Monday, August 24, 2015

Tin Cập Nhật Thứ Hai 24/8

Tin Thế Giới

1.
Philippines định mở ‘Khu du lịch sinh thái’ ở biển Đông

Philippines hôm 23/8 công bố một dự án “khu du lịch sinh thái” tại quần đảo Trường Sa. Thông tín viên đài VOA Simone Orendain gởi về bài tường thuật từ Manila.

Một tổ chức thúc đẩy quyền lợi của Philippines tại Hoa Kỳ mới đề xuất ý tưởng thành lập khu du lịch sinh thái tại quần đảo Trường Sa hiện trong vòng tranh chấp giữa nhiều nước.

Trung Quốc, Việt Nam và Đài Loan tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ quần đảo Trường Sa, trong khi Philippines, Malaysia và Brunei nhận chủ quyền một phần.

Ông Eric Lachica, thuộc tổ chức có tên gọi Người Philppines ở Mỹ vì sự quản trị hiệu quả, nói rằng khu du lịch mà họ đề nghị sẽ là cách tốt nhất để xử lý các yêu sách chủ quyền trái ngược vì mỗi nước liên hệ đều có các dự án phát triển tại quần đảo Trường Sa.

“Hãy bảo vệ quyền lợi của chúng ta. Trung Quốc có 9 đảo. Philippines có 9 đảo. Malaysia có 5 đảo. Việt Nam có 48 đảo. Vì thế cho nên tôi nghĩ rằng đây là giải pháp hoàn hảo để bảo vệ những gì họ có. Dự án này giảm thiểu tối đa những mối lo ngại của họ về mặt quân sự, đồng thời nó cũng cải thiện vị thế kinh tế của họ."

Hiện nay, ít nhất 3 nước là Malaysia, Việt Nam và Trung Quốc đã đưa khách du lịch tới Trường Sa cũng như những vùng tranh chấp khác ở biển Đông.

Ông Lachica nói rằng ông đề ra kế hoạch này sau khi gặp ông Eugenio Bito-onon, thị trưởng của các đảo mà Philippines kiểm soát ở Trường Sa, mà người dân địa phương gọi là quần đảo Kalayaan.

Ông Bito-onon nói với các phóng viên ở Manila hôm 23/8 rằng ông đã có ý tưởng “du lịch vì hòa bình” này từ lâu.

“Nhưng với vai trò người đứng đầu chính quyền địa phương quản lý Kalayaan, tôi sẽ mất nhiều thời gian để có thể chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng để đưa du khách tới đây. Và nếu không có các chính sách ở tầm quốc gia để thực hiện việc này, tôi sẽ gặp phải những sự khó khăn.”

Ông Lachica nói rằng điều lý tưởng nhất là thượng viện Philippines ra nghị quyết về kế hoạch trên và nhận được sự hậu thuẫn của văn phòng tổng thống Philippines rồi sau đó đề xuất với Trung Quốc và 10 quốc gia thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á.

Ông Bito-onon nói rằng ông hình dung ra cảnh các chuyến du lịch sẽ xuất phát từ đảo chính Thị Tứ tới hai hòn đảo nhỏ, hoang sơ gần đó mà Philippines cũng nắm quyền kiểm soát.

Ông cũng nói rằng một nơi ở trên đảo Thị Tứ có thể dùng làm nơi tạm trú khi có bão tố cho khách du lịch của các nước khác có tuyên bố chủ quyền. - VOA
|
|

2.
Pháp trao tặng huân chương Bắc Đẩu Bội tinh cho 3 người Mỹ, 1 người Anh

Tổng thống Pháp François Hollande trao huân chương cao quý nhất của Pháp, Bắc Đẩu Bội tinh, cho ba người Mỹ và một người Anh, những người đã chế ngự một tay súng trang bị nhiều vũ khí trên một đoàn tàu cao tốc vào thứ Sáu tuần trước.

Buổi lễ vào sáng ngày thứ Hai ở Paris cũng sẽ tôn vinh một công dân Pháp, người đầu tiên phát hiện tay súng ở gần một nhà vệ sinh trong khi đoàn tàu tiến về Paris. Sự kiện này sẽ khép lại hai ngày giới truyền thông không ngừng đưa tin về sự can thiệp mà các quan chức Pháp và các chuyên gia chống khủng bố nói là có phần chắc đã giúp ngăn chặn một vụ tắm máu.

Hôm Chủ nhật, một trong ba người Mỹ chế ngự tay súng cho biết anh chỉ đơn giản nghĩ đến chuyện "sống còn" khi lao tới ngăn cản kẻ tấn công.

