Wednesday, July 29, 2015

Tin Cập Nhật Thứ Tư 29/7

Tin Thế Giới

1.
Trung Quốc sắp lập vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông? --- Vùng phòng không biển Hoa Đông: TQ chặn hàng không dân dụng Lào

Các chuyên gia an ninh của Mỹ và các nước khác hồi gần đây đã bày tỏ quan tâm là không bao lâu nữa Trung Quốc sẽ tuyên bố thành lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông, nơi căng thẳng  đang leo thang vì những hoạt động xây đảo nhân tạo qui mô lớn của Bắc Kinh. Thông tín viên đài VOA Li Bao tường thuật

Trong năm vừa qua Trung Quốc đã ráo riết lấp biển để xây những hòn đảo nhân tạo ở Biển Đông, nơi có những vụ tranh chấp chủ quyền giữa Bắc Kinh với nhiều nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam và Philippines.

Thượng nghị sĩ John McCain, Chủ tịch Uỷ ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, nói rằng việc xây đảo nhân tạo chỉ là phần mở đầu. Ông cho rằng bước kế tiếp của Trung Quốc sẽ là bố trí vũ khí trên những hòn đảo đó và tuyên bố thiết lập một vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông để tăng cường cho các yêu sách chủ quyền của mình.

Hồi tuần trước tại một cuộc hội thảo tại Viện Hudson ở Washington, ông McCain đã phát biểu như sau:

“Họ xây phi đạo; họ sẽ đặt vũ khí ở đó, và việc kế tiếp mà quí vị sẽ thấy Trung Quốc làm là khi một chiếc máy bay của Mỹ bay ngang, bất kể là máy bay thương mại hoặc máy bay quân sự, họ sẽ đòi máy bay đó phải khai báo với họ. Họ lập ra một Vùng nhận dạng phòng không, mà sau đó có nghĩa là chủ quyền lãnh thổ”.

Vùng phòng không

Vùng nhận dạng phòng không là vùng trời trên đất liền hay trên biển mà nước lập ra yêu cầu những máy bay bay vào phải khai báo và kiểm soát tuyến bay của những máy bay đó để phục vụ cho các mục tiêu an ninh quốc gia. Một khu vực nới rộng không phận quốc gia của một nước giúp cho nước đó có thêm thời giờ để ứng phó với những phi cơ có thể có những hành động thù địch.

Nam Triều Tiên và Nhật Bản đã lập ADIZ nằm rất xa bên ngoài không phận quốc gia của họ và hai vùng đó chồng lấp với nhau. Trung Quốc cũng lập ADIZ ở Biển Đông Trung Hoa vào năm 2013.

Ông Peter Jennings, Giám đốc Viện Chính sách Chiến lược Australia, tin rằng Trung Quốc sẽ thiết lập một ADIZ tương tự ở Biển Đông sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình đến thăm Hoa Kỳ vào tháng 9.

Ông Jennings nói tại một cuộc hội thảo do Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược tổ chức ở Washington hôm 21 tháng 7:

“Sau chuyến viếng thăm đó, và sau khi nước Mỹ bước vào giai đoạn sôi nổi với cuộc vận động bầu cử tổng thống, tôi nghĩ rằng Trung Quốc có thể sẽ thực hiện bước kế tiếp này để củng cố sự khống chế của họ trong khu vực.”

Giáo sư Andrew Erickson của Trường Võ bị Hải quân Mỹ, cho biết ông tin rằng Trung Quốc sẽ tuyên bố thiết lập ADIZ ở Biển Đông trong vòng hai năm nữa.

Lập ADIZ ở Biển Đông

Tại một cuộc điều trần ở Hạ viện Mỹ hồi tuần trước, ông Erickson nói rằng những cơ sở mà Trung Quốc đang xây dựng trong khu vực quần đảo Trường Sa bao gồm một phi đạo dài 3.000 mét trên Bãi Đá Chữ Thập và ứng dụng hợp lý nhất của phi đạo này là hỗ trợ cho một ADIZ của Trung Quốc trong tương lai gần.

