Tin Thế Giới
1.
Đàm phán hạt nhân Iran đạt thỏa thuận lịch sử --- Thỏa thuận hạt nhân Iran đối mặt với các cuộc biểu quyết ở Quốc hội Mỹ
Các cường quốc thế giới vừa đạt được một thỏa thuận với Iran nhằm hạn chế chương trình hạt nhân của nước này để đổi lấy việc nới lỏng các biện pháp chế tài kinh tế, chấm dứt hơn một thập niên thương thuyết đầy sóng gió. Thông tín viên Victoria Macchi của đài VOA tường thuật từ Vienna.
Tổng thống Obama tuyên bố “Thỏa thuận này chứng tỏ hoạt động ngoại giao của Mỹ có thể đem lại những thay đổi thực sự và có ý nghĩa.”
Tổng thống cho biết đây là “một thỏa thuận toàn diện, dài hạn với Iran để ngăn chặn Iran thủ đắc một vũ khí hạt nhân.” Tổng thống nói thêm rằng ông sẽ phủ quyết mọi dự luật tại Quốc hội Hoa Kỳ ngăn chặn thỏa thuận này.
Ông Obama lên tiếng ngày hôm nay sau khi thỏa thuận được loan báo ở Vienna bởi Trưởng ban đối ngoại EU Federica Mogherini và Ngoại trưởng Iran Javad Zarif tiếp theo nhiều tuần lễ đàm phán ngày đêm để chung quyết các chi tiết của thỏa thuận, cắt giảm chương trình hạt nhân của Tehran và đòi hỏi sự giám sát của cơ quan hạt nhân Liên Hiệp Quốc.
Bà Mogherini nói thỏa thuận là quân bình và tôn trọng lợi ích của tất cả các bên tham gia đàm phán. Bà mô tả thỏa thuận là phức tạp, chi tiết và có tính kỹ thuật.
Sau khi phát biểu ở Vienna, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif đã nói chuyện với đám đông ký giả bằng tiếng Ba Tư. Ông cho biết ông đang lập lại những gì bà Mogherini vừa tuyên bố bằng Anh ngữ.
Trước cuộc họp báo, bà Mogherini nói “Đây là một quyết định có thể mở đường cho một chương mới về quan hệ quốc tế và chứng tỏ ngoại giao, phối hợp, hợp tác có thể khắc phục hàng chục năm căng thẳng và đối đầu.”
Ông Zarif gọi thỏa thuận là một thắng lợi cho cả Iran lẫn nhóm P5+1 -- gồm Anh, Trung Quốc, Pháp, Nga và Hoa Kỳ, cộng với Đức.
Trong bài phát biểu trên truyền hình, Tổng thống Iran Hassan Rouhani ca ngợi thỏa thuận và nói “một chương mới” đã bắt đầu trong bang giao với thế giới.
Thỏa thuận
Thỏa thuận sẽ hạn chế khả năng phát triển vũ khí hạt nhân của Iran trong khi cho phép nước này duy trì một chương trình hạt nhân dân sự, một phần qua việc cắt giảm đáng kể con số máy ly tâm hiện đại của Tehran, theo lời các giới chức cấp cao trong chính quyền Hoa Kỳ.
Một điểm gai góc trong suốt cuộc đàm phán – là sự tiếp cận của các thanh sát viên đối với các địa điểm hạt nhân của Iran – đã được giải quyết với việc thiết lập một cơ chế cho phép Liên Hiệp Quốc đưa ra những đòi hỏi là họ muốn tới nơi nào để kiểm tra, nhưng Iran có quyền không tuân hành ngay tức thời. Thay vì thế, Iran sẽ được phép chống đối lời yêu cầu qua thủ tục trọng tài.