Binh sĩ Không quân Mỹ Spencer Stone, người bị thương trong vụ tấn công, nói rằng anh nghĩ đến sự sống còn của chính mình cũng như của mọi người khác trên tàu trong vụ vật lộn với nghi can.

Stone đã được chữa trị và cho xuất viện ở Pháp hôm Chủ nhật. Sau đó anh trả lời báo giới tại Đại sứ quán Mỹ ở Paris bên cạnh hai người bạn lâu năm của mình là Alek Skarlatos và Anthony Sadler, sinh viên đại học năm cuối.

Skarlatos, thuộc lực lượng Vệ binh Quốc gia của Mỹ vừa mới phục vụ ở Iraq, cho biết ba người họ và một công dân người Anh tên Chris Norman đã hành động theo "bản năng" để chế ngự tay súng. Sadler nói tay súng không mở miệng nói lời nào trước khi bắt đầu vụ tấn công.

​Trong quá trình tái hiện vụ chạm trán, nhà chức trách nhận thấy tay súng trước đó đã bắn một người trong toa tàu kế cận trước khi đi vào toa tàu mà ba người Mỹ và người Anh kia ngồi trong đó.

Danh tính kẻ tấn công

Nhà chức trách Tây Ban Nha xác định kẻ tấn công người gốc Ma-rốc tên là Ayoub El-Khazzani 25 tuổi, và nói rằng anh ta đã sống ở Syria trong suốt năm qua. Anh ta thực hiện vụ tấn công không lâu sau khi bước lên chuyến tàu ở Brussels.

Nhà chức trách ở Pháp có thể câu lưu anh ta bốn ngày mà không đưa ra cáo buộc. Luật sư của anh ta nói rằng Khazzani "sững sờ" vì cáo buộc khủng bố và anh ta chỉ định cướp hành khách.

Vụ tấn công qua lời kể

Người đàn ông Anh Quốc Chris Norman, hiện sống ở Pháp, cho biết tay súng bước vào toa tàu của ông mang theo một khẩu súng trường tấn công Kalashnikov, một khẩu súng lục và một con dao rọc giấy.

Ông Norman có cháu gọi bằng ông và đang làm việc trong lĩnh vực tài trợ những dự án kinh doanh ở châu Phi. Hôm thứ Bảy ông nói rằng bản năng lúc đầu của ông là cúi thấp người để nấp khi tay súng bắt đầu quát tháo hành khách đi tàu.

"Sau đó, tôi nghe thấy một trong những người Mỹ la lên 'Tóm lấy hắn!' và người kia thì nói điều gì đó như, 'Đừng làm vậy!' và họ lao vào hắn ta," ông Norman kể. Ông nói thêm rằng kẻ tấn công "chống trả quyết liệt."

"Tôi giúp giữ cánh tay của hắn," ông Norman cho biết, nói rằng những người Mỹ trói gô tay súng lại, bẻ quặt tay sau lưng và cột chặt cổ tay vào mắt cá chân anh ta bằng cà vạt của ông Norman. - VOA
|
|

3.
Kinh tế Trung Quốc lao dốc, chứng khoán đỏ sàn từ Á sang Âu, Mỹ --- Tiền Nga lại rơi tự do

Các thị trường chứng khoán trên toàn thế giới hôm nay 24/08/2015 tràn ngập sắc đỏ. Từ Á sang Âu, các cổ phiếu giao dịch bị sụt giá ở mức chưa từng thấy. Vì sao tâm trạng hoảng loạn giờ đây quay lại với thị trường?

Theo các nhà phân tích, trước hết là kinh tế Trung Quốc tiếp tục lao dốc cùng với bóng ma giảm phát. Những chỉ số đáng thất vọng liên tục được đưa ra, chứng tỏ nền kinh tế thứ nhì thế giới đang bị "cảm nặng", khiến kinh tế toàn cầu cũng trở nên u ám theo.

Chứng khoán toàn cầu chìm trong sắc đỏ

Cơn sốt "đỏ sàn" bắt đầu với sự suy sụp của thị trường chứng khoán Thượng Hải: hôm nay trượt dài đến 8,5%. Đây là sự xuống dốc nặng nề nhất kể từ 8 năm qua, xóa đi tất cả những lợi tức đạt được từ đầu năm đến nay. Thị trường chứng khoán Thẩm Quyến, đứng hàng thứ hai tại Trung Quốc, mất 7,61% kéo theo Hồng Kông sụt 4,64%.