Washington nhiều lần khẳng định việc đơn phương tuyên bố một ADIZ ở Biển Đông sẽ phương hại tới quyền tự do hàng hải và cảnh báo Bắc Kinh chớ đưa ra một tuyên bố như vậy.

Hoa Kỳ đã phản ứng một cách kịch liệt đối với việc Trung Quốc lập ADIZ ở Biển Đông Trung Hoa và đã bày tỏ sự không thừa nhận của mình bằng cách phái máy bay quân sự bay qua vùng đó.

Theo giáo sư Erickson, không có luật lệ nào cấm Trung Quốc thiết lập ADIZ, nhưng ông nói rằng điều gây quan tâm cho Hoa Kỳ là cách thức Trung Quốc quản lý ADIZ của họ.

Ông nói “Đó là cách thức Trung Quốc áp dụng cho ADIZ ở Biển Đông Trung Hoa. Quân đội Trung Quốc tuyên bố những biện pháp phòng vệ khẩn cấp sẽ được áp dụng khi máy bay bay vào vùng này mà không tuân theo những đòi hỏi của Trung Quốc.”

Ông Erickson cho rằng “Điều đó hoàn toàn đi ngược với các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế".

Chưa phải lúc

Bắc Kinh tuyên bố họ có quyền thiết lập ADIZ gần lãnh thổ của mình, nhưng hiện nay không phải là thời điểm thích hợp để làm việc này ở Biển Đông.

Ông Ngô Sĩ Tồn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nam hải của Trung Quốc, cho rằng Bắc Kinh nên tránh đơn phương tuyên bố lập ADIZ ở Biển Đông, một điều mà ông cho sẽ làm căng thẳng leo thang và gây phương hại cho sự hợp tác quân sự giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.

Tại cuộc hội thảo ở Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược ở Washington, ông Ngô cho rằng Trung Quốc nên bảo đảm tự do hàng hải ở Biển Đông, tăng tốc tiến trình đàm phán với ASEAN để có một Bộ Qui tắc Ứng xử, và bảo đảm việc sử dụng cho mục tiêu dân sự của những cơ sở trên các hòn đảo nhân tạo.

Tuy nhiên, ông cũng nói với đài VOA là cuộc diện có thể thay đổi nếu có sự can dự của Nhật Bản. “Nhật Bản muốn cùng với Hoa Kỳ thực hiện những phi vụ tuần tra ở Biển Đông và hồi gần đây đã chỉ trích việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo,” ông Ngô nói. “Nếu một ngày nào đó Nhật Bản cùng với Mỹ thực hiện những phi vụ trinh sát ở cự ly gần, điều đó sẽ buộc Trung Quốc phải áp dụng những biện pháp đối phó.”

Các nước có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông đã mạnh mẽ chỉ trích việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo và tố cáo rằng Bắc Kinh muốn dùng những cơ sở trên các đảo đó cho mục tiêu quân sự. - VOA

***
Một máy bay của Lao Airlines trên đường từ Hàn Quốc về Vientiane, khi đi qua vùng biển Hoa Đông, đã bị Trung Quốc ngăn chặn, không cho bay qua vùng nhận diện phòng không mà Bắc Kinh đã thiết lập tại nơi có tranh chấp chủ quyền với Tokyo.

Website của nguyệt san Thế giới vận tải hàng không – Air Transport World, ngày 27/07/2015 cho biết, chuyến bay QV 916 của Lao Airlines cất cánh lúc 8 giờ sáng ngày ngày 25/07 từ sân bay Quốc tế Gimhae, Hàn Quốc, để quay về sân bay Vientiane của Lào.

