Tuesday, August 11, 2015

Tin Cập Nhật Thứ Ba 11/8

Tin Thế Giới

1.
Kinh tế Trung Quốc hụt hơi, doanh nghiệp nước ngoài cảnh giác

Trái ngược với con số tăng trưởng kinh tế ổn định của chính quyền Bắc Kinh (7,5% trong quý hai 2015), nhiều doanh nghiệp lớn nước ngoài làm ăn tại Trung Quốc đang đứng trước thực trạng hoạt động kinh doanh ít triển vọng. Chỉ số mua hàng công nghiệp PMI tháng 7 ở mức thấp nhất kể từ hai năm nay - số liệu do văn phòng tư vấn tài chính Markit vừa công bố - càng khẳng định thêm xu hướng hụt hơi của nền kinh tế thứ hai thế giới. Tình hình này buộc nhiều doanh nghiệp phải cảnh giác, xem xét lại chiến lược đầu tư.

Xe hơi là một trong những ngành công nghiệp mà hậu quả để lại là rõ ràng nhất. Theo dự đoán của Hiệp hội sản xuất xe hơi Trung Quốc (CAAM), được Le Figaro ngày 10/08/2015 trích dẫn, doanh thu của thị trường này trong năm nay sẽ "chỉ" tăng 3%, thấp hơn rất nhiều so với mức tăng trưởng 6,9% năm 2014 và 14% của 2013. Năm 2014, các công ty đã bán được 23,5 triệu xe hơi, so với gần 6 triệu chiếc vào năm 2005. Hơn một trăm mác ô tô nước ngoài và Trung Quốc cạnh tranh tại thị trường được coi là rất tiềm năng này. Một nghiên cứu của văn phòng tư vấn McKinsey cho thấy các hãng xe hơi thu được tới 40% tổng lợi nhuận tại Trung Quốc, trong khi họ chỉ bán tại đây 22% tổng số hàng.

Tuy nhiên, tình hình từ những tháng gần đây cho thấy Hoa Lục không còn là một miền đất hứa. Doanh số tại thị trường Trung Quốc của công ty xe hơi đứng đầu thế giới Volkswagen (Đức) vào tháng 6 sụt 3,9% so với tháng 1/2015, mức giảm lớn nhất kể từ một thập niên. Tình hình hàng bán ra chậm khiến nhiều đại gia như BMW (Đức) hay Nissan (Nhật) buộc phải hạ dự báo tăng trưởng. Tác động đến xu hướng tăng trưởng chậm lại của thị trường xe hơi Trung Quốc cũng phải kể đến chính sách xiết chặt lượng biển số xe mới tại các thành phố ô nhiễm nhất và những tiêu chuẩn ngặt nghèo về môi trường, thậm chí được cho là "hơn cả Châu Âu" (Le Figaro ngày 10/08).

Ngành luyện kim và các sản phẩm sắt thép cũng là khu vực chịu nhiều hệ quả. Tập đoàn đứng thứ hai Nhật Bản JFE Holdings phải hạ thấp dự kiến tăng trưởng hồi cuối tháng 7, do tốc độ tăng trưởng chững lại, và tình trạng thép dư thừa tại quốc gia tiêu thụ thép số một thế giới. Công ty Hoa Kỳ sản xuất thang máy Otis và các hệ thống điều hòa nhiệt độ đang sẵn sàng chờ đợi tình hình tồi tệ hơn so với dự đoán.

Lo ngại nhất vẫn là các quốc gia xuất khẩu nguyên liệu trước viễn cảnh hụt hơi của nền kinh tế, vốn tiêu thụ đến 51% lượng than toàn cầu, 50% quặng đồng hay 11% dầu mỏ (Le Monde 03/08/2015). Thiệt hại nặng nhất có thể là Brazil, với 20% hàng xuất khẩu sang Trung Quốc. Tiếp đó là Nga, Chile, Argentina, hay Úc và các quốc gia vùng Vịnh.

Nhu cầu từ Trung Quốc sụt giảm cũng sẽ kéo giá nguyên nhiên liệu xuống mạnh, như vậy gián tiếp có lợi cho các nước công nghiệp phát triển. Tuy nhiên, đối với các quốc gia như Hàn Quốc, Singapore hay New Zealand, mức sụt giá này không bù lại được thiệt hại do xuất khẩu giảm, bởi tỷ trọng hàng xuất khẩu sang Trung Quốc của các nước này vốn rất lớn (10,1% GDP Hàn Quốc, 16,7% GDP Singapore hay 4,2% GDP New Zealand).