Đài Loan tức khắc bị "lây nhiễm": sụt giảm ở mức chưa từng thấy là 7,5%, và sau đó đóng cửa ở mức -4,84%. Sydney sụt mất 4,09%, thấp nhất kể từ hai năm qua, và Seoul giảm 2,47%. Chỉ số Nikkei ở Tokyo mất 3,21%, mạnh nhất từ sáu tháng qua. Tại Việt Nam, hàng trăm mã chứng khoán "giảm sàn", nhiều cổ phiếu không có người mua; chỉ số VN-Index mất gần 30 điểm, tương đương 5,28%. Theo báo chí trong nước, kể từ sự kiện Trung Quốc đem giàn khoan đến Biển Đông tới nay, thị trường mới chứng kiến tình trạng hoảng loạn như vậy.

Ở châu Âu, thị trường chứng khoán Frankfurt sáng nay giảm mạnh do ảnh hưởng chứng khoán châu Á và tình trạng kinh tế Trung Quốc. Chỉ số Dax lần đầu tiên xuống dưới mức 10.000 điểm, sụt 2,8%, còn chỉ số Mdax mất 3,27%. Thị trường Frankfurt đặc biệt nhạy cảm trước tình trạng tăng trưởng chậm của các nền kinh tế mới nổi, đặc biệt là Trung Quốc.

Thị trường chứng khoán Paris hôm nay cũng sụt đến 2,9%, chỉ số CAC 40 bị giảm bốn phiên liên tiếp, ở mức thấp nhất kể từ đầu năm. Luân Đôn, Madrid, Milano đều sụt giảm tương tự. Chỉ số Euro Stoxx 50 tập hợp các công ty lớn trong khu vực đồng euro, sụt giảm 2,54%. Trước đó tại Wall Street, chỉ số Dow Jones Industrial Average mất 3,12%, tệ hại nhất từ bốn năm qua.

Vì đâu nên nỗi ?

Evan Lucas, công ty chứng khoán IG Markets bình luận: "Hiện nay chúng ta có tất cả các yếu tố để chứng kiến một ngày tệ hại nhất của thị trường thế giới từ năm năm qua".

Công ty môi giới chứng khoán Aurel BGC nhận định: "Sự hoảng loạn trên thị trường châu Á là do nguy cơ ngày càng tăng của ‘hard landing’, tức sự hạ cánh thô bạo của kinh tế Trung Quốc. Các biện pháp hỗ trợ đã được Bắc Kinh loan báo vào cuối tuần, nhưng các nhà đầu tư cho rằng vẫn chưa đủ so với cuộc khủng hoảng hiện nay. Họ hy vọng Ngân hàng Trung ương Trung Quốc sẽ can thiệp ồ ạt, trong khi Bắc Kinh lại có thể buộc phải phá giá đồng nhân dân tệ".

Chỉ số về sản xuất công nghiệp được công bố vào thứ Sáu tuần rồi, thấp nhất từ sáu tháng qua, cho thấy sản xuất Trung Quốc bị co rút lại dữ dội. Việc bất ngờ phá giá đồng nhân dân tệ hôm 11/08 - được cho là nỗ lực tuyệt vọng của chính quyền Trung Quốc, phải sử dụng đến vũ khí cuối cùng để thúc đẩy xuất khẩu và các hoạt động kinh tế - làm dấy lên nỗi lo sợ, gây sốc cho thị trường.

Hôm qua, Chủ nhật 23/08, Bắc Kinh cho biết quỹ lương hưu nhà nước với số vốn khổng lồ sẽ được phép đầu tư vào thị trường chứng khoán trong nước. Nhưng loan báo này rõ ràng không trấn an được các nhà đầu tư Trung Quốc hầu hết là nhỏ lẻ. Một nhà phân tích của công ty môi giới Thân Vạn Hoành Nguyên (Shenwan Hongyuan) nhấn mạnh: "Việc can thiệp của quỹ lương hưu còn lâu mới diễn ra, và giá cổ phiếu còn quá cao, nên quỹ chưa thể mua được gì".

Nỗi lo "bong bóng chứng khoán" vẫn tiếp tục: Trước khi sụp đổ vào giữa tháng Sáu, thị trường Thượng Hải chỉ trong vòng một năm đã tăng đến 150% do chính phủ khuyến khích vay nợ để mua cổ phiếu, hoàn toàn tách rời khỏi nền kinh tế thực.

Người phụ trách quỹ JK Life Insurance tóm tắt: "Nền kinh tế Trung Quốc đang diễn biến rất tệ hại. Một số lãnh vực bị đánh giá cao hơn giá trị thực, và áp lực bán ra trên tất cả các thị trường thế giới đã góp thêm vào tâm lý bất ổn ở thị trường trong nước".