Thỏa thuận cũng tìm cách giải quyết các lệnh cấm vận của Liên Hiệp Quốc về vũ khí quy ước, mà Iran với sự hậu thuẫn của Nga, tìm cách đòi bãi bỏ. Thỏa thuận giữ nguyên lệnh cấm vận vũ khí thêm 5 năm nữa và cấm phi đạn trong 8 năm, nhưng có thể chấm dứt sớm hơn nếu Cơ quan Nguyên tử năng Quốc tế IAEA xác định rằng Iran đã đạt được các mục tiêu của thỏa thuận có liên quan đến việc bãi bỏ mọi công trình hiện nay hướng tới vũ khí hạt nhân – một lời cáo buộc mà Tehran nhiều lần phủ nhận.
Đổi lại, các nước P5+1 đồng ý bãi bỏ chế tài kinh tế đối với Iran ngay khi Iran tuân thủ các yêu cầu của thỏa thuận hạt nhân.
Cố gắng phút chót
Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry đã nói chuyện với Tổng thống Barack Obama ngay trước nửa đêm để thảo luận về thỏa thuận mà nhà ngoại giao hàng đầu này đã thúc đẩy qua nhiều vòng thương thuyết ráo riết.
Đã có lúc, ông Zarif, bà Mogherini và ông Kerry yêu cầu tất cả các nhân viên rời khỏi bàn thương nghị ở Điện Coburg, nơi trong hơn 2 tuần lễ nhóm này đã thảo luận để đạt được sự đồng thuận về các chi tiết đe dọa làm chệch hướng thỏa thuận.
Một giới chức cấp cao của Hoa Kỳ cho biết đến tảng sáng, vào lúc thỏa thuận phần lớn đã được chung quyết, các nhà thương thuyết đã mệt nhoài, không còn sức mà ăn mừng “thắng lợi.”
Các cuộc thương nghị ở Vienna đã kéo dài qua nhiều kỳ hạn vào lúc hai bên thảo luận về những vấn đề quan trọng như sự tiếp cận mà các thanh sát viên sẽ có đối với các địa điểm của Iran để bảo đảm rằng chính phủ nước này tuân hành thỏa thuận, cũng như tiến độ của việc bãi bỏ các biện pháp chế tài.
Những trở ngại phía trước
Thỏa thuận hôm thứ ba tiêu biểu cho một thỏa hiệp lịch sử sau 12 năm giằng co mà có những lúc đã đe dọa khơi ra một cuộc xung đột mới ở Trung Đông. Thỏa thuận sẽ chỉ có hiệu lực sau khi vượt qua nhiều trở ngại ở Washington cũng như ở Tehran. Các thành phần bảo thủ ở cả hai thủ đô đều chống lại những thỏa hiệp cần có để đạt được thỏa thuận.
Trở ngại lớn nhất sẽ là Quốc hội Hoa Kỳ, nơi các đảng viên Cộng hòa chiếm thế đa số và theo dự kiến sẽ bỏ phiếu chống thỏa thuận sau thời hạn xét duyệt 60 ngày. Tổng thống Obama dự kiến sẽ phủ quyết mọi cuộc biểu quyết chống lại thỏa thuận.
Trong khi đó hôm nay, Iran và cơ quan theo dõi hạt nhân của Liên Hiệp Quốc đã ký một thỏa thuận nhằm giải đáp những câu hỏi về khía cạnh quân sự trong chương trình hạt nhân của Iran.
Từ nhiều năm nay, Cơ quan Nguyên tử năng Quốc tế IAEA đã cố gắng tìm ra những lời giải đáp trong cuộc điều tra, kể cả việc tiếp cận địa điểm quân sự Parchin, nhưng đã vấp phải sự chống đối của Iran.
Người đứng đầu IAEA Yukyia Amano nói lộ đồ của các cuộc họp cấp chuyên gia và các tiết mục có liên quan đến Parchin ắt sẽ giúp ông công bố một bản phúc trình với phần thẩm định chung quyết của cơ quan trước trung tuần tháng 12.
Ông nói “Đây là một bước quan trọng tiến tới việc xác minh những vấn đề còn tồn đọng có liên quan đến chương trình hạt nhân Iran.” - VOA
***
Thỏa thuận hạt nhân Iran đang đối mặt với những chướng ngại ở Washington. Đó là các cuộc biểu quyết tại lưỡng viện quốc hội Mỹ do đảng Cộng hòa kiểm soát.
