Tin Thế Giới
1.
Biều tình lớn ở Nhật Bản chống dự luật mới về quân sự --- Bộ Quốc phòng Nhật Bản đề nghị tăng ngân sách lên 42 tỷ đô la
Hàng chục ngàn người Nhật đã tập trung gần trụ sở quốc hội ở Tokyo hôm Chủ nhật để phản đối một dự luật sẽ cho phép quân đội Nhật Bản tác chiến ở nước ngoài lần đầu tiên kể từ sau Thế chiến thứ II.
Tại một trong những cuộc biểu tình lớn nhất ở Nhật Bản trong những năm gần đây, đám đông hô khẩu hiệu "Không chiến tranh," và "Ông Abe từ chức," trong lúc cảnh sát tìm cách vãn hồi trật tự.
Cuộc biểu tình ở Tokyo là một trong nhiều cuộc biểu tình được hoạch định trên cả nước để phản đối kế hoạch và chính sách an ninh của Thủ tướng Shinzo Abe nhằm sửa đổi hiến pháp chủ hòa sau chiến tranh với những hạn chế đối với hoạt động quân sự của nước này.
Hồi tháng 7, hạ viện Nhật Bản đã thông qua một nhóm các dự luật cho phép lực lượng phòng vệ Nhật Bản tham gia tác chiến để bảo vệ cho một đồng minh bị tấn công.
Thượng viện Nhật Bản đang tranh luận về các dự luật đó, và theo dự trù sẽ thông qua các dự luật đó để ban hành thành luật trước cuối tháng 9 sắp tới.
Theo hiến pháp của nước này, Nhật Bản chỉ có thể sử dụng lực lượng của họ trong những trường hợp tự vệ.
Nhưng ông Abe và những người ủng hộ nói rằng Nhật Bản cần phải gia tăng khả năng quân sự để chống lại những mối đe dọa từ những nước như Bắc Triều Tiên và Trung Quốc – là những nước đang tăng cường khả năng quân sự và hạt nhân của họ.
"Tình hình an ninh xung quanh Nhật Bản trở thành một thách thức ngày càng lớn. Trước tình hình đó, dự luật bảo vệ mạng sống của người dân Nhật Bản mang tính cần thiết tuyệt đối, và cũng để ngăn đất nước không rơi vào chiến tranh," ông Abe phát biểu như vậy về những dự luật an ninh mới hồi trước đây trong năm.
Một hồ sơ của Bộ Quốc phòng Nhật Bản nhan đề "Quốc phòng Nhật Bản năm 2015" nhấn mạnh đến những nỗ lực mang tính hung hăng và "áp chế" của Trung Quốc nhằm khoanh vùng những khu vực lãnh hải có tranh chấp chủ quyền, trong đó có việc xây dựng một dàn khoan khí đốt trên biển.
Các dự luật an ninh sẽ sửa đổi 10 luật hiện hành và sẽ cho quân đội có phạm vi hoạt động rộng hơn để bảo vệ cho nhân dân và quyền lợi của Nhật Bản, để tham gia các hoạt động tự vệ chung, và bảo vệ cho các đồng minh, chẳng hạn như Hoa Kỳ.
Nhưng nhiều người Nhật mạnh mẽ ủng hộ Điều 9 của hiến pháp hậu chiến tranh, không cho phép sử dụng lực lượng phòng vệ để gây chiến hoặc giải quyết các tranh chấp quốc tế. - VOA
***
Hôm nay 31/08/2015, theo AFP, Bộ Quốc phòng Nhật Bản công bố dự kiến tăng ngân sách, với tổng số tiền là 5.090 tỷ yen (tương đương 42 tỷ đô la). Lý do của khoản chi phí vượt trội này là để tăng cường bảo vệ các đảo nhỏ nằm xa quần đảo Nhật Bản, đặc biệt là cụm đảo Senkaku, mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, trước "đe dọa" từ Bắc Kinh.