Những yếu tố tác động khác và hậu quả 

Bên cạnh đó người ta còn sợ rằng Quỹ Dự trữ Liên bang tăng lãi suất khiến vốn đầu tư đổ về Mỹ. Chỉ trong vòng một tuần lễ, chỉ số lo ngại Volatility Index đã tăng đến 45%, tương đương với thời điểm chưa đạt được thỏa thuận về Hy Lạp. Các nhà đầu tư đổ xô bán tống bán tháo cổ phiếu, mua vào trái phiếu các nước có nền kinh tế ổn định nhất, và vàng đang sụt giá thê thảm bỗng tăng trở lại.

Một once vàng hồi cuối tháng Bảy rơi xuống dưới mức 1.100 đô la, nay tăng lên 1.170 đô la, khác hẳn với dự báo sẽ giảm còn 800 đô la. Lãi suất trái phiếu của Đức kỳ hạn 10 năm nay còn 0,584% so với đầu tháng là 0,754%, trái phiếu Pháp dao động ở mức 1%.

Giá các loại nguyên vật liệu hôm nay xuống đến mức thấp nhất từ 16 năm qua. Riêng giá dầu thô loại nhẹ sau khi xuống dưới ngưỡng tâm lý là 40 đô la, có nhích lên đôi chút. Chỉ số Bloomberg bao gồm 22 loại nguyên vật liệu hôm nay mất 1,7% giá trị, thấp nhất kể từ tháng 8/1999.

Bắc Kinh đã từng tung ra rất nhiều tiền để cứu vãn thị trường chứng khoán, gần đây nhất là hôm 19/08 đã bơm 100 tỉ đô la cho các ngân hàng và 17 tỉ đô la cho 14 định chế tài chính. Nhưng các nhà đầu tư vẫn lo ngại là việc hỗ trợ không thể kéo dài. Nhà phân tích Ken Chen của KGI Securities cảnh báo: "Trong mọi trường hợp, những can thiệp của chính quyền Trung Quốc không thể tác động được phản ứng của thị trường về lâu về dài".

Còn nếu Trung Quốc thất bại trong việc "hạ cánh nhẹ nhàng"? Sự quan ngại không phải là không có cơ sở: chứng khoán sụp đổ hồi tháng Bảy, trong lúc các động cơ (xuất khẩu, đầu tư, tiêu thụ) đều chậm hẳn lại, cộng với đồng nhân dân tệ bị phá giá. Các quốc gia mới nổi lệ thuộc nhiều vào kinh tế Trung Quốc như Việt Nam, Thái Lan, Malaysia, Hàn Quốc và cả Nhật Bản đều có thể bị tác động.

Trung Quốc đã "xuất khẩu" tình trạng chựng lại của mình sang các nền kinh tế mới nổi, nay không còn có thể đóng vai trò hỗ trợ cho kinh tế toàn cầu, như vào thời điểm từ 2009 đến 2013. Tám năm sau khi khởi đầu cuộc khủng hoảng tín dụng địa ốc xấu ở Mỹ, khả năng trở lại bình thường vẫn còn là một dấu hỏi. Tăng trưởng nay đã trở thành một khái niệm hiếm hoi. Hiện tại, khu vực đồng euro còn trụ được, nhưng cho đến bao giờ? Chưa ai có thể trả lời được. - RFI

***
Thị trường chứng khoán ở London, Paris và Frankfurt sụt mạnh khi mở cửa sau khi cổ phiếu Trung Quốc tiếp tục rớt giá.

Tại Việt Nam, cổ phiếu cũng tụt điểm và tin cho hay Vn-Index chiều 24/8 có lúc mất hơn 32 điểm - mức mất điểm chưa từng xuất hiện kể từ tháng 5/2014.

Ở Trung Quốc, quan ngại gia tăng về suy giảm kinh tế và thị trường trồi sụt thất thường khiến các nhà đầu tư hoảng loạn.

Chỉ số chứng khoán chính của đại lục, Shanghai Composite, giảm 8,5% còn 3.209,91 điểm, tiếp tục xu hướng đi xuống của tuần trước.

Tình trạng bán tháo vẫn xảy ra cho dù Bắc Kinh đã đưa ra một số biện pháp trấn an nhà đầu tư.

Sự sụt giảm của chứng khoán Trung Quốc kéo theo các thị trường khác trong khu vực.

Chỉ số Hang Seng ở Hong Kong giảm 4,9% còn 21.313,28 điểm trong khi chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 4,6% còn 18.540,68 điểm, thấp nhất trong gần 5 năm nay.

Tại Australia, chỉ số S&P/ASX 200 sụt 4,1% còn 5.001,30 điểm, trong khi chỉ số Kospi của Nam Hàn giảm 2,5% xuống 1.829,81 điểm.

Biện pháp can thiệp mới nhất của Bắc Kinh là cho phép quỹ lương hưu lớn nhất của nhà nước đầu tư vào chứng khoán, đã không mang lại hiệu quả mong muốn.

