thực hiện một vụ tấn công tự sát bằng xe bom nữa ở Afghanistan, một ngày sau hàng loạt vụ tấn công khủng bố giết chết hơn 50 người ở thủ đô Kabul và các vùng lân cận.

Trong một thông cáo gởi cho đài VOA, phe Taliban tuyên bố đứng sau vụ nổ hôm thứ Bảy ở quận Khanabad thuộc tỉnh Kunduz ở miền bắc. Các giới chức Afghanistan hôm Chủ nhật nói rằng số người chết trong vụ nổ đó tăng lên đến 29 người. 

Đa số những người thiệt mạng là thành viên của nhóm dân quân thân chính phủ.

Thủ đô Afghanistan đang trong lo sợ và người dân căm giận sau vụ tấn công khủng bố tệ hại nhất kể từ khi Taliban xác nhận họ có thủ lĩnh mới sau cái chết của người sáng lập Mullah Mohammad Omar.

Taliban nhận đã phái 3 người đánh bom tự sát tấn công Trại Integrity hôm thứ Sáu, một căn cứ của lực lượng đặc biệt Mỹ gần phi trường chính của thủ đô Kabul. 8 nhân viên dân sự hợp đồng làm việc cho quân đội và một quân nhân Mỹ thiệt mạng.

Trước đó trong ngày thứ Sáu, một phần tử Taliban đánh bom tự sát đã mặc đồ cảnh sát và kích nổ tại một đám đông các học viên cảnh sát tại một trường đào tạo cảnh sát ở Kabul. Ít nhất 27 người thiệt mạng và 25 người bị thương.

Nhưng chưa ai lên tiếng nhận đã thực hiện vụ tấn công bằng bom đặt trên xe tải tại một khu cư dân ở Kabul, giết chết ít nhất 15 người, và làm bị thương 240 người, đa số là thường dân.

Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani nói rằng bất chấp kẻ nào đứng sau vụ đánh bom bằng xe tải này cũng không đạt được bất cứ cái gì.

Ông Ghani nói: "Giết hại thường dân, nhất là phụ nữ và trẻ em, cho thấy sự tuyệt vọng của kẻ thù của Afghanistan, và bọn chúng đang bị các lực lượng an ninh quốc gia đánh bại.".

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Susan Rice đã điện thoại cho Tổng thống Ghani hôm thứ Bảy, và trợ lý của Tổng thống Obama đặt trách nội an, bà Lisa Monaco, đã nói chuyện với Cố vấn An ninh Quốc gia của Afghanistan, ông Hanif Atmar.

Hai giới chức đã gởi lời chia buồn đến các nạn nhân trong các cuộc tấn công mà Tòa Bạch Ốc gọi là "tàn ác" và tái khẳng định cam kết của Mỹ với chính phủ Afghanistan trong cuộc chiến chống các phần tử khủng bố. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

5.
Donald Trump: gánh nặng khó xử đối với đảng Cộng hòa

Theo các cuộc thăm dò dư luận, nhà tỷ phú Donald Trump đang dẫn đầu trong cuộc bầu cử sơ bộ, lựa chọn ứng viên Tổng thống của đảng Cộng hòa. Thế nhưng, hôm qua, 08/08/2015, đảng Cộng hòa đã quyết định không cho ông Trump tham dự một diễn đàn vì ông có phát biểu mang tính kỳ thị, coi thường phụ nữ. Ứng viên này trở thành một gánh nặng khó xử đối với đảng Cộng hòa.

Từ Washington, thông tín viên Anne Capomaccio gửi về bài tường trình:

"Trong cuộc tranh luận đầu tiên để lựa chọn ứng viên của đảng Cộng hòa cho cuộc bầu cử Tổng thống vào năm 2016, ông Donald Trump đã từ chối tuân thủ kỷ luật của đảng này. Không loại trừ khả năng ông sẽ ra tranh cử với tư cách ứng viên độc lập, để có thể tiếp tục được quyền tự do phát biểu và quyền được lăng mạ người khác.

Trong cuộc tranh luận trên đài truyền hình CNN, hôm thứ Năm 06/08, khi tố cáo nữ nhà báo Megyn Kelly, thuộc đài truyền hình Fox News, đã đối xử không công bằng, ông Donald Trump khẳng định là không coi trọng nhà báo này lắm, thậm chí, ông còn nói rằng người ta có thể nhìn thấy máu phun ra từ cặp mắt của nữ nhà báo và từ... bất kể chỗ nào. Trước đó, nhà báo Megyn Kelly đã chất vấn ông Donald Trump về những phát biểu mang tính kỳ thị nam nữ của ông trong quá khứ.