Tuy nhiên, sau một tiếng bay, khi chiếc Airbus 320 của Lao Airlines qua vùng biển Hoa Đông, chuẩn bị vào vùng nhận diện phòng không (ADIZ) mà Bắc Kinh đã ngang nhiên thiết lập, các kiểm soát viên của Trung Quốc đã không cho máy bay hàng không dân dụng Lào đi vào khu vực này với lý do máy bay không có giấy phép bay qua không phận Trung Quốc. Do vậy, máy bay đã phải quay trở lại sân bay Gimhae.

Tháng 11/2014, Trung Quốc đã đăng Điện văn thông báo hàng không – Notice to Airmen – NOTAM liên quan đến việc thiết lập một vùng nhận diện phòng không mới, ở biển Hoa Đông. Điện văn yêu cầu các hãng hàng không nộp trước hành trình bay, chi tiết thông tin liên lạc cho cơ quan quản lý lưu không Trung Quốc nếu muốn đi qua ADIZ.

Năm 2013, Bắc Kinh thông báo lập vùng nhận diện phòng không ở biển Hoa Đông, trong khu vực đang có tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Ngay lúc đó, 2 hãng hàng không của Nhật Bản là Japan Airlines và All Nippon Airways đều không nộp trước các kế hoạch bay cho Bắc Kinh với lý không có nguy hiểm cho hành khách và không quan tâm đến yêu cầu của Trung Quốc. Thế nhưng, các hãng hàng không của Mỹ và Hàn Quốc lại chấp nhận đòi hỏi của Trung Quốc.

Không rõ Lao Airlines có nộp trước kế hoạch bay theo như yêu cầu của Trung Quốc hay không.

Theo nguyệt san Air Transport World, kể từ khi Trung Quốc lập ADIZ đến nay, chưa có chuyến bay hàng không dân dụng nào bị chặn và phải quay trở lại điểm xuất phát như chuyến bay QV 916 của Lao Airlines, cho dù không phải tất cả các hãng hàng không đều đáp ứng đòi hỏi của Trung Quốc. - RFI
|
|

2.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ thăm Trung Quốc

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tới Bắc Kinh, dự kiến hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Ông Erdogan dẫn đầu một đoàn đại biểu doanh nghiệp và chương trình làm việc được cho là tập trung vào thúc đẩy quan hệ kinh tế.

Cũng có tin hai bên sẽ bàn về kế hoạch mua hệ thống hỏa tiễn Trung Quốc tầm xa đang gây tranh cãi của Thổ Nhĩ Kỳ.

Chuyến đi của ông Erdogan diễn ra sau khi hai nước có căng thẳng ngoại giao xung quanh chủ đề người Hồi giáo Uighur vốn có quan hệ văn hóa và tôn giáo gần gũi với người Thổ.

Khoảng 100 lãnh đạo kinh doanh và nhà đầu tư Thổ Nhĩ Kỳ tháp tùng ông Erdogan trong chuyến đi kết thúc vào thứ Năm 30/7.

Phóng viên BBC John Sudworth tại Bắc Kinh nói chuyến đi này phản ánh tầm quan trọng ngày càng lớn của quan hệ thương mại song phương, nay đã lên tới 24 tỉ đôla/năm.

Khủng hoảng biên giới hiện tại giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria có thể cũng khiến cho lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cân nhắc lại kế hoạch mua hệ thống tên lửa tầm xa của Trung Quốc, vốn đã đề xuất nhưng chưa thực hiện được vì gây quan ngại trong các nước thành viên Nato.

Chuyến thăm của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cũng diễn ra sau nhiều tuần có biểu tình tại Istanbul và Ankara để phản đối chính sách đối xử bị cho là cứng rắn của Bắc Kinh đối với cộng đồng người Uighur.

Các cuộc biểu tình này nổ ra sau khi một nhóm người Uighur bị Thái Lan trục xuất về Trung Quốc theo yêu cầu của Bắc Kinh, mà các tổ chức nhân quyền nói sẽ khiến những người này bị đàn áp; cũng như sau khi có tin Trung Quốc cấm người Uighur nhịn ăn trong tháng chay Ramadan.