Theo quy định mới, quỹ này được phép đầu tư tới 30% tài sản vào cổ phiếu của các công ty trên thị trường nội địa. Chính phủ hy vọng với động thái này giá cổ phiếu sẽ tăng lên.

Không hiệu quả

Simon Littlewood, chủ tịch công ty tư vấn ACG Global nói với BBC rằng đang có quan ngại về quyết định đổ thêm vốn vào nền kinh tế của chính phủ Trung Quốc, vì cho tới nay biện pháp này không trấn tĩnh được thị trường.

Trong tuần qua, chỉ số Shanghai Composite giảm tổng cộng 12%, sau khi đã giảm 30% kể từ giữa tháng Sáu.

Mức độ giảm kỷ lục này dẫn theo tình trạng bán tháo trên toàn cầu, chỉ số Dow Jones ở Hoa Kỳ giảm 6%, chỉ số FTSE 100 của Anh quốc tuần qua giảm chưa từng thấy, tới 5%.

Giá dầu lửa cũng giảm xuống mức thấp nhất trong sáu năm.

Hồi đầu tháng, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã phá giá đồng Nhân dân tệ nhằm thúc đẩy xuất khẩu.

Tuy nhiên, dịp cuối tuần qua Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã đưa ra bình luận nhằm trấn an thị trường.

Một quan chức cao cấp của IMF hôm Chủ nhật 23/8 nói tình trạng chững lại của kinh tế Trung Quốc cũng như chứng khoán giảm "không phải là khủng hoảng" mà là điều chỉnh cần thiết cho nền kinh tế.

Carlo Cottarelli, đại diện cho Ý và Hy Lạp tại IMF, nói tại một cuộc họp báo: "Hiện còn quá sớm để nói về khủng hoảng ở Trung Quốc". Ông cũng nhắc lại dự báo kinh tế Trung Quốc sẽ tăng 6,8% trong năm nay, dưới mức 7,4% trong năm 2014. - BBC

***
Đồng 'rup' của Nga bị trượt giá xuống mức thấp nhất của năm 2015. Đồng tiền chung châu Âu vượt qua ngưỡng biểu tượng một euro đổi 80 rup trong khi trên thị trường chứng khoán Moscow, chỉ số RTS giảm hơn 4% theo đà tuột dốc của thị trường châu Á.

Theo AFP, sự kiện đồng rup bị rớt giá hôm nay gây lo ngại nước Nga lại rơi vào tình trạng bất ổn định trong bối cảnh kinh tế Nga dường như đã chạm đáy khủng hoảng sau nhiều tháng dài suy thoái trong hỗn loạn.

Lần đầu tiên kể từ tháng 12 năm 2014, trên thị trường hối đoái, hôm nay, đồng euro lại vượt đến ngưỡng 80 rup so với 78,80 vào chiều thứ Sáu (81,32 rup vào giữa tháng 12/2015).

Đô la Mỹ cũng từ 68,21 rup tăng lên 70,91.

Trên sàn giao dịch, chỉ số RST bị mất điểm 4,21% trong ngày trao đổi hôm nay.

Theo AFP, thị trường chứng khoán của Nga rơi theo đà đi xuống của thị trường Trung Quốc bị hoảng loạn tinh thần vì kinh tế Hoa lục ảm đạm. Các sàn giao dịch khác ở châu Á và châu Âu cũng mất giá theo.

Giới phân tích tài chính ở Nga cho rằng các thị trường chứng khoán tập trung vào sự năng động của giá dầu hỏa để tìm một điểm ổn định mới. Tuy nhiên, dầu hỏa tiếp tục mất giá. Vào sáng nay 24/08, giá một thùng dầu thô được niêm yết 44,30 đô la ở Luân Đôn, gần như là mức thấp nhất từ 6 năm nay.

Tuần trước, Bộ trưởng Kinh tế Nga Alexei Oulioukaiev nhìn nhận là đồng rup sẽ tiếp tục mất giá nếu giá dầu, nguồn ngoại tệ chính của Nga, cũng tiếp tục đi xuống. - RFI
|
|

4.
Không có tiến bộ trong cuộc thương thuyết giữa hai miền Triều Tiên

Cuộc họp khẩn giữa Nam và Bắc Triều Tiên tại làng đình chiến Bản Môn Điếm đã kéo dài 3 ngày mà không có dấu hiệu tiến bộ nào. Thông tín viên Brian Padden của đài VOA gởi về bài tường thuật chi tiết từ Seoul.

Tổng thống Nam Triều Tiên Park Guen Hye hôm nay công khai đòi Bắc Triều Tiên xin lỗi vì những hành vi gây hấn hồi gần đây, trong lúc cuộc đàm phán cấp cao giữa đôi bên rõ ràng là chưa mang lại một giải pháp ngoại giao để tránh xảy ra một cuộc chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên. Người đứng đầu chính phủ ở Seoul phát biểu như sau tại cuộc họp nội các.