Thỏa thuận được loan báo hôm nay tại Vienna không phải là một hiệp ước chính thức với Iran. Vì thế cho nên thỏa thuận này không cần có sự phê chuẩn với đa số 2/3 của Thượng viện.
Tuy nhiên, Quốc hội đã thông qua và Tổng thống Obama đã ký ban hành một đạo luật dành cho các nhà lập pháp 30 ngày để chấp thuận hoặc bác bỏ một thoả thuận với đa số quá bán.
Một số các nhà lập pháp đã tỏ ý chống đối thoả thuận này trước khi các điều khoản của thỏa thuận được đúc kết. Thượng nghị sĩ Cộng hòa Tom Cotton hôm chủ nhật vừa qua phát biểu trên đài truyền hình ABC rằng “Iran là một chế độ ngoài vòng pháp luật, chuyên chống phá nước Mỹ và bảo trợ cho các hoạt động khủng bố".
Ông nói thêm “Iran cần phải đối mặt một sự chọn lựa đơn giản: họ phải tháo dỡ hoàn toàn chương trình hạt nhân của họ, nếu không muốn phải đối mặt với sự tàn phá kinh tế và sự tiêu diệt các cơ sở hạt nhân của họ bằng phương tiện quân sự".
Ông Cotton có thể nói là người chống đối Iran kịch liệt nhất tại Quốc hội, nhưng ông không phải là người duy nhất.
Thượng nghị sĩ Lindsey Graham cho rằng “Nếu Hoa Kỳ không có ý chí kiên quyết để ngăn không cho Iran có được những vũ khí như vậy, Iran sẽ làm bùng ra một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực ít ổn định nhất trên trái đất, làm tăng thêm khả năng là những người muốn phạm tội diệt chủng sẽ có được những phương tiện hữu hiệu nhất để phạm tội".
Ông Graham đã nhận định như vậy sau khi chính thức loan báo ý định tranh cử tổng thống hồi tháng trước.
Thượng nghị sĩ Dân chủ Ben Cardin cho rằng “Giải pháp tốt nhất là có được một hiệp định mạnh mẽ". Khi xuất hiện trên đài truyền hình ABC hôm chủ nhật vừa qua, ông hứa sẽ xem xét thật kỹ lưỡng thoả thuận hạt nhân với Iran và cho biết “Chúng ta sẽ có thể nhận thấy phải chăng chúng ta sẽ có những cuộc kiểm tra không bị hạn chế, phải chăng sự tháo dỡ các biện pháp chế tài được tiến hành một cách tương xứng với những tiến bộ mà Iran có được để từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân".
Ông David Albright, một nhà phân tích của Viện Khoa học và An ninh Quốc tế, cho rằng sự duyệt xét của quốc hội đối với thỏa thuận hạt nhân Iran là cần thiết. Tại cuộc điều trần mới đây trước Quốc hội, ông nói “Vì có ảnh hưởng đáng kể đối với an ninh quốc gia của Mỹ, nên hiệp định này cần có sự duyệt xét đặc biệt kỹ lưỡng của quốc hội; và sự duyệt xét đó không nên chỉ đưa tới một cuộc biểu quyết hoặc chấp thuận hoặc bác bỏ, mà nó còn phải đưa tới những hoạt động lập pháp để xác định một cách rõ ràng và chi tiết những điều khoản của hiệp định". - VOA
|
|
2.
Google xóa tên TQ khỏi bãi cạn Scarborough tranh chấp với Philippines
Google đã loại bỏ tên gọi theo tiếng Trung Quốc của bãi cạn Scarborough sau chỉ trích của nhiều người Philippines.
Google Maps nay dùng từ quốc tế Scarborough Shoal để chỉ bãi cạn Scarborough.
Trung Quốc và Philippines tranh chấp chủ quyền bãi cạn này.