Nếu được phê chuẩn, đây là năm thứ tư liên tục, Tokyo tăng ngân sách quốc phòng. Mức tăng của năm tới, từ tháng 4/2016 đến tháng 3/2017, dự kiến sẽ nhiều hơn 2,2% so với năm ngoái, mức chi phí được coi là kỷ lục từ trước đến nay. Năm 2015-2016, ngân sách quốc phòng của Nhật đã tăng 2%.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản thông báo ý định trang bị thêm 17 trực thăng tuần tra SH-60K, ba máy bay do thám không người lái Global Hawks và 12 phi cơ lên thẳng Osprey.
Dự kiến ngân sách này còn phải được sự phê chuẩn của Bộ Tài chính, chính phủ và Quốc hội. Theo các nhà quan sát, nhiều khả năng yêu cầu của Bộ Quốc phòng sẽ được thông qua, trong bối cảnh ngoài Bắc Kinh, Tokyo còn có các căng thẳng với Bắc Triều Tiên, Hàn Quốc và Nga.
Kế hoạch gia tăng ngân sách quốc phòng của Nhật Bản năm nay là nằm trong chủ trương tăng 5% chi phí quân sự của Thủ tướng Shinzo Abe trong nhiệm kỳ 2014-2019, với tổng ngân phí là 24.700 tỷ yen (khoảng 200 tỷ đô la).
Trong những năm gần đây, trước việc Trung Quốc tăng cường hiện diện quân sự tại các vùng đảo tranh chấp ở Biển Đông, khiến xung đột có thể bùng phát, Tokyo liên tục có các nỗ lực nhằm siết chặt quan hệ quốc phòng với Hoa Kỳ và nhiều quốc gia Đông Nam Á. Dự định sửa đổi Hiến pháp chủ hòa của Nhật Bản, cho phép quân đội nước này có thể tham chiến tại nước ngoài, khiến nhiều người Nhật lo ngại. Hôm qua, hàng trăm nghìn người xuống đường phản đối, riêng tại Tokyo, có khoảng 120.000 người tham gia tuần hành.
Biến cố gần nhất khiến quan hệ Nhật-Trung căng thẳng là việc Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon nhận lời mời của Bắc Kinh đến dự lễ duyệt binh mừng 70 năm ngày "đế quốc Nhật bại trận" trong Thế chiến Hai. Cuộc duyệt binh ngày 03/09 bị hầu hết lãnh đạo các nước Phương Tây tẩy chay. Hôm nay, Tokyo kêu gọi Liên Hiệp Quốc giữ lập trường "trung lập". - RFI
|
|
2.
Phát hiện mỏ khí đốt 'lớn nhất thế giới'
Tập đoàn năng lượng Eni của Italy nói họ phát hiện một trong các mỏ khí đốt lớn nhất thế giới ngoài khơi Ai Cập.
Công ty này nói khu vực này nằm dưới mặt biển 1.450 mét và có diện tích 100 km vuông.
Mỏ này có thể có trữ lượng tới 30 ngàn tỉ cubic feet khí đốt, hoặc tương đương 5,5 tỉ thùng dầu, Eni nói.
Công ty nói mỏ Zohr "có thể là nơi có trữ lượng khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới được phát hiện" và giúp Ai Cập về nhu cầu khí đốt trong nhiều thập niên.
"Việc phát hiện này sẽ có thể làm thay đổi sâu rộng bức tranh năng lượng của Ai Cập," Claudio Descalzi, tổng giám đốc điều hành Eni nói.
Eni là hãng năng lượng nước ngoài lớn nhất tại châu Phi.
Hồi tháng Sáu, công ty này ký một thỏa thuận thăm dò với Bộ Dầu khí Ai Cập có trị giá tới 2 tỉ USD cho phép hãng này thăm dò ở Sinai, Vịnh Suez, Địa Trung hải và khu vực Châu thổ sông Nile.
