Sunday, August 16, 2015

Tin Cập Nhật Chủ Nhật 16/8

Tin Thế Giới

1.
Quân đội Trung Quốc xác nhận có hàng trăm tấn cyanure bị nổ

Lần đầu tiên tin đồn có 700 tấn hóa chất độc hại nơi xảy ra hai vụ nổ trong khu công nghiệp Thiên Tân được xác nhận. Tin này càng làm gia tăng nổi sợ không khí và nước bị ô nhiễm. Số người chết cũng tăng thêm: 112 nạn nhân tử vong và gần 100 người mất tích theo thống kê mới nhất. Đức Giáo Hoàng cầu nguyện cho Thiên Tân

Thảm nạn Thiên Tân tiếp tục làm cho 15 triệu dân thành phố cảng lớn nhất nhì Trung Quốc lo sợ chất độc gây nguy hại cho sức khỏe. Theo AFP, năm ngày sau vụ nổ, lần đầu tiên chính quyền Trung Quốc chính thức nhìn nhận có "hàng trăm tấn muối cyanure tồn trữ ngay nơi xảy ra thảm nạn". Trước đó, một trang báo mạng chính thức đã đưa tin có 700 tấn cyanure nhưng sau đó bản tin này bị xóa bỏ.

Hôm nay 16/08/2015, gia đình các nạn nhân tiếp tục lên án nhà nước Trung Quốc che giấu sự thật và kiểm duyệt thông tin. Hằng trăm tài khoản trên mạng xã hội bị phong tỏa. Hôm qua, nhiều người phẫn uất và tuyệt vọng đã làm gián đoạn một cuộc họp báo của chính quyền.

Chính quyền Trung Quốc tiếp tục khẳng định nồng độ ô nhiễm trong không khí "tuy bất thường nhưng vẫn hít thở được". Theo Tân Hoa Xã , tỷ trọng cyanure trong nước đã từ 11 lần cao hơn bình thường đã giảm xuống còn gấp 2.

Hôm nay 16/08/2015, Tổ chức Greenpeace cũng giải thích nước sông không bị ô nhiễm nghiêm trọng cyanure qua các cuộc xét nghiệm mẫu nước. Tuy nhiên, cơ quan bảo vệ môi trường quốc tế này kêu gọi Trung Quốc phải xét nghiệm ô nhiễm các loại hóa chất khác và công bố kết quả.

Về thiệt hại nhân mạng, thống kê công bố sáng hôm nay (Chủ nhật 16/08) ghi nhận có 112 người chết, 700 nguời bị thương nặng nhẹ và gần 100 người bị xem là mất tích trong số này có 85 lính cứu hỏa.

Thảm nạn Thiên Tân đã gây xúc động không riêng cho công luận Trung Quốc. Hôm qua, nhân ngày lễ Đức Mẹ Thăng Thiên, Đức Giáo hoàng Phanxicô cầu nguyện cho nạn nhân, gia đình nạn nhân và dân cư Thiên Tân. - RFI
|
|

2.
Các tư lệnh Iraq tháo chạy khỏi Ramadi sắp bị đưa ra toà án binh

Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi chuẩn thuận đề nghị của một ủy ban điều tra để tòa án quân sự xét xử các tư lệnh quân đội tháo chạy khỏi Ramadi hồi trước đây trong năm, để thành phố này lọt vào tay các phần tử chủ chiến Nhà nước Hồi giáo.

Chiếm được thủ phủ tỉnh Anbar ở miền tây Iraq là một thắng lợi lớn của phe Nhà nước Hồi giáo, và phe này đã kiểm soát một thành phố quan trọng nằm cách thủ đô Baghdad 125 kilômét.

Những câu hỏi về khả năng của các lực lượng an ninh Iraq lại nhanh chóng được nêu ra khi để mất thành phố Ramadi.

Ramadi thất thủ đã khiến cho Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter nêu lên câu hỏi về tinh thần chiến đấu của quân đội Iraq, cùng với các lực lượng dân quân, chống Nhà nước Hồi giáo trên bộ trong khi được liên quân do Mỹ dẫn đầu yểm trợ từ trên không. 

Sau đó Iraq đã mở một cuộc hành quân nhằm chiếm lại các khu vực bị mất ở tỉnh Anbar, nhưng các phần tử chủ chiến vẫn kiểm soát nhiều khu vực quan trọng, kể cả thành phố Ramadi.