Google Maps xóa bỏ tên tiếng Hoa sau đợt vận động trên mạng cho rằng tên Hoàng Nham (Huangyan) mà Trung Quốc dùng làm tăng sức mạnh cho đòi hỏi của Bắc Kinh.
Bãi cạn Scarborough là địa điểm đối đầu giữa Philippines và Trung Quốc đầu năm 2012.
Khi đó suốt nhiều tuần, tàu của hai nước có mặt tại khu vực.
Thông cáo của Google gửi cho BBC nói: “Chúng tôi hiểu tên gọi địa lý có thể tạo nên xúc cảm sâu sắc, vì thế chúng tôi có ngay hành động khi được cho biết.” - BBC
***
Google đã kín đáo thay đổi tên gọi của một rạn san hô trên Biển Đông đang có tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines. Từ hôm qua, 13/07/2015, trang Google Maps đã sử dụng tên quốc tế Scarborough đối với rạn san hô giầu nguồn hải sản này.
Trước đó, Google Maps gắn liền tên đảo san hô Scarborough với quần đảo Trung Sa (Zhongsha) thuộc Trung Quốc. Sự "nhầm lẫn" này đã gây nên một làn sóng phẫn nộ tại Philippines.
Chi nhánh của Google tại thủ đô Manila cải chính: "Chúng tôi đã cập nhật Google Maps để giải quyết vấn đề này. Chúng tôi hiểu rõ tên địa danh có thể gây nên nhiều xúc động, vì vậy, chúng tôi đã sửa đổi ngay khi được thông báo".
Đảo san hô Scarborough cách khoảng 220 km hòn đảo lớn Luzon của quần đảo Philippines và cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) tới 650 km.
Manila khẳng định đảo san hô Scarborough thuộc vùng đặc quyền kinh tế Philippines và tố cáo hải quân Trung Quốc liên tục quấy rối ngư dân Philippines hoạt động đánh bắt tại đây, thậm chí cả những chuyến bay trên khu vực này.
Từ năm 2012, Trung Quốc kiểm soát khu vực đảo Scarborough và liên tục thực hiện các hành vi bồi đắp đảo nhân tạo. Tuần trước, Tòa án Trọng tài Thường trực Liên Hiệp Quốc tại La Haye đã bắt đầu nghe chính phủ Philippines điều trần về vụ kiện Trung Quốc xâm chiếm lãnh hải ở vùng Biển Đông, nơi có nhiều tuyến vận tải đường biển quan trọng đối với thương mại thế giới. - RFI
|
|
3.
Philippines lạc quan về vụ kiện Trung Quốc
Một toà án quốc tế hồi tuần trước đã khai mạc phiên toà để phân xử vụ tranh chấp lãnh thổ giữa Philippines với Trung Quốc ở Biển Đông. Bắc Kinh từ chối tham gia vụ kiện nhưng phiên toà vẫn tiếp diễn; và các giới chức Philippines cho biết họ lạc quan về vụ kiện nhằm khẳng định là dựa theo luật pháp quốc tế họ có quyền khai thác các bãi san hô, đảo nhỏ và bãi cạn nằm trong hải phận kinh tế của mình. Thông tín viên Simone Orendain của đài VOA tường thuật từ Manila.
Năm vị thẩm phán của toà án có hai vấn đề then chốt để quyết định. Thứ nhất là việc giải quyết vụ tranh chấp này có nằm trong phạm vi quyền hạn của họ hay không. Nếu có, họ sẽ quyết định về yêu cầu của Philippines đòi họ tuyên bố vô hiệu hoá đường 9 đoạn của Trung Quốc, tức là đường lưỡi bò mà Bắc Kinh dùng để chứng tỏ các yêu sách chủ quyền của mình.
Giải quyết tranh chấp
Sau các phiên toà hồi tuần trước, toà án ở La Haye đã yêu cầu cả Bắc Kinh lẫn Manila cung cấp thêm thông tin.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines Charles Rose cho biết các vị thẩm phán đưa ra những câu hỏi rất cặn kẽ.
