Sunday, August 30, 2015

Tin Cập Nhật Chủ Nhật 30/8

Tin Thế Giới

1.
EU triệu tập cuộc họp đặc biệt về khủng hoảng di dân

Các bộ trưởng nội vụ Anh, Pháp và Đức kêu gọi triệu tập một cuộc họp đặc biệt của bộ trưởng nội vụ và tư pháp các nước Liên hiệp Âu Châu nội trong hai tuần lễ tới để đối phó với cuộc khủng hoảng di dân đang tăng cao trong châu lục.

Các giới chức này nói trong một thông cáo hôm Chủ nhật rằng họ mong muốn tìm được "cách thức vững chắc" để giải quyết thế tiến thoái lưỡng nan trong vấn đề di dân.

Macedonia đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp hồi trước đây trong tháng để đối phó với tình hình khoảng 3.000 di dân từ Hy Lạp tìm cách tràn qua biên giới nước này để tiếp tục tìm đường đến các nước tây Âu.

Tại Macedonia hôm Chủ nhật, khoảng 500 di dân đáp các chuyến xe lửa khởi hành hai lần mỗi ngày từ thị trấn Gevgelija đi về biên giới phía nam của Macedonia để từ đó các di dân sẽ băng qua biên giới vào Serbia.

Từ Serbia, các di dân tiếp tục hành trình hướng về tây Âu, và nước kế tiếp họ đến là Hungary. Tuy nhiên hôm thứ Bảy, Hungary loan báo đã dựng xong hàng rào kẽm gai chắn dọc theo biên giới với Serbia. 

Hãng thông tấn Pháp hôm thứ Bảy loan tin rằng 175 kilômét rào chắn với mục tiêu ngăn người tị nạn tràn vào cho đến nay không phát huy được hiệu quả.

Tổ chức Di Dân Quốc tế nói trong năm nay có hơn 250.000 di dân đã vượt biển vào lãnh thổ Châu Âu, đa số tới Ý và Hy Lạp. Gần 2.400 người đã thiệt mạng trên cuộc hành trình này.

Hôm 29/8, Cảnh sát Áo cho biết đã cứu được 3 em bé bị mất nhiều nước và trong tình trạng gần chết trong một xe van ở Áo, cùng với 23 di dân khác từ Syria, Afghanistan và Bangladesh.

Vụ này xảy ra một ngày sau khi xác của 71 người tị nạn rữa nát được phát hiện trong một chiếc xe bỏ trên đường giữa Vienna và Budapest.

5 người đàn ông bị nghi có liên hệ đến cái chết của 71 người tị nạn được phát hiện vào ngày thứ Năm vừa qua đã bị tạm giữ theo lệnh của Tòa án Hungaria.

Hôm thứ Sáu, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon cho biết ông “cảm thấy kinh hoàng và hết sức đau buồn” khi nghe tin về cái chết mới nhất của các di dân, trên đất liền và trên biển. Nhiều nạn nhân là người Syria trong đó có trẻ em tìm đường thoát khỏi chiến tranh, khủng bố và không hy vọng để có được một đời sống tốt hơn tại Châu Âu.

Trong một tuyên bố hiếm hoi được công bố dưới tên ông, ông Ban nói các cuộc xung đột và áp bức buộc nhiều người phải đi lánh nạn cần phải được giải quyết.

Ông Ban nói ông đang có kế hoạch tổ chức một “hội nghị đặc biệt dành riêng cho các mối quan tâm toàn cầu này” vào ngày 30 tháng 9, trong kỳ họp thường niên của Đại hội đồng Liên hiệp quốc với sự tham dự của các nhà lãnh đạo thế giới tại trụ sở Liên hiệp quốc ở New York. - VOA
|
|

2.
Cuộc điều tra vụ nổ bom ở Thái Lan đang bị nghi vấn

Giới hữu trách Thái Lan bị chỉ trích sau khi khuyến cáo truyền thông và công chúng không được phổ biến hình ảnh một chiếc áo của những kẻ đánh bom tự sát được phát sóng trên truyền hình toàn quốc ngày hôm trước.