Quyết định của Thủ tướng Abadi đưa các sĩ quan quân đội ra trước công lý được thực hiện tiếp theo sau một loạt biện pháp thay đổi mà ông công bố hồi tuần trước trong nỗ lực chống tham nhũng và cải tổ chính phủ bị chỉ trích thiếu hiệu quả.

Trong số các biện pháp cải cách được nội các và quốc hội ủng hộ này có việc bãi bỏ một chức phó thủ tướng và ba chức phó tổng thống, và chấm dứt việc phân bổ tỉ lệ nhân viên theo đảng phái và giáo phái khi chọn nhân sự.

Hôm thứ Bảy, các vụ đánh bom ở thủ đô Iraq và các vùng lân cận đã làm ít nhất 22 người thiệt mạng và hơn 80 người bị thương.

Vụ đẫm máu nhất là vụ tấn công bằng xe bom tại một đại lý ô tô ở khu vực Habibiya có đa số cư dân là người theo phái Shia. 13 người chết trong vụ tấn công này.

Cũng tại khu vực này đã xảy ra một vụ đánh bom hôm thứ Năm trước đó tại một khu chợ bán rau làm 67 người thiệt mạng – một trong những vụ tấn công đẫm máu nhất tại Baghdad trong một thập niên qua.

Chưa có ai nhận đã thực hiện vụ tấn công hôm thứ Bảy, nhưng nhóm Nhà nước Hồi giáo thường nhắm mục tiêu tấn công vào người Hồi giáo Shia mà họ coi là những người dị giáo. Phe chủ chiến này tuyên bố đã đứng sau vụ tấn công hôm thứ Năm.

Một vụ đánh bom khác hôm thứ Bảy làm rung chuyển một khu chợ ở thị trấn Madai, nằm ở mạn nam Baghdad, giết chết ít nhất 3 người, và làm bị thương 10 người.

Tại Taji ở mạn đông Baghdad, một vụ nổ bom xảy ra tại một khu vực có nhiều cửa hàng sửa xe, giết chết ít nhất 2 người và làm bị thương 8 người. Các vụ đánh bom khác nhắm vào các đường phố và các khu chợ đông người ở Jisr Diyala và Iskan. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
New York Times: AT&T giúp NSA thu thập tin tức

Theo báo New York Times, AT&T, một trong những công ty viễn thông khổng lồ lâu đời nhất và lớn nhất nước Mỹ đã trợ giúp đắc lực cho chương trình của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ NSA nhằm thu thập tin tức tình báo trên Internet trong nước và qua điện thoại.

Báo New York Times số ra ngày thứ Bảy nêu lên những tài liệu mới của NSA được cựu nhân viên khế ước đang bị truy nã Edward Snowdon tiết lộ.

Trong khi những tài liệu này không chính thức nêu tên AT&T nhưng đã sử dụng tên mật mã mà báo Times và một vài cựu viên chức tình báo cho rằng đó là công ty viễn thông này.

Bài báo nói tài liệu có ngày tháng từ năm 2003 đến năm 2013 và cho thấy AT&T sử dụng các qui định pháp lý và những lệnh bí mật của Tòa án giúp cho NSA tiếp cận được hàng tỉ điện thư gởi qua mạng lưới của AT&T tại Mỹ, trong đó có Internet tại trụ sở Liên hiệp quốc ở New York.

AT&T cũng trao cho NSA hơn một tỉ cuộc nói chuyện bằng điện thoại.

Theo tài liệu, NSA xem AT&T như là một đối tác trong việc theo dõi nội địa, chứ không phải là một bên hợp đồng.

Một phát ngôn viên của AT&T nói công ty không bình luận về các vấn đề an ninh quốc gia.

Tài liệu được Snowden tiết lộ cho biết cơ quan siêu bí mật NSA theo dõi điện thoại và điện thư của công dân Mỹ không có lệnh của Tòa án làm hàng triệu người phẫn nộ xem đây như là vi phạm quyền riêng tư của người dân.

NSA nói những hoạt động này giúp phá vỡ một số âm mưu khủng bố và thiết yếu trong việc giữ cho nước Mỹ được an toàn.