Việc Eni phát hiện mỏ khí đốt này được công bố sau khi láng giềng của Ai Cập là Israel phát hiện mỏ khí lớn tại Địa Trung Hải vài năm trước. - BBC
|
|
Tin Hoa Kỳ
3.
Báo Mỹ: Washington chuẩn bị trừng phạt TQ vì các vụ tin tặc
Nhật báo Washington Post hôm chủ nhật cho biết chính phủ của Tổng thống Obama đang chuẩn bị những biện pháp chế tài kinh tế trước đây chưa từng có nhắm vào các công ty và cá nhân Trung Quốc được hưởng lợi từ việc đánh cắp bí mật thương mại của Mỹ. Theo tường thuật của thông tín viên Victor Beattie của đài VOA, quyết định này dự kiến sẽ được chính thức loan báo trong vòng hai tuần nữa, trước khi Chủ tịch Tập Cận Bình đến thăm Hoa Kỳ vào tháng tới.
Tờ Washington Post trích lời một số giới chức chính phủ Mỹ nói rằng Hoa Kỳ chưa quyết định ban hành các biện pháp chế tài, trong đó có thể có việc đóng băng tài sản và ngăn chận những vụ giao dịch tài chánh của những người dính líu tới các vụ tấn công mạng. Tuy nhiên, họ cho biết quyết định chót dự kiến sẽ được loan báo trong hai tuần nữa, vào khoảng thời gian Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Washington để thực hiện chuyến viếng thăm chính thức đầu tiên. Các giới chức Mỹ nói sự lựa chọn thời điểm để loan báo chế tài có mục đích nêu bật sự tức giận của các giới chức ở Washington đối với những hoạt động tin tặc của Trung Quốc.
Theo tờ Washington Post, Trung Quốc không phải là nước duy nhất xâm nhập các hệ thống máy vi tính ở Mỹ để đánh cắp bí mật thương mại, nhưng họ là nước tích cực nhất. Bài tường thuật trích dẫn báo cáo của Cơ quan Điều tra Liên bang (FBI) cho biết những vụ án gián điệp kinh tế đã tăng 53% trong năm vừa qua, và hầu hết các vụ án này có dính líu tới Trung Quốc.
Tháng 5 năm 2014, giới hữu trách Mỹ truy tố 5 viên sĩ quan của quân đội Trung Quốc thuộc đơn vị tin tặc 61398 về tội xâm nhập các hệ thống máy tính của các công ty hạt nhân, luyện thép và điện mặt trời của Mỹ để đánh cắp bí mật thương mại. Năm 2013, công ty an ninh mạng Mediant ở Mỹ tố cáo Bắc Kinh thực hiện một chiến dịch tấn công mạng rất tinh vi nhắm vào các công ty, chính phủ và những cơ sở hạ tầng trọng yếu của Mỹ.
Trung Quốc đã bác bỏ những tố cáo đó và khăng khăng cho rằng họ là nạn nhân của những vụ tấn công mạng. Năm 2013, cựu nhân viên khế ước của Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Edward Snowden tiết lộ một chương trình theo dõi bí mật với qui mô lớn mà tình báo Mỹ thực hiện trên khắp thế giới.
Tháng 4 năm nay, Tổng thống Barack Obama đã ban hành một mệnh lệnh hành chánh để xúc tiến chương trình chế tài đầu tiên từ trước tới nay nhằm trừng phạt tài chánh những cá nhân và tổ chức bên ngoài nước Mỹ dính líu tới những vụ tấn công mạng.
Ông Ankit Panda, biên tập viên thời sự Á Châu-Thái Bình Dương của tờ The Diplomat, cho rằng Hoa Kỳ không tuyên bố chiến tranh mạng với Trung Quốc.