Xét trong tương quan này, ảnh hưởng của tình trạng hụt hơi của kinh tế Trung Quốc đối với khu vực đồng euro và Hoa Kỳ được đánh giá là không đáng kể, bởi xuất khẩu sang Hoa Lục chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ (tương đương 1,5% và 0,7% GDP). Theo tính toán của cơ quan thống kê quốc gia Pháp INSEE, nếu nhu cầu nội địa của Trung Quốc sụt giảm đến 3%/ năm, GDP Pháp cũng chỉ bị kéo xuống 0,1%.

Nhiều nhà quan sát ghi nhận, xu thế kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại chủ yếu gắn với sự thay đổi của mô hình kinh tế chuyên gia công xuất khẩu của nước này. Bà Agatha Kratz, chuyên gia về Trung Quốc thuộc cơ quan tư vấn Hội đồng Châu Âu (European Council on Foreign Relations) nhận xét: đã bắt đầu quá trình dịch chuyển quy mô lớn nhiều xí nghiệp từ Hoa Lục sang các quốc gia trong vùng có nhân công rẻ hơn, như Việt Nam.

Xu hướng này được dự đoán là sẽ còn tiếp tục, và tình hình này cũng có thể có lợi cả cho khu vực Đông và Trung Âu. Bên cạnh đó, chính quyền Trung Quốc đang có nhiều hỗ trợ cho doanh nghiệp trong nước, giành giật những thị trường đang trỗi dậy, nơi các công ty ngoại quốc vốn đứng đầu lâu nay. Apple và Samsung - hai tập đoàn đứng đầu thế giới về iPhone – vừa bị đánh bật xuống hàng thứ ba và thứ tư trong quý hai vừa qua, cho dù doanh số của Apple vẫn tăng tới hơn 85%.

Theo kinh tế gia Mark Williams, văn phòng tư vấn kinh tế vĩ mô Capital Economics, nhìn chung trong thời gian mấy thập niên vừa qua có đến "một phần ba tổng lượng tăng trưởng kinh tế toàn cầu là đến từ Trung Quốc… tuy nhiên mối quan hệ giữa quốc gia này với phần còn lại của thế giới đã thay đổi rất lớn", với sự sụt giảm mạnh của xây dựng và công nghiệp nặng, các khu vực vốn là trụ cột truyền thống của tăng trưởng kinh tế Trung Quốc. - RFI
|
|

2.
Hy Lạp đạt thỏa thuận về gói cứu trợ thứ ba 82 tỉ euro

Hy Lạp ngày 11/08/2015 đạt được thỏa thuận về kế hoạch cứu trợ thứ ba 82 tỉ euro. Đây là kết quả của hai tuần lễ thương lượng gay go với các chủ nợ (Liên Hiệp Châu Âu, Ngân hàng Trung ương Châu Âu, Quỹ Tiền Tệ Quốc tế, Cơ chế Bình ổn Châu Âu). Chỉ còn một số chi tiết phải bàn bạc thêm, nhưng các đối tác đã đồng thuận về những điểm chính.

Từ Athens, thông tín viên RFI Charlotte Stiévenard tường trình:

"Hy Lạp và các chủ nợ đã thỏa thuận được về khung ngân sách, nhưng các mục tiêu ấn định trước đây đã được hạ xuống. Nếu thặng dư ngân sách cơ bản (có nghĩa là chưa tính đến số tiền để trả nợ) trong ba năm tới vẫn được giữ ở mức 3,5% tổng sản phẩm nội địa, thì các giai đoạn đã dễ thở hơn so với những gì được bàn bạc cho đến nay. Một ví dụ là mức thặng dư cơ bản ấn định cho năm nay chỉ 0,25% so với 1% lúc ban đầu. Việc áp dụng kế hoạch như vậy sẽ bớt ngặt nghèo hơn. Nhưng nhất là, các chủ nợ chấp nhận tính đến những vấn đề kinh tế của Hy Lạp, hiện vẫn đang chậm lại kể từ đầu cuộc thương lượng vào tháng Giêng năm nay.