Đảng Cộng hòa đã có phản ứng bằng cách không cho ông Donald Trump tham dự một diễn đàn, nơi mà tất cả các ứng viên khác của đảng này tới trình bày quan điểm của mình.

Ông Erik Erickson, phụ trách tổ chức diễn đàn, đã yêu cầu ông Trump xin lỗi. Trên mạng xã hội Twitter, ông Erickson viết: Tôi nghĩ rằng các phát biểu của ông Trump là không phù hợp. Tôi đã yêu cầu nhóm cố vấn của ông Trump phải xin lỗi. Họ từ chối. Do vậy, tôi đã trả lời là rất tiếc, trong trường hợp này, tôi mong muốn ông Trump không tham dự diễn đàn của chúng tôi. Trên mạng xã hội, ông Trumps đã thóa mạ tôi là một lãnh đạo chính trị yếu kém và bệnh hoạn.

Theo các cuộc thăm dò dư luận, nhà tỷ phú này có được 25% ý định bỏ phiếu ủng hộ từ phía các thành viên đảng Cộng hòa, cao hơn ứng viên Jeb Bush 10 điểm. Cho dù ứng viên này có thể về đầu trong cuộc bầu cử sơ bộ và trở thành ứng viên Tổng thống của đảng Cộng hòa, nhưng không một cuộc thăm dò nào cho thấy ông có thể thắng được ứng viên của đảng Dân chủ. 

Nói một cách lịch sự là các nữ cử tri nữ không đánh giá ông cao lắm và những phát biểu của ông làm cho những người ôn hòa trong đảng Cộng hòa ghê sợ. Phe bảo thủ không biết làm thế nào để xử lý được hiện tượng Donald Trump". - RFI
|
|

Tin Việt Nam

6.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A và kịch bản dân chủ hóa Việt Nam
 
Tối ngày 6/8/2015 tại khách sạn Lord nằm phía Nam thủ đô Warszawa (Ba Lan) tiến sĩ Nguyễn Quang A đã có cuộc tọa đàm liên quan tới vấn đề dân chủ hóa Việt Nam. Buổi tọa đàm nằm trong một chuỗi các hoạt động của tiến sĩ trong chuyến thăm châu Âu một tháng lần này. Ngoài Ba Lan, chủ đề dân chủ hóa cũng được ông trình bày tại Berlin, Stuttgart, Praha và Frankfurt.

Với sự chuẩn bị gấp gáp và chưa thông báo được rộng rãi, buổi tọa đàm đã thu hút được hơn 30 người tham dự, chủ yếu là các cựu sinh viên, nghiên cứu sinh tại Ba Lan. Trong không khí ấm áp, cởi mở diễn giả và tham dự viên đã cùng trao đổi và bàn luận về nhiều vấn đề thời sự cấp bách của đất nước.

Các kịch bản dân chủ

Buổi hội thảo dựa trên bài viết “Dân chủ hóa: Vài bài học quốc tế và kịch bản khả dĩ cho Việt Nam” – còn đang trong quá trình hoàn thiện – của tác giả Nguyễn Quang A. Nói đúng ra, đó là một công trình nghiên cứu khá công phu và đầy tính chuyên nghiệp của ông liên quan tới dân chủ hóa Việt Nam.

Bài viết cũng tổng hợp kinh nghiệm vài chục năm qua của nhiều nước, từ Á châu, Đông Âu tới châu Phi, châu Mỹ La tinh và các cách tiếp cận dân chủ của những nước này.

Tác giả cũng phân tích những xung đột hiện nay trong xã hội Việt Nam, những cuộc đình công của công nhân với xu hướng ngày càng gia tăng, các cuộc xuống đường của dân oan mất đất, xung đột về tôn giáo, sắc tộc, phong trào bảo vệ môi sinh.v.v.

Trong hàng ngàn các cuộc đình công diễn ra trong những năm qua, tác giả đặc biệt nhấn mạnh tới cuộc đình công mới đây của 90 ngàn công nhân hãng PouYuen đã biến thành cuộc xuống đường và dẫn tới những thay đổi về chính sách bảo hiểm xã hội.

Dựa trên những kinh nghiệm quốc tế, tình hình Việt Nam và trên cơ sở phát triển một tài liệu mới công bố gần đây của Benedict J. Tria Kerkvliet, tác giả đã đưa ra 4 cách tiếp cận dân chủ khác nhau.

