Tuesday, August 25, 2015

Tin Cập Nhật Thứ Ba 25/8

Tin Thế Giới

1.
Chứng khoán Trung Quốc tiếp tục lao dốc không phanh

Giá chứng khoán trên thị trường chính của Trung Quốc ở Thượng Hải hôm nay lại tuột dốc, giảm 7,6% và xuống tới mức thấp nhất trong vòng 8 tháng. Những mối lo ngại về nền kinh tế Trung Quốc đã làm rúng động các thị trường toàn cầu trong vài ngày qua, nhưng phần lớn các chỉ số chính ở Á châu, kể cả chỉ số Hằng Sinh ở Hồng Kông, hôm nay tăng điểm. Thông tín viên Bill Ide của đài VOA tường thuật từ Bắc Kinh.

Trong một năm nay, thị trường chứng khoán chính của Trung Quốc ở Thượng Hải đã ở trên một chuyến đi roller coaster với những sự trồi sụt rất lớn: chỉ số của thị trường này đã tăng hơn gấp đôi hồi tháng 6, lên tới 5.100 điểm, mặc dù nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục có những dấu hiệu tăng trưởng chậm lại, và ngày hôm nay, chỉ số này xuống thấp hơn mức 3.000 điểm, tương đương với mức của một năm trước.

Khi thị trường bắt đầu tuột dốc hồi tháng 6, chính phủ đã tìm đủ mọi cách để cung cấp cho thị trường điều mà mô tả là “một nguồn cung ứng tài chánh hết sức dồi dào”. Và sự hỗ trợ đó đã kéo dài suốt tháng 7 cho đến đầu tháng 8. Nhưng bây giờ chính phủ dường như đang khoanh tay đứng nhìn và điều đó khiến cho những người đầu tư loại “cò con” cảm thấy lo lắng.

Một người họ Cao đầu tư chứng khoán ở Thượng Hải cho biết như sau.

"Trung Quốc bị rớt nặng. Thế giới chỉ sụt vài phần trăm trong lúc Trung Quốc lại sụt tới 9%, 10%. Dân chúng không thể nào chịu nổi. Chính phủ cần phải ra tay cứu nguy."

Sự tuột dốc không phanh của thị trường Trung Quốc trong tuần qua, cùng với sự công bố thêm của các dữ liệu kinh tế không mấy khả quan, đã tác động mạnh tới các thị trường vốn và thị trường nông khoáng sản trong những ngày gần đây. Tuy nhiên, phần lớn các thị trường Á Châu, ngoại trừ Nhật Bản, đã tăng giá trong ngày hôm nay.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc hôm nay không đề cập nhiều tới sự dao động mạnh của thị trường. Thay vào đó, họ tập trung nói về những sự chuẩn bị cho cuộc diễn binh qui mô lớn ở Bắc Kinh vào tuần sau để đánh dấu kỷ niệm 70 năm ngày thế chiến thứ hai kết thúc. Trên các trang mạng tin tức, tin tức về sự hỗn loạn đang tiếp diễn trên thị trường vẫn được tường thuật, nhưng với tần suất thấp hơn nhiều so với bình thường.

Tại nước ngoài, một số người đã tìm cách xoa dịu mối lo ngại về sự dao động ở thị trường Trung Quốc và tác động có thể có đối với nền kinh tế nói chung và niềm tin của giới tiêu dùng.

Thủ tướng Australia Tony Abbott đã lên tiếng để tìm cách trấn an. Ông nói mọi người không nên hốt hoảng bởi vì những sự điều chỉnh của thị trường và những vụ vỡ bong bóng lâu nay thỉnh thoảng vẫn lan sang các thị trường khác.

Trong một bình luận hiếm có vào giữa quí tài chánh, Tổng giám đốc công ty Apple, ông Tim Cook, đã nói tới tình hình kinh doanh của công ty ông.

Trong một email trả lời phỏng vấn của tờ Wall Street Journal về việc số người sử dụng iPhone ở Trung Quốc đã gia tăng trở lại trong vài tuần qua, ông Cook nói rằng tuy ông không thể biết trước tương lai, nhưng tình trạng kinh doanh của công ty ông trong quí ba rất khả quan, tính tới giờ này. Ông nói thêm rằng ông tin về lâu về dài Trung Quốc là một cơ hội có một không hai. - VOA
|
|

2.
Trung Quốc duyệt binh: Park Geun Hye có mặt, Kim Jong Un vắng bóng

 Sau nhiều ngày thông tin nhỏ giọt, vào hôm nay, 25/08/2015, Trung Quốc chính thức tiết lộ danh sách 30 thượng khách sẽ đến Bắc Kinh dự lễ kỷ niệm 70 năm ngày Nhật Bản đầu hàng Đồng minh hôm 03/09. Danh sách cho thấy là hầu hết các lãnh đạo tầm cỡ của Phương Tây đều từ chối lời mời của Trung Quốc. Tại châu Á, điều đập mắt là sự hiện diện của Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye, trong lúc lãnh tụ Kim Jong Un của Bắc Triều Tiên, đồng minh chí cốt của Trung Quốc lại vắng mặt. 