"Ngay từ lúc đầu chúng tôi đã cật lực làm việc để chuẩn bị cho vụ này, cho vụ kiện trọng tài này; và thưa quí vị, chúng tôi lạc quan dè dặt và dĩ nhiên là chúng tôi tin rằng toà án có quyền quản hạt đối với vụ án này."
Trình bày lập luận
Philippines cho rằng toà án này được trao cho quyền hạn để xác định các quyền của Manila bên trong khu vực đặc quyền kinh tế của mình dựa theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982, mà cả Philippines lẫn Trung Quốc đều đã ký kết.
Trung Quốc lập luận rằng vụ kiện này là để xác định chủ quyền quốc gia, một vấn đề nằm ngoài phạm vi quyền hạn của toà án trọng tài.
Mặc dù Bắc Kinh không trực tiếp tham gia tiến trình tố tụng, toà án trọng tài tuyên bố họ đang xem xét tới tất cả những thông tin hay phát biểu của Trung Quốc, kể cả một bạch thư về lập trường mà Bắc Kinh công bố hồi tháng 12 năm ngoái. Trung Quốc được dành cho thời hạn chót là ngày 17 tháng 8 để nộp phúc đáp trên văn bản cho toà án.
Ông Rommel Banlaoi, Giám đốc Viện Nghiên cứu Hoà bình, Bạo động và Khủng bố Philippines, nhận định như sau về những diễn tiến mới nhất của vụ kiện.
"Toà án đang xử lý vụ kiện với thái độ hết sức thận trọng, bởi vì đây là lần đầu tiên toà án thụ lý một vụ kiện loại này; và quyết định của họ sẽ có những ảnh hưởng vô cùng to lớn đối với thế giới chứ không riêng gì Philippines."
Tại cuộc họp báo thường lệ ở Bắc Kinh ngày hôm nay, nữ phát ngôn viên bộ ngoại giao Trung Quốc nói rằng thay vì kiện tụng, Philippines nên thông qua điều bà gọi là “hiệp thương” với Bắc Kinh để giải quyết những vụ tranh chấp.
Hội đồng trọng tài
Đây là lần đầu tiên vụ tranh chấp Biển Đông được xử lý bởi một cơ quan quốc tế, và việc này diễn ra vào một thời điểm mà Trung Quốc đang ráo riết xây dựng những hòn đảo nhân tạo tại những bãi cạn có tranh chấp ở Biển Đông để thiết lập các cơ sở có thể dùng cho những mục tiêu quân sự.
Toà án ở La Haye cho biết họ dự kiến đưa ra phán quyết đối với vấn đề phạm vi quyền hạn trước cuối năm nay.
Manila cho rằng yêu sách của Trung Quốc đối với khoảng 80 diện tích Biển Đông là “quá đáng”. Nhưng Bắc Kinh nói rằng họ có “chủ quyền không thể tranh cãi” đối với các hòn đảo ở vùng biển này dựa trên những tài liệu lịch sử.
Philippines đang chuẩn bị để nộp phúc đáp bằng văn bản trước ngày 23 tháng 7 đối với những câu hỏi mà toà án đã nêu ra tại phiên toà. - VOA
|
|
4.
Hy Lạp thoát hiểm nhưng đối mặt với nhiều khó khăn
Tiếp theo những cuộc thương thuyết cấp tập trong vài ngày, các nhà lãnh đạo Châu Âu ngày hôm qua loan báo một thỏa thuận để cung cấp cho Hy Lạp một khoản tiền cứu nguy khác nữa. Đây là khoản tiền cứu nguy thứ 3 trong vòng 5 năm và có mục đích làm cho Hy Lạp tiếp tục ở lại trong khối 19 nước dùng đồng euro. Tuy nhiên, dù có những dấu hiệu nhẹ nhõm tại Châu Âu và thị trường tài chánh—các chuyên gia nói bây giờ là bắt đầu những chuyện khó khăn. Thông tín viên Mil Arcega của đài VOA tường thuật.