"Tôi nghĩ rằng đây là một nỗ lực để làm cho những hành vi của Trung Quốc bớt táo tợn hơn, để áp đặt những cái giá mà họ phải trả, để chứng tỏ cho Trung Quốc thấy là có những cái giá cho những cá nhân và những công ty bị cho là thủ phạm của những vụ gián điệp mạng và đánh cắp trên mạng. Và, quí vị đừng quên là Trung Quốc đã lập luận, nhất là sau khi có những tiết lộ của ông Snowden, rằng “chúng tôi không phải là nước duy nhất làm những chuyện này”, Hoa Kỳ cũng làm như vậy. Nhưng tôi nghĩ rằng Washington muốn làm rõ một điều là theo dõi cho các mục đích an ninh quốc gia là hoàn toàn khác với gián điệp thương mại. Tôi nghĩ rằng Washington tố cáo quân đội Trung Quốc tạo điều kiện cho việc đánh cắp tài sản trí thức để làm lợi cho các công ty Trung Quốc, và tôi nghĩ rằng, nước Mỹ muốn thông qua những biện pháp chế tài kinh tế này để tuyên bố rằng những hành vi đó là không thể chấp nhận."
Theo tường thuật của tờ Washington Post, các giới chức Mỹ nói mặc dù chế tài không thôi thì không đủ để thay đổi cách hành xử của Trung Quốc, nhưng nếu được thực hiện một cách nhịp nhàng với những biện pháp khác để gây sức ép trên những lãnh vực ngoại giao, chấp hành pháp luật, quân sự, và tình báo, thì việc này sẽ bắt đầu áp đặt lên Trung Quốc những cái giá mà họ phải trả cho những vụ tin tặc.
Bài tường thuật cho rằng Hoa Kỳ sẽ đối mặt với những mối rủi ro, trong đó có việc Trung Quốc sẽ thực hiện những hành động để trả đũa. - VOA
|
|
4.
31 Thượng nghị sĩ Mỹ bày tỏ ủng hộ hiệp ước hạt nhân Iran
Thêm một Thượng nghị sĩ Dân chủ Mỹ nữa, ông Jeff Merkley, đại diện bang Oregon, hôm Chủ nhật tuyên bố sẽ ủng hộ hiệp ước quốc tế ngăn cấm Iran chế tạo vũ khí hạt nhân.
Ông Merkley là thượng nghị sĩ thứ 31 lên tiếng sẽ biểu quyết ủng hộ cho hiệp ước hạt nhân vào tháng tới, mang lại cho Tổng thống Barack Obama khả năng tiến gần hơn đến sự chắc chắn về số phiếu sẽ ủng hộ cho hiệp ước.
Hiệp ước, do Hoa Kỳ cùng với 5 cường quốc thế giới làm trung gian điều giải, kêu gọi quốc tế giám sát chương trình hạt nhân của Iran, để đổi lại việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của Liên hiệp quốc và phương Tây đã gây khốn đốn cho kinh tế của Iran trong những năm qua.
Hai viện của Quốc hội Hoa Kỳ đều do Ðảng Cộng hòa, đối lập với ông Obama kiểm soát, dự trù sẽ biểu quyết về hiệp ước này vào giữa tháng 9. Chưa có nghị sĩ Cộng hòa nào lên tiếng sẽ ủng hộ thỏa thuận. Các nhà phân tích ước đoán rằng Hạ viện sẽ biểu quyết bác bỏ thỏa thuận.
Tại Thượng viện, cuộc biểu quyết sẽ suýt soát hơn, với 54 đại biểu của phe đa số Cộng hòa cần thêm sáu đại biểu Dân chủ nữa để phản đối hiệp ước. Mới có hai đại biểu Dân chủ loan báo bác bỏ hiệp ước.
Nếu cả Thượng viện lẫn Hạ viện bác bỏ thỏa thuận hạt nhân này, Tổng thống Obama nói ông sẽ phủ quyết, buộc lưỡng viện Quốc hội phải có được thế đa số hai phần ba mới lật lại được phủ quyết của tổng thống. Chỉ cần 34 phiếu thuận của Thượng viện là đủ để giữ phủ quyết của tổng thống. Nay với sự hậu thuẫn của ông Merkley, Tổng thống Obama chỉ cần có được ba phiếu nữa để không bị đảo ngược phủ quyết.