Trong danh sách bằng tiếng Hoa được Tân Hoa Xã công bố, nhân vật duy nhất có tầm cỡ thế giới là Tổng thống Nga Vladimir Putin, đã từng xác nhận sẽ đến Bắc Kinh dự lễ từ lâu. Về các lãnh đạo châu Á, khách mời đáng chú ý nhất có lẽ là nữ Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye, chỉ mới đây thôi, được cho là còn cân nhắc quyết định đến Bắc Kinh dự lễ.

Giới quan sát đặc biệt ghi nhận một sự đảo ngược của lịch sử. Trên bán đảo Triều Tiên, kẻ thù cũ của Trung Quốc trong cuộc chiến tranh Triều Tiên là Hàn Quốc, lại thân thiện với Bắc Kinh, trong lúc đồng minh thân thiết và bạn chiến đấu khi xưa là Bắc Triều Tiên lại tỏ vẻ lạnh nhạt: Lãnh đạo chế độ Bình Nhưỡng Kim Jong Un sẽ không đến Bắc Kinh, mà cử người thân tín đi thay là Choe Ryon Hae, Bí thư Đảng Lao động Triều Tiên.

Một chi tiết thứ hai là trong danh sách chỉ có lãnh đạo 5 nước Đông Nam Á mà thôi: Đó là Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang, Quốc vương Cam Bốt Sihamoni, Tổng bí thư Đảng Nhân dân Cách mạng Lào Choumaly Sayasone, Tổng thống Miến Điện Thein Sein, và Phó Chủ tịch tập đoàn quân sự Thái Lan Prawit Wongsuwan.

Bị các lãnh đạo phương Tây đương nhiệm tẩy chay, Trung Quốc như đã vớt lại bằng việc mời các cựu lãnh đạo. Trong cuộc họp báo vào hôm nay tại Bắc Kinh về buổi lễ sắp diễn ra, một thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc đã cho biết là sẽ có ba cựu Thủ tướng đến dự : Cựu Thủ tướng Nhật Tomiichi Murayama, cựu Thủ tướng Anh Tony Blair và cựu Thủ tướng Đức Gerhard Schroeder.

Về nước Pháp thì đại diện sẽ là Ngoại trưởng Laurent Fabius, còn Hoa Kỳ thì chỉ cử đại sứ của mình tại Bắc Kinh dự lễ. - RFI
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
Đô đốc Mỹ: Đồng minh lo ngại vì hành động của Trung Quốc ở Biển Đông

Tân tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ đang tìm cách trấn an các đồng minh trong khu vực là chiến lược xoay trục của các lực lượng Mỹ sang Á Châu sẽ được duy trì, giữa lúc có những mối lo ngại về sự bành trướng của Trung Quốc. Thông tín viên Steve Herman tường thuật từ  trung tâm tin tức Đông Nam Á của đài VOA tại Bangkok.

Từ khi lên giữ chức Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương cách nay ba tháng, Đô đốc Scott Swift đã đến Philippines, Nam Triều Tiên, Nhật Bản, Australia, New Zealand và Malaysia để gặp gỡ các vị tương nhiệm của các nước này.

Tại Kuala Lumpur hôm nay, Đô đốc Swift đã nói chuyện qua điện thoại với một số ký giả trong khi chuẩn bị lên đường sang Singapore.

Ông thừa nhận là tại tất cả những nơi ông đến thăm các giới chức đều cảm thấy “hết sức lo lắng” vì “kích cỡ” của những công trình lấp biển lấy đất của Trung Quốc ở Biển Đông.

"Mọi người ai nấy đều bày tỏ những mối quan tâm và cảm giác bất trắc về tương lai. Nhưng tôi nghĩ rằng điều quan trọng nhất là tất cả chúng ta phải đến với nhau qua đường lối và phương pháp đa phương để hoá giải những sự bất đồng trong các yêu sách bên trong khu vực với một cách thức tích cực và không cho phép sử dụng sự cưỡng ép hoặc vũ lực như một đòn bẩy để giải quyết theo cách có lợi cho bên này hoặc bên kia."