Dựa trên phản ứng của thị trường tài chánh, thì đây là một thỏa thuận tốt. Tiền cứu nguy lần thứ ba của Châu Âu dành cho Hy Lạp trị giá gần 90 tỉ euro. Tuy nhiên các nhà lập pháp Hy Lạp chưa phê chuẩn các điều khoản của thỏa thuận - trong đó có việc cắt giảm thêm chi tiêu, tăng thuế và tư hữu hóa các tài sản của chính phủ.
Ông Cristino Arroyo, giáo sư Kinh tế Quốc tế trường đại học Johns Hopkins, cho đài VOA biết rằng đây là phần dễ:
“Phần thực sự khó là bên cạnh những cải cách được yêu cầu thực hiện, Hy Lạp còn phải tìm kiếm những con đường để tăng trưởng và đó chính là thách thức thực sự.”
Ngay cả trong trường hợp quốc hội Hy Lạp phê chuẩn thỏa thuận, đây cũng là một việc làm vô cùng khó khăn đối với một nước vẫn còn phải cố gắng thoát ra khỏi cuộc suy thoái trầm trọng. Nhà phân tích thị trường Mike Ingram của công ty tài chánh BGC nói cắt giảm thêm chi tiêu sẽ không mang lại tăng trưởng đủ để giảm bớt khoản nợ đang gia tăng một cách nhanh chóng của Hy Lạp.
“Chúng ta sẽ thấy việc cắt giảm thêm nữa các khoản công chi. Sẽ có thêm rất nhiều những biện pháp thắt lưng buộc bụng, có thể là kéo dài mãi mãi.”
Kinh tế gia Robert Kahn thuộc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại nói nếu không có kế hoạch để tạo ra tăng trưởng cho nền kinh tế thiếu tiền mặt của Hy Lạp, khoản cứu nguy mới nhất chỉ là một biện pháp vá víu, tạm bợ.
“Ngay cả khi chúng ta có được một thỏa thuận, tôi e rằng đây không khác gì một hành động ‘đá cái lon lăn về phía trước’ và mua thêm thời gian, thay vì thật sự áp dụng những chính sách có thể giúp Hy Lạp tăng trưởng trở lại.”
Đức, chủ nợ lớn nhất của Hy Lạp, đã bị chỉ trích vì đòi Athens cắt giảm chi tiêu thêm nữa để đổi lấy khoản tiền cứu nguy. Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết vẫn còn có chỗ để thỏa hiệp.
“Trong trường hợp cần thiết, khối sử dụng đồng Euro sẵn sàng cho vay những món nợ với thời hạn ưu đãi dài hơn và thời hạn trả nợ lâu hơn. Chúng tôi sẽ thảo luận về điều này, sau khi cuộc duyệt xét lần thứ nhất đối với chương trình mới cho Hy Lạp được thành công.”
Tuy các ngân hàng Hy Lạp vẫn đóng cửa trong tuần này - một số bộ trưởng tài chánh đã thở phào nhẹ nhỏm vì những cuộc thương thuyết đã tạm thời làm cho Hy Lạp không rời khỏi khối euro, một diễn tiến có thể gây ra nhiều sự bất ổn. Một số bộ trưởng cho rằng thách thức lớn nhất trong những tuần lễ tới đây là làm thế nào để xây dựng sự tin tưởng giữa Athens và 18 nước khác của khu vực đồng euro. - VOA
|
|
Tin Việt Nam
5.
Báo chí Việt-Trung khẩu chiến về chuyến đi Mỹ của ông Trọng
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng kết thúc chuyến công du Mỹ cuối tuần trước, nhưng dư âm của chuyến đi này vẫn còn vang vọng trên báo chí Việt Nam và Trung Quốc.
Trong một bài xã luận mới đây về chuyến công du mang tính lịch sử của người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam, tờ Hoàn cầu Thời báo, một ấn phẩm của tờ Nhân dân Nhật Báo thuộc Đảng Cộng sản Trung Quốc, viết rằng Hà Nội “đang chịu sức ép chính trị ngày càng tăng từ Mỹ mà về lâu dài sẽ là một thách thức đối với sự ổn định của Việt Nam”.