Tất cả các kênh truyền hình ở Thái Lan đã phát sóng thông báo của chính phủ quân nhân nước này vào lúc 6 giờ chiều hôm thứ Bảy về việc giới hữu trách bắt giữ một nghi can có liên hệ tới vụ đánh bom một đền thờ ở thủ đô Bangkok khiến 20 người thiệt mạng.

Thông cáo phát sóng có hình của nghi can, và cho biết nghi can là một "người nước ngoài," 28 tuổi, cùng với những hình ảnh được Trung tá Winthai Suvaree, phát ngôn viên của chính phủ quân nhân, nói là các vật liệu tịch thu được liên hệ với việc chế bom, và nhiều hộ chiếu Thổ Nhĩ Kỳ.

Ở giây thứ 44 của phút thứ 3 của thông cáo đặc biệt được phát sóng, một chiếc áo thường được những kẻ đánh bom tự sát sử dụng được chiếu hình, nhưng ông Winthai không nói rõ về chiếc áo đánh bom đó, và hình ảnh đó xuất hiện trên màn hình chưa tới 3 giây đồng hồ.

Các phóng viên báo chí và những người sử dụng các mạng xã hội nhanh chóng lưu ý rằng hình ảnh chiếc áo đánh bom đó xuất hiện vào tháng 3 năm 2013 trên trang web của Cơ quan Quản lý An ninh Giao thông Vận tải của Hoa Kỳ.

Cảnh sát quốc gia Thái Lan sau đó thông báo trên trang Twitter rằng chiếc áo đánh bom đó không liên hệ đến vụ đánh bom ở Bangkok đang trong vòng điều tra, và khuyến cáo người nào đăng lại hình ảnh đó lên mạng Internet có thể bị truy tố theo luật hình sự về máy tính.

Giới hữu trách không nói rõ tại sao họ phát những hình ảnh này chung với những hình ảnh họ chụp được tại căn hộ của nghi can, và ai chịu trách nhiệm trong việc đưa những hình ảnh đó vào thông cáo của chính phủ được phát sóng mà tất cả các đài truyền hình bị bắt buộc phải tiếp vận phát sóng.

Chính phủ quân nhân cầm quyền liên tục không gọi cuộc tấn công là một hành vi khủng bố và phủ nhận với đài VOA rằng người Trung Quốc có thể là mục tiêu chính.

Những tin đồn ngày càng tăng trong những ngày gần đây là có khả năng vụ nổ liên hệ đến người sắc tộc thiểu số Uighur ở Trung Quốc - hay là những người cảm tình có cùng tôn giáo với họ ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Chính phủ quân nhân Thái Lan tháng trước đã cưỡng bách hồi hương hơn 100 người tị nạn Uighur về Trung Quốc, một động thái bị những tổ chức nhân quyền quốc tế lên án.

Việc này đưa đến một vụ tấn công vào tòa đại sứ Thái Lan ở Istanbul làm vỡ nhiều cửa sổ tại đây. - VOA
|
|

3.
Biểu tình chống Thủ tướng Malaysia bước sang ngày thứ hai

Hôm Chủ nhật, những người chống đối tiếp tục tuần hành trên đường phố thủ đô Malaysia sang ngày thứ hai trong cuộc biểu tình hai ngày để đòi Thủ tướng Najib Razak từ chức vì những cáo giác lừa đảo nghiêm trọng.

Tổ chức Bersih, tổ chức xã hội dân sự hàng đầu ở Malaysia, muốn ông Najib từ chức, sau khi có tố cáo cho rằng ông nhận 700 triệu đô la từ quỹ đầu tư 1MDB do chính phủ làm chủ.

Các nhà tổ chức nói khoảng 200.000 người xuống đường biểu tình hôm thứ Bảy, nhưng cảnh sát nói rằng đám đông chưa tới 30.000 người.