Phóng viên đài VOA đã hỏi Đô đốc Swift về sự hoài nghi mà các nước đồng minh của Mỹ đã bày tỏ về cam kết dài hạn của Ngũ giác đài đối với chiến lược được nói đến rất nhiều là chiến lược xoay trục Á Châu. Vị tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương đã trả lời như sau.

"Điều này không phải là một sự phản ảnh về khả năng của Mỹ để hỗ trợ cho kế hoạch tái tập trung, mà là một sự phản ảnh của cảm giác lo lắng trong khu vực, và như quí vị đã gợi ý, nhiều người ở các quốc gia này cảm thấy lo lắng về tương lai. Và nhiều nước trong số đó đang muốn Hoa Kỳ tiếp tục bảo đảm cho sự ổn định trên khắp khu vực, sự ổn định mà họ đã được hưởng trong 70 năm qua."

Theo kế hoạch an ninh hải dương mà Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ công bố hồi tuần trước, 60% khí tài quân sự trên biển và trên không của Mỹ sẽ được bố trí ở khu vực Á Châu Thái Bình Dương trước năm 2020. Nhật Bản sẽ là một nơi có tính chất trọng yếu đối với kế hoạch và đảo Guam sẽ được dùng như một trung tâm chiến lược. Ngoài ra quân đội Mỹ còn có những chương trình hợp tác với Việt Nam và Ấn Độ, cả hai đều là đối thủ chiến lược của Trung Quốc. Các hoạt động quân sự hỗn hợp cũng sẽ được nới rộng với Indonesia, Nhật Bản và Malaysia.

Đô đốc Swift nói rằng những hoạt động đó có thể trấn an mọi người về cam kết của Hải quân Mỹ đối với khu vực này.

"Có vô số bằng chứng cho thấy đây không phải chỉ là một sự gia tăng của các nguồn lực được bố trí ở tuyến đầu mà cũng là một sự gia tăng của chính các nguồn lực."

Đô đốc Swift cho biết mục tiêu của ông là duy trì Hạm đội Thái Bình Dương như một “sức mạnh tối ưu để ứng phó với bất kỳ sự việc nào có thể xảy ra” trong khu vực.

Vị đô đốc từng giữ chức chỉ huy trưởng Đệ thất Hạm đội cũng bày tỏ hy vọng về việc nới rộng những sự tiếp xúc với hải quân và lực lượng tuần duyên Trung Quốc để tìm cách “giảm thiểu những yếu tố bất ổn đang tồn tại trong khu vực.” - VOA
|
|

4.
TT Obama loan báo chương trình hành động Năng Lượng Sạch

Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama loan báo hành động mới của hành pháp và các nỗ lực khác nhằm tạo điều kiện dễ dàng hơn cho các chủ nhà và chủ doanh nghiệp đầu tư vào những cải tiến để dùng năng lượng sạch, có lợi cho môi trường, mà trong quá khứ có thể không thực tiễn và vượt quá khả năng tài chính của họ.

Tổng thống Obama là diễn giả chính tại một buổi hội thảo về năng lượng sạch ở thành phố Las Vegas, bang Nevada tối hôm qua.

Ông Obama lưu ý rằng một thành phần có lợi ích gắn liền với năng lượng hoá thạch và các dịch vụ điện nước khác đang chống lại nỗ lực của quốc gia nhằm sử dụng năng lượng sạch, rẻ hơn và có hiệu quả hơn. Đối với thành phần này, ông nói “rất tiếc, nhưng chúng ta phải tiến tới phía trước”.

Tuy nhiên, Tổng thống Obama nói thêm rằng năng lượng sạch không nên là một vấn đề gây chia rẽ.

Ông nói đây không phải là một vấn đề của Đảng Dân Chủ hay của Đảng Cộng Hoà, mà là một vấn đề có thể đưa mọi người gần lại với nhau.

Tổng Thống Obama nói sau nhiều thập niên được nghe rằng năng lượng tái tạo không có hiệu năng kinh tế, ngày nay, điều đó không còn đúng nữa.

Trong những bước do Tổng Thống Obama loan báo có những quy định mới của Uỷ Ban Gia cư Liên Bang có thể nới rộng đáng kể việc sử dụng các khoản tiền vay PACE, dành cho các toà nhà sử dụng năng lượng sạch, để cho phép chủ nhà tân trang nhà cửa để có thể thiết đặt những tấm pin mặt trời và trả góp trong thời gian dài. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

5.
Dân chủ hóa và xã hội dân sự tại Việt nam

Ngày càng có nhiều ý kiến cho rằng sự lớn mạnh của xã hội dân sự tại Việt nam sẽ đóng góp một phần quan trọng trong việc thúc đẩy tiến trình dân chủ hóa.