Những người ủng hộ Ðảng Dân chủ của ông Obama trong Thượng viện đang tranh thủ thêm sự ủng hộ cho hiệp ước, với tối thiểu là 41 phiếu thuận để tránh việc tổng thống phải phủ quyết.
Ông Merkley nói ông nghĩ rằng hiệp ước này có "nhiều thiếu sót đáng kể," nhưng đó là đường lối tốt nhất để ngăn không cho Iran thủ đắc vũ khí hạt nhân.
"Vì những thiếu sót như vậy, nhiều người tranh luận rằng Hoa Kỳ, thay vì xúc tiến thỏa thuận này, nên rút khỏi thỏa thuận, thuyết phục các đối tác bỏ thỏa thuận sang một bên, và cùng làm việc với nhau để thương thảo một thỏa thuận mới tốt hơn," ông Merkey nói. "Tuy nhiên, viễn ảnh đó rất thấp. Tất cả đối tác của chúng ta tin vào thỏa thuận hiện nay trong mục tiêu chính là ngăn bước đường của Iran tiến đến vũ khí hạt nhân. Họ phải cam kết uy tín của chính phủ họ đối với hiệp ước và dự định tôn trọng hiệp ước, cũng giống như phía Iran phải làm như vậy, bất kể có hay không có Hoa Kỳ." - VOA
|
|
Tin Việt Nam
5.
Đài Loan: TQ sắp tuyên bố vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông
Các công trình lấp biển xây đảo của Trung Quốc ở Biển Đông đã thay đổi hoàn toàn cấu trúc chiến lược trong khu vực, và theo hãng tin CNA của nhà nước Đài Loan hôm nay, giờ đây, Trung Quốc sẽ đẩy nhanh tiến trình quân sự hoá và sẽ tuyên bố một khu nhận dạng phòng không trong khu vực.
Trong một phúc trình nộp cho viện lập pháp về sức mạnh quân sự của Trung Quốc, Bộ Quốc phòng Đài Loan nói vào tháng 9/2013, Trung Quốc đã khởi sự đổ cát lên Đá Gạc Ma, một trong hơn 50 bãi cạn và đá ngầm trong Biển Đông. Trung Quốc sau đó tiến hành lấn biển xây đảo tại 6 bãi đá khác và đang xây một bến cảng, nhiều phi đạo và các cơ sở hạ tầng khác.
Phúc trình này nói rằng nay Trung Quốc đang đẩy nhanh tiến trình quân sự hoá các đảo mới để sử dụng như những tiền đồn trong Biển Đông.
Ngoài việc tuyên bố chủ quyền và khai thác tài nguyên thiên nhiên tại đây, Trung Quốc sẽ tuyên bố một khu nhận dạng phòng không trong khu vực.
Một bản tin của công ty truyền thông Fairfax Media của Úc hôm nay trích các nguồn tin quân sự cấp cao của Australia, nhận định rằng Trung Quốc đã thắng vòng đầu tiên trong cuộc tranh chấp để giành quyền kiểm soát Biển Đông khi hoàn tất việc xây dựng một quần đảo gồm các đảo mới do họ tạo ra.
Bản tin nói thêm rằng không có vật chướng ngại nào đáng kể thực sự cản trở Trung Quốc tiếp tục thắng vòng tranh chấp kế tiếp, trước sự do dự của chính phủ Mỹ và các đồng minh, trong đó có cả Australia, sẽ thực hiện những lời hứa đưa ra trước đó là sẽ thách thức những tuyên bố bất hợp pháp của Trung Quốc bằng các cuộc diễn tập để bảo vệ “quyền tự do hàng hải”.