Hôm nay thứ Ba 11 tháng Tám, chính phủ Alexis Tsipras vậy là đã đạt được một thỏa thuận cho toàn bộ những cải cách, vốn là điều kiện của kế hoạch cứu trợ. Văn kiện này sẽ được đưa ra Quốc hội trong tuần, trước khi được Hội đồng Bộ trưởng khu vực đồng euro thông qua vào cuối tuần. Mục tiêu là giúp giải ngân đợt đầu tiên trước ngày 20 tháng Tám, thời điểm mà Hy Lạp phải hoàn trả trên 3 tỉ euro cho Ngân hàng Trung ương Châu Âu".

Hy Lạp và các nhà tài trợ còn đồng ý về việc tư nhân hóa và về phương thức quản lý nợ xấu ngân hàng, hai hồ sơ từ lâu vẫn gây trở ngại trong thương lượng. Các ngân hàng Hy Lạp có thể nhanh chóng được bơm số tiền mặt có thể lên đến 10 tỉ euro. - RFI
|
|

3.
Nga nghiền nát hàng trăm tấn thực phẩm của phương Tây

Chính phủ Nga đang xúc tiến việc tiêu hủy hàng loạt thực phẩm nhập khẩu từ phương Tây bị cấm theo lệnh trừng phạt do điện Kremlin áp đặt vì vụ khủng hoảng ở Ukraine.

Trong vài ngày qua, truyền thông nhà nước đã phát sóng hình ảnh xe ủi cán nát phô mai hay công nhân đốt những hộp thịt xông khói đông lạnh. Các quan chức cho rằng biện pháp này là cần thiết cho sự an toàn của cộng đồng.

Ông Andrei Palchikov, một quan chức nông nghiệp phụ trách giám sát chương trình ở vùng Belgorod của Nga, nói rằng những hàng hóa này đề ra một “mối nguy hiểm”.

Ông Palchikov nói: “Nó không có bất kỳ nhãn hiệu hay dữ diệu về nhà sản xuất, ngày sản xuất, hạn sử dụng, do đó nó nguy hiểm và người dân không nên tiêu thụ”.

Các chương trình tiêu hủy thực phẩm được đưa ra sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ký lệnh tiêu hủy tất cả các loại thực phẩm phương Tây đã nhập vào Nga bất chấp lệnh trừng phạt hiện hành.

'Lò thiêu thực phẩm' cho 'các sản phẩm bị trừng phạt'

Biện pháp vừa kể đã được ghi nhận một cách kỹ càng và điện Kremlin đã lệnh cho quan chức phải quay phim quá trình tiêu hủy thực phẩm nhằm tránh tình trạng tham nhũng.

Các quan chức chính phủ nói rằng 350 tấn thực phẩm cấm đã bị tịch thu và tiêu hủy kể từ khi chương trình có hiệu lực từ ngày 6/8 và có rất ít dấu hiệu cho thấy chiến dịch đang giảm dần.

Giới hữu trách báo cáo hôm 10/8 rằng 3 tấn thịt bò và 20 tấn ớt đã bị tiêu hủy gần biên giới với Belarus vào cuối tuần qua. Bộ nông nghiệp của Nga thậm chí đã yêu cầu triển khai “lò thiêu thực phẩm” di động để tăng tốc độ công việc.

Những nhà hoạt động ủng hộ điện Kremlin cũng đã hành động trong chiến dịch tiêu hủy thực phẩm. Người ta thấy các cô gái mặc áo phông có in chữ “Ăn [thực phẩm] Nga” ở siêu thị Moscow và họ dán mác in chữ “sản phẩm bị trừng phạt” và có in hình một con gấu Nga lên các loại hạt và phô mai từ châu Âu.

Các hành động như vậy đã bị chế nhạo và chế giễu trên truyền thông xã hội.

Tuy nhiên, có những người khác chỉ trích quyết định của chính phủ là vô tâm trong một nước mà nhiều thế hệ vẫn còn nhớ những câu chuyện về nạn đói kém trong nhiều thập niên đầu của thời kỳ Xô Viết và sau đó là tình trạng thiếu hụt lương thực.

Ở St Petersburg cuối tuần vừa qua, Karina Hestanova đã cùng với một nhóm người biểu tình phản đối luật tiêu hủy thực phẩm.