Trung Quốc bác bỏ các cáo buộc trên và nói những người bị trục xuất là người nhập cư bất hợp pháp. - BBC
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
Ngoại trưởng, Bộ trưởng Năng lượng Mỹ lại ra điều trần trước Hạ viện

Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ John Kerry và Bộ trưởng Năng lượng Ernest Moniz lại ra trước một uỷ ban quốc hội hôm 28/7, giữa lúc hai ông tiếp tục các nỗ lực nhằm tranh thủ sự ủng hộ của các nhà lập pháp còn hoài nghi và đang thẩm định thoả thuận hạt nhân với Iran.

Quốc hội còn khoảng 7 tuần trong hạn thời gian 60 ngày để xem xét thoả thuận sẽ hạn chế chương trình hạt nhân của Iran để đánh đổi việc nới lỏng các biện pháp chế tài tài chính gây nhiều thiệt hại cho Iran. Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã phê chuẩn các điều kiện của thoả thuận hồi tuần trước, đặt ra một thời biểu có thể chứng kiến việc tháo dỡ biện pháp chế tài trước cuối năm nay.

Hai ông Kerry và Moniz đã nhiều lần gặp gỡ các giới chức Iran để trước đây trong tháng, chung kết thoả thuận hạt nhân mà họ đã vận động từ lâu, sẽ ra điều trần trước Uỷ ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, cùng với Bộ trưởng Tài chính Jacob Lew.

Cả ba vị Bộ trưởng đã tham dự một cuộc điều trần tương tự trước Uỷ ban Đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ hồi tuần trước. Tại đây, ông Kerry nói bác bỏ thoả thuận này là quay lưng với cơ hội tốt nhất để giải quyết hoà bình vấn đề về hoạt động hạt nhân của Iran.

Tổng Thống Barack Obama đã thề sẽ phủ quyết bất cứ biện pháp nào để bác bỏ thoả thuận hạt nhân này, và điều đó có nghĩa là cả lưỡng viện quốc hội phải hội đủ 2 phần 3 đa số mới có thể vượt qua được phủ quyết của tổng thống, để khước từ việc tháo gỡ các biện pháp chế tài do quốc hội áp đặt trước đây.

Trước cuộc điều trần hôm nay, Dân biểu Ed Royce, Chủ tịch Uỷ ban đối ngoại Hạ viện Mỹ, nói thoả thuận này có ‘những sự thiếu sót và phải được xem xét rất kỹ lưỡng’. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

4.
Trung Quốc cứu 48 thuyền viên Việt Nam

48 thuyền viên Việt Nam trên 6 tàu chở hàng đã được cứu ở ngoài khơi phía nam khu tự trị Quảng Tây ở Trung Quốc, lực lượng biên phòng nước này cho biết hôm 28/7.

Các tàu của Việt Nam đã bị lật hoặc mắc cạn chiều 28/7 tại vùng biển gần thành phố Phòng Thành Cảng do mưa bão và sóng lớn. Một số thủy thủ bị ngã xuống nước và một số bị kẹt lại trên con tàu bị mắc cạn.

Biên phòng địa phương cùng với nhân viên hàng hải và ngư dân đã bất chấp mưa lớn và gió mạnh để tiếp cận khu vực có thủy thủ gặp nạn và cứu 41 thuyền viên Việt vào buổi tối cùng ngày.

Sáng 28/7, 7 thuyền viên khác được cứu từ buồng lái của một con tàu mắc cạn sau khi những cơn sóng lớn rút đi.

Cũng liên quan đến tình hình mưa lũ ở phía bên kia biên giới - ít nhất 14 người đã thiệt mạng trong trận lũ tồi tệ nhất trong vòng 40 năm trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, nơi có khu du lịch vịnh Hạ Long được UNESCO xếp hạng di sản thiên nhiên thế giới.

Trang tin VnExpress của Việt Nam dẫn lời ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, hiện tại Quân khu 3 đã điều động bộ đội, xe đặc chủng xuống địa bàn, đưa người dân di chuyển khỏi vùng dễ sạt lở. Bộ Tư lệnh Hải quân cũng cử lực lượng xuống địa bàn tham gia cứu hộ cứu nạn.