Theo Fairfax Media, các nhà phân tích quân sự dự kiến là tới năm 2017, Trung Quốc sẽ trang bị các đảo tân tạo với những bến cảng, các căn cứ quân sự, pháo binh, đường băng và các hệ thống radar tầm xa. Những phương tiện này sẽ cho phép Trung Quốc phóng ra xa sức mạnh quân sự và phi quân sự tới những vùng biển xa xôi nhất, nơi có tranh chấp gay gắt nhất trong Biển Đông.
Những phương tiện đó cũng sẽ giúp Bắc Kinh cản trở các nước tuyên bố chủ quyền khác tại các vùng biển này, và gây gián đoạn các tuyến hàng hải hiện là nơi qua lại của 3/5 thương mại quốc tế.
Công ty Truyền thông Fairfax Media dẫn lời một nguồn tin chính thức nói rằng: “Trung Quốc đã thắng vòng đầu. Hiện rất khó có thể thấy được là họ sẽ bị cản lại, để không thắng vòng kế tiếp”.
Hồi tháng 5, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đòi ngưng tất cả mọi hành động cải tạo đất, và đề ra kế hoạch cho máy bay quân sự và tàu bè đi ngang qua vùng biển tranh chấp trong phạm vi 12 hải lý cách các đảo nhân tạo. Những cam kết này đã được Bộ trưởng Quốc phòng Úc Kevin Andrews mạnh mẽ ủng hộ, nhưng theo Fairfax Media,các chuyến bay ấy, kể cả phi vụ của máy bay trinh sát, diễn ra bên ngoài phạm vi 12 hải lý cách các đảo nhân tạo.
Trong khi Hoa Kỳ và các đồng minh gặp khó khăn trong việc hành động để đi kèm với lời nói của mình, thì hàng đoàn tàu nạo vét của Trung Quốc hoàn tất công tác cải tạo đất, kể cả xây nền móng cho một phi đạo dài 3.000 mét trong khu vực trên bãi Đá Subi, có khả năng phục vụ các phi cơ lớn nhất của Không quân Trung Quốc.
Bản tin nói rằng các công trình cải tạo đất phần lớn đã hoàn tất đúng lúc trước khi Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình sang thăm Washington trong 2 tuần nữa, trong khi các hình ảnh vệ tinh cho thấy là việc sử dụng các tàu nạo vét của Trung Quốc trong Biển Đông đã giảm khoảng 90% trong mấy tuần gần đây.
Một số chiến lược gia tin rằng Trung Quốc sẽ được rộng tay hành động cho tới ít nhất là năm 2017, là lúc Lào phải nhường chức Chủ tịch ASEAN lại cho một nước hội viên khác, và một chính phủ mới ở Hoa Kỳ đã lên cầm quyền.
Tuy nhiên một số giới chức Mỹ và Úc nói Trung Quốc chỉ thắng về mặt chiến thuật, nhưng sẽ thất bại về mặt chiến lược, trong bối cảnh các nước trên khắp khu vực sẽ có phản ứng bằng cách thắt chặt các quan hệ với nhau và với Hoa Kỳ. - VOA
|
|
6.
Anh em ông Đoàn Văn Vươn và gần 18300 người được ân xá dịp 2/9
Gần 18300 tù nhân tại Việt Nam vào ngày hôm nay 31 tháng 8 trở về nhà trong đợt đặc xá được cho là lớn thứ hai tại Việt Nam, chỉ sau lần năm 2009.
Trong số những người được về nhà trước khi mãn án tù, có những nông dân bị thu hồi đất trái luật như hai anh em ông Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Quý ở Tiên Lãng, Hải Phòng, ông Trần Văn Miên ở Dương Nội, Hà Nội.
Không phạm tội
‘Người nông dân nổi dậy’ là danh hiệu được nhiều người tại Việt Nam dành cho hai anh em Đoàn Văn Vươn và Đoàn Văn Quý trong vụ việc cho nổ bình ga tự chế và súng hoa cải để chống lại đoàn cưỡng chế đầm nuôi hải sản cùa gia đình này tại Cống Rộc, Tiên Lãng, Hải Phòng vào ngày 5 tháng giêng năm 2012.