Ký ức về nạn đói

Cô và những người khác nêu ra rằng nhiều cư dân cao tuổi ở nơi từng được gọi là thành phố Leningrad đã bị chết đói trong cuộc bao vây mở rộng của Đức Quốc xã trong chiến tranh thế giới thứ II.

Cô Hestanova nói: “Cho đến hôm nay, không ai vứt đi dù chỉ là những mảnh vụn trên bàn. Những gì họ đang làm thật đáng hổ thẹn”.

Một bản kiến nghị trực tuyến kêu gọi chính quyền bãi bỏ các quyết định đã thu được 340.000 chữ ký.

Tác giả của bản kiến nghị, cô Olga Savelieva, nói với đài VOA rằng cô ấy không quan tâm đến tính chính trị của các biện pháp chống lại sự trừng phạt của phương Tây. Tất cả những gì cô ấy yêu cầu là chính quyền hãy phân phát hàng hóa bị cấm cho những người Nga thiếu thốn.

Cô Savelieva nói: “Tiền trợ cấp thì ít trong khi giá cả ngày càng đắt đỏ, kể cả thực phẩm được sản xuất tại Nga”.

Theo số liệu chính thức của nhà nước, 22 triệu người Nga hiện đang sống trong nghèo đói. Các chuyên gia không thuộc nhà nước cho rằng con số đó còn cao hơn, khi nền kinh tế của Nga đã rũ xuống dưới sức nặng của biện pháp trừng phạt của phương Tây và giá dầu thế giới giảm.

Phát ngôn viên của Tổng thống Putin, ông Dmitry Peskov, tỏ dấu hiệu cho thấy điện Kremlin có thể thỏa hiệp về chương trình tiêu hủy thực phẩm.

Phát biểu với báo giới, người phát ngôn điện Kremlin nói rằng các chính sách lương thực vẫn sẽ được giữ nguyên. Chính phủ sẽ thảo luận về các ý kiến trực tuyến khi nhóm họp vào cuối tuần này. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

4.
Phó Chánh án Tòa án tối cao Hoa Kỳ thăm Việt Nam

Phó chánh án Tòa án Tối cao Hoa Kỳ, bà Ruth Bader Ginsburg, hôm nay kết thúc chuyến làm việc chính thức tại Hà Nội.

Thông cáo báo chí của Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội cho biết trong chuyến thăm và làm việc tại thủ đô Hà Nội, phó chánh án Tòa án Tối cao Hoa Kỳ Ruth Bader Ginburg gặp thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng thảo luận về pháp quyền.

Bà Ruth Bader Ginburg còn có các cuộc gặp với phó chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn thị Kim Ngân, chánh án Trương Hòa Bình, người đứng đầu Hội đồng Thẩm phán của Tòa án Nhân dân Tối cao Việt Nam mới được bổ nhiệm vào tháng 7 vừa qua.

Tại các cuộc gặp phó chánh án Tòa án Tối cao Hoa Kỳ thảo luận với các cơ quan chức năng Việt Nam về cải cách luật pháp, trình bày về Hệ thống Tòa án của Hoa Kỳ cũng như Tòa án Tối cao nước Mỹ.

Ngoài ra khi có mặt tại Hà Nội, bà phó chánh án Tòa án Tối cao Hoa Kỳ còn gặp gỡ, trao đổi với những thành viên của Chương trình Sáng kiến Thủ Lĩnh Trẻ Đông Nam Á, các sinh viên luật, các học giả về pháp quyền và truyền thông trong nước Việt Nam.

Luật sư Nguyễn Văn Đài, một cựu tù nhân chính trị tại Việt Nam, cho rằng hợp tác cải cách tư pháp như các hoạt động lâu nay giữa Hoa Kỳ và Việt Nam sẽ không có hiệu quả nếu không có cải cách về hệ thống chính trị tại Việt Nam:

"Muốn cải cách hệ thống luật pháp thì trước hết phải cải cách hệ thống chính trị, vì hệ thống chính trị sinh ra luật pháp. Nếu hệ thống chính trị mà duy trì hệ thống toàn trị, độc đảng như Việt Nam thì cho dù các văn bản luật pháp từ Hiến pháp cho đến các đạo luật được viết hay như thế nào chăng nữa thì trong thực tế không được thi hành một cách triệt để. Một ví dụ điển hình là tất cả các quyền con người đều được ghi nhận trong hiến pháp Việt Nam và kể cả các chuyên gia pháp lý trên thế giới cũng đánh giá rất cao những quyển con người được ghi trong đó. Thế nhưng trên thực tế từ năm 1946 đến nay, trải qua 4-5 lần sửa đổi hiến pháp rồi mà quyền con người ở Việt Nam vẫn chưa được thực hiện, chưa được tôn trọng.