Sau đây là cuộc thảo luận về đề tài này giữa Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nhà hoạt động xã hội dân sự ở Hà nội, và Giáo sư Đoàn Viết Hoạt, cựu tù nhân chính trị đang định cư tại Hoa Kỳ.

Buổi thảo luận diễn ra tại đài RFA ở Washington do Kính Hòa thực hiện.

Kính Hòa: Xin bắt đầu bằng câu hỏi dành cho Tiến sĩ Nguyễn Quang A. Thư ông trong bài viết mới đây ông có trình bày những mô hình có thể cho tiến trình dân chủ hóa Việt nam, trong đó ông tự nhận mình theo cách tiếp cận đến dân chủ hóa bằng xã hội dân sự. Thưa Tiến sĩ ông đánh giá là xã hội dân sự Việt nam đã lớn mạnh hay chưa?

Tiến sĩ Nguyễn Quang A: Rất nhiều người nghĩ rằng xã hội dân sự ở Việt nam vừa yếu vừa kém, và không phát triển. Điều đấy cũng là sự thực, nhưng mà nếu mình xét theo khía cạnh lịch sử, tức là nếu chúng ta so sánh Việt nam bây giờ với các nước mà họ đã thành công trong việc chuyển đổi dân chủ, ở cái thời trước chuyển đổi của họ độ khoảng 5, 7 năm thì tình hình xã hội dân sự của Việt nam bây giờ là khá.

Kính Hòa: Thưa Giáo sư Đoàn Viết Hoạt, từ góc đứng ở Hoa Kỳ, với một khoảng cách mấy chục năm xa Việt nam, quan sát xã hội dân sự Việt nam thì Giáo sư có đồng ý với Tiến sĩ Nguyễn Quang A không?

Giáo sư Đoàn Viết Hoạt: Điểm đầu tiên tôi đồng ý là nếu mình so sánh về lịch sử thì chỉ khoảng cách đây 5 hay 10 năm thôi thì đã khác rất nhiều.

Và internet là một điều rất là quan trọng, vì thực sự nếu mình nói về xã hội dân sự bây giờ thì trước đây mình không có tại Việt nam có lẽ là vì không có internet. Nó giúp cho xã hội dân sự mặc dù nhà nước chưa cho phép. Ngay cả những người hoạt động xã hội dân sự trong hai mươi mấy hội đoàn thì thực sự cũng chưa thể hoạt động dưới đất một cách chính thức được. Thành ra Internet rất là quan trọng, một điều mà cần phải nhận xét khi nói về xã hội dân sự tại Việt nam, một xã hội dân sự tôi hay gọi đùa là trên trời, và nó đang tìm cách hạ cánh xuống đất.

Đó là điểm thứ nhất, còn điểm thứ hai là nếu chúng ta nhìn xã hội dân sự theo cái mô hình bình thường ở các nước thì chưa có ở Việt nam vì nhà nước không cho phép, nhưng nếu chúng ta nhìn nó là những hoạt động của người dân, thì chúng ta đã có từ lâu rồi, đặc biệt trong thời gian 10 năm trở lại đây. Những hoạt động của người dân ngày càng chủ động và tự động mặc dù nhà nước không cho phép, mà đôi khi còn bắt bớ hay phá nữa. Nhưng mà chúng ta thấy nó đã có và ngày càng mạnh lên.

Kính Hòa: Xin trở lại với Tiến sĩ Nguyễn Quang A, ông có viết trong bài viết mới của ông về những giai đoạn của tiến trình dân chủ, thì theo ông Việt nam vẫn đang ở trong giai đoạn chuẩn bị. Thưa ông như vậy có bi quan quá không?

Tiến sĩ Nguyễn Quang A: Không bi quan. Trong bài viết của tôi có nói đến 3 giai đoạn trong quá trình dân chủ hóa, là giai đoạn chuẩn bị, giai đoạn chuyển đổi, và giai đoạn củng cố. Đó là một sự tổng kết lý luận và thực tiễn kinh nghiệm của hàng chục nước đã dân chủ hóa trong làn sóng dân chủ hóa thứ ba. Và tôi nghĩ rằng xét về tình hình cụ thể ở Việt nam thì Việt nam vẫn chưa bước vào giai đoạn chuyển đổi. mà vẫn còn ở trong giai đoạn chuẩn bị thì nó là một thực tế. Không phải bi quan hay lạc quan mà đấy là một sự thực. Chúng ta phải ghi nhận sự thực ấy, và cái việc chúng ta hoạt động, chúng ta hành động như thế nào để cho nó chuyển sang giai đoạn sau thì đó là cái việc của chúng ta nhận ra được rõ mình đang ở vị trí nào.

Giáo sư Đoàn Viết Hoạt: Thực sự ra có nhiều cách nhìn bổ sung cho nhau.