Và hai anh em ông Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Quý, dù được dư luận cho là chỉ tự vệ và cảnh báo, đã bị tòa tuyên án 5 năm tù giam về tội ‘giết người’.
Sau hơn 3 năm 7 tháng bị tù, vào sáng ngày 31 tháng 8 khi ra khỏi Trại giam Hoàng Tiến ở Hải Dương, ông Đoàn Văn Vươn cho biết việc bị bỏ tù gây thiệt hại về vật chất và tinh thần cho gia đình ông; gánh nặng gia đình đổ lên vai hai người vợ và hành động trước đây ông làm là vì bị dồn vào bước đường cùng.
“Ông Đoàn Văn Vươn: Tôi Vươn đang nói đây.
Gia Minh: Anh có khỏe không?
Ông Đoàn Văn Vươn: Tôi vẫn bình thường, sức khỏe bình thường.
Gia Minh: Trong suốt hơn 3 năm bị giam trong trại thế nào?
Ông Đoàn Văn Vươn: Trong này tôi vẫn chấp hành theo qui định của trại.
Gia Minh: Bây giờ được gặp vợ, con, bà con trong hội nuôi trổng thủy sản thế nào?
Ông Đoàn Văn Vươn: Tôi phấn khởi lắm, xúc động.
Gia Minh: Trong thời gian qua gia đình thông tin việc bên ngoài cho ông ra sao?
Ông Đoàn Văn Vươn: Qua các lần gia đình đi thăm gặp cũng có cho biết tin về việc của gia đình, và được biết năm nay có chủ trương đặc xá.
Gia Minh: Còn chuyện làm ăn của gia đình thế nào?
Ông Đoàn Văn Vươn: Về chuyện làm ăn, nói thật với anh, khi tôi ở nhà chuyện làm ăn rất tốt; khi xảy ra sự cố thiệt hại rất lớn không thể tính được. Vắng người trụ cột, mọi chuyện dồn lại trên đôi vai của người phụ nữ thì không thể như bình thường. Bị rơi vào hoàn cảnh bắt buộc thôi.
Gia Minh: Được về rồi nhưng ông có nghĩ những việc làm của mình trước đây có sai trái không?
Ông Đoàn Văn Vươn: Những việc trước tôi làm hoàn toàn không sai trái! Vì đưa đẩy tôi đến bước đường cùng thì buộc tôi phải làm thế thôi.”
Một người nông dân khác được về nhà trong ngày 31 tháng 8 là ông Trần Văn Miên ở Dương Nội, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội. Ông này cũng vì không đồng tình về việc cưỡng chế thu hồi đất nông nghiệp của gia đình mà bị bắt vào ngày 26 tháng 3 năm 2014. Tòa tuyên án ông này 22 tháng tù giam về tội ‘gây rối trật tự công cộng’. Ông Trần Văn Miên được về nhà sớm 5 tháng theo bản án đã tuyên.
Bà Cấn Thị Thêu, người cùng địa phương và sát cánh đấu tranh đòi đất đai tại Dương Nội với những nông dân khác, vào sáng 31 tháng 8 cùng đi đón ông Trần Văn Miên từ trại giam Thanh Xuân, Hà Nội cho biết thông tin khi đi đón và việc ông này bị bắt:
“Khi ra khỏi trại có một số phóng viên, truyền hình phỏng vấn ông thì ông nói bản án oan sai, ông ta chẳng có tội gì cả. Vào trại họ cứ bắt ép ông phải nhận tội có mặt tại khu đó; ông nói ông chỉ có mặt khi người ta đến thu hồi đất của nhà ông trái pháp luật. Ông có mặt để nói người ta đừng cưỡng chế, ủi đất của nhà ông ta thôi; thế nhưng người ta bắt cóc ông giữa đường khi dụ vào một địa điểm khác, rồi giam ông ta cho đến hôm nay mới thả.”