"Chúng tôi cần một lời tạ lỗi và những biện pháp rõ ràng để ngăn chận sự tái diễn của những hành vi gây hấn và tình hình căng thẳng này. Nếu không chính phủ chúng tôi sẽ thực hiện những biện pháp phù hợp và tiếp tục thực hiện những chương trình phát thanh qua loa phóng thanh."

Cuộc họp khẩn tại làng đình chiến Bản Môn Điếm bắt đầu hôm thứ bảy, không lâu sau khi trôi qua một thời hạn chót do Bình Nhưỡng đưa ra để đòi Seoul phải ngưng chương trình phát thanh xuyên biên giới nếu không muốn bị tấn công.

Cuộc thương thuyết kéo dài 3 ngày mà không có dấu hiệu tiến bộ nào. Phái đoàn của đôi bên bao gồm những giới chức quân sự và ngoại giao cấp cao.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon, người từng giữ chức bộ trưởng ngoại giao Nam Triều Tiên, hối thúc đôi bên tăng cường những nỗ lực để đạt được một thoả hiệp.

Trong lúc các giới chức không công khai đưa ra bình luận nào khác hơn là cuộc điều đình “khá căng thẳng”, cả đôi bên dường như đều không muốn nhượng bộ về những đòi hỏi công khai mà họ đưa ra để chấm dứt vụ khủng hoảng.

Sau khi tố cáo Bình Nhưỡng gài mìn bên phía miền Nam của Khu phi quân sự làm bị thương hai quân nhân Nam Triều Tiên, Seoul đã thực hiện lại những chương trình phát thanh tuyên truyền trong khu vực biên giới lần đầu tiên trong vòng hơn 10 năm.

Tuần trước Nam và Bắc Triều Tiên đã pháo kích lẫn nhau trong Vùng phi quân sự gần một tháp phóng thanh.

Bắc Triều Tiên nói rằng họ không dính líu gì tới hai vụ đó và đòi Seoul chấm dứt những hành động mà họ cho là một cuộc chiến tranh tâm lý.

Tuần trước, lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un tuyên bố “tình trạng tương tự như chiến tranh.” Sau đó đôi bên đã điều động binh sĩ và khí tài quân sự để tăng cường tình trạng sẵn sàng ứng chiến.

Nam Triều Tiên mới đây cho biết những sự di chuyển bất thường của binh lính và tàu ngầm của Bắc Triều Tiên. Bộ Quốc phòng Nam Triều Tiên nói rằng Bình Nhưỡng đã đưa 70% tàu ngầm của họ ra khỏi căn cứ và những chiếc tàu đó bây giờ không biết ở đâu. Hôm qua, một người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Nam Triều Tiên nói rằng đó là “một diễn tiến trước đây chưa từng có.”

Nam Triều Tiên cũng cho biết Bắc Triều Tiên đã tăng gấp đôi lực lượng pháo binh tại vùng biên giới giáp với miền Nam.

Bộ trưởng Quốc phòng Nam Triều Tiên Kim Min Soek hôm nay tỏ ý cho thấy Seoul và Hoa Kỳ có thể xem xét tới việc đưa thêm tới Nam Triều Tiên những nguồn lực quân sự của Mỹ đang có sẵn tại những nơi khác trong khu vực.

"Nam Triều Tiên và Hoa Kỳ tiếp tục theo dõi tình hình nguy cấp ở bán đảo Triều Tiên và có thể xem xét tới thời điểm triển khai những nguồn lực quân sự chiến lược của Mỹ."

Hoa Kỳ có hơn 28.000 binh sĩ trú đóng ở Nam Triều Tiên và đang tiến hành những cuộc tập trận chung hàng năm với quân đội nước này.

Bắc Triều Tiên lên án những cuộc diễn tập đó là những cuộc tập dượt để chuẩn bị xâm lăng miền Bắc.

Thứ bảy vừa qua, 8 chiếc chiến đấu cơ phản lực của Nam Triều Tiên và Hoa Kỳ đã thực hiện một cuộc không kích mô phỏng trên lãnh thổ của Nam Triều Tiên như một “cuộc biểu dương sức mạnh” để chống lại những lời đe dọa của Bắc Triều Tiên.

Cuộc họp khẩn bắt đầu hôm thứ bảy là cuộc đối thoại Liên Triều cấp cao lần đầu tiên kể từ tháng hai năm 2014.