Giống như Tiến sĩ A nói là chuẩn bị hay quá độ, thì tôi nhìn theo cái dạng kinh tế, văn hóa và chính trị. Nhìn như vậy có tính như là chuyển đổi.

Chuyển đổi đầu tiên là về kinh tế. Rồi đến chuyển đổi về văn hóa xã hội, rồi đến chuyển đổi về chính trị là sau cùng. Chính trị ở đây hiểu theo nghĩa là thể chế, cơ chế, chính quyền. Thực sự ra nếu chúng ta hiểu dân chủ theo nghĩa là toàn diện, tức là dân chủ trên kinh tế, dân chủ trong văn hóa xã hội, dân chủ trong chính quyền, thì chúng ta thấy nó đã diễn ra rồi. Vì vậy tôi mới chia làm ba giai đoạn, giai đoạn kinh tế, văn hóa xã hội, rồi đến giai đoạn thứ ba mới là chính trị.

Như thế thì chúng ta thấy từ năm 2011, 2012, lúc mà thảo luận về sửa đổi Hiến pháp chẳng hạn thì chúng ta thấy có hai ba bản Hiến pháp đưa ra, thì tôi thấy đó là đã bước vào giai đoạn chuẩn bị để thay đổi thể chế chính trị. Nhưng mà kinh tế đã xảy ra rồi, văn hóa xã hội cũng đã xảy ra vì thế chúng ta mới thấy các NGO (Tổ chức phi chính phủ) ra đời, mặc dù nhà nước chưa cho phép. Đó là cái cách nhìn như thế, nó bổ sung cho nhau.

Tức là dân chủ hóa là một tiến trình đi qua từng giai đoạn như vậy. Và mỗi giai đoạn đều có chuẩn bị.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A: Đó là những cách nhìn khác nhau về một tiến trình dài. Như Giáo sư Hoạt thì nhìn theo những nhân tố cơ bản của một xã hội, là kinh tế, văn hóa, chính trị. Còn chuyển đổi chính trị theo nghĩa chúng tôi hiểu thì nó hẹp hơn một chút.

Ví dụ như là chuyển đổi dân chủ ở các nước Đông Âu thì họ phải làm cả chuyển đổi chính trị lẫn kinh tế. Việt nam bây giờ thuận lợi hơn họ, tức là chuyển đổi về kinh tế thì cơ bản đã xong rồi, chỉ còn chuyển đổi chính trị mà thôi.

Kính Hòa: Liên quan đến sự thay đổi đó, thì theo Giáo sư Đoàn Viết Hoạt, xã hội Việt nam bây giờ đã có một sự đa nguyên. Tiến sĩ Nguyễn Quang A có đồng ý rằng Việt nam bây giờ đã có một sự đa nguyên hay không?

Tiến sĩ Nguyễn Quang A: Bản chất của xã hội là một sự đa nguyên. Các lợi ích khác nhau, các ý kiến khác nhau,… Mình có công nhận hay không công nhận sự đa nguyên thì nó vẫn thế.

Giáo Sư Đoàn Viết Hoạt: Nó đã có rồi…

Tiến sĩ Nguyễn Quang A: …Nói đa nguyên ở đây chúng ta đang đấu tranh cho một sự đa nguyên chính trị ở Việt nam. Chứ còn đa nguyên kinh tế ở Việt nam thì đã có các doanh nghiệp nhà nước, tư nhân, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp tư nhân thì cũng có đủ loại. Còn những sở thích về văn hóa cũng như vậy.

Và ngay cả quan niệm về mặt chính trị cũng có nhiều quan niệm khác nhau. Thì thực chất là bản chất của xã hội Việt nam là một xã hội đa nguyên, vốn bản thân nó là như vậy. Bây giờ mình làm sao để mọi người, nhất là giới lãnh đạo chính trị, chấp nhận đa nguyên chính trị nữa,

Giáo sư Đoàn Viết Hoạt: Đấy mới là điểm hay. Một mặt xã hội và người dân cứ như thế phát triển theo đúng qui luật khách quan của nó. Một mặt những người cầm quyền độc tài chưa chịu chấp nhận nó, nhưng thực sự nó vẫn đang tiến lên rồi.

Kính Hòa: Thưa Tiến sĩ Nguyễn Quang A, ông có một so sánh thú vị trường hợp chuyển đổi dân chủ của Ba Lan và Việt nam. Quan hệ lịch sử giữa nước Ba Lan và nước Nga đế quốc, giữa nước Việt nam và nước Trung Hoa đế quốc. Trong trường hợp Ba Lan, thì có một điểm chung giữa những người cộng sản Ba Lan, những người cộng sản Xô Viết, và những người đối kháng Ba Lan là không muốn có sự can thiệp xảy ra. Trong trường hợp Việt nam là những người cộng sản Việt nam, Trung quốc, và những người đối kháng Việt nam. Thưa ông  hai trường hợp này có giống nhau?