Quan điểm của tôi là dù chính phủ Hoa Kỳ hay bất kỳ chính phủ và tổ chức quốc tế nào muốn giúp Việt Nam thì điều đầu tiên là cần khuyến cáo chính quyền Việt Nam sửa chữa hay khắc phục hệ thống chính trị, tôn trọng quyền tự do-dân chủ cho dân trước; tức tôn trọng thể chế chính trị đa đảng. Có thế thì khi những luật pháp được viết ra mới có giá trị trong thực tiễn. Còn nếu không cho dù viết hay đến đâu nó vẫn không có giá trị trong thực tiễn đâu.”

Xin được nhắc lại chuyến thăm của phó chánh án Tóa án Tối cao Hoa Kỳ Ruth Bader Ginburg được Chương trình Diễn giả của Bộ Ngoại giao Mỹ tổ chức. Hoạt động này nằm trong khuôn khổ những cố gắng thúc đẩy quan hệ Đối tác Toàn diện Việt-Mỹ được ký kết vào tháng 7 năm 2013.

Năm nay Hoa Kỳ và Việt Nam cũng tiến hành nhiều hoạt động để kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa đôi bên.

Bà phó chánh án Tòa án Tối cao Hoa Kỳ sau khi kết thúc làm việc tại Hà Nội còn vào Sài Gòn tiếp tục chuyến thăm 5 ngày tại Việt Nam. - RFA
|
|

Tin Việt Nam

5.
Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ, Việt Nam chịu tác động gì? --- Vì sao TQ phá giá đồng nhân dân tệ?

Ngân hàng trung ương Trung Quốc hôm nay, 11/8, đã phá giá đồng Nhân dân tệ gần 2%, xuống mức thấp nhất so với đồng đôla Mỹ trong ba năm qua.

Mức phá giá 1,9% này được coi là mạnh nhất tại Trung Quốc trong hai thập kỷ qua, và đang tác động mạnh lên thị trường tài chính thế giới.

Các chuyên gia cho rằng bước đi của Trung Quốc có thể dẫn tới nguy cơ xảy ra “chiến tranh tiền tệ” nhằm giành lợi thế cho hàng hóa xuất khẩu.

Về tác động của việc phá giá này đối với Việt Nam, Tiến sỹ kinh tế Lê Đăng Doanh nhận định với VOA Việt Ngữ:

“Phá giá gần 2% là một sự phá giá giá đáng kể. Trước đây, hàng hóa của Trung Quốc đã rất rẻ vì nhiều lý do. Nhưng bây giờ Trung Quốc phá giá thì chắc chắn sẽ làm cho hàng hóa của Trung Quốc rẻ hơn khi xuất khẩu và vì vậy cho nên Trung Quốc sẽ có khả năng đẩy mạnh xuất khẩu và hàng hóa Trung Quốc sẽ có năng lực cạnh tranh cao hơn so với mặt hàng của các nước khác, đặc biệt là của Việt Nam. Đấy là điều tôi thực sự lo ngại.”

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc nói rằng việc phá giá đồng nhân dân tệ nhằm quản lý tỷ giá tốt hơn trước các diễn biến trên thị trường, trong bối cảnh tỷ lệ xuất khẩu của nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới sụt giảm mạnh.

Trong khi đó, hành động của Bắc Kinh đã gây phản ứng dây chuyền ở các nền kinh tế khác. Các đồng tiền của nhiều quốc gia Đông Nam Á như Thái Lan, Singapore và Philippines đồng loạt giảm giá.

Tiền tệ của khối ASEAN được coi là mất giá mạnh nhất so với đồng đôla Mỹ kể từ đầu năm nay trong khi kinh tế của của các thành viên trong hiệp hội này giảm tốc.