Cựu Thủ tướng Mahathir Mohamad, 90 tuổi, là người mạnh mẽ kêu gọi ông Najib từ chức, đã xuất hiện một lúc trong đám đông biểu tình hôm thứ Bảy.

Chính phủ đã phong toả website của Bersih và tuyên bố cuộc biểu tình tại Quảng trường Độc lập ở Kuala Lumpur là bất hợp pháp vì các nhân vật tranh đấu không được cấp phép để tổ chức biểu tình tại địa điểm này.

Giới hữu trách cũng cấm dân chúng mặc trang phục màu vàng của Bersih và phù hiệu của tổ chức này.

Chính phủ đã tăng cường các biện pháp an ninh trước cuộc biểu tình.

Ông Najib đã bác bỏ các cáo giác và nói rằng khoản tiền đó trong các tài khoản ngân hàng của ông là một khoản tiền biếu tặng từ Trung Đông. Ông cho rằng tố cáo tham nhũng này nằm trong khuôn khổ của “âm mưu phá hoại chính trị” nhắm vào liên minh cầm quyền lâu năm ở Malaysia.

Cuộc điều tra về tố cáo này làm tăng khả năng ông Najib bị truy tố hình sự, một việc chưa từng xảy ra cho một vị thủ tướng của Malaysia.

Ông Najib đã cách chức viên tổng chưởng lý đã điều tra ông.

Cáo giác này được tiết lộ hồi tháng trước trên tờ Wall Street Journal. Báo này thuật chuyện dựa trên những văn kiện bị rò rỉ từ một cuộc điều tra của chính phủ nhắm vào quỹ 1MDB.

1MDB, do ông Najib làm chủ tịch, đang đối mặt với cáo giác tham ô và quản lý sai trái, và nợ hơn 11 tỉ đô la. Quỹ này đang bị điều tra bởi nhiều cơ quan trong chính phủ. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

4.
Hoa Kỳ đánh dấu 10 năm bão Katrina

Mississippi và Louisiana hôm thứ Bảy đánh dấu 10 năm Bão Katrina với các nghi thức như chuông nhà thờ đồng loạt ngân lên, đặt vòng hoa tưởng niệm và các nghi thức đánh dấu sự hồi phục của một khu vực vẫn trong quá trình khắc phục thiên tai gây thiệt hại to lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ.

Tại Khu Lower 9th của New Orleans, cư dân và các nhà hoạt động cộng đồng hôm thứ Bảy tập trung tại đê chắn nước lũ bị Bão Katrina đã phá vỡ để nước tràn vào nhấn chìm cả khu vực. 

Tại Mississippi, các nhà thờ ở Quận Hancock dọc theo bờ biển sáng thứ Bảy đã đồng loạt đổ chuông đánh dấu 10 năm Bão Katrina ập vào tiểu bang này.

Bão Katrina thổi vào vùng duyên hải vùng Vịnh Mexico ngày 29 tháng 8 năm 2005, làm 1.800 người thiệt mạng và phá hủy 100.000 nhà cửa.

Cựu Tổng thống Bill Clinton đọc bài diễn văn chính tại một nghi thức đánh dấu vào chiều tối thứ Bảy ở New Orleans.

Ông nói người dân New Orleans có rất nhiều điều tự hào về nhưng thành tựu của họ sau sự tàn phá của Bão Katrina, nhưng nay phải tiếp tục cống hiến để xóa bỏ sự chênh lệch trong thu nhập, giáo dục và chăm sóc sức khỏe.

Thiệt hại vật chất của trận bão này lên tới 150 tỉ đô la. Hàng ngàn người rời bỏ thành phố và không bao giờ quay lại. Nhiều nhà cửa vẫn chưa được tái thiết.