Một quan chức cứu trợ thiên tai cho biết ba người bị mất tích và một số khách du lịch địa phương vẫn còn mắc kẹt gần đảo Cô Tô, khu vực bị cô lập khỏi đất liền do mưa xối xả.

Quan chức này yêu cầu giấu tên và cho biết thêm: “Chúng tôi không có bất kỳ thông tin nào về người khách du lịch nước ngoài có thể đã bị mắc kẹt tại các khu vực bị ảnh hưởng”.

Lượng mưa đo được ở Thành phố Hạ Long lên đến 500mm (khoảng 20 inches) chỉ riêng trong ngày Chủ Nhật.

Trang web của tỉnh Quảng Ninh cũng cho biết hàng ngàn binh lính đã được huy động để giúp người dân địa phương sơ tán khỏi khu vực bị ngập lụt và lở đất.

Hàng năm, Việt Nam phải hứng chịu hàng chục cơn bão nhưng từ đầu năm 2015 đến nay chưa bị ảnh hưởng trực tiếp bởi bất kỳ cơn bão lớn nào. - VOA
|
|

5.
Thủ tướng Anh 'thúc đẩy đầu tư' ở Việt Nam

Trong chuyến thăm Việt Nam hai ngày 29 và 30/7, Thủ tướng Anh David Cameron sẽ tham dự các hoạt động thúc đẩy đầu tư tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Sau khi đặt chân xuống sân bay Nội Bài vào khoảng 4 giờ chiều ngày thứ Tư 29/7, ông David Cameron lập tức có chuyến thăm xưởng sửa chữa và bảo dưỡng máy bay của công ty Kỹ thuật Máy bay Hàng không Việt Nam (VAECO).

Sau đó ông sẽ dự lễ đón chính thức tại Phủ Chủ tịch trước khi hội đàm với Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng tại Văn phòng Chính phủ.

Thủ tướng Anh sẽ đi TP HCM vào tối cùng ngày.

Sáng hôm thứ Năm 30/7, tại TP HCM, Thủ tướng Anh sẽ tham dự diễn đàn doanh nghiệp Việt-Anh tại khách sạn Le Meridien Saigon và sau đó gặp ông Lê Thanh Hải, Bí thư Thành ủy.

Ông cũng dành thời gian tham dự một sự kiện công nghệ tài chính và gặp gỡ các nhà đầu tư Anh và Việt Nam tại sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM.

Đầu giờ chiều 30/7, ông David Cameron sẽ kết thúc chuyến thăm Việt Nam.

Đây là lần đầu tiên một Thủ tướng Anh đến thăm chính thức Việt Nam.

Website của Chính phủ Việt Nam cho hay Việt Nam và Anh thiết lập quan hệ ngoại giao cấp đại sứ ngày 11/9/1973. Tuy nhiên, quan hệ giữa hai nước chỉ thực sự phát triển từ giữa thập kỷ 1990.

Về đầu tư, Anh hiện đang đứng thứ ba trong số các nước EU đầu tư vào Việt Nam, với 204 dự án có tổng số vốn đầu tư 3,18 tỷ đôla (chiếm 16,2% tổng vốn đầu tư của EU tại Việt Nam), theo thông tin do Hội hữu nghị Việt-Anh cung cấp.

Bên cạnh quan hệ thương mại, vấn đề người nhập cư lậu từ Việt Nam vào Anh để làm việc trong các trại cần sa và các nghề phi pháp khác cũng là đề tài giới chức hai bên bàn thảo.

Trang web của Phủ Thủ tướng Anh hôm 29/07 nói "trong chuyến thăm tới Việt Nam ngày hôm nay, Thủ tướng David Cameron sẽ nói về nỗ lực "chống nạn nô lệ với các biện pháp mới được đưa vào thực hiện":

"Thủ tướng sẽ tìm cách tăng cường hợp tác đã có với phía Việt Nam để chống nạn buôn người..."