- Từ trên xuống: Do những người lãnh đạo cộng sản ‘tự diễn biến’, tự phân hóa và dẫn dắt quá trình dân chủ hóa.

- Đối đầu: cách tiếp cận trực diện giữa lực lượng đối lập, phong trào dân chủ huy động sức mạnh của nhân dân nhằm giải thể chính quyền, thiết lập chế độ mới.

- Tham dự vào chính quyền các cấp, qua cách tự ứng cử.

- Qua con đường phát triển xã hội dân sự, nâng cao dân trí

Trong các kịch bản trên, việc tham dự vào chính quyền ít khả thi nhất, bởi không có thể chế độc tài nào cho phép tự do ứng cử. Thực tế Việt Nam đã cho thấy, một số trường hợp tự ứng cử đã thất bại ngay từ vòng ngoài như trường hợp của các ông Lê Quốc Quân, Cù Huy Hà Vũ.

Quá trình dân chủ hóa trải qua các giai đoạn khác nhau như: Chuẩn bị, chuyển đổi và củng cố. Việt Nam hiện đang ở trong giai đoạn chuẩn bị. Giai đoạn này có kể kéo dài nhiều năm, thậm chí vài chục năm. Cuộc cách mạng dân chủ (nhung hay không nhung) diễn ra ở pha chuyển đối, pha này tương đối ngắn so với 2 pha còn lại. Trong pha củng cố dân chủ, người ta cần phải chú ý tới hiện tượng thụt lùi dân chủ, như nó đã xảy ra ở một số nước.

Xã hội dân sự và ‘đảng vận’

Mỗi người, tùy theo quan điểm và sự lựa chọn cá nhân, có thể tham dự vào quá trình ‘chuẩn bị’ cho sự chuyển hóa dân chủ ở Việt Nam với một cách tiếp cận phù hợp.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A và nhóm của ông thiên về xu hướng phát triển xã hội dân sự, nâng cao dân trí, thực thi dân quyền. Ông cũng là một trong những người khởi xướng Diễn đàn Dân sự và là một trong những đại diện của trường phái này.

Thực ra các tổ chức xã hội dân sự đã hình thành từ nhiều năm nay ở Việt Nam và âm thầm hoạt động. Một số tổ chức trong đó đã đóng góp hữu hiệu vào việc cái thiện dân sinh, thậm chí điều chỉnh hay thay đổi một số chính sách của nhà nước. Theo thống kê từ bài thuyết trình, có tới hơn chục ngàn tổ chức dân sự trong cả nước, nhưng trong đó, khoảng 25 tổ chức mới hình thành trong vài năm gần đây theo hơi hướng dân chủ luôn nằm trong tầm ngắm của chính quyền. Có thể kể tới, Hội Anh Em Dân Chủ, Diễn Đàn Xã Hội Dân Sự, Phụ Nữ Nhân Quyền, Văn Đoàn Độc Lập, Nhà Báo Độc Lập, Blogger VN.v.v.

Về chủ trương thực hiện dân quyền, tiến sĩ Nguyễn Quang A nhấn mạnh, phải làm cho người dân biết các quyền của mình và cứ thế mà thực hiện, không cần phải xin phép, thông qua ai. Và tiến tới trong tương lai, cứ nhà nước có hội gì, chúng ta có hội đó, cạnh tranh với nhau.

Cũng trong phần thảo luận, liên quan tới các kịch bản dân chủ hóa cho Việt Nam, tiến sĩ Quang A cho biết, ông không ủng hộ các hình thức bạo lực, nhưng thừa nhận rằng, ngay cả hình thức này cũng có tác dụng nhất định của nó trong việc thúc đẩy dân chủ ở Việt Nam.

Song song với việc thúc đẩy xã hội dân sự, ông đưa ra khái niệm ‘đảng vận’. Bằng phương thức này, ông hy vọng ở sự chuyển biến của các đảng viên, nhất là các quan chức cấp cao, nhằm thúc đẩy dân chủ theo kịch bản thứ nhất – từ trên xuống. Trả lời câu hỏi liên quan tới chuyện ‘đảng vận’, diễn giả cho biết, nhóm của ông đã ‘đánh tiếng’ với chính quyền ít nhất từ 3 năm nay, ‘khích’ họ thay đổi theo chiều hướng dân chủ để có lợi cho dân, cho nước và đi vào lịch sử như những ‘nhà cải cách’.