Về bước đi sắp tới nên làm của Việt Nam, ông Doanh nói:

“Việt Nam cần phải xem xét và điều chỉnh tỷ giá đồng Việt Nam bởi vì tỷ giá đồng Việt Nam từ đầu năm cho tới nay đã điều chỉnh 2%, nhưng đồng đôla đã mạnh lên và nhiều đồng tiền đã giảm giá kể cả đồng Euro. Bây giờ nếu như người láng giềng của Trung Quốc, có mối quan hệ thương mại và xuất khẩu mạnh nhất vào thị trường Việt Nam, lại phá giá thì đấy là điều mà Việt Nam cần phải xem xét sớm”.

Kinh tế gia này cho biết thêm rằng sau những sóng gió trong quan hệ giữa hai nước thời gian qua, thì “chỉ có mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vào Trung Quốc gặp khó khăn, chứ còn xuất khẩu của Trung Quốc vào Việt Nam vẫn tiến triển đáng kể”.

Chính quyền Việt Nam chưa thông báo về các bước đi sau khi Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ. - VOA

***
Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc vào hôm thứ Ba xuống mức thấp nhất trong gần ba năm qua.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) quyết định nhanh chóng sau khi kết quả kinh tế yếu kém được đưa ra hồi cuối tuần rồi.

Với mức giảm 1,9%, PBOC nói đây là bước đi trước nhằm hướng tới cải cách tiền tệ.

Nhưng thời điểm phá giá khiến một số người cho rằng Trung Quốc đang nỗ lực hỗ trợ cho các nhà xuất khẩu nước này.

Hồi tháng Bảy, xuất khẩu bất ngờ giảm 8%, chiếm phần lớn trong nền kinh tế Trung Quốc.

Gần đây, Bắc Kinh đã cố giữ đồng nhân dân tệ để người dân trong nước có thể mua hàng hóa nhiều hơn và các công ty Trung Quốc có thể đầu tư ra nước ngoài một cách dễ dàng hơn. Nay, việc thay đổi chính sách rất có thể sẽ đem đến những nguy cơ.

Với các nhà đầu tư, câu hỏi là liệu giờ là lúc nên bán hay nên giữ đồng nhân dân tệ.

Tuy nhiên, ảnh hưởng của việc phá giá đồng nhân dân tệ không chỉ giới hạn trong phạm vi nền kinh tế Trung Quốc, theo bình luận của chủ biên kinh tế BBC, Robert Peston dưới đây.

Robert Peston, Chủ biên kinh tế BBC

Các nhà đầu tư thế giới lâu nay bị ám ảnh với chuyện khi nào Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed) sẽ kết thúc kỷ nguyên áp mức lãi suất gần như bằng không, trong lúc kinh tế Mỹ đã gần như trở lại bình thường.

Thế nhưng có lẽ họ đang nhìn không đúng chỗ, nếu xét tới việc điều gì có ảnh hưởng tới dòng vốn và hoạt động kinh tế xuyên quốc gia.

Bởi quyết định của PBOC phá giá đồng nhân dân tệ 1,9% sẽ có tác động toàn cầu, cả trong thời gian ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.

Ngay lập tức, quyết định trên làm tăng tính cạnh tranh của hàng xuất khẩu của Trung Quốc vào thời điểm nền kinh tế nước này đang tăng ở mức chậm nhất kể từ sáu năm qua, và khi mà nhiều kinh tế gia sợ rằng việc chững lại sẽ trở thành vấn đề đau đớn, cấp bách cần xử lý.

Việc phá giá đồng nhân dân tệ sẽ gợi lại những quan ngại rằng vẫn còn rất lâu nữa Bắc Kinh mới làm mới nền kinh tế để tạo sự tăng trưởng cân bằng hơn, dựa trên những nhu cầu tiêu thụ nội địa mạnh mẽ hơn.

Sự suy yếu của đồng tiền tệ nước này cũng sẽ khiến Fed bị chú ý.

Trên thực tế là Trung Quốc đang xuất tình trạng giảm phát sang Hoa Kỳ.

Nói cách khác, với các nhà sản xuất và xuất khẩu Hoa Kỳ thì Bắc Kinh đã thắt chặt chính sách tiền tệ.

Về trung hạn, Trung Quốc sẽ lại nêu quan ngại về chuyện cạnh tranh thương mại không công bằng.