"Một phần nỗ lực của chính phủ Anh nhằm dẫn đầu cuộc chiến ngăn chặn nạn nô lệ thời hiện đại, Anh Quốc muốn làm nhiều hơn cùng Việt Nam - nước hàng đầu về nguồn ra đi - để ngăn chặn các cá nhân khỏi bị khai thác, và cùng hỗ trợ nạn nhân."

"Điều này sẽ được xây dựng trên nền tảng đã có là hợp tác giữa Cơ quan chống tội phạm quốc gia Anh và cơ quan hành pháp Việt Nam để phá các đường dây buôn bán tệ nạn khủng khiếp này."

Trang web này cũng cho hay rằng Cao ủy chống nạn nô lệ ở Anh, ông Kevin Hyland, sẽ dẫn đầu một phái đoàn tìm hiểu tình hình sang Việt Nam vào mùa thu này để xác định Anh Quốc có thể làm gì hơn nữa để hợp tác trong lĩnh vực này. - BBC
|
|

6.
Báo Hồng Kông: Đầu tháng 9 ông Nguyễn Phú Trọng thăm Nhật

Theo tờ South China Morning Post, số ra ngày hôm nay, 29/07/2015, các nguồn thạo tin từ Việt Nam và Nhật Bản cho biết, hai nước đang chuẩn bị cho chuyến thăm Tokyo của Tổng Bí thư đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng.

 Các nguồn tin có liên hệ với đảng Cộng sản Việt Nam, vào hôm qua, nói rằng chuyến công du của ông Trọng có thể diễn ra vào đầu tháng Chín tới.

Trong tháng Bảy, ông Nguyễn Phú Trọng đã công du Hoa Kỳ, là lãnh đạo đầu tiên của đảng Cộng sản Việt Nam thăm nước Mỹ, kể từ khi kết thúc chiến tranh Việt Nam. Ông đã được Tổng thống Mỹ Barack Obama tiếp tại Nhà Trắng và hai bên đã bày tỏ quan ngại về các hành động đòi hỏi chủ quyền, lãnh thổ của Trung Quốc tại Biển Đông và cho rằng các hành động đó của Bắc Kinh không phù hợp với luật pháp quốc tế.

Theo nhận định của South China Morning Post, chuyến đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dường như nhằm trắc nghiệm phản ứng của Trung Quốc trong bối cảnh Việt Nam và Trung Quốc có tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông.

Tháng 04/2009, ông Nông Đức Mạnh, trong tư cách Tổng Bí thư, đã công du Nhật Bản. Đầu tháng Bẩy vừa qua, khi công du Tokyo, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã cho biết là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mong muốn công du Nhật Bản. Năm ngoái, khi công du Nhật Bản, Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang đã đồng ý nâng quan hệ song phương lên thành Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện.

Nhằm đối phó với thái độ quyết đoán của Trung Quốc khẳng định chủ quyền tại các vùng có tranh chấp ở Biển Đông, Việt Nam đã tăng cường hợp tác an ninh hàng hải với Nhật Bản. Năm 2014, Tokyo và Hà Nội đã đạt thỏa thuận về việc Nhật Bản cung cấp 6 tàu tuần duyên cho Việt Nam. Gần đây, các tàu chiến và máy bay trinh thám P-3C của Nhật đã tới thăm Việt Nam.

Nhật Bản là nhà tài trợ lớn nhất của Việt Nam và là đối tác thương mại đứng hàng thứ tư của Việt Nam. Hai nước có quan hệ chặt chẽ trong lĩnh vực chính trị và kinh tế.

Trước khi công du Hoa Kỳ, ông Nguyễn Phú Trọng đã thăm Trung Quốc hồi tháng Tư và trong chuyến đi này, lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam bày tỏ lo ngại là tình hình căng thẳng ở Biển Đông có thể ảnh hưởng đến mối bang giao giữa hai nước. - RFI

No comments:

Post a Comment