Tuy nhiên Khu Pháp nổi tiếng của thành phố, được biết đến vì thức ăn, đồ uống và âm nhạc, đã lớn mạnh trở lại. Các nhà lãnh đạo chính trị, trong đó có Tổng thống Barack Obama và cựu Tổng thống George W. Bush ca ngợi sự kiên cường của người dân New Orleans.

Ông Bush cùng với vợ là bà Laura đến thăm thành phố hôm thứ Sáu. Quỹ thư viện của bà đã giúp xây dựng lại một trường công lập cổ nhất tại New Orleans.

Cựu tổng thống Bush nói chuyện với một đám đông đứng chật trường học, nhắc lại lời của một giáo viên địa phương nói với ông: “Chúng tôi dạy con cháu của chúng tôi tính kiên cường.”

Chính quyền Bush trước đây đã bị chỉ trích trong những ngày tiếp sau cơn bão là chậm chạp trong việc đáp ứng khẩn cấp cho hàng ngàn người cần nơi tạm trú, cần phẩm vật và an ninh trong cơn lũ lụt. Chính quyền sau đó gởi phẩm vật cứu trợ đáng kể cho thành phố và vùng bị bão tàn phá.

Các giới chức địa phương đặc biệt là cựu thị trưởng New Orleans Ray Nagin và cựu Thống đốc Blanco cũng bị qui trách là phản ứng vụng về.

Hôm thứ Năm, Tổng thống Obama ca ngợi sự sống lại của thành phố miền nam này. Nói chuyện với các cư dân tại trung tâm cộng đồng mới được xây dựng ở phường Lower Ninth, ông nói: “Các bạn là ví dụ của những gì có thể xảy ra khi đối mặt với thảm họa và đối mặt với khó khăn, những người tốt đến với nhau để giúp một tay. Và từng viên gạch, từng khu phố, từng khu vực, các bạn đã xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn.”

Tổng thống Obama nói với một đám đông 600 người: “Dự án tái thiết ở đây không chỉ đơn giản là khôi phục một thành phố như trước đây nhưng còn làm cả những việc lẽ ra đã phải làm, để xây dựng một thành phố nơi mọi người, bất kể họ là ai, họ trông như thế nào hay họ có bao nhiêu tiền, tất cả đều có cơ hội thăng tiến.” - VOA
|
|

Tin Việt Nam

5.
Chủ tịch Việt Nam dự lễ duyệt binh ở Trung Quốc, Manila tẩy chay

Chủ tịch Trương Tấn Sang sẽ tới Trung Quốc để dự lễ duyệt binh với sự tham gia của hàng chục nguyên thủ nhiều nước, trong khi Philippines và Nhật Bản từ chối vì vấn đề tranh chấp lãnh hải.

Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 28/8 cho biết ông Sang sẽ tới Bắc Kinh vào ngày 3/9 tới, theo lời mời của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Thông cáo ngắn gọn của Bộ này không đề cập tới chuyện binh sĩ Việt Nam có cùng lính nhiều nước tham gia vào cuộc duyệt binh quy mô lớn chưa từng có tại Trung Quốc hay không.

Khoảng 12 nghìn binh sĩ Trung Quốc và binh lính từ hơn 10 quốc gia, trong đó có Nga, cùng 200 máy bay sẽ tham gia cuộc duyệt binh quy mô lớn để đánh đấu ngày Bắc Kinh giành chiến thắng trước Nhật trong Thế chiến II.

Thông báo của Việt Nam được đưa ra ít ngày sau khi có tin Philippines và Nhật Bản, hai quốc gia có tranh chấp chủ quyền ở biển Đông và biển Hoa Đông với Trung Quốc, từ chối tới dự sự kiện ở Bắc Kinh.

Vấn đề tranh chấp lãnh hải đã khiến bang giao Việt-Trung gặp sóng gió thời gian qua, nhưng đôi bên vẫn cam kết duy trì "quan hệ hữu nghị".