Tiến sĩ Nguyễn Quang A: Chưa có một nghiên cứu chi tiết về quan hệ Việt-Trung, nhưng tôi cũng có để ý xem là lợi ích của Trung quốc là cái gì, của ban lãnh đạo Việt nam là cái gì, lợi ích của nhân dân Việt nam là cái gì. Tôi nghĩ rằng cả ba đều có những điểm chung với nhau, vì tôi nghĩ rằng nếu có sự can thiệp thô bạo của Trung quốc vào quá trình dân chủ hóa Việt Nam thì sẽ làm cho Trung quốc thiệt hại nhiều thứ, mà cái được của họ là không bao nhiêu. Tôi suy ra là cũng giống như quan hệ giữa ban lãnh đạo cộng sản Ba Lan, nhân dân Ba Lan, và Kremlin mấy chục năm trước. Nhưng tất nhiên chỉ là cảm giác thôi, cần nghiên cứu kỹ hơn về các lợi ích, các cái được và mất của các bên thì chúng ta mới rút ra được kết luận chắc chắn.

Kính Hòa: Giáo sư Đoàn Viết Hoạt?

Giáo sư Đoàn Viết Hoạt: Tôi nghĩ rằng nó không tương đồng lắm. Ngay cả ban lãnh đạo cộng sản Việt nam và Bắc kinh thì cái lợi ích đã dần dần không tương đồng rồi. Trước đây thì rất tương đồng, bây giờ thì không.

Tôi nghĩ rằng ở đây vấn đề là làm sao giải quyết quan hệ giữa đảng cộng sản Việt nam và Bắc Kinh, để tiến trình dân chủ hóa có thể xảy ra tại Việt nam, vì thực ra đó là một trở ngại lớn. Một trở ngại hai mặt. Một mặc ban lãnh đạo đảng cộng sản Việt nam cũng không muốn đẩy mạnh quá. Vì nếu đi trước Bắc Kinh, làm phật lòng họ thì chưa chắc đã là tốt.

Mặt thứ hai cũng có thể là Bắc Kinh cũng đang có dự án, một ý đồ thay đổi về chính trị, như là một mẫu mực để đảng cộng sản Việt nam hay Việt nam nói chung noi theo. Cũng như trước đây họ cản trở không cho mình vào WTO chẳng hạn.

Tôi nghĩ nếu không tương đồng như vậy thì có lẽ đó là một trở ngại cho tiến trình dân chủ hóa. Nhưng nếu mình biết khai thác thì nó cũng có thể là một cái tốt vì Việt nam có thể đi trước Bắc Kinh. Và nếu như giữa ban lãnh đạo đảng cộng sản Việt nam và nhân dân Việt nam, đặc biệt là những người đấu tranh, nếu có những lợi ích chung, càng ngày càng gần nhau, thấy rằng việc dân chủ hóa Việt nam là chuyện không thể thoát được. Và đó là cái lợi ích chung cho cả ban lãnh đạo đảng cộng sản Việt nam và dân tộc Việt nam, quốc gia Việt nam, nhất là trước nguy cơ bành trướng của Bắc Kinh, nếu đạt được cái đó thì tiến trình dân chủ hóa Việt nam sẽ đạt được những bước tiến rất mạnh.

Kính Hòa: Có những ý kiến cho rằng việc thương thảo để vào TPP và chuyến thăm vừa qua của ông Nguyễn Phú Trọng đến nước Mỹ, có thể là một điểm rất quan trọng cho sự thay đổi cho Việt nam từ đây trở về sau. Tiến sĩ Nguyễn Quang A và Giáo sư Đoàn Viết Hoạt có đồng ý với ý kiến đó không?

Tiến sĩ Nguyễn Quang A: Mối quan hệ Việt nam và Hoa Kỳ rất là quan trọng, trong suốt 20 năm qua nó ngày càng nồng ấm. Tôi tin là trong tương lai sẽ càng mật thiết hơn nữa, và đó là cái điều tốt cho Việt nam, tốt cho Hoa Kỳ, tốt chung cho cả thế giới.

Chuyến đi của ông Nguyễn Phú Trọng tới Mỹ mang tính biểu tượng ghi nhận lại sự phát triển trong 20 năm qua. Nhưng tôi không lạc quan, hay là đánh giá quá cao cái việc đó như là một sự thay đổi mang tính đột phá, và là một sự chuyển trục sang phía Mỹ của ban lãnh đạo đảng cộng sản Việt nam.