Không ai nghi ngờ gì, các ứng viên chạy đua chức tổng thống Hoa Kỳ, nhất là phía đảng Cộng hòa, sẽ than phiền nhiều hơn về việc Trung Quốc nỗ lực tái xác lập thị phần xuất khẩu nhằm chặn mức ảnh hưởng của tình trạng đi xuống không thể tránh khỏi của nền kinh tế Trung Quốc.

Về dài hạn, hiện chưa rõ việc phá giá tiền tệ có ảnh hưởng ra sao tới tham vọng của Trung Quốc trong việc muốn đưa đồng nhân dân tệ trở thành một loại tiền tệ dự trữ, được hiểu theo định nghĩa của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Các kinh tế gia của IMF và các quan chức tại các ngân hàng trung ương, là những người có quyền điều chỉnh quy chế của các loại tiền tệ dự trữ, sẽ cân nhắc xem liệu việc một ngân hàng trung ương như PBOC buộc phá giá hoặc định giá lại tiền tệ có làm sai lệch đi hoạt động của thị trường tự do hay không.

PBOC đang nói rằng việc làm đồng nhân dân tệ suy yếu là bước đi nhằm tiến tới việc có tỷ giá hối đoái được thị trường tự điều tiết mạnh mẽ hơn.

Với những áp lực thị trường trong những tuần vừa qua, thực tế cho thấy những lỗ hổng trong nền kinh tế Trung Quốc đã ngày càng lộ rõ hơn. - BBC
|
|

6.
Việt Nam tiếp nhận thêm 2 chiến đấu cơ của Nga

Thêm 2 máy bay tiêm kích đa năng Su-30MK2 của Nga trong tổng số 12 chiếc được Việt Nam đặt mua đã được bàn giao tại sân bay Đà Nẵng.

Truyền thông trong nước cho biết, hai chiếc Su-30MK2 được vận chuyển bởi máy bay vận tải An-124-100 Ruslan từ thành phố Komsomolsk nằm trên bờ sông Amur, vùng viễn đông của Nga, đến sân bay Đà Nẵng của Việt Nam ngày 7/8.

Hai chiếc Su-30MK2 này được sản xuất tại nhà máy Gagarin, một chi nhánh của công ty hàng không Sukhoi.

Theo hợp đồng trị giá khoảng 450 triệu USD ký năm 2013 giữa Việt Nam và Nga, 12 máy bay tiêm kích đa năng Su-30MK2 sẽ được Nga bàn giao cho phía Việt Nam từ năm 2014 đến 2015.

Trong giai đoạn từ năm 2004 đến 2012, Lực lượng Không quân và Phòng không Việt Nam đã nhận được tổng cộng 24 chiếc Su-30MK2.

Năm 2014, Nga bàn giao 4 chiếc Su-30MK2 trong hợp đồng 12 chiếc.

Tính đến cuối năm 2015, Không quân Việt Nam sẽ có 3 phi đội với 36 máy bay chiến đấu Su-30MK2.

Một nguồn tin quân sự của Nga nói với hãng tin nhà nước RIA Novosti: “Một phiên bản gần giống [Su-30MK2], trị giá khoảng 35-37 triệu USD một chiếc, đã được bán cho Trung Quốc trước đó”.

Máy bay chiến đấu đa năng Su-30MK2 là phiên bản của chiến đấu cơ đa năng Su-27 Flanker với hai chỗ ngồi và trang bị bằng hệ thống điện tử được nâng cấp và khả năng phóng phi đạn chống tàu.

Hiện nay, máy bay chiến đấu vẫn là mặt hàng chính trong xuất khẩu vũ khí của Nga.

Tiềm kích đa năng Su-27/30 Flanker, máy bay chiến đấu Mikoyan MiG-29 Fulcrum, trực thăng vũ trang Mil Mi-24/3, trực thăng vận tải chiến đấu Mi-17 và trực thăng hải quân Kamov Ka-28/31 nằm trong số những mặt hàng bán chạy nhất trong ngành xuất khẩu vũ khí của hàng không Nga.

Nga là một trong các nước xuất khẩu nhiều vũ khí sang Việt Nam.

Ngoài máy bay tiêm kích đa năng, Việt Nam còn mua 6 chiếc tàu ngầm hiện đại trị giá khoảng 2 tỷ đôla từ Moscow. - VOA

No comments:

Post a Comment