Chính quyền của cựu Tổng thống George W. Bush cho phép việc theo dõi này theo Luật Ái quốc, được quốc hội thông qua không lâu sau vụ tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001 vào New York và Washington. - VOA
|
|

4.
Hàng không Mỹ tê liệt vì kiểm soát không lưu gặp trục trặc

Ngày thứ Bảy, 15/8, các chuyến bay đi và đến New York, Washington và các phi trường khác tại vùng bờ Đông nước Mỹ đã bị chậm trễ vì những vấn đề kỹ thuật trong hệ thống kiểm soát không lưu của chính phủ.

Cơ quan Quản trị Hàng không Liên bang FAA cho biết một vấn đề kỹ thuật không xác định rõ tại một trong những trung tâm kiểm soát không lưu của cơ quan bên ngoài Washington đã buộc các nhân viên kiểm soát không lưu ra lệnh đình hoãn máy bay cất cánh và hạ cánh.

Ngày thứ Bảy các chuyến bay đi và đến New York, Washington và các phi trường khác tại vùng Bờ biển miền Đông nước Mỹ đã bị chậm trễ vài giờ đồng hồ vì những vấn đề kỹ thuật trong mạng lưới kiểm soát không lưu của chính phủ.

Việc chậm trễ tại tất cả các phi trường trong khu vực Washington và New York đã nhanh chóng lan sang các thành phố khác dọc theo Bờ biển miền Đông và các nơi khác nữa.

FAA cho biết máy bay cất cánh trễ hơn 45 phút tại một số phi trường và các máy bay đến được lệnh bay vòng vòng trên phi trường trong cùng một thời gian. Vấn đề tệ hại hơn tại Virginia, Maryland và Florida.

Vào xế chiều ngày thứ Bảy, FAA loan báo là một vấn đề “tự động hóa” chưa giải thích được đã được giải quyết và những hạn chế được bãi bỏ.

FAA không giải thích chi tiết về vấn đề kỹ thuật tại trung tâm kiểm soát không lưu địa phương ở Leesburg, Virginia. Cơ quan chính phủ cũng không nói rõ là có tai nạn hay vấn đề an ninh của máy vi tính có thể liên hệ đến những chậm trễ này. - VOA
|
|

5.
Không một nghị sĩ Cộng Hoà nào ủng hộ hiệp ước hạt nhân Iran

Với thời gian còn lại là một tháng nữa trước thời hạn cuối mà Quốc hội Mỹ phải biểu quyết về hiệp ước quốc tế khống chế chương trình hạt nhân của Iran, Tổng thống Barack Obama hình như đã không tận dụng được cơ hội duy nhất để tranh thủ sự ủng hộ của Ðảng Cộng hòa cho thỏa thuận này.

Thượng nghị sĩ Cộng hòa Jeff Flake, một mục tiêu tranh thủ chính của Tòa Bạch Ốc, hôm thứ Bảy nói rằng mặc dù ông ủng hộ tiến trình đàm phán với Iran, ông sẽ biểu quyết chống hiệp ước này.

Ông Flake nói lợi ích từ việc hạn chế khả năng hạt nhân của Iran trong một khoảng thời gian không nhiều hơn điều được ông gọi là "những hạn chế gắt gao" mà hiệp ước này ràng buộc Quốc hội và các chính quyền tương lai "trong khả năng phản ứng với những cách hành xử không hạt nhân của Iran trong khu vực."

Ông Flake nói trong một thông cáo: "Hy vọng tham vọng hạt nhân của Iran sẽ thay đổi sau 15 năm tạm ngưng có thể là tính toán đáng giá nhất.  Với tin tưởng rằng cách hành xử trong khu vực của Iran sẽ thay đổi ngay ngày mai – trong khi đó lại từ bỏ những phương tiện răn đe hoặc chỉnh sửa những cách cư xử đó."

Sau khi kết thúc đám phán vào giữa tháng 7, Quốc hội có 60 ngày để xét duyệt và thông qua hoặc bác bỏ hiệp ước. Biểu quyết "không" có nghĩa là các biện pháp chế tài của quốc hội áp dụng đối với Iran sẽ không được dỡ bỏ, và điều đó sẽ đi ngược lại với việc Iran mưu tìm để đổi lại việc Tehran hạn chế các hoạt động hạt nhân của họ.

Tổng thống Obama dọa sẽ phủ quyết nếu Thượng viện và Hạ viện bác bỏ thỏa thuận được đàm phán giữa Iran và nhóm 6 cường quốc thế giới.