Hoàn cầu Thời báo nói thêm: “Mối quan hệ thân cận hơn giữa Việt Nam và Mỹ một phần là nhằm đối phó với Trung Quốc, và kéo theo biện pháp trả đũa từ Trung Quốc. Điều này sẽ gây áp lực lên cả ba phía, và khi đó, Việt Nam có thể trở thành kẻ chịu thiệt hại nhiều nhất”.
Tờ báo có tư tưởng dân tộc chủ nghĩa viết thêm: “Cho tới nay, chưa có nước nào hưởng lợi từ việc lôi kéo Mỹ can thiệp vào cuộc tranh chấp với Trung Quốc, và việc này chắc chắn sẽ thất bại”.
Đáp lại, tờ PetroTimes của Việt Nam dẫn lời ý kiến chuyên gia gọi những bình luận này là “ngang ngược, láo xược, và gây mất đoàn kết quan hệ Việt-Trung".
Về những phản ứng có phần lớn tiếng của báo chí Trung Quốc đối với chuyến công du mang tính biểu tượng của ông Trọng, giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng của Đại học George Mason ở Mỹ nhận định:
“Trung Quốc dĩ nhiên quan tâm tới chuyện Việt Nam có đi với Trung Quốc không vì Việt Nam đóng một vị trí rất quan trọng chiến lược đối với Trung Quốc vì ở ngay cạnh Trung Quốc. Dĩ nhiên là họ phải quan tâm. Bất cứ có một triệu chứng gì mà Việt Nam hơi nghiêng về Mỹ là họ lại chỉ trích. Đó là điều dễ hiểu”.
Đây không phải là lần đầu tiên báo chí Việt-Trung khẩu chiến. Tháng trước, truyền thông của hai quốc gia cộng sản đã dùng những ngôn từ không hề kiêng nể để đả kích nhau liên quan tới chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter.
Trong chuyến công du Hoa Kỳ kết thúc hôm 11/7, ông Nguyễn Phú Trọng đã được Tổng thống Barack Obama tiếp đón tại phòng Bầu dục ở Nhà Trắng cũng như được Phó Tổng thống Joe Biden mở tiệc khoản đãi.
Về kết quả của chuyến đi, giáo sư Hùng nhận định:
“Tôi nghĩ rằng ít nhất nó cũng đặt một nền tảng tốt. Từ xưa, ở Việt Nam luôn luôn có một sự mâu thuẫn và chia rẽ hay khác biệt giữa một phe muốn mở cửa đi với các nước Tây phương, và một phe rất e ngại, muốn đi với Trung Quốc về phương diện ý thức hệ. Cái phe đó là phe đảng. Lần này ông Trọng đại diện cho đảng đã nói lên chuyện đó thì có nghĩa ít nhất chúng ta thấy có sự đồng thuận ở Việt Nam rõ rệt là dùng Mỹ làm đối trọng với Trung Quốc. Chuyện đồng ý giữa đảng và nhà nước thì cũng đặt một nền tảng dễ dàng cho những lãnh tụ nối tiếp có sẵn căn bản đồng thuận đấy rồi họ sẽ tiến lên”.
Sau cuộc gặp với các nhà lãnh đạo cấp cao hai nước, chính phủ hai nước Hoa Kỳ và Việt Nam ra Tuyên bố chung về các lĩnh vực đã đạt được thỏa thuận và tầm nhìn chung cho tương lai.
Văn kiện này ghi nhận những phát triển tích cực và có thực chất trên nhiều lĩnh vực hợp tác trong 20 năm qua, như việc Hà Nội thông qua Sáng kiến An ninh chống Phổ biến vũ khí có sức hủy diệt hàng loạt; Hoa Kỳ dỡ bỏ một phần lệnh cấm bán vũ khí sát thương; việc ký kết Tuyên bố Tầm nhìn chung về Quan hệ Quốc phòng.