Một cuộc họp khẩn để ứng phó với một vụ khủng hoảng do vũ lực gây ra nêu bật một mô thức của hoạt động ngoại giao mà hai nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên trước đây là ông Kim Il Sung và ông Kim Jong Il vẫn thường sử dụng để tìm kiếm những sự nhượng bộ và viện trợ từ phía Nam Triều Tiên.

Trong cuộc khủng hoảng hiện nay, một số người lo ngại là ông Kim Jong Un, một nhân vật trẻ tuổi và thiếu kinh nghiệm, không có được những kỹ xảo ngoại giao để tham gia một cuộc chơi “ú tim” như vậy hoặc sự nắm giữ quyền lực của ông không đủ vững chắc để có thể thoả hiệp khi cần thiết.

Seoul cũng ít sẵn sàng nhượng bộ hơn dưới thời của Tổng thống Park Guen Hye, và quân đội của họ đã được lệnh đáp trả bằng sức mạnh, kể từ khi một vụ pháo kích của Bắc Triều Tiên năm 2010 giết chết 4 người ở miền Nam.

Bộ Quốc phòng Nam Triều Tiên cho biết chính sách của họ là đáp trả một cách tương xứng đối với những hành động gây hấn của Bắc Triều Tiên để chứng tỏ quyết tâm và để răn đe mà không làm cho xung đột leo thang. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

5.
Ông Joe Biden cân nhắc việc ra tranh cử tổng thống Mỹ lần nữa

Phó Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden hình như đang thực sự cân nhắc khả năng ra tranh đề cử đại diện cho Ðảng Dân chủ tham gia cuộc đua vào Tòa Bạch Ốc một lần nữa. Ông Biden đã tiếp xúc với các nhà tài trợ và những người ủng hộ tiềm năng trong những ngày gần đây và hội đàm với một nhà lập pháp quan trọng trong nỗ lực thăm dò tiềm năng.

Ông Biden đã bỏ ngang chuyến thăm tiểu bang quê nhà Delaware của ông hôm thứ Bảy để dùng bữa trưa riêng tại tư gia của ông ở Washington với Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren đại diện bang Massachusetts, một đảng viên Dân chủ có nhiều triển vọng nhưng đã từ chối tham gia cuộc đua hồi đầu năm nay. 

Bà Warren, người có tiếng nói kịch liệt phản đối ảnh hưởng của các định chế tài chánh lớn ở Hoa Kỳ, chưa tuyên bố hậu thuẫn cho bất cứ ứng cử viên Dân chủ nào, kể cả người đang dẫn đầu bên đảng của bà là cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton.

Ông Biden cân nhắc khả năng tham gia cuộc đua giữa lúc các khảo sát chính trị cho thấy tỉ lệ ủng hộ bà Clinton sút giảm vì những nghi vấn về việc bà sử dụng máy chủ riêng cho các email của bà trong thời gian bà làm ngoại trưởng của chính quyền Obama nhiệm kỳ đầu. 

Ông Biden, 72 tuổi, trước đó khi còn là một thượng nghị sĩ đã không giành được đề cử của Ðảng Dân chủ cho các cuộc bầu cử năm 1988 và 2008. Ông là phó cho Tổng thống Obama 6 năm rưỡi qua.

Cử tri Mỹ sẽ bầu chọn đại diện cho mỗi đảng – Ðảng Cộng hòa và Ðảng Dân chủ - vào tháng 2 sang năm. Và đại diện của mỗi đảng sẽ bước vào cuộc đua hướng đến cuộc bầu cử toàn quốc vào tháng 11 năm 2016.

Cử tri ở Mỹ thường trực tiếp thách thức các ứng cử viên về những quan điểm mà các ứng cử viên vận động để mưu tìm sự ủng hộ.

Các ứng cử viên bên Ðảng Cộng hòa đồng lòng với quan điểm những chính sách cứng rắn hơn đối với vấn đề di dân, để ngăn chặn dòng di dân bất hợp pháp từ các nước Trung và Nam Mỹ vượt biên vào Hoa Kỳ qua biên giới Mexico.

Người đang dẫn đầu danh sách ứng cử viên bên Ðảng Cộng hòa, tỉ phú bất động sản Donald Trump, nói ông muốn tống xuất 11 triệu di dân bất hợp pháp ra khỏi nước Mỹ và xây dựng một trường thành không xuyên thủng được dọc theo biên giới giữa Mỹ và Mexico.