Iran không thoát được các lệnh chế tài đã gây nhiều thiệt hại cho nền kinh tế của họ cho đến khi nào cơ quan hạt nhân của Liên hiệp quốc xác nhận rằng chính phủ ở Tehran tuần thủ các yêu cầu của cuộc điều tra dài về các hoạt động hạt nhân của nước này, cùng với những biện pháp mới cắt giảm chương trình hạt nhân của Iran.

Cơ quan Nguyên tử năng Quốc tế IAEA đã thỏa thuận với Iran hồi tháng trước là sẽ kết thúc cuộc điều tra của họ vào tháng 12 và sẽ đưa ra đánh giá sau cùng về những cáo buộc cho rằng Iran đã nỗ lực phát triển vũ khí hạt nhân. Tehran lâu nay luôn nhất mực nói rằng chương trình hạt nhân của họ chỉ phục vụ cho những mục đích hòa bình.

IAEA hôm thứ Bảy cho hay Iran đã tuân thủ thời hạn chót trong việc giao nộp các hồ sơ liên quan đến cuộc điều tra.

Theo kế hoạch, IAEA có thể yêu cầu Tehran giải trình thêm trước ngày 15 tháng 10 để cơ quan này lập báo cáo cuối cùng trước cuối năm nay. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

6.
Trung Quốc tập chiến tranh du kích để đương đầu với Việt Nam?

Trung Quốc đã yêu cầu Brazil giúp phát triển một chương trình chiến tranh du kích cho Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA), Đại tá Alcimar Marques de Araujo Martins, chỉ huy Trung tâm Huấn luyện Chiến tranh Du kích Brazil cho biết.

Ông Alcimar cho tờ Janes’s Defence Weekly biết như vậy hôm 10/8. Theo tạp chí về quốc phòng này, PLA cảm thấy cần phải tăng cường khả năng mở chiến tranh du kích vì có đường biên giới dài, nhiều cây cối với các nước láng giềng như Việt Nam và Ấn Độ, hai quốc gia hiện có tranh chấp lãnh thổ với Bắc Kinh.

Đại tá Alcimar Marques de Araujo Martins được trích lời nói: “Họ đã yêu cầu chúng tôi cử người sang huấn luyện phát triển chương trình chiến tranh du kích ở Trung Quốc”.

Tuy nhiên, quan chức quân sự này không nói rõ là Bắc Kinh đã yêu cầu bao nhiêu người cố vấn và khi nào thì chương trình sẽ bắt đầu.

Trung tâm huấn luyện chiến tranh du kích của Brazil đã huấn luyện gần 6 nghìn binh sĩ, trong đó có 500 người nước ngoài, kể từ khi được thành lập năm 1965.

Dù chưa có con số thống kê cụ thể, chiến tranh biên giới Việt-Trung năm 1979 đã làm hàng chục nghìn binh sĩ ở cả hai phía bỏ mạng.

Sóng gió

Quan hệ Việt Nam và Trung Quốc thời gian qua trở nên căng thẳng vì các hành động lấn lướt của Bắc Kinh ở biển Đông.

Mới đây, báo Kommersant có trụ sở ở Moscow cho rằng “quân đội Việt Nam đang chuẩn bị các lực lượng đặc biệt để có thể tấn công các cơ sở Trung Quốc trong khu vực”.

Bài báo viết rằng cũng như các cuộc diễn tập quân sự đã được quân đội Việt Nam tiến hành từ năm 2004 đã cho thấy, máy bay chiến đấu SU-22 của Không quân Việt Nam sẽ được dùng để phát động cuộc tấn công đầu tiên chống các mục tiêu trên biển bằng tên lửa không đối địa AS-10.

Các chiến đấu cơ này có thể tấn công các tàu hải quân Trung Quốc từ độ cao 2.500 tới 3.000 mét.

Thêm 2 máy bay tiêm kích đa năng Su-30MK2 của Nga trong tổng số 12 chiếc được Việt Nam đặt mua đã được bàn giao tại sân bay Đà Nẵng.

Ngoài máy bay tiêm kích, Việt Nam còn mua 6 chiếc tàu ngầm hiện đại trị giá khoảng 2 tỷ đôla từ Moscow. - VOA

No comments:

Post a Comment