Hai nước khẳng định sẽ tăng cường thêm nữa Quan hệ Đối tác Toàn diện mà Tổng Thống Obama đã ký với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang năm 2013. - VOA
|
|
6.
Người phụ nữ bị máy xúc cán: Tôi may mắn thoát chết
Nạn nhân nằm dưới bánh của máy xúc trong đoạn video clip gây xôn xao dư luận tuần trước đã lên tiếng với VOA Việt Ngữ dù bà cho biết “mồm vẫn bị đau”.
Bà Lê Thị Châm bị máy xúc cán qua người khi cùng hàng chục người khác tới phản đối một dự án khu công nghiệp nằm ở huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương, hôm 10/7.
Một đoạn video ngắn lan truyền nhanh trên mạng xã hội cho thấy một nửa thân của người phụ nữ 54 tuổi này bị máy xúc đè lên, giữa những tiếng hô thất thanh: “Chết người rồi, chết người rồi, bà con ơi”.
Bà Châm kể lại sự việc với VOA Việt Ngữ từ giường bệnh ở Hà Nội:
“Tất cả là hơn 90 nhà chưa lấy tiền. Chúng tôi đi đến canh ruộng. Sáng hôm đấy, khi đấu tranh thì có một bọn ở đấy. Chúng tôi chả biết là dân đen hay là người của ấy. Tuy nhiên, có cái máy ủi, chúng tôi chặn. Đến lúc khi rơi cái lá cờ, tôi cúi xuống tôi nhặt. Tôi chưa nhặt kịp lên thì nó đâm vào tôi. Bao nhiêu người kêu gào mãi thì nó mới lùi lại. Lúc bấy giờ máu me ở mồm tôi chảy ra và tôi bất tỉnh. Từ lúc ấy là tôi không biết gì nữa. Hiện tôi bị gẫy tay và mồm bị gãy 4 chỗ”.
Bà Châm cho biết tình hình sức khỏe của bà hiện đã khá hơn. Về sự sống sót mà nhiều người coi là “không thể tin được”, khi bị máy xúc cán như vậy, nạn nhân nói có thể bà không thể sống nỗi nếu chỗ vụ việc xảy ra bằng phẳng.
“Cái bánh xe xúc cát nó ở chỗ cao chỗ trũng. Tôi nằm ở nửa trũng và nửa cao. Cái máy xúc ở trên cao nó cứ tiến lên tôi thôi. Tôi nằm ở chỗ trũng. Chứ hôm đấy mà ở chỗ bằng phẳng thì tôi không còn đến giờ,” bà nói tiếp.
Trong khi đó, ông Lê Huy Kiên, Chủ tịch xã Cẩm Điền, nơi xảy ra vụ việc, bác bỏ thông tin mà bà Châm đưa ra, giống như các tuyên bố của chính quyền địa phương đưa ra những ngày qua. Quan chức này nói với VOA Việt Ngữ:
“Không, không có chuyện đấy. Xe chèn qua thì chết lâu rồi. Xe mà chẹt qua thì chết, chứ sống thế nào được”.
Đáp lại, bà Châm nói rằng chính quyền địa phương đang tìm cách “vu khống” bà. “Tôi không bị như thế [xe ủi cán] thì tôi nằm viện để làm gì? Bao nhiêu người, ôtô, xe nó xuống cứu tôi đi đấy chứ”, người phụ nữ này nói với VOA Việt Ngữ.
Trong khi đó, báo chí Singapore hôm 13/7 dẫn lời phát ngôn viên của dự án Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore ở Hải Dương, nơi xảy ra vụ xô xát vì tranh chấp tiền đền bù đất, xác nhận có 2 người bị thương.
Ngoài bà Châm, người phát ngôn này cho biết người lái máy xúc cũng bị thương trong vụ này. Chưa rõ lý do vì sao người này bị thương, nhưng một số nguồn tin nói rằng ông này “bị đánh”.
Tin tức từ trong nước cho biết công an đã vào cuộc điều tra làm rõ vụ việc ở tỉnh Hải Dương. - VOA
No comments:
Post a Comment