Tôi nghĩ không phải như vậy mà đây là một quá trình tiệm tiến từ từ. Nó hoàn toàn phụ thuộc vào nội lực trong nước. Người dân nếu ủng hộ sự phát triển này, gây sức ép 24/7 với chính quyền, thực sự là để giúp bản thân chính quyền thực hiện những cái họ nói.

Bây giờ cái mà họ nói, và cái họ làm khoảng cách tương đối là xa. Nhân dân chỉ muốn là các ông nói như thế, thì cũng làm như thế. Chúng tôi chỉ giúp các ông thực hiện những việc mà các ông nói rất là hay đó.

Nếu chúng ta thực hiện được những việc là bên trong đẩy ra, bên ngoài thì kéo để cho cái không gian hoạt động chính trị, không gian xã hội dân sự mở rộng ra. Khi không gian này được mở rộng thì quá trình dân chủ hóa dễ xảy ra hơn, và xảy ra một cách ít tốn kém cho dân tộc.

Giáo sư Đoàn Viết Hoạt: Nhìn chung chúng ta thấy là từ khi đảng cộng sản Việt nam chấp nhận đổi mới kinh tế, chấp nhận tham gia sự hội nhập quốc tế, thì Việt nam ngày càng dễ phát triển. Cái đó rất là rõ. Và khi anh càng hội nhập quốc tế bao nhiêu thì anh càng phải nới rộng, giống như Tiến sĩ A nói, cái không gian cho người dân. Anh không thể nào thắt chặc cái không gian của người dân nếu anh muốn hội nhập vào cái không gian chung của thế giới. Thành ra cái việc vào TPP hay xích lại gần với Mỹ là một xu thế bắt buộc. Không thể nào đi ngược lại. Vậy nên cái đó nếu mà chậm thì chỉ làm chậm lại sự phát triển thôi. Và đó là một cái không thể cưỡng lại được.

Kính Hòa: Câu hỏi cuối cùng xin dành cho Tiến sĩ Nguyễn Quang A là với tư cách một người thành danh tại Hungary. Mà Hung nay có vẻ là một sự chuyển đổi dân chủ khá thành công trong sự chuyển đổi ở Đông Âu. Vậy theo ông Việt nam có thể học được những gì từ mô hình đó?

Tiến sĩ Nguyễn Quang A: Thực sự thì không chỉ có kinh nghiệm của Hungary. Kinh nghiệm của nước này cũng có những bài học dở mà chúng ta nên tránh. Trong 10 năm qua tôi đã nghiên cứu tất cả các trường hợp của Đông Âu, kinh nghiệm các nước Nam Âu, kinh nghiệm các nước Mỹ latin, Nam Phi, và quan trọng là những nước láng giềng của chúng ta như Indonesia, Philippines, Đài Loan, Hàn quốc. Từ kinh nghiệm của các nước ấy, các nước khác nhau một trời một vực, về địa lý, về văn hóa, về kinh tế, về môi trường chính trị, nhưng có những bài học chung để chúng ta có thể học, hoặc chúng ta có thể tránh.

Tôi nghĩ rằng từ những bài học đó, chúng ta có thể hình dung ra là chúng ta nên hoạt động như thế nào để quá trình dân chủ hóa ở nước mình nó tiến hành một cách suông sẻ hơn, nhanh hơn, đỡ tốn kém hơn.

Kính Hòa: Mời Giáo sư Hoạt.

Giáo sư Đoàn Viết Hoạt: Các nước rất khác nhau đặc biệt là so với Việt nam rất là khác. Cái khác lớn nhất theo tôi là đảng cộng sản Việt nam. Ở những nước kia không có cái tổ chức như là đảng cộng sản Việt nam. Từ lúc sinh ra, lớn lên trong bao nhiêu cuộc đấu tranh. Cho đến bây giờ nó có bao nhiêu kinh nghiệm, cái cách cai trị rất đặc biệt vì thế đó là một trở ngại rất là lớn, nếu đảng cộng sản không đưa ra được những con người mới thì quá trình dân chủ hóa vẫn rất khó khăn.

Mặc dù là sự đấu tranh của quần chúng đặc biệt là của giới trẻ, mà tôi có niềm tin là ngày càng mạnh. Điều đó sẽ là một áp lực rất lớn và áp lực ngay lên nội bộ đảng cộng sản để cho những khuynh hướng cởi mở hơn, cấp tiến hơn sẽ thắng.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A: Không có nước nào giống nước nào cả, ngay cả các nước xã hội chủ nghĩa với nhau. Nhưng cũng có những điểm chung. Chẳng hạn như các nước cộng sản Đông Âu mà tôi sống ở đó 13 năm, thì tôi thấy giống đảng cộng sản Việt nam lắm, từ bộ máy nhà nước đến các tổ chức quần chúng.