Nhưng không phải mọi người đều tán đồng quan điểm chống di dân của phe Cộng hòa. Khi Thống đốc Chris Christie của New Jersey hôm thứ Bảy phát biểu tại hội chợ ở tiểu bang Iowa, những người ủng hộ di dân đã hô khẩu hiệu bênh vực cho chính sách nhập tịch Hoa Kỳ. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

6.
Chiến lược an ninh mới của Mỹ về Biển Đông chưa đủ quyết liệt?

Ngũ Giác Đài vừa công bố Chiến lược An ninh Biển vùng Á Châu-Thái Bình Dương, nêu lên 3 mục tiêu về an ninh biển cho khu vực này là “bảo vệ tự do hàng hải, răn đe xung đột và các hành vi cưỡng bức, và cổ vũ cho việc tôn trọng luật pháp và các chuẩn mực quốc tế".

Chiến lược mới này được cho là một sự đóng góp tích cực dù có hơi muộn màng, nhưng theo tác giả Andrew Erickson vẫn chưa đi đủ xa. Tác giả bài viết đăng trên tờ The Wall St. Journal hôm nay là Giáo sư Học viện Hải quân Andrew Erickson. Ông nêu lên những điểm mạnh của chiến lược an ninh biển của Mỹ, thứ nhất là chứng minh tầm quan trọng của các tuyến hàng hải quốc tế, đặc biệt tại Ấn Độ Dương, Biển Đông và Biển Hoa Đông đối với các lợi ích của Mỹ.

Thứ hai là dẫn chứng bằng tài liệu những tiến bộ vượt bực của Hải quân Trung Quốc, lực lượng này giờ đây sở hữu nhiều tàu nhất Châu Á với 303 tàu chiến các loại, hoàn toàn áp đảo 202 tàu chiến cộng lại của Nhật Bản, Indonesia, Việt Nam, Malaysia và Philippines.

Điểm mạnh thứ ba của chiến lược của Mỹ là cung cấp dữ liệu về kết quả các công trình xây đảo của Trung Quốc ở Biển Đông, mà cuối cùng đã tạo ra thêm 2,900 mẫu Anh so với Việt Nam chỉ có 80 mẫu, Malaysia 70 mẫu, Philippines 14 mẫu, và Đài Loan, 8 mẫu.

Ngoài ra, chiến lược này cũng cho thấy một cách cụ thể sự cam kết của Hoa Kỳ đối với khu vực, quyết tâm thực hiện chiến lược xoay trục sang Châu Á trước năm 2020 bằng cách chuyển khí tài sang vùng Thái Bình Dương, gia tăng sự hiện diện của Mỹ, tăng cường các cuộc diễn tập quân sự và xây dựng khả năng hàng hải của các nước đối tác.

Về các điểm yếu, ông Erickson cho rằng chiến lược an ninh biển của Mỹ không đi đủ xa khi tìm cách tỏ ra khách quan bằng cách dùng những ngôn từ không rõ ràng cho rằng tất cả các bên đều có lỗi, dù cho Trung Quốc là nước có cách hành xử tiêu cực nhất.

Giáo sư Erickson nói rằng lẽ ra chiến lược của Mỹ phải minh định rõ rệt rằng đường 9 đoạn mà Bắc Kinh dùng để tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, là không có cơ sở trên luật quốc tế.

Giáo sư Erickson lập luận rằng điểm nhấn của chiến lược an ninh biển của Mỹ đặt quá nặng mục tiêu giảm thiểu căng thẳng khiến cho Washington tỏ ra yếu ớt dưới con mắt của quốc tế. Chiến lược này đặt quá nặng vấn đề giảm thiểu rủi ro, chỉ nêu lên những ‘quan ngại’ của phía Hoa Kỳ trong khi không có dấu hiệu nào cho thấy là những lời lẽ của Washington có tác động nào tới hành động của Bắc Kinh.

Việc chiến lược an ninh mới của Mỹ đề cập tới việc Trung Quốc được mời để tham gia các cuộc diễn tập đa quốc Vành Đai Thái Bình Dương (RIMPAC) 2016 ở mức tương tự như hồi năm 2014, theo tác giả, nêu lên một điểm yếu quan trọng trong sự lãnh đạo của Tổng Thống Obama, trong khi lẽ ra chiến lược này phải khẳng định sự sẵn sàng của Hoa Kỳ đối mặt với Trung Quốc chống lại một loạt hành động tiêu cực cao độ của Bắc Kinh trong mấy năm gần đây.

Ông Erickson đề nghị chính phủ của Tổng Thống Obama nên công bố một ‘Chiến lược Á Châu-Thái Bình Dương’, tuyên bố Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm về hành động của mình tương tự như đã làm trong trường hợp của Nga trong cuộc khủng hoảng ở bán đảo Crimea của Ukraine, và phải tỏ thái độ dứt khoát, sẵn sàng để căng thẳng gia tăng với Bắc Kinh để tăng cái giá mà Trung Quốc phải trả nếu nước này tiếp tục các hành động gây phương hại an ninh và ổn định khu vực. - VOA

No comments:

Post a Comment