Khoảng 30 nhà lãnh đạo thế giới, trong đó có Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Nam Triều Tiên Park Geun-hye, dự kiến sẽ tham dự buổi lễ, mặc dù nhiều quan chức phương Tây không muốn tới dự vì có những mối quan tâm về sắc thái quân sự quá nặng của sự kiện này.

Chuyến thăm này của ông Sang diễn ra sau khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có chuyến công du tới Trung Quốc tháng Sáu vừa rồi trước khi tới Mỹ.

Hồi tháng Năm, Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang dự lễ duyệt binh kỷ niệm 70 năm chiến thắng Đức Quốc xã ở Moscow, trong khi phương Tây tẩy chay vì sự can sự của Nga vào cuộc xung đột ở Ukraine.

Chủ tịch Việt Nam là một trong số các nhà lãnh đạo của châu Á, trong đó có cả Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, tới dự lễ duyệt binh quy mô lớn với sự tham gia của hàng nghìn người.

Trong lễ duyệt binh đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngồi ngay sát bên phải Tổng thống Nga Vladimir Putin. Nhiều loại khí tài tối tân của Nga cũng đã ra mắt dịp này như xe tăng chiến đấu T-14 Armata.

Ngoài ra, lần đầu tiên, quân đội Trung Quốc được mời tham gia diễu hành tại Quảng trường Đỏ với hàng nghìn binh sĩ Nga khác.

Sự kiện ở Moscow hồi tháng Năm và ở Bắc Kinh sắp tới cho thấy sự gần gũi giữa giới lãnh đạo Nga và Trung Quốc. - VOA
|
|

6.
Ấn Độ thăm dò dầu khí ngoài khơi Việt Nam, thách thức Bắc Kinh

Công ty Dầu khí Nhà nước Ấn Độ (ONGC) dự kiến sẽ nối lại các hoạt động thăm dò dầu khí ngoài khơi Việt Nam thuộc vùng biển Đông, bất chấp phản đối của Bắc Kinh.

Báo chí Ấn Độ dẫn lời các nguồn tin không nêu danh tính cho biết chính quyền của Thủ tướng Narendra Modi đã cho phép ONGC tiến hành khoan thăm dò dầu khí ở biển Đông.

Các nhà quan sát cho rằng động thái khẳng định quyền hoạt động thương mại của Ấn Độ ở biển Đông có thể là một dấu hiệu cho thấy ông Modi đã sẵn sàng cùng với Mỹ và các nước ở châu Á-Thái Bình Dương kiềm chế tham vọng lãnh hải của Trung Quốc.

Trong khi đó, Bắc Kinh tuần này đã cảnh báo Ấn Độ phải tránh các hoạt động thăm dò ở những vùng biển tranh chấp.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc được báo chí Ấn Độ trích lời nói rằng “bất kỳ hoạt động nào của các công ty nước ngoài tại các vùng lãnh hải thuộc chủ quyền của Trung Quốc đều là bất hợp pháp”.

Bộ này cũng yêu cầu “các bên liên quan tránh các hành động làm phức tạp tình hình”.

Công ty ONGC hôm 27/8 cho biết mới được phép thăm dò thêm một năm nữa tại một lô dầu khí của Việt Nam trên biển Đông.

ONGC hồi tháng 5 đã đệ đơn tới lên chính quyền Việt Nam để xin gia hạn lần ba cho giấy phép thăm dò ở lô 128 để duy trì lợi ích chiến lược của Ấn Độ ở Biển Đông.

Đáp lại, tập đoàn dầu khí quốc doanh Petro Vietnam đã cấp gia hạn cho ONGC tiếp tục hoạt động cho tới giữa tháng Sáu năm sau.

Lô dầu khí trên Biển Đông này nằm trong khu vực Trung Quốc cũng có tuyên bố chủ quyền.

Năm 2011, Bắc Kinh từng cảnh cáo ONGC rằng việc thăm dò của công ty này ngoài khơi bờ biển Việt Nam là ‘bất hợp pháp’ và ‘xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc.’ - VOA

No comments:

Post a Comment