Tất nhiên, phải thừa nhận rằng, không có quan chức cộng sản nào muốn thay đổi, nếu không có sức ép từ phía dưới, thông qua các hoạt động đòi hỏi nhân quyền bền bỉ từ nhiều năm qua, bằng sự lên tiếng và chấp nhận tù tội của nhiều người hoạt động đối lập ở Việt Nam.

Chính quyền trong những năm qua đã có những biến chuyển nhất định, nhưng còn quá nhỏ bé so với nhu cầu thực tiễn cũng như sự kỳ vọng của giới hoạt động. Do vậy, bên cạnh các hoạt động thúc đẩy dân chủ khác, thì công cuộc ‘đảng vận’ sẽ vẫn tiếp tục trong thời gian tới.

Trung Quốc và vấn đề ngoại cảnh

Nhưng bất kỳ cuộc cách mạng nào, sự chuyển đổi nào cũng chịu sự tác động của ngoại cảnh. Và trong nhiều trường hợp, ngoại cảnh đóng vai trò quan trọng.

Những thay đổi dẫn tới sự sụp đổ chế độ cộng sản ở châu Âu có yếu tố ‘ngoại cảnh’ từ những cải cách chính trị do Gorbachev khởi xướng ở Liên Xô.

Việt Nam trong một bối cảnh tương tự như hiện nay, chịu ảnh hưởng quá lớn vào Trung Quốc từ chế độ chính trị cho tới kinh tế, văn hóa, vậy khả năng dân chủ như thế nào? – Một người đặt câu hỏi.

Diễn giả Nguyễn Quang A cho rằng, ở đây có 2 chiều. Chiều thứ nhất, nếu Trung Quốc có dân chủ, thì có thể chỉ 24 giờ sau, Việt Nam sẽ dân chủ liền. Nhưng chiều thứ 2, Việt Nam vẫn có thể có dân chủ trước Trung Quốc và nước này sẽ ‘không làm gì được’. Ông đưa ra dẫn chứng về Đài Loan và Mông Cổ.

“Tôi tin là trường hơp Việt Nam có dân chủ trước, Trung Quốc sẽ không đưa quân vào đâu và đảng cộng sản Việt Nam cũng không kêu gọi sự can thiệp từ Trung Quốc vì họ không muốn làm Lê Chiêu Thống thứ 2” – ông đưa ra nhận định.

Trước những thắc mắc về vai trò của quân đội và sự can thiệp của lực lượng này khi Việt Nam có biến, ông Nguyễn Quang A nói, ông không quá bi quan về quân đội qua sự tiếp xúc với một số tướng lĩnh, đã có những trường hợp quân đội từ chối can thiệp theo yêu cầu của chính quyền như vụ ‘quan tài diễu phố’ ở Vĩnh Phúc.

Ngoại cảnh còn phải kể tới những biến cố hoàn toàn bất ngờ, không ai có thể tiên liệu trước được như thiên tai lớn, động đất… có thể thúc đẩy, thậm chí dẫn tới sự thay đổi ở Việt Nam.

Về câu hỏi, công đồng người Việt ở nước ngoài nên làm gì, làm như thế nào để góp phần vào tiến trình dân chủ hóa đất nước?

Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng, vai trò của người Việt hải ngoại là rất quan trọng. Họ có thể tuyên truyền cái hay, cái đẹp của xã hội dân chủ tới người dân trong nước, mỗi người có thể bắt đầu với chính người thân và bạn bè của mình. Sự giúp đỡ về tài chính với các nhà hoạt động cũng rất cần thiết, nhất là với những người bị o bế, phong tỏa mọi con đường sống, không thể tìm được chỗ làm việc.

Buổi tọa đàm kết thúc trong tiếng vỗ tay dài và sự nuối tiếc của nhiều người; tiếc cho những người không có mặt, tiếc vì mình đã không biết tới những điều này sớm hơn, tiếc vì ở ngay một quốc gia được coi là cái nôi của cách mạng nhung nhưng kiến thức về dân chủ của nhiều người còn quá hạn hẹp và tiếc vì thời gian 4 tiếng đồng hồ trôi đi quá nhanh.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A nói, ông ‘rất tham lam’. Ông muốn qua những buổi hội thảo này để lắng nghe ý kiến, thu thập các đóng góp, nhằm hoàn thiện công trình đang dang dở của mình, làm tài liệu cho giới trẻ Việt Nam. Không biết tiến sĩ có thu nhặt được gì qua buổi hội thảo này hay không, nhưng chắc chắn mỗi người nghe đều nhập tâm được điều gì đó bổ ích cho mình. - danchimviet

No comments:

Post a Comment