Đón ‘anh hùng’
Nhiều người dân tại Cống Rộc, Tiên Lãng, Hải Phòng vào sáng ngày 31 tháng 8 cũng lên Hải Dương để đón hai anh em ông Đoàn Văn Vươn và Đoàn Văn Quý. Một trong những người đó là ông Vũ Văn Luân, tổng thư ký Liên chi Hội Nuôi trồng thủy sản nước lợ Huyện Tiên Lãng, cho biết việc cùng nhau đi đón hai đồng nghiệp bị tù mấy năm qua về như sau:
“Tôi có cảm giác là chúng tôi đi đón những người anh hùng của chúng tôi về. Và thực chất hành vi của những người ‘anh hùng’ đó, tiếng súng của anh Đoàn Văn Vươn là để bảo vệ công lý chứ không phải tiêu diệt chế độ. Hành vi của gia đình anh Đoàn Văn Vươn là phòng vệ chính đáng trong tình thế cấp bách được qui định tại Luật Hình sự; chứ việc đó không phải chống người thi hành công vụ. Chúng tôi giả sử chính quyền huyện Tiên Lãng không xông vào cướp đầm của anh Vươn, thì không bao giờ xảy ra chuyện đó. Tuy nhiên việc cũng đã qua rồi, chúng tôi mong muốn chính phủ Việt Nam sắp tới đây cần phải cân nhắc, xem xét lại bởi vì vụ việc này chúng tôi cho rằng là vụ án oan. Oan sai một cách nghiêm trọng chứ không phải đã được giải quyết thỏa đáng theo Hiến pháp và pháp luật.”
Nhóm thiểu số trong danh sách đặc xá
Một cựu tù nhân lương tâm khác là mục sư Tin Lành Nguyễn Trung Tôn, từ Thanh Hóa cho biết nhận định của ông về đợt thả tù đông người lần này nhân dịp Hà Nội kỷ niệm 70 năm ngày độc lập như sau:
“Số lượng được thả như gia đình anh Đoàn Văn Vươn và một số dân oan đất đai được thả về chỉ bấm trên đầu ngón tay. Theo tôi riêng bản án của họ hoàn toàn oan sai, lẽ ra họ không phải ngồi tù; nhưng nhà cầm quyền cố tình khép tội họ và đây là cơ hội để thể hiện theo cách mà tôi tạm gọi theo cách của họ là ‘lòng nhân đạo’.
Điều đặc biệt năm nay để kỷ niệm 70 năm ngày 2 tháng 9, ngày mà Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Ba Đình, thì trên 18 ngàn tù nhân được thả trước kỳ hạn. Điều này cũng làm xôn xao dư luận vì Việt Nam có thể sắp gia nhập TPP nên thả tù sớm mà trong đó có tù nhân chính trị; thế nhưng đến lúc này điều đó bị ‘hụt’. Số lượng hơn 18 ngàn tù nhân được thả không có tù nhân lương tâm, mà (hầu hết) là tù thường phạm: trộm cắp, hối lộ, nhận hối lộ, những người buôn bán heroin, mại dâm, giết người từ những thành phần ‘tệ nạn xã hội’. Không phải họ cải tạo tốt mà được tha tù trước thời hạn mà chắc chắn một điều họ chạy bằng tiền bạc để được thả ra trước thời hạn. Đợt tha tù này giúp những người chạy án đạt được mục đích cho người thân ra tù để tiếp tục cuộc sống trước đây. Ngoài ra cũng đạt mục đích giảm số tù nhân trong tù, giảm khoản phí của Cục Quản lý Trại giam, Bộ Công an, số người quản giáo … Tức nhà nước trút đi được một khoản phí.”
Hôm ngày 28 tháng 8, trong cuộc họp báo tại Văn phòng Chủ tịch nước, thứ trưởng Bộ Công an, thượng tướng Lê Quý Vương nói rõ trong lần đặc xá năm nay không có trường hợp phạm tội vi phạm an ninh quốc gia. - RFA