Hoặc chúng ta nhìn sang Đài Loan, cái bộ máy tổ chức của Quốc dân đảng rất giống cộng sản.

Nhìn cái sự so sánh như thế thì tôi có sự lạc quan hơn so với Giáo sư Hoạt cho rằng Việt nam rất là đặc biệt, vì người ta cho rằng Việt nam nó khác.

Tôi nghĩ rằng Việt nam đúng là khác, nhưng Việt nam không phải là một ngoại lệ.

Giáo sư Đoàn Viết Hoạt: Tôi không phải không lạc quan đâu, bởi vì người Việt nam nói chung, kể cả người Việt nam cộng sản, nó rất là đặc biệt, và cái đặc biệt đó sẽ giúp bung phá tình hình.

Kính Hòa: Xin Cám ơn hai ông. - RFA
|
|

6.
Saigon sẽ có 'phố đèn đỏ'?

Một quan chức TP HCM mới đề xuất gom các cơ sở kinh doanh “dịch vụ nhạy cảm” vào một khu riêng để ngăn chặn tệ nạn mại dâm bùng phát ngoài tầm kiểm soát.

Ông Lê Văn Quý, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội TPHCM, đề xuất rằng chính phủ nên có chỉ đạo thí điểm việc đưa các cơ sở kinh doanh “dịch vụ nhạy cảm” vào một khu vực để tăng cường quản lý ở một số thành phố trọng điểm như Sài Gòn, Hà Nội và Hải Phòng.

Ông Quý được báo chí trong nước trích lời nói tại cuộc họp về công tác phòng chống tệ nạn xã hội rằng việc xóa bỏ nạn mại dâm là “điều không thể”, và “không thể chống mãi được vì dẹp chỗ này chỗ khác lại mọc lên nên phải thay đổi cách thức để dễ quản lý”.

Về đề xuất này, ông Lê Đức Hiền, Phó Cục trưởng, Cục phòng chống tệ nạn xã hội thuộc Bộ Lao Động, Thương binh & Xã hội, cho VOA Việt Ngữ biết rằng cơ quan chức năng sẽ sớm tiến hành xem xét. Ông nói thêm:

“Tất cả những ý kiến đó cũng được ghi nhận, và sẽ đưa ra để bàn bạc để xem xét. Sắp tới, các cấp họp sẽ bàn luận chuyện đó xem như thế nào.”

Báo chí trong nước dẫn số liệu của chính quyền cho biết hiện có gần 100 nghìn cơ sở kinh doanh trên cả nước được cho là 'dễ phát sinh tệ nạn mại dâm' với gần 60.000 nhân viên nữ làm việc."  

Hiện số người bán dâm có hồ sơ quản lý trên cả nước là hơn 11.000 người, nhưng có ý kiến cho rằng con số trên thực tế còn cao hơn nhiều do đây là hoạt động “khó kiểm soát”.

Trong khi đó, ông Hiền cho rằng Việt Nam đã làm nhiều việc để ngăn chặn nạn mại dâm:

“Về các doanh nghiệp dịch vụ xã hội, cũng có rất nhiều các biện pháp như phổ biến chính sách pháp luật, phòng chống mại dâm, rồi ký cam kết. Khi cấp giấy phép, các cơ quan chức năng đảm bảo yêu cầu về ánh sáng, về phòng ốc, về ký hợp đồng lao động và các vấn đề liên quan. Chính quyền sở tại cũng thường xuyên tuyên truyền nhắc nhở, xử phạt rồi có nhiều biện pháp về quản lý.”

Trong khi đưa ra đề xuất, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội TPHCM cho rằng việc đưa các cơ sở kinh doanh “dịch vụ nhạy cảm” vào một khu riêng sẽ giúp giám sát các lao động làm việc trong các cơ sở đó cũng như giúp họ “đảm bảo quyền lợi, tránh bị bạo hành và nhất là được pháp luật bảo vệ”.

“Ngoài ra, họ sẽ được chăm sóc sức khỏe thường xuyên, được phổ biến kiến thức để tránh các bệnh truyền nhiễm, nhất là HIV/AIDS,” ông Quý nói thêm.

Đề nghị mới này, theo dự liệu, sẽ làm bùng ra lại cuộc tranh luận về vấn đề có nên hợp pháp hoá hoạt động mại dâm hay không, một cuộc tranh luận đã có từ nhiều thập niên nay ở Việt Nam và nhiều nước khác trên thế giới. - VOA

No comments